Vai Trò và Thành Quả của Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Gs Cao Thị Lễ

hocvien qghc tqt

Tôi được may mắn vừa là sinh viên vừa là nhân viên giảng huấn của Học Viện. Ngoài ra, tôi còn có được kinh nghiệm học và giảng dạy tại đại học Hoa Kỳ. Với những kinh nghiệm nầy, tôi xin cố gắng trình bày sau đây những suy nghĩ của tôi về vai trò và thành quả của ngôi trường thân yêu của chúng ta, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.

 Bài nầy gồm 3 phần :

  • Việc đào tạo công chức cao cấp trước ngày thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh.
  • Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
  • Vài ý kiến về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
I- Việc Đào Tạo Nhân Viên Hành Chánh Cao Cấp Trước Ngày Thành Lập Trường Quốc Gia Hành Chánh năm 1952.

(Phần nầy được viết theo  tài liệu biên khảo của Giáo Sư Trần Văn Binh đề ngày 25 tháng 2 năm 1992)

Trước khi Pháp trao trả nền độc lập cho Việt Nam vào năm 1948, công chức cao cấp của nền Hành Chánh Đông Dương gồm 2 ngạch :

a- Ngạch Âu : gồm có Tham Biện (Administrateur des Services Civils) và Chủ Sự (Chef de Bureau des Services Civils).

b- Ngạch Đông Dương: gồm các tham tá (commis).

Tham Biện được tuyển chọn bằng 3 cách:

  • sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Quốc Hải Ngoại (Ecole de la France d’Outremer).
  • chuyển từ ngạch Biên Tập Viên (Redacteur des services civils) có bằng cử nhân luật, văn hay khoa học.
  • qua một cuộc thi tuyển vào ngạch phó tham biện hạng 3. Kỳ thi nầy dành cho nhân viên phó tham biện hạng 1 (Ngạch Phó Tham Biện bắt đầu từ hạng 1, cao nhất là hạng 3).

Ngạch Tham Tá (commis) được tuyển dụng từ các sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Chính Hà Nội hay qua một kỳ thi chuyên nghiệp dành cho các ứng cử viên có bằng tú tài hay thơ ký với 6 năm thâm niên công vụ.

Ngạch Tham Biện khởi đầu bằng Phó Tham Biện (3 trật) và Chánh Tham Biện(3 trật). Tỉnh Trưởng thường là các Chánh Tham Biện và Phó Tỉnh Trưởng thường là các Phó Tham Biện hoặc Chủ Sự.

Các tham tá làm việc tại các Nha Sở trung ương.

Tại Việt Nam, “Bắc Kỳ” và “Trung Kỳ” thuộc chế độ bảo hộ có hai hệ thống, nền hành chánh bảo hộ do các công chức ngạch Âu (ngạch Đông Dương) đảm trách, nền hành chánh của bản xứ gồm có các Tổng Đốc, Tuần Vũ, Tri Phủ, Tri Huyện, Án Sát, Bố Chánh vv…do Nguyễn Triều bổ nhiệm.

Riêng tại “Nam Kỳ” chế độ thuộc địa cũng có hai hệ thống, ngạch Đông Dương và ngạch bản xứ. Ngạch bản xứ gồm có Huyện, Phủ và Đốc Phủ Sứ. Huyện có 3 trật, sau đó lên Phủ (3 trật) và cao nhất là Đốc Phủ Sứ (2 trật).

Khởi đầu ngạch huyện được tuyển qua kỳ thi chuyên nghiệp từ :

  • các thơ ký hành chánh có bằng tú tài hoặc thơ ký có 6 năm thâm niên và qua một kỳ thi sát hạch kiến thức tổng quát.
  • Các sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Chính Hà Nội hay có bằng cử nhân luật hay văn khoa.

Các Huyện, Phủ hay Đốc Phủ Sứ thường được giữ các chức vụ quận trưởng tại địa phương hay các chức vụ chỉ huy tại các Nha Sở trung ương.

Các chức vụ Tỉnh Trưởng hay Phó Tỉnh Trưởng do các nhân viên ngạch Âu đảm trách (Tham Biện và Phó Tham Biện).

Sau năm 1948, các viên chức thuộc ngạch Âu (tham biện hay phó tham biện) không còn nữa. Tại Nam Phần chỉ còn các huyện, phủ, đốc phủ sứ hay tham sự (commis) mà thôi. Các Tỉnh Trưởng và các Giám Đốc Nha tại trung ương thường do các Đốc Phủ Sứ đảm trách. Các quận hay Sở do các Phủ hay Huyện chỉ huy.

Như vậy các nhân viên hành chánh cao cấp  không được huấn luyện chính thức về hành chánh hay kinh tế tài chánh trước khi được tuyển vào công vụ, trừ các sinh viên tốt nghiệp trường Pháp Chính Hà Nội. Đa số là các thơ ký có bằng tú tài hoặc 6 năm thâm niên. Một số ít có bằng đại học luật hay văn khoa, nghĩa là không thuộc lãnh vực hành chánh công quyền vì vậy việc thành lập Trường Quốc Gia Hành Chánh là nhu cầu cấp bách để cung cấp nhân viên chỉ huy cho nền hành chánh phôi thai lúc bấy giờ.

II- Học Viện Quốc Gia Hành Chánh:
A. Tổ Chức:

Năm 1952, Trường Quốc Gia Hành Chánh được thành lập tại Đà Lạt nhằm  đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp để thay thế  các nhân viên hành chánh cũ dưới thời Pháp thuộc. Trường trực thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Thời gian học là 2 năm rưỡi và chương trình học chịu ảnh hưởng của nền hành chánh Pháp. Năm 1954 trường được cải tổ và trực thuộc Phủ Thủ Tướng. Đến năm 1955 trường được dời về Saigon, trực thuộc Phủ Tổng Thống, và đổi tên là Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Học trình là 3 năm rưỡi và chương trình học chịu ảnh hưởng của nền hành chánh Hoa Kỳ. Những năm đầu, Học Viện được sự bảo trợ của Phái Đoàn Đại Học Michigan (MSU). Đến giữa thập niên 1960, phái đoàn nầy chấm dứt nhiệm vụ và USAID tiếp tục giúp đỡ và đến đầu thập niên 1970, Học Viện được sự trợ giúp của Phái Đoàn IPA (Institute of Public Administration) ở New-York cho đến 1975.

Từ năm 1952 đến năm 1965, Trường chú trọng vào việc đào tạo Ban Đốc Sự từ các sinh viên có bằng Tú Tài hay công chức có thâm niên công vụ và Ban Năng Lực Hành Chánh nhằm tu nghiệp các công chức đương nhiệm. Kể từ năm 1965, Trường mở thêm các Ban Cao Học cho các tuyển sinh có bằng đại học. Lúc đầu Ban Cao Học chỉ có hai ngành: Hành Chánh và Kinh Tế Tài Chánh. Đến năm 1975, Ban Cao Học có đến 6 ngành: Hành Chánh, Kinh Tế, Tài Chánh, Xã Hội, Ngoại Giao và Thẩm Tra Kế Toán.

hocvien qghc alex new

Sau khi được dời về Saigon, Học Viện đặt trụ sở tại đường Alexandre De Rhodes và năm 1962, trường được dời về đường Trần Quốc Toản với 3 toà nhà đồ sộ khang trang.

Về tổ chức, Học Viện gồm có :

  • Văn phòng Viện Trưởng và Phó Viện Trưởng,
  • Sở Hành Chánh gồm 5 phòng: Phòng Văn Thư, Phòng Kế Toán,  Phòng Xã Hội, Phòng Công Tác Sinh Viên và Phòng Y Tế.
  • Bốn Chi Vụ: Giảng Huấn, Thực Tập, Sưu Tầm và Tu Nghiệp.

Từ ngày thành lập đến năm 1975, Trường được lãnh đạo bởi các vị sau đây :

a- Giám Đốc :

              – Đốc Phủ Sứ Nguyễn Văn Quí, Giám Đốc: 1952-1954.

              – Ts Trần Cửu Chấn, Giám Đốc: 1954-1955.

              – Gs Nghiêm Đằng, Phó Giám Đốc, 1954-1955.

b- Viện Trưởng :

              – Gs Vũ Quốc Thông, Viện Trưởng: 1955-1963.

              – Gs Nguyễn Văn Bông, Viện Trưởng: 1964-1971.

              – Gs Trần Văn Binh, Quyền Viện Trưởng: 1971-1972.

              – Gs Nguyễn Quốc Trị, Viện Trưởng: 1972-1975.

 c-  Phó Viện Trưởng :

               – Gs Nghiêm Đằng: 1955-1970.

               – Gs Trần Văn Binh: 1970-1971.

                – Gs Nguyễn Quốc Trị: 1971-1972.

                – Gs Trương Hoàng Lem: 1972-1973.

                – Gs Trương Ngọc Giàu: 1973-1975.

Trong khoảng thời gian 1964-1971, uy tín của Học Viện lên rất cao nhờ ở tài năng và đức độ của Gs Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông, một nhà khoa bảng lỗi lạc và một chính trị gia đầy nhiệt tình với quốc gia, dân tộc. Cũng trong thời gian nầy, các Ban Cao Học và Tham Sự được thiết lập tăng thêm tầm quan trọng của sự đóng góp của Trường trong việc phát triển nền Hành Chánh Quốc Gia.

B- Các Giáo Sư:

Lúc đầu, Ban Giảng Huấn gồm các giáo sư ngành luật và các công chức cao cấp giàu kinh nghiệm hành chánh giảng dạy. Ngoài ra, có một số giáo sư Mỹ thuộc Phái Đoàn Michigan giảng dạy bằng tiếng Anh với sự trợ giúp của một thông dịch viên.

Dần dần, với sự phát triển của Học Viện, số giáo sư gia tăng và trở nên đa dạng hơn. Trước năm 1975, Trường có  22 giáo sư tốt nghiệp ngành luật, 5 giáo sư ngành hành chánh công quyền, 7 giáo sư ngành chính trị học, 4 giáo sư ngành kinh tế, 1 giáo sư về quản trị  kinh doanh, 1 giáo sư ngành xã hội học, 2 giáo sư ngành tài chánh. Đa số các giáo sư tốt nghiệp các đại học Mỹ, Pháp. Ngoài các giáo sư cơ hữu, Trường còn mời thêm các giáo sư từ Đại Học Luật Khoa và các giảng viên nhiều kinh nghiệm từ các cơ quan chính  quyền.

(Theo tài liệu đăng trong Quyển Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975)

C- Việc Tuyển Chọn Sinh Viên:

      Mỗi năm Trường tổ chức  cuộc thi tuyển 100 sinh viên với số nữ sinh viên tối đa là  6%, ngoại trừ khoá 17 số tuyển sinh được nâng lên trên 200. Các khóa đầu có khá nhiều sinh viên công chức có thâm niên công vụ, về sau các sinh viên trẻ có bằng Tú Tài chiếm đa số. Các môn thi gồm: Luận Văn, Sử Ký, một hoặc hai bài dịch Pháp, Anh và Thể Dục. Mỗi kỳ thi số thí sinh rất đông, năm 1962 (khóa 10) có tất cả 2.000 thí sinh, khóa 11 lối 3.000 và khóa 22 lên đến 8.000. Như thế các sinh viên trúng tuyển là thành phần rất ưu tú, giỏi về sinh ngữ và có thể lực tốt.

D- Chương Trình Huấn Luyện:

Lúc đầu Trường chỉ có Ban Đốc Sự và Giám Sự (gọi chung là Ban Đốc Sự). Ngoài ra, Trường còn có chương trình Năng Lực Hành Chánh tổ chức vào buổi tối để giúp các công chức sơ cấp trau dồi kiến thức. Sau nầy trường mở thêm Ban Cao Học và BanTham Sự.

Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi xin thảo luận về chương trình Ban Đốc Sự  mà thôi vì chúng tôi không có học hay dạy Ban Cao Học và Tham Sự.

Chương trình của Ban Đốc Sự gồm có:

  • Các môn hành chánh như: Hành Chánh Công Quyền, Quản Trị Hành Chánh, Quản Trị Nhân Viên, Quyết Định Hành Chánh, Các Vấn Đề Hành Chánh, Các Vấn Đề Hành Chánh Địa Phương, Các Trường Hợp Hành Chánh Điển Hình vv…
  • Các môn kinh tế như: Kinh Tế Đại Cương, Phát Triển Kinh Tế, Kinh Tế Việt Nam vv…
  • Các môn tài chánh: Tài Chánh Công, Ngân Sách, Kế Toán Hành Chánh, Kế Toán Thương Mại, Luật Lệ Thuế Vụ, Tiền Tệ Ngân Hàng, Các Vấn Đề Tín Dụng.
  • Các môn chính trị: Tư Tưởng Chính Trị, Các Định Chế Chính Trị, Bang Giao Quốc Tế, Vận Động Nhân Dân vv…
  • Các môn luật học: Luật Hành Chánh, Luật Hiến Pháp, Luật Tư Pháp, Hình Luật, Luật Lao Động, Các Vấn Đề Lao Động, Luật Thương Mại.
  • Các môn xã hội: Xã Hội Học,
  • Các môn nghiên cứu: Nghiên Cứu và Sưu Tầm, Thống Kê Ứng Dụng.

Sau khi học xong năm thứ hai, các sinh viên được gởi đi thực tập tại trung ương và địa phương trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian nầy, sinh viên phải viết Tờ Trình Thực Tập sau đó trở về Trường học thêm 6 tháng và viết luận văn tốt nghiệp.(Kể từ khóa 22, học trình được nâng lên 4 năm).

Ngoài ra vì tình hình an ninh của đất nước đòi hỏi nhân viên chỉ huy ở địa phương phải có căn bản vững chắc về quân sự, các sinh viên được huấn luyện về quân sự tại các trường nổi tiếng của Việt Nam: Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Trường Đồng Đế Nha Trang, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Quốc Gia Thủ Đức. Lúc đầu, các sinh viên thụ huấn quân sự trong các tháng nghỉ hè nhưng kể từ khóa 11, các sinh viên sau khi tốt nghiệp phải tham dự trọn một khóa sĩ quan trừ bị tại Thủ Đức và khi học xong được mang cấp bực chuẩn úy.

E- Thành Quả của Học Viện:

Từ ngày thành lập đến năm 1975, Học Viện đã đào tạo được :

  • 8 khóa Cao Học với số 299 sinh viên tốt nghiệp, thêm 2 khóa chưa kịp tốt nghiệp.
  • 20 khóa Đốc Sự và Giám Sự với số 1630 sinh viên tốt nghiệp  và 3 khóa chưa ra trường.
  • 5 khóa Tham Sự với số 622 sinh viên tốt nghiệp.
  • 5 khóa Tham Sự Đặc Biệt với số 189 sinh viên tốt nghiệp và 1 khóa chưa ra trường.

Ngoài ra Học Viện cũng có tổ chức nhiều khóa Năng Lực Hành Chánh cho các nhân viên sơ cấp . Các lớp nầy được tổ chức liên tục từ ngày Học Viện được dời về Saigon cho đến ngày Học Viện ngưng hoạt động.

III- Vài Ý Kiến về Học Viện Quốc Gia Hành Chánh:

Như đã nói ở trên, tác giả của bài nầy đã làm việc trong các cơ quan của Chánh Phủ từ năm 1952 và đã là sinh viên và nhân viên giảng huấn của Học Viện, do đó chúng tôi xin cố gắng đóng góp vài ý kiến cá nhân sau đây :

A. Mục tiêu của Học Viện:

Xét về mục tiêu đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho Chính Quyền, Học Viện đã vượt quá mục tiêu. Học Viện đã đào tạo được gần 2.000 nhân viên hành chánh cao cấp. Các sinh viên Ban Đốc Sự và Cao Học đã phục vụ đắc lực trong Chính Quyền từ địa phương (Phó Tỉnh Trưởng, Phó Đô Trưởng, Phó Thị Trưởng, Phó Quận Trưởng, Trưởng Ty) đến trung ương (Trưởng Ty, Chánh Sở, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Tổng Thơ Ký, Đổng Lý Văn Phòng, Phụ Tá Tổng Trưởng, Phụ Tá Bộ Trưởng, Bộ Trưởng, Thủ Tướng) Ngoài ra, các cựu sinh viên còn tham gia rất thành công trong ngành Lập Pháp (Dân Biểu, Nghị Sĩ, Chủ Tịch Hạ Viện) và Giám Sát Viện.

Thêm vào đó Học Viện cũng đào tạo trên 800 nhân viên hành chánh trung cấp (Tham Sự)  và giúp rất nhiều nhân viên cấp thấp trau dồi kiến thức qua các lớp Năng Lực Hành Chánh.

Tóm lại số sinh viên do Học Viện đào tạo chẳng những thay thế kịp thời các  Huyện, Phủ và Đốc Phủ Sứ về hưu mà còn đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền hành chánh quốc gia. Với việc thành lập các ban Cao học, Học Viện còn tiến xa hơn nữa và trong tương lai sẽ trở thành một định chế tân tiến và thiết yếu của quốc gia.

B. Tổ Chức Học Viện:

Học Viện được tổ chức rất khoa học, có 2 chi vụ chuyên lo về việc giảng dạy và  thực tập cho sinh viên, 1 chi vụ chuyên trách về vấn đề tu nghiệp cho nhân viên các cấp của Chánh Quyền và 1 chi vụ với nhiệm vụ phát triển ngành hành chánh quốc nội và đóng góp với ngành hành chánh quốc tế.

  1.  Chi Vụ Giảng Huấn:

Nhìn vào chương trình học ở trên, chúng ta thấy Học viện có một chương trình huấn luyện rất khoa học và phong phú. Nhờ sự trợ giúp của các phái đoàn cố vấn Mỹ, chương trình được phỏng theo chương trình Hành Chánh Công Quyền các đại học ở Hoa Kỳ, chú trọng về quản trị thay vì luật pháp. Ngoài ra, chương trình cũng cung cấp cho sinh viên các kiến thức kinh tế, tài chánh, chính trị, xã hội và quân sự nhằm đào tạo những nhà hành chánh đa năng đa hiệu, không những giỏi về chuyên môn mà còn có một số kiến thức vững chắc về quân sự và  tình hình chính trị của nước nhà. Người sinh viên tốt nghiệp có thể nói là «văn võ song toàn». Nhờ vậy mà đa số các sinh viên tốt nghiệp sau nầy đã thành công tốt đẹp khi phục vụ tại địa phương, nơi mà các vấn đề chính trị và an ninh rất là phức tạp.

       Tuy nhiên cũng còn có nhiều điểm cần phải cải tiến:

  • Ban Giảng Huấn :

      Mặc dù Ban Giảng Huấn khá hùng hậu nhưng trên thực tế số giáo sư dành toàn thời gian cho việc giảng dạy và tự phát triển rất ít . Đa số các giáo sư, dù là cơ hữu, cũng đảm trách vài chức vụ bên ngoài hoặc giảng dạy ở các đại học khác (Luật Khoa, Minh Đức, Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Huế, Trường Cao Đẳng Quốc Phòng). Việc các giáo sư tham gia các chức vụ hay giảng dạy bên ngoài có ưu điểm là đem lại cho các giáo sư nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy và tăng uy tín của Trường, tuy nhiên việc nầy làm cho các giáo sư không có thời giờ trau dồi chuyên nghiệp qua các công cuộc sưu tầm nghiên cứu để theo dõi những tiến triển của ngành mình dạy. Tại các trường đại học tân tiến, các giáo sư cơ hữu phải dành toàn thời gian để giảng dạy và nghiên cứu. Hằng năm các giáo sư phải có các bài nghiên cứu đăng trong các báo chuyên nghiệp.

Ngoài ra, đa số các giáo sư tốt nghiệp ngành luật (22 vị) và rất ít giáo sư có bằng về hành chánh (5), kinh tế (4), quản trị kinh doanh (1), chính trị (7), xã hội học (1), tài chánh (2). Vì vậy nhiều giáo sư phải giảng dạy các môn không thuộc ngành học của mình và do đó không thể khai triển đúng mức môn học do mình phụ trách. Để tăng cường Ban Giảng Huấn, giáo sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông đặt ra thể lệ cho thủ khoa các khoá (kể từ khoá 7) được học bổng sang Hoa Kỳ học lấy bằng tiến sĩ. Vào thời điểm 1975, có 7 giáo sư đã thành tài và về giảng dạy tại Học Viện. Trong tương lai, số giáo sư có bằng tiến sĩ về các môn học chính của Học Viện sẽ được tăng gia về cả phẩm lẫn lượng. Một ưu điểm là Trường mời được các công chức nhiều kinh nghiệm và lỗi lạc giảng dạy một số môn thực hành để bổ túc các phần lý thuyết.

  • Việc giảng dạy :

Về việc giảng dạy, phần lớn các giáo sư đọc bài giảng và sinh viên chỉ lo ghi chép, không có thời giờ trao đổi giữa sinh viên và giáo sư. Bài giảng của giáo sư thường nặng về lý thuyết, căn cứ vào sách ngoại quốc và ít  hội nhập được những gì liên quan đến tình hình tại Việt Nam.

            Ngoài các bài giảng của giáo sư, sinh viên ít có cơ hội tìm hiểu thêm qua sách vở. Mặc dù Học Viện có môt thư viện rộng rãi khang trang với một số sách dồi dào nhưng đa số là sách ngoại ngữ do Phái Đoàn Cố Vấn Hoa Kỳ cung cấp. Với số vốn ngoại ngữ yếu kém, rất ít sinh viên tìm đọc thêm các tài liệu nầy. Ngoài ra, đa số giáo sư không đòi hỏi sinh viên tìm tòi thêm ngoài bài giảng của mình hoặc trau đổi học hỏi với nhau  (team work). Một vài giáo sư du học về có đổi  cách giảng dạy áp dụng phương pháp sưu tầm và thảo luận, tổ chức các cuộc viếng thăm hoạt động của các cơ quan bạn như chương trình kiến thiết nông thôn hay cho sinh viên quan sát các cuộc bầu cử vừa tạo tinh thần đồng đội và trách nhiệm giữa các sinh viên vừa cung cấp cho sinh viên những kinh nghiệm thực tiễn.

Sau nầy trong các lớp Cao Học, với các giáo sư tốt nghiệp ở ngoại quốc về, việc giảng dạy được cải thiện với những cuộc phân nhóm thuyết trình, thảo luận.

Tại các trường ở Hoa kỳ, sách giáo khoa rất phong phú và được cập nhật hóa thường xuyên. Sinh viên phải đọc trước, khi vào lớp sinh viên có thời giờ nghe giáo sư giảng rộng ra và đặt câu hỏi để giáo sư gỉảng thêm.

Ngoài ra trong lúc giảng dạy các giáo sư cũng nên chú trọng phần đức dục như tinh thần phục vụ và dấn thân, đức tính thanh liêm cần thiết của người công bộc vv… để giúp các sinh viên không bị sa ngã sau nầy.

Một điểm son của chương trình Ban Đốc Sự là luận văn tốt nghiệp. Tại các trường đại học Mỹ, các sinh viên Ban Cử Nhân không cần phải viết luận văn tốt nghiệp, chỉ từ Ban Cao Học (Master’s degree) trở lên mới có điều kiện nầy.  Nếu kể cả chương trình thực tập và huấn luyện quân sự thì chương trình huấn luyện Ban Đốc Sự của Trường phong phú hơn chương trình Ban Cử nhân Hành Chánh ở Hoa Kỳ  nhiều.

      2.  Chi Vụ Thực Tập:

Chi Vụ Thực Tập có nhiệm vụ phân phối, theo dõi và cho điểm thực tập sau khi các sinh viên học xong phần lý thuyết. Thời gian thực tập là 6 tháng. Các sinh viên Ban Hành Chánh thực tập tại địa phương. Các sinh viên Ban Kinh Tài thực tập tại trung ương. Nhờ có sự hướng dẩn của các sinh viên đàn anh đang giữ các chức vụ chỉ huy tại các nơi sinh viên thực tập nên việc thực tập được diễn ra khá tốt đẹp. Chi Vụ Thực Tập thỉnh thoảng tổ chức các phái đoàn giáo sư đi thăm viếng sinh viên thực tập nhưng số viếng thăm quá ít. Cần tăng cường thêm các cuộc viếng thăm để theo sát và giúp đỡ sinh viên và cũng cần tổ chức các khóa họp định kỳ để các sinh viên về Học Viện trao đổi kinh nghiệm thực tập với nhau. Cuối thời kỳ thực tập các sinh viên phải làm tờ trình thực tập.

            Thực tập là đặc điểm của chương trình huấn luyện, dựa theo chương trình đào tạo công chức của Pháp. Điểm khác biệt là chương trình của Pháp bắt đầu ở cấp cao học còn ở Học Viện chương trình nầy được áp dụng ngay cho cấp đốc sự. Trong thời gian nầy sinh viên học hỏi nhiều kinh nghiệm thực tế để bổ túc cho phần lý thuyết trong hai năm đầu và sẵn sàng bắt tay vào việc sau khi tốt nghiệp.

     3-  Chi Vụ Tu Nghiệp:

Nhiệm Vụ của Chi Vụ Tu Nghiệp là tổ chức các khóa tu nghiệp cho các nhân viên hành chánh cao cấp, nhứt là các sinh viên sau khi rời ghế nhà trường. Tuy nhiên, trong thực tế rất ít khóa tu nghiệp hành chánh cao cấp được tổ chức. Chỉ có các khóa tu nghiệp cho nhân viên cấp dưới là được tổ chức thường xuyên.

Với sự thiếp lập Viện Tu Nghiệp Quốc Gia vào năm 1972,  Chi Vụ có thể đặt trọng tâm vào việc tu nghiệp nhân viên cao cấp như khóa “Phát Triển Chỉ Huy và Lãnh Đạo” (Executive Development Program) do Học Viện tổ chức vào năm 1974. Ngoài ra,  Học Viện cũng nên thường xuyên tổ chức các khóa hội thảo  để các cựu sinh viên trao đổi kinh nghiệm và học hỏi thêm những kiến thức mới về hành chánh hay kinh tế tài chánh.

     4-  Chi Vụ Sưu Tầm:

Nhiệm Vụ của Chi Vụ nầy là sưu tầm, nghiên cứu các tiến bộ về  hành chánh, kinh tế, tài chánh và chính trị để giúp các giáo sư và sinh viên theo kịp đà phát triển của các ngành nầy. Trong thực tế, hoạt động của Chi Vụ rất yếu ngoài một số rất hạn chế bài nghiên cứu đăng trong EROPA Review và Nghiên Cứu Hành Chánh. Thật ra Chi Vụ Sưu Tầm có rất nhiều cơ hội để hoạt động tốt hơn nhưng phải có sự tham gia tích cực của các giáo sư. Các luận văn tốt nghiệp là những đề tài quý gíá để khai triển thành những bài nghiên cứu gíá trị. Các giáo sư có thể chọn các luận văn xuất sắc và hợp tác với tác giả để khai triển thêm thành các tác phẩm có giá trị để đăng vào các báo chuyên nghiệp quốc nội cũng như quốc tế. Ngoài ra, Học Viện cũng có thể hợp tác với các cựu sinh viên có nhiều kinh nghiệm để viết ra những trường hợp hành chánh điển hình dùng trong việc giảng dạy, tu nghiệp hay đăng vào các báo chí chuyên nghiệp quốc tế. Vào đầu thập niên 1970s, giáo sư Nguyễn Quốc Trị có đề xuất việc nầy và Học Viện đã hoàn thành được một tập Trường Hợp Hành Chánh Điển Hình đầu tiên. Đây là một cố gắng rất đáng khích lệ.

C. Các Sinh Viên :

Như đã đề cập ở trên, số thí sinh thi vào Học Viện rất đông nhưng số tuyển sinh chỉ giới hạn có 100, ngoại trừ khóa 17 được 200. Do đó các sinh viên trúng tuyển thuộc thành phần ưu tú của quốc gia.

Các sinh viên được hưởng nhiều quyền lợi hơn các sinh viên các trường khác: được hưởng học bổng khá cao, được ở ký túc xá khang trang, có câu lạc bộ cung cấp cơm nước, có phòng Y Tế săn sóc sức khỏe hằng ngày, có phòng Công Tác Sinh Viên giúp đỡ khi cần. Tóm lại, Học Viện đã tạo cho sinh viên nhiều cơ hội để tập trung vào việc học.

Nhằm mục đích đào tạo giáo sư cho trường và thực hiện công bằng trong việc phân phối sinh viên tốt nghiệp, Giáo sư Nguyễn Văn Bông đã đặt ra thể lệ là các thủ khoa được học bổng du học lấy bằng tiến sĩ ở Hoa Kỳ và các sinh viên tốt nghiệp được chọn nhiệm sở theo thứ tự kỳ thi tốt nghiệp. Điều nầy đã khuyến khích các sinh viên chuyên cần hơn trong việc học hành.

Chương trình học cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức rất đa dạng liên hệ đến hầu hết các ngành hoạt động của quốc gia, hành chánh, quản trị, kinh tế, tài chánh, chính trị, luật pháp, lao động, xã hội, quân sự …Nhờ vậy mà đa số sinh viên khi ra trường đã thành công trong bất cứ nhiệm vụ nào, trung ương cũng như địa phương, trong ngành Hành Pháp cũng như trong ngành Lập Pháp hay Giám Sát Viện. Rất tiếc là vì tình hình an ninh của nước nhà, các cựu sinh viên ở địa phương không được toàn quyền hoạt động mà phải phụ thuộc vào vị tỉnh trưởng hay quận trưởng quân nhân nên việc đem tài năng để giúp đở dân chúng và phát triển địa phương cũng bị phần nào hạn chế.

Kết Luận

Học Viện đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc đào tạo các cấp chỉ huy và lãnh đạo cần thiết cho đất nước. Trước năm 1975, hầu hết các chức vụ quan trọng trong các cơ quan công quyền từ địa phương đến trung uơng đều do các cựu sinh viên hành chánh đảm trách.

Nếu không có ngày 30 tháng tư thì tầm hoạt động của Học Viên còn phát triển xa hơn nữa. Với việc thiếp lập các Ban Cao Học và với Ban Giảng Huấn hùng hậu gồm nhiều giáo sư tốt nghiệp các đại học danh tiếng ở ngoại quốc, Học Viện có thể trở thành một đại học hành chánh có tầm vóc quốc tế.

Gs Cao Thị Lễ

Tài liệu tham khảo :

  • Biên khảo của Gs Trần Văn Binh đề ngày 25 tháng 5 năm 1992
  • Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975, Tổng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh).

.

Views: 889

Posted in nghien cuu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *