Ông Phó Tổ Chức Bầu Cử

Phạm Thành Châu 

baucu

Ảnh: http://hinhanhvietnam.com

Bây giờ tôi xin kể qua chuyện bầu cử các định chế tổng thống, thượng viện, hạ viện, hội đồng tỉnh, hội đồng xã…

Vùng lục tỉnh (miền tây) việc bầu cử không căng thẳng như các tỉnh miền Trung, nhất là tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế, là nơi các thầy ở các chùa Phật giáo khống chế hầu như toàn thể người dân địa phương. Các thầy là người tu hành, lòng dạ ngay thẳng, thánh thiện, tưởng ai cũng như mình nên ai “nói ngọt” (chuyện cứu dân độ thế) là các thầy tin ngay. Mà Việt Cộng thì rất giỏi khoa tuyên truyền, dụ dỗ, lừa phỉnh, khủng bố… nên các thầy bị họ giật giây. Các thầy lúc nào cũng sẵn sàng “hi sinh thân xác vô thường để cứu độ chúng sanh”. Sau năm 1975, chiếm được miền Nam, Việt Cộng công bố rằng: Trước 1975, ở miền Nam, họ đã gài được hơn ba mươi nghìn (30,000) cán bộ Cộng Sản, xâm nhập các chùa chiền Phật giáo trong Nam. Tôi xin đưa ra vài sự kiện để chứng minh. Thích Trí Quang, đội lốt nhà tu. Trong “Trí Quang Tự Truyện” có viết “Lại biết từ lâu, Pháp làm cỏ các phái chống họ, mà cao điểm là pháp trường Yên Bái, thì còn ai nữa để lựa chọn ngoài VM (trang 56)” Theo tình báo Việt Nam Cộng Hòa thì. Năm 22 tuổi, Trí Quang ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh, nhận nhiệm vụ vào Nam diệt “loài quạ lang”. Năm 1949, Tố Hữu kết nạp Trí Quang vào đảng Cộng Sản tại mật khu Lương Miêu, Dương Hòa, Thừa Thiên. Ngày 6 tháng 6 năm 1966, Trí Quang ra lịnh cho đoàn sinh viên Quyết Tử đến từng tư gia ở Huế và ngoại ô, bắt dân chúng đem bàn thờ Phật xuống đường, dĩ nhiên có cả hình và tượng Phật. (Bàn thờ, tượng Phật là vật thiêng liêng, phải để nơi cao quí, trang trọng, sao lại  để chỗ cống rãnh, rác rưỡi dơ dáy?!) Thích Trí Quang ra lịnh đình công bãi thị, xe rác không làm việc được, dân Huế đem rác vất thành đống hôi thối (chuột chết, đầu tôm xương cá, đồ ăn thừa…) bên cạnh bàn thờ Phật, tượng Phật bên lề đường. Là người tu hành, không ai làm chuyện đó. Trong “Trí Quang Tự Truyện”, Trí Quang chối tội nhưng lại viết “Nỗi ân hận về bàn thờ Phật cùng nỗi thán phục Vân (tự thiêu), cho đến nay không nguôi trong tôi” (trang 207) Ðại họa cho dân Huế năm Mậu Thân 1968, gần chục nghìn người vô tội bị Viêt Cộng đập đầu, chôn sống cũng nhờ sự tiếp tay của quí thầy. Việt Cộng xâm nhập vùng nào đều đặt bộ chỉ huy ở các chùa (không ai dám bắn vào chùa, nhà thờ), khai thác tình báo thì có các sư đi lấy tin tức. Ai dám hạch sách quí thầy? Năm Mậu Thân, sư Thích Ðôn Hậu bị lộ nên theo Việt Cộng ra Bắc. Ðầu năm 1975, miền Nam sắp sụp đổ, chỉ mới nghe tin đồn chính phủ Mỹ sắp viện trợ nhân đạo (tổng thống Ford dự định 250 triệu để cứu trợ đồng bào tị nạn Cộng Sản)) thì các dân biểu phe Phật giáo Ấn Quang đánh điện yêu cầu chính phủ Mỹ đừng viện trợ nhân đạo. Mỹ dẹp luôn chương trình đó. Ngày 28 tháng 3 năm 1975, chư tăng chùa tỉnh hội Ðà Nẵng ra tận đèo Hải Vân mừng đón quân đội Việt Cộng. Chư tăng hớn hở ngồi trên xe tăng T54 tiến vào Ðà Nẵng. Ngày 19 thánh 5 năm 1975, chư tăng Ấn Quang long trọng làm lễ mừng sinh nhật Hồ Chí Minh… (còn nhiều sự kiện nữa).  Sau năm 1975, Trí Quang bị cô lập vì như Trần Bạch Ðằng, cán bộ tuyên huấn của Việt Cộng phát biểu “Trí Quang là loại CIA chiến lược. Anh Út Nguyễn Văn Linh giận Trí Quang lắm”. Thời đó (sau 1975) các báo Cộng Sản ở Sài Gòn có viết về một ông sư “TQ” đã nhận hai triệu đô la của CIA để trang trải các chi phí nhằm lật đổ chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, lập chính phủ mới để ông ta đưa Phật giáo thành quốc giáo và ông ta làm “Quốc Phụ” kiểu như sư Vạn Hạnh (Lý Khánh Vân) thời nhà Lý (1010-1225). Trong “Trí Quang Tự Truyện” có đoạn “Tất cả các chi phí không nhỏ cho việc của Pg miền Trung mà tôi phải lo liệu…” (trang 193) Sau 1975, mất nước, họ vênh váo, tưởng mình là công thần của Việt Cộng, không ngờ bị khinh bỉ, xem như giẻ rách. Những kẻ phản trắc (ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản) đó, kể cả cái chính phủ bù nhìn “Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam”, đều bị họ vất bỏ, thành thân tàn ma dại, ai cũng ghê tởm, né tránh.

Trở lại chuyện bầu cử năm 1973 tại Thừa Thiên, Huế. Sau đại nạn Mậu Thân, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn không suy giảm. Cả tỉnh Thừa Thiên và thành phố Huế, trung tâm văn hóa của miền Trung, biết bao trí thức, nhân tài mà thầy ra lịnh bầu cho một người đàn bà từ Sài Gòn ra, bà Kiều Mộng Thu, và bà ta đắc cử dân biểu hạ viện một cách vẻ vang. Bà ta chỉ tuyên bố với báo chí một câu “Tôi cảnh cáo cho các thầy ở Huế biết. Nếu các thầy không ra lịnh cho người ta bầu cho tôi, để tôi thất cử, thì tôi sẽ nói huỵch toẹt chuyện tôi với các thầy”. Báo chí Sài Gòn đăng chuyện đó như tin tức bình thường vì họ biết rõ từ lâu.

Giai đoạn tôi làm việc ở Thừa Thiên, các cuộc bầu cử năm 1971 và 1973 diễn ra trong bầu không khí căng thẳng giữa hai thế lực chính trị: Ðảng Dân Chủ thân chính quyền và Phật giáo thân cộng (dưới cái lốt Thành Phần Thứ Ba). Phe Phật giáo cho phật tử đi khắp hang cùng ngỏ hẻm rỉ tai từng người “Chính quyền bảo gì cũng vâng dạ, nhưng vào phòng kín (phòng bầu phiếu) thì bỏ cho ứng cử viên của thầy, không ai biết được”. Trong các cuộc bầu cử, phe Phật giáo chỉ chờ một sơ hở nhỏ của các phòng phiếu là la ó lên rằng “Chính quyền gian lận bầu cử. Ðàn áp Phật giáo” Nếu ứng cử viên Phật giáo thất cử thì họ kích động dân chúng biểu tình, đòi hủy bỏ cuộc bầu cử, tổ chức bầu cử lại. Các chùa chiền (tỉnh hội) ở thành phố hay (khuôn hội) ở thôn quê được Việt Cộng đội lốt nhà sư, xâm nhập, tổ chức, điều hành rất có hệ thống. Trong các cuộc bầu cử, các chùa vận động rất tỉ mỉ, khôn khéo nhờ cán bộ Cộng Sản (nằm trong chùa) chỉ đạo. Ngoài việc vận động cử tri bỏ phiếu cho “người của thầy”, chùa còn cử phật tử (đã được huấn luyện) làm đại diện ứng cử viên Phật giáo đến từng phòng phiếu theo dõi việc bầu cử, hễ có gì bất thường là đòi lập biên bản để sau nầy vu vạ là chính quyền gian lận.

1967_Elections

Ảnh: Wikipedia

Diễn tiến tổ chức một cuộc bầu cử như sau. Trước giờ mở cửa phòng phiếu, các thùng phiếu được mở tung để xác nhận không có gì trong đó. Khi đóng nắp thùng phiếu xong phải dán giấy niêm phong, có chữ ký của đại diện các ứng cử viên rồi khóa lại. Từ giờ phút đó, các đại diện ứng cử viên (Phật giáo) không rời thùng phiếu nửa bước. Họ mang theo thức ăn, nước uống, ngồi nhìn không rời mắt thùng phiếu, cán bộ phòng phiếu đi đâu mặc kệ, họ cứ ngồi nhìn thùng phiếu, chỉ thay nhau đi vệ sinh vài phút rồi quay lại. Ðến giờ qui định, phòng phiếu đóng cửa, lập biên bản, di chuyển thùng phiếu về nơi kiểm phiếu, phật tử (đại diện ứng cử viên) theo sát thùng phiếu. Họ sợ chính quyền tráo thùng phiếu, nhét thêm phiếu của ứng cử viên đảng Dân Chủ (thân chính quyền) vào thùng phiếu. Khi kiểm phiếu, họ săm soi từng lá phiếu rất kỹ để tìm lá phiếu (của đối phương) bất hợp lệ. Nếu có, tức khắc họ đòi lập biên bản. Xem thế đủ biết việc tổ chức bầu cử của chính quyền bao giờ cũng phải đúng luật bầu cử.

Tôi làm phó quận hành chánh tức trưởng ban tổ chức bầu cử quận, chịu trách nhiệm theo dõi, giải quyết các trở ngại. Việc giữ an ninh phòng phiếu đã có chi khu (cơ quan quận sự quận) và cảnh sát lo, đề phòng Việt Cộng phá hoại. Thời tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, có đảng Dân Chủ là đảng thân chính quyền. Dù không có chỉ thị nhưng tôi (đã được chỉ định làm chủ tịch đảng bộ Dân Chủ quận) cũng phải quan tâm theo dõi. Nhân viên, cán bộ xã ấp, nhiều lần tổ chức bầu cử nên rất thông thạo mọi việc. Theo qui định. Mỗi xã có một số phòng phiếu rải rác để tiện cho cử tri khỏi đi xa. Trong phòng phiếu có một phòng kín, có đủ chỗ cho ba cử tri vào đó chọn lựa (lá phiếu) ứng cử viên mà mình muốn bầu, bỏ phiếu bầu đó vào phong bì, đem ra, bỏ phong bì vào thùng phiếu để công khai trước mặt các đại diện ứng cử viên. Vậy là xong nhiệm vụ cử tri. Khi một cử tri bỏ phiếu xong đi ra thì một cử tri khác vào lãnh phiếu bầu và đi vào phòng kín. Cứ lần lượt như thế. Tôi là người ma mãnh. Trước ngày bầu cử, tôi họp cán bộ xã ấp hướng dẫn “Tuyệt đối phải làm đúng luật bầu cử. Không làm điều gì khiến các đại diện ứng cử viên khiếu nại. Bất cứ việc gì xảy ra trong phòng phiếu, dù nhỏ nhặt cũng phải lập biên bản để đề phòng họ làm to chuyện, tố cáo chính quyền gian lận bầu cử. Ðể tránh buổi sáng thì chen nhau đi bỏ phiếu, mất thì giờ người dân chờ đợi, trễ nãi việc đồng áng, đến chiều thì vắng hoe. Xin các xã lên lịch đi bầu từng ấp, gửi lên quận. Cử tri mỗi ấp có khoảng một giờ đến phòng phiếu. Ðến giờ qui định, ông trưởng ấp và phó ấp tập trung cử tri trong ấp mình, hướng dẫn đến phòng phiếu, sau khi bỏ phiếu, đồng bào lần lượt ra về trong trật tự”

Sau buổi họp, tôi dặn các xã, cho từng trưởng ấp lên gặp riêng tôi. Khi gặp riêng, tôi yêu cầu ông ta đi đến nhà đồng bào trong ấp mình giải thích “Nếu không muốn bị đập đầu chôn sống như vụ Mậu Thân lần nữa thì đừng bầu cho các ứng cử viên Phật giáo mà các phật tử đã đưa tên cho đồng bào” Ông trưởng ấp thắc mắc “Mình dặn thì họ vâng dạ, nhưng vô phòng kín, họ bỏ cho “người của thầy” thì làm sao biết được?” Tôi mới nói rằng “Ðó là lý do tôi mời anh lên gặp riêng tôi. Ấp anh có một giờ bầu phiếu theo lịch trình của xã. Anh cũng biết phòng bỏ phiếu kín thường dành cho ba cử tri. Ðến giờ dân ấp của anh lần lượt vào bỏ phiếu anh cũng vào lãnh phiếu bầu, vào phòng kín như những cử tri khác, nhưng anh đứng trong phòng kín đó nửa giờ, nửa giờ sau, ông phó ấp vào thay thế. Luật bầu cử không qui định cử tri vào phòng kín trong bao lâu. Dân ấp anh thấy ông trưởng ấp hoặc ông phó ấp bên cạnh nhìn chừng thì họ bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ cho yên thân. Sau nửa giờ, anh bước ra bỏ phiếu vào thùng thì ông phó trưởng ấp bước vào, làm nhiệm vụ công dân, nhưng cũng đứng trong phòng kín đó cho đến khi dân ấp anh bầu xong. Tuyệt đối không cho ai biết những gì tôi nói với anh. Vì ấp anh có nhiều phật tử đi vận động quá nên anh là trưởng ấp duy nhất trong quận tôi hướng dẫn cách đó”. Kết quả bầu cử năm đó. Cử tri quận Quảng Ðiền bầu cho ứng cử viên đảng Dân Chủ (thân chính quyền) lên đến 89% mà phe Phật giáo  không moi ra được một khiếu nại, vu cáo nào để làm to chuyện. Không ai biết vì sao “phe ta” ở quận Quảng Ðiền thắng cử vẻ vang?

Nghe nói, trung ương (đảng Dân chủ) dự định sẽ đưa tôi về tỉnh nào mà đảng Dân Chủ “yếu thế”, nhưng sau đó thì mất nước.

Phạm Thành Châu

Visits: 425

Posted in van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *