Nguyên Trần
Trời sinh chi cái nòi tình
Bướm ong rộn rịp đắm mình cuộc chơi
Trăm năm hưởng thú vui đời
Quan tài bên cạnh vẫn lời trăng hoa
Lời tác giả: Câu chuyện dưới đây hoàn toàn là hư cấu, nếu có sự ngẫu nhiên trùng hợp tên tuổi thì đó là ngoài ý muốn tác giả.
1) Cuộc tao ngộ kỳ thú:
Vinh đang ngồi ôm đầu với xấp hồ sơ mật của Ty Nội An và Ty Cảnh Sát Vĩnh Bình phúc trình những vụ xuống đường bạo động của nhóm sư sãi Phật Giáo Theravada dưới sự lãnh đạo của Đại Đức Thạch Sim, trụ trì chùa Ông Mẹt thì bỗng có tiếng gõ cửa rồi chú Sáu tùy phái bước vào nói:
– Thưa ông Phó ! Có một cô tên là Thanh Nguyên xin gặp về việc người cha bi bắt oan.
Vinh bực mình lẩm bẩm: “ Oan với ưng. Lại khiếu nại lôi thôi nữa đây”. Tuy vậy chàng cũng bảo chú Sáu mời khách vào.
Tiếng giày cao gót lụp cụp tiếp theo sự xuất hiện của một cô gái làm Vinh ngơ ngẩn đến lặng người. Trời ơi! Sao trên đời lại có người đẹp thế này! Nàng mặc nguyên cái áo dài màu xanh da trời đồng phục của tiếp viên hàng không Air VietNam với huy hiệu rồng vàng nổi bật trên cổ áo ôm lấy một bờ ngực vun đầy và vòng eo chết người. Gương mặt trái soan với đôi má hây hây điểm trên làn da trắng mịn màng, bờ môi mộng đỏ hình trái tim, cộng thêm đôi mắt bồ câu đen long lanh với viền mi cong vút dài rậm(thiệt đúng là chí lớn trong thiên hạ không đong đầy đôi mắt mỹ nhân). Tất cả như muốn nhốt cả hồn Vinh trong ngây dại chìm đắm. Nhìn mái tóc đen huyền mượt mà thả nhẹ xuống bờ vai thanh tú trên thân hình cân đối thon thả làm Vinh liên tưởng tới tứ đại mỹ nhân bên Trung Hoa thời xưa. Không lẽ mỹ nhân từ tiền kiếp nào lại hiện về đây với chàng. Sao giống như những chuyện liêu trai Bồ Tùng Linh quá vậy ta? Sự xúc động mê say làm Vinh ngẩn người ú ớ quên cả phép xã giao tối thiểu đến độ người đẹp phải nũng nịu cười lên tiếng qua giọng nói thật dịu dàng ngọt mật tới chết người:
– Ông Phó cứ nhìn em hoài mà không chịu mời em ngồi sao?
Tới chừng đó chàng mới hoàn hồn mà suýt soa :
– Ấy chết! Tôi vô ý quá, xin cô thứ lỗi cho. Mời cô ngồi.
Liền đó, cô gái dịu dàng lên tiếng:
– Trước hết, em xin tự giới thiệu với ông Phó em tên là Huỳnh thị Thanh Nguyên quê ở Song Lộc, là tiếp viên của Air VietNam, em cũng xin lỗi em vừa xong nhiệm vụ trên chuyến bay đi Vĩnh Bình hồi nãy là tới thẳng đây với bộ đồng phục vì em có chuyện gấp nhờ ông Phó giúp giùm. Có lẽ ăn mặc thế này không đàng hoàng lắm, xin ông Phó miễn chấp cho.
Vinh ấp úng nhìn người đẹp rồi thầm nghĩ rằng “ Nhưng mà người đẹp ơi! Tôi say mê cái “không đàng hoàng” này của cô lắm rồi đó cô ơi!”. Một lúc sau chàng mới giựt mình lên tiếng:
– À! Không sao cả. Vậy là hôm nay tôi đươc vinh hạnh diện kiến cô Thanh Nguyên, một dòng suối trong sáng. Tưởng đâu chứ Song Lộc thì gần Trà Vinh quá rồi. Tôi có thể giúp cô chuyện gì đây hở dòng suối trong sáng?
Người đẹp Air VietNam mỉm cười duyên dáng và e ấp chết người trước lối ví von của ông Phó trẻ rồi nàng cũng dí dỏm lại:
– Dạ! Dòng suối nầy đang chờ ánh nắng mặt trời đây.
Vinh liền đùa lại liền:
– Nếu vậy thì ánh mặt trời sẽ không bao giờ tắt để mang tia nắng dịu dàng tỏa lên trên dòng suối trong xanh.
Thanh Nguyên cám ơn những lời galant của Vinh rồi bắt đầu kể lể:
– Tuần trước sau khi xảy ra vụ cầu Ô Chát bị Việt Cộng giựt sập, tiểu đoàn 404 Địa Phương Quân đi ruồng bắt một số người ở xã Song Lộc trong đó có ba em là ông Huỳnh văn Phấn . Xin thưa thiệt với ông Phó quả tình là ông bị bắt oan. Ba em có con cái là lính Cộng Hòa là mấy anh của em, riêng ông thì cả đời chỉ biết làm ruộng mưu sinh nuôi con chứ đâu có dính dáng gì đến Việt Cộng. Em xin ông Phó xét lại cho gia đình em nhờ. Riêng em thì suốt đời em không bao giờ quên ông Phó.
“ Riêng em thì suốt đời em không bao giờ quên ông Phó”. Hình như nàng cố tình nuốt gọn đi chữ ơn để chỉ nói “quên ông Phó” thay vì “quên ơn ông Phó” chắc để cho người đàn ông ngồi đối diện mình chết luôn đây mà. Câu nói ngọt như mía lùi được thoát ra từ cửa miệng ngọc ngà của một giai nhân thì nói thiệt là có bảo Vinh nhảy vào lửa chắc chàng cũng nhắm mắt mà lao đầu vào chớ nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ là “xét lại cho gia đình em nhờ”. Nói không cường điệu chút nào thi câu nói “suốt đời em không bao giờ quên…” nghe thật tình tứ mời mọc như vậy thì đến mười ông Phó Vinh cũng chết chứ nói chi có một ông. Trong lòng Vinh lúc bấy giờ là bằng mọi cách phải trổ tài : “anh hùng cứu …cha mỹ nhân”.
Mặc dù thần hồn nát thần tính nhưng Vinh cũng còn chút sáng suốt cuối cùng là chàng đã không hứa hẹn gì mà chỉ nhỏ nhẹ trả lời người đẹp:
– Tôi rất thông cảm và tin những lời Thanh Nguyên nói, (đến đây thầy tuồng chưa phựt đèn màu mà ông Phó nhà ta đã nuốt mất chữ “cô” cũng giống như hồi nãy nàng Thanh Nguyên nuốt mất chữ “ơn” vậy), nhưng để tôi xem lại hồ sơ với Ty Cảnh Sát rồi mới có ý kiến được. Tôi chỉ xin hứa với Thanh Nguyên là tôi sẽ cố gắng cứu xét trong những điều kiện thuận lợi cho bác trai.
Nghe lời nói hứa hẹn đầy triển vọng của Vinh, lại nhìn thấy nét mặt “ngẩn ngơ như ốc mượn hồn” của chàng, Thanh Nguyên biết rằng ông Phó đã “thấm đòn mỹ nhân” của mình rồi, như vậy thì ba nàng có hy vọng lắm nên nàng liền bắn phát súng “ân huệ ”cuối cùng bằng giọng oanh thỏ thẻ ngọt ngào như để dứt điểm ông Phó:
– Mọi việc em chỉ trông cậy có ông Phó thôi. Rán giúp giùm em nghe. Em xin kết cỏ ngậm vành ơn nầy đó.
Nói nào ngay khi đánh bạo xin vào gặp Phó Vinh, Thanh Nguyên chỉ hi vọng là nhờ xem xét lại trường hợp ba nàng chứ ai ngờ diễn tiến cuộc gặp gỡ ra chiều thuận lợi như vậy. Điều nàng biết chắc là qua ánh mắt ngây dại của Vinh thì sắc đẹp nàng đã đóng một vai trò không nhỏ trong sứ mạng gia đình này. Thanh Nguyên thừa biết mình đẹp lắm, chẳng thế mà hồi còn học ở trường Trung Học Vĩnh Bình, mấy chàng học sinh và có cả thầy dạy đã say mê nàng như điếu đổ, thi nhau trồng sây si chật nứt trước nhà nàng. Và gần đây ngay trong kỳ thi tuyển hôtesse de l’air, nàng cũng đã đứng đầu, phần lớn nhờ vào bóng sắc mỹ nhân chứ thực ra phần ứng xử kiến thức nàng cũng tầm thường thôi.
Trong khi chuyện vãn, Thanh Nguyên với giọng điệu êm ái nhẹ nhàng cộng với sắc đẹp quyến rũ đã làm Vinh xao xuyến bần thần nếu không muốn nói là nàng đã hạ knocked out chàng ngay hiệp đầu tiên. Đến lúc chào từ biệt Vinh, nàng nhìn chàng với đôi mắt đắm đuối gợi tình (chắc là Thanh Nguyên muốn câu con cá cho chắc ăn đây mà) làm Vinh thấy cả vùng không gian chung quanh như mơ hồ tan biến vào một cõi bồng bềnh huyền hoặc mơ hồ mong manh. Trong một thoáng nào đó chàng muốn liều lĩnh bước tới ôm choàng lấy Thanh Nguyên để thỏa cơn sóng tình đang rào rạt dâng tràn nhưng rồi lại sợ nàng giận dữ rồi tát cho một bạt tay thì hư bột hư đường hết trọi. Sau một lúc yên lặng, Thanh Nguyên lại còn hôn nhẹ vào má Vinh rồi chào từ giã và quay gót bước đi để lại mùi hương nhẹ nhàng thoang thoảng bay cùng khắp cả không gian mờ ảo huyền hoặc của văn phòng . Nếu cụ Nguyễn Du diễn tả lúc chàng Kim Trọng tương tư Thúy Kiều qua 2 câu thơ trữ tình:
Mành tương phất phất gió đàn
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình
Nhưng cái tơ tưởng của Kim Trọng có thể hiểu được vì chàng Kim xa vắng nàng Kiều đã lâu chứ còn ở đây thì Thanh Nguyên chỉ mới rời khỏi văn phòng có 5,10 phút thôi mà Vinh đã vấn vương vì hương yêu người đẹp rồi thì nhà em xin chịu thua thói đa tình của ông Phó ta. Sau cái hôn người đẹp ban cho, Vinh bỗng thấy ngây ngất bàng hoàng thiếu điều muốn chết đứng như Từ Hải vậy đó.
Từ lúc ra trường Quốc Gia Hành Chánh, chàng sinh viên Nguyễn tấn Vinh được bổ nhiệm về tỉnh Vĩnh Bình giữ chức vụ Phó Quận cho tới thăng cấp Phó Tỉnh Trưởng đã hơn năm rồi, đây là lần đầu tiên chàng diện kiến một cô gái đẹp gợi cảm như vậy. Vinh vốn thuộc nòi tình háo sắc đa tình nên rất mềm yếu trước những người đẹp, tuy nhiên nhờ trời thương hay nói thẳng ra là sợ “mất ghế” nên dù động lòng rung cảm thế nào đi nữa, thì trên công việc chàng cũng ít khi vượt lên nguyên tắc luật lệ để hành xử khuất tất. Trường hợp Thanh Nguyên cũng không ngoại lệ, Vinh phải hỏi Ông Cò Trung Tá Nguyễn Ngọc Phúc, trưởng ty Cảnh Sát, cũng là bạn thân tình với chàng, để xem hồ sơ của ông Huỳnh văn Phấn này ra sao rồi hội ý với người bạn nầy mới được.
Đến đây thiết tưởng cũng nên nói sơ qua về thủ tục bắt giữ và xét xử tôi phạm chính trị vào những năm đầu thập niên 70. Vì tình hình chiến sự sôi động và khẩn cấp nên mỗi tỉnh có thiết lập một Ủy Ban tên là Ủy Ban An Ninh Phụng Hoàng Tỉnh (PPSC: Provincial Phoenix Security Committee) để xét xử những phần tử hoạt động nằm vùng thuộc hạ tầng cơ sở Việt Cộng (mà ta thường gọi là VCI = VC Infrastructure ) bị bắt giữ. Thành phần Ủy Ban gồm có:
Tỉnh Trưởng : Chủ tịch
Chánh Án : Ủy viên
Chủ tịch Hội Đồng Tỉnh : Ủy viên
Trưởng Ty Cảnh Sát : Thuyết trình viên (không quyền biểu quyết )
Trưởng ty Nội An : Thư ký (không quyền biểu quyết)
Cố vấn trưởng Tỉnh: Quan sát viên(không quyền biểu quyết)
Trên thực tế, vì vị tỉnh trưởng rất bận rộn nên thường ủy nhiệm Phó tỉnh trưởng thay thế mỗi khi họp.
Theo phúc trình của Ty Nội An, Vinh có biết sơ qua vụ cầu Ô Chát bị Việt Cộng giật sập và ngay sau đó quân ta hành quân lục soát bắt một số tình nghi mà trong số có ông Huỳnh văn Phấn, ba của Thanh Nguyên và tuần tới này, Ủy Ban Phụng Hoàng Tỉnh sẽ họp xét.
Để có đầy đủ dữ kiện, chàng gọi cò Phúc mang hồ sơ ông Huỳnh văn Phấn qua văn phòng để thảo luận. Sau một hồi lâu, Phúc tới với đầy đủ tài liệu nội vụ mà Vinh đọc kỹ thấy ghi là khi toán hành quân tới vây quanh khu vực cầu sập thì ông Phấn đang lảng vảng gần đó nên bị bắt về để điều tra. Trong biên bản hỏi cung thì ông ta khai là sáng đó ông ra rạch Ô Chát để thăm mấy lưỡi câu giăng tôm gặp đúng lúc lính Địa Phương Quân hành quân vùng đó bắt ông. Ông cũng khai là có con đi lính quốc gia (y như lời Thanh Nguyên nói và có giấy chứng nhận đàng hoàng). Hơn nữa từ trước đến nay ông chưa có hồ sơ lý lịch thành tích gì hoạt động cho Cộng Sản. Xem xong, Vinh hỏi ý kiến Phúc thì bạn ta nói rằng thực ra chưa đủ yếu tố để buộc tội ông Phấn, nếu Vinh muốn thì cũng có thể xếp hồ sơ với đề nghị để theo dõi tiếp. Thế cho nên đến ngày họp Ủy Ban Phụng Hoàng, Phúc thuyết trình từng hồ sơ đến phần ông Phấn, Phúc đưa ra những lý lẽ không gắt gao mấy nên Vinh thừa dịp đó đề nghị là trả tự do cho đương sự chỉ tiếp tục theo dõi mà thôi. Và may mắn là đề nghị được toàn thể Ủy Ban chấp thuận. Và ngay cả Đại Tá Harold Hayden cố vấn trưởng cũng không thắc mắc.
Mấy ngày sau đó, Vinh mong Thanh Nguyên trở lại để báo tin lành và nhất là để kiếm điểm với người đẹp. Chàng trông ngóng từng giờ phút trong văn phòng cho tới độ không dám bỏ đi đâu vì sợ nàng đến mà không gặp. Thế mà dòng suối trong sáng vẫn biền biệt âm hao làm chàng xốn xang bứt rứt mấy ngày trời. Có khi ngay tại nhà đang đùa giỡn với đám con mà chàng cũng thẩn thờ với ý nghĩ sao mà nàng quá vô tâm thờ ơ thậm chí…còn không biết điều nữa. Giúp cho cha nàng khỏi vòng lao lý không phải là một cái ơn lớn ư! Chẳng nhẽ nàng vô ơn vô tình đến thế! Nhưng chàng tự cố yên ủi là có thể nàng bận rộn bất ngờ vì những phi vụ Air Viet Nam nên chưa kịp tới ngỏ lời cám ơn chàng. Cái câu “thi ân bất cầu báo” nếu có thì chàng chỉ dùng để cho những người khác thôi chứ còn với nàng tiên Thanh Nguyên, chàng cần “cầu báo” lắm đó chứ, đó là báo đền một thứ nợ tình. Những ý nghĩ oán trách cứ dằn vật tâm tư làm chàng luôn ngẩn ngơ như ốc mượn hồn tới độ Huyền vợ chàng nhận thấy hỏi:
– Sao hổm rày công việc Tòa Hành Chánh có gì không ổn mà em thấy anh có vẻ bối rối quá vậy.
Vinh giật mình chống chế:
– Không! Không có gì đâu em! Chắc tại anh hơi yếu trong người.
Huyền lo âu và thúc giục:
– Để em cạo gió cho anh nha? Hay là em đưa anh đi bác sĩ ?
Ăn ở với nhau đã hơn 5 năm và đã có 2 mặt con, Huyền biết tính ý chồng ít khi lo lắng ưu tư, mà trái lại rất vui vẻ linh hoạt cho nên gương mặt “đưa đám” của Vinh mấy ngày nay làm nàng lo sợ. Nàng lại giục Vinh đi bác sĩ nhưng chàng trấn an:
– Không sao đâu em. Sức khỏe anh tốt lắm, anh biết mà , em đừng lo ( anh chỉ chờ tin của người đẹp mà anh mới quen biết thôi-Sic)
Và trong phút giây nào đó, chàng thấy thương yêu Huyền vô vàn vì cảm thấy tội lỗi với nàng quá. Trong cuộc sống lứa đôi, Huyền lúc nào cũng nhẫn nhục hy sinh và chiều chuộng chồng con và luôn tin tưởng chàng.. Vậy mà bây giờ anh chàng còn ngoại tình trong tư tưởng nữa đây? Nhưng ngay sau đó chàng tự trấn tỉnh là chỉ mơ mộng viễn vông văn nghệ nhất thời chứ lúc nào thì chàng chẳng là “ vợ cái con cột”.
Mãi hơn một tuần sau, Thanh Nguyên mới trở lại văn phòng để ngỏ lời cám ơn Vinh làm chàng vui mừng còn hơn trúng số. Nàng nhỏ nhẹ phân trần:
– Xin lỗi ông Phó, vì em bận đi bay liên tiếp nên đến hôm nay mới rãnh mà gặp ông để cám ơn. Em và cả gia đình không bao giờ quên ơn trời biển nầy.
Vinh rạng rỡ đáp lời:
– Khỏi cần lỗi phải gì. Sự có mặt của Thanh Nguyên hôm nay như liều thuốc hồi sinh cho tôi rồi đó.
Rồi chàng tiếp lời tán tỉnh người đẹp:
– Mấy ngày nay, tôi cứ trông Thanh Nguyên mãi.
Thanh Nguyên cười ranh mãnh:
– Ông Phó trông em chi vậy? Tính đòi nợ hả?
Vinh cớt nhã:
– Muốn đòi nợ thiệt đó mà không phải là nợ tiền đâu à nghe!
Thanh Nguyên ởm ờ vừa cười cười lả lơi quyến rủ:
– Món nợ đó em cũng muốn trả lắm nhưng sợ bà Phó bả giết em chết
Hai người vui vẻ tâm sự một lúc thì Thanh Nguyên đứng lên giã từ Vinh. Chàng bước lại kế bên nàng chỉ kịp liều mạng nói câu “Anh yêu em” rồi bất thình lình ôm choàng lấy người đẹp đang khép hờ đôi mắt như mời gọi để chàng đặt lên đôi môi mộng đỏ hình trái tim một nụ hôn say đắm ngọt ngào. Thanh Nguyên cũng nồng nàn đón nhận và vòng tay ôm chặt lấy chàng trai đa tình. Vinh cảm nhận được bờ ngực vun tròn mềm mại của nàng đang ép sát vào người chàng. Và cứ thế hai kẻ say tình như chết ngất đi trong chuỗi hôn dài đê mê bất tận. Những hương tình ngọt mật thơm ngát từ bờ môi Thanh Nguyên làm Vinh như hớp phải men yêu say sưa chất ngất. Thời gian như lắng động chìm sâu theo nhịp thở của hai người. Sau phút giây thần tiên rung cảm, Thanh Nguyên âu yếm lấy khăn lau vết son dính trên môi Vinh và cười nói :
– Để em lau sạch son môi cho anh bằng không về tới nhà chỉ thấy thì anh có nước chết làm em buồn lắm đó.
Rồi nàng liếc mắt cười duyên và từ giã Vinh trong nỗi bàng hoàng luyến tiếc của chàng.
Ngồi một mình mơ mộng trong văn phòng còn thoang thoảng dư hương của người đẹp, Vinh thấy nhẹ nhàng sảng khoái nhưng cũng giật mình khi nhớ lại giây phút điên cuồng ôm đại Thanh Nguyên, Vinh thấy mình ẩu thiệt, lỡ nàng giận dữ rồi xáng cho một bạt tay nổ đom đóm mắt lại còn đưa ra Tòa về tội sexual harassment như bên mấy nước Âu Mỹ thì thí mồ luôn. Nhưng mà may quá, nàng chẳng những không cự tuyệt mà còn tình tứ hưởng ứng. Thiệt đúng như ông bà mình nói:
Đẹp trai hổng bằng chai mặt
Thời gian sau đó, Vinh đã sống như người mộng du với nụ hôn tuyệt vời cùng Thanh Nguyên. Không lẽ từng tuổi đầu nầy rồi mà chàng còn tương tư hay sao? Cho đến một hôm lối hai tuần sau, chàng nhận được thư nàng, mặc dù chưa biết trong thơ nói cái gì nhưng Vinh đã nôn nao vui mừng không tả. Hình như là Phật Bà thương chàng nên đang rưới vài giọt cam lồ vào trái tim “ngục tù ” của chàng ( Nói đùa chơi chút thôi chứ Phật Bà nào mà thương cái thứ đàn ông trăng hoa lăng nhăng nầy đâu).
Chàng nôn nao mở thư ra đọc:
Vinh yêu thương,
Trước hết em cảm ơn anh đã cứu cha em thoát khỏi cảnh tù tội nhục hình, cái ơn mà không biết tới đời kiếp nào em mới trả nổi dù trong muôn một. Em cũng rất xúc đông trước tình yêu mà anh dành cho em, một tình yêu mà em sẽ nâng niu trân quý suốt đời. Và Vinh ơi! Em cũng yêu anh nhiều lắm. Qua hai cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng đầy tình ý vừa rồi nhất là với chân tình anh dành cho em, em cũng đã bị tiếng sét ái tình đánh phải và em tin rằng chính anh là người sinh ra cõi đời nấy để em yêu, yêu mê đắm như từ tiền kiếp cho tới bây giờ. Người ta bảo rằng hai trái tim khi đã cùng một nhịp đập thì chỉ một phút đầu tiên sơ ngộ cũng đủ mang cả hai tâm hồn quyện hẳn vào nhau trong tình yêu đê mê ngút ngàn. Có lẽ đó là trường hợp của anh và em trong lần gặp hôm ấy phải không anh yêu? Nhưng Vinh ơi! Định mệnh đã đưa hai chúng mình tới trễ một bước. Lỡ làng hết rồi anh yêu ơi!. Anh và em đều có gia đình và những trách nhiệm ràng buộc nhất là anh đang có trong tay một người vợ xinh đẹp hiền lành và hai đứa con dễ thương kháu khỉnh mà cho dù yêu thương anh đến đâu, em cũng không đành lòng phá nát cái hạnh phúc trong tay của người em thực sự yêu thương. Yêu nhau là phải hy sinh cho nhau. Thôi thì mỗi người chúng ta nên trở về với những bổn phận riêng, nhưng mối duyên tri ngộ êm đềm thắm thiết vừa qua em nguyện giữ mãi trong lòng cho đến ngày nhắm mắt. Nếu thực sự cõi nhân sinh có thuyết luân hồi thì em thề sẽ là người yêu thương săn sóc anh suốt kiếp sau đó nghe anh. Đời em từ nay nếu có hình bóng nào như bóng râm che mát em trên từng bước em đi thì hình bóng đó chính là anh.
Xin đừng tìm em nghe anh. Cố xem như tình mình tuy đẹp mà không tới vậy thôi.
Thay mặt Ba, Má và cả gia đình, em vô vàn cảm tạ anh.
Yêu anh suốt đời,
Em,
Thanh Nguyên
Lá thư chỉ có vậy nhất là có vẻ mang tín hiệu huề vốn nhưng đối Vinh là cả một kho tàng vô giá mà chàng trân quý nâng niu. Chàng nghĩ rằng nàng cũng cảm kích trước tâm lòng chàng nhưng vì trách nhiệm gia đình mỗi bên nên cả hai đành phải đi trên hai con đường song song suốt đời vậy.
Và từ đó theo dòng thời gian lạnh lùng trôi với bao công việc bề bộn hằng ngày cộng thêm hạnh phúc với mái ấm gia đình vợ con làm Vinh quên lần đi cuộc hạnh ngộ lý thú và cho nó qua như một thoáng mây bay trong vùng trời kỷ niệm của một thời hoa bướm..
2) Trôi theo vận nước:
Thế rồi cuộc đổi đời bi thảm tháng Tư đen năm 1975 mang tai ươn đến mọi người dân miền Nam. Theo vận nước nghiệt ngã, Vinh phải trình diện học tập tại trường Nữ Trung Học Gia Long dành cho các cựu công chức mà bọn Việt Cộng gọi sách mé là ngụy quyền, để đi tù nhưng chúng gọi mỹ từ là học tập cải tạo trong một tháng. Tại địa điểm tập trung, Vinh đã gặp lại nhiều đàn anh và bạn bè trong cùng tâm trạng là muốn học tập cho xong để được yên thân. Ở tại trường Gia Long ba hôm thì tất cả được đưa tới làng cô nhi Long Thành để suốt ngày lao động cực nhọc và hai lỗ tai bị tra tấn bằng những luận điệu tuyên truyên rẻ tiền một chiều ngu xuẩn về ba dòng thác cách mạng và những ưu việt của đỉnh cao trí tuệ loài người. Ban quản giáo trại là những tên mán rừng ngu dốt về thành loại răng đen mả tấu chuyên cướp của giết người chứ dạy dỗ ai cái ngữ chúng nó.
Thắm thoát mà đám tù khổ sai đã lao động nhục nhằn ở tại trại tù Long Thành hơn một tháng. Kỳ lạ quá! Đã hết hạn “học tập” rồi mà sao không nghe ban quản giáo hé môi gì về ngày về của mình. Đã vậy trong nhưng buổi tối học tập chính trị một chiều sau những giờ lao động vất vả cực hình, tụi cán bộ luôn nói “các anh phải phấn đấu học tập tốt để sớm được trở về với gia đình. Vì các anh mang nợ máu quá nhiều với nhân dân nhưng Cách Mạng noi theo gương đạo đức của Bác Hồ anh minh vĩ đại nên đã không trừng trị mà chỉ khoan hồng đưa các anh vào đây để giáo dục các anh trở thành công dân tốt của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa siêu việt. Vậy các anh hãy khắc phục mà học tập tốt lao động tốt để được sớm trở về với gia đình chung lo xây dựng đất nước. Ngoài ra các anh cũng phải thành khẩn khai báo hết các tội lỗi đối với nhân dân và cách mạng”. Thằng nào thằng nấy cũng chỉ có câu kinh nhật tụng duy nhất này để tập ăn nói trước đám tù cải tạo nghe thật vô cùng nhàm chán. Ủa ! Thế còn thời gian một tháng học tập là cái gì mà không nghe thằng nào nhắc đến. Giữa lúc tinh thần các người tù hoang mang căn thẳng thì ở bên ngoài các bà mẹ, bà vợ , con cháu cải tạo viên cũng lo sợ không kém, họ liều mạng kéo nhau tới Ủy Ban Quân Quản để hỏi tại sao nhà nước tuyên bố gom chồng con họ đi học tập một tháng thôi mà nay đã mấy tháng rồi chưa thấy tăm hơi thì được chúng trân tráo trả lời:
– Ai nói với bà con là đi học tập một tháng trở về. Bà con có đọc kỹ thông báo chưa? Nhà Nước chỉ nói rằng mang theo thức ăn khô trong một tháng chứ có nói đi học một tháng rồi về đâu. Đó là vì trong bước đầu quản lý khó khăn nên Nhà Nước mới nhờ chồng con các bà tự mang theo lương thực một tháng đấy chứ. Bây giờ thì khâu quản lý tốt rồi có thể lo cung cấp thức ăn cho các cải tạo viên để họ an tâm học hành tốt, lao động tốt , thành khẩn và thấu triệt chính sách khoan hồng của Nhà Nước ta là về sớm thôi.
Trước lời nói tráo trở lưu manh đó, mấy bà chỉ biết gạt nước mắt kéo nhau ra về. Đúng là nói láo như Vẹm.
Sau khi lao động khổ sai ở Long Thành được hơn một năm thì các tù nhân bị di chuyển ra Bắc bằng những chiếc tàu thủy chật hẹp tồi tàn dơ dáy nhất là thiếu điều kiện an toàn đến độ có người đã chết trên tàu trước khi tới trại tập trung. Sau ba ngày đêm vật vả rã rời, đoàn người chiến bại cũng tới được miền Bắc và bị phân tán thành nhiều toán đi tản mác khắp nơi. Riêng Vinh thì bị đưa tới trại Phú Sơn ở mạn Trung Du Bắc Việt. Những người “có tội ác với nhân dân” thực sự đã bắt đầu kiếp sống nhục nhằn trâu ngựa từ đây. Mỗi ngày những người tù khổ sai phải đốn cây, khuân đá, trồng trọt canh tác trong những điều kiện thiếu thốn trầm trọng từ việc ăn uống, thuốc men cho tới cả các phương tiện thực hiện công việc lao động. Đã vậy, họ còn bị bọn quản giáo cai tù chửi rủa đánh đập tàn nhẫn. Không bút mực nào diễn tả được sự ác độc phi nhân của bọn Việt Cộng đối với những người thua cuộc bất hạnh cũng như nỗi nhục nhã ê chề đắng cay mà tù nhân gánh chịu. Nhiều người không chịu nỗi cơn đói khát bệnh tật và sự hành hạ thù hằn của bọn cán bộ đã nhắm mắt ra đi, có người đốn cây bị cây ngã đè chết, bỏ lại vợ con nơi phương trời xa xăm biền biệt và đau đớn hơn cả là những người thân yêu nầy nào biết tăm hơi chồng, con, cha …họ giờ ở phương nao. Khốn nạn hơn và bi hùng hơn là có những người phẩn uất trước sự bạo tàn vô luân của bọn Việt Cộng nên đã đứng lên phản đối thì bị chúng giam xà lim trừng phạt dã man đến chết thảm. Những ai không chịu nỗi chế độ ngục tù kinh hoàng thì tổ chức vượt trại để nếu không bị bọn Việt Cộng bắt lại và bắn bỏ tại chỗ để làm gương tù nhân khác thì cũng bỏ mình nơi rừng sâu núi thẳm vì cọp beo rắn rít , lam sơn chướng khí hay vì kiệt lực đói khổ. Ít có ai mà vượt thoát thành công. Ôi! Trận hồng thủy tháng 4 năm 1975 đã nhận chìm tất cả người dân miền Nam xuống tận cùng hỏa ngục.
Thắm thoát gần 4 năm kể từ ngày Vinh bước chân vào ngục tù Cộng Sản với những đòn thù tàn ác phi nhân. Thân thể chàng bấy giờ chỉ còn da bọc xương, đôi mắt tinh anh ngày trước bây giờ lờ đờ như hai lỗ trũng vô hồn, tinh thần thì suy sụp khủng hoảng tới độ chàng cầm bằng như đã chết rồi. Nhiều lúc quẫn trí vì hoàn toàn tuyệt vọng, Vinh muốn liều mạng giựt súng tên bộ đội canh tù rồi bắn chết vài thằng để cho chúng hạ sát chàng nhưng nhớ tới vợ con sẽ đau khổ đến thế nào khi nhận hung tin nầy nên chàng phải cắn răng mà ôm trọn nổi tủi nhục căm hờn. Những lúc đó, chàng chỉ buồn rầu hối hận là ngày 30 tháng 4 đã quyết định vô cùng sai lầm là ở lại để ngày nay chịu khổ chẳng những cho bản thân mình mà còn khổ lây cho vợ con. Cuộc đời con người ai cũng có những phút giây mà quyết định chẳng những ảnh hưởng đến chính bản thân mà còn liên lụy đến gia đình, Vinh đã trải qua những phút giây quan trọng đó và chàng đã có sự chọn lựa vô cùng nhầm lẫn để bây giờ nhận lấy hậu quả thảm khốc nầy. Không biết giờ nầy ở ngoài trại tù lớn (thực ra người dân sống trong chế độ Cộng Sản phi nhân có khác gì ở trong một nhà tù lớn hơn đâu) Huyền và 3 con thơ dại của chàng sống còn thế nào? Tất cả đều biệt vô âm tín từ ngày chàng trình diện “học tập”.
3) Cố nhân tái ngộ:
Một hôm trong lúc Vinh đang lao động đốn cây trong rừng cùng các bạn tù khác thì tên cán bộ trực trại đi với tên cai tù đến gặp chàng nói:
– Anh Nguyễn tấn Vinh đi theo tôi về trại.
Lo lắng là không biết lại tai ương gì nữa đây, chuyển trại hay biệt giam …Vinh mệt mỏi lê bước theo tên cán bộ giữa những cặp mắt lo âu của bạn bè. Tới nơi tên này mở cửa văn phòng quản giáo trại thì Vinh sửng sốt kinh ngạc nhưng cố đè nén để khỏi bật thành tiếng kêu là vì trước mắt Vinh là tên quản giáo Thượng Úy Tư Đồn đang ngồi khúm núm trước một nữ bộ đội.…và Trời ơi! người đó chính là Thanh Nguyên, người đẹp ngày xưa đã một thời dạy cho chàng bài học tương tư. Mặc dù đang bàng hoàng kinh ngạc nhưng Vinh vẫn còn nghe được giọng nói nhỏ nhẹ của tên cán bộ trực trại trình báo Thanh Nguyên:
– Thưa đồng chí Đại Tá, đây là anh Nguyễn tấn Vinh.
rồi quay bước ra ngoài. Tên Tư Đồn nhìn Vinh rồi nghiêm giọng:
– Anh Vinh, hôm nay đồng chí Sáu Nguyên là Giám Đốc sở Công An thành phố Hồ Chí Minh ra tận đây để làm việc với anh.
Vinh cúi đầu chào Thanh Nguyên trong quân phục bộ đội nhưng vẫn còn nét đẹp mê hồn của hơn 7 năm về trước. Trong phút chốc, nhất là qua ánh mắt của nàng, chàng linh cảm nàng đến đây là một điều có lợi cho chàng nên thấy phần nào an tâm hơn.
Đồng chí Sáu Nguyên từ tốn nói:
– Anh Vinh, qua điều tra, tôi được biết là ngày xưa khi anh còn tại chức ở Vĩnh Bình, anh và tên tỉnh trưởng Hoàng văn Kiểm đã xung đột trầm trọng trong vụ lùa dân xây núi Thiên Ân ngoài đầu vàm Trà Vinh để ngăn chặn sự xâm nhập của Cách Mạng. Tôi muốn biết thêm nhiều chi tiết về vụ nầy để triển khai thêm tội ác của tên Kiểm nên sẽ chuyển anh về thành phố để tiện việc điều tra. Vậy anh có một tiếng đồng hồ để chuẩn bị đi với tôi.
(Đến đây tưởng cũng mở thêm dấu ngoặc về vụ núi Thiên Ân, thực ra ngày xưa , tên Hoàng văn Kiểm có bày đặt vụ tập trung nhân lực toàn tỉnh xây núi Thiên Ân ngay tại vàm Vĩnh Bình nói là để chận đường Việt Cộng. Vinh phản đối không phải vì chàng có “tinh thần giác ngộ cách mạng” mà là vì tên Kiểm lợi dụng việc nầy để tham nhũng bằng cách thâu tiền của đồng bào giàu có thương gia nào không muốn làm sâu kiểu dân công)
Sáu Nguyên vừa dứt lời thì tên quản giáo Tư Đồn vuốt đuôi theo:
– Đồng chí Giám Đốc đã nói vậy thì anh sắp xếp hết đồ đạc để về thành phố.
Vinh chào từ giã hai người với bộ mặt ra chiều bối rối rồi hối hả về láng để “dọn nhà” trong tâm trạng hân hoan vui mừng vì chàng tin tưởng rằng quới nhơn Thanh Nguyên hôm nay đã đến để mang điều lành cho chàng. Cũng may là trong láng lúc đó chẳng có ai bằng không thì bạn bè phải ngờ vực “ cái thằng bị chuyển trại mà sao hí hửng thế kia!”
Lối hơn nửa tiếng đồng hồ sau, Vinh ôm một gói đồ hành trang gia sản của người tù theo đồng chí 6 Nguyên ra chiếc xe du lịch Falcon đen đậu trước cổng trại trước những cặp mắt tò mò của những trại viên công tác nhà bếp, an ninh và những bệnh nhân miễn lao động.
Lên xe, đồng chí 6 Nguyên ngồi đàng trước với tài xế, còn Vinh ngồi sau với người bộ đội mà chàng đoán là cận vệ. Cả hai trông rất trẻ chắc là dân nghĩa vụ quân sự. Xe ra khỏi cổng một khoảng đường là Thanh Nguyên hối tài xế chạy nhanh trên con đường mòn gập ghềnh khúc khuỷu trước khi ra lộ lớn. Ngay lúc đó nàng quay lại sau bảo Vinh với giọng nhẹ nhàng:
– Anh Vinh, chắc anh cũng đoán biết được mọi chuyện rồi. Nhưng để cho an toàn vì đường từ đây về Sài Gòn còn xa lắm và có nhiều trạm kiểm soát, vậy anh lúc nào cũng giữ thân phận tù nhân, tuyệt đối im lặng còn mọi chuyện khác để em và hai đứa cháu đây lo liệu.
Nghe lại tiếng nói của dịu dàng của người xưa báo tin lành, lòng Vinh thấy nhẹ nhàng thoải mái của một người thoát củi sổ lồng, và cái cảm giác lâng lâng rung động tại văn phòng chàng ngày nào đó lại hiện về. Chàng nhìn nàng với ánh mặt vừa vui mừng vừa biết ơn.
Sau hai ngày đường trường thiên lý, xe về tới Sài Gòn, Thanh Nguyên đưa Vinh về nhà nàng là một biệt thự trên đường Yên Đỗ nghe nói trước đây là của một viên chức cao cấp trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Nghỉ ngơi một lúc, Thanh Nguyên bắt đầu kể chuyện đời nàng từ lúc tìm gặp Vinh ở Vĩnh Bình cho tới nay. Thực ra, ngay từ lúc đó, nàng đã có một đứa con gái 2 tuổi và chồng là giáo sư Trung Học, và cả hai vợ chồng nàng đều là cán bộ Mặt Trận nằm vùng công tác nội thành. Cha nàng cũng là một cán bộ xã ủy Song Lộc Trà Vinh. Như vậy lúc Thanh Nguyên tới tìm Vinh để xin giúp đở, nàng thật sự đã đứng bên chiến tuyến kẻ thù. Nghe tới đây, lương tâm Vinh dấy lên nỗi dày vò cắn rứt. Trời ơi! Như vậy chàng đã vô tình giúp kẻ thù, nối giáo cho giặc và vô hình chung phản bội lại quốc gia dân tộc mà đó cũng là một đóng góp dủ nhỏ nhoi để kiến cho cả miền Nam thân yêu sụp đổ. Trong khi Vinh đang hối hận lỗi lầm xưa thì Thanh Nguyên tiếp tục tâm sự là trước hành động nhân bản rộng lượng (hay là vì mê gái)mà Vinh thả cha nàng, nàng thấy rất cảm kích xúc động nếu không muốn nói là yêu Vinh vì lúc đó tình cảm giữa nàng và chồng không có gì cả ngoài tình đồng chí cán bộ công tác cùng nhau. Đó chỉ là tình yêu tính toán thường tình của con người đảng viên Cộng Sản. Để rồi khi gặp Vinh với ánh mắt yêu đương, cử chỉ tình tứ nồng nàn, phong cách phóng khoáng của con người quốc gia và thêm cái ơn cứu cha, Thanh Nguyên thấy lòng mình xao xuyến rung động nhưng khi nhớ lại là chàng và nàng đều có gia đình con cái với bao trách nhiệm ràng buộc và nhất là hai người đứng hai chiến tuyến khác nhau nên nàng đành phải giã từ Vinh trong đau đớn ngậm ngùi. Đấy! Khi yêu thì người đàn bà còn lý trí hơn đàn ông nhiều lắm.
Dòng đời tiếp tục lạnh lùng trôi trong lãng quên. Cũng có lúc Thanh Nguyên nhớ Vinh nhiều lắm nhưng định mệnh đã đặt hai người trên hai lối đi khác nhau thì đành chịu vậy. Thôi xin hẹn kiếp sau nhé Vinh nếu đời người có kiếp luân hồi.
Một thời gian sau, tổ công tác nội thành của chồng nàng bị bể nên anh ta phải trốn ra khu, còn nàng ở lại bị chính quyền điều tra rất phiền toái lôi thôi nhưng nhờ không có đủ bằng chứng nên nàng chưa bị bắt. Tới ngày 30 tháng 4, chồng nàng trở về trong đoàn quân chiến thắng với quân hàm Đại Tá còn nàng được mang cấp bậc Trung Tá và để bù đắp lại cho thành quả đóng góp cho cách mạng cũng như những hiểm nguy gian khổ mà hai vợ chồng gánh chịu trong suốt thời gian hoạt động, chồng nàng được thăng cấp thiếu tướng và chỉ định giữ chức vụ Giám Đốc Sở Công An Thành Phố còn nàng thăng cấp Đại Tá và làm phụ tá. Tới năm 1979 , chồng nàng qua đời sau cơn bạo bệnh và nàng được bố trí lên thay thế nhờ cả một quá trình công tác đấu tranh cách mạng.
Từ sau cuộc đổi đời oan nghiệt năm 1975 , Thanh Nguyên cố tìm tông tích Vinh nhưng chàng như bóng chim tăm cá. Hỏi lại những người Vĩnh Bình xưa thì họ nói chàng đổi đi Phan Thiết từ năm 1973. Không nản chí nàng tiếp tục tìm tin tức chàng ở tận Phan Thiết thì được biết là chàng đã di tản vào Sài Gòn ngay sau khi Phan Thiết thất thủ. Như vậy là đành bó tay. Thanh Nguyên cầu mong chàng đi được với gia đình ra ngoại quốc trong ngày 30 tháng 4, hi vọng là như vậy nhưng biết đâu chàng đang đọa đày lao khổ trong trại cải tạo. Nghĩ đến đây lòng Thanh Nguyên oặn đau nhưng nàng không dám dò hỏi nhiều vì sợ chồng phát giác mãi cho tới khi chồng chết và nàng lên thay thế, Thanh Nguyên mới phăng rõ ngọn nguồn từ Bộ Nội Vụ thì may mắn thay, nàng biết được Vinh đang ở trại học tập Phú Sơn. Thanh Nguyên cũng được biết do bà con nàng ở Vĩnh Bình nói là sau khi thả cha nàng ít lâu sau, Vinh bị tên tỉnh trưởng Hoàng văn Kiểm trù dập (vì chàng phản đối vụ hắn ta xây núi Thiên Ân ) tới độ bị đổi đi ra Phan Thiết. Sau mấy ngày suy nghĩ và cũng tìm biết tên Kiểm đang giam ở trại Hà Nam Ninh, Thanh Nguyên bèn lợi dụng sự sơ hở, vô tổ chức và thiếu thông đạt giữa các cấp chính quyền Cộng Sản, nàng liền làm một lệnh giải giao “tên” ác ôn Nguyễn tấn Vinh về thành phố để giúp công việc điều tra về tên ác ôn khác là tên Kiểm nặng ký hơn. Và kết quả hành động liều lĩnh đánh tapis của nàng là Vinh được tự do và đang ngồi trước mặt nàng đây. Thanh Nguyên nói tiếp:
– Vấn đề tạm thời là bây giờ anh ở đây với em, nhà nầy chỉ có em với đứa con gái em nay đã 10 tuổi. Vì sự an toàn cho anh và cho ngay cả em, xin anh hãy cố tự giam mình trong ngôi biệt thự này. Nay mai em sẽ tìm cách liên lạc với vợ con anh để báo tin anh đã về nhưng vì lý do bảo mật an toàn, anh và chị phải tránh tiếp xúc nhau để em còn lo điều quan trọng nhất là sẽ tìm đường dây cho cả gia đình anh vượt biên. Em tính như vậy, anh thấy được không anh?
Từ nãy giờ Vinh ngồi lặng yên nghe Thanh Nguyên kể hết sự tình cũng như cách tính toán qui củ mạch lạc của nàng kiến chàng đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Chàng thấy lòng mình nao nao xúc động khi thấy nàng thực sự lo lắng cho mình quá nhiều, nhất là nhìn gương mặt kiều diễm của người con gái một thời làm chàng say mê mơ tưởng, Vinh có cảm giác lênh đênh bềnh bồng như nhắp phải men say dịu dàng thơm ngát. Sau giây phút chìm đắm vào không gian chìm lắng trong hương tình rào rạt, chàng run run nói với Thanh Nguyên:
– Ơn cứu tử của em, anh không biết kiếp nào đền trả. Em đã bất kể những hiểm nguy lo cho anh ra tù mà còn dự tính cả tương lai tươi sáng cho gia đình anh. Anh chỉ xin kết cỏ ngậm vành mà thôi. Thân anh bây giờ như cá chậu chim lồng, được em thương mà tính như vậy thì thật là không có gì quý hơn.
Thanh Nguyên dịu dàng trả lời chàng:
– Anh đừng có bận tâm gì hết. Vậy chớ ngày xưa, anh cứu mạng ba em thì sao?
Hai hôm sau, Thanh Nguyên đi làm về trao cho Vinh lá thơ của Huyền, Vinh mừng rỡ vội mở ra đọc ngay:
Anh yêu,
Hồi nãy, cô Thanh Nguyên có đến báo cho em hay anh đã được về. Trời ơi! Em vui mừng như chết đi sống lại vậy. Mấy đứa nhỏ cũng nhảy dựng lên trong nỗi hân hoan trước tin cha về. Không ngờ trên đời nầy vẫn còn có chuyện giấc mơ thành sự thực. Đó là chuyện em vì quá lo buồn cho anh rồi cứ mơ ước viễn vông là một ngày nào đó anh sẽ về. Vậy mà ngày đó đã thực sự đến. Mắt em đang nhòa lệ vì sung sướng. Anh ơi! Cô Thanh Nguyên còn hứa sẽ đưa cả vợ chồng mình và ba con vượt biên. Quả là phúc đức ông bà để lại nên mình mới gặp được thiên thần hộ mệnh là cô Thanh Nguyên. Cô cũng nói với em là anh hiện đang ở nhà cô để được an toàn và vợ chồng mình không nên gặp nhau cho tới ngày đi. Em và các con vẫn khoẻ và vô cùng hạnh phúc với ý nghĩ sẽ đoàn tụ cùng anh sau hơn 4 năm trời xa cách. Vậy anh hãy yên tâm tịnh dưỡng mà chờ ngày sum họp gia đình và đi tới một chân trời tự do hạnh phúc nghe anh!
Em và các con luôn thương nhớ anh.
Đọc xong thư Huyền, Vinh bồi hồi xúc động và thương cảm người vợ lúc nào cũng hi sinh và lo lắng cho chồng. Chàng mong mỏi Thanh Nguyên sớm tìm ra tổ chức vượt biên để chàng đưa vợ con tới bến bờ tự do mà ở đó cả tương lai rạng ngời đang chờ đón các con chàng. Nhưng ngay sau đó, tim chàng lại oặn đau khi nhớ đến lúc…phải xa Thanh Nguyên biết chàng có chịu nổi không!!! Khi yêu thì nó khổ đau mâu thuẫn như thế đó.
Kể từ ngày rước Vinh về, thì mỗi ngày, Thanh Nguyên đi làm như thường lệ, Phượng Nguyên đứa con gái nàng đi học thì Vinh ở nhà làm ông nội trợ. Mặc dầu nàng bảo sẽ lấy cơm tháng cho 3 người nhưng Vinh rất sợ ở không nên tình nguyện nấu ăn cho mẹ con nàng để giết thời giờ và hơn nữa chàng cũng muốn chứng tỏ mình không phải là kẻ vô tích sự.
Nhà có 3 phòng ngủ , sao mà nó đúng với kích thước gia đình nầy quá! Nó vừa đủ cho Thanh Nguyên, Phượng Nguyên và chàng mỗi người một phòng. Nếu trước đây, mỗi đêm Thanh Nguyên phải kèm bài vở cho con gái thì bây giờ nàng giao công việc gia sư đó cho Vinh để còn rảnh rang theo dõi diễn tiến việc vượt biên sắp tới cho chàng.
4) Tình đã thăng hoa:
Ông bà mình thường nói rằng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Nhất là ở trường hợp này, ngọn lửa Thanh Nguyên tỏa ánh hào quang rực trời thì đốt cháy cả lâu đài thành quách cũng còn được chớ nói gì đến cộng rơm Nguyễn tấn Vinh. Thử hỏi gái góa chồng, trai đi cải tạo hơn 4 năm trời ở chung một nhà vắng vẻ và hơn thế nữa trong cái thế “ tình trong như đã mặt ngoài còn e” từ bấy lâu của Thanh Nguyên và Vinh thì có khác nào lò thuốc súng đang âm ỉ chực chờ ngày bùng nổ. Và cái ngày đó đã đến.
Một đêm sau khi Vinh dạy kèm Phượng Nguyên và đưa cháu đi ngủ thì cũng vừa lúc Thanh Nguyên tắm xong đang ngồi trên sofa sấy tóc vừa xem TV ở phòng khách.
Em ngồi sấy tóc mây đen mượt
Thổi những sợi tình vô mắt anh
Nhìn mái tóc thề mượt mà bay nhè nhẹ dưới chiếc sấy tóc, Vinh bỗng bồi hồi nhớ lại gần gặp gỡ đầu tiên, người đẹp cũng với mái tóc dài óng ả nầy tưởng đã trói chặt hồn mình vào cuộc tình vô định, lòng Vinh tràn ngập cảm xúc và trong một thoáng nào đó, chàng thấy mềm lòng và ngồi xuống cạnh nàng thì thầm:
– Em để anh sấy tóc cho em
Thanh Nguyên thối thoát một cách yếu ớt:
– Thôi! anh không biết làm rồi cháy tóc em hết bây giờ
Vinh cương quyết :
– Có gì mà hổng biết em.
Rồi chàng cầm lấy máy sấy từ tay Thanh Nguyên và nhẹ nhàng lướt phớt trên tóc nàng. Không hiểu ngày xưa khi Huy Cận ru người yêu ngủ:
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
thì nhà thơ rung động như thế nào chớ bây giờ ngồi sát bên người yêu với những va chạm thân thể nồng ấm và mùi hương thiếu phụ đang xuân thoang thoảng nhẹ nhàng quyến rũ từ người đẹp làm cho Vinh rung rẩy tay chân và qua ánh mắt Thanh Nguyên, chàng cũng cảm nhận được rằng nàng cũng đang xao xuyến rung động. Không dằn nỗi cơn sóng tình, Vinh quăng cái sấy tóc tội nghiệp qua một bên và quên luôn cả đất trời với vợ hiền con dại để vòng tay ôm Thanh Nguyên thật chặt và cuối xuống hôn trọn môi nàng. Thanh Nguyên cũng đồng tình khép hờ đôi mắt và hé bờ môi hàm tiếu đón nhận nụ hôn cuồng nhiệt của người tình. Sau một đợt hôn dài đê mê, hai người buông nhau ra mà thở hổn hển. Thanh Nguyên trách yêu Vinh:
– Làm gì mà dữ vậy. Em còn đây chớ có biến mất đâu. Làm em muốn ngộp thở luôn.
Vinh chống chế:
– Em thông cảm cho anh. Tình yêu em tích tụ cả 7,8 năm nay nên nó mãnh liệt như vậy đó chứ!
Nói xong, chàng liền xáp lại ôm nàng nữa và lần tay xuống dưới chiếc áo ngủ mong manh của nàng để cảm nhận được cả vùng ngực căng tròn. Thanh Nguyên nói nhỏ như một lời mời gọi ngọt ngào:
– Đi vào phòng ngủ em đi anh. Ở đây rủi con nó thức giấc thì kỳ lắm.
Vinh náo nức đứng lên dìu nàng vào chốn Thiên Thai. Dưới ánh đèn lung linh mờ ảo, chàng thấy Thanh Nguyên đẹp hơn bao giờ hết với ánh mắt ngây dại trên khuôn mặt e ấp đỏ hồng. Rồi một lúc sau đó, một thân hình diễm tuyệt của nàng gói trọn trong vòng tay cuồng nhiệt của Vinh, cả hai thân thể rực lửa quyện lấy nhau và hai người như chìm vào cõi mộng Thiên Thai ngây ngất quên cả đất trời với những hơi thở dồn dập.
—————————————————
Sau phút giây ân ái tuyệt vời, Thanh Nguyên nằm gối đầu lên cánh tay người yêu thì thầm:
– Mình tội lỗi quá anh ạ! Từ lâu, em thực ra cũng muốn đền đáp món nợ ân tình lớn lao ngày xưa lúc anh thả ba em ra nhưng không có cơ hội. Còn bây giờ thì anh cũng đã gần ra đi rồi nên em lấy làm hạnh phúc mà dâng hiến cho anh như một đền đáp ân tình và cũng vì em rất yêu anh. Nhưng thân phận chúng mình như bình thủy tương phùng, bèo mây hạnh ngộ rồi biết tới chừng nào mình gặp lại nhau nữa đây. Thôi thì hãy vui nhau trong những giây phút cuối cùng phù du này như một kỷ niệm đẹp cho hai đứa. Em đành phải đắc tội với chị Huyền và mấy cháu vậy.
Vinh âu yếm vuốt ve làn da ngọc ngà của nàng trong vòng tay nóng rực lửa tình và nói:
– Trước đây anh đã từng thầm yêu trộm nhớ em thì nay sau khi được “đài gương soi thấu dấu bèo” , anh lại càng yêu em điên cuồng hơn. Thanh Nguyên ơi! Em chính là người đàn bà mang đến cho anh những cơn lốc đam mê tuyệt vời bất tận. Anh mong thời gian chúng ta bên nhau sẽ kéo dài theo nhịp thở đồng điệu của hai đứa.
Kể từ :
Cái đêm hôm ấy đêm gì
Bóng gương lồng bóng trà mi chập chùng
Vinh qua ngủ luôn trong phòng của Thanh Nguyên luôn, cả hai mặc nhiên xem như đôi vợ chồng son đang ngụp lặn trong hạnh phúc triền miên, tạm quên những trái ngang hệ lụy đang chờ đón họ.
Cho đến một hôm, vào ngày thứ sáu, Thanh Nguyên bất ngờ chạy về nhà rồi trong dáng điệu hớt hải buồn rầu báo tin cho Vinh hay:
– Anh ơi! Thứ bảy tuần tới nầy anh đi rồi. Tiền bạc chi phí cho nguyên gia đình anh, em trả trước phân nửa. Tới đảo rồi anh cần viết ít chữ cho gia đình chủ tàu gởi về em để xác nhận thì em sẽ trả nốt phần còn lại cho họ.
Nói xong câu “từ biệt” như một bản án khai tử cho cuộc tình đang thăng hoa, đôi mắt long lanh của Thanh Nguyên rơm rớm qua màn lệ mỏng. Vinh bỗng giật mình hốt hoảng rồi nói lớn lên như một phản xạ kinh hoàng:
– Trời ơi! Sao sớm vậy em? Chỉ còn có một tuần nữa thôi à !
Con người có những mâu thuẫn tự chính mình một cách lạ kỳ. Nếu trước đây, cả hai người đều mong chuyến đi được nhanh chóng. Với Thanh Nguyên thì để cho người yêu được sớm an toàn thoát khỏi những hiểm nguy ngục tù đang chờ đón, còn với Vinh thì đưa vợ con tới chốn an bình tự do với tương lai sáng lạn. Thế mà nay, tin vui đã đến thì cũng chính cả hai lại ruột thắt gan bào trong nỗi đau khôn cùng vì họ sắp chia tay để có thể cả đời không gặp lại nhau. Tình yêu nó khốn khổ đọa đày đến thế kia vậy mà thiên hạ ai cũng “ thèm yêu” hết.
Sau cơn “ sốc” ban đầu, Vinh và Thanh Nguyên lại lao đầu vào cuộc chơi một cách cuồng nhiệt vội vả như để tận dụng những giây phút phù du cuối cùng còn sót lại của một cuộc tình không tới. Thanh Nguyên xin nghỉ nguyên tuần lễ đó để được gần gủi cận kề bên người yêu trước khi xa cách ngàn trùng??? Tuy không nói nhưng cả hai người đều biết phải tận dụng thì giờ vàng ngọc còn có nhau.
Nàng nghẹn ngào nói nới Vinh:
– Anh ơi ! Trên đời em sợ nhất là chữ cuối cùng vì nó là biểu tượng cho một sự phân ly tan tác, hay hơn nữa là một sự mất mác đớn đau. Thế mà bây giờ em sắp phải trực diện với nó đây. Làm sao em chịu nỗi anh ơi!
Vinh thờ thẩn vuốt mái tóc óng mượt của nàng vừa thì thầm:
– Không có cuối cùng chia cách đâu em ơi! Sang bên đó anh sẽ cố tìm mọi cách để liên lạc với em mà.
Những ngày còn lại quý báu bên nhau rồi cũng qua mau, những mảng hạnh phúc sót lại rồi cũng phải tan theo khói sương của một cuộc tình tức tửi. Sáng ngày G thứ bảy đã đến.. Trên đời nầy có cảnh biệt ly nào không mang đến bao đau thương nước mắt. Nhưng giây phút chia tay của Thanh Nguyên và Vinh lại càng não nề tang thương hơn vì cả hai đều biết rằng với tương quan chính trị quốc tế của chế độ khép kín hiện nay thì có thể hai người sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Lại càng đau đớn hơn sau khi chàng và nàng vừa trải qua những ngày ân ái mặn nồng đắm đuối để rồi phải đánh mất tất cả. Đây chắc là một chuyến ra đi để ngàn đời xa nhau. Ngay chính Phượng Nguyên cũng mủi lòng trước cảnh chia tay. Nó ôm Vinh mếu máo nói:
– Cậu đi bỏ mẹ con con sao cậu ? Rồi ai dạy dỗ con học hành. Cậu không còn săn sóc thương yêu con nữa sao?
Vinh cũng không cầm được nước mắt cầm tay Phượng Nguyên mà hứa chắc rằng:
– Thế nào rồi cậu cũng sẽ liên lạc với mẹ và con mà.
Rồi chàng ôm chặt Thanh Nguyên với nụ hôn vĩnh biệt tiếp theo tiếng thì thầm của Thanh Nguyên:
– Thôi anh đi. Em nguyện cầu anh đến nơi bình an. Đừng bao giờ quên suốt đời em vẫn yêu anh.
5) Một cuộc sống mới:
Để lên đường an toàn, Thanh Nguyên cho đứa cháu tài xế lấy xe của sở Công An thành phố đưa vợ chồng Vinh xuống tận Rạch Giá ngay trong chiều hôm đó để kịp chuyến ra đi trong đêm. Nhờ sự sắp xếp khéo léo của chủ tàu và cũng nhờ vào may mắn, con tàu vượt biên tới thẳng đảo Pulau Bidong sau 4 ngày thủy trình trên biển cả. Sau khi tạm ổn định cuộc sống trên đảo, Vinh hỏi những người đi trước cách thức liên lạc về Việt Nam để thư cho Thanh Nguyên thì được biết là bưu tín trên đảo không nhận thư gởi Việt Nam. Chàng liền kiếm chủ tàu nhờ họ qua bà con ở Canada gởi lá thư có chữ ký chàng xác nhận đã đến nơi cho Thanh Nguyên chồng hết số tiền còn lại. Như vậy là chàng đành chịu không liên lạc được với Thanh Nguyên cho tới khi đinh cư. Ở đảo 3 tháng sau là gia đình Vinh có danh sách đi Canada và tháng 9 năm 1980, họ tới Toronto để bắt đầu một cuộc sống mới.
Đầu tiên chàng cùng vợ con tới sở Nhân Lực (Man Power) để làm các thủ tục thường trú và thẻ an sinh xã hội, nhân viên tham vấn thấy record background của Vinh nên liền gởi chàng vào làm Human Resources Office của một hãng lớn chuyên về Airlines Catering. Huyền theo học một khóa 6 tháng Anh Văn ESL, còn ba con của chàng đi học tại một trường gần nhà. Sau khi Huyền mãn khóa học, nàng thi lại lấy bằng dược sĩ rồi mở một nhà thuốc tây lúc đầu còn lưa thưa khách nhưng càng ngày cộng đồng Việt Nam càng phát triển nên công việc làm ăn trở nên phát đạt . Riêng Vinh thì làm hãng lớn nên được lương khá và có benefit đầy đủ, hơn nữa vị manager Human Resources thấy khả năng quản trị điều hành tổ chức của chàng nên cất nhắc chàng lên vị trí phụ tá. Từ đó vợ chồng chàng mới thấy cuộc đời mới được ổn định mà yên tâm nuôi dưỡng con cái học hành.
Mặc dù rất bận rộn bước đầu, Vinh vẫn thấy nhớ thương Thanh Nguyên da diết. Nhất là với tâm trạng “ăn quen nhịn không quen”, chàng cứ hình dung lại những lần ân ái trong tận cùng hoan lạc với người đẹp mà thấy lòng dâng lên nỗi nhớ nhung khao khát. Giờ đây đã nghìn trùng xa cách rồi, mỗi người một chân trời góc biển, biết đến bao giờ gặp lại nhau. Riêng Huyền thì cũng không bao giờ quên thâm ân của Thanh Nguyên đối với gia đình nàng nên luôn nhắc nhở chồng gởi thư thăm hỏi Thanh Nguyên. Nàng ngay tình chứ nào biết rằng mình “đang nối giáo cho giặc”. Vinh đã sốt sắng ( lẽ dĩ nhiên dại gì mà không sốt sắng) nghe lời vợ mà viết thư tạ ơn mẹ con Thanh Nguyên nhưng có điều là ngoài những lời thăm hỏi thông thường, chàng cũng không quên “đính kèm “ thêm những lời nhớ thương tha thiết người yêu lỡ làng đang cách xa nửa vòng trái đất. Chàng còn cẩn thận dặn Thanh Nguyên “ viết thư cho anh, em hãy khéo léo sợ Huyền nhận thư thì bể mánh hết. Để từ từ anh mượn địa chỉ khác cho mình tự do liên lạc hơn”.
Thư gửi đi xong, chàng đếm từng ngày để mong nhận thư hồi âm của nàng. Với cuộc sống tất bật nên thời gian qua rất mau, thư gởi đi đã gần hai tháng mà vẫn chưa thấy âm hao, chàng nghĩ chắc Bưu Điện Việt Cộng chậm chạp nên rán chờ thêm một tuần…rồi một tuần cho tới trọn tháng nữa mà tin tức người yêu vẫn biền biệt. Chàng bèn than phiền với Huyền là sao tới bây giờ vẫn chưa thấy Thanh Nguyên trả lời. Tội nghiệp vợ chàng lại cứ tiếp tục “ vẽ đường cho hưu chạy” bằng cách thúc giục chồng gởi tiếp lá thư thứ hai cho người ơn mà Huyền có biết đâu cũng là “tình địch” xem sao. Vinh “được lời như cởi tấm lòng” gởi tiếp một lá thư nữa. Tiếp theo là một chuỗi khắc khoải chờ đợi rồi cũng y như số phận lá thư thứ nhất là tin đi không có tin về. Nếu lần trước không được thư hồi âm của Thanh Nguyên, Vinh còn nghĩ là thư từ thất lạc nhưng lần nầy thì chàng thực sự lo lắng đứng ngồi không yên, bao nhiêu câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu óc rối bời của chàng:
– Đã xảy ra chuyện không hay gì cho mẹ con nàng?
– Hay là nàng muốn hi sinh dứt khoát để chàng yên tâm lo tròn bổn phận với vợ con
…………………..
Cứ mỗi một câu hỏi, chàng tự đặt ra giả thuyết rồi tự đắm mình trong ưu tư sầu khổ với hoang mang. Trong nỗi tuyệt vọng não nề nhưng không bỏ cuộc, chàng viết thêm lá thư thứ ba cho đúng câu “nhất quá tam” luôn và lần này thì thư cũng chẳng khác tráng sĩ Kinh Kha ra đi không hẹn ngày trở lại.
Bấy giờ thì chàng hoàn toàn thất vọng, tâm tư tan nát, thần trí thẩn thờ làm chàng ngã bệnh luôn. Tội nghiệp Huyền tưởng chàng làm việc vất vả và lo lắng tương lai gia đình mà sinh bệnh nên ép chàng đi bác sĩ. Nhưng cũng may là một thời gian sau, Vinh nguôi ngoai nỗi sầu tình. Và lần lần hồi phục để cùng Huyền chung lo xây dựng hạnh phúc gia đình và dạy dỗ 3 con học hành.
Thôi thì mối tình vụn trộm với Thanh Nguyên xem như một kỷ niệm đẹp trong đời hãy cho qua đi và cho vào dĩ vảng:
Cầm bằng như nước đôi dòng lạ
Gặp gỡ nhau rồi xa cách nhau
Nhiều lúc thấy vợ vất vả nhọc nhằn và mấy con ngoan ngoản chăm học cũng như phụ giúp viêc nhà, Vinh thấy lương tâm áy náy vì cuộc tình tội lỗi vừa qua nên định “thành khẩn khai báo” nhưng kịp nghĩ lại nên dẹp ý nghĩ ngông cuồng đó vì “ ngu gì mà lạy ông tôi ở bụi nầy”. Chuyện đã qua rồi cơ mà. Hơn nữa chàng vẫn yêu thương lo lắng cho Huyền và 3 con một cách chu toàn. Thôi thì cứ xem như một phút đam mê thoáng qua trong đời vậy thôi. Giờ thì còn gì đâu nếu có chăng là một chút dư hương của cuộc tình nóng bỏng còn đọng lại như sương khói mong manh.. Vả lại, ông bà mình đã chẳng từng nói là:
Đàn ông năm bảy lá gan
Nửa về với vợ nửa toan cùng người
đó sao? Thôi thì đã lỡ sinh ra giống đa tình cũng đành chịu “trong đê mê ” chứ biết làm sao? Sao mà Vinh “đành chịu” khôn thế! Có một nữ sĩ bạn thơ đã phạng cho Vinh hai câu thơ:
Đa tình cho lắm rồi than khổ
Cũng tại nơi mình chứ tại ai
Thời gian vèo bay như bóng câu, thắm thoát thế mà các con chàng đều đã tốt nghiệp Đại Học và công ăn việc làm đàng hoàng. Đức, con trai đầu lòng là bác sĩ chuyên khoa Tropical Diseases đang làm việc tại bệnh viện Toronto, Diễm đứa con gái thứ nhì chuyên viên computer cho hãng IBM và Thúy con gái út actuary expert cho cơ sở tài chánh KPMG. Nhưng có điều làm chàng lo lắng là trong lúc hai con gái đều đã chồng con đề huề thế mà Đức đã 34 tuổi rồi mà vẫn còn độc thân. Ai cũng bảo chàng rằng con trai mà lo gì nhưng thực ra đâu phải cứ là con trai thì phải lập gia đình trễ đâu. Đàng nầy cậu ta cứ hợp tan tan họp với bao nhiêu cô gái rồi mà chẳng đi đến đâu, có lẽ phần lớn do tính ít nói năng không hoạt bát của cậu. Ngoài ra, Đức có những cái nhìn và sự suy nghĩ về cuộc đời rất đặc biệt chẳng hạn như nghề nghiệp của cậu ta, ai đời thuở nào ở ngay cái xứ văn minh tiến bộ Canada mà cậu đi học chuyên môn về ngành tropical diseases là bệnh chỉ thường thấy ở mấy xứ chậm tiến thì trị bệnh cho ai đây. Chính vì thế mà cậu chỉ làm ở nhà thương trị bệnh chiếu lệ hằng ngày cho dăm ba người còn thì chú tâm về nghiên cứu mấy cái bệnh thường xảy ra ở xứ nghèo đói. Vợ chồng Vinh hỏi tại sao học cái ngành “ác ôn côn đồ giải phóng miền Nam” nầy thì cậu trả lời gọn ơ:
– Trước hết quan niệm sống của con là không cần nhiều tiền để phải học chuyên môn như cardiologist, radiologist, ophthalmologist…Thứ hai là tại các nước nghèo đói con người dễ sinh bệnh tật mà lại thiếu bác sĩ chuyên môn. Con muốn giúp những người đó vì họ rất cần bàn tay y sĩ.
Nghe cậu nói vậy thì vợ chồng Vinh phải chịu thua chứ làm sao cãi lại tinh thần “ lương y như từ mẫu” của cậu ta được.
Thời gian vẫn trôi nhanh trong cuộc sống êm đềm của gia đình Vinh. Một hôm Đức đi làm về nói có chuyện quan trọng muốn thưa với vợ chồng Vinh. Vinh Huyền theo chân cậu ta vào phòng khách với hy vọng là đó là tin cậu phải lòng cô nào. Sau khi mọi người an tọa, Đức chậm rãi thưa:
– Đã từ lâu, con muốn về Việt Nam để giúp trị bệnh cho đồng bào mình vốn khốn khổ từ sau 75 nhưng vì bên đó thiếu thốn mọi phương tiện y học nên con còn chần chừ. Hôm nay có bệnh viện của Đức ở Sài Gòn mới thành lập, họ đang cần bác sĩ. Con muốn xin ba mẹ cho con qua bên ấy để thực hiện hoài bảo mình là đem khả năng và kinh nghiệm chuyên môn để phục vụ đồng bào. Nếu ba mẹ cho phép con sẽ apply thì trong vòng một tháng đi liền vì bên ấy họ cần gấp. Lương rất cao so với giá sinh hoạt Việt Nam, nhưng điều đó không quan trọng. Điều chính yếu là con có cơ hội giúp đở đồng bào mình cũng như phát triển nghề nghiệp.
Xong cậu ta còn nói đùa bằng cách chơi chữ là:
– Con tên Đức thì làm việc cho bệnh viện Đức là đúng quá rồi.
Huyền nghe xong phản đối liền vì nàng lo buồn phải xa con và sợ con ở một mình bên Việt Nam rồi không ai lo miếng ăn giấc ngủ, nắng gió trở trời nhất là môi trường tệ hại. Riêng Vinh thì thực tế hơn vì chàng biết rõ cá tính của con trai mình, cậu ta đã quyết định rồi mới thưa sau với vợ chồng chàng, có ngăn cản cũng đâu có được.
Thế là một tháng sau, Đức từ giã cha mẹ, các em cháu để lên đường sang Việt Nam “cứu nhân độ thế” theo tâm niệm của cậu.
6) Mối tình tiền định:
Vì bệnh viện rất cần bác sĩ ngoại quốc- chứ không phải bác sĩ quốc doanh-nên Đức với tư cách là một bác sĩ chuyên khoa tốt nghiệp tại Canada- được nhiều ưu đãi, đã lương cao cộng thêm phụ cấp nhà cửa xe cộ và luôn cả tài xế. Cậu làm việc với tất cả lương tâm nhiệt tình lại hòa mình cởi mở nên được mọi người từ ban giám đốc, nhân viên, bệnh nhân thảy đều quý mến. Ngoài ra, cậu nói tiếng Việt khá rành nên sự thông đạt với những người chung quanh cũng dễ dàng. Những lúc rỗi rảnh, cậu thường phone về Toronto để nói chuyện và thăm hỏi ba mẹ và các em cháu. Tội nghiệp Huyền nóng ruột con trai cưng nên cứ hỏi cậu ăn ngủ được không? Làm việc cực không? Có quen khí hậu Việt Nam không? Nàng yêu cầu con cứ 5,3 tháng bay về thăm nhà cho nàng đỡ nhớ. Nhưng cậu con say mê công việc nên gần cả năm mà chưa về một lần.
Tại bệnh viện, có một cô trưởng phòng kế toán tên Thủy thiệt là đẹp và duyên dáng, cô cũng rất vui vẻ hiền hòa nên thu phục cảm tình nhiều người trong đó có Đức. Thủy tốt nghiệp đại học Kinh tế Tài chánh và Anh văn nên được thu dụng ngay vào bệnh viện.
Nếu ngày xưa ở Toronto, Đức ít nói bao nhiêu thì bây giờ cậu hoạt bát mau mắn bấy nhiêu nhất là đối với cô trưởng phòng kế toán xinh đẹp. Riêng về Thủy thì xem ra cô cũng quý chàng bác sĩ vừa phúc hậu lại vừa goodlooking. Có một điều cô không ngờ là chính cô là người đã làm cho một người mà ngày xưa rất hà tiện lời ăn tiếng nói là Đức mà bây giờ lại chịu khó mở miệng. Theo thời gian, mối giao hảo của hai người đã đến độ “tình trong như đã mặt ngoài còn hoa lá cành trăng lên lều vải” chút chút vậy thôi.
Có một lần, hệ thống computer nhà thương bị down hơi lâu nên lương tháng của tất cả nhân viên chậm trễ. Đây là trở ngại kỹ thuật chung chứ có gì quan trọng lắm đâu mà cô trưởng phòng chận bác sĩ Đức lại để thanh minh thanh nga:
– Em xin lỗi bác sĩ vì computer hư nên lương tháng nầy của bác sĩ hơi chậm trễ nha. Bác sĩ thông cảm giùm nha!.
Nghe giọng nói ngọt như mật “ nha!nha!” của người đẹp, Đức thấy lòng xao xuyến rung động, cậu cười tủm tỉm đáp:
– Trước hết tôi xin Thủy cho tôi “mua đứt” hai tiếng bác sĩ đi vì nó nghe xa cách quá đối với hai người cùng làm chung cơ quan với nhau. Thứ nữa, Thủy đừng bận tâm vì phát lương trễ, thực ra Thủy giữ luôn cũng được cơ mà.
“Thủy giữ luôn cũng được cơ mà” Thủy vừa ngạc nhiên vừa bồi hồi sung sướng thấy ông bác sĩ nhìn mình cười cười rồi nói một câu sao mà giống thả trái balloon ái tình quá vậy nên nàng cũng vui vẻ trêu lại Đức:
– Em không thèm giữ một tháng lương của bác sĩ đâu. Em chỉ muốn giữ lương cả đời luôn.
Sự thể đến đây thì Đức không còn đường tháo lui mà phải đánh tapis luôn và đổi cách xưng hô liền:
– Nếu Thủy muốn giữ lương của anh suốt đời thì xin nhốt cả trái tim anh luôn đi Thủy.
Thủy cũng lên tông ngay:
– Biết anh có thực sự muốn cho em giữ trái tim anh hôn?
Vị bác sĩ trẻ chụp ngay cơ hội bằng vàng:
– Nếu được em bằng lòng giữ chặt tim anh thì đó là diễm phúc cả đời anh vậy.
Đó! Tình yêu hai người khởi sự như thế đó. Lúc bấy giờ, Đức đã 35 tuổi còn Thủy mới 25 xuân xanh. Kể từ hôm đó, bệnh viện Đức quốc có hai tâm hồn cùng một nhịp đập trong hạnh phúc tuyệt vời. Riêng Đức thì chưa bao giờ cậu thấy quyết định về Việt Nam phục vụ thật tốt đẹp cho bằng lúc nầy. Giá mà trước đây, cậu nghe lời mẹ ở lại Canada thì thiệt là uổng phí hết đời trai và mất cả một cơ hội tuyệt vời như vậy.
Kể ra thì Đức cũng tốt số lắm vì trước đó có rất nhiều vương tôn công tử đỏ vây quanh tán tỉnh Thủy, nhiều chàng hỏi xin cưới nàng với của hồi môn hàng triệu mỹ kim tham nhũng của ông cha còn cộng thêm lời hứa sẽ mang nàng đi sống tại các quốc gia Âu Mỹ bằng thế lực đảng viên cao cấp, nhưng nàng thẳng thắn từ chối vì nàng thực sự không thể có mối cảm tình- chứ đừng nói tới yêu – cái đám người trẻ tuổi loại công tử đỏ ngu dốt, du thủ du thực thiếu nhân cách chỉ biết dựa thế đại gia của cha ông gian ác cửa quyền để hống hách và phá của. Nhưng kể từ khi gặp Đức rồi thấy tâm lòng vị tha hy sinh cũng như tư cách đứng đắn phúc hậu của chàng, Thủy cảm nhận ngay chàng chính là con người lý tưởng mà nàng đã từ lâu mơ ước. Riêng phần Đức tuy đã giao du với bao nhiêu cô gái xinh đẹp trí thức ở Toronto nhưng chưa có cô nào hòa hợp được tính tình bình dị chân thật và nhất là lòng yêu thương nhân loại bao la của chàng cho tới lúc gặp Thủy thì chàng tin rằng Trời Phật đã mang nàng đến cho chàng rồi đây. What a match up!
Gia đình Thủy chỉ có hai chị em, chị nàng có chồng con ở Cần Thơ, ba Thủy mất từ lâu nên chỉ có mình nàng ở với mẹ. Khi vừa mới yêu nhau, Thủy dẫn Đức về nhà thăm mẹ. Đó là người đàn bà tuổi đã ngoài lục tuần nhưng trông vẫn còn xuân sắc và yêu kiều. Thực vậy, ngày xưa với nét đẹp chín muồi của gái hai con, bà đã có nhiều người theo đuổi nhưng bà nhất quyết ở vậy nuôi con.
Sau khi nghe Thủy giải bày là đã có người yêu là một chàng trai ở Canada trí thức khiêm tốn và có lòng nhân, bà đã bảo Thủy dẫn Đức đến gặp bà.
Và không như một số các bà mẹ khác nghe con có người yêu Việt Kiều là tươm tướp gài độ cho dính, trái lại trong lần gặp gỡ đầu tiên, bà đã đã điều tra cặn kẻ thiếu điều như hỏi cung Đức về gốc gác gia đình chàng. Và Đức đã hết sức thành thật khai báo mọi chi tiết. Nghe xong bà có vẻ hơi ngạc nhiên rồi ôn tồn bảo chàng trai:
– Nếu cháu thực sự yêu con Thủy và muốn tính chuyện gia đình với nó thì cháu phải mời anh chị sang đây để nói chuyện với bác.
Được lời như cởi tấc lòng, chàng Đức nhà ta vội hối hả mua vé máy bay gấp về Toronto với lý do chính đáng là để thăm ba mẹ và các em. Nghe tin nầy cả nhà mừng quýnh lên nhất là Huyền lăng xăng chuẩn bị đón rước thằng con trai cưng.
Đức trở về lại home town sau hơn năm trời xa cách trong nỗi vui mừng nghẹn ngào của những người thân yêu. Thiệt đúng là con trai muốn vợ, ngay sau bữa cơm đoàn tụ gia đình, chàng đã vội vàng trình bày thẳng vấn đề với ba mẹ trước mặt mấy đứa em. Chàng xúc động nói:
– Ba mẹ! Hôm nay con về đây trước là thăm ba mẹ với mấy em, sau nữa con có câu chuyện quan trọng muốn thưa cùng ba mẹ.
Huyền nhanh nhẩu trong hồi họp hỏi con trai:
– Chuyện gì vậy con? Vui hay buồn vậy con?
Đức chậm rãi vào đề luôn:
– Theo con nghĩ là chuyện vui. Đó là trong thời gian ở Việt Nam vừa qua, con có thương một người con gái tên Thủy 25 tuổi, cùng làm chung nhà thương với con. Cô ấy xinh đẹp hiền lành nết na và gia thế cũng đàng hoàng. Con muốn cưới Thủy làm vợ thì mẹ cô nói ba mẹ phải qua Việt Nam hỏi cưới đàng hoàng. Con biết ba mẹ từ lâu cũng mong muốn con có gia đình thì dịp đó đã đến. Con xin ba mẹ thương con mà chịu khó về Việt Nam trước là thăm lại quê hương sau nữa lo bề gia thất cho con.
Nghe đến đây cả Vinh lẫn Huyền đều lặng người sửng sốt với hai tâm trạng khác nhau. Vinh thì nửa mừng nửa lo, mừng là con đã có ý nghĩ lập gia đình ổn định cuộc đời còn lo là không biết cô Thủy này có đúng là nề nếp gia phong như lời Đức nói hay không hay là cậu ta vì yêu thương quá đổi rồi sơn son phết vàng, tô lục chuốt hồng thêm cho cô nàng. Còn Huyền thì với bản năng bà mẹ thương con lúc nào cũng muốn gìn giữ con như gà mẹ muốn bảo vệ gà con cả đời nên cảm nghĩ đầu tiên là nàng nghi ngờ cô Thủy nầy muốn đi ngoại quốc nên chài mồi con trai nàng. Cả hai đều thẳng thắn nói ra ý nghĩ mình về “nàng dâu tương lai”. Đức như đoán được ý cha mẹ nên đã chuẩn bị lời ăn tiếng nói sẵn sàng mà trình bày rành mạch về gia đình Thủy nề nếp, kiến thức, tư cách hiền hòa phúc hậu của nàng cũng như nàng đã nhắt quyết từ chối những cơ hội giàu sang phú quý kể cả việc xuất ngoại mà bao người sẵn sàng dâng cho vì họ thuộc những gia đình cán bộ bất nhân và bất lương. Chàng cũng ca ngợi bà mẹ nàng như một biểu tượng người đàn bà tiết hạnh Việt Nam thờ chồng nuôi con.
Riêng Diễm, Thúy hai em gái chàng với quan niệm sống cởi mở hơn nên hai cô tán đồng việc hôn nhân của anh và đề nghị ba mẹ về Việt Nam một chuyến để xem tình hình ra sao.
Với sự thể như vậy và cũng vì lòng thương con, hơn nữa hai vợ chồng Vinh cũng đã về hưu nên thu xếp về Việt Nam một tháng không khó khăn gì.
7) Những chuyện bất ngờ trong mối lương duyên:
Vợ chồng Vinh theo Đức đáp chuyến bay Air Canada tới Sài Gòn. Thủy cùng tài xế của Đức ra đón họ tại sân bay. Nghe Đức nói Thủy đi đón mình, thoạt tiên Vinh và Huyền cứ nghĩ rằng sẽ gặp một cô gái phấn son lòe loẹt ăn mặc tóc tai đợt sóng mới theo kiểu thời trang đua đòi lố bịch ở Sài Gòn bấy giờ nhưng tới chừng gặp Thủy thì cả hai vợ chồng bật ngửa ra vì trước mặt họ là một cô gái trẻ đẹp đoan trang thùy mị nói năng lễ phép dịu dàng và mặc chiếc áo dài màu thiên thanh trang nhã. Những thành kiến lúc ban đầu lần lần tan biến nhất là sau nói chuyện với Thủy, họ càng thấy nàng một mực lễ phép, khôn khéo tế nhị nên từ ác cảm đã đột nhiên trở thành thiện cảm trong lòng vợ chồng Vinh lúc nào không hay. Nói tóm lại, chỉ trong môt buổi gặp gỡ ban đầu, Thủy đã chiếm trọn cảm tình cha mẹ chồng tương lai của mình. Người sung sướng nhất là Đức vì chàng đã cảm nhận mọi việc diễn tiến một cách tốt đẹp. Chàng nhìn người yêu với ánh mắt đầy cảm phục yêu thương.
Nghỉ ngơi tại Sài Gòn một ngày cho tạm quen giờ giấc rồi sau đó phút giây trọng đại đã đến:vợ chồng Vinh tới thăm mẹ của Thủy để tính chuyện hôn nhân.
Nhà Thủy ở đường Tự Đức quận Nhứt Sài Gòn trong khu gia cư sang trọng êm ả. Mẹ Thủy ra tận cổng ngoài đón khách…nhưng khi gặp nhau, Vinh bỗng giật mình biến sắc run run và kinh ngạc mà cho dù nằm mơ chàng cũng không dám mơ như vậy…vì…vì mẹ của Thủy chính là…là…Thanh Nguyên ngày xưa. Hình ảnh yêu kiều của cố nhân mà cho dù đã cách xa 26 năm, chàng cũng không bao giờ quên dù cho thời gian có nhạt nhòa theo năm tháng. Trời ơi! Thanh Nguyên đây sao? Còn Huyền thì cảm thấy người đàn bà nầy sao hơi quen quen, hình như mình đã gặp ở đâu rồi. Riêng mẹ Thủy thì không hiểu bà có cảm giác gì hay không mà thấy bà cười cười tỉnh bơ vui vẻ mời khách vào nhà.
Sau khi hối Thủy mang trà nước ra cho khách, mẹ Thủy bảo nàng và Đức ra vườn nhà sau chơi để người lớn nói chuyện. Bà nhìn vợ chồng Vinh rồi bắt đầu câu chuyện:
– Không biết anh chị có còn nhận ra em không chứ riêng em thì em nhớ rõ anh là anh Nguyễn Tấn Vinh còn chị là Lê thị Huyền. Còn em là …
Ngay lúc đó Vinh cướp lời:
– Huỳnh thị Thanh Nguyên
Rồi trong phút bàng hoàng xao xuyến, chàng trầm giọng tiếp theo bằng một câu đầy ý nghĩa:
– Anh…..và chị không bao giờ quên em.
làm Thanh Nguyên xúc động nhìn chàng.
Sau đó, chàng đã thay mặt vợ kể lại tuần tự chuyện ngày xưa, chàng đã tìm mọi cách liên lạc Thanh Nguyên từ hồi còn ở đảo cho tới 3 tháng sau lúc định cư Toronto đã gởi liên tiếp cho nàng nhiều thơ nhưng vẫn biệt vô âm tính làm cho vợ chồng chàng lo rầu biết bao là không biết chuyện gì xảy đến cho Thanh Nguyên. Sau đó chàng chỉ biết cầu nguyện ơn trên ban phước lành cho nàng.
Huyền cũng nhắc lại chuyện thôi thúc Vinh thư từ thăm hỏi và tỏ lòng tri ơn nàng nhưng tất cả chỉ là tuyệt vọng.
Thanh Nguyên bồi hồi cám ơn thâm tình của Vinh Huyền rồi nghẹn ngào kể:
– Chuyện hôn nhân của Đức – Thủy đã đến nước này thì em phải đánh liều bất kể danh giá hậu quả để kể rõ ngọn ngành cho anh chị nhất là chị nghe:
Số là trước khi đưa anh chị xuống tàu ở Rạch Giá Vượt biên, anh Vinh ở tại nhà em. Thú thực là trước đó em đã yêu anh Vinh rồi nhưng em cố ngăn cơn sóng tình bộc phát vì thấy tội lỗi quá nhất là quý mến chị. Kịp đến khi anh ở chung với em thì hoàn cảnh lửa gần rơm lại thêm cảm cái ơn cứu mạng ba em và hơn nữa cứ nghĩ là trong thời gian ngắn nữa là vĩnh viễn xa nhau nên em đã mềm yếu ngã vào vòng tay Vinh. Sau khi anh chị đã đi rồi em tưởng rằng mọi việc đã chấm dứt nhưng không ngờ chỉ một tháng sau, em phát giác ra rằng Vinh đã để lại một giọt máu trong em. Em không ân hận gì cả vì có đứa con với người mình yêu là điều hạnh phúc cho dù người đó đã ở một phương trời xa thẳm cách biệt nào rồi. Nhưng vấn đề là danh tiết em đối với xã hội và sở làm. Mặc dù là con người Cộng Sản vô thần không biết đến đời sống tâm linh danh giá nhưng với riêng em, tiết hạnh là cả một vấn đề nhất là em vốn tự hào là đã thờ chồng nuôi con cho dù em không thực sự thương yêu chồng em mà vẫn muốn mang cái võ hư danh đó. Thế nên em phải dấu nhẹm việc không chồng mà chửa bằng một hy sinh thật lớn lao là từ bỏ chức vụ Giám Đốc Sở Công An thành phố và xin giải ngủ luôn để về làm phục viên bình thường tại Vĩnh Bình. Chính vì thế mà anh chị không liên lạc được với em còn em thì cũng không có cách nào để biết anh chị ở đâu mà thư từ thăm hỏi. Từ đó, em cùng con Phượng Nguyên ở ẩn dật trong tình thương của ba má em cho tới ngày sanh đứa con gái đặt tên là Huỳnh thị Bình Thủy. Sở dĩ em đặt tên con là Bình Thủy vì anh Vinh nhớ có lần em nói với anh là thân phận chúng mình như bình thủy tương phùng…nên em lấy hai chữ đó mà đặt cho con. Em và hai con thơ ở Vĩnh Bình tới lúc Phượng Nguyên lên Đại Học Sài Gòn thì em cũng lên thành phố mua căn nhà nầy để dễ dàng lo việc học hành hai con. Sau đó Phượng Nguyên tốt nghiệp ngành giáo dục đổi xuống Cần Thơ rồi có chồng con dưới đó luôn, còn Thủy làm ở bệnh viện Đức Quốc rồi quen biết và yêu thương Đức. Hôm nó dẫn Đức tới thăm em. Em đã hỏi cặn kẻ gia thế Đức thì em muốn chết giấc khi biết Đức…là con trai anh chị. Trời ơi! Sao mà định mệnh ác độc chi thế nầy! Anh em cùng máu mủ mà lại yêu nhau. Lúc phát giác ra sự thật động trời em sửng sờ nín thở và điếng hồn muốn té xỉu luôn. Sau đó em dần tỉnh lại và làm ra vẻ tự nhiên rồi quyết định bằng mọi cách phải chia cách chúng. Em bảo Đức mời anh chị sang đây gặp em để chúng ta bàn tính giải quyết để ngăn cản chúng. Từ ngày xưa, em nói với Thủy là ba nó đã mất lúc nó còn nhỏ cho nó yên tâm mà học hành, em cũng định một ngày nào đó sẽ cho nó biết sự thực ba nó là anh Vinh ngày đó cũng đã đến rồi mà đến trong đại họa. Bây giờ anh chị phải tiếp tay với em trong cái oan trái nầy, chớ còn em thì rối trí quá rồi đó.
Nghe xong câu chuyện thì Huyền choáng váng cả mặt mày, đầu óc quay cuồng. Trời ơi ! không ngờ người chồng mà nàng hằng yêu thương tin tưởng và người đàn bà mà nàng xem như là người ơn và luôn quý trọng lại cùng nhau phản bội nàng. Nhớ lại lúc nàng hối thúc Vinh thư từ cho Thanh Nguyên mà nàng thấy tức tối vô cùng, đúng là nàng đã nối giáo cho giặc. Cảm thấy quá ấm ức trong lòng, nhưng với bản chất khoan hòa và nhất là đối với công ơn lớn lao của Thanh Nguyên nên nàng còn cả nể, nàng chỉ biết quay sang cằn nhằn ông chồng đa tình quá quắc của mình:
– Thấy chưa? Ông quậy quá trời tới không để đức cho con cháu mà.
Vinh trả lời cũng ăn trớt đi ngoài câu chuyện “đại họa”
– Hổng để đức mà tụi nó nên danh phận hết à!
Thanh Nguyên nóng ruột:
– Thôi! Em xin anh chị đừng đôi co nữa và xin chị hãy rộng lượng tha thứ cho em về chuyện xưa giữa anh Vinh và em. Bây giờ chuyện cấp bách là mình hãy bàn thẳng vấn đề con Thủy thằng Đức.
Rồi nàng chặc lưỡi tiếp:
– Mà cũng hổng hiểu Trời Đất gì lại xui khiến hai anh em đứa phương Đông đứa trời Tây mà lại xáp nhau làm chung một chỗ rồi yêu thương nhau mới khổ như vầy đây.
Vinh tỉnh bơ trả lời:
– Thì cái đó mới gọi là duyên nợ đó chớ!
Thanh Nguyên bực bội:
– Giờ phút nầy mà anh còn giỡn được hả anh Vinh?
Vinh trả lời :
– Anh đâu có giỡn hồi nào đâu!
Thanh Nguyên sẵn giọng:
– Vậy chớ chuyện anh em ruột thịt lấy nhau mà anh bảo là duyên nợ cái gì?
Vinh lại ỡm ờ:
– Anh nói hai đứa kết duyên nhau cũng được mà.
Hết chịu đựng nỗi nữa, Thanh Nguyên giận dữ:
– Anh nói cái gì kỳ mà bậy bạ vậy anh Vinh? Anh muốn hai đứa nó loạn luân với nhau hả? Tui hổng thèm nói chuyện với anh nữa đâu. Còn chị Huyền chị tính can ngăn cách nào đây hả chị?
Đến bây giờ Huyền mới chậm rãi lên tiếng:
– Nói thiệt với cô Thanh Nguyên là thằng Đức vốn không phải là con ruột của vợ chồng tôi…Số là ngày xưa, anh Vinh và tôi ăn ở nhau bốn năm trời mà không có con làm cha mẹ hai bên đều lo lắng. Sẵn con em gái tôi nó cứ đẻ sồn sồn năm một nên má tôi bảo tôi xin đứt một đứa mà là con trai để làm con nuôi lấy hên nên tụi tôi mới xin thằng Đức, lúc nó mới hơn một tuổi. Vợ chồng đứa em gái thấy thương tụi tôi, vả lại giao con cho Dì ruột nuôi thì cũng như trong nhà nên mới thuận cho và làm khai sanh lại cho Đức là con ruột của vợ chồng tôi. Từ đó cả hai gia đình chị em tôi giấu biệt vụ nầy luôn vì sợ con cái nó buồn. Như vậy con Thủy và thằng Đức đâu cùng huyết thống gì nên anh Vinh mới nói tụi nó lấy nhau vẫn được là vậy đó.
Tới lúc nầy, Thanh Nguyên tươi cười vừa thở phào nhẹ nhỏm như trút được gánh nặng ngàn cân, nàng thành khẩn chắp tay rồi lâm râm khấn vái “con tạ ơn Trời Phật có lòng thương chứng giám lời nguyện của con”. Xong nàng quay sang nói với vợ chồng Vinh:
– Thiệt em mừng còn hơn trúng số độc đắc. Từ mấy tháng nay, bị cái chuyện rầu buồn nầy mà em có ăn ngủ gì được đâu. Muốn bịnh luôn vậy đó. Đúng là anh chị đã mang tin mừng và may mắn đến cho em.
Huyền căn dặn thêm:
– Lỡ xảy ra chuyện oái oăm vừa qua nên tôi mới tiết lộ bí mật cho cô biết nhưng mình cũng nên tuyệt đối giữ kín chuyện nầy nhất là với tụi nhỏ nha cô Thanh Nguyên.
Thanh Nguyên nói nhỏ như sợ Đức Thủy nghe mặc dù tụi nó đã dẫn nhau ra gốc mít sau nhà để tâm tình từ lâu rồi:
– Trời ơi! Chuyện tày trời nầy thì sống để bụng chết mang theo chứ ai mà dám tiết lộ. Trước đây em định nói sự thực cho con Thủy nghe để ngăn cản việc hôn nhân của nó chứ bây giờ sự việc sáng tỏ như thế nầy, thì ai ngu gì mà nói. Mà con Thủy như vậy vừa là con gái anh Vinh vừa là con dâu thì cũng tốt quá rồi.
Sau đó Thanh Nguyên gọi Thủy – Đức vào nhà để cả ba người lớn đồng thanh tuyên bố chấp nhận tác hợp cho đôi trẻ trong tiếng cười hân hoan hạnh phúc của Thủy Đức. Thừa thắng xông lên, Đức hăng hái thưa:
– Tụi con vô cùng cám ơn ba và hai má đã thương tình chấp thuận cho hai con nên vợ chồng. Ông bà mình có nói là “Cưới vợ thì cưới liền tay- Đừng để lâu ngày lắm kẻ dèm pha” nên tụi con xin ba và hai má có thương thì thương cho trót cho phép tụi con được làm đám cưới ngay trong thời gian ba má còn ở Việt Nam”
Vinh cười trả lời:
– Cái thằng ăn nói phải giữ lời, mầy cứ “ba và hai má, ba và hai má” hoài, rủi ai nghe được người ta hiểu lầm tao sao mậy!
Đến đây thì Huyền và Thanh Nguyên cùng hè nhau sáp lại mỗi người một bên véo ông chồng và người tình một cái đau điếng và cùng nghiến răng:
– Cho bỏ tật nghèo mà ham. Già rồi mà khoái nói bậy.
Sau cùng thì cả “ba” và “hai má” cùng đồng ý làm đám cưới cho Đức – Thủy trong 3 tuần nữa . Vinh hân hoan bảo con :
– Tụi bây thiệt đúng là cuộc tình không biên giới.
Vừa nói chàng vừa liếc Thanh Nguyên ngụ ý với nàng là “tình mình ngày xưa cũng là tình không biên giới vậy, phải không em?”.
Riêng Phượng Nguyên thì rất vui mừng khi biết em gái mình sắp trở thành dâu của “cậu Vinh”, người mà nàng từng thương như cha ruột và cũng là người yêu tuyệt vời của mẹ nàng, và nay mới biết cậu Vinh cũng là cha của em gái nàng. Nàng cười tươi nói với Vinh:
– Cậu thiệt là giữ đúng lời hứa là sẽ trở về với mẹ con của con. Bây giờ biết Bình Thủy (hổng phải bình thủy đựng nước sôi đau nha) là em một mẹ khác cha với con nhưng con thực sự xem nó như là em cùng cha cùng mẹ vì từ lâu con đã xem cậu như ba của con rồi.
Trong buổi tiệc cưới, thấy Vinh đường hoàng ngồi giữa Huyền và Thanh Nguyên trên bàn danh dự, bạn bè cũ ở Việt Nam thời trước bèn hỏi đùa:
– Ông ngồi chính giữa hai bà như vậy thì ai mà biết bà nào là bà xã còn bà nào là bà sui.
Vinh cười ha hả rồi phán ra một câu mà chỉ có người trong cuộc mới hiểu nổi:
– Bà nào cũng là bà xã mà bà nào cũng là bà sui cả. Phải không hai em? Ha! Ha! Ha!
Nghe thấy vậy, cả Huyền và Thanh Nguyên cùng nguýt Vinh bằng hai cái đuôi con mắt dài sọc.
Nguyên Trần
Toronto Dec 17, 2008
Views: 343