Tìm Hiểu Chủ Nghĩa Thực Dụng Mỹ

Lê Văn Bỉnh

Chân lý là vĩnh cửu và trường tồn, nhưng khó mà chắc chắn rằng khi nào bạn sẽ có được nó.

(Truth is eternal and enduring, but it is hard to be sure when you have it.  — Richard Rorty)  

Nhiều người trong chúng ta thường nói rằng người Mỹ — tiếng dùng chung cho cá nhân, chính trị gia, định chế, chính phủ –theo “chủ nghĩa thực dụng” (pragmatism).  Khi tỏ ý chê bai, thì phê phán này có nghĩa là người Mỹ không có một lý tưởng rõ ràng, hễ thấy điều gì có lợi cho mình thì làm, quên cả mục tiêu mà mình muốn theo đuổi từ ban đầu. Khi ngợi khen, thì phê phán này hàm ý là người Mỹ không câu nệ, không cứng nhắc tuân theo nguyên tắc, mà trái lại biết linh động theo tình thế, sẵn sàng thay đổi phương cách hành động cũng như đường lối hay chính sách.  Sử dụng cụm từ “chủ nghĩa thực dụng” với những hàm ý này thiết nghĩ không chính xác, nếu không nói là lạm dụng chữ nghĩa, bởi lẽ hành động theo cung cách đổi tới đổi lui thì không thể gọi là theo một “chủ nghĩa” nào cả!  Thiết nghĩ nói rằng người Mỹ “thực tế”, “thực tiễn” (practical) thì có lẽ đúng hơn.

Không phải chỉ có không ít người Việt chúng ta không hiểu về chủ nghĩa thực dụng, mà ngay cả nhiều người Mỹ có học cũng khá mơ hồ về nó. Thật vậy, đầu năm 2012, đài phát thanh National Public Radio ở thành phố New York (WNYC) tường thuật rằng 3 chữ pragmatic/pragmatism/pragmatist được cư dân mạng tìm kiếm nhiều nhất, cũng như đã được các phương tiện truyền thông đại chúng dùng nhiều nhất vào năm 2011 sau khi Tổng Thống Obama tuyên bố rằng ông và lịch trình hành động của ông từ khi vận động tranh cử đến lúc bấy giờ vẫn nhất quán, nghĩa là “pragmatic” và “pragmatist.”  (Pragmatism and American Experience: An Introduction, TG Joan Richardson, NXB Cambridge, 2014, tr.1-2)

Chủ nghĩa thực dụng thực ra đã được người Mỹ và thế giới công nhận là một trào lưu triết học, ra đời trên đất Mỹ từ hơn một trăm năm nay.  Nó càng ngày càng phổ cập trong đời sống cũng như trong các lãnh vực giáo dục, pháp luật, chính trị, ngoại giao vv. Hoa Kỳ.  Nhiều nhà triết học nổi tiếng thế giới đã nghiên cứu phong trào triết học mới này một cách nghiêm túc, coi đó là một sản phẩm trí tuệ của nước Mỹ đóng góp vào kho tàng triết học thế giới.

 Trước khi giới thiệu nội dung của chủ nghĩa thực dụng, thiết nghĩ nên đề cập sơ lược về triết học để từ đó chúng ta có thể nhận ra những khám phá “mới” của phong trào triết học này.

Sơ Lược Về Triết Học

Triết học là gì? Thật ra chưa có một định nghĩa nào về triết học được đưa ra mà không gây tranh cải. Xuất xứ từ tiếng Hy Lạp (philosophia), triết học có nghĩa là “lòng yêu thương tri thức hay sự khôn ngoan” (love of knowledge or wisdom), mà mục tiêu là nhằm nghiên cứu để tìm hiểu các phạm trù đặc trưng tổng quát và trừu tượng nhất của thế giới (sự sống, chết, linh hồn, thần linh, thượng đế, vv.) và các phạm trù giúp cho con người suy nghĩ (trí óc, vật chất, chân lý, vv.) Theo nhiều nghiên cứu, thì triết học Đông phương, đặc biệt Trung Hoa và Ấn Độ, có trước triết học Tây phương rất lâu, nhưng chủ yếu nghiêng về tôn giáo, tức thuộc loại phạm trù trước, hơn là loại phạm trù sau. Triết học xuất phát từ tính tò mò, hiếu kỳ cũng như lòng ao ước của con người muốn biết và hiểu. Cách đây vài trăm năm vì chưa có điều kiện giao lưu thường xuyên, cho nên triết Tây tiếp tục phát triển một các độc lập.  Nhưng dù triết Đông hay triết Tây, triết học nói chung đều mang ít nhiều tính cách tra vấn (inquiry); nhưng khi tra vấn, triết Tây thường theo một diễn trình khá qui ước, gồm các giai đoạn như phân tích, phê bình, giải thích và tổng quát hóa để có thể giúp tiên liệu những tình huống tương lai. Trong điều kiện này, nghiên cứu triết học đòi hỏi ít nhiều thông minh, hay ít nhất người nghiên cứu không thể thiếu những kiến thức căn bản nào đó.  Trước năm 1975, tại Miền Nam Việt Nam, học sinh năm cuối cùng của chương trình trung học phải học và thi trong kỳ thi tốt nghiệp Tú Tài II hai môn luận lý học và đạo đức học; riêng học sinh ban văn chương còn phải thêm môn tâm lý học.  Các kiến thức nhập môn này không những giúp họ tư duy và hiểu biết một tổng quát thế giới trừu tượng vừa nói, mà còn hướng dẫn và thúc đẩy họ tra vấn về nhiều phạm trù mà sau này khi ra đời họ sẽ có thể thực sự đối phó.

Triết học như nói trên nhằm tra vấn những phạm trù mà người nghiên cứu quan tâm. Nhưng trên đời này, có biết bao vấn đề đáng quan tâm! Theo truyền thống, triết học chia ra 5 ngành chính:

–          Siêu hình học (metaphysics) nghiên cứu về bản chất căn bản của hiện thực và hiện hữu. Chia ra hai chi nhánh: hiện thể học (ontology, nghiên cứu hiện thể — tức “being”) và vũ trụ học (cosmology, nghiên cứu về nguồn gốc vũ trụ qua tôn giáo, truyền thuyết và khoa học);

–          Tri thức học (epistemology) nghiên cứu về bản chất, căn bản và sự phát triển của tri thức (knowledge), để có thể giúp con người khám phá ra chân lý/điều đúng/ điều thực (truth –trong bài này trong hầu hết trường hợp, các từ chân lý/đúng/thực có thể dùng thay cho nhau với ý nhĩa tương tự) tìm kiếm mối quan hệ giữa tri thức và niềm tin;

–          Luận lý học (logic) nghiên cứu về những nguyên tắc và phương pháp lý luận, có thể giúp người ta phân biệt giữa chính biện và ngụy biện;

–          Đạo đức học (ethics) nghiên cứu về cách cư xử, bản tính và những hệ thống giá trị của con người;

–          Thẩm mỹ học (aesthetics) nghiên cứu về sự sáng tạo và những nguyên tắc nghệ thuật và cái đẹp; cũng như tư tưởng, cảm nhận và thái độ khi thấy, nghe, đọc về những điều đẹp đẽ.

Ngày nay người ta còn kể thêm triết học về ngôn ngữ (philosophy of language), xem nó là quan trọng với lý do là mọi tranh cải triết lý đều từ ngôn ngữ mà ra. Câu hỏi chủ yếu “Ngôn ngữ là gì?” Ngoài ra, mỗi ngành học như khoa học, tôn giáo, pháp luật đều có triết lý “riêng” của mình, mà chỗ dựa chính vẫn là các ngành triết học kể trên.

Có thể nói mỗi người trong chúng ta hằng ngày đều phải đương đầu với những câu hỏi hoặc lớn hoặc nhỏ mang ít nhiều tính cách triết học: Vũ trụ từ đâu sinh ra? Tôi là ai? Cuộc đời này đáng sống hay không?  Sau khi chết linh hồn đi về đâu? Tuân thượng lệnh để giết người mà tôi biết rằng làm như vậy là sai, tôi sẽ bị tội hay không? Bạn dựa vào đâu mà nói ông ta đúng hay sai? Chị dựa vào đâu mà khen bức tranh này đẹp hoặc xấu, quyển tiểu thuyết này hay hơặc dở? Ngay cả người chủ trương rằng tìm hiểu triết học chỉ lãng phí thì giờ, hãy cứ tự nhiên mà sống, thì người ấy cũng cho thấy cái triết lý sống của mình!

Từ đó có thể nói nghiên cứu triết học giúp làm sáng tỏ những điều người ta viết là đúng hay sai, đáng tin hay nên ngờ vực; cũng như giúp hiểu được lý do, hoàn cảnh của một giai đoạn lịch sử nào đó để có thể phê phán cho công bằng hơn, cư xử cho văn minh hơn vv.

Xã hội loài người được xây dựng trên những tư tưởng triết học. Những định chế như chính quyền, luật pháp, tôn giáo, học đường, hôn nhân, gia đình, tổ chức hành chánh, kinh tế, thương mại, vv. thường được thiết lập theo những tư tưởng triết học nhất quán.  Thiếu tính nhất quán này, hay nếu gây tạo những chuyển biến thô bạo vụng về thì dễ đưa đến đổ vỡ.  Đổ vỡ bởi vì người cầm quyền tin rằng những gì mình ra lệnh là tối quan trọng, là chân lý trong khi thuộc cấp và đại chúng lại suy nghĩ hoàn toàn trái ngược.

Chủ Nghĩa Thực Dụng

Một người Pháp, Alexis de Tocqueville (1805-1859), khi sang Hoa Kỳ nghiên cứu về chế độ ngục tù vào thế kỷ 18, tỏ ra rất hứng khởi về sinh hoạt chính trị và sinh hoạt dân chủ, văn hóa của quốc gia non trẻ này, đã viết ra một quyển sách dày, được dịch ít nhiều lần sang tiếng Anh với tựa đề “Democracy in America”, thường được nhiều chính khách Mỹ trích dẫn, đã thấy sự thiếu vắng đáng ngạc nhiên của triết học ở quốc gia đầy sinh động này.  Ông viết: “Tôi nghĩ rằng không có một quốc gia nào trên thế giới văn minh này lại ít để ý tới triết học như tại Hoa Kỳ. Người Mỹ không có trường phái triết học riêng cho mình, và họ không mấy để ý tới những trường phái mà theo đó châu Âu bị phân chia ra, những cái tên mà họ hiếm khi biết đến.”

Nếu Tocqueville còn sống thêm mươi năm nữa, có thể ông sẽ nghĩ khác. Thật vậy, từ đầu thập niên 1860 trở đi, sinh hoạt triết học của giới trí thức trẻ Hoa Kỳ đã chớm bắt đầu.  Phong trào triết học chủ nghĩa thực dụng không ngừng phát triển cho đến nay, lan dần vào nhiều lãnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, pháp lý, vv. Nó không những được sự hưởng ứng nồng nhiệt của giới trí thức Hoa Kỳ, mà còn được sự tiếp nhận ít dè dặt hơn, nếu không nói khả quan, của giới trí thức bên ngoài nguyên xứ của nó.

Trước khi đi vào chi tiết về chủ nghĩa thực dụng, xin đưa ra dưới đây một số định nghĩa qua các tự điển không chuyên môn, để xem người ta đưa ra những định nghĩa có tính cách đại chúng về trào lưu triết học mới này như thế nào.

–           Chủ nghĩa thực dụng là một hệ thống hay một khuynh hướng trong triết học, trắc nghiệm giá trị của tất cả khái niệm qua các kết quả thực tiễn. (Webster’s New World Dictionary of the American Language, NXB The World Publishing Company, 1968, tr. 1146).

–          Chủ nghĩa thực dụng là một chủ thuyết cho rằng ý nghĩ và tư tưởng chỉ có giá trị khi mang lại hệ quả, và rằng kết quả là trắc nghiệm duy nhất về giá trị hay đúng của một niềm tin của con người. (New Illustrated Webster’s Dictionary of the English Language, NXB PMC Publishing Company, Inc., 1992, tr. 761)

–          Chủ nghĩa thực dụng: một triết lý, lý giải chủ yếu bởi C.S. Pierce và Williams James, lượng giá các xác quyết đơn thuần bằng những hệ quả thực tiễn, và liên hệ đến những lợi ích của con người. (The Oxford Encyclopedia English Dictionary, NXB OUP, 1996, tr. 1137)

–          Chủ nghĩa thực dụng: 1. (Triết học): một phong trào gồm những lý thuyết đa dạng nhưng kết hợp với nhau, khởi đầu được khai triển bởi Charles S. Pierce và William James và được phân biệt qua chủ thuyết cho rằng ý nghĩa của một tư tưởng hay của một tiền đề (proposition) nằm ở những hậu quả thực tiễn có thể quan sát được; 2.  một phương pháp thực tiển, thực sự  để tiếp cận và đánh giá các tình huống và giải quyết các vấn đề (The American Heritage Dictionary of the English Language, NXB Houghton Mifflin Co., 2000, tr. 1378)

–          Chủ nghĩa thực dụng nghĩ về phương cách giải quyết các vấn đề theo phương cách thực nghiệm và cảm tính hơn là bằng những ý tưởng và lý thuyết cố định (Oxford Advanced America Dictionary, NXB OUP, 2011, tr. 1146)

Từ những định nghĩa tổng quát quát này, liệu người ta có thể đưa ra kết luận rằng theo CNTD, một chủ thuyết (doctrine), hay một ý nghĩ, một tư tưởng được xem là đúng và có ý nghĩa chỉ khi nào nó đưa đến một hệ quả hữu ích cho con người; còn nếu nó không đem lại kết quả như mong muốn, thì nó chỉ là những thứ vô bổ? Đây quả một câu hỏi quan trọng đáng được nghiên cứu cẩn thận trước khi có câu trả lời. Ngoài ra, CNTD còn được xem như một phương cách (method) đem lại giải pháp cho các tình huống. Tính cách thực tiễn của hai yếu tố này –hay có thể thêm những yếu tố khác nữa — giúp ích gì cho cuộc sống?

***

Trước khi giới thiệu CNTD và những người phát minh ra nó, thiết nghĩ nên đưa ra ý kiến dè dặt rằng CNTD chỉ là “một cái tên mới cho những cách suy nghĩ cũ” (a new name for old ways of thinking) như William James đã đề nghị.  Theo CNTD, một ý tưởng phải được phê phán qua cách thức hoạt động của nó, hơn là qua dáng vẻ bề ngoài hay qua tiếng nói phát ra.  Phương pháp của CNTD được xem là gần gũi với phương pháp khoa học; hay nói rõ hơn là nó toan tính đưa các phương pháp khoa học vào triết học.  Điều này khiến nhiều người xem CNTD là một triết học kỳ quái của người Mỹ!

Theo CNTD, người ta không thể phê phán rằng một ý tưởng là đúng hay sai chỉ bằng đơn thuần nhìn nó. Nó được xem là đúng với điều kiện là nó chứng tỏ hiệu quả khi liên hệ đến quá khứ và tương lai, và khi tổ chức các trải nghiệm hiện tại làm thỏa mãn chúng ta.  Một ý tưởng có thể đúng trong tình huống này, nhưng lại sai trong hoàn cảnh khác.  Chẳng hạn, về sự chuyển động của mặt trời và những hành tinh lân cận, tư tưởng của nhà thiên văn học Ptolemy (100 -170) được xem là đúng trong một thời gian dài hơn cả nghìn năm trước khi Copernicus (1473-1543) đưa ra quan điểm của mình.  Gần đây, dựa vào lý thuyết tương đối của Newton, các nhà thiên văn học hiện đại, quan sát thấy sự chuyển động giản dị hơn nhiều so với các tính toán của Copernicus.  Đối với những người theo CNTD, Ptolemy và Copernicus đều đúng cả, nghĩa là cả hai lý thuyết đều đúng cho tới khi chúng không còn hoạt động hiệu quả nữa.

Cũng cần nói thêm: CNTD chưa bao giờ long trọng tuyên bố rằng một ý tưởng của một người sẽ được coi là chân lý cho mọi người khi ý tưởng này giúp cho ông ta đạt được điều gì đó mà ông ta muốn.  Điều hoang tưởng kỳ vĩ này có thể làm cho ông ta quá tự tin và khiến ông ta ra tay chế ngự kẻ khác để nhằm đạt mục tiêu của mình. Chính điều hoang tưởng này đã gây ra thảm họa cho nhiều dân tộc trên thế giới sau những cuộc bầu cử gay go, hay sau những chiến thắng bất ngờ, hay sau những vụ đảo chính đẩm máu. Lý do là những người chiến thắng xem sự thành công ban đầu của mình là đúng và sẽ mãi là chân lý.  Lời trích dẫn của Rorty dưới tựa đề của bài này hàm ý là đối với chủ nghĩa thực dụng, không có điều gì mãi mãi đúng.

Triết học, như đã nói, chia ra làm nhiều ngành. CNTD đề cập đến hầu hết những ngành triết học đó, một phần vì những người sáng lập được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau; phần khác họ muốn đưa ra những chủ thuyết khác đối kháng với các chủ thuyết của những trường phái cũ. Nói một cách tổng quát, CNTD là kết hợp của ít nhất 3 lý thuyết chính sau đây. Thứ nhất, lý thuyết về tư tưởng (theory of mind), theo đó niềm tin là những giả định, và ý tưởng là những kế hoạch hành động.  Thứ hai, lý thuyết về ý nghĩa (theory of meaning), theo đó các ý tưởng được làm sáng tỏ bằng cách cho thấy mối quan hệ của chúng với hành động. Thứ ba, lý thuyết về chân lý (theory of truth), theo đó những niềm tin là đúng chỉ khi chúng là những hướng dẫn đem lại kết quả trong các tiên liệu và hành động.  Yếu tố xuyên suốt trong ba chủ thuyết này là hành động, chứ không phải những suy xét có tính cách lý thuyết. (The Columbia History of Western Philosophy, hiệu đính bởi Richard H. Popkin, NXB: MJF Books, năm1999, tr. 592). Hành động (actions) có thể là những thí nghiệm (experiments), hay những trải nghiệm (expeiences, tức những điều mà tác nhân đã kinh qua, trải qua – Xin phân biệt experiences với experience (uncountable noun) mà chúng ta thường gọi là kinh nghiệm, tức những kỹ năng học hỏi được. CNTD cho rằng ý nghĩa và cái đúng của một ý tưởng được định đoạt bởi những hệ quả của ý tưởng đó qua thực hành và cư xử (in practice and conduct). Do đó, có thể tóm tắt như sau: Cốt lõi của CNTD là những niềm tin (beliefs) không thể tách rời khỏi những hành động (actions); mà cái đúng của những niềm tin thì phải được đánh giá qua hệ quả của các hành động (consequences) này.

Dưới đây, chúng ta sẽ sơ lược tìm hiểu về ba nhà triết học đầu tiên của CNTD đầu tiên của Hoa Kỳ

–          Charles Sanders Peirse

–          Williams James

–          John Dewey

Charles Sanders Peirce (1839 – 1914)

Vào Harvard University năm 16 tuổi, Peirce (phát âm như purse) học ngành khoa học thực nghiệm dưới sự hướng dẫn của người cha, một giáo sư toán và thiên văn học nổi tiếng của trường thời đó. Sinh hoạt thường xuyên ngoại khóa với nhóm nghiên cứu triết học, gọi là The Metaphysical Club, trong đó có vài ba hội viên đang là khoa học gia, luận bàn về những vấn đề siêu hình và bản chất của niềm tin. Tốt nghiệp 4 năm sau với bằng hóa học và làm việc 30 năm liền cho United States Coastal and Geodesic Survey. Thỉnh thoảng Peirce trở lại Harvard để diễn thuyết về luận lý học và lịch sử của khoa học. Năm 1891, ông bỏ cơ quan này để dùng toàn thời gian nghiên cứu luận lý học và triết học, và dự định viết thành sách những gì đã nghiên cứu và suy nghiệm.  Túng thiếu tài chính, ông đành viết báo để sống qua ngày. Trông già nua hơn, lập dị (eccentric) hơn, dễ nóng giận, chỉ thích sống ẩn dật một mình, không muốn quan hệ với ai cả. Thường được William James (sẽ đề cập sau) giúp đỡ tài chánh, giới thiệu việc làm. Khi chết, ông chưa ra mắt được một quyển sách nào.  Tuy nhiên khi còn sống ông đã viết hằng trăm bài thuyết trình và bài phê bình triết học. Các bản thảo chưa in được Philosphical Department của Harvard mua lại và in thành nhiều quyển với tên của ông.

Peirce giải thích sự ra đời của CNTD như sau: “Chữ chủ nghĩa thực dụng được phát minh ra để diễn tả một nguyên tắc lý luận nhát định liên can đến cả hệ thống triết học như đã loan báo từ đầu.  Nguyên tắc này nhằm cung cấp một phương pháp phân tích các ý niệm (concepts).  Ý niệm là một điều gì đó ở dạng thông thường, hay được tạo ra, là phần hợp lý của nội dung một từ …”

Pierce tiết lộ rằng cuộc sống ở phòng thí nghiệm không ngăn cản được mối quan tâm của ông về phương cách tư duy của con người, và ông tìm đọc triết lý siêu hình.  Ông không thoả mãn vì những lý luận rời rạc mà ông đã gặp phải.  Do đó ông muốn đưa ra một lý thuyết rằng ý niệm gắn chặt với cách xử sự trong cuộc sống. Theo ông, rõ ràng là mọi điều mang lại từ thực nghiệm đều ảnh hưởng trực tiếp đến cách xử sự đó; cho nên “nếu người ta có thể định nghĩa chính xác tất cả những hiện tượng thực nghiệm có thể nhận thức được mà sự xác nhận hay phủ nhận có thể ám chỉ, thì người ta sẽ có một định nghĩa đầy đủ về ý niêm.” Và ông chỉ muốn nhấn mạnh nội dung này cho lý thuyết về ý niệm mà ông đặt tên là pragmatism, dựa trên thuật ngữ pragmtisch của Kant mà ông coi là diễn tả được mối liên hệ với mục đích nhân bản.  Ông không muốn gì hơn. Do đó, ông tỏ ra không hài lòng khi biết James sử dụng thuật ngữ pragmatism của mình để chỉ “chủ nghĩa thực nghiêm cực đoan” (“radical impiricism”) của ông ta, cũng như những người khác và báo chí đã diễn giải thuật ngữ này khác với chủ trương của mình, ông tuyên bố hôn giả biệt đứa con tinh thần này, và khai sinh lại cho nó với cái tên mới pragmaticism, mà ông thấy kỳ quặc nhưng không sợ bị bắt cóc.  (Charles S. Pierce: Selected Writings:Values in a Universe of Chance,  HĐ Philip P. Wieser, NXB Dover Publications, 1958, tr180-202) Tuy nhiên ngày nay, pragmatism được phổ biến rộng rãi để chỉ trào lưu triết học do Pierse khai sáng, trong khi đó pragmaticism chỉ được sử dụng hạn chế trong ngành ngôn ngữ học (thí dụ trong quyển “Pragmaticism: Theory and Application” của Ellyn Lucas Arwood).

Pierse còn đặc biệt quan tâm đến sự khác biệt giữa niềm tin và sự hoài nghi. Đối với ông “sự hoài nghi trên lý thuyết” (paper doubt) của Descartes không ích lợi gì; trái lại sự hoài nghi thực sự (real doubt) được củng cố sau nhiều trải nghiệm sẽ làm cho chúng ta hoãn lại những niềm tin, tức những gì mà thoạt đầu chúng ta tin là chân lý/đúng/thực. Theo Peirce, những tiền đề trong triết học (proposition) –tương đương với những định đề (theorem) trong toán học– xuất phát từ một vài nghĩ suy sắp đặt thông minh (intellectual disposition) chưa đáng được gọi là niềm tin (belief); mà niềm tin là do một sự biểu thị về thói quen ứng phó trong hành động (a behavioral habit manifest in action).  Do đó, khi “sự hoài nghi thực sự” được đặt ra, thì thái độ thường có của con người sẽ bị đổ vỡ. Mặt khác, sự hoài nghi của Descartes có thể không làm cho chúng ta thay đổi cách thức hành động. Theo Peirce, tri thức, mà ông định nghĩa như là giải pháp cho những thói quen bị đổ vỡ vì sự xét lại niềm tin, mới chính là một “tiến trình phản ứng tự nhiên” (homeostatic process, như trong trường hợp cơ thể chúng ta rùng mình khi gặp lạnh, hắt hơi khi bị chói nắng). Đối với Peirce, tri thức là phương tiện dùng để ổn định cách ứng phó theo thói quen đối với sự hoài nghi. (Philosophy: 100 Essential Thinkers, Philip Stokes, NXB Arturus, 2016, tr. 126).

Trong bài nói chuyện đầu tiên với tựa đề “How to Make Our Ideas Clear”, Peirce viết: “Cốt lõi của niềm tin là sự hình thành thói quen, và những niềm tin khác nhau được phân biệt bằng các phương cách hành động mà những niềm tin đó gợi ra.  Nếu các niềm tin không khác biệt nhau trong phạm vi này, nếu chúng không hạ giảm bớt sự hoài nghi đó bằng cách sản sinh cùng qui luật hành động, thì những sự khác biệt đơn thuần về phương diện ý thức của chúng có thể khiến chúng thành những niềm tin khác nhau.” (Pragmatism: A Reader do Louis Menand hiệu đính, do A Vintage Orginal xuất bản năm 1997, tr.33)

Peirce còn cho rằng tính duy lý (rationality), theo một phương cách nào đó, không bao gồm cảm nhận, mà bao gồm hành động. Nhận định này khác với James, người cùng trường phái, vì James cho rằng tính duy lý gồm cảm nhận (feeling) và ảnh hưởng (affectivity).  Tuy nhiên quan điểm của cả hai đều tỏ ra khác hẳn với hai trường phái cổ điển. Theo chủ nghĩa duy lý (rationalism, với các triết gia nổi tiếng là Descartes, Spinoza và Leibniz), lý lẽ nói chung, và trực giác nói riêng, giúp con người biết được thực tế. Còn theo chủ nghĩa duy/thực nghiệm (empiricism, chủ yếu với Locke, Berkeley và Hume), tri thức của con người, trừ tri thức về những nguyên lý toán học, và một vài chân lý lôgic, đều là do trải nghiệm mà ra.

Về đạo đức học, một phạm trù mà ông tham gia bàn luận tương đối trễ, Peirce chỉ trích là trong triết học truyền thống, “khuynh hướng của các triết gia là luôn luôn xác quyết rất tuyệt đối”; và tuy không tranh luận rằng James và Dewey là những người theo thuyết tương đối (relativists), nhưng ông e ngại rằng triết lý của hai người này cực kỳ linh động và công trình nghiên cứu của họ có thể dẫn dắt người ta đi theo một đường hướng khác. Cùng chính vì lý do này, mà ông thay đổi chủ thuyết của mình, từ “pragmatism” thành “pragmaticism” như đã đề cập. Theo Peirce, đạo đức học có nhiệm vụ hình thành mục tiêu cuối cùng cho cách ứng xử của con người (the summum bonum), một cứu cánh mà theo ông, có tính cách năng động, chứ không có tính cách tĩnh. Ngoài ra, Peirce còn lý luận rằng đạo đức học không phải là sự nghiên cứu những gì có tính cách lý tưởng, mà là “sự nghiên cứu những cứu cánh của hành động mà chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng để theo.” Trong ý hướng ấy, Peirce thích nghi đạo đức học của ông với lý tưởng thẩm mỹ về tính hữu lý (aesthetic ideal of reasonableness). Ông tranh cải rằng cách cư xử của con người nên nhắm mục tiêu đóng góp vào sự phát triển những điều hữu lý cụ thể này, chẳng hạn trong tư duy chính trị tại Hoa Kỳ, chúng ta có thể chỉ danh phong trào dân quyền (civil rights) là giá trị cụ thể rút ra từ lý tưởng chung đã được ấn định trong Hiến Pháp (Peirce: Ethics and the Conduct of Life, TG Douglas R. Anderson, trong quyển Classical American Pragmatism: Its Contemporary do S.B. Rosenthal, C.R. Hausman và D.R. Anderson hiệu đính, tr. 137-145).

Theo Louis Menand trong quyển “The Metaphysical Club: A Story of Ideas in Ameica”, tr. 161, thì khi còn là sinh viên, Peirce thích dùng tam đoạn luận (syllogism) để để chia xẻ quan điểm với cha mình trong vấn đề này:

            Tất cả con người đều bình đẳng về các quyền chính trị;

            Người da đen là con người;

            (Vì vậy) Người da đen bình đẳng về các quyền chính trị như người da trắng.

 Quan điểm dân quyền này được coi là rất quan trọng, đến nỗi nhiều người cho rằng nếu CNTD ra đời sớm và được phổ biến rộng rãi, thì cuộc nội chiến Nam Bắc tương tàn với 600.000 người chết, và những kết quả tiêu cực vẫn còn tồn tại đến ngày nay, có thể đã không xảy ra trên đất nước Hoa Kỳ. Quan điểm này thật sự cũng không hẳn đúng. Bởi lẽ CNTD đã ra đời trên 100 năm nay rồi, mà nạn kỳ thị chủng tộc trên đất Mỹ đâu có biến mất, cứ tái đi tái lại; cũng như gần đây xảy ra những tranh chấp gay gắt thậm chí chết người về việc gỡ bỏ các tượng đài kỷ niệm do cánh Miền Nam dựng lên sau cuộc Nội Chiến Nam Bắc. Hình như con người khắp mọi nơi trên thế giới đã “quen” yêu chủ nghĩa nhất nguyên của mình rồi! Bỏ nó đi, thì cảm thấy mình mất đi bản sắc!

William James (1842-1910)

Thủa nhỏ James được gia đình cho sang học ở nhiều nước châu Âu. Muốn trở thành một họa sĩ, nhưng nhận thấy không thích hợp, James về Mỹ vào học Harvard, bạn với Pierce, và trở thành người giúp đỡ hào phóng sau này khi Pierce gặp khó khăn về sinh kế.  Tốt nghiệp y khoa, dạy cơ thể học và sinh lý học tại Harvard, rồi chuyển thành giáo sư tâm lý học và triết học cho đến những năm cuối đời.  Bộ sách 2 quyển The Principles of Psychology (xuất bản năm 1890) giúp ông nổi tiếng thời đó và nay trở thành kinh điển.  Trong những công trình xuất bản sau đó, gồm The Will to Believe and Other Essays in Popular Philosophy (1897), The Varieties of Religious Experience (1902), Pragmatism: A New Name for Some Old Ways of Thinking (1907), The Meaning of Truth: A Sequel to Pragmatism (1909), A Pluralistic Universe (1909) và Essays in Radical Empiricism (1912, sau khi ông mất), James tìm cách nâng các lãnh vực tinh thần, triết học, tôn giáo, xã hội thành những chủ nghĩa lý tưởng (idealisms). Theo nhiều nhà phê bình, lối viết của James không rõ ràng, bay bướm bằng lối viết của em ông, tức nhà văn thiên tài Henry James, và ông cũng không đi sâu và xa trong lý luận để đẩy mạnh quan điểm của mình; tuy nhiên họ đều đồng ý chính ông mới là người có công lớn phổ biến CNTD tại Hoa Kỳ thời đó. Sử dụng những từ ngữ quen thuộc dễ hiểu, như giá trị bằng tiền mặt (cash-value), “kết quả” (results), “lợi nhuận” (profits) và đi thẳng vào vấn đề, ông dễ thu hút nhiều nguồn độc giả.

Trong quyển The Principles, James cho rằng trải nghiệm — chứ không phải lý thuyết, tức những điều trừu tượng và triết học truyền thống — mới là chìa khóa giúp chúng ta hiểu biết một cách thực tiển về mình cũng như về thế giới.   Ông không đồng ý với chủ nghĩa nhị nguyên truyền thống về vật chất và tinh thần, nhưng đồng thời cũng không cho rằng tinh thần bị giảm xuống chỉ còn là vật chất. Theo ông, trí não phải được xem như là công cụ thực hiện các mục tiêu; siêu hình học hay thần học mới chứng tỏ sự hiện hữu của linh hồn. Ông phân biệt “tôi” (I, chủ từ) và “cái tôi” (Me, túc từ). “Tôi” thì lúc nào cũng ý thức (concious); còn “cái tôi” là cái được ý thức về.  Ông phân biệt cái tôi vật chất, cái tôi xã hội và cái tôi tinh thần; chúng là đối thủ, cạnh tranh nhau, và hầu hết chúng ta bị thúc đẩy như là một khán giả lý tưởng trong việc phán xét các tương tác của chúng.

 Trong quyển Pragmatism, James cho rằng những người theo chủ nghĩa thực nghiệm (empiricists) là những kẻ bi quan, không tôn giáo, ngờ vực và đa nguyên; còn những người theo chủ nghĩa duy lý (rationalists) là những người lý tưởng, lạc quan; và những người theo chủ nghĩa nhất nguyên (monists) là những kẻ giáo điều. Cả ba, theo ông, không làm thỏa mãn nhu cầu triết học đối với các sự kiện, khoa học và tôn giáo của một con người bình thường; mà chính CNTD mới có thể làm thỏa mãn các nhu cầu này bằng cách đưa ra một phương pháp hấp dẫn mọi khuynh hướng, không phủ nhận tôn giáo lẫn các sự kiện, và chấp nhận tính chủ quan như là một yếu tố quan trọng trong triết học. Khác với Peirce, người cho rằng CNTD chỉ liên quan tới ý nghĩa mà thôi, James chủ xướng rằng CNTN là một lý thuyết về cả ý nghĩa và chân lý (a theory of both meaning and truth).  Đối với James, ý nghĩa của những ý tưởng, những niềm tin và những lý thuyết được nhận thức ra bằng cách hỏi rằng chúng thay đổi gì trong đời sống chúng ta. Và chúng là chân lý nếu sống theo chúng sẽ đưa đến những mối quan hệ thỏa đáng với những phần khác của trải nghiệm của chúng ta (satisfactory relations with other parts of our experience).  Nói vắn tắt, giá trị cụ thể (cash-value, giá trị bằng tiền mặt) của chân lý là gì? Câu trả lời: Những ý tưởng đúng là những ý tưởng mà chúng ta có thể đồng hóa, chuẩn nhận, trưng ra bằng cớ và chứng thực (assimilate, validate, corroborate and verify); còn những ý tưởng sai là những ý tưởng thì chúng ta không thể làm như thế được. (Fifty Major Philosophers: A Reference Guide, do Diané Collinson viết, Routlege xb năm 1987, tr. 117-118).  Thực ra, phạm trù chân lý/ đúng thực này đã được James định nghĩa với 15 cách: (1) Những ý nghĩ giúp chúng ta tham dự vào mối quan hệ thỏa đáng với những phần khác của trải nghiệm. (2) Những ý nghĩa dung hòa những chân lý cũ và những trải nghiệm mới. (3) Một cái tên dùng chung cho tất cả mọi thứ giá trị sử dụng nhất định về trải nghiệm.  (A name for all sorts of definite working values in experience), (4) Bất kỳ một ý nghĩ nào có giá trị trong đời sống cụ thể, …. (14) Một phương tiện trong tiến trình suy nghĩ của chúng ta. (15) Một hiện thực đang tăng trưởng.  (Puritans and Pragmatists: Eight Eminent American Thinkers, TG Paul K. Conkin, NXB Indiana University Press, 1976, tr 328).  Những định nghĩa không giống nhau này có thể khiến người đọc bối rối.  Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu phần nào nguyên nhân: quyển Pragmatism là tác phẩm gom góp từ 8 bài nói chuyện tại Lowel Institute (Boston) vào tháng 11 và 12 năm 1906, và tại Columbia University (New York) vào tháng 1 và tháng 2 năm 1907.

James giúp người đọc nhận ra cái cụ thể, tính hữu dụng cũng như tính tiên đoán của CNTD.  Thật vậy, trong khi trường phái học giả thần học thời trung cổ (scholasticism) tra vấn: “Cái này thật ra là gì?” để rồi rơi vào vòng lý sự, lẩn quẩn đi tìm lại tiền đề (quiddities); hay chủ nghĩa Darwin mạnh dạn hỏi: “Nguồn gốc của cái này là chi đây?” để rồi phải tiếp tục tìm kiếm câu trả lời trong khối tinh vân hổn độn (nebulas), thì CNTN đi thẳng vào “đời thường” rất thực tế: “Cái này đem lại những hậu quả gì?” Câu hỏi này nghe ra rất trần tục, nghe không có gì triết học, nhưng khiến người ta suy nghĩ để hành động và nghĩ đến tương lai.

Ngày nay hầu hết nhân loại sống trong xã hội đa nguyên, khiến nhiều người trong chúng ta không thấy chủ nghĩa đa nguyên là điều mới lạ.  Nhưng không phải chủ nghĩa đa nguyên thời nào cũng thấy được và ở đâu cũng có được.  Vào thế kỷ 16-17, chủ nghĩa nhất nguyên đã đưa châu Âu văn minh đến những cuộc chiến tranh tôn giáo đẩm máu.  Sau những chém giết đó, chủ nghĩa tự do (liberalism—người viết không dịch là cấp tiến như nhiều cơ quan truyền thông tiếng Việt, vì liberalism có gốc Latin liber: tự do, như freedom) mới nảy sinh, và người ta mới thấy một sự dung hòa, dung hợp, độ lượng là cần thiết để có hòa bình lâu dài. James kêu gọi mọi người đón tiếp chủ nghĩa đa nguyên nồng nhiệt và tích cực. Theo James, nhiều người trong chúng ta quá thờ ơ hay quá dễ dàng không nhận ra được là nhiều người có cuộc sống không giống cuộc sống chúng ta.  Khi làm như thế, thì chúng ta không nhận ra được những khác biệt chính đáng.

John Dewey (1859 – 1952)

Sau khi tốt nghiệp University of Vermont (khoa học trong những năm đầu; triết, luật, sử trong năm cuối), Dewey theo chương trình Cao Học đầu tiên được mở năm 1881 tại John Hopkins University, nơi Charles Peirce đang giảng dạy– nhưng không học với Peirce.  Lúc đó, ông chịu ảnh hưởng của triết học Hegel. Từ 1884 đến 1894, Dewey dạy ở University of Michigan. Năm 1894 chuyển sang University of Chicago làm khoa trưởng phân khoa triết, tâm lý và giáo dục; hai năm sau mở Laboratory of Education, một nơi thực nghiệm về giáo dục cấp tiến rất nổi danh. Đến 1904 chuyển sang dạy ở Columbia University cho tới khi về hưu năm 1930. Dewey xuất bản hơn 30 quyển sách, đi thuyết trình nhiều nơi trên thế giới cho nhiều loại thính giả khác nhau.  Dewey viết về nhiều lãnh vực trong triết học: tri thức học, siêu hình học, luận lý học, triết lý về trí tuệ, triết lý về khoa học, triết lý về chính trị, thẩm mỹ học và triết lý về tôn giáo.

Chịu ảnh hưởng khá mạnh của thuyết tiến hóa do Charles Darwin chủ xướng, Dewey nghĩ rằng tư tưởng và trí tuệ là những công cụ được phát triển trong quá trình tiến hóa cho phép con người chỉnh đốn lại môi trường sống của mình. Theo Dewey, những niềm tin (Peirce gọi đó là những thói quen) đủ mạnh mẽ và ổn định để chúng ta tin cậy, nhưng chúng ta luôn phải mở rộng đầu óc sẵn sàng xét lại, đặc biệt là vì chúng phải tự thích nghi với những đổi thay của môi trường. Ông viết: “những ý niệm, những lý thuyết, những hệ thống tư tưởng, vv.  là những công cụ (tools). Giống như trong trường hợp tất cả các công cụ, giá trị của chúng không nhờ vào chính chúng, nhưng nhờ ở khả năng làm việc của chúng mà người ta nhìn thấy được qua các hiệu quả khi sử dụng chúng” (Dewey, The Middle Work: 12, 163). Ông cho rằng đối với chủ nghĩa thực dụng, mà sau đó ông đặt lại tên là chủ nghĩa công cụ (instrumentalism), tất cả các ý tưởng đều là công cụ.  Do đó, những ý tưởng thật sự là những ý tưởng đem lại hiệu quả tốt nhất nhằm đạt những mục tiêu của con người (real ideas are those work best for attaining human goals).

Ông viết: “Triết học tự hồi phục khi nó không còn là công cụ dùng để đối phó với những vấn đề của các triết gia, và trở thành một phương pháp (method, in đậm do người dịch), được trao dồi bởi các triết gia để đối phó với những vấn đề của nhân loại.”  Ông thúc bách triết học nên trở thành công cụ dùng để đối phó với những vấn đề đặc biệt của nhân loại, hơn là với những vấn đề xa vời của các triết gia.  Ông chủ trương dùng phương pháp khoa học để chỉnh đốn lại giáo dục, luân lý, chính trị và xã hội. Dewey cho rằng Peirce là một nhà lý luận (logician); còn James là nhà nhân bản (humanist).  Về phần mình, Dewey nhấn mạnh tính cách xã hội của tri thức (the social character of knowledge).  Nhưng Peirce lại thấy rằng khảo hướng theo tự nhiên học của Dewey đối với luận lý học là quá tâm lý.

Cũng như James, Dewey nghĩ rằng con người làm ra chân lý. Chân lý không phải là thứ được làm sẵn hay chế sẵn. Ông viết: “Người theo CNTD nói rằng vì mỗi tiền đề là một giả định về một tra vấn còn đang tiến hành (nói gọn, một đề xuất), nên chân lý của nó là một vấn đề nghề nghiệp, một vấn đề lịch sử: nghĩa là nó trở nên thực, hoặc được làm cho thực (hoặc sai).”  (The pragmatist says that since every proposition is a hypothesis referring to an inquiry still to be undertaken (a proposal for short) its truth is a matter of its career, of its history: that it becomes or is made true (or false).

Trong khi Peirce cho rằng chân lý ở tình trạng tĩnh, nghĩa là một niềm tin hoặc vượt qua hoặc không vượt qua nổi những khắc nghiệt của tra vấn, thì Dewey –cũng như James—cho rằng chân lý và tri thức không phải là những hiện tượng tĩnh, nghĩa là không ở trong trường hợp mà những niềm tin của chúng ta hoặc phản ảnh thực tế (và do đó là đúng) hoặc không phản ảnh thực tế (và do đó là sai).

Về phương diện dân chủ, nếu học giả Pháp Tocqueville nhiệt tình ca ngợi sinh hoạt dân chủ tại Hoa Kỳ và than phiền Hoa Kỳ thiếu một nền triết học nói chung cho mình, thì Dewey mới là người chết sống với dân chủ và triết lý hóa dân chủ.  Ngoài việc cổ vũ dân chủ trên lý thuyết, Dewey còn giúp thành lập hai hiệp hội: The American Civil Liberties và The National Assosiation for the Advancement of Colored People; và năm 1937, lúc đó đã 78 tuổi, Dewey còn dẫn đầu một ủy ban sang Mexico điều tra về cái chết của Leon Trotsky được cho là bị người của Joseph Stalin ám sát. Những hoạt động tích cực này đã khiến ông được tặng cho danh hiệu “triết gia của dân chủ” của Hoa Kỳ.

Triết lý dân chủ của Dewey được xem là gạch nối giữa chủ nghĩa cá nhân (individualism) của Locke –đã được các chính trị gia Mỹ đưa vào Hiến Pháp cùng những văn bản quan trọng chính trị khác—và chủ nghĩa thực nghiệm (empiricism).  Về phương diện tái thiết chính trị xã hội, ông đưa ra một quan điểm rất thực nghiệm.  Theo ông, chúng ta sẽ chưa thoát khỏi thời kỳ siêu hình học về triết lý chính trị, nếu chúng ta vẫn tiếp tục ném vào đầu nhau những khái niệm trừu tượng mà khi dứt cuộc chiến, thì đâu vẫn vào đấy, không đạt được điều gì dứt khoát cả. Trái lại, chúng ta cần phải đối phó với mỗi vấn đề chính trị xã hội bằng một giả thuyết đặc biệt, chứ không phải bằng một lý thuyết phổ quát; tất cả các lý thuyết đều rộng trãi, còn đời sống tiến bộ tốt đẹp phải trông cậy vào những thử nghiệm nhận ra cái đúng cái sai. (Goethe có cùng quan điểm về vấn đề này khi viết “Tất cả lý thuyết đều màu xám, chỉ có cây đời là mãi mãi xanh tươi.”)

Dewey viết: “Trong các khái niệm tiền-thực nghiệm, tôi chẳng thấy trường hợp nào mà kết quả cuối cùng lại là một cái gì đó giống như chiến thắng cho ý niệm này hay cho khái niệm kia. Tất cả chúng đều biến mất đi vì chúng càng trở nên không còn liên hệ gì đối với tình thế mới được khám phá; và với mối bất liên hệ được bắt gặp này, chúng trở thành vô nghĩa và không đáng được quan tâm.” (New Republic, Feb 3, 1917, trích lại từ The Story of Philosophy do Will Durant viết, Pocket Books xb năm 2006, tr. 689)

Về sự đánh giá con người, ông đưa ra tiêu chuẩn khá đặc biệt: “Người xấu là người bắt đầu xuống dốc, trở thành ít tốt hơn, dẫu trước đó, anh ta tốt thế nào đi nữa. Người tốt là người đang tiến tới tốt hơn, dẫu trước đó, anh ta chẳng đáng giá gì về tinh thần.” (Reconstruction in Philosophy, trích lại trong sách trên, tr. 685). Quan điểm này của ông rất nhân bản, không khác gì quan điểm trong Phật giáo và Thiên Chúa giáo, nhưng liệu có ai áp dụng vào lãnh vực chính trị, cũng như tại tòa án chăng? Ông còn thêm rằng, tốt không có nghĩa là chỉ biết vâng lời và không hãm hại ai; tốt mà không có khả năng, thì là què quặt khập khiễng.  Theo ông, tất cả những đức tính trên đời không cứu nỗi chúng ta nếu chúng ta thiếu thông minh. Chúng ta phải tin vào tư duỵ, chứ đừng tin vào trực giác, bởi lẽ trực giác làm sao giúp nỗi chúng ta điều chỉnh với ngoại cảnh càng ngày càng đổi thay quanh ta.

Trong lãnh vực giáo dục, có thể nói ảnh hưởng của Dewey rất lớn lao. Là người đi dạy học lâu năm ở nhiều miền khác nhau trên đất nước Hoa Kỳ rộng lớn, nên tư tưởng của ông rất phóng khoáng và thực tiển.  Có thể nói không một nhà giáo hay một trường học cấp tiến nào ở Mỹ mà không chịu ảnh hưởng của ông.  Sau Thế Chiến Thứ Nhất, ông được mời giảng dạy về dân chủ, triết lý và tổ chức giáo dục ở Trung Hoa (1919-21), Nhật (1919), Thổ Nhĩ Kỳ (1926), Mexico (1926), Liên Xô (1928).  Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là quyển Democracy and Education xuất bản năm 1913, được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Ông tin tưởng rằng giáo dục của con người cứ tiếp tục nhờ sự tham gia của từng cá nhân vào sự ý thức tranh đua trong xã hội.  Tiến trình này bắt đầu một cách vô thức từ khi sinh ra, và tiếp tục hình thành năng lực của cá nhân đó, thấm vào ý thức, hình thành thói quen, tôi luyện tư tưởng, và gợi lên trong anh ta những cảm nghĩ và xúc động… Ông cũng tin tưởng rằng giáo dục thực sự chỉ đến nhờ sự kích thích năng lực trẻ do những của tình huống xã hội trong đó đứa trẻ tìm thấy chính mình. Theo ông, tiến trình giáo dục có 2 lãnh vực: tâm lý và xã hội, không lãnh vực nào là phụ hay bị bỏ rơi mà không đưa đến tệ hại, cũng không phải là sự dung hòa cả hai. Dewey cho rằng giáo dực trẻ con phải bắt đầu từ hiểu biết tâm lý về khả năng, hứng thú và thói quen của đứa trẻ. Những thứ này phải tiếp tục được giảng giải theo hình huống phát triển mới của xã hội. Nói cách khác, cái học chỉ dừng lại khi người ta chết.

Với quan niệm giáo dục là một tiến trình sinh sống (a process of living) chứ không phải là một sự chuẩn bị cho cuộc sống trong tương lai, Dewey chủ trương học đường phải tượng trưng cho cuộc sống –một cuộc sống thực sự và sinh động cho đứa trẻ như thể cuộc sống mà nó có tại nhà, tại khu láng giềng hay tại sân chơi. Như một định chế, học đường nên giản lược hóa đời sống xã hội hiện hữu; nên thu nhỏ nó xuống còn là hình thức phôi thai, vì cuộc sống hiện hữu quá phức tạp đối với em. Ông cho rằng như cuộc sống giản lược hóa, học đường sẽ lớn dần thành cuộc sống gia đình, nó đảm trách và tiếp tục các hoạt động khiến em quen với đời sống gia đình. Nói khác đi, công việc của học đường là phát triển và làm sâu xa thêm cái ý thức của đứa trẻ về mái ấm gia đình. Ông cho rằng nền giáo dục hiện thời thất bại chỉ vì nó lãng quên cái nguyên tắc căn bản của học đường là một hình thức của đời sống cộng đồng.

Về những môn học dạy ở học đường, Dewey tin rằng cách duy nhất khiến cho đứa trẻ ý thức được cái di sản xã hội của nó là làm cho nó có khả năng thực hiện được những hoạt động căn bản tạo ra cái văn minh như ngày nay. Ông chủ trương đưa khoa học vào học đường, nhưng không cần những thông tin chi tiết rườm rà, mà là chỉ cho đứa trẻ thấy những yếu tố đã sẵn trong kinh nghiệm trước đây, và cung cấp cho đứa trẻ các công cụ nhờ đó mà kinh nghiệm có thể điều chỉnh lại dễ dàng hơn và hiệu quả hơn. Nếu giáo dục là cuộc đời, thì trọn cuộc đời, ngay từ lúc ban đầu, đã bao gồm các lãnh vực khoa học, nghệ thuật, văn hóa và thông đạt. Tiến bộ không nằm trong việc tiếp tục nghiên cứu, mà nằm trong việc phát triển những thái độ mới và những quan tâm mới đối với kinh nghiệm. Dewey tin rằng đặt ra bất kỳ cứu cánh nào bên ngoài gaío dục, như đưa ra mục tiêu và tiêu chuẩn, là tước đoạt đi nhiều cái ý nghĩa của quá trình giáo dục, và có khuynh hướng làm cho chúng ta trông cậy vào những kích thích tố sai lầm và từ ngoài để đối phó với đứa trẻ. (Dewey on Education: Selections, do Matin S. Dworkin xb năm 1959, tr.19 – 27)

Một Vài Áp Dụng 

Một số trích dẫn cũng như luận bàn trên đây cho thấy 3 triết gia tiền phong của CNTD Mỹ “triết lý” về hầu hết các phạm trù triết học: Ý Nghĩa, Chân Lý, Giá Trị, Tra Vấn, Tri Thức và Hành Động. Riêng biệt và ngắn gọn dưới đây, chúng ta thử đưa ra vài phân tích về phạm trù “Chân Lý” (một trong 3 lý tưởng Chân-Thiện-Mỹ mà các nhà nghiên cứu văn học Việt Nam xem là 3 tiêu chuẩn cho một tác phẩm hay) để xem sự ứng dụng linh hoạt của nó vào cuộc sống thực tiễn của người Mỹ. Theo Lowell Kleimen & Stephen Lewis, trong quyển Philosophy: An Introduction through Literarture (NXB Paragon House, 1992, tr. 91-96), một điều gì đó được gọi là chân lý nếu nó hội đủ ít nhất cả 3 yếu tố sau đây: độc lập đối với niềm tin (independent of belief, tức không phải do chúng ta tin, muốn, cần); bất biến (immutable, tức không phai nhạt, thay đổi qua thời gian); và được công chúng nhìn nhận (public, tức đúng cho tất cả mọi người). Từ đó, theo lý thuyết tương hợp về chân lý (the correspondence theory of truth):  Một điều nào đó là chân lý nếu và chỉ nếu nó tương hợp với các sự kiện. (Something is true if and only if it corresponds to the facts).  Còn lý thuyết nhất quán về chân lý (the coherence theory of truth) lại định nghĩa: Một điều nào đó là chân lý nếu và chỉ nếu nó nhất quán (Something is true if and only if it coherents). Trong rất nhiều trường hợp, cả hai lý thuyết này đều không giúp chúng ta tìm ra được chân lý. Trong khi đó, lý thuyết thực dụng về chân lý (the pragmatic theory of truth) tỏ ra hữu hiệu hơn vì nó không đòi hỏi những điều kiện quá khắt khe.  Thực vậy, theo lý thuyết này,

            Một điều nào đó là chân lý nếu và chỉ nếu nó là một phần “diễn đạt cho giải thích tốt nhất.” (Something is true if and only if it is part of an “inference to the best explanation.”)

            Nhưng chân lý mà CNTD giúp khám phá có ích dụng gì cho cuộc sống? Theo James, ý nghĩ và khái niệm được đánh giá qua những hậu quả cụ thể mà chùng mang lại.  Nếu bạn nói một điều gì đó là chân lý, thì bạn hãy chuẩn bị chứng minh cái chân lý đó để mọi người có thể trải nghiệm qua các giác quan của mình.  Bằng không thì chỉ là “nói trăm voi không bằng một bát nước xáo”, tựa hồ như Hegel đã lý luận cực kỳ khúc chiết, nào tiền đề, phản đề, tổng đề mọi thứ trong lịch sử, nhưng theo Kierkergaard, Hegel đã không giúp ích gì cho cuộc sống hằng ngày!

            CNTD cho rằng niềm tin không thể tách rời hành động. Do đó, chân lý/cái đúng của niềm tin phải được đánh giá qua các hệ quả do những hành động đó mang lại.  Hành động nói ở đây có thể là những trải nghiệm (experiences; xin phân biệt với với experience, uncountable noun, tức kinh nghiệm).  hay những thực nghiệm/thí nghiệm (experiments).  Chúng ta nên nhớ rằng C.S. Pierce và William James vốn được đào tạo thành những khoa học gia trước khi trở thành triết gia.  Ngay cả John Dewey xem như được đào tạo chuyên ngành về triết học và bị ảnh hưởng Hegel khá nhiều; nhưng cũng đã có 3 năm đầu tiên học khoa hoc.  Sau này, ông tiêt lộ là chính quyển sách giáo khoa của T.H. Huxley với tựa đề Lessons in Elementary Physiology chỉ cho thấy mối liên hệ giữa con người và tạo hóa đã thôi thúc ông nghiên cứu suốt đời với kỳ vọng đưa ra một lý thuyết chứng minh rằng khoa học và những thử nghiệm có thể dùng để giải quyết các vấn đề văn hóa và xã hội.

            Hoa Kỳ là một quốc gia còn trẻ trung về phương diện lịch sử.  Những thành phần dân chúng đầu tiên đến từ nhiều quốc gia khác nhau của châu Âu, rồi sau này từ khắp nơi trên thế giới, mang theo những giá trị khác nhau, thậm chí xung đột lẫn nhau.  Ban đầu nó là một quốc gia nông nghiệp, những giá trị, ý chí, triết lý, tôn giáo, kiến thức vv. từ cựu lục địa đã giúp cho cá nhân tiến dần đến tình trạng “an cư lạc nghiệp”; cho quốc gia kiến tạo ra một thể cế chính trị thế quyền và dân chủ.  Nhưng khi đất đai mở rộng hơn, dân số đông đúc hơn, kinh tế càng kỹ nghệ hóa, xã hội trở nên đô thị hóa hơn, thì những xung đột quyền lợi trở nên mạnh mẽ và gay gắt hơn, những người khai sáng CNTD muốn giải quyết những xung đột đó để giúp cho mọi người được sống một đời sống phong phú hơn bằng cách không đưa ra những lời hướng dẫn về vật chất hay tinh thần, mà là những lời hướng dẫn dựa trên những tư duy rõ ràng về hệ quả của những hành động của mình.  Triết thuyết mới này tuy thỏa mãn “tinh thần dân tộc” và có vẻ thực tiển, nhưng không phải ai ai cũng vồ vập chụp lấy.  Những trắc nghiệm đầu tiên cho thấy nó cần được tiếp cận một cách cẩn thận.  Thật vậy, những “nguyên tắc”, hay những “định nghĩa” do những người sáng lập đưa ra ngay từ lúc ban đầu đã không được rõ ràng, thậm chí còn mâu thuẩn. Tuy nhiên, càng về sau này, nhất là trong lĩnh vực chính trị, khi mà ý thức hệ không thể là gỉải pháp, thì “tinh thần thực dụng” được đem ra giải thích, cân nhắc và dung hòa để cho thấy cái “tuyệt đối” là không thích hợp.

            Chúng ta thử lấy một thí dụ về ý thức hệ chính trị.  Người ta hay nói tại Hoa Kỳ, có sự xung đột gay gắt giữa “chủ nghĩa tự do” (liberalism—xin tạm dịch như thế này, vì liber gốc chữ Latin có nghĩa là liberty hay freedom; đa số truyền thông tiếng Việt dịch liberalism là chủ nghĩa cấp tiến) thường được gắn liền với đảng Dân Chủ, và “chủ nghĩa bảo thủ” (conservatism) thường được gắn liền với đảng Cộng Hòa.  Nói một cách rất tổng quát, cả hai đều tôn trọng tự do cá nhân (trong khi đó chủ nghĩa công sản thì không).   Nhưng khác nhau ở nhiều điểm mà hai điểm căn bản là (1) chủ nghĩa tự do hoàn toàn tin tưởng vào khả năng con người, rằng con người có thể đưa ra những giải pháp làm thay đổi tận gốc rễ cơ cấu xã hội; trong khi đó chủ nghĩa bảo thủ nghi ngờ rằng con người có thể phạm phải sai lầm, do đó chủ trưong rằng nếu cần thay đổi thì phải từ từ, hay tăng thêm từng giai đoạn –incrementalism).  (2) chủ nghĩa tự do chủ trương chính quyền cần mạnh dạn can thiệp vào đời sống để tạo để tạo công bằng xã hội; trong khi chủ nghĩa bảo thủ chủ trương chính quyền càng ít can thiệp càng tốt.  Chính chủ trương mới về vai trò của chính quyền này đã biến “chủ nghĩa tự do cổ điền” (classical liberalism) thành thành “tân chủ nghĩa tự do” (neo-liberalism).  Phong trào chủ nghĩa thực dụng ra đời trong hoàn cảnh “tân chủ nghĩa tự do” đang phát triển mạnh mẽ.

Kết hợp khuynh hướng mới này với những nguyên tắc và triết lý của CNTD, Charles W. Anderson đưa ra một khái niệm mới.  Đó là “chủ nghĩa tự do thực dụng” (pragmatic liberalism), mà theo ông, “Chủ nghĩa thực dụng cần chủ nghĩa tự do nếu nó muốn trở nên quan trọng trong lãnh vực tinh tần và chính tri.  Mặt khác, chủ nghĩa tự do sẽ trống rỗng khi không có phương pháp thực dụng.  Những nguyên tắc trừu tượng đòi hỏi một sự giải thích.  Những giá trị vĩ đại về tự do, công bằng, công lý, và hiệu năng xã hội có thể là bằng chứng hiển nhiên theo ý nghĩa nào dó, nhưng khi đem áp dụng vào các trường hợp khác nhau, chúng có ý nghĩa gì thì không rõ.  Thực vậy, không phải do đặt trên nền tảng nào hay theo trình tự triết lý gì, mà chính là sự áp dụng những nguyên tắc căn bản này phát sinh ra những tranh cải quan trọng về ngành chính trị học tự do (liberal politics).  (Pragmatic Liberalism, NXB The University of Chicago Press, 1990, tr.4-5).

Đối với mối quan hệ giữa bảo thủ và chủ nghĩa thực dụng, cững đã có một nghiên cứu của Seth Vannatta qua tác phẩm Conservatism and Pragmatism, NXB Palgrave, 2014).  Tác giả nghiên cứu lịch sử chủ nghĩa bảo thủ Anh quốc và chủ nghĩa thực dụng cổ điển Hoa Kỳ để minh họa những qui chuẩn phương pháp luận (methological norms) cho biết những tra vấn về các lãnh vực đạo đức, chính trị, luật và lịch sử.  Những nhà bảo thủ vốn có tính nghi ngờ khởi sự tra vấn không dùng những nguyên tắc tiên nghiệm (a priori principles) mà nhờ những yếu tố tiếp cận được như truyền thống, phong tục tập quán hay các trải nghiệm văn hóa, không khác chi chủ nghĩa thực dụng tra vấn qua các trải nghiệm của mình.  Nhờ vậy mà cả hai tránh được điều sai sót phổ cập của các nguyên tắc tiên nghiệm. Các nguyên tắc chính của chủ nghĩa bảo thủ Hoa Kỳ cũng không khác nhiều với các nguyên tắc của chủ nghĩa bảo thủ Anh quốc. Như vậy, liệu những nhà bảo thủ Hoa Kỳ có thể trông cậy vào phương pháp của chủ nghĩa thực dụng để tìm ra một giải pháp nào đó hay không. Chủ nghĩa thực dụng không cho phép chúng ta kết luận như vậy, vì hệ quả của một giải pháp cần phải được minh chứng qua những trải nghiệm trong những tình huống khác nha. Chúng ta hy vọng trong tương lai gần, tại Hoa Kỳ sẽ có những nghiên cứu mới về mối tương quan giữa hai chủ nghĩa bảo th và CNTD.

Nhưng cần lưu ý là khi chúng ta “liên kết” hai ý thức hệ chính trị trên với CNTD, thì có phải chăng chúng ta đã làm một điều khá nghịch lý: một bên là những niềm tin là phải theo đuổi bằng mọi giá với ý thức hệ, và bên kia những niềm tin là phải hành động để đạt đưọc kết quả mong muốn.  Theo nhận xét của Giáo Sư B. Guy Peters, thì hầu như trong lịch sử Hoa Kỳ những thập niên gần đây, hai chính đảng lớn — hay nói dung hơn là từ Ronald Reagan, sang Geroge H.W. Bush, đến Bìll Clinton, rồi George W. Bush có đều có khuynh hướng trung dung và không ý thức hệ (centrist and nonideologits).  Chỉ khi sang Barack Obama, thì sự dung hòa lâu dài đó mới bắt đầu chuyển dạng với sự thú nhận của vị tổng thống da mầu này rằng mình theo chủ nghĩa thực dụng. (American Public Policy: Promise and Performance, NXB: Sage CQ Press, 9th ed, 2013, tr 17-19)

  ***

Trên đây là một số tư tưởng của 3 triết gia tiền phong của chủ nghĩa thực dụng Mỹ.  Peirce được coi là người đặt viên đá đầu tiên qua bài nói chuyện có tựa đề “How to Make Our Ideas Clear? (1878), là người khởi xướng lý thuyết về chân lý.  James là người phát hiện ra Peirce, tạo nền móng và bắt đầu quãng bá CNTD qua tác phẩm Pragmatism (1907), cũng như những bài nói chuyện về phương pháp trải nghệm.  Nhưng chính Dewey mới là người làm cho CNTD nổi tiếng bằng cách hệ thống hóa, kêu gọi đa nguyên về viễn kiến nhân bản khi đưa nó vào thực tiển qua những tác phẩm của mình, đặc biệt qua quyển Democracy and Education (1913), cũng như qua công tác giảng dạy tại nhiều nơi, trong và ngoài nước Mỹ. Như một đứa trẻ tập đi, CNTD đã ban đầu đã dựa vào triết học của cựu lục địa, để rồi lần lần tự tách ra và phát triển.  Tính từ khi bài nói chuyện của Peirce ra đời, đến khi Dewey mất, CNTD đã trải qua 74 năm (1878 – 1952). Họ là những triết gia thuộc CNTD cổ điển (classical pragmatism).

Với nhau, họ cũng có những bất đồng và tranh luận tuy không gay gắt.  Với bên ngoài, họ bị công kích không ít, nhất là từ các học giả Ki Tô giáo.  Nhưng CNTD đã lần lần được một số học giả châu Âu, Bắc Mỹ, châu Mỹ Latin niềm nở tiếp nhận.  Chính tại Hoa Kỳ, CNTD cũng bị khựng lại, không phát triển nổi trong một thời gian mặc dù quan điểm về giáo dục của Dewey vẫn còn ảnh hưởng. Mãi đến thập kỷ 1980, CNTD mới hồi sinh nhờ các triết gia tân chủ nghĩa thực dụng, trong đó nổi tiếng nhất là Richard Rorty và Hilary Putman. Nếu có dịp, người viết này sẽ xin trình bày tiếp về tân chủ nghĩa thực dụng (neo-pragmatism) và một vài áp dụng của nó.

Lê Văn Bỉnh

(Virginia, 11/2017 & 11/2022)

Tài Liệu Đề Nghị Đọc Thêm Để Tìm Hiểu Sự Áp Dụng của Chủ Nghĩa Thực Dụng

1.      How American Politics Works: Philosophy, Pragmatism, Personality and Profits (TG Richard J. Gelm, NXB Cambridge

Scholars, 2010)

2.      Pragmatism in Law & Society (HĐ Michael Brint & William Weaver, NXB Westview Press, 1991)

3.      Pragmatism Applied: Williams James and the Challenges of Contemporay Life (HĐ Clifford S. Stagoll & Michael P. Levine, NXB Suny Press, 2019)

4.      Pragmatism as Humanism: The Philosophy of Willaims James (TG Patrick Kiaran Dooley, NXB Little, Adams & Co, 1974)

5.      Pragmatism versus Marxism: An Appraisal of John Dewey‘s Philosophy (TG George Novack, NXB Pathfinder Press, 1975)

6.      Environmental Pragmatism (HĐ Andrew Light and Eric Katz, NXB Routledge, 1996)

7.      Hope, Change, Pragmatism: Analyzing Obama‘s Grand Strategy (TG Jacob Shively, NXB Palgrave Macmillan, 2016)

 

Visits: 68

Posted in nghien cuu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *