Nếu Muốn Gửi Về

Thơ Trần Văn Lương

Dạo:

Người ơi, nếu muốn gửi về,

Thì xin gửi những gì quê hương cần.

Nếu Muốn Gửi Về

 

Hỡi người bạn vượt biên từ năm ấy,

Được Trời thương cho trẩy bước tới nơi,

Tạ ơn người dù đang sống thảnh thơi,

Vẫn nhớ đến những mảnh đời kẹt lại.

 

Bạn bối rối, ngập ngừng, băn khoăn mãi,

Muốn hỏi tôi, nếu hải ngoại có lòng,

Phải gửi gì về để giúp non sông,

Tôi xin được có đôi dòng suy nghĩ.

                        ***

Xin đừng gửi về những đồ xa xỉ,

Những món hàng mang hiệu Ý, hiệu Tây,

Người dân đen ăn không đủ mỗi ngày,

Làm sao dám mơ mòng hay ngấm nghé.

 

Xin đừng gửi về bên đây ngoại tệ,

Sẽ vào tay bọn đồ tể bưng biền,

Còn dân đen chỉ được phép dùng tiền

Mà bọn chúng có quyền in tùy tiện.

 

Xin đừng gửi những “phái đoàn từ thiện”,

Ồn ào về “ban phúc”, tiện mua danh,

Chỉ béo cho lũ giặc có quyền hành,

Vì có kẻ nuôi dân lành thay chúng.

 

Xin đừng gửi lũ con buôn lợi dụng,

Đem đô la về lũng đoạn thị trường,

Làm giàu cùng đám cán bộ bất lương,

Mặc dân Việt trơ xương nằm ngắc ngoải.

 

Xin đừng gửi bầy “xướng ca vô loại”,

Chúng giờ đây ở hải ngoại hết thời,

Bèn trở về kiếm chác chút tiền tươi,

Nên nịnh nọt, nói những lời trâng tráo.

 

Xin đừng gửi nhóm người ham danh hão,

Được bạo quyền bốc láo tận trời cao,

Nên quay về, quên khổ nhục năm nao,

Ra mắt sách xong ồn ào họp báo.

 

Xin đừng gửi những tấm thân già lão,

Lận tiền còm, diện áo gấm xênh xang,

Về cả đàn tìm cưới dọc cưới ngang

Những thiếu nữ tuổi đáng hàng con cháu.

                                ***

Nhưng hãy gửi điều bạo quyền muốn giấu,

Để toàn dân được thấu hiểu rõ ràng

Ai là người làm đất mẹ tan hoang,

Ai là kẻ đã và đang bán nước.

 

Xin hãy gửi về quê hương kiến thức

Của người dân một đất nước tự do,

Biết đòi quyền được hạnh phúc ấm no,

Giúp vạch mặt bầy Cộng nô ác đức.

 

Nhưng trên hết xin gửi về tin tức,

Mà chúng tôi hằng háo hức muốn nghe:

– Rằng những người đang vất vưởng xa quê,

Vẫn còn giữ lời thề khi bỏ xứ;

 

– Rằng tuy sống nương nhờ nơi lữ thứ,

Lá Cờ Vàng vẫn rạng rỡ tung bay,

Vẫn được người tỵ nạn giữ trên tay,

Khắp các chốn vẫn đêm ngày hiện diện;

 

– Rằng khi có những chương trình thắp nến,

Dù xa xôi người vẫn đến thật đông,

Muôn câu ca, vạn ánh lửa một lòng,

Cùng nhớ tới thời biển Đông lận đận;

 

– Rằng đời sống dù muôn ngàn thứ bận,

Chẳng ai quên ngày Quốc Hận đau thương,

Người mang danh tỵ nạn vẫn xuống đường

Điểm mặt lũ gây nên trường đại họa;

 

– Rằng người Việt vẫn giữ gìn văn hóa,

Dù đêm ngày vất vả nẻo tha phương,

Vẫn không hề quên truyền thống quê hương,

Vẫn hành động đúng luân thường đạo lý;

 

– Rằng tiếng Việt được bảo tồn thật kỹ,

Không học đòi lũ khỉ ở bên kia,

Cứ “từ” này, “cụm từ” nọ tía lia,

Hết “tản mạn” lại “cực kỳ” “bức xúc”;

 

– Rằng ngọn lửa vẫn được truyền liên tục

Trong chương trình giáo dục thế hệ sau,

Để con em biết được bởi vì đâu

Cha mẹ chúng phải ôm sầu ly biệt;

 

– Rằng đất khách, người lưu vong gốc Việt,

Bao năm rồi vẫn đoàn kết trước sau,

Chẳng bao giờ khích bác tấn công nhau,

Chung vai gánh nỗi buồn đau mất nước.

                             ***

Nhưng chua xót, đó chỉ là mơ ước,

Những điều này thực tế được bao nhiêu.

Lòng người nay đã thay đổi quá nhiều,

Vì danh lợi nên sớm chiều trở mặt.

 

Dân trong nước thờ ơ không thắc mắc,

Kẻ ngoài về rặt nhắm mắt ăn chơi.

Đâu phải chỉ tại Trời,

Mà nước mất vào tay loài dị tộc.

Trần Văn Lương (CH8)

Cali, mùa Quốc Hận 2020

 

Visits: 83

Posted in sang tac, tho.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *