Khủng Hoảng Kinh Tế Trung Cộng Hiện Nay Và Những Hệ Lụy Nghiêm Trọng

Nguyễn Bá Lộc 

Như nhiều người biết, Trung cộng (TC) đã làm được sự phát triển kinh tế “thần kỳ” trong vòng 40 năm. Từ một nước Cộng sản (CS) nghèo nàn, kinh tế TC sau khi “đổi mới” tiến rất nhanh lên hạng nhì thế giới về mặt Tổng sản lượng quốc gia (GDP), đã giải thoát 800 triệu dân vượt qua được mức nghèo đói (The Week, Sept/23/23), và đóng góp lớn cho kinh tế thế giới. Điều đặc biệt TC không phải chỉ đạt được sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, mà TC còn có những tiến bộ về khoa học kỹ thuật.

Nhưng dù có mức phát triển tốt, nhưng bản chất nền kinh tế nầy không bền vững và không có phẩm chất vì được vận hành trong một chế độ độc tài toàn trị, lại có tham vọng lãnh đạo thế giới, nền kinh tế TC đã đi xuống, và gần đây đang bị khủng hoảng.

Trong hoàn cảnh và bối cảnh của TC và thế giới hiện nay, cuộc khủng hoảng kinh tế rất phức tạp, nhiều thử thách cho TC. Nguyên nhân gần và rõ ràng là sự sụp đổ ngành địa ốc, nhưng sâu xa bên trong là từ chế độ, từ bộ máy công quyền, và từ tác động quốc tế.  Đây có thể là một bài học, một suy nghĩ, một kinh nghiệm, cho một số nước, trong đó có Hoa kỳ là quốc gia đang đối đầu với TC, cho Việt Nam, một nước có mô hình chánh trị kinh tế giống TC, và cho một số quốc gia đang phát triển chạy theo TC chánh yếu là vì tiền.

Để hiểu phần nào tình hình phức tạp của thế giới nhiều biến động hiện nay, tôi xin góp ý kiến tóm tắt về vấn đề được nêu ra, và đây cũng là phần bài để cập nhựt khảo luận trước kia về  Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung.

I. Hiện tình Khủng hoảng Kinh tế Trung cộng

Cuộc khủng hoảng kinh tế của TC hiện bắt đầu mạnh mẽ từ chỉ độ vài tháng nay, chánh yếu là do sự sụp đổ nhà đất và ngân hàng. Nhưng vấn nạn không phải chỉ giới hạn trong lãnh vực nầy, mà còn lan rộng hơn, sâu hơn tới nhiều lãnh vực kinh tế khác. Cho nên sự khủng hoảng kinh tế tại TC hiện nay phức tạp hơn so với những nước khác. Trong phần nầy có hai mục: Tóm lược tiến trình kinh tế TC và những lãnh vực kinh tế bị sụp đổ hiện nay.

1. Tóm lược tiến trình kinh tế TC từ khi “đổi mới” đến khủng hoảng hiện nay

Trước hết, để hiểu sự khủng hoảng hiện nay của TC, thiết nghĩ cần biết rất tóm tắt các điểm chánh từ khi nước nầy có sự chuyển đổi kinh tế quan trọng. (Chi tiết tôi đã trình bày trước kia).

Tóm tắt hai giai đoạn phát triển:

Giai đoạn thứ nhứt, thời Đặng tiểu Bình và hai Chủ tịch kế tiếp trước Tập cận Bình

Bước 1: Đặng Tiểu Bình (ĐTB) thay đổi mô hình kinh tế chỉ huy qua mô hình kinh tế hỗn hợp tư bản và XHCN (1978). Chủ trương phát triển kinh tế bằng mọi cách để thoát khỏi nghèo đói của chế độ CS. Ý tưởng thực tế của Đặng tiểu Bình điều hướng suốt cả thời kỳ ông và các người kế vị ông trước Tập cận Bình (TCB) là Giang trạch Dân và Hồ cẩm Đào. Hai “huấn thị” sách lược của ĐTB nhiều người còn nhớ là “mèo trắng mèo đen, mèo nào bắt được chuột là tốt”, hay “ẩn mình chờ thời”. ĐTB đã thành công, nhờ ba yếu tố chánh thuận lợi là: thứ nhứt, áp dụng phần“kinh tế thị trường”, thứ hai là nhờ công nhân rẻ, thứ ba là nhờ phong trào Toàn cầu hóa (Globalization) lúc đó phát triển rất mạnh. TC đã đạt mức phát triển cao, 12-14%. Nước Tàu mạnh dần, và cuộc sống người dân khá hơn nhiều.  TC chẳng những được tồn tại và chế độ đứng vững, mà từ đó phát triển các lãnh vực khác như khoa học kỹ thuật, quân sự, khoa học không gian, văn hóa, mà còn có địa vị cao về kinh tế và bang giao quốc tế.

Bước 2: Sau khi ĐTB chết, các người thừa kế ông, Giang trạch Dân , Hồ cẩm Đào, cách tổng quát vẫn theo chánh sách của ĐTB . Tiếp tục chiêu dụ và hợp tác với tư bản khắp nơi, gồm sức mạnh tư bản làm “nội lực” để chờ thời cơ. Trong nước xây dựng nhiều hạ tầng, cơ sở kinh tế qui mô lớn, và ngành địa ốc bùng phát mạnh từ đó. Về tâm lý chiến, TC đem văn hóa cổ truyền phổ biến tại nhiều quốc gia, tạo cho thế giới hiểu mơ hồ về chế độ, và có cảm tình về một nước Tàu mới, sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào trong tinh thần lưỡng lợi. Kinh tế lúc nầy vẫn tiếp tục mạnh mẽ và ảnh hưởng quốc tế gia tăng.

Giai đoạn thứ hai,  thời kỳ Tập cận Bình (TCB)

Bước 1: Nhiệm kỳ đầu của TCB (2013-2018), TCB thừa kế một tình trạng kinh tế khá tốt và mạnh của một siêu cường thứ hai thế giới. Tuy nhiên, sau đó ít năm, kinh tế TC bị suy giảm, tỷ lệ phát triển xuống chỉ còn trung bình 7%.

TCB bắt đầu nuôi dưỡng cho kế hoạch “bá quyền toàn cầu”, ông tạo một bè phái và củng cố sự độc tôn độc tài.  Theo ông ngày nay TC có đủ sức mạnh, và tiếp theo là khởi dầu cho những đại kế hoạch để đương đầu và thay thế Hoa kỳ trong tương lai. Về phía Hoa kỳ và các nước tự do dân chủ thức tỉnh.

Sách lược TCB có các điểm chánh: Trong nước, khơi lại niềm tự hào dân tộc với “mô hình XHCN có sắc thái Trung hoa”. Đầu tư bung ra ngoài tại nhiều nước trên thế giới. Gia tăng mạnh ngân sách cho kỹ thuật và quốc phòng. TCB nêu rõ mục tiêu đến năm 2035 TC sẽ ngang hàng bằng Mỹ về mọi phương diện.  Viện trợ và khai thác tài nguyên ở nhiều nước từ Á qua Phi và Âu châu, với đại kế hoạch “Belt and Road” (2013, với dự chi $1000 tỷ ), gồm tụ một số nước phát triển mới nổi trong liên minh BRICS  gồm TC, Nga, Ấn độ, Ba tây và Nam phi nhằm muốn tiến tới sự cân bằng với khối G7.  TC tuyên truyền vận động cho mô hình mới “kinh tế XHCN trong thời đại mới” tự cho là đã rất thành công, tốt đẹp hơn mô hình của Tây phương từ lâu nay.

Về đối nội, một mặt có biện pháp kích thích tiêu thụ trong nước gia tăng thêm trong hy vọng kinh tế sẽ bền vững hơn, (hiện tiêu thụ trong nước chỉ có 38% GDP, Hoa kỳ tới 68%). Mặt khác, thì siết chặc an ninh nội chính, đẩy độc tài mạnh hơn nữa bằng nhiều biện pháp cứng rắn.

Qua bước 2 (2017-nay), TCB công khai tiến mạnh thực hiện “mộng bá quyền”. TCB tuyên bố tại Thiên An Môn 2017 rằng sẽ đưa “TC thành một siêu cường và nó sẽ là một mô hình mới cho các nước đang phát triển”, (Telegragh, 08/23/2023). Giai đoạn này có mấy điểm cần lưu ý: TC đầu tư nhiều ở Mỹ và Âu châu trong một số ngành quan trọng, nhứt là kỹ thuật cao. TC xây được một số cảng quan trọng, nhiều tuyến đường xe lửa, xa lộ, ở Á châu và Phi châu. Nhiều nước nghèo, vay TC hàng tỷ mỹ kim xây dựng hạ tầng trong đại kế hoạch Belt & Road. Nhưng 3- 4 năm sau, nhiều nước thất bại (như Sri Lanka, Pakistan, Lào , Miên, Nigeria..) không trả nổi nợ, TC siết nợ bằng cách chiếm khai thác nhiều công trình ở đấy.

Khi TC công khai với thái độ thách thức, Hoa kỳ và đồng minh thức tỉnh, thấy được sự nguy hiểm của TC, đánh trả trên nhiều trên nhiều mặt: kinh tế, kỹ thuật, tình báo, tuyên vận, kết hợp đồng minh cũ và mới trên khắp thế giới, thay đổi kế hoạch viện trợ… Chiến tranh lạnh mới càng ngày càng tăng cường độ, và khởi đầu bằng thương chiến Mỹ Trung (2018). Nhưng sự đương đầu của hai siêu cường tới nay, đã hơn bốn năm, hãy còn dằng co vì quyền lợi kinh tế gắn với nhau của hai bên. Rồi thế giới có biến động mới, vụ TC đòi giải phóng Đài loan, chiến tranh Ukraine, và gần đây là chiến tranh Israel- Hamas.

Những sự kiện biến động nêu trên, từ trong nước và trên thế giới trong những năm qua, có tác động làm cho TC và Hoa kỳ yếu đi. Và chuyện phải đến đã đến, TC bị khủng hoảng kinh tế như hiện nay.

2. Những lãnh vực kinh tế bị sụp đổ hiện nay 

Cuộc khủng hoảng kinh tế dù từ lãnh vực chánh thì rồi cũng ảnh hưởng tới các lãnh vực khác, nhứt là tại quốc gia độc tài có cách vận hành cứng rắn, thì sự giải quyết rất khó khăn. Tóm tắt các lãnh vực đang bị suy sụp:   

Tổng thể .  Tỷ suất phát triển: Tam cá nguyệt 1/2023: 2.2%, tam cá nguyệt 2/2023: 0.88%, trong khi đó chỉ tiêu nguyên năm là 5% , ước lượng năm nay chỉ có thể đạt 3% (UPI Sept/7/23). Nhìn lùi lại quá khứ, tỷ suất phát triển kinh tế 20-30 năm trước rất cao 12-14%, từ 1990-2012, rồi giảm xuống còn 8% từ sau 2015, các năm tiếp theo chỉ còn 6%, 2022 chỉ còn 3%, 2023 về sau theo đà nầy có lẽ nhỏ hơn 3%.

Một khó khăn khác của TC hiện nay là nền kinh tế bị giảm phát (deflation), có tác dụng làm trì trệ thêm sản xuất và tiêu thụ. Hiệu suất đầu tư nội địa rất thấp, tỷ lệ 9/1, nghĩa là phải bỏ ra $9 mới thu về $1, trong khi tỷ lệ trung bình của đa số nước là 4/1 (The Telegragh Sept/23).

Địa ốc và ngân hàng.  Đây là lãnh vực bị sụp đổ mạnh nhứt, nó bị lung lay từ 3 năm nay. Gần đây sụp đổ rất nặng, hiện có 80 triệu căn nhà chung cư bị bỏ trống (The Week 9/2023), và hàng triệu căn nhà đang xây cất còn dang dỡ không có hy vọng bán được trong tương lai. Tình trạng nầy trầm trọng hơn sụp đổ về nhà đất của bất cứ nước nào. Trị giá địa ốc TC chiếm tới 25% tổng sản lượng quốc gia (GDP), một tỷ lệ quá cao, nên khi nó bị suy sụp là ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ nền kinh tế (CNN 8/2023). Công ty địa ốc lớn nhứt nhì là Evergrande hiện có số nợ vay ở ngân hàng là $332 tỷ mỹ kim, đã khai phá sản (Wall Steet Journal, June/2023), một công ty lớn khác là Country Garden đang được tái cấu trúc nợ $11 tỷ mỹ kim. Và còn hàng trăm công ty địa ốc khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Ngành này bị suy yếu từ 2021, càng ngày càng xấu hơn . Yếu tố là vì số cung nhà đất quá cao so với cầu. Chắc các công ty địa ốc và nhà đất tư nhà đất lẻ đã biết trước. Nhưng cung và cầu dưới cái nhìn và quan điểm TC có nhiều điểm khác. Và cứ xây thêm. Trong khi đó kinh tế từ 2020, có nhiều khó khăn từ sản xuất trong nước lẫn xuất cảng . Đa số dân không đủ khả năng mua nhà mới để ở, còn những người mua nhà để đầu tư thì khựng lại trong cảnh u ám chung nầy.

Sự sụp đổ thị trường nhà đất kéo theo sự sụp đổ ngân hàng. Vì các công ty địa ốc khai phá sản vì nợ cũ không thu được từ người mua nhà, mà nợ mới vay ở ngân hàng xây cất thêm bán nhà mới không có người mua. Số nhà mới bán ra giảm 22% trong quí 1/2023 so với cùng thời kỳ năm ngoái (The Economist Sept/23).

Trong kinh tế vĩ mô, địa ốc là ngành chủ lực của TC, vì nó dễ đầu tư (chớ không phải dễ bán), tiền bạc đất đai chánh phủ nắm cả, thực hiện thì có “tư sản đỏ”, hơn nữa ngành này đóng góp tới 25% GDP. Về kinh tế chánh trị, tăng GDP nhanh chóng, tạo ra kích thích dân chúng và cho nhiều nhà đầu tư ngoại quốc. Mặt khác quan trọng hơn, trong chế độ độc tài toàn trị thì ngành địa ốc đem lại cơ hội to lớn nhứt để đảng viên cán bộ tham nhũng. Vì vậy, chánh quyền yểm trợ mạnh ngành này.  Cho nên khi ngành địa ốc sụp, ngân hàng đổ theo, nợ của các công ty địa ốc lên tới $29 ngàn tỷ mỹ kim. Mà tình trạng nợ tại TC vốn đã quá cao (300%/GDP)(The Diplomat 8/2023), nay sự sụp đổ tài chánh ngân hàng làm khối nợ xấu tăng quá nhanh. Không phải chỉ trong ngành địa ốc và hạ tầng cơ sở mà ảnh hưởng xấu qua nhiều lãnh vực kinh tế khác.

Tình hình nhà đất và ngân hàng ở TC nay rất u ám, thiệt hại nhiều cho kinh tế. Chánh quyền có gần đây có gói cứu trợ tạm thời $585 tỷ, chánh yếu là bôm tiền để tăng tín dụng, và hạ lãi suất để kích thích tiêu thụ. Nhưng giải quyết nầy chưa đủ, khó khăn lớn còn đó.

Về đầu tư ngoại quốc và nhân dụng . Đầu tư ngoại quốc (FDI) là một bước căn bản và thành công của TC trong mấy thập niên trước khi phong trào toàn cầu hóa mở rộng. Nay tình hình va chạm giữa TC và nhiều nước, FDI giảm nay chỉ còn $20 tỷ trong quí 1/2023, cùng thời kỳ này năm 2022 là $100 tỷ (The Week), một số công ty ngoại quốc rút ra khỏi TC trở về cố hương hoặc đến các nước Đông Nam Á do tình hình kinh tế và do luật lệ TC ngày càng khó, FDI giảm 22% so với năm rồi, một phần do Mỹ cấm một số công ty giao dịch với công ty TC vì có liên hệ an ninh. Tới nay có tới 9000 công ty TC bị Tây phương không còn giao dịch (Telegragh Sept/23).

Thất nghiệp tăng, 21% lao động trẻ thất nghiệp. Về nhân dụng TC còn gặp khó khăn khác là sau 40 năm số lao động trẻ bây giờ già đi, là một trở ngại cho đầu tư nói chung và cho gánh nặng an sinh xã hội.

Về xuất cảng và thị trường quốc tế. Xuất cảng là lãnh vực quan trọng quan trọng nhứt của kinh tế TC để giải quyết lao động dư thừa của những thập niên trước. TC thu vào số ngoại tệ rất lớn và là sức mạnh cho kinh tế TC sau nầy. Xuất cảng là một cột trụ chánh của TC (40% GDP).

Xuất cảng TC gần đây bị giảm liên tục 4 tháng liền, và còn tiếp tục xuống nữa, xuất cảng chung bị giảm 27.5% trong  tháng 7/2023 so với tháng 7/22 (Reuters Sept/7/23). Xuất cảng qua Mỹ giảm 9.5% trong tháng 4/23 ((UPI 9/7/23). Cách tổng quát hàng TC bị giảm trong mấy năm qua, vì tiêu thụ giảm và một số chuỗi cung ứng TC nắm gần như độc quyền bị thay thế dần.

Trong nội địa, thị trường hàng hóa và dịch vụ từ thành thị tới thôn quê ở TC ngày nay bị suy giảm khá mạnh vì tình hình chung, đặc biệt vì biện pháp đóng cửa để kiểm soát đại dịch. TC hiện gặp phải tình trạng ngược là bị giảm phát (deflation). Mãi lực giảm phần vì thu nhập ít đi, và niềm tin của dân chúng giảm, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, bất công xã hội càng nhiều.

II. Nguyên do Khủng hoảng Kinh tế TC hiện nay

Lịch sử kinh tế thế giới cho biết nguyên do khủng hoảng và hậu quả tại mỗi nước có nhiều khác biệt. Tại TC hiện nay khủng hoảng như trình bày tóm tắt trên có những nguyên nhân phức tạp,  có thể tóm tắt gộp chung lại thành ba loại nguyên do chánh yếu. Đó là:

1. Từ yếu tố kinh tế khách quan.

Là những yếu tố kinh tế có tính nguyên tắc tác động gây ra bất quân bình về vĩ mô, hay làm guồng máy kinh tế chạy không bình thường, làm kinh tế bị khủng hoảng. Các nguyên nhân có tính nhứt thời và cũng có nguyên nhân căn cơ có từ lâu .

TC không đi theo đúng nguyên tắc kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường là phần quan trọng của mô hình đổi mới kinh tế TC. Đó là nguyên tắc quân bình tự động cung cầu. Về nhà đất nêu trên, cung quá cao trong khi cầu thấp và thu nhập không gia tăng nhanh như mức độ xây nhà mới. Nếu theo đúng kinh tế thị trường thì các công ty bất động sản phải luôn luôn theo dõi cân bằng cung cầu. Chớ không phải để tình trạng kéo dài hàng chục năm. Khi áp dụng mô hình kinh tế thị trường XHCN, TC cũng như VN chỉ cho tự do các hoạt động kinh tế cấp thấp, nhỏ, và không quan trọng, còn phần chánh phần gốc của nền kinh tế vẫn phải chịu sự hoạch định và chỉ huy của đảng và nhà nước.

Sự quản lý tài chánh công bừa bãi, kém hiệu quả, và mất mát nhiều.

Trong chế độ độc tài CS thì khối tài sản công đủ loại rất lớn. Nhứt là ở các khâu: phần phân bổ, xử dụng và in tiền thêm khi cần, người dân không có quyền tham dự. Nhà nước chi tiêu quá lớn cho ngân hàng hay cho đầu tư công, khi bị khủng hoảng tài chánh thì công nợ lên cao và khả năng cứu vãn càng khó hơn. Một phần cũng do sự kiểm soát công chi không hữu hiệu, từ khâu chuẩn chi, tới khâu thực hiện công tác, đến hậu kiểm. Bộ máy độc tài toàn trị, chẳng những yếu kém mà còn cấu kết nhau để tham nhũng.

Hiệu quả đầu tư quốc nội yếu kém.

 Sau một thời gian phát triển nhanh nhờ kinh tế đối ngoại, thì thông thường, để có tình trạng bền vững và có chất lượng, thì sự chấn chỉnh cải thiện đầu tư trong nước là rất cần thiết. Ở TC trong nhiều thập niên nay, dù có chút ít tiến bộ, nhưng nói chung hiệu quả đầu tư của tư sản nội địa và quốc doanh còn rất yếu, trừ một số ít đại công ty của tư sản đỏ hay quốc doanh trá hình. Vì nhiều lý do, hiệu suất đầu tư trong nước gần đây là 9/1, nghĩa là phải bỏ ra $9 mới thu về được $1, trong khi hiệu suất trung bình tại nhiều nước là 4/1. Hiệu suất đầu tư yếu làm cho mức độ tái phát triển yếu.

Hoạch định vĩ mô không xác thực .  

Ở đây muốn nói đến kế hoạch quốc gia. Xin nêu ra hai đại kế hoạch: Hạ tầng cơ sở và kế hoạch nhân dụng.

Xây dựng hạ tầng cơ sở là nhu cầu thiết yếu cho phát triển. Nhưng nếu chánh quyền lạm dụng quá sẽ thành tai hại hay không cần thiết. Ở TC có rất nhiều cầu cống, cảng, đường xe lửa, khu đô thị rất vĩ đại, dĩ nhiên rất thu hút rất đáng ca ngợi. Ở đây muốn nói cái quá đáng, tổn phí quá cao, mà thực tế hữu dụng còn thấp, ví vụ cầu dài ngoài biển, đảo nhân tạo, cầu treo rất dài qua núi…trong lúc đất nước còn có nhiều nhu cầu xây dựng khác ở vùng xa xôi. Ví dụ khác như đại kế hoạch Belt & Road, TC bỏ ra $1000 tỷ mỹ kim viện trợ, cho vay và đầu tư tại hơn 150 nước thành viên ở Á châu, Phi châu, Âu châu, trong đó có mục tiêu bành trướng bá quyền toàn cầu của TCB. Nay kế hoạch nầy bị thất bại tại nhiều nơi, chánh yếu là các nước nghèo và tham nhận quá nhiều viện trợ, sau đó không có khả năng trả nợ. TC bị mất một số không nhỏ tiền bạc đã bỏ ra. Đại hội Belt & Road kiểm điểm 10 năm sẽ họp vào 17 tháng 10 này.

Kế hoạch nhân dụng là phần quan trọng khác. TC ngày nay thiếu công nhân trẻ vì cái “chánh sách một con”. Và sau khi đất nước phát triển, không điều chỉnh kịp thời.

Mãi lực và niềm tin dân chúng thấp .

Lợi tức đầu người ở TC nói chung có khá so với 30 năm trước ($12,000/ đầu người, 2022), nhưng nó vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển, trong khi đó nhu cầu của mỗi người dân nhiều hơn theo tiến bộ kinh tế, giá cả hàng hóa dịch vụ tăng. Mãi lực dân chúng nay thấp xuống vì kinh tế khó khăn. Một mặt chánh quyền luôn hạ giá đồng yuan để tăng xuất cảng.Tình hình kinh tế xấu đi, dân không có niềm tin ở chánh sách đường lối của chánh quyền, như biện pháp zero- covid có quá nhiều tai hại cho mỗi người. Người dân bây giờ phải tự lo, tự liệu, tự hạn chế tiêu thụ, nhứt là mua nhà cửa quá lớn lao, thường chiếm tới 70% thu nhập gia đình.

Tóm lại, từ yếu tố kinh tế khách quan có rất nhiều nguyên nhân tác động tạm thời cũng như về lâu dài cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

2. Từ bản chất độc tài XHCN

Từ nguyên tắc “công hữu”,

tức là đất đai, tài nguyên thiên nhiên đều thuộc quyền sở hữu nhà nước. Chính nguyên tắc nầy cho phép chánh quyền từ trung ương tới địa phương, quyền tuyệt đối phân chia, thu hồi đất đai tại những khu vực rất có giá và giao cho tư sản đỏ để cấu kết với cán bộ có quyền rồi xây nhà bán cho dân. Thực tế, chúng đã xây cất quá nhiều vì lòng tham hơn vì cung cầu, nên không cần quan tâm đến số cầu và hệ quả đầu tư.

Từ chế độ độc tài,

người dân không có quyền trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào sự phân bổ và quản lý tài chánh công, gồm mọi nguồn: thu thuế, viện trợ, bán tài sản, tiền lời quốc doanh, công trái. Tích sản càng ngày càng lớn, dân đâu có biết và không có quyền biết. Nhà nước cứ chia cho các cơ quan từ trung ương tới địạ phương. Đầu tư và lãnh vực nào có lợi nhứt cho sự giàu có đảng viên là cứ hoạch định và thực hiện. Địa ốc và hạ tầng cơ sở là lãnh vực ngon nhứt.  Kế đó là thành lập nhiều ngân hàng công cũng như hợp doanh, từ đó bày ra nhiều chương trình kinh doanh khác. Nợ nần tăng nhanh, không cần biết. Khi bị khó khăn, nhiều công trình dang dở, nợ xấu tăng, rồi khai phá sản. Tiền nhà nước và tiền dân bị mất. Đâu có đảng viên nào thua lỗ cả, họ còn chuyển tiền ra ngoại quốc nhiều hơn, khi kinh tế trong nước có khó khăn.

Từ bộ máy công quyền.

Trong chế độ XHCN bộ máy công quyền là công cụ của chế độ. Ở đây chỉ nói riêng mặt nhân sự của bộ máy đó là một sai trái và tệ hại cho mọi thứ tài sản quốc gia. Cách tuyển dụng, đào luyện và bổ nhiệm viên chức cán bộ trung ương tới địa phương theo một chiều cùng một cách, chỉ có đảng viên leo lần lên chức cao, bằng lo lót ngay trong nội bộ. Cho nên đảng viên cấu kết là chuyện dễ dàng, và rất tự nhiên, mục đích không phải phục vụ mà là để tham nhũng. Một phần tiền lớn tham nhũng chuyển lậu ra ngoại quốc, số tiền nầy không đem lại lợi ích kinh tế cho TC. TC là nước rửa tiền bất hợp pháp lớn nhứt.

3. Từ sự tranh chấp quốc tế  

Nguyên nhân thứ ba này làm cho TC khó khăn hơn nhiều. TC chỉ có thể áp dụng chế độ độc tài trong xứ mình, chớ đâu có thể xử dụng nhiều chiêu trò ma giáo đó với các nước. Hơn nữa, có nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, không có nghĩa TC ngày nay đương nhiên là siêu cường thứ hai trên thế giới về mọi lãnh vực. Để bảo vệ quyền lợi trước hết cho chính mình và sau đó cho cả khối dân chủ tự do. Sau khi TCB công khai chống Hoa kỳ và Tây phương thì TC nhận sự phản ứng khá mạnh. Những đương đầu lại TC mà chúng ta đã biết trong bốn năm qua trên các mặt trận mậu dịch, đầu tư, kỹ thuật, quân sự, văn hóa, ngoại giao. Trừ sự đụng độ quân sự, các mặt trận kia có tác dụng, dù chưa đủ mạnh, nhưng cũng đã gây khó khăn và cảnh báo cho TC .

Bây giờ kiểm điểm sơ qua kết quả những phản công của Hoa kỳ và đồng minh có tác dụng gây thêm suy yếu cho TC trong vài năm gần đây.

Cán mậu dịch chưa cải thiện bao nhiêu, nhưng cụ thể xuất cảng TC giảm sụt. Đặc biệt các chuỗi cung ứng công nghệ cao và nguyên liệu dược, Hoa kỳ và đồng minh dần dần chủ động

Các công ty Hoa kỳ, Nhựt.. đã và sẽ rút một phần về cố quốc hay chuyển sang các quốc gia Đông nam Á.

Hoa kỳ và gần đây Cộng đồng Âu châu phát hiện và cấm công ty Mỹ làm ăn với một số khá lớn công ty TC vì lý do an ninh.

Hoa kỳ kết hợp được nhiều đồng minh mạnh hơn bao giờ hết, trong mục tiêu và chiến lược kinh tế, ngoại giao và an ninh nhằm bao vây và đánh trả TC trên khắp thế giới nhứt là ở Á châu Thái bình dương.

Về phương diện tâm lý chiến, ngày nay chánh quyền, dân chúng và truyền thông Hoa kỳ và đồng minh coi TC là thù địch, là mối đe dọa lớn cho dân chủ tự do và nhân quyền trên thế giới.

Dĩ nhiên, TC là một cường quốc, nó có nhiều chiêu trò để vừa thủ vừa tấn công lại Tây phương.

Chiến tranh lạnh có chiều hướng căng thẳng hơn, nhứt là qua một số biến cố mới trên quốc tế như đã trình bày ở phần trên. Cả hai bên đều có thiệt hại. Sự tranh chấp quốc tế là một trong những nguyên nhân, và một yếu tố, làm kinh tế TC bị khủng hoảng hiện nay. Vì kinh tế đối ngoại của TC hết sức quan trọng, chiếm 40% GDP. Mặt khác nhờ kinh tế đối ngoại mạnh mà TC có những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhanh chóng, có tầm cở quốc tế, từ đó phát triển quân sự, một điều rất cần thiết để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa”.

III. Những Hệ lụy nghiêm trọng từ Khủng hoảng kinh tế TC

Cuộc khủng hoảng kinh tế nào cũng có hậu quả xấu cho kinh tế, chánh trị và xã hội. Cuộc khủng hoảng kinh tế ở TC chỉ mới xảy ra, nên có thể chưa thấy hết được mọi hệ lụy của nó. Nhưng với mô hình kinh tế khá đặc biệt, với chế độ chuyên chính, và trong khung cảnh thế giới đầy bất ổn hiện nay, chúng ta có thể nhận ra được phần nào các hệ lụy nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng nầy. Có hai điểm xin tóm tắt ở phần này: Các Hệ lụy chánh yếu và Vài nhận định.

1. Những Hệ lụy nghiêm trọng

Cho chính TC:   Theo tin tức từ ngoại quốc, thì cuộc khủng khủng hoảng có hệ lụy khá nghiêm trọng cho TC. Về đối nội, sự mất mát cả ngàn tỷ mỹ kim từ sự sụp đổ địa ốc và ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế quốc nội, vì địa ốc chiếm hơn 25% GDP. Nhứt là ngành ngân hàng, sự mất mát xáo trộn ngân hàng ảnh hưởng ngay tới mọi lãnh vực, từ sản xuất đến tiêu thụ trong nước cũng như ngoài nước.

Cuộc khủng hoảng này làm cho những kế hoạch lớn của TC như Belt & Road, BRICS, Kế hoạch 2025, kế hoạch 2035 gặp trở ngại nhiều hơn trong tương lai.

Về mặt đối ngoại, sự khủng hoảng cho thế giới, nhứt là các nước đang phát triển, hiểu biết cụ thể mô hình kinh tế TC không phải ưu việt, cần phải suy nghĩ . Những điều TCB nói rất nhiều lần TC là một mẫu mực cho các nước đang phát triển, giờ đây phải xem lại. Hơn thế nữa, dân chúng tại nhiều quốc gia, ngày nay xem TC là đối lực nguy hiểm, không còn là bạn tốt, nếu điều này lâu dài, sẽ là một mất mát lớn nhứt cho dân tộc Trung hoa. Về phương diện cạnh tranh kinh tế, TC đang gặp các khó khăn càng ngày càng lớn từ tác động bên ngoài. Và vì sự đầu tư và hợp tác TC với các công ty kỹ thuật cao nước ngoài nay bị bể hay bị thu hẹp, có phần nào ảnh hưởng không tốt cho nền kỹ thuật TC.

Cho Hoa kỳ :   Dù khủng hoảng kinh tế của TC hiện nay chưa sâu đậm, chưa tỏa rộng mạnh trên toàn cầu, nhưng vì TC là cường quốc số hai về kinh tế, lại là đối thủ vừa là đối tác lớn với Hoa kỳ, trên cả ba mặt : kinh tế, giá trị học thuyết chánh trị và bang giao quốc tế. Cho nên Hoa kỳ vừa vui vừa lo. Vui là đối thủ bị trúng đòn phần nào, nghĩa là sự phản công của Hoa kỳ và đồng minh là đúng.  Dù tương lai chưa biết ai thắng ai. Nếu không đi tới một thỏa thuận cho hai bên, thì cả Hoa kỳ và TC đều có những thiệt hại. Và mặt khác, khi kinh tế TC suy giảm thì kinh tế thế giới yếu đi, và tác dụng ngược cho kinh tế Hoa kỳ và các nước có thể đi tới suy thoái khác. Khi TC có khó khăn lớn trong nước thì nó sẽ gia tăng gây tác động quậy phá an ninh chánh trị quốc tế nhiều hơn.  Trật tự thế giới đang có khó khăn sẽ có biến động nhiều hơn nữa .

Cho Việt Nam.     Những tiêu cực và khó khăn của TC hiện nay là vấn nạn cho VN trong tương lai không xa. Vì VN rất giống TC từ kinh tế đến chánh trị và văn hóa. Nền kinh tế VN vốn không bền vững, yếu kém và bấp bênh hơn TC nhiều. Hướng đi và cách thức giống như TC trong ba mươi năm qua nằm dưới sự chỉ đạo và kèm kẹp mọi thứ mọi mặt kinh tế tài chánh ngoại giao, an ninh, làm cho CSVN rất khó thoát khỏi bàn tay độc ác của TC. CSVN cần suy nghĩ nhiều hơn về sự thoát ra phần nào sự lệ thuộc TC. Mấy năm gần đây, CSVN có nghiêng phần nào qua Hoa kỳ tìm chút cân bằng và gở chút thế kẹt với TC. Nay, sự khủng hoảng kinh tế TC có hệ lụy lớn đến VN về mọi mặt ngoại thương, công ty Tàu tràn qua VN nhiều hơn, VN kẹt nợ nhiều hơn, nhứt là an ninh ở biển đông VN bị Tàu siết chặt và bị rắc rối hơn.

CSVN hơn ai hết hiểu rõ các khuyết điểm của mô hình kinh tế TC mà VN đi theo như bóng với hình. Nhứt là các mưu tính, các tệ hại mà viên chức cán bộ chỉ vì sự sống còn của đảng và sự giàu có của đảng viên. Sự suy sụp kinh tế TC có thể làm cho đảng viên CSVN tham nhũng nhiều hơn để nhanh chóng gởi tiền ra nước ngoài.

Đối với dân chúng VN, thì đa số quá nghèo, nếu một cuộc khủng hoảng như TC xảy ra thì họ sẽ có khó khăn thêm về cuộc sống, giá cả gia tăng, thất nghiệp nhiều hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn , VN có một hy vọng là nhờ bên Tàu có khó khăn , và sự tranh chấp quốc tế, VN sẽ có cơ hội đón nhận đầu tư ngoại quốc nhiều hơn.

ChoThế giới.   Như chúng ta biết trong mấy thập niên qua, nhứt là trong thời kỳ toàn cầu hóa phát triển cao độ, TC đóng góp nhiều cho kinh tế thế giới gia tăng và ổn định, trung bình cũng 4-4.2%/năm. Nay TC bị suy yếu kinh tế nó tác dụng mạnh lên đầu tư, xuất cảng và tiêu thụ của hầu hết mọi quốc gia. Đối với một số quốc gia đang phát triển trong nhiều thập niên, cũng có nhiều cái lợi là tiêu thụ nhiều loại hàng hóa giá rẽ, và thực hiện được nhiều công trình lớn do TC bỏ tiền cho vay hoặc đầu tư trực tiếp, tạo ra nhiều việc làm ở những nơi đó. Dĩ nhiên là bên cạnh đó, các nước đang phát triển theo TC phải chịu một số thiệt hại khác như chủ quyền quốc gia, bị TC khai thác tài nguyên cạn kiệt, và bị kẹt những món nợ to lớn không cách nào trả nỗi, và tham nhũng mà TC “xuất cảng”làm ung thối xã hội.

 Nay kinh tế TC bị khủng hoảng mức độ phát triển trên thế giới năm nay và năm tới, theo ước tính của các chuyên viên, chỉ còn khoảng 2.5%- 2.7%. Mà khi thế giới có suy thoái kinh tế thì loạn lạc, tệ trạng xã hội, suy thoái đạo đức chánh trị, có nhiều cơ hội và điều kiện nẩy nở thêm.

2. Vài suy nghĩ và nhận xét

Tình trạng khủng khoảng kinh tế TC hiện nay có thể cho chúng ta một vài suy nghĩ và từ đó có thể rút ra một số bài học, có thể là bài học cũ nhưng với một số dữ kiện và hoàn cảnh mới, hầu cố gắng xây dựng một cộng đồng thế giới an bình hơn. Sau đây là vài suy nghĩ trong hiểu biết hạn chế, tôi xin có mấy điểm sau đây:

Về Mô hình kinh tế TC  . Có tên gọi “Kinh tế XHCN Thị trường tự do” (Socialist Free Market Economy hay Socialist Market Economy), hình thành từ 1978, là sự kết hợp hai nền kinh tế tự do và XHCN. Tự nó đã có nhiều mâu thuẩn, vì nửa tự do nửa thì hoạch định. Nó là một mô hình hoàn toàn mới. Nhưng TC đã thành công trong thời gian khá dài. Cho nên có nhiều thắc mắc, có một số nhà nghiên cứu có nhận định là phát triển kinh tế vẫn có kết quả tốt đâu cần tới môi trường Dân chủ.

Mặt khác TCB luôn hô hào ca ngợi mô hình kinh tế mới của TC là tốt nhứt. Kinh tế phát triển nhanh, bền vững, thực tế và công bằng.

Bây giờ, qua khủng hoảng kinh tế nầy là nhiều người xem xét lại, suy nghĩ lại mô hình kinh tế TC. Nó không phải là tốt mà nó thành công trong thời gian nào đó trên một số lãnh vực nào đó. Các thành phần kinh tế tư doanh chỉ có được tự do ở những hoạt động nhỏ và cấp thấp, cấp trên cao, và phần quan trọng của nền kinh tế, thì đảng và nhà nước độc quyền nắm hết. Các thành phần và tác nhân kinh tế rời rạc, thiếu kết nối chặc chẽ, cho nên khi bị bể dễ bị đỗ nát hay ít nhứt hỗ trợ nhau kém hiệu quả. Mặt khác mô hình kinh tế đó bị phí phạm mất mát quá nhiều, phần lớn do sự cố ý của cán bộ viên chức và sự bất lực của người dân.

 Về Chế độ độc tài và phát triển quốc gia. Chế độ độc tài không phải mới mẻ, nó có từ lâu, tại nhiều nước. Nhưng các “chế độ độc tài kiểu cũ” thì không thành công về kinh tế và tạo nhiều bất công xã hội. Nhưng khi TC vẫn duy trì một chế độ độc tài toàn trị mà lại thành công về kinh tế khá tốt, dù chưa biết đường dài ra sao, thì có rất nhiều nhà ngiên cứu ngạc nhiên, trong đó người cho rằng: “kinh tế phát triển tốt đâu cần phải có dân chủ”. Điều nầy đi ngược lại với các lý thuyết của những nhà kinh tế khá nổi tiếng khoảng 50 năm trước là “tự do dân chủ kinh tế có tác dụng hỗ tương và thuận chiều với tự do dân chủ chánh trị”. Chẳng hạn qua nhận định: “ Cách tổng quát Dân chủ tạo ra cơ hội tốt hơn cho phát triển”(United nation, Chronicle, Dân chủ và Phát triển), ở bài khác  “Dân chủ đem tới sự phát triển lâu dài và bền vững”(North 1093).

Về Niềm tin của dân chúng và ổn định kinh tế. Trên thế giới đã có rất nhiều nước bị khủng hoảng kinh tế, có khi là đơn độc, có khi là dây chuyền trên thế giới, có khi do chính mình gây ra, có khi do từ bên ngoài tác động. Nhưng dù mức độ khủng hoảng cở nào , dù do nguyên nhân nào, dù có phục hồi được bình thường hay không, thì niềm tin của dân chúng với chánh sách kinh tế quốc gia, với chế độ cụ thể, luôn là yếu tố cần thiết quan trọng cho sự phát triển bền vững, trong mọi giai đoạn khởi dầu sơ khai , hay lúc lúc mở rộng thật tốt đệp và nhứt là lúc có khó khăn. Niềm tin đó, một là của quần chúng với chánh trong nước, và một thứ niềm tin rộng hơn là của dân chúng một nước đối với chánh sách một nước khác.

Sự suy thoái kinh tế cách rõ rệt hiện nay của TC là một xác nhận rằng chế độ độc tài độc đảng nhận gặp phải hai sự mất niềm tin. Một là từ dân chúng trong nước. Hai là từ người tiêu thụ và nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy mà khó khăn nhiều hơn lên.

Về trật tự thế giới mới (New World Order).  Như nhiều người nghĩ sự đương đầu Mỹ – Trung hiện nay, có thể dẫn tới một sự thay đổi trật tự thế giới hiện nay do Hoa kỳ là “độc bá quyền”. TC và đồng minh cho rằng mô hình hiện nay có nhiều bất công và không hữu hiệu cần phải thay thế bằng mô hình mới tốt hơn hợp lý hơn. Trong diễn văn chấp nhận nhiệm kỳ II (2017), TCB nói “Mô hình TC đem lại một hệ thống điều hành xã hội tốt hơn cho các nước muốn tăng tốc độ phát triển mà vẫn được độc lập”, “Bốn mươi năm thực thi đã đạt thành công hoàn toàn TC muốn chia sẻ kinh nghiệm về phát triển  cho đa số các nước đang mở mang hầu canh tân xứ sở”(Council on Foreign Relations, 3/2023).

Nhưng công việc thay đổi một Trật tự thế giới không phải dễ. Muốn lên “độc bá”  “lưỡng bá” thì quốc gia đó phải có ưu điểm trội yếu ít nhứt về bốn mặt: sức mạnh kinh tế, giá trị chánh trị, giá trị văn hóa văn minh, và sức mạnh quân sự. Hiện nay thì TC chỉ có sức mạnh về kinh tế và quân sự. Mà nay kinh tế bị lung lay. TC vẫn còn muốn hướng tới thay thế hay cân bằng với Hoa kỳ thì phải một là tích trữ thêm sức mạnh, hai là kết hợp thêm đồng minh cách vững chắc và đàng hoàng hơn, mà tới nay chỉ là một số nước độc tài hay nước chạy theo độc tài vì quyền lợi cá nhân lãnh tụ .

Chính vì vậy chưa biết Trật tự thế giới sẽ biến đổi thế nào, nhưng thực tế có nhiều xáo trộn hỗn loạn trong khu vực hay trong các tổ chức thế giới.  Trong tương lai gần, thế giới chắc sẽ còn nhiều tranh giành, những đụng độ trên nhiều lãnh vực, có khi đầy máu lửa như ở Ukraine hơn năm qua, và ở Israel trong gần đây.

Một thế giới hòa bình, không hận thù, hòa hợp và tiến bộ luôn là ước mơ của mọi người mà đường đi không trọn vẹn.

Nguyễn Bá Lộc

(Email: locba9999@yahoo.com)

Cali 15/10/2023

Visits: 39

Posted in thoi luan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *