Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Meta Slider - HTML Overlay - qghc

Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Ngày thành lập:  Năm 1952.

Trụ sở :

  • Hotel DuLac, Thị Xã Đà Lat: 1952- 1955.
  • Alexandre de Rhodes, Saigon: 1955-1963
  • Số 10 Trần Quốc Toản, Saigon: 1963-1975.

Mục tiêu :

  • Đào tạo các cấp chỉ huy hành chánh với trình độ đại học để phục vụ trong các cơ quan công quyền tại trung ương và địa phương.
  • Nghiên cứu và phát triển nền hành chánh của Việt Nam Cộng Hòa để theo kịp trào lưu thế giới.
  • Tham vấn cho các cơ quan chính phủ về các vấn đề liên quan đến hành chánh công quyền.
  • Tu nghiệp công chức .

Tổ Chức:

Học Viện gồm có:

  • Văn Phòng Viện Trưởng
  • Sở Hành Chánh
  • Các Chi Vụ: Chi Vụ Giảng Huấn, Chi Vụ Thực Tập, Chi Vụ Sưu Tầm và Chi Vụ Tu Nghiệp (mỗi Chi Vụ do một Giáo sư Chi Vụ Trưởng phụ trách)

Các  Giám Đốc, Viện Trưởng, Phó Viện Trưởng :

Giám Đốc:

  • Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Quí : 1952-1954
  • Ts Trần Cữu Chấn : 1954-1955
  • Gs Nghiêm Đằng, Phó Giám Đốc: 1954-1955

Viện Trưởng:

  • Gs Vũ Quốc Thông: 1955-1964
  • Gs Nguyễn Văn Bông: 1964-1971
  • Gs Trần Văn Binh, Quyền Viện Trưởng: 1971-1972
  • Gs Nguyễn Quốc Trị: 1972-1975

Phó Viện Trưởng:

  • Gs Nghiêm Đằng: 1955-1970
  • Gs Nguyễn Quốc Trị: 1971-1972
  • Gs Trương Hoàng Lem: 1972-1973
  • Gs Trương Ngọc Giàu: 1973-1975

Ban Giảng Huấn:

Lúc đầu Ban Giảng Huấn gồm các giáo sư ngành luật và các công chức cao cấp giàu kinh nghiệm hành chánh; ngoài ra còn có một số giáo sư Mỹ thuộc Phái Đoàn Michigan giảng dạy bằng tiếng Anh với sự trợ giúp của các thông dịch viên. Dần dần với đà phát triển của Học Viện, số giáo sư gia tăng và trở nên đa dạng hơn.

Trước năm 1975, Trường có 22 giáo sư tốt nghiệp ngành Luật, 5 giáo sư ngành Hành Chánh Công Quyền, 7 giáo sư ngành Chính Trị Học, 4 giáo sư ngành Kinh Tế, 1 giáo sư ngành Quản Trị Kinh Doanh, 1 giáo sư ngành Xã Hội Học, 2 giáo sư ngành Tài Chánh . Đa số các giáo sư tốt nghiệp ở ngoại quốc như Mỹ, Pháp. Ngoài các giáo sư cơ hữu, Học Viện còn mời thêm các giáo sư từ Đại Học Luật Khoa và các giảng viên nhiều kinh nghiệm từ các cơ quan chính quyền.

Các phái đoàn cố vấn: Phái Đoàn MSU (Michigan State University) 1955-1962, và Phái Đoàn IPA (Institute of Public Administration), 1971-1975 .

Tuyển Sinh:

  • Ban Đốc Sự: (1955-1975)

Mỗi năm trường tổ chức cuộc thi tuyển 100 sinh viên với số nữ sinh viên tối đa là 6%, ngoại trừ khóa 17 tuyển sinh được nâng lên 200. Điều kiện dự thi là các thí sinh phải có bằng Tú Tài toàn phần  hoặc các công chức có thâm niên công vụ. Mỗi kỳ thi số thí sinh rất đông. Năm 1962 (khóa 10) số thí sinh là 2.000; năm 1963 (khóa 11) số thí sinh là 3.000 và năm 1974 (khóa 22)  số thí sinh lên đến 8.000.

  • Ban Cao Học: (1965-1975)

Khởi đầu  Ban Cao Học chỉ có 2 ngành: Hành Chánh và Kinh Tế Tài Chánh. Đến trước năm 1975, Ban Cao Học có 6 ngành: Hành Chánh, Kinh Tế, Tài Chánh, Xã Hội, Ngoại Giao và Thẩm Tra Kế Toán. Mỗi năm số tuyển sinh cho mỗi Ban từ 10 đến 20. Số thí sinh cũng rất đông (Khóa 8 Ngoại Giao số thí sinh là 400 ). Điều kiện dự thi là thí sinh phải có cử nhân hoặc tốt nghiệp Ban Đốc Sự.

  • Ban Tham Sự: (1956-1970)

Số tuyển sinh thay đổi từ 77 đến 127 .

Học Trình:

  • Ban Đốc Sự: khởi đầu là 3 năm (2 năm 6 tháng tại trường và 6 tháng thực tập tại trung ương và điạ phương), sau tăng lên 3 năm 6 tháng và kể từ khóa 20 tăng lên 4 năm. Các sinh viên phải viết Tờ Trình Thực Tập và Luận Văn Tốt Nghiệp. Ngoài ra, sinh viên cũng phải đi thụ huấn quân sự trong những tháng nghỉ hè. Từ khóa 11, các sinh viên phải tham dự trọn một khóa trừ bị tại Thủ Đức và được mang cấp bậc chuẩn úy sau khi học xong.
  • Ban Cao Học: 2 năm (kể cả thời gian thực tập)
  • Ban Tham Sự Hành Chánh: 1 năm và 3 tháng thực tập

Chương Trình Học Tập:

Lúc khởi đầu, chương trình giảng dạy chịu ảnh hưởng của Trường Hành Chánh Pháp theo khảo hướng Pháp Lý nặng về hình thức và luật lệ. Nhưng từ khi có sự giúp đỡ của Phái Đoàn Michigan chương trình chuyển sang khảo hướng Quản Trị của Hoa Kỳ năng động , thực dụng, chú trọng về hiệu quả. Người sinh viên khi ra trường không phải chỉ là người thay mặt Chính Quyền thi hành luật pháp mà còn là nhà quản trị đa năng giúp trung ương và địa phương phát triển mọi mặt của xã hội. Ngoài ra, vì nhu cầu của đất nước lúc bấy giờ, sinh viên còn phải là cấp chỉ huy kiêm cả văn lẫn võ để khi phục vụ tại địa phương có thể đối phó với các vấn đề an ninh.

Thành Quả của Học Viện:

Từ ngày thành lập cho đến năm 1975, Học Viện đã đào tạo được:

  • 8 khóa Cao Học với 299 sinh viên tốt nghiệp và 2 khóa chưa tốt nghiệp.
  • 20 khóa Đốc Sự với 1.630 sinh viên tốt nghiệp và 3 khóa chưa ra trường.
  • 5 khóa Tham Sự Hành Chánh với 622 sinh viên tốt nghiệp.
  • 5 khóa Tham Sự Đặc Biệt Cao Nguyên với số 189 sinh viên tốt nghiệp và 1 khóa chưa ra trường.

Ngoài ra, từ năm 1955 đến năm 1975 Học Viện đã liên tục tổ chức nhiều khóa Năng Lực Hành Chánh cho các công chức đương nhiệm.

Các sinh viên Ban Đốc Sự và Cao Học đã phục vụ đắc lực trong Chính Quyền từ  địa phương (Phó Tỉnh Trưởng, Phó Thị Trưởng, Phó Đô Trưởng, Phó Quận Trưởng, Trưởng Ty) đến trung ương ( Trưởng Ty, Chánh Sự Vụ, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Tổng Thư Ký, Đổng Lý Văn Phòng, Phụ Tá Bộ Trưởng , Phụ Tá  Tổng Trưởng, Bộ Trưởng, Tổng Trưởng, Thủ Tướng). Ngoài ra, các cựu sinh viên còn tham gia rất thành công trong ngành Lập Pháp (Dân Biểu, Nghị Sĩ, Chủ Tịch Hạ Viện, Giám Sát Viên).

Tóm lại Học Viện đã đào tạo gần 2.000 nhân viên hành chánh cao cấp, trên 800 nhân viên trung cấp;  không những đủ thay thế  bộ máy hành chánh thời Pháp thuộc mà còn giúp phát triển nền hành chánh của quốc gia để theo kịp đà phát triển của thế giới.

GS Cao Thị Lễ

(Căn cứ theo Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975  và Biên Khảo Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigon )

Views: 6244