Vài Nét Về Con Người Của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông

Triệu Huỳnh Võ

Khi Giáo Sư Nguyễn văn Bông về làm Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (HV/QGHC), tôi đã tốt nghiệp trước đó gần 2 năm, tuy nhiên có nhiều cơ duyên với một số cơ hội tự nhiên xảy đến, khiến tôi có dịp hiểu biết nhiều về GS Bông, cũng như nhận xét được đức độ của một người thầy khả kính, một nhà lãnh đạo chính trị sắc bén trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà.

Vào trước năm 1975, tình cờ trong một chuyến đi nghỉ mát tại Vũng Tàu, tôi gặp gỡ một cựu giáo viên, ông Ngô quang Vinh, từng làm hiệu trưởng một trường tư thục ở đường Phan Thanh Giản, Sàigòn, cùng quê Gò Công với GS Bông. Ông Vinh cho biết, ông Bông vốn là một người học trò giỏi, rất thông minh và hòa nhã với mọi người. Thời gian ở Saigon, ông Bông cư ngự trong trường Lê bá Cang. Lúc ông Bông chuẩn bị sang  Pháp du học, các người thân quen với ông Bông ở trường  nầy đã hết lòng giúp đỡ cho chuyến xuất ngoại của ông.

Vào tháng 9/2007, tôi có dịp du lịch ở Pháp và gặp lại bác sĩ Nguyễn  Minh Tân, trước đây từng là Chủ Tịch Đô Thành Bộ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT). BS Tân  cho tôi biết,  theo lời GS Nguyễn Ngọc Huy kể lại,  khi tới Pháp, một số sinh viên VN thiên tả thời đó có ý định tiếp xúc và lôi kéo ông Bông theo họ. Ông Huy lúc bấy giờ đã đến với ông Bông, sau đó hai ngưòi đã kết thành bạn thân và dứt khoát chống Cộng từ đó.

GS Bông về nước lúc nào thì tôi không rõ lắm, nhưng tên tuổi của ông trở nên sáng chói sau khi ông đọc bài diễn văn khai giảng đầu niên học ở trường Luật Sài Gòn,  khoảng năm 1963, với đề tài “ Quyền Đối Lập Chính Trị ”.  Đây là một đề tài mới mẽ, chưa  ai chính thức và công khai đề cập. Có thể nói, GS Bông là người đầu tiên đã phát động và kêu gọi sự thực thi một chế độ dân chủ với sự cho phép hình thành các lực lượng đối lập chính trị, hoạt động tư do và công khai. Cũng chính vì sự tha thiết với chủ trương đó, sau này ông cùng với GS Nguyễn Ngọc Huy đã thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền đương thời trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà.

Bài diễn văn khai giảng về Quyền Đối Lâp Chính Trị của GS Bông được đăng trong Luật Học Tập San và sau này trong quyển Luật Hiến Pháp do ông biên soạn. Những ai có dịp đọc qua bài này đều phải khâm phục về nội dung sâu sắc, phong phú của bài viết, với sự trích dẫn các điển tích dí dõm, lời văn trau chuốt đến độ không thể thêm hoặc bớt một chữ nào trong câu văn của ông. Các sinh viên có dịp học với GS Bông ở các lớp Cao  học Luật còn cho biết thêm là có nghe GS Bông giảng bài bằng tiếng Pháp thì càng thấy thán phục hơn nữa truớc lối trình bày quá lưu loát và sự “ngọt lịm” trong lời văn của ông.

Sau cuộc cách mạng 1-11-63, GS Bông được bổ nhiệm làm Viện trưởng  HV/QGHC thay thế  GS Vũ quốc Thông. Lúc bấy giờ, HV/QGHC vốn có chương trình cấp phát học bổng cho các sinh viên đậu thủ khoa ở các khóa học, sau hai năm ra làm việc, được đi tu nghiệp ở Mỹ lấy bằng cao học, hoặc tiến sĩ để rồi sau đó sẽ về phục vụ cho HV/QGHC.

Tôi được học bổng đi tu nghiệp tại đại học University of Southern California(USC) ở tiểu bang California vào tháng 1/1965. Mùa hè năm 1965, GS Bông có dịp chính thức viếng thăm Phân Khoa Hành Chánh Công Quyền (School of Public Administration ) của đại học USC. Là sinh viên VN duy nhất đang học tại phân khoa nầy nên tôi đượcc trưòng USC chỉ định tiếp đón và đưa ông gặp gỡ khoa trưởng và các giáo sư của Phân khoa Hành Chánh Công Quyền trong suốt thời gian nầy. Qua thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã nhận thấy ở ông một người trí thức khoa bảng,  một cấp lãnh đạo trẻ trung có tính tình rất xuề xòa bình dị, và rất cởi mở. Theo tôi, chính những đức tính nầy giúp ông chinh phục được sự cảm mến và quí trọng của bất cứ ai có dịp tiếp xúc hay gặp gỡ ông ngay lúc sơ giao. Sự quen biết và quan hệ của tôi với ông bắt đầu từ đây và tiếp tục sau ngày tôi về VN.

Giữa năm 1968, sau Tết Mậu Thân, trong cương vị Giám Đốc phụ trách một Nha đặc trách về chính trị Phủ Thủ Tướng thời cụ Trần văn Hương làm Thủ Tướng Chính Phủ, hằng ngày tôi được Nha Báo Chí cung cấp một copy bản tóm lược tin tức viễn ấn (teletype) của các hãng thông tấn ngoại quốc liên quan đến hiện tình chính trị, xã hội của VNCH. Bản chính trình lên cho Thủ tướng xem. Tôi  cho copy một bản nữa và sau đó nhờ một nhân viên tín cẩn mang tay đến công ốc của GS Bông trên đường Phan Thanh Giản để ông cũng có thể cập nhật được các tin tức mới nhất nầy .

Vào khoảng năm 1969-1970, do sự thúc đẩy của cơ quan USAID muốn thực hiện một sự cải cách hành chánh rông lớn trong guồng máy hành chánh từ trung ương xuống địa phương, nên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã  mời GS Bông –và được sự đồng ý của GS Bông – giữ chức Đồng Chủ Tịch (Co- Chairman) với Tổng Thống Thiệu trong Hội Đồng Cải Cách Hành Chánh Trung Ương ( HDCCHCTU ). Trực thuộc hội đồng nầy là một Phủ Đặc Ủy Cải Cách Hành Chánh, dưới quyền điều khiển của một Đặc Ủy Trưởng, xếp ngang hàng  Thứ Trưởng. GS Bông  cho tôi biết là ông đã đề nghị tôi vào chức vụ nầy, dựa vào khả năng chuyên môn cuả tôi ( vưà tốt  nghiệp Học Viện QGHC, vừa có bằng Cao học HC công quyền ở Mỹ), nhưng Tổng Thống Thiệu đã chọn ông Nguyễn đình Xướng, cũng là cựu sinh viên khóa 1 Học Viên QGHC,  đang làm Tổng Quản Trị Hành Chánh Phủ Tổng Thống, kiêm nhiệm  Đặc Ủy Trưởng Cải Cách Hành Chánh. Cơ quan USAID có in các sơ đồ cơ cấu tổ chức HDCCHCTU, Phủ Đặc Uỷ Cải Cách Hành Chánh, để phổ biến rộng rãi đến các Phủ, Bộ ở Trung Ương, nhưng sau đó không thấy Phủ Đặc Ủy Cải Cách Hành Chánh có những hoạt động cụ thể nào; chủ trương cải tổ hành chánh trong thực tế coi như chưa thực hiện được. (Mãi tới năm 1973, vấn đề cải tổ hành chánh lại được Tổng Thống Thiệu chính thức phát động trở lại và rầm rộ thực hiện qua một Phủ Tổng Ủy Công Vụ do đại tá Quách huỳnh Hà là Tổng Ủy Trưởng, xếp ngang hàng Tổng Trưởng, với sự trợ lực của 2 phụ tá là GS Trương hoàng Lem và GS Lê Công Truyền, xếp ngang hàng Thứ Trưởng.).

Tuy vẫn tiếp tục giữ chức vụ Viện Trưởng HV/QGHC, nhưng uy tín và thanh thế của GS Bông ngày một lên cao, với sự lớn mạnh của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến lúc bấy giờ, có lẽ vì thế mà sự an toàn của ông đã bị đe dọa nhiều lần.

Lần thứ nhất, khoảng vài tháng sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đợt hai ở Sài Gòn, kẻ địch, lợi dụng cửa phòng họp Hội Đồng Giáo Sư, sát vách phòng làm việc của Viện Trưởng, không có khóa, đã lén đặt chất nổ trong  phòng nầy,  cố ý sát hại GS Bông ở phòng kế bên. Theo anh Lê công Truyền, cựu sinh viên QGHC, lúc đó làm Chi Vụ Trưởng Học Vụ kể lại, thì sức ép của chất nổ đẩy ghế ngồi có bánh xe của GS Bông chạy sát vào bàn làm việc của ông và kỳ diệu thay, còn đẩy thân người ông chui vào dưới gầm bàn trước khi bức tường ngăn đôi hai phòng đổ sập, Nhờ vậy, cơ thể ông chỉ bị xây xát nhẹ, mà không bị thương tích trầm trọng. Khi nghe tiếng nổ, anh Truyền cùng với một anh sinh viên nữa chạy lên lầu, vào phòng GS Bông, cả hai cùng dìu ông xuống lầu,  lên công xa của ông,  đưa thẳng đến bệnh viện Đồn Đất. Anh Truyền lúc đó không nhớ taị sao lại đưa GS Bông tới  Đồn Đất (một bệnh viện tư cuả người Pháp ), đúng ra là phải  đưa đến bệnh viện Đô Thành (bệnh viện của chính phủ ). Một điều đã làm cho anh Truyền kính phục và thương cảm GS Bông hơn nữa, là sau khì để bác sĩ khám nghiệm thương tích xong, câu hỏi đầu tiên mà GS Bông hỏi anh Truyền là “các anh em có ai bị thương tích gì không?”

Lần thứ nhì, vào năm 1970, tại công ốc của GS Bông trên đường Phan thanh Giản, nằm đối diện trường Nữ Trung học Gia Long, có một đêm cả nhà bị xông thuốc mê, tất cả đồ đạc trong phòng làm việc của GS Bông ở trên lầu đều bị lục soát vất tung toé, nhưng mọi ngưòi ngủ trên lầu đều vô sự. Sau lần nầy, tôi dùng quan hệ cá nhân của tôi với một ông bạn thân, cũng là cựu sinh viên QGHC, đang là cấp điều khiển một cơ quan an ninh, cấp thời biệt phái một nhân viên thân tín có vũ trang đến túc trực bên GS Bông để bảo vệ an ninh cho ông. Mỗi khi GS Bông di chuyển ngoài đường,  anh nhân viên nầy chạy vespa theo sau xe để hộ tống; ban đêm  anh ấy ngủ ở lầu dưới, để bảo đảm phần nào sự an toàn cho GS Bông, cho tớí lúc  Bộ Tư Lệnh CSQG chính thức biệt phái người của khốì Bảo Vệ Yếu Nhân sang thay thế.

Vào các năm sau đó, với sự lớn mạnh của PTQGCT mà GS Bông là chủ tịch của Chủ tịch Đoàn, có  nhật báo Cấp Tiến làm cơ quan ngôn luận của Phong trào, chính GS Bông trong các bài viết đăng trên mục lập trưòng hay quan điểm, luôn kêu gọi dân sự hóa guồng máy công quyền, nhất là ở cấp đô, tỉnh, thị, trong thực tế, đã và đang bị cấp lãnh đạo đương thời quân sự hóa với lý do vì an ninh và nhu cầu bình định v.v…Theo tôi, đây là một chủ trương lớn thứ nhì sau lần ông kêu gọi việc chấp nhận quyền đối lập chính trị khi ông mới về phục vụ đất nước. Chủ trương dân sự hóa guồng máy hành chánh của ông có gây được tiếng vang, nhưng không thuyết phục được cấp lãnh đạo, các quân nhân vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng ở cấp đô thị, các quận và đặc khu cho tới ngày 30/4/75.

Đóng góp lớn nhất của ông,  với sự cộng tác của GS Huy là đã hình thành và phát triển được thưc sự một lực lượng đối lập chính trị, PTQGCT, đã đi vào sinh hoạt chính thức trong chính trường lúc bấy giờ với sự hiện diện của các dân biểu Khối Cấp Tiến trong Quốc Hội, được đánh giá là đối lập thực sự chứ không phải là đối lập theo kiểu “lom khom”.Đa phần các vị dân biểu thuộc khối Cấp Tiến đều tốt nghiệp hoặc trường Luật hoặc trường Quốc Gia Hành Chánh như các ông Trần minh Nhật (trường Luật), Trương vi Trí, Nguyễn văn Quí, Nguyễn văn Tiết (trường Quốc Gia Hành Chánh) v.v…

Riêng về đức độ và cá tính, trong suốt thời gian gần gũi ông, từ khi ở  Mỹ, đến lúc ở VN, cho tới ngày ông bị sát hại năm 1971, điểm đáng nói nhất là GS Bông chưa hề kêu gọi tôi tham gia vào PTQGCT.  Một lần tôi đến hỏi ý kiến là tôi có nên gia nhập đảng Tân Đại Việt không, vì một số bạn bè thân thiết mời, ông đã nhanh chóng trả lờì ngay là không nên, nhưng  không cho biết lý do tại sao. Gần đây, khi trao đổi ý kiến với anh Lê Công Truyền về điểm này, anh cũng cho biết bản thân anh cũng có hỏi ý kiến GS Bông là có nên gia nhập PTQGCT không, sau khi anh ấy được GS Huy mời, GS Bông cũng ngăn cản, còn nói thêm là việc gia nhập chỉ làm cho tướng Đặng văn Quang để ý chứ không có lợi .

Tuy tôi và anh Lê Công Truyền không tham gia PTQGCT, nhưng mỗi lần có sinh hoạt đại hội của phong trào nầy, GS Bông đều kêu chúng tôi cùng đi chung với ông đến dự. Lần chót là kỳ họp đại hội tại xã Khánh Hậu thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, sát tỉnh Long An.

Phải chăng cũng vì mối liên hệ này với GS Bông nên lúc tôi bị CS cầm tù sau ngày 30/ 4/1975, cán bộ CS hai lần đến tìm tôi (một lần khi tôi ở trại giam Thủ Đức trong Nam, và một lần khi tôi ở trại giam Hà Tây ngoài Bắc ), yêu cầu tôi viết lại tổ chức, điều hành Hoc Viện QGHC trong khi tôi không  làm việc cho Học Viện ngày nào cả. Trong mỗi lần gặp gỡ như vậy, cán bộ CS đều hỏi tôi, dưới hình thức như là câu chuyện trao đổi bên lề, không chính thức. Họ hỏi : “ Theo anh, ai đã giết GS Bông ?.” Tôi trả lời: “Bộ Tư lệnh CSQG đã mở cuộc họp báo trưng bằng cớ là người cộng sản đã giết hại GS Bông”. Tôi có nói thêm một câu lấp lững: “ Theo cán bộ, ai đã giết Đức Thầy Huỳnh phú Sổ ?”(Giáo chủ của Phật giáo Hòa Hảo). Họ không trả lời.

GS Nguyễn Văn Bông (phía trước), GS Nguyễn Văn Tương, (bên phải) và GS Tạ Văn Tài đến trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên Trường Luật. Ảnh: Internet – chưa rõ nguồn.

Cũng trong phần nói về đức độ và tinh thần phóng khoáng của GS Bông, tôi cũng xin được nói thêm ở đây: Sau ngày GS Bông về dạy tại trường Luật, Sàigòn, từ 1963 trở đi, các sinh viên ban Công Pháp đã xem ông như là vị giáo sư cứu tinh của họ, bởi lẽ ông đã giải tỏa được sự tắt nghẽn, hay nói nôm na là hiện tuợng nút chặn trên con đường trình luận án Tiến Sĩ Công Pháp. Thật vậy, trước đó số người học tiếp và được cấp bằng Tiến sĩ Công pháp gần như có tính cách nhỏ giọt, vì sinh viên đã gặp quá nhiều trở ngại đến nản lòng trong việc đi tìm ra người chịu nhận làm giáo sư bảo trợ để làm luận án Tiến sĩ Công pháp. Lúc bấy giờ người có thẩm quyền cao nhất bên Công pháp là GS Vũ quốc Thông. Đến khi GS Bông về dạy tại đây, gần như năm nào cũng đều có người trình luận án và đỗ bằng Tiến sĩ Công Pháp. Lý do chính là do GS Bông đã thay thế GS Thông trong cương vị đó.

Về trường hợp GS Bông bị đặt chất nổ sát hại năm 1971. Lúc đó vào khoảng gần 12 giờ trưa, tôi đang làm viêc tại Phủ Thủ Tướng, được anh Nguyễn Thành Thân, cựu sinh viên Cao học HC, vừa là con vừa là Chánh Văn Phòng cho ông Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng Nguyễn văn Vàng, thông báo là ông Vàng đang cùng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm trên đường đi đến bệnh viện Đô Thành sau khi nghe tin GS Bông lâm nạn. Tôi liền phối kiểm lại tin tức với Trung tá Tạo, chánh văn phòng của Tư Lệnh CSQG, được biết thêm là Việt Cộng đã ném chất nổ dưới gầm xe khi xe dừng lại tại ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản, chất nổ làm cháy xe chở GS Bông khiến thân thể cũng bị cháy và ông đã qua đời rồi. Tôi lặng người trong bàng hoàng và vô cùng xúc động với một lòng tiếc thương không thể nào tả hết được.

Chiều hôm đó, tôi đến nhà anh Lê công Truyền ở Gia Định, cả hai cùng đi đến bệnh viện Đô Thành. Tại đây, chúng tôi chỉ đứng bên ngoài vì bên trong đã quá đông người và đang tiến hành lễ tẩn liệm theo nghi thức Phật giáo, nên bản thân tôi không được nhìn mặt GS Bông lần cuối. Riêng anh Truyền thì ngay buổi trưa hôm ấy, khi hay tin, anh đã chạy bộ đến BV Đô Thành và đã nhìn đươc thi thể cuả GS Bông. Theo anh, hình ảnh sau cùng của GS Bông rất là thê thảm.

Sau nầy anh Truyền có nói với tôi rằng, từ sau vụ đặt chất nổ năm 1968 làm sập tường trong phòng Viện Trưởng ,GS Bông tạm thời phải làm việc ở một phòng khác, gần cầu thang và gần phòng làm việc của anh, nên anh có dịp tiếp xúc với GS Bông nhiều hơn. Trong các dịp nầy, anh có kể cho GS Bông nghe một số các trường hợp CS ám sát người quốc gia, sau khi họ điều nghiên giờ giấc và thói quen đi đứng cuả những người đó. Anh Truyền đã khuyên GS Bông cần lưu ý trong việc đi lại hơn nữa. Mới đây, khi có dịp liên lạc với ông bạn thân đã biệt phái người đển bảo vệ an ninh cho GS Bông mà tôi có dịp đề cập ở phần trên, anh ấy cũng cho tôi biết những chi tiết sau: Vài tháng trước ngày GS Bông bị đặt chất nổ, trên đường đi làm việc, tình cờ xe anh chạy sau xe GS Bông lúc xe này vừa ra khỏi nhà ở đường Phan thanh Giản, Anh ấy cố ý chạy theo sau cho đến khi tới Học Viện. Tại HọcViện, anh đã vào gặp GS Bông và nói rằng, trong suốt lộ trình vừa rồi, lúc ngồi trên xe, giáo sư đã chăm chú ngồi đọc tài liệu mà không quan tâm đến quang cảnh chung quanh. Anh cũng đề nghị giáo sư cần thay đổi lộ trình di chuyển.

Một thời gian ngắn  sau khi GS Bông mất,  Bộ Tư Lệnh CSQG  tổ chức họp báo trưng bằng cớ chính bọn CS đã sát hại GS Bông, theo đó toán đặc công thực hiện viêc ám sát thuộc ban trí vận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Trần Bạch Đằng cầm đầu. Lúc bấy giờ, vẫn có dư luận hoài nghi kết quả điều tra này.

Một sự ngẩu nhiên là sau ngày ra tù CS năm 1987, tình cờ tôi có dịp găp được anh Nguyễn bá Minh ở Sàigòn, một người cùng học ở tiểu học và trung học với anh Trương đình Thăng ở Nha Trang (anh Thăng là cựu sinh viên QGHC). Anh Minh cho biết, trước khi thi hành công tác, tổ đặc công VC ném chất nổ vào xe GS Bông đã đến trường Bồ Đề (trường tư thục nằm trên đường Nguyễn thái Học, khu chợ Cầu Ông Lãnh) để mượn chiếc xe Honda của một người đang cư ngụ trong cư xá nầy. Một chi tiết khác nữa tôi được biết qua anh Trương đình Thăng, theo đó sau khi ra tù CS, anh có đi làm việc cho cơ quan dịch vụ đầu tư ở Bến Chương Dương. Tại đây, anh nghe các nhân viên cho biết tên Nguyễn văn Bé, một đảng ủy CS làm việc cho khu chế xuất ở trên lầu, là người đã thực hiện việc ám sát GS Bông.  Tên Bé đã kể lại, khì xe ông Bông ngừng lại đã ở ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản thì chính Bé ném cặp táp đựng chất nổ xuống gầm xe cuả GS Bông, sau đó y phóng xe  qua đường Cao Thắng, chạy tiếp vào trong hẽm để đào thoát.

Trong khi đó, anh Lê văn Bỉnh, cũng là cựu sinh viên QGHC, lại cho tôi biết, anh ấy có đọc một cuốn sách không nhớ tựa, do CS xuất bản vào giữa thập niên 1980, trong đó có nói đến người thực hiện việc sát hại GS Bông lúc ấy đang làm phường trưởng ở quận Bình Thạnh.  Gần đây nhất, vào khoảng tháng 7/2007, một người ký tên Trần Thanh, trong một bài viết tựa đề “ Ai đã giết GS Bông ” lại đưa ra các chi tiết khác, theo đó, sau 1975, tạp chí Đứng Dậy ( tên mới của tờ Đối Diện trước 1975 của linh mục Chân Tín ) có đăng bài viết, dưới dạng hồì ký, kể lại chiến công của toán biệt động thành của tác giả Vũ Quang Hùng. Hùng tự nhận là sinh viên năm thứ ba đại học Khoa học Saigòn, thuộc ban an ninh T4 biệt động thành, trực thuộc Trung Ương Cục R, nhận lệnh ám sát GS Nguyễn văn Bông. Hùng đã cùng một đồng bọn, dùng xe Honda 90, y ngồi phía sau và chính y đã ném chất nổ dưới gầm xe GS Nguyễn văn Bông tại ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản. Sau 1975, Hùng được cho làm Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân Quận 3 thành phố Hồ chí Minh.

Một chi tiết khá đặc biệt khác nữa tôi xin đề cập thêm ở đây: anh Trần Quang Trí, cựu sinh viên QGHC, trước khi qua đời, trong một bài viết, tường thuật về cái chết của GS Bông, có lưu ý tới sự có mặt của kịch sĩ Kim Cương, đang ở  bên cạnh bà Bông trên lầu, khi anh ấy từ bệnh viện Đô Thành về nhà GS Bông để chuẩn bị tang lễ.(Lúc đầu tang lễ được dự định tổ chức ở nhà, về sau được quyết định cử hành  tại trụ sở của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trên đường Phan đình Phùng). Về điểm nầy, trong lần gặp gỡ với bà Jackie Bông Wright vào tháng 5/2008 tại Sacramento, tôi có hỏi, được bà xác nhận, cô Kim Cương có đến nhà, ở bên cạnh bà suốt ngày hôm đó.  Hồi ấy, bà cũng thấy ngạc nhiên trước sự việc nầy, bởi lẽ, tuy gia đình bà và gia đình Kim Cương trước kia có quen biết, nhưng sau nầy không còn liên lạc nhau. Theo bà nghĩ, có thể CS đã cho cô Kim Cương đến dò la tin tức chung quanh cái chết của GS Bông. (Từ trung tuần tháng 5/1975, các báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đều có đăng bài tường thuật trên trang nhất, liệt kê Kim Cương là thượng tá công an, một cán bộ nằm vùng, hoạt động đắc lực tại miền Nam).

Vấn đề ai trực tiếp giết GS Bông không quan trọng.  Điểm chính yếu là chính giới lãnh đạo CS đã chủ trương sát hại ông, với chủ đích vừa triệt hạ một nhà lãnh đạo chính trị tại miền Nam, có nhiều triển vọng sẽ đối đầu bất lợi với họ trong tương lai, vừa gây nghi ngờ trong nội bô những người quốc gia. Theo suy nghĩ của riêng tôi, GS Bông ra đi, là một sự mất mát to lớn cho chính trường miền Nam vì ông được xem là nhân vật sáng giá nhất để cầm đầu một nội các dân sự mà dư luận lúc đó cho là sắp xảy ra trong tương lai gần. Mất GS Bông, PTQGCT mất đi một trụ cột quan trọng bởi lẽ ông là người dễ thu phục cảm tình, có khả năng tập hợp đông đảo giới trí thức trẻ về với ông hơn so với GS Huỵ. Mất GS Bông, sinh viên trường QGHCvà trường Luật mất đi một vị giáo sư ưu tú, một người thầy tận tụy, tận tình giúp đỡ sinh viên khi được yêu cầu, nhất là đốí với các sinh viên bậc cao học đang chuẩn bị đệ trình luận án tiến sĩ công pháp. Hình ảnh vị giáo sư khả kính nầy vẫn mãi sống trong tâm khảm của những người từng làm việc, cộng tác và gần gũi ông.

TRIỆU HUỲNH VÕ

Cựu sinh viên khóa 6 HVQGHC

ELKGROVE  ngày 8 tháng 11 năm 2008

Views: 133

Posted in nghien cuu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *