Vợ Vắng Nhà Và Chuyện Nàng Hoa Phượng       

Truyện vui Phạm Thành Châu

Có một triết gia đã nói một câu mà quí ông rất thích “Người đàn ông có hai lần hạnh phúc. Lúc cưới vợ và lúc trở lại thành độc thân” Vì sao? Vì vợ nói nhiều quá và bị (phải) ăn các thứ vợ nấu. Vợ nói nhiều xảy ra từ thời con người còn ăn lông, ở hang. Đàn ông muốn săn thú rừng phải im lặng. Gây tiếng động thì con thú chạy mất! Trong lúc quí bà, trong hang đá “Tùng tam tụ ngũ”, chuyện trò với nhau, chờ chồng đem thịt rừng về nhậu. Đó là xét theo khảo cổ học. Theo nghiên cứu khoa học, thì trường y khoa Indiana ở Indianapolis cho biết, đàn ông chỉ dùng nửa bán cầu não, có tên là Temporal Lobe để nghe và nói. Các bà thì dùng cả hai bán cầu não. Bởi thế các bà học ngoại ngữ rất tài và có thể nói suốt ngày đêm không mỏi miệng. Còn theo thống kê thì mỗi ngày, quí ông, trung bình, nói hai nghìn (2,000) tiếng. Quí bà nói năm nghìn (5,000) tiếng. Đa số là để la lối với chồng con và “Thế hả?” với các bà bạn trên điện thoại. Đức Khổng Phu Tử kính mến đã nhiều lần thở dài mà rằng “Ba bà thành cái chợ!” Có ông kia, đi uống cà phê với bạn, báo tin.

– Tôi sắp li dị vợ.

Hỏi vì sao? Ông ta thở dài.

– Nó không hề mở miệng nói với tôi lời nào!

Các ông cười, chế nhạo.

– Xạo hoài! Liên Hiệp Quốc vừa công bố: Sinh vật quí hiếm (người vợ ít nói) đó đã tuyệt chủng từ lâu rồi!

Ông khác thì theo năn nỉ.

– Ông muốn vợ nói nhiều thì đổi vợ cho tôi đi. Vợ tôi nói nhiều quá. Chịu hết nỗi. Khi ngủ nó cũng “mớ”, miệng lảm nhảm suốt đêm.

–  OK! Đổi thì đổi, nhưng không được trả lại.

Một ông khác khoe.

– Tôi có cách làm bà vợ hết nói. Để tôi kể cho quí vị nghe. Vợ tôi cũng nói cả ngày lẫn đêm. Một buổi tối, lên giường, tôi nói. “Em chiều anh đêm nay,được không?” Nàng hỏi. “Trong bao lâu?” Tôi nói “ Suốt đêm nay” Nàng hỏi “Sao bữa nay hăng quá vậy?” Tôi nói “Em cứ nhắm mắt ngủ. Đừng nói gì hết! Chuyện đó để anh lo” Nàng vui vẻ nhắm mắt ngủ (trong thế chờ!). Tôi cũng ngủ một giấc đến gần sáng thì thức dậy sửa soạn đi làm. Nàng chợt thức giấc, ngạc nhiên và giận dữ. Nói “Suốt đêm ông ngủ khò. Bắt tôi đi ngủ sớm mà có làm gì đâu? Bây giờ, dậy sớm để chạy làng phải không?” Tôi nói “Anh cần em chiều anh, là đi ngủ sớm, đừng nói gì cả để anh ngủ yên, lấy sức, sáng nay đi làm sớm”

Mấy ông gật gù.

– Hay. Hay! Rồi sao nữa?

– Thì nàng níu áo, bắt đền. Tôi “phải trả nợ quỉ thần”, lại đi làm trễ giờ.

Đọc đến đây, làm gì cũng có bà tức giận.

– Bộ các ông không nói nhiều sao?

– Xin thưa quí bà. Có ạ! Đó là cố đồng chí chủ tịch Phidel Castro của nước Cuba, từng đọc một bài diễn văn dài hơn 3 tiếng đồng hồ trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.. Và mới đây thôi đồng chí Kim Jong Un chủ tịch Bắc Hàn, thay vì đọc lời chúc Tết đầu năm 01-01-2020, đồng chí Un kính mến họp Hội Nghị Quân Ủy Trung Ương Mở Rộng, đã đọc một bài diễn văn dài bảy (7) tiếng đồng hồ. Đồng chí nào ngồi nghe mà ngáp hoặc ngủ gục thì tức khắc bị lôi ra, cho đi tàu suốt, ra nghĩa trang buồn, nằm nghe dế kêu.

Quí bà lắm lời trong nhà là chuyện bình thường. Vậy chứ có bà nào nói nhiều trước công chúng không? Nhiều lắm! Điển hình như tờ Spunik cho tin. Ngày 01 tháng 2 năm 2020, bà Bộ trưởng Tài chính Sithraman phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ dài 2 giờ, 38 phút khiến các ông nghị sĩ ngáp dài vì quá ngán.

Vợ hắn thì hơn các bà khác. Vừa nói vừa nạt vừa đánh chồng. Đi làm về, đã thấy nàng đứng chống nạnh với cái chổi lông gà.

– Ông nhìn đồng hồ coi! Giờ nầy mới mò về. Theo con đĩ chó nào mà về trễ cả nửa giờ? Đừng nói kẹt xe với tôi.

Và nàng vung cái chổi lông gà lên. Chỉ một cái lắc mình, hắn đã đứng xa nàng hai trượng, vòng tay thủ lễ.

– Tiểu nhân có điều gì thất thố, xin phu nhân lượng thứ!

Nàng bậm môi, tung chổi, tấn công liền. Hắn lùi lại.

– Tiểu nhân đi đây!

Rồi dùng thuật phi hành phóng chạy. Nàng ì ạch, như con vịt bầu, đuổi theo, miệng nheo nhéo.

– Đồ đàn ông mất nết. Có giỏi thi đứng lại!

Hắn chạy quanh nhà, nàng nổi xùng (ì ạch) đuổi tiếp. Vợ hắn hơi nặng cân, cỡ một tạ (100 kí lô). Bác sĩ bảo nàng phải chạy bộ mới bớt mập. Nàng hỏi.

– Tôi rượt ông xã tôi, có được không, bác sĩ?

Ông bác sĩ gật gù.

– Hai ông bà cùng chạy thì tốt quá, nhưng coi chừng, ông ta chạy luôn đến nhà bà khác thì phiền.

Hắn rất muốn giúp nàng giảm cân nên hắn chạy trước, nàng đuổi theo quanh nhà. Được một năm thì kết quả thật đáng kinh ngạc: Nàng sụt mất một nghìn (1,000) milligrams! Một lý do khác để nàng có dịp rượt đánh hắn, là vì hắn có máu dê. Ra đường, thấy người đẹp đưa ngực, đưa đùi, là hắn nhìn sửng “Bước đi rồi, con mắt còn có đuôi…” Nàng giận tím mặt. Về nhà, mới bước xuống xe, là nàng dùng hai ngón tay, kẹp miếng thịt bên hông hắn, vặn tréo, miệng đay nghiến.

– Tật dê không chừa! Tôi hỏi ông. Tôi khác mấy con chó cái đó chỗ nào mà ông nhìn muốn rớt con ngươi? Khác chỗ nào? Hả? Nói mau!

Hắn nói.

– Khác nhiều chỗ lắm!

Rồi tuông chạy, nàng lại rượt hắn.

Một lần khác, hắn đưa vợ đi chợ. Thông thường, hắn đẩy xe theo sau vợ. Vợ hắn muốn mua gì thì bốc bỏ vô xe. Hắn bỗng thấy một nàng đi vào chợ với đôi gò bồng đảo to, để lộ một nửa đồi ngực trắng hồng như hai trái bưởi (đã lột vỏ). Hắn như người mất hồn, đẩy xe theo cô ta đễ nhỉn trộm cái ngực bự, quên cả thế gian. Vợ hắn quay lại không thấy chồng, đi tìm, thấy hắn đứng nhìn sửng ngực người đẹp. Nàng kéo tai hắn, lôi đi. Về nhà, nàng đóng cửa lại, bắt hắn nằm sấp xuống xô pha, trở cán chổi lông gà. Vừa nhịp trên mông hắn vài cái là hắn đã mếu máo khóc như em bé. Vợ hắn tức cười nhưng làm nghiêm.

– Uả! Biết tội gì chưa? Đã đánh đâu mà khóc? Nín ngay! Tại sao thấy con đàn bà nào có ngực bự là ông cứ theo nhìn mê man, quên cả vợ con?

Hắn trả lời.

– Ngực nhỏ, nhà mình có rồi!

Nói xong hắn lại vùng dậy, tung cửa chạy ra đường.

Một hôm, nàng bảo hắn đi mua vé máy bay để nàng về Việt Nam thăm các dì của mấy cháu. Hắn hỏi.

– Em đi mấy ngày?

Nàng đáp.

– Một tháng!

Hắn tưởng mình đang nằm mơ, thấy Bụt hiện ra nói với hắn, (như trong truyên cổ tích) “Ta nói thế là để thử lòng nhà ngươi đấy thôi!” Nhưng đó là sự thật, không phải là giấc mơ. Hắn vội chạy đi mua vé máy bay, sợ nàng đổi ý thì mất vui. Hắn về, đưa vé máy bay cho nàng, mặt buồn thiu, cất tiếng hát “Em đi rồi… còn ai vuốt tóc tôi?” Hắn có tâm hồn nghệ sĩ, thi ca, hò, vè, hắn đều xuất sắc, Gặp chuyện gì hắn cũng có thể cất tiếng, hát hoặc ư ử ngâm vài câu thơ, nghe (rất) vừa dở vừa vô duyên. Lần nầy, hắn đóng kịch quá tệ, bị nàng lột mặt nạ.

– Đừng có vờ vịt. Tôi chưa lên máy bay là ông đã chạy theo mấy con “chó cái” đó rồi. Liệu cái thần hồn! Lạng quạng, tôi thiến tận gốc cho biết thân.

Hắn hát tiếp “Ngày mai em đi, ngày tháng bơ vơ đợi chờ…” Nàng không thèm cười, vớ lấy cái chổi lông gà. Thế là nàng lại rượt hắn.

Vợ vắng nhà. Đó là chân hạnh phúc. Vì sao? Vì không phải nhìn thấy mặt vợ. Có lần, vợ hắn trang điểm, diện áo quần đẹp, ẹo qua, ẹo lại trước gương soi, làm bộ thở dài để hắn chú ý và  khen nàng đẹp.

– Thỉnh thoảng, soi gương, thấy mình già và xấu quá! Thiệt, chán hết sức!

Hắn đồng tình ngay.

– Đúng vậy! Em thì thỉnh thoảng mới soi gương nhìn dung nhan mình. Còn anh thì ngày nào, giờ nào cũng nhìn thấy em. Chỉ muốn nhảy sông chết quách!

Nàng co chân, rút chiếc giày, ném vào người hắn rồi vớ lấy cái chổi lông gà. Hắn lại tuông chạy. Nàng, bước thấp, bước cao (một chân không giày), vừa rượt hắn vừa khóc hu, hu!. Hắn phải quay lại, ôm vợ, xin lỗi ríu rít.

– Sorry! Em đẹp nhất thế gian. Mấy con hoa hậu thế giới, so với em, là đồ bỏ!

Hạnh phúc thứ hai khi vợ vắng nhà là không phải ăn các món vợ nấu. Nhiều ông chồng, đôi khi, để làm vui lòng vợ, khen một món nào đó do vợ nấu. Chớ chơi dại! Vợ sẽ nấu mãi món đó, chồng ăn mãi món đó. Ăn tới “lòi cuống họng!”. Vừa rồi, đầu năm 2020, một đại họa giáng xuống thế gian, người chết như rạ. Đó là nàng Covid-19 hạ sơn, giết mấy triệu người. Chính phủ các nước vội ra lịnh “Cách ly” Ai ở nhà nấy. Văn phòng, xí nghiệp, nhà hàng… đóng cửa. “Nhàn cư vi bất thiện”, các bà nghĩ đến trò nấu nướng. Các bà sưu tầm cách nấu các món ăn, càng kỳ lạ càng hấp dẫn. Bà nầy nấu xong, dọn ra, chụp hình gửi cho các bà khác. Các bà trầm trồ “Chị nấu cách nào? Chỉ cho em với!” Rồi bắt chồng đi chợ (các bà không dám đi, sợ lây bịnh Covid-19, để chồng đi chợ, rủi có chết thì mình còn có dịp lên xe hoa lần nữa) Các bà lại hì hục nấu nướng, rồi lại chụp hình, gửi các chiến hữu, sau đó bắt ông chồng ăn, làm “vật thí nghiệm” (Rủi có trúng độc mà chết thì cũng đúng như “Lời nguyện cầu” của quí bà). Trong tám cái khổ của lũ đàn ông, có “Tắng oán hội” khổ. Nghĩa là đau khổ khi phải sống với (ai đó) mà mình không ưa. cái khổ thứ hai là “Cầu bất đắc” khổ. Nghĩa là muốn chết quách để khỏi phải nhìn thấy “người kia” mà không chết được, cũng là khổ. Có ông nọ, lúc sắp đưọc nằm ngủ trong lòng chị “Sáu… Tấm” có mấy lời trăn trối với vợ.

– Khi tôi chết, “Đừng quăng tôi ra biển”(nhại thơ Mr. Lê), bà cũng đừng nấu nướng gì cả. Cứ ra “tiệm cơm chỉ” (bán thức ăn nấu sẵn, thích món nào, chỉ món đó) mua về cúng tôi.

Bà vợ hỏi.

– Ông nói tôi nghe. Tại sao?

Ông chồng thều thào.

– Các món bà nấu, tôi “bị” ăn suốt mấy chục năm, ngán đến tận cổ. Tôi chết bà lại nấu cúng tôi, chỉ ngửi thấy mùi, tôi đã khiếp vía, không dám hưởng, sẽ thành ma đói, không siêu thoát được.

Bà vợ đay nghiến.

– Tôi sẽ chết theo để nấu cho ông ăn.

Ông chồng thất kinh.

– Tôi lạy bà. Để tôi đi một mình.

Nói xong, thở hắt ra, linh hồn “cấp tốc” phóng chạy vào hư không. (Như những chuyện tôi đã kể trước đây. Nhiều ông, trước giờ lâm chung cũng đã lạy “giả từ” vợ kiểu đó)

Trở lại chuyện vợ hắn về Việt Nam. Trên đường đưa nàng đến phi trường, hắn lại hát nho nhỏ “Người ơi! Chốn xa xăm biết người nhớ tôi những gì?…” Mặt lạnh tanh, nàng nói “Xạo đủ rồi!”. Hắn cười hề hề rồi liếc nhìn gương mặt hầm hầm của nàng để biết chắc gương mặt ‘đáng yêu’ đó sẽ không hiện diện trong cuộc đời hắn trong một tháng. Sau khi nàng lên máy bay, hắn ‘lưu luyến’ đứng nhìn chiếc máy bay (có nàng trong đó) lên cao dần cho đến khi chỉ còn là một chấm nhỏ, khuất vào trong mây trời, hắn mới tát vào mặt mình mấy cái, để biết chắc mình không nằm mơ, rồi ngâm nga “Vợ đi! Ừ nhỉ, vợ đi thực. Nàng giờ đây ở trên máy bay. Nàng giờ đây nhỏ như hạt bụi. Ta giờ đây, phải nhậu cho say…” Và hắn reo lên “Ha ha! Không thấy mặt vợ đến một tháng luôn!” Rồi nhảy chân sáo, ra xe, mở chai ‘Thằng Johny đi bộ’ (Johny Walker, đã mua, giấu kỹ cho giờ phút nầy), tì tì từng ngụm, mắt ngước nhìn mấy cánh chim đang lướt trên bầu trời xanh bao la, để suy ngẫm và thưởng thức hai chữ Tự Do. Hắn cứ ngồi lơ tơ mơ như thế cho đến khi dã rượu, hắn lái xe về mà cứ hồi hộp, lo lắng, không hiểu, vợ còn ở nhà hay đã về Việt Nam? Ngay đêm đầu tiên, nằm ngủ trên giường, thỉnh thoảng hắn quờ quạng khắp giường, thấy trống vắng, biết chắc vợ không nằm bên cạnh, hắn mỉm cười, chìm vào giấc ngủ (cô đơn!).

VÀ CHUYỆN NÀNG HOA PHƯỢNG 

Sáng hôm sau, trước khi đi làm, hắn móc điện thoại.

– A lô! Em Hoa Phượng đó hả? Anh Ba đây!

– Anh Ba nào vậy?

– Anh Ba Trợn đây!

– Dạ. Chào anh Ba Trợn. Em Hoa Phượng nghe anh đây!

– Trưa nay, giờ lunch (nghỉ ăn trưa) mình ra chợ Eden (tiểu bang VA) kiếm gì ăn?

– Dạ. Cám ơn anh. Khoảng mười hai giờ. Em sẽ ra với anh.

Nàng Hoa Phượng nầy là một trong các cô bạn rất thân của hắn, nhưng tình bạn còn rất trong sáng, không như các cô, bà khác (đã hết trong sáng). Sau khi chào hỏi, ngồi vào bàn, hắn làm bộ ngạc nhiên nói với người đẹp.

– Em là ảo thuật gia tài ba nhất ở đây.

Nàng cảnh giác.

– Em có ảo, iếc gì đâu?

– Em làm cách nào mà chung quanh đây anh chẳng thấy ai. Chỉ thấy mình em!

Rồi hắn cất giọng vịt đực hát “… Và hỏi tại sao thế giới đông người anh chỉ thấy riêng em?”

Cô bậm môi rồi nhìn hắn phì cười.

– Miệng ông dẻo như kẹo mạch nha!

Đàn ông có tật xấu là thấy đàn bà, con gái là cứ lỏ mắt nhìn mấy điểm chiến lược của người ta. Vì tò mò chứ chẳng ham muốn gì. Chỉ cần thoáng qua, các ông biết ngay hai quả đào tiên là thật hay ‘made in China’, quả cam hay trái mướp. Sách Thiên Mệnh Kinh (Tàu) có câu “Thiếu nữ như trái nho tươi, nạ dòng như trái nho khô!”. Quí bà mặc quần đùi ra đường là các ông nhìn chăm chăm, chẳng phải chiêm ngưỡng mà vì tò mò, xem đùi nàng có mấy con trùn (nổi gân xanh). Các bà, các cô biết “tật” của các ông là cứ nửa kín, nửa hở các ông mới lỏ mắt nhìn mê mẩn chứ mấy cô gái sắc tộc để ngực trần hay ở các bãi biển, người ta mặc hai mảnh tí xíu, các ông đâu thèm nhìn? Mà cũng chẳng có gì tội lỗi vì các bà cũng cần các ông ngắm nghía. Mình có đẹp, có hấp dẫn người ta mới ngắm nhìn. Bị ngó lơ mới đáng tủi thân. Nhưng xin quí ông đừng nhìn “nham nhở” quá khiến quí bà “nhột”. Trước khi đi đâu, quí cô, quí bà bỏ hàng giờ để trang điểm, lựa chọn áo quần để làm gì? Để “khoe” với các ông. Trên đời nầy mà không có đàn ông thì quí bà hoặc trùm kín mít như bên Ả Rập hoặc chẳng thèm mặc áo quần làm gì cho mất thì giờ. Cứ “vườn không, nhà trống” mà thổn thệnh ngoài đường “Cho gió mát cái bàn chân, cho gió mát cái cùi tay…” Ở bên Âu Châu có hội khỏa thân, ra bãi biển, chẳng ai thèm nhìn ai. Các bà, các cô không mặc áo quần thì cũng giống như con chim công, con chim phượng hoàng bị vặt trụi lông, chẳng biết đẹp ở chỗ nào?

Trở lại chuyện cậu Ba Trợn. Nàng Hoa Phượng ngồi trước mặt, trang phục lịch sự, kín đáo, chỉ dưới cổ, để trần một chút ngực trắng nuốt, mà mắt hắn cứ láo liên, nhìn trộm. Đàn bà nhạy cảm với đôi mắt đàn ông về mấy vụ nầy. Nàng biết, mỉm cười hỏi.

– Âm mưu gì đây? Không hi vọng gì đâu!

Bị lộ tẩy, hắn làm bộ rầu rỉ.

– Vui sướng gì! Vợ về Việt Nam…

Nàng ngạc nhiên.

– Anh mà cũng nhớ vợ?

– Không phải. Vợ anh về Việt Nam, đem luôn chìa khóa cửa. Tối nay không biết ngủ đâu!

Nàng lại cười.

– Thì ngủ khách sạn. Nhà em đông người lắm.

Đó là cách hắn “thả thính” dọ đường, mục đích cho người đẹp hiểu ý. Nếu nàng “lơ lửng” thì sẽ có chút hi vọng. Nghe trả lời như thế, hắn ngỡ mình sắp được ôm nàng Hoa Phượng trong vòng tay. Không ngờ, nàng cảnh giác, mấy lần sau, hắn mời nàng đi ăn thì bị từ chối thẳng thừng. Nàng chỉ đồng ý cho gặp trên điện thoại mươi phút thôi. Thấy nàng quyết liệt, mà một tuần đã trôi qua, hắn sốt ruột, đổi chiến thuật. Hắn khen nàng đẹp trên điện thoại. Khen từ mái tóc, gương mặt, đôi mắt cho đến hình dáng. Dĩ nhiên hắn phải khen đúng để nàng soi gương, mỉm cười và hài lòng. Đàn bà, con gái có chỗ yếu là được ai khen thì có cảm tình với người đó. Hắn thêm một bước nữa. Hắn tỉ tê rằng nhớ nàng, mong được gặp mặt cho đỡ nhớ. Nàng không trả lời, có lẽ còn đắn đo. Hắn biết, không lẽ nàng “Ừ!” ngay. Và hắn chờ đợi.

Một buổi chiều mùa thu, trời mưa lất phất và lạnh. Cảnh nầy làm các cô hơi lớn tuổi, độc thân, buồn ghê lắm. Không có nỗi buồn nào bằng nỗi buồn cô đơn! Nàng Hoa Phượng gọi cho hắn.

– Em đi công chuyện, ngang nhà anh, em sẽ ghé thăm, độ năm phút thôi. Vì chuyện gấp nên em đến thăm anh là đi liền.

– Em có thể đến sớm, để chuyện trò lâu một chút? Cả tháng (xạo!) nay, em có cho anh gặp đâu!

Im lặng. Một phút sau.

– Bảy giờ em đến, bảy rưỡi em đi.

Ôi chà chà! Nửa giờ! Rõ ràng là nàng Hoa Phượng đã phó mặc số phận đẩy đưa, đến bến bờ nào cũng… OK!.

Hắn đi nấu trà, đem bộ đồ trà chưng trong tủ búp-phê ra, để trên bàn khách cho thêm phần long trọng. Nàng Hoa Phượng đến, hắn mở cửa mời vào. Nàng ngồi đối diện. Hắn rót trà mời. Trong ánh đèn mờ, hắn thấy trang phục nàng sang trọng, son phấn cẩn thận, chứng tỏ nàng  có đi đâu đó thật chứ không phịa chuyện để đến gặp hắn. Coi bộ gay go đây! Các bậc thức giả  có câu “Tri hành hợp nhất” nghĩa là khi ‘biết’ đối tượng muốn gì thì mình phải làm sao cho đương sự ‘hợp ý nhất’. Nhưng nàng có ý nghĩ giống như hắn không? Chợt nàng xem đồng hồ tay. Hắn thử đoán, nàng sốt ruột, muốn đi công chuyện hay muốn nói với hắn “Coi chừng hết giờ!”? Trò chuyện thêm mấy câu nữa, nàng nói.

– Thôi, em về!

Hắn cũng nói.

– Anh cũng đi công chuyện ngay bây giờ. Để anh tắt đèn!

Hắn đứng lên, tắt đèn. Tối thui!

Tôi, (người kể chuyện nầy) chưng hửng! Mà quí bạn đọc cũng chán nản “Tưởng gì gay cấn sắp xẩy ra. Mất công theo dõi nãy giờ!” Mà tôi có muốn kể tiếp, tả tình, tả cảnh cũng chẳng thấy gì. Tối mò mò!  Vả lại, họ sắp rời nhà, ra xe. Nhưng khoan. Xin lắng nghe. Trong bóng tối dày đặc, có tiếng nàng Hoa Phượng.

– Chìa khóa xe em đâu rồi?

– Anh đang giữ đây.

– Cho em, để em về.

– Cho anh hôn, anh đưa chìa khóa.

Yên lặng…

– Để em về!

Có tiếng rù rì của hắn, nghe không rõ nhưng đoán chừng hắn đang tỉ tê gì đấy với người đẹp. Nàng Hoa Phượng, giọng miễn cưỡng.

– Để em về kẻo trễ.

Lại tiếng thì thầm. Nàng cũng thì thầm.

– Đừng anh! Đừng làm em sợ!…

Rồi thì, tất cả rơi vào im lặng. Sự im lặng đáng sợ! Thưa quí bạn đọc kính mến. Quí bạn thử đoán xem chuyện gì đang xảy ra trong căn phòng tối om kia? Tôi thú thật, chịu thua! Trong nhà mà bị mất điện thì thành người mù, chả thấy đường mà làm việc gì!

Thời gian như ngừng trôi. Bỗng (trong bóng tối) có tiếng cười rúc rich.

– Anh là đồ ‘quỉ xứ!’. Làm người ta sợ muốn chết. Lần sau em không dám đến thăm anh nữa đâu!

Hắn cất tiếng hát “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Hết rồi còn chi đâu em ơi!”.

Có tiếng đập lưng hắn thình thịch

– Hết rồi thì đưa chìa khóa xe cho ngưòi ta về. Mở đèn lên. Quần áo xốc xếch hết cả rồi nè!

Đọc chuyện nầy, xin quí bà đừng trách rằng “Lũ đàn ông các ông như gậy thằng mù, chỗ nào cũng thọt được!” Xin thưa rằng. Bản tính đàn ông vốn tò mò mà người nữ lại là một sinh vật bí ẩn. Càng huyền bí, mơ hồ càng khiến lũ đàn ông say mê theo đuổi, khám phá. Ai lên mặt trăng. Quí ông. Ai đã cắm cờ trên đỉnh Everest? Cũng quí ông. Ai đã tìm ra Châu Mỹ? Cũng quí ông. Ai là chồng của quí bà? Cũng quí ông. Thế nên, thưa quí cô chưa chồng, quí bà độc thân, xin hãy thông cảm cho nàng Hoa Phượng cô đơn của hắn.

Phạm Thành Châu

Views: 152

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *