Lê Văn Tư
Trong một đất nước dân chủ, việc quan trọng nhất đối với người dân là bầu cử vị lãnh đạo tối cao, để chọn mặt gởi vàng, mọi người phải biết chương trình hành động, khả năng thuyết phục của từng ứng cử viên, khuynh hướng chung của cử tri thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận, không khí tranh cử nhờ thế thật hào hứng, kết quả bầu cử được mọi người háo hức chờ đợi, khác hẳn với các nước độc tài độc đảng như Việt Nam, người dân không có quyền bầu người lãnh đạo thực sự của mình, việc hệ trọng này do đảng quyết định một cách bí mật, người dân bị cấm xía vô, mặc dầu hiến pháp (HP) ghi rõ: «Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân» (Điều 2 HP), HP như vậy chẳng khác gì tờ giấy lộn, người dân chỉ ăn bánh vẽ.
Như đại hội (ĐH) đảng cộng sản hiện nay, mọi quyết định sinh mệnh đất nước do một nhóm người thuộc đảng cộng sản thu hẹp trong bộ chính trị (BCT), hiện gồm 16 người, từ đó họ đưa ra 4 nhân vật nắm quyền trong guồng máy cai trị, được coi là tứ trụ triều đình (tứ nhân bang), đó là tổng bí thư (TBT), chủ tịch nước (CTN), thủ tướng (TT) và chủ tịch quốc hội (CTQH).
Theo HP: «Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.» (Đ 86), TT là người đứng đầu chính phủ, mà «Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp.» (Đ 94), cả hai đều do QH bầu và chịu trách nhiệm trước QH, nhưng vai trò của chủ tịch QH lại rất mờ nhạt: «Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; … » (Đ 72), tuy 3 nhân vật này được qui định trong HP nhưng thực quyền lại thuộc nhân vật thứ tư không có nêu danh trong HP.
HP ghi rõ: «Hiến pháp là luật cơ bản của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất.» (Đ 119) nhưng không có điều khoản nào dành cho tên thứ tư này cả, tức không có qui định trách nhiệm hay quyền hạn nào nhưng quyền uy lại bao trùm cả nước, đó là TBT đảng cộng sản.
Tưởng cũng cần nhắc qua về cơ chế quyền lực bắt đầu từ ĐH đảng, mỗi 5 năm họp một lần, kỳ này gồm 1510 đại biểu cấp cơ sở, đại diện cho 4,5 triệu đảng viên, họ bầu ra BCHTƯ gồm ủy viên chính thức và dự khuyết (180 ủy viên chính thức, 20 dự khuyết), «Ban Chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư trong số Uỷ viên Bộ Chính trị; thành lập Ban Bí thư gồm Tổng Bí thư, một số Uỷ viên Bộ Chính trị do Bộ Chính trị phân công và một số Uỷ viên Ban Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương bầu trong số Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.» (Đ17 Điều lệ đảng); điểm cần ghi nhận là TBT trước hết phải là thành viên BCT, tức coi như được bầu 2 lần.
Thoạt nhìn tưởng là dân chủ lắm, nhưng kỳ thực mọi ủy viên trung ương và thành viên trong BCHTƯ, BCT, … đều được sắp xếp trước theo đúng tiêu chuẩn định sẵn, nhưng lần sắp xếp này có điều bất thường trong nhóm chóp bu, nhiều tin tức tiết lộ là có sự tranh chấp gay gắt giữa Nguyễn Phú Trọng (NPT) được BCT hậu thuẫn và Nguyễn Tấn Dũng (NTD) được BCHTƯ hậu thuẫn, việc hục hặc giữa 2 nhân vật này âm ỉ từ lâu, lộ rõ nhứt là từ khi BCT toan tính hạ bệ đồng chí X (ám chỉ NTD) trong hội nghị BCHTƯ 6 (tháng 10-2012) bằng biện pháp kỷ luật nhưng BCHTƯ lại không chấp thuận, khiến blogueur Trương Duy Nhất “đặt câu hỏi: “Tại sao cái tên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng- người bị BCT yêu cầu kỷ luật cũng không dám công khai, phải nói trại ra là “một đồng chí ủy viên BCT” như kiểu không dám gọi đích danh mấy loại tàu cướp của Trung Quốc mà phải gọi là “tàu lạ” vậy?» (trong bài tựa: Không nêu tên ‘đồng chí X’ là hèn hạ?), khiến ông Lê Đăng Doanh ngạc nhiên: «Điều đáng chú ý là, Bộ Chính trị đã 100% đồng ý là xin nhận khuyết điểm, và xin Ban Chấp hành Trung ương kỷ luật tập thể Bộ Chính trị và một thành viên, một Ủy viên của Bộ Chính trị. Điều đáng ngạc nhiên là sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã không đồng ý, cả kỷ luật Bộ Chính trị, cũng như kỷ luật «đồng chí».
Thật vậy, NTD không những chẳng bị hạ bệ mà còn được BCHTƯ xếp vào hàng được tín nhiệm nhứt (hơn cả Trương Tấn Sang và Nguyễn Phú Trọng), theo kết quả đánh giá trong hội nghị 10 vào đầu năm 2015:
Nguyễn Tấn Dũng: 152 điểm tín nhiệm cao
Trương Tấn Sang: 149
Nguyễn Phú Trọng: 135
Nguyễn Sinh Hùng: 126
Sự kiện này xác nhận uy thế của NTD trong đảng hơn NPT, xét về mặt quyền hạn thì thủ tướng đứng hàng thứ 3 trong tứ trụ nhưng quyền lợi hơn hẳn mấy tên kia, nên hục hặc nhau cũng chẳng qua là trâu cột ghét trâu ăn, nhờ có phương tiện nên NTD mua chuộc được nhiều đàn em, gây thanh thế trong BCHTƯ, dựa vào đó mà nhiều nhà bình luận trong cũng như ngoài nước đều suy đoán là NTD nắm thế thượng phong trong cuộc tranh giành quyền lực hiện nay.
Nhưng nhiều tin tức tiết lộ gần đây, thế cờ đã đảo ngược, phe NPT đang thắng thế, áp đặt mọi rào cản ngăn chận phe NTD phản phé như trước đây:
– một mặt dựa vào điều lệ đảng, quy chế bầu cử, điều 13 Quyết định số 244/QĐ-TW về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng: «Ở các hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị.», tức BCT nắm độc quyền giới thiệu người vào BCT, gọi là «chốt danh sách» (hiểu là khóa sổ ghi danh), một khi NTD bị gạt ra khỏi danh sách đề cử hay ứng cử vào BCT thì con đường hoạn lộ coi như chấm dứt.
– một mặt đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắc khe (các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi, ..tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc…), xem qua ai cũng biết là nhắm vào NTD, đặc biệt là cho đàn em tung ra những đòn hạ tiện để bôi bác lẫn nhau.
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A: « ….Về mặt tranh giành quyền lực, họ sử dụng những biện pháp vô cùng thô bỉ và bẩn thỉu để sát hại lẫn nhau. Điều đó chỉ chứng tỏ những người như thế và một cái tổ chức như thế không có tư cách để làm lãnh đạo…. » (trả lời phỏng vấn đài RFI ngày 11-1-2016)
Cứ nhìn vào những điều bất thường trong việc chuẩn bị ĐH tất thấy mức độ tranh chấp khốc liệt là dường nào!
– Về sắp xếp nhân sự, các phiên họp BCHTƯ 13 (từ 14 đến 21-12-2015) và 14 (từ 1 đến 13-1-2016) chỉ cách nhau mươi ngày, cách đại hội một tuần lễ (từ 21 đến 28-1-2016), vấn đề sắp xếp nhân sự vẫn chưa ngã ngũ, hôm bế mạc hội nghị trung ương 13, TBT phát biểu: «Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận dân chủ và biểu quyết, nhất trí cao thông qua danh sách đề cử các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa 11 (cả chính thức và dự khuyết) trong độ tuổi và các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12.», nhưng thật sự đã có sự bất đồng nghiêm trọng đến độ phải gấp rút tổ chức thêm hội nghị 14, gọi là để «Tiếp tục hoàn thiện công tác nhân sự chủ chốt khóa XII, thảo luận, xem xét, quyết định công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII và chuẩn bị nhân sự lãnh đạo chủ chốt khóa XII.»
– Về tuổi tác, NPT tuy quá tuổi qui định, lại lớn tuổi nhứt trong BCT, cách 5 tuổi so với nhóm kế tiếp (72 tuổi trong khi Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng, 67, NTD chưa tới 67) vẫn được quyền ở lại vài năm nữa, gọi đó là thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khoá XII, qua phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ hôm 16-1-2016, ông Vũ Ngọc Hoàng – ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương cho biết: «Trung ương đã thông qua nhân sự là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI thuộc trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử khóa XII. Trước hết Trung ương bỏ phiếu quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, hai trường hợp “đặc biệt” hay ba trường hợp “đặc biệt”. Cuối cùng Trung ương quyết định chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, vì yêu cầu cần trẻ hóa, yêu cầu ổn định, cần có một sự kế thừa trong tình hình hiện nay, đoàn kết, tập hợp lực lượng. Bộ Chính trị cũng đề nghị như thế.»
Tiết lộ này giải mã tin đồn nếu cho NTD ngồi lại (hai trường hợp “đặc biệt”) thì Trương Tấn Sang cũng đòi ngồi lại (ba trường hợp “đặc biệt”), cuối cùng chọn phương án một trường hợp “đặc biệt”, điều này xác nhận Trương Tấn Sang cùng phe NPT trong âm mưu triệt hạ đồng chí X; cũng cần nhắc lại các tiêu chuẩn nhằm loại NTD trong đó có tiêu chuẩn «tham vọng quyền lực», nay chính Nguyễn Phú Trọng lại là người tham quyền cố vị.
Lưu dụng một tên già nua nhứt cầm chịt đảng có nghĩa là các đảng viên khác đều thiếu khả năng (toàn một lũ ăn hại đái nát!), việc lưu dụng tạm thời có thể hiểu là việc tranh ăn vẫn chưa ngã ngũ.
– Về việc bảo vệ an ninh ĐH, đảng phải huy động «hơn 5.000 cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an nhân dân, quân đội nhân dân cùng các phương tiện trang, thiết bị chuyên dụng chống bạo động, khủng bố với quyết tâm bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, với tinh thần, chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ.», làm gì cần phải huy động một lực lượng hùng hậu chống bạo động, khủng bố để bảo vệ một phiên họp giữa các đồng chí với nhau, sự kiện này cho thấy sự rạn nứt nội bộ nghiêm trọng đến độ là họ đang sống trong hoảng loạn.
Trong cuộc thư hùng sống mái này, hai bên thắng thua đều sứt đầu mẻ trán, đảng cộng sản như con quái vật bị chấn thương, mối thâm thù Trọng -Dũng sẽ di căn, bọn thắng chắc chắn sẽ tiếp tục đè bẹp phe thua, phe thua sẽ tìm mưu kế phản ứng lại, biết đâu đây lại là cơ may để người dân nhập cuộc hơn nữa, tạm thời có thể thúc đẩy phe muốn chuyển hóa đất nước theo chiều hướng dân chủ, đà dân chủ hóa sẽ được tăng tốc, còn phe phản động đang lâm vào thế yếu, đà dân chủ cũng có thể nhờ đó mà vươn lên.
Nghĩ thật khôi hài mấy tiêu chí đại hội:”Đoàn kết, Dân chủ, Kỷ cương, Đổi mới”.
Thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại:
– «Đoàn kết» giữa các đồng chí là những đòn ngầm sát phạt lẫn nhau,
– «Dân chủ» là những người cũ hay sắp sửa ra đi chọn trước thành phần lãnh đạo mới,
– «Kỷ cương» là tùy tiện sửa đổi những nguyên tắc căn bản về ứng cử bầu cử, tự cho mình có quyền lưu nhiệm,
– «Đổi mới mà thực ra là chúng ta lùi lại chứ không phải đổi mới. Đổi mới là so với những cái chúng ta đã làm sai 20 năm thì gọi là đổi mới.» (Gs Trần Phương góp ý ở ĐH11), đúng như Bộ trưởng KH&ĐT Bùi Quang Vinh vạch ra trong bài tham luận trước ĐH ngày 22-1-2016: «Nhìn lại thực tế 30 năm qua, thành tựu lớn nhất, bao trùm nhất của công cuộc đổi mới là đã chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường.», xem thế thì đủ biết đảng cộng sản đã kéo lùi đà tiến của dân tộc là dường nào!
Đúng như các nguồn tin tiết lộ, kết quả bầu cử BCHTƯ và BCT đúng theo dàn dựng trước, tứ nhân bang được xếp vào hàng đầu BCT:
1. Nguyễn Phú Trọng (1), tái Tổng Bí thư.
2. Trần Đại Quang, Bộ trưởng Công an
3. Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội
…
6. Nguyễn Xuân Phúc, Phó TT
Trong đó, 3 nhân vật được chỉ định trước:
Chủ tịch nước: Trần Đại Quang (2)
Thủ tướng; Nguyễn Xuân Phúc (3)
Chủ tịch quốc hội: Nguyễn Thị Kim Ngân
các đại biểu QH chỉ làm nhiệm vụ hợp thức hóa quyết định của đảng, các đại biểu đảng viên phải làm theo chỉ thị đã đành, kỳ dư cũng chỉ là những con rối.
(1) Nguyễn Phú Trọng, không có lời nào phản đối ngay khi Tàu đặt dàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 2014
(2) Trần Đại Quang, gốc bộ trưởng công an, người ra lịnh đàn áp thô bạo các cuộc xuống đường chống quân xâm lược Tàu
(3) Nguyễn Xuân Phúc, gốc phó Thủ Tướng, người hô hào chống tham nhũng nhưng có nhiều nhà cửa nguy nga cả trong lẫn ngoài nước, con cái du học ăn chơi trác táng, cũng là người cấu kết với Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang trong âm mưu hạ bệ NTD (theo blog Chân dung quyền lực: http://chandungquyenluc.blogspot.ru/, tuy đã ngưng hoạt động nhưng vẫn có thể vào xem các tài liệu lưu trữ).
Một ít «thành tích» đối với quân xâm lược và đất nước của họ cho thấy việc mong đợi «đổi mới hệ thống chính trị là điều kiện để phát triển» như tham luận của ông Bùi Quang Vinh hãy còn xa vời.
Dầu trong tình huống nào, khuynh hướng dân chủ hóa không ngừng gia tăng, các yếu tố thiên thời -địa lợi -nhân hòa đang dần dần hội đủ, phong trào xã hội dân sự đang phát triển, một khi các tổ chức dân sự độc lập bành trướng thì các hoạt động chính thống và ngoại vi của đảng sẽ teo tóp dần (báo tư nhân xuất hiện, không ai đọc báo đảng, nghiệp đoàn độc lập ra đời, công nhân sẽ bỏ công đoàn nhà nước, …
Khởi điểm của một quá trình kết thúc chế độ độc tài đảng trị bắt đầu.
Một vận hội mới đang mở ra.
Lê Văn Tư (ĐS 8)
Views: 529