Nguyễn Quang Dũng
Tôi rời quê nhà, vượt biển với vợ con tìm tự do, năm 1981. Lúc đó tôi 27 tuổi. Đến nay như vậy đã hơn 43 năm xa xứ. Và Tết vẫn là khoảng thời gian nhắc nhớ nhiều nhất trong tôi về quê hương khốn khó Việt Nam.
Năm đầu tiên xa nhà, tôi ăn Tết ở trại tỵ nạn Bataan.
Tối giao thừa, tôi nghe bà con trong trại tỵ nạn xách nồi niêu, soong chảo, thùng thiếc lên mái nhà khua gõ ầm ĩ… thay cho tiếng pháo mừng xuân. Trong bóng đêm của trại tỵ nạn không có khung cảnh quen thuộc, ấm cúng mà trang nghiêm, của Ba tôi thắp đèn cầy, đốt nén nhang trên bàn thờ tổ tiên đã chưng đầy hoa quả, khấn vái cầu nguyện cho một năm mới bình yên, tôi bỗng thấy nhớ nhà vô hạn.
Nhớ nhà và buồn muốn khóc.
Tới Mỹ năm 1982, vất vả với những lo toan cho đời sống mới trước mặt, tất bật với ngày đêm và công việc mưu sinh, nhiều khi quên bẵng đi chuyện nhớ nhà, thì vẫn là ngày Tết nhắc nhớ trong tôi đến Ông-Bà-Cha-Mẹ-Anh-Em. Vậy mới biết những gì tôi lớn-lên-và-sống-với từ thuở nhỏ ở quê nhà đã ăn sâu trong tiềm thức tôi.
Tôi và vợ tôi lui hui dựng lại cái bàn thờ Tổ Tiên trong căn nhà mình ở Mỹ theo trí nhớ.
Tượng Phật Bà Quan Thế Âm thì bọn tôi xin được từ lúc đi lau chùi nhà bếp và cắt cỏ ở nhà một Ông Tướng người Mỹ từng chỉ huy lực lượng quân sự của Mỹ tại Việt Nam. Bức tượng Phật Bà bằng đá Non Nước Đà Nẵng rất đẹp nhưng bị đặt nằm dưới đất trong một góc vườn của vợ chồng ông tướng. Với mớ tiếng Anh rất còn lơ mơ của tôi lúc đó, tôi hỏi bà Tướng là tại sao bà lại để lăn lóc tượng Phật Bà như thế này? Bà ấy rất ngạc nhiên, nhưng cuối cùng thì cũng hiểu ra và giải thích với tôi là bà ấy không hiểu về Phật giáo và không biết bức tượng là một biểu tượng thiêng liêng đối với chúng tôi như vậy. Và bà bèn tặng vợ chồng tôi tượng ấy. Tôi không bao giờ quên ông bà Tướng người Mỹ rất tốt bụng này.
Những thứ còn lại là chân đèn cầy, bình thắp hương, bình cắm hoa, dĩa chưng hoa quả và hình ảnh những người thân đã khuất. Vậy là tạm đủ cho Bàn Thờ Ông Bà, theo những gì bọn tôi còn nhớ.
Giao Thừa những năm đó, khoảng thập niên 90, chỉ có tôi và vợ tôi loay hoay chưng hoa quả nhang đèn trên bàn thờ Tổ Tiên. Đúng giao thừa, tôi đốt nén nhang khấn vái Ông Bà – cũng giống như Ba tôi vẫn khấn vái như vậy vào Lễ Giao Thừa.
Trong giây phút cuối năm ấy, trước bàn thờ Tổ Tiên, hình như tôi vẫn muốn được trở về, sống lại cái khung cảnh quay quần với Ba Má anh em tôi trong phút Giao Thừa.
Tôi vẫn thấy nhớ nhà và nghèn nghẹn muốn khóc.
Ở những khoảnh khắc chuyển giao của cũ và mới, của kết thúc và bắt đầu, của năm cũ và năm mới tôi nhận ra quê hương không phải là những gì trừu tượng, xa vời trong trí tưởng mà đó là những tình cảm rất rõ nét tự lúc nào đã bám chặt trong tôi. Là Ba tôi. Là Má tôi. Là Anh Em tôi. Là Nơi Chốn tôi sinh ra và lớn lên.
Dần dà, tôi tiếp xúc và tham gia sinh hoạt với những người đồng hương trong vùng tôi ở và quen dần với những cái tết xa quê.
Sinh sống giữa nơi chốn của người Mỹ và những người nói tiếng Mỹ, tôi vẫn khựng lại khi nghe tiếng người đàn ông hay đàn bà la rầy con bằng tiếng Việt, tiếng người mình, ở những siêu thị hay ở những nơi mà tôi không nghĩ là nghe được tiếng Việt.
Thì ra tự trong giọng nói người Việt mình tôi nhận ra trong tôi một sợi dây liền lạc, một nỗi gắn bó với quê nhà giờ đã xa tít nửa vòng trái đất.
Và tôi cũng nhận ra ở cộng đồng người Việt ở đây có rất nhiều Hội Ái Hữu mang tên những vùng đất ở Việt Nam. Hội Gò Công. Hội Long Xuyên. Hội Nha Trang. Hội Huế. Hội Quảng Đà. Hội Đà Lạt. Hội Quảng Trị….Gần gũi và thân tình nảy sinh một cách tự nhiên khi người mình gặp nhau, nghe lại được những giọng nói rất đặc thù Việt Nam – rất “Quảng Nam”, rất “Huế”, rất “Sàigòn”, rất “Nha Trang”, rất “Quảng Trị”…
Ba Má tôi gốc Quảng Trị – chánh quán làng An Du Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Trước 1975, An Du Nam nằm bên kia vĩ tuyến 17, bên kia sông Bến Hải, thuộc miền Bắc.
Ba tôi, một công chức trung cấp của chính quyền miền Nam, trôi nổi theo vận nước từ Quảng Trị xuôi về miệt miền Nam. Cư sở cuối cùng của ông là Sài Gòn. Tôi dĩ nhiên cũng đi theo ông. Từ Phan Rang ra Nha Trang, rồi Kontum, về lại Nha Trang, và trước 1972, tới ở Sàigòn cho đến ngày mất nước. Vì di chuyển theo Ba tôi đó đây như vậy nên tôi dường như không gắn bó với vùng đất nào của quê nhà.
Nhưng có một điều theo tôi suốt từ nhỏ tới lớn, không rời: Đó là giọng nói Quảng Trị của Ba Má tôi. Tôi nghe và rất quen thuộc giọng Quảng Trị của Ba Má tôi từ nhỏ, nhưng không nói được giọng Quảng Trị, có lẽ là do tôi sinh tại Phan Rang và lớn lên trong Nam.
Tôi gặp lại các anh Lê Quyền, Phan Khâm, Nguyễn Bồng trong Hội Quảng Trị vùng Hoa Thịnh Đốn trong các sinh hoạt cộng đồng người Việt vùng Thủ Đô. Tôi được nghe lại giọng nói quê mình.
Giọng nói của các anh giống như giọng nói của Ba tôi. Rất Quảng Trị. Không lầm lẫn đâu được. Đó là giọng nói của nằng nặng, triũ buồn trong âm hưởng. Tôi nhớ Má tôi nói với tôi là – “ngoài quê mình sống cực lắm con ơi.” Có phải chăng là cuộc sống kham khổ trên mảnh đất Quảng Trị quê nhà làm giọng nói người Quảng Trị mình cũng bị trĩu nặng vì những lo toan?
Tết lại gần tới, khi viết những dòng này, tôi lại thấy nhớ quê nhà. Và nhớ hình ảnh Ba tôi lui hui khấn vái trước bàn thờ tổ tiên đêm Giao Thừa.
Ba tôi mất tháng 8 năm 2010, tại Sàigòn.
Tôi đang rất nhớ giọng nói Quảng Trị của Ba tôi. Hình như quê nhà đang vương vương trong ánh mắt.
Tôi lại thấy lòng buồn. Muốn khóc.
Nguyễn Quang Dũng
VA, những ngày gần Tết
Views: 89