Rượu Mềm Lòng Nhân

Hồi ký của một công bộc thời chiến

Tôn Thất Hùng

 

Công bộc phải biết vâng lời dù sai nguyên tắc

  Phục vụ ở hai quận Đaktô, Kontum và Ty Nội An tỉnh Kontum  gần 4 năm, từ 10/68 đến 2/1972, người viết (NV) lập gia đình và xin thuyên chuyển về Thị xã Cần Thơ, tân lập. Vị Thị Trưởng kiêm Tỉnh trưởng Phong  Dinh lại tống đi Quận Thuận Nhơn, tên cũ là Khắc Nhơn. Địa danh  này nổi tiếng  là nơi  sát thương: Tỉnh trưởng – Đại tá Nguyễn văn Khương, lên cố Chuẩn – tướng-, một Đại úy Quận trưởng, Thiếu Tá Lưu Trọng Kiệt, Tiểu đoàn trưởng  44 BĐQ, tử thương ở Bà đầm -Thác lác. Tình hình an ninh toàn quận thật bi đát. Sau khi được đổi tên từ Khắ́c sang Thuận, tình hình an ninh có phần đỡ hơn, nhưng các vị Quận trưởng không chết thì cũng bị thương nặng, trường hợp Trung tá DTN.

  Sau hai lần được hai đàn anh Phó Thị trưởng K1 và Phó Tỉnh trưởng K6 tiếp v/v khiếu nại Tỉnh trưởng đã tự quyền điều động NV từ Thị xã sang Tỉnh là trái với nguyên tắc hành chánh, cả hai đàn anh đều khuyên là nên tuân hành. Biết là mình bị ép nhưng phải thi hành. Hai tháng sau, một đồng môn được đưa từ Bộ thay chỗ NV ở Tòa Thị chính Cần Thơ.

Tháng 4 năm 1972, khi tham dự khóa học Cán bộ hoá công chức ở Rạch Dừa, gặp Thứ trưởng Nội  vụ Lê Công Chất (NV đã có lần  đón tiếp Ông vào tháng 3/1969 lúc ông đi thăm quận Đaktô). Sau khi nghe qua vấn đề khiếu nại, ông khuyên là nên vâng lời. Đồng môn Phó quận cũ, tốt nghiệp Cao học Hành chánh K4, đã bỏ về Tòa Hành chánh Tỉnh từ lâu, sau đó làm Trưởng ty Kinh tế, đến ngày 30/ 4/ 1975 là người đứng ra tiếp thu Tòa Hành chánh Tỉnh Phong Dinh và Toà Thị chính Cần Thơ.

 Nhìn địa thế văn phòng quận Thuận Nhơn, không hàng rào bao bọc, không ụ đất phòng thủ, không cổng gác, NV  biết là không an toàn  nhưng còn an tâm hơn là nếu ra khu nhà dân ở. Ban ngày  làm việc, có một cảnh sát viên canh gác, thêm  một  cận vệ. Vì quận đường  nằ̀m ở ngoài  vòng đai an  ninh của Chi khu nên  mỗi đêm đều có một trung  đội  ĐPQ được tăng phái đến bảo vệ. Một số quân nhân đã giúp  đào một hồ  nuôi cá  tra làm chỗ đi cầu cho văn phòng và dân chúng, vừa làm chướng ngại  rào cản khi VC tấn công. Vợ chồng  người viết  cùng ở trong văn phòng quận, nên chiều chiều, các gia đình Nghĩa quân trong khu gia binh thường đến chơi và xem truyền hình cùng vợ chồng NV. Quen với cảnh sống dưới địa đạo ở quận đường Đaktô, nhiều đêm  thức trắ́ng bên cạnh các Nghĩa quân người  Thượng và vợ con họ, cùng chống trả  các lần tấn công của  quân chính quy BV,  nay lại  gần gủi với gia đình vợ con  NQ người miền Nam, vợ chồng NV đã hiểu thêm những khó khăn thiếu thốn và những nổi bất hạnh của họ.

 Ở nơi đặc biệt, tái ngộ đàn anh đặc biệt   

  Từ năm 1970, khoá 11 Đốc sự  “dzách lầu” được mùa làm Phó Tỉnh, Phó Thị: Từ Quảng Trị có Bửu Uyển; Thừa Thiên – Huế có Cường Cọp,Thuyết; Quảng Tín có Thiệu; KonTum: Khoa VC, Cường Tồ, Cửu sừng; Thạnh Pleiku; Phước đói, Chức, Phúc, Quang, Cảnh, Phát bấn, Lương cho đến Trần văn Chí,Vĩnh Bình. Tổng cộng là 16 đàn anh ưu tú  giữ chức vụ PTT, được xem là thành công nhất cho đời công chức. Bên cạnh những đàn anh tinh hoa cũng có một mảnh đời đàn anh kém may mắn, đó là anh PVT, cùng K11, người miền Nam.  Ở̉ chung trong ký túc xá, anh T có một cá tính đặc biệt là bất cứ ai khạc nhổ trước mặt anh là anh vung tay đánh ngay. NV cũng đã từng được anh T ra đòn. Sau nhiều năm ra trường mỗi người mỗi nơi, mãi lo với công việc và sự sống còn từng ngày trong cuộc chiến vệ quốc nên khó gặp nhau. Một hôm,  đàn anh T bất thần viếng thăm đàn em. Anh T xuất hiện lúc gần 10 sáng mùa Hè năm 1973 trong bộ quân phục màu vàng đi phép, trên cổ là hai mai vàng, đầu trần tóc dài, mũ nồi vàng  xếp nằ̀m trên cầu vai trái. Mặt xám đen, giọng thều thào. Bất ngờ và sững sốt, NV cảm thương cho đàn anh, tức tốc đứng dậy cầm lấy tay anh và hỏi chuyện. Anh T cho hay là vì bất đồng với viên Đại tá Tỉnh trưởng Chương Thiện, anh đã được trả về Bộ Quốc phòng, nay phục vụ ở Tiểu đoàn ĐPQ  418 Chương Thiện. Anh cần giúp đỡ. NV vội bỏ phong bì 3000 đồng. Sau đó nhân mùa bầu cử, phải đặt thêm một thùng phiếu cho tiểu đoàn tăng phái này,  NV  đã đến thăm Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và gửi gắm đàn anh nhờ Thiếu tá giúp đỡ. Trong một chầu bia, Thiếu tá Đại, TĐT, cho  hay :“Trung uý T như người mất trí, ra quán ăn, ăn xong không trả tiền, chủ quán hỏi thì ông đưa tay chỉ vào cái lon hai mai vàng  và ra khỏi quán. Việc này cứ tái diễn hằ̀ng ngày”. NV không làm sao khác hơn là xin lỗi viên Thiếu tá, sau đó gặp ngay Xã trưởng  xã Thạnh Hòa – Rạch Gòi, nhờ hỏi xem là Trung úy T đã chưa trả tiền quán nào, NV sẽ hoàn trả cho các quán đó. Xã trưởng là chủ nhà máy xay lúa, ông bảo “Để xã lo cho”. Đàn anh Võ Trung  Hải K11, năm xưa cùng phòng  với anh T ở ký túc xá, nay  đang làm  Phó quận Phong Phú, gần Thuận Nhơn có được bạn cũ viếng hay không?

Đồng hồ Longines dỏm đổi Rolex vàng

   Tháng 3/1973,Thiếu Tá TMH, thay TrungTá PT, làm Quận trưởng Thuận Nhơn. Tháng 4/1973 có tân Tỉnh,Thị trưởng mới. tân Quận trưởng, xuất thân Khóa 20 Đà lạt, cùng khóa với người bạn thân HTM, nên Quận trưởng và Phó quận rất tương đắ́c. Một hôm đầu tháng 6/1973, anh Quận trưởng nhờ NVmột việc: anh  tháo chiếc đồng hồ Rolex vàng (mới đổi khẩu P38 ngắ́n nòng, bá nạm bạc của anh cho một anh bạn cùng khóa) đưa cho  NV và vội vàng đeo vào tay cái Longines dỏm của NV. Vô cùng ngạc nhiên, vội hỏi chuyện. Anh cho hay là khoảng 20 phút sau phải trình diện Đại tá Tỉnh trưởng. Ngày hôm sau, với vẽ mặt không vui, anh Quận Trưởng nhờ NV ngày mốt tiếp ĐTTT ở Ấp Thạnh Xuân, xã Thạnh Hòa và Đại táTT sẽ ngủ đêm ở đó, vì anh cáo bệnh. Trước đó, tháng 5/ 1973, NV đã được vị tân Tỉnh trưởng này gọi về trình diện vì “đã  tự ý  hoàn ngân trên 20 triệu tiền trợ cấp nạn nhân chiến tranh có tên trong danh sách, nhưng không có người nhận. Hoàn ngân  mà không  trình qua Tỉnh trưởng, nên đã được Đại tá TT với vẻ mặt đầy giận dữ dạy cho NV một bài học về  quản trị tiền bạc. Tháng 7 năm 1973, vị phó quận cũ, Cao học 4, đã thay thế NV làm phát ngân viên tiền trợ cấp cho nạn nhân chiến cuộc ở xã Tân Bình. Số tiền không ai nhận lên quá con số 20 triệu, anh Phó này đã cùng với ĐTTT chia nhau một mẻ tiền lớn, có thể anh Phó này đã nộp tiền cho Việt cộng. Chừng bốn  tháng sau, vị ĐTTT được trả về Bộ Quốc phòng, mặc dù vào tháng 5 trước đây, khi vào trình diện, NV đã trông thấy lá cờ 1 sao trên bàn của Tỉnh trưởng .

Nơi tử địa gặp thiền sư

 Tháng 7 năm 1972, một chiều nước nổi ngập nền văn phòng quận, mặc bộ bà ba đen ngồi câu cá rô và đuổi rắn, chợt trông xa xa thấy một vị sư dong dỏng cao mặt hiền, mắt sáng, thần từ, chân dép tay nải vàng. Người hỏi “Thưa có phải ông phó ?” “Dạ phải sư”. “Xin ký cho phép hành lễ An vị tượng Bồ Tát Dược Sư Quan Thế Âm ở̉ Thiền viện Dược sư, xã Tân – Bình”. “Dạ Sư cần mấy ngày”. “Dạ ba ngày”.

Nhân dịp có một nghĩa quân vừa mới tử trận, nhà nghèo không thỉnh được sư về làm lễ đã hai ngày rồi, NV ướm lời “xin sư từ bi làm lễ cho gia đình tử sĩ vui lòng”. Vị sư trẻ, bằng tuổi NV, thưa rằng: “Mô Phật”. Thế là sư đi cùng với NV chừng năm phút là đến khu gia binh. Quen với lễ nghi, người vội mở tay nải lấy ra nào chuông nào mõ, khoác áo đại tràng và bắt đầu hành lễ. Tiếng chuông tiếng mõ vang lên, đèn nến sáng, khói hương nghi ngút.  Cha mẹ, vợ và gia đình tử sĩ  nước mắt đầm đìa vì quá xúc động.   NV có dịp lễ bái vong linh người vừa nằ̀m xuống. Cảm kích tâm từ, sau gần hai giờ làm đủ mọi lễ nghi, NV đưa sư xuống ghe xuôi kinh Xà No về xã Tân Bình.  Ngày an vị tượng, NV theo lời mời, đã tham dự  lễ và cùng phát biểu một đôi lời. Khi được hỏi “Cơ duyên nào sư phát tâm?”  Sư  quê ở Kinh Cùng, Tân-Bình  cho hay “Năm 10 tuổi, nhà nghèo, mỗi đêm nhân mùa nước nổi thường giúp cha mẹ, đầu đội đèn khí đá, tay nơm tay dao, theo con nước chém cá, lươn, rùa, cua, ếch đem về cho cha mẹ bán. Một hôm như thường lệ, mãi mê theo con nước, bỗng nghe một tiếng khè, hết hồn chợt nhìn xuống thì nhận ra là bàn chân mặt đang đạp trên cổ con rắ́n hổ mang, thay vì rắn cụp đầu cắn bàn chân theo phản xạ nhưng cái đầu rắn to lớn kia không làm theo bản năng. Trái lại, cậu bé 10 tuổi lại phản ứng tự vệ để cứu nguy cho mình. Một  nhát dao là đầu rắn bay. Cậu bé vừa sợ hãi vừa lo âu, vội mang cá và con rắn hổ về nhà. Sau khi nghe qua câu chuyện, cha cậu bảo rằng: “Con đã chém nhằm con rắn tu. Nếu đạp nhằm con khác thì mạng con khó toàn”. Sau biến cố này, trong đầu cậu bé luôn luôn tự hỏi ” Tại sao mình lại chém chết con rắn tu”. Đi đứng nằm ngồi đều nghe vang vang câu hỏi này. Chờ đến năm 15 tuổi, sau nhiều năm giúp cha mẹ, cậu bé cúi xin phụ mẫu đi tu. Sau nhiều năm theo học cậu bé đã là một Đại Đức, xin về quê nhà lập chùa để hóa độ chúng sinh, Chùa Dược Sư của Đại Đức Thích Huệ Hiền rất khiêm nhượng “mái tranh vách tôn”, nhưng đệ tử rất đông. Sau ngày 27 tháng 1 năm 1973, Hiệp định Paris có  hiệu lực, Sư đã phát tâm tự thiêu để cầu quốc thái dân an. Người viết đã xin sư đừng tự thiêu vì tăng chúng và phật tử đang cần sư, không có vị sư nào khi sinh tiền, chúng sinh đang cần sư giáo hóa lại tự thiêu để lấy xá lợi. Tháng 7 năm 1973, sau khi uống rượu với bạn-Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng ở xã Tân Bình – ai chậm thì được tắm đầu, người viết ra về sau khi bạn đã ngủ say. Trên đường về nhớ sư ghé thăm. Sư  đang tịnh khẩu  để cầu nguyện cho một đại đức đang bịnh. Sư bút đàm “ông Phó thuyết pháp”, người viết: “Say rượu không pháp”. Sư bút đàm: “Rượu là rượu pháp là pháp”, người viết: “uống rượu không Phật.” Sư bút đàm “rượu là rượu Phật là Phật.” Người viết “xin cho mời tăng chúng” . Khi tăng chúng tụ tập đông đủ, tiện thể  có cuốn  “Thiếu Thất lục môn  của Bồ Đề Đạt Ma ” ở trên bàn, người viết nhờ một sư  mở bất cứ trang nào hỏi  thì có câu trả lời.  Khi thuyết pháp xong, sư Huệ Hiền mô Phật cám ơn. Tháng 11 năm 1975, sáu tháng sau khi Việt cộng chiếm Miền Nam, Sư Huệ Hiền cùng toàn thể đệ tử đã ngồi tự thiêu ngay trong chùa Dược sư để phản đối Việt Cộng đàn áp Phật giáo.

 Tổ chức Đảng Dân  chủ và Rượu mềm lòng nhân

   Tháng 3 năm 1973  xăng dầu lên giá. Sau khi kiểm kê cây xăng ngay quận lỵ, kết toán khoảng gần 40.000 đồng phụ trội  theo giá mới, người viết hỏi  chủ :” Số tiền này ông  sẽ giải quyết thế nào? – Thiếu tá Quận trưởng 10,000 đ, ông Phó 10.000 đ, CHT/CSQG 5000đ,Trưởng chi An ninh QĐ 5000đ. Nghĩ đến gia đình binh sĩ, nghĩa quân trong trại gia binh  và dân phố, người viết vội nhờ Chi Thông tin phát loa thông báo cho mọi người đến mua, có trưởng ban kinh tế giám sát: không ai được mua mỗi thứ quá 20 lít.

 Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Tổng Thống Thiệu đã cấp thời ra lịnh cho các Tỉnh Quận  tổ chức đảng Dân Chủ. Tất cả viên chức trong chính quyền ở cấp quận, xã, ấp đều là đảng viên, có bí danh . Người viết hộc tốc xuôi ngược thi hành bất kể ngày đêm cho xong danh sách và ngày ra mắt đảng bộ. Lúc này Việt cộng ám sát, đặt bom nhiều nơi  nên  mỗi chiều trước khi ngủ, người viết đều đi xem xét các cửa văn phòng Quận xem có bị đặt bom không ? Ấp Thạnh Xuân, cách Quận đường  chừng 2 km, Việt cộng tàn sát cả gia đình Phó Ấp cả thảy là 8 người. Một đêm trong tháng 4 /1973,người viết  xuống xã Tân Hòa lấy danh sách. Sau một chầu nhậu với Xã trưởng và Trưởng cuộc CSQG, vào khoảng 11 giờ đêm,  khi  ngồi vào “hobo”Johnson  2 máy thì Trưởng cuộc CSQG vội đưa khẩu M79  và dây đạn. Ông ta dặn ngang kinh 2500 mét thì phải chạy lẹ.  Kinh Xà No nước đang ròng, trăng mờ, gió mát, áo trắng thời sinh viên, tay cầm khẩu phóng lựu M79. Chợt nghe phía bờ trái có tiếng va chạm ở khu mã đá, cứ ngỡ là có người bị bịnh cần cấp cứu, vội kêu chú Nghiệp lái  tàu dừng lại, lấy đèn pin rọi vào và kêu có ai bịnh thì xuống bờ, có tàu  đưa cấp cứu, một mặt thì rọi vào mặt cho trên bờ  nhận diện. Chờ đợi chừng 10 phút không nghe trả lời, chợt nghe tiếng lên đạn. Chú lái tàu la lớn: “Dọt ông Phó”. Hai máy Johnson dọt lẹ, một tràng AK 47 rít qua đầu. Trạm gác NQ ở kinh 2500m vội kêu về Quận. Trăng sáng đẹp và cả hai người đều thoát tử vong. Hobo dừng ngay cầu tàu, đông đảo binh sĩ cùng vợ con đang chờ xem thế nào? Rời hobo, cám ơn tất cả mọi người đã chờ đón và nhớ đừng nói cho vợ con NV. Chợt thấy vợ tay ẳm con thơ ngay trong đám đông.

 Tết Giáp Dần,1974, lệnh của Tỉnh  trưởng không được rời quận. Phong Dinh là một tỉnh lớn rất nhiều quận. Khoảng 11 giờ sáng  ngày mồng một Tết, Đại tá Tỉnh trưởng đi trực thăng thăm quận, ông vui vẽ bắt tay. Nhờ vậy mà NV được đổi sang quận Thuận Trung vì khi thăm quận này không thấy phó quận. Khóa đàn em này đã về Sài gòn ăn Tết. Đêm 14 tháng 12 năm 1974, VC đánh quận Thuận Nhơn.Văn phòng quận tan nát, trưởng ban hành chánh bị bắt, đại uý  trưởng ban 3 chi khu bị tử thương. Thiếu tá  Quận trưởng Ngô văn Sửu bị thương ở mặt, thều thào  tử thủ trong hầm chỉ huy, gọi tướng Lê văn Hưng đang  bay thị sát cho pháo binh bắn phủ đầu vào hầm. Riêng phó Quận Thuận Nhơn – khóa sau, hơn NV  7 tuổi – hàng ngày: sáng 10 giờ từ  thị xã  Cần Thơ xuống Quận, 2 giờ chiều về lại Cần Thơ, nên không mệnh hệ gì.  Chỉ lưu lại trong lòng quân dân cán chính quận Thuận Nhơn  một ấn tượng không mấy  tốt đẹp cho Học viện  QGHC.

Cái uy của đàn anh Phó Tỉnh

   Trong suốt gần 8 năm làm việc, NV có dịp gần gủi hai vị Phó Tỉnh và học được nhiều bài học lý thú. Anh Phạm Gia Định và anh Nguyễn Hữu Dậu cùng K8 Đốc sự. Anh Định thương NV như một người  em, anh Dậu đã làm cho một Trung tá Quận trưởng phải khuất phục. Sau Tết  Giáp dần, NV sang Thuận Trung trình sự vụ lịnh do ĐT/TT Phong Dinh ký, nhưng viên Trung Tá Quận trưởng-gốc BĐQ, từng làm trại trưởng BĐQ Ben Hét ở Đaktô, tỉnh  Kontum –  không chấp nhận. Ông ta muốn lưu giữ anh Phó quận cũ, NV về lại tòa Tỉnh, anh Dậu bảo về lại Thuận Nhơn. Đầu tháng 3/1974, NV sang Thuận Trung thì mối liên hệ giữa trưởng và phó đã không có gì tốt đẹp. Bao nhiêu chi phí của gia đình Trung tá đều do xã Thạnh Phú gánh chịu, không biết các xã khác phụ giúp bao nhiêu. Uỷ viên Tài chánh xã nhiều lần trình sổ sách đều khóc. NV  trình cho anh Dậu. Anh xuống Thuận Trung vào tháng 8 năm 1974. Trung Tá Quận trưởng đã cho một trung đội dàn chào anh. Áo trắng sinh viên với cái mũ xanh rộng vành đi rừng, bước qua hàng quân thật oai vệ. Sau đó anh và Quận trưởng, có NV tháp tùng, ngồi ghe máy ra ngay văn phòng xã Thạnh Phú. Trước mặt Trung tá Quận trưởng và đông đủ Xã trưởng, chủ tịch HĐX,Trưởng cuộc CSQG, thiếu úy  phân chi khu trưởng ở trong sân văn phòng xã, sau khi lướt qua  mục thu chi của ngân sách xã, anh Phó tỉnh hỏi: Sao mục du di kinh phi nhiều quá vậy? Còn hóa đơn thanh toán máy phát điện ở đâu? Không thấy máy phát điện? Ủy viên tài chánh xã ú ớ … Anh ném cuốn ngân sách xã ngay mặt ủy viên tài chánh trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Trung tá Quận trưởng thì mặt tái đi. Liền sau đó anh Phó Tỉnh về Tỉnh ngay, không dự buổi cơm chiều do Quận trưởng thiết đãi .

   Vài giòng ký sự của một kẻ sĩ văn võ đầy đủ trong thời chiến, đã đem hết lý tưởng phục vụ quê hương, bảo vệ danh tiếng của Học viện, không hề biết luồn cúi, có thể sẽ làm mất lòng một số anh chị đồng môn. Xin quý vị niệm tình tha thứ cho. Xưa các cụ dạy “Tam thập nhi lập “ mà kẻ hậu sinh này chưa đầy 29 tuổi khi nước mất.  Cái giá phải trả cho lý tưởng này rất đắt hoặc là vô giá phải không quý Anh Chị?

Tôn Thất Hùng  (ĐS 12)

11 tháng 11 năm 2017. Kỷ niệm 50 năm ra trường.

Views: 411

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *