Kén Chồng Cho Con

Phạm Thành Châu

Ở xứ Mỹ nầy, thời đại văn minh mà nói chuyện cha mẹ kén chồng cho con thì nghe lạ tai. Vậy mà chuyện đó lại xảy ra. Chẳng phải ông bà giàu có, sợ gặp thằng rễ đào mỏ, mà cũng chẳng phải cô gái thuộc loại ngây thơ, e thẹn, kín cổng cao tường, không dám tiếp xúc với ai. Sự thực, cô đã trên ba mươi. Cô cũng xông xáo vào xã hội để kiếm sống, cũng nói năng giao thiệp rộng rãi. Cô lại đẹp nữa. Vậy mà gặp cậu nào còn độc thân là ông bà vui vẻ mời ghé nhà. Chẳng thấy ai quí khách bằng ông bà, nhưng rồi, hình như không đạt tiêu chuẩn nào đó, ông bà lại mời chàng khác ghé thăm, chuyện vãn. Những chuyện trên hắn chỉ nghe trong cộng đồng người Việt bàn tán thế thôi. Ông bố cô gái, hắn biết, vì trước bảy lăm (1975), hắn là nhân viên dưới quyền ông. Cả đến cô gái, hắn cũng biết nữa, nhưng hiện nay những tiêu chuẩn chọn khách đông sàng của ông bà thì ai cũng mù tịt. Đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi…? Tất cả chỉ là giả thiết. và vẫn còn trong vòng bí mật. Có một điều là bọn con trai, từ trẻ đến lớn tuổi đều suýt soa là cô quá đẹp. Đẹp dịu dàng, quí phái, thấy cô chỉ muốn ngắm mãi rồi thở dài vì biết mình không hy vọng gì.

Xin dài dòng về những điều hắn biết về ông bà và cô gái. Năm 1973 hắn tốt nghiệp đốc sự Quốc Gia Hành Chánh, được bổ về làm phó quận một tỉnh miền Trung. Lúc đó ông ta là đại tá tỉnh trưởng. Trong thời gian làm việc ở quận, thỉnh thoảng hắn phải về tỉnh họp. Hắn thấy ông có một phong thái rất đặc biệt. Ông như một ông vua con với bá quan. Thân mật nhưng có khoảng cách rõ ràng. Ông hết lòng với dân nhưng phục vụ dân như một thiên mệnh hơn là bổn phận, tưởng như chức tỉnh trưởng do trời ban cho chứ không phải do tổng thống bổ nhiệm, đúng ra ông giống như “ngài quận công” em ruột “đương kim hoàng đế” ngày xưa vậy. Chẳng bao giờ ông giữ kẻ điều gì. Ông muốn là làm. Ông có một thói quen buồn cười. Khi làm việc ở tòa Hành Chánh tỉnh, ông thường đến các ty phòng nội thuộc. Vừa nói mấy câu là ông vỗ vỗ túi áo rồi hỏi “Có thuốc không?” Ai cũng biết trước nên thủ sẵn một gói thuốc ông thường hút, đưa ra, ông lại hỏi “Có quẹt không?” Đưa quẹt cho ông, đốt thuốc xong, ông bỏ tất cả vào túi áo mình rồi đi nơi khác. Có điều lạ là không ai biết ông vất thuốc với quẹt ở đâu mà ngay sau đó chính ông tìm cũng không ra, rồi lại hỏi “Có thuốc không?” Mà chẳng phải ông nghiện thuốc, chỉ bặp bặp vài hơi là cắm điếu thuốc xuống cái gạt tàn, nói mấy câu, lại đốt điếu khác, hút tiếp, lại dụi bỏ. Ngồi họp mà có ông là hắn được cái thú đếm xem ông hút bao nhiêu điếu thuốc trong buổi họp. Đến ngày mất nước (1975), ông không bỏ chạy, ông đi tù. Lúc ở trại tù cải tạo Long Thành 15 NV hắn có gặp ông. Vẫn vẻ phong lưu, bất cần thiên hạ nên trông ông chẳng mất phong độ gì cả. Sau đó ông được đày ra Bắc. Chẳng biết bao lâu, cuộc đời dâu bể. Khi hắn qua Mỹ, ở Virginia, tình cờ gặp ông một lần. Chuyện nầy hồi sau sẽ kể rõ.

Còn chuyện hắn biết cô con gái của ông đại tá tỉnh trưởng (trước 1975) cũng có nguyên do. Năm đó, gần đến Tết, tay thiếu tá quận trưởng của hắn ngồi than thở là tết nhất mà không có quà cáp cho xếp thì thật khó coi. Hắn ta rầu rỉ bảo. – Nhưng trong túi “moa” (tôi) tài sản chỉ mấy nghìn, biết mua cái gì bây giờ? Một cành mai thì chắc có đứa đem đến rồi, mà thứ mai chấm trần nhà kia, tiền đâu chịu thấu. Một cặp bông hồng hay vạn thọ thì “hẻo” (tệ) quá! Hắn đề nghị mua một món đồ cổ, chẳng ai biết trị giá của nó nhưng trông đã đẹp lại quí. Thế là hắn được giao nhiệm vụ đó. Hắn đến tiệm đồ cổ, chỗ chân cầu Gia Hội (thành phố Huế) mua một cái tô, không biết cổ thực hay giả, lơn tơn đến dinh tỉnh trưởng. Ông đại tá không có nhà vì là giờ hành chánh, chỉ có cô gái ra tiếp. Cô mới mười lăm, mười sáu mà đẹp kỳ lạ. Cô như nụ hồng hé nở, ngây thơ, tinh khiết. Cô học trường Đồng Khánh, từ dinh tỉnh trưởng, cô chỉ đi mấy phút là đến trường. Chiều đó hắn ngồi tán tỉnh tía lia, khi ra về, em cho hắn ôm hôn lên má, rồi ôm cái tô ra về. Hắn hẹn với em vài hôm sau sẽ đến nữa. Đến hẹn, hắn lại ôm cái tô đến. Lính gác cổng thấy xe quận quen thuộc, không bận tâm. Em tươi cười, mừng rỡ chờ đón hắn. Gặp em được mấy lần thì ông tỉnh trưởng về sớm. – “Moa” (ta) nghe mấy bữa nay “toa” (cậu) cứ ôm cái tô đến trò chuyện với con bé Mai của moi mãi. Rứa là đủ rồi hỉ! Chờ ít năm, con bé lớn chút nữa, lúc đó mỗi lần đến đây, toa cứ nộp một cái tô, cái dĩa cổ chi đó là được. Moa hứa với toa nhưng không bảo đảm gì cả nghe! Dù sao thì hắn cũng được em cho ôm hôn mấy lần và cả hai cũng có tặng hình cho nhau gọi là “Để kỷ niệm những ngày mới quen nhau” Hình em mặc váy đầm, tóc thắc bím, ôm búp bê. Hình hắn tặng em là cảnh hắn đứng vênh mặt trước trường Hành Chánh, chụp hôm tốt nghiệp, coi rất bảnh trai. Sau tấm hình hắn ghi cho em một câu đúng điệu nhạc vàng “Anh hứa yêu em suốt một đời”. Một lần, ôm hôn em, hắn thì thầm “Em làm vợ anh nghe!” Có lẽ em không biết rõ “làm vợ” là làm gì, nhưng em vẫn ngước nhìn hắn cười và gật đầu. Đáng lẽ chuyện tình của hắn với em sẽ còn dài, nhưng sau đó sập tiệm (miền Nam bị đô hộ 1975). Hắn đi tù, ông (đại tá) bố em, cũng đi tù. Em như cánh chim giữa cơn bão, phiêu bạt về phương trời nào hắn không rõ. Hình em tặng, hắn cũng đánh mất từ lâu. Cho đến khi nghe chuyện ông bà kén chồng cho em, hắn vẫn không hình dung được em ra sao, vì lâu quá, nhưng vẫn nhớ là em rất đẹp. Và nếu trước kia, đứng trước em hắn tự tin bao nhiêu thì nay hắn không dám gặp cả em nữa vì mặc cảm tự ti. Ra tù, thân tàn ma dại, qua xứ Mỹ, hắn cũng chẳng hơn gì con gà mắc mưa, hắn đứng bán McDonald! Cho đến một sáng chủ nhật, hắn ghé tiệm chạp phô mua ít vật thực. Vừa ra khỏi xe, hắn thấy một chiếc xe nhỏ chạy trước, xe cảnh sát chớp đèn chạy sau. Hai xe ngừng lại trước tiệm chạp phô. Tay cảnh sát xuống xe đến hỏi thăm sức khỏe người lái xe, có lẽ vi phạm giao thông gì đó. Hóa ra đó là ông bà đại tá tỉnh trưởng của hắn ngày trước. Hắn thấy tay cảnh sát Mỹ xì xồ mấy câu nhưng ông vẫn tỉnh bơ, chẳng nói năng một tiếng, cứ ngồi nhìn tay cảnh sát như người xem TV nhìn cái quảng cáo. Không vui, không buồn, không sợ, không xun xoe, và cứ trơ ra như thế. Có lẽ tay cảnh sát tưởng ông không biết tiếng Mỹ, lại già cả, nên lên xe bỏ đi. Lúc đó ông mới nhìn hắn cười chúm chím rồi hai ông bà vô tiệm. Hắn có thể đến chào hỏi, tự giới thiệu để chuyện trò nhưng kẹt vì biết ông bà đang kén rễ nên hắn nghĩ tốt hơn đừng để họ tưởng mình có ý đồ gì. Nghe nói có mấy tên bác sĩ, kỹ sư đẹp trai, đi xe đắc tiền còn bị loại, sá gì đến hắn mà đèo bòng nên hắn phe lờ. Trong lúc hắn đứng trước quày đồ khô thì ông ta đến bảo. – Toa thấy moa có nhanh trí không, làm rứa là hắn chịu thua, mình khỏi bị ticket. – Tôi thấy đại tá mới biết cách đó. Cái khó là giữ vẻ mặt sao cho tay cảnh sát vừa chán nản vừa thông cảm mới được. Tôi mà làm thế, hắn còng tay ngay. Ông ta ngạc nhiên. – Ủa, sao toa biết moa? Lúc đó hắn mới bảo là hắn có làm phó quận trong lúc ông làm tỉnh trưởng. Thế là cả hai vui vẻ chuyện trò. Lát sau bà vợ ông ta đến, sau khi giới thiệu nhau, họ đã trở nên thân mật. Đàn bà đều giống nhau, thích tò mò chuyện đời tư người khác. – Chớ vợ con mô mà đi chợ một mình? – Tôi chẳng có vợ con gì cả. Như lúc nãy ông đại tá biết, tôi ra trường năm bảy ba, đến năm bảy lăm (1975) sập tiệm. Tôi đi tù về, không ai thèm nhìn, đến khi có vụ HO (tù cải tạo đi Mỹ) thì chẳng hề quen biết mà cũng có người kêu gả con cho, tôi chán quá, không thèm lấy vợ nữa. Ông ta bảo. – Moa mà như toa đi chợ chi cho mệt. Ghé tiệm, quán ăn nào đó, ăn xong trả tiền, khỏi chợ búa phiền phức. – Nhưng tôi còn bà mẹ, mọi khi tôi đưa bà cụ đi chợ, mấy hôm nay bà cụ mệt, dặn tôi mua các thứ về bà cụ nấu. Chuyện trò đến đấy thì hắn xin cáo từ, ông bà có mời hắn ghé nhà, cho số nhà, số điện thoại đàng hoàng. Hắn không có thì giờ thăm viếng linh tinh, vả lại tuổi tác chênh lệch mà gia cảnh cũng không thích hợp nên hắn quên luôn. Bẵng đi một thời gian, một sáng chủ nhật, đi chợ, hắn lại gặp ông bà. Họ coi bộ mừng rỡ lắm, nhất định mời hắn ghé thăm nhà, uống trà nói chuyện cho vui. Nể tình, hắn theo họ về nhà. Đó là một căn apartment, chẳng giàu sang gì, nhưng cách bài trí sắp xếp trong nhà ra người phong nhã, trí thức. Lúc ngồi ở phòng khách, cô gái của ông bà bưng trà ra mời khách. Hắn không dám nhìn sợ bất nhã, nhưng thoáng thấy, hắn nhận ra ngay cô bé ngày xưa và cô vẫn đẹp, còn đậm đà, chững chạc hơn trước. Thực ra hắn biết thân phận mình nên dửng dưng. Sáng hôm đó, ông bà nghe hắn kể lại những nhận xét, cảm tưởng của hắn lúc ông ta làm tỉnh trưởng, họ cười như chưa bao giờ vui đến thế. Dĩ nhiên hắn chẳng dại gì nhắc đến chuyện hắn tán tỉnh cô con gái của ông bà, coi nham nhở quá, vả lại cô ta mà nghe được, ghét hắn ra mặt thì chẳng vui gì. Những lần sau đó, ông bà có gọi điện thoại mời hắn đến uống trà trò chuyện. Hắn không thích lắm nhưng có cô gái ra mời khách, nghe mấy tiếng “Mời chú ạ!” ngọt như đường, hắn đâm ra mong được nghe cô mời trà để ngắm hai bàn tay búp măng, trắng tinh, dịu dàng. Một lần nhân chủ nhà vô ý, hắn nhìn quanh tìm cô ta thì y như rằng, cô đăm đăm nhìn lại và tặng hắn một nụ cười. Hắn chới với, ngất ngây như say rượu. Một nụ cười đẹp hơn tất cả các nụ cười trên thế gian. Cả tuần lễ sau, hình ảnh người đẹp cứ ở mãi trong đầu hắn. Nhưng hắn đã lớn, lại ở tù ra nên chín chắn chuyện đời chứ không bộp chộp như mấy cậu thanh niên. Giá như hắn tốt nghiệp đại học Mỹ, có job thơm, hắn đã đường hoàng nhào vô một cách tự tin. Về ngoại giao thì hắn đã có chút cảm tình của ông bà rồi, đối với cô ta, nếu không mặc cảm hắn đâu có khù khờ, ú ớ như bây giờ. Thế nên tim hắn rung động nhưng đầu óc hắn tỉnh táo. Hắn dặn lòng “Yêu thì cứ yêu cho đời có chút hương vị, nhưng chớ dại mà biểu lộ cho người ta biết, chắc chắn bị từ chối, lại rước thêm cái xấu hổ vào thân. Nhớ nhé!”” Cho đến một buổi sáng, hắn nghe điện thoại reo. – Thưa chú, ba mạ cháu mời chú qua uống trà. Các cô gái Huế mà pha giọng miền Nam nói chuyện thì nghe như chim hót, ngọt ngào, ngây thơ không thể tả. Hắn giả giọng Huế hỏi lại. – Chớ ba mạ cháu ở mô rứa? – Dạ, ở nhà. – Còn cháu ở mô? – Dạ, cũng ở nhà. – Rứa là biết rồi hỉ. Cám ơn cháu, chú qua ngay bây chừ. Hắn tự hỏi, tại sao ông bố không gọi mà để cô gái gọi hắn? Khi hắn đến, mọi việc vẫn như trước, người đẹp ra mời trà, rồi chuyện trên trời, dưới đất với ông bà. Khi giả từ, bà lại hỏi. – Bà cụ có mạnh khỏe không? – Dạ, cám ơn. Những người lớn tuổi không bịnh nầy thì bịnh kia. Hắn tố thêm một đòn về gia cảnh của hắn. – Tôi đi làm không đủ tiêu, bà cụ phải giữ trẻ cho người ta. Tôi thật xấu hổ, không nuôi nổi mẹ. Tưởng ông bà sẽ dội ngược không ngờ lại hỏi địa chỉ và bảo sẽ đến thăm. Kể dài dòng chỉ thêm mất thì giờ. Đại khái họ đến thăm lúc hắn đi làm. Mẹ hắn chất phác nên gần như ông bà nắm vững gia phả và đời tư của thắn. Theo mẹ hắn kể, ông bà cứ suýt soa rằng hắn có hiếu, họ rất quí trọng những người con có hiếu. Ông bà cũng nói về gia đình họ, về cô con gái đã lớn mà không chịu lấy chồng. Cứ bảo sợ gặp người không tốt, bỏ cha mẹ già không ai săn sóc tội nghiệp. Mẹ hắn vừa kể vừa cười coi bộ hắn lọt mắt xanh của gia đình kia rồi. Hắn không nói gì, sợ mẹ buồn, nhưng hắn bắt đầu nghi ngờ về thái độ của họ. Họ có điên mới gợi ý gã cô con gái xinh đẹp như hoa cho một thằng không ra gì như hắn. Còn cô ta, nếu bằng lòng thì thần kinh cũng không hơn gì bố mẹ. Nhưng rõ ràng, họ đã lộ ý rồi. Hắn đánh cờ tướng loại khá. Vì không biết ý định của ông bà, nên một lần được mời đến uống trà, hắn đánh nước cờ cầu may bằng cách báo với họ ý định sẽ đi tiểu bang khác làm ăn, ở đây sống khó khăn quá (Hắn chuẩn bị đi thực). Xong hắn chờ đối phương đi nước cờ “tiếp chiến”. Hôm đó, chủ nhật đầu năm, cộng đồng Việt Nam có lệ chào quốc kỳ (Việt Nam Cộng Hòa) trước chợ Eden (tiểu bang Virginia) Tối thứ bảy, đi làm về, hắn được điện thoại của mẹ cô gái gọi. – Sáng mai Tuấn có đi chào cờ ngoài Eden không? – Dạ cháu cũng chưa có ý định, phải đưa bà cụ đi chợ, e trễ mất. – Tuấn cố gắng đưa bác và em Mai ra Eden, sáng mai lúc chín rưỡi. Xe của em bị hư, còn ba nó phải ra sớm, chuẩn bị trước cho buổi lễ. – Dạ, cháu sẽ cố gắng đưa bác và cô Mai ra đúng giờ. Nước cờ đến đây đã rõ mục đích. Họ đẩy cây xe ngon lành (cô gái) đến trước miệng con chốt (là hắn), nhưng nguyên nhân vẫn còn trong vòng bí mật. Ông bố đã lùi một bước để bà mẹ đứng ra đạo diễn, rủi thất bại cũng giữ được tướng an toàn. Sáng đó, thấy hắn ăn mặc tươm tất, mẹ hắn lại cười. Đàn bà nhạy cảm chuyện nầy lắm, huống gì đó là một bà mẹ. Bà biết hắn đã yêu cô gái. Chính hắn cũng không hiểu mình yêu cô ta từ lúc nào. Tình yêu không đến trực tiếp từ cô gái mà đi vòng từ bố mẹ cô ta. Hắn không cần biết nguyên nhân, nhưng sự sắp xếp của họ khiến hắn cảm động và hắn tin chắc rằng sự sốt sắng đó đã được thúc đẩy từ cô gái cưng của họ. Nhưng hắn với cô ta đâu có tình ý gì với nhau bao giờ? Đến nơi hắn để hai mẹ con vào đứng với đồng bào. Hắn thối thác chào quốc kỳ. Khi mới đặt chân lên đất Mỹ, lần đầu thấy lại lá cờ vàng ba sọc đỏ, hắn đứng khóc ngon lành như một đứa trẻ. Ngày Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, hắn cũng khóc cả buổi mà không hiểu sao lòng mình tan nát đến như vậy. Thời đi học, mỗi đầu tuần đến trường, hắn đã chào cờ, hát quốc ca… Tình yêu nước đến lặng lẽ trong tim hắn theo thời gian như tình yêu thương mẹ, khi mất nước, mất mẹ mới thấy mình bơ vơ. Kẻ mất nước như người mất hồn, như người thất tình. Thế nên hắn sợ mọi người thấy hắn ứa nước mắt khi hát quốc ca. Một lý do nữa là hắn nghĩ. Đứng cạnh cô thì thích quá rồi, nhưng rủi cô xích ra xa hoặc bỏ đi chỗ khác thì có nước độn thổ mới hết nhục. Ông bà có tử tế với hắn nhưng chuyện cô yêu hắn là viễn vông, vô căn cứ. Cho nên khi nghe hắn bảo sợ bị xúc động khi chào cờ phải đi tránh chỗ khác, bà mẹ thông cảm nhưng cô gái xụ mặt lại. Thấy cô như giận, hắn mừng trong bụng, muốn đổi ý nhưng đã lỡ rồi nên đành vào một tiệm sách tìm đọc vớ vẩn gì đó nhưng hồn vía để cả vào người đẹp ngoài kia. Nghe chào cờ xong, hắn đi ra, định lò dò theo trò chuyện với cô gái nhưng mẹ cô lại nhờ hắn đưa bà về sớm, còn cô gái thì ở lại với bố. Hắn đành vâng lời. Về đến nhà, bà mẹ lại bảo hắn vô nhà nhờ chút chuyện. Hắn lại vâng lời. Hắn ngồi ở phòng khách. Chẳng cần rào đón, sau khi hỏi hắn sẽ đi tiểu bang nào, ngày nào đi? Đột nhiên bà vào thẳng vấn đề. Bà nói về cô con gái hiếu thảo của bà vất vả, tần tảo để thăm nuôi bố trong tù. Qua xứ Mỹ, nói gì cô cũng không chịu lấy chồng, sợ bỏ cha mẹ già không ai săn sóc. Cô ra điều kiện chỉ lấy người có hiếu với cha mẹ thôi. Nay thấy hắn thương mẹ, cô tỏ ý vâng lời. Hắn nghe mà tưởng mình nằm mơ. Đời nay mà có cha mẹ hạ mình năn nỉ gã con gái xinh đẹp, nết na cho một thằng chẳng ra gì như hắn!? Hắn biết ông bà sốt ruột thật vì cô gái đã lớn mà cứ ở vậy, nhưng lý do chữ hiếu hình như là cái cớ thôi, chứ nguyên nhân nội vụ thì chưa rõ. Thế nên hắn xin phép bà được gặp riêng cô Mai để nói chuyện thông cảm nhau trước khi hắn nhận ân sủng đó. Bà mẹ chịu liền.

Thế rồi một buổi chiều, hắn đến gõ cửa, cô ra mở cửa. Cô chào hắn mà không cười, vẻ mặt nghiêm trang, nhưng hắn nhận được từ đôi mắt cô những tia nhìn như reo vui. – Chào chú ạ! – Chú đến thăm Mai. – Dạ, mời chú vào. Cô lùi lại, hắn bước vào, cô gần như đứng sát bên hắn. Cô mặc một bộ đồ lụa trắng, hơi rộng nên trông thước tha. Mặt cô bầu bỉnh, có đánh chút phấn hồng, mắt đen nhánh. Vì cô thấp hơn hắn nên khi cô ngước nhìn, đôi mắt cô đẹp hết sức, vừa long lanh vừa như ngạc nhiên điều gì. – Có ông bà cụ ở nhà không? – Dạ không. Mời chú ngồi. Cô ngồi đối diện. Cô rót trà rồi mở hộp bánh ra. – Mời chú! Hắn cầm tách trà lên nhấm nháp rồi làm bộ suýt soa như bị nóng lắm. Bấy giờ cô mới cười. – Trà còn nóng, cháu vừa mới pha. Hắn cầm tách trà nửa chừng và nhìn cô. Cô cúi mặt xuống. Chúa ơi! Cô đẹp thế kia, trong trắng thế kia sao lại chịu đi bên cạnh cuộc đời bầm dập của hắn được? Thật khó tin! – Mai biết vì sao chú đến thăm Mai không? – Dạ không. – Thế mạ có nói chuyện nầy với Mai không? – Dạ có. Không khí như căng thẳng, hắn phải sửa giọng nhẹ nhàng hơn. – Chú xin lỗi đã làm Mai bối rối. Bây giờ chú đề nghị thế nầy, mình kể chuyện linh tinh gì đó cho vui. – Dạ. – Trước hết chú kể chuyện của chú cho Mai nghe. Chú học hành chánh ra trường làm phó quận được hơn một năm thì đi tù sáu năm. Ra tù chú làm đủ nghề đạp xích lô, bán vé số… Qua đây chú đi làm trong tiệm McDonald. Kể ra thời đi học có vui chút đỉnh, đi làm cũng vui nhưng sau đó chán ngấy, hết đi tù thì làm những nghề mạt hạng, qua Mỹ, cũng chẳng khá hơn. (Hắn rào đón trước) Một mình, kiếm sống còn vất vả, họa chăng có cô nào điên mới chấp nhận sống với chú. – Cháu thấy, ở đây, có nhiều cặp vợ chồng cũng lao động chân tay mà vẫn sống đầy đủ, hạnh phúc. – Mai nói vậy, sao Mai vẫn sống độc thân? – Sau năm bảy lăm (1975), cháu chưa đến tuổi trưởng thành thì bị họa mất nước. Tảo tần vì đời sống, lo thăm nuôi ba trong tù hơn chục năm, tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện yêu đương. Qua Mỹ, vì cuộc sống, cháu cũng phải đi làm. Sáng đi, chiều về, chẳng có thì giờ tiếp xúc với ai mà nói chuyện lập gia đình. Rồi cô lắc đầu, trầm ngâm. – Thực ra, lòng cháu đã nguội lạnh từ lâu rồi, chẳng có ai làm cháu xao xuyến. – Chú đoán. Hoặc Mai đang mang một mối tình câm, hoặc đã bị phụ tình. Đúng không? Cô ngước nhìn hắn vẻ bí mật. – Cháu bị cả hai, nhưng không bị phụ tình. Bị người ta vô tình thì đúng hơn. Hắn làm bộ bất mãn. – Tay vô tình nầy thật đáng trách, và cũng đáng tiếc nữa. Mai có thể cho cho chú tên người đó không? Cô nhìn hắn, buồn buồn. – Cháu đã gọi đó là người vô tình rồi mà! – Vẻ buồn rầu của Mai làm chú nhớ lại ánh mắt của một cô bạn nhỏ ngày xưa, cũng nhìn chú lưu luyến khi chú từ giả cô ta để ra về. Chuyện đã lâu. Nay thì cô ta đã quên chú rồi! Thấy buổi trò chuyện kéo dài mà không đi đến đâu, hắn quyết định từ giả. – Chú đến thăm Mai, có lẽ là lần cuối. Ít hôm nữa, chú sẽ đi sang tiểu bang khác. Cô nhìn hắn, vừa ngạc nhiên vừa tức giận. – Vậy chứ mạ cháu dặn chú đến gặp cháu vì chuyện gì? Hắn bối rối. – Mạ Mai bảo chú đến gặp Mai để biết rõ tình cảm của Mai đối với chú? Nhưng thấy Mai chuyện trò, tâm sự với chú như với người bạn nên chú không dám hỏi. Điều chú phân vân vì sao Mai để ý đến chú, có cảm tình với chú? Trẻ và đẹp như Mai, biết bao người xứng đáng với Mai. Sao Mai lại chọn chú? Vì không rõ lý do, nên chú không dám nhận những cảm tình của Mai ban cho chú. – Cháu đã nói từ lúc nãy đến giờ mà chú vẫn không hiểu cháu. Cháu đã nói. Từ nhỏ đến lớn, cháu chỉ yêu một người thôi. Nếu không có vụ mất nước, cháu và người ấy đã nên vợ chồng từ lâu rồi. Đâu đến nỗi gần như suốt đời cháu phải đi khắp nơi tìm người ta. Nước Mỹ mênh mông.. . Rồi cô úp mặt vào hai bàn tay khóc nức nở, đôi vai rung lên… Hắn ngồi chết sững. – Cho chú xin lỗi Mai. Thú thật. Đời chú quá vất vả. Chú không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến chuyện tình cảm với ai. Tình yêu của Mai dành cho chú thật kỳ lạ. Giống như là một chuyện cổ tích. Cô lau nước mắt. – Cổ tích sao được. Chú chờ cháu. Cô đứng lên, vào phòng một lúc rồi đi ra, tay cầm một tấm hình, trao cho hắn. – Chú xem đi! Hình ai trong đó? Hắn ngạc nhiên kêu lên. – Ôi. Hình chú đây mà! Đó là tấm hình hắn đứng vênh mặt trước trường Hành Chánh hôm tốt nghiệp. Sau tấm hình là câu (thề non hẹn biển) “Anh hứa yêu em suốt một đời” Cô hằn học. – Chú chú, cháu cháu! Bộ xưng “anh” sợ bị lính bắt hay sao?

Hôm đám cưới, vợ chồng hắn phải đi từng bàn tiệc chào mừng, cám ơn quan khách, bà con, bạn bè. Mỗi nơi cô dâu chú rể phải uống với khách một ly rượu nhỏ. Vợ hắn chỉ thấm môi nên hắn phải uống hết. Nhiều ly nhỏ thành ly cối. Hắn không biết uống rượu nên say mềm. Bố vợ hắn cũng say. Ông say vì vui nên nói hơi nhiều. Khi khách khứa đã về cả rồi, ông đến bên cạnh, vỗ vai hắn lè nhè. – Cụ mi rứa là tốt phước. Không có ai chung tình như con bé Mai của moa. Cụ mi biết không? Hắn hành vợ chồng moa đi tìm cụ mi chết xác luôn. Bốn năm đi bốn nơi. Nam Cali tìm cụ mi, Bắc Cali tìm cụ mi, xuống Texas tìm cụ mi, qua đây tìm cụ mi. Chỗ mô hắn cũng tham gia cộng đồng, cũng hội họp để tìm cho ra cụ mi. Hắn nói moa có hứa với cụ mi rồi thì phải tìm cụ mi cho hắn. Nhưng moa có nhớ hứa hẹn gì, khi mô đâu? Mà vợ chồng moa đâu biết cụ mi là ai, mặt mũi ra răng. Tấm hình cụ mi chụp tặng hắn, đã mấy chục năm, có ai trẻ mãi không già? Rứa mới chết chớ! Rứa là gặp đứa mô cỡ tuổi cụ mi cũng rước về nhà cho hắn nhận diện. Cũng may! Hắn còn đòi đi Canada và Úc tìm cụ mi nữa đó. Mà moa nói có ai đi HO qua đó đâu?!..

Đáng lẽ, chuyện tôi kể còn dài, nhưng phải tạm ngưng ở đây, vì tôi nghe vợ tôi nôn ọe, ói mữa gì trong phòng tắm. Trăng mật cho cố, bây giờ ói mật xanh, mật vàng! Tôi phải vào với cô ấy, xem sao?

Phạm Thành Châu

Visits: 13

Năm Thìn Nói Chuyện Con Rồng

Phạm Thành Châu

Năm 2024 - Giáp Thìn Ảnh: AI tạo hình

Năm 2024 – Giáp Thìn (Ảnh: AI tạo hình)

Năm nay là năm Thìn, cầm tinh con rồng. Chẳng ai thấy dung nhan con rồng ra sao. Nó là sản phẩm của tưởng tượng. Có điều, không hiểu ai đã đồng hóa con rồng của châu Á với con dragon của châu Âu. Một bên là con rắn (long), bên kia là con kỳ nhông, kỳ đà (dragon). Con rồng Á Châu tượng trưng cho cao quí, quyền năng (nhà vua) và nhân hậu (rồng hút nước, phun nước làm mưa giúp mùa màng xanh tốt) trong khi con dragon Âu châu vừa giống con khủng long vừa giống con hải mã (các ông thường ngâm rượu để uống cho mạnh gân cốt), là con ác thú, chuyên phun lửa đốt người ta. Bài nầy sẽ nói đại khái về con Dragon Châu Âu trước sau đó sẽ nói về con rồng Á Châu.

Con dragon, trong thực tế, có thật. Ðó là con vật ăn thịt, giống như con kỳ đà, rắn mối của ta. Bạn mở Google rồi đánh chữ “Dragon” thì thấy đủ loại Dragon. Con Dragon tiếng La Tinh: Draco, tiếng Anh, Pháp: Dragon, tiếng Ý: Dragone… Dragon nhỏ cỡ con thằn lằn, to lớn thì có con Dragon Komodo ở đảo Komodo, Indonesia, tên khoa học là Varamuo Komodoensi, dài 2 mét, nặng 150 ki lô. Tôi xem trong TV. thấy chúng ở chung với người trên đảo Komodo. Dân trên đảo phơi cá, chúng bò tới ăn, phải đánh đuổi. Hình như chính phủ nuôi chúng để hấp dẫn khách du lịch, nhưng cũng khá tốn kém, có mấy con trâu già chết, người ta mang cho chúng, chúng nhai sạch cả xương, lông. Không hiểu khi đói chúng có ăn thịt trẻ con không? chứ tôi thấy mấy đứa nhỏ lấy roi đuổi đánh chúng chạy vô rừng. Khi giành ăn, giành con mái, chúng đánh nhau rất hăng, máu me tùm lum mà vẫn cứ lăn xả vào nhau. Nhỏ hơn có con Dragon Volan mà ta gọi là thằn lằn bay, tên khoa học là Physignathus Cocinan. Miền thượng du Bắc Việt cũng có loại nầy. Có một loại tương tự lớn hơn, tên là rồng đất, người Tày gọi là Turong Ðang, người Mường gọi là Rềnh, dài khoảng 50 cm. Con chuồn chuồn không giống con dragon mà cũng được gọi là Dragon Fly? Có con cá dưới biển, màu sắc sặc sỡ, đầu dẹp cũng được gọi là con Dragonet. Ở Mỹ, có nhiều con dragon nhỏ được bày bán trong các tiệm bán thú nhỏ (pet). Mấy con nầy chẳng làm được tích sự gì, chỉ thấy bò tới , bò lui như con kỳ nhông vậy thôi (con tắc kè còn kêu được vài tiếng vào ban đêm). Tôi xem phim (vẽ) truyện cổ tích cho trẻ con Châu Âu, con Dragon được thêm vây, cánh, móng vuốt dữ dằn. Có con năm bảy đầu. Nó to như cái nhà, hiệp sĩ đến gần để chiến đấu thì nó phun lửa, chặt đầu, nó mọc lại đầu khác, phun lửa tiếp. Có khi nó bay trên trời, dùng móng vuốt bắt người. Cuối cùng chàng hiệp sĩ cũng giết được nó (hoặc bắn tên cho nó rớt xuống đất) để vào hang cứu công chúa (và để vui lòng lũ trẻ), tương tự chuyện Thạch Sanh, Lý Thông của ta vậy. Dragon là con ác thú, các ông gọi mấy bà dữ dằn, ác phụ là Dragon lady.

Bây giờ qua chuyện con rồng của ta.

Chưa ai thấy con rồng thật, tôi cũng chưa thấy, nên tôi chỉ dựa vào sách báo, truyền thuyết, tranh vẽ, hình tượng để để trình bày với hi vọng quí độc giả có được những giây phút giải trí thoải mái trong mấy ngày xuân.

Hình tượng con rồng có từ khi nào? Có thể khẳng định, rồng có từ thời lập quốc nước Việt Nam ta. Sử Trung Hoa có nhắc đến con Giao Long, là con rồng của người Giao Chỉ. Các di chỉ lịch sử của Trung Hoa không thấy hình tượng con rồng (chỉ có con lân), mãi đến đời Tuyên Ðức (1426-1435) mới thấy rồng xuất hiện trên các đồ đồng, đồ gốm, đồ sành (ông vua nầy chỉ thích đá dế, sao lại thích con rồng?). Ðến đời Thành Hóa (1465-1487) mới thấy xuất hiện Long Phụng Hòa Minh rồi Phụng Mao Lân Giác… Ngay cả đến con Phụng Tàu cũng chỉ xuất hiện sau Phụng Việt ít ra cũng 400 năm. Ðời Lý, thế kỷ 11, phụng đã thấy xuất hiện trên đồ gốm, đồ đồng rồi. Con phụng Việt dáng uy nghi nhưng nặng nề, người Trung Hoa “chế biến” con phụng Việt thành bay bướm, rực rỡ, thanh thoát ra vẻ mẫu nghi thiên hạ (phụng tượng trưng cho hoàng hậu). Xem thế từ thời thượng cổ, người Lạc Việt đã vẽ hình giao long trên người để tránh bị giao long làm hại, thuyền bè cũng vẽ con mắt phía trước mũi thuyền, mục đích đồng hóa với giao long. Người Mường (gốc người Việt cổ) gọi con rồng là Prudồng và con thuồng luồng là Tu Luông. Con rồng ở Việt Nam không chỉ dành riêng cho vua chúa mà dân gian cũng có thể dùng hình tượng rồng, chỉ khác biệt là con rồng, tượng trưng cho nhà vua thì mỗi chân có năm (5) móng, rồng của các quan bốn (4) móng, dân chúng (các đình chùa, miếu đền) chỉ được làm hình con rồng ba (3) móng thôi. Ra Huế, bạn thăm cung điện, lăng tẩm các vua đều thấy rồng năm móng, Ðồ cổ, có hình vẽ rồng năm móng là biết đó là đồ ngự dụng (vua dùng), rất có giá trị. Nếu có lên Ða Lạt, nhớ ghé thăm biệt điện Bảo Ðại, bạn xem trong tủ triển lãm đồ ngự dụng, có một bình trà (cho vua dùng) vẽ hình con rồng sẽ biết. Thời các vua nhà Nguyễn, có lịnh cấm dân chúng dùng hình tượng con rồng. Theo Khâm định Ðại Nam Hội Ðiển Sự Lệ , quyển 186 về luật lễ thì “Nếu thêu vẽ con rồng, con phượng, giao long thì quan hay dân đều bị phạt 100 trượng (đánh bằng gậy) và lưu đầy 3 năm. Quan thì cách chức, thợ làm bị phạt 100 trượng”. Ðến thời Pháp thuộc, triều đình nhà Nguyễn chỉ là bù nhìn nên chẳng ai sợ lệnh vua mà phải tuân hành nên đình chùa, miếu võ, các đồ dân dụng (ấm, tách, đĩa, chén) vẫn vẽ con rồng, có khi rồng năm móng!

Huyền sử Việt Nam có kể rằng chúng ta là con Rồng cháu Tiên (các cháu gặp người “ngoại quốc” có thể tự giới thiệu “We are children of the Dragon and the Fairy” nhưng nhớ chỉ rõ hình con rồng chứ không phải con dragon, khủng long hay ác thú phun lửa giết người, và cô Tiên của chúng ta là người đẹp bằng người thật, nhân hậu và có phép tiên, chứ không phải cô tiên có cánh, bé tí xíu như con ong, tay cầm chiếc đũa thần, nhấp nháy như pháo cầm tay thường xuất hiện trong các hình vẽ và phim cổ tích cho trẻ em ở Châu Âu).

Sách xưa có ghi rõ về các loại rồng như sau: Rồng có cánh gọi là Ứng Long, rồng có sừng gọi là Cù Long, không có sừng gọi là Ly Long, rồng có vảy gọi là Giao Long (con rồng ở xứ Giao Chỉ. Giao Long thường xuất hiện ở bến sông thành Ðại La và Long Biên). Rồng 500 tuổi thì có sừng, 1000 tuổi thì có cánh, rồng chưa bay lên được thì gọi là Bàn Long. Trung Hoa đem con Giao Long (của xứ Giao Chỉ) ra “vẽ rắn thêm chân” (đầu lạc đà có sừng, tai bò, bốn chân, râu ria, móng vuốt trông rất hùng vĩ, dữ tợn) phổ biến đến các nước chung quanh nên nước Nhật chọn con rồng đen là rồng thiêng của họ (trước 1945, có đảng Hắc Long của Nhật), và con Thanh Long là rồng thiêng của dân tộc Triều Tiên.

Trở lại tục xăm mình của người Việt mà đến đời Trần vẫn còn giữ và con rồng đời nhà Lý chỉ là con rắn có vảy, có chân đến đời nhà Trần mới dùng hình tượng con rồng (có vây, kỳ) như của người Trung Hoa. Nhưng con rồng có thật hay không? hay biến dạng từ con vật nào? Theo các nhà nghiên cứu về tục xâm mình và con rồng Việt Nam thì có lẽ đó là hình ảnh con thủy quái. Họ suy luận rằng: Thời thượng cổ, đồng bằng sông Hồng và vùng bờ biển vịnh Hạ Long (vịnh rồng đáp xuống) còn rất hoang vu, thú dữ đầy dẫy. Người Việt đánh cá thường bị loại thủy quái nầy sát hại. Họ sợ hãi và nghĩ cách xâm hình con thủy quái lên toàn thân, hi vọng chúng tưởng đồng loại mà không ăn thịt. Loài thủy quái nầy rất to lớn, chúng thường băng qua sông hoặc lội từ đảo nầy qua đảo kia ở vịnh Hạ Long để săn mồi. Vì là ác thú hại người nên con người phải chiến đầu, tiêu diệt chúng để sống còn, giống như đã tiêu diệt hổ báo, cá sấu ở nam bộ thời người Việt mới đến khai phá. Tuy vậy đến thời Pháp thuộc, loài thủy quái nầy vẫn còn. Xin trích sau đây một số tài liệu liên quan đến con thủy quái mà người ta gọi là rồng biển, có ghi nhận trong các “Nhật Ký Hải Trình” của hải quân Pháp trên vịnh Hạ Long như sau. Theo Oudemans người ta đã trông thấy rồng hiện ra 134 lần từ năm 1802 đến năm1890. Ông Oudemans đã được trông thấy rồng hiện lên ở vịnh Hạ Long (bai d ùAlong) nên ông có tả rõ hình con rồng dài từ 15 đến 30 thước, đầu nhỏ có râu, đuôi dài lắm, có 4 vây to, lúc ngoi dưới nước mình như con rắn. Vị chỉ huy tàu Avalanche là Lagrisill có kể chuyện rằng: Năm 1897, hồi tháng 7, tàu ông đang đi ở vịnh Hạ Long, thình lình, ở đằng xa, xuất hiện một vật đen đen, chiếu ống dòm thì thấy con rồng đang rẽ nước, ông liền cho tàu chạy đến gần độ 600 thước rồi ra lịnh lấy súng đại bác bắn một phát, nhưng không trúng, rồng lặn xuống nước. Rồng thở phì phào như con trâu đầm nước và phun nước lên cao như cá ông voi. Ngày 15 tháng 2 năm 1898 rồng lại hiện lên gần Faist-si-long, trên tàu bắn nhiều phát súng, cách rồng 3, 4 trăm thước, hình như có hai phát trúng nên thấy rồng cuộn khúc lên khỏi mặt nước và phun nước lên trên không. Chín ngày sau, từ tàu Bayard, một sĩ quan (quan năm) hải quân và tám hạ sỹ quan đang đứng chơi trên tàu cũng lại thấy rồng hiện lên, đầu nó nhỏ như đầu chó bể (phoque), lưng có gai như răng cưa”. Mới đây, vào năm 2009, ở vịnh Bristol (Alaska) người ta quay video được một sinh vật to lớn, dài khoảng 6 – 9 mét, di chuyển trong nước với cổ dài, đầu giống đầu ngựa. Giáo sư Paul LeBlond, trưởng khoa Khoa Học Trái Ðất Và Ðại Dương, đại học British Columbia cho biết, sinh vật trong video dao động lên xuống theo chiều dọc chứ không di chuyển sang hai bên như cá. Có thể đó là loài rắn biển khổng lồ, được gọi là Cadborosaurus, là động vật bò sát biển, thường xuất hiện ở các bờ biển Bắc. Như vậy, con Giao Long (con rồng của người Giao Chỉ) là có thật, đến thế kỷ 19 còn sống sót vài con và bị người Pháp tiêu diệt. Có phải con thủy quái ở hồ Loch Ness (xứ Scottland) cũng là bà con giòng họ gì với con giao long của ta chăng?

Năm 1925, giáo sư Gruvel xuất bản một cuốn sách nói về nghề đánh cá cũng có kể chuyện về con rồng biển. Theo lời ông bác sĩ Kremp, nguyên quản đốc viện Ðông Dương Hải Học đã nghe một người Nam phần, 56 tuổi, chủ thuyền ở sở Thương Chánh Sài Gòn thuật lại rằng, năm 1883, có trông thấy trên bể một con rắn biển to bị sóng đánh giạt vào. Con rắn bể nầy dài 19 thước, lưng rộng 1 thước và có nhiều đốt. Da nó xám, cứng, gõ kêu như sắt tây (Theo Nguyễn Công Huân, Văn Hóa Nguyệt San, T. XIII, Q I, Sài Gòn 1964, tr. 26-30).

Trở lại chuyện con rồng. Vì là con vật được tượng trưng cho cao quí, sang trọng, quyền năng và nhân hậu nên các vua tự xem mình là rồng, những gì thuộc về nhà vua đều thêm chữ long vào. Long nhan (mặt rồng), long sàn (giường vua nằm), long xa (xe vua)… Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có “Ðồ Long Ðao” (đồ long là giết rồng) là cây đao sẽ dùng để giết vua Mông Cổ giành lại nước Trung Hoa cho người Hán. Người Việt mình rất thích dùng chữ “long” để chỉ các công trình, địa danh. Long Biên, Hàm Rồng, Long Hải, sông Cửu Long, thành Thăng Long… ngoài ra còn có Long Beach (bãi biển rồng), Long Island (đảo rồng) ở xứ Mỹ, và Longine (con rồng nằm trong đồng hồ?) của Thụy Sĩ nữa!

Chùa Cầu – Hội An, Quảng Nam (Ảnh: Internet)

Hiện nay người ta thích vẽ, tạc tượng con rồng ở các đình chùa, miếu đền và cả các công viên, khu giải trí. Dài nhất Việt Nam là 2 con rồng bằng xi măng trước đền thờ Ngọc Hân công chúa và vua Trần Nhân Tông, cách đàn Nam Giao 6 km trên núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, thành phố Huế. Con rồng xi măng nầy dài 105 mét, thân cao 2,5 mét, đầu cao 3,5 mét. Trong truyền thuyết, có con rồng dài gần chục nghìn cây số, từ thành phố cổ Hội An đến nước Nhật. Người ta kể rằng. Nước Nhật thường hay động đất vì có con rồng nằm dưới đó, thỉnh thoảng cựa mình là đất đai rung chuyển, cây đổ, nhà sập. Thầy địa lý Nhật bảo rằng, mình con rồng ở Nhật nhưng đầu nó ở tận xứ Việt Nam. Vậy nên, vào đầu thế kỷ 15, thầy địa lý Nhật đến xứ Ðàng Trong (của chúa Nguyễn), tìm long mạch thì thấy ở Phố Hội có đầu con rồng nằm dưới một rạch nước, họ bèn xây đè lên (đầu rồng) một cây cầu, xây thêm trên cầu một ngôi chùa, có tượng ông (thần) tướng cầm cây gươm, ghìm ngay đầu con rồng để kềm chế, không cho nó cục cựa, vậy là nước Nhật bớt động đất. Ðó là Chùa Cầu, tỉnh Quảng Nam, đến nay vẫn còn, như một kỷ niệm của người Nhật tặng cho dân Hội An, nhiều người gọi đó là cầu Nhật Bản, có ghi công trình nầy ở các bia đá trên cầu. Ðến Hội An xem Chùa Cầu, bạn nhớ vô chùa (ngay trên cầu) sẽ thấy rõ tượng ông (thần) tướng cầm gươm. Có lẽ người dân Hội An thêm thắt vô cho bọn trẻ chúng tôi tin là thật, sau nầy, đọc sách chúng tôi mới biết là khoảng thế kỷ 15, 16, người Trung Hoa và người Nhật đến phố Hội lập thương cục buôn bán. Phía bắc phố Hội bên kia con rạch là nơi cư ngụ của người Nhật, phía nam của người Tàu. Người Nhật xây cây cầu để tiện đi lại, nhưng sách vở không nói về chuyện ngôi chùa (miếu) thờ ông thần nào đó, tướng tá, võ phục trông giống của người Nhật.

Tượng (ảnh trái) và bàn thờ Bắc Đế Trấn Vũ ở chùa Cầu, Hội An. Ảnh: V.V.H

Bây giờ, để chấm dứt bài con rồng, tôi xin hiến quí vị tuổi Thìn (con rồng) một quẻ bói. (Xin lỗi, tôi không có quẻ tuổi Thìn cho quí bà). Ðàn ông tuổi con rồng thường gặp may mắn. Năm nay lại càng may mắn hơn vì là năm Giap Thìn. Người tuổi Rồng có thừa sức khỏe, năng nổ nhưng dễ bị kích động và mất thăng bằng. Cực kỳ ương ngạnh nhưng ăn ở có đức độ, không biết đạo đức giả. Ðược thiên hạ kính nể, có thế lực. Tuổi Rồng hăng hái ít ai sánh kịp. Thời trẻ hay gặp trắc trở, lớn lên vùng vẫy như rồng có cánh tuy cũng lắm thăng trầm, về già nhàn nhã. Tuổi Rồng hợp với tuổi chuột, rắn, khỉ, gà. Kị nhất với tuổi trâu, chó. Năm nay, tuổi Rồng khá giả, yên thân, miễn là đừng giao dịch, tiếp xúc với người cùng tuổi Thìn (con rồng) vì là năm Rồng lại nằm ở cái thế “lưỡng long tranh châu”, chưa biết thắng bại ra sao?

Bài con Rồng xin chấm dứt, sang năm xin hầu quí vị chuyện con Rắn, năm Tỵ.

Phạm Thành Châu

Visits: 50

Có Quê Hương Trong Giọng Nói Người Mình

Nguyễn Quang Dũng

Cửa Tùng – Vĩnh Linh, Quảng Trị

Tôi rời quê nhà, vượt biển với vợ con tìm tự do, năm 1981. Lúc đó tôi 27 tuổi. Đến nay như vậy đã hơn 43 năm xa xứ. Và Tết vẫn là khoảng thời gian nhắc nhớ nhiều nhất trong tôi về quê hương khốn khó Việt Nam.

Năm đầu tiên xa nhà, tôi ăn Tết ở trại tỵ nạn Bataan.
Tối giao thừa, tôi nghe bà con trong trại tỵ nạn xách nồi niêu, soong chảo, thùng thiếc lên mái nhà khua gõ ầm ĩ… thay cho tiếng pháo mừng xuân. Trong bóng đêm của trại tỵ nạn không có khung cảnh quen thuộc, ấm cúng mà trang nghiêm, của Ba tôi thắp đèn cầy, đốt nén nhang trên bàn thờ tổ tiên đã chưng đầy hoa quả, khấn vái cầu nguyện cho một năm mới bình yên, tôi bỗng thấy nhớ nhà vô hạn.
Nhớ nhà và buồn muốn khóc.

Tới Mỹ năm 1982, vất vả với những lo toan cho đời sống mới trước mặt, tất bật với ngày đêm và công việc mưu sinh, nhiều khi quên bẵng đi chuyện nhớ nhà, thì vẫn là ngày Tết nhắc nhớ trong tôi đến Ông-Bà-Cha-Mẹ-Anh-Em. Vậy mới biết những gì tôi lớn-lên-và-sống-với từ thuở nhỏ ở quê nhà đã ăn sâu trong tiềm thức tôi.

Tôi và vợ tôi lui hui dựng lại cái bàn thờ Tổ Tiên trong căn nhà mình ở Mỹ theo trí nhớ.
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm thì bọn tôi xin được từ lúc đi lau chùi nhà bếp và cắt cỏ ở nhà một Ông Tướng người Mỹ từng chỉ huy lực lượng quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Bức tượng Phật Bà bằng đá Non Nước Đà Nẵng rất đẹp nhưng bị đặt nằm dưới đất trong một góc vườn của vợ chồng ông tướng. Với mớ tiếng Anh rất còn lơ mơ của tôi lúc đó, tôi hỏi bà Tướng là tại sao bà lại để lăn lóc tượng Phật Bà như thế này? Bà ấy rất ngạc nhiên, nhưng cuối cùng thì cũng hiểu ra và giải thích với tôi là bà ấy không hiểu về Phật giáo và không biết bức tượng là một biểu tượng thiêng liêng đối với chúng tôi như vậy. Và bà bèn tặng vợ chồng tôi tượng ấy. Tôi không bao giờ quên ông bà Tướng người Mỹ rất tốt bụng này.
Những thứ còn lại là chân đèn cầy, bình thắp hương, bình cắm hoa, dĩa chưng hoa quả và hình ảnh những người thân đã khuất. Vậy là tạm đủ cho Bàn Thờ Ông Bà, theo những gì bọn tôi còn nhớ.

Giao Thừa những năm đó, khoảng thập niên 90, chỉ có tôi và vợ tôi loay hoay chưng hoa quả nhang đèn trên bàn thờ Tổ Tiên. Đúng giao thừa, tôi đốt nén nhang khấn vái Ông Bà – cũng giống như Ba tôi vẫn khấn vái như vậy vào Lễ Giao Thừa.
Trong giây phút cuối năm ấy, trước bàn thờ Tổ Tiên, hình như tôi vẫn muốn được trở về, sống lại cái khung cảnh quay quần với Ba Má anh em tôi trong phút Giao Thừa.
Tôi vẫn thấy nhớ nhà và nghèn nghẹn muốn khóc.

Ở những khoảnh khắc chuyển giao của cũ và mới, của kết thúc và bắt đầu, của năm cũ và năm mới tôi nhận ra quê hương không phải là những gì trừu tượng, xa vời trong trí tưởng mà đó là những tình cảm rất rõ nét tự lúc nào đã bám chặt trong tôi. Là Ba tôi. Là Má tôi. Là Anh Em tôi. Là Nơi Chốn tôi sinh ra và lớn lên.

Dần dà, tôi tiếp xúc và tham gia sinh hoạt với những người đồng hương trong vùng tôi ở và quen dần với những cái tết xa quê.
Sinh sống giữa nơi chốn của người Mỹ và những người nói tiếng Mỹ, tôi vẫn khựng lại khi nghe tiếng người đàn ông hay đàn bà la rầy con bằng tiếng Việt, tiếng người mình, ở những siêu thị hay ở những nơi mà tôi không nghĩ là nghe được tiếng Việt.
Thì ra tự trong giọng nói người Việt mình tôi nhận ra trong tôi một sợi dây liền lạc, một nỗi gắn bó với quê nhà giờ đã xa tít nửa vòng trái đất.

Và tôi cũng nhận ra ở cộng đồng người Việt ở đây có rất nhiều Hội Ái Hữu mang tên những vùng đất ở Việt Nam. Hội Gò Công. Hội Long Xuyên. Hội Nha Trang. Hội Huế. Hội Quảng Đà. Hội Đà Lạt. Hội Quảng Trị….Gần gũi và thân tình nảy sinh một cách tự nhiên khi người mình gặp nhau, nghe lại được những giọng nói rất đặc thù Việt Nam – rất “Quảng Nam”, rất “Huế”, rất “Sàigòn”, rất “Nha Trang”, rất “Quảng Trị”…

Ba Má tôi gốc Quảng Trị – chánh quán làng An Du Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trước 1975, An Du Nam nằm bên kia vĩ tuyến 17, bên kia sông Bến Hải, thuộc miền Bắc.
Ba tôi, một công chức trung cấp của chính quyền miền Nam, trôi nổi theo vận nước từ Quảng Trị xuôi về miệt miền Nam. Cư sở cuối cùng của ông là Sài Gòn. Tôi dĩ nhiên cũng đi theo ông. Từ Phan Rang ra Nha Trang, rồi Kontum, về lại Nha Trang, và trước 1972, tới ở Sàigòn cho đến ngày mất nước. Vì di chuyển theo Ba tôi đó đây như vậy nên tôi dường như không gắn bó với vùng đất nào của quê nhà.
Nhưng có một điều theo tôi suốt từ nhỏ tới lớn, không rời: Đó là giọng nói Quảng Trị của Ba Má tôi. Tôi nghe và rất quen thuộc giọng Quảng Trị của Ba Má tôi từ nhỏ, nhưng không nói được giọng Quảng Trị, có lẽ là do tôi sinh tại Phan Rang và lớn lên trong Nam.
Tôi gặp lại các anh Lê Quyền, Phan Khâm, Nguyễn Bồng trong Hội Quảng Trị vùng Hoa Thịnh Đốn trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt vùng Thủ Đô. Tôi được nghe lại giọng nói quê mình.
Giọng nói của các anh giống như giọng nói của Ba tôi. Rất Quảng Trị. Không lầm lẫn đâu được. Đó là giọng nói của nằng nặng, triũ buồn trong âm hưởng. Tôi nhớ Má tôi nói với tôi là – “ngoài quê mình sống cực lắm con ơi.” Có phải chăng là cuộc sống kham khổ trên mảnh đất Quảng Trị quê nhà làm giọng nói người Quảng Trị mình cũng bị trĩu nặng vì những lo toan?

Tết lại gần tới, khi viết những dòng này, tôi lại thấy nhớ quê nhà. Và nhớ hình ảnh Ba tôi lui hui khấn vái trước bàn thờ tổ tiên đêm Giao Thừa.
Ba tôi mất tháng 8 năm 2010, tại Sàigòn.

Tôi đang rất nhớ giọng nói Quảng Trị của Ba tôi. Hình như quê nhà đang vương vương trong ánh mắt.

Tôi lại thấy lòng buồn. Muốn khóc.

Nguyễn Quang Dũng

VA, những ngày gần Tết

Visits: 65

Hoạn Thư Tập Sự

Phạm Thành Châu

Ghen đến trình độ "thượng thừa" như người đàn bà này: Từng bước đều cao ngạo và đánh thẳng mục tiêu, người đời sau đọc xong chỉ biết "tấm tắc" - Ảnh 1.Tứ nghiện thuốc lá. Bỏ được ít lâu, lại hút tiếp. Lan bực lắm, thường bảo.

– Anh chỉ được chọn một thôi, hoặc em hoặc thuốc lá.

Tứ thề thốt, coi bộ hăng hái lắm, được ít lâu, sau bữa ăn, Tứ biến đâu mất. Lan mở cửa đi tìm, thấy Tứ ngồi trước thềm phì phà điếu thuốc. Tứ hít một hơi thuốc, thở khói ra, ngón trỏ gõ gõ trên điếu thuốc, mắt đăm chiêu mơ màng. Lan đâm bực.

– Chà sướng quá há! Trốn ra ngoài hút thuốc. Ôm gói thuốc đi luôn đi, đừng vô nhà nữa nghe!

Tứ nhe răng cười.

– Anh sẽ súc miệng, đánh răng cho hết hôi. Em mà nghiện thuốc, em mới thấy được cái thú hút thuốc. Sau bữa ăn mà không có điếu thuốc thì cuộc đời mất hết một nửa thú vị.

– Thôi, đủ rồi, có vứt điếu thuốc đi không, hay là tôi khóa cửa lại?

Tứ hít một hơi dài rồi mới chịu dí dép lên điếu thuốc. Chuyện Lan nổi cơn ghen sau đây cũng vì Tứ ra ngoài sân hút thuốc. Một tối thứ bảy, vợ chồng đi dự đám cưới của một người đồng hương tại một nhà hàng. Theo truyền thống trong lúc thực khách thưởng thức các món ăn thì cô dâu, chú rễ và phái đoàn hai họ đến từng bàn tiệc ngỏ lời cám ơn tấm thạnh tình đã bỏ chút thì giờ quí báu… Rồi đại diện bàn tiệc sẽ đứng lên đáp từ và trao những phong bì tiền lì xì. Khi sắp đến bàn của vợ chồng Lan thì Tứ bỏ ra ngoài hút thuốc, Lan dặn với theo.

– Lẹ lên nghe, sắp đến bàn mình rồi.

Lan muốn khi cô dâu, chú rễ đứng chụp hình kỷ niệm phải có Tứ ngồi bên cạnh. Vậy mà chờ mãi, cô dâu chú rễ đã qua bàn khác vẫn không thấy Tứ vào. Lan bực mình đứng dậy đi tìm. Vừa bước ra khỏi cửa nhà hàng, Lan bỗng khựng lại nép người vào tường: Tứ đang nói chuyện với một cô gái trước một cửa tiệm bên cạnh. Tuy không xa lắm, nhưng Lan không nhìn rõ được cô gái vì cả hai đứng khuất ánh đèn dưới mái hiên. Lan thấy họ coi bộ vui vẻ, thân thiết lắm. Cô gái nói gì đó, Tứ đáp lại, rồi cả hai cười phá lên, cô ta còn đập tay vào người Tứ nữa. Lan như chết sững, tim đập thình thịch, người run lên. Cô muốn ra chỗ hai người, nhưng không hiểu sao chân tay không cử động được. Lối đập tay vào người Tứ của cô gái và cách nói chuyện tự nhiên vui vẻ đó chứng tỏ hai người quen biết, thân thương nhau coi bộ hơn cả Lan với Tứ nữa. Cô gái mở bóp, đưa Tứ tờ giấy nhỏ, Tứ nhanh nhẹn xé đôi tờ giấy viết gì đấy và trả lại cô ta nửa tờ, nửa kia bỏ vào bóp. Rồi Tứ ném điếu thuốc xuống đất và dí nát nó. Lan hiểu rằng Tứ sắp quay vào, cô vội vã trở vào nhà hàng, cố giữ vẻ bình tĩnh. Chờ một lúc, vẫn không thấy Tứ đâu, cô lại định ra tìm thì thấy Tứ đang cụng ly với mấy người bạn ở bàn phía xa kia. Cô muốn gọi Tứ để hỏi cho ra lẽ nhưng chợt nghĩ lại làm gì Tứ cũng bảo đó là người bạn cùng sở hay gì gì đó và chắc chắn sẽ có một câu: Đừng nghĩ bậy bạ, người ta có chồng rồi, anh chỉ là người quen thôi. Nếu nghe thế chắc chắn Lan sẽ nổi giận ngay: Quen, quen mà vỗ vai, vỗ vế, giống như mấy con đĩ. Lan biết hễ nổi nóng lên là cô không chịu giữ ý gì cả, và như thế mọi người trong tiệc cưới sẽ chú ý đến ngay. Lan nghĩ: Ai lại nổi ghen trước mặt người khác, người ta đồn đãi nhau xấu hổ chết, người bản lĩnh phải che dấu ý nghĩ. Mà nếu hắn trả lời như thế thì mình cũng chịu, giỏi lắm lầu bầu mấy câu, rồi hắn nịnh nịnh, cười cười là mình quên ngay như mấy lần trước, mà lại chẳng khác gì báo động tụi hắn sẽ dè dặt kín đáo hơn. Cho nên Lan quyết định làm như không biết gì hết. Lúc Tứ trở về chỗ ngồi, nghe nồng nặc mùi rượu, cô lại nghĩ Chà, uống mừng tái ngộ cố nhân đây! Lan thấy tức đến nghẹt thở nhưng cố nén giận, đứng lên.

– Say quá rồi! Thôi, về sớm!

Tứ lè nhè gì đấy, cô không thèm nghe, xin lỗi những người cùng bàn. Cô biết Tứ say, nếu lái xe mà cảnh sát hỏi thăm sức khỏe thì rắc rối to ngay, nhưng cô làm thinh, để mặc. Trước giờ đâu có uống đến say tí bỉ như thế, phải có lý do, đó là gặp con nhỏ kia, vui quá nên tự thưởng cho mình mấy ly chứ gì, lăng nhăng đi, gặp chuyện thì ráng chịu, đáng kiếp! Lúc về nhà, đáng lẽ như thói quen Lan phải ôm chồng mới ngủ được, lần nầy cô nằm xây mặt vào sát vách yên lặng. Tứ kéo tay, cô cưỡng lại, cô muốn nói mấy câu cho hả giận nhưng nhớ lại là cần giữ bí mật nên chỉ bảo.

– Hôi quá, tránh ra!

Tứ thấy bất thường nên hỏi.

– Có chuyện gì vậy?

– Đau đầu quá. Để tôi yên!

Thực sự Lan muốn bể cái đầu khi tưởng tượng lại cảnh lúc nãy, tưởng tượng sau nầy “hai đứa” lén lút hò hẹn, đưa nhau đi nhà hàng, cinê, có khi đi phòng ngủ nữa. Lan chỉ muốn hét to lên “Đồ phản bội!”, muốn đấm, muốn ngắt véo Tứ cho hả giận nhưng vì mưu kế nên đành yên lặng. Cô cứ thao thức mãi, trong khi Tứ đã ngáy khò khò, Lan giận mình dại, tại sao không đến ngay lúc đó cho con nhỏ kia biết điều mà buông tha Tứ, hay ít ra cô sẽ làm bộ vui vẻ hỏi tên, hỏi chỗ ở, sở làm của “con kia” để có thể theo dõi cho chính xác. Bây giờ thì mù tịt, hỏi hắn cũng vô ích, hắn sẽ nói láo ngay. À, hai đứa đã cho nhau số điện thoại rồi, như thế số điện thoại con nhỏ kia đang nằm trong bóp Tứ. Quần dài lúc nãy Tứ treo trong tủ áo quần, Lan quyết định sẽ lấy cái bóp trong túi quần Tứ, vào phòng vệ sinh, khóa cửa lại, mặc sức lục lọi. Nghĩ thế nên cô chồm dậy, định bước xuống giường, nhưng kẹt là phải làm sao bò qua người Tứ mà không đụng đến hắn. Tứ rất tỉnh ngủ, chỉ cần đụng nhẹ là hắn mở mắt ra ngay. Hai đầu giường thì kẹt cái vách và cái bàn. Lan nhìn đồng hồ, đã hơn hai giờ sáng, Tứ vẫn ngáy đều, cô nhẹ nhàng lần xuống phía chân, cố chống hai tay, hai chân thật cao sao cho không đụng đến người Tứ, nhưng chợt Tứ ngừng ngáy, Lan thất vọng, có lẽ tà áo của cô đụng vào người Tứ. Đúng ra người say rượu thường ngủ li bì, giờ nầy có lẽ rượu không còn tác dụng nữa. Lan lại giận mình, biết vậy, lúc tối thay vì đi ngủ Lan làm bộ làm gì đấy để khỏi lên giường, hễ nghe Tứ ngáy là lấy bóp Tứ ra kiểm tra. Giờ thì đã lỡ rồi, không thể đến mở tủ được, sợ Tứ biết, cô đành đi xuống bếp, mở tủ lạnh lấy nước uống. Lan làm thong thả cố kéo dài thời gian. Một lúc sau, cô nhẹ nhàng về phòng. Tứ đang ngáy, bỗng trở mình và không ngáy nữa, Lan đoán Tứ vẫn ngủ say, cô kéo nhẹ cánh cửa tủ. Bỗng cô nghĩ Khi mình lấy bóp của hắn và tìm thấy số điện thoại hoặc địa chỉ con kia, mình phải chép ra và để lại chỗ cũ mới không bị nghi ngờ, vậy phải tìm một cây bút và một mãnh giấy. Nghĩ vậy, Lan tiến về phía chiếc bàn ở góc phòng. Cô nhớ có một cây bút để cạnh TV, nhưng ánh đèn đường chiếu qua cửa sổ không đủ sáng để cô phân biệt các vật trên bàn, Lan đành dùng tay mò mẫm, bỗng tay cô đụng cái ly, ngã nghe cạch một tiếng, cô giật mình đứng yên, sợ Tứ tỉnh dậy. Nhưng Tứ đã hỏi giọng tỉnh rụi.

– Làm gì mà đứng lù lù như ma vậy?

Lan tức quá trả lời.

– Kệ chó tui!

Rồi cô vùng vằng leo lên giường, tiện chân cô đạp cho Tứ một đạp vào lưng nghe đánh hự một tiếng.

– Làm gì zdậy? – Ai vẽ! (Ai bảo)

– Vẽ gì?

Lan định nói “Ai vẽ theo con đĩ ngựa kia chi!” nhưng cô giữ kịp miệng. Nói vậy thì lộ bí mật hết còn gì!

– Ngủ đi. Cứ lục đục hoài không cho người ta ngủ!

Thì ra hình như Tứ biết tất cả những gì Lan làm từ nãy giờ. May mà cô chưa lấy được cái bóp nếu không Tứ sẽ biết được, chúng nó sẽ kín đáo hơn, khó theo dõi. Lan nhìn đồng hồ, đã hơn bốn giờ, vậy là gần như trắng đêm cô không ngủ với bao ý nghĩ ngổn ngang. Lan phân vân không biết những người có chồng ngoại tình xử trí ra sao? Cô nhớ lúc nhỏ đọc báo, ở Sài Gòn có người tạt acít tình nhân của chồng. Cô tưởng tượng lúc bắt gặp hai đứa trong phòng ngủ, cô dám tạt acít cả hai lắm, nhưng ở Mỹ acít đâu dễ tìm. Hay là khi tìm được con kia, Lan sẽ nhẹ nhàng bảo Biết chuyện cô Cẩm Nhung, (bị tạt acit) báo có đăng ở Sài Gòn trước đây không? Nếu nó không biết tất sẽ hỏi thằng tình nhân (là Tứ). Lúc đó Tứ sẽ về tìm cách dọa nạt cho Lan không làm điều đó, thế là cô sẽ bảo Tứ Hỏi bà Phương bên Vancouver Canada đã làm gì biết không? Và Tứ sẽ nhớ lại chuyện báo đăng một người đàn bà Việt Nam ở Canada cắt chim chồng bỏ vô cầu tiêu giật nước cho trôi mất tiêu, không hy vọng chắp vá gì được cả. Như thế Lan đã cảnh cáo cả hai. Nghĩ vậy Lan hơi yên tâm, nhưng lại tự nhủ, phải làm gấp, cho hai đứa xa nhau sớm, chứ để chúng hẹn hò, ôm nhau rồi thì khó mà dứt ra. Lối cho nhau số điện thoại như thế chứng tỏ chúng nó đã lâu không gặp nhau. Tình cũ không rũ cũng đến, lúc tái ngộ sẽ mùi dữ! Nghĩ đến đó trong đầu Lan lại hiện ra cảnh Tứ ôm con kia hôn hít như đã từng ôm cô, Lan càng sôi gan, tưởng như chuyện đó đã xảy ra rồi, cô lại đạp cho Tứ một cái thật mạnh, Tứ lại hự một tiếng, la lên. – Làm gì zdậy? Điên hả?! Lần nầy Lan không thèm trả lời nhưng thấy cơn giận tạm nguôi, cô trùm mền ngủ. Đến khi nghe đồng hồ reo Lan mới tỉnh dậy, thấy đã mười giờ sáng. Quái lạ, lúc nào cô cũng để bảy giờ, dậy sửa soạn ăn uống cho chồng con rồi đi làm là vừa, sao đồng hồ lại reo lúc mười giờ?. Đúng rồi, Tứ sợ cô dậy cùng lúc có thể sẽ theo dõi hắn, nên vặn cho đồng hồ reo trễ. Sáng nay làm gì hắn cũng hẹn với con kia đi ăn điểm tâm đây, có thể Tứ dậy lúc bảy giờ rủ nhau (ăn, ngủ) cho đã rồi tới sở làm cũng còn kịp chán. Lan thấy buồn đến rã rời người. Vậy là Tứ đã phản bội cô thật rồi. Tự nhiên nước mắt trào ra, và cô ngồi khóc. Lan nghĩ đến mấy câu thường hát ru con, trước kia thấy bình thường, bây giờ nghe thảm não quá. Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh ham vợ bé bỏ bè con thơ. Ví dầu tình bậu muốn thôi, Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Nghĩ đến mấy câu ru em đó, Lan tủi thân khóc nức nở. Khóc chán, cô điện thoại vào sở làm báo đi làm trễ vì bịnh phải đi bác sĩ. Công việc của Lan làm tại sở là xếp lại một số hồ sơ cũ, cô làm giờ nào, ngày nào cũng không ai quan tâm, có khi báo nghỉ vài ba hôm cũng không cần người thay thế và cũng chẳng trở ngại gì cho ai cả. Lan đi rửa mặt, cô soi gương thấy mắt mình mọng và đỏ lên. Bỗng cô chú ý đến nhan sắc của mình và tự hỏi có phải con kia đẹp hơn cô hay nó có gì đặc biệt mà quyến rũ được chồng mình? Hay là Tứ bị nó bỏ bùa?! Kiểu nầy thì tán gia bại sản ngay! Cô hoảng kinh với ý nghĩ đó. Buổi sáng yên tĩnh, các con đã đi học từ sáng sớm, chồng đi làm, Lan ít khi phải đối diện với cảnh trống vắng nầy, vì giờ cô đi làm về cũng là giờ cả nhà đều có mặt, tiếng TV trong phòng các con vọng ra, tiếng nhạc Tứ mở trong phòng khách, và tiếng nồi niêu, chén bát va chạm trong bếp là những âm thanh vui vẻ, hạnh phúc. Lan bỗng có cảm tưởng sự trống vắng hôm nay là bắt đầu cho những ngày tương tự sẽ xảy ra. Biết đâu Tứ lăng nhăng rồi về tìm cách gây gổ, rồi sẽ đưa đến tan vỡ, ly dị. Lan sợ hãi hai tiếng đó. Rồi cô sẽ không được ở trong ngôi nhà nầy nữa. Lan từng nghe những cặp vợ chồng ly dị, thường người chồng có nhiều tiền hơn, nhất là có con tình nhân hỗ trợ sẽ trả một số tiền cho người vợ ly dị coi như chia của để lấy căn nhà và người vợ phải ra đi. Rồi con kia và Tứ sẽ ôm nhau trên giường của cô, sẽ nấu nướng trong bếp của cô. Ý nghĩ đó làm Lan chỉ muốn chết quách cho xong, cô lại ngồi khóc tiếp. Khóc một lúc, cô bình tĩnh lại và tự trấn an mình Đàn ông ai mà chẳng lăng nhăng, coi như chơi qua đường, con nào dại ráng chịu, ăn thua người vợ biết giữ chồng hay không? Nhưng cô không biết giữ chồng cách nào. Lan đọc báo thấy nào là phải dịu dàng, chiều chuộng chồng, nào phải để ý đến bản thân, son phấn, ăn diện cho đẹp, nào là phải quyến rũ, hấp dẫn chồng trong phòng the. Hai tiếng phòng the lại làm Lan lại tưởng tượng đến chồng và con kia sẽ ôm ấp nhau ngay trên giường của mình, máu nóng lại xông lên đầu, cô nghiến răng “Gian phu dâm phụ, cho chết cả hai!”. Bỗng Lan tự hỏi, tại sao mình không mua lấy một khẩu súng, rình theo, hễ thấy hai đứa với nhau mình đến cảnh cáo “Lần sau bắt gặp sẽ bắn chết cả hai!” Có cho vàng chúng cũng phải khiếp vía. Rồi cô tự hỏi. Nhưng rủi chúng không khiếp vía thì sao, có dám bắn không? Cô nghiến răng “Dám bắn! Bắn chết tươi!” Cứ một câu hỏi hiện ra trong đầu Lan thì lập tức có câu trả lời, như thế một lúc thì cô bí lối. Lan thở dài, trang điểm sơ sài và lên xe đi làm. Vừa mệt vưà đói bụng, cô bơ phờ, chỉ muốn nằm lăn ra ngũ giấc nghìn thu cho quên hết sự đời. Chợt cô có sáng kiến cứ giả giọng con kia gọi đến sở làm của Tứ, làm gì Tứ cũng vọt miệng hỏi. “Em Hồng, Cúc, Ngọc, Ngà gì đó phải không?” Thế là cô biết tên đối phương. Lan còn nghĩ ra một sáng kiến nữa là sẽ cho Tứ uống thuốc ngủ, bằng cách hòa thuốc chữa bịnh dị ứng vào nước ngọt, Tứ uống vào sẽ ngủ như chết ngay, cô sẽ mặc sức lục lọi bóp của Tứ, ngửi áo xem có mùi nước hoa, tìm có sợi tóc nào, vết son nào không? Khi đã có chứng cớ rõ ràng thì Tứ không có cách nào chối cãi được. Lúc đó Lan sẽ nói thẳng vào mặt Tứ Nếu không sớm từ nó ra thì tôi sẽ bắn chết cả hai. Ôi đơn giản thế mà cô nghĩ không ra. Nhưng phải nói trúng tên con kia mới chứng tỏ mình biết hết, đừng hòng chối cãi. Vậy phải giả giọng con kia gọi đến Tứ ngay. Nhưng giọng gì? Bắc, Trung hay Nam? Theo Lan thấy, thái độ con nhỏ kia không phải là của người Bắc, người Bắc ăn nói điềm đạm và rất giữ ý, người Nam bộc trực hơn, đúng nó là người Nam rồi. Lan quay số, gọi đến sở làm của Tứ, giả giọng Nam.

– Cho gặp anh Tứ ạ!

– Tứ tôi nghe đây. Xin lỗi, ai ở đầu dây ạ?

– Em đây, anh không nhớ à?

– Tôi có nghe quen quen, nhưng thực tình chưa nhận ra là ai cả!

Lan cúp ngay điện thoại, sợ Tứ nhận ra giọng mình. Vợ chồng bao nhiêu năm, dù giả giọng, nói tiếp vài câu Tứ sẽ biết ngay. Cô hơi yên tâm, Tứ không tưởng là con kia nên không vọt miệng hỏi tên chứng tỏ cả hai chưa liên hệ nhau nhiều. Nhưng tại sao Tứ vặn đồng hồ cho cô dậy trễ? Nhất định phải có nguyên do. Cô phải cho Tứ ngủ say để tìm cho ra chứng cớ để buộc tội Tứ cố tình cho cô dậy trễ để đi với con kia mà không bị nghi ngờ. Lan đã lấy lại bình tĩnh. Khi về nhà cô vẫn làm bổn phận thường ngày là chuẩn bị bữa cơm tối và không quên pha sẵn một ly nước ngọt với thuốc dị ứng để khi Tứ uống vào là ngủ say ngay. Hai cô con gái ra than đói bụng, Lan bảo chúng chờ ba về ăn luôn, nhưng đứa lớn nói.

– Ba gọi về nói sẽ về trễ vì bận việc.

– Mẹ nấu chưa xong, các con chờ một chút!

Tuy nói bình tĩnh nhưng cô đã nghi ngờ. Hẹn hò với nhau đi đâu đây, nhưng đừng hòng qua mặt con nầy. Lan gọi ngay điện thoại vào sở làm của Tứ, nếu không có Tứ ở đó, tức đã đi với con kia. Nhưng chỉ mới reng một tiếng là đầu dây kia đã nghe Tứ nói.

– A lô, Tứ nghe đây.

Lần nầy cô giả giọng Bắc vì giọng Nam gọi lần trước Tứ nhận không ra.

– Em đây, anh không nhớ ra em à?

– Xin lỗi cô tên gì, tôi không nhận ra.

– Anh đoán xem, mới gặp đấy mà, người đâu mau quên thế!

– Ai hè?

Lan cúp ngay điện thoại, cô thấy hơi vui vì mưu kế kiểm soát của mình. Nhưng con nhỏ kia là ai? Thân mật đến độ đó thì ôm nhau lúc nào chẳng được. Trong lúc đang suy nghĩ thì cô con gái đưa cho Lan điện thoại.

– Mạ, có điện thoại.

– A lô Lan đây!

– Lan đó hả, mi? Có biết ai đang gọi mi không?

– Ai rứa hè? Nghe như giọng con Tiểu Hoa!

– Đúng rồi, giỏi lắm! Tao qua đây mấy năm mới có được số điện thoại của mi. Răng mi? Làm ăn ra răng? Nghe nói vợ chồng tụi mi mua nhà rồi hả? Làm chi giàu rứa hè?

– Giàu cái khỉ khô chi mi ơi! Thuê nhà cũng trả chừng đó tiền. Chừ mi đang ở mô, tiểu bang mô?

– Tụi tao mu (move) qua Maryland rồi.

Thế là hai chị đàn bà Huế gặp nhau trên điện thoại, nói chuyện sa đà, linh tinh suốt buổi, cứ líu lo như chim hót, người xứ khác chẳng hiểu được bao nhiêu. Lan và Tiểu Hoa là bạn học lại là hàng xóm, từ trường tiểu học Gia Hội cho đến trường Đồng Khánh đều chung một lớp, lớn lên lấy chồng, các ông chồng cũng là bạn thân với nhau. Thành ra khi có gia đình vẫn cứ rủ nhau đi chợ, ăn quà rong.

– Tao đâu biết mi ở Virginia, hôm qua ăn đám cưới bên tiểu bang mi, nửa chừng ông xã tao say quá, tao phải đưa về nhà gấp, lúc ra gặp ông xã mi đang đứng hút thuốc. Lúc đầu, tao không biết là ai, sau ổng tới phụ đẩy ông xã tao vô xe mới nhận ra, tụi tao mừng quá.

Lan lặng người một lúc lâu.

– Bữa mô mời cả nhà mi qua tao, lâu quá!

– Tao cũng định rứa, nhưng để coi, lâu lâu gọi nhau cũng vui rồi.

– Nhưng răng mi biết số điện thoại của tao?

– Thì bữa đó, ông xã mi cho tao chớ ai.

– À, tao biết rồi. Mệ tổ mi. Rứa mà tao tưởng ổng nói chuyện với con mô, tao nổi ghen, tối về tao đạp cho ổng mấy đạp thất kinh luôn.

– Răng ổng không nói cho mi biết?

– Rứa mới đáng đời ổng. Say quá, ổng quên. Lúc ra, tao thấy, nhưng đâu biết mi! Biết, tao đã chạy tới rồi. Thôi, rứa cái đã hỉ, tao sẽ gọi lại.

Lan tắt điện thoại, quay lại thì Tứ đã đứng sau lưng từ lúc nào rồi.

– À, khi hôm đạp tôi! Nhớ nghe! tối nay phải để tôi đạp lại. Hai lần nghe!

Lan mắc cỡ.

– Ông ni, ăn nói nham nhở!

Rồi cô la lên khi thấy Tứ bưng ly nước.

– Ly nước cam. Đừng uống nghe, có thuốc độc trong đó!

– Cô muốn giết tôi phải không?

– Ừ đó! Răng?

Tứ lầu bầu.

– Có mụ vợ ác ôn như ri thì cũng nên uống ly thuốc độc đó, chết sướng hơn!

– Chơ răng ông vặn đồng hồ cho tôi dậy trễ?

– Uả. Thấy cô lục đục cả đêm, sợ cô mất ngủ sinh bịnh, tôi phải vặn trễ.

Bỗng Tứ ôm cứng vợ và cười mãi. Lan vùng vẫy.

– Buông ra! Điên hả?

– Bộ tôi không biết cô giả giọng người khác gọi tôi sao? Số điện thoại cô gọi hiện rõ trong điện thoại sở làm.

Lan vừa giận vừa tức vì bị Tứ chọc quê nhưng cô vẫn nhìn Tứ cười cười rồi ôm Tứ, tay sờ soạn người Tứ. Tứ cảnh giác nhưng không biết sẽ bị gì? Đột nhiên Lan dùng hai ngón tay kẹp một miếng da hông của Tứ, vặn tréo, răng nghiến lại “Chọc quê tôi! Cho biết thế nào là lễ độ!” Tứ nhảy dựng lên “Ui da! Đau quá! Buông ra!”.

 

Phạm Thành Châu

Visits: 33

Một năm nhìn lại: MI – Mission Impossible và HNLK 5

Nguyễn Quang Dũng

Ở  picnic Hè 2018 của Hội Miền Đông có một buổi trưng cầu ý kiến Hội Viên tham dự: Hội Miền Đông có nên đảm nhận tổ chức Hôi Ngộ Liên Khóa QGHC kỳ 5 theo đề nghị của Hội QGHC Úc Châu không?  Dĩ nhiên, có phiếu thuận, có phiếu chống, nhưng tôi nhớ có khoảng 20 cánh tay dơ cao: đồng ý. Và như vậy cái tôi gọi là “Mission Impossible- HNLK5 ” bắt đầu.

Hồi nhỏ còn ở Việt Nam tôi rất thích loại phim hành động, hay ”action movie”, nói theo tiếng Mỹ. Có lẽ là do tôi còm nhom như cây tăm tre, không dám đánh đấm ai, thường bỏ chạy khi bị ăn hiếp nên hiệu ứng tâm lý nghịch là thích phim hành động võ thuật kiểu Lý Tiểu Long như “Đường Sơn Đại Huynh” hay “Mãnh Long Quá Giang” chăng? Nhưng có một loại phim của Mỹ tôi rất thich là loạt phim “Mission Impossible”. Hồi còn ở Việt Nam, loạt phim này là loại phim đen trắng trên TV, tôi chỉ nhớ được nhạc phim mở đầu, rất hay,  với sợi dây dẫn ngòi nổ đang cháy. Sau này, qua Mỹ, tôi lại được dịp xem lại loạt phim Mission Impossible hay MI trên màn ảnh lớn với chàng tài tử đẹp trai Tom Cruise…

Nhưng liên quan giữa Hội Ngộ Liên Khóa QGHC kỳ 5, “code name”: HNLK5MI là thế nào? Ở đâu? Sẽ có người đọc mất kiên nhẫn, vì lối viết cà kê dê ngỗng của tôi,  cắt ngang ở đây và hỏi. Xin thưa:

Hai điểm cốt lõi của MI:

  1. Tổ hành động
  2. Sự hiệp lực của tổ hành động với một kế hoạch hành động chặt chẽ để thực hiện thành công các mục tiêu “không tưởng” đã định

Tôi sẽ trình bày những điểm  tương đồng  giữa HNLK5MI  dưới đây:

Tổ Hành Động… The Team

Gọi là “Tổ Hành Động” hay “The Team” cho có vẻ “action movie” kiểu Mỹ một chút, chứ cái tên gọi thông thường ai cũng biết là Ban Tổ Chức  (BTC). Và “Tom Cruise” của Hội Miền Đông không ai khác hơn là anh Hội Trưởng Nguyễn Kim Hương Hỏa.

Từ trái: Lê Hữu Em, Lê Văn Quan, Trần Hồng,Lê Văn Bỉnh, NguyễnTrường Phát, GS Cao thị Lễ, Hương Hỏa, Vũ Bá Hoan, Tạ Cự Nguyên

Vào tháng 3 năm 2019, ba phiên họp ở tư gia anh chị Trần Nhựt Thăng xác định sơ khởi về kế hoạch thực hiện và  nhiệm vụ  mỗi thành viên của BTC. Phiên họp nào cũng ồn ào, sôi nỗi tranh cãi với nhiều ý kiến khác biệt về cách thức tổ chức HNLK 5. Từ các phiên họp sơ khởi này, một BTC được thành lập với thành phần nhân sự cốt cán cho các sinh hoạt chính của HNLK5 như sau:

Trưởng BanTổ Chức (tổng quát): Anh Nguyễn Kim Hương Hỏa.

Trưởng Ban Phụ Trách Ngày Du Ngoan Washington D.C.: Anh Tạ Cự Nguyên

Trưởng Ban Phụ trách Ngày HNLK tại Marriott: Anh Đỗ Quang Tỏa

Trưởng Ban Phụ trách Tiệc Đêm Chia Tay tại Harvest Moon: Anh Nguyễn Trường Phát

Trưởng Ban Phụ Trách Chuyến Du Lịch Xuyên Bang: Anh Nguyễn Trường Phát.

Ban Thực Hiện Đặc San HNLK: Anh Lê Hữu Em, Anh Trần Nhựt Thăng và Anh Lê Văn Bỉnh.

Thủ Quỹ: Anh Vũ Bá Hoan và anh Lê Văn Quan.

Ban Ấn Loát- Thiết Kế Đồ Họa –  Sân Khấu – Website – Tiếp Liệu & Hỗ Trợ:  Nguyễn Quang Dũng  & Trần Thị Tụ (là …tôi, người viết bài & …bà xã của tôi )

Ban Cố Vấn: Cô Cao Thị Lễ, Anh Trần Hồng, Anh Lê Hữu Em.

Gần như mọi người đến dự phiên họp đều được phân công, phân nhiệm cho các “ngày hành động”, trừ chị Kim Dzung, sau này mới nhận nhiệm vụ (xin xem ở phần sau )

Mọi người đều …xăn tay áo, bắt đầu lên kế hoạch hành động và từng bước  thực hiện kế hoạch được giao.

 

Hàng đứng từ trái: Nguyễn Q Dũng, Hương Hỏa, Tạ Cự Nguyên, GS Cao thị Lễ, Chị Trẩn Nhựt Thăng, Lê văn Quan. Hàng ngồi từ trái: Đỗ Quang Tỏa, Lâm Kim Dung, Trần Thị Tụ, Trần Nhựt Thăng, Lê Hữu Em, Lê Văn Bỉnh.

Mission Impossible: Đặc San HNLK 5 và Ban Hợp Ca Miền Đông

Trong sự thẩm định của BTC, với nhiều năm kinh nghiệm tổ chức và khả năng của các  Trưởng Ban Phụ Trách các ngày sinh hoạt HNLK 5, việc tổ chức, kế hoạch, và thực hiện HNLK 5 đều nằm trong tầm tay. Các công tác ghi danh, khách sạn, đón tiếp và các dự trù diễn tiến cho các ngày sinh hoạt đều được kế hoạch  hóa, phân công phân nhiệm giữa các thành viên của BTC một cách chi tiết. Và quả tình là với sự hợp tác chặt chẽ, tích cực và quyết tâm của mọi thành viên BTC, tất cả các diễn tiến  của 4 sinh hoạt chính yếu của các ngày HNLK 5 đều đã được hoàn thành tốt đẹp, vượt quá kỳ vọng của quý đồng môn QGHC từ khắp nơi trên Hoa Kỳ và  thế giới về Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn  tham dự HNLK 5.

Nhưng có hai phần hành công tác của HNLK 5 trước đó không ai biết kết quả sẽ xảy ra như thế nào và chưa bao giờ Hội Miền Đông thực hiện: Đó là một phần hành liên quan đến Đặc San HNLK 5 và việc thành lập một Ban Hợp Ca Miền Đông hát các bài hùng ca cho các ngày đại hội QGHC.

Xin được tường thuật các diễn tiến của hai vụ việc này như sau:

Đặc San HNLK 5 có gì lạ?

Khi BTC đề nghị thực hiện đặc san cho  Hôi Ngộ Liên Khóa kỳ 5 và  kêu gọi đồng môn đóng góp bài vở thì tôi nghĩ  việc thực hiện Đặc San HNLK5  cũng sẽ giống như mọi Đặc San của nhiều Hội Đoàn khác với nhiều bài vở kỷ niệm và  hình ảnh xưa 2,3 chục năm cũ.

Do vậy, có  lẽ là do ảnh hưởng …mê xem phim MI, tôi đề nghị một mục tiêu “không tưởng” cho tờ Đặc San: Đó là Đặc San HNLK5 sẽ bao gồm một loạt các trang hình ảnh “nóng” của HNLK 5, có nghĩa là vừa xong HNLK tại Mariott Hotel là sẽ có ngay các hình ảnh Hội Ngộ Hành Chánh in vào Đặc San HNLK5 để quý đồng môn khắp nơi  có thể mang về làm hành trang kỷ niệm.

Các anh trong BTC lo ngại hỏi: “Hmm…Có làm được không đó? Làm thế nào để thực hiện việc này?” Kế hoạch “hành động” của tôi, dĩ nhiên là với sự đồng ý, tiếp trợ, và phối hợp của BTC, như sau:

  • Việc thu thập bài vở cho Đặc san, đọc và chọn bài được đăng, trình bày (layout) bìa và bài vở cần được kết thúc 3 tuần trước ngày đại hội.
  • Nhà in sẽ lo in xong trước trang bìa và các trang cho phần bài vở. ráp thành từng cuốn 1 tuần trước ngày đại hội.
  • Tối ngày 29/9/2019 sau khi đã tổ chức xong Du Ngoạn Washington D.C.và Tiệc HNLK tại Marriott, anh Phát sẽ phải thức khuya tập trung, chọn lọc các hình ảnh chụp được, đưa lên (upload) một “Google Album” trên mạng Internet.
  • Sáng ngày 30/9/2019, tôi và Tụ sẽ lên mạng chọn lựa các hình ảnh tiêu biểu, tải xuống (download) và trình bày (layout) cho các trang hình ảnh Đặc San HNLK5.
  • Ngay sau đó, “nhà in” sẽ in chỉ riêng các trang cho phần hình ảnh HNLK5.
  • Các trang phần hình ảnh được ráp với các trang phần bài vở (đã in xong). Đóng bìa, cắt xén thành tập: Mission accomplished!

Đặc San Hội Ngộ Liên Khóa QGHC Kỳ 5

Kế hoạnh có vẻ …ngon ăn. nhưng thực ra để nói được “Mission accomplished!” là do công sức và sự phối hợp chặt chẽ của nhiều người trong đó có:

Nhiếp Ảnh Gia  “Grand Master” Trần Thụy Định, với ống kính chuyên nghiệp của anh, đi theo đoàn QGHC Du Ngoạn D.C., tham dự tiệc HNLK 5 tại Marriott Hotel, chụp gần cả ngàn tấm hình kỷ niệm rất đẹp và rõ nét cho HNLK QGHC thế giới năm 2019. Anh Trần Thụy Định đã giao tay cho anh Phát cái “memory chip” chứa toàn bộ các hình ảnh HNLK  ngay sau khi tiệc HNLK5 bế mạc tại đại sảnh  Marriott Hotel như đã hứa.

Anh Nguyễn Trường Phát đã chọn lọc từ gần cả ngàn các hình ảnh chụp được, upload vào “Google Album” như kế hoạch đã định. Album này vẫn còn trên mạng Internet (link:https://quocgiahanhchanhmd.com/hnlk5)

Trần Thị Tụ, người được BTC giao khoán 100% công việc trình bày tờ ĐS HNLK5. Kết quả rất mỹ mãn: ĐS HNLK5 được thiết kế, trình bày rất đẹp từ trang bìa cho đến các trang bài vở và các trang hình ảnh. Căng thẳng nhất vẫn là ngày Chủ nhật phải thức từ 3 g sáng để làm việc liên tục đến 7 giờ tối layout cho các trang hình ảnh và giúp tay đóng bìa hoàn thành tờ đặc san.

“Nhà in” Focus Digital Publishing, do Nguyễn Quang Dũng làm chủ và đảm trách việc in ấn ĐS HNLK5. Xin không nói thêm nhiều về “nhà in” ở đây.

Ban Biên Tập ĐS (anh Trần Nhựt Thăng, GS Cao Thị Lễ, anh Lê Hữu Em) đã chọn lọc bài vở, phối hợp với “nhà in” hoàn tất phần bài vở cho đặc san đúng theo thời biểu kế hoạch trù liệu.

Anh Lê Hữu Em đã vận động các Mạnh Thường Quân ủng hộ tài chánh cho việc thực hiện ĐS.  Số tiền ủng hộ từ anh LHE vận động lên tới $2000 cộng thêm các ủng hộ tài chánh từ quý Giáo Sư và nhiều CSV đồng môn khắp nơi (trong đó anh Đặng Quốc Tuấn (FL) là người đầu tiên gởi tiền ủng hộ ĐS về BTC, khai mào cho việc ủng hộ tài chánh in ĐS HNLK từ phía CSV). Với tổng số tài chánh ủng hộ lên đến $4240.00, BTC đã không phải xin và in các trang “quảng cáo tài trợ”. Nhờ vậy, tờ ĐS HNLK 5 trông rất chuyên nghiệp… hành chánh và được biếu tặng, không bán, đến các CSV và thân hữu! (Trang tri ân các MTQ và CSV ủng hộ tài chánh ĐS HNLK 5 in ở trang 4 và trang bìa sau của ĐS)

Nhìn lại việc thực hiện hoàn chỉnh tờ Đặc San HNLK5, tôi vẫn còn nhớ những nụ cười rất vui của các anh chị, các huynh trưởng đồng môn, quý Giáo sư trong Đêm Chia Tay tại nhà hàng Harvest Moon khi nhận được ấn bản rất đặc biệt ĐS HNLK5, với số phát  hành hạn chế, trong đó có các hình ảnh hội ngộ mới ngày hôm qua. Một huynh trưởng QGHC từ Nam Cali, nắm tay tôi lúc tôi đang phân phối Đặc San, nói “Rất thich, rất phục và rất cảm ơn về những việc làm rất tận tình của BTC”. Chị Lâm Kim Dzung và các anh chị ĐS khóa 18 cũng rất vui khi nhìn thấy hình ảnh họp khóa ĐS 18 tại tư gia là hình ảnh họp khóa duy nhất  đã “có hình” trong ĐS HNLK5 hôm đó.

 Và sau đây là một công tác khác của HNLK5 cũng thuộc loại “mission impossible”, đó là:

Ban Hợp Ca Hành Chánh Miền Đông:

Tôi biết có người sẽ thắc mắc tại sao chuyện Ban Hợp Ca lại thuộc loại “MI”? Có gì ghê gớm lắm đâu! Nhưng quả tình nếu nhìn lại “lịch sử” mấy chục năm của Hội Miền Đông thì Hội chưa bao giờ thành lập một Ban Hợp Ca Hành Chánh.

Thành ra có những việc nhìn thì dễ, mà  lại khó làm. Năm nào Hội HCMĐ cũng tổ chức một buổi hội ngộ tân niên và trong đó màn “văn nghệ” đầu tiên là hợp ca “Ly Rượu Mừng” của cố Nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Năm nào anh Hội Trưởng Hương Hỏa cũng làm một vòng “vận động” các chị hội nhà,  thân hữu ở các hội bạn để cùng lên sân khấu hát. Và năm nào cũng vậy, cái bài hát quen thuộc mừng xuân này ai nghe cũng biết, tưởng là dễ hát, nhưng khi tập hợp mười lăm hay hai chục chị để cùng hát thì thực là không …dễ chút nào. Người vô trật nhịp, người hát trật …”tông”, người cầm micro hát thì to mà nhiều khi hát không lên nổi ở những nốt nhạc cao. Lúc hát xong đi xuống lại chỗ ngồi, bà con vỗ tay hoan hô, khuyến khích “Hát hay không bằng hay hát”, vậy là ai nấy vui cười hỉ hả. Đầu năm mà, vui là chính, hát hay hát dở  là chuyện …nhỏ.

Hợp ca “Ly Rượu Mừng” trong Hội Ngộ Tân Niên QGHC MĐ năm 2019

Kinh nghiệm hợp ca nhìn dễ mà khó thực hiện này là lý do thành lập Ban Hợp Ca Hành Chánh Miền Đông, với mục tiêu: Trình bày các bài hợp ca thuộc loại hùng ca mang tính tranh đấu một cách nghiêm chỉnh thích hợp với tính cách quan trọng và tầm vóc thế giới của Hội Ngộ Liên Khóa  QGHC 2019 tại Thủ Đô Hoa Kỳ.

BTC đứng trước một công tác chưa  thực hiện được suốt hơn 30 năm qua kể từ ngày thành lập Hội, đơn giản là vì anh em Hành Chánh Miền Đông rất giỏi về quản trị, tổ chức hành chánh, vốn là nghề của chàng, nhưng còn chuyện hát hò thì hầu hết  lắc đầu, không phải là chuyện của …tui.

Đến lúc đụng việc thì có chị Lâm Kim Dung (ĐS 18) đứng ra nhận lãnh trách nhiệm vận động thành lập Ban Hợp Ca MĐ. Chị Kim Dung liên lạc email, hẹn ngày giờ hội họp.  Buổi họp đầu tiên của Ban Hợp Ca chỉ bao gồm hầu hết là những khuôn mặt quen thuộc của các thành viên BTC, có thêm sự tham dự của anh Duy, là đồng môn thích hát và thường góp tiếng hát trong các mục đơn ca của Hội Ngộ Tân Niên. Những buổi họp ban đầu này chính yếu  là …bàn cãi và ăn uống. Nhiều đề tài thảo luận được đặt ra: Hát bài gì? Hát “live” hay hát “nhép”? Ai sẽ là người đứng ra tập dợt? Lúc đó, Anh Hương Hỏa trông có vẻ lo lắng về “điểm yếu” này của BTC.

Những buổi họp mặt sau đó của Ban Hợp Ca (BHC) có sự tham gia chị Phương Mỹ, là phu nhân của anh Trần Hữu Triết ĐS 13 (đã mất). Chị Phương Mỹ -là người tốt nghiệp ca hát Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, từng tổ chức tại vùng thủ đô các buổi trình diễn nhạc cụ Việt cổ truyền “Hương Xưa” – đồng ý sẽ đảm nhận tập dợt cho BHC MĐ. Những buổi hội họp tập hát, ăn uống các món ăn ngon, hay bàn cãi rất thân tình, rất vui vẻ  dần dà lôi cuốn thêm được nhiều anh chị khác trong Hội tham gia.

Phải nhận ra các điểm mạnh sau đây từ hoạt động thành lập Ban Hợp Ca Hành Chánh Miền Đông:

  • Tinh thần tập thể rất mạnh của các anh chị Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh miền đông: Khi ngồi lại với nhau, tất cả làm việc với tinh thần vì danh dự của tập thể QGHC.
  • Tinh thần quyết tâm, nỗ lực của BHC khi tập hát: Hát chưa được, chưa đúng thì cố gắng tập hát cho đúng, cho được yêu cầu.
  • Tinh thần kỷ luật và hợp tác rất cao của các anh chị trong BHC: lúc đó BHC nhóm họp và tập hát 2 ngày mỗi tuần, vào thứ năm và thứ bảy. Hầu hết thành viên BHC đều có mặt đông đủ liên tục tập dợt cho đến ngày đại hội.
  • Tinh thần tham gia ý kiến và sáng kiến: Nhiều sáng kiến và ý kiến rất hay được đề nghị và nhanh chóng thực hiện.

Ban Hợp Ca Hành Chánh Miền Đông

Các ý kiến và sáng kiến  Ban Hợp Ca HCMĐ thực hiện được trong HNLK5:

  • Đảm nhận hát “trực tiếp” quốc ca Hoa Kỳ và quốc ca Việt Nam Cộng Hòa (không dùng băng nhạc thâu sẵn)
  • Anh Hương Hỏa đề nghị BHC hát bài “Phải Lên Tiếng” của nhạc sĩ Anh Bằng, Anh Tỏa đề nghị BHC phối hợp trình bày bài hát này ngay sau khi anh Quan đọc “Bản Lên Tiếngcủa Tập Thể CSV QGHC trong ngày HNLK. Sự phối hợp rất ăn khớp cả nội dung và hình thức trình bày này trong ngày đại hội đã để lại hình tượng rất sâu sắc về tinh thần quốc gia của anh chị em QGHC.
  • Các chị trong BHC đều đồng phục áo dài từ sáng kiến và thiết kế áo dài của Trần Thị Tụ: Chiếc áo dài đồng phục của các chị trong BHC nói lên được vẻ trang trọng mà vẫn duyên dáng yêu kiều của người phụ nữ Việt Nam, đồng thời nêu bật được tinh thần đồng tâm của Ban Hợp Ca HCMĐ.
  • Các bài hát BHC trình bày, tuy quen thuộc nhưng dễ đi vào lòng người nghe như bài “Việt Nam Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Duy, bài “Việt Nam Quê hương Ngạo Nghễ” của Nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang…
  • Với tất cả nỗ lực và kỷ luật BHC đã trình bày nghiêm chỉnh các bài hát, đạt được yêu cầu tối thiểu của một Ban Hợp Ca trình diễn trước công chúng.

Như vậy từ tay không, Hội Hành Chánh Miền Đông bây giờ rất… “nổi tiếng” với Ban Hợp Ca Hành Chánh Miền Đông.

“Mission accomplished! Again.”

Một Năm Nhìn Lại …

Bây giờ là tháng 10 năm 2020. Tôi dự trù viết xong bài này vào cuối tháng 9, để góp bài viết kỷ niệm về HNLK5, trên bản tin MĐ, nhưng  những biến động của thời cuộc và đời sống thật không lường. Cuối tháng 3 năm 2020, Hội phải hủy bỏ buổi Hội Ngộ Tân Niên 2020 dự trù tổ chức vào đầu tháng 4,trong lúc Ban Hợp Ca MĐ vừa tái động các buổi tập dợt văn nghệ cho Hội Ngộ Tân Niên. Đến tháng 4 thì tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng cho đến nay. Hầu hết mọi sinh hoạt thường nhật đều bị ảnh hưởng.

Nhìn lại những hình ảnh của Hội Ngộ Liên Khóa QGHC thế giới Kỳ 5 năm 2019…Mới vừa đây, mà tôi ngỡ như một giấc mơ.

Có những anh chị huynh trưởng tôi quen biết, còn gặp trong kỳ đại hội giờ đã vĩnh viễn rời xa… Anh La Quốc Chánh tôi còn nhớ bắt tay anh – lần cuối – ở đại sãnh Marriott HNLK5, “mừng quá, nghe tin anh bệnh mà vẫn đến được tham dự với anh em”. Huynh Trưởng Bửu Viên, sau ngày HNLK đông đảo anh chị đồng môn HC miền đông ghé nhà viếng thăm huynh trưởng, tặng anh cái nón HNLK. Sau đó không lâu anh cũng ra đi. Chị Nguyễn Cửu Quý (ĐS18) người mà chị Lâm Kim Dung vẫn thường nhắc đến là “chị ấy đang bệnh nhưng vẫn cố gắng về tham dự HNLK5” cũng vừa vĩnh viễn giã từ đồng môn …

Còn lại nhiều, thật nhiều hình ảnh quý Giáo sư, quý huynh trưởng, quý anh chị đồng môn, quý thân hữu xa gần: Tay trong tay, vai kề vai. Tay bắt, mặt mừng, cười vui bên nhau trong kỳ Hội Ngộ Hành Chánh 2019. Hình như với tôi, điều quan trọng rốt ráo còn lại sau cùng Tình Nghĩa Quốc Gia Hành Chánh, là chất keo gắn bó giữa những người cán bộ Quốc Gia, chung một mái trường, dưới một ngọn cờ.

Cuộc gặp nhau nào cũng đến lúc chia tay, nhưng Tình Nghĩa Quốc Gia Hành Chánh thì mãi sẽ còn, khó lòng nhạt phai.

Nguyễn Quang Dũng (ĐS 22)

10/2020

Mời xem lại các hình ảnh HNLK 5:

  1. HNLK Kỳ 5 Tour DC và Đại Hội tại Marriott Hotel Sep 20-21, 2019:
    https://photos.google.com/share/AF1QipN2LkHwS-4_MsnwTQxQFs-V7F1jobids7cdlZDIfo2chs6fTgebjnyQ6dkAXW_wLw?key=T1RaZ1pDZFc0WFFTaUJRRlV5dGVYc1pheE5ub1B3
  2. Đêm Chia Tay HNLK Kỳ 5 (Sep 22): https://photos.google.com/share/AF1QipMKTAb7HXfXfWB4mDkWAi0Fsj6MEXdNi0YZmbc4kfJpwm_OUcG9kMUIF0fJvRilvQ?key=clZENl9McGVMZFdoZFdBQ0FxRVJTRm5oeTNqTHR3            

Lời BBT:

Bài viết này đã đăng tải trên Bản Tin HCMĐ tháng 10/2020 nhân kỷ niệm 1 năm Hội Ngộ Liên Khóa QGHC Thế Giới kỳ 5 tổ chức vào tháng 9 năm 2019 tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

Đến tháng 9 năm 2023 thì đã 4 năm trôi qua và tập thể QGHC vẫn chưa tổ chức được một Hội Ngộ Liên Khóa Thế Giới kỳ 6.

BBT website HCMĐ xin được đăng tải lại bài viết này như một kỷ niệm đẹp với mong mỏi sẽ có một Hội Ngộ Liên Khóa Thế Giới mới cho đại gia đình QGHC chúng ta.

Trân trọng.

 

Visits: 368

Duyên Tu

Nguyễn Đắc Điều

“Nụ hoa phát triển” huy hiệu của Trung tâm Hội thảo Quốc gia

“Duyên tu” đây không phải là việc tu hành thành linh mục hay thượng tọa, mà cái duyên của tôi với ngành tu nghiệp và huấn luyện. Trong nền hành chánh của VNCH chúng ta, có lẽ không có ngành nào bạc bẽo bằng ngành huấn luyện, nhưng tôi yêu nó. Suốt đời công chức, lăn đi đâu rồi tôi cũng lăn về chỗ viết bài, giảng dậy, khảo sát về huấn luyện.  Vì thế tôi coi là duyên.

Khởi duyên

Nhằm cải tiến việc quản trị hành chánh tại trung ương cũng như địa phương, từ năm 1968 Chính phủ đã cho tiến hành một dự án huấn luyện qui mô có tên là “Quản trị Hành chánh Căn bản”. Chủ xướng dự án là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Tổng Nha Công Vụ và Tiến sĩ Jack Von Dornum (International Training Consultant Co.)

Sau Tết Mậu Thân, tôi được gọi tham gia dự án này. Đó là đầu mối duyên huấn luyện của tôi. Lần đầu tiên, một quản đốc tu nghiệp tỉnh Tuyên Đức được ngồi chung với các chức sắc cao cấp và đàn anh trong ngành huấn luyện tại trung ương. Tôi nhớ trong đó có giáo sư Phạm Đình Thắng, Đổng Lý Văn Phòng Bộ Thông Tin, Anh Hoàng Giao (khóa 3), Giám Đốc Nha Du Học Bộ QGGD, Chị Nguyễn Thị Bạch (khóa 3), Viện Giám Sát, Anh Nguyễn Minh Ty (Cao Học 1) Ban giảng huấn Học Viện, Đại Tá Cảnh Sát Đàm Trung Mộc, Trung tá Cảnh Sát Lê Thanh Sơn Chánh Sở Huấn Luyện Tổng Nha CS, Ông Nguyễn Ngọc Nê, thuộc Usaid.
Khóa hội thảo được tổ chức tại Học viện Quốc gia Hành Chánh
Chúng tôi có hai nhiệm vụ: một, thảo luận để hoàn chỉnh tài liệu giảng huấn (do anh Lê Phú Nhạn và hãng Westinghouse biên soạn). Hai, chính chúng tôi tiếp nhận một số kỹ thuật huấn luyện mới. Cấp trên nhắm là chúng tôi sẽ trở thành giảng viên hoặc quản trị viên cho dự án tại địa phương cũng như trung ương.
Nhưng sau khóa học, tôi nhận được lệnh gọi tái ngũ. Giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông, gọi tôi lên văn phòng ngỏ ý muốn xin hoãn dịch cho tôi để tôi tiếp tục tham gia dự án. Tôi cám ơn đề nghị của Giáo sư Viện Trưởng và xin được nhập ngũ. Tôi nghĩ đằng nào cũng phải đi lính thì đi sớm còn hơn đi trễ. Kỷ niệm sau cùng với Giáo sư là cái bắt tay trước thềm Học viện. Chưa có bàn tay ai mềm mại như tay Giáo sư Bông.
Mối duyên tạm gián đoạn ở đây, cho tới khi tôi được lệnh biệt phái về Bộ Nội Vụ.

Chuyên viên huấn luyện Bộ Nội vụ

Vào Trung Tâm 3 Tuyển mộ nhập ngũ Quang trung, tôi lần lượt gặp các anh Bùi vân Cao,Võ văn Hoàn, Trần Hồng, Nguyễn ngọc Liên, Nguyễn đại Thành, Trần minh Giao và Lê vũ Tạo. Sau một thời gian nằm chờ đợi, Bộ Quốc Phòng quyết định biệt phái chúng tôi về Bộ Nội Vụ để làm Phó Quận Trưởng.
Tại Bộ Nội Vụ, tôi đang chờ sự vụ lệnh biệt phái thì gặp Ông Nguyễn Ngọc Nê. Tôi có duyên với ông vì khi tôi làm Quản đốc Tu nghiệp tại Tuyên Đức, ông đã cùng một cố vấn Mỹ lên quan sát công tác huấn luyện, và tôi đã hướng dẫn hai ông đi khắp hang cùng ngõ hẻm trong tỉnh.
Ông Nê kéo tôi lại bảo ông đang cần một tay… như Điều!
Số là bên Usaid cấp cho Bộ Nội Vụ một ngân khoản lớn để huấn luyện viên chức xã ấp trong chương trình tấn công bình định thuộc chiến dịch Phượng Hoàng. Ngân khoản sắp hết hạn, phải làm gấp. Xét không có nhân sự viết tài liệu huấn luyện trong thời gian cấp bách như vậy, Bộ Nội Vụ chê tiền!
Ông Nê trình với Ông Tổng Thư Ký Trần Hữu Đức xin giữ tôi tại Bộ để làm việc này, thay vì trả tôi về Tuyên Đức. Ông TTK Đức chấp thuận, nhưng đòi tôi làm đơn xin. Tôi thì ngang, tuy gặp đúng việc mình thích, cũng không thích xin, ai đẩy thì tôi lăn thôi. Sau ông Nê lobby đâu đó mà sự vụ lệnh giữ tôi lại Bộ “vì lý do công vụ” (tôi tránh được ba chữ “theo đơn xin”). Chức vụ: chuyên viên huấn luyện thuộc Sở Huấn Luyện, phụ cấp chức vụ “ngang hàng chánh sở”. Lần đầu tiên tôi biết có cái chức như thế.

Soạn thảo tài liệu “Huấn luyện viên chức xã ấp”

Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam và việc tranh thủ nhân tâm, canh tân xã hội ở hạ tầng, tôi thấy cái nhìn của Juspao về công tác huấn luyện viên chức xã ấp, thật là đứng đắn, đúng sách vở. Trong đóng góp lớn của gia đình QGHC vào công trình này, nếu tôi có góp một viên gạch nhỏ nào, cũng là nhờ duyên.
Tôi trình diện Ông Chánh sở Lê Duy Đức (khóa 2) tại trụ sở trên đường Thống Nhất. Ông để tôi làm việc trong một văn phòng rất rộng lớn, nguyên là đại giảng đường huấn luyện, nhưng nay sử dụng như một nhà kho chứa tài liệu.
Với số vốn huấn luyện xã ấp khi còn làm Quản đốc Tu Nghiệp tại 2 tỉnh Quảng Đức và Tuyên Đức cộng thêm 2 tài liệu căn bản của hai huynh trưởng Nguyễn Trung Trương và Trương Văn Nam thuộc khóa Đà-Lạt, tôi tự biên tự diễn ra tài liệu huấn luyện viết theo lối mô tả công việc và cách điều hành (job description và job analysis) cho các chức vụ từ Chủ tịch Xã cho tới từng Ủy viên của Hội đồng Xã. Một vài đề tài tôi viết theo thể huấn luyện mới như diễn tập (role playing), thảo luận nhóm (group discussion), trường hợp điển hình (case study).
Ngoài những đề tài thuộc hành chánh chuyên môn, còn có 4 bài liên quan đến tổ chức an ninh tình báo, thông tin dân vận, kỹ thuật thanh lọc trong màng lưới tình báo. Những đề tài thuộc loại này, tôi dùng tài liệu của Chiến Dịch Phượng Hoàng do Juspao cung cấp. Mỗi bài đều có trợ huấn cụ như các flipchart khổ 100 x 65cm và bảng dàn bài tóm lược.
Để kịp chỉ tiêu, Bộ đã cung cấp cho tôi một dàn thư ký đánh máy giỏi của Bộ để đánh cho nhanh những tài liệu tôi vừa viết xong. Trong số thư ký đánh máy này có Ông Đỗ Trọng Tuyển, sau làm Chủ sự Phòng Nhân viên dưới thời Chánh Sở Nhân viên Nguyễn Quý Thành. Ngoài ra, tôi còn được Bộ Nội vụ tăng phái anh Nguyễn văn Đặng (ĐS 8), từ tỉnh Gò Công đến phụ giúp viết tài liệu với tôi. Khi công tác hoàn tất, anh Đặng được bổ nhiệm làm Phó Tỉnh trưởng Khánh Hoà dưới thời Trung tá Tỉnh trưởng Lý Bá Phẩm. Khi tỉnh Khánh Hoà thành lập thêm thị xã thì anh Nguyễn văn Đặng giũ chức vụ Phó Thị trưởng Nha Trang và anh Phó Tỉnh trưởng Phú Bổn Nguyễn văn Sanh (ĐS 8) thay thế anh giữ chức vụ Phó Tỉnh trưởng Khánh Hoà.

Chưa bao giờ trong đời công chức tôi được làm việc trong một môi trường độc lập, tự tin và được sự tín nhiệm cùng sự tin cậy lẫn nhau của cấp chỉ huy và các bạn đồng nghiệp như vậy. Tôi hoàn tất công tác trước cả thời gian Ông Nê ước muốn. Tài liệu được Juspao chuyên chở bằng máy bay của Quân đội Mỹ sang in tại Nhật, flipchart được in bằng một thứ giấy đặc biệt nếu dùng băng keo dán, khi bóc không rách giấy. In xong, máy bay quân sự lại chở về ngay. Đây là tài liệu huấn luyện xã ấp, duy nhất được in tại nước ngoài.

Bắt duyên với bằng hữu

Một hôm, tôi dẫn “người duyên nợ” là vợ chưa cưới vào ăn cháo lòng trên đường Hồng Thập Tự. Tôi thấy ba ông Đặng Huyền Thanh (ĐS 7), Đỗ Tiến Đức (ĐS 7), Nguyễn Quốc Thụy (ĐS 5) [hai anh Thụy và Đức vừa mới mãn khóa 1 Cao đẳng Quốc Phòng] ở bàn bên cạnh, toàn đồng môn đồng khóa cả.
Tay bắt mặt mừng xong, Thanh sang nói chuyện riêng với tôi. Chàng than đã bỏ rừng thiêng nước độc Kontum và đi lính rồi, nay được biệt phái, Bộ bắt phải về lại Kontum.Thanh muốn về Bộ hay một tỉnh gạo trắng nước trong nào khác. “Cứ để đấy xem sao” tôi nói với người bạn thân, biệt danh Khủng Long.
Quả là Thanh cũng có duyên tu. Vì đúng lúc đó, ông Nê bên Usaid cần kiểm tra công tác huấn luyện viên chức xã ấp. Tôi ngỏ ý cần thêm nhân sự. Ít ngày sau, Thanh về Bộ trong bộ quân phục trung úy. Tôi dẫn Thanh sang ngồi uống cà phê trên lề đường trước cửa Bộ Xã Hội để ăn mừng.
Sau đó ít lâu, Ông Nê xuất ngoại làm giảng viên tiếng Việt cho quân đội Hoa kỳ tại San Antonio.
Từ đó chúng tôi như cặp bài trùng, đi công tác địa phương, huấn luyện, đều sát cánh trong nhiều năm. Sau khi mất nước, khi Thanh đi tù cải tạo về, sang Mỹ, chúng tôi còn được gần nhau (Thanh làm Tổng Thư Ký khi tôi làm Chủ tịch Tổng Hội CSV/QGHC), cho đến ngày anh qua đời. Nhưng chuyện về duyên tu của Thanh tôi sẽ còn kể tiếp.

Các chuyến đi công tác được mệnh danh “hai chuyên viên huấn luyện và một cố vấn Hoa kỳ” này chỉ là cái cớ để chúng tôi gặp gỡ các Phó Tỉnh Trưởng Hành Chánh, để hâm nóng tình bạn, tình đồng nghiệp, đồng môn. Trong vòng đồng nghiệp lại có một vòng thu hẹp là lòng đam mê – hay là sự tin tưởng ngây thơ – của số ít người cho rằng huấn luyện là bước đầu một cái gì tốt đẹp.
Chúng tôi đi Quảng Nam để gặp Nguyễn Khánh, người cùng làm với Thanh ở Kontum. Chúng tôi đi Quảng Đức gặp Nguyễn Thế Chu. Phạm Gia Định ở Kontum. Nguyễn Ngọc Vỵ ở Darlac. Đặng Huy Túc ở Cà Mau. Nguyễn Hữu Kế ở Ba Xuyên. Đặng Văn Thạnh ở Pleiku. Lên Đà Lạt, tưởng gặp ai, lại là Phạm Gia Định mới chuyển từ Kontum về. Nguyễn Chí Thiệp ở Quảng Nam…
Nhờ đi một vòng lớn như thế, ngoài kinh nghiệm nghề nghiệp, chúng tôi kết bạn tâm giao với một số người mới như Thạnh và Thiệp.
Chuyện vui có thật – chúng tôi kết hợp công vụ với giải trí! Tôi cùng với Thanh áp dụng kỹ thuật giảng huấn để viết 2 tài liệu “Nghệ thuật đánh mã tước” và “Cách đánh tứ sắc khỏi thường”.

Ngoài các chuyến công tác địa phương nói trên, tại trung ương, tôi đã cộng tác với Tổng nha Công vụ  [có anh Giám đốc Nha Huấn luyện Nguyễn Đức Phụng Sơn (ĐS 1) và anh đứng đầu chương trình Lê Phú Nhạn (khoá Đà Lạt)] trong các khoá Quản trị Hành Chánh Căn Bản. Ngoài những lớp cho cấp Chủ sự và Chánh sở, còn có những lớp cho cấp Giám đốc.

Duyên du: Hoa Kỳ và Đài Loan

Ý thức tầm quan trọng của huấn luyện và do hậu thuẫn của các chuyên gia Mỹ, năm 1970 Chính phủ đã cho thành lập một chương trình mệnh danh là “Chương trình Quản đốc Tu nghiệp” (Training Administrators Project). Người thiết kế chương trình là Ross Thomas, nhưng Ban Phối Trí gồm: Tổng Giám Đốc Công Vụ (Chủ tịch) và hai ủy viên là Viện Trưởng Học Viện QGHC và Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ.

Từ trái: Đức, Thanh, Điều, Dr. Dornum, Tâm, Hùng, Cụ Chí (Sacramento, mùa Xuân 1971)

Cán bộ nòng cốt cho chương trình là một nhóm hỗn hợp Việt-Mỹ. Đoàn chuyên viên Việt Nam có ông Lê Duy Đức, Chánh sở Huấn luyện BNV (trưởng đoàn), ông Nguyễn Thượng Chí, Chánh Sở Huấn Luyện Tổng Nha Thuế Vụ, Đặng Huyền Thanh và Nguyễn Đắc Điều thuộc Bộ Nội Vụ, Đặng Mạnh Hùng, Bộ Chiêu Hồi, Ngô Thanh Tâm, Tổng Nha Công Vụ. Phía Hoa Kỳ có Dr Von Dornum thuộc International Training Consultant (ITC) và một đoàn chuyên viên từ Hoa Kỳ qua.

Nhắc đến các tên tuổi trên đây và nhiều nơi khác trong bài này một cách tham lam, không phải tôi không biết có thể làm cho độc giả nhàm chán, nhưng tôi xin lỗi phải nhắc, vì các bạn hay huynh trưởng (đa số cùng trường) là một phần của quãng thời gian vàng son trong đời tôi.

Trước khách sạn Biltmore (LA) chờ đi “du khảo” Từ trái: Điều, Tâm, Thanh, Đức

Phái đoàn đi quan sát công tác huấn luyện tại Hoa Kỳ từ ngày 6 đến 26 tháng 2 năm 1971 và tại Đài Loan từ ngày 1 đến ngày 6 tháng 3, 1971.

“Đạo diễn” chuyến du hành (Dr. Von Dornum) đã khéo chấm những nơi điển hình nhất về công tác huấn luyện trong lãnh vực công cũng như tư tại Mỹ. Lý thuyết thì có trường Public Administration School (PAS) thuộc USC, nơi chúng tôi phải “đến lớp” mỗi ngày. Ứng dụng chúng tôi phải đi “field trip” nhiều nơi như Tòa Thị Chính Los Angeles, Tòa Thị Chính Pasadena, Trường Huấn Luyện Lính Cứu Hỏa và Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Los Angeles, Trường Huấn Luyện Nhân Viên Disneyland tại Anaheim, Trường USC, địa điểm xây cất trường UCI, Trường Berkeley, Trường Caltech., Nha Nhân Dụng Tiểu Bang California tại Sacramento v.v.

Nhưng chưa chắc mọi nguyên tắc lý thuyết và ứng dụng huấn luyện tại Mỹ thích hợp cho Việt Nam. Vì thế một tuần du khảo Đài Loan có mục đích để chúng tôi học hỏi kinh nghiệm thích nghi các lý thuyết “tân tiến” vào xã hội Á Đông như thế nào.

Trung tâm Hội thảo Quốc gia

Trở về, chúng tôi làm việc tại một cơ sở mới cất trong khuôn viên Học viện Quốc gia Hành chánh, dưới một tấm biển rất oai “Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia”.
Chúng tôi làm việc chung với một đoàn chuyên viên Mỹ gồm Dr Melvin Le Baron, Dr Barbara Pennington, Dr Jack Von Dornum, ông Finn Loginotto và George Eimer, họa sĩ.
Theo kế hoạch vết dầu loang, muốn cải tiến nền huấn luyện nhân viên và công chức cả nước, phải bắt đầu bằng chính các viên chức đang phụ trách việc huấn luyện. Chúng tôi bắt đầu với các Quản đốc Tu nghiệp Tỉnh (ngay từ đầu, dự án đã mang tên “Chương trình Quản đốc Tu nghiệp” là vì vậy).
Họ cần trang bị kiến thức và kỹ năng gì để làm tròn nhiệm vụ? Phái đoàn Việt- Mỹ đã tới khảo sát một vài thí điểm, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nhân thể thăm Trương Minh Nhuệ), tỉnh Thừa Thiên và thảo luận với Giáo Sư Viện Trưởng Lê Thanh Minh Châu tại Viện Đại Học Huế.

Quản đốc Tu nghiệp, từ bạc bẽo tới tự tin

Các vị chỉ huy cao cấp, tuy trước mặt đoàn khảo sát, có cho rằng huấn luyện là dụng cụ quan trọng để gia tăng hiệu năng công vụ, nhưng lại coi nhẹ người phụ trách việc huấn luyện : Quản đốc Tu nghiệp!
Tương tự Thanh tra, Quản đốc TN là chức vụ “ngồi chơi xơi nước”. Còn hẩm hiu hơn Thanh tra, Quản đốc Tu nghiệp có một vai vế rất thấp so với các Trưởng Ty nội ngoại thuộc khác trong Tỉnh. Một người “nói không ai nghe” mà phải giữ nhiệm vụ nói. Đó là một nhiệm vụ bạc bẽo!

Từ những nhận xét trên, Đoàn Chuyên viên Huấn luyện cho rằng song song với vận động quy chế ở cấp cao (có vận động này không, đến nay tôi không biết, tôi chỉ biết người Mỹ rất quan tâm), nhất thời cần nâng uy tín của QĐTN bằng cách nâng cao lòng tự tin và khả năng chuyên môn của họ.
– Họ phải được trang bị các phương pháp huấn luyện: từ cổ điển như “4-steps”, kịch, brainstorming, điều khiển hội nghị, case study v.v. đến tân tiến như participative learning (tham gia học chế), simulation (giả cảnh).
– Họ phải am tường tâm lý nhóm, tâm lý học tập, nghệ thuật khích lệ, kỹ thuật thông đạt, trình độ và nhu cầu của học viên tương lai
– Họ phải biết các phương pháp: xác định nhu cầu và mục tiêu huấn luyện, thiết lập chương trình, soạn bài, các bước giảng dạy cho từng bài, và cuối cùng lượng giá kết quả huấn luyện.
– Quan trọng hơn hết họ cần thay đổi thái độ, theo định nghĩa “Học tập là sự thay đổi tác phong một cách tương đối bền vững, qua sự thay đổi thái độ, kiến thức và kỹ năng” (Định nghĩa này tới nay vẫn không thay đổi trong ngành giáo dục, ngay tại Mỹ và các nước tân tiến).
Trong số những người vững tin vào khả năng thay đổi của huấn luyện, nhiều nhất có lẽ là Đặng Huyền Thanh, Nguyễn Đắc Điều, Đặng Mạnh Hùng và Ngô Thanh Tâm. Họ đùa tự gọi nhau là “Bốn chàng ngự lâm pháo thủ”. Họ là cán bộ nòng cốt phụ trách các khóa QĐTN.

Các khóa huấn luyện QĐTN được tổ chức rất chu đáo và khoa học:

– Trước khi về TTHTQG, các QĐTN nhận được một tập hướng dẫn để chuẩn bị trước, như làm thống kê và phỏng vấn thượng cấp và đồng nghiệp.
– Sau đó họ tựu tập về TTHTQG, dành một tuần để hội thảo, học và thử các phương pháp huấn luyện. Trong phương pháp giả cảnh, ban chuyên viên đã mánh lới mời các vị chỉ huy cao cấp và có ảnh hưởng tới “thủ vai” chung với các QĐTN. Kết quả bất ngờ là chính các vị cũng thay đổi thái độ, có cái nhìn khác về công tác huấn luyện và vai trò QĐTN.
– Học viên trở về đơn vị của mình có 2 tháng để thực hiện những điều vừa mới học hỏi và soạn thảo chương trình và tổ chức các khóa huấn luyện. Trong giai đoạn này, QĐTN mời Đoàn Chuyên Viên Huấn Luyện tới địa phương để quan sát kết quả.
– Các học viên sẽ trở về TTHTQG để tham dự khóa học 3 ngày. Các học viên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm soạn thảo chương trình huấn luyện, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tổ chức khóa học, giải quyết những khó khăn trở ngại với cấp chỉ huy hay với cấp ngang hàng.

Khi tị nạn tại Mỹ, tôi may mắn gặp lại ông Ross Thomas. Như món quà tái ngộ, ông đã tặng tôi cuốn “The Training Administrators Project”, một phúc trình chi tiết về Chương trình Huấn luyện QĐTN. Tôi cảm động vô cùng, vì được đọc lại về một “thời đam mê”, và cũng cảm động vì Ông Thomas còn giữ tập sách như một kỷ vật. Tôi cũng cảm động khi đọc lại những lời phê bình sau của các tham dự viên (được dịch sang tiếng Anh):

Tấm hình khơi mào cho cuộc thảo luận về “Tâm lý nhóm”

– “Đây là khóa Hội thảo đầu tiên tôi tham dự được yểm trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.”
– “Một khóa Hội Thảo hoàn hảo; đề nghị các cấp chỉ huy khác phải tham dự.”
– “Các Chuyên Viên Huấn Luyện là những giảng viên ưu tú nhất mà tôi được gặp”
– “Tôi đề nghị các tham dự viên được tính thêm điểm khi xét thăng thưởng hàng năm”.
– “Tôi đề nghị Chính Quyền Trung Ương cần phải quan tâm hơn nữa cho các khóa huấn luyện tương tự trong tương lai.”
– “Tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi tham gia thảo luận vì sự nhiệt thành của giảng viên và sự trang bị đầy đủ của Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia.”
– “Giảng viên Thanh lanh lợi tháo vát, giảng viên Tâm nắm vững kỹ thuật sư phạm, giảng viên Hùng người rất nhiều tình cảm còn giảng viên Điều mang đến những sảng khoái cho lớp học.”
– “Lần đầu tiên một khóa học có phương châm hành động, có một huy hiệu rất ý nghĩa.” (xin xem huy hiệu ở đầu bài này)

Vị Quản đốc Tu nghiệp này muốn nói tới phương châm “Tri Hành hợp nhất”. Chúng tôi biết nghề huấn luyện còn nhiều thử thách, và châm ngôn “Tri hành hợp nhất” mà TTHTQG đưa ra còn quá lý tưởng trong bối cảnh chung của Đất Nước, nhưng việc làm của chúng tôi quả được khích lệ.

Duyên mới với biên soạn “Kỹ Thuật Huấn Luyện”

Đặng Huyền Thanh và tôi vừa làm bên Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia nhưng vẫn còn phụ trách công tác huấn luyện bên Bộ Nội Vụ. Nhân có các sinh viên khóa 3 ban Cao học đang thực tập tại Sở Huấn Luyện như Nguyễn Phụng, Thái Văn Khị, Hứa Văn Kiển… chúng tôi đã nhờ những sinh viên này dịch một số tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Thanh nhuận sắc những tài liệu này và tôi viết thêm một số đề tài khác để trở thành một cuốn sách, nhan đề “Kỹ Thuật Huấn Luyện”. Tài liệu này được Usaid in thành từng bài một, sau đóng gồm lại thành một tập.

Tôi còn phụ trách một số lớp cho các viên chức Cảnh sát từ Trưởng Ban đến Chủ sự tham dự khóa “Quản Trị HC Căn Bản” và khóa huấn luyện “ Thuế ĐiềnThổ ”do chuyên viên Tài Thâu Nguyễn Quí Thành soạn thảo cho các Trưởng Ty HC tổ chức tại Sở Huấn Luyện Bộ Nội Vụ.
Khi hai anh Lê Quan Diêm và Trần Công Hàm về Nha Hành Chánh Địa Phương dưới quyền Ông Giám Đốc Lê Văn Để (khóa Đà Lạt) thì Thanh và tôi được chuyển thành Chuyên Viên Hành Chánh Địa Phương cùng với hai anh. Tuy vậy, Thanh và tôi vẫn còn tiếp tục kiêm nhiệm phần vụ chuyên viên Huấn Luyện. Trong thời gian này bốn CV/HCĐP lo soạn dự thảo Luật cải tổ cơ cấu tổ chức Tỉnh, Thị Xã và Thành Phố và dự thảo Luật tổ chức bầu cử Quốc Hội.
Ông Giám Đốc Lê Văn Để thường phải ra thuyết trình tại Trung Tâm Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn của Trung Tá Nguyễn Bé ở Vũng Tàu vào cuối tuần. Mỗi lần đi thuyết trình Ông Giám Đốc Để thường dùng Thanh làm tài xế lái xe jeep, Hàm và tôi đi cùng để đủ tay đánh mà chược khi ngủ qua đêm tại biệt thự Anh Đào Vũng Tàu.


Một lần, Ông Giám Đốc Để bị Thủ Tướng gọi về gấp để trình bày hệ thống thiết lập danh sách cử tri mới bằng điện toán. Tôi phải thay thế Ông Giám Đốc thuyết trình tại Trung Tâm CB/XDNT. Đây là đề tài tôi soạn thảo cho Ông Giám Đốc nên đã nắm vững từng chi tiết.
Như thường lệ, trước khi chấm dứt, tôi hỏi có ai thắc mắc gì không. Chỉ có một học viên nêu thắc mắc. Khi nghe xong câu hỏi, tôi thấy học viên này tỏ ra am hiểu đề tài và đặt câu hỏi chỉ cốt “truy” xem tôi có nắm vững đề tài hay không. Trong giờ nghỉ giải lao, tôi tìm hiểu học viên này thì được biết anh là Đào Việt Giang (k9) hiện làm Trưởng Ty Hành Chánh tại Kiến Phong. Cảm phục về sự hiểu biết, tôi hỏi anh có muốn về Bộ không. Anh trả lời cũng có ý định, nhưng chưa phải lúc này. Khi tôi phụ trách khóa “Thuế Điền Thổ”, anh Đào Việt Giang tham dự và lần này, anh ngỏ ý muốn về Bộ vì ở Kiến Phong cũng đã lâu năm rồi. Tôi trình lên Ông Lê Duy Đức, và nhân dịp Sở Huấn Luyện được nâng lên thành Nha Huấn Luyện, Ông Đức đang cần một người làm Chánh Sở. Thanh và tôi chỉ thích làm Chuyên Viên, nên “đùn” cho Giang lãnh một Sở, còn Sở kia Ông Đức đôn một Tham Sự Chủ Sự lên đảm nhiệm.
Tuy Thanh và tôi làm việc rất thoải mái ở Bộ Nội Vụ, nhưng lại thích thú công tác huấn luyện bên Trung Tâm Hội Thảo Quốc Gia, mặt khác Đoàn Chuyên Viên Huấn Luyện “đã bén hơi nhau”, nên chúng tôi muốn tạo một tổ chức thường trực để thỏa cái chí “tu”.

Sự ra đời của Viện Tu Nghiệp Quốc Gia

Với sự thành công vượt bực của Chương trình Huấn Luyện QĐTN, các học viên rất hăng say, các cấp chỉ huy phía VN cũng như bên Usaid rất thích thú lề lối làm việc “không mệt nghỉ”của chúng tôi, ý tưởng thành lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia được nẩy sinh.
Chúng tôi muốn có một cơ quan “hậu Học Viện Quốc Gia Hành Chánh” để Huấn Luyện các viên chức của Chính Phủ về các lãnh vực mà Học Viện chưa có đủ thời gian trang bị kỹ năng cho sinh viên.
Thanh và tôi cặm cụi viết “dự thảo Nghị Định thành lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia”. Một chức vụ mà bốn chuyên viên Huấn Luyện tự vẽ cho mình là chức Cố Vấn Huấn Luyện. Phụ cấp chức vụ ngang hàng Giám Đốc, được hưởng phụ cấp giảng dạy, và được đi ngoại quốc học lấy bằng Master hay Ph. D cho tương đương với Ban Giảng Huấn thuộc Học Viện QGHC. Khi dự thảo Nghị Định trình lên Nha Quản Trị Công Sở, Ông Giám Đốc Vũ Trọng Cảnh đã chấp thuận không sửa chữa, nhưng yêu cầu Thanh và tôi đích thân lên Phủ trình bày trực tiếp với Ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Vàng.
Trong một buổi chiều mưa gió, tôi lái xe Lambretta, Thanh ôm đồ biểu ngồi sau xe từ Nha Huấn Luyện Bộ Nội Vụ lên Phủ Thủ Tướng. Ông Đốc Phủ Sứ sau khi nghe chúng tôi thuyết trình đã chấp thuận toàn bộ Nghị Định. Khi ra về, tôi lại kéo Thanh sang lề đường Bộ Xã Hội nhâm nhi cà phê mừng ngày thành công.
Sau một thời gian thuyết phục, Ông Vũ Trọng Cảnh đồng ý sẽ làm Viện Trưởng đầu tiên của Viện Tu Nghiệp. Ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng cũng viết văn thư xin Bộ Nội Vụ cho Đặng Huyền Thanh và tôi sang làm việc tại Viện Tu Nghiệp. Chúng tôi đều tin chắc 100% là sẽ được chuyển cơ quan vì Ông Lê Công Chất, Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ, là “đàn em” của Đốc Phủ Vàng. Nhưng Bộ Nội Vụ trả lời Phủ Thủ Tướng chỉ chấp thuận cho một trong 2 chúng tôi thuyên chuyển mà thôi. Trong một quán ăn tại Chợ Cũ, chúng tôi ngồi uống bia 33. Tôi thuyết phục Thanh nên sang Viện Tu Nghiệp thay vì tôi. Thanh có đầy đủ khả năng để đứng mũi chịu sào trong việc tổ chức một cơ quan tân lập, còn tôi chỉ có khả năng giảng dạy và viết Nghị Định , hơn nữa tính tôi hơi tình cảm không thích hợp cho việc chỉ huy. Thanh miễn cưỡng, đành phải chấp thuận vì thật ra cũng chẳng có cách nào khác. Ông Vũ Trọng Cảnh an ủi tôi sẽ cố gắng vận động thêm cho đến khi tôi phải qua được Viện Tu Nghiệp mới thôi.

Thời gian trôi nhanh qua công việc. Nhóm nhân sự đầu tiên của Viện Tu Nghiệp tiếp tục lo tổ chức các khóa “Kỹ thuật Huấn Luyện” và “Phân tích viên Quản Trị” cùng một vài khóa học có tính cách chuyên môn phối hợp với các Bộ khác, ngoài Bộ Nội Vụ. Cá nhân tôi, tham gia vào ban giảng huấn của những khóa huấn luyện tổ chức tại Bộ Nội Vụ, Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội VNCH (Trường Huấn Luyện Tiếp Vận Cao Cấp), hay tại Viện Tu Nghiệp.

Đoàn chuyên viên đã vô cùng hứng khởi làm việc và mang tất cả hoài bão của mình trong công việc, những mong thổi một luồng gió mới vào công tác tu nghiệp và đào tạo. Đồng thời đoàn chuyên viên cũng đưa được một cái nhìn mới về tu nghiệp và trả lại giá trị thật của nó như đã có trong các nước tiên tiến, mở đường cho một “chương” mới trong việc cải tổ hành chánh và công vụ sau này.

Điều nói chuyện với ông Vũ trọng Cảnh (Giám đốc nha Quản trị Công sở, thủ vai Quốc vương Perfecto) đứng cạnh là Thanh và Tâm

Đoạn Duyên

Nhằm khởi đầu cuộc cách mạng hành chánh, cải tổ cơ cấu tổ chức và giản dị hóa thủ tục, tôi được Ông Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ Lê Công Chất chỉ thị soạn thảo một đề án cải tổ việc điều hành Sở Xuất Nhập Di Trú thuộc Bộ. Sau khi trình kết quả cuộc nghiên cứu, Ông Tổng Trưởng đã chỉ định tôi trông coi sở này luôn, một chức vụ tôi hoàn toàn không muốn. Tôi trình bày, tôi chỉ có khả năng nghiên cứu mà không có khả năng điều hành.Nếu Ông Tổng Trưởng nhất quyết, tôi xin Ông Tổng Trưởng bổ nhiệm Ông Chánh Sở Huấn Luyện Đào Việt Giang làm phụ tá cho tôi và được hưởng phụ cấp chức vụ ngang hàng chánh sở.Tôi nghĩ, đòi hỏi “không tưởng” như vậy là một cớ dễ “thoát” nhất, nhưng Ông Tổng Trưởng lại chấp thuận đề nghị của tôi.
Khi biết không thể làm gì khác hơn được nữa, tôi dẫn nhà tôi đến thăm Ông Vũ Trọng Cảnh trong cư xá công chức tại đường Đoàn Thị Điểm để cám ơn Ông cố ý chờ đợi xin tôi qua Viện Tu Nghiệp, nay thì “số phận đã an bài”.
Sau đó Đặng Huyền Thanh được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Tu nghiệp Quốc gia.

Tiếp Duyên: Libochu

Năm 2003, Đặng Huyền Thanh, Ông Nguyễn Công Hiệu (khóa 2) và tôi đang đi picnic với các bạn QGHC, nghe tin Ngô Thanh Tâm (CH2) và vợ Khánh Hà (CH3) ký sách tại Thư quán Văn Mới, chúng tôi bỏ dở cuộc chơi, tới thăm hai bạn từ Na Uy. Tâm quá cảm động, chỉ thốt được một chữ “LIBOCHU”.

Bốn người làm trong Viện Tu nghiệp QG đều nhớ đây là tên của nhân vật chính trong những đề tài huấn luyện QĐTN. Libochu là ghép tên ba vị trong Ủy ban Phối trí, những vị có ảnh hưởng quyết định trong việc huấn luyện công chức: Ông Tổng giám đốc Công vụ Nguyễn Xuân Liêm, Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Văn Bông và Ông Tổng Thư ký Bộ Nội Vụ Tôn Thất Chước. Trong buổi học giả cảnh (simulation) Libochu (tức QĐTN) có nhiệm vụ thuyết phục “Quốc Vương Perfecto” (do chính các vị trong UBPT thủ vai) cải tiến nền công vụ bằng huấn luyện trong “Vương Quốc Utopiana”. Màn giả cảnh này đã gây ấn tượng sâu sắc cho mọi tham dự viên, kể cả quốc vương giả. Gần 30 năm chưa quên, Libochu thành một câu chào tái ngộ

Giải thích thành phần “nội các”: -Thủ tướng: Thanieu (Đặng Huyền Thanh/ Nguyễn đắc Điều) -Bộ Xã hội: Huchi (Đặng mạnh Hùng-Nguyễn thượng Chí) -Bộ Nội vụ : Finpen (Finn Longigotto-dr Barbara Pennington) -Bộ Cải tiến Thái độ: Leum (dr Le Baron-dr Von Dornum)
-Bộ Quốc phòng: Duclan (Lê duy Đức-Lan “thư ký”). -Bộ Thương mại: Tamers (Ngô thanh Tâm-George Eimers “họa sĩ”) -Quản đốc Tu nghiệp: Libochu (Nguyễn Xuân Liêm-Nguyễn văn Bông-Tôn thất Chước).

Sau bao năm tháng lăn lộn trong ngành hành chánh công quyền, tôi ngộ ra được vài điều. Có những chức vụ, mình không hề mong đợi mà tự nhiên đến một cách tình cờ, dù cương quyết chối từ vẫn cứ “dính”. Nhưng có một chức vụ tôi cố gắng tạo ra, tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay như Cố Vấn Huấn Luyện tại Viện Tu Nghiệp thì chỉ là một giấc mơ.

Mối “giao tình huấn luyện tu nghiệp” là một liên hệ bền chặt vô vị lợi giữa học viên và giảng viên.Những bạn bè thân thiết gắn bó với tôi trong suốt cuộc đời, nhất là quãng đời còn lại đều bắt nguồn từ “duyên tu”. Nhờ Viện Tu Nghiệp Quốc Gia, chúng tôi đã quy tụ được một  số bạn hữu có cùng chí hướng tạo thành một mái nhà êm ấm để tự do thi thố  những  khả năng thường bị “lấn ép” tại các cơ quan khác.

“Viện Tu nghiệp Quốc gia” thu nhỏ tại Little Saigon Từ trái: Nguyễn Xuân Hiệu (ĐS 2), Nguyễn đắc Điều (ĐS 6), Ngô thanh Tâm (CH 2), Bùi Bích Hà (thân hữu), Khánh Hà (CH 3), Thu Thuỷ (trưởng nữ của Tâm/Hà).

Có điều, bốn chàng thời vang bóng ngày xưa, nay chỉ còn lại “ba chàng ngự lâm pháo thủ không gươm”: Ngô Thanh Tâm, Nguyễn Đắc Điều và Đặng Mạnh Hùng.

Nguyễn Đắc Điều

(Viết với sự góp ý của Ngô Thanh Tâm và Đặng Mạnh Hùng)

___________________________________________________________________________

Hậu Libochu

Vào năm 2013, trong số “ba chàng pháo thủ không gươm”, Ngô thanh Tâm được bác sĩ chẩn đoán ung thư tụy tạng. Sau một thời gian mổ và hóa trị, bệnh tình không thuyên giảm, sức khỏe yếu bác sĩ khuyên nên đi du lịch để thay đổi không khí; nhưng sau chuyến đi Nhật Bản về vào đầu năm 2014 sức khỏe của anh càng suy giảm. Nghe được tin xấu, giữa tháng 7-2014, vợ chồng tôi cùng anh chị giáo sư Phạm kế Viêm, cư ngụ tại Paris, tổ chức chuyến đi thăm Ngô thanh Tâm. Anh chị nhà văn Phạm tín An Ninh được anh Tâm ủy thác lo tiếp đón “phái đoàn ủy lạo”. Phút chót, vợ tôi không thể đi cùng chuyến vì chuyện riêng.

Hàng đứng: Ngô thanh Tâm, Nguyễn đắc Điều, Phạm kế Viêm, Phạm tín An Ninh Hàng ngồi: Khánh Hà- Trần Diệu Tâm- chị Thức, vợ PTAN

Trong buổi hội ngộ, Ngô thanh Tâm dù vừa trải qua một cuộc tiểu giải phẫu vào buổi trưa vẫn hào hứng hàn huyên đủ mọi chuyện: từ chuyện Thụ Nhân của viện đại học Đà Lạt với đồng môn nhà văn Trần Diệu Tâm, phu nhân giáo sư Viêm, tới chuyện giảng dạy tại Viện Quốc gia Tu nghiệp với tôi. Kết thúc câu chuyện, anh Tâm đề nghị chúng tôi chụp chung một tấm hình tại vườn sau nhà do chính anh Tâm “đạo diễn” để chụp hình tự động. Không ngờ đó là bức hình ghi dấu lần gặp gỡ cuối cùng vì năm sau, ngày mùng 9 tháng 4 năm 2015,  anh Ngô thanh Tâm đã từ giã vợ con và bạn bè về nước Thiên Đàng.

Nhà tôi rất tiếc đã không đi theo tôi sang thăm anh Tâm kỳ trước nên đúng 3 năm sau, vào tháng 7 năm 2017, dắt theo vợ chồng thứ nam sang Na Uy thăm chị Khánh Hà; và chụp một tấm ảnh ngồi đúng vào chiếc ghế mà anh Tâm đã chụp hình trước đây.

Vợ chồng Nguyễn đắc Điều và vợ chồng thứ nam

Nhân dịp này tôi cũng ghé thăm tượng đài Hoa Biển, tri ân nhân dân Na Uy đã đón tiếp người tỵ nạn cộng sản Việt Nam tới định cư, mà anh Ngô thanh Tâm đã bỏ nhiều công sức trong vai trò Cố vấn của Uỷ ban Xây dựng Tượng đài Thuyền Nhân. Chính vì tấm bảng không ghi được chữ tiếng Anh “communist” vào bảng Tưởng Niệm làm Cộng đồng Người Việt tại Na Uy cho rằng anh Tâm có tinh thần chao đảo. Anh đã ôm niềm “nghi kỵ” này mang sang thế giới bên kia không một lời phản biện.

Hình trái: Tượng đài Hoa Biển Hình phải: Bảng Tưởng Niệm – Ghi chú trên Bảng Tưởng Niệm: “Thank you Norway for the Freedom From Vietnamese boat refugees and their families. Tri ân Na Uy đã cứu giúp chúng tôi đến đất Tự Do. Thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn cộng sản và thân nhân”

Vợ chồng Nguyễn đắc Điều tại Tượng đài Hoa Biển và Bảng Tưởng Niệm (Na Uy)

Tôi đứng ngắm nhìn tấm Tưởng Niệm mà nghe phảng phất đâu đây câu nói ước mơ của anh “Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm, có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng (văn trích trong “Lệnh triệu ban rồi” tác giả Tâm Thanh).

Ôi những chàng ngự lâm pháo thủ muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ!!!

Nguyễn Đắc Điều

(San Diego, California 14-5-2023)

Visits: 1088

Vài Nét Về Khoá 6 Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh

Nguyễn Đắc Điều 

Hàng đứng: Lê văn Thêm, Thái hà Chung, Nguyễn đắc Điều, Trần Ngọc Bình, Hà Ngọc Nghinh, Trần thanh Sử. Hàng ngồi: Nguyễn Vịnh, Nguyễn Ngọc Vỵ, Nguyễn khai Sơn, Trương minh Nhuệ, Trần Nhật Ưng. (Quân trường Đồng Đế-Nha Trang: hình chụp khi thi hành 15 ngày phạt trọng cấm lúc về Học viện nhận bằng Tốt nghiệp “ra trình diện quân trường trễ vì không có máy bay”).

1/-Nhập học và tốt nghiệp:

Khóa 6 nhập học vào tháng 2 năm 1959 gồm có 51 sinh viên trúng tuyển so với 100 sinh viên dự tuyển. Đây là cuộc thi concours d’examen nên có lẽ không đủ số sinh viên có khả năng hội đủ điều kiện để trúng tuyển.

Sinh viên đậu thủ khoa nhập học là Nguyễn mạnh Huyên thi tại trung tâm Huế. Thời tôi học, Học viện tổ chức tuyển sinh tại 2 trung tâm, một tại Sài Gòn và một tại thị xã Huế. Tôi không biết việc tổ chức này khởi đầu và kết thúc vào năm nào. Sau khi thi năm thứ nhất có 17 sinh viên phải xuống học khóa 7, và có 3 sinh viên từ khóa 5 xuống học khóa 6 là Nguyễn văn Tiên, Trần thanh Sử và Nguyễn hữu Các. Tháng 1 năm 1962 có 36 sinh viên tốt nghiệp gồm 21 ban Hành Chánh và 15 ban Kinh Tài, trong số đó có 3 sinh viên gốc công chức, anh Nguyễn hữu Các không tốt nghiệp.

-Ngoài anh Nguyễn Ngọc Châu, sinh viên công chức, các sinh viên tốt nghiệp ban Hành Chánh xếp theo thứ tự như sau: Triệu Huỳnh Võ (thủ khoa), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Nguyễn đắc Điều, Phạm Đức Nhuận, Lê minh Quang, Nguyễn văn Tiên, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Đức, Nguyễn văn Quí, Nguyễn trọng Can, Đoàn Nghĩa, Ngô Đức Lưu, Nguyễn thành Long, Lê văn Thêm, Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Nho, Nguyễn công Khanh, Trần thanh Sử, Nguyễn khai Sơn.

Hàng 3: Quang, Điều, Sử, Trần Huỳnh Thanh, Nho (đeo kính đen), Nguyễn công Khanh (áo ca rô).  Hàng 2: Các, Trực, Quí, Triệu Huỳnh Võ, Đức, Nguyễn khai Sơn (đeo kính trắng). Hàng đầu: Thêm, Quân, Ngô Đức Lưu (đeo tang trước ngực), Đoàn Nghĩa, giáo sư Nguyễn quang Quýnh, Tiêu Ngọc Ninh, Lâm văn Mẫn, Trương minh Nhuệ. (Hình chụp trước thềm Học viện QGHC 4 Alexandre de Rhodes)

-Ban Kinh Tài ngoài hai anh sinh viên công chức Trương quang Sáng (thủ khoa) và Nguyễn văn Tri, các sinh viên tốt nghiệp theo thứ hạng : Hoàng Ngọc Diệp, Nguyễn Ngọc Vỵ, Bùi Xuân Thích, Nguyễn như Ky, Thái hà Chung, Hà Ngọc Nghinh, Trần Nhật Ưng, Nguyễn văn Thâu, Trần Ngọc Bình, Huỳnh văn Báu, Nguyễn Vịnh, chị Thái thị Minh Nghiêm và Trần công Toàn.

2/-Bổ nhiệm:

Sau khi tốt nghiệp ngoài chị Thái thị Minh Nghiêm được bổ nhiệm riêng, và 17 sinh viên được bổ nhiệm phục vụ tại Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo, số còn lại được gửi ra Đồng Đế (Nha Trang) để thụ huấn quân sự.

Trong lúc phải ôm súng gác đêm hay đi di hành hàng 50,60 cây số khi thì lội suối băng rừng, khi thì đi trên đường tráng nhựa của quốc lộ 1 dưới nắng gay gắt của mùa hè Nha Trang làm lột da chân trong giầy botte de saut, hay đi giây tử thần, hay thực tập những bài học tấn công bắn bằng đạn thật thì không sao tránh khỏi những ghen tỵ với các bạn được bổ nhiệm làm việc trong văn phòng tại Phủ Đặc Uỷ; nhưng sau này trong một bài viết anh Tiêu Ngọc Ninh cho biết các anh được chọn sang Phủ Đặc Uỷ do một tờ trình của Sở Nghiên cứu Chính trị của bác sĩ Trần kim Tuyến thì mới ngộ ra các bạn được tuyển chọn là xứng đáng. (Tờ trình có nội dung trình bày sự tuyển chọn và thủ tục điều tra an ninh kỹ lưỡng về quá trình hoạt động của các đương sự và nó đã được chính Cố vấn Ngô đình Nhu đệ trình Tổng thống với bút phê “ Kính bẩm anh: đã duyệt xong và kính đề nghị cho bổ nhiệm”. Cùng thời gian này, tôi chợt nhớ khi trình diện để nhận nhiệm sở mới, nhóm Phó Đốc sự khóa 6 chúng tôi được vị Đặc Uỷ trưởng đầu tiên là Đại tá Nguyễn văn Y tiếp kiến và thân mật cho biết: “Các bạn là những viên ngọc quí được Thượng Cấp tuyển chọn về đây phục vụ… [Trích bài viết “Những chuyện ít ai biết” của tác giả Tiêu Ngọc Ninh trong Đặc san Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ].)

Nghị Định khóa 6 QGHC tốt nghiệp Đồng Đế

18 sinh viên được theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang có biệt danh “Lò luyện thép” hay “Trường Đồng Đế đánh giầy cả đế” dưới quyền chỉ huy của Đại tá Đỗ Cao Trí.  Sau khóa học chỉ có 13 người tốt nghiệp Chuẩn úy xếp theo thứ tự : Nguyễn Ngọc Vỵ (thủ khoa), Thái hà Chung, Lê văn Thêm, Nguyễn Vịnh, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn công Khanh, Nguyễn văn Tiên, Nguyễn khai Sơn, Trần thanh Sử, Hà Ngọc Nghinh, Trương minh Nhuệ, Nguyễn văn Nho vàTrần Nhật Ưng. Hai anh Ngô Đức Lưu và Nguyễn trọng Can không đủ sức khỏe: anh Lưu được trả về bộ Nội Vụ từ đầu khóa học nhưng anh Can bị quân trường giữ lại cho đến hết khóa. Các anh Trần Ngọc Bình, Trần công Toàn và Phạm Đức Nhuận không tốt nghiệp khóa quân sự Đồng Đế.

Sau khi tốt nghiệp khóa Đồng Đế vào tháng 12 năm 1962, các sinh viên ban Kinh Tài được bổ nhiệm làm Trưởng ty Thanh Niên thuộc Tổng Nha Thanh Niên gồm có: Nguyễn Ngọc Vỵ (Bình Định), Trần Nhật Ưng (Pleiku), Thái hà Chung (Đà Lạt), Nguyễn Vịnh (Bình Thuận), Hà Ngọc Nghinh (?).

Hàng đứng: Nguyễn minh Quân, Lê văn Thêm, Nguyễn văn Đức, Tiêu Ngọc Ninh, Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn văn Quí (Dân biểu), Điều, Lê bỉnh Trực. Hàng ngồi: Nguyễn văn Nho, Đoàn Nghĩa, Nguyễn thành Long, Trần thanh Sử, Lê minh Quang, Lâm văn Mẫn. (Đi thăm Ký Nhi Viện- Khánh Hội).

Riêng sinh viên ban Hành Chánh được bổ nhiệm tại bộ Nội Vụ như sau: Nguyễn đắc Điều (Quảng Đức), Lê văn Thêm (Chương Thiện), Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn), Trần thanh Sử (Long Khánh), Trương minh Nhuệ (Gia Định), Nguyễn công Khanh (Kiên Giang), Nguyễn khai Sơn và Phạm đức Nhuận (Phước Long), Nguyễn trọng Can (Phước Tuy), Nguyễn văn Nho (An Xuyên), Trần công Toàn (?); riêng Trần Ngọc Bình bị chậm bổ nhiệm một năm.

3/-Lễ tốt nghiệp:

Theo thông lệ những khoá đàn anh trước thì Lễ tốt nghiệp được ông Viện trưởng dẫn toàn thể sinh viên mặc complet trắng vào trình diện Tổng thống Ngô đình Diệm tại dinh Độc Lập và đồng thời nghe Tổng thống huấn dụ; nhưng kỳ này nhân dịp làm Lễ Khánh thành trụ sở mới của Học viện nên Lễ tốt nghiệp được tổ chức chung cho cả 3 khoá 5,6 ,7 và được diễn ra tại Đại giảng đường toạ lạc tại số 10 đường Trần quốc Toản, dưới quyền chủ toạ của Tổng thống Ngô đình Diệm, ông Cố vấn Ngô đình Nhu, bác sĩ Trần kim Tuyến cùng một số Bộ trưởng. Tất cả mọi sinh viên tốt nghiệp đều mặc complet mầu trắng. Riêng chúng tôi, các sinh viên đang thụ huấn quân sự tại trường Đồng Đế-Nha Trang thì mặc đồ đại lễ cũng mầu trắng. Các anh thủ khoa ban Hành Chánh khóa 5 Tô tiếng Nghĩa, khóa 6 Triệu Huỳnh Võ, khóa 7 Phan công Tâm được đích thân Tổng thống phát văn bằng tốt nghiệp. Đặc biệt nữa là các sinh viên thụ huấn quân sự tại Đồng Đế-Nha Trang lại được Tổng thống Ngô đình Diệm chủ toạ Lễ tốt nghiệp Chuẩn Uý khóa Ấp chiến lược: như vậy chúng tôi vinh dự được Tổng thống chủ toạ lễ tốt nghiệp cả Văn lẫn Võ. Sinh viên sỹ quan thủ khoa Nguyễn ngọc Vỵ được Tổng Thống Ngô đình Diệm trao cung tên để bắn đi bốn phương trời.

4/-Nhân vật nổi trội:

-Về ban Hành Chánh có:

*anh Triệu Huỳnh Võ từng giữ nhiều chức vụ Phụ tá Bộ Trưởng và Phụ tá Tổng trưởng;

*anh Lê văn Thêm giữ nhiều chức vụ Phó Tỉnh trưởng HC tại miền Tây, sau anh đắc cử do Hạ nghị viện bầu làm Giám sát viên của Viện Giám Sát.

*anh Phạm Đức Nhuận đã đỗ Thủ khoa năm thứ nhất Luật khoa và có bài viết đăng trong Nguyệt san Quê Hương là tập san chỉ đăng bài của các giáo sư Đại học Luật khoa.

*anh Nguyễn văn Quí đã đắc cử Dân biểu nhiều nhiệm kỳ tại đơn vị Hậu Nghĩa.

*anh Trần thanh Sử nổi tiếng là đẹp trai “đàn giỏi hát hay” nên có rất nhiều bóng hồng . Khi nghe được tin anh Sử gặp rắc rối về tình sử trong khi đi tập sự tại tỉnh Phước Tuy, nghiêm trọng đến độ Tỉnh trưởng phải viết báo cáo mật về Học viện, chị Thái thị Minh Nghiêm đã cười nói: “ Trần thanh Sử bị rắc rối là phải, sinh như nghệ, tử ư nghệ mà. [Trích bài viết “Tưởng niệm Đoàn Nghĩa” của tác giả Trần huỳnh Châu trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn.]

*anh Nguyễn thành Nhơn, sau khi tốt nghiệp anh làm một thời gian ngắn tại Phủ Đặc Uỷ và tỉnh Chương Thiện, rồi thuyên chuyển phục vụ tại tỉnh Biên Hoà từ Trưởng ty Nội an, Hành chánh, Chánh văn phòng và Phó Tỉnh trưởng cho tới ngày 30 tháng 4-1975. Đi tù Cải tạo từ Nam ra Bắc rồi định cư tại San Jose cùng vợ và 4 con. Anh là một mẫu người công chức gương mẫu, trung thành với lý tưởng quốc gia trước sau như một. Anh đã xuất bản 2 tuyển tập  “Một thời” và “Thao thức” tập hợp những bài viết đã đăng trên báo địa phương và những bài phát biểu trong các buổi biểu tình chống Việt cộng và bè lũ tay sai.

Điều, Nguyễn hữu Các (không tốt nghiệp), Trần Huỳnh Thanh, Nguyễn minh Quân, Lê bỉnh Trực(Bàng thính viên), Trần thanh Sử, Đoàn Nghĩa (mất tích khi vượt biên), Tiêu Ngọc Ninh, Nguyễn văn Nho, Nguyễn thành Nhơn. (Đi thăm hãng Shell- Nhà Bè)

-Về ban Kinh Tài có:

*anh Nguyễn Ngọc Vỵ là một trong 5 Quận Trưởng dân sự tại tỉnh Bình Định. (Trần dược Vũ, khóa 3, Nguyễn Ngọc Vỵ, khóa 6, Trần Hồng, Trương văn Tuyên và Phạm gia Định cùng khóa 8).

*anh Thái hà Chung làm Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao. (Hồi đó có 3 Phát ngôn viên: Đại tá Lâm đại diện cho bộ Quốc Phòng, Bùi bảo Trúc đại diện bộ Dân Vận, Thái hà Chung đại diện bộ Ngoại Giao tổ chức họp báo tại Trung tâm Báo Chí Quốc gia trên đường Tự Do để giải thích đường lối và chính sách của Chính Phủ cho ký giả trong và ngoài nước).

*anh Nguyễn văn Tri là sinh viên cao tuổi nhất của khoá. Anh có người em ruột là anh Nguyễn văn Nhi tốt nghiệp khoá 4 Đốc sự.

-Giữ chức Phó Tỉnh/Thị Trưởng HC:

Trần Huỳnh Thanh (An Xuyên, Darlac, Phong Dinh, Sa Đéc)

Nguyễn văn Tiên (Phú Bổn, Bình Thuận, Bình Dương)

Trương minh Nhuệ (Long Khánh)

Nguyễn trọng Can (Bình Long, Đà Lạt)

Lê văn Thêm (Chương Thiện, Kiên Giang, Định Tường)

Nguyễn thành Nhơn (Biên Hoà).

Trần thanh Sử (Quảng Đức, Bình Tuy)

Nguyễn khai Sơn (Phước Long)

Nguyễn Ngọc Vỵ (Quảng Đức, Cam Ranh, Darlac).

Bùi Xuân Thích (Bình Định, Quy Nhơn)

Nguyễn Vịnh (Chương Thiện, Phong Dinh).

Hàng đứng: Can, Nho, Khanh, Điều, Quang, Lâm văn Ty (nhân viên HV/QGHC),Nghĩa, Mẫn, Nguyễn Ngọc Châu, Quân, Các, (thân hữu),Thiện (y tá HV/QGHC) cúi đầu ở giữa: Bùi Xuân Thích (ban KT). Hàng ngồi: Quí, Thanh, Nhơn, Trực, Thêm, Nguyễn văn Đức. (Đi thăm Khu Trù mật Vị Thanh-Hoả Lựu)

5/-Những đồng môn quá vãng:

-Ngô Đức Lưu 35 tuổi (7-4-1972, tại Sài Gòn khi đang làm Trưởng ty Tài Chánh-Kiến Phong)

-Đoàn Nghĩa (1978) và Hà Ngọc Nghinh (1979): trên đường vượt biên.

-Thái thị Minh Nghiêm (1988, tại Việt Nam).

-Nguyễn văn Tiên (30-10-2009, tại Canada)

-Lê minh Quang (2005, tại Little Sài Gòn, Nam Cali)

-Trần Huỳnh Thanh (2011, tại Sacramento)

-Nguyễn như Ky (7-2010, tại Texas).

-Thái hà Chung (10-3-2014, tại Little Sài Gòn, Nam Cali).

-Huỳnh văn Báu (2014, tại Canada)

-Trương minh Nhuệ (17-12-2014, tại Đức quốc).

-Nguyễn văn Thâu (? tại Sài Gòn).

-Tiêu ngọc Ninh (6-12-2017, tại Oxnard, Nam Cali).

-Bùi Xuân Thích (31-1-2022, tại Boston).

-Trần thanh Sử (2022, tại Pháp quốc).

-Nguyễn thành Long (18-4-2023, tại Michigan).

-Nguyễn thành Nhơn 85 tuổi (28-4-2023, tại San Jose).

-Nguyễn Văn Tri mất ngày mùng 6 tháng 5 năm 2023 hưởng thọ 96 tuổi tại Sacramento, Bắc Cali

Tính từ người quá vãng đầu tiên 35 tuổi năm 1972 Ngô Đức Lưu đến người quá vãng mới đây 85 tuổi năm 2023 Nguyễn thành Nhơn thì khoảng cách vừa đúng nửa thế kỷ cho cả tuổi thọ lẫn thời gian. Đúng theo ý thơ của Khoa Nghi: “Đứa đã ra đi về cõi trước/ Đứa còn chậm bước xếp hàng sau”. Mà hàng sau của khóa 6 Đốc sự bây giờ ngắn lắm rồi. (Tỷ lệ 18/36).

6/-Trụ sở và Ban giảng huấn:

-khóa 6 học từ ngày khai giảng tới ngày thi mãn khóa tại số 4 đường Alexandre de Rhodes. Khóa 6 là khóa Đốc sự cuối cùng thi tốt nghiệp tại địa chỉ này; và cũng là khóa cuối cùng nhập học vào đầu năm. Các khóa tiếp theo nhập học vào tháng 9 hàng năm.

-ban Giảng huấn gồm các giáo sư cơ hữu của Học viện và các giáo sư thỉnh giảng từ Đại học Luật khoa. Sau đây là danh sách các giáo sư xếp theo vùng miền:

* Giáo sư sinh trưởng tại miền Nam và miền Trung:  Tôn thất Trạch, Cao hữu Đồng, Nguyễn Xuân Khương, Trần ngọc Liên, Trương ngọc Giàu, Trần văn Phò, Trần văn Binh, hai Đốc phủ sứ  có bằng Cử nhân Luật: Lê văn An và Bùi quang Ân, Phan tấn Chức, Châu tiến Khương và Nguyễn tấn Thành (giáo sư đại học Luật khoa).

*Giáo sư sinh trưởng miền Bắc: Vũ quốc Thông, Nghiêm Đằng, Trần văn Đỉnh, Trần văn Kiện, Nguyễn quang Quýnh, Nguyễn mạnh Tư, Vũ Uyển Văn, Lê đình Chân, Nguyễn Lê Giang, Nguyễn cao Hách và Nguyễn Độ (giáo sư đại học Luật khoa).

{Sở dĩ tôi ghi rõ thành phần giáo sư theo vùng miền vì tôi có đọc một bài mới đây nhận xét trước năm 1963 từ Viện trưởng tới lao công tài xế đều là người miền Bắc}.

7/- Lời đồn đoán và Thực tế

2 khóa sinh Nguyễn Đắc Điều và Nguyễn Ngọc Vỵ trình diện Quân trường Đồng Đế-Nha Trang

18 sinh viên tốt nghiệp khóa 6 ĐS được bổ nhiệm đãi lệnh tại Tổng nha Công vụ chờ đi thụ huấn quân sự, không có công việc gì làm chỉ đến tụ tập nghe ngóng tin tức, nên có một bạn tỏ ra “am hiểu tình hình” đưa ra lý do tại sao chúng tôi phải đi học quân sự:”Trong bảng đúc kết kế hoạch Kinh tế Hậu Chiến của phái đoàn Stanley-Vũ quốc Thúc có đưa ra giải pháp dân sự hóa nền hành chánh địa phương bằng cách thay thế các Quận trưởng quân đội bằng các Đốc sự, nhưng các Đốc sự này phải tham dự một khóa huấn luyện quân sự tại một quân trường như Đà Lạt hay Thủ Đức”. Sở dĩ có ý kiến này vì nếu đưa các Quận trưởng đi học hành chánh thì mất nhiều thời gian hơn là đưa các Đốc sự học quân sự. Khi học tại Học viện cứ mỗi năm, vào dịp hè, các nam sinh viên phải theo học lớp quân sự lúc thì tại vườn cao su Phú Thọ, lúc thì tại xa lộ Biên Hoà, lúc thì tại Trung tâm huấn luyện Quang Trung của chương trình huấn luyện cấp Trung đội trưởng.
Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ làm tờ trình lên Tổng thống Ngô đình Diệm đề nghị chúng tôi theo học khóa 12 Thủ Đức cùng với các sinh viên bị động viên. Tổng thống bút phê trên tờ trình “Gửi tham dự khóa Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế-Nha Trang”. Thế là 18 chúng tôi ra trình diện trường Hạ sĩ quan Đồng Đế-Nha Trang để theo học khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch cùng với hơn 400 khóa sinh hạ sĩ quan được tuyển chọn học khóa này. Lúc tới quân trường chúng tôi mới được sĩ quan cán bộ cho biết, Tổng thống Ngô đình Diệm có ra kinh lý quân trường Đồng Đế vào hè năm 1961; và Chỉ huy trưởng quân trường đã dẫn Tổng thống quan sát các lớp học “Trung đội vượt sông”, “Trung đội tấn công tác xạ với đạn thật không phải đạn mã tử (đạn giả)”, “Kỹ thuật tuột núi”; và khi đoàn xe của Tổng thống di chuyển trên đường thì bắt gặp một trung đội vượt cầu khỉ (cấu tạo bởi 3 sợi dây) đi từ đồi này sang đồi kia. Tổng thống ấn tượng nhất khi chứng kiến cảnh các khóa sinh đi dây tử thần. Khi đó chúng tôi mới biết mục đích của Tổng thống gửi chúng tôi ra Đồng Đế để học tập kinh nghiệm thực hành tác chiến chứ không phải học lý thuyết chỉ huy như tại quân trường Thủ Đức. Tổng thống Ngô đình Diệm đã đến chủ tọa và đặt tên cho khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch là “Ấp chiến lược” cùng tên với khóa 16 tốt nghiệp tại trường Võ bị Đà Lạt và khóa 12 tại trường Võ khoa Thủ Đức mãn khóa cùng năm.

Tượng chiến sĩ VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ trên đỉnh núi Hòn Khô do khóa 3 Chuẩn úy Hiện dịch xây dựng theo sáng kiến của Tiểu đoàn phó sinh viên sĩ quan gốc QGHC Thái hà Chung(khóa 6 ĐS). Sau năm 1975, người dân vùng Đồng Đế có loan truyền mấy vần thơ sau : “Anh đứng ngàn năm thao diễn nghỉ/ Em nằm xõa tóc đợi chờ ai?”. Hay: “Em nằm đấy, ngàn năm còn xõa tóc/ Ta muôn đời, thao diễn giữa trời mây/ Nghe nhung nhớ, rụng rời trên sườn núi/ Đá núi buồn, trăn trở với cỏ cây”. Rất tiếc tượng người lính VNCH trong tư thế thao diễn nghỉ nay đã bị đập phá, không còn dấu tích gì nữa.

Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp khóa 3 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch Đồng Đế, đa số 13 Đốc sự được bổ nhiệm phục vụ tại các tỉnh thuộc loại “rừng thiêng, nước độc”, và chúng tôi cũng không thắc mắc gì về lời đồn đoán dân sự hóa trong kế hoạch” Kinh tế Hậu chiến Stanley-Vũ quốc Thúc”.
Khi Trung tướng Đỗ cao Trí làm Tư lệnh Quân đoàn II kiêm Đại biểu Chính phủ Vùng 2 Chiến thuật đã ra chỉ thị “ Những Đốc sự nào đã tham dự các khóa 3, 3 phụ và 4 Đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch tại Đồng Đế khi giữ chức vụ Phó Quận trưởng được và phải mang cấp bậc Trung úy”. Chỉ có 3 khóa ĐS 6,7 và 8 tham dự các khóa huấn luyện quân sự này trước năm 1963 (Quân trường Đồng Đế tổ chức được có 4 khóa đào tạo Chuẩn úy Hiện dịch).
Cũng trong thời gian Trung tướng Đỗ cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II, bộ Nội Vụ có bổ nhiệm 5 ĐS giữ chức vụ Quận trưởng thay thế cho các Quận trưởng quân đội và được mang cấp bậc Trung úy tại tỉnh Bình Định, đó là: anh Trần dược Vũ (khóa 3), Quận trưởng An Túc, anh Nguyễn Ngọc Vỵ (khóa 6), Quận trưởng Bình Khê, anh Trương văn Tuyên (khóa 8), Quận trưởng Hoài Ân, anh Phạm gia Định (khóa 8), Quận trưởng An Nhơn, và anh Trần Hồng (khóa 8) thay thế anh Nguyễn Ngọc Vỵ trong cương vị Quận trưởng Bình Khê. (Anh Trương văn Tuyên đã được đặc cách thăng cấp Đại úy tại mặt trận trong trận chiến thắng đẩy lui cộng quân đánh trụ sở quận Hoài Ân).
Có phải việc bổ nhiệm các ĐS giữ chức vụ Quận trưởng tại tỉnh Bình Định là sự thử nghiệm thi hành khuyến cáo dân sự hóa nền hành chánh địa phương chăng? Nếu vậy, cũng chỉ là một sự thử nghiệm muộn màng và đoản kỳ có tính cách “cục bộ tượng trưng” cho nên cũng không có ảnh hưởng dây chuyền trong tổng thể nền hành chánh địa phương của Việt Nam Cộng hòa.
Dù các Quận trưởng dân sự này làm việc rất thành công và được bộ Nội Vụ tưởng thưởng cho thuyên chuyển nắm giữ chức vụ cao hơn trong ngành hành chánh như anh Trần dược Vũ làm Phó Thị trưởng thị xã Cam Ranh, anh Nguyễn Ngọc Vỵ làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đức và anh Phạm gia Định làm Phó Tỉnh trưởng tỉnh Kontum nhưng kế hoạch “dân sự hóa Quận trưởng” cũng dần dần chấm dứt. Tất cả các Quận trưởng vẫn do các quân nhân đảm nhiệm như cũ dù tại các Thị xã rất an ninh.
Báo chí thời đó đã gọi nền hành chánh công quyền của nền đệ Nhị Cộng hòa là quân đội trị dưới sự chỉ huy của “đảng kaki”.

8/-Hội ngộ:

Khóa 6 ĐS đã liên kết với khóa 7 và 8 để tổ chức 2 buổi hội ngộ:

-Hội Ngộ 40 năm khóa 6 & 7 ĐS vào ngày 4 và 5 tháng 9 năm 1999 tại Little Sài Gòn.

Bích chương 40 năm Hội ngộ “Trai khôn tìm vợ chợ đông/ Gái khôn kiếm chồng Quốc Gia Hành Chánh”. Trong ngày cuối của buổi Hội ngộ, MC Thái hà Chung đã nói: “Xin cám ơn, lẽ ra nói cám ơn chúng mày nhưng vì có vợ chúng mày nên phải nói cám ơn các anh các chị đã cho nhau một ngày để nhớ”.

-Nửa Thế kỷ Hội ngộ khóa 6 & 7 & 8 tại Little Sài Gòn vào các ngày 25, 26, 27 tháng 9 năm 2009. Nguyễn ngọc Vỵ kết thúc một bài viết bằng nhận xét: “Những ai tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành Chánh là những người suy nghĩ như một ông Hoàng, nhưng phục vụ lại là một đầy tớ”.

Trong hình: Nguyễn thành Nhơn, Nguyễn văn Tri (KT), Triệu Huỳnh Võ, Nguyễn huy Lãng, Nguyễn đắc Điều, Nguyễn văn Nho, Nguyễn văn Phước (KT)

-Đặc san Mùa Thu nhớ bạn xuất bản năm 2010 phối hợp với các khóa Đốc sự 5,6,7 và 8. Đặc san gồm có 33 bài dầy401 trang.

Trước đây Học viện QGHC là nơi đào tạo cán bộ cao cấp cho quốc gia. Khi ngồi trên ghế nhà trường, người sinh viên chỉ học và học với một lý tưởng là bảo vệ tổ quốc và chống cộng. Từ Viện trưởng sáng lập Học viện là Giáo sư Trần Cửu Chấn, tới Giáo sư Vũ quốc Thông, đều là khoa bảng, không đảng phái nên nhờ đó sinh viên từ khi vô tới khi ra trường không bị móc nối vô đảng phái nào. Nhưng đến thời Giáo sư Nguyễn Văn Bông làm Viện trưởng thì tình trạng “trung lập giữa các đảng phái” không còn nữa. Nhiều sinh viên được kết nạp vô đảng của Giáo sư Bông là Phong trào Quốc gia Cấp tiến. Các đảng phái khác thấy thế cũng mở chiến dịch kết nạp trong Học viện. Thành ra không khí Học viện đang bị đảng phái hóa và địa phương hóa. Rất may là 3 khóa 6,7 và 8 của chúng tôi không rơi vào  trường hợp này vì đến khi chúng tôi tốt nghiệp, vẫn còn Giáo sư Vũ Quốc Thông làm Viện trưởng.
[Trích bài viết “Bốn mươi năm” của tác giả Đỗ tiến Đức trong Đặc san Mùa Thu Nhớ Bạn].

9/-Thay cho lời kết:

Khởi đi cho bài viết là nghe được tin buồn 2 đồng song Nguyễn thành Long và Nguyễn thành Nhơn ra đi vào tháng 4 năm 2023, nên tôi tìm những hình ảnh thời sinh viên ra coi lại thì ngộ ra đời sống thật vô thường : “Sắc bất thị không, không bất thị sắc/ Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Ngẫm ra đôi khi những học vị, chức tước như là một đám mây che nắng cho ta, hưởng được bóng mát; nhưng đôi khi đám mây đó lại trở thành mưa to gió lớn hay những trận bão cuồng phong lôi cuốn tất cả vợ con và tài sản mà chúng ta trong bao năm mới tạo dựng ra được. Đang loay hoay không biết kết thúc bài viết ra sao, thì ngày mùng 3 tháng 5 năm 2023, tôi nhận được thư của chị Nguyễn thị Ngoan, hiền thê của anh Nguyễn thành Nhơn, chuyển lá thư không ghi ngày của anh Nhơn viết cho tôi nhưng chưa gửi. Nguyên văn lá thư:

Thư Nguyễn thành Nhơn gửi trước khi quá vãng

Điều thân,

Đọc bài DUYÊN TU, cảm thấy thương bạn. Bao nhiêu công phu, kỳ vọng rốt lại hoàn không !. Đó là không phải nói chuyện bây giờ. Ngay cả ngày xưa ấy, e rằng địa phương cũng không đáp ứng lòng mong mỏi cải tiến công vụ của bạn được bao nhiêu. Nhưng bạn cũng đừng trách họ, bởi vì các anh, em cán bộ xã, ấp hồi ấy tất bật trăm công, ngàn việc. Nào là việc làng, việc ấp, nào lo an ninh bản thân, lại còn bươn chải lo sinh kế vì đồng lương đâu có bao nhiêu. Cho nên, “việc làm” đã hết hơi, hết sức làm sao nghĩ đến “việc TU” (nghiệp). Việc đời là như thế, xin bạn chớ buồn. Bằng như vẫn thấy lòng buồn man mác thì cứ gọi TOÀN KHÔNG Đỗ Đăng Tiến gửi cho bài VÔ THƯỜNG đọc chơi là hết chuyện.

Chúc Anh chị và bửu quyến MÙA GIÁNG SINH AN BÌNH.

Thân,

Nhơn”.

Xin mượn lời thư của đồng môn Nguyễn thành Nhơn làm lời kết cho bài viết.

Nguyễn Đắc Điều 

(San Diego, California 5-5-2023)

 

Lời BBT website HCMĐ:

Rất khó và rất hiếm tìm thấy và đọc được những bài viết như bài “Vài Nét về Khóa 6 Đốc Sự QGHC” của anh Nguyễn đắc Điều.

Khó, vì người viết phải có một trí nhớ vượt bậc để có thể nhớ lại được đầy đủ tên tuổi , những chuyện về tốt nghiệp,  nhiệm sở, hay trải nghiệm thăng trầm và những mất mát của những người bạn đồng khóa.

Hiếm, vì người viết còn kèm theo bài viết những tấm hình xưa cũ không thể dễ dàng tìm lại được – với chính xác danh tính của người trong hình và còn nêu rõ tấm hình chụp vào dịp nào.

BBT WEBSITE HCMĐ rất cảm ơn anh Nguyễn Đắc Điều đã cho phép đăng tải bài viết  của anh trên Trang Nhà HCMĐ.

Hy vọng rằng bài viết của anh Nguyễn Đắc  Điều sẽ được tiếp nối bằng những bài viết của quý niên trưởng khác  về nhiều khóa ĐS, CH  hay TS của Học Viện QGHC.

Mong lắm thay!

 

(*) Ghi chú thêm:

Đoạn 7 – “Lời đồn đoán và Thực tế” và hình ảnh trong đoạn này được tác giả Nguyễn đắc Điều bổ túc ngày 27/5/2023

 

 

 

Visits: 1084

Hình Ảnh Dòng Sông Trong Thơ Phùng Minh Tiến

Minh Tâm Xuân Đỗ

Tôi biết đến thơ Phùng Minh Tiến khá lâu, có đến trên ba chục năm của thập niên sau năm 1975, khi làm kẻ tha hương trốn chạy quê hương. Sau này nhận ra nhau là bạn có nhiều cái “đồng” với nhau: đồng hương Quảng nam, đồng song từ thuở học sinh từ trường Tiểu học Chùa Bà Mụ, qua trường Công lập Trần Quí Cáp Hội An và cùng đồng song từ Học Viện Quốc gia Hành Chánh, trước khi bước chân vào đời và bây giờ trong tuổi lớn, gặp nhau trễ xứ tự do Hoa Kỳ.
Đầu khoảng năm 1980 hay 1981 gì đó, anh Lôi Tam, một nhà văn cũng có nhiều cái “đồng” khác, trên tờ Đặc san Quê hương từ Thủ đô Hoa Kỳ, Washington DC, giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của Phùng Minh Tiến, bài “Dòng Sông Cát Lở”:

Tôi đưa em về dòng sông cát lở
Dòng sông ba mươi năm chảy xiết một đời
Này cánh hoa xanh soi trên hồn nước cạn
Em tìm thấy gì trong sỏi đá không vui...

Bài thơ ngắn 12 câu thơ, trong ba đoạn ngắt rời, trong một hơi thở đầy thi vị, xúc động về quê hương và những kỷ niệm một thời trẻ trung. Thời đó tôi như đang làm kẻ “lưu đày” trên xứ người Da Đỏ Oklahoma, sau khi thoát chạy từ thành phố miền biển Vũng Tàu, nơi tôi làm việc, với một gia đình nhỏ, vợ và ba con thơ, khi miền Nam, vùng đất tự do cuối cùng rơi vào tay Cộng sản.

Trong cái ngột ngạt về thông tin từ quê nhà, quê hương một ốc đảo như cắt lìa với thế giới bên ngoài. Tôi tìm quên ưu sầu trong viết lách. Viết như một cách thế hoá giải nỗi bất lực đang vây bủa chung quanh. Viết để tìm lại mình trong các kỷ niệm mông lung đổ về. Viết để tìm lấy lại mình của một quê hương đã mất. Viết như một gợi nhớ trong tâm thức, khơi lại các kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến ngày trưởng thành vào đời. Những dòng thơ của Phùng Minh Tiến đến với tôi như những hành trang thiếu sót trong nỗi nhớ bỏng cháy:

Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm rồi cũng ngậm ngùi.

Tôi sinh ra ở thôn quê, làng Ái Nghĩa, Quận Đại Lộc, nhưng lớn lên may mắn được gởi đi học hành và trưởng thành ở phố thị. Một kỷ niệm tôi nhớ mãi trong đời, gắn liền với dòng sông, khi tôi lên năm hay sáu tuổi: Một buổi trưa hè nóng bức, tôi theo người anh cả ra con sông Đào (dòng sông Ái Nghĩa, Đại Lộc) trước mặt nhà, để tắm mát. Anh tôi bước xuống nước, tôi đeo theo anh bên vai. Anh hụp mạnh xuống dòng sông, sãi tay bơi. Tôi sút tay, chìm lỉm, có lẽ uống khá nhiều nước vào bụng. Anh vói tay kéo tôi lên, xách vào bờ. Tôi điếng hồn, khóc nức nở. Anh đã không dỗ dành mà còn đe doạ sẽ ném tôi xuống nước, cho uống nước nữa, đến khi nào tự quơ tay, quơ chân, biết bơi. Anh chỉ tay vào tôi, hét lớn:
– Con trai không được khóc. Con trai phải biết bơi để tự cứu mình. Muốn biết bơi, phải chịu sặc nước, uống nước đầy bụng, nhiều lần, cho đến khi bơi giỏi.

Từ đó chắc tôi đã phải uống nhiều nước sông lắm, nhiều lần chìm lỉm trong dòng sông, để biết bơi và bơi giỏi. Và dòng sông gắn bó với tôi như một phần của đời sống. Và cũng từ nguyên do tiềm ẩn trên, khi đọc bài thơ “Dòng sông Cát Lở“ của Phùng Minh Tiến, tôi say sưa thích thú với kỷ niệm nằm sâu trong tiềm thức, trỗi dậy.

Phùng Minh Tiến làm thơ khá nhiều, từ khi còn là một học sinh ở trường Trần Quí Cáp Hội An, nhưng anh lại không gom góp lại, để in thành sách, nên đã thất lạc thật nhiều. Thơ Phùng Minh Tiến trải dài nhiều đề tài, nhiều lãnh vực, nhưng hình ảnh dòng sông sâu đậm nhất và mang nhiều ẩn dụ về cuộc đời trong kiếp sống vô thường. Dòng sông không những là biểu tượng đẹp trong văn chương, trong thơ nhạc mà còn là hình ảnh huy hoàng, bi hùng, lưu lại trong lịch sử oai hùng của từng quốc gia, từng dân tộc qua nhiều thời đại.

Với tôi, dòng sông gắn liền với những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, rồi đến những ngày tản cư năm 1947 theo dòng sông Thu Bồn, chạy giặc Pháp , đặt lại nền độc lập lên xứ sở. Tôi biết thêm được các địa danh mới của quê hương: đập Vĩnh Trinh, thác Phường Rạnh, bến sông Trung Phước, đẹp như một bức tranh thủy mặc ngày xưa. Những ngày hồi cư, trở về ngôi nhà cũ bị giặc Pháp đốt cháy, tôi ngày ngày bơi lôi trên dòng sông Đào trước nhà, trước khi được gởi xuống Hội An trọ học, lại làm quen, bơi lội với bạn bè, trên dòng sông Thu Bồn, đổ về phố Hội.
Từ những kỷ niệm gắn chặt trong tâm thức tôi như vậy, đọc lại thơ Phùng Minh Tiến, tôi cảm nhận ra rằng, dòng sông trong thơ anh là biểu tượng siêu hình về cuộc đời, như một chiếc cầu nối vào suy tưởng tâm linh như Vũ Hoàng Chương:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.

Đọc lại mấy câu thơ Phùng Minh Tiến:

Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha, nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan, cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời, chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm, rồi cũng ngậm ngùi.

Những câu thơ đẹp vô cùng, thoát tục và đầy thiền vị. Và từ đó đọc lại các bài thơ của anh tôi đang có trong tay, gần như đa số các bài thơ nằm trong dòng thơ tâm linh, như vang lên từ tiếng chuông, tiếng mỏ đẫm màu sắc không.
Cuốn tiểu thuyết Siddhartha của nhà văn Đức Hermann Hesse mà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch tuyệt vời qua tiếng Việt, “Câu Chuyện Dòng Sông”, nói về một nhân vật tên Siddhartha, người Ấn Độ, cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa tâm linh của cuộc sống, đã trải qua biết bao thăng trầm, sung sướng, hạnh phúc lẫn khổ nạn. Cuối cùng nhìn thấy dòng sông lững lờ chảy, ngộ ra rằng cuộc sống chẳng khác nào dòng sông, vô thường như dòng nước chảy.
Sau khi đọc cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” mỗi lần từ Huế về quê thăm gia đình ở Ái Nghĩa, Đại Lộc, tôi đi xe đạp hoặc đi bộ, theo dọc bờ sông Đào về nhà, tôi nhận thấy các đổi thay về cây cối, nhà cửa hai bên bờ sông, và những lần mưa lụt lớn trước đó gây đất lở, làm thay đổi hẳn cả một thôn xóm, trông xa lạ như một nơi nào tôi mới đến lần đầu…
Hình ảnh đó còn trong tâm thức tôi, khi đọc thơ Phùng Minh Tiến, tôi như thấy lại trước mắt và đọc thầm câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”

Thơ Phùng Minh Tiến nặng về suy tưởng tâm linh. Ngoài hình ảnh dòng sông, biểu tượng của cuộc đời, Phùng Minh Tiến còn nói đến “Đôi Nẻo Có Không”:

Có cũng về
Không cũng về
Sao còn đứng đợi bến sông mê
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngỏanh lại hoa xuân rụng não nề.
Có cũng về
Không cũng về
Về đâu non nước về đâu nhỉ?
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề
Có cũng về
Không cũng về
Sáu bảy mươi năm làm lữ khách
Một chiều tuyết phủ với sương che .
Có cũng về
Không cũng về
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt
Dừng lại bên sông lạnh bốn bề.

Thật sự, Phùng Minh Tiến cảm nhận cuộc đời qua nhiều khía cạnh, góc độ và thế nhìn, chứ nếu chỉ trích dẫn thơ anh qua các bài tâm linh, siêu hình về cuộc đời thì cũng cưỡng ép oan uổng. Đọc bài thơ “Vầng Trăng Hạnh Ngộ”, thấy thoải mái, nhẹ nhàng vô cùng:

Trăng của ngày xưa vẫn còn đây
Từ trong tiền kiếp đến nơi này
Biển dâu đã mấy lần dâu biển
Mùa đến, mùa đi, khuyết lại đầy
Trăng thuở thanh xuân, mùa hạnh ngộ
Trăng thời chinh chiến, khóc thương ai …
Nỗi trôi vẫn một vầng trăng cũ
Cũng đành đá nát với vàng phai .
…….
Chiều nay đi giữa rừng thay lá
Còn chút keo sơn buổi chuyển mùa
Tóc tơ ai đợi nghìn năm trước
Trăng về quạnh quẽ bến sông xưa

Hãy nghe anh nhìn qua bài thơ tự phát hoạ “Nụ Cười Chiêm Bao:”

Bây giờ tôi lại thương tôi
Bản lai diện mục nụ cười hư hao
Quê xưa chìm khuất nơi nao
Bước chân khổ hạnh lao xao bụi hồng
Tiền thân lạc cõi hư không
Em đi xa dấu ngựa hồng tìm đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Sao còn đứng đợi đêm thâu mơ màng
Bây giờ tôi lại xa tôi
Biển xưa đã cạn, sông bồi đã xanh
Trăm năm hạt bụi viên thành
Trôi trong vô lượng, mong manh phận người
Bây giờ tôi bỏ luôn tôi
Bỏ xuân xanh, bỏ luân hồi, xưa, sau
Bỏ quê, bỏ xứ, bỏ chùa
“Giày rơm, áo vải”, chào thua cuộc đời
Ừ thôi cũng thế mà thôi
Được thua, hơn thiệt, nụ cười chiêm bao .

Ngay cả trong thơ tình cũng mang âm hưởng từ bi, như bài “Theo Em:”

Theo em dưới bóng Bồ Đề
Yêu em độ lượng vỗ về trong ta
Đông về buốt lạnh lời ca
Mùa xuân chợt đến tôi xa vội người
Hoang vu từ độ Em cười
Đôi tà khép mở áo vui thuở nào
Đường xưa trắng cả chiêm bao
Vang vang guốc mộc, lao xao bụi hồng
Ai ngờ rồi cũng hư không
Chim bay biển bắc, tìm mong biển nào
Dáng xưa giờ đã hư hao
Áo xưa chắc cũng phai màu còn đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Ta giờ đã thất lạc nhau muôn trùng.

Một dịp anh về lại phố Hội, chốn xưa, một thời trai trẻ yêu thương tràn đầy trong tim, bài thơ “Tôi Về”:

Tôi về phố cũ đìu hiu
Sương pha núi dựng, mây chiều đầu non
Bến xưa khói sóng vẫn còn
Sông Thu chạnh nhớ đò ngang năm nào
Nửa đời chưa hết lao đao
Trăng mùa thu cũ, giờ sao úa màu
Sóng dồn lớp lớp, xưa, sau
Góc sân hoang lạnh, hương cau nhạt nhòa
Biển dâu mấy độ quan hà
Xa Em mùi tóc hiên sau vẫn còn.

Dòng sông “định mệnh” vẫn ám ảnh anh suốt đời. Cũng chính nơi cây đa, bến cũ, con đò xưa đó, khi anh về, đã biển dâu mấy độ, mộng thuở đầu đời đã vỗ cánh bay xa, nhưng dòng sông tâm thức vẫn chảy mãi trong anh không ngừng:

Tôi về thăm bến sông xưa
Còn đâu bến cũ mà đưa tiễn người …
Sông xưa nay lở, mai bồi
Bèo tan Cửa Đại, mây trôi phương nào?…
Biển trùng còn mãi lao xao
Bốn mươi năm lẻ làm sao quên người
Trời ơi chỉ một nụ cười
Theo nhau chỉ để luỵ người núi sông..

Chúng tôi bên ly cà phê ở quán đông bạn bè, hay đùa Phùng Minh Tiến chắc kiếp trước Anh là một thiền sư đạo hạnh, nhưng say mê nét đẹp của một thiện nữ, nên bị đọa, nay sống đời độc thân, làm thơ đầy thiền vị, và cuộc đời “sắc không” trong tình thương của từ bi, bác ái …

Thơ Phùng Minh Tiến làm đẹp cuộc đời!

Quận Cam, California
Minh Tâm Xuân Đỗ

Visits: 49

Năm Mão

Phạm Thành Châu

ăm nay là năm Mão, cầm tinh con Mèo. Các báo Xuân làm gì cũng có một bài về mèo. Lịch thì có hình con mèo. Nhà nào cũng có mèo, ai cũng biết rõ về nó, chẳng có gì lạ, nên viết sao cho độc giả mới đọc nửa chừng thì không thèm đọc nữa mới thật là khó. Thông thường, người ta viết nhiều nhất là về những nhân vật (đúng ra là những danh nhân đã chết) có tuổi con mèo, cũng có người viết về những năm Mão trong lịch sử. Cứ lôi bài cũ (báo xuân) từ mười hai năm trước ra xào nấu, thêm chút gia vị vào là thành bài của mình. Hoặc cứ lấy quyển mười Hai Con Giáp ra chép lại. Tôi cũng chẳng hơn gì những vị đó, nhưng có để tâm sưu tập những bài về mèo từ các báo đã đăng, dành dụm những tài liệu, tin tức liên quan đến con mèo, nay kể ra, để bạn đọc giải trí trong mấy ngày xuân. Người ta nói Chữ Mão, tiếng Tàu nghĩa là thỏ, tiếng Việt nghĩa là mèo (?) Tôi không biết chắc nhưng lịch Tàu thì để hình con thỏ vào năm Mão. Người miền Trung và miền Nam gọi mão là mẹo (tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị…) Tiếng Anh gọi mèo là cat, tiếng Pháp là chat, tiếng Đức katze, tiếng Tây Ban Nha gato, tiếng Nhật neko, tiếng Ả Rập kitte… Con mèo có thể kêu khoảng sáu mươi thứ tiếng khác nhau để bày tỏ cảm nghĩ của mình, đặc biệt nó gào thét khi làm tình, nhưng đối thoại với người, nó chỉ kêu meo, meo để xin ăn mà thôi. Cũng có khi nó kêu rù rù nho nhỏ lúc bạn âu yếm nó hoặc lúc nó dụi đầu vào người bạn để chờ được vuốt ve. Có lẽ vì các cô bồ nhí của mấy ông già cũng nũng nịu kiểu đó nên được gọi là mèo. Chính mắt tôi thấy trong TV, một con mèo nói tiếng Mỹ. Bà chủ nói gì, nó nói theo (độ năm ba tiếng thôi). Bác sĩ thú y nói trong thanh quản con mèo đó có dị tật. Hình như chuyện Ba Giai Tú Xuất có kể, Ba Giai đánh cuộc với cô hàng nước rằng con mèo cô ta biết tiếng người. Cô hàng nhận lời, Ba Giai xách tai con mèo lên, bấm móng tay vào tai mèo và hỏi “Của cô hàng tròn hay méo?”, con mèo đau quá kêu lên: “Méo, méo!”. Có vài chuyện vui về mèo. Một ông quá lười biếng nên chết đói. Xuống âm phủ, Diêm Vương phán: “Nhà ngươi lười quá nên ta cho ngươi đầu thai làm con mèo, phải tự mình bắt chuột mà ăn.” Anh ta năn nỉ Diêm Vương: “Xin ngài cho con làm con mèo đen có chấm trắng trên mũi.” Diêm Vương ngạc nhiên “Để làm gì?” “Thưa, ban đêm con nằm trong bóng tối, bọn chuột thấy chắm trắng tưởng hột cơm, mò đến, con bắt ăn thịt, khỏi phải đi đâu cả.” Một con mèo khác rình hoài mà không bắt được chuột, nó giả giọng chuột kêu chít, chít! Bọn chuột tưởng đồng loại, bò ra khỏi hang, bị mèo bắt ăn thịt. Ăn xong mèo gật gù. Biết ngoại ngữ cũng dễ sống hơn bọn không chịu đến trường sinh ngữ để học thêm. Một chuyện vui khác. Cô giáo bảo học trò tả con mèo. Một cậu viết: “Nhà em có một con mèo, nhưng em chưa thấy nó, mẹ em cũng chưa thấy nó. Mẹ em nói -Ba mầy có mèo, nhưng tao chưa bắt được. Trước sau gì tao cũng tìm ra.”Một lần khác, cô giáo bảo tả con khỉ, cũng cậu học trò đó, viết “Nhà em có nuôi một con khỉ. Một buổi sáng chủ nhật, có một cô đến nhà em, ba em chạy ra bảo -Đừng vô nhà, có con khỉ già ngồi trong đó!”
Mèo bự nhất, có thể nặng từ sáu đến mười kí lô, đó là giống Main Coon, lai tạo từ mèo rừng Bắc Mỹ với mèo hoang tiểu bang Maine. Một ông bạn, gặp tôi, khoe rằng sắp lập một xí nghiệp nuôi mèo và chuột. Ông bạn giải thích: Giai đoạn đầu, tôi nuôi một mớ chuột, khi chuột sinh sôi nẩy nở nhiều rồi, tôi nuôi mèo, lấy chuột cho mèo ăn. Khi mèo lớn, sinh con đẻ cháu, tôi giết mèo, lấy da đem thuộc, làm áo ấm, ví, xách tay… cho quí bà, thịt mèo đem nuôi chuột. Vậy là vòng tròn khép kín, chỉ tốn công, khỏi tốn thực phẩm nuôi mèo và chuột. Anh ta nhờ tôi nghiên cứu giùm về con số chính xác, mèo sinh sản ra sao? Tôi tìm đọc về mèo và cho anh ta những số liệu sau: Mèo đẻ hai lứa một năm. Trong năm năm sống sót được hai mươi tám con, với mười lứa đẻ. Mèo mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt, chút, chít … sau ba năm có được ba trăm tám mươi hai con, sau bốn năm, hai nghìn hai trăm con, sau năm năm, mười hai nghìn sáu trăm tám chục con… sau mười năm có hơn tám mươi triệu con. Anh bạn tôi sáng mắt lên. Giàu thấy rõ mà chẳng ai biết ! Sau đó tôi không còn gặp anh bạn đó nữa, cũng không nghe về Xí nghiệp mèo chuột của anh ta.

Toàn thế giới có sáu trăm triệu con mèo, riêng nước Mỹ có hơn bảy chục triệu con. Các bà thích nuôi mèo vì nó giúp các bà đỡ buồn chán (depress), coi như người bạn hiền lành. Nuôi mèo ở các nước Âu Mỹ phiền phức lắm, phải có bảng tên đeo vào cổ mèo, phải đi bác sĩ chích ngừa, khám bịnh, phải cho ăn đúng thực phẩm, phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho nó (hốt phân), vì nhà luôn đóng cửa, mèo không ra ngoài phóng uế được, không như ở xứ ta, chút xương cá với mấy muỗng cơm là xong. Mèo, chó Âu Mỹ mà cho ăn như thế nó sẽ bị tiêu chảy, rụng lông rồi chết. Mấy ông bà Âu Mỹ thường chụp hình chó, mèo của mình, để rủi chó, mèo có đi lạc thì làm một bảng cáo thị, có đủ tên tuổi con vật với hình ảnh, số điện thoại của chủ rồi đem treo ở các ngã tư trong xóm. Ai tìm thấy thì cho chủ biết, nhận về. Có người nuôi mèo chung với chuột, vì mèo (Âu Mỹ) không ăn thịt chuột, và chó cũng không ruợt cắn mèo bao giờ. Nhưng mèo hoang thì cũng giống như mèo ở xứ ta. Chúng đi hoang vì chủ nó dọn nhà mà không mang chúng theo, chủ nhà mới không cho vô nhà. Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu con mèo bị bỏ hoang. Xóm tôi ở, có mấy con mèo hoang, khuya nào chúng cũng đi lùng sục chuột bọ trong các vườn nhà người ta. Chúng thích nhất là trèo cây bắt tổ chim. Ở Âu Mỹ, bắt giết súc vật là phạm pháp, thế nên chim chóc sinh sôi nay nở khắp trong vườn, trong rừng. Vườn nhà tôi có rất nhiều chim đến làm tổ, khi thấy có trứng trong tổ (chúng làm tổ trong các buội cây rất thấp) tôi phải lấy thuốc trừ sâu bọ xịt dưới gốc cây, cành lá chung quang để mèo không đánh hơi được, nhờ vậy lũ chim non được sống sót. Có một bà Mỹ già, tối nào cũng đem thực phẩm mèo ra sau vướn nuôi lũ mèo hoang, có đến mấy chục con tụ tập, giành ăn, meo meo ồn ào, hàng xóm kêu cảnh sát. Không hiểu sao, cảnh sát lại cấm bà ta cho mèo ăn? Ở Âu Mỹ, mấy người già thích sống một mình, không muốn con cháu đến quấy rầy, thế nên có một bà cụ chết, mấy ngày sau, nghe mùi hôi, hàng xóm gọi cảnh sát đến. Mở cửa ra, có đến hàng trăm con mèo đang vây quanh xác chết, kêu gào vì đói. Sở Mục Súc phải đóng cửa, vây bắt từng con. TV chiếu, mèo lớn, mèo nhỏ chạy lung tung, trên lầu, trong bếp, trong kẹt tủ … Thông thường, sở bắt súc vật đi lạc về, nhốt vô chuồng, ai muốn nuôi thì đến xin. Mèo, chó nhiều quá, không ai xin thì phải giết bớt. Ở Việt Nam mà có mấy dịp đó thì các quán nhậu đặc sản phát tài. Một bà cụ Mỹ, có con mèo bịnh chết, bà ta sắm cho nó một quan tài giá năm trăm đô la, lại tốn một mớ tiền mua đất ở nghĩa trang súc vật để xây mộ cho nó. Thỉnh thoảng bà cụ đi thăm mộ, chuyện trò với vong linh con mèo thân yêu. Ở các xứ văn minh, con cái không có cái tình với cha mẹ như người Á Đông. Cha mẹ nuôi con như làm bổn phận, con đến tuổi trưởng thành là rời nhà cha mẹ, đi thẳng, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm. Mà cha mẹ cũng thích sống một mình trong nhà hoặc gửi thân nơi các nhà dưỡng lão, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Họ không thích con cháu đến làm phiền. Thế nên, con mèo, con chó là bạn thân nhất của người già. Có mấy chuyện (cũ và mới) về mèo, kể ra đây để bạn đọc cho vui. Nursing Home (nhà già) tên là Steere ở Providence, Rhode Island có nuôi một con mèo đen trắng (có hình trên báo) tên là Oscar. Nó rất hiền và ngoan, các cụ thích vuốt ve, âu yếm. Nhưng nó có tật lạ là hễ tối nào nó nhảy lên giường người nào nằm thì làm gì người đó, hôm sau sẽ chết. Có lần, người ta đem bỏ nó lên giường một người hấp hối, nó nhảy xuống chạy qua phòng một người mạnh khỏe mà nằm. Quả nhiên, hôm sau, người hấp hối hồi tỉnh còn người mạnh khỏe kia, tối ngủ rồi ngủ luôn, không dậy nữa (chết). Đảo Peratjio ở Ấn Độ Dương, không có người nhưng lại có hàng nghìn con mèo. Số là năm 1850, có một chiếc tàu biển bị đắm vì đá ngầm, những người sống sót lên được đảo nhưng cũng chết sau đó vì bịnh dịch, chỉ còn vài con mèo, chúng sống nhờ bắt cá ven bờ biển. Đến nay, ghé vào đảo đó, vẫn thấy đầy mèo. Đảo Ishima ở Nhật có quá nhiều chuột, người ta bèn đem mèo các nơi khác đến bắt chuột, ít lâu sau, chuột hết sạch mà mèo thì đông hơn chuột trước đây, mà lại không có gì ăn, chúng vào bếp ăn vụng, ra chợ rình vồ thịt cá, tha chạy đi, người ta đi chợ, chúng cũng nhảy vô giỏ cướp thịt cá. Bài báo không nói cách giải quyết nạn mão mãn ra sao?

Năm 1902, Walter William, một nha sĩ đến Tahiti hành nghề ở thủ đô Papeete, ông ta chữa răng cho quốc vương Pomare giỏi quá nên quốc vương tặng ông ta một hòn đảo, chỉ có dừa chứ không có người. Đến nơi thì thấy toàn chuột. Ông ta quay về thủ đô Papeete treo bảng mua mèo, được hơn hai trăm con, đem qua đảo cho bắt chuột. Chuột không còn, mà dân số mèo lại tăng lên, nhưng mèo không phá hại như chuột, không đục khoét dừa non và mèo cũng biết ra bờ biển rình bắt cá sống qua ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 2009, ở tiểu bang Texas, ông Gil Smith lái xe từ thị xã Gilbert đến thành phố Kearny, trên quãng đường một trăm hai mươi cây số. Ông ta không biết có con mèo của mình đang ôm cứng cái bánh xe dự phòng dưới gầm xe. Nếu nó buông chân, ắt bị xe sau cán chết. Khi đến nơi, nghe mèo kêu, ông ta đem nó ra rồi gọi báo chí, truyền hình đến khoe con mèo khôn ngoan. Ngày 26 tháng 8 năm 2010, bà quả phụ Monika Hoppert, sáu mươi tuổi ở Studthgen, nước Đức, kêu thợ đến thay bồn tắm. Ông thợ đặt bồn tắm mà không biết có con mèo dưới đó. Hàng xóm nghe mèo kêu mà không biết từ đâu, qua hỏi, bà Monika Hoppert bèn cho người dở bồn tắm lên. Con mèo nằm trong đó mấy tuần mà không chết. Trước đây, nó nặng gần sáu kí lô, đem ra chỉ còn một kí sáu. Vậy mà nó sống được ! Năm 2008 cô bé Kirstas Hicks ở Adelaide, Úc châu, đi du lịch với gia đình, nhân tiện ghé thăm ông bà ngoại, cô đem con mèo gửi cho ông bà ngoại (ở cách nhà cô một nghìn sáu trăm cây số). Đi nghỉ hè về thì ông bà ngoại báo con mèo đi đâu mất rồi, tìm không ra. Một năm sau, một buổi sáng, mẹ cô bé Kirstas Hicks thấy một con mèo ốm trơ xương, trụi lông, sút móng, khắp mình đầy vết thương lở loét nằm trước cửa. Thấy tội nghiệp, bà ta đem vào nhà cho ăn. Khi cô bé Kirstas Hicks đi học về thấy thì kêu lên -Con Howie của con đây mà! Thì ra con mèo đã vượt một nghìn sáu trăm cây số, băng qua sa mạc, rừng rậm, sông hồ, chiến đấu với thú dữ để sống còn mà về với cô chủ nhỏ. Ở Việt Nam, trước đây, người ta bảo ăn thịt mèo xui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang), về sau, thịt mèo, thịt rắn được xếp vào đặc sản. Thế nên, ở thôn quê, các tay buôn thu mua rồi chuyển hết mèo với rắn lên thành thị để cung cấp cho các quán nhậu. Không có mèo và rắn bắt chuột nên chuột sinh sôi, nẩy nở đầy đồng, phá hại mùa màng, cũng may, sau đó, lại dấy lên phong trào nhậu chuột đồng, người ta lại đổ xô đi bắt chuột để cung phụng cho mấy ông thần ve chai. Thế là cân bằng sinh thái !

Bây giờ kể chuyện đời xưa về con mèo. Đó là chuyện Linh Miêu Hoán Chúa đời Tống bên Tàu. Chuyện hơi dài dòng, xin kiên nhẫn và cũng xin hiểu rằng. Chuyện đã được tiểu thuyết hóa thành dã sử (Vạn Huê Lầu?) thành tuồng hát, với tình tiết gay cấn, lâm ly và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Vị nào trên sáu mươi tuổi ắt đã từng xem sách hoặc xem hát bộ (Bao Công Tra Án Quách Hòe) xem cải lương (Linh Miêu Hoán Chúa) ắt còn nhớ.

Chuyện xảy ra thời Ngũ Đại Tàn Đường, khoảng thế kỷ thứ 10. Lúc bấy giờ, bên Tàu, giặc giả khắp nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Có Quách Ngạn Oai, là nguyên soái Phàn Châu, tự xưng làm vua, lập nên nhà Hậu Châu. Ngạn Oai chết, Sài Vinh, xuất thân bán dù, là cháu vợ Ngạn Oai, nối ngôi, hiệu là Châu Thái Tôn. Bấy giờ Triệu Khuôn Dẫn, em kết nghĩa với Sài Vinh, làm chức Kiểm Điểm Sứ, nắm binh quyền. Châu Thái Tôn (Sài Vinh) chết, con là Tông Huấn, mới bảy tuổi lên nối ngôi. Nhân giặc Khiết Đơn quấy phá biên cương, Khuôn Dẫn đem quân tiểu trừ. Khi kéo binh đến Trần Kiều thì các tướng bàn nhau tôn Khuân Dẫn làm vua, truất phế Tông Tuấn. Khuôn Dẫn lập nên nhà Tống. Sử Tàu gọi vụ đảo chánh nầy là Binh Biến Trần Kiều, năm 960. Nhà Tống truyền ngôi mấy đời, đến đời Tống Chơn Tông thì xảy ra vụ án Linh Miêu Hoán Chúa.

Chuyện như thế nầy. Tống Chơn Tông có hoàng hậu họ Lưu, không có con, vua lại yêu thương một quí phi tên là Lý Thần Phi. Khi Tống Chơn Tông xuất chinh đi đánh Khiết Đơn thì Lý Thần Phi có bầu và sinh con trai. Lưu hoàng hậu đến thăm Lý Thần Phi, thấy Lý Thần Phi đang hôn mê, bèn sai thái giám Quách Hòe đem một con mèo thay vào và đưa đứa bé cho cung nữ Thể Vân đem giết đi. Thể Vân đem đứa bé giao cho thái giám Trần Lâm rồi nhảy xuống hồ tự tử. Trần Lâm trao đứa bé cho Lộ Huê Vương là anh em chú bác với Tống Chơn Tông. Lấy lý do Lý Thần Phi sinh quái thai, Lưu hoàng hậu bắt nhốt Lý Thần Phi vào Bích Vân Cung (Tống Chơn Tông đi đánh giặc chưa về), sau đó sai thái giám Quách Hòe đốt Bích Vân Cung, cố ý giết Lý Thần Phi. Âm mưu bị cung nữ Khấu Thừa Ngự biết, bèn báo cho Lý Thần Phi trốn thoát, còn mình giả làm Lý Thần Phi chịu chết cháy. Như vậy, coi như Tống Chơn Tông không có con nối dõi. Khi Tống Chơn Tông chết, triều đình đề nghị cho con Lộ Huê Vương lên nối ngôi, đó là Triệu (?) Trinh (con Lý Thần Phi nhưng không ai biết). Triệu Trinh làm vua tức Tống Nhân Tông. Thời Tống Nhân Tông được xem là cực thịnh của vương triều nhà Tống. Tống Nhân Tông có nhiều nhân tài như Vương An Thạch, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yếm… (Nhân vật tể tướng Vương An Thạch nầy đã làm một việc có liên quan đến Việt Nam thời bấy giờ. Vương An Thạch chủ trương đánh chiếm Việt Nam nên cho dự trữ lương thực, khí giới ở các tỉnh sát biên giới với Việt Nam. Ung Châu là nơi tập trung quân đánh đường bộ vào Việt Nam, Khâm Châu, Liêm Châu là cánh quân đường thủy. Biết được âm mưu của kẻ thù, vua Lý Nhân Tông sai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh vào các nơi đó, tịch thu và phá hủy tất cả lương thực, khí giới, tiêu diệt và bắt làm tù binh hàng vạn quân địch. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết và Tô Giám bị chém đầu). Đứng đầu bên văn có đại thần Bao Công, bên võ có Tống Địch Thanh. Bao Công tên là Bao Chửng, đậu tiến sĩ đời Tống Thái Tông, làm quan đến chức phủ doãn (đô trưởng) phủ Khai Phong, là kinh đô nhà Tống. Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi và công minh. Đọc truyện Tàu “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa kể chuyện về bao Công rất hấp dẫn. Một lần đi phát chẩn cho nạn nhân bão lụt sông Hoàng Hà, đến phủ Đại Danh, Bao Công bị gió thổi bay mất mũ, bèn nghi ngờ có điều gì oan khuất trong thiên hạ đây, nên cho dừng quân, viết trát, sai hai thuộc tướng là Trương Long, Triệu Hổ đi bắt Lạc Mạo Phong (gió thổi bay mũ). Hai tướng lên đường mà không biết đi đâu để bắt Lạc Mạo Phong. Gió lại nổi lên, thổi bay cái trát vào thúng cải của Quách Hải Thọ, là tên bán cải kiếm tiền nuôi mẹ bị mù. Thế là hai tướng bắt Quách Hải Thọ về nộp cho Bao Công. Bao Công thấy bắt người vô tội mới đền tiền và thả về. Quách Hải Thọ mang tiền về lò gạch, là nơi cư ngụ, khoe với mẹ. Người mẹ mù đó chính là Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ là con nuôi của bà ta. Nghe rõ sự tình, Lý Thần Phi sai Hải Thọ đến gặp Bao Công và bảo Mẹ tôi truyền ngài đến cho mẹ tôi dạy việc. Bao Công sinh nghi, bèn đích thân đến lò gạch, là nơi cư ngụ của Lý Thần Phi. Bao Công phải chui vào lò gạch còn bị bà già mù dõng dạc. Nếu phải Bao Long Đồ sao chưa quì xuống mà ra mắt ta? Bao Công không biết đó là Lý Thần Phi, nhưng là quan xử án nên phải chịu nhục để tìm cho ra oan khuất của người dân. Bà già mù (Lý Thần Phi) tra hỏi Bao Công đủ điều. Sau khi biết chắc đó là Bao Công, bà ta mới kể lại mọi chuyện. Xác nhận được bà già mù là Lý Thần Phi, Bao Công về triều tâu lại với Tống Nhân Tông (là con của bà Lý Thần Phi, được thái giám Trần Lâm giao cho Lộ Huê Vương làm con nuôi, sau được tôn làm vua). Tống Nhân Tông cho bắt Quách Hòe, tra khảo. Đánh đập đến gần chết, Quách Hòe cũng không chịu khai vì sợ liên lụy đến Lưu thái hậu (trước là Lưu hoàng hậu, chủ mưu). Quách Hòe nói -Có đánh tao chết thì xuống âm phủ, họa may tao mới khai với Diêm Vương. Bao Công bèn thiết trí một nơi âm u, lạnh lẽo, giả làm âm phủ, có diêm vương, có ngưu đầu mã diện, có hồn ma kêu khóc… rồi đánh cho Quách Hòe bất tỉnh và đem đến nơi âm cảnh giả đó. Quách Hòe tỉnh dậy, tưởng mình chết thật, mới khai ra mọi chuyện. Cuối cùng, kẻ ác đền tội, Lý Thần Phi được trời cho sáng mắt, đoàn tụ với con (là vua Tống Nhân Tông), Quách Hải Thọ được phong làm quan nhưng chỉ xin lãnh lương, nằm nhà chứ không chịu đi nhận việc.

Chuyện con mèo của năm Mão đến đây là hết.

Phạm Thành Châu

(chaupham3276@gmail.com)

Visits: 32