Còn Gì Để Lại

Nguyễn Quang Dũng

congidelai-nnb-image

 1.  Những tấm hình gần nhất trước ngày D…

Ngày chủ nhật 7 tháng 2, 2016 tôi gặp Thầy Nguyễn Ngọc Bích và Cô Đào Thị Hợi tại Chợ Tết Cộng Đồng Người Việt Vùng Hoa Thịnh Đốn. (Tôi gọi GS Nguyễn Ngọc Bích là Thầy vì Thầy Bích có thời gian giảng dạy ở Đại Học George Mason, Virginia:  Thầy phụ trách giảng dạy  lớp  Truyện Kiều, bằng tiếng Việt, tiếng của người mình).  Thầy Bích đang lui hui bày những cuốn sách của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ trên bàn. Tôi đến chào Thầy và lấy xuống xem một cuốn sách sử ký của sử gia Lê Mạnh Hùng mà Thầy trưng bày ở chổ cao nhất trên giá đựng sách. Chắc Thầy nghĩ tôi chỉ đến xem cho vui, hay mua một cuốn “ủng hộ” gian hàng sách của  Thầy. Nhưng khi tôi thưa với thầy là tôi muốn mua trọn bộ 5 quyển “Nhìn Lại Sử Việt”  thì Thầy vui lắm. Thầy nói với tôi: “Lẽ ra trọn bộ giá $133, nhưng tôi sẽ “discount” cho anh và chỉ lấy $100”. Thầy cho 5 cuốn sách vào túi nylon xong thì tôi xin chụp Thầy và Cô một tấm hình kỷ niệm dưới đây:

DSC01095

Ngày thứ hai 8 tháng hai, 2016, mồng một Tết Bính Thân, tôi gặp lại Thầy Bích trong bộ quốc phục cổ truyền , áo dài, khăn đóng, với khăn quàng cổ màu vàng  ba sọc đỏ. Thầy cười vui trong buổi lễ Chào Cờ đầu năm mới  Bính Thân 2016 do Cộng Đồng Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức. Tôi đang đứng cạnh anh Nguyễn Kim Hương Hỏa, Hội trưởng Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh Miền Đông nên mời Thầy chụp chung một tấm hình với anh Hương Hỏa.  Thầy và Hội Hành Chánh vốn thân thiết với nhau đã lâu, năm nào Thầy Bích và Cô Hợi cũng là khách mời danh dự của buổi tiệc Hội Ngộ Tân Niên Quốc Gia Hành Chánh  đầu năm dương lịch.

DSC01309

Trong tấm hình tôi chụp hôm đó, Thầy Bích cười, tươi tắn.  Và sau này tôi nhận ra trên nhiều tấm hình chụp, Thầy lúc nào cũng có nụ cười hiền hòa cố hữu đó.

Ngày thứ bảy 20 tháng hai, 2016. Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn tổ chức Lễ Tổ tiên và Chúc Thọ năm Bính Thân 2016. Buổi tối thứ sáu, tôi lo trình bày, in và chuẩn bị nhiều khung hình chúc thọ cho các vị Hội viên cao niên với tuổi thọ từ 70, 80, 90 đến 100. Ở xứ Hoa Kỳ này, tôi thấy các “cụ” 70 hay 80 của Hội Cao Niên vùng này rất mạnh khỏe và năng động. Bảy mươi như anh chị phóng viên Đào Hiếu Thảo thì không thể gọi là người “già” mà phải gọi là người trẻ của Hội Cao Niên. Tôi biết rất nhiều vị trên 70 từ chối gia nhập Hội “Cao Niên” chỉ vì họ nghĩ là họ chưa …già. Cho nên trên bản tin Cao niên tháng hai, 2016 tôi không “dám “ gọi các cụ 80 mà dùng chữ “quý vị 80”. Quả vậy, trong số các “cụ” 80  Hội Cao Niên chúc thọ năm nay, có GS Kim Oanh,  Bà Tuyết Ngọc…những vị cao niên năng động  này không thể gọi là người già được. Tôi  có thấy tên GS Nguyễn Ngọc  Bích trong số các “cụ” 80 (tính theo tuổi ta). Tôi nghĩ đến  Thầy Bích và nụ cười của Thầy trong Lễ Chúc Thọ vào ngày mai.congidelai-nnb-chuctho80

Tiếc thay thứ bảy hôm sau đó, Thầy và Cô Hợi bận lễ chùa nên đến trễ;  Lễ Tổ Tiên và Chúc Thọ đã xong, Nhưng Thầy cũng tham dự Lễ mừng sinh nhật chung, Thầy tham gia sinh hoạt văn nghệ. Anh Nguyễn Văn Đặng chụp tấm hình dưới đây, lúc Thầy Bích đang hát:

DSC01310

Ngày 2 tháng 3, 2016, giờ Hoa Thịnh Đốn,  sáng vào mở email từ anh Bùi Mạnh Hùng, tôi biết tin Thầy Nguyễn Ngọc Bích mất trên chuyến bay đến Manila, Phi Luật Tân dự Hội nghị về Biển Đông.  Trên vùng trời cách không xa lắm quê hương Việt Nam yêu dấu, lúc đó là ngày 3 tháng 3,  Thầy Bích bị nghẽn mạch máu cơ tim.  Theo lời Cô Hợi kể lại: Thầy nói với Cô Hợi là Thầy mệt lắm chưa bao giờ mệt như vậy. Và chỉ như vậy, Thầy đi.

Tin Thầy Bích mất làm tôi lặng người.  Mới vừa đây, hai tuần trước, Thầy còn đó.

Sống và Chết, quả tình chỉ cách nhau một hơi thở – tôi còn nhớ nhiều Phật tử thường hay nhắc nhau câu nói này. Từ lâu,  tôi cũng như nhiều người khác thường hay nghĩ rằng đời sống của mình hãy còn ngày rộng tháng dài. Rằng  mình – mới 60, 70 hay dầu đã 80- vẫn còn khỏe. Cái chết  là chuyện xa vời, không ai màng nghĩ  đến. Trong lúc,  thực ra, nỗi chết rình rập mọi lúc, mọi nơi và không kể trẻ hay già.

Sáng nay, tôi phải tự nhắc để tôi nhớ,  đừng quên, không được quên điều này: Chuyện gì làm được,  đừng chờ đến ngày D. vì đến lúc đó có hối tiếc thì mọi sự đã muộn màng.

Ngày Đi hay viết tắt là ngày D, chữ tôi dùng cho ngày chết, hay nói cho có vẻ văn chương chữ nghĩa hơn – ngày vĩnh biệt cõi đời, là cái ngày mà tôi và vài ông bạn già rất thân thiết – như  Cụ Hà Bỉnh Trung (đã đi) hay anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao (đã trên 70, vẫn còn nhất định chưa chịu nhận là mình già) -vẫn thường cười cười nói với nhau khi có dịp gặp mặt: “ Đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng, khi nào có “vé” là lập tức  lên đường “. Anh Tâm Minh Ngô Tằng Giao còn chu đáo hơn nữa, anh sáng tác rất nhiều thơ lục bát về Phật giáo, in thành sách hơn mấy chục tập và biếu không đến người đọc. Anh nói, tôi làm vậy là để có “quỹ” mua vé trước nên tôi biết tôi sẽ “đi” về đâu.

2. Cơ Hội Không Còn…

Tôi vẫn tự trách tôi hoài, về cái tính lần lửa không kết thúc nhiều việc, nhiều chuyện có thể kết thúc được. Việc tôi tự trách tôi lần này khi biết tin Thầy Bích vĩnh viễn vắng bóng liên quan đến công việc tôi đang góp tay với Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Cựu Sinh Viên Quốc Gia Hành Chánh miền Đông Hoa Kỳ. Tôi thiết kế hay nói nôm na là “dựng lên” hai cái website ( tiếng Việt mình chưa có nhiều chữ diễn tả cho đúng quá nhiều thuật ngữ kỹ thuật của thế kỷ 21 nên tạm thời có nhiều chỗ tôi phải để nguyên chữ tiếng Anh ở đây.) Ở hai website này, ban chủ trương vẫn mong thực hiện được việc chia sẻ đến người đọc khắp nơi những tin tức, kiến thức, kinh nghiệm hay sáng tác từ những người viết tài tử hay chuyên nghiệp với điều kiện là những bài viết này là những bài viết nguyên thủy từ những người viết mà ban biên tập website biết được tác giả là ai. Nói khác đi, những người trong ban chủ trương muốn thực hiện một  website không cóp nhặt, sao chép tùy tiện.

Tháng trước, tôi có đọc mấy bài viết của Thầy Nguyễn Ngọc Bích, ký tên dưới bút hiệu Tâm Việt.  Và tôi vẫn thường hay gặp Thầy trong những buổi hội hàng tháng của Hội Người Việt Cao Niên Vùng Hoa Thịnh Đốn, mà Thầy Bích là Phó Hội Trưởng Ngoại Vụ của Hội. Tôi tự nhủ không có cơ hội nào tốt hơn nữa là gặp Thầy vào phiên hội đầu tháng tới; mời Thầy tham gia, giúp tay, và sau đó được phép chuyển tải các bài viết của Thầy lên  website caoniendc.com hay website quocgiahanhchanhmd.com và thử bàn với thầy về một hướng hợp tác giữa  nhà in của tôi và  Tổ hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ do Thầy chủ trương, nhất là tìm một giải pháp mới cho tình trạng bế tắc về việc phát hành sách báo tiếng Việt tại hải ngoại.

Vậy mà tất cả các dự trù, cơ hội và cái “lợi thế” thiên thời, địa lợi và nhân hòa để có sự hợp tác và giúp tay của Thầy Bích với Hội Cao Niên và Hội Hành Chánh về mặt báo chí và website bỗng nhiên tan biến trong chớp mắt.

Lúc đọc lại  tiểu sử của Thầy Bích về những trách vụ Thầy từng đảm trách lúc sinh tiền, tôi chợt nhớ ra rằng tôi đang đứng trước một  Thái Sơn của làng thông tin báo chí.

Từ 1971 đến 1975, Thầy Nguyễn Ngọc Bích từng là Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại thuộc Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi, Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã, sáng lập viên Viện Đại Học Cửu Long và là sứ giả đặc trách của Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu trong cuộc vận động sau cùng với Quốc Hội Hoa Kỳ về viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày tháng cuối cùng của miền Nam Việt Nam.

Năm 1975, Thầy Bích trở lại Hoa Kỳ, quê hương thứ hai của Thầy, từ đó mở ra  chuỗi dài của những hoạt động không ngưng nghỉ trong đủ mọi lĩnh vực  xã hội, chính trị, giáo dục, nhân quyền, dịch thuật, biên khảo, bảo tồn văn hóa Việt ở xứ người. Thầy Bích đã từng nắm giữ những trách vụ cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ như Phó và sau đó Quyền Giám đốc Office of Bilingual Education and Minority Languages Affairs thuộc Bộ Giáo Dục Liên Bang dưới thời Tổng Thống George W. Bush, Giám Đốc Ban Việt Ngữ  Đài Á Châu Tự Do (RFA)  từ  năm 1997 đến 2003.

3. Còn Gì Để Lại …

Quan trọng hơn hết là tinh thần dấn thân của Thầy Nguyễn Ngọc Bích trong rất nhiều công việc liên quan đến cộng đồng Người Việt hải ngoại và những công cuộc đấu tranh hướng về một nước Việt Nam tự do, dân chủ và tiến bộ.  Người khen, kẻ chê Thầy cũng nhiều, nhưng không ai có thể phủ nhận được tấm lòng và tinh thần làm việc hướng về lợi ích chung cho cộng đồng người Việt của Thầy.

Dấn thân và phục vụ là hai nhân tố căn bản và trọng yếu nhất thể hiện trong đời sống của Thầy Bích. Cũng có thể vì cái gì Thầy cũng muốn làm, chỗ nào Thầy cũng tình nguyện, cho nên những công việc và mục tiêu Thầy theo đuổi cũng trải rộng và do vậy khó lòng nhìn thấy hay lượng định hết những thành tựu hay kết quả đạt tới. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người trong cộng đồng người Việt Hải ngoại đến tuổi 80 còn có được khả năng, sức làm việc và tinh thần hoạt động không ngừng nghỉ cho cộng đồng người Việt như Thầy Bích?

Đối với tôi, Thầy Bích lúc nào vẫn là một người Việt Nam khả kính, đa năng  và đáng quý. Thầy Bích dạy tôi được một bài học căn bản xuyên suốt qua đời sống phục vụ của Thầy cho đến hơi thở cuối cùng  là: Hãy sống bằng trái tim Việt Nam với tất cả tấm lòng dâng hiến.

Xin cảm ơn và vĩnh biệt Thầy Nguyễn Ngọc Bích.

Nguyễn Quang Dũng  (ĐS22)
VA Tháng 3/2016

(Xin bấm vào hình để xem hình ảnh tang lễ GS Nguyễn Ngọc Bích do Phóng Viên Quân Đội Trần Bửu Khánh ghi lại)

 nnb-phuco-web

Views: 311

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *