Nguyễn Bá Lộc
Trong lãnh vực kinh tế xã hội, VNCS vi phạm nhân quyền rất trầm trọng và không suy giảm trong thời gian gần đây. Hai vấn nạn nghiêm trọng của nhân quyền về mặt kinh tế xã hội là quyền công nhân và tham nhũng. Hậu quả của hai vấn nạn nầy có liên hệ chặc chẽ đến đời sống vật chất và tinh thần của mỗi người dân và của cộng đồng quốc gia. Đây là vấn đề rất rộng lớn, tôi chỉ nêu ra ở đây khía cạnh pháp lý và sự thực thi luật pháp VNCS trong thời gian gần đây của vấn đề nầy.
Mặt khác, quyền công nhân và tham nhũng còn là hai trong những điều kiện bắt buộc qui định trong các hiệp định mậu dịch quốc tế thuộc loại mới , có tầm mức rất quan trọng mà VN cam kết và thực hiện trong năm 2020 và 2021, vì hội nhập kinh tế toàn cầu là con đường ưu tiên số một của VN để phát triển kinh tế.
Mục đích và vai trò của luật pháp CS là để bảo vệ đảng và ổn định đảng, chớ không phải là giúp cho người dân và xã hội được an toàn, công bằng và phát triển. Cho nên luật pháp XHCN có nhiều khác biệt và mập mờ từ việc làm luật lệ tới việc thi hành luật.
Dưới đây là tóm tắt vài khía cạnh luật pháp VN về hai vấn đề công đoàn và tham nhũng.
I. LUẬT LỆ VỀ CÔNG ĐOÀN
1. Sự thay đổi và cải sửa Luật Lao Động 2019
Luật Lao động VN , từ hàng chục năm trước có rất nhiều khuyết điểm và không giống với luật tại nhiều nước có dân chủ tự do. Nay dưới nhiều áp lực quốc tế, luật lao động được thay đổi hồi tháng 11- 2019, và có hiệu lực từ tháng giêng – 2021. Luật gồm 17 chương và 219 điều khoản, qui định nhiều thứ và sửa đổi hay bổ sung một số điều. Trong đó có qui định về một loại công đoàn mới.
Đạo luật mới về công đoàn qui định bởi điều 170 “mọi công dân có quyền gia nhập công đoàn”. Công đoàn là một trong những quyền quan trọng của công nhân mà từ trước tới nay do đảng CS nắm giữ và điều hành phục vụ mục tiêu chánh trị của đảng. Đó là Tổng Công Đoàn Lao Động VN trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc (MTTQ). Nó không phục vụ công nhân. Chẳng những quyền lợi chánh đáng của công nhân không được bảo vệ mà CSVN còn đàn áp công nhân hay tổ chức bảo vệ công nhân dưới nhiều hình thức , trong đó có việc lạm dụng luật lệ hình sự để hù dọa và đàn áp công nhân.
Đồng thời khi ban hành Luật Lao động mới nầy, VN phê chuẩn ba điều khoản quan trọng của Công Ước Lao động thế giới (ILO) vào tháng 8-2019 mà VN có gia nhập công ước quốc tế từ nhiều năm trước. Đó là điều 87 qui định về công đoàn độc lập, nhưng tới 2023 mới có hiệu lực, điều 98 qui định về chống lao động cưỡng bức, có hiệu lực vào năm 2022, và điều 105 qui định về quyền thương lượng tập thể có hiệu lực từ 2021.
Dù có chút tiến bộ, nhưng Luật Lao động 2019 hãy còn lờ mờ, chưa đầy đủ, nhất là qua giai đoạn thực thi sẽ có khá nhiều khó khăn, và sự tranh đấu cho quyền lợi công nhân còn phải tiếp tục. Bây giờ thì còn quá sớm để có nhận xét đầy đủ về việc thi hành luật mới. Nhưng công nhân và những người hoạt động cho sự độc lập và sự chân chính của công đoàn cần theo dõi và tiếp tục tranh đấu để nó phù hợp với luật quốc tế. Đặc biệt là hai HĐ mậu dịch mà VN có ký là CPTPP (2019) và EVFTA (2020). Năm qua, VN cũng có đưa ra Nghị định 145 ngày 13-12-2020, chi tiết hóa Luật Lao Động 2019.
Theo yêu cầu và qui định bắt buộc của cả hai HĐ nói trên, VN phải thay đổi luật lao động và sự tương quan giữa luật lao động và lợi ích kinh tế quốc tế.
2. Luật về công đoàn mới còn thiếu sót và sự thực thi còn khó khăn
Liên quan tới công đoàn, có ba điểm chánh nêu lên ở đây là:
– Tính cách độc lập và tự do trong thực hiện công đoàn mới. Theo luật 2019 thì tổ chức công đoàn (Trade Union/Workers Union) được gọi là Ban đại diện công nhân (Representative of workers Organization) đ.170 .Trên nguyên tắc tại mỗi xí nghiệp, công nhân được tự do bầu Ban đại diện. Các Ban đại diện chỉ được thực hiện ở cấp cơ sở, tức là xí nghiệp. Không có nói đến Ban đại diện sẽ được tiến tới cấp cao hơn hay rộng hơn như Công đoàn, Tổng công đoàn.
Như vậy Tổng Công Đoàn Lao Động VN (TCĐ), theo luật cũ và là tổ chức của đảng vẫn còn rất mạnh. Đầu tiên là tổ chức nầy bao trùm cả nước và cả các ngành. Khi đó thì BĐD theo luật mới rất nhỏ, chỉ ở cấp cơ sở, bên cạnh một tổ chức rất lớn và được chánh quyền cung cấp tài chánh và nhân sự, như vậy BĐD làm sao có một sức mạnh khả dĩ nào để bảo vệ quyền lợi công nhân cách trung thực. Ngoài ra, tại mỗi xí nghiệp chánh quyền có thể thỏa hiệp với chủ nhân bổ nhiệm một cán bộ công đoàn, hay vẫn còn công đoàn cũ của đảng, và xung đột có thể xẩy ra. Chánh quyền lại có cơ hội chụp mũ.
Một thực tế khó khăn nữa là TCĐ thì đi từ trên xuống. Trong một số văn kiện của chánh phủ ghi “cấp cao của BĐD là thuộc cấp của TCĐ ở quận hay tỉnh (trong điều khoảng về biểu tình). Còn BĐD thì đi từ dưới lên nếu sau nầy có một Liên đoàn công nhân độc lập tương đối mạnh và chánh quyền đồng ý thì mới có thể tiến lên cấp cao.
–Vai trò và sách lược của chánh quyền. Trong chế độ độc tài toàn trị thì đảng phải nắm lực lượng công nhân. Điều nầy ai cũng biết rõ sự kềm kẹp công nhân trong hơn 50 năm qua, mà ở bên Tàu cũng vậy thôi. Vấn đề đặt ra bây giờ là, thế giới biến đổi, VN phải biến cải. Dưới áp lực của quốc tế nhất là từ các nước tự do dân chủ có đối tác với VN. VN phải thay đổi để có quyền lợi kinh tế. Lần nầy chỉ là bước đầu. Và còn nhiều điều phải cải sửa nhân quyền, tự do dân chủ. Trong đó có công đoàn độc lập.
Có một số điều chánh quyền VN hứa sẽ làm, có một số vấn đề chánh quyền nầy không dễ dàng để làm.
Những qui định chi tiết hóa, như VN hứa sẽ có văn kiện thực hiện Ban Đại Diện (BĐD) vào cuối 2020. Nhưng nay chưa thấy. Theo luật thì BĐD chỉ đăng ký. Nhưng chánh quyền Tỉnh phải được chấp thuận. Như vậy có ý là danh sách phải thông qua. Cán bộ công đoàn tại cơ sở do TLĐ phối hợp chủ nhân lựa ra và vẫn sinh hoạt. TLĐ sẽ nắm các BĐD công đoàn cơ sở như thế nào? Sẽ có những xung đột nào giữa công đoàn quốc doanh và công đoàn chân chánh?
Chánh quyền tìm cách ngăn chận các cuộc biểu tình theo luật mới. Thực sự qui định về biểu tình theo luật mới chỉ có một điểm khác là đình công do BĐD cơ sở hay Liên BĐD tổ chức, nhưng phải xin phép chánh quyền Quận hay Tỉnh cho phép mới được. Theo luật cũ thì muốn đình công phải do công đoàn thuộc TLĐ tổ chức. Và thực tế mấy chục năm không có cuộc đình công nào do TCĐ, mà tất cả đều tự phát (trên 7000 cuộc đình công trong khoảng 10 năm). Do đó các cuộc đình công đều bị giải tán. Tương lai cũng còn nhiều khó khăn vì nếu không được chánh quyền chấp thuận thi sẽ không thực hiện chánh thức được. Và do đó sẽ có nhiều xô xát, và đàn áp với công an và nhiều người bị tù.
Tiếp theo là chánh quyền VN phải có văn kiện và cho phép thành lập các Ban Tư Vấn cho công nhân theo qui định của HĐ CPTPP và EVFTA. Cho tới nay chưa thấy thực hiện. Các Hội đoàn dân sự có được quyền tham gia vào các Tổ chức này. Và qua các Tổ chức, Hội đoàn chánh thức thì có tư cách liên lạc với các thành viên ngoại quốc có ký ước với VN.
Mặt khác còn phải chuẩn bị đối phó với nhiều cuộc đình công trong tương lai.
–Sự phức tạp của “công đoàn mới” và thử thách cho công nhân . Đối với công nhân và các nhà tranh đấu cho công nhân thì sự cải sửa luật lao động kỳ nầy có một sự tiến bộ. Mà luật mới có cải sửa, nhưng phần lớn là các qui định thông thường của quyền lợi công nhân. Tuy nhiên hãy còn nhiều điều quan trọng chưa đầy đủ. Như công đoàn độc lập thực sự, quyền đình công, và quyền thương lượng tập thể.
Trước hết, nên có văn phòng tư vấn cho công nhân để lo nhiều vấn đề trong đó việc đăng ký thành lập BĐD. Lựa chọn thành viên đúng đắn. Theo dõi và có thể can thiệp việc Công đoàn quốc doanh hoặc cán bộ Lao động của chánh quyền chen vào làm mất tính cách độc lập của BĐD công đoàn.
Các tổ chức tranh đấu cho công nhân ngay bây giờ cần nên theo dõi và góp ý với chánh quyền (theo nguyên tắc có được quyền nầy) về việc thành lập Ủy ban hòa giải lao động, gồm có 15 thành viên, 5 từ chánh quyền, 5 từ các tổ chức nghề nghiệp, như tổ chức doanh nhân, phòng thương mại, Luật sư đoàn.. và 5 người từ BĐD công nhân. Như vậy phía chánh quyền và thân chánh quyền có tới 10 thành viên. công nhân ở thế yếu, chưa kể trường hợp thành phần đại diện từ công đoàn là từ TLĐLĐ cũ.
Các tổ chức bênh vực công nhân còn phải theo dõi sự thành hình Ban tư vấn từ Hội đoàn dân sự (HĐ CPTPP) và ban theo dõi sự áp dụng HĐ EVFTA có tên “Domestic Adviory Groups, DAG”, từ các Hội đoàn phi chánh phủ theo như qui định của HĐ EVFTA.
Những cái lờ mờ thiếu sót là sự cố tình. Chánh quyền sẽ dùng nó như cái bẩy hay lợi dụng luật đồng ý cho có để thông qua với các quốc gia thành viên hay tổ chức quốc tế. Rồi sau đó tính sau.
Trên nguyên tắc luật lệ cũng như trên thực tế, quyền lợi công nhân hay công đoàn độc lập thật sự sẽ còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là bước có tiến triển mới và công nhân hay các Hội đoàn dân sự thấy đây là cơ hội và cố gắng đẩy mạnh thêm các bước tới trong tương lai.
II. LUẬT LỆ VỀ THAM NHŨNG
Tham nhũng tại VN là quốc nạn và bất trị.
Tham nhũng là một vi phạm nhân quyền nghiệm trọng. Vì sự tàn phá của nó không phải chỉ cho một số cá nhân mà còn cho cả nền kinh tế quốc dân. Sự độc hại của nó không phải chỉ về vật chất mà là sự hũy hoại những giá trị đạo đức cho nhiều thế hệ.
Theo World Economic Forum 09/12/2019 thì tham nhũng làm mất đi 2.26 ngàn tỷ mỹ kim mỗi năm tại các nước đang phát triển. Mà VN là một trong 10 nước đứng đầu tham nhũng.
Ở VNCS vấn đề nầy được nói quá nhiều gần như nhàm chán. Song, trên phương diện bảo vệ giá trị con người, vấn đề còn phải được nêu ra, trên một góc cạnh nào đó. Hôm nay, tôi xin nêu ra đây một khía cạnh của tham nhũng ở VN. Đó là hệ thống luật lệ và việc thi hành luật lệ bài trừ tham nhũng trong gần đây, giai đoạn mà VN đã có những cam kết với quốc tế qua các Hiệp định mậu dịch.
1. Tóm tắt luật lệ và chánh sách chống tham nhũng của VN
VN ký nhận vào Công ước quốc quốc tế chống tham nhũng (United Nation Convention against Corruption (UNCAC) vào năm 2003. Đây là một trong 19 Công ước quốc tế quan trọng chống vi phạm hình sự. Công ước nầy được đại Hội đồng LHQ thông qua tháng10-2003 và có hiệu lực ngày 14-12-2005.
Công ước nầy rất nhiều điều khoản mà các quốc quốc gia thành viên phải tôn trọng.
Trong các điều khoản đó có điều 13, nói về “sư tham gia của cộng đồng xã hội” (participation of the society). Theo đó các quốc gia thành viên phải khuyến khích và cam kết để cho các cá nhân và Hội đoàn dân sự tham dự vào công cuộc chống tham nhũng.
Nhưng mãi đến năm 2009, VN mới phê chuẩn Công ước và có hiệu lực từ 18-9-2009.
Điều 13 của công ước qui định chi tiết như sau: “Mỗi quốc gia phải có những biện pháp thích hợp, tùy theo phương tiện và nguyên tắc luật pháp của mình, vận động sự tham gia của các cá nhân và tập thể ngoài chánh quyền, như Hội đoàn dân sự (civil society), tổ chức phi chánh phủ (non-government organization), và tổ chức cộng đồng (community- based organization), vào việc ngăn ngừa và tranh đấu chống tham nhũng”.
Điều 13 của Công ước cũng còn có biện pháp khuyến khích sự tham gia của dân chúng như là gia tăng sự minh bạch trong tiến trình làm luật lệ, trong sự tiếp thu tin tức từ chánh quyền, giáo dục dân chúng về chống tham nhũng. Đó là các điều tổng quát cho mọi quốc gia.(Theo bài viết của Transparence International, Ensuring participation of society in corruption fight in Vietnam, do báo Vietnam Law đăng ngày 26/4/2016).
Còn với VN thì chánh quyền có làm trách nhiệm theo Công ước mà VN đã ký không?
Trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao VN gởi cho LHQ về việc thi hành công ước nầy có xác nhận VN thi hành công ước theo sự phối hợp với Luật quốc nội của VN. Tức là linh động.
Năm 2005 VN ban hành luật và Nghị định 47 chi tiết hóa luật nầy về phòng chống tham nhũng (Anti corruption Law), và luật được bổ sung năm 2007 và 2012. Chương VI của luật nầy nói về “Vai trò và trách nhiêm của xã hội trong việc phòng và chống tham nhũng”.
Tuy nhiên, theo luật Phòng chống tham nhũng của VN thì trong điều nói về “sự tham gia của xã hội” (participation of society) thì thành phần xã hội mà chánh quyền cho tham gia gồm bốn thứ tổ chức: 1.Mặt trận tổ quốc, 2.Báo chí, 3.Hội đoàn kinh doanh và Hội chuyên gia.4.Ban kiểm sát nhân dân (cấp địa phương). Bốn thành phần trên của luật VN thì không phản ánh đúng tinh thần công ước UNCAC. Sự thiếu sót quan trọng là các Hội đoàn dân sư (Civil society organization) và Hội đoàn phi chánh phủ (non-governmental organization) độc lập.
Như một điều lờ mờ khác theo kiểu Luật XHCN là: Nghị định 47 chỉ nói các hội đoàn có qui định được quyền có ý kiến. Nhưng không nói rõ ý kiến có giá trị gì không hay chỉ góp ý cho vui. Thứ hai là không có sự bình đẳng giữa chánh quyền và các hội đoàn trong sự trao đổi ý kiến. Thứ ba là cái quyền và sự bảo đảm sự tham gia của Hội đoàn để chống tham nhũng, nhứt là sự bảo vệ người tố cáo tham nhũng, không rõ ràng, thiếu hướng dẫn, thiếu khuyến khích.
2. Việc thi hành luật lệ bài trừ tham nhũng
Trên thực tế sự hành luật bài trừ tham nhũng có nhiều sai trái. Nó chánh yếu là để bảo vệ đảng, để dối dân và quốc tế, là sự thanh toán giữa các đảng viên, vì tranh giành quyền lợi và chức vị.
Theo báo cáo của cơ quan quốc tế, thì trong vài năm gần đây tình trạng tham nhũng không giảm, chỉ có một số vụ tham nhũng lớn bị xử phạt. Như chúng ta đã biết.
Trong thi hành luật điều 13 (sự tham gia của xã hội) gần như không thực tế, chỉ có bề ngoài, như phần lớn luật lệ XHCN. Luật lệ thành văn và sự thi hành luật là hai việc khác nhau.
Bốn “tổ chức gà nhà” được cho phép tham gia ý kiến nói ở trên, từ nhiều chục năm nay không thấy đã góp ý kiến gì đáng kể cho việc xây dụng và bảo vệ công nhân. Mặt trận Tổ quốc Báo chí Hội nghề nghiệp như mọi người biết đều là đảng viên cao cấp .
Quốc Hội trong vai trò quan trọng là chống tham nhũng, cũng chỉ thỉnh thoảng có vài ý kiến chống các vụ tham nhũng, nhưng cũng chỉ nghe qua rồi bỏ.
Phong trào chống tham nhũng được đảng phát động mạnh mẽ trong vài năm qua thì các vụ bị xử lý đều do đảng đưa ra. Không có vụ nào từ dân chúng hay Hội đoàn dân sự. Và theo luật đảng thì các viên chức cấp cao, Tổng trưởng, Bí thư tỉnh.. chỉ được thanh tra chánh phủ mở cuộc điều tra khi đảng cho phép.
Quyền được bảo vệ người tố cáo tham nhũng không được tôn trọng, mà còn ngược lại. Người dân sợ tố tham nhũng, vì sợ bị trù dập.
Những dự án lớn giao cho Trung cộng làm mà không có đấu thầu công khai gây thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim.
Tình trạng tham nhũng hiện nay. Chúng ta biết tình trạng tham nhũng ở VN quá khủng khiếp. Và chúng ta cũng đã biết nguyên nhân chánh yếu của tham nhũng ở VN là từ bản chất và sự vận hành của chế độ CS.
Hệ quả nghiêm trọng của nạn tham nhũng về kinh tế và xã hội
Tham nhũng đưa tới hệ quả cực kỳ to lớn cho nền kinh tế và cả về mặt xã hội.
Theo các cơ quan quốc tế, mỗi năm nền kinh tế thế giới bị thiệt trên 1000 tỷ mỹ kim do tham nhũng.
Luật lệ về phòng chống tham nhũng ở VN quá nhiều và sự hô hào khẩu hiệu đánh tham nhũng cũng kêu to lên. Nhưng thực tế, mọi người cho rằng như các vở kịch thôi, không giải quyết được gì cả. Vì cái gốc sinh ra tham nhũng là từ chế độ .
Qua một số vụ tham nhũng lớn gần đây, một số rất ít trong quốc nạn nầy, chúng ta có thể biết hệ quả tham nhũng quá lớn trên nhiều mặt.
Vài thí dụ : Công ty quốc doanh Gang thép Thái nguyên, mất trên hai ngàn tỷ. Công ty MobiFone mất hơn ngàn tỷ. Đường xe lửa cao tốc Hà đông-Cát linh thiệt hại trên 500 triệu đô. Xa lộ Đà nẳng-Quảng ngải mất mát gần ngàn tỷ…Và nhiều nữa như Khu đô thị mới Thủ thiêm, khu đất Cần giờ.. Nếu không bị tham nhũng số tiền quá lớn trên có thể làm được nhiều trường học, bịnh viện và cải tiến nông thôn.
Về việc thu hồi tài sản do tham nhũng trên thực tế quá ít. Mặc dù có bắt được một số tham nhũng, nhưng thực sự thu hồi theo luật, chưa đầy 20% trị giá tài sản cdo tham nhũng cướp đi. Như vậy phần lớn tài sản tham nhũng được chuyển ra ngoại quốc, hay nhập vào tích sản của các công ty sân sau của đảng viên cao cấp.
Trên bình diện quốc nội, tham nhũng còn là gây bất công kinh tế xã hội. Và tạo ra sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn hơn nữa.
Trên bình diện quốc tế, tham nhũng to lớn đem lại hai hậu quả chánh là mậu dịch và đầu tư ngoại quốc bị giảm sụt. Mặc dù trong biến chuyển kinh tế thế giới ngày nay, VN có nhiều thuận lợi hơn cho sự thu hút đầu tư ngoại quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại quốc thường xem tham nhũng như là một trở ngại. Nhất là các công ty từ Hoa kỳ và Âu châu. Và bất cứ sự suy giảm nào về hợp tác kinh tế với Tây phương, đều có lợi cho TQ. TQ càng gia tăng mức độ hợp tác với VN thì tham nhũng càng tăng. Đó là vòng lẩn quẩn và thế kẹt của VN với TQ hiện nay.
Chúng tôi vừa trình bày rất tóm tắt hai vấn đề rất quan trọng mang lại nhiều tiêu cực nhất cho sự phát triển VN. Đó là vấn nạn công đoàn và vấn nạn tham nhũng. Dù có vài cải đổi. Nhưng nguyên nhân thay đổi không phải từ sách lược của CSVN, mà từ nhiều loại áp lực từ bên ngoài.
Nhìn từ góc độ nào, từ một cảm nghĩ chủ quan hay khách quan, hoặc từ yếu tính lịch sử, thì VN cần phải thay đổi thật sâu rông.
Giờ thì lại một tháng tư thứ 46. Thời gian tương đối khá dài cho một chánh thể độc tài. Cái bản chất, mục tiêu và cách thức hành động căn bản là vẫn thế. Những cái không thay đổi là cốt lõi. Những cái thay đổi là cái vỏ ngoài. Những sắp xếp cứ 5 năm một lần, chỉ là một mô hình chánh trị mang tính hài kịch mà người dân không buồn xem.
Nhưng sự thay đổi theo lòng dân và con đường đi tới của dân tộc là không có gì cản được.
Vận mạng dân tộc đã có nhiều cay nghiệt trong quá khứ, nhưng mỗi lần như vậy không phải là một bế tắc sau cùng.
Nguyễn Bá Lộc
Cali , tháng tư thứ 46– 2021.
Views: 70