Lê Văn Bỉnh
Ngày 24/10/15 vừa qua, Liên Hiệp Quốc tròn 70 tuổi. Được hình thành sau Thế Chiến Thứ Hai tại San Francisco để thay thế Hội Quốc Liên (The League of Nations) thành lập năm 1920 — vốn đã không được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, cũng như sự gia nhập trể của Đức (1926) và Liên Xô (1934), và nhất là đã không ngăn cản được cuộc chiến tàn khốc đang xảy ra — tổ chức mới này đã được chuẩn bị chu đáo với sự tham dự của 282 đại biểu và 2,400 nhân viên yểm trợ đến từ 51 quốc gia. Sau 2 tháng làm việc, bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (Charter of the United Nations) đã được ký kết ngày 26/6/1945, tức 2 tuần lễ trước khi Đức và vài tháng trước khi Nhật Bản đầu hàng.
Tổ chức LHQ ra đời nhằm 4 mục tiêu: (1) Duy trì hòa bình và an ninh thế giới, ngăn ngừa và loại trừ các đe dọa hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc công lý và luật pháp quốc tế; (2) Phát triển mối bang giao hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên quyền bình đẳng, tự quyết của các dân tộc, sử dụng mọi biện pháp thích nghi để duy trì hòa bình; (3) Đạt tới sự hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; cổ vũ và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cho mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo; và (4) Là trung tâm hài hòa hoạt động của các quốc gia để đạt các mục tiêu trên.
Nhìn qua, chúng ta nhận ngay ra rằng những người sáng lập LHQ có ý định liên kết an ninh và nghèo đói thế giới. Theo họ, chính cuộc Đại Suy Thoái (Great Depression) vào đầu thập niên 1930 đã đem lại bất ổn kinh tế trên thế giới, giúp Đức Quốc Xã lên nắm chính quyền ở Đức và đưa thế gìới vào cuộc đại chiến tranh tàn phá và chết chóc. Tránh kinh tế sụp đổ có thể tránh được chiến tranh; đó là ước nguyện đầu tiên hình thành LHQ.
Bài viết này phác họa một số thành tựu riêng về phương diện kinh tế, xã hội mà LHQ mang lại sau 70 năm thành lập.
***
Về phương diện tổ chức, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (The General Assembly) là bộ phận có thẩm quyền tối cao của LHQ; gồm tất cả các quốc gia hội viên. Dưới đó là: Hội Đồng Bảo An (The Security Council), Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (The Economic and Social Council), Hội Đồng Ủy Trị (The Trusteeship Council), Tòa Án Công Lý Quốc Tế (The International Court of Justice), và Văn Phòng Tổng Thư Ký (The Secretariat).
Thành phần, nhiệm vụ và sự điều hành của Hội Đồng Kinh Tế và Xã Hội (HĐKTXH) được qui định trong các Điều 61-72 của Hiến Chương. Từ nhiều năm nay, HĐ gồm 54 thành viên do ĐHĐ bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. năm. Đa số thành viên đến từ các nước đang phát triển: 14 nước từ Châu Phi, 11 từ Châu Á, 6 từ Đông Âu, 10 từ Châu Mỹ Latin và Vùng Carribean, 13 từ Tây Âu hay nơi khác. HĐ họp mỗi năm 2 lần.
HĐ giám sát nhiều chương trình và quỹ, 9 phái bộ chức năng, 5 phái bộ cấp vùng, các cơ quan chuyên môn và nhiều bộ phận khác. Nói chung, số cơ quan và các chương trình trực thuộc HĐKTXH qua thời gian được thêm bớt theo nhu cầu, ngân sách và đòi hỏi của số hội viên LHQ càng ngày càng đông. Nhiệm vụ của HĐ nhiều khi trùng dụng, chòng chéo. Hiện nay, nhân số của LHQ nói chung khoảng 9000 người, tức đã giảm đi 25% sau đợt cải tổ hành chánh năm 1997.
Trong 5 nhóm dưới đây, xin chỉ liệt kê một số cơ quan mà chúng ta thường nghe nói đến.
1.Các Chương Trình và Quỹ:
- Hội Nghị Thương Mại và Phát Triển LHQ (UN Conference and Trade, UNCTAD), sản sinh ra World Trade Organization, WTO
- Chương Trình Phát Triển LHQ (UN Development Program. UNDP) có văn phòng trên 160 quốc gia, đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo đói, cải thiện môi sinh, phát triển bền vững, bảo vệ nhân quyền.
- Văn Phòng Cao Ủy Tị Nạn LHQ (Office of the UN High Commissioner for Refugees, UNHCR)
- Quỹ Nhi Đồng Quốc Tế LHQ (UN Children’s Fund)
- Chương Trình Thực Phẩm Thế Giới (World Food Program)
- Chương Trình Môi Sinh LHQ (UN Environment Programme) v.v.
2. Các Phái Bộ Chức Năng (Functional Commissions)
- Dân Số và Phát Triển (Population and Development)
- Phát Triển Xã Hội (Social Development)
- Phát Triển Bền Vững (Sustainable Development)
- Qui Chế Phụ Nữ (Status of Women)
- Ma Túy (Narcotic Drugs)
- Ngăn Ngừa Tội Phạm và Công Lý Hình Sự (Crime Prevention and Criminal Justice) v.v.
3. Năm Phái Bộ Cấp Vùng (Regional Commissions)
- Phái Bộ Kinh Tế Châu Phi (Econ. Comm. for Africa)
- Phái Bộ Kinh Tế Châu Âu (Econ. Comm. for Europe)
- Phái Bộ Kinh Tế Châu Mỹ Latin và Vùng Caribbean (Econ. Comm. for Latin America and the Carribean)
- Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Châu Á và Vùng Thái Bình Dương (Econ & Soc. Comm for Asia and Pacific)
- Phái Bộ Kinh Tế và Xã Hội Tây Á (Econ & Soc for Western Asia)
4. Các Cơ Quan Chuyên Môn (Specialized Agencies) Gồm 15 cơ quan tự trị, hoạt động với các bộ phận khác của LHQ qua sự phối hợp của HĐKTXH:
- Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization, ILO)
- Tổ Chức Lương Nông LHQ (Food and Agriculture Organization of the UN, FAO)
- Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organization, WHO)
- Nhóm Ngân Hàng Thế Giới (World Bank Group)
- Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund, IMF)
- Quỹ Phát Triển Nông Nghiệp Quốc Tế (International Fund for Agricultural Development, IFAD)
- Tổ Chức Phát Triển Kỹ Nghệ LHQ (United Nations Industrial Organization (UNIDO) vv.
5. Các Ủy Ban Khác
- Ủy Ban Chính Sách Phát Triển(Committee for Development Policy)
- Ủy Ban Các Chuyên Gia Hành Chánh (Committee of Experts on Public Administration)
- Ủy Ban Các Tổ Chức Phi Chính Phủ (Committee on Non-Governmental Organizations) v.v.
Hoạt động của 5 nhóm này được phối hợp nhằm “cải tiến mức sống, toàn dụng nhân công, điều kiện tiến bộ và phát triển kinh tế và xã hội” do Hiến Chương LHQ đề ra. Tuy nhiên đóng góp quan trọng nhất của LHQ nói chung, và HĐKTXH nói riêng, chính là cung cấp diễn đàn để các quốc gia phát biểu ý kiến và lập trường của mình đối với vấn đề an sinh và phát triển con người. Tiếng nói này có các tính chất sau đây: phổ quát (universality, bảo đảm tất cả quốc gia đều được quyền phát biểu ý kiến trước khi lấy quyết định), không cục bộ (impartiality, không vì lợi ích riêng lẻ nào), hiện diện toàn cầu (global presence, có mạng lưới lớn với nhiều trụ sở để thực hiện công tác phát triển); và cam kết (commitment, với các dân tộc khác của LHQ).
Trong 70 năm vừa qua, số quốc gia hội viên của LHQ đã tăng lên rất nhanh: từ 51 khi thành lập năm 1945; lên 67 năm 1955 với sự gia nhập của các quốc gia vừa thoát khỏi đô hộ sau Thế Chiến; rồi 159 năm 1989; và hiện nay là 195 sau sự tan vỡ của khối Cộng.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, ngoài 2 khối tư bản và cộng sản đối kháng nhau rõ rệt về chủ trương cũng như tổ chức chính trị và kinh tế, còn có “Phong Trào Không Liên Kết” (Non-aligned Movement), mà số hội viên cũng tăng lên từ từ: 25 năm 1961; lên đến 77 năm 1964, tiến đến việc thành lập nhóm “Group of 77” (G-77) vào ngày 15/6 tạo sức mạnh chung của các nước đang phát triển để thương lượng về thương mại và tiền tệ với các nước phát triển kinh tế Tây phương.
Một thập niên sau, vào năm 1974, gặp khó khăn vì cuộc khủng hoảng nhiên liệu do các nước sản xuất dầu hỏa gây ra, Nhóm 77 này –với số hội viên lúc bấy giờ lên trên 120– đã thúc đẩy LHQ đưa ra một trật tự kinh tế mới,với tên gọi là New International Economic Order (NIEO) nhằm thay thế cho trật tự đang bị Hoa Kỳ và các cường quốc kinh tế khác khống chế, với ý muốn được tham dự vào việc hình thành chính sách kinh tế thế giới. Tổ chức UNCTAD – lúc đó được gọi là câu lạc bộ của các nước nghèo — được hình thành từ đó. Tuy nhiên yêu cầu cải cách này của Nhóm không đem lại kết quả đáng kể. Lời hứa từ thập niên 1970 của các nước phát triển là bỏ ra 0,7% tổng sản lượng quốc gia (GNP) — về sau đổi thành tổng lợi tức quốc gia (GNI) — của mình cho mục tiêu trợ giúp (official development assistance, ODA, tức cho không và cho vay nhẹ lãi) các quốc gia nghèo, trong đó có hầu hết các hội viên của Nhóm, chỉ được mấy nước (Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Hòa Lan, Thụy Điển và Na Uy) giữ lời! Tuy nhiên về số tiền đóng góp, thì Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh và Nhật vẫn là những nước đóng góp nhiều nhất.
Lý do là có 2 khuynh hướng trái ngược nhau về viện trợ cho các nước đang phát triển, mặc dù cả hai đều đồng ý cần cứu trợ khẩn cấp trong trường hợp thiên tai, đói, bệnh hay xung đột vv. . Một khuynh hướng phản đối, trong đó có kinh tế gia Hoa Kỳ William Easterly đã từng làm việc nhiều năm cho USAID, cho rằng viện trợ không giúp ích được bao nhiêu cho phát triển kinh tế vì nó không những làm cho nước nhận mất đi tinh thần tự lực cánh sinh, mà còn khiến họ ỷ lại và lệ thuộc vào nước cấp viện. Trong khi đó, Jeffrey Sachs lại chủ trương rằng các nước nghèo có thể tìm ra được lối thoát thích hợp nếu có nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài đưa vào. Chủ trương của Sachs được LHQ tán dương và ông là Cố Vấn Kinh Tế của LHQ trong nhiều năm nay.
Ngày nay, mặc dầu số hội viên lên đến 134, nhưng tên gọi của Nhóm vẫn đươc giữ như cũ. Có người cho rằng Nhóm 77 này là “một tổ chức trong một tổ chức.” Nghĩa là về kinh tế và xã hội, LHQ có 2 bộ phận lớn “đồng sàn dị mộng” Thật vậy, trong khi các nước phát triển đặt trọng tâm vào các mục tiêu như ưu tiên vai trò thị trường, cai quản tốt (good governance), nguyên tắc pháp trị (rule of law), tôn trọng nhân quyền trong nước, thì các quốc gia đang phát triển lại đòi hỏi san bằng bất bình đẳng kinh tế, kêu gọi các nước giàu hãy giảm hoặc hủy nợ, tăng cường viện trợ, tạo điều kiện dễ dãi cho họ xuất cảng vv. Vào các thập niên 1960-1970, các nước đang phát triển cho rằng chính quá khứ bị đô hộ đã làm cho họ phải chậm phát triển dù đã được độc lập về chính trị. Qua nhiều thập niên phát triển (decades of development) do LHQ chủ xướng, khởi đầu từ năm 1961, qua các chương trình viện trợ kỹ thuật, giáo dục, tư bản (cho không, hoặc cho vay nhẹ lãi từ các nước giàu hay Ngân Hàng Thế Giới), cũng như tạo điều kiện nhập cảng dễ dàng hơn (giảm hay bỏ hạn ngạch, thuế quan vv.) từ phía các nước giàu, nền kinh tế của hầu hết các nước đang phát triển cũng có thay đổi, nhưng không nhiều như mong muốn, thậm chí có vài nước còn thụt lùi. Cuối cùng, thì đôi bên mới nhận thức được “chân lý”: Nguồn gốc chủ yếu cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia chính là tài nguyên nhân lực của quốc gia đó. Vấn đề là làm sao phải khai thác và phát triển được tiềm năng nhân lực này – tài năng và sự sáng tạo — qua hệ thống giáo dục, y tế, cũng như tham dự của họ trong quá trình quyết định chính sách và đường lối phát triển cộng đồng trong đó họ đang sinh sống.
Dưới bóng dù LHQ, kinh tế thế giới tiến tới toàn cầu – kinh tế thị trường — tương đối chậm. Mới đầu qua cơ cấu GATT (General Agreement on Tariffs and Trade) hình thành từ 1947 và được xem là câu lạc bộ của các nước giàu có kỹ nghệ phát triển. Lần lượt qua khá nhiều vòng đàm phán và thương lượng về thuế quan, hạn ngạch và những rào cản khác giữa các nước đã phát triển và đang phát triển. Vòng đàm phán Uraguay bắt đầu tháng 9/1986 và kéo dài đến 87 tháng với 123 nước tham gia đưa đến sự thành lập WTO. Đến tháng 4/2015, WTO có 161 hội viên chính thức trong đó có cả Nga (8/2012 sau 18 năm thương lượng) và 23 hội viên quan sát, trong đó có Iran, Iraq).
Mãi đến đầu thiên niên kỷ này, LHQ mới đưa ra một lịch trình phát triển cụ thể có tính cách toàn cầu, được nhiều người tán dương mặc dù cho đó là tương đối trể. Đó là Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ (The Millennium Development Goals, MDGs). Lịch trình này gồm 8 mục tiêu lớn (8 goals) với 14 chỉ tiêu (targets): (1) Xóa nạn cực nghèo và nạn đói (1990 – 2015 giảm nửa dân số mà lợi tức chỉ 1 đô la/ngày, và gỉảm nửa dân số chịu đói); (2) Đạt đưọc giáo dục phổ thông cấp một cho tất cả trẻ em trai gái; (3) Cổ vũ bình đẳng về giới tính và tăng quyền cho phụ nữ (dự ước không còn cách biệt giữa nam nữ trong giáo dục cấp 1 và cấp 2 vào năm 2005, và ở mọi cấp vào năm 2015; (4) Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em (2/3 cho trẻ dưới 5 tuổi); (5) Cải tiến sức khỏe của sản phụ (giảm 3/4 mức tử vong trong thời gian 1990 – 2015); (6) Chống các bệnh HIV/AID, sốt rét và các bệnh khác (giảm xuống phân nửa mỗi loại vào năm 2015); (7) Bảo đảm sự bền vững của môi sinh (hội nhập các nguyên tắc phát triển bền vững vào các chính sách và chương trình của mỗi quốc gia và đảo ngược sự mất mát về môi trường; giảm nửa số người không tiếp cận được nước uống vệ sinh vào năm 2015; cải thiện đời sống cho ít nhất 100 triệu người trong khu nhà ổ chuột; (8) Phát triển đối tác toàn cầu để phát triển (*Phát triểm thêm hệ thống thương mại và tài chính mở rộng, dựa trên qui luật, có thể tiên liệu được và không kỳ thị — bao gồm sự cai quản tốt, phát triển và giảm nghèo, quốc nội và quốc tế; *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt Của các Nước Chậm Phát Triển Nhất – bao gồm: miễn quan thuế và hạn ngạch cho hàng xuất cảng của các quốc gia này, đẩy mạnh chương trình giảm nợ cho Các Quốc Gia Với Nợ Nần Chồng Chất (Heavily Indebted Poor Countries, HIPCs) và hủy bỏ các món nợ song phương thuộc chính quyền, và viện trợ ODA hào phóng hơn cho những quốc gia cam kết giảm nghèo); *Đối phó với Những Nhu Cầu Đặc Biệt của các quốc gia nằm lọt trong đất liền và các đảo nhỏ (qua Chương Trình Hành Động Để Phát Triển Bền Vững Cho Các Tiểu Đảo Quốc Đang Phát Triển); *Đối phó toàn bộ với các vấn đề nợ nần của các nước đang phát triển qua các biện pháp quốc nội và quốc tế nhằm giúp kham đưọc nợ nần trong dài hạn; *Cộng tác với công ty sản xuất dược phẩm, cung cấp thuốc trị bịnh thiết yếu với giá phải chăng tại các nước đang phát triển; cộng tác với khu vực tư để giúp cho kỹ thuật mới, đặc biệt về thông tin và liên lạc có thể tới tay dân chúng.
Nhìn qua, người ta thấy 7 mục tiêu đầu tiên được chia cắt ra riêng lẻ và cụ thể; chứ không phải nói tổng quát là “phát triển” với GDP hay GNI tăng tỷ lệ mấy phần trăm như những thập niên trước đó. Lý do chính là khi đề cập đến phát triển, thì phải nói đến cả tăng trưởng (growth), về xuất lượng, lợi tức, vv. lẫn những thay đổi (changes) về cơ cấu tổ chức chính trị & hành chánh, phẩm chất đời sống dân chúng vv. Đó là điều mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam Cộng Sản trong nhiều năm trước đây, không muốn nói đến. Sự chia cắt riêng lẻ này vừa tạo cơ hội và trách nhiệm đóng góp của các cơ quan trong 5 nhóm kể trên; nhưng đàng sau đó cũng là lý do để biện minh cho sự tồn tại của những cơ quan này.
Ngay cả mục tiêu “phát triển bền vững” đề cập ở mục tiêu 7 cũng là cả một lịch sử dằng co giữa 2 nhóm các nước phát triển và nhóm các nước đang phát triển. Ngay từ 1972, khi bàn về các ảnh hưởng xấu của phát triển kinh tế đối với môi sinh ô nhiễm, bà Thủ Tướng Ân Độ Indira Gandhi đã tuyên bố đưa ra một so sánh để đời. Theo bà, “nghèo nàn là nguồn ô nhiễm lớn nhất” (poverty is the greatest polluter). Thoạt tiên, khi khái niệm phát triển kinh tế bền vững (sustainable devevelopment), tức phát triển mà không làm phương hại cho các thế hệ về sau, trở thành chủ trương của LHQ, thì nhiều nước Nam Bán Cầu cho rằng đây là âm mưu của các nước Bắc Bán Cầu “qua sông rồi rút cầu” để cản bước tiến kinh tế của họ.
Riêng mục tiêu thứ 8 được đề cập với 7 chỉ tiêu gồm nhiều chi tiết. Nhưng cái chung của tất cả 7 chỉ tiêu này là kêu gọi sự đóng góp hào hiệp từ các quốc gia phát triển, nghĩa là nhà giàu phải giúp nhà nghèo, vì đó là bổn phận, là nhân đạo. Điều này nhắc chúng ta nhớ lại “viện trợ” trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Cũng xin nói rõ, “viện trợ” trong thống kê của các nước cấp viện trợ liệt kê nhiều thành phần rất ôm đồm và phức tạp. Nó bao gồm: cho không, cho mượn, cho vay nhẹ lãi, bão kê nợ, xoá nợ, giảm nợ, gửi chuyên viên kỷ thuật đến, cấp học bỗng cho sinh viên du học, công chức tu nghiệp, dự hội nghị, vv. Không hiếm khi cho bằng tay mặt, lấy lại bằng tay trái, mà đôi khi lấy lại nhiều hơn cho ra! Các nước “ít phát triển” (less developed countries) thủa đó cũng “làm eo làm sách”, mặc cả chính trị vì biết rằng nghiêng sang “tư bản” thì đưọc cấp cho cái nhà máy, một xa lộ; nghiêng sang “cộng sản” thì được cái cây cầu, thậm chí cả cái đập nước vv. Tuy nhiên, thử hỏi có mấy quốc gia cho đi mà không có hậu ý, không nghĩ tới quyền lợi của dân mình, những người phải đóng thuế?
Chủ trương viện trợ của LHQ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Điểm Thứ Tư (Point Four) trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/01/1949 của Tổng Thống Mỹ Truman. Theo ông, những tiến bộ khoa học và những tân tiến kỹ nghệ của Hoa Kỳ nên được sử dụng để giúp cho việc tăng trưởng và cải thiện các vùng chậm phát triển (underdeveloped areas) – đang chiếm hơn nửa dân số thế giới. Chủ trương này được đưa ra để đối phó trong chiến tranh lạnh sau khi có sự than phiền của nhiều quốc gia Á, Phi và châu Mỹ Latin rằng Hoa Kỳ chỉ lo giúp Châu Âu tái thiết mà không ngó ngàng tới các nước cũng đang bị tàn phá vì chiến tranh. Hẳn nhiều độc giả khó quên được rằng viện trợ kinh tế Hoa Kỳ đầu tiên mà miền Nam Việt Nam nhận được là các xe và các toán nhân viên diệt trừ sốt rét, tượng trưng cho tiến bộ khoa học vừa nói. Về sau, Tổng Thống Kennedy chủ trương dùng nhiều hình thức khác nữa để viện trợ cho các nước đang phát triển, như Đoàn Hoà Bình (Peace Corps), Thực Phẩm Phụng Sự Hòa Bình (Food for Peace) vv. với quan niệm “nước lên thì thuyền cũng lên.”
Qua thời gian, Ngân Hàng Thế Giới thay đổi quan niệm về phát triển, từ cho vay xây dựng nhà máy sản xuất thay thế nhập cảng, đến hạ tầng cơ sở vật chất như đường sá, cầu cống; rồi cho vay để xây trường học, bệnh viện; sang giúp đỡ cải tiến cơ cấu tổ chức, đào tạo nhân sự. Nói chung, LHQ và NHTG vẫn còn xem “viện trợ” là đòn bẩy đưa đến tiến bộ. Người ta nghiệm ra rằng “viện trợ tư bản (vốn)” tỏ ra rất hữu hiệu với các quốc gia vốn đã có tiềm năng khoa học kỹ thuật –từ trước Thế Chiến — như các nước Châu Âu và Nhật Bản; và ít hoặc không hữu hiệu hơn đối với hầu hết những nước khác. Hơn nữa, gần đây nhất, hai nước đất rộng dân đông Hoa Lục và Ấn Độ đã tăng trưởng kinh tế rất nhanh, cho thấy họ không cần viện trợ tư bản của Tây phương.
Việc thay đổi định chế có thể giúp gì cho tăng trưởng kinh tế? Đó là câu hỏi lâu nay được nhiều kinh tế gia của HĐKTXH đặt ra, nhất là với sự lớn mạnh của 2 nền kinh tế nói trên. Hoa Lục ban đầu chỉ “mở các con đường làng” qua một ít cải tổ nông thôn, chỉ “mở cửa sổ” ra thế giới bên ngoài qua các khu kinh tế đặc biệt vùng duyên hải, và huy động mạnh mẽ tiết kiệm quốc nội vào công cuộc đầu tư. Nói chung, Hoa Lục chỉ từ từ mở cửa thị trường không thay đổi mấy về định chế và pháp luật. Trong khi đó thì Ấn Độ, vốn đã là một nước dân chủ, quyết định sử dụng cải tổ rộng rãi luật pháp và định chế để đem lại tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển kinh tế. Hai khuynh hướng trái ngược này khiến không ít người nghi ngờ về tác dụng cải tổ định chế trước để chuẩn bị phát triển kinh tế. Hai khuynh hướng kinh tế Neo – Liberal Economics của thời kỳ Reagan – Thatcher, (đưa đến Washington Consenus) và Neo- Instututional Economics (đưa đến Beijing Consensus) làm cho người ta phân vân chưa biết dứt khoát chọn con đưòng nào.
Tuy nhiên có điều khá rõ là, trong trường kỳ, cải tổ định chế là điều không thể tránh được, để khỏi phải đổ vỡ, như trường hợp của nhiều nước Á Châu hồi đầu thập niên 1990, và có thể Hoa Lục trong những năm sắp tới. Việt Nam Cộng Sản cũng đang và sẽ lâm vào hoàn cảnh khốn khó này. Hiến Pháp 2013 có thêm vào đầu Điều 2
- Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Việc ghi vào Hiến pháp nguyên tắc “pháp quyền” (rule of law, trước 1975 gọi là “pháp trị”) chỉ nhằm hiện đại hóa cho đúng trào lưu trở lại của nguyên tắc pháp quyền mà các nước văn minh trên thế giới từ bao nhiêu thế kỷ nay hằng tôn trọng. Thật vậy, “rule of law” có nghĩa đen là “sự ngự trị của luật pháp”, tức luật pháp đứng trên hết; vua chúa, nhà nước, đảng phái, chức sắc cao cấp, nhân dân vv. ai ai cũng phải tuân theo; vì vậy nguyên tắc này còn gọi là “tính siêu việt của luật pháp” (the supremacy of law). Qua lịch sử, “rule of law” được dùng để đối kháng với “rule of men”, tức sự cai trị của con người, với ý nghĩa là con người dù được coi là anh minh đến đâu đi nữa thì cũng có lúc không còn công chính khi vụ việc xảy ra có liên hệ đến mình hay người thân của mình. Ngày nay, luật pháp đề cập trong “rule of law” còn được gán thêm nhiều ý nghĩa, như không ai bị làm thiệt hại tổn thương nếu không được ghi trong luật pháp; luật phải phải được soạn thảo một cách dân chủ; luật pháp phải được phổ biến rộng rãi; không áp dụng hồi tố; phải áp dụng công bằng cho mọi người vv. Còn “rule by law” có nghĩa là cai trị bằng luật pháp, kể cả luật pháp lỗi thời, bất công vv. do nhà nước độc tài hay độc đảng ban hành. Ngày nay, mặc dù với sự có mặt thường trực của LHQ ở Việt Nam, ai ai cũng thừa hiểu “rule of the Party” vẫn là nguyên tắc thống ngự, bàng bạc khắp nơi. Đó là nguyên nhân chính của các thảm hại kinh tế cũng như trật tự xã hội hiện nay. Chắc chắn là đức Khổng Tử sẽ không bao giờ dám bước xuống bệ thờ ở khuôn viên đại học Hà Nội để hạch hỏi vì sao không ai áp dụng nguyên tắc “đức trị” (dezhi, rule of virtue) của Ngài!
Sau cùng, xin mở một dấu ngoặc về viện trợ song phương. Người viết muốn có đôi dòng về viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ (gọi tắt VTM) cho miền Nam trước đây — hy vọng sẽ có dịp đào sâu hơn trong một bài viết riêng biệt khác. Trước hết, đừng bao giờ vội vã lấy tổng số VTM theo các con số thống kê — với nhiều thành phần ôm đồm phức tạp như đã đề cập — rồi đem chia cho dân số, để đưa kết luận là mỗi gia đình người dân miền Nam được cho bạc triệu đô la trong 20 năm chiến tranh! Thêm nữa, VTM không “dễ ăn”, tức Mỹ trao đôla cho rồi chính phủ VNCH muốn làm gì thì làm theo ý mình, như nhiều người ngây thơ ngộ nhận. Trái lại, VTM phải chịu rất nhiều cưỡng chế: chính sách ngoại giao; chủ trương và đường lối viện trợ của chính phủ Mỹ lúc bấy giờ (chẳng hạn chủ yếu chỉ về kỹ thuật, như đã nói); luôn nằm dưới mắt cú vọ dò xét của Quốc Hội Mỹ, nhất là của các vị nghị sĩ dân biểu không đồng ý với lập trường của Hành Pháp Hoa Kỳ, hay không thích nhà cầm quyền VNCH. Nó còn chịu sự chi phối mạnh mẽ của các viên chức Mỹ tại Saigon (buộc VNCH phải thay đổi hối suất có lợi cho sở hữu chủ của đô la khi vào VN, buộc VNCH không được giữ quá 300 triệu đôla khi miền Nam có dư thừa ngoại tệ nhờ sự có mặt đông đúc của quân đội và nhân viên dân sự, mà phải dùng đô la sở hữu của mình trong thời gian ngắn nhất để nhập cảng TV, tủ lạnh, xe gắn máy vv, những thứ mà chính dư luận Hoa Kỳ cũng coi là xa xỉ trong chiến tranh; còn dư thì phải gửi vào ngân khố Mỹ; chịu sự chi phối của luật lệ Hoa Kỳ (mua hàng Mỹ phải chở về bằng tàu Mỹ với giá gấp đôi, phải dùng VTM mua hàng của các nước do Mỹ chỉ định, trong đó có Đài Loan, Thái Lan, Đại Hàn, Phi Luật Tân vv.). Đó là chưa kể đến sự tham nhũng của một số viên chức phụ trách viện trợ, ăn chia với các nhà cung cấp ngoại quốc. Cố Vấn Ngô Đình Nhu có lúc than thở: “Đối phó với Việt Cộng đã khó, mà đối phó với người Mỹ lại còn khó hơn.” Giáo Sư Nguyễn Duy Xuân, Phụ Tá Đặc Biệt về Kinh Tế Tài Chánh, Phủ Tổng Thống khi được người viết này hỏi vì sao chính quyền Mỹ không cho VNCH giữ nhiều ngoại tệ, đã không ngần ngại trả lời: “Họ e khi có nhiều tiền, chúng ta có thể làm phản.” Cách nay đúng 500 năm, Machiavelli người Ý trong quyển “Ông Hoàng” (The Prince) đã dặn dò “người nhận viện trợ” : “Và ông hoàng đó, người chỉ trông cậy vào lời hứa của họ (những người đề nghị giúp đỡ), mà không có những chuẩn bị khác, sẽ bị diệt vong mà thôi; bởi vì thứ tình hữu nghị do mua mà có chứ không do lòng quãng đại, và sự cao cả tinh thần được mua chứ không được đảm bảo, và mua khi tuyệt đối cần thiết, sẽ không đem lại lợi ích gì cho bạn.”
Cũng khá may, những nguy hại của việc cho và nhận viện trợ song phương nói trên không phải là đa số trường hợp của viện trợ được đề cập ở Mục tiêu 8. Tuy nhiên, các các lợi lộc trời cho cũng như những món ngoại tệ dễ kiếm khác của nước nhận – nhưng khó kiếm từ phía người gửi đến — dễ sinh ra chứng bệnh Dutch Disease, nghĩa là nguồn tài nguyên “trời cho” này có thể đưa đến bất ổn về hối suất, đẩy giá sinh hoạt tăng cao, chuyển ngân lậu, “rửa tiền”, hoang phí, nhũng lạm vv. Cái bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này thấy rõ ràng đã và đang phát triển tại Việt Nam trong nhiều năm nay sau khi đổi mới kinh tế.
Thật ra, các viện trợ song phương lẫn đa phương đều có những ràng buộc, hoặc ít hoặc nhiều. Cái khó vẫn là làm sao sử dụng cho hiệu quả. HĐKTXH, cũng như các bộ phận khác chỉ có thể đưa ra những hướng dẫn tổng quát. Còn việc sử dụng viện trợ cho có hiệu quả và hiệu năng còn tùy thuộc phần lớn vào khả năng và đạo đức nghề nghiệp của các gíới chức cũng như của sự tham gia của dân chúng liên hệ của các nước nhận viện trợ.
Tài nguyên nhân lực, vật lực của LHQ vốn đã hạn chế, lại còn bị phân tán manh múng, cho nên một sự phối hợp hoạt động của các cơ quan liên hệ là điều tối cần thiết mới có hy vọng giúp đỡ hữu hiệu các nước đang phát triển. Vì vậy mà giữa năm 2005, Tổng Thư Ký LHQ Kofi Annan (cùng LHQ được giải Nobel Hòa Bình 2012) đã triệu tập một nhóm chuyên viên cao cấp thuộc 32 tổ chức của LHQ nhằm nghiên cứu biện pháp thích hợp. Kết quả là tháng 11 năm 2006, bản phúc trình “Delivering As One” ra đời, và bắt đầu thực hiện vào năm sau. Theo đó, LHQ sẽ hành động với “Một Lãnh Đạo, Một Chương Trình, Một Ngân Sách, Một Trụ Sở” tại các nước nhận trợ giúp. Việt Nam tình nguyện là một trong 8 thí điểm đầu tiên. Số quốc gia trong dự án tăng dần theo thời gian: 5 vào năm 2007; 20 vào 2009; 40 vào 2010 và 52 vào năm 2015.
Trong phúc trình “Millennium Development Goal 8: Tasking Stock of the Global Partnership for Development 2015 MDG Task Force Report”, Tổng Thư Ký LHQ cho biết viện trợ từ các quốc gia phát triển từ US$ 81 tỉ năm 2000 lên US$ 134 tỉ năm 2014, tuy tăng 66%, nhưng chỉ đạt 0.30% GNI — thấp hơn tỷ lệ 0.37% của thập niên trước — phần chính do cuộc khủng hoảng tài chánh hồi cuối thập niên vừa qua. Ngoài các nước Đan Mạch, Lục Xâm Bảo, Na Uy, Thụy Điển vốn đã đạt chỉ tiêu 0.70% từ lâu, lần này chỉ có thêm Anh và Bắc Ái Nhĩ Lan.
Về phương diện thực hiện các mục tiêu, theo phúc trình của LHQ The Millenium Developing Goals Report 2015, thì sau 15 năm, thế giới đã có nhiều tiến bộ đáng khích lệ trong thời gian 15 năm qua. Chẳng hạn, đối với Mục Tiêu 1, thì số người cực nghèo (dưới US $1.25/ngày đã giảm từ 1, 9 tỷ năm 2000 xuống còn 836 triệu năm 2015 (tại VN, tỷ lệ đó là 58.1% xuống còn 14.5%) Cùng thời gian đó, con số trung lưu ($4/ngày) đã tăng lên gấp 3 lần; con số người thiếu dinh dưỡng giảm xuống từ 23.3% dân số xuống còn 12.9% (tại VN, tỷ lệ đó từ 41% xuống còn 11,75%). Đối với Mục Tiêu 2, số trẻ em tiểu học toàn cầu bỏ trường xuống từ 100 triệu xuống còn 57 triệu. Tại VN, càng lên cao thì tỷ lệ rơi rớt càng tăng một cách đáng ngại. Chẳng hạn ở cấp 1, tỷ lệ trẻ em nữ ghi danh là 91,5% và nam là 92.3%; lên cấp 2, tỷ lệ đó là 82% và 81%; nhưng đến cấp 3 thì tỷ lệ chỉ còn 63.1% và 53%. Đối với Mục Tiêu 6, số người mang bệnh sốt rét giảm 37%, số người chết vì bệnh này giảm 58%, tức đạt được chỉ tiêu cho 15 năm qua;, tuy nhiên nó vẫn còn là mối đe dọa, tức còn đến 3,3 tỷ người trên 97 quốc gia còn mang bệnh. Đối với Mục Tiêu 7, nạn phá rừng làm ảnh hưởng xấu đến môi trường sống (nước, không khí trong lành, thay đổi khí hậu) tuy có chậm lại, nhưng vẫn còn trầm trọng, nhất là tại Á Châụ (mất 2,2 triệu hecta/năm từ năm 2000 đến 2010. Khí thải carbon dioxite tăng 50% trong thời gian đó, nhất là tại các nước có nền kinh tế đang lên (như Trung Quốc, Ấn Độ) gây ảnh hưởng vô cùng tai hại, khiến LHQ phải triệu tập Hội Nghị UN Framework Convention on Climate Change Conference vào tháng 12/16 nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp hạ giảm nhiệt độ trái đất…Trong Mục Tiêu 8, xuất cảng từ các nước phát triển được miễn thuế quan để vào các nước phát triển đã tăng lên 65%. Phúc trình còn cho biết 95% dân số thế giới đã được phủ sóng cho điện thoại di động trong lúc số người có điện thoại di động tăng lên 10 lần (7, 2 tỷ người); tỷ lệ sử dụng Internet tăng từ 6% dân số lên 43% (3, 2 tỷ người) .
Phúc trình cũng cho thấy còn nhiều lãnh vực cần phải cải tiến: bất bình đẳng về giới tính, giữa giàu và nghèo, giữa nông thôn và thành thị; ô nhiễm môi sinh; suy giảm tài nguyên thiên nhiên, trữ lượng thực phẩm (nhất là hải sản).
Một vấn đề lớn quan trọng không kém các yếu tố vật chất kể trên. Đó là vấn đề nhân quyền. LHQ tự hào đã đưa ra luật pháp căn bản để bảo đảm nhân quyền, từ Universal Declaration of Human Rights, đến International Covenant on Civil and Political Rights, đến International on Economic, Social and Cultural Rights, United Nations Conventions Against Tortures (mà VN ký hồi tháng 10/2014). Ngoài ra, LHQ không thiếu những bộ phận chuyên trách như: The Human Rights Council, The Commission on Human Rights, The Human Rights Committee, The Committee on Economic, Social and Cutural Rights, và Committee Against Torture vv; nhưng vẫn không thể nào bảo vệ được nhân quyền cho toàn cầu vì LHQ không được ban cấp đầy đủ quyền lực, ngoại trừ Tòa Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court, ICC) lâu lâu mới nhóm xử một vài tội phạm chiến tranh, diệt chủng. VNCS không những được bầu làm một thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền (Human Rights Council) sau khi ký công ước về tra tấn nói trên, mà còn có cả “một rừng luật”, nhưng tiếc thay, Hà Nội chỉ thích sử dụng “luật rừng” (chữ của luật gia thân Cộng Ngô Bá Thành), với đám “dư luận viên” thừa hành pháp luật. Dân chúng gọi đó là “côn an”, tức côn đồ làm công an, hay công an giả danh côn đồ.
***
Công bằng mà nói, kinh thế tế dân, cải tạo xã hội, tăng tiến nhân quyền là những nhiệm vụ mà nhà nước của mỗi quốc gia phải chủ yếu gánh vác đối với công dân của mình, LHQ chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà thôi, nhất là đối với những quốc gia lúc nào cũng đề cao chủ quyền, cổ vũ tinh thần dân tộc, ca tụng tính độc đáo văn hóa của mình. Trong thời đại toàn cầu hiện nay qua ý thức liên lập và phương tiện thông tin, người ta lại càng đòi hỏi nhiều hơn ở LHQ về sứ mạng gìn giữ hòa bình, về hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội cùng nhân cao nhân quyền. Đáp ứng của LHQ chỉ có thể đạt được trong chừng mực nào đó. Điều này khiến một số người nổi giận, đòi hỏi giải tán tổ chức này, hay rút khỏi tổ chức hoặc không đóng góp phương tiện tài chánh cho nó hoạt động. Có thể nói một cách không sai rằng nếu không có một tổ chức như LHQ thì trong 70 chục năm qua, sau mỗi lần khủng hoảng quân sự, chính trị, kinh tế, y tế vv., chắc chắn người ta cũng đã tìm cách thiết lập một tổ chức có chức năng tương tự như LHQ, hay tạo ra những cơ quan với chức năng như những cơ quan của LHQ hiện nay. Những thứ tân tạo này có thể hoạt động hiệu năng và hiệu quả hơn hay không, thật khó mà đoán được. Chúng ta mơ ước LHQ sẽ đóng góp nhiều hơn cho nhân loại.
Lê Văn Bỉnh
Virginia, tháng 11/2015
——————————–
Tài Liệu Tham Khảo
Bookmiller, Kirsten: The United Nations, New York, Chelsea House, 2008
Fasulo, Linda: An Insider’s Guide to the United Nations, 2nd ed., New Haven, Yale University Press, 2009
Hanhimaki, Jussi: The United Nations: A Very Short Introduction. 2nd ed., New York, Oxford University Press, 2015
International Monetary Fund: World Economic Outlook 2012: Coping with High Debt and Sluggish Growth, Washington DC, 2012
Rist, Gilbert: The History of Development: From Western Origins to Global Faith, 4th ed., New York, Zed Book, 2014
The World Bank: The MDGs after the Crisis, Washington DC, 2010
United Nations Department of Public Information: Basic Facts about the United Nations, Revised ed., New Yơrk. 2011
Wess, Thomas; Forsythe, David; Coate, Roger: & Pease, Kelly-Kate: The United Nations and Changing World Politics, 6th ed., Boulder, Westview Press, 2010
Views: 0