Phường chèo tại rạp Ba Đình Hà Nội

Lê Văn Tư

Kỳ họp Quốc hội khóa 13 tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 21 tháng 3, 2016

Sau đại hội XII đảng cộng sản ngày 28/1/2016, ba nhân vật chóp bu (bộ tam sênh) mới được chỉ định (Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc) vào các chức vụ nổi (chủ tịch quốc hội, chủ tịch nước và thủ tướng), họ sẽ thay thế ba nhân vật hết thời (Nguyễn Sinh Hùng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng).
Thông thường ai cũng tưởng việc thay thế này sẽ diễn ra sau khi có quốc hội mới dự trù được bầu vào tháng 5/2016, nhưng nào ngờ việc thay thế này lại diễn ra vội vã ngay trong khóa họp cuối cùng của quốc hội hiện nay (21/3 – 12/4/2016), lý do chính thức nêu ra là «cần phải có đội ngũ nhân sự có trách nhiệm phân công bắt tay ngay vào công việc», hóa ra đội ngũ nhân sự cũ là vô trách nhiệm à?
Liệu có mấy người tin?
Theo giáo sư Nguyễn Đình Cống: «Tam trụ còn lại là việc của Quốc hội khóa mới, nhưng vì lý do nào đó mà Đảng không chờ được, phải thay ngựa giữa dòng. Việc này, người thì cho là đảo chính, người lại bảo là vi phạm hiến pháp. … Để cho có vẻ thuận chiều thì phải tạo ra việc Tam trụ đồng loạt xin từ chức. … Cả 3 vị đều ngậm ngùi bị buộc phải ngậm bồ hòn xin từ chức.»
Luật sư Lê Quốc Quân tự hỏi «lý do gì quan trọng đến mức mà Đảng có thể xổ toẹt lên tất cả Hiến pháp, công khai thể hiện quyền lực tối thượng một cách vô lối của mình bằng việc thúc ép “tam trụ” phải nghỉ. Lý do đó phải gấp đến mức buộc người ta phải phải bốc cá ăn ngay chứ không còn thời gian dùng nồi để nấu.» (bài «Miễn nhiệm là ‘đảo chính hợp hiến’?» -BBC 27 tháng 3 2016)
Cái tựa đủ chuyển tải quan điểm của tác giả, cũng có người cho sự thay đổi kiểu «chạy tang» này là bình thường, Gs Nguyễn Minh Thuyết dẫn Điều 74 và 88 của Hiến pháp, theo đó Quốc hội có thể miễn nhiệm chủ tịch nước và thủ tướng, và nhắc lại một số tiền lệ (sau Đại hội Đảng Cộng sản IX thì ông Nguyễn Văn An đã được giới thiệu để thay chức vụ của ông Nông Đức Mạnh vì ông Nông Đức Mạnh đã được bầu làm tổng bí thư, “Sau đó khi Đại hội Đảng X không bầu ông Nguyễn Văn An vào Bộ Chính trị nữa thì Quốc hội lại họp tháng 6 năm đó để bầu ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Nguyễn Văn An, sau này bầu ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng thay cho ông Phan Văn Khải, ông Nguyễn Minh Triết làm chủ tịch nước thay cho ông Trần Đức Lương.”), ông cũng «cho rằng chuyện miễn nhiệm cũng hợp lý vì nếu không “chẳng lẽ thủ tướng, người đã không còn là ủy viên Bộ Chính trị, lại nhận lệnh của phó thủ tướng hay bộ trưởng là ủy viên bộ chính trị.”».
Điều lý thú là ông nhắc lại «cách đây ít năm khi Đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về khả năng từ chức của ông thì Thủ tướng cũng đã nói rõ ràng “Tôi không có chạy, không có xin mà Đảng phân công thì tôi làm.”
“Thế thì lần này Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam không bầu ông Nguyễn Tấn Dũng vào vị trí ủy viên Bộ Chính trị, không bầu ông Trương Tấn Sang vào ủy viên Bộ Chính trị và ông Nguyễn Sinh Hùng cũng tương tự. Như thế có nghĩa là Đảng đã không phân công các ông tiếp tục …»

Nói qua hiến pháp, nhắc lại tiền lệ chẳng qua là để thể hiện sự hiểu biết của một «trí thức» (học vị tiến sĩ, tước giáo sư), cuối cùng ông vẫn khẳng định đảng cộng sản là trên hết, muốn làm gì thì làm (thế là hết ý!).
Sự khẳng định này cho thấy đảng chà đạp hiến pháp, một sự vi hiến trắng trợn.
Họ bày trò miễn nhiệm, theo nghĩa thông thường, miễn nhiệm, tức «miễn chức cũng gọi là giải chức hay bãi chức, lột chức phận, không cho làm chức vụ nhà nước nữa.» (Tự điển Lê Văn Đức), theo Đại từ điển Tiếng Việt ở trong nước thì “miễn nhiệm” nghĩa là “không cho giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ”, như vậy «được miễn nhiệm» là «bị truất phế» vì một tội gì đó cần phải được nêu rõ trong cáo trạng, còn ở đây, tội của họ là bị đảng loại ra khỏi bộ chính trị, khoản tội này như một điều luật bất thành văn, mọi đảng viên phải tuân thủ, dĩ nhiên các đại biểu quốc hội không thể làm khác (con rối là ở chỗ đó!).
Ngoài sự vi hiến, việc bầu những người thay thế còn là điều phi lý, đó là quốc hội cũ lại bầu những người chưa là đại biểu quốc hội, theo hiến định: “Quốc hội khóa mới bầu ra Chủ tịch Quốc hội (điều 83), tức chủ tịch của một quốc hội chưa có, một quốc hội gồm những đại biểu ma (quái đản!), Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội (điều 87), Thủ tướng Chính phủ do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội (điều 98)”.

Không những bầu bộ tam sênh, họ còn miễn nhiệm và bầu mọi chức chưởng khác trong cơ cấu quyền lực như các phó chủ tịch quốc hội, phó chủ tịch nước, các ủy viên ủy ban thường vụ quốc hội, chủ tịch hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của quốc hội và tổng kiểm toán nhà nước, …, có nghĩa là họ được cho đắc cử trước khi được dân bầu (khôi hài!), từ đó có thể suy ngược lại là số phận hẩm hiu dành sẵn cho ai đã bị miễn nhiệm và không được bầu vào một chức vụ nào khác, quốc hội như thế rõ ràng là một cơ cấu tiền chế, chức danh đại biểu quốc hội được coi như phần thưởng dành cho những kẻ trung thành với đảng, chấp nhận làm thân khuyển mã gọi dạ bảo vâng.
Đây là một tiền lệ nguy hiểm vì từ nay, đảng muốn truất phế ai thì chỉ cần loại tên đó ra khỏi bộ chính trị hay ban chấp hành trung ương, quốc hội căn cứ vào đó làm thủ tục miễn nhiệm và bầu bất cứ một tên nào khác thay thế bất kể là có là đại biểu quốc hội hay không?

muaroiTừ đầu chí cuối toàn là độc diễn, vậy mà cũng bày đủ trò «thông qua danh sách ứng cử, nghị quyết, biểu quyết, kiểm phiếu, công bố kết quả, …», mọi diễn tiến y hệt một vở phường chèo, các diễn viên gọi là mới lại toàn là đào kép cũ xào đi xào lại, như vậy thì còn hòng gì có sự thay đổi, nên chẳng mấy ai tin lý do viện dẫn, đúng như nhận xét của tướng Trần Độ: “Nói thì ‘dân chủ, vì dân’ mà làm thì chuyên chính phát xít. Cái đặc điểm đó cũng có nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, trò hề, ‘nói vậy mà không phải vậy’. Suốt ngày đóng trò, cả năm đóng trò. Ở đâu cũng thấy các vai hề, ở đâu cũng thấy các trò lừa bịp. … Ôi, cay đắng thay!”. (Nhật ký rồng rắn)

Vậy thử suy đoán động cơ nào dẫn đến việc làm phi hiến, phi lý này.
Trong đại hội đảng, Nguyễn Phú Trọng đã thành công trong việc hạ bệ Nguyễn Tấn Dũng, mọi diễn tiến hấp tấp hiện nay cho thấy Nguyễn Phú Trọng muốn dứt điểm Nguyễn Tấn Dũng càng sớm càng tốt, đồng thời cày sẵn người của mình vào guồng máy cai trị mới, cũng có thể loại nốt tàn dư của Dũng trong kỳ bầu quốc hội tới.
Liệu mọi chuyện có dễ dàng như vậy hay không?
Liệu quốc hội mới có chấp nhận một việc làm vi hiến trắng trợn này không?
Cứ theo logique mà suy thì sự căng thẳng giữa Dũng và Trọng đã âm ỉ từ lâu với cường độ ngày càng tăng, cao điểm là đại hội đảng vừa qua, cuộc quyết đấu chỉ kết thúc một mất một còn, tuy đang vị thế thượng phong, Trọng vẫn luôn nơm nớp lo sợ thế cờ bị lật ngược, việc đặt để Nguyễn Xuân Phúc (kẻ thân tín) làm thủ tướng cốt để chặt hết tay chân của Dũng ở các cơ quan hành pháp; vốn là tay mưu sĩ (từ bạch đinh vượt lên tận tột đỉnh vinh quang nào có vừa gì?) lại ôm mộng tranh bá đồ vương, cả chục năm trên chót cao thực quyền, Dũng tất đã ngầm tạo nhiều thanh thế, ơn mưa móc rưới ra cùng khắp, vây cánh hẳn hiện diện khắp nơi, cứ xem trước đây cặp Trọng – Sang muốn hạ bệ đồng chí X còn làm không nổi, ngay trong cuộc truất phế tại quốc hội hiện nay, số người chống miễn nhiệm Dũng cũng cao hơn Sang (68 phiếu [13,77 %] so với 26 phiếu, chiếm [5,26 %]) và chắc Dũng cũng thủ sẵn nhiều hồ sơ thuộc loại thâm cung bí sử của các đối thủ chính trị, chỉ chờ dịp tung ra, ngoài ra còn bao nhiêu của nổi của chìm cần phải được bảo vệ, do đó Dũng khó «thanh thản» ra đi như tuyên bố.
Màn giác đấu kế tiếp chắc hứa hẹn nhiều gay cấn!
Quốc hội mới có thể là đấu trường quyết liệt giữa hai phe Trọng – Dũng, sóng gió có thể nổi lên từ lúc ra ứng cử, tranh cử, kẻ mất thế quyền lực tất phải dựa vào sức mạnh của luật pháp, chống lại mọi áp đặt, đòi hỏi thực thi công bằng giữa các công dân, đặc biệt là giữa các ứng cử viên, đây là dịp các ứng cử viên độc lập, các phong trào đấu tranh dân chủ phải chuẩn bị đáp ứng mọi tình huống, phe Dũng muốn sống còn chắc phải dựa vào lực lượng dân chủ, một khi len vào được quốc hội, hình thành một khối liên minh độc lập, chừng ấy nghị trường không còn là mảnh vườn hoang cho phe độc tài mặc tình múa gậy, tùy theo tương quan lực lượng, quốc hội mới có thể bác bỏ mọi quyết định vi hiến của quốc hội trước, tức xóa bài làm lại, chế độ độc tài toàn trị coi như cáo chung, ứng với nhiều tin loan truyền: «đại hội XII là đại hội cuối cùng của đảng cộng sản».
Cùng tắc biến, biến tắc thông, hy vọng đã vươn lên!
God bless our country!

Lê Văn Tư

Visits: 458

Posted in thoi luan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *