Lê Minh Văn
Gió biển thổi lồng lộng vào gian nhà mở toang cửa. Mặt trời đổ rực rỡ trên ban công, hắt những tia nắng tháng chín còn nồng vào gian phòng ngủ. Ông già «bảy lăm» nằm trên chiếc ghế vải xếp, lặng nhìn ngắm biển trải một màu xanh bất tận.
Phía chân trời một chiếc tàu biển đi ngang qua tầm mắt. Ông nhìn ngắm nó mãi mê, mơ hồ nhớ đến những phương trời lạ đã đi qua. Bây giờ ông đang dừng chân nơi đây, ở góc biển Hòa Dung. Căn gác thượng của ngôi nhà hai tầng trên cồn cát Thuận An này có thể là chốn dung thân vĩnh viển những ngày cuối đời của ông.
Ông mỉm cười nghĩ rằng mọi sự rồi sẽ đến một chung cuộc. Ông đã trải qua nhiều biến cố đầy sóng gió nhưng trọn vẹn hết ý nghĩa sống. Thì giờ đây sắp buông tay, tiếc nuối làm gì những thứ chẳng còn thuộc về mình nữa? Ông nghĩ thế.
Ông mỉm cười chống đôi tay lần dậy. Tinh thần ông còn khá minh mẫn, nên dù khó khăn ông có thể tựa mình trên cây gậy một cách vững vàng, lần mò ra sân thượng.
Một chiếc ghế bành đóng bằng gỗ lim, chắc nịch, chịu nắng mưa vẫn luôn nằm ở vị thế góc trái ban công, nơi đó ông có thể kéo chiếc ô riềm che nắng, hoặc có thể xếp lại khi ông không cần đến nữa. Đó là tất cả mọi tiện nghi mà ông thừa hưởng từ người chủ nhân trước ông đã sống những ngày cuối đời ở đây.
Về ăn uống thì vợ chồng đứa con gái của Thưởng, chủ nhân ngôi nhà hiện tại ngày hai bữa mang cơm nước lên cho ông. Chị Thưởng và hai đứa cháu thay phiên dọn dẹp quét tước trong ngoài, nhân tiện thăm chừng hoặc giúp đỡ những gì ông cần. Thằng cháu rễ đồng thời cũng là cháu nội của người chị gái ông, những ngày nghỉ dạy học, thỉnh thoảng dìu đỡ ông xuống phố cho ông hớt tóc, vào nhà hàng ngồi uống ly cà phê, hoặc cho ông xuống ngâm nước biển cho thân thể và đầu óc thư giản ra. Thỉnh thoảng nó cũng chở ông về Huế thăm nhà, thăm em trai ông và các cháu khác, hoặc đôi khi đi mua sắm chút đỉnh cho ông khuây khỏa. Ngoài tình gia đình, hình như nó có một thông cảm và cảm tình đặc biệt đối với ông.
Thật sự đời sống thường nhật của ông cũng chẳng có nhu cầu gì gọi là quan trọng. Ông chỉ cần những cái tối thiểu, ăn uống, đại tiểu tiện, tự pha lấy cà phê buổi sáng. Đời sống tinh thần thì vào dịp cuối tuần ông có thể gọi điện thoại nói chuyện với con cháu ông ở bên Pháp và có thể đọc tin tức trên internet từ chiếc điện thoại cầm tay. Con trai ông giúp ông ứng một khoản tiền thuê gian gác trên cùng này của Thưởng và thỉnh thoảng tặng vợ chồng hai đứa cháu gọi ông bằng « ông cậu » những khoản tiền rộng rãi bù đắp vào khoản thu nhập hạn chế với đồng lương giáo viên của chúng.
Khi bệnh thấp khớp trở nặng đi đứng khó khăn, theo lời khuyên của bác sĩ điều trị con trai ông đã sắp xếp cho ông về Việt nam tránh những tháng mùa đông khắc nghiệt ở Pháp ; để nếu có thể, làm quen được với cuộc sống ở quê hương bây giờ đã đổi khác, ông có thể lưu lại dài ngày hơn với khí hậu ấm áp thích hợp cho việc điều dưỡng chiếc đầu gối sưng khớp đã hầu như bất trị.
Mọi chuyện hình như đến với ông một cách thuận lợi. Ông về Việt nam tránh mùa lạnh ở Pháp cũng đúng vào thời điểm con gái của Thưởng vận động được đổi về dạy cùng trường Trung học phổ thông cơ sở huyện với chồng nó là cháu nội của người chị ông. Cho nên Thưởng đã khéo léo sắp xếp cho vợ chồng hai đứa cháu về ở ngôi nhà Hòa Dung không xa trường bao nhiêu, nhân tiện chăm sóc cho ông ở gian nhà trên gác hiện bỏ trống.
Trong thâm tâm, con cháu ông vẫn muốn giữ ông lại Pháp cho đến cuối cùng cuộc đời, vì chúng có đủ phương tiện lo cho ông mọi điều chu tất trong viện dưỡng lão. Nhưng ông sợ những ngày cô quạnh trong những căn nhà lạnh lùng cách hẳn với đời sống bên ngoài, quyết định tìm lại những gì đã gắn bó với ông. Vào tuổi này thì chốn quê nhà của ông sẽ không có chủ nghĩa, màu sắc phe phái, cũ mới, nam bắc nữa. Quê hương trong tâm tưởng của ông thấp thoáng dáng hình một khu đất đồi nghĩa trang gia đình rộng khoảng năm bảy chục mét vuông mà em trai ông đã điều đình mua của một lâm trường trên « Khe Đá Mài » sau khi có lệnh chính quyền sở tại giải tỏa khu nghĩa địa mênh mông của hàng trăm ngàn ngôi mộ khỏi núi Ngự Bình. Trong vuông đất ấy có di hài ông bà nội ông, hai thân sinh, chú, em gái và em trai kế của ông. Nếu được thì ông có thể về nằm ở đó, yên nghỉ cùng những người đã thiết thân gắn bó với một phần đời ông. Nếu không thì xác thân ông nên được hỏa thiêu, phần tro cốt gởi ở đâu cũng được. Chuyện hậu sự ấy chẳng có gì quan trọng đối với ông.
*
Ông già bảy mươi lăm đang nằm lơ mơ thì có tiếng gỏ cửa. Thằng cháu khệ nệ bưng lên một mâm cơm. Ông hơi ngạc nhiên vì bữa cơm trưa rất thịnh soạn. Nó giải đáp ngay thắc mắc của ông :
« Dạ thưa Ôn, hôm nay là ngày giỗ kỵ bà nội vợ cháu. Nhà con bận khách nên mời ông dùng tạm bữa. Chiều nay Ba vợ cháu sẽ lên mời Ôn xuống nhà ăn giỗ với gia đình »
Thưởng dìu ông xuống nhà dưới, mời ông ngồi vào xa lông, rót nước trà mời. Xong anh ta xin phép đến bàn thờ cúng tạ, rồi bưng mâm cổ xuống dọn vào bàn ăn.
Ông nhìn lơ đãng lên bàn thờ. Một bức chân dung khá lớn mờ trong hương khói, bên cạnh là một tấm ảnh nhỏ 10×15 cm của một người đàn bà đứng tuổi trong bộ quân phục với quân hàm Trung úy Y sĩ bộ đội.
Ông chau mày nghĩ ngợi. Người đàn bà trông quen lắm, nhưng tuyệt nhiên ông không thể nhớ được là đã gặp hoặc nhìn thấy ở đâu.
Thưởng dọn bàn xong tiến lại chắp tay kính cẩn mời ông vào bàn ăn. Vừa yên vị thì vợ Thưởng, vợ chồng đứa cháu gái cũng vừa ở dưới bếp đi lên. Thưởng xin phép ông cho các cháu vào ngồi chung bàn :
« Thưa bác, hôm nay là ngày giỗ thứ năm của mẹ cháu. Trưa nay cháu đã mời các bạn bè và chức quyền địa phương theo lể nghi bắt buộc. Nghĩ rằng bác sẽ không mấy thoải mái ngồi chung bàn với họ nên chúng cháu bàn nhau sẽ mời bác xuống dùng bữa giỗ trong vòng thân mật gia đình. »
« Thật hân hạnh cho tôi ! Cháu Thưởng nghĩ cũng phải vì sự hiện diện của tôi sẽ lấn cấn cho những người khác, vì nói cho ngay giữa cũ mới vẫn còn khác biệt. Tôi cám ơn cả gia đình đã đối xử rất tử tế với tôi. Sự chân tình của tất cả các cháu làm cho tôi rất cảm động »
Bữa ăn tối của gia đình thật ấm cúng sau một ngày khách khứa bận rộn. Mấy tháng qua liên hệ giữa ông già chế độ cũ và gia đình anh cán bộ xí nghiệp ngày càng cải thiện để đi đến chỗ thân mật và xem nhau như cùng một mái gia đình. Cảm giác đó là niềm an ủi lớn cho ông già mất quê hương gần đất xa trời.
Sau bữa ăn Thưởng mời ông ra ngồi xa lông. Anh ta lục tủ lấy ra một chai rượu ngoại XO Hennessy và hai chiếc ly pha lê, vòng tay lễ phép thưa với ông già :
« Nhân ngày giỗ mẹ, cháu có đôi điều muốn được hầu chuyện với bác. Xin phép cháu được mời bác một ly cổ nhác để tỏ tình con cháu »
Chủ, khách cùng nâng ly uống cạn chén rượu ngoại. Vợ Thưởng và các cháu biết ý đã lui hết vào nhà trong.
Chủ nhà có vẻ đăm chiêu, lựa lời :
« Bác mới biết gia đình cháu không lâu, nhưng riêng phần cháu thì đã từ lâu lắm vẫn xem bác như một người thân thuộc. Giản dị là chú Tiến (em trai ông già) thường nói chuyện về Bác. Cả Mẹ cháu ngày còn sinh tiền, hình như cũng biết bác nữa… »
Ông già hơi ngỡ ngàng. Hình ảnh người đàn bà trên bàn thờ tự nảy giờ vẫn vương vất trong đầu óc ông một hình ảnh thân quen nào đó mà ông không tài nào nhớ nổi. Nay Thưởng lại nói bà ấy biết ông, thì hẳn những tình tiết xem ra vẫn có cái gì khuất lấp.
Câu giải đáp đến không lâu sau chung rượu thứ hai.
Thưởng chậm rãi đến bàn thờ, mở cánh cửa tủ thờ lầy ra một vuôn giấy như lá thư và một chiếc thẻ bài của lính cộng hòa, kính cẩn hai tay đưa ngang mặt ông già :
« Đây là kỷ vật của Mẹ cháu, hình như có liên quan với Bác. Vì chiếc thẻ bài này mang tên bác, để chung với bức thư không địa chỉ »
Ông già run lẩy bẩy khi cầm lại trong tay chiếc thẻ bài ngày xưa đã bị tịch thu khi ông bị thương và rơi vào tay địch cũng trên bải biển này đây một ngày bi thảm cuối tháng ba năm 75. Cả một sư đoàn bộ binh thiện chiến, đã vì lệnh lạc bất nhất của các thượng cấp muốn rút về giữ Đà Nẵng rồi lại đổi ý bắt ở lại tử thủ Huế nên khi bị đánh bại lui quân về đến đây, đã tan tác hoàn toàn dưới hỏa lực khủng khiếp của địch vì các chiến hạm hải quân không thể vào gần bờ bốc họ di tản ra khỏi địa ngục mặt trận Huế.
Ông lật qua lật lại chiếc thẻ bài thân thuộc mang tên ông « Trần Trọng Kiêm » và số quân, nhóm loại máu đục chìm trên mặt kẻm.
Những trang giấy đã bắt đầu ngả màu, tờ đậm tờ lạt chứng tỏ nó đã được viết dần dà, cách đoạn từ lâu. Một lá thư không địa chỉ vì không thể gởi đi bằng những phương tiện bình thường. Nói đúng ra đó là những trang nhật ký rời không ngày tháng hoặc bút ký dàn trải tâm tình để lại cho một người đàn ông mơ hồ là « Anh K. »
Ông già Kiêm cứ ngồi ngây như tượng gỗ, đăm chiêu, nghẹn ngào không biết làm sao mà mở lời.
Một chuổi kỷ niệm buồn hiu hắt bỗng ùn ùn kéo về vây phủ lấy ông.
Cũng chính trên bải biển này đây một ngày cuối tháng ba 75 đời ông đã gãy vụn, tan tành.
Ông cùng đơn vị tháo chạy về vùng biển khi Huế bị tràn ngập dưới cơn lũ đỏ ác liệt của biển người, biển lửa, của đại pháo, tăng T54, T59 của Việt cộng từ miền Bắc tràn vào tấn công cố đô.
Vượt cồn cát Thuận An là đường cùn. Pháo địch dập như mưa bấc. Những hạm tàu HQ phải dạt ra xa bờ tránh đạn. Một số tàn binh liều mình bơi theo. Đa số chới với chết chìm trên vùng biển dậy sóng trong cuồng phong bão lửa.
Ông bị thương nằm lại trên cồn cát. Một mảnh đạn dập nát ống chân cẳng trái. Đồng đội và thuộc cấp muốn cõng ông theo ra biển. Ông thét họ bỏ ông lại tìm đường thoát thân. Tình thế bất khả kháng không cho phép ông làm vướng chân những người đã cùng vào sinh ra tử với mình. Cuối cùng ông bị địch bắt làm tù binh và được cứu sống…
Thưởng biết ý, tinh tế xin cáo từ một lúc vì có công việc cần sắp xếp cho ngày mai. Ông Kiêm tỉnh cơn mê muội trở về hiện tại, thầm nghĩ :
« Lá thư không địa chỉ để chung với chiếc thẻ bài thì chắc chắn để lại cho mình chứ đâu phải ai khác nữa ! »
Ông cẩn trọng rút xấp giấy bên trong ra, nghiêng đầu đọc.
Anh K.
Không hiểu tại sao tôi lại có cái ý nghĩ muốn ghi lại đây chuyện cũ ? Những ngày êm đềm của ngày xưa đã quá xa xôi với hiện tại không mấy vui, đã nhạt nhòa theo những đổi thay của cuộc sống. Nhưng những kỷ niệm và âm vang ấy không bao giờ phai nhạt, hoặc lụi tàn trong quên lãng. Dĩ nhiên chúng có những lý cớ vững chắc để tồn tại.
Mỗi khi cầm bút, cắn môi suy nghĩ về những điều muốn ghi lại trên mặt giấy, một dấu hỏi mơ hồ cứ thắc mắc tại sao phải nói ra những điều không nên nói ? Tại sao phải sống lại những kỷ niệm thời bé dại và những tình cảm bồng bột tuổi mới lớn đã chôn sâu, đã lùi xa gần cả sáu mươi năm trời ? Cứ tại sao rồi tại sao, nhưng những giòng suy nghĩ còn tươi mùi nhựa non cứ rủ nhau quay trở về như muốn làm trẻ lại trong vô vọng một thân thể lạnh giá, xơ cứng vì bệnh tật. Dẫu sao chúng cũng còn để lại một chút màu xanh ước vọng le lói nơi tận cùng tâm khảm, giữa những đớn đau, dằn nén, chia lìa và những nghịch lý ở nơi kết cuộc của bất kỳ một cuộc nội chiến nào.
Tất cả đã sống dậy mãnh liệt một ngày cuối cùng của tháng ba năm bảy mươi lăm, ở một trạm xá tiền phương vùng Phú Thứ.
Đã có hai cuộc đời chia xa bỗng gặp lại trong một bối cảnh nghiệt ngã của chiến tranh. Giữa một nữ y sĩ của quân giải phóng và một sĩ quan chỉ huy bị thương của quân đội miền Nam bỏ lại chiến trường trong cuộc tháo chạy tuyệt vọng của đạo quân trấn thủ trước giờ lâm tử của nó. Sắt thép của bão lửa và sóng dập của biển cả đã nhuộm đỏ một bãi biển an lành có cái tên gọi êm đềm Thuận An.
Người ấy bị trọng thương với một chiếc chân gảy vì mảnh đạn pháo. Anh đã thu hết sức lực bò lết vào được một căn chòi ngư phủ bỏ ngỏ, xé được chiếc màn buộc chặt lại vết thương trước khi ngất lịm đi bên chiếc bếp còn ấm tro trấu. Anh đã bất tỉnh trọn một ngày trước khi bộ đội chiếm đóng phát hiện ra anh, chuyển về tiền trạm.
Tôi đã được lệnh trên ở lại cứu cấp cho thương binh trước khi theo đơn vị hành quân về mặt trận phía nam Huế. Tôi đã lợi dụng những ngày ngắn ngủi ấy để cứu anh.
Định mệnh là một chiếc thẻ bài giật ra từ cần cổ một thiếu tá « ngụy ». Tôi viết từ này trong ngoặc kép, vì với tôi cho đến bây giờ, lịch sử vẫn chưa đủ phân minh để phán xét được hết một tổng thể những gì thuộc về chính và ngụy. Lịch sử cần thời gian và hiện thời tôi chẳng có lý do gì để nôn nóng tìm ra một kết luận. Những con người trong cuộc như tôi và anh đang bị lịch sử ấy chi phối nặng nề. Họ có được đãi ngộ thích đáng, công minh như trường hợp của tôi ? Họặc có được phán xét nhẹ nhàng hơn trong tinh thần hòa giải một dân tộc đã lầm lạc giết hại nhau trong ba mươi năm trời và bây giờ lưu vong biệt xứ như anh và đồng đội của anh?
Mục đích của những giòng chữ này không phải để mổ xẻ tính chính thống của một lý tưởng hay cứu cánh của một cuộc chiến tranh. Cũng không phải để phán xét những thành tựu hay thất bại của một cuộc đổi ngôi, một kế sách chính trị, kinh tế được xưng tụng là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Mà để nói về những thân phận con người lao đao trong những hoàn cảnh mập mờ dai dẳng những hận thù từ những đối nghịch giả tạo ý thức hệ đã ngăn chia tình cảm Nam Bắc. Những đứa con đã sinh ra và lớn lên trong hai phạm trù đó bắt buộc phải lao vào cuộc nội chiến để thiêu đốt chính cuộc đời mình. Và khi hòa bình tái lập thì hởi ôi họ trở thành những nạn nhân đầu tiên !
Chiếc thẻ bài mang một cái tên không bao giờ phôi pha theo thời gian. Một vết sẹo dài trên cần cổ trái xác nhận một tai nạn đáng ghi nhớ của tuổi thơ. Anh đấy chứ ai khác nữa ! Ký ức còn tươi và rõ nét vì giản dị là chính tay tôi đã xé một manh áo cũ để băng bó nó nơi vườn sau nhà tôi năm mươi tám năm về trước. Anh K, anh còn nhớ ?
Đêm trăng ấy có thể là lần cuối cùng chúng mình còn chơi đùa với nhau, còn chia xẻ, chăm sóc cho nhau sau tai nạn mà lổi chính có thể là về phần tôi đã trốn kỹ vào một góc hẽm mà không để ý đến cột sắt chống đỡ hàng chè tàu. Lần theo tiếng cười của tôi, anh đã vấp té trong trò « tròng gióng bịt mắt bắt dê »
Không lâu sau đó là định mệnh của lịch sử và chia lìa. Tôi đã âm thầm ra đi mang theo hình ảnh vết sẹo trên cần cổ anh. Tôi đã cầm nước mắt mà nói dối anh trong đêm giả từ là theo mẹ lên làm ăn ở cao nguyên. Thật sự cha tôi là một sĩ quan bộ đội phòng không, đã nhắn mẹ con tôi tập kết ra Nghệ An.
Điều thất vọng to lớn nhất của tôi không phải là một gia đình tái hợp trong bối cảnh hòa bình tạm vãn hồi. Vì cha tôi đã có một mái gia đình khác. Một vợ người địa phương và hai đứa em khác mẹ còn nhỏ.
Tôi đã hằn học tra hỏi cha tôi vì lý do gì ông phải triệu gọi mẹ con tôi, buộc chúng tôi phải từ bỏ cuộc sống êm ấm nơi mái nhà yêu thương nơi đại gia đình ngoại tôi để tập kết ra miền đất khó nghèo, trong hoàn cảnh éo le này?
Câu trả lời lạnh lùng của ông đã làm cho tôi kinh hãi. Nó sặc sụa một luận cứ tuyên truyền « Để cho con có cơ hội giác ngộ mà học tập theo gương bác và đảng. Cha không bao giờ muốn con lớn lên trong tư tưởng cực kỳ phản động của cậu Thân (em trai út của mẹ tôi đang giữ một chức trưởng phòng hành chánh quản trị ở Ty cảnh sát Thừa Thiên – Huế)
Anh nghe rõ chưa ? Cái mù quáng tai hại ấy của một người cha đảng viên quá khích, bao năm trời chờ đợi, đã xé nát những tâm tình yêu thương non trẻ của đứa con gái bỏ lại đất cố đô, đã chuyển hướng một trăm tám mươi độ cuộc đời nó với tương lai đang nẩy mầm nơi miền đất ấm đó. Tôi không thể khẳng định được là tương lai ấy sẽ ra sao, nhưng tâm linh tôi luôn bảo rằng miền đất lành ấy sẽ cho tôi một tương lai tốt đẹp hơn đây.
Không. Không bao giờ trong đầu óc thơ trẻ của tôi, cậu Thân là một con người tệ hại. Tôi không kềm được cơn giận dữ khi người cậu thân thiết, hiền lành đã hết lòng bảo bọc cho đứa cháu gái không có cha là tôi, những gì cần thiết nhất trong cuộc sống, bỗng nhiên bị xúc phạm một cách vô cớ bởi người anh rể thiếu trách nhiệm đã bỏ vợ con ra đi biền biệt :
« Ba phải lựa lời mà nói. Cậu Thân là một người đàn ông đáng kính về mọi mặt. Không có cậu ấy thì chắc gì mẹ và con có thể vượt được những khó khăn chồng chất trong cuộc sống đơn côi. Cậu đã thương con như chính con gái mình; vì cậu vẫn xót xa nghĩ rằng con có cha cũng như không. Phủ nhận một con người hiểu biết và nhân ái như vậy cũng đồng nghĩa với sự vong ơn. »
Một cái tát tai nảy lửa tôi phải nhớ đến suốt đời. Mẹ tôi cúi đầu không dám nói một tiếng nào. Hai hàng nước mắt chảy xuống, cay chua như phải nuốt lấy những giọt đắng. Tôi nhìn mẹ xót xa quên cơn đau đến tận cùng tâm khảm của chính mình.
Mẹ tôi đã phải nhận làm tất cả mọi công việc nặng nhọc của hợp tác xã nông nghiệp kiếm từng hạt cơm nuôi tôi ăn học. Phần tôi phải vất vã thích nghi dần vào những suy nghĩ và ngôn từ mới, lạ hoắc. Phải tự tôi nhồi nhét vào đầu những bài học chính trị vỡ lòng cộng sản, phải phấn đấu cật lực suy nghĩ cho đúng đường lối, chính sách…
Tôi đã trải qua tuổi dậy thì của mình không phải với hoa bướm, chim chóc như những lần săn bắt với anh nơi con hẻm ken hai hàng tre đầy những ổ chim rồn rột, nơi cây cừa đình làng với những ổ sáo, ổ cưởng, nơi những chẹn lúa đang trổ đòng đòng dấu dưới thân lá của chúng những ổ chiền chiện.
Ở đây không có những đêm trăng hòa bình như chúng mình đã trải qua với băng các chị Lý, Lài, con Lan, con Phụng và các bạn trai của anh, băng thằng Lư, chú cháu nhà thằng Hải…không hẹn mà cứ mỗi tuần trăng tụ tập hết ra đường chơi ù mọi, kéo dây, nhảy quan tiền, bịt mắt tròng gióng…
Tôi lớn dần trong vùng đất khó ấy, bắt đầu trổ mã.
Cha tôi hình như đã có chủ định, mỗi khi ghé nhà thường dẫn theo một sĩ quan trung niên, phụ tá chính trị viên tiểu đoàn của cha tôi.
Đó là một người đàn ông khô khan, ít nói. Khuôn mặt có góc cạnh không đến nổi xấu nhưng những nét thô vụng không dấu được. Đó là con trai một bí thư xã ủy đã bị xử tử những ngày đầu kháng chiến mà cha tôi quen biết trong vùng đóng quân của ông. Có lẽ từ gốc gác xuất thân ấy mà nét thù hận vẫn hằn trong đôi mắt nhìn như đổ lửa của người đàn ông ít lâu sau đã trở thành chồng tôi. Cha tôi không dấu thâm ý của ông mượn bàn tay của người con rễ chính trị viên già dặn tuổi đảng ấy để uốn nắn tôi vào khuôn phép kỷ cương của đảng.
Cuộc sống vợ chồng tôi không hạnh phúc bao nhiêu. Qua cái nhìn không mấy tốt đẹp về con người đảng viên lạnh lùng của cha tôi, chồng tôi dù những cố gắng thương yêu dành cho vợ vẫn không thể nào khuất phục được tình cảm của một đứa con gái đã sinh ra và lớn lên ở miền Nam, còn giữ trọn trong tim kỷ niệm những ngày êm ấm tình gia đình, hàng xóm, bạn bè. Cho nên dẫu những cố gắng để hòa vào dòng sống của xã hội miền Bắc, đứa con gái bất hạnh là tôi vẫn chôn dấu trong ký ức mình những gì thân ái rất riêng tư về tuổi hoa niên, vẫn ước mơ thầm lặng về hạnh phúc và cuộc sống êm đềm đôi lứa. Đứa con gái ấy có bao giờ quan tâm về chủ nghĩa, ý hệ chính trị mà chồng tôi đã phụng sự với hết cả thân xác lẩn tâm hồn…
Từ khi tôi học xong khóa y tá và tìm được một chỗ làm nơi bệnh viện huyện, thì công việc và những di chuyển công tác thường xuyên cũng làm cho cuộc sống chung bất đắc dĩ bớt ngột ngạt. Rồi tôi sinh thằng cháu Thưởng và hai năm sau sinh thêm đứa cháu gái. Bổn phận và tình thương một người mẹ dành hết cho con làm cho tôi khuây khỏa phần nào.
Chồng tôi xuất thân vô sản chuyên chính nên đã có một « tiền đồ » tốt đẹp đúng tiêu chuẩn. Theo cuộc chiến tranh dần đổi chiều với sự tham chiến của quân đội Mỹ ở miền Nam, anh ấy được gởi đi Liên Sô học điều khiển tên lửa phòng không. Về nước anh được đề bạt thủ trưởng đoàn tên lửa Sam bảo vệ cầu Hàm Rồng. Và trong một cuộc không tập ác liệt của những « Thần Sấm », « Con Ma » Mỹ đánh cây cầu chiến lược này, chồng tôi hy sinh.
Cuộc sống của tôi cũng không còn được yên lành nơi hậu phương nữa. Tôi được đơn vị cho đi học khóa y sĩ điều dưỡng để bổ sung cho chiến trường ngày càng trở nên ác liệt ở miền Nam. Tôi gởi thằng cháu Thưởng cho mẹ tôi và em gái nó cho bà nội, theo đoàn quân xâm nhập vào chiến trường Trị Thiên.
Dù gian khổ, lòng tôi mở hội. Từng mảnh quê hương trong trí nhớ mở lại trên những con đường tôi đi qua. Và những đêm thao thức trong láng trại, tôi mơ lại những đêm trăng thời thơ ấu có anh…
***
Rồi cuộc chiến cũng qua đi. Hòa bình vãn hồi sau những tang thương. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy lại quê nhà, nơi tôi đã trải qua tuổi thơ êm ấm bên bà ngoại và cậu Thân. Quê nhà ấy cũng in đậm hình ảnh của anh những đêm trăng…
Tôi hầu như đã mất hết những người thân.
Trước hết là chồng tôi. Tôi không có nhiều kỷ niệm và yêu thương với anh ấy. Vì lý tưởng và chủ nghĩa hầu như đã chiếm hết trái tim của người đàn ông gọi là chồng tôi. Cho nên khi được tin anh ấy mất, lòng tôi quặn thắt, nhưng những giòng nước mắt hầu như đã cạn khô từ lâu lắm.
Mấy năm sau đến phiên cha tôi hy sinh ở chiến trường Tam biên trong cuộc tổng phản công mùa hè 72. Mắt tôi cũng ráo hoảnh vì xác thân ông bị vùi lấp đâu đó trên rừng núi thâm u Tây nguyên mà mãi lâu sau chiến tranh mới được gom về nghĩa trang tử sĩ của tỉnh. Mẹ tôi cũng gắng gượng nhỏ vài giọt nước mắt khóc chồng cho phải đạo. Tôi buồn nhưng không hề khóc vì hình ảnh người cha ra đi vì nước đã đành đoạn hy sinh tình nhà, đã đổi thay với thời gian chia cách. Chắc chắn hình ảnh mẹ con tôi không có một chỗ đứng trang trọng trong thâm sâu tấm lòng của người đàn ông ấy là cha tôi; vì ông ta là một đảng viên trung kiên. Tình cảm gia đình được gọi là ủy mị đã cố giấu kỷ xuống tận đáy lòng, sau đó nhờ bàn tay thời gian xóa nhòa hẳn đi. Mục đích cao nhất của ông là phấn đấu làm đảng viên cốt cán của giai cấp.
Ngược lại tôi đã khóc ngất ngày được tin mẹ tôi qua đời trong cô quạnh ở Nghệ An, lúc tôi đang lao đao phấn đấu để sống còn trong những trận đánh tàn bạo và khủng khiếp ở chiến trường Trị Thiên. Tôi biết suốt một cuộc đời mẹ tôi chỉ mơ thấy lại được quê nhà, nhưng ngày giải phóng miền Nam đã đến quá trể, bà không đủ sức để chờ đợi được nữa.
Chờ đến ba năm, tôi gom góp tất cả của cải có được, cải táng hài cốt mẹ tôi đem về Huế táng bên mộ bà ngoại và cậu Thân. Tôi hài lòng đã thực hiện được ước vọng thầm kín của người mẹ thân yêu nhất đời, và nhờ thế tôi đã có dịp trở lại nhiều lần khu nghĩa địa thăm bà ngoại, mẹ tôi và cậu Thân, những người tôi thương và cũng thương yêu tôi nhất trên cỏi đời. Bà ngoại vẫn chăm chút con gái là mẹ tôi coi như góa bụa và đứa cháu ngoại ngoan hiền là tôi phải côi cút. Còn cậu Thân, người cậu nhân ái ấy đã thương yêu chiều chuộng cháu Phi Điểu là tôi còn hơn con Thùy là con gái đẻ của cậu ấy nữa.
Làm sao tôi quên được tình thương vô bờ cậu đã dành cho tôi. Một đêm nọ tôi sốt lên cao làm kinh phong. Người tôi rúm lại co giật. Mẹ tôi rú lên tưởng chừng như đã mất tôi. Cậu ấy đang ngủ nghe thấy tiếng khóc của mẹ tôi, choàng dậy chạy xuống nhà dưới. Không kịp thay đồ ngủ, cậu bồng xốc tôi chạy bay vào xóm tìm ông thầy Khoa chích lể nổi tiếng trong vùng.
Con hẻm xóm ấy anh còn nhớ. Nơi có con đường đất gập ghềnh rộng hơn mét phủ bóng mát của hai hàng tre ken dày. Nơi hàng ngày chúng mình vẫn thường săn bắt những chú rồn rột con trong những chiếc ổ rơm đan hình chiếc giày ống chúc ngược. Ban ngày con hẻm hiền hòa trử tình chừng nào, thì trong bóng đêm chùng phủ, nó ghê rợn kinh khiếp chừng ấy. Cậu Thân ôm xốc tôi mò mẫm từng bước chân trong bóng tối dày đặc nỉ non tiếng côn trùng và cóc nhái rên rỉ. Tóc tôi dựng đứng trong tiếng kẻo cọt của những thân tre nghiến vào nhau. Và dù là đàn ông, hình như cậu Thân cũng sợ. Tôi nghe đôi bàn tay cậu run rẩy. Nhưng cậu nghiến răng tập trung đôi mắt xoi bóng tối cố chạy nhanh hơn vì sự an nguy của tôi.
Cho nên khoảng gần một năm sau Tổng công kích Tết Mậu thân, trong một bức thư từ miền Nam gởi ra, cha tôi vắn tắt báo cho mẹ tôi biết tin cậu Thân đã « đền tội với cách mạng »
Tôi vừa đau vừa giận. Đau đớn vì mất một người thân đã bị giết oan khúc vì bị qui tội phản động với nhân dân và cách mạng trong một thứ ngôn ngữ hàm hồ của loài chồn cáo. Giận vì cách thông tin của cha tôi có một cái gì vừa hèn vừa xuẩn động.
Có cái gì đúng tuyệt đối trong khung cảnh một cuộc nội chiến đầy tranh tối tranh sáng? Khẳng định một phán xét về công tội như cha tôi đối với cậu Thân dù một ẩn ý « lưỡi gỗ » để tránh phiền muộn bị qui chụp, vẫn gây cho tôi một niềm phẩn nộ về sự đồng lỏa với tội ác và sự hạ giá một nhân phẩm về tình người với nhau, về một trình tự gia đình phải bảo trọng dù bất kỳ tình huống nào.
Xác thân cậu đã bị vùi nông bên bờ ruộng phía sau nhà. Cậu đã bị xử tử bởi những người cầm súng nhân danh công lý của người vô sản, không cần một bản án, không cần những lời biện minh hoặc lời khẩn cầu ân huệ. Chiếc đầu lâu nát vết đạn, theo lời con Thùy kể lại, vẫn u uất trong tôi những hận thù vô lý của một tên chính trị viên cuồng tín nhưng cũng có thể từ bàn tay một bộ đội thư sinh non choẹt nào đó xâm nhập từ miền Bắc, chưa hề biết chế độ và xã hội miền Nam hình thành và vận hành ra sao sau Hiệp Định Genève năm 1954. Nhưng dù kẻ sát nhân là ai đi nữa thì điều tệ hại nhất đã xẩy ra. Nó đã nhẫn tâm trút cả một tràng AK vào đầu một nạn nhân đang quì gối run rẩy, không hề run tay, không hề ân hận. Tại sao cuộc chiến nhân danh công lý và hạnh phúc cho con người lại có thể đẩy bạo lực điên cuồng đến điểm cùng tận của lương tri như vậy ?
Ấy, sự tàn bạo của chiến tranh, chủ nghĩa và tình yêu thương giữa những con người và tình máu mủ đã chia tay rành rọt như vậy. Theo anh tình yêu nào đáng trân trọng hơn ? Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Anh biết rõ câu trả lời trong thâm sâu của lòng tôi. Cho nên tôi bị đảng và cấp trên nghi ngờ, không mấy tín nhiệm. Cả cha tôi và chồng tôi cũng không mấy hài lòng vì những tư tưởng và ý nghĩ ít « chính thống trung kiên » của tôi.
Nhưng điều quan trọng nhất là cuối cùng tôi đã tìm thấy lại quê nhà. Muộn còn hơn không. Con chim già trước khi chết còn lết đôi cánh mỏi mà bay trở về nguồn cội. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu được nguyên do nào cha tôi đã đặt cho tôi cái tên Phi Điểu. Có thể đó là cả một ước vọng yêu thương của ông thời trai trẻ với mộng ước bay cao trong độc lập tự do. Nhưng buồn thay thời thế đã đẩy ông rơi xuống chiếc bẩy cộng sản nhân danh tự do cho con người và độc lập cho xứ sở. Theo tôi đó là vụ án lương tâm của lịch sử Việt nam cận đại đối với thế hệ cha tôi.
Và tôi, con chim bé nhỏ, đáng lẽ sẽ vô tư bay trong bầu trời trong xanh mùa xuân của quê hương và thảnh thơi hót trên những nhánh cau vừa trổ nụ trong những ngôi vườn êm đềm quê nhà, hoặc sải cánh sà trên những đồng lúa chín vàng thơm ngát giữa gió đồng nội thơm mùi muối thổi vào từ biển Thuận An. Thì hởi ơi Phi Điểu khốn khổ đã phải trôi giạt vào vùng trời giông bảo của vùng đất Nghệ An vốn là chiếc nôi an toàn của Đảng. Tôi không hiểu được những gì người ta nhân danh, người ta khích động và người ta phấn đấu để thể hiện chúng thành sự thật. Phải chăng đó chỉ là một thứ ảo tưởng mê sảng, hay giản dị như một kỷ thuật dối gạt tuyệt diệu, nhân danh chủ nghĩa để mà mắt những con người khốn khổ ? Màn kịch ấy vượt quá xa tâm hồn ngay thật của tôi. Mừng thay là tôi vẫn còn đủ sáng suốt để cảnh giác những mê muội vẫn cứ rình rập chụp phủ lấy hồn tôi. Tôi vẫn tỉnh táo phân biệt được một màn kịch và sự thật đang diễn ra quanh tôi.
Cuối cùng thì Phi Điểu cũng tìm thấy lại không gian yêu thương của nó. Con chim lạc loài là tôi đã có thể xếp lại đôi cánh oan khiên mà dưỡng thương và tìm lại những kỷ niệm thanh xuân.
Cho nên sau 75, khi cả nước trở thành tổ quốc xã hội chủ nghĩa, tôi kể như thuộc vào chế độ lưu dụng. Bởi những lời lẽ nhiều khi không giữ kẻ. Bởi việc đã dám chăm sóc anh với một chế độ ưu đãi không bình thường cho một tù binh ngụy, bởi chiếc thẻ bài lính VNCH được báo cáo đánh mất trên đường hành quân…Những nghi vấn ấy không qua được mắt tên chính ủy đoàn quân y. Trong ánh mắt thù ghét thường đảo rất nhanh, tôi biết vô hình chung hắn đã phê cho tôi một lý lịch không mấy trong sáng theo quan điểm đảng. Bổn phận của tôi đối với thương bệnh binh đã bị nghi kỵ. Lương tâm nghề nghiệp của tôi đã bị khước từ. Liên hệ giũa hắn và tôi thật không mấy dể chịu nơi quân y viện cho đến chung cuộc, ngày tôi được cho phục viên sớm hơn dự liệu vì chứng bệnh viêm màng phổi bất trị.
Nhưng kể từ ngày đó tôi thật sự được « giải phóng ». Để sống tự do hơn trong tưởng nhớ trọn vẹn về mẹ tôi, bà ngoại, cậu Thân và chiếc thẻ bài anh để lại. Tôi biết anh còn sống ở một nơi nào đó bên trời Tây, với một gia đình êm ấm tìm thấy lại sau những ngày chia lìa, điêu linh.
Tôi vui sướng chia xẻ cái hạnh phúc sau cùng đó của anh.
Phần tôi gượng vui trong quê hương tìm lại, với những bà con xóm giềng thân thuộc. Dù mang một chứng bệnh bất trị phổi viêm nước do những ngày chiến đấu lặn lội gian khổ trong rừng sâu nước độc, tôi đã cố gắng giúp đỡ họ chút thuốc men, chăm sóc họ những lúc trái gió trở trời. Tôi lấy tình thương và sự tương trợ làm lẽ sống cho đến khi phải buông bỏ tất cả để về đây dàn trải những ngày cuối đời ở góc biển Hòa Dung. Nơi chốn không quên, của kỷ niệm, của ân huệ từ trời cao đã run rủi cho tôi được gặp lại anh một ngày cuối tháng ba bảy mươi lăm trước khi chiến tranh chấm dứt. Anh tha lỗi cho tôi đã giữ riêng cho mình những bí mật về liên hệ giữa hai đứa đã gặp lại nhau tình cờ và oan nghiệt trong chiến tranh. Những ngày ngắn ngủi ấy bên anh cũng đủ làm cho tôi thỏa nguyện trong những ngày cuối đời và tôi sẽ vô cùng sung sướng mang chúng theo về thế giới yên bình bên kia. Tôi còn mong ước gì hơn?
Cũng như anh, tôi đã mất hết. Có ai được gì sau một cuộc chiến tranh tương tàn? Trừ những kẻ đầu tư nó nhân danh một chủ nghĩa.
Những tàn phá của cuộc nội chiến ghê gớm quá. Dù nhân danh một lý tưởng hoặc chủ nghĩa thần thánh nào chăng nữa thì những tự vựng ấy cũng quá thô thiển. Chúng nào có nghĩa gì và có đáng gì so với máu của một dân tộc đã lênh láng đổ ra và nước mắt của vô vàn những cuộc đời đã đầm đìa tuông đổ xuống những mảnh đất bị tàn phá.
Hòa bình vãn hồi trên đất nước quá đau thương này cũng hệt như tấm màn buông xuống trên một sân khấu kệch cởm. Sự thật và những khuôn mặt trơ tráo cuối cùng đã hiện rõ ra, nham nhở thảm hại.
Sau chiến tranh đời sống của người dân nào có được cải thiện? Cuộc sống của họ nào có gì đáng vui và có gì hứa hẹn?
Giữa cuộc sống buồn bã và lặng lẽ nơi quê nhà tôi vẫn hài lòng cho đến những giây phút cuối đời này còn được thảnh thơi nghĩ về anh. Với những gì mình đã vô tư sống với tuổi thơ. Mình đã sống ngay thật trong những ngày đau thương nhất của đất nước và sau trận chiến cuối cùng dữ dội ở vùng biển này, mình đã đối xử với nhau xứng đáng, từ hai trận tuyến đối nghịch, như những con người có đầy đủ nhân phẩm và lòng nhân…
Ông già bảy mươi lăm bồi hồi xếp những mảnh giấy rời lại.
Những giọt nước mắt theo dòng chảy xuống đầm đìa trên má. Ông ngồi lặng lẽ mặc cho những cảm xúc trào dâng. Thân thể ông run rẩy từng hồi.
Cuộc chiến tranh nào chẳng tàn bạo ? Nhưng những trang thư này đã hé lộ những những ngang trái đến đau thắt cả ruột gan.
Tội nghiệp cho Phi Điểu, con chim bé nhỏ một thời thơ dại của ông Kiêm.
Ông hẳn biết người đàn bà nhạy cảm, rộng lượng và can đảm ấy không bao giờ cần đến nơi ông một lòng thương hại. Nhưng tất cả những tình cảm còn lại nơi ông dành cho người bạn gái năm xưa bây giờ chỉ thể hiện thô thiển như là một thứ tình tự nhiên, giữa người và người. Nhân thêm một thứ tình bằng hữu, chơn chất trong trắng còn sót lại trong cỏi lòng rách bươm của ông già bảy lăm.
Ông cúi đầu suy nghĩ. Ông thấy rõ rằng những đổ vỡ của cuộc đời ông chẳng thấm vào đâu so với những vết thương đau thầm lặng nơi thâm kín nhất của cõi lòng người bạn gái nhỏ bây giờ đã quá cố của ông.
Giản dị là ông chỉ chịu đau một phần và một phía. Phía người thua cuộc.
Còn Phi Điểu đã phải sống trong nghịch lý ở cả hai mặt trận, hai không gian. Đã phải ray rứt ở cả hai góc cạnh của tâm hồn mình.
***
Ít lâu sau khi lặng lẽ chia tay với thương binh tù nhân Trần Trọng Kiêm nơi tiền trạm Phú Thứ, đoàn quân giải phóng của Trung úy nữ y sĩ Phi Điểu đã đè bẹp những ổ kháng cự cuối cùng của VNCH ở phía nam Huế.
Cố đô đã sạch bóng quân thù trong niềm vui cả nước được giải phóng.
Phi Điểu dĩ nhiên đã phải hòa vào dòng người vỗ tay reo hò chiến thắng, nhưng trong thâm sâu của cõi lòng, nàng đã âm thầm khóc cho thân phận nạn nhân của chính mình.
Có đau khổ nào bằng một người đàn bà yếu đuối đã phải lẻ loi tranh đấu cật lực để gìn giữ lấy cho mình chút trách nhiệm lương tâm trong một cuộc nội chiến tàn bạo?
Nàng đã phải phân thân đau đớn khi cố bảo vệ chút lương tri le lói chỉ chợt tắt trước bạo lực vây quanh?
Lê Minh Văn
Views: 1540