Xin Hãy Ghé

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:
Hỡi người “du lịch” quê hương,
Có còn nhớ chuyện đau thương năm nào?

Xin Hãy Ghé

Bạn lại bảo sắp về quê du lịch,
Và lần nào cũng thích thú như nhau,
Được chen chân vào những chốn “sang giàu”,
Lòng thơ thới, chẳng bao giờ thấy chán!

Người như bạn, giờ nơi đây nhan nhản,
Đủ loại từ tỵ nạn đến di dân
Qua đường nhân đạo, qua ngả hôn nhân,
Hay may mắn được người thân bảo lãnh.

Bạn bảo bạn có tiền và quá rảnh,
Nên về quê ngoạn cảnh với vui chơi
Thật nhiều lần cho đầu óc thảnh thơi,
Để quên hết nhọc nhằn thời vượt biển.

Lâu lâu rải ra ít đồng “từ thiện”,
Để người nghèo phải luôn miệng cám ơn,
Để thấy mình bỗng chốc “vĩ đại” hơn,
Rồi hể hả lơn tơn đi du lịch.

Bạn cứ việc làm điều gì bạn thích,
Chẳng còn ai dám chỉ trích bạn đâu,
Tôi chỉ xin nhờ bạn mỗi một câu:
Hãy thăm viếng trước sau giùm mấy chỗ.

***

Xin hãy ghé thăm đoạn đường khốn khổ,
Được đặt tên là Đại Lộ Kinh Hoàng,
Nơi dân lành xưa tay xách nách mang,
Bị Cộng pháo chết không toàn thân thể.

Xin hãy ghé, nếu có về qua Huế,
Thăm mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân,
Nơi oan hồn vô tội của người dân,
Bao năm vẫn còn âm thầm kêu khóc.

Xin hãy ghé thăm chiến trường An Lộc
Để biết về trận đánh khốc liệt xưa,
Nơi hàng ngàn dân với lính sớm trưa,
Hứng đạn pháo như mưa rào tuôn dội.

Xin hãy ghé thăm nghĩa trang quân đội
Để thấy vô số tội của bạo quyền,
Đã say men “chiến thắng” đến cuồng điên,
Đập phá nát các đền đài bia mộ.

Xin hãy ghé Trường Thiếu Sinh Quân cũ,
Nơi vài trăm khóa sinh nhỏ hiên ngang,
Cuối Tháng Tư quyết chẳng chịu đầu hàng,
Liều sinh mạng để bảo toàn chính khí.

Xin hãy ghé thăm Cổ Thành Quảng Trị,
Nơi năm xưa, các binh sĩ can trường
Của miền Nam đã chẳng tiếc máu xương,
Giành lại được từ tay phường xâm lược.

Xin hãy ghé thăm Hoàng Sa, nếu được,
Để tỏ tường lòng yêu nước tận trung
Của Hải Quân với bao vị anh hùng
Đã dũng cảm giao tranh cùng lũ Chệt.

Xin hãy ghé tìm thăm nơi tuẫn tiết
Của năm vì Tướng trung liệt sắt son,
Theo gương xưa, quyết chẳng chịu sống còn,
Chọn cái chết để giữ tròn tiết tháo.

Xin hãy ghé thăm trại tù “cải tạo”,
Nơi xưa kia bạn bị bạo quyền giam,
Bị đọa đầy hành hạ biết bao năm
Mới được thả về kiếm ăn xuôi ngược.

Xin hãy ghé thăm bến tàu ngày trước,
Nơi bạn tìm đường bỏ nước ra đi,
Dù lắm khi mất cả lưới lẫn chì,
Nhưng nhờ mãi kiên trì nên thoát khỏi.

Xin hãy ghé thăm nhà giam tăm tối
Đã cầm tù bạn về tội vượt biên,
Để rõ thêm cái bộ mặt bưng biền
Của bè lũ cầm quyền đang đắc thế.

Rồi muốn ghé chỗ học xưa thì ghé,
Nhưng chớ lầm gọi “Trường Mẹ”, trường con,
Sau Bảy Lăm, “Trường Mẹ” đó đâu còn,
Sớm đã bị lũ cáo chồn cướp xác!

***

Nếu chỉ biết toàn rong chơi chỗ khác,
Thì qua đây đừng mang rác tìm tôi,
Để khoe khoang cùng quảng cáo lôi thôi,
Rồi giở giọng cười chê tôi “ngoan cố”.

Đừng ngụy biện bảo rằng về bên đó,
Cốt cho mình được biết rõ quê hương!
Sao ngày xưa phải van vái tứ phương,
Chui nhủi kiếm cho được đường bỏ xứ?

Quê hương cũ giờ đây còn đâu nữa,
Chỉ là nơi bầy quỷ dữ lộng hành,
Khiến triệu triệu dân lành
Luôn tiếc nhớ cảnh thanh bình thuở trước.

Kể từ Tháng Tư mất nước,
Quê nhà bước bước tang thương,
Vẫn văng vẳng đêm trường,
Tiếng than khóc từ đại dương vọng lại.

Trần Văn Lương

Cali, đầu Mùa Quốc Hận 4/2024

Visits: 19

Sao Mây Lại Ghé

Trần Văn Lương

Mây ơi ghé đến làm chi,

Có mang lại được chút gì ngày xưa?

 Sao Mây Lại Ghé

 

Ngây ngất nhìn mây, thoáng ngật ngầy,

Hỏi mây sao lại ghé về đây,

Tưởng còn đang lất lây ngàn dặm,

Thăm thẳm chân trời bóng nhạn bay.

 

Mây kia chẳng biết đến từ đâu,

Rỉ rả lời Ngâu quặn mái đầu,

Ngỡ thấy lại con tàu dĩ vãng,

Vội vàng quýnh quáng hỏi vài câu.

                      *

                 *         *

Có phải mây từ xóm đạo xưa,

Mang về đây tiếng mẹ ru trưa,

Dỗ dành con lúc chưa mềm giấc,

Gà gật theo từng nhịp võng đưa?

 

Mây có dây dưa ở cánh đồng

Ngắm hoa cùng bướm rực trời không,

Rồi mang hình ảnh bồng lai đó

Đến kẻ đang vò võ ngóng trông?

 

Có lông bông lạc tới thôn nghèo,

Thích thú nhìn bầy trẻ choắt cheo,

Hí hửng leo trèo đeo nhánh ổi,

Cuối cùng la lối té lăn queo?

 

Mây có theo nhau viếng cổng trường,

Nơi xưa có đứa tập yêu đương,

Ẩm ương tuổi tác chưa tròn tá,

Mà đã nhì nhằng nhớ với thương?

 

Có tìm đường ghé đến công viên,

Lặng xót xa giùm gã thiếu niên,

Cắm cúi ngày đêm xây ảo mộng,

Để rồi ôm thất vọng triền miên?

 

Mây có thấu cho nỗi chán chường

Đang dần chia cách cặp uyên ương,

Tiếng chì tiếng bấc thường vang vọng,

Khiến mộng chung đôi chết giữa đường?

 

Có lang thang cặp bến đò ngang,

Để thấy lại đôi mắt bẽ bàng

Hụt hẫng của chàng trai bé nhỏ

Khi tình đầu sớm bỏ đi hoang?

 

Và có rẽ sang nóc giáo đường

Bên lề con dốc nhỏ mù sương,

Dừng nghe Chúa thở dài khe khẽ

Thương kẻ nợ tình trót vấn vương?

 

Lừng khừng hỏi nốt tại vì sao

Mây cứ lang bang tự thuở nào,

Có biết từ lâu bao kỷ niệm

Trong khăn tẩn liệm vẫn kêu gào?

                    *

               *        *

Hỏi mãi mây sao chẳng trả lời,

Vẫn theo làn gió nhởn nhơ chơi,

Vẫn bên đời phất phơ ngang dọc,

Bỏ mặc trần gian khóc với cười.

 

Tần Lĩnh mây trời quyện khói sương,

Người xưa buồn chẳng thấy quê hương.

Ngày nay e cũng chừng không khác,

Ngơ ngác nhìn mây khách đoạn trường.

 

Mây dường như cũng chỉ là mây,

Cũng vẫn vô tình tựa cỏ cây,

Nên chẳng hề hay nơi viễn xứ,

Gót chân lữ thứ lệ vương đầy.

 

Quắt quay quay quắt bước xa nhà,

Trông ngóng màu mây cũ thiết tha.

Nhưng nếu đà phôi pha quá khứ,

Thì xin mây chớ ghé về qua.

 

Trần Văn Lương

Cali, 8/2023

Visits: 34

Một Ngày Của Mẹ

Thơ Lê văn Bỉnh

Rain for the Just and the Unjust  (Matthew 5:45)

Dò dẫm cầu trơn trượt

Mấy nhịp dài qua sông

Dưới cầu cuồn cuộn nước

Mẹ không nao núng lòng

 

Trên lưng còng gánh nặng

Mẹ thoăn thoắt đường xa

Cố kiếm chút gạo mắm

Đàn con chờ nơi nhà

 

Sau bữa cơm nửa bụng

Các con xúm học bài

Mẹ vào bếp nấu nướng

Cho gánh hàng ngày mai

 

Nửa đêm mưa tầm tã

Mẹ  vẫn còn lâm râm

Cầu nguyện cho  tất cả

Khắp mọi nơi xa gần

 

Cầu đàn con đói rách

Được no lành ngày mai

Nguyện bao kẻ lầm lạc

Sớm trở về đường ngay

 

Tin sang Mẹ vừa mất

Gánh qua cầu trượt chân

Đêm nay mưa lất phất

Ai cầu nguyện xa gần

 

Lê Văn Bỉnh

Virginia

Visits: 50

Kỳ Cảnh

Trần Văn Lương

Dạo:

Vui chân lạc bước trời xa,

Tuy toàn cảnh đẹp, nhưng nhà mình đâu?

Lake Bled- Slovenia 

 

奇 景

遊 行 幸 到 一 奇 方,
夜 靜 星 朝 笑 月 昌.
看 景 心 腸 中 沒 喜,
     鄉.

陳 文 良

 

 

Âm Hán Việt:

 Kỳ Cảnh

Du hành hạnh đáo nhất kỳ phương,

Dạ tĩnh, tinh triều, tiếu nguyệt xương.

Khán cảnh, tâm trường trung một hỷ,

Tựu tri bất thị ngã gia hương.

Trần Văn Lương

 

Dịch nghĩa:

Cảnh Lạ

Rong chơi, may mắn đến một nơi đẹp,

Đêm yên lặng, sao về chầu, mặt trăng cười, sáng rỡ. 

Nhìn cảnh mà trong lòng không chút vui,

Bèn biết ngay rằng (đây) không phải là quê nhà mình.

 

Phỏng dịch thơ:

Cảnh Đẹp

Vui bước lang thang đến một nơi,

Đêm yên, sao trẩy, ánh trăng cười.

Mắt nhìn, dạ rối bời tê tái,

Đâu phải quê nhà đất nước tôi.

Trần Văn Lương

Slovenia, 5/2023

 

 Lời than của Phi Dã Thiền Sư:

Lang thang theo chân người giong ruổi, đến chỗ   tạm dừng chân.

Mắt nhìn cảnh đẹp mà sao trong  lòng không chút gì vui sướng.

Buồn thay, đây là đất nước người chứ nào phải  là quê hương mình!

 Hỡi ơi!

 

 

Visits: 63

Tĩnh Vật Xám Và Nỏ Thần

Thơ Lê Văn Bỉnh

  • Thân tặng những“Hoài Bão”

Thanh lặng thì thầm với bóng đen:

Đã khuya, sao chưa thấy lên đèn!

Người đâu – tạm vắng hay biền biệt?

Ngọn nến nhỏ ơi, tỏa sáng lên!

***

Gió giật vù vù mãnh liệt hơn,

Tuyết bay phủ trắng mấy canh trường.

Không gian thịnh nộ vòng hư ảo,

Trời đất cuồng si điệu oán hờn.

***

Người vẫn chìm sâu trong bóng đêm,

Tịnh như tĩnh vật xám – im lìm.

Tâm tư lắng đọng đời giông bão,

Đông lạnh nhiệt tình thuở thiếu niên?

***

Ẩn chứa những gì dưới tuyết băng?

Cỏ xanh một đám có còn chăng,

Hay là một mớ rêu vàng úa?

Di chỉ hằng mơ chiếc nỏ thần!

***

Lớp lớp thời gian trỉu nặng vai,

Buồng tim hoài niệm đã vun đầy.

Đường xa khấp khễnh hay nghiêng ngã,

Nỏ thật đâu rồi? Biết hỏi ai!

 

Lê Văn Bỉnh

 

Visits: 27

Đôi Nẻo Có Không

Thơ Phùng Minh Tiến

Hữu dã hồi
Vô dã hồi
Mạc tại giang biên lãnh phong xuy
( Kệ cổ của Phật giáo )

Có cũng về ,
Không cũng về .
Sao còn đứng đợi bến sông mơ.
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngoảnh lại hoa xuân rụng não nề …

Có cũng về,
Không cũng về.
Về đâu, non nước về đâu nhỉ,
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề.

Có cũng về,
Không cũng về.
Sáu bảy mươi năm làm khách lạ,
Một chiều tuyết phủ với sương che.

Có cũng về,
Không cũng về.
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt,
Dừng lại bên sông, lạnh bốn bề.

Phùng Minh Tiến

Visits: 74

Nhìn Người Lại Thấy…

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Nhìn người anh dũng chống Nga,

Nhìn quê mình lại xót xa trăm phần.

 

Nhìn Người Lại Thấy…

 

    Xóa biên giới, lính Nga tràn ngập,

    Chiến tranh đà sầm sập tới nơi.

        Hỏa châu, đạn pháo đầy trời,

Tưởng chừng bão tố ngoài khơi ập vào.

 

    Quân giặc tiến ào ào như thác,

    Mạng người so cỏ rác nào hơn,        

        Đạn gào, bom thét từng cơn,

Đau thương vỡ đất, oán hờn tung mây.

 

    Chuỗi tàn phá đêm ngày tiếp nối,

    Trời Ukraine lửa khói mịt mù,

        Từng khu cháy lại từng khu,

Người dân vô tội, đạn thù chẳng dung.

 

    Tổng thống với lính cùng cam khổ,

    Nơi tuyến đầu bom nổ đạn bay,

        Bảo rằng nếu số chẳng may,

Cũng mừng sẽ được táng ngay quê nhà.

 

    Dân chúng phải bôn ba lánh nạn,

    Mong cuối đường di tản gặp may.

        Giặc thù pháo kích liền tay,

Khắt khe định mệnh, đắng cay cơ trời.

 

    Trạm truyển mộ, người người tiếp nối,

    Tình nguyện cùng đánh đuổi xâm lăng,

        Nhìn nhau chẳng nói chẳng năng,

Mắt rưng rưng mắt, lòng hăng hái lòng.

 

    Thầm biết rõ giặc đông gấp bội,

    Mình phải còn chống chọi nhiều nơi,

        Chỉ mong làm hết sức người,

 Thắng thua phó mặc cho Trời lo toan.

 

    Người dân sống bình an ngoài nước,

    Cũng ghi danh để được trở về,

        Góp bàn tay giữ gìn quê,

Khổ đau, sống chết chẳng hề để tâm.

 

    Toàn dân tộc âm thầm chịu đựng,

    Quyết hy sinh giữ vững cơ đồ,

        Cho dù quân ít thế cô,

Cho dù có thể không mồ che thây.

 

    Giặc tàn ác thẳng tay oanh tạc,

    Xác người dân rải rác xa gần,

        Nơi ăn chốn ở mất dần,

Trẻ già lớn bé nương thân chốn nào?

 

    Nhưng bạo lực không sao diệt được

    Những tấm lòng yêu nước nơi đây,

        Vững tin chẳng chóng thì chầy,

Bọn xâm lăng sẽ bó tay tan hàng. 

 ***

    Việt nam lại vô vàn khác biệt,

    Bạo quyền đà bán hết non sông,

       Cắt từng mảnh đất cha ông,

Từ rừng đến biển cúc cung dâng Tàu.

 

    Nhìn quê cũ, càng đau đớn dạ,

    Càng vật vờ buồn bã xót xa.

        Dân đông hơn hẳn người ta,

Sao không chống giặc lại ra cõng vào?

 

    Lũ thái thú quyền cao trâng tráo,

    Trước toàn dân, dám bảo công khai,

        Rằng mình chém giết lâu nay,

Chính là thí mạng đánh thay Nga Tàu.

 

    Ai cũng biết vì đâu dân Việt

    Đánh cá thường bị giết liên miên,

        Nhưng mà bọn Vẹm đảo điên,

Bảo do “tàu lạ”, chính quyền nào hay.

 

    Lòng yêu nước ngày nay đã chết,

    Dân bây giờ dẹp hết đấu tranh,

        Chỉ cần thắng một trận banh,

Quê hương mất hoặc tan tành, chẳng sao!

  ***

    Nhân loại ở nơi nào cũng thế,

    Khác nhau vì thể chế mà thôi,

        Nước người hào khí sục sôi,

Nước mình hí hởn làm tôi giặc Tàu.

 

    Nhỡ con cháu ngày sau cắc cớ

    Hỏi quê mình nay ở nơi nao,

        Bản đồ mới vội nhìn vào,

Quê xưa nào thấy, nghẹn ngào lặng thinh.

 

   Trần Văn Lương

    Cali, 3/2022

Visits: 108

Gió Lay Ngõ Cụt

Thơ  Trần Văn Lương

Dạo:
Tro người chở đến liền tay,
Bơ vơ ngõ cụt gió lay bóng sầu.

Gió Lay Ngõ Cụt

Chiều khập khiễng, vạt nắng tàn ngoe nguẩy,

Gió cô hồn phe phẩy ghé qua sân,

Thêm một ngày sắp lặng lẽ dời chân,

Người chống nạng tần ngần nhìn ra ngõ.

Dãy nhà xưa còn đó,

Kẻ gặp may đà sớm bỏ ra đi,

Nhưng phần đông xui xẻo phải ở lì,

Gượng sống sót từ khi miền Nam mất.

Mắt đục ngầu u uất,

Lệ cạn vắt từ lâu,

Màu tang tóc bể dâu,

Phủ mái đầu bạc trắng.

Chư thiên dường đi vắng,

Nỗi buồn này biết cắng đắng cùng ai.

Đâu Thiên đường, đâu tiên cảnh Bồng lai,

Kinh học lóm đọc hoài không linh nghiệm.

Niềm vui dần khan hiếm,

Có còn chăng ít kỷ niệm tàn phai,

Nỗi bi thương theo năm tháng kéo dài,

Chút hoài bão biết tìm ai ký thác.

Bạn bè cũ đã mười phần tản mác,

Đứa vào tù, đứa lưu lạc phương xa,

Đứa vùi thây biển cả hoặc rừng già,

Đứa tàn tật chốn quê nhà lây lất.

Ngày hai bữa vì miếng ăn tất bật,

Người quen xưa, biết ai mất ai còn,

Hận giặc thù đang tàn phá nước non,

Thề quyết giữ tấm lòng son bất biến.

Chân ngần ngại chẳng dám lần ra biển,

Sợ gặp oan hồn xuất hiện khóc than,

Sợ thấy mình phải tan nát ruột gan

Nhìn xác cá chết tràn lên bãi cát.

Tự an ủi, dù trong lòng chua chát,

Vận nước đà đến lúc mạt, biết sao!

Chỉ âm thầm khẩn nguyện với Trời cao,

Cho hạnh phúc năm nào mau trở lại.

                       *****

Nhưng đau đớn, cơn dịch Tàu ác hại,

Tưởng tạm nguôi nay bỗng lại hồi sinh.

Dân bao năm khốn khổ với Ba Đình,

Nay lại phải bỏ mình vì Vũ Hán.

Đang chết dở vì chập chồng kiếp nạn,

Nay còn thêm bị cấm cản ra đường!

Lũ bạo quyền lợi dụng chuyện tai ương,

Để vét sạch túi thường dân vô tội.

Người trong xóm thương nhau bèn lặn lội,

Ghé vai cùng gánh chịu mọi khó khăn,

San sẻ từng ngụm nước đến miếng ăn,

Dù khốn đốn muôn phần vì lũ giặc.

Được phát động bởi bọn Tàu gian ác,

Dịch lan tràn, người mắc bệnh lây nhau,

Đến nhà thương, chẳng chết trước thì sau,

Xác đốt vội, tro giao về trước cửa.

Lò hỏa táng không phút nào ngơi lửa,

Các hũ tro từng bữa chở về đây,

Có đôi khi mòn mỏi đợi mấy ngày,

Nhà chết hết, chẳng còn ai ra nhặt.

Mấy tuần qua thắc mắc,

Sao bỗng dưng vắng mặt bạn bè thân,

Sao người quen trong xóm bỗng thưa dần,

Nay mới biết được số phần của họ.

Thầm nghĩ nếu mai kia mình nằm đó,

Biến thành tro trong hũ nhỏ trước nhà,

Sẽ hỏi lòng, trong trăn trở xót xa,

Là tai họa hay là cơ thoát khổ?

                     ****

Trăng nhếch nhác, bóng đêm mờ loang lổ,

Người rùng mình, chiếc nạng gỗ rời tay,

Chân run run, thoáng xây xẩm mặt mày,

Con gió tối lạnh lùng lay ngõ cụt.

Trần Văn Lương
Cali, 9/2021

Visits: 15

Cõng Mẹ

Thơ Lê Văn Bỉnh

Tháng Tư đó mẹ con ta trúng đạn.

Con nhẹ hơn, cố cõng mẹ lên đường

Với hy vọng sẽ mau đến nhà thương

Kịp cấp cứu vết thương ra nhiều máu.

 

Máu mẹ ướt lưng, chân con lảo đảo.

Cuối cùng rồi cũng đến cổng nhà thương

Để được xem lời thông báo khác thường:

“Nơi đây không trị liệu gia đình ngụy.”

 

Con nhìn lại áo quần con tiều tụy.

Đó vốn là quân phục mặc xưa nay.

Dù giờ đây có vội vã kịp thay,

Sao rời khỏi bao năm dài gắn bó?

 

Chung quanh đây cao mấy vuông cờ đỏ,

Mà con nghe chết lịm cả tâm hồn.

Trên lưng con hơi thở mẹ đã mòn;

Con vẫn tin mẹ sẽ hồi tỉnh lại.

 

Con cõng mẹ đi trong cơn điên dại:

Hang cùng, ngõ hẻm, tụ điểm, chợ trời,

Trại tù cải tạo, bến bãi khắp nơi.

Và đến đây vào một ngày tuyết trắng.

 

Bốn sáu năm cõi lòng thêm cay đắng.

Lưng con còng vẫn cõng mẹ ngày đêm.

Con nguyện cầu cho “chân cứng đá mềm”,

Tục ngữ xưa nghìn đời lời mẹ dạy.

 

Lê Văn Bỉnh (ĐS10, CH2)

Visits: 75