Tóm Lược Sách: Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1935-1961 của tác giả Nicolas Reynolds

ERNEST HEMINGWAY: NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU BÍ MẬT 1935-1961
Nhà Văn – Thủy Thủ – Chiến Binh – Gián Điệp

Lê Trung Hiếu

Ernest Hemingway là nhà văn Mỹ nổi tiếng trên thế giới, đã được giải thưởng Nobel văn chương năm 1954. Nhiều truyện tiểu thuyết của ông được quay thành phim, hấp dẫn hằng triệu khán giả trên mọi lục địa. Tuy vậy, hầu như độc giả có rất ít thông tin về cuộc sống nội tâm đầy uẩn khúc và hoạt động sôi nổi của nhà văn. Nguyên nhân ông qua đời vào năm 61 tuổi vẫn còn là một nghi vấn từ hơn nửa thế kỷ nay. Vào tháng 3 năm 201, nhà xuất bản William Morrow đã phát hành tác phẩm “Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1931 -1961”, tác giả là Nicolas Reynolds, một viên chức tình báo lâu đời của chính quyền Mỹ, nguyên là đại tá Thủy Quân Lục Chiến, tốt nghiệp Khoa Lịch Sử của Đại Học Oxford. Điều ngạc nhiên là nhan đề của cuốn sách. Những chữ Writer, Sailor và Soldier thì độc giả dễ dàng hiểu được qua sinh hoạt đời thường và cá tính của những nhân vật chính trong các tiểu thuyết A Farewell To Arms, For Whom the Bell Told, The Sun Also Rises, The Snow On The Kilimandjaro và nhiều truyện ngắn về chiến tranh. Nhưng chữ Spy là một thắc mắc thúc đẩy người đọc tìm hiểu. Tác giả Nicolas Reynolds dựa vào những công trình văn chương, cuộc sống hiện thực cũng như những hồ sơ mật được giải mã của các cơ quan tình báo KGB,OSS,FBI và bộ Ngoại Giao Mỹ để phác họa trung thực cuộc đời đầy sóng gió, lòng thương người, tình yêu quê hương và tổ quốc của Ernest Hemingway dành cho nước Mỹ.
Dựa vào tài liệu trong cuốn sách nói trên, chúng ta thử tìm hiểu cuộc sống của Ernest Hemingway trong thời gian năm 1935 -1961 qua các tiểu mục sau đây:
1. Nguyên nhân tiếp cận Liên-Xô
2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây ban Nha
3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa
4. Hoạt động của Ernest Hemingway trong thời Thế Chiến 2
5. Phóng viên chiến trường đến Paris và trở về Cuba
6. Nỗi bận tâm của Ernest Hemingway
7. Thời gian còn lại.

1. Nguyên nhân tiếp cận Liên Xô 1935

Ernest Hemingway nổi tiếng trên văn đàn nước Mỹ từ lúc còn trẻ. Đối thủ của ông ta chỉ là một nhóm nhỏ. Truyện của ông không những được độc giả Mỹ ưa thích mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Nga và phổ biến rộng rãi ở nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Xô-Viết, đất nước mà văn chương được xem là công cụ tuyên truyền cho chế độ chính trị. Vào tháng 8 năm 1935, giới phê bình văn học ở Mỹ đã làm Hemingway mếch lòng và cảm thấy không được trọng vọng ở Mỹ. Trong lúc phân tâm, ông nhận được một bản dịch tiếng Nga những truyện của ông. Người dịch là Ivan Khaslin, một nhà văn nổi tiếng ở Liên-Xô. Hemingway rất sung sướng khi đọc bài giới thiệu của Ivan Khaskin. Nhà văn này khen ngợi văn tài Hemingway và cho biết truyện của ông đã làm say mê độc giả Liên Xô. Hemingway vội vã viết ngay một lá thư cám ơn Khaskin và ông thật là sung sướng biết bao khi có người hiểu được những điều mình viết ra,” không giống những cảm nghĩ mà giới phê bình văn học ở New York đã viết về ông”. Hemingway cũng nhấn mạnh rằng tuy ông hài lòng khi có thêm độc giả Liên-Xô, nhưng ông sẽ không bao giờ trở thành một người cộng sản hay một cảm tình viên cộng sản. Trong một lá thư khác, Hemingway bày tỏ : “nhà văn giống như dân du mục, họ không trung thành với bất cứ chính quyền nào,” và “sẽ không bao giờ ưa chuộng chính thể họ đang sinh sống.” Ông cũng tiết lộ bạn bè khuyên ông nên từ bỏ tình bằng hữu nếu Kashkin sử dụng đường lối duy vật của chủ nghĩa marxist để lôi cuốn ông vào địa bàn hoạt động của cộng sản Liên-Xô.
Thị trường chứng khoáng sụp đổ từ năm 1929 kéo dài tình trạng công nhân thất nghiệp ở Mỹ và nhiều nước tư bản khác là cơ hội để Liên Xô và giới khuynh tả Mỹ nhúng tay vào nội tình chính trị ở Mỹ. Luận điệu tuyên truyền của họ là dưới chế độ Marxist trong tương lai sẽ không còn cảnh người bóc lột người, không ai bị thất nghiệp và đói khổ. Nazi Đức và Fascist Ý chống đối tư tưởng này. Hitler kết án người Do Thái (Jews) và Cộng Sản là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp ở Đức và toàn thế giới. Để giải quyết tình trạng thoái trào kinh tế, Hitler và Mussolini đề xuất các biện pháp: dẹp yên bạo loạn, động viên nhân lực vào chiến tranh, chiếm đoạt tất cả những gì chúng ta cần thiết từ quân thù. Chính khuynh hướng này giúp Mussolini cuốn hút thành phần thiên tả ở Mỹ.
Hemingway cùng với Gellhorn, người vợ thứ ba (1), dời nhà về Keys West trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 1929. Keys West bao gồm nhiều đảo nhỏ trong vùng biển Caribean gần thành phố Miami. Tại đây, ông quen biết John Dos Passos, một nhà trí thức đến từ thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland. Cả hai đều có cùng một sở thích: cuộc sống ngoài trời với săn bắn và câu cá. Từ năm 1930, thiên tai làm cho thị trấn trên tiễu đảo lâm vào tình trạng suy sụp kinh tế. Đến năm 1934, Keys West bị phá sản. Chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ương Franklin Delano Roosevelt nhảy vào nắm quyền điều hành Federal Emergency Relief Administration (FERA). Theo Dos Passos, biện pháp cứu nguy của FERA không hữu hiệu vì đã biến “một thành phố của những ngư dân độc lập và những người sản xuất và bán hàng trái luật (bootleggers) trở thành những người nghèo khó.” Hemingway tán đồng nhận định này. Theo Hemingway, những cựu chiến binh và ngư dân phải chấp nhận làm cu-li vì họ không còn chọn lựa nào khác trong mùa mưa bão. Từ đó dư luận nẩy sinh ra cuộc phân biệt giai cấp giàu và nghèo. Joe North, một trong những chủ bút cộng sản ở tạp chí New Masses nắm lấy cơ hội, vội vã điện hỏi thăm sự việc xảy ra như thế nào. North đang cần có tin tức để bôi nhọ kế hoạch phục hồi kinh tế New Deal của Tân Tổng Thống Franklin Roosevelt. Theo quan điểm của những người cộng sản, chính quyền tổng thống Roosevelt chẳng khác gì chính quyền tổng thống Hoover, chỉ có ngoại lệ: tân tổng thống che giấu chính sách tư bản của ông ta bằng những nụ cười. Vì vậy North thuyết phục Hemingway viết bài phê phán cho báo New Masses. Tạp chí này đăng bài của Hemingway dưới tựa đề: “ Ai Đã Ám Sát Những Cựu Chiến Binh?” vào số báo ra ngày 17 tháng Chín năm 1935. Bài báo chỉ trích và gán cho chính quyền Roosevelt duy trì “nạn thất nghiệp, đói khát và chết chóc ” khi sử dụng những cựu chíến binh dưới hình thức cu-li để thực hiện các công trình ở Keys West. Ban chủ biên nêu ra nhiều câu hỏi như “ Ai đã đưa cựu chiến binh ra làm việc ở đảo ? “ Ai đã bỏ rơi họ trong suốt mùa mưa bão?” “Ai đã thất bại vì không di tản cựu chiến binh để bảo vệ họ ?”
Tiếng vang của bài báo lan rộng trong quần chúng. Trước tiên tạp chí Times đăng tải phát biểu của George Worley, luật sư tiểu bang Florida, “ không ai chịu trách nhiệm về sự thất bại vì không di tản những cựu chiến binh … trước khi mưa bão giết chết 458 người.” Hemingway phản biện và Times đưa lên báo câu hỏi của Hemingway: “ Những cựu chiến binh bị bỏ rơi cho đến chết như thế nào ?” Nhật báo Dailey Worker đi xa hơn nữa bằng cách in tên Hemingway với hàng tin chữ lớn “Tiểu thuyết gia tìm thấy thi thể những người đàn ông chết trên bờ biển Keys West.” Nhà văn Nga Kashkin dịch tiêu đề này ra tiếng Nga và đăng trên tạp chí văn chương của ông ta. Khi những gián điệp của Xô-Viết đọc bài báo của Hemingway, họ chú trọng đến đường hướng Hemingway chỉ trích nhà cầm quyền Mỹ. Nó vạch ra những tệ đoan người nghèo và những kẻ bị các viên chức quyền thế khinh thị phải chịu đựng không phải do trận bão gây ra mà xuất phát từ phía chính quyền Mỹ. Gián điệp Nga tin tưởng rằng người dân Mỹ chấp nhận lập luận chính trị của Hemingway vì ông là một nhà văn nổi tiếng và được kính trọng. Vì vậy cơ quan tình báo Xô-Viết tìm mọi cách gài nam hay nữ điệp viên để liên lạc và dụ dỗ Hemingway hoạt động cho họ.
Điêu khắc gia người Anh Jason Gurney là người có tư tưởng khuynh tả. Khi ông ta đến Tây Ban Nha để chiến đấu trong phe Republic, tiết lộ cho những chiến hữu ngoại quốc tình nguyện biết: tình báo Liên Xô gài người hoạt động cho Republic để truy tầm những người Nga theo phe Trosky đang hoạt động chính trị ở Tây Ban Nha. Theo Jason, tình báo Liên-Xô: “luôn luôn có nhà tù và nhiều trung tâm thẩm vấn bí mật tại một vài nơi trong vùng lân cận.” “Tình báo Liên-Xô biến dạng một trong những trung tâm này thành lò hỏa thiêu.” Tin tức về người bị mất tích và sau đó không bao giờ thấy là phổ biến trong dư luận ở Tây Ban Nha trong thời nội chiến. Vì vậy tuy Hemingway gặp gỡ điệp viên Nga nhưng ông cân nhắc lợi hại để hoạt động theo đường lối riêng biệt của ông. Ông thay đổi tầm nhìn chiến lược nhanh chóng. Trước tiên ông viết bài cổ vỏ cuộc đấu tranh của phe Republican và chê bai đường lối độc tài của phe Nationalist do tướng Franco lãnh đạo. Kế tiếp ông gởi đăng bài viết về sự quan tâm của ông đối với sự khổ đau của con người và tán dương thành quả chân lấm tay bùn của giới lao động và nói rõ ông không tán thành chế dộ Sô-Viết mặc dù nó ủng hộ phe Republican. Theo ông “Sô-viết là bộ mặt nhơ bẩn của người Nga, nhưng tôi không thích bất cứ chính phủ nào.”

2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939:

Năm 1937, Hemingway đến Tây Ban Nha để viết phóng sự về cuộc nội chiến bùng nổ vào mùa hè năm trước giữa một bên là Lực Lượng Quốc Gia do tướng Francisco Franco lãnh đạo chống đối lại Chính quyền Cộng Hòa hợp pháp. Những người theo phe của tướng Franco cho rằng phe Cộng Hòa phạm phải hai điều quan trọng: điều hành không có hiệu quả và nhiều thành viên mưu toan đưa đất nước và dân tộc đi theo khuynh hướng thiên tả. Lực lượng của tướng Franco bao gồm những đại địa chủ (great landowners), giới quân sự, và tín đồ Thiên Chúa Giáo chống lại lực lượng Cộng Hoà bao gồm những người theo xã hội chủ nghĩa (socialists), cộng sản chủ nghĩa (communists), nghiệp đoàn thương mãi (trade union) và những người thuộc phái vô chính phủ (anarchists). Tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên phức tạp hơn khi nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Tây Ban Nha. Hitler và Mussolini (Ý đại lợi) liên kết với Franco bằng cách trợ giúp vũ khí, cố vấn và quân lính. Stalin (Liên-Xô) viện trợ cho lực lượng Cộng Hòa các loại vật dụng chiến tranh như Hitler và Mussolini nhưng với số lượng ít hơn nhiều. Chỉ có điều khác biệt là Liên Xô cung cấp rất nhiều cố vấn và nhân viên mật vụ. Trong số này nổi bật một viên chức tên là Alexander Orlov.
Cơ quan tình báo Liên-Xô NKVD (People’s Commissariat for Internal Affairs) – về sau gọi là KGB – phái Orlov đến Tây Ban Nha vào tháng 8, 1936 để giúp phe Cộng hòa tổ chức tình báo và lực lượng hổ trợ bán quân sự (paramilitary support). Đồng thời Orlov cũng có nhiệm vụ phát triển thế lực của Liên-Xô và ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha. Điệp viên Liên-Xô thường đến nghỉ ngơi tại khách sạn Gaylor sang trọng. Khi Hemingway trở lại Madrid vào tháng 9, 1937, ông đến khách sạn này để gặp Gustave Regler, bạn quen biết từ trước. Regler là người cộng sản Đức, phụ trách giảng giải chủ nghiã cọng sản cho thành viên trong Đoàn Tình Nguyện Quân Quốc Tế. Hemingway nói với Regler ông muốn đi tìm hiểu du kích quân Cộng Hoà (Republican Guerrillas). Regler báo cho Orlov biết ý muốn của Hemingway. Orlov sắp xếp cho Hemingway đến trại huấn luyện du kích bí mật ở trong khu vực của tình báo NKVD. Hemingway lấy làm cảm kích khi nghe trình chương trình huấn luyện qua từng giai đoạn cùng đi thăm hiện trường tác xạ và bắn súng do Nga chế tạo. Đến năm 1938, Orlov gặp lại Hemingway lần nữa và nghĩ rằng Hemingway chấp nhận hợp tác. Sau đó Orlov tiết lộ cho một viên chức tình báo Mỹ đã về hưu biết chính NKVD vận động Hemingway đến Tây Ban Nha để trở thành một nhân vật có tiếng nói quan trọng của phe Cộng Hòa. “ Thông qua những vận động của Liên-Xô và Liên Minh Báo New York, Chính Phủ Cộng Hòa đã ký một hợp đồng với Hemingway …” Theo FBI, điều cáo buộc này không đúng vì giới tình báo Mỹ biết sự kiện Hemingway đến Tây Ban Nha xuất phát từ nhiều lý do: Hemingway mến chuộng đất nước Tây Ban Nha, ông thật sự muốn tham gia vào cuộc chiến để có cảm giác mạnh, lãnh tiền nhuận bút lớn vì bài viết sẽ được tính tiền theo từng chữ. Nhà văn Josephine Herbst thân thiết với Hemingway từ hồi còn ở Paris hiểu rõ Hemingway hơn Orlov. Theo Herst, lúc bấy giờ Hemingway cũng như nhiều nhà văn khác“ đang ở trong quá trình chuyển biến tâm tư nên việc đi Tây Ban Nha chỉ có tính giai đoạn mà thôi .”
Cuộc nội chiến Tây Ban Nha chấm dứt với sự chiến thắng của phe Franco. Sau khi phe Franco chiếm thành phố Barcelona vào đầu năm 1939, hàng chục ngàn binh sĩ Cộng Hòa, người ủng hộ và cảm tình viên đổ xô tìm đường di tản chạy về nước Pháp. Những ai bị tình nghi là thành viên của phe Cộng Hòa đều bị đem ra xử bắn. Những chiến binh tình nguyện Anh, Canada và Mỹ trở về nước với mặc cảm bị nghi ngờ theo Cộng Sản vì đã chiến đấu trong lực lượng thân Liên-Xô. Giới tình báo Mỹ luôn luôn theo dõi những hoạt động của những công dân có khuynh hướng thiên tả và những cựu chiến binh Mỹ tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ Cộng Hoà Tây Ban Nha bị tình nghi và phân biệt đối xử. Chiến binh người Nga có thể trở về Liên-Xô nhưng về sau bị loại trừ vì Staline xem họ là những kẻ không xứng đáng. Còn những chiến binh người Đức, và Ý không thể trở về nước của họ và vô vọng vì nhiều nước trên thế giới không muốn chứa chấp họ. Ernest Hemingway cảm thấy đau lòng và thương cho thân phận con người thua trận trong một cuộc chiến.

3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa 1941:

Là người theo phe Cộng Hoà nên Hemingway cảm thấy thất vọng và tinh thần hầu như bị suy sụp. Tuy vậy, Hemingway tự cứu mình thoát ra khỏi bế tắc bằng cách khép mình vào công việc. Trong một lá thư gởi Kashkin, Hemingway bày tỏ lòng mình: “ Đối với chiến tranh, một khi đã khởi sự thì phải chiến thắng, đó là điều mà chúng ta không làm được. Chiến tranh chỉ là giai đoạn, tôi không bị giết vậy thì tôi phải làm việc. “ Ông khoe với Kashkin đã viết mười lăm ngàn chữ trên giấy. Ông sẽ viết truyện ngắn và tiểu thuyết về chiến tranh. Trong lúc Hemingway để tâm vào việc viết tiểu thuyết, tình hình Âu Châu trở nên suy đồi. Các nước trên lục địa Tây Âu tìm cách liên minh quân sự với Liên-Xô để chống lại Đức nhưng thất bại. Ngày 23 tháng Tám năm 1939, hai vị bộ trưởng ngoại giao Đức và Liên-Xô công bố hiệp ước tương thân không tấn công xâm chiếm lẫn nhau. Cả hai nước cùng bí mật ký một phụ bản (addendum) đồng lòng thôn tính những nước nhỏ ở Đông Âu. Nạn nhân đầu tiên là Ba-Lan. Ở phía Tây Âu, Đức cũng thôn tính Pháp vào năm 1939. Sau đó không lâu, Đức Ý Nhật liên kết thành phe Trục gây chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hitler xé bỏ hoà ước với Liên-Xô, đưa quân xâm lấn nước này. Đức oanh tạc Anh. Nhật đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông của Trung Hoa và Nam Á Châu, tấn công Pearl Harbor và xâm chiếm Philippines. Mỹ tuyên chiến với Nhật. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên-Xô và Trung Hoa liên minh chống lại phe Trục. Trước khi Mỹ tham gia chiến đấu, Hemingway cho ra mắt độc giả tiểu thuyết For Whom The Bell Told ở New York. Sau đó ông ta cùng với bà vợ thứ hai Gellhorn thực hiện một chuyến du hành bằng đường biển đến Trung Quốc vào đầu năm 1941.
Từ nhiều năm trước, Trung Hoa chiến đấu chống Nhật Bản xâm lăng. Đây là một cuộc chiến tranh tàn bạo không có ngày chấm dứt. Tham vọng của Nhật rất cụ thể, họ muốn chiếm đoạt tài nguyên và lãnh thổ. Họ không quan tâm đến những biện pháp họ thực hiện để đoạt được mục tiêu. Họ giết hàng loạt người Trung Hoa, bất kể là quân nhân hay dân sự. Sự kiện này gợi lại trong tâm trí Hemingway những cảnh tượng kinh hoàng trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha do phe Franco gây ra. Đó là về mặt nổi của chiến tranh chống ngoại xâm. Về mặt chìm, một cuộc tranh chấp ác liệt giữa lực lượng Quốc Dân Đảng (Kuomintang) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai cầm đầu, đang xảy ra trên đất nước Trung Hoa. Hemingway và Gellhorn đã tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch (TGThạch) và Châu Ân Lai (ChALai). Trung gian dàn xếp những cuộc tiếp xúc là một người đàn bà Đức, vợ của một người cộng sản Trung Hoa. Phải chăng tình báo Liên-Xô ngầm vận động Hemingway đến Trung-Hoa? Điều này không xảy ra vì hồ sơ mật của tình báo Liên-Xô vào năm 1948 ghi nhận “sự liên lạc không được tái lập với ‘Argo’ (bí danh của Hemingway ở Trung Hoa). Hơn nửa Hemingway khéo léo sử dụng những tin tức do TGThạch và ChALai tiết lộ để viết bài đăng báo. Trong một lần được các phóng viên khác phỏng vấn, ông đã giải thích: Quân đội của TGThạch giữ một vai trò quan trọng trong việc chống Nhật Bản vì đã cầm chân quân Nhật trên lãnh thổ Trung Hoa để Mỹ bảo vệ các tiền đồn ở Thái Bình Dương. Ông cũng mong muốn lực lượng Cộng Sản tạo được nhiều chiến thắng. Ông không phê phán hay hạ thấp phe nào vì không muốn làm giảm tinh thần và ý chí quyết chiến của người Trung Hoa đối với phát xít Nhật Bản. Đồng thời ông không bày tỏ quan niệm tiêu cực về các triển vọng Anh và Mỹ đánh thắng phe Trục, mặc dù ông vẫn còn hận chính quyền Roosevelt không hổ trợ lực lượng Republican trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Do thái độ trung dung về hai phe Quốc-Cộng đang tranh chấp quyền lực ở Trung Quốc, một số người nghi ngờ tình báo Sô-Viết đưa Hemingway đến Trung Hoa đề thăm dò tình hình. Lý do là trong giai đoạn này, Liên Xô đang trợ giúp vũ khí cho cả hai phe Quốc-Cộng chống lại Nhật Bản. Nói một cách đúng đắn Hemingway không làm gián điệp cho Liên-Xô. Cả hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa tiếp xúc với vợ chồng nhà văn vì muốn sử dụng Hemingway để chuyển một thông điệp thuận lợi cho riêng phe của mình đến công luận và chính quyền Mỹ ngay khi Hemingway vừa mới từ Trung Hoa trở về Mỹ. Còn Bộ Trưởng Tài Chánh Morgenthau chỉ muốn nghe ý kiến cá nhân của Hemingway về Trung Hoa, ngoài ra không lưu ý đến việc gì khác. Cuộc tiếp xúc giữa Morgenthau và Hemingway do ông Harry Dexter White sắp xếp. White là nhân vật quan trọng trong Bộ Ngân Khố Mỹ nhờ Hemingway thu thập tin tức về tình hình Trung Hoa vào năm 1941. White là cánh tay mặt của Morgenthau đồng thời là cảm tình viên của Đảng Cộng-Sản Sô-Viết. Sau chiến tranh White lộ diện làm gián điệp cho Liên-Xô. Có thể ông White đã tiết lộ nội dung của cuộc gặp gỡ nói trên cho tình báo Liên-Xô nhưng không có bằng chứng về chuyện này.

4. Ernest Hemingway hoạt động trong thời Thế Chiến thứ Hai 1942-1943:

Trong thời thế chiến thứ hai, nước Cuba đứng về phe Đồng Minh Anh-Pháp-Mỹ- Nga-Trung Hoa chống lại phe Trục Đức-Ý-Nhật. Cuba là một đảo quốc ở trong vùng biển Caribean, chỉ cách xa Keys West 90 dặm Anh. Từ lâu nước Mỹ thịnh vượng hầu như tự cho mình có quyền can thiệp vào tình hình chính trị của Cuba. Sau năm 1932, Ernest Hemingway đến Cuba nhiều lần để câu cá biển. Đến cuối thập niên này ông chọn Cuba làm nơi cư trú. Ông mua một ngôi nhà trên một ngọn đồi chỉ cách Thủ đô Havana vài dặm Anh và từ mặt tiền nhìn thấy biển ở khoảng cách vừa tầm nhìn. Ngôi nhà có tên là Finca Vigia, xây vào năm 1886 giữa một khu vườn rộng lớn trồng chuối và cây cảnh. Tại đây Hemingway cùng với vợ vừa hưởng thú an nhàn vừa có thái độ chờ xem tình hình cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào.
Lúc bấy giờ, một điệp viên người Đức theo chủ nghĩa cộng sản tên là Richard Sorge làm phóng viên ngoại quốc thường trú ở Tokyo. Ông ta giả vờ năng nổ hoạt động với Tòa Đại Sứ Đức ở Tokyo để lấy tin tức. Nhờ vậy ông ta báo cho Staline biết trước để chuẩn bị đối phó khi Hitler ồ ạt tấn công Nga. Nhưng Staline không quan tâm đến. Winston Churchill, thủ tướng Anh, cũng báo cho Staline biết tin này nhưng Staline lờ đi. Hitler đưa 45 sư đoàn bộ binh và lực lượng một lần nữa rồi đi Moscow cùng với vợ. Bây giờ Hemingway được đích thân Molotov mời thăm viếng Liên-Xô, nhưng ông không nhận lời. Giới quan sát thời cuộc đặt câu hỏi. Tại sao Liên Xô mời Hemingway đến viếng đất nước trong lúc các thành phố văn hóa như Moscow và Leningrad còn đầy dấu vết xâm lăng của quân đội Hitler? Câu trả lời là (1) Moscow muốn tạo cơ hội để ban tham mưu tình báo Liên-Xô gặp trực tiếp Hemingway và biến Hemingway trở thành một điệp viên đa năng hoàn hão. Hoặc (2) Moscow muốn nhờ Hemingway viết vài bài báo ca ngợi quân đội Liên Xô để vận động giới chính trị gia và những nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ giúp đỡ vì Liên-Xô đang cần bạn bè và vũ khí. Hemingway không nhận lời vì ông ta nghĩ đến thất bại về truyền thông mà ông đã sử dụng để hy vọng Tổng Thống Roosevelt ủng hộ phe Republica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha trong thập niên 1930.
Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào khúc quanh lịch sử khi Nhật tấn công Pearl Harbor vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Máy bay Nhật tàn sát gần 2 ngàn quân nhân. Trong khi Pearl Harbor còn đang bốc khói, Đức tuyên chiến với Mỹ. Mỹ đáp trả bằng cách tuyên chiến với Nhật và Đức. Đồng thời Mỹ liên kết với Anh Pháp Nga Trung Hoa đánh phe Trục Đức Ý Nhật. Hemingway nhận được tin Pearl Harbor bị Nhật tấn công khi đang trên đường từ Mỹ trở lại Cuba. Trong lần trở lại này, Hemingway tiếp xúc với nhiều bạn bè ngoại quốc và Mỹ. Lúc bấy giờ trong cộng đồng Tây Ban Nha có nhiều người giả dạng thuơng nhân để hoạt động tình báo, thăm dò tin tức để báo động với Hitler và Mussolini. Tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Havana báo cho Washington biết Hemingway không e ngại thành phần phát-xít ở đây và sẵn sàng đụng độ hay đi truy lùng bọn chúng. Một nhà ngoại giao khác có tên là Robert P. Joyce, là bạn thân của Hemingway. Vào khoảng đầu năm 1942 nhà văn nói với Joyce, ông ta muốn đóng góp khả năng của mình vào cuộc chiến bằng cách tổ chức một cơ sở phản gián ở Havana. Hemingway trình bày với Joyce phương thức phản tình báo mà ông đã học hỏi trong khi làm việc với tổ phản gián của phe Republican trong cuộc nội chiến Tây ban Nha. Joyce báo cáo ý kiến của Hemingway với Đại Sứ Mỹ Spruille Braden, cấp trên của Joyce. Ông Đại Sứ tán thành việc thành lập một tổ phản gián tài tử. Braden gọi Hemingway là “người bạn của mọi người dân” ở Havana và Tòa Đại Sứ là nơi quy tụ bạn bè. Đến tháng 8 năm 1942, Braden báo cho bộ phận tham mưu biết ông quyết định giao công tác tình báo cho Hemingway thực hiện. “Theo dõi hoạt động của kẻ thù phát-xít Tây Ban Nha mà FBI thất bại truy lùng tin tức.” Hemingway vui vẽ nhận nhiệm vụ và đặt tên là Tổ Crook Factory khác với Ban Tội Phạm mà Toà Đại Sứ thường sử dụng để hoạt động. Công việc làm của Hemingway cũng bị một vài viên chức tình báo chỉ trích và xem là vô giá trị khi họ tường trình về Washington. Nhưng tin tức do Hemingway cung cấp lại được ông Đại Sứ Mỹ đánh điện về Washington công nhận “ việc khai triển những sinh hoạt của người Tây Ban Nha là đúng, kiểm tra kỹ lưỡng, tái kiểm tra và chứng tỏ rất xác thực.” Để tránh tình trạng xung đột nghề nghiệp giữa Hemingway tình báo tài tử và nhân viên tình báo nhà nghề, ông Edgar Hoover, Giám Đốc FBI luôn luôn dặn dò mọi người ở Havana: “ sử dụng phong cách ngoại giao để thảo luận với ông Đại Sứ Braden nếu thấy điều bất lợi khi ông ta giao việc cho một người không phải là công chức chuyên nghiệp trong ngành tình báo mà lại là người hoạt động tình báo tài tử như Hemingway.”
Thực tế cho thấy Đại Sứ Braden biết cách sử dụng nhân sự. Ông đã mạnh dạn giao việc cho Hemingway. Nhà văn thường đưa tàu Pilar đi đánh cá trong vùng biển Caribean ở về hướng Bắc của nước Cuba. Pilar dài 38 feet, đúng ra nó chỉ là một chiếc thuyền câu cá biển. Hemingway biến Pilar thành một tàu gián điệp trong hai năm 1942 và 1943. Khi thực hiện nhiệm vụ gián điệp, nó có vẻ ma quái với thân tàu màu đen, chạy sát mặt nước, khó thấy ngay cả khi lướt sóng giữa ban ngày. Hemingway sử dụng Pillar để trợ lực cho Trung Tá John W. Thomason Jr. và cơ quan tình báo Hải Quân Mỹ. Công việc này phù hợp với sở thích của ông vì ông vừa tham gia chiến tranh vừa được sống trên sóng nước. Nó cũng gợi cho ông cái thú mạo hiểm và hoạt động bắp thịt ở ngoài trời với biển cả mênh mông. Nó khác xa với chuyện làm gián điệp cổ điển cho phe Cộng Hòa thân Liên-Xô trong thời nội chiến Tây Ban Nha hay hoạt động phản gián cho toà Đại Sứ Mỹ ở Havana. Nhưng điều ông khoái chí là đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng tàu Pilar để làm việc cho nước Mỹ. Lúc bấy giờ, nhiều tàu chiến Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm trong nhiều phần của biển Đại Tây Dương. Tàu Pilar có nhiệm vụ tuần tra bờ biển phía Bắc của Cuba và điện báo cho Hải Quân Mỹ biết mỗi khi thấy tàu ngầm Đức nổi lên mặt biển. Đồng thời Pilar cũng thi hành tác chiến như đánh chìm tàu U-boat, mặc dù tàu này lớn và dài đến 250 feet và được trang bị súng 10.5 cm (deck gun 10.5 cm). Súng này có khả năng bắn thuyền nhỏ bay khỏi mặt nước với chỉ một phát súng. Hemingway thi hành nhiệm vụ này như thế nào? Hải quân Đức thấy tàu nhỏ đang đánh cá. Ngư phủ tàu Pilar hy vọng tàu Đức sẽ cặp hông Pilar để mua hay tịch thu cá và nước ngọt. Lúc đó ngư phủ tàu Pilar sẽ tấn công tàu địch bằng súng bazookas, súng máy, lựu đạn và satchel charge ( bộc phá ?). Hemingway còn sử dụng một dụng cụ thể thao của người Basque để tung lựu đạn rất nhanh và xa. Thoạt trông cuộc giao tranh thật là phù phiếm, không ai tin vào chiến thắng, nhưng thật sự đã thành công vì tạo được yếu tố “bất ngờ và thủy thủ được huấn luyện kỹ lưỡng.”
Pilar bắt đầu tham gia chiến đấu vào mùa hè 1942, trước tiên là những cuộc hành quân có tính cách huấn luyện. Hemingway càng ngày càng tin tưởng khả năng điều hành của mình và nhận thêm khí cụ. Ông đưa tàu Pilar ra khơi xa bờ hơn, có khi tàu chạy về hướng Tây Bắc đến một đảo cát ở cuối eo biển Bahamas. Thủy thủ lên đảo, cắm lều và luân phiên canh tàu địch. Đại sứ Braden đánh giá rất cao sự đóng góp công sức của Hemingway trong chiến tranh. Khi cuộc hành trình cuối cùng của tàu Pilar chấm dứt vào mùa hè 1943, vì sự đe dọa của tàu U-boat đã giảm, ông Đại Sứ viết thư cám ơn Hemingway về tất cả những dịch vụ mà nhà văn đã thực hiện trên đất liền và trên biển.

5.Phóng viên chiến trường đến Paris 1944 và trở về sống ở Cuba 1945-1960:

Tình hình chiến sự trên các lục địa Âu, Á và Phi bắt đầu thay đổi chiều hướng. Lực lượng Đồng Minh phản công. Anh tung quân đánh các vị trí quân sự của Đức ở Vùng Bắc Phi và Vùng Trung Đông, Mỹ tái chiếm Phillipines từ tay Nhật Bản. Vào ngày 6 tháng 6 năm1944, Mỹ đổ bộ lên Normandie, đẩy quân Đức lui về nội địa Pháp. Kháng chiến Pháp hoạt động mạnh mẽ hơn để gây rối quân Đức. Hemingway giã từ Cuba và Mỹ để vừa tham gia chiến trận vừa làm phóng viên chiến trường. Hemmingway đảm nhiệm chức vụ trưởng cơ quan tình báo ở Rambouillet, một thành phố nhỏ, trinh sát những con đường mà lực lượng Đồng minh có thể sử dụng để tiến quân về Paris. Trong lúc Hemmingway và người tài xế đang đi trên một chiếc xe jeep trong con đường làng, họ gặp một nhóm kháng chiến quân người Pháp, trang bị nhiều thứ vũ khí khác nhau. Đây là những người trẻ theo cộng sản rất cực đoan. Hemingway trình bày mục đích của chuyến đi bằng tiếng Pháp nên họ rất khâm phục và yêu cầu được theo nhà văn đến Paris. Dọc đường đoàn người chiếm một đồn lính Đức vừa bỏ hoang. Lúc này Hemingway tìm cách liên lạc với một đơn vị lính Mỹ gần nhất để báo cáo tình trạng của ông và những điều ông đã thấy ở dọc đường. Hemingway phối hợp với Đại Tá David K. E. Bruce, thuộc tình báo OSS của Mỹ, cung cấp cho Tướng Leclerc, chỉ huy trưởng lực lượng kháng chiến Pháp, những tin tức về quân đội Đức từ Rembouillet đến Paris và dành cho đoàn quân của Tướng Leclerc vinh dự tiến vào Paris đầu tiên.
Đến tháng giêng 1945, chiến tranh ở Châu Âu dần dần tàn lụi. Hemingway trở về nhà ở Cuba vào tháng 3 năm 1945 trên chuyến máy bay vượt Đại Tây Dương. Khi về đến ngôi nhà Finca, ông bắt đầu sắp xếp thời gian để viết truyện, mỗi ngày viết vài giờ và bắt đầu viết từ lúc bình minh. Có thể nói trong thời gian chiến tranh lạnh 1946 đến 1957, Cuba là nơi ẩn dật an toàn của Hemingway. Cuốn tiểu thuyết The Old Man and The Sea được giải thưởng Pulitzer vào năm 1953 và ông lãnh giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1954. Những người danh tiếng như nữ tài tử Ingrid Bergman, đạo diễn John Houston, và bạn bè khắp năm châu khen ngợi và tôn vinh Hemingway là người vĩ đại. Nhưng ông không cảm thấy vĩ đại. Ông không đến Stockhom, thủ đô của Thụy Điển để nhận giải thưởng; ông chỉ gởi một điện văn chấp nhận và phản ánh tâm tư của một nhà văn và số phận của tác phẩm khi ra đời. Ông bắt đầu điện văn bằng câu: “Cố gắng hết sức để viết văn hay đòi hỏi nhà văn phải sống một cuôc đời lẻ loi.” “ Thành danh trong tâm can công chúng khi hắn lột tả được sự cô đơn của bản thân mình và tác phẩm của hắn thường bị hư hỏng. Nhưng hắn luôn luôn cố gắng để tạo được “một điều gì chưa ai làm được hay những kẻ khác đã thử làm và thất bại.”
Hemingway sống an nhàn ở Cuba với những thú vui như câu cá, săn bắn, xem chọi gà, và nhâm nhi vài ly với bạn bè, nhưng ông vẫn quan tâm đến chính trị. Cuba bắt đầu trở nên bất ổn sau biến cố Cựu Trung Sĩ Quân Đội Fulgencio Batista đoạt chính quyền vào tháng Ba năm 1952. Ông tuyên bố thành lập một nền dân chủ khuôn phép (disciplined democracy). Thực chất của chế độ là tạo cơ hội để tập đoàn cầm quyền tham lam vơ vét của cải để làm giàu cho Bastista và bộ hạ trung thành với ông ta, đồng thời kinh doanh gian dối với những nhà đầu tư ngoại quốc để trục lợi. (Nên gọi chế độ là Kleptocracy thì đúng hơn). Ngoài những công ty của Mỹ còn có Mafia đầu tư vào khách sạn và sòng bài, biến Havana trở thành nơi du hí của khách du lịch Mỹ. Người dân Cuba bất mãn với chế độ tham ô Bastista. Các thành phần khuynh tả hay chống đế quốc hay dân chủ kết hợp thành từng nhóm chống đối Batista.
Trong số những người lãnh đạo các nhóm chống chính phủ, nổi bật nhất là Fidel Castro, một thanh niên 25 tuổi. Vào năm 20 tuổi (1947), Fidel Castro đã tham gia hoạt động chính trị lật đổ nhà độc tài Rafael Trujillo ở nước Dominican Republic. Sau khi thất bại trong một cuộc tranh cử, Fidel Castro nhận định biện pháp duy nhất để lật đổ Batista là sử dụng vũ lực. Vào năm 1953, lực lượng vũ trang của Fidel tấn công đồn binh Moncada trong thành phố Santiago, nhưng thất bại. Fidel bị Batista bắt giam, đến năm 1955 Batista tin rằng Fidel không còn là mối đe dọa nên thả ra. Fidel lại chiêu mộ người tình nguyện, lập chiến khu ở vùng núi cách xa Havana để vừa chiến đấu bằng vũ lực vừa kêu gọi dân chúng Cuba đình công bãi thị. Cuộc đấu tranh thành công đưa Fidel Castro lên nắm chính quyền. Hemingway gặp Fidel Castro lần đầu tiên vào năm 1960 khi ông tổ chức một cuộc thi câu cá. Kết qủa Fidel về hạng nhất vì câu được con cá nặng nhất. Khi nhà văn trao giải thưởng cho nhà vô địch, Fidel nói với Hemingway, ông ta ngưỡng mộ văn tài và học được nhiều điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told và cho nhà văn biết ông ta đã đút cuốn truyện vào ba-lô để đem vào rừng. Đây là lần gặp gỡ độc nhất giữa nhà văn và nhà cách mạng. Lúc bấy giờ sự bang giao giữa Mỹ và Cuba đang gặp khó khăn. Fidel Castro tổ chức một cuộc biểu tình chống Mỹ vào ngày Fourth of July tại trung tâm thủ đô Havana. Hai ngày sau,Tổng Thống Eisenhower ra lệnh cắt khẩu phần nhập cảng đường của Cuba. Toà Đại Sứ Mỹ khuyên công dân Mỹ rời khỏi Cuba. Fidel trả đủa bằng cách đe dọa người Mỹ và tài sản của họ trên đất nước Cuba. Hành độngnày gây khó xử cho Hemingway vì Fidel vẫn mong muốn nhà văn tiếp tục cư ngụ tại ngôi nhà của ông ở Havana. Hemingway thổ lộ với bạn bè: ông không thể nào an tâm ở lại Cuba trong khi những người Mỹ khác đang bị xua đuổi và nước Mỹ đang bị nhục mạ… Cuối cùng Hemingway cùng với gia đình lên một chiếc phà giã từ Havana để trở về Keys West vào ngày 25 tháng Bảy. Sau đó ông bay đi New York và Châu Âu.

6. Nổi bận tâm của Ernest Hemingway 1935-1961:

Những chuổi sự kiện thực tế và tưởng tượng lẫn lộn trong tâm trí của Hemingway trong suốt một thời gian dài, bao gồm: (i) Hồ sơ FBI, (ii) Gián điệp Liên-Xô và Hemingway, (iii) Hemingway và phong trào cách mạng Fidel Castro.
(i) Hồ sơ FBI: Trước khi Mỹ tham gia Thế Chiến 2, FBI lập một bảng ghi nhớ về khuynh hướng thiên tả của Hemingway và Hemingway ủng hộ các thành phần của lực lượng Republica Tây Ban Nha như: sư đoàn Abraham Lincoln, “hội đồng Cộng sản…hổ trợ nền Dân Chủ TâyBan Nha.” Về sau những chi tiết này trở thành vấn đề quan tâm trong hồ sơ an ninh của FBI. Sau trận đánh Pearl Harbor, Toà Đại Sứ Mỹ tiếp xúc với FBI về kế hoạch sử dụng Hemingway điều hành bộ phận trinh sát trá hình. Chính sự kiện này đã quấy rầy Hemingway. Về chuyện này, ông Hoover, Giám Đốc FBI ra lệnh cho nhân viên của ông viết một bảng tường trình những điều gì FBI biết về Hemingway. Kết qủa FBI đã công nhận “không có tin tức chính xác để buộc Hemingway dính líu với Đảng Cộng Sản…hay ông ta đã và đang là đảng viên Cộng Sản.”
Cũng trong khoảng thời gian này, FBI thiết lập hồ sơ số 64-23312 về hoạt động của Hemingway. Số 64 là “Hồ sơ linh tinh về ngoại quốc” trong đó có những vấn đề ở Cuba. Rất nhiều thông tin trong hồ sơ nói về những sự đụng chạm giữa “Crook Factory” của Hemingway và FBI ở Cuba cũng như những đặc điểm tình báo của Hemingway. Có thông tin lại mô tả mối quan tâm của FBI về việc Hemingway có thể viết một cuốn sách chỉ trích FBI trong tương lai. Đây là điều Giám Đốc Hoover muốn tránh né. Hồ sơ số 64 không nhằm mục đích điều tra để truy tố Hemingway về hình sự: tội gián điệp. Năm 1955, một nhân viên FBI rà xét lại một loạt hồ sơ được thiết lập từ năm 1938, đã kết luận “không có một cuộc điều tra nào … do FBI tiến hành liên quan đến cá nhân Hemingway.” Từ năm 1942 ông đã sai lạc khi nghĩ rằng chính phủ Mỹ lưu ý và đòi hỏi ông chứng tỏ lòng tin cậy đối với công quyền. Thư từ của ông cũng như mọi công dân khác đều bị kiểm duyệt trong thời kỳ chiến tranh. Không ai theo dõi ông trong suốt thời gian ông sống ở Cuba hay New York. Không những thế, năm 1947 ông được mời đến dự một buổi lễ long trọng do Tòa Đại Sứ ở Cuba tổ chức để nhận Huy Chương Đồng của Lục Quân Mỹ, tưởng thưởng những công trạng ông đã thực hiện trong thời chiến tranh. Một vị Đại Tá trong lễ phục nhà binh đã gắn huy chương lên ngực áo của ông sau khi một vị phụ tá đọc bảng tuyên dương thành tích trong thời gian ông làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường sau ngày D và thời gian Ông cùng với Đại tá David Brown tại mặt trận với tiểu đoàn Bộ Binh thứ 22. Bảng tuyên dương ghi nhận Hemingway “thành thạo kỹ thuật quân sự tân tiến” và “hoạt động dưới lửa đạn trong vùng giao tranh để đem đến cho độc giả những bức ảnh sống động về những khó khăn và chiến thắng của binh sĩ nơi tiền tuyến.” Tuy vậy ông tỏ vẻ không hài lòng và thắc mắc tại sao ông không được tặng thưởng một huy chương cao quý hơn, Distinguished Service Cross – DSC.
(ii) Điệp viên Liên-Xô và Hemingway trong thời chiến tranh lạnh: Vào tháng 7 năm 1948, tờ báo lá cải New York quãng bá bà hoàng “Red Ring Bared by blond Queen) có khả năng vạch trần những điều gì nàng biết về gián điệp Liên-xô ở Mỹ. Vài ngày sau cơ quan the HouseUn-American Activitiec Committee mời nàng đến điều trần. Tại đây người ta biết tên nàng là Elizabeth Bentley, tốt nghiệp trường Vassar, gia nhập đảng Cộng Sản năm 1935 tại New York. Nàng làm việc và sống chung với Jacob Golos. Jacob Golos là người ủng hộ đảng cộng sản trong thời cách mạng Nga. Ông di cư sang Mỹ và trở thành nhân viên của NKVD ở New York. Ông tuyển dụng Hemingway cho “công việc của chúng ta (our work)” vào cuối năm 1940 hay đầu năm 1941. Ông chết vào ngày lễ Tạ Ơn năm 1943. Golos cho Bentley biết một số tin tình báo. Nàng đã khai rất nhiều người Mỹ làm gián điệp cho Liên-Xô từ Bạch Cung cho đến Ngân Khố, Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp kể cả thám tử của OSS, cơ quan tình báo thời chiến tranh. Nàng khai Ducan Lee, viên chức OSS, trao cho nàng một số tin tức giống như tin Lee đã bỏ vào hộp thư của tướng Donovan. Bentley không biết Hemingway, nàng chỉ nghe Golos nói tên Hemingway mà thôi. Đến tháng 1 năm 1952, hai người Mỹ cộng sản, Julius và Ethel Rosenberg bị Tòa New York xử về vai trò của họ trong việc ăn cắp bí mật về bom nguyên tử Mỹ. Tại phiên xử, Bentley khai Golos và Hemmingway đã bí mật gặp Julius. Sau khi Golos chết, Bentley đầu thú với FBI và đưa ra bằng chứng phản lại Golos. Nhờ vậy Mỹ giải được mật mã của Liên Xô. Chuyện khai báo của Bentley làm Hemingway bận tậm trong một thời gian dài vì Hemingway đã tiếp xúc với Golos trong thời nội chiến Tây Ban Nha.
(iii) Fidel Castro và phong trào cách mạng: Vào khoảng tháng 2, 1957 Herber L’ Matthews, phóng viên báo New York Times, bạn thân của Hemingway, đến Cuba để viết một loạt bài phóng sự về Fidel Castro và phong trào tranh đấu dành chính quyền ở Cuba. Vào một buổi tối, Mathews đến nhà Hemingway dùng cơm. Trong lúc ngà ngà men rượu Mathews tán dương Castro là nhân vật chính trị cương quyết đấu tranh chống đế quốc và phát-xít, giống như tâm trạng của Hemingway khi chiến đấu và cổ động cho phe Cộng Hòa được Staline ủng hộ năm 1936. Fidel Castro là người theo cánh tả chứ không phải là Cộng Sản. Fidel Castro đang lãnh đạo một lực lượng du kích, lập chiến khu ở vùng rừng núi để chống lại chế độ độc tài và tham nhũng Batista. Matthews còn cho Hemingway biết Fidel Castro không những đọc mà còn học những điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told. Mathew còn tiết lộ Fidel Castro đã nói với ông ta: “chúng tôi đem … (cuốn sách) vào núi , và nó dạy cho chúng tôi biết chiến tranh du kích như thế nào.” Những điều Mathews nói ra tác động mạnh đến tâm hồn Hemingway. Vì vậy Hemingway viết nhiều bài báo bênh vực Fidel Castro trong thời gian chống đối Batista và sau khi nắm chính quyền trong tay.
Qua mùa Xuân 1958 Hemingway cùng Mary, người vợ thứ tư và Gregorio Fuentes, công nhân canh tàu lái chiếc Pilar đi câu cá ở vùng biển phía Bắc Cuba. Biển động sóng lớn nên Hemingway neo tàu lại. Mary thả mồi câu vừa lúc Hemingway lái tàu ra xa bờ khoảng 10 miles. Nhà văn giao tay lái cho vợ còn ông ta và Gregorio có công việc riêng cần làm. Từ trên bong tàu Mary nhìn xuống qua khe hở thấy hai người đàn ông mở nhiều hộc và đem ra ngoài nhiều loại súng lớn, súng trường, súng shotgun cưa nòng, lựu đạn, ống đựng đạn và thắt lưng mang đạn dược. Mary đã nằm ngủ bên trên kho vũ khí mà nàng không hay biết. Bây giờ hai người đàn ông đem tất cả súng ống đạn dược quăng xuống biển. Hemingway không cho Mary biết xuất xứ của mớ vũ khí này và tại sao dấu dưới hầm tàu Pilar. Mãi về sau Gregorio mới nói cho Mary biết Hemingway sai Gregoria cất dấu để: ”trang bị cho phong trào cách mạng.” Sự việc này cũng là mối bận tâm của Hemingway về sau này. Có lẽ ông sợ FBI nghi ngờ ông đã trợ giúp Fidel Castro chống chính quyền Cuba thân Mỹ vào những năm 1960-1961 để đưa đất nước Cuba vào con đường cộng sản.

7. Thời gian còn lại từ tháng 8/1960 đến tháng 7/1961:

Vào ngày 15 tháng 8, 1960 Mary nhận được thư của chồng từ Châu Âu gởi về. Thư cho biết “cơ thể và trí nảo của Hemingway bị suy sụp vì làm việc quá sức.” A. E. Hotchner, nhà văn và ký giả Mỹ, sinh năm 1920, đã từng đến Havana năm 1948 để phỏng vấn Hemingway và trở nên bạn thân của Hemingway, bay qua Châu Âu đưa Hemingway về lại New York để Mary lo chăm sóc. Mary và Hotchner lo tìm chuyên viên giúp đỡ. Trước tiên họ tham khảo với bác sĩ tâm sinh lý về căn bệnh của Heminhway ở New York. Kế tiếp theo khuyến cáo của bác sĩ, họ đưa Hemingway đến điều trị ở bệnh viện Mayo Clinic, thành phố Rochester, tiẻu bang Minnesota. Hemingway được Bác Sĩ Howard Rome chẩn đoán ông mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng vì bị thêm chứng rối loạn tinh thần (depression complicated by paranoia). Cách chửa trị là chạy điện (electroconvulsive therapy). Cách này không thông dụng vào thời bấy giờ. Khi chửa trị, bác sĩ gây mê Hemingway, ràng ông vào bàn và gắn điện cực (electrodes) vào màng tang để dòng điện chạy lên não. Sau khi chạy điện từ 11 đến 15 lần, bệnh hầu như thuyên giảm, nhưng nhà văn lại có mối lo khác. Ông sợ dòng điện sẽ xoá trí nhớ của ông (quả thật, mất trí nhớ là một phản ứng nghịch thường xảy ra). Ông thường nói với Hotchener, trí não là nơi ông chứa đựng nguồn vốn của ông ; một khi ông bị mất hết vốn, ông không làm việc được. Ông bị chứng hoang tưởng (delusion). Ông nghĩ rằng ông bị FBI theo dõi từ khi ông trở về từ Châu Âu năm 1960. Đối với ông, những người nào không mặc quần jeans và mang giày ống cao-bồi đều đáng bị nghi ngờ là nhân viên FBI. Theo ông, nhân viên FBI luôn luôn mặc suits màu sậm và áo sơ-mi trắng để đi làm việc. Khi Hotchener hỏi vì sao ông nghĩ FBI chú ý đến ông, ông trả lời vì những “cuốn sách nghi ngờ” mà ông đã viết, bạn ông là ai và ông đang sống ở đâu … “với những người cộng sản Cuba.” Hemingway còn chờ đợi FBI đến bắt ông và thẩm vấn ông.
Vào khoảng đầu năm 1961, bang giao giữa Mỹ và Cuba trở nên tồi tệ. Hemingway suy nghĩ nhiều về những biến chuyển chính trị ở Cuba. Một người bạn tên Mathew viết thư cho Hemingway “chỉ trích những sự quá đáng, liên hệ với cộng sản Liên-Xô, Cách Mạng công khai bày tỏ thái độ cực đoan chống Mỹ”. Chính quyền Tổng Thống Eisenhower không bằng lòng, bang giao giữa hai nước trở nên nghiêm trọng. Ngày 17 tháng 4 năm 1961, một lực lượng 1,400 người Cuba lưu vong, được CIA huấn luyện và trang bị vũ khí đổ bộ lên bờ biển phía Nam Cuba. Đại biểu Cuba tuyên bố ở Liên Hiệp Quốc lúc 11:00 AM “sáng nay Cuba bị một lực lượng cướp biển xâm lăng dưới sự chỉ huy… của Mỹ.” Lực lượng này bị quân đội Cuba đánh tan. Đến ngày 20 tháng 4, Fidel Castro tuyên bố chiến thắng.” Báo Times đăng lời tuyên bố này vào ngày hôm sau. Castro kịch liệt chống Mỹ. Hemingway có thiện cảm với Cuba nhưng ông không thế nào chống lại đất nước của ông. Sự dày vò tâm lý này gợi lại vết thương lòng mà ông trải nghiệm trong thời nội chiến Tây Ban Nha, một sự chọn lựa bắt buộc ông phải nghiêng về nước Mỹ thân yêu. Về cuộc sống nội tâm, ông biết là ông không thể nào trở về nhà, đi dạo dưới tàng lá rặng cây ceiba ở trước cửa lớn của ngôi nhà Finca, hay lái tàu Pilar ra khỏi hải cảng rồi chạy ngang qua lâu đài Tây Ban Nha cổ kính hay buổi chiều ra quán Floridita uống rượu Papa Dobles với bạn bè. Nội tâm và ngoại cảnh đều mang lại sự buồn chán. Vì vậy căn bệnh của ông trở nên trầm trọng. Những người thân nhận thấy ông có triệu chứng muốn tự tử. Buổi sáng ngày 21 tháng 4, Mary thấy ông ngồi trong phòng khách với khẩu súng trường shotgun trong tay và hai viên đạn trên ngưởng cửa ở trong tầm tay với. Mary nhỏ nhẻ nói với ông về những dự định mà hai người còn có thể thực hiện như đi Mexico, trở lại thăm viếng Paris, có thể tham dự một cuộc săn bắn ở Phi Châu. Khi người bạn thân, bác sĩ Saviers đến đo huyết áp và khuyên ông bỏ súng xuống, ông nghe lời. Sau đó Mary và bác sĩ Savier lại sắp xếp chuyến bay để đưa ông vào lại nhà thương Mayo Clinic. Tại phi trường Casper, Wyoming, ông muốn lao mình vào cánh quạt máy bay. Đến tháng 6, bác sĩ bệnh viện Mayo Clinic quyết định cho ông về nhà. Mary cảm thấy nghi ngờ. Hemingway làm một việc ông thích nhất ở trên cõi đời. “VIẾT.” Ông viết một lá thư cho con trai René, dặn dò René chăm sóc “mấy con mèo, mấy con chó thân yêu và ngôi nhà Finca. ” Ông đoan quyết với con trai dầu cho điều gì xảy ra, Papa vẫn luôn luôn nhớ đến con.
Vào buổi sáng thứ Bảy ngày 1 tháng Bảy 1961, nắng ráo và ấm cúng, Hemingway rủ Brown cùng đi bộ lên ngọn đồi ở phía Bắc ngôi nhà. Sau đó hai người lái xe dạo phố thăm bạn bè. Buổi chiều Hemingway đải Mary và Brown, đấu thủ quyền Anh (the boxer,) ăn tối tại tiệm ăn quen thuộc Christina ở dưới phố. Ba người ngồi vào bàn ở trong góc tiệm và có thể nhìn thấy bất cứ khách hàng nào ở trong tiệm. Trong khi đang ăn, Hemingway nhìn sang bàn bên cạnh và hỏi cô hầu bàn về hai người đàn ông ngồi ở đó. Cô hầu bàn nghĩ họ là những người bán hàng ở phố lân cận. Bổng nhiên Hemingway nói ”Không vào ngày thứ Bảy”. Khi thấy cô hầu bàn nhún vai, Hemingway dịu giọng giải thích, “Họ là FBI”. Sáng hôm sau, Mary thức dậy khi nghe một tiếng động tựa như hai hộc bàn chạm vào nhau. Nàng đi xuống tầng trệt để xem xét. Nàng thấy Hemingway chết ở tiền đình phòng khách, nơi nàng đã lấy khẩu súng và đem cất vào tháng Tư. Hemingway đã thức dậy sớm trước tất cả mọi người, lặng lẽ bước xuống cầu thang với khẩu súng shotgun hai nòng, kết liểu cuộc đời của một đại văn hào Mỹ, người đã tích cực chiến đấu cho những điều mà ông tin tưởng.

Lê Trung Hiếu

Views: 265

Posted in sach bao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *