Lạm Bàn Về Đúng – Sai Trong Mấy Thói Quen và Suy Nghĩ

Lê Văn Bỉnh

Mấy ngày sau khi phim bắt đầu chiếu, một người bạn già từ Texas gọi điện thoại hỏi tôi đã xem phim The Vietnam War chưa.  Ông bạn biết tôi vốn là một người hay tò mò tìm hiểu đủ thứ trên đời, thì chắc là đã không thể bỏ qua một cơ hội hiếm có này, cho nên hỏi để bàn cho đỡ buồn miệng.

 Thú thật, hai năm nay sau khi về hưu, tôi chẳng làm được chuyện gì cho đàng hoàng nghiêm túc.  Hăm hở về hưu nghĩ rằng sẽ có thì giờ rảnh rổi đi du lịch và viết lách. Về du lịch, thì nhiều năm nay tôi chưa ra khỏi cái quận Fairfax này, không biết vì sao. Ai hỏi, tôi đổ lỗi là vì bà xã không muốn đi, thì tôi cũng không vui mà đi một mình để tỏ ra mình là một người chồng già luôn nghĩ đến bà vợ … cũng không còn trẻ. Bà ấy lấy lý do là ngồi trên phi cơ hay xe hơi, xe buýt thì đau lưng, đau chân, mặc dầu bà ấy vẫn tiếp tục đi làm mỗi tuần năm ngày để có quyền độc lập tài chánh, và mạnh miệng nói rằng “Tôi làm việc nuôi cả gia đình!”  Còn tôi, sau khi “nghiên cứu về hạnh phúc” dưới con mắt của người học kinh tế, được biết là cái vui của một chuyến du lịch chỉ để lại trong đầu những hình ảnh đẹp 15 ngày mà thôi; đó là chưa kể đến nhiều lúc mình già cả lỡ lời với bạn hữu, thì … tới chết mình và họ cũng không quên nỗi, cho nên hoan hỉ ngồi yên nhìn mấy cái va ly nặng trỉu đầy bụi bặm sắm từ thiên niên kỷ trước.  Tôi còn tự nhủ làm chủ bút không đăng bài, hay chỉ sửa bài cũng làm mất bạn bè nhiều rồi; không nên mất thêm nữa.   Ngoài ra tôi cũng ngại không biết vào phi trường thì làm sao in ra được cái boarding pass.  Lần cuối tôi đi máy bay là 10 năm trước.  Dĩ nhiên, không biết thì hỏi và một khi mình đã hỏi, thì chắc chắn sẽ được chỉ dẫn hoặc người ta làm dùm cho, nhưng vẫn ngại, cái ngại của … Tư Ếch đi Saigon.

 Về viết lách, thì vì Hội Cựu SVQGHC Miền Đông đã giao hẹn cho mỗi năm phải ra mắt đặc san “Hành Chánh Miền Đông” cho kịp ngày họp đầu năm dương lịch, cho nên đành phải chạy lên chạy xuống basement lục lọi tài liệu cố gắng viết cho được một bài, hay lật mấy cuốn tự điển để sửa chính tả cho độc giả bớt (bớt không có nghĩa là ) ngứa mắt. Vì vậy bạn bè còn thấy tên tôi thỉnh thoảng xuất hiện!

Để trả lời ông bạn trên, tôi thú thật trong mấy ngày trước đó, thỉnh thoảng tôi mới mở TV hay computer một lần, viện lý do chẳng hy vọng gì thấy truyền thông Mỹ tìm ra hay trình bày được “sự thật”, cho nên không muốn mất thêm thì giờ . Tuy nhiên tôi vẫn nói với ông bạn già một câu đại ý là người Mỹ lúc đầu đúng về chiến tranh ở Việt Nam, nhưng sau đó là sai, và sai mãi cho tới ngày nay! Và làm cho thế giới cũng … sai theo.  Anh bạn già chờ đợi tôi nói thêm chi tiết, nghĩ rằng tôi sẽ nói dong dài về chính trị.  Tôi chỉ cười, và hứa với anh là sẽ … bàn về văn phạm tiếng Anh (English grammar) đối với  việc này. Vì phân tích chính trị, chiến luợc chiến thuật, quản lý bộ máy chiến tranh, thì đã có vô số sách báo viết rồi, trong đó có ông bạn này của tôi.

Và hôm nay, tôi giữ lời hứa với ông bạn ấỵ.  Và cũng muốn chia xẻ với quý độc giả cũng như thỉnh ý quý vị về mấy chuyện phiếm này. Nhưng trước khi bàn về chuyện phiếm … lớn này, tôi xin mạn phép lạm bàn vài chuyện phiếm bé tí, vì chuyện phiếm bé tí thì dễ … nhận ra và có thể tự động điều chỉnh cho đúng.

Vốn là một sinh viên kém Anh văn, tôi phải vật lộn với ngọai ngữ này nhiều năm trước khi được cho đi Mỹ học … kinh tế hai năm.  Đến khi nghe giảng bài, thấy hay thì đến lúc phải xách vali về.  Sử dụng tiếng Anh khi làm việc với chuyên gia kinh tế Đài Loan chưa được một năm … thì  vào tù 5 năm, chữ nghĩa cũng rơi rớt lần theo sức nặng của thân thể và theo màu đen của tóc .  Đầu óc, thân xác chỉ được nuôi dưỡng bằng bo bo, mì lát phơi khô mà mấy con heo thấy cũng lắc lắc cái đầu, thì còn chi trí nhớ.  Ra tù cải tạo, đi dạy Anh văn, phải soạn bài mệt nghỉ, vì mình là tay ngang.  Tôi đã phải thường xuyên đạp xe lang thang các chợ sách, đường sá lùng kiếm sách cũ cần thiết và nhất là phải vừa túi tiền.  Sau vài ba năm, thì mới cảm thấy tự tin … đứng lớp!  Khi sang Mỹ, đầu óc của tôi vẫn còn là đầu óc … méo mó của một thầy giáo dạy ESL (English as a Second Language): ngữ pháp đúng hay sai, phát âm đúng sai, viết hiệu quả (effective wrting) hay không.  Lúc chưa có internet, thì  khi có điều gì nghi ngờ thì tra cứu … rách nát cả mấy cuốn tự hay tò mò hỏi người Mỹ đồng sở vv.

Chỉ vài ngày sau khi định cư ở Virginia, thì óc tò mò của thầy giáo ESL của tôi bắt đầu hoạt động lại khi nghe người ta phát âm sai tên Maryland của tiểu bang lân cận.  Tôi nhớ một quyển sách dành cho thầy giáo ESL đưa ra “qui tắc”:  Chỉ trong vài địa danh tận cùng bằng chữ (-land), thì chữ (-land) đó mới phát âm như  (land ) nghĩa là đất,  chẳng hạn Thailand. Kỳ dư phải đọc khác đi (nghe như âm /ơ/ tiếng Việt), thí dụ như Holland, New Zealand, Maryland.

Nhiều người  phát âm sai, chỉ vì thấy chữ (land) quen quá, không cần phải để ý gì thêm nữa!  Cũng quá quen như south, north mà  trong  đó (th) được phát âm /th/ như trong chữ (thank, think, theater).  Tuy nhiên, dưới hình thức tính từ, southern, northern thì  (th) lại đưọc phát âm thành /th/ như trong (the, then, this).

Hầu hết những người lớn tuổi đều đọc chữ computer với âm /t/ rất rõ ràng trong khi các bạn trẻ hay con nít học hành ở đây đều phát âm chữ (t) đó thành âm /đ/.  Khi nói nhanh, thì chữ  (t) được phát âm ra như thế.  Đây là trường hợp của những chữ thường gặp, như water, later, letter vv.  “Qui tắc” mà tôi học được là:  chữ (t)  giữa 2 nguyên âm mà nguyên âm trước được nhấn mạnh thì phát âm như /đ/. Thậm chí, một số người nói nhanh, thì trong chữ county, chữ (n) biến đi và chữ (t) cũng nghe như /đ/. Có lần tôi đã nghe một ông bố … già phân trần: “Thằng con tôi bị “đớ lưỡi”, sửa nó hoài không được! Nếu ở Việt Nam, tôi sẽ cú đầu nó rồi! “ May quá, nếu nó u đầu, chắc là ông phải gặp cảnh sát, và chính ông mới là người “đớ lưỡi!”

Nếu để ý, chúng ta còn nghe chữ (a) trong a book đọc từng chữ phải đọc là /ê/ trong tiếng Việt (ABC mà!),  nhưng khi đọc/ nói nhanh thì chữ (a) được nghe như /ơ/ trong tiếng Việt.  “Qui tắc”: Articles nằm trong một nhóm từ, hay trong câu thì  được đọc yếu đi; chúng chỉ đóng vai trò hành tiêu ớt tỏi!  Cũng vậy, khi nói nhanh/nối  vần (link) thì this year, could you, can’t you  vv. sẽ nghe khác với khi đọc từng chữ.

Trẻ em nghe sao nói vậy, bắt chước khá dễ dàng.  Người lớn, nhất là những người đã từng sai đâu đấy rồi, đã từng “tiếp xúc” với tiếng Anh chỉ thuần qua sách vở, thì nghe trước, rồi qua đầu óc phân tích, suy nghĩ  xong,  mới nói! Đầu óc phân tích đưa chúng ta về “qui tắc”, về “thói quen” mà khi hai thứ này … không đúng, thì chúng ta nói sai … như thường lệ!  Nếu biết được vài “qui tắc”, chúng ta có thể tự điều chỉnh lại. Nói tiếng Anh bằng “qui tắc”! Nghe thật buồn cười! Nhưng sự thực, nhiều người làm như thế, trong đó có người viết! Chúng ta không thể nào … trẻ trở lại để dễ bắt chước.  Càng không được  … tái sinh ở Mỹ  để trở thành “native speakers”.

Qua các thí dụ trên, chúng ta thấy sai quen rồi tưởng cái sai đó là đúng.  Và khi tưởng nó đúng, thì hành động, đối phó theo hướng đó.  Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng tôi nghe người lớn phê phán các nhà  sư , các người  ăn chay qua câu “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói dại”, và nói theo, thì bị thầy giáo cú cho mấy cái vào đầu. Thầy giáo của tôi giảng rằng câu đúng là “ăn mặn nói ngay, ăn chay nói trại”.  Nói trại, tức nói tránh né, chẳng hạn Vĩnh Long thành Vãng Long để khỏi “phạm húy”, tức  tên của một quan chức lớn đương quyền. Viết chính tả sai, thì cây thước của thầy giáo sửa lại giùm; chỉ khổ cho hai bàn tay sưng đỏ nhiều ngày; và nhờ vậy mà là chính tả khá hơn mặc dầu là dân Nam Kỳ ít nhất cũng ba đời!

Thêm một cái đúng/sai quan trọng rất phổ biến trong cộng đồng chúng ta.  Đi trễ giờ … hóa ra đi đúng giờ!  Thiệp mời ghi giờ khai mạc là 7 giờ tối; nhưng khi đứng lên chào cờ, thì đồng hồ chỉ 8 giờ, thậm chí 8:30 tối! Bà xã tôi khi bị giục phải nhanh lên để đến cho đúng giờ như thiệp mời, thì lại cằn nhằn bảo không có hội đoàn nào ở đây lại khai mạc đúng giờ.  Khi đến nơi, thấy 7 giờ rồi mà nhà hàng còn trống trơn, bà mạnh dạn phân trần với bạn bè:  “Em đã bảo đâu có ai khai mạc đúng giờ, mà ổng cứ thúc lên thúc xuống.”  Rõ ràng đúng thành sai; sai thành đúng!

Cũng nhân nói về tiệc tùng! Chủ nhân thường gọi khách mời là “quan khách” mặc dù có nhiều người xưa nay chưa từng làm quan; hoặc đã từng làm “quan”, nay lại không muốn bị gọi là “quan” nữa.   Thiết nghĩ gọi “Quý khách” đã là đủ đẹp đủ tốt rồi!  Lại có chủ nhân “xin phép nói tiếng Anh với người ngoại quốc”! Ơ hay!  Mình đã có quốc tịch rồi, thì Hoa Kỳ cũng là “nước của mình”. Còn nếu mình chưa là công dân Mỹ, thì đây đâu phải là nước của mình mà lại “cả gan” gọi họ là “người ngoại quốc.”  Thiết nghĩ nên gọi là “những người không nói tiếng Việt” (non-Vietnamese speakers) có lẽ thích hợp hơn, mặc dù trong đó cũng có một số nhỏ nhờ ăn phở và nước mắm nên hiểu và nói được “tiếng nước ta”, có khi viết tiếng Hán Việt, chính tả còn giỏi hơn ta nữa!

Bây giờ xin lạm bàn vài chuyện phiếm … lớn hơn một chút và kêu gọi sự góp ý của quý Anh Chị.

“The Vietnam War” hay “The Vietnamese War”?

Mấy tháng sau khi đến Hoa Kỳ theo chương trình HO, tôi được một cơ quan không vụ lợi có tên là The Center for Applied Linguistics thuê làm việc cho một bộ phận của cơ quan này, có tên là  Refugee Services Center.

RSC được thành lập sau khi có những đợt di tản lớn của người Đông Dương đến định cư, phần lớn ngân sách do Bộ Ngoại Giao cung cấp, nhằm tài trợ các công tác giáo dục người tị nạn (cung cấp tài liệu hướng dẫn, sách giáo khoa, giảng dạy Anh ngữ) qua các cơ quan thiện nguyện tại các trại tị nạn bên Á châu.   Một nhà báo làm việc chung cho tôi mượn một quyển sách mà tựa đề có chữ “The Vietnam War …” Đầu óc thầy giáo ESL của tôi liền tự hỏi: Sao lại “The Vietnam War” mà không là “The Vietnamese War”?  Trước đây trong lịch sử Hoa Kỳ đã có The Spanish War, The Korean War, mà Spanish, Korean là những tính từ (adjectives), vậy sao không dùng tính từ Vietnamese mà lại dùng danh từ Vietnam?  Tôi hỏi anh nhà báo người Mỹ chính gốc này — anh còn có thêm bằng Master of Teaching ESL.  Anh đứng một lúc, cười cười, rồi nói có lẽ người ta … quen dùng rồi.  Tôi viết email hỏi một vị chuyên trả lời thắc mắc về ngữ pháp cho độc giả của tờ báo The Atlantic. Câu trả lời cũng đại để là nhóm từ “The Vietnam War” đã được quen dùng, không nên thắc mắc.  Như vậy, câu hỏi của vẫn chưa được trả lời … ổn thỏa!

Một hôm, nhân thắc mắc tại sao nhiều sách báo viết là “newly arrived refugees” .  Động từ  to arrive là intransitive verb  cho nên về grammar thì không thể dùng past participle như vậy rồi lại giải thích “bị/được” như người Việt mình –trừ một vài ngoại lệ trong đó có to retire—trong khi đó nếu đúng ngữ pháp thì phải là  “newly arriving refugees” ),  tôi bèn đem thắc mắc sang hỏi một anh tiến sĩ trẻ Mỹ trắng vui tính làm việc ở một department kế bên.  Anh ta đang dạy ở một đại học danh tiếng trong vùng DC, và đã từng len lỏi chơi basket ball  nhiều tháng với đám trẻ Mỹ đen để nghiên cứu ngôn ngữ của chúng.  Anh xướng âm hai nhóm từ này lên mấy lần, rồi kết luận rằng xướng lên, thì “newly arriving refugees” nghe Ăng Lê quá (sounds Bristish English).  Về nhà một mình, tôi cũng ráng tập xướng lên cả hai nhóm từ này nhiều lần, nhưng lưỡi đã quen với bánh mì thịt nguội rồi, làm sao phân biệt nỗi hamburger có vị Anh hay Mỹ!  Về sau, thấy có nhiều tác giả cũng viết “newly arriving refugees” thì tôi thấy yên lòng. Như vậy, cả hai đều đúng! Grammar rules chưa bị diệt vong!

Thấy có thể tin cậy anh ta được, tôi đưa thêm thắc mắc về “The Vietnam War” và “The Vietnamese War”.  Anh lại xướng âm mỗi nhóm từ nhiều lần, rồi kết luận “The Vietnam War” dễ nói hơn, vì bớt đi một âm.  Nhưng anh cũng “an ủi” tôi rằng thắc mắc của tôi cũng có thể là đề tài đáng nghiên cứu.  (Vừa rồi đây, tôi nhờ con bé cháu ngoại 7 tuổi sinh ở đây nói lên hai nhóm từ này mỗi thứ vài lần; cháu nói rằng “Vietnam” dễ nói hơn “Vietnamese”!)  Nhưng vị tiến sĩ kia không cho tôi biết là viết/nói “The Vietnamese War” có đúng ngữ pháp không.  Tôi ôm cái thắc mắc này hơn hai chục năm nay, và không tin rằng viết/ nói “The Vietnamese War” là sai … ngữ pháp!  Đọc khá nhiều sách Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, trong đó có cả tiểu thuyết, thơ, mà chưa thấy ai viết “The Vietnamese War” cả.   Thế mới phiền cho một người non-native speaker lại trọng“qui tắc (ngữ pháp) nửa vời” như tôi.

Tôi bèn đưa ra giả thuyết là lúc đầu người ta viết/nói  “the war in Vietnam” , hay “the Vietnamese war”, rồi sau đó nói “the Vietnam War”, hay “Vietnam War” cho gọn, thậm chí “Nam War” nữa , khi mà cuộc chiến bên kia bờ Thái Bình Dương  càng ngày càng đi vào đề tài thảo luận nơi  chỗ làm, bàn ăn, cũng như trong sinh hoạt của  của gia đình người Mỹ (TV, thảo luận vv.) Trong quyển sách dày 8-9 trăm trang có tựa đề “The Vietnamese War:  Revolution and Social Change in the Mekong Data 1930-1975” (tôi chỉ  có  bản rút ngắn cũng đã dày trên 500 trang chữ nhỏ li ti (Consise Edition, xb 2006),  tác giả David W.P. Elliott (bạn học trước đây với Giáo Sư Nguyễn Mạnh Hùng và GS Tạ Văn Tài, lúc cả 3 còn học tại University of Virginia; bỏ học vì quân vụ, rồi làm cho Rand Corporation nghiên cứu về VN  etc., có vợ Việt) đưa ra sự khác biệt giữa 2 cụm từ như sau : “the term ‘Vietnam War’ has come to mean what happened to Americans in Vietnam –or even in the United States , when the ‘Vietnam War’ is used for convenience to refer to 1960-75 period.” (trang xvi); rồi ông dẫn lời của bà cựu Ngoại Trưởng  (thời Tổng Thống Clinton) Madeleine Albright “The time has come to think of Vietnam as a country, not a war” mà viết rằng: “ For that reason, this book titled The Vietnamese War, an effort to provide a more complete understanding of one of the defining events of the twentieth centurỵ” (trang 4).

Nói khác đi, theo Elliot, khi người Mỹ nói “The Vietnam War” là họ nghĩ tới chuyện người Mỹ đánh nhau với Việt Cộng, dội bom ngoài Bắc, nhảy dù xuống và trở thành tù binh ở Hà Nội ; biểu tình, thay đối chiến lước, chiến thuật, không tái cử ở Hoa Kỳ vv. Nghĩa là tất cả … mọi thứ trên đời  khi liên quan đến thời kỳ chiến tranh  1960-75  thì thuộc “The Vietnam War”.  Còn thời gian trước đó, sau đó, hay không liên quan đến chiến tranh, thì … không!  Vậy thì một thường dân người Việt chết vì bệnh ở Định Tường vào Tết Mậu Thân 1968, thì không được viết “He died  during the Vietnam War” mà phải viết “He died during the Vietnamese War” trong một cuốn sách hồi ký có tựa đề “The Vietnam War ….” ? Chiến tranh Triều Tiên xảy ra ở … Korea có đi vào sinh hoạt quân sự, chính trị, dân sự của người Mỹ hay không mà không gọi là “The Korea War”, mà lại gọi là “The Korean War”?

Theo thiển ý, Elliott đưa ra định nghĩa khá đặc thù này chỉ nhằm để định hướng hay giải thích nội dung của quyển sách riêng của ông mà thôi.  Nói khác đi, có bao nhiêu người đã nghĩ là “The Vietnam War” và “The Vietnamese War” có nghĩa khác nhau đến thế?  Nếu quý độc giả nào tình cờ biết đuợc ai là người đầu tiên sử dụng nhóm từ “The Vietnam War” và vào lúc nào, xin vui lòng cho biết.  Các tự điển lớn, thỉnh thoảng có cung cấp xuất xứ của một số từ, hy vọng trong tương lai sẽ có xuất xứ của cụm từ “The Vietnam War.”

Lại xin thêm chuyện này cho vui có liên hệ đến chữ Vietnam.  Trước đây, Giáo Sư Nghiêm Đằng có viết một quyển sách do East-West Center Press (Honolulu) xuất bản năm 1965, có tựa đề là Viet-Nam: Politics and Public Administration (bảo đảm vẫn còn thấy hay nếu ai muốn nhớ lại chuyên xưa).   Xin lưu ý quý độc giả cái dấu gạch nối (hyphen) giữa hai chữ Viet và Nam.  Tôi mua sách cũ về, liền tò mò mở ngay trang index để tìm adjective, thì thấy ngay mấy chữ Vietnamese, với 2 chữ Viet và nam dính liền nhau, trong khi là danh từ thì viết riêng.  Nhiều sách báo tiếng Pháp viết Việt Nam tách rời, với 2 chữ hoa V và N (Viet-Nam). Ngay cả Bernard Fall, khi viết bằng tiếng Anh cũng làm như thế (Viet-Nam Witness 1953-1966 do Pall Mall Press, London xuất bản năm 1966). Đừng quên là trong những văn thư chính thức của VNCH, tên của quốc gia cũng viết tách rời ra!  Hỡi ôi! Mình muốn chữ viết chữ Việt Nam thành 2 chữ … độc lập một chút cũng … không được! Huống hồ những chuyện… đại sự khác, thì làm sao hành động độc lập được!

Và sau cùng ở chuyện phiếm liên quan đến “The Vietnam War” này, xin kể lại một chút về dấu chân của sinh viên QGHC trên xứ Mỹ.  Như nhiều độc giả biết ở Nam California có một trường đại học tư có tên là University of Southern California.  Trước 1975, nổi tiếng về nhiều ngành học trong đó có kịch nghệ, hành chánh chánh công quyền, giáo dục, thương mại, dĩ nhiên number #1 về College Football. Các giáo sư HVQGHC như Nguyễn Quốc Trị, Trương Hoàng Lem, Cao Thị Lễ, Phan Thanh Ngô, Nguyễn Văn Thư đều tốt nghiệp từ đây; nhưng có lẽ anh Triệu Huỳnh Võ, thủ khoa khóa 7 là người đến đây học đầu tiên.  Anh Ngô (thủ khoa CH 1) có lúc làm Hội Trưởng Hội Sinh Viên Việt Nam tại USC, đã cùng sinh viên Việt ở USC và các trường lân cận tổ chức một cuộc chống đối Jane Fonda kịch liệt.

 Hai năm sau, người viết này đến USC (giữa tháng 9/72, sau khi Quân Lực VNCH tái chiếm Quãng Trị và lệnh cấm xuất ngoại được giải tỏa), chân ướt chân ráo, được đẩy ra thay anh Hội Trưởng thuộc Bộ Giáo Dục đang học Community Education   Chỉ mấy tháng sau đó, mặc dù cận kề những ngày thi, tôi đã cùng các  bạn sinh viên VN (học bỗng và tự túc)  tại USC và các anh chị sinh viên Việt trẻ tuổi hơn  từ  7-8 trường lân cận đã cùng kiều bào (do Tòa Tổng Lãnh Sự  Việt Nam tại San Francisco đưa xuống)  và một xe buýt khoảng 40 sinh viên Mỹ thuộc nhóm Young Americans for Freedom (YAF)  của đảng Cộng Hòa tại USC, tổng cộng khoảng 500 người  đi đón Tổng Thống Thiệu và phái đoàn từ Honolulu đến  Los Angeles, để rồi sau đó phái đoàn  xuống San Clemente họp với Tổng Thống Nixon. Tôi nghĩ đây là cuộc tập họp đông đảo nhất của người Việt tại Hoa Kỳ thủa đó.

Ngoài ba thủ khoa QGHC cơ hữu ở USC (Cao Thị Lễ , Phan Thanh Ngô và Nguyễn Văn Thư) còn có thêm hai thủ khoa khác là  Cao Văn Hở (Georgetown Universty, Wahsington DC) và Trần Văn Dương (Syracuse University, NY).  Hai anh này trên đường đi dự một khóa hội thảo cũng nhiệt tình ghé xin tham dự mang theo bức thư giới thiệu của Đại Sứ VNCH tại Liên Hiệp Quốc (Lê Phượng Chì) “kính gửi Anh Lê Văn Bình.”  Đến khi gặp tôi, hai anh chưng hửng vì đâu có ngờ tôi cũng được sang Mỹ học.  Chúng tôi biết nhau hồi còn ở chung Ký Túc Xá; nếu tên tôi được bỏ đúng dấu, có thể hai anh sẽ đoán ra. Tôi không là thủ khoa; đi học bỗng theo Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến” (1 PhD, 8 MA và 8 ngắn hạn 6 tháng, trong đó gần phân nửa là cựu SVQGHC) — khác với Chương Trình Kinh Tế Hậu Chiến của GS Vũ Quốc Thúc.

Trong đám phản chiến Mỹ Việt không quá 30 người cầm cờ Hippie Mỹ (US Flag with Peace Sign Hippie) phía bên kia đường, có một cậu sinh viên trẻ hình như lúc đó mới học năm thứ hai, mà nay là giáo sư Sử tại một tiểu bang nhỏ, thỉnh thoảng được các chương trình tiếng Việt của vài đài phát thanh Âu Mỹ phỏng vấn về tình hình chính trị quân sự Á châu; nghe kỹ thì nhận ra là các lời bình luận đều có lợi cho Hà Nội.  Dĩ nhiên! Nếu không, thì vị giáo sư này đành mất hết thành tích chông chiến tranh ả?  Trước đó, nhóm phản chiến của cậu ta có gọi điện thoại đến xin xem phim “Người Cày Có Ruộng” do anh em chúng tôi tổ chức tại phòng lounge của building VKC của USC, tôi có đặt điều kiện là nhóm anh ta phải chào cờ Việt Nam Cộng Hoà cùng với chúng tôi. Dĩ nhiên nhóm cậu ta không đến.  Và cũng để đối phó với tin đồn rằng đi đón phái đoàn VNCH, chúng tôi mỗi người nhận 30 đôla, tôi đã long trọng tuyên bố là “Tôi thề trên sinh mạng vợ và hai con tôi là trừ vài ba chục đôla dùng mua cột cờ và cờ VNCH (để tránh mang tiếng dùng tiền học bỗng của USAID), tôi không nhận thêm đồng nào của Tòa Đại Sứ VNCH ở Washington DC hay Tòa Tổng Lãnh Sự ở San Francisco”.  Anh chị em thành viên trong Ban Tổ Chức cũng tránh dị nghị đã không tham dự buổi tiệc do phái đoàn nhã ý khoản đãi, khi chúng tôi được cho biết cuộc họp báo với sự hiện diện của TT Thiệu đã được dự trù trước đây không thực hiện được vào giờ chót.  Sau đó, Ban Tổ Chức chia tay với lương tâm yên ổn, và một chút tự hào về bổn phận công dân của mình.

Buồn thay mọi sự xảy ra về sau cho đất nước không tốt đẹp như mong ước toát ra từ cái logo có  3 chữ “Cooperation in Peace” vẽ trên chiếc máy bay 727 chở phái đoàn VNCH.

Người viết sau đó cũng thêm một lần (1973) cùng anh chị em sinh viên Việt và nhóm YAP đến phản đối Jane Fonda qua mấy cái loa cầm tay “Debate! Debate! Fonda! Debate!” để “ phá”  cuộc nói chuyện của cô ta  sau chuyến cô ta thăm Hà Nội về. Tôi còn nhớ rõ cô ta mặc cái dress màu đen, đứng gần tượng đồng Trojan (biểu tượng của USC), mồ hôi nhuể nhại và mặt mày phấn son nhòe nhoẹt  (lúc đó là lunch time, đông sinh viên, trời nóng)  và chung quanh có 7-8 tay cận vệ mặc toàn đen, tên nào cũng đều lực lưỡng, cao cở  6 feet!  Thủa đó USC là trường của con nhà giàu (bị chế giễu là University of Spoiled Children), cha mẹ thì bảo thủ, nhưng đa số sinh viên lại cấp tiến, chống đối chính quyền Tổng Thống Nixon kịch liệt (bảng hiệu lưu thông STOP thì họ thêm vào chữ Nixon; chữ X trong tên Nixon được viết thành chữ Vạn Đức Quốc Xã; họ tổ chức biểu tình cởi truồng để chống Nixon bao che trong vụ bao che (coverup) Watergate,  vv. ) cho nên Jane Fonda mới có chỗ lai vãng. Bà Nixon và nhiều viên chức Tòa Bạch Ốc dính trong vụ Watergate lúc bấy giờ cũng từng là YAP của trường này, họ cũng quậy dữ lắm!

Sau này, cái huy chương Presidential Medal of Fredom mà Tổng Thống Obama trao cho Jane Fonda (Jane Hanoi) năm 2016 quả là cái huy chương đâm sâu thêm vào tim (bà đã từng đâm sau lưng rồi) của nhiều các cựu chiến binh Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt hải ngoại mình.  Một người  … bị trao cho cái giải thưởng Nobel  Hòa Bình quá sớm (để đừng gửi quân Mỹ đi quậy phá thế giới và đã vô cùng hoan hỉ 6-7 năm kế tiếp ngồi tự xoa xoa cái đầu ít tóc  nhìn Trung Cộng mạnh dần … mạnh dần đến dư sức để tác oai tác oái Biển Đông, khi giật mình nghĩ lại, thì đã quá chậm rồi, dù có mấy ông Trump cũng không đảo ngược tình thế được)  đã tròng huy chương vào cổ … bà già cái giải … hòa mình với kẻ thù của hằng trăm ngàn lính Mỹ và lăng mạ mấy trăm tù binh Mỹ ở Hà Nội bằng những bài phát biểu trên đài phát thanh Hà Nội rõ ràng do Hà Nội viết sẵn (Xin đọc thêm Aid and Comfort: Jane Fonda in North Vietnam mà Henry Holzer và Erika Holzer là tác giả).  Người ta thường nói cái huy chương có hai mặt, tôi không rõ mặt trái cái huy chương  trao cho “Jane Hanoi” ra sao, chứ còn nửa cái giải Nobel Hòa Bình mà Kissinger chia với Lê Đức Thọ (không đến nhận) đã được trao bằng check, sau đó được đầu tư, có thể thành bạc triệu  rồi. Không rõ Ngài Kissinger có được mời đến dự lễ trao huy chương cho “Jane Hanoi” không.  Cũng không rõ “Jane Hanoi” có được Bộ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh tặng cho vài bản chụp những bức thư (copied letters) mà gia đình gửi cho tù binh John McCain lúc ông ngồi tù ở Hà Nội để bà ta “tùy nghi” hay không.  (Trong chuyến công tác năm nay tướng  NCV đã trao tặng McCain bản chính (original copies) những bức thư này sau khi giữ chúng hơn 45 năm!) Riêng đối với nhiều nhà văn, nhà báo, nhà làm phim Mỹ khác, thì tội nghiệp thay những bản phác họa  mà họ dự tính viết về  những “siêu sao” Hà  Nội  sau 1975 đã bị họ lẵng lặng vất đi không thương tiếc!

Không bao lâu sau đó, tên của người viết những dòng chữ này và của các anh chị đại diện của các trường đã kể lại xuất hiện trên một trang quảng cáo trả tiền của tờ The Washington Post để phản đối Trung Cộng chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Viết lại đây tôi không có chút ý gì khoe khoang “thành tích”, mà chỉ muốn tường trình với độc giả thân mến rằng anh chị em chúng tôi thuở ấy cũng cố làm một chút gì đó.

Độc Tài Hay Không Độc Tài?

Từng là một học sinh, một sinh viên, một nhà giáo, tôi không quên rằng giữa điểm 0 và  điểm 10, cũng như giữa điểm F và điểm A , cũng còn nhiều điểm khác! Đến khi tiếp xúc “Nhập Môn Chủ Nghĩa Thực Dụng”, tôi mới “ngộ” ra rằng giữa  Đúng và Sai, Trắng và Đen, Yêu và Ghét, Xấu và Tốt, Thiện và Ác, Chánh và Tà, Đạo Đức và Vô Luân,  Duy Lý và Duy Nghiệm, Nhất Nguyên và Đa Nguyên, vv.  còn có những … cái khác nữa! Ngay cả giữa Nam và Nữ, từ ngàn xưa cũng đã âm thầm ẩn hiện … “những người khác” mà ngày nay ở Mỹ gọi tắt là LGBT. [Trong bộ truyện  “Ngàn Lẻ Một Đêm”,  sách dịch Miền Bắc đưa vào sau Tháng Tư Đen, những người này được gọi là “những kẻ hai lòng” (sic)] trong khi ở Miền  Nam, chúng ta thường gọi là “homo”, “đồng tính”, và người bình dân gọi là “bóng”].  Con người vốn đã quen với lý luận nhị nguyên (dualism), thậm chí nhất nguyên (monism), nên ít khi rộng lượng đối với kẻ đối thoại mà mình cho là HOÀN TOÀN SAI trong khi nghĩ mình là HOÀN TOÀN ĐÚNG –mặc dù đôi bên đều có đúng có sai.  Quan điểm nhị nguyên này đã đưa nhân loại đến biết bao nhiêu xung đột, từ trong gia đình cũng như ngoài xã hội và giữa các quốc gia với nhau.

 Để đáp lại thịnh tình của ông bạn già Texas nói từ đầu bài (Nguyễn)Trọng Đạt, một nhà giáo trước khi vào QGHC và mấy chục năm nay là nhà biên khảo nhiều sách báo đáng đọc về chiến tranh Việt Nam (trong đó có bài viết về bộ phim “The Vietnam War”  sau khi ông ấy … tức mình rồi tò mò ngồi xem từ đầu đến cuối), tôi xin bạo  dạn đưa ra ý kiến sau đây.  Cũng như hằng trăm tác giả Mỹ khác, hai nhà sản xuất trên đã đứng trên … rõ ràng làm phim theo quan điểm của “bên thua cuộc”.  Thua tức là kém, dỡ hơn “bên thắng cuộc”.  Nếu không, thì đâu có thua! Họ thấy có bổn phận phải ca tụng “bên thắng cuộc” bằng mọi giá, và đổ  lỗi cho “đồng minh thua cuộc” càng nhiều càng tốt,  để họ cảm thấy bớt tức hơn. Cuộc chiến Việt Nam xảy ra trong thời kỳ mà theo ngành quản trị học đương thời, sự thành công phải được đánh giá theo hai tiêu chuẩn thống soái: “hiệu  quả” (effectiveness) và “hiệu năng” (efficiency).  Nôm na là đem lại kết quả và ít tốn kém.

Theo phái đoàn cố vấn Michigan State University, cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người  đích thân theo dõi việc xây cất Học Viện QGHC của chúng ta.  Cũng chính ông là người đến khánh thành Học Viện năm 1962.  Khóa 10 là khóa đầu tiên học trọn vẹn 3 năm tại đây (các khóa 8 và 9 đã học một thời gian trước đó tại trụ sở Bộ Ngoại Giao). Học Viện là niềm hãnh diện của TT Diệm.  Ông đã hãnh diện mời nhiều quốc khách đến thăm viếng:  Quốc Vương và Hoàng Hậu Thái Lan trẻ đẹp;  Phó Tổng Thống Đài Loan Trần Thành hoạt bát  và rất vui tính, vv.  Đây là nơi các giáo sư và sinh viên thường xuyên thảo luận về hai tiêu chuẩn hiệu quả và hiệu năng nói trên, cùng với các công tác của nhà hành chánh theo POSDCORB (Planning, Organizing, Staffing, Developing, Coordinating Reporting, Budgeting, được đưa ra từ thập niên 1930, nhưng vẫn phổ biến nhiều thập niên sau đó) của Gulick & Urwick trong chỉ huy, quản trị công sở và ngân sách, cũng như trong các trường hợp hành chánh điển hình.

 Chúng ta hẳn biết rằng chiến tranh Việt Nam, từ nguyên thủy cho đến khi chấm dứt, đã trải dài qua 7 đời Tổng Thống, 3 vị trước Kennedy và 3 vị sau Kennedy. Đây là kể cả Tổng Thống Roosevelt, người mà trước và trong khi Hoa Kỳ tham gia Đệ Nhị Thế Chiến đã chủ trương giải phóng các nước thuộc địa một khi Đồng Minh chiến thắng. Ông đã cố công thuyết phục Stalin theo lập trường của mình, vì không hy vọng gì ở Churchill bởi lẽ nước Anh có cũng quá nhiều thuộc địạ không dễ gì chi/u buông, và ông không muốn Pháp trở lại Đông Dương   Ông cũng suy tính khá cẩn thận tầm quan trọng của Đông Dương, nhất là về kinh tế. Có thể nói chính Roosevelt và nhà ngoại giao George Kennan, người đưa ra chủ thuyết về việc kiềm chế sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản (sau đổi ý) đã lưu lại một dấu ấn lớn trong các chính quyền Mỹ sau đó về vai trò của Đông Dương trong chiến tranh lạnh. Tổng Thống Diệm và VNCH có thể sẽ may mắn hơn nếu được một nước “đồng minh” lãnh đạo bởi một chính quyền “ngộ” được giữa hai điểm A và F, còn có những điểm khác nữa.  Xin mở dấu ngoặc:  Tổng Thống Diệm đã từng được một giáo sư của MSU (khi trường này còn là một college) mời từ Nhật sang Mỹ làm counselor cho trường, và từ đó, giúp ông gặp gỡ một số nhà lãnh đạo tôn giáo và chính khách quan trọng của Hoa Kỳ. Khi về nước chấp chánh, ông đã mời một phái đoàn đông đảo MSU sang giúp. Trong khi cả phái bộ USOM chỉ có khoảng 165 nhân viên, phái đoàn MSU lúc nhiều nhất lên đến 32 người do Chính phủ  Hoa Kỳ  đài thọ  (chưa kể nhân viên người Việt khoảng 100 người do USOM và VN cùng đài thọ), đa số là giáo chức, dĩ nhiên có không ít nhân viên CIA  được cài vào (giới chức Saigon nhận ra họ ngay vì họ nói tiếng Pháp lưu loát hơn các giáo chức thực sự)  sang giúp soạn thảo chương trình đào tạo cũng như giảng dạy  sinh viên Học Viện QGHC, và Cảnh Sát Quốc Gia, hai ngành mà MSU tỏ ra  khá mạnh.

 Một vài nhân viên trong đoàn khi trở về nước đã viết báo công kích chính phủ VNCH, riêng biệt công kích kịch liệt bà Ngô Đình Nhu.  Do đó, sau 2 năm hết khế ước, TT Diệm không bằng lòng gia hạn. Những bài báo này đã đóng một vai trò không nhỏ phát khởi phong trào phản chiến tại các đại học Hoa Kỳ.  (Muốn biết thêm chi tiết về hoạt động của MSU tại Miền Nam dưới thời TT Ngô Đình Diệm, xin đọc Technical Assistance in Vietnam: The Michigan Sate University Experience  do hai giáo sư  Robert Scigliano và  Guy H. Fox viết, xb năm 1965;   Forging a Fateful Alliance: Michigan Sate University and the Vietnam War, tác giả là John Ernst, xuất bản năm 1998; Aid Under Fire: National Building and The Vietnam War, do Jessica Elking viết,  The University Press of Kentecky xb năm 2016, vv.)

Trong thời gian dài trước khi xảy ra cuộc đảo chính lật đổ TT Diệm năm 1963, Tổng Thống Kenneny đã nghe đầy tai về những than phiền chê trách, nhiều khi không đáng, về TT Diệm.  Chẳng hạn sau cuộc viếng thăm Saigon chỉ vài ba ngày, Đại Sứ Mỹ tại Ấn Độ John K. Galbraith, một giáo sư kinh tế của Harvard rất thân cận và tín cẩn của TT Kennedy, đã viết về Toà Bạch Ốc chê TT Diệm là quan liêu: đi công tác miền Trung về phi trường Tân Sơn Nhứt cũng “đòi” các Bộ Trưởng ra đón; từ phi trường về Dinh Độc Lập phải được tiền hô hậu ủng.  Những phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, ngay từ 1961 đã nêu lên sự can thiệp của Hà Nội, Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa và trách cứ chính phủ Saigon không cải tiến nỗi tình hình an ninh; đã coi hai lần mưu sát bất thành TT Diệm …  là những chỉ dấu của nền độc tài chuyên chế, không được lòng dân.  Vụ Phật giáo được truyền thông thổi phồng chỉ là một cái cớ lớn, là một giọt nước tràn.  Cái tiêu chuẩn “hiệu quả” và “hiệu năng” thời thượng của kinh tế gia Galbraith, của “nhà quản lý khoa học tài năng” Mc Namara, và của những “the best and the brightest”  cộng thêm giới truyền thông (cũng được xem là elites) thủa đó thúc đẩy TT Kennedy hành động khá vội vàng hấp tấp, nếu không gọi là quá bất công.

Tướng Hoàng Lạc trong chương có tên “Blind Design” đóng góp vào quyển sách có tựa đề Prelude to Tragedy: Vietnam 1960-1965 do Harvey Neese và John O‘ Donnel hiệu đính, và  Naval Institue Press xb năm 2001, tr. 70, đã ghi lại nhận xét của ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu, xin tạm dịch ra như sau: “Chống Cộng  đã khó rồi, nhưng đối phó với Hoa Kỳ với tư cách một đồng minh lại càng khó hơn.  Chính sách của Hoa Kỳ thay đổi thường xuyên với những mục tiêu thay đổi.  Những siêu quyền lực như những nhà tư bản Mỹ, cũng như những người Cộng Sản Liên Xô, không có bạn lâu dài hay kẻ thù lâu dài, cả hai chỉ có những lợi ích lâu dài mà thôi.” Những bài diễn văn đầy hứa hẹn của các TT Mỹ, những cuộc đón tiếp long trọng, những bắt tay thân mật … sẽ không còn giá trị nữa khi quyền lợi của họ thay đổi.  Điều an ủi cho dân quân Miền Nam, đặc biệt là sinh viên,  lúc đó là họ không bị chính quyền VNCH bắt bớ giam cầm khi họ biểu tình hay viết báo bày tỏ suy nghĩ và lập trường của mình đối với “những người bạn đồng minh.”

Trong quyển sách Friendly Tyrants: An American Dilemna (do Daniel Pipes và Adam Garfinkle hiệu đính, St. Martin’s Press xb năm 1991), bàn về những nhà độc tài bạo ngược thân hữu của Hoa Kỳ, Douglas Pike, một học giả về Việt Nam, có đóng góp một chương với tựa đề “South Vietnam: Autopsy of a Compound Crisis” (tr. 41 -61). Theo Pike, so với những nhà độc tài bạo ngược thời đó ở Á châu như Lý Thừa Vãng của Nam Triều Tiên, Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Ferdinad Marcos của Phi Luật Tân, thì Tổng Thống Diệm không nên được xem là nhà độc tài bạo ngược vì (1) thời gian tại chức của TT Diệm ngắn hơn nhiều; (2) không thể xếp ông theo tiêu chuẩn độc tài chuyên chế cổ điển hay đương thời của người Mỹ: Ông không tàn bạo, ích kỷ, hay ngạo mạn. Ông là người có học, từng đi đây đó nhiều nơi, và có đầu óc cấp tiến hơn nhiều so với Bảo Đại, người tiền nhiệm của ông. Quan trọng hơn nữa, ông không tùy tiện sử dụng lắm quyền hành.  (He was not brutal, mean, or arrogant. He was educated, cosmopolitan, and far more liberal than the Bao Dai that preceded him. More important, he did not dispose of very much authoritỵ); (3) đường lối  chính trị và quân sự của các chính phủ liên tiếp của Miền Nam hầu hết  đều là phản ứng đối với các áp lực càng ngày càng gia tăng của bên ngoài, đặc biệt  của Hà Nội, Bắc Kinh, Mạc Tư Khoa, thì chính quyền Hoa Kỳ, qua các loại viện trợ, đáng lẽ phải tạo một trái đệm  cho sự tự phát triển của một chính quyền non trẻ, thì lại tạo thêm áp lực nặng nề chỉ vì họ bị sức ép mạnh mẽ của giới truyền thông và dân chúng Mỹ, cũng của chính những người trong chính quyền nhưng không thân thiện với VNCH.

 Theo Joseph G. Morgan trong quyển The Vietnam Lobby: The American Friends of Vietnam (1955-1975), do The University of North Carolina Press, xb n ăm 2000, thì hiệp hội  The American Friends  of Vietnam này quá nghèo nàn (vì không có sự đóng  góp của các công ty Hoa Kỳ; TT Diệm  không muốn người Mỹ đầu tư vào VN mà ông  chủ trương thành lập các công ty quốc doanh khi nền kỹ nghệ còn quá non trẻ, một chủ trương phát triển kinh tế phổ biến trên thế giới vào 2 thập niên 1950- 1960) nên không đủ khả năng vận động hành lang với các chính trị gia Hoa Kỳ.  Chính vì những lý do đó mà TT Diệm bị loại một cách oan uổng và tức tưởi, kéo theo sự suy sụp mấy năm liền sau đó của nền Cộng Hòa ở Miền Nam. Vả chăng, giàu có và dư thừa ngoại tệ (gần 20 tỷ đô la thủa đó, chỉ đứng thứ nhì, sau Tây Đức, nếu người viết nhớ không sai) để có thể lobby thêm, nhưng “nước Đài Loan” vào đầu thập niên 1970 cũng đành đau khổ nhìn cái ghế của mình bị mất tại Liên Hiệp Quốc, sau khi Nixon gặp gỡ Mao Trạch Đông. Biết làm gì hơn, khi mà mục tiêu của Hoa Kỳ đã thay đổi.  Tuy nhiên, lobby đã giúp Đài Loan tồn tại như hiện trạng.

Đôi khi nhìn lại, chúng ta tự hỏi có nên “tiên trách kỷ, hậu trách nhân” chăng? Nếu quản lý của chúng ta thật giỏi –đạt điểm A như họ muốn — về quản lý trong mọi phương diện chính trị, hành chánh, quân đội, thì có lẽ sẽ không có cảnh “đồng minh tháo chạy.”  Dĩ nhiên, khả năng của chúng ta không thể đạt được điểm A mà họ mong đợi!  Đòi hỏi một người làm những việc vượt quá xa  khả năng của mình,  có phải chăng là bất công –nếu không nói  là … mất trí?   Đây là cái vòng lẩn quẩn của kẻ ban phát viện trợ và người nhận viện trợ vậy.

Trên đây là đôi điều tôi xin lạm bàn với ông bạn chuyên viết cuộc chiến Việt Nam. Dưới đây xin thêm một lạm bàn khác, về “văn nghệ”, một lãnh vực mà tôi thực sự mù tịt.

Nhạc Vàng hay “Nhạc Vàng”?

Quý độc giả chắc hẳn đã lưu ý tới cái ngoặc kép trên.  Nhạc Vàng không nằm giữa hai ngoặc kép là chữ của chúng ta, bên bại trận — nếu quả thực nó có trước 1975.  “Nhạc Vàng” nằm giữa hai ngoặc kép, còn gọi là “Nhạc Vàng nháy nháy” là tiếng của “bên thắng cuộc”.

Sau khi chiếm được Miền Nam, Hà Nội tung vào những người mà họ xem là ưu tú nhất của mình, đặc biệt ca sĩ có giọng cao vút, các văn nghệ sĩ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Hoài Thanh (ông này đi vào rao giảng thành tích CNXH tại trại tù làng cô nhi Long Thành, giải lao bằng bia khiến công an quản giáo phải đỏ mặt), nhiều sách của nhà xuất bản Sự Thật (mà vị giám đốc xuất bản P.T.T. là bố ruột của một nhà văn chống Cộng nổi tiếng ở Miền Nam, và cũng là bố vợ của một cựu SVQGHC, vợ anh tự tử khi anh còn trong tù bỏ lại 4-5 đứa con thơ ) vv.   Có một bài ca mà câu mở đầu đã làm cho trên 3000 em chúng tôi lạnh suốt nhiều năm sau đó “Anh ở nơi nầy chưa thấy mùa đông” (?) Vâng, họ nhất quyết mang cái lạnh, cái đói cũng như những thử nghiệm, định chế, kỹ thuật –làm tàn hại ngoài Bắc chưa đủ– vào Miền Nam để cho cùng khổ bằng nhau, như hợp tác xã, nông trường, thuỷ lợi vv.

Trong sách vở, có những chữ mà người bình dân khó hiểu hay không thể hiểu; nhưng những người có tiếp xúc với chữ nghĩa Pháp, Anh thì nhận ra đưọc xuất xứ của chúng, chẳng hạn chủ nghĩa sô-vin, trang bị tận răng, mang dấu ấn thời đại vv.   Anh em tù chúng tôi nhận ngay ra đó là những chữ dịch, nhưng không rõ được dịch thẳng từ tiếng Anh, tiếng Pháp hay lại phải qua tiếng Nga, tiếng Hoa cho an toàn vì lý do chính trị (thân Tây phương, xét lại vv.). Khi còn trong tù, chúng tôi  thường tự hỏi hai nhóm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” xuất phát từ đâu.  Ai cũng biết rõ là “nhạc vàng” được gán cho hầu hết các bài nhạc lưu hành trước đây, và “công đoàn vàng” chỉ các nghiệp đoàn lao động hoạt động trước 1975 ở Miền Nam.  Sơn phết màu vàng lên để chê bai chúng xấu xa, bệnh hoạn, không lành mạnh, và dĩ nhiên phải bị cấm đoán. Nhưng chúng được dịch từ đâu? Mà vì sao lại “vàng”? Tôi không tin là màu vàng này có liên quan gì đến màu cờ của VNCH cả.

Sau khi ra tù (cuối năm 1980), tôi kiếm sống bằng nghề đi dạy Anh Văn (cộng thêm nghề đi bán cà-rem cây ở một trường học).   Một hôm, một học viên người lớn hỏi, tại sao người ta dùng “nhạc vàng” để chỉ “nhạc ngụy, nhạc phản động”. Trong nhà tôi còn một quyển tự điển lớn tiếng Anh xuất bản đầu thập niên 1970 mà tôi mua giá rẻ với tư cách là hội viên của Books of the Month khi còn đi học bên Mỹ (May quá, nhà  ôi chưa bán cho mấy cô mua ve chai, giấy vụn.  Nếu bà ấy bán đi, cũng được chút ít tiền vì nó rất nặng ký).  Tra tự điển này, thấy có nhóm từ “yellow journalism” (báo chí vàng) và tôi liền đặt giả thuyết là “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có liên hệ đến “báo chí vàng”.

Vì vậy mà khi đến Mỹ thấy trên vài tờ báo xuất bản ở Virginia có cái quảng cáo “Nhạc Vàng Chiều Chủ Nhật”, và khi nghe hai ca nhạc sĩ / MC trên một băng nhạc cũng dùng “nhạc vàng” để chỉ nhạc tình cảm, lãng mạn Miền Nam trước 1975, tôi liền viết vài trang trên blog “Đốc Sự 16”, do đồng môn tài hoa Vũ Hùng thiết lập, để bày tỏ suy nghĩ của mình. (Sau khi Vũ Hùng qua đời, họa sĩ Vĩnh Nguyễn tiếp nối với “Tiếng Thông Reo”, hy sinh nhiều thời giờ, công sức để tạo một forum rộng rãi và đẹp đẽ cho cựu SVQGHC và thân hữu.  Many thanks to our Websmaster/Blogger!).  Trong mấy năm nay, cụm từ “nhạc vàng” đã được hầu hết những nhà sản xuất băng đĩa nhạc lớn nhỏ — kể cả nhà sản xuất mà một MC được nhiều người xem là chịu khó nghiên cứu — truyền thanh, truyền hình, sách báo trong và ngoài Việt Nam, thân Cộng cũng như chống Cộng sử dụng không dè dặt để chỉ nhạc tình cảm lãng mạn ở Miền Nam viết ra trước 1975.

Bài viết nói trên không còn trong files cũ. Quyển tự điển to lớn nặng ký đó cũng không tìm mua được ở Mỹ mặc dù tôi đã lên nhiều websites sách cũ (hình như nó cái tên khá dài, mà tôi còn nhớ mang máng:  Webster’s New World Dictionary of the American English, Desk/ Index Dictionay- De Luxe, trong đó có phân biệt các chữ dễ lẫn lộn chẳng hạn tool/instrument /equipment vv. đã khiến tôi cẩn thận hơn khi dùng tiếng Anh, nhất là những chữ mà người ta cho là đồng nghĩa.)  Với vài tài liệu hiện có trong nhà, tôi xin cống hiến thêm một ít chi tiết về “yellow journalism”.

Tự điển Webster’s NewWorld College Dictionary, Fourth Edition do Michael Agnes hiệu đính, Wiley Publushing, Inc. xuất bản năm 2008, trang 1659, cho biết “yellow journalism” xuất xứ từ việc dùng mực màu vàng, nhằm thu hút độc giả, để in bộ tranh hài hước từng kỳ (a comic strip) có tựa đề là “ TheYellow Kid” trên tờ báo The New York World năm 1895, và định nghĩa “báo chí vàng” như sau: “sự sử dụng những phương pháp giật gân hay bừa bãi một cách rẻ tiền trong báo chí, vv. để hấp dẫn hay ảnh hưởng độc giả” (the use of cheaply sensational or unscrupulous methods in newspapers, etc. to attract or influence readers).  Câu chuyện về “Khỉ Cà Mau” đăng trên báo Sài Gòn Mới  của bà Bút Trà hồi thập niên 1960 là một thí dụ điển hình về  “báo chí vàng” ở Miền Nam trước đây, mặc dù câu chuyện không in trên nền mực vàng!

The Encyclopedia Britannica (15th edition), Volume 12, trang 832 còn đưa thêm chi tiết là cụm từ này được chế ra (coined) để mô tả chiến thuật cạnh tranh bằng tin tức giật gân do tờ The New York World sử dụng để cạnh tranh với tờ The New York Journal, mãi sang đến đầu thế kỷ sau tờ The World mới thôi.

 Tóm lại, trong mấy chục năm liền kể từ khi còn ở Việt Nam, tôi vẫn tin yellow journalism là nguồn gốc của “nhạc vàng”, nhưng đôi khi thấy không ổn khi nghĩ nó cũng là nguồn gốc của “công đoàn vàng” vì đối với Hà Nội, những nghiệp đoàn Miền Nam, trong đó có Tổng Liên Đoàn Lao Công, đều được coi là “phản động” đáng bị trừng trị!  (Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Trường Cao Đẳng Quốc Phòng còn được gọi là “phản động nhất”)

Khi tôi đặt giả thuyết là chữ “vàng” trong hai cụm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” (xin độc giả lưu ý là sau 1975 hai từ này thường đi chung) có thể xuất xứ từ cụm từ yellow journalism, thì một đồng môn vốn rời Saigon từ hồi tháng 4/75, đã ngạc nhiên buột miệng nói: “Cộng sản lại sophisticated (anh ta dùng tiếng Anh, tạm dịch lịch lãm, sành sỏi) đến thế à? Vậy mà tôi cứ tưởng … Người ta bảo họ gọi nhà bảo sanh là ‘xưởng đẻ’ đồng hồ có lịch ngày tháng là “đồng hồ có cửa sổ.” Đúng!  Sự thực là mấy anh bộ đội nhà quê thiếu từ dùng đã nói như thế.  Nhưng không phải tất cả “bên thắng cuộc” đều ngô nghê đâu! Tôi xin kể câu chuyện thật sau đây để độc giả suy gẫm.

Như nhiều độc giả biết, trại tù Cải Tạo Long Thành (Biên Hòa), mà lúc đầu nhà cầm quyền  gọi là Trường NV-15 ,  là nơi giam giữ hơn 3000 viên chức chế độ cũ,  phân ra 4 nhóm, ở trong nhiều dãy nhà  riêng biệt : Khối Cảnh Sát từ cấp Thiếu Tá trở lên; Khối Trung Ương Tình Báo từ Trung Cấp trở lên; Khối Đảng Phái từ cấp Tỉnh Hội trở lên; và Khối Dân Sự  gồm Hành Pháp (từ Phó Quận trở lên), Lập Pháp (Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Giám Đốc các văn phòng trực thuộc) và Tư Pháp (từ Biện Lý, Thẩm Phán trở lên).  Có thể đây là thành phần gạo cội (cream), trí thức của miền Nam. Một lệnh được đưa ra khi chúng tôi chưa bị khóa nhốt trong phòng với các máng vệ sinh:  Ban đêm ai muốn ra khỏi phòng để đi tiêu hay tiểu –cách phòng chừng 20-50 mét, thì phải hô to: “Báo cáo cán bộ, cho tôi đi ỉa.” hay “Báo cáo cán bộ, cho tôi đi đái.”  Xin quý độc giả thử nghĩ tới cảnh vị cựu Chủ Tịch Hạ Viện già nua, một cựu bác sĩ giám đốc bệnh viện lớn tuổi, một cựu thẩm phán tối cao pháp viện nghiêm nghị, vv. mà phải thốt lên các câu nói có mấy tiếng “ỉa, đái” như  vậy thì họ cảm thấy xấu hổ biết bao nhiêu!  Nhiều độc giả có thể nghĩ rằng tù và cai tù đều dùng ngôn ngữ giống nhau thì có gì là xấu hổ.

Sai, nếu quý vị nghĩ như thế!

Vì trại tù Long Thành là nơi giam giữ nhiều trí thức, chính trị gia “gạo cội” của Miền Nam (trong đó có cả cụ Vũ Hồng Khanh, từng làm Phó Chủ Tịch Nước dưới Hồ Chí Minh hồi 1945) cho nên Hà Nội thấy cần phải đưa bọn công an độc hiểm nhất của Miền Bắc vào cai quản để tìm mọi cách hạ nhục chúng tôi.  Thóa mạ, khinh bỉ chúng tôi bằng những nhóm từ “ngụy quân, ngụy quyền”, “cúc cung tận tụy”, “chó săn”, “ăn bơ thừa, sữa cặn” vv. họ chưa thấy đủ, họ còn buộc chúng tôi phải tự miệng mình thốt ra những tiếng “đái”, “ỉa” họ mới thấy hả dạ.  Dĩ nhiên, họ không dùng những tiếng “dơ bẩn” đó cho chính họ, mà dùng những tiếng “sạch sẽ “ hơn! Thật vậy, không lâu sau đó, khi tôi cùng vài bạn tù khác được lệnh ra khu doanh trại của đám cai tù để chạy dây điện, tôi đọc thấy những cái bảng viết rất đúng chính tả và dùng chữ cũng sạch hơn: “Chỗ tiêu”, “Chỗ tiểu”.  Đúng là ngôn ngữ cũng mang tính chất giai cấp. Hay nói rõ hơn, họ độc hiểm đến độ nhiều người trong chúng ta không nhìn ra nỗi!

Quyển tự điển nói trên (trang 1659) cũng định nghĩa yellow là cowardly (hèn); craven (nhát).  Một quyển tự điển lớn khác (Webster’s New Universal Unbridged Dictionary, Deluxe, Second Edition, 1985, trang 2118) định nghĩa yellow là cowardly (hèn); untrustworthy (không đáng tin cậy); lacking courage (thiếu can đảm).  Tôi cũng cảm thấy hiểu “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” theo những định nghĩa này thì cũng còn đáng nghi ngờ.   Trong cả hai định nghĩa này, yellow được xem là một từ không trang trọng (informal, colloquialism).

Có thể nguồn gốc của những từ được xem là dịch này phát xuất từ châu Âu chăng? Quyển tự điển The Dictionary of Phrase and Fable xuất bản năm 1975, tr. 1317-18, cho biết như sau: “Ở  Pháp những cánh cửa của nhà những kẻ phản bội được sơn hay phủ giấy màu vàng. Trong vài quốc gia, luật bắt buộc người Do Thái phải mặc quần áo màu vàng, bởi vì họ đã phản bội Chúa.  Juda trong các bức tranh thời Trung Cổ mặc màu vàng.“ Ấn bản 1975 này là bản in lại từ ấn  bản được hiệu đính năm 1894 mà thủa đó đã bán đến 100.000 quyển.  Còn bản đầu tiên ra đời năm 1870.Tác giả là nhà biên khảo là Rev. E. Cobham Brewer, LL.D., vốn là một nhà giáo.

Theo thiển ý, hai chữ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có thể xuất phát từ điển tích này. Nói rõ hơn: Màu vàng chỉ sự phản bội.  “Bên thắng cuộc” gọi chúng ta là những kẻ phản bội.  Chúng ta có nên tự nhận mình là những kẻ phản bội chăng?

Tóm lại, qua những giả thuyết trên, màu vàng được sử dụng để để nói xấu, để chê bai, để bài bác vv. chứ không có gì nên thơ (như lá vàng rơi!) hay phảng phất màu quốc kỳ VNCH cả như nhiều người đã nghĩ.  Trước 1975 ở Miền Nam, tuyệt đối không thấy hai cụm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng.” Tiếc thay, tác giả của các nhóm từ “nhạc vàng” và “công đoàn vàng” có thể đã không còn sống nữa để cho biết mình dịch từ đâu. Nhiệm vụ lịch sử của các dịch giả đó đã hoàn thành tốt đẹp rồi!

Là kẻ bại trận trong một cuộc chiến tranh mà mình luôn nghĩ là mình có lý tưởng, biết rõ có chiến tuyến, thì cũng như nhiều bạn tù khác, tôi chấp nhận số phận hẩm hiu của mình: yếu nên thua, thua thì bị tù; ở tù thì bị khinh khi, hành hạ.  Đó là chuyện không có gì khó hiểu.

 Nhưng giờ đây, thật tình tôi cảm thấy không vui khi có nhiều người mà tôi thật tình nghĩ chỉ vì họ vô tâm, thiếu hiểu biết nên mới hân hoan đón nhận những thứ  độc hại mà “bên thắng cuộc”  đã khéo léo văn hoa sử dụng, rồi lại dùng phương tiện và uy tín sẵn có của mình mà ồn ào phổ biến cùng khắp qua các phương tiện truyền thông.  Khốn nỗi, độc giả và khán thính giả lại ngưỡng mộ và tin cậy họ.  Đó mới là điều nguy hiểm, rất đáng lo ngại. Xin mọi người hãy nghĩ lại! Nhưng thôi.  Đây cũng chỉ là một giả thuyết bên cạnh những giả thuyết khác!  Chứng minh đúng hay sai, xin tùy quý độc giả xét định.

Và trước khi chấm dứt mấy chuyện lạm bàn lẩm cẩm này, người viết thành thực xin quý độc giả thông cảm cho cái thói quen lắm lời và hay nhìn lỗi phải của ngưòi khác, một thói xấu dễ làm cho người khác khó chịu.  Xin quý vị tha thứ cho một nhà giáo vốn không được đào tạo chuyên nghiệp mà lại kiếm sống khá nhiều năm bằng cách “bán cháo phổi” từ khi còn học, và sau khi tốt nghiệp Cao Học (dạy Sử Địa ở Trung Học, kèm trẻ tại gia đủ thứ môn); dạy Kinh Tế ở vài Đại Học tư khi ở Mỹ về; đạp xe cọc cạch đi dạy Anh Văn trên khắp hang cùng ngõ hẻm ở Saigon sau khi ở tù 5 năm ra vv)!   Một lần nữa, xin quý vị lượng thứ.  Xin đa tạ!

Lê Văn Bỉnh

Virginia, Tháng 10 Năm 2017

Visits: 689

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *