Tìm Hiểu Tân Chủ Nghĩa Thực Dụng Mỹ

Lê Văn Bỉnh

Tôi tin chắc rằng dân chủ là một giá trị, không những là một giá trị về đạo đức, mà còn là một giá trị về nhận thức trong mọi lãnh vực.  Dân chủ là một đòi hỏi cho các tra vấn thực nghiệm trong bất kỳ lãnh vực nào..

(I hold that democracy to be a value, not just an ethical value, but a cognitive value in every area. Democracy is a requirement for experimental inquiry in any area.

Hilary Putnam (The American Philosopher, Giovanna Borradori, NXB The University of Chicago Press, 1994, tr. 64

Từ lúc ra đời (1907) đến nay, chủ nghĩa thực dụng Mỹ (CNTD) đã đồng hành với quốc gia trẻ trung này trên một thế kỷ. Ba triết gia tiên phong chính của phong trào gồm Charles Sanders Peirse (1839 -1914), Williams James (1842 – 1910) và John Dewey (1859 – 1952) đã luận bàn về hầu hết các phạm trù triết học: ý nghĩa, chân lý, giá trị, tra vấn, tri thức , hành động vv. Nói chung, đối với các triết gia thực dụng này, không có “chân lý” tuyệt đối và vĩnh cửu mà người ta có thể dựa vào đó để hướng dẫn cách hành xử của mình. Họ cho rằng các lý thuyết và nguyên tắc chỉ là những hiểu biết có điều kiện (contingent understandings), có thể điều chỉnh hay thay đổi khi có những thông tin mới hoặc trải nghiệm mới; và họ cũng cho rằng người ta không có nơi nào tuyệt đối cụ thể để tựa vào, hay để làm kim chỉ nam hướng dẫn. Họ muốn vận dụng những phương pháp khoa học nhằm nghiên cứu triết học, hầu đưa triết học đạt được sự hữu dụng đích thực của nó, nghĩa là giúp giải quyết được những vấn đề thực tế liên quan đến cuộc sống hằng ngày của con người. Nguyên lý căn bản này đáp ứng được tinh thần canh tân của người Thanh giáo (Puritans) cũng như “tinh thần quốc gia” của miền đất mới muốn thoát khỏi ảnh hưởng châu Âu, trong đó có ý chi của giới trí thức mong muốn đưa ra một điều gì mới mẻ, độc lập về học thuật văn chương, về sự hiện đại hóa kỹ nghệ để bắt kịp đà tiến nhanh của quốc gia tân lập. Nhờ đó mà CNTD đã được đón tiếp nồng hậu và phát triển trong hơn một thời gian khá dàị. Sau Thế Chiến Thứ Hai, ảnh hưởng của CNTD lần lần bị mờ nhạt đi tại Hoa Kỳ. Dưới đây là một số nguyên do chính.

SỰ SUY THOÁI CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG CỔ ĐIỂN

Trước hết, ngay từ khi mới ra đời, CNTD đã không được giới thiệu một cách hệ thống và rõ ràng, thậm chí ý tưởng về một số phạm trù còn mâu thuẩn nhau. Chỉ vài năm sau khi James tuyên bố Peirse là người đã khai sáng CNTD và đưa ra một số bài diễn thuyết, thì Addison Webster Moore, một giáo sư của University of Chicago đã cho in quyển Pragmatism and Its Critics (NXB The University of Chicago Press, 1910) nêu lên những điểm không rõ ràng và những hạn chế của CNTD. Chẳng hạn, Moore cho rằng CNTD bị phản đối vì (1) sự mơ hồ khó hiểu khi dùng từ “mục tiêu thực tiễn” (“practical purpose”); (2) tính chủ quan cần thiết và tính tương đối của tình thế (the necessary subjectivity and relativity of the position); việc thiếu nguyên tắc nhờ đó trải nghiệm có thể được liên kết lại (the lack of any principle by means of which experience can be united) vv. Như James từng nói “Chân lý … tồn tại phần lớn nhờ hệ thống tín dụng. Những tư duy và niềm tin của chúng ta vượt qua được với điều kiện là không gặp phải thử thách, giống y như những tờ giấy bạc vượt qua được khi không ai từ chối chúng.” (Pragmatism and Other Things, NXB: Penguin Classics, 2000, tr. 91).Vậy CNTD có thể nào giữ mãi được hào quang như James đã từng hãnh diện viết cho em mình hay không? Câu trả lời sẽ là phủ định.
Như chúng ta đã biết, trong 3 nhà tiền phong trên của CNTD, Dewey là người nổi bật nhất, không những được xem như một nhà giáo, một trí thức, mà còn là “một chính trị gia chân chính” (a stateman — để phân biệt với “một “chính trị gia chuyên nghiệp”, a politician) mặc dù ông không được bầu cử hay bổ nhiệm vào một chức vụ công quyền nào. Nhờ hiểu biết rộng rãi, uy tín cao, thường đi đây đi đó, sống lâu mà vẫn sáng suốt, ông được mời gọi cũng như tư nguyện tham gia hoạt động rất tích cực trong nhiều lãnh vực khác nhau. Theo thiển ý, chính trong lãnh vực chính trị, tư tưởng và chủ trương của ông đã khiến cho CNTD bị ảnh hưởng bất lợi không ít. Thực vậy, CNTD hứa hẹn sẽ mang lại hòa bình cho nhân loại, nhưng đã không ngăn cản được Hoa Kỳ tham chiến Thế Chiến Thứ Nhất cũng như Thế Chiến Thứ Hai; đã vậy mà các nhà thực dụng lại còn quảng bá tinh thần yêu nước và khuyến khích mọi công dân tham gia tích cực vào hai cuộc chiến này. Thêm vào đó, trong hơn mươi năm đầu thế kỷ 20 cùng với sự phát triển nhanh chóng của nhiều thành phố công nghiệp trên thế giới là sự đòi hỏi những cải cách xã hội, thay nền kinh tế cạnh tranh (competitive economy) bằng kinh tế xã hội (social economy). Tại Hoa Kỳ, phong trào cấp tiến (progressive movement) đòi hỏi một sự cải cách tận gốc rễ, yêu cầu một chính quyền có ý thức xã hội (socially concious governement), chủ trương chính quyền phải bảo vệ “tự do”, hiểu theo ý nghĩa mới. Dewey gọi tự do mới này là “quyền tự do hữu hiệu” (effective freedom), nghĩa là chính quyền không những không được tiêu cực trong việc bảo vệ quyền tự do của con người như trước đây, mà còn cần phải tích cực, phải làm những thứ gì đó đặc biệt, chẳng hạn nên chia xẻ quyền lực cách biệt lớn lao (immense inequality of power) đương thời ở thời Hoa Kỳ; hay nên hợp tác dân chủ trong việc quyết định những lý tưởng và mục tiêu, cũng như tạo ra các định chế công nghiệp và xã hội của quốc gia, như lời đề nghị của một số người ngưỡng mộ ông. Trong cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1924, Dewey cũng đã tích cực vận động và ủng hộ ứng cử viên của Progressive Party, một chính đảng tân lập chủ trương đánh thuế cao vào của cải, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, công hữu hóa ngành hỏa xa, miễn thuế nông nghiệp, chấm dứt lao động trẻ con vv. mà ông gọi là “những thay đổi tích cực và xây dựng lại một trật tự kinh tế”, nhưng người này chỉ thắng phiếu ở tiểu bang sinh trưởng của mình mà thôị (Give Me Liberty! An America History, 2nd ed., TG Eric Foner, NXB W.W. Norton, 2009, tr. 662, 691, 734).
Dewey, theo Alan Ryan cho biết, đã lên tiếng chỉ trích những biện pháp mà Tổng Thống Roosevelt dùng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế thập niên 1930 dưới ngọn cờ chủ nghĩa tự do (liberalism). Như chúng ta đã biết, Tổng Thống Roosevelt đã đưa ra khá nhiều biện pháp can thiệp rất mạnh mẽ và táo bạo vào các lãnh vực kinh tế (chẳng hạn nhiều luật lệ, qui định nhằm hạn chế quyền tự do kinh doanh, nghiệp đoàn), nhiều biện pháp hành chánh (chẳng hạn cơ quan mới mọc lên như nấm, lắm khi quyền hạn trùng lắp), cải tổ tư pháp (chẳng hạn trong nhiệm kỳ đầu đã lên tiếng đe dọa, rồi sang đầu nhiệm kỳ thứ hai đã thật sự đưa ra dự luật nhằm tăng thêm số thẩm phán tại Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, nhưng bị bác). Tuy ông còn được tín nhiệm thêm hai nhiệm kỳ nữa — ông mất vài tháng sau vào đầu nhiệm kỳ thứ tư—nhưng dư luận trong nước đã tỏ ra lo ngại đối với quyền tự do kinh doanh, với guồng máy chính quyền cồng kềnh và nhất là đối nền dân chủ truyền thống. Trong khi đảng Cộng Hòa chống đối và ngay cả nhiều đảng viên “bảo thủ” của đảng Dân Chủ cũng phải e dè, thì Dewey cho là tất cả biện pháp này còn quá thiếu cho một nghị trình cải tổ dân chủ xã hội đầy đủ. Dewey còn đứng ra thành lập ra tổ chức có tên là The League for Independent Political Action (LIPA) vào tháng 12/1928, chỉ mười tháng trước khi cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế xảy ra, với ý định tiến đến một chính đảng thứ ba, vì theo ông cả 2 đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ăn nên làm ra và trở nên giàu có đều nhờ vào giới sản xuất với cái giá mà giới tiêu thụ và lao động phải trả. Tuy ông không chấp nhận một đảng xã hội hay cộng sản (Social or Communist Party) vì cho rằng chúng do Moscow điều khiển, nhưng theo ông, Hoa Kỳ là một quốc gia mà giai cấp trung lưu là chủ yếu cho nên phong trào cải tổ phải dựa vào giai cấp trung lưu cực đoan này (the radical middle class) và phải thực hiện ngay. (John Dewey and the High Tide of American Liberalism, NXB W.W. Norton. 1995, tr. 284 – 303).
Bên cạnh những bất đồng chính kiến nói trên, theo John P. Diggins, CNTD còn bị phê phán là “thiếu ‘một cảm nhận có kịch tính về cuộc sống’, đánh giá thấp quá khứ là cản trở cho sự tiến bộ, đòi hỏi các tư tưởng gia phải điều chỉnh với các tình huống, hơn là làm cho các tình huống phù hợp với nhu cầu và ước muốn của con người, và qua việc khuyên các nhà trí thức nên học hỏi các bí mật tự nhiên đã làm cho quyền lực trở thành đối tượng duy nhất của tri thức”. Lewis Mumford, trong ban biên tập của tờ New Republic, cơ quan ngôn luận của đảng Dân Chủ, còn “muốn Hoa Kỳ từ bỏ chủ nghĩa thực dụng, và xem lại di sản trí thức của riêng mình” (The Promise of Pragmatism, NXB The University of Chicago Press, tr. 366 – 368). Cũng theo Diggins, một biến cố khá quan trọng khác xảy ra trong lãnh vực hàn lâm đã ảnh hưởng không ít đến CNTD. Đó là vào năm 1936, Robert Hutchins, Viện Trưởng (President) trẻ trung và năng động của University of Chicago đã kêu gọi sửa đổi học trình ban Ban Cử Nhân bằng cách sử dụng những quyển sách kinh điển nổi tiếng Tây Phương và dạy theo tinh thần đối thoại của Socrate, và như thế có thể sẽ là sự trở lại của siêu hình học mà CNTD đã lâu nay công kích. Là một triết gia chính trị, Dewey tuy tin tưởng vào cộng đồng, thấy được sự thăng hoa của Hoa Kỳ, một quốc gia của những sự thật hiển nhiên và các quyền tự do cá nhân tư nhiên dưới thời tổng thống Jefferson, nhưng ông không tin rằng Hoa Kỳ cần một nền tảng triết lý chung (a common philosophical foundation). Ông đáp ứng lại bằng cách viết rằng khi người này chọn Socrate và Saint Thomas như là những nhà truyền bá có khả năng về những chân lý hàng đầu (as competent promulgators of first truths), thì cũng có kẻ khác lại thích Hegel, Marx hay Mussolini, và cho rằng Viện Trưởng Hutchins đã xâm phạm vào vấn đề: ai là người có quyền quyết định về sự thật rõ ràng nào tạo lập ra hệ cấp thứ bậc đó (sđd., tr. 392).
Từ những biến cố lớn nhỏ kể trên, người Mỹ bớt lần hào hứng với CNTD. Những nhà thực dụng khi bày tỏ những quan tâm của mình về phương diện chính trị đều là những người theo chủ nghĩa tự do về chính trị (political liberalism); nhưng như chúng ta thừa biết, khi tham gia vào các tranh cãi chính trị, thì uy tín trước đó của họ cũng thay đổi và triết thuyết mà họ đang theo cũng chịu ảnh hưởng, có thể tích cực hay tiêu cực tùy theo kết quả mang lại qua các cuộc tranh cãi đó. Chính quyền Roosevelt, trong đó có không ít những người theo CNTD, đã đưa ra nhiều biện pháp chống khủng hoảng kinh tế tuy mang lại một ít hiệu quả ban đầu, nhưng đồng thời cho thấy quá nhiều dấu hiệu đe dọa nền kinh tế tư bản và thể chế chính trị dân chủ Hoa Kỳ. Nếu không xảy ra chiến tranh đưa đến toàn dụng nhân công và guồng máy kinh tế, thì liệu những biện pháp can thiệp mà thủa đó người ta xem là rất tả khuynh liệu có đem hiệu quả lâu dài không. Lúc đó, không có những lời giải thích có hệ thống và rõ ràng đối với đủ loại biện pháp từ phía chính quyền. Thiết tưởng cần lưu ý là lý thuyết kinh tế John M. Keynes mới ra đời (1936), chưa được đem ra áp dụng trên nước nào cả, cho nên những biện pháp can thiệp có tính cách manh múng của chính quyền Roosevelt được xem là thiếu căn bản lý thuyết.

Theo Morris Dickstein, phản ứng chống lại chủ nghĩa cấp tiến (progressivism) sau 1920 biến thành phản ứng chống lại CNTD từ những người bảo thủ vốn xem Hoa Kỳ là một quốc gia ngoại lệ và thành công. Sau Thế Chiến Hai, phản ứng chống đối lại này lại càng thêm rõ nét hơn. Thêm vào đó, nhiều học thuyết mới mẻ ra đời từ châu Âu như thuyết hiện sinh, thuyết thần học về khủng hoảng (crisis theology), phân tích tâm lý, học thuyết hiện đại (modernism) tỏ ra hấp dẫn hơn đã lôi cuốn không ít giới trí thức Mỹ. Mặt khác nỗi lo sợ sự bành trướng và đe dọa của Liên Xô đã khiến quần chúng Mỹ hăng hái tìm hiểu chủ nghĩa cộng sản/xã hội, đồng thời chiến tranh lạnh bắt đầu bổ vây thế giới, khiến quần chúng Mỹ quan tâm đi tìm cội nguồn của sự sợ hãi đó. Một số di sản trí thức như CNTD, và một số “-ism” khác như định chế học (institutionism), thái độ học (behaviorism), chủ nghĩa duy lý thực tiển về luật pháp (legal realism), chủ thuyết quyết định về kinh tế (economics determinism) mà các trường đại học Mỹ hãnh diện giảng dạy lâu nay bắt đầu bị lấn lướt. Một số quan điểm mà Dewey được xem như “vua”, nay đã phải nhường chỗ cho Kierkegaard, một triết gia hiện sinh. (The Revival of Pragmatism: New Essays on Social Thought, Law, and Culture. NXB Duke University Press 1999, tr. 9)

Trong nhiều năm kế tiếp, đặc biệt từ sau Thế Chiến Hai, mặc dù về phương diện chính trị, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa thay phiên nhau nắm quyền — ở các cấp liên bang, tiểu bang và địa phương — nhưng chủ nghĩa tự do (liberalism) vẫn không phát triển nỗi như mong ước của nhiều người, nhất là những người khuynh tả, thậm chí đôi lúc người ta không gọi đúng tên của nó, mà lại tránh né gọi là chủ nghĩa cấp tiến/tiến bộ (progressivism), như chúng ta có thể thấy ở tựa đề một số bìa sách cũng như bên trong hay bài nghiên cứu trên báo chí do các đảng viên đảng Dân Chủ viết. Đến khi Russell Kirk cho ra đời quyển The Conservative Mind (1953), trong đó thu thập những diễn ngôn chính trị, truyền thống và văn thơ lần lần gây được niềm tin căn bản cho những người bảo thủ, cũng như sự ra đời của tờ báo National Review làm chỗ dựa cho đảng viên Cộng Hòa, tạo thành một phong trào thu hút một đại bộ phận người Mỹ, thì ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do (liberalism) bị suy giảm rất nhiều, kéo xuống theo mức hấp dẫn của triết thuyết thực dụng của ba nhà thực dụng tiền phong nói trên– thường gọi là chủ nghĩa thực dụng cũ, cổ điển hay truyền thống (old, classic or traditional pragmatism).

TÂN CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG

Ngày nay các học giả Hoa Kỳ và thế giới đều công nhận Richard Rorty là người có công lớn nhất trong việc tái sinh chủ nghĩa thực dụng, và Hilary Putnam là người đóng góp không ít vào việc hoàn thiện và phát triển nó. CNTD được tái sinh này được gọi bằng nhiều tên khác nhau: CNTD tân tiến (modern pragmatism), CNTD hiện đại (contemporary pragmatism), CNTD mới (neo/new pragmatism). Trong bài này, người viết gọi đó là tân chủ nghĩa thực dụng (Tân CNTD) để dịch cái tên New Pragmatism. Nói một cách tổng quát, Rorty và Putnam đến từ những lãnh vực nghiên cứu khác nhau, tính tình cũng khác nhau. Tuy họ chia xẻ một số quan điểm của các nhà tiền phong của CNTD cổ điển, nhưng cách nhìn của họ không giống nhau, Vì vậy, tìm hiểu Tân CNTD không phải là điều dễ dàng. Dưới đây, người viết sẽ căn cứ trên vài ba tác phẩm của Rorty và Putnam, cũng như dựa vào một số các nguồn khác viết về họ (nghiên cứu, trích dẫn, phỏng vấn, tranh luận vv.) nhằm khiêm tốn giới thiệu ngắn về Tân CNTD.
Như chúng ta thừa biết CNTD ra đời phải cạnh tranh với chủ nghĩa hiện thực (realism) và chủ nghĩa lý tưởng (idealism) để chứng tỏ sự vượt trội của mình trong nhiều lãnh vực mà quan trọng hơn cả là trong các lãnh vực siêu hình, tri thức luận và lý thuyết về giá trị. Rorty và Putnam góp phần quan trọng trong việc hồi sinh CNTD cổ điển, nhưng sự đóng góp của họ cho phong trào này khá khác nhau, và giữa họ đã có những tranh luận dai dẳng tuy không gay gắt. Theo Alan Malachowski, tác giả của nhiều tác phẩm về Tân CNTD, thì Rorty không quan tâm nhiều đến lý thuyết CNTD cổ điển mà chỉ muốn hiện đại hóa một số phạm trù, như muốn bớt đi sự lệ thuộc của CNTD vào thực nghiệm, cũng như muốn nó từ bỏ sự sùng bái phương pháp khoa học. Trong khi đó, Putnam –chưa tự nhận mình là người theo CNTD– lại nghiên cứu kỹ lưỡng một số tác phẩm của ba tác giả thực dụng cổ điển này, tìm ra một số khuyết điểm, so sánh với quan điểm của các tác giả đương thời, rồi sửa sai và bổ sung cho hoàn thiện hơn. (The Cambridge Companion to Pragmatism, NXB Cambridge University Press, 2013, tr. 5 – 6). Thậm chí, trong một tác phẩm khác, Malachowski còn cho rằng Putnam chỉ làm công việc “chuẩn bị” mà chưa viết được gì nhiều về CNTD, tuy nhiên ông nhìn nhận rằng chính uy tín lớn lao của Putnam trong lãnh vực triết học nói chung đã lôi cuốn được nhiều người theo phong trào hồi sinh CNTD.

Richard Rorty (1931 – 2007)

Rorty theo chương trình cao học tại Universiy of Chicago khi trường này vẫn còn chịu một chút ảnh hưởng của CNTD cổ điển, trình luận văn (thesis) về siêu hình học. Sau đó, ông tiếp tục chương trình tiến sĩ tại Yale University (1952 – 1956) với các giáo sư có hiểu biết rộng rãi về CNTD cổ điển này. Luận án (dissertation) ra trường, The Concept of Potentiality, viết về lịch sử của khái niệm. Trong thời gian sinh viên của ông, triết học phân tích (analytical philosophy) khá thịnh hành. Theo triết thuyết này, tiến trình phân tích là trọng tâm cốt lõi – xin nhấn mạnh, vì chủ thuyết nào lại không ít nhiều sử dụng nó– của phưong pháp triết học; ngôn từ thường ngày chỉ là bề ngoài, và trong tiến trình phân tích người ta có thể khám phá ra được cấu trúc lý luận giúp giải quyết những vấn đề triết học. Rorty tỏ ra rất thành thạo và thành công trong việc sử dụng phương pháp phân tích này; nhưng về sau ông quay lại chống đối trước sự phát triển mạnh mẽ của nó. Sau đó, năm 1982 ông rời ghế giảng dạy triết học ở Princeton University vì cảm thấy không yên tâm làm một triết gia chuyên nghiệp (professional philosopher) để nhận một nghề mới liên ngành, giáo sư về nhân bản học (professor of humanities) tại University of Virginia trong gần hai thập niên. Đến năm 1998, ông lại chuyển qua Stanford University bên miền Tây với chức vụ mới, giáo sư văn chương so chiếu (comparative literature).
Qua tiểu sử ngắn về khả năng nghề nghiệp đa dạng trên, chúng ta thấy các công trình nghiên cứu đồ sộ của ông sẽ đề cập đến nhiều lãnh vực, nhưng quan trọng nhất và trước tiên là quyển Philosophy and the Mirror of Nature, NXB Princeton University Press, 2009. Trong lời giới thiệu ấn bản kỷ niệm 30 năm ngày ra đời của tác phẩm này, Michael William cho rằng nó đã tạo ra những cơn sóng chấn động đến những triết gia chuyên nghiệp, ảnh hưởng đến sự hồi sinh của CNTD Mỹ. Đó là một công trình bao trùm lãnh vực rộng lớn và đầy tham vọng, bao gồm nhiều phạm trù, như tri thức học, triết lý về trí não, triết lý về ngôn ngữ, và nhiều thứ khác nữa. Theo Rorty, “Triết học là nền tảng đối với những phần còn lại của văn hóa vì văn hóa là tập hợp những đòi hỏi của tri thức, và triết học phán quyết những đòi hỏi này. Nó làm được thế bởi vì nó hiểu được nền tảng của tri thức, … của “tiến trình động não” (mental process), hay “hành động đại diện” (activity of representation) nhờ đó mà tri thức hình thành được ….Triết học càng thêm “khoa học” và nghiêm khắc hơn, thì phần còn lại của văn hóa lại càng trở nên ít được như thế hơn, và các sự phô trương truyền thông dường như trở nên phi lý hơn. Triết học nói chung bị từ chối bởi những kẻ muốn có một ý thức hê …” Trong bối cảnh đó, Rorty tìm ra được 3 triết gia mà ông cho là quan trong nhất của thế kỷ. Đó là Wittgensten, Heidegger và Dewey; nhưng ông nhận xét rằng hai người trước chỉ quan tâm đến cá nhân con người, còn Dewey mới là người đề cập đến xã hội. Rorty cho rằng trong một xã hội lý tưởng, văn hoá không còn bị chế ngự bởi nhận thức khách quan lý tưởng (ideal objective cognation), mà là bởi sự nâng cao về mỹ học (aesthetic enhancement). Theo ông, trong nền văn hóa đó, các ngành nghệ thuật và khoa học sẽ là “những bông hoa đời mọc nở tự nhiên” (unforced flowers of life). Rorty mong muốn người ta rút lại những lời phê phán mà họ đã dành cho Dewey, tức kết tội ông theo chủ nghĩa tương đối ‘relativism’ và chủ nghĩa phi lý ‘irrationalism’. (sđd, tr. 5 –13). Trong quyển sách nhằm mục tiêu tranh luận về triết học phân tích này, Rorty viết với kỷ thuật của một triết gia phân tích; nhưng sau đó, ông viết với lý luận hậu-triết học phân tích (post analytic philosophy), không còn xem những giả định là cần thiết vì những giả dịnh đặt trên nền tảng tiên nghiệm, mà dựa trên những mối quan tâm nhân bản khác.
Theo Rorty, khoa học cung ứng cho con người hiểu biết thực nghiệm, nhưng không thể cho biết những gì xảy ra đối với căn bản của sự hiểu biết đó. Ông lần lượt phủ nhận học thuyết đại diện (representationism — ND: Nói chung, đó là một học thuyết cho rằng trí óc, đôi khi bộ não, hành xử đại diện cho sự vật mà chúng ta hình dung ra, hay suy nghĩ về) của Descartes, Lockes, Kant mà ông cho là nó chỉ đưa chúng ta tới sự tìm hiểu các mức độ khác nhau mà thôi. Rorty cho rằng nếu không phân biệt được “cái có sẵn” và “cái được thêm vào” …. thì chúng ta sẽ không biết cái gì được xem như là “sự tái dựng hợp lý” (rational reconstruction) của tri thức, và chúng ta sẽ không biết mục tiêu và phương pháp của môn tri thức học là gì. Về khía cạnh này, Rorty cho rằng thế giới hiện hữu một cách độc lập với con người, mà ảnh hưởng của những nguyên nhân của nó thì không bao gồm trong các trạng thái tinh thần của con người, và không cần phải được đại diện chi cả. Do đó, thay vì đi tìm hiểu mối liên kết giữa trí não và thế giới, chúng ta nên dùng ngôn ngữ thích hợp.
Luận về vaì trò của ngôn ngữ, Rorty chỉ cho thấy rằng: “Hình ảnh trong triết lý cổ và trung cổ liên quan đến “những đồ vật” (things), của triết lý suốt các thế kỷ 16-18 là “những ý tưởng” (ideas) và của triết lý đương thời là “các từ vựng” (words); nhưng đừng vì thứ tự thời gian đó mà cho rằng triết thuyết này là sơ đẳng hay triết thuyết kia là nền tảng. Đó không vì lý do Arsitotle nghĩ rằng người ta có thể giải thích “ý tưởng” hay “từ vựng” bằng thuật ngữ “đồ vật”, mà là vì Aristotle không có một triết thuyết về tri thức …. Rorty tin rằng nếu chúng giải thích được phương cách mà ngôn ngữ hành xử (work) thì điều đó cũng giúp chúng ta hiểu được phương cách mà ngôn ngữ gắn chặt với nhân loại, và do đó cũng hiểu được bằng phương cách nào mà chân lý và tri thức đã có thể có được. (sđd. tr 257 – 273)


Trong bài nói chuyện tại trường đại học UC Berkely năm 1980, bàn về vai trò của phương pháp khoa học trong việc nghiên cứu, Rorty giải thích rằng khi thành công, Galileo nói quyển Sách Thiên Nhiên (the Book of Nature) đã được viết bằng từ vựng toán học, thì ông ta muốn nói rằng từ vựng toán học không tình cờ mang lại kết quả, mà nó mang lại kết quả chỉ vì mọi thứ vốn đã sẵn bày rồi, nay từ vựng toán học mang lại kết quả bởi vì nó thích hợp với vũ trụ giống như cái chìa khóa vừa khít với ống khoá vậy. Theo Rorty, từ đó các triết gia cứ cố gắng, và thất bại, khi cảm nhận rằng phương pháp mang lại kết quả bởi vì mọi thứ vốn được bày sẵn rồi. Và cũng từ đó, trong phương pháp nghiên cứu, các thuật ngữ “khách quan”, “nghiêm khắc”, “phương pháp” được đưa ra làm ranh giới biệt lập giữa khoa học và không-khoa học. Chẳng mấy ai dám đưa ra ý kiến là khoa học chẳng có gì bí mật cho sự thành công cả; lại càng chẳng có mấy ai giải thich được vì sao từ vựng về dân chủ tự do (vocabulary of liberal democracy) lại mang đến kết quả tốt đẹp như ngày nay. Rorty xác nhận mình tin rằng các ý tưởng truyền thống như khái niệm tuyệt đối (khách quan) về hiện thực, phương pháp khoa học thì hoặc không rõ ràng, hoặc không hữu dụng; và ông khuyên mọi người nghiên cứu khoa học xã hội nên theo phương pháp của Dewey vốn nhấn mạnh đến phương cách trần thuật (narrative) và từ vựng, hơn là tính khách quan của luật pháp và lý thuyết. …Theo Rorty, có hai đòi hỏi phân biệt đối với từ vựng dùng nghiên cứu trong các khoa học xã hội: (1) Nó phải bao gồm những mô tả các tình huống giúp làm dễ dàng cho việc tiên đoán và kiểm soát, và (2) Nó phải bao gồm những mô tả giúp người nghiên cứu quyết định phải làm gì…. Đối nhu cầu cần bỏ đi các khái niêm truyền thống, như tính hợp lý, tính khách quan, phưong pháp, chân lý, Rorty cho rằng quan điểm của Nietzsche và quan điểm của CNTD không có gì khác nhau. Khi Nietzsche cho rằng đối tượng của các triết gia là phải sản sinh ra sự thật thông qua quyền lực, và họ không thể hành xử quyền lực trừ phi phải thông qua sự thật, và rằng điều sai lầm của triết học thay vì dùng logic và lý luận như những phương tiện để đem lại cứu cánh ích dụng cho thế giới, thì người ta lại nghĩ rằng những phương tiện này sẽ đưa ra một tiêu chuẩn chân lý về hiện thực, thì theo Rorty, James đã cho rằng “các ý tưởng trở thành sự thực chỉ khi chúng giúp chúng ta nhận thức ra mối liên hệ thỏa đáng với trải nghiệm”, và Dewey cũng viết là “tính hợp lý là sự đạt được hài hòa khả dĩ giữa các ước muốn khác nhau.” (Consequences of Pragmatism, NXB University of Minnesota Press, 1982 tr. 191 – 195)
Trong phần giới thiệu tuyển tập Pragmatism as Anti-Authoritarianism (HĐ Eduardo Mendieta, NXB Harvard University Press, 2021), Robert Brandom viết rằng tác phẩm gồm 10 bài nói chuyện quan trọng này của Rorty nhằm mục tiêu giúp chúng ta, về phương diện lý thuyết cũng như về thực hành, thoát khỏi phải chịu đựng các quyền lực phi nhân. Rorty muốn CNTD đem lại những thay đổi lớn lao, tạo nên một cuộc “Sáng Thế” thứ hai (a second Enlightenment), không còn xem quyền lực và trách nhiệm là phải phụ thuộc và vâng lời, như truyền thống, nghĩa là CNTD chống lại toàn trị, như tựa đề của quyển sách đã nêu ra. Về phần mình, Rorty chủ trương rằng các xã hội vốn ngờ vực các giá trị Tây phương nay nên theo Tây phương bằng cách bỏ chế độ nô lệ, thực hành sự khoan dung tôn giáo, khuyến khích nền giáo dục cho phụ nữ, khoan dung hôn nhân đồng tính, cho phép hôn nhân giữa các chủng tộc, phủ nhận chiến tranh một cách có ý thức v.v. Ông khuyến khích chúng ta làm điều này với tư cách là thành viên tinh thần của cộng đồng thế giới. Điểm quan trọng ở đây là ông cho rằng chúng ta nên từ bỏ chủ nghĩ duy lý thời kỳ Sáng Thế này (Enlightenment rationalism) vì từ bỏ nó thì mới có thể dễ chấp nhận những giá trị khác (không Tây phương); vả chăng đây là lãnh vực của các triết gia chuyên nghiệp! Rorty chủ trương chúng ta nên theo chủ nghĩa tự do thời Sáng Thế (Enlightenment liberalism) — mà theo người viết ông muốn chúng ta hiểu theo cả hai nghĩa: nghĩa tiêu cực (tức tôn trọng tự do cá nhân, không can thiệp vào đời sống. sinh hoạt riêng tư vv.) lẫn nghĩa tích cực (ngoài nghĩa tiêu cực ra, còn có thể/nên can thiệp để tạo công bằng xã hội. (sđd tr.157 – 158)
Rorty, khi kêu gọi cải tổ xã hội nhằm tạo dựng công bằng xã hội cho Hoa Kỳ, đã nhắn với các học giả cánh tả là không cần phải nghiên cứu văn hóa nữa vì nghiên cứu văn hóa đã được học gỉả Mác xít làm nhiều rồi, mà nên nổ lực nghiên cứu chính trị để huy động niềm hãnh diện của người Mỹ về sự thành công của Hoa Kỳ, để tôn vinh giá trị nền dân chủ Mỹ, xem nước Mỹ là một ngoại lệ, cũng như đánh giá cao niềm tin và truyền thống của người Mỹ, mà tất cả được ông gọi chung là “tôn giáo dân sự” (civil religious — chữ do Jean J. Rousseau đặt ra để phân biệt với nhà thờ và các định chế tôn giáo khác). Theo ông, cánh tả vẫn còn tiếp tục nghĩ dến những sắc tộc và thiểu số bị áp bức, nước Mỹ không nên là một cái nồi nấu tan chảy mọi thứ (a melting pot). Ông cho rằng, “Cánh tả này muốn duy trì cái điều khác, hơn là không thèm để ý tới nó (This Left wants to preserve otherness, rather than ignore it). Đối với ông, người Mỹ phải mô tả xứ sở mình dưới hình thái mà mình hy vọng nó sẽ trở thành, cũng như theo cách mà mình biết hiên nay nó đang như thế nào. Nói tóm lại, người Mỹ phải sống với và tranh đấu cho một nước Mỹ mà mình mơ ước. (Achieving Our Country: Leftist Thought in Twentieth-Century America, TG Richard Rorty, NXB Harvard University Press, 1998, tr. 3 –18 và tr. 100 –107). Đây là một lời khuyên tốt của Rorty, không những đúng cho người Mỹ, mà còn cho công dân của mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể nghĩ Rorty không hoàn toàn đúng ông khi chủ trương rằng nghiên cứu văn hóa và nghiên cứu chính trị là hai lãnh vực nên tách rời nhau; thực tế cho thấy, ngay cả trong những nước đang phát triển, sự áp đặt một “ý thức hệ chính trị” ngoại nhập lên một nền văn hóa truyền thống thường đã đưa đến xung đột đẫm máu, hay tan vỡ khó hàn gắn, hay phải lâu lắm mới hàn gắn lại được, trước khi xã hội đó chập chững bước tới theo ngọn cờ mới.

Hilary Putnam (1926 – 2016)

Putnam theo học chương trình cử nhân tại University of Pennsylvania. Sau đó học một năm tại Harvard Univerity, rồi chuyển qua University of California (Berkely) và tốt nghiệp PhD với luận án tiến sĩ về xác suất. Từ 1965, ông dạy tại đại học Harvard và nhiều nơi trên thế giới với nhiều môn khác nhau. Các công trình nghiên cứu đầu tiên được ấn hành liên quan đến triết lý về khoa học, về siêu hình học và về toán; không có báo hiệu nào quan trọng cho biết ông sẽ chuyển sang triết học thực dụng. Từ 1980 trở đi, ông viết nhiều trong lãnh vực CNTD nhằm bổ sung quan điểm của ba triết gia tiền phong của phong trào này, Pierce, Dewey trước rồi mới tới James.
Theo Cheryl Misak, thì ngay từ năm 1976, trong bài diễn văn khai mạc với tư cách Chủ Tịch Hiệp Hội Triết Học Mỹ (American Philosophical Association), Putnam đã phân tích rõ ràng sự khác biệt giữa thuyết hiện thực siêu hình (metaphysical realism) mà ông bác bỏ và thuyết hiện thực nội tâm (internal realism) mà ông xem là đáng được nghiên cứu thêm. Thuyết trước là một loại triết thuyết thực dụng của Pierce, theo đó sự thật là điều vô cùng hợp lý đáng tin theo. Ông nói rằng tính duy lý là khả năng quyết định các vấn đề liên hệ và các câu trả lời được báo trước, và từ đó “lý thuyết về sự thật đưa ra tiền-gỉả-định (ND: tức đưa ra trước những điều gì đó mà mình coi là đúng) về thuyết duy lý), mà lý thuyết này đến lượt nó lại đưa ra tiền-giả-định về lý thuyết điều thiện” (theory of truth presupposes theory of rationality which in turn presupposes our theory of the good”. Quan điểm này nở rộ trong các công trình nghiên cứu của Putnam trong thập niên 1980, nhưng ông vẫn luôn cẩn trọng tránh chỉ rõ vị thế của mình đối với Pierce; ông chỉ muốn cung ứng phưong cách xác nhận thận trọng (gentle verificationism) nhằm cho phép chúng ta đưa ra mọi loại tra vấn khác hơn là chỉ tra vấn khoa học. Theo Putnam, cách xác nhận theo ý nghĩa này và cách xác nhận theo ý nghĩa tích cực cho thấy rõ ràng sự khác biệt giữa thái độ rộng lượng và cởi mở mà William James gọi là chủ nghĩa thực dụng và tính sùng bái khoa học.
Trong quyển Realism with a Human Face (HĐ James Conant, NXB Harvard University Press, 1990) gom góp một số bài nói chuyện quan trọng của mình, trong đó có bài viết chung với vợ (Ruth Anna), Putnam phê phán Peirce, James và Dewey còn mang nhiều tư cách khác ngoài tư cách nhà thực dụng (pragmatist), chẳng hạn Pierce còn là người được xem theo chủ nghĩa tương đối (relativism), William còn theo chủ nghĩa thực nghiệm cực đoan (radical empiricism), Dewey còn là người theo thuyết tiến hóa (evolutionism). Cách nhìn thuần khiết này không được một số người chấp nhận, viện lý do rằng muốn đạt tới sự thật, thì có những vấn đề cần phải được thử nghiệm hay thực nghiệm bằng những phương cách khác nhau –vả chăng đó cũng là tính đa dạng của CNTD như James đã từng viết, và nhất là CNTD cũng đã được Dewey gọi là chủ nghĩa công cụ (instrumentism) so với các chủ nghĩa khác. Dưới đây là một vài nhận định của đôi vợ chồng này về Peirce, James và Dewy.
Trong bài viết chung về James (tr. 217 -228), ông bà Putnam nhận xét rằng cả ba triết gia thực dụng dường như không rõ ràng về tri thức luận (epistemology). Peirce tuy chỉ rõ được sự khác biệt giữa phát minh lý thuyết khoa học giải thích (explanatory scientific theory mà ông gọi là “abduction”) và nhiều loại diễn giải qui nạp sơ đẳng khác, cũng như chủ trương rằng niềm tin cần phải được xem xét lại (mà ông gọi là fallibilism) và nhấn mạnh rằng các lý thuyết khoa học phải được trắc nghiệm, nhưng lại cho rằng các nhà khoa học cần có những trực giác tốt (good intuitons) như trực giác đề ra lý thuyết, trực giác đề ra thứ tự cần làm theo để trắc nghiệm những lý thuyết xuất hiện trong đầu. Quan sát này được James và Dewey tiếp nhận và triển khai bằng cách minh thị xác nhận rằng ý tưởng về phương pháp luận tiến triển trong khi tra vấn. Theo hai tác giả Putnam, thì ngày nay có nhiều học giả đề ra những phương cách mới; trong đó một học giả có tên là W.V.O. Quine đưa ra ý kiến là tiến trình tra vấn gồm những trao đổi (trade-offs) giữa điều giản dị, sự duy trì học thuyết cũ và sự tiên đoán được chọn sau cùng (James cũng nghĩ thế) ; tuy nhiên Quine tỏ ý nghi ngờ về việc làm cho những trao đổi này có thể được rút giảm lại thành những qui luật chính xác.
Phê bình James như là một triết gia tinh thần (a moral philosopher), hai tác giả này cho biết James phủ nhận tri thức luận truyền thống về dữ kiện cảm nhận (traditional sense-datum epistemology) và tự hỏi làm sao chúng ta có thể đi đến hiểu biết về thế giới chung này khi mà chúng ta có một con số rất lớn những thế giới riêng tư (private worlds), gồm thế giới các dữ kiện cảm nhận của anh, của tôi, của người này, của kẻ nọ vv. nghĩa là của vô số người. Họ cũng lý luận rằng ngay cả trong tri thức luận thuần khiết và siêu hình học, thì mối quan tâm về con người như là những thành viên tương thuộc của một cộng đồng đã hướng dẫn James trong mọi lãnh vực nghiên cứu. Họ cũng chỉ cho thấy James phân biệt hai thế giới. Một là thế giới chỉ có một người biết cảm nhận (sentient being) mà James gọi là “niềm cô đơn tinh thần” (moral solitude), ở đó không có niềm tin nào đựợc xem là thật cả vì sự thật được giả định trước là cái gì đó ở bên ngoài người nghĩ. Và thế giới kia là thế giới có nhiều “niềm cô đơn tinh thần” nhưng chẳng ai quan tâm tới ai cả, vì sự thật giả định trước là một công đồng. Theo hai tác giả, chỉ yếu tố cộng đồng thôi thì chưa đủ. Họ cho rằng theo nhiều nhà thực dụng uy tín khác, thì “chân lý” của giáo phái Khomeini không xứng đáng được gọi là chân lý bởi vì nó không đáp ứng cho điều gì khác ngoại trừ ý chí của người lãnh đạo. Theo hai tác giả, một cộng đồng đặt thử thách các niềm tin trước trắc nghiệm là đòi hỏi tối thiểu cho sự hiên hữu của chân lý. Cái nhìn quan trọng này về mối liên hệ sâu sắc giữa chân lý, thực tế và cộng đồng đã giúp James đưa ra khái niệm “tôn giáo trung quan” (melioristic region –ND: meliorism là chữ được đặt ra để chỉ thái độ giữa bi quan và lạc quan, chủ trương con người có khả năng làm cho thế giới tốt đẹp hơn)
Cũng trong quyển sách này, Putnam bác bỏ ý kiến của James khi James cho rằng đến nay người ta vẫn chưa biết được lúc nào chúng ta đang “ảo tưởng” và lúc nào chúng ta không ảo tưởng. (ND: hallucination, một tâm bệnh mà người mắc phải cho biết mình đôi khi thấy hay nghe một thứ gì đó hoàn toàn không có trên thực tế). Theo Putnam, đó là vì James không thấy được phương cách mà nhiều người vốn chỉ quen thuộc với những đồ vật/sự vật riêng tư của mình, lại có thể tiến đến được sự hiểu biết và thậm chí tư tưởng của nhau qua tiến trình giải thích.
Qua một bài viết có tựa đề A Reconsideration of Deweyan Democracy (được in trong Pragmatism in Law & Society, HĐ Michael Brint & William Weaver, NXB Westview Press, 1991, Ch. 12 tr. 217 – 240), Putnam với nhãn quan của nhà thực dụng, đã khảo sát tư tưởng chính trị và xã hội của Deweỵ và những người theo Dewey. Trước hết ông tóm tắt quan điểm của nhà thực dụng tiền phong này như sau: Dân chủ không những là một dạng thức trong nhiều dạng thức khác của đời sống xã hội, mà còn là điều kiện tiên quyết trong việc áp dụng trí thông minh để giải quyết các vấn đề xã hội. Sau đó ông luận về trí thông minh và việc giải quyết vấn đề. Theo ông, Dewey cho rằng trí thông minh (tương phản với lý lẻ, một khái niệm trong triết học truyền thống) không phải là khả năng siêu phàm (transcendental faculty); mà chỉ đơn giản là khả năng họach định cuộc nghiên cứu, biết được các sự kiện liên quan, làm các thử nghiệm và hưởng dụng việc hoạch định, các sự kiện và các thử nghiệm đó. Khái niệm này được coi như khá mơ hồ; nhưng quả thực có khả năng quyết định được ai thông minh ít hoặc nhiều trong việc dẫn dắt cuộc nghiên cứu. Putnam cũng tuyên bố rằng đóng góp lớn nhất của Dewey là khi xác quyết rằng chúng ta không có và cũng không cần một “lý thuyết về mọi thứ” (theory of everything), đồng thời nhấn mạnh rằng điều cần thiết là hiểu biết sâu sắc (insight) về phương cách mà con người giải quyết các tình huống. Putnam cho rằng Dewey đã từng đưa ra ý kiến như thế, nhưng một số nhà nghiên cứu đương thời (thập niên 1980) đã không nhận ra, hay hiểu không đúng. Tuy nhiên, Putnam cũng phê phán rằng Dewey ít nhạy cảm (sensitive) hơn James đối với giới hạn của trí thông minh, chỉ vì Dewey bị chi phối bởi nguyên lý nhị nguyên về những điều tốt của con người (dualistic conception of human goods). Theo đó, Dewey cho rằng chỉ có hai loại lãnh vực cho đời sống con người: lãnh vực thẩm mỹ (aesthetic dimension) và lãnh vực xã hội (social dimension). Dewey cho rằng lãnh vực xã hội là sự phấn đấu cho một thế giới đẹp đẽ hơn, một xã hội tốt lành hơn, và giải phóng được tiềm năng con người; còn tất cả “trải nghiệm đột hảo” (ND: consummatory experience, tức trải nghiệm có hậu quả tốt nhờ vào tình cờ hay hứng khởi, không qua tiến trình thử nghiệm khoa học như CNTN chủ trương) đều thuộc lãnh vực thẩm mỹ. Dewey chủ trương rằng để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, chúng ta cần có trí thông minh để thực hiện, không nhất thiết phải là trí thông mình của các chuyên gia, bởi lẽ họ là giới được ưu đãi sẽ không vì đại chúng, mà là trí thông minh của mọi con người. Trí thông minh này có được là nhờ giáo dục.
Về chủ trương giáo dục, Putnam nhắc nhở rằng đối với hiện trạng, Dewey không còn là một người tự biện (apologist), mà trở thành một kẻ cực đoan. Để làm cho xã hội tốt đẹp hơn, nếu Marx chủ trương “cách mạng”, thì Dewey chủ trương phải gấp rút thay đổi “giáo dục”. Ông nhiều lần nhấn mạnh phải xem “giáo dục” là nhu cầu khẩn thiết, phải có một nền giáo dục nhằm đào tạo con người, nam cũng như nữ, biết cách học hỏi và tư duy có phê phán. Theo Dewey, nền giáo dục và nền dân chủ phải tiến hành từ dưới đi lên. Theo Putnam, Dewey đã từng viết rằng an lạc xã hội chỉ có thể tăng tiến nhờ phương cách chiêu mộ và qui tụ sự quan tâm tích cực và năng lực sinh động của những người sẽ được hưởng lợi và những người được cải thiện. Về phần mình, Putnam nghĩ rằng sự cam kết nghiêm túc với dân chủ được đo lường và đánh giá qua sự cam kết nghiêm túc với giáo dục, và ông tiết lộ rằng ông cảm thấy xấu hổ về nền dân chủ (Hoa Kỳ) vào cuối thế kỷ 20. Chúng ta hẳn không quên rằng Putnam và Rorty đều trưởng thành trong gia đình tả khuynh, và đã từng hoạt động rất tích cực trong phong trào sinh viên Mỹ chống Chiến Tranh Việt Nam, và đã thay đổi quan điểm chính trị ít nhiều về sau này. Cả hai đều đã qua đời. RIP
Đối với vai trò của dân chủ, Putnam trong một cuộc phỏng vấn cho biết là ông tin chắc rằng ngoài giá trị về phương diện đạo đức –tức thuộc về lãnh vực chính trị– dân chủ còn có giá trị về phương diện nghiên cứu, như lời đã dẫn dưới tiêu đề của bài viết này. Ông còn nhấn mạnh rằng phủ nhận dân chủ là phủ nhận rằng ý kiến cần phải qua thực nghìệm, và bấy lâu nay, chúng ta đã đủ kinh nghiệm hiểu biết là điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta nói rằng chúng ta không cần qua thực nghiệm hay thử nghiệm.

KẾT LUẬN

Trên đây, Tân CNTD được giới thiệu chỉ qua hai học giả Rorty và Putnam, cùng với một số rất ít quan điểm của họ trong một số lãnh vực hạn chế mà thôi. Cũng như đối với CNTD cổ điển, chúng ta biết ngoài họ ra, còn có nhiều nhà tân thực dụng khác nữa. Nói chung, CNTD, cổ và tân, còn đang ở tiến trình nghiên cứu, sửa sai và bổ sung để hoàn chỉnh hầu đáp ứng nhu cầu tri thức của nhân loại, cũng như áp dụng để phục vụ con người, nhất con người với tư cách là thành viên trong cộng đồng và xã hội rông lớn hơn, như ước muốn của những người tạo lập và tái sinh nó.
Người viết vốn không được đào tạo trong lãnh vực triết học, cũng như chính trị học, do đó bài viết này cũng như bài viết trước đây (“Tìm Hiểu Chủ Nghĩa Thực Dụng của Hoa Kỳ”) chỉ là những giới thiệu ngắn ngủi rời rạc, trong khi CNTD lại bao trùm quá nhiều phạm trù rộng lớn, chưa có quyển sách nào tóm lược đầy đủ. Tuy nhiên, người viết vẫn có một hy vọng. Đó là từ những gợi ý này, chúng ta có thể sẽ thấy xuất hiện nhiều nghiên cứu khác, đăc biệt là những nghiên cứu chi tiết nhằm vận dụng một cách chọn lọc CNTD vào hoàn cảnh Việt Nam trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong các lãnh vực chính trị, ngoại giao và giáo dục, để đề xuất những cải tổ hiện trạng một cách thích hợp nhằm giúp cho quốc gia được ổn định và cường thịnh hơn, cũng như cho xã hội được an lạc và nhân bản lâu dài hơn.

Lê Văn Bỉnh

(Virginia, tháng 1/ 2023)

Sách Đề Nghị Đọc Thêm về Tân Chủ Nghĩa Thực Dụng
Evidence and Inquiry: A Pragmatist Reconstruction of Epistemology (TG Susan Haack, NXB Prometheus Books, second expanded edition, 2009)
Pragmatism: A Contemporary Reader (HĐ Russel B. Goodman, NXB Routledge, 1995)
Reading Rorty: Critical Responses to Philosophy and the Mirror of Nature (HĐ Alan R. Malachowski, NXB Basil Blackwell, 1990)
Pragmatism and Social Hope: Deepening Democracy in Global Contexts (TG Judith M. Green, NXB Columbia University Press, 2009)
The Cambridge Companion to Pragmatism (HĐ Alan Malachowski, NXB Cambridge University Press, 2013)

Views: 73

Posted in nghien cuu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *