Năm Mão

Phạm Thành Châu

ăm nay là năm Mão, cầm tinh con Mèo. Các báo Xuân làm gì cũng có một bài về mèo. Lịch thì có hình con mèo. Nhà nào cũng có mèo, ai cũng biết rõ về nó, chẳng có gì lạ, nên viết sao cho độc giả mới đọc nửa chừng thì không thèm đọc nữa mới thật là khó. Thông thường, người ta viết nhiều nhất là về những nhân vật (đúng ra là những danh nhân đã chết) có tuổi con mèo, cũng có người viết về những năm Mão trong lịch sử. Cứ lôi bài cũ (báo xuân) từ mười hai năm trước ra xào nấu, thêm chút gia vị vào là thành bài của mình. Hoặc cứ lấy quyển mười Hai Con Giáp ra chép lại. Tôi cũng chẳng hơn gì những vị đó, nhưng có để tâm sưu tập những bài về mèo từ các báo đã đăng, dành dụm những tài liệu, tin tức liên quan đến con mèo, nay kể ra, để bạn đọc giải trí trong mấy ngày xuân. Người ta nói Chữ Mão, tiếng Tàu nghĩa là thỏ, tiếng Việt nghĩa là mèo (?) Tôi không biết chắc nhưng lịch Tàu thì để hình con thỏ vào năm Mão. Người miền Trung và miền Nam gọi mão là mẹo (tí, sửu, dần, mẹo, thìn, tị…) Tiếng Anh gọi mèo là cat, tiếng Pháp là chat, tiếng Đức katze, tiếng Tây Ban Nha gato, tiếng Nhật neko, tiếng Ả Rập kitte… Con mèo có thể kêu khoảng sáu mươi thứ tiếng khác nhau để bày tỏ cảm nghĩ của mình, đặc biệt nó gào thét khi làm tình, nhưng đối thoại với người, nó chỉ kêu meo, meo để xin ăn mà thôi. Cũng có khi nó kêu rù rù nho nhỏ lúc bạn âu yếm nó hoặc lúc nó dụi đầu vào người bạn để chờ được vuốt ve. Có lẽ vì các cô bồ nhí của mấy ông già cũng nũng nịu kiểu đó nên được gọi là mèo. Chính mắt tôi thấy trong TV, một con mèo nói tiếng Mỹ. Bà chủ nói gì, nó nói theo (độ năm ba tiếng thôi). Bác sĩ thú y nói trong thanh quản con mèo đó có dị tật. Hình như chuyện Ba Giai Tú Xuất có kể, Ba Giai đánh cuộc với cô hàng nước rằng con mèo cô ta biết tiếng người. Cô hàng nhận lời, Ba Giai xách tai con mèo lên, bấm móng tay vào tai mèo và hỏi “Của cô hàng tròn hay méo?”, con mèo đau quá kêu lên: “Méo, méo!”. Có vài chuyện vui về mèo. Một ông quá lười biếng nên chết đói. Xuống âm phủ, Diêm Vương phán: “Nhà ngươi lười quá nên ta cho ngươi đầu thai làm con mèo, phải tự mình bắt chuột mà ăn.” Anh ta năn nỉ Diêm Vương: “Xin ngài cho con làm con mèo đen có chấm trắng trên mũi.” Diêm Vương ngạc nhiên “Để làm gì?” “Thưa, ban đêm con nằm trong bóng tối, bọn chuột thấy chắm trắng tưởng hột cơm, mò đến, con bắt ăn thịt, khỏi phải đi đâu cả.” Một con mèo khác rình hoài mà không bắt được chuột, nó giả giọng chuột kêu chít, chít! Bọn chuột tưởng đồng loại, bò ra khỏi hang, bị mèo bắt ăn thịt. Ăn xong mèo gật gù. Biết ngoại ngữ cũng dễ sống hơn bọn không chịu đến trường sinh ngữ để học thêm. Một chuyện vui khác. Cô giáo bảo học trò tả con mèo. Một cậu viết: “Nhà em có một con mèo, nhưng em chưa thấy nó, mẹ em cũng chưa thấy nó. Mẹ em nói -Ba mầy có mèo, nhưng tao chưa bắt được. Trước sau gì tao cũng tìm ra.”Một lần khác, cô giáo bảo tả con khỉ, cũng cậu học trò đó, viết “Nhà em có nuôi một con khỉ. Một buổi sáng chủ nhật, có một cô đến nhà em, ba em chạy ra bảo -Đừng vô nhà, có con khỉ già ngồi trong đó!”
Mèo bự nhất, có thể nặng từ sáu đến mười kí lô, đó là giống Main Coon, lai tạo từ mèo rừng Bắc Mỹ với mèo hoang tiểu bang Maine. Một ông bạn, gặp tôi, khoe rằng sắp lập một xí nghiệp nuôi mèo và chuột. Ông bạn giải thích: Giai đoạn đầu, tôi nuôi một mớ chuột, khi chuột sinh sôi nẩy nở nhiều rồi, tôi nuôi mèo, lấy chuột cho mèo ăn. Khi mèo lớn, sinh con đẻ cháu, tôi giết mèo, lấy da đem thuộc, làm áo ấm, ví, xách tay… cho quí bà, thịt mèo đem nuôi chuột. Vậy là vòng tròn khép kín, chỉ tốn công, khỏi tốn thực phẩm nuôi mèo và chuột. Anh ta nhờ tôi nghiên cứu giùm về con số chính xác, mèo sinh sản ra sao? Tôi tìm đọc về mèo và cho anh ta những số liệu sau: Mèo đẻ hai lứa một năm. Trong năm năm sống sót được hai mươi tám con, với mười lứa đẻ. Mèo mẹ sinh con, con sinh cháu, cháu sinh chắt, chút, chít … sau ba năm có được ba trăm tám mươi hai con, sau bốn năm, hai nghìn hai trăm con, sau năm năm, mười hai nghìn sáu trăm tám chục con… sau mười năm có hơn tám mươi triệu con. Anh bạn tôi sáng mắt lên. Giàu thấy rõ mà chẳng ai biết ! Sau đó tôi không còn gặp anh bạn đó nữa, cũng không nghe về Xí nghiệp mèo chuột của anh ta.

Toàn thế giới có sáu trăm triệu con mèo, riêng nước Mỹ có hơn bảy chục triệu con. Các bà thích nuôi mèo vì nó giúp các bà đỡ buồn chán (depress), coi như người bạn hiền lành. Nuôi mèo ở các nước Âu Mỹ phiền phức lắm, phải có bảng tên đeo vào cổ mèo, phải đi bác sĩ chích ngừa, khám bịnh, phải cho ăn đúng thực phẩm, phải tắm rửa, dọn vệ sinh cho nó (hốt phân), vì nhà luôn đóng cửa, mèo không ra ngoài phóng uế được, không như ở xứ ta, chút xương cá với mấy muỗng cơm là xong. Mèo, chó Âu Mỹ mà cho ăn như thế nó sẽ bị tiêu chảy, rụng lông rồi chết. Mấy ông bà Âu Mỹ thường chụp hình chó, mèo của mình, để rủi chó, mèo có đi lạc thì làm một bảng cáo thị, có đủ tên tuổi con vật với hình ảnh, số điện thoại của chủ rồi đem treo ở các ngã tư trong xóm. Ai tìm thấy thì cho chủ biết, nhận về. Có người nuôi mèo chung với chuột, vì mèo (Âu Mỹ) không ăn thịt chuột, và chó cũng không ruợt cắn mèo bao giờ. Nhưng mèo hoang thì cũng giống như mèo ở xứ ta. Chúng đi hoang vì chủ nó dọn nhà mà không mang chúng theo, chủ nhà mới không cho vô nhà. Mỗi năm ở Mỹ có cả triệu con mèo bị bỏ hoang. Xóm tôi ở, có mấy con mèo hoang, khuya nào chúng cũng đi lùng sục chuột bọ trong các vườn nhà người ta. Chúng thích nhất là trèo cây bắt tổ chim. Ở Âu Mỹ, bắt giết súc vật là phạm pháp, thế nên chim chóc sinh sôi nay nở khắp trong vườn, trong rừng. Vườn nhà tôi có rất nhiều chim đến làm tổ, khi thấy có trứng trong tổ (chúng làm tổ trong các buội cây rất thấp) tôi phải lấy thuốc trừ sâu bọ xịt dưới gốc cây, cành lá chung quang để mèo không đánh hơi được, nhờ vậy lũ chim non được sống sót. Có một bà Mỹ già, tối nào cũng đem thực phẩm mèo ra sau vướn nuôi lũ mèo hoang, có đến mấy chục con tụ tập, giành ăn, meo meo ồn ào, hàng xóm kêu cảnh sát. Không hiểu sao, cảnh sát lại cấm bà ta cho mèo ăn? Ở Âu Mỹ, mấy người già thích sống một mình, không muốn con cháu đến quấy rầy, thế nên có một bà cụ chết, mấy ngày sau, nghe mùi hôi, hàng xóm gọi cảnh sát đến. Mở cửa ra, có đến hàng trăm con mèo đang vây quanh xác chết, kêu gào vì đói. Sở Mục Súc phải đóng cửa, vây bắt từng con. TV chiếu, mèo lớn, mèo nhỏ chạy lung tung, trên lầu, trong bếp, trong kẹt tủ … Thông thường, sở bắt súc vật đi lạc về, nhốt vô chuồng, ai muốn nuôi thì đến xin. Mèo, chó nhiều quá, không ai xin thì phải giết bớt. Ở Việt Nam mà có mấy dịp đó thì các quán nhậu đặc sản phát tài. Một bà cụ Mỹ, có con mèo bịnh chết, bà ta sắm cho nó một quan tài giá năm trăm đô la, lại tốn một mớ tiền mua đất ở nghĩa trang súc vật để xây mộ cho nó. Thỉnh thoảng bà cụ đi thăm mộ, chuyện trò với vong linh con mèo thân yêu. Ở các xứ văn minh, con cái không có cái tình với cha mẹ như người Á Đông. Cha mẹ nuôi con như làm bổn phận, con đến tuổi trưởng thành là rời nhà cha mẹ, đi thẳng, họa hoằn lắm mới gọi điện thoại hỏi thăm. Mà cha mẹ cũng thích sống một mình trong nhà hoặc gửi thân nơi các nhà dưỡng lão, chờ ngày nhắm mắt xuôi tay. Họ không thích con cháu đến làm phiền. Thế nên, con mèo, con chó là bạn thân nhất của người già. Có mấy chuyện (cũ và mới) về mèo, kể ra đây để bạn đọc cho vui. Nursing Home (nhà già) tên là Steere ở Providence, Rhode Island có nuôi một con mèo đen trắng (có hình trên báo) tên là Oscar. Nó rất hiền và ngoan, các cụ thích vuốt ve, âu yếm. Nhưng nó có tật lạ là hễ tối nào nó nhảy lên giường người nào nằm thì làm gì người đó, hôm sau sẽ chết. Có lần, người ta đem bỏ nó lên giường một người hấp hối, nó nhảy xuống chạy qua phòng một người mạnh khỏe mà nằm. Quả nhiên, hôm sau, người hấp hối hồi tỉnh còn người mạnh khỏe kia, tối ngủ rồi ngủ luôn, không dậy nữa (chết). Đảo Peratjio ở Ấn Độ Dương, không có người nhưng lại có hàng nghìn con mèo. Số là năm 1850, có một chiếc tàu biển bị đắm vì đá ngầm, những người sống sót lên được đảo nhưng cũng chết sau đó vì bịnh dịch, chỉ còn vài con mèo, chúng sống nhờ bắt cá ven bờ biển. Đến nay, ghé vào đảo đó, vẫn thấy đầy mèo. Đảo Ishima ở Nhật có quá nhiều chuột, người ta bèn đem mèo các nơi khác đến bắt chuột, ít lâu sau, chuột hết sạch mà mèo thì đông hơn chuột trước đây, mà lại không có gì ăn, chúng vào bếp ăn vụng, ra chợ rình vồ thịt cá, tha chạy đi, người ta đi chợ, chúng cũng nhảy vô giỏ cướp thịt cá. Bài báo không nói cách giải quyết nạn mão mãn ra sao?

Năm 1902, Walter William, một nha sĩ đến Tahiti hành nghề ở thủ đô Papeete, ông ta chữa răng cho quốc vương Pomare giỏi quá nên quốc vương tặng ông ta một hòn đảo, chỉ có dừa chứ không có người. Đến nơi thì thấy toàn chuột. Ông ta quay về thủ đô Papeete treo bảng mua mèo, được hơn hai trăm con, đem qua đảo cho bắt chuột. Chuột không còn, mà dân số mèo lại tăng lên, nhưng mèo không phá hại như chuột, không đục khoét dừa non và mèo cũng biết ra bờ biển rình bắt cá sống qua ngày. Ngày 2 tháng 9 năm 2009, ở tiểu bang Texas, ông Gil Smith lái xe từ thị xã Gilbert đến thành phố Kearny, trên quãng đường một trăm hai mươi cây số. Ông ta không biết có con mèo của mình đang ôm cứng cái bánh xe dự phòng dưới gầm xe. Nếu nó buông chân, ắt bị xe sau cán chết. Khi đến nơi, nghe mèo kêu, ông ta đem nó ra rồi gọi báo chí, truyền hình đến khoe con mèo khôn ngoan. Ngày 26 tháng 8 năm 2010, bà quả phụ Monika Hoppert, sáu mươi tuổi ở Studthgen, nước Đức, kêu thợ đến thay bồn tắm. Ông thợ đặt bồn tắm mà không biết có con mèo dưới đó. Hàng xóm nghe mèo kêu mà không biết từ đâu, qua hỏi, bà Monika Hoppert bèn cho người dở bồn tắm lên. Con mèo nằm trong đó mấy tuần mà không chết. Trước đây, nó nặng gần sáu kí lô, đem ra chỉ còn một kí sáu. Vậy mà nó sống được ! Năm 2008 cô bé Kirstas Hicks ở Adelaide, Úc châu, đi du lịch với gia đình, nhân tiện ghé thăm ông bà ngoại, cô đem con mèo gửi cho ông bà ngoại (ở cách nhà cô một nghìn sáu trăm cây số). Đi nghỉ hè về thì ông bà ngoại báo con mèo đi đâu mất rồi, tìm không ra. Một năm sau, một buổi sáng, mẹ cô bé Kirstas Hicks thấy một con mèo ốm trơ xương, trụi lông, sút móng, khắp mình đầy vết thương lở loét nằm trước cửa. Thấy tội nghiệp, bà ta đem vào nhà cho ăn. Khi cô bé Kirstas Hicks đi học về thấy thì kêu lên -Con Howie của con đây mà! Thì ra con mèo đã vượt một nghìn sáu trăm cây số, băng qua sa mạc, rừng rậm, sông hồ, chiến đấu với thú dữ để sống còn mà về với cô chủ nhỏ. Ở Việt Nam, trước đây, người ta bảo ăn thịt mèo xui (mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang), về sau, thịt mèo, thịt rắn được xếp vào đặc sản. Thế nên, ở thôn quê, các tay buôn thu mua rồi chuyển hết mèo với rắn lên thành thị để cung cấp cho các quán nhậu. Không có mèo và rắn bắt chuột nên chuột sinh sôi, nẩy nở đầy đồng, phá hại mùa màng, cũng may, sau đó, lại dấy lên phong trào nhậu chuột đồng, người ta lại đổ xô đi bắt chuột để cung phụng cho mấy ông thần ve chai. Thế là cân bằng sinh thái !

Bây giờ kể chuyện đời xưa về con mèo. Đó là chuyện Linh Miêu Hoán Chúa đời Tống bên Tàu. Chuyện hơi dài dòng, xin kiên nhẫn và cũng xin hiểu rằng. Chuyện đã được tiểu thuyết hóa thành dã sử (Vạn Huê Lầu?) thành tuồng hát, với tình tiết gay cấn, lâm ly và bao giờ kết thúc cũng có hậu. Vị nào trên sáu mươi tuổi ắt đã từng xem sách hoặc xem hát bộ (Bao Công Tra Án Quách Hòe) xem cải lương (Linh Miêu Hoán Chúa) ắt còn nhớ.

Chuyện xảy ra thời Ngũ Đại Tàn Đường, khoảng thế kỷ thứ 10. Lúc bấy giờ, bên Tàu, giặc giả khắp nơi, mỗi người hùng cứ một phương. Có Quách Ngạn Oai, là nguyên soái Phàn Châu, tự xưng làm vua, lập nên nhà Hậu Châu. Ngạn Oai chết, Sài Vinh, xuất thân bán dù, là cháu vợ Ngạn Oai, nối ngôi, hiệu là Châu Thái Tôn. Bấy giờ Triệu Khuôn Dẫn, em kết nghĩa với Sài Vinh, làm chức Kiểm Điểm Sứ, nắm binh quyền. Châu Thái Tôn (Sài Vinh) chết, con là Tông Huấn, mới bảy tuổi lên nối ngôi. Nhân giặc Khiết Đơn quấy phá biên cương, Khuôn Dẫn đem quân tiểu trừ. Khi kéo binh đến Trần Kiều thì các tướng bàn nhau tôn Khuân Dẫn làm vua, truất phế Tông Tuấn. Khuôn Dẫn lập nên nhà Tống. Sử Tàu gọi vụ đảo chánh nầy là Binh Biến Trần Kiều, năm 960. Nhà Tống truyền ngôi mấy đời, đến đời Tống Chơn Tông thì xảy ra vụ án Linh Miêu Hoán Chúa.

Chuyện như thế nầy. Tống Chơn Tông có hoàng hậu họ Lưu, không có con, vua lại yêu thương một quí phi tên là Lý Thần Phi. Khi Tống Chơn Tông xuất chinh đi đánh Khiết Đơn thì Lý Thần Phi có bầu và sinh con trai. Lưu hoàng hậu đến thăm Lý Thần Phi, thấy Lý Thần Phi đang hôn mê, bèn sai thái giám Quách Hòe đem một con mèo thay vào và đưa đứa bé cho cung nữ Thể Vân đem giết đi. Thể Vân đem đứa bé giao cho thái giám Trần Lâm rồi nhảy xuống hồ tự tử. Trần Lâm trao đứa bé cho Lộ Huê Vương là anh em chú bác với Tống Chơn Tông. Lấy lý do Lý Thần Phi sinh quái thai, Lưu hoàng hậu bắt nhốt Lý Thần Phi vào Bích Vân Cung (Tống Chơn Tông đi đánh giặc chưa về), sau đó sai thái giám Quách Hòe đốt Bích Vân Cung, cố ý giết Lý Thần Phi. Âm mưu bị cung nữ Khấu Thừa Ngự biết, bèn báo cho Lý Thần Phi trốn thoát, còn mình giả làm Lý Thần Phi chịu chết cháy. Như vậy, coi như Tống Chơn Tông không có con nối dõi. Khi Tống Chơn Tông chết, triều đình đề nghị cho con Lộ Huê Vương lên nối ngôi, đó là Triệu (?) Trinh (con Lý Thần Phi nhưng không ai biết). Triệu Trinh làm vua tức Tống Nhân Tông. Thời Tống Nhân Tông được xem là cực thịnh của vương triều nhà Tống. Tống Nhân Tông có nhiều nhân tài như Vương An Thạch, Âu Dương Tu, Phạm Trọng Yếm… (Nhân vật tể tướng Vương An Thạch nầy đã làm một việc có liên quan đến Việt Nam thời bấy giờ. Vương An Thạch chủ trương đánh chiếm Việt Nam nên cho dự trữ lương thực, khí giới ở các tỉnh sát biên giới với Việt Nam. Ung Châu là nơi tập trung quân đánh đường bộ vào Việt Nam, Khâm Châu, Liêm Châu là cánh quân đường thủy. Biết được âm mưu của kẻ thù, vua Lý Nhân Tông sai tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem quân đánh vào các nơi đó, tịch thu và phá hủy tất cả lương thực, khí giới, tiêu diệt và bắt làm tù binh hàng vạn quân địch. Tướng Tàu là Trương Thủ Tiết và Tô Giám bị chém đầu). Đứng đầu bên văn có đại thần Bao Công, bên võ có Tống Địch Thanh. Bao Công tên là Bao Chửng, đậu tiến sĩ đời Tống Thái Tông, làm quan đến chức phủ doãn (đô trưởng) phủ Khai Phong, là kinh đô nhà Tống. Bao Công nổi tiếng là người xét án giỏi và công minh. Đọc truyện Tàu “Thất Hiệp Ngũ Nghĩa kể chuyện về bao Công rất hấp dẫn. Một lần đi phát chẩn cho nạn nhân bão lụt sông Hoàng Hà, đến phủ Đại Danh, Bao Công bị gió thổi bay mất mũ, bèn nghi ngờ có điều gì oan khuất trong thiên hạ đây, nên cho dừng quân, viết trát, sai hai thuộc tướng là Trương Long, Triệu Hổ đi bắt Lạc Mạo Phong (gió thổi bay mũ). Hai tướng lên đường mà không biết đi đâu để bắt Lạc Mạo Phong. Gió lại nổi lên, thổi bay cái trát vào thúng cải của Quách Hải Thọ, là tên bán cải kiếm tiền nuôi mẹ bị mù. Thế là hai tướng bắt Quách Hải Thọ về nộp cho Bao Công. Bao Công thấy bắt người vô tội mới đền tiền và thả về. Quách Hải Thọ mang tiền về lò gạch, là nơi cư ngụ, khoe với mẹ. Người mẹ mù đó chính là Lý Thần Phi và Quách Hải Thọ là con nuôi của bà ta. Nghe rõ sự tình, Lý Thần Phi sai Hải Thọ đến gặp Bao Công và bảo Mẹ tôi truyền ngài đến cho mẹ tôi dạy việc. Bao Công sinh nghi, bèn đích thân đến lò gạch, là nơi cư ngụ của Lý Thần Phi. Bao Công phải chui vào lò gạch còn bị bà già mù dõng dạc. Nếu phải Bao Long Đồ sao chưa quì xuống mà ra mắt ta? Bao Công không biết đó là Lý Thần Phi, nhưng là quan xử án nên phải chịu nhục để tìm cho ra oan khuất của người dân. Bà già mù (Lý Thần Phi) tra hỏi Bao Công đủ điều. Sau khi biết chắc đó là Bao Công, bà ta mới kể lại mọi chuyện. Xác nhận được bà già mù là Lý Thần Phi, Bao Công về triều tâu lại với Tống Nhân Tông (là con của bà Lý Thần Phi, được thái giám Trần Lâm giao cho Lộ Huê Vương làm con nuôi, sau được tôn làm vua). Tống Nhân Tông cho bắt Quách Hòe, tra khảo. Đánh đập đến gần chết, Quách Hòe cũng không chịu khai vì sợ liên lụy đến Lưu thái hậu (trước là Lưu hoàng hậu, chủ mưu). Quách Hòe nói -Có đánh tao chết thì xuống âm phủ, họa may tao mới khai với Diêm Vương. Bao Công bèn thiết trí một nơi âm u, lạnh lẽo, giả làm âm phủ, có diêm vương, có ngưu đầu mã diện, có hồn ma kêu khóc… rồi đánh cho Quách Hòe bất tỉnh và đem đến nơi âm cảnh giả đó. Quách Hòe tỉnh dậy, tưởng mình chết thật, mới khai ra mọi chuyện. Cuối cùng, kẻ ác đền tội, Lý Thần Phi được trời cho sáng mắt, đoàn tụ với con (là vua Tống Nhân Tông), Quách Hải Thọ được phong làm quan nhưng chỉ xin lãnh lương, nằm nhà chứ không chịu đi nhận việc.

Chuyện con mèo của năm Mão đến đây là hết.

Phạm Thành Châu

(chaupham3276@gmail.com)

Visits: 32

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *