Thư Gửi Bạn Hiền Đỗ Tiến Đức Nhân Đọc “Tập Truyện Nguyệt Thực”

Nguyễn đắc Điều

Ông,
Tôi mới vừa đọc xong tập truyện ngắn Nguyệt thực của ông. Nói một cách công tâm, ông chọn truyện và xếp thứ tự các truyện trong tuyển tập này rất tinh tế, khá “bài bản”.

Truyện Hậu Trường như là kéo cánh màn nhung một rạp hát để giới thiệu tổng quát cuộc đời mà mỗi người được thủ một vai diễn trong hý trường. Ông viết ra những cuộc đời tiêu biểu qua đời sống thực của các nhân vật, có nhiều sự thực mà chính tôi cũng không tưởng tượng là có thể xảy ra trên cõi đời này. Nhưng ông lại cho đó chỉ mới là một phần của sự thật và tất cả các sự thật trên đời này đã bị che phủ bởi nguyệt thực. Không biết có phải đó là lý do mà ông đã xếp truyện Nguyệt Thực vào phần chót để “đóng màn nhung” cho tập truyện, và cũng để nhấn mạnh những sự kiện độc giả đã đọc qua các truyện trước, cho dù có “ghê gớm ngoài luồng” đến đâu thì mới chỉ là một phần của sự thật Hậu Trường đời thường.
Cho nên thú thật với ông, khi đọc tôi thấy tình đời sao mà thảm quá!!!, Tuy nhiên nhiều lúc cũng thấy “đã quá” ấy chứ!!!

Hậu Trường là câu chuyện vượt biên và định cư của diễn viên cải lương Vĩnh Hảo đã “có duyên” sống chung tại trại tỵ nạn Bidong cùng với bà Hòa và người con gái 14 tuổi tên Tâm. Bà Hòa chết vì đẻ khó trong điều kiện thiếu phương tiện y tế của trại tỵ nạn, nhưng nguyên nhân chính là tham nhũng. Trong khi chung sống tại trại tỵ nạn một tình cảm luyến ái đã xẩy ra giữa kép Vĩnh Hảo và bà Hòa và sau đó là tình phụ tử của diễn viên cải lương Vĩnh Hảo với cô Tâm. Trên đất tạm dung, ban ngày kép Vĩnh Hảo và cô Tâm sống trên danh nghĩa là bố con cùng nhau đi hát cải lương để kiếm sống đồng thời có cơ hội bộc lộ tình cảm luyến ái qua các trích đoạn cải lương Lương Sơn Bá –Chúc Anh Đài hay Chuyện tình Lan và Điệp; nhưng ban đêm, cô Tâm đã chủ động thủ vai người tình “quậy phá” kép Vĩnh Hảo. Ngược lại, kép Vĩnh Hảo cũng phải đóng vai “người hùng” nửa đường phải quay ngựa trở về để giữ được lời hứa với bà Hòa là sẽ săn sóc cô Tâm như con. Rồi… án mạng xẩy ra. Cô Tâm mang tội giết chồng Mỹ, kép Vĩnh Hảo quay trở về trại Bidong để sống lại với quá khứ và tự tìm lấy cái chết để mong hai linh hồn Vĩnh Hảo và Hòa chung sống an lành trong cuộc đời khác. Nhưng, thay vì đến với cái chết, tình đời cũng lắm chuyện trớ trêu, kép Vĩnh Hảo lại khám phá ra được tình yêu đích thực mà khi mải mê “đóng tuồng” ông đã không phân biệt được giữa Hậu Trường và cuộc đời. Một câu nói của bà Monique Nguyễn: “Cái con ngựa cái đó… à à… em xin lỗi, cái cô con gái đó không ngờ nó chơi ngon quá, phải không anh” đã đưa kép Vĩnh Hảo ngộ ra và tính chuyện quay trở về lại Mỹ.

Đoạn ông viết về cuộc đối thoại giữa ông Thầy sư, bà Monique Nguyễn và ông Vĩnh Hảo về việc trả giá cầu an cho bà Hòa thật tuyệt vời. Không biết ông Thầy đang đóng vai nhà sư hay kép Vĩnh Hảo từ bỏ vai Điệp để đóng vai người thường. Ai là Sư thật, ai là người đóng vai Sư. Thật đúng là Hậu Trường của cuộc đời!!!. Những đoạn đối thoại giữa bà Monique Nguyễn với kép Vĩnh Hỏa rất dí dỏm hài hước.

Gia đình ông vượt biên và đã tạm trú tại trại tỵ nạn Bidong, bà Phương Nga đã sinh cháu gái Phương Đông, mà tôi thường gọi cháu bằng cái tên thân mật Bi-đông, tại đây nên chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm và có lẽ ông đã xử dụng kinh nghiệm sống để làm chất liệu diễn tả mọi góc cạnh sinh hoạt của trại.

Tôi cứ thắc mắc một chi tiết nhỏ ông viết là người ta đã đem các xác chết cuộn trong poncho để dưới sân cờ trong trại gia binh, rồi gọi vợ con tử sĩ ra nhận xác. Thật sự có chuyện thê thảm đến thế sao!!! Trước cảnh tượng đó, làm sao con người còn có tinh thần để mà chiến đấu trong khi hàng ngày phải trông thấy xác chết của tử sĩ, của đồng đội của mình. Nếu đó là sự thật thì không biết các cơ quan Chiến tranh chính trị, Tâm lý chiến làm những công tác gì và ở đâu?

Nói thật lòng khi thấy ông dọn nhà từ Los Angeles xuống Nam Cali tôi cứ thắc mắc làm sao ông bỏ được căn nhà mà ông đã gắn bó có biết bao nhiêu là kỷ niệm của hơn 30 năm qua khi ông từ trại Bidong qua Mỹ: này là khóm hồng, này là dàn hoa thiên lý cho tới hồ sen do chính ông xây “cho nàng rửa chân”, đó chính là nơi ông chụp hình bà Phương Nga để làm bìa cho cuốn truyện “Vầng trăng trong mưa” do Thời Luận ấn hành năm 1993. Căn nhà đó là nơi phát hành Giai phẩm Xuân Thời Luận đầu tiên, mấy năm sau mới tổ chức tại nhà hàng, và cũng là nơi phát giải thưởng thi Viết về nước Mỹ do sáng kiến của ông bố vợ tôi là cụ Đỗ Cường Duy, và cụ đã đưa tặng ông một ngàn mỹ kim để làm giải thưởng. (Sau cách mạng 1963, nhà văn Chu Tử ra báo nào thì bị đóng cửa báo đó nên ông bố vợ tôi đã bỏ tiền để nhà văn Chu Tử ra báo Tiền Tiến sau khi báo Tiền bị đóng cửa. Báo quán đặt tại tư gia số 80 đường Trần Quý Cáp). Nhạc gia cố luật sư Phạm Nam Sách là người trúng giải thưởng cuộc thi viết này. Báo Thời Luận đi tiên phong đặt giải thưởng thi viết về nước Mỹ, nhưng có lẽ vì khởi xướng quá sớm nên chưa “lôi cuốn” được nhiều độc giả hưởng ứng; Việt Báo tổ chức giải thưởng sau lại “thành công”, âu cũng là…”số trời”, ông nhỉ!!!

Làm sao tôi quên được căn nhà đó đã là nơi tụ họp của các bạn Quốc gia Hành chánh khóa 6 và khóa 7, là nơi ông đã giới thiệu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với báo giới Nam Cali, là nơi ông từng tiếp các chính khách, nghệ sĩ quá nhiều nhưng tôi chỉ còn nhớ các cụ Trần Văn Ân, cụ Phạm Đình Liệu, cụ Minh Lý Đỗ Vạn Lý, Luật sư Nguyễn Hữu Thống và Nhà báo Bùi Tín, Đạo diễn Hoàng Thi Thơ, Tài tử Trần Quang lần đầu tới Mỹ, tổ chức ra mắt sách của Nhà văn Duy Lam, của giáo sư Nguyễn Lý Tưởng… cho tới các giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, giáo sư Steve Young mỗi khi tới Nam Cali sinh hoạt.

Ngôi nhà không bao giờ ngớt tiếng cười của đồng môn, tiếng bàn thảo sang sảng của các yếu nhân về những vấn nạn quan trọng của đất nước. Bây giờ ông đã tái định cự tại một nơi được ông mô tả là “hoa chăm cỏ xén lối thẳng cây trồng” nhưng sao có được cái không khí thâm tình của căn nhà West 31 Avenue Los Angeles xưa kia. Nhưng chắc ông hẳn chưa quên lúc Phương Đông và Mai Ly bắt đầu biết đi biết nói cho tới lúc theo ông đi phát báo, rồi đánh máy bài viết của các bác Phạm Nam Sách, Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Hữu Thống, Trần Văn Sơn, Nguyễn Huy Hân,…Hồi đó tôi cũng còn làm đại diện báo Thời Luận để giúp ông ra một ấn bản tại San Diego, dễ thường cũng sống được vài năm, ông nhỉ.
Cho nên có những lúc ông ”nhớ nhà châm điếu thuốc” lái xe về thăm lại nơi xưa chốn cũ, còn tôi thì “ Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu”, ông ạ.

Nguyệt Thực là một truyện đóng vai “hạ màn” cho tuyển tập có cốt truyện hết sức ly kỳ. Ông kể chuyện của nhân vật Phạm Thắng từ khi di cư vào Nam đi bán báo lấy hoa hồng kiếm sống cho đến khi đi cải tạo, trốn trại rồi sang định cư ở Mỹ. Truyện rất nhiều tình tiết éo le như một cuốn phim trinh thám và cốt truyện rất lạ lùng. Có thể coi Nguyệt Thực như là một loại “Ngàn lẻ một đêm của người Việt tỵ nạn”, nên rất “huyền thoại”. Tôi đọc mà cứ như đọc truyện hoang đường và cứ mơ tưởng mình là nhân vật Phạm Thắng, được ông kể ở ngôi thứ nhất. Ông Hoàng đi trốn trại tù cải tạo cứ như là đi đóng phim kiếm hiệp, không những thế khi đến bến bờ tự do còn được ân ái với cô lái tầu vượt biên.
Định cư tại Mỹ lại được bạn cùng trốn tù, nay trở thành đại gia ở Việt Nam, mang sang Mỹ 3 cô gái trẻ đẹp để cho bạn được quyền lựa chọn 1 cô lấy làm vợ. Chuyện ông kể có nhiều chi tiết thật ly kỳ, lôi cuốn tôi đọc một mạch không ngừng nghỉ.

Ông xếp loại những người đi xe hơi theo hiệu xe, như người làm thương mại phải đi xe W vì như vậy mới làm ăn khá theo chữ “Win”, còn những người chống cộng phải đi xe Audi vì có 4 vòng tròn chữ O tượng trưng cho 4 Không. Thương gia mà đi xe “L” thì chỉ có Loose hay Lost mà thôi. Tôi thấy mấy bô lão đều đi xe KIA, ông ạ!!! Vì các bô lão đó đều đã “chết trong khi hành động” (Kill In Action). Tôi nhớ lại vào đầu thập niên 70 ở Việt Nam, các cô gái thường đi xe Audi vì theo khẩu hiệu “Không học và Không sống ở Việt Nam, Không lấy chồng và Không sinh con”. Khi lấy chồng, các “nàng” đi xe Fiat, có người “diễu” là “For You All Time”, ông nghĩ sao?

Ông cũng nhận xét mấy bà mặc hàng Saint John khi cởi áo ra thì thân thể nhão nhoét, có nước vứt vào thùng rác chứ không như khi lột vỏ trái chuối hư còn có thể ăn ruột được. Sao ông tả “chân” vậy, và tôi thấy tội nghiệp cho mấy bà quá khi bị các đức ông chồng “vắt chanh bỏ vỏ”.

Ông còn cho mấy bà góa chồng thuộc loại pre-owned không thể đi thêm bước nữa nên phải giải quyết bằng cách “tự sướng”. Tôi có một ông bạn, một hôm được bà vợ cho biết sự thật là bà ta thuộc loại pre-owned rồi mới lấy anh bạn tôi. Bạn tôi chết điếng khi nghe vợ nói. Chắc bạn tôi không “lịch lãm” như thiếu úy Chuyên và có lẽ đã tiếc rẻ không dám dùng chiếc áo thung để xem vợ mình còn hay mất trinh. Cuối đời mà được vợ tiết lộ như vậy thì cũng phải “gậm nhấm dĩ vãng” mà “nín thở qua sông” nốt quãng đời còn lại, ông nhỉ. Cô Tuyết Hạnh nói trước khi cưới mà lại hóa ra hay đấy, ông còn phiền trách cái nỗi gì, để đến nỗi ông phải ly dị cô ấy.

Ông có nói với tôi khi mới tập tễnh viết văn hồi còn ở Hà Nội ông đã dùng bút danh Đằng Giao vì mê nhân vật kiếm hiệp này. Đằng Giao không những võ nghệ cao cường, nhưng ông thích nhân vật này nhất vì Đằng Giao… có nhiều vợ đẹp và nhiều người yêu. Sau này khi di cư vào Nam ông đã tặng bút danh này cho anh bạn họa sĩ dùng để ký tên trên những họa phẩm của anh ta. Bây giờ đọc xong tuyển tập Nguyệt Thực tôi mê nhân vật Đỗ Tiến Đức quá!!! Ông có thể cho tôi mượn tên Đỗ Tiến Đức làm bút danh như ông đã “cho” bút danh Đằng Giao, được không?

Có một chi tiết ông viết về “nhân vật tôi” đi bán báo Tự Quyết để có lời 6 xu cho một tờ báo, không ngờ đó là tờ báo chính quyền không ưa nên công an đã bắt giam vào bóp Catinat. Cùng bị bắt giam với ông có người băn văn thân thiết tên là Đặng Trí Hoàn, sau này là nhà thơ Hà Huyền Chi tên tuổi lừng lẫy. Công an đã cho “nhân vật tôi” nếm hết đòn “tầu thủy” lại đến đòn “tầu bay”. Sao công an lại dùng đòn hiểm với giới trẻ thế, tôi tự hỏi không biết những ông chủ báo “người lớn” thì được nếm đòn gì? Thế ra chính quyền Ngô Đình Diệm đã tàn ác với con trẻ từ những năm giữa thập niên 50 rồi, ông nhỉ!!!

Ông,
Bạn bè nhận xét ông thông minh, có đầu óc hài hước và có nhận xét rất tinh tế trong từng chi tiết về mọi việc. Đúng như “bắp”!!!
Tôi dùng chữ của Lôi Tam để gọi ông là “bạn hiền” đấy, ông Lôi Tam bảo, ngày ông trấn nhậm ở Phú Yên trong 4 món “tứ đổ tường”, ông không “chơi” một món nào cả. Nhưng ông đều tham gia với anh em trong mọi cuộc chơi với tư cách là “quan sát viên”. Nửa đêm bạn bè “đốt hết thuốc”, ông đều lái xe gắn máy một mình đi trong đêm lạnh mua thuốc cho anh em hút. Ông không tứ đổ tường, sao ông tả rất rành mạch tình trạng của người nghiện thuốc lá kinh niên đến thế, có phải là do óc quan sát chăng, còn những… chuyện khác thì theo tôi có lẽ ở cái tuổi trên dưới 8 bó ông viết để… “tự sướng” chăng? hay ông viết cũng do quan sát chứ đâu phải là do “kinh nghiệm bản thân”. Nhưng tôi lại “chịu” cách diễn tả của ông, vì đọc văn ông mà cứ như được thưởng thức những “xen diễn” sống động trên màn ảnh trước mặt làm tôi cũng “sướng lây” mà say mê đọc tiếp để theo dõi…”câu chuyện”. Còn các độc giả nam nữ thuộc các lớp tuổi khác thì tôi không biết họ có cùng một xúc cảm như tôi hay không?, hay họ cảm thấy hơi bị “nhột nhạt”?

Ở truyện Hậu Trường ông cho các nhân vật đều phải đóng kịch những diễn tiến của sự việc, còn ở truyện Nguyệt Thực ông cho các nhân vật của ông thể hiện từ suy nghĩ ra hành động theo từng diễn biến tâm lý của mỗi nhân vật trong mỗi hoàn cảnh. Tất cả các truyện đều không có phần kết, ông để cho độc giả tự viết lấy kết luận cho mỗi truyện. Danh từ đương đại gọi là “kết luận mở”. Có lẽ đó là cách dàn dựng câu chuyện rất riêng của ông. Từ kết truyện của cuốn truyện dài được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc Má Hồng cho đến những truyện trong tập truyện ngắn Nguyệt Thực tôi thấy không hề thay đổi, kể cả phim Yêu khi ông tự viết truyện phim :

Nhà văn Đỗ tiến Đức và Nguyễn đắc Điều chụp trước poster nguyên gốc quảng cáo phim YÊU

-“Tôi bước xuống nhìn chiếc xe ngựa lọc cọc chậm chậm chạy vào thị trấn. Nắng chiều bàng bạc như ánh trăng. Một bụi sim dại bên đường phất phơ hai bông hoa tím tả tơi phơ phất. Tôi nhìn trời sẽ gọi: “Thanh Bình ơi, lại đây với chú” (đoạn kết của Má Hồng)
-“Diễm lảo đảo khuỵu chân. Ngồi ôm thành mộ ủ rũ, yếu đuối. Đạt lùi lại, bước ra con đường nhỏ. Máy di chuyển lên cao. Đạt dừng chân, quay nhìn Diễm một lần nữa. Máy lên cao nữa, Đạt lủi thủi đi giữa nghĩa trang. Máy lên cao khỏi giữa ngọn thông, Đạt chìm khuất dưới đó. Cảnh nghĩa trang mênh mông với những ngôi mộ im lìm” (40 giây chót của Phân cảnh phim truyện Yêu)

Nhiều người cho rằng ra hải ngoại ông làm báo nên văn ông là văn báo. Tôi thấy không hẳn đúng. Văn ông trước sau như một, từ trước 75 cho tới ra hải ngoại. Với cách đọc truyện của “người nhà”, tôi thấy ông không chủ ý muốn gọt rũa từng câu văn như bút pháp của Thạch Lam, mà ông muốn viết theo nguồn cảm hứng tự nhiên, và ông dẫn chuyện bằng những chi tiết cụ thể như những nhà viết phóng sự vì vậy giọng văn của ông có hơi hướm của văn báo. Tôi nghĩ ông không coi trọng nắn nót câu văn từ chương rỗng tếch, mà ông coi trọng thực chất nội dung câu chuyện, là những chi tiết để diễn tả tâm lý nhân vật. Ông viết truyện giống như Nhất Linh trong những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Chỉ có một điểm khác hẳn Nhất Linh là tất cả những truyện ngắn của ông đều có thể chuyển sang phim nhựa một cách dễ dàng mà nhà đạo diễn không cần phải viết phân cảnh. Tôi thấy không phải ông viết truyện ngắn mà ông viết phân cảnh phim truyện thì đúng hơn. Mà nói cho cùng, trong các bộ môn nghệ thuật ông mê làm… nhà đạo diễn nhất, hơn là làm nhà văn, làm nhà báo, làm nhà thơ, nhưng vì không có đủ điều kiện để thực hiện phim ảnh nên ông đành phải viết truyện ngắn để …“giải khuây”.

Nếu Má Hồng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc thì Nguyệt Thực sẽ được giải thưởng gì đây? Tôi nghĩ tập truyện ngắn Nguyệt Thực “trưởng thành về nội dung”, “đi sâu vào những tình tiết” hơn Má Hồng nhiều lắm, nên sẽ không có giải thưởng nào xứng với Nguyệt Thực cả. Nếu có giải, thì là “Giải thưởng Đỗ Tiến Đức” cho tập “Truyện Ngắn Rất Đỗ Tiến Đức” là tập truyện ngắn Nguyệt Thực.

Thư đã rất dài nhưng vẫn chưa nói hết ý nên tôi sẽ text message thêm cho ông nhé. Chúc sức khỏe bà Phương Nga cùng 2 cháu Phương Đông và Mai Ly.

Nguyễn đắc Điều

Visits: 1037

Chu Lynh và “Mảnh Da Vàng”

Nguyễn Quang Dũng

Bìa “Mảnh Da Vàng”, trải rộng

Ở bài viết này, tôi sẽ là người đọc và viết về  tập sách “Mảnh Da Vàng” của Chu Lynh ở một góc cạnh không giống với một độc giả bình thường vì tôi là một trong những người bạn ở chặng đường cuối cùng với tác giả lo việc trình bày từ trong ra ngoài, kiểm lỗi đánh máy, và  giúp tay cho “đứa con tinh thần” của Chu Lynh đã “thai nghén” hơn 30 chục năm qua được “ra đời”.

Chu Lynh đến với  cơ sở ấn loát của tôi cách đây đã hơn 20 năm với công trình sưu khảo của anh trong một tập sách dầy hơn 400 trang về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy. Anh là một trong những người rất kính trọng Giáo Sư Huy và tôi cũng vậy. trước 1975, tôi đã là một môn sinh của GS Huy ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Tôi đã sốt sắng giúp tay Chu Lynh trong việc trình  bày và ấn loát tác phẩm sưu khảo của anh.

Và lần này, vào  cuối tháng 2 năm 2022, Chu Lynh  lại gỏ cửa “nhà in” của tôi,  nói với tôi rằng anh muốn in tập sách “Mảnh Da Vàng”. Tập sách Chu Lynh mang theo trong đời sống nổi trôi theo vận nước của anh suốt hơn ba mươi năm.

Tôi và Chu Lynh đều là những người “cầu toàn“ do vậy đã tốn nhiều thì giờ cho việc chuẩn bị cho ra đời Mảnh Da Vàng. Chúng tôi làm việc, thảo luận qua lại với nhau hơn hai tháng trường để trình bày cái bìa sách, đọc và sửa lỗi đánh máy, trình bày các trang trong của tập sách  với nhiều hình ảnh tư liệu do tác giả cung cấp và đồng ý với nhau về kế hoạch và trình tự thời gian hoàn thành.

Nhưng cả hai chúng tôi đều không biết rằng vào tháng 3/2022, tác giả Chu Lynh đã trải qua một biến cố “thập tử nhất sinh” khi đang trên đường cho những cuộc phỏng vấn làm phim tài liệu. Chu Lynh thuật lại:

“Tôi đang qua đêm ở nhà một người bạn trẻ. Buổi sáng, bất ngờ tim tôi đập mạnh, khó thở, tiếng nói ú ớ không thành lời. Người bạn gọi xe cấp cứu vào bệnh viện Fountain Valley. Áp huyết lên 221.

Qua một đêm, bác sĩ cho biết ống dẫn máu vào tim bị vỡ, …” (Mảnh Da Vàng, tr 368)  

Chu Lynh trong phòng ICU Bệnh viện Keck Medical Center of USC, Los Angeles, California. (Ảnh: Mảnh Da Vàng, Trang 369)

May mắn, Chu Lynh vượt qua cuộc giải phẩu tim ở California. Còn sống. Còn thở. Chỉ yếu sức so với trước kia. Và lên máy bay về lại được Virginia.

Do vậy chương trình làm việc với nhà in của tôi dự trù 2 tháng phải được nới dài ra, mãi cho đến tháng 8/2022 thì mới in xong tác phẩm Mảnh Da Vàng

Ở trên, tôi không nói và viết gì về Mảnh Da Vàng có lẽ là vì tôi không muốn là người thêm vào trong số những nhà văn, nhà báo đã viết nhiều lời khen tặng hay  đã trích dẫn những đoạn văn  mang nhiều tâm tình về một thời trôi nỗi thăng trầm trên quê hương Việt Nam của Chu Lynh.

Ở đây, tôi muốn nói với Chu Lynh rằng  anh đã chọn cái tựa sách rất hay và rất đúng với những gì anh chuyên chở trong  400 trang sách của Mảnh Da Vàng.

Những gì Chu Lynh viết xuống, ghi lại khi  trong trại tù cộng sản, hay khi được thả ra ngoài – trong một nhà tù lớn hơn, trong thân phận một người lính bại trận sau 1975 ở quê hương Việt Nam khốn khó, không là những điều gì mới mẻ hay lạ lùng đối với tôi.

Nhưng có một cảm giác kỳ lạ từ những mảnh tâm tình rời rạc, những mảnh ký ức lộn xộn, từ một tập sách với nhiều đoản văn, bài viết, bút ký, xen lẫn với những hình ảnh tư liệu của tác giả: Những mảnh đời sống của Chu Lynh trong Mảnh Da Vàng làm tôi liên tưởng đến những tâm tình vụn vỡ của hàng triệu người Việt miền Nam Việt Nam sau 1975, bỏ nước ra đi, tìm đến một mảnh đất tự do. Trong đó có những người lính thất trận, những người dân với thân phận “ngụy quân, ngụy quyền” …những người không còn đất sống trên chính quê hương mình. Mà tôi cũng ở trong số đó, những người Việt được thế giới gọi là “Boat People”, một phần của đội ngũ những người Việt vong quốc.

Sau những năm dài mở ra hàng triệu mảnh đời sinh tồn của người Việt trên xứ người, dường như đời sống của Chu Lynh, của tôi, hay của nhiều người Việt đồng cảnh ngộ là đời sống của nhịp đôi. Nửa Mỹ, nửa Việt. Hay nửa Úc, nửa Việt. Hay nửa Pháp, nửa Việt…là đời sống của bên này, bên nhà. Dường như có cái gì phân đoạn, ngắt quãng, không liền lạc, trong tâm thức của những người Việt lưu vong.

Đó là những cảm nhận rất thực trong  tôi khi gấp lại tập sách  Mảnh Da Vàng của Chu Lynh: Những mảnh đời vụn vỡ sau 1975. Những tâm tình của bèo dạt hoa trôi. Những mệt mỏi của ngày này, tháng nọ trên con đường tìm lại quê hương đã xa. Những thất vọng khi thấy lũ tà quyền, ác nhân, cho đến nay, vẫn toàn quyền trên xứ sở Việt Nam thân yêu. Những chua xót từ sự mất mát những nhân tài Việt Nam lưu vong như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy mà không tìm thấy người kế tục.

Nhưng ít nhất Chu Lynh cũng đã “tận nhân lực” khi lao mình vào việc thực hiện những cuốn phim tài liệu của Vietnam Film Club hay VFC, một tổ chức do anh sáng lập cùng với GS Nguyễn Ngọc Bích năm 2010. Chu Lynh “đơn thương, độc mã”, đi xuyên bang nước Mỹ, tới tận trời Âu, vượt ngàn dặm tới Úc và nhiều quốc gia khác trên  thế giới để thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn những nhân chứng lịch sử của tập thể người Việt lưu vong và cho ra mắt hàng chục tập phim tài liệu chưa ai làm được.

Và điều quan trọng là Mảnh Da Vàng (*) đã ghi lại được gần hết những nỗ lực vượt mức của Chu Lynh:

  • Để tồn sinh vượt thoát những nghiệt ngã tàn bạo nhất của cộng sản Việt Nam
  • Để đấu tranh, bằng mọi phương tiện tự lực của chính mình, nói lên tiếng nói của chính nghĩa và nhân bản Việt Nam Cộng Hòa.
  • Và để tiếp tục là Trái Tim Lửa trong tập hợp hàng vạn Trái Tim Lửa của những người Việt Nam lưu vong yêu quê hương, vẫn còn đang trên đường tìm về, với hy vọng tìm thấy lại Quê Hương Việt Nam Tự Do Dấu Yêu.

Nguyễn Quang Dũng

Focus Digital Publishing

Tháng 1/2023

 

(*) Mảnh Da Vàng, 400 trang, Tác giả tự xuất bản, phát hành tháng 9/2022. Liên lạc tác giả: CHULYNH@GMAIL.COM

Visits: 70

Từ “Black April: The Fall Of South Vietnam 1973-1975” Đến: “Drawn Swords In A Distant Land: South Vietnam Shattered Dreams”

Nguyễn Quang Dũng

George J. Veith và hai tập sách nghiên cứu về Việt Nam

Ông George J. Veith không phải là một người xa lạ với cộng đồng người Việt Quốc Gia vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn mà trái lại là một người bạn rất thân với nhiều người Việt trong vùng. Nhiều năm về trước, tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên, nhiều người chúng ta có dịp gặp Veith trong buổi Ra Mắt Sách bản dịch “Black April”( “Tháng Tư Đen”) và có lẽ nhớ đến Veith là tác giả của cuốn sách nổi tiếng này về những năm chiến đấu cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30/4/1975.

Nhưng Veith không ngừng ở “Black April.” Trong cuốn sách mới nhất của ông, “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams” do Encounter Books xuất bản năm 2021, ông dẫn người đọc đi sâu hơn, xa hơn trong hành trình nghiên cứu phức tạp và rộng lớn hơn về sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam hay về một giấc mơ, hay nói đúng hơn, về một hoài bão xây dựng một miền Nam Việt Nam dân chủ, độc lập và tự cường cuối cùng đã bị vỡ vụn.

Phải nói hai cuốn sách nói trên của Veith đều là những cuốn sách “nặng ký”, cả lượng lẫn phẩm.
Cả hai cuốn sách đều dày trên 600 trang, chữ nhỏ, bìa cứng. Bài viết này sẽ cố gắng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách mới của Veith, Drawn Swords in a Distant Land.

1.

Tựa đề của cuốn sách là một chọn lựa chữ nghĩa “kỳ lạ” của Veith.
Không đơn giản và trực tiếp như “Black April”, “Drawn Swords in a Distant Land” làm độc giả người Việt liên tưởng ngay đến một cuộc “đấu gươm” hay “kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ” và cuộc đấu kiếm đã khởi động ở một vùng đất xa xôi, Việt Nam.

Nhưng thực ra không phải vậy.
Veith có cách đặt tựa đề cho mỗi chương sách rất lôi cuốn. Người đọc có cảm tưởng như đang theo chân một phóng viên chiến trường (như trong “Black April” ) tường thuật những trận chiến ác liệt hay theo dõi một phóng viên thời sự phân tích những cuộc chiến phức tạp đầy dẫy những toan tính, đấu đá trên đấu trường chính trị. Và trong Drawn Swords in a Distant Land , chỉ có một chương, là chương chót, có nhắc đến chữ “Sword”: Chương 24, trang 535, với tựa đề là “I Will Draw Out My Sword”.

Ở cuối chương 24, những dòng chót trong phần kết luận của cuốn sách, Veith trích dẫn câu Kinh Thánh ẩn dụ số phận của dân tộc miền Nam Việt Nam: “I will turn my face against you so that you will be defeated by your enemies…I will scatter you among the nations and will draw out my sword and pursue you. 82”
Tìm cái “ghi chú” số (82) ở trang 618 thì chỉ là mấy chữ: “Leviticus 26:17-38” (Lê-vi-ký 26:17-38).

Dưới đây là bản tiếng Việt sách Lê-vi-ký, đoạn 26, dòng 17 đến 38:

(Lê-vi-ký 26:17Ta sẽ nổi giận cùng các ngươi; các ngươi sẽ bị quân thù nghịch đánh đập; kẻ nào ghét các ngươi sẽ lấn lướt các ngươi, và các ngươi sẽ chạy trốn không ai đuổi theo. 18 Nếu đến đỗi vậy mà các ngươi không khứng nghe ta, ta sẽ vì cớ tội phạm, thêm gấp bảy lần đặng sửa phạt các ngươi, 19 và ta sẽ dẹp sự kiêu ngạo về năng lực các ngươi. Ta sẽ khiến trời các ngươi cứng như sắt và đất trơ như đồng; 20 năng lực mình hao mòn vô ích, đất không sanh sản huê lợi, cây cối không kết bông trái. 21 Nếu các ngươi phản đối cùng ta, và không muốn nghe ta, thì ta sẽ tùy theo tội phạm giáng tai vạ trên các ngươi gấp bảy lần nữa. 22 Ta sẽ sai những thú đồng đến tha con cái các ngươi đi, ăn hại súc vật, diệt số người ra ít; và đường nẻo các ngươi sẽ vắng tanh. 23 Dẫu đến những việc ấy mà các ngươi cứ không phục sự sửa phạt ta, cứ phản đối cùng ta, 24 thì ta đây cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi, và vì cớ tội lỗi, sẽ giáng tai vạ cho các ngươi gấp bảy lần nữa. 25 Ta sẽ khiến gươm giáo đến trên các ngươi đặng báo thù sự giao ước ta; khi các ngươi hội hiệp trong những thành mình, ta sẽ giáng dịch hạch đến giữa các ngươi, và nộp các ngươi vào tay thù nghịch. 26 Khi ta dẫn sự đói kém đến, mười người nữ sẽ nướng bánh của các ngươi trong một lò, cân bánh trao lại cho các ngươi; các ngươi sẽ ăn mà không no. 27 Dẫu đến nỗi vậy, mà các ngươi cứ không khứng nghe ta, còn phản đối cùng ta, 28 thì ta cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi cách giận dữ, và vì cớ tội lỗi các ngươi, sẽ sửa phạt gấp bảy lần nữa. 29 Các ngươi sẽ ăn thịt con trai con gái mình; 30 ta sẽ hủy diệt những nơi cao các ngươi, phá đổ những hình mặt trời, và để thây các ngươi chồng trên thây của hình tượng mình, tâm hồn ta sẽ ghê gớm các ngươi. 31 Ta sẽ làm cho thành các ngươi ra vắng vẻ, các nơi thánh quạnh hiu, và ta chẳng còn hưởng mùi thơm về của lễ các ngươi nữa. 32 Ta sẽ làm xứ ra đồi bại, đến đỗi kẻ thù nghịch ở tại đó cũng lấy làm lạ. 33 Ta sẽ tản lạc các ngươi trong các dân và rút gươm ra đuổi theo sau các ngươi: xứ các ngươi sẽ hoang vu, thành sẽ vắng vẻ. 34 Trọn trong lúc đất bỏ hoang vu, và các ngươi ở trong đất của kẻ thù nghịch, khi đó đất sẽ được an nghỉ hưởng những năm sa-bát. 35 Trọn lúc đất bỏ hoang vu sẽ được an nghỉ; vì lúc các ngươi còn ở đất đó, nó không được an nghỉ trong những năm sa-bát của các ngươi. 36 Còn ai trong các ngươi sống sót lại, ta sẽ làm cho họ nhát gan trong xứ của thù nghịch mình; tiếng lá khua sẽ làm cho họ chạy trốn, khác nào chạy trốn trước lưỡi gươm, té ngã mà không ai đuổi theo. 37 Người nầy vấp ngã trên người kia như trước ngọn gươm, vốn chẳng ai rượt đuổi theo họ; các ngươi không thể chịu nổi trước mặt quân thù nghịch mình. 38 Các ngươi sẽ bị chết mất giữa các dân, đất kẻ thù nghịch sẽ nuốt các ngươi.

Nguồn: https://vietchristian.com/kinhthanh/tim.asp?btt/2/26:0-27:0 )

Rất lạ lùng với ẩn dụ từ đoạn kinh Lê-vi-ký trong Thánh Kinh mà Veith dùng để so sánh với số phận nghiệt ngã của dân tộc miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975: Người dân Việt chúng ta, phân tán, lưu vong khắp nơi trên thế giới, giống như dân Do Thái, nhận lãnh hình phạt của Đức Chúa Trời từ những tội lỗi mà chúng ta đã làm do cuộc sống chạy theo những sa đọa tội lỗi, vật chất, không thờ phượng và tuân phục Luật Chúa.

Rất lạ lùng, vì nếu có chăng trong ý nghĩ của nhiều người Việt, chịu ảnh hưởng nặng văn hóa Khổng giáo và Phật giáo, thì số phận của hàng triệu người Việt lưu vong sau 30-4 là cộng nghiệp từ hệ nghiệp-quả của việc xóa bỏ và đồng hóa dân tộc Chàm trên bước đường Nam Tiến, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của cha ông chúng ta.

2.

Veith dành hơn 6 năm trời để thu thập, nghiên cứu tài liệu; tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nhân vật đã từng tham gia các vị trí quan trọng trong chính phủ VNCH; và nhất là đặt trọng tâm cho công trình nghiên cứu của ông để theo dõi và tìm hiểu về tiến trình khai sanh của Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và về một vị tổng thống bị bỏ quên bên bờ lịch sử vì đã thua trận chiến cuối cùng với kẻ địch: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Rất hiếm các sách báo tiếng Anh hay tiếng Việt nghiên cứu nghiêm túc về Đệ Nhị Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của TT Nguyễn Văn Thiệu. Lấy ví dụ, tập sách “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975)” (Tiếng Nói từ Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam 1967-1975) do Sử gia K.W. Taylor, Trung tâm Xuất bản Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell, chủ biên, thì chỉ là một thu thập một số bài viết từ 10 tác giả VNCH đã từng tham chính và giữ vị trí quan trọng trong chính phủ Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Veith trình bày công trình nghiên cứu lịch sử về miền Nam Việt Nam của ông một cách có hệ thống và xuyên suốt dẫn đi từ thời Gia Long thống nhất Việt Nam, thời Pháp thuộc, giai đoạn phân chia đất nước 1945-1954, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, và rốt ráo đặt hết trọng tâm cuốn sách cho Đệ Nhị Cộng Hòa và TT Nguyễn Văn Thiệu. Veith chọn một con đường riêng không ai làm trước đây khi chọn TT Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật lịch sử trọng điểm cho công trình nghiên cứu sử của ông, trong lúc TT Nguyễn Văn Thiệu thường bị lãng quên, hay tệ hơn, bị đổ tội hay nhắc tới trong các sách báo nghiên cứu như một TT độc tài, bất xứng, không có khả năng lãnh đạo và dẫn tới hậu quả tất nhiên là sự sụp đổ của miền Nam.

Lịch sử thường thuộc về Phe Thắng Cuộc. Các tài liệu, văn bản, nhân chứng của Phe Thua Cuộc sẽ đi vào lãng quên hay mất mát theo thời gian. Công trình nghiên cứu của Veith trong Drawn Swords in a Distant Land do vậy sẽ là tài liệu rất quan trọng (nhất là cho người Việt ở nước ngoài) ghi nhận lại những nỗ lực của miền Nam Việt Nam trong việc xây dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền, và kinh tế thị trường dựa trên quyền tư hữu trong thời chiến tranh.

3.

Trọng tâm cuốn sách Drawn Swords in a Distant Land là sự nghiệp chính trị của TT Thiệu và nỗ lực của ông trong việc xây dựng Đệ Nhị Cộng Hòa, một chính thể cộng hòa dân chủ, pháp quyền với một nền kinh tế tư hữu. TT Thiệu đã phải hoàn thành điều này trong khi chiến đấu quyết liệt chống lại kẻ thù cộng sản nằm vùng và xâm nhập từ miền Bắc. Veith là một nhà nghiên cứu sử hiếm hoi đặt mình vào vị trí và góc nhìn của Nam Việt Nam, điều này làm giảm bớt vai trò của các góc nhìn “kiểm soát và thống trị” của chính phủ Hoa Kỳ đối với sinh hoạt chính trị Nam VN và cho phép độc giả nhìn nhận chính quyền Nam VN như một thực thể chính trị độc lập và sinh động, đối phó với các tình huống thay đổi hàng ngày trước mặt.
Veith cho rằng vai trò của TT Thiệu đã bị đánh giá một cách không công bằng. Nhiều thành tích và thành quả chính trị, kinh tế của ông đã bị lãng quên. TT Thiệu thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng vững mạnh guồng máy chính quyền trung ương và địa phương, giám sát một số cuộc bầu cử, và hàn gắn lại một miền Nam VN sống thường xuyên và liên tục trong xung đột và rạn nứt. TT Thiệu phải vượt qua tất cả những khó khăn trong việc xây dựng đất nước trong khi hàng ngày phải lãnh đạo quân đội VNCH bảo vệ sự toàn vẹn và an ninh lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Bức chân dung đầy thiện cảm của Veith về TT Thiệu cho thấy hình ảnh một cá nhân kiên cường, một người đã biến đổi từ một vị tướng quân đội khiêm tốn thành một chính trị gia đầy khả năng và mưu lược để đứng vững trước nhiều tình huống của thời cuộc.

Veith mô tả TT Thiệu như một hình mẫu của khả năng quản lý, nhưng đồng thời cũng không thể giám sát một chính phủ đang gặp khó khăn bởi tham nhũng và bê bối mà ông không thể kiểm soát. Thêm vào đó, TT Thiệu không bao giờ có thể thống nhất các nhóm xung đột giữa những người theo chủ nghĩa quốc gia của miền Nam Việt Nam.

Những vấn đề này là đặc tính của tất cả các nền dân chủ non trẻ, và mặc dù có sự bất mãn giữa người dân miền Nam Việt Nam với chính phủ của TT Thiệu, chính thể Đệ Nhị Cộng Hòa nhất định vẫn tốt đẹp hơn nếu so với chính thể độc tài đảng trị của cộng sản miền Bắc. Nhưng cuối cùng, TT Thiệu đã không thể vừa xây dựng đất nước vừa chống lại kẻ thù sau khi mất đi sự ủng hộ của người Mỹ.

4.

Tạm kết: Đối với nhiều độc giả người Việt, chúng ta có thể tìm thấy lại mình ở trong một giai đoạn lịch sử nào đó dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Nếu đời sống mỗi người chúng ta tạo thành một mảnh của bộ tranh ráp hình thì Veith là người đã cặm cụi nhiều năm trời để góp nhặt, tìm hiểu quan sát và lắp ráp hàng trăm ngàn mảnh nhỏ của đời sống người dân và chính quyền miền Nam Việt Nam. Sau cùng, Veith cũng đã hoàn thành được việc “lắp ráp” một bức tranh lớn của Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Điều quan trọng Veith muốn trình bày với độc giả là bức tranh này có hình dáng đặc thù và sắc thái riêng của nó. Nhất định đây là một công trình thực hiện đầy tham vọng của Veith đáng được đánh giá cao và là thách thức đối với nhiều sách báo và nghiên cứu cho rằng miền Nam Việt Nam là một con rối thối nát của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Và ở lúc này, bây giờ, 47 năm ngày quốc hận 30-4, xin cảm ơn ông, George J Veith.

Vì lẽ, cuối cùng ở đây chúng ta thực sự có một người bạn Hoa Kỳ, rất tài giỏi, am hiểu tình hình đất nước Việt Nam và đứng cùng chung một chiến tuyến của những người Việt Quốc Gia yêu tự do, và nhất là đã giúp chúng ta nói lên được những nỗ lực để xây dựng một miền Nam dân chủ, cộng hòa pháp trị, song song với những nỗ lực phát triển kinh tế trong thời chiến dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Cho dù hoài bão hay giấc mơ này đã thất bại và tan vỡ vào tháng tư đen 1975, điều đó cũng không làm chúng ta, những người Việt Quốc Gia lưu vong, mất hy vọng vào một thay đổi cho Việt Nam tương lai.

Nguyễn Quang Dũng
Mùa Quốc Hận thứ 47

Visits: 681

Hãy Đếm Năm Tháng Mình

Đỗ Quang Tỏa (CH8)

 

Tại buổi Họp Mặt QGHC Miền Đông nhân dịp Lễ Tạ Ơn tại nhà Anh Chị Dũng-Tụ, tôi được Mục Sư  Trần Nhựt Thăng gởi tặng quyển sách MS vừa xuất bản “Hãy Đếm Năm Tháng Mình”. Thoạt đầu, tôi nghĩ đây có lẽ cũng là một cuốn sách truyền giảng Lời Chúa, như những cuốn sách hay tạp chí đã được Trung Tâm Truyền  Giáo Việt Nam xuất bản. Nhưng chỉ sau vài trang đầu, độc giả sẽ bị lôi cuốn vào những mẫu chuyện, không những có tính chất  tâm linh mà còn chứa đựng những tâm tình, kinh nghiệm sống mà tác giả đã trải qua trong suốt hơn 70 măm.

Trong chương mở đầu, tác giả đã nhắc đến câu chuyện của hai ông Charles Colson, Phụ Tá đặc biệt cho Tổng Thống Nixon từ năm 1969 và ông Tom Phillips, Chủ Tịch đại công ty Raytheon, Hai người là bạn rất thân với nhau và cả hai cũng đã thành công đến tột đỉnh của danh vọng và của cải vật chất. Nếu cuộc đời vẫn phẳng lặng trôi qua, thì con người sẽ được hạnh phúc biết bao? Nhưng những gì đã xảy đến với hai ông đã làm thay đổi hẳn cuộc đời họ và giúp họ “giã từ hư ảo”.  Phảng  phất trong câu chuyện này, người đọc cũng có thể thấy tác giả đã hé lộ  cho thấy tại sao Ông lại chọn  con đường làm Mục Sư để phục vụ Chúa khi đường công danh còn trải rộng và nhiều hoài bão về quê hương dân tộc chưa thực hiện được.

Những mẫu chuyện khác trong quyển sách xoay  quanh những câu hỏi lớn như  “người chết đi về đâu?” hay kinh nghiệm sống  “Ba bước thành công” hay “Việc trong tầm tay”. Nhiều chuyện nói về ân điển của Chúa và niềm tin mãnh liệt của tác giả vào sự cứu rỗi của Chúa.

Trong phần “Vài Nét về Tác Giả”, tác giả cho biết đã từng nắm chức vụ Tổng Thư Ký Bộ Thông Tin, Dân Vận và Chiêu Hồi từ năm 1969 dến 1974, dưới thời Tổng Trưởng Trương Bửu Điện và Hoàng Đức Nhã. Tôi hy vọng tác giả sẽ hé lộ một số chi tiết lý thú về quá trình làm việc tại cơ quan đầu não này vào lúc cuộc chiến Việt Nam đi vào giai đoạn quyết định, nhưng tác giả đã không nhắc đến ở đây. Cũng không giống như nhiều người Việt Nam khác là hay viết hồi ký kể lại những công trận của mình để đánh bóng cá nhân hay lãnh tụ của mình, tác giả chỉ kể lại những kinh nghiệm sống thực của mình, rồi để người đọc đánh giá. Nhiều lần trong quyển sách, tác giả đã nhắc đi nhắc lại là luôn luôn tôn trọng ý kiến cá nhân và “sự chọn lựa thuộc về Bạn”. Tuy nhiên trong một cuộc nói chuyện với cựu Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã (tháng 9, 2019 tại Virginia) , tôi được Ông chia xẻ kinh nghiệm làm việc của Ông với tác giả. Ông cho rằng thành công lớn nhất của tác giả tại Bộ Thông Tin  là đã tạo được niềm tin cậy với  Ông và cả Tổng Thống Thiệu (một người rất đa nghi). Ông cho biết bằng chứng là Bộ Thông Tin đã xử dụng rất nhiều anh chị em QGHC  trong những chức vụ then chốt. Người đọc cũng có thể tìm được những nguyên tắc giúp tác giả thành công “Việc trong tầm tay”.

Những bài học thực tiễn trong quyển sách cũng đã được tác giả sắp xếp lại qua nhiều giai đoạn từ việc dấn thân vào  công tác xây dựng Hội Cựu Sinh Viên QGHC Miền Đông,  tổ chức cơ cấu Cộng Đồng Việt Nam Vùng Hoa Thịnh Đốn, công tác từ thiện, đến việc gầy dựng được một nhà thờ Tin Lành Việt Nam vùng Virginia. Quyển sách này cũng có thể coi như một lộ trình cuộc đời  của tác giả và tác giả muốn “viết cho đời”. Người đọc có thể có nhiều chỗ bất đồng ý kiến với sự dẫn giải của tác giả, nhưng cũng khó phủ nhận được những gì tác giả nêu lên ít nhiều liên quan, ảnh hưởng hoặc thay đổi  cuộc sống chúng ta.

Nếu nói con người tạo ra tác phẩm thì tác phẩm cũng chính là con người đã tạo ra nó.  Chúc mừng MS Trần Nhựt Thăng.

Xin “Hãy cảm tạ trước khi quá trễ”.

Sách dầy 247 trang, ISBN # 978-168524760-7, không để giá bán.

Nhà in: focusdigitalpublishing@gmail.com

Liên lạc tác giả: trannhutthang@gmail.com

Đỗ Quang Tỏa (CH 8)

Mùa Tạ Ơn 2021

Visits: 161

Phạm Thành Châu và Tập Truyện Ngắn “Vô Tình”

Nguyễn Quang Dũng (ĐS 22 )

Xuất bản tháng 10 năm 2021, đây là tập sách thứ bảy của nhà văn Phạm Thành Châu (PTC) tự xuất bản. Và theo lời tác giả, “Vô Tình” cũng sẽ là tập truyện “sau cùng” của anh.

Anh PTC có lẽ cũng có lý do để “hù dọa” tôi như vậy và tôi nghĩ lý do thật lòng và đơn giản nhất là: PTC …mệt rồi. Bọn chúng tôi vừa ăn sinh nhật thứ 79 của anh vào dịp anh Nguyễn Cửu Viên, một đồng môn QGHC từ Seattle ghé thăm Miền Đông; và khi lớn tuổi, anh trở nên khó khăn với các tác phẩm văn chương của anh.

Anh nói với tôi là “tôi phải đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui từng câu văn, cách dùng chữ, sắp xếp ý tưởng cho từng chuyện tôi viết. Nhiều chuyện không ưng ý thì bỏ sọt rác. Đọc và sửa đến nổi thuộc lòng những gì mình viết trong từng chuyện một…”

Vậy mới biết, viết và được mang danh vị “Nhà Văn” không phải là chuyện dễ hay là chuyện giỡn chơi. Vậy mà PTC thẳng tay từ chối danh hiệu Nhà Văn  của anh. Ở trang bìa sau của tập sách Vô Tình, PTC viết: “Người xưa có câu “ Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí” (Văn chương phải nói lên cái đạo lý. Thi ca nói lên cái chí của mình), ông không có “tiêu chuẩn” nào để được gọi là nhà văn. Ông kể những chuyện tầm phào, chỉ đáng đem vào giường đọc cho dễ ngủ. ”

Tôi không nghĩ vậy.

Truyện PTC viết không phải là “chuyện tầm phào” mà là những mảnh tâm tình rất thật của nhiều cảnh đời được ghi lại qua ngòi bút đặc thù, chỉ riêng một mình, của Nhà Văn PTC. Cũng giống như những ca sĩ thành danh, nghe tiếng hát của họ là thính giả biết ngay người hát là ai  thì PTC cũng vậy. Đọc truyện PTC viết thì biết ngay là văn của PTC.

PTC thích kể hay thuật chuyện. Và anh là người kể chuyện có duyên và lôi cuốn. Vì anh kết cấu truyện ngắn như một chuyện kể  nên truyện anh viết không cầu kỳ, hay phô bày những trau chuốt, sắp xếp hay kết cấu của văn chương chữ nghĩa và do vậy,  tạo được sự gần gũi, thân-tình-không-màu-mè giữa tác giả và người đọc.

Tôi thích đọc chuyện PTC là ở  tính thuần hậu, chơn chất, thủy chung của những nhân vật trong truyện PTC viết hay kể. Những đức tính đó thật khó tìm thấy trong cõi đời văn minh vật chất và những tiến bộ kỹ thuật thay đổi đến chóng mặt bây giờ. Khó tìm thấy ở chỗ tình cảm của những nhân vật trong chuyện PTC  thường trải dài qua nhiều năm tháng mà vẫn bất biến,  trước sau như một. Cái kiểu yêu ai, thích gì thì mang theo  yêu, thích đó trọn một đời. Thêm nữa, giống trong chuyện cổ tích hay chuyện đời xưa, chuyện PTC thường có kết cục “gặp lành” cho những người “ở hiền.” Tôi có thể ghi lại ở đây tên hàng chục truyện ngắn PTC, để chứng minh, mỗi truyện là những nhân vật khác nhau, những dòng đời nhiều biến động, nhưng tình cảm thì vẫn vậy, trước sau như một, không hề lay chuyển. (Nếu chỉ riêng trong “Vô Tình” không thôi thì mời độc giả theo chân những nhân vật nam có, nữ có,“hiền lành”, “trước sau như một” trong các truyện: Ngôi Nhà Ngày Xưa,  Đôi Giày Gót Thấp, Thôi Miên Thuật và Mối Tình Của Tôi, Hoa Trang, Người Mất Trí.)

Cái hay của truyện PTC còn nằm ở điểm này: Truyện PTC kể có nhiều truyện có vẻ khó tin, không thực, như tôi đã nói, giống truyện cổ- tích- đời- xưa; vậy mà đọc xong thì thấy có cái gì đó gần gủi tận sâu trong tâm tình người đọc, rất thực. Gấp cuốn sách lại những dòng đời trong nhiều truyện kể của PTC chạm đến đáy tim nhiều người đọc ngay bây-giờ, lúc-này-ở-đây.  Tôi nghĩ, đó là tấm lòng nhân hậu, tử tế, yêu thương vô điều kiện lẫn khuất đâu đó trong mỗi người chúng ta mà nhiều khi thường bị che mờ bởi những u mê của cái tâm thức mãi lo chạy đuổi theo những hỷ nộ ái ố của đời sống. Có phải chăng mỗi người chúng ta vẫn thường mong tìm những an-ủi-ấm-lòng, những yêu-thương-tự-tâm trong đời sống  hiện tại đầy dẫy những lạnh lùng, vô cảm; những mê mờ, rập khuôn; những phô trương trống rỗng, hay quá nhiều những tàn nhẫn, ác độc không còn tính người?

Một điểm nữa, nếu không nhắc đến khi viết về PTC thì chắc hẳn là một thiếu sót lớn: Còn nữa, còn hoài không bao giờ xa lìa trong truyện PTC là  những tình tự hay chuyện kể về quê hương Việt Nam  hình chữ S với nhiều hệ lụy, nhiều quá khứ khổ đau, nhiều buồn vui, nhiều dính líu tâm tình. Có lẽ do vậy mà PTC có rất nhiều độc giả trong số những người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do, mang theo quê hương Việt Nam trong trái tim mình, không dứt bỏ được. Đó là hàng triệu người Việt ly tán khắp nơi sau 30-4-1975, hàng triệu mảnh đời khác nhau, hàng triệu trái tim Việt Nam lưu vong đang tìm cách vượt trên lối sống văn minh kỹ thuật  tiến bộ đến chóng mặt ở xứ người để sống cái tâm tình thuần hậu, chơn chất, thủy chung, tử tế, đơn giản của người Việt mình.

Quê hương với những tình tự quá khứ  quen thuộc  hiện hữu trong nhiều tập truyện PTC và trong Vô Tình cũng vậy. Nhưng có nhiều khi chúng ta ngỡ ngàng khổ tâm giống PTC trong truyện  Ông Lão và Cô Gái Điếm (Vô Tình, trang 57-72) nhìn thấy những thay đổi lạnh lùng,  những thay đổi thật vậy sao (?) ngay chính trên mảnh đất quê hương yêu dấu giờ đã xa.

PTC chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại chạy hoài giữa chuyện ở xứ người và chuyện ở Việt Nam ngày xưa, bây giờ. Mà không phải chúng ta cũng vậy sao? Chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại chạy hoài giữa chuyện ở xứ người và chuyện ở Việt Nam ngày- xưa-bây-giờ.

Mười bảy truyện ngắn PTC trong hơn 200 trang giấy của tập truyện Vô Tình mãi vẫn là  tâm tình của người Việt tử tế PTC, cũng giống như tâm tình của tôi và của bạn, những người Việt xa xứ,  cộng thêm chút khôi hài, cười cho “dzui”, có gì đâu mà ra vẻ đạo mạo, nghiêm trang.

Độc Giả Vô Tình.

Phần viết dưới đây là phần …ngoài lề, của tôi, người phụ trách ấn loát tập sách Vô Tình. Ngoài lề nhưng tôi nghĩ là cần nên viết và chia sẻ.

Những gì tôi viết ở đây sẽ chỉ liên quan đến những tác phẩm của PTC mà nhà in của tôi phụ trách việc trình bày và ấn loát. Nhưng thực ra nói riêng về việc ấn loát và  phát hành những tập truyện của PTC cũng là nói chung về tình trạng ấn loát và phát hành của sách vở người Việt nước ngoài.

Nhà văn PTC giao phó cho “nhà in” của tôi việc trình bày và ấn loát tất cả 7 tập sách trong hình dưới đây:

Việc tự lo ấn hành 7 tập sách không phải là việc đơn giản và dễ dàng.

Trước hết phải kể đến công trình sáng tạo tim óc của tác giả trong nhiều năm trời để hình thành một tác phẩm văn chương.  Nhiều người ví, đối với nhà văn, mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần thì cũng không có gì gọi là thậm xưng.

Kế đến là lo việc trình bày và ấn loát. Dĩ nhiên là tốn tiền.

Chặng chót, có sách trong tay, tác giả tự lo phát hành đến tay người đọc, “bán” sách, thâu lại “tiền vốn” còn có tiền dành cho việc xuất bản cuốn kế tiếp.

Đứng trên mặt “kinh doanh” không thôi, thì việc tự xuất bản một cuốn sách, nói nôm na,  là việc “bỏ ra bạc ngàn, thâu vào bạc cắc”. Muốn “huề vốn” thì phải bán được số nhiều.

Thoạt kỳ thủy, có nghĩa là cách đây hai ba chục năm, nhà văn PTC mỗi lần in sách là in 1000 ấn bản. Các tựa sách như “Nhớ Huế”, “Bức Họa Khỏa Thân” “ Lý Lẽ Của Trái Tim” rất được độc giả yêu thích, đặt mua và đã được tái bản một, hai lần.

Nhưng những năm gần đây, từ 2016,  tôi nhận ra nhiệt tình viết và xuất bản sách của PTC càng lúc càng …đi xuống. Mà đi xuống một cách trầm trọng.  Như khi đặt in tập truyện mới nhất này, “Vô Tình”, tác giả chỉ muốn in …50 cuốn. Tôi hỏi PTC tại sao số lượng in giảm đến độ gần như 95% so với trước đây, thì được nghe tác giả trả lời :

– “Có ai đặt mua sách đâu nữa mà in nhiều? In bây giờ chỉ để …biếu!”

Ô hay, độc giả mua sách PTC…biến đâu mất rồi? Không lẽ độc giả giờ cũng …”vô tình” như tựa tập sách mới của PTC sao?

Tôi nghĩ, có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính yếu nhất là số người đọc sách báo tiếng Việt (ở nước ngoài) càng ngày càng suy giảm trầm trọng (tuổi đã già, mắt kém); cộng thêm sự phát triển và phổ cập của các phương tiện truyền thông mới như đọc truyện, sách không tốn tiền trên Internet, xem YouTube hay Facebook v..v…thì cán cân nghiêng hẳn về những phương tiện “kỹ thuật mới” này. Thời đại văn minh, không còn thì giờ để tìm mua, đọc một cuốn sách, một tờ báo, nhưng quá nhiều thì giờ dành để email, lướt mạng, đưa hình ảnh lên FaceBook, hay xem YouTube! Do vậy, ngày nay ở nước ngoài, “đốt đuốc” cũng rất khó tìm được người mua sách báo tiếng Việt để đọc.

Khi tôi viết những dòng nhận xét ở trên về tình trạng xuất bản sách tiếng Việt của PTC, tôi vẫn không muốn tin là không còn độc giả (mua và đọc) sách báo tiếng Việt. Tôi không tin là những người yêu sách, báo thích đọc sách, báo tiếng Việt “biến mất” một cách không kèn không trống như vậy.Tôi càng không tin là người Việt mình sẵn sàng bỏ ra $15 để ăn 1 tô phở, nhưng tiếc $15 mua một cuốn sách, một tờ báo hay để đọc.

Tôi thực sự muốn chứng minh với PTC rằng có nhiều khi gióng lên một tiếng chuông thì người đọc kinh đang buồn ngủ mới giật mình tỉnh thức để tâm theo lời kinh, tiếng kệ. Rằng có nhiều khi độc giả của PTC không phải không muốn mua sách đọc, mà do chính PTC không ơi hỡi, không báo tin, không …quảng cáo, “tiếp thị” thì ai biết mà mua sách?

Vậy thì tôi xin mạn phép thưa với “độc giả” đã theo đọc tới những dòng chữ này hãy tìm mua và đọc những tác phẩm văn chương của nhà văn PTC, và cũng như  nhiều tác giả khác, như một phản chứng để nói với PTC (và nhiều tác giả khác) là: Chúng tôi những người yêu đọc sách tiếng Việt vẫn còn đây!

Được như vậy, nhịp cầu tương tác giữa tác giả và độc giả sẽ mãi được nối lại,  và tập truyện Vô Tình nhất định sẽ không là tập truyện cuối cùng như PTC “tuyên bố” với riêng tôi.

Nguyễn Quang Dũng (Focus Digital Publishing)

Virginia, tháng 12/2021

(Đính kèm dưới đây là Phiếu mua sách PTC)

Visits: 333

Nhà Văn Tâm Thanh

Đặng Quốc Tuấn

Tâm Thanh là bút hiệu của Ngô Thanh Tâm (Cao-học 2 / QGHC) như thi-sĩ Khánh Hà (Cao-học 3 / QGHC), người vợ thân-yêu của Tâm đã giới-thiệu chồng:

Tìm bút hiệu không khó gì

Tâm Thanh đảo lại- nghe đi tiếng lòng

Nhà văn Phạm Phú Minh, bạn thân của Tâm từ Viện Đại-học Đà-Lạt, nguyên Chủ-nhiệm Tạp-chí Thế Kỷ 21, đã nhận xét: “Và tôi nghĩ tên của anh, Thanh Tâm – một tấm lòng trong trẻo – là một cái tên tiền định cho phẩm chất đời sống của anh. Và cả bút hiệu của anh nữa, từ tên nói ngược thành Tâm Thanh – tiếng lòng – cũng rất xứng đáng: những gì anh viết ra sẽ là tiếng nói chân chính từ cõi lòng anh.”

Hãy nghe chính Tâm Thanh nói về lối viết văn của anh: “…đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ. Thả bút viết “tình yêu” mà trong lòng đầy oán hờn, tôi không làm được.” (Trích thư Tâm Thanh gửi Ban Tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam ở Oslo, Na Uy ngày 3 tháng 5, 2014, với chủ đề nói về tác phẩm của nhà văn Tâm Thanh, với hơn hai trăm người tham dự. Nhà văn Tâm Thanh vì bệnh nặng không đến dự được, đã gửi bức thư này để được trình bày với cử tọa.)

Tâm tốt-nghiệp Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt rồi về dạy Triết tại Trường Trung-học Ngô Quyền, Biên-hòa. Năm 1966, Tâm thi đậu vào Cao-học Hành-chánh Khóa 2, Ban Hành-chánh. Theo chương-trình Cao-học, những sinh-viên chưa có kinh-nghiệm hành-chánh phải đi thực-tập 5 tháng trước khi nhập học. Tâm chọn thực-tập ở Lâm-đồng vì chị của Tâm là Sœur Hiền đang tu tại đây. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng-ty Hành-chánh Lâm-đồng và cũng đang chờ về học Cao-học Khóa 2; tôi có nhiệm-vụ phải tổ-chức 5 tháng thực-tập Hành-chánh Địa-phương cho Tâm. Từ đấy, tôi được hân-hạnh quen biết anh gần một nửa thế-kỷ (49 năm).

Tôi và Tâm rời Lâm-đồng về Sài-Gòn học Cao-học; Tâm thuê dùm vợ chồng tôi một căn nhà trong Xóm Đạo Bùi Phát. Sau khi thành-hôn với Khánh Hà, vợ chồng Tâm Hà cũng thuê một căn nhà gần tụi tôi. Khi nghe tin Tâm và Khánh Hà sắp lấy nhau, một cô học trò cũ của Tâm uống sẵn một chai thuốc ngủ rồi vào thăm Tâm trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC. Đang ngồi nói chuyện với Tâm thì cô ta ngã lăn ra bất tỉnh; cô ta muốn được chết trong vòng tay người thầy cũ của mình. Tâm lật-đật gọi xe cứu-thương đưa cô ta vào bệnh-viện. Khánh Hà đến trường nghe tin vội chạy vào bệnh-viện giúp Tâm. Tâm, Khánh Hà cùng với các bác-sĩ, y-tá đã cứu sống được cô học trò nhỏ. Vì chuyện cô gái tự-tử hụt này, Học-viện QGHC không cho Tâm ở trong Ký Túc Xá nữa mặc dù Tâm đã trần-tình rằng Tâm không hề có liên-hệ tình-ái với cô học-trò cũ. Sau này, khi viết bài “Cuốn Luận Văn” Tâm cũng qủa-quyết lập lại: “có Trời làm chứng, cô bé và tôi không có gì” (Cuốn Luận Văn, Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975 do Tổng Hội CSV/QGHC phát-hành năm 1999, trang 300). Hôm đó tôi, Tâm, và Vũ Công phải thuyết-trình về một đề-tài hành-chánh do Thầy Nghiêm Đằng chỉ-định. Tôi đành gồng mình thuyết-trình thêm phần của Tâm. Ngoài cô gái tự-tử hụt này còn có một cô học trò Ngô Quyền khác nữa, từng bị anh bồ Không Quân bắn vì ghen với giáo sư Tâm, mặc dù thầy Tâm không hề có tình ý gì với cô ta. Trong bài “Cuốn Luận Văn” Tâm đã tâm-sự: “Tôi bỏ nghề dạy học là vì truyện riêng ( tôi không biết cách đối xử với những cô học trò mới lớn, mà tôi cũng mới lớn…)”

Tâm Hà tham-dự Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Hình như chuyện cô học-trò cũ tự-tử hụt đã thúc-đẩy Tâm Hà thành-hôn sớm hơn dự–định. Vợ chồng Tâm Hà như hai nhánh sông hợp lại:

ta như hai nhánh sông

gặp nhau chung một dòng

đổ vào nhau bất tận

trôi giữa đời mênh mông”

(Khánh Hà, hai nhánh sông)

Sau khi “hai nhánh sông” hợp lại, Khánh Hà đưa chồng về thăm quê:

“Như chú rể Bắc của tui lần đầu

Về thăm quê vợ vùng sâu

Chưa nghe tiếng Bắc, lần đầu lạ tai

Ngoại hỏi nhỏ “Thẳng là ai?

Là người xứ nào, chẳng phải xứ ta?”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh nhận xét: Chị [Khánh Hà] luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường đời, luôn được tất cả mọi người quí mến, nể nang. Chồng Bắc vợ Nam, nhưng có lẽ đây là đôi tình nhân hạnh phúc nhất, cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà tôi biết được.”

Từ hồi học Đại-học Sư-phạm ở Đà-Lạt, Tâm đã kết bạn trao đổi thư tín với Hà năm năm trời:

Xa xôi Đà lạt thuở nào

Pensée anh ép gửi vào trang thư

(Khánh Hà, Chỉ còn)

Khi Tâm không được ở trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC nữa, Tâm rủ Hà: Bạn đề nghị hai đứa thuê nhà chung, nhưng năn nỉ thuyết phục thế nào cô cũng không chịu. Cuối cùng bạn nói bạn bị lao, ho ra máu. Đó là bạn đánh một canh bạc liều − nếu cô yêu bạn thật cô sẽ theo bạn, nhưng lỡ gia phong thắng lướt tình yêu thì sao? Không ngờ, cô sụp đôi mi cong xuống, nói, “Cũng được. Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 30). Thật ra bệnh lao của Tâm đã khỏi từ lâu rồi. Năm, sáu năm trước, nhân dịp đi chụp hình phổi để làm thủ-tục vào đại-học, Tâm phát giác bị lao phổi vì những đêm thức khuya học thi tú tài II. Tâm đã nằm Bệnh-viện Thánh Tâm, Biên-hòa 3 tháng, Bệnh-viện Hồng-bàng, Sài-gòn 6 tháng và, tạ-ơn Chúa, bệnh lao của Tâm đã được trị sạch hoàn-toàn.

Cũng nhờ việc “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” đã dẫn đến một đám cưới thân-mật, đầm ấm. Tâm Hà lấy nhau qua một “Phép Giao” (một nghi-thức hôn-phối Công-giáo đơn-giản) trong một tu-viện Dòng Mân Côi. “Các bạn không có tiệc cưới, chỉ có tiệc trà cực kỳ đơn sơ tổ chức trong một lớp học bạn dạy còn ngái mùi phấn, “ban tổ chức” là 12 nữ sinh, quan khách khoảng mươi lăm người bà con và bạn bè chí thân. Vậy mà vợ chồng còn ăn ở với nhau tới khi tóc bạc ruột lủng, cũng lạ.” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 103). Nhờ vậy chúng ta được quen biết một gia-đình đầy ắp tình yêu-thương giữa vợ chồng, con cái; một gia-đình tràn đầy tình-yêu qua những thành-công của Tâm trong lãnh-vực nghề-nghiệp, văn-chương cũng như qua những cơn bệnh hiểm-nghèo, đau-khổ của Tâm. “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” là một khúc ngoặt quan-trọng trong đời Tâm. Nó chấm dứt giai-đoạn cô-quạnh trong mặc-cảm yếu-đuối. Bạn phải kể lại chuyện quá khứ để bằng hữu và con cái biết câu “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” quyết định hạnh phúc đời bạn như thế nào. Tình yêu đến với bạn như giấc mơ, như phép lạ. Nước cam lồ rót vào bạn qua cái phễu bất hạnh, đau đớn, bệnh tật” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 32).

Tốt nghiệp Cao-học Hành-chánh, Tâm về làm Giảng-sư tại Viện Tu-Nghiệp Quốc-Gia. Đổi nghề từ Giáo-sư Trung-học sang Đốc-sự Hành-chánh, Tâm vẫn làm công việc “dạy học,” một công việc rất thích-hợp với con người và tính-tình Tâm.

Khi Miền Nam sắp sụp-đổ, Tâm đang tu-nghiệp ở Hoa-kỳ. Trong lúc hàng triệu người Việt-Nam tìm đủ cách để bỏ nước ra đi thì Tâm tìm cách về lại Việt-Nam để “lo cho vợ con” dù chương-trình tu-nghiệp chưa hoàn-tất. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tâm Hà làm đủ nghề để sống, kể cả đạp xích-lô. Thật ra sức Tâm yếu không đủ sức chở những ông bà phốp-pháp mà chở những cô học-trò nhỏ-nhắn thì Khánh Hà lại không an-tâm. Tuy nhiên, để tránh khỏi bị đẩy đi Vùng Kinh-tế Mới, Tâm phải thuê một xe xích-lô đậu trước cửa nhà. Tâm Hà học được nghề trồng nấm tai mèo (mộc nhĩ) tương-đối kiếm được đôi chút nuôi con và chờ dịp vượt biên. Tâm gia-nhập đội đánh cá Quận Bình Thạnh, mua ghe đi đánh cá và chở công nhân viên tuyến Sài Gòn – Cần Giờ… để tìm cách vượt biển. Cũng may trước đây cả hai đều giữ những chức-vụ chuyên-môn nên không phải đi học-tập, cải-tạo dã-man của Cộng-sản.

Nhờ nghề đánh cá, Tâm có cơ-hội móc nối vài người bạn liều mạng tổ-chức một chuyến vượt biển vào cuối năm 1979. Thuyền nhỏ (dài 12.5 mét), chở 51 người, không có đủ dụng-cụ hải-hành nên thuyền không đến được một nước láng giềng nào như Thailand, Malaysia hay Indonesia. Thời ấy các trại tỵ-nạn quanh vùng Đông Nam Á chật ních dân tỵ-nạn Việt-Nam bởi vì chính-khách ngu-dốt, dã-man của Cộng-sản. Ít có tầu biển nào dám vớt người tỵ-nạn vì sợ trách-nhiệm; cùng lắm họ dừng lại cho thực-phẩm, săng nhớt hay giúp sửa máy chứ không vớt thuyền nhân. Chiếc thuyền nhỏ bé của bọn Tâm Hà lênh-đênh trên biển cả ba ngày ba đêm, gặp 29 tầu biển nhưng không tầu nào dừng lại cứu vớt. Nước uống và mì gói sắp hết, thời-tiết như sắp có bão, mọi người lo-sợ sẽ làm mồi cho cá biển. May sao tầu “Seaspeed Dima” thuộc công-ty hàng hải Na-Uy Sjøhistorie đã dừng lại vớt hết mọi người và chở bọn Tâm Hà vào trại tỵ-nạn Singapore. 51 người vừa được vớt thì một cơn bão ập tới. Suốt đời bạn không bao giờ quên ơn cứu tử của thuyền trưởng và thủ thủy tàu Sea Speed Dima” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 65). Thời-tiết Na-Uy lạnh gía nhưng tình người Na-Uy rất ấm-áp.

Seaspeed Dima / Sjøhistorie.no

Ba mươi ba năm sau (2012), Tâm Hà trở lại Singapore để thăm lại trại tỵ-nạn Việt-nam nhưng không tìm được. Hỏi thăm nhân-viên khách-sạn họ cũng không biết nhưng có người tìm trên “internet” được một bản đồ cũ có chỉ vị trí của “Vietnamese Refugee Camp” ở vùng Sembawang phía cực bắc Singapore. Khi Tâm Hà lần mò tới nơi, không còn vết tích xưa nữa. Thật ra trại tỵ-nạn này đã đóng cửa từ tháng 6 năm 1996, nhà cửa vốn thuộc một doanh trại cũ của quân đội Anh bị phá hủy, tên đường phố Hawkins Road cũng gỡ xuống; lúc ấy còn 99 người tỵ-nạn Việt-Nam không có nước nào tiếp-nhận nên bị trả về Việt-Nam. Trại Hawkins Road được coi là một trong những trại tỵ nạn nhân-đạo tốt hơn hết trong khu vực Đông Nam Á.

Định-cư ở Na-Uy, Tâm Hà đều đi làm Bưu-điện (hèn chi thư từ tôi gửi cho Tâm Hà cứ bị thất-lạc); sau Tâm bỏ Bưu-điện đi làm cho đài truyền hình Quốc Gia Na Uy NRK. Ổn-định cuộc sống rồi, Tâm Hà sáng-tác rất mạnh, chàng viết văn, nàng làm thơ. Tâm đã xuất bản ba quyển truyện ngắn: Thiên Nga giữa cõi người, Gỗ thức trên rừng, Thiên Hương về Trời, và quyển Nụ cười xã hội chủ nghĩa. Khánh Hà cũng in ba tập thơ: Cõi Thơ, Ở Đây Cuối Đường. Tâm Hà còn dịch sang tiếng Việt vở kịch thơ Peer Gynt của đại thi hào Henrik Ibsen, một tác phẩm cổ điển giá trị của Na-Uy. Tâm còn vài truyện ngắn và truyện dài Ngọn hải đăng bỏ hoang chưa xuất-bản. Gần cuối cuộc đời Tâm viết một “chúc thư”: Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, quyển này chỉ in ít bản dành tặng bạn bè. Nhân vật chính trong Lệnh Triệu Ban Rồi“Bạn” vừa có thể hiểu là ngôi thứ nhất: tác giả, mà cũng có thể hiểu là ngôi thứ hai: độc giả nhưng thật ra “Bạn” trong “chúc thư” là người bạn thân-thương Tâm Thanh của chúng ta. Sau phần “chúc thư” của Tâm Thanh là 23 bài thơ của Khánh Hà: “Vần Cuối Cho Anh.” Hình như Khánh Hà đã dùng nước mắt mình làm mực để viết Vần Cuối Cho Anh.

Tâm Thanh viết văn giản-dị, nhẹ-nhàng, trong sáng nhưng thỉnh-thoảng cũng lồng thêm nhiều tình-tiết bất-ngờ, gay-cấn. Đôi khi độc-gỉa thấy một câu văn hay tên truyện hơi “khó hiểu;” hãy đọc chậm lại bạn sẽ hiểu ý của Tâm và xin nhớ rằng nhà văn thân-thương của chúng ta vốn là một giáo-sư Triết học. Cố văn-sĩ Nguyễn Mộng Giác, người viết Tựa “Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng” cho quyển truyện đầu tay của Tâm Thanh, Thiên Nga giữa cõi người” đã viết: Người đọc bước vào truyện như lạc vào một cõi mơ, và ra khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn muôn thuở của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ triết lý” và: Tâm Thanh viết văn như một cách tiếp nối nghề nghiệp anh đã từng làm ở quê nhà trước ngày tan đàn rã gánh: nghề một giáo sư triết học. Chỉ khác là lần này anh “triết lý” bằng “thi ca.

Buổi Ra Mắt Sách do Tổng hội CSV/QGHC, Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do Đông Bắc Hoa Kỳ phối-hợp tổ-chức (Virginia 1999).
Từ trái: Khánh Hà (CH3), với tác-phẩm “Cõi Thơ”
Đặng Quốc Tuấn (ĐS10, CH2) bút hiệu Đặng Vũ Hoài Việt, với bộ truyện dài “Trôi Giạt”
Ngô Thanh Tâm (CH2) bút hiệu Tâm Thanh, tập truyện ngắn “Thiên Nga giữa cõi người”
(Không có trong hình là chị Phạm Thị Quang Ninh, phu-nhân anh
Hà Thế Ruyệt (ĐS 9, CH4) với tập hồi ký “Cùng Nhau Trôi Nổi”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh, người đã được Tâm Thanh khuyến-khích viết văn, nhận xét về Tâm Thanh: “Tính của anh không thích nghe những lời khen, những lời cám ơn hay ngưỡng mộ mình” Anh rất xứng đáng là thầy tôi, nhưng không bao giờ chịu nhận. Đôi lúc tôi còn giận anh cái tính quá khiêm nhường.” Phạm Tín An Ninh viết những lời này trong ngày Giỗ 49 Ngày của Tâm Thanh; khi ấy (2015) có người cho rằng Phạm Tín An Ninh còn nổi tiếng hơn cả “Thầy” Tâm Thanh của mình.

Trong cuốn “chúc thư” Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, Tâm ghi vội nhiều cảm nghĩ của mình về nhiều vấn-đề như bệnh-tật, đau-đớn, đau-khổ, tôn-giáo, bạn bè, và nhiều chuyện lặt-vặt hàng ngày mà Tâm đã trải qua trong cuộc đời mình. Khi biết mình sắp ra đi Tâm viết lại những cảm nghĩ này để gửi vợ con, bạn bè, chủ-yếu là khuyên-bảo mọi người làm cách nào để sống quãng đời còn lại một cách phong-phú và hạnh-phúc.

 Tâm viết về cha mẹ, các anh chị và em gái. Tâm có ba người chị, anh Lưu, và một em gái. Chị Hiền lớn nhất đi tu Dòng St. Paul ở Hà-Nội từ năm 14 tuổi. Hai chị kế đã đi lấy chồng, anh Lưu ở xa với người chú ruột. Bố của Tâm vốn là Chủ-tịch Ủy-ban Hành-chánh Xã Thiên Thiện của Việt Minh nên bị Tây bắt giam. Chú của Tâm, một linh-mục, đến xin và bảo-lãnh cho anh nên bố của Tâm được thả ra. Việt Minh cho rằng phải là Việt gian hay nhận làm Việt gian, mới được Tây thả nhanh như vậy, nên họ muốn thanh toán ông. Ông trốn thoát kịp. Ông trốn ở đâu, gia đình cũng không biết. Trong thời gian đó mẹ Tâm bị bệnh nằm liệt giường; Tâm mới 11 tuổi, vừa coi em gái út Minh 5 tuổi vừa coi Mẹ; mỗi ngày chị thứ hai về nhà nấu cơm cho mẹ một lần rồi phải trở lại nhà chồng. Có lần Tâm đang giặt áo cho Mẹ trên cầu ao, em Minh ngã xuống ao, Tâm nhanh tay nắm được chân em lôi lên. Hơn 60 năm sau, Minh và con gái đi lùng khắp làng để xin lá đu đủ đực gửi sang Na-Uy cho anh uống chữa bệnh ung-thư tụy tạng.

Anh Lưu của Tâm xa nhà từ năm 9 tuổi để sống với chú là một linh-mục. Chú rất thương cháu nhưng lại rèn-luyện cháu theo khuôn-khổ một nhà tu-hành nghiêm-khắc, kỷ-luật nên thường hay đánh đòn cháu. Theo Tâm, chính vì đời sống khắc-khổ thời niên thiếu nên Lưu rất cô-đơn, ít biểu lộ tình-cảm. Lấy vợ cũng không biết tự tìm mà để chú lo-liệu. Tuy không quen nhau trước khi cưới nhưng hai vợ chồng Lưu rất thương-yêu nhau. Lưu tốt-nghiệp Học-viện QGHC Khóa 6 Đốc-sự. Tâm và gia-đình rất hãnh-diện khi thấy người ký văn-bằng tốt-nghiệp của Lưu là Tổng-thống Ngô Đình Diệm, một chí-sĩ của Việt-nam, một ân-nhân, một “thần tượng” của những người Bắc di-cư vào Nam năm 1954-1955.

Trong một kỳ nghỉ Tết, Lưu chở vợ bằng xe Lambretta đi chơi bị đụng xe gần Vũng Tàu. Vết thương ở chân chị Lưu không nặng lắm nhưng vì là chiều Giao-thừa, nhân-viên y-tế thiếu, nên thay vì sắp-xếp xương gẫy cho ngay-ngắn rồi bó bột thì người ta cưa một chân của chị. Ít năm sau Anh Lưu mất vì bướu não khi chưa đầy 35 tuổi. Cũng may Chị Lưu rất tháo-vát, giỏi kinh-doanh, nuôi ba đứa con côi thành-công và hiện đang định-cư ở California. Không kể hồi nhỏ còn bú mẹ, Tâm và Lưu chỉ sống chung với nhau khoảng hai năm. Tâm vẫn nhớ một việc duy nhất Tâm làm anh Lưu hài lòng là gãi đầu Lưu khi Lưu bị bướu não vì bướu não lan đau-đớn ra tận chân tóc. Tâm “bon chen vào học hành chánh (CH2), một phần do muốn theo chân anh” (Ngô Thanh Tâm, Anh tôi).

Tâm Thanh & Khánh Hà tại Norwegian Wood

Cuối cùng bố Tâm cũng bị Việt Minh bắt. Ông được thả về vài tháng thì mẹ Tâm mất. Ông gửi Tâm cho ông chú để Tâm có chỗ đi học. Chú lại gửi Tâm sang trường Dòng. Năm 1954 Tâm theo trường Dòng di cư vào Nam, trong khi Bố Tâm ở lại, bị Việt Minh đấu tố tới chết.

Sống trong trường Dòng, liên hệ gia đình chỉ còn là những lá thư hằng tuần của người chị. Để em bớt cô đơn, Sœur Hiền cho Tâm một tấm hình bỏ túi áo. Nhiều anh lớn (học-sinh trong trường) hối lộ tiền hoặc kẹo lạc, bong bóng để xin một tấm hình tương tự; xin không được thì mượn hình Sœur Hiền hôn một cái. Tâm tức lắm mà không làm gì được. Nhưng một anh đã đi quá đáng, anh ta ôm chặt Tâm và gọi tên chị Hiền. Tâm mách cha, anh này bị đuổi. Tâm không ngờ hậu quả cho anh ta lớn như vậy, nên vẫn hối hận dù anh ta đã chết bên Mỹ.

“Trong trường dòng tại Sài Gòn, bạn rất chuyên tâm, không ngại ngùng chi cả, chỉ ngại những ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Bởi vì mỗi lần bãi trường bạn bè hân hoan về với gia đình (quen gọi là “về quê”), còn bạn không biết về đâu. Hai chữ “về quê” nghe đẹp làm sao, nhưng chưa bao giờ bạn được hưởng. Có lần Tết Nguyên Đán bạn không biết đi đâu, phải cùng một đứa bụi đời leo xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, lang thang ở bờ sông, cuối cùng ngủ trên cái thuyền bỏ cạn, ngực áp một cuốn sách cho đỡ lạnh. Đó là cuốn Sans Famille (Vô gia đình) của Hector Malot, cuốn truyện tiếng Pháp đầu tiên bạn đọc. Mỗi lần đọc lại khóc, nhưng cứ thích đọc. Suốt đời bạn mơ ước mình có một gia đình để nếm mùi ngọt ngào” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 31 – 32). 

 “Chị Hiền ơi,

Em nói câu này nếu Chị không bằng lòng thì xin Chị tha-thứ cho em. Theo em nghĩ, khi Bác Gái đau nằm liệt giường, Bác Trai đang trốn-tránh Việt Minh hoặc bị tù thì Chị phải xin phép Bề Trên về nhà săn-sóc Mẹ và các em. Khi nào các em 1ấy chồng, lấy vợ hoặc các em đã khôn lớn thì Chị sẽ trở lại Nhà Dòng tiếp-tục cuộc đời tận hiến cho Chúa và Mẹ Maria. Em chỉ gặp Chị hai lần, chắc Chị chẳng còn nhớ em ra sao nhưng em còn nhỏ hơn Tâm vài tuổi nên Chị cứ la mắng em như một người em của Chị nếu Chị cho là em sai. Em xin lỗi Chị. Cám-ơn Chị đã cho Tâm Hà một tình-yêu trìu-mến, một tình-yêu pha trộn giữa tình Mẹ và tình Chị, một an-ủi nồng ấm trong những năm tháng bệnh-tật của Tâm.”

Đôi uyên-ương Tâm Hà tại Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Trong cuốn “chúc thư,” Tâm dành nhiều trang viết về bạn bè: bạn thời niên-thiếu ở Trường Dòng, Trường Hồ Ngọc Cẩn, bạn đồng môn ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt, và Học-viện QGHC. Tâm viết về các bạn trong giới văn-chương, các nữ tu Dòng Mân Côi, và các bạn ở Na-Uy kể cả người đồng hương và người bản xứ. Tâm còn viết về bạn bè của Khánh Hà và của Anh Lưu. Trang nào cũng đầy ắp tình người, tràn ngập tình bằng hữu, ngào ngạt hương thơm vì Tâm rất thích La Fontaine đã thi vị hóa tình bạn già bằng một hình ảnh sinh động “Tình bạn như bóng chiều, ánh dương đời càng xuống thấp nó càng trải dài ra”.

“Chữ ký” của Tâm Hà trong nhiều emails

Gần ngày ra đi, Tâm nghĩ có thể Tâm đã no đủ rồi, không ước ao gì nữa: “Quan trọng nhất là bạn cho vợ con thấy bạn đã sống hạnh phúc, đã thương yêu họ, đã nhận lãnh đủ tình thương của họ, no đầy. Bạn sẵn sàng ra đi trong no đủ, thảnh thơi đến một nơi hạnh phúc tuyệt vời… Thương khóc hay nguyền rủa, bạn không hay. Có mấy người tiễn đưa? Có mấy vòng hoa, to hay nhỏ?… Tất cả sẽ là hài kịch cuối cùng mà vai chính không được tham dự, đành xin lỗi và cám ơn trước” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Thực ra Tâm vẫn còn một giấc mơ chưa đạt được: “Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm – có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 173).

Tâm chỉ có một “Di chúc duy nhất của bạn là được liệm bằng cái áo lính mà Trung tâm Huấn luyện Quang Trung phát cho khi bạn đi ‘lính chín tuần’. Cũng cái áo này bạn đã mặc khi đi đạp xích-lô và vượt biên” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Chiếc áo lính này đã được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Na-Uy nhân Ngày Kỷ Niệm Thuyền Nhân. Tâm chỉ đi lính chín tuần nhưng theo Tâm, chúng ta đã “nợ người lính Cộng Hòa. Họ đã lấy thân đỡ đạn cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường, ngủ yên trong nhà ở thành phố mấy chục năm trời, mấy ngàn đêm ngày” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 137).

“Lệnh Triệu Ban Rồi, thôi tôi đi đây” là thơ của Rabindranath Tagore (1861–1941) do Đỗ Khánh Hoan dịch. Tagore là người Bengale; ông là một triết gia, một thi-sĩ, văn-sĩ, nhạc-sĩ, và họa-sĩ. Năm 1913, Tagore là người không thuộc Âu-châu đầu tiên (the first non-European) giật giải Nobel Văn-chương. Tâm Thanh đã mượn câu thơ của Tagore để trối-trăn với vợ con, bạn bè; đây là dòng chữ cuối cùng Tâm Thanh viết cho những người thân-yêu của mình. Giuse Ngô Thanh Tâm đã theo Tagore ra đi vào ngày 9 tháng 4 năm 2015 nhưng Tâm Thanh vẫn mãi mãi ở lại trong lòng vợ, con, chị, em và bằng-hữu.

Trước khi bị ung-thư, Tâm rất săn-sóc sức-khỏe của mình. Anh ngồi thiền, tập tài-chí khí công được 20 năm. Tâm Hà ăn gạo lức, muối mè theo phương-pháp dưỡng-sinh của Triết gia Nhật-bản Ohsawa; Tâm Hà cũng ăn nhiều đậu hũ. Có lần vợ chồng tôi và Tâm Hà đi ăn cơm Việt-nam ở Virginia, Tâm rất ngạc-nhiên và thích-thú khi thấy nhà hàng có bán canh tôm đậu hũ nấu với lá hẹ. Tâm say-mê món ăn bình-dân, giản-dị này, ít động đũa tới những món thịt, cá cầu-kỳ khác. Khi Sœur Hiền từ Việt-nam sang Na-uy thăm các em, các cháu “cái vali chỉ có một bộ đồ, chỗ còn lại dành cho cái máy xay sữa [đậu nành] làm đậu hũ”.

“Anh-hùng thấm mệt”
(ngày gần cuối trong chuyến du-lịch Nhật Bản và Đại Hàn, 2014)

Căn bệnh nan-y của Tâm được chẩn bệnh vào năm 2012; Tâm thấy hay mệt, ăn không ngon, hay đau thắt ngang hông. Đi khám bác-sĩ mới biết bị ung-thư tụy-tạng (Pancreatic Cancer); tin xấu này đến trong Mùa Chúa Giáng-sinh 2012. Qua Tết Ta (Tết Qúy Tỵ, tháng 2 năm 2013) Tâm vượt qua được cuộc giải-phẫu nguy-hiểm Whipple (Whipple procedure hay còn gọi là pancreaticoduodenectomy). Giải-phẫu Whipple rất phức-tạp nhằm cắt bỏ phần đầu của tụy-tạng (the head of the pancreas), khúc đầu ruột non (duodenum), túi mật (gallbladder), và một khúc ống mật (bile duct). Phần còn lại của tụy-tạng, ruột non và ống mật được các bác-sĩ nối lại để bệnh-nhân có thể tiếp-tục tiêu-hóa thực-phẩm. Cuộc giải-phẫu Whipple của Tâm kéo dài hơn 7 giờ. “Bạn vừa chết bảy tiếng đồng hồ! Sống dậy, nhưng không biết có sống thật không.” Khoảng 25% bệnh-nhân hoặc chết trên bàn mồ Whippel hoặc chết chỉ sau đó ít lâu.

Cục u nằm ở đầu tụy-tạng của Tâm dài 1.5 cm; nó nằm ngay chỗ mấy giây thần-kinh giao nhau nên đau lắm. “đau nhói như chưa bao giờ đau như vậy. Cơn đau dữ dội nhưng ngắn gọn như đạn xuyên…Có lần đau đến nỗi không há miệng cầu cứu vợ được.” Đau như vậy nhưng Tâm lại tự an-ủi “Đó là cái may của bạn, vì nhờ đau, bệnh được phát giác kịp thời. Về phương diện thể lý, đau là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, một cảnh báo rất tử tế của Tạo hóa. Cơ thể không biết đau có thể ví như chiếc xe hơi không có đèn báo thiếu nhớt, cạn dầu thắng, cứ chạy cho tới khi lao xuống vực thẳm.” Tôi có một kinh-nghiệm giống hệt lời ví rí-rỏm của Tâm về việc “cơ-thể không biết đau.” Tôi bị bệnh lở bao tử (stomach ulcer) mà không biết vì không đau; vết lở không nằm trong bao tử mà nằm ngoài cuống bao tử, chỗ ấy không có giây thần-kinh nào nên không đau. Khi tôi mệt qúa, nhà tôi đưa tôi vô nhà thương. Nằm chờ ở Phòng Cấp-cứu tôi thấy chóng mặt, khó chịu nên xin cô y-tá một cái gối nữa hy-vọng gối cao lên sẽ dễ chịu hơn. Cô ta chẩn mạch tim, đo “blood pressure,” gọi phòng thí-nghiệm đang thử máu của tôi rồi thay vì cho tôi thêm một cái gối nữa, cô ta lấy nốt cái gối tôi đang nằm. Thì ra tôi đã mất khoảng nửa số máu trong cơ-thể mà tôi không biết, cô y-tá sợ tôi không có đủ máu chạy lên não nên hạ thấp đầu tôi xuống trong khi đang tiếp máu cho tôi.

Sau giải-phẫu Whipple, Tâm tiếp tục chữa ung-thư tụy-tạng bằng chemotherapy (hóa trị) trong 6 tháng. Bệnh tình thấy thuyên-giảm đôi chút nhưng cuối năm 2013, Tâm bị pancreatitis (viêm tụy), lại vô nằm nhà thương. Khổ cho Tâm; phần lớn người ta hay bị pancreatitis trước khi bị pancreatic cancer. Chúa ơi! sao đôi khi Chúa thử thách chúng con qúa nặng nề! Trong bài giảng Lễ an táng Giuse Ngô Thanh Tâm, Đức Ông (Monsignor) Huỳnh Tấn Hải, người đã quen biết Tâm 33 năm, cho hay Anh ngưỡng mộ giáo lý từ bi và giải thoát của Nhà Phật. Anh quí trọng nền lễ giáo của thầy Khổng Tử, lối sống phóng đạt, siêu thoát của Lão Tử, nhưng anh luôn bám chặt niềm tin cứu độ của Kitô giáo. Và điều này không dễ dàng.” Đã có lần qúa thất-vọng, Tâm có phần than trách Chúa.” Từ Đại Hàn, Tâm đã viết cho Đức Ông “Con ở tại một khách sạn sát cạnh một nhà thờ, con ngẫm nghĩ tinh thần Kitô giáo có thể chuyển hoá cả một quốc gia Đại Hàn, thì sao không đem lại bình an cho tâm hồn và thể xác bé mọn của con.”

Vì Tâm yếu sức hầu như không chịu đựng nổi chemotherapy nên bác-sĩ cho Tâm nghỉ ít ngày và khuyến-khích Tâm Hà đi du-lịch cho khuây-khỏa. Từ lâu Tâm Hà vẫn muốn đi thăm Nhật Bản vào mùa hoa Anh Đào. Tâm Hà đã mua vé năm 2011 nhưng Nhật bị động đất nên chuyến đi phải hủy-bỏ. Được phép của bác-sĩ, Tâm Hà vui-vẻ đi thăm Nhật Bản và Đại Hàn. Tâm thích chuyến du-lịch này lắm, Tâm chụp nhiều hình và làm video “HOA ĐÀO” dài 50 phút; video có nhiều hình đẹp, nhạc rất hay. Tâm giới-thiệu nước Nhật: “Không thấy đâu một cọng rác trừ những cánh hoa đào rơi.”

Hoa Đào Nhật Bản (Tâm chụp năm 2014)

Một điều tôi vẫn tiếc là đã không đi với Tâm Hà sang Nhật bởi vì cùng lúc ấy Nhà Tôi đã ghi tên đi Machu Picchu (Peru). Lúc ấy dù tôi có bỏ “tour” Machu Picchu thì cũng không mua được vé đi Nhật với Tâm Hà vì họ đã “sold out.” Tâm an-ủi tôi: “Nếu đi Nhật về, chữa bệnh tiếp mà bớt thì chúng tôi thoáng nghĩ hai cặp chúng ta đi BHUTAN (nước Phật hiền hòa) với nhau.” Tâm ơi! Mộng ước bốn đứa mình đứng dưới chân núi Hi-Mã-Lạp-Sơn hay đi thuyền trên sông Seine (Paris) thay vì dòng sông Trương Minh Giảng đen ngòm không bao giờ thành!

Tâm Hà thăm Đền Thần Đạo Itsukusima Shrine, Hiroshima (Nhật Bản 2014)

Đi Nhật về Tâm bị đau 3 ngày rồi sau đó ra vào bệnh-viện liên-miên để chemotherapy, radiation therapy (quang trị), và truyền máu…Thường Chị Khánh Hà cũng ở luôn trong bệnh viện để săn-sóc chồng. Khi không chữa thuốc Tây, Tâm Hà đã thử dùng đủ mọi loại thuốc thiên-nhiên như lá đu đủ, măng tây, mãng cầu, nghệ, fucoidan, trái khổ qua.. Tôi và Nguyễn Minh Triết (CH 2) rủ Tâm Hà dự Đại Hội Liên Khóa CSV/QGHC ở Houston năm 2014 nhưng Tâm không dám đi, Tâm than có lẽ tôi phải bỏ giấc mộng giang hồ vặt để chuẩn bị cho một chuyến đi lớn cuối cùng.” Chuyến đi lớn cuối cùng này đã xảy ra vào ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trong ngày đau-buồn này, Cao-học Hành-chánh 2 mất hai người bạn thân-thương: Ngô Thanh Tâm mất ở Na-Uy, Nguyễn Ngọc Diệp mất ở California, Hoa-kỳ.

Tâm đã bỏ chị Khánh Hà, các cháu Tiêu Dao, Như Thủy, Camillia; Tâm đã bỏ chúng ta đi về “Bên Kia,” Tâm đi một mình, cô-độc. Nguyện xin Chúa Nhân-từ, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, sớm đưa linh-hồn Giuse Ngô Thanh Tâm về hưởng Nhan Thánh Chúa, sớm cho Tâm được gặp lại Ba Mẹ và Anh Ngô Đức Lưu. May God hold you in the palm of his hand.

Khi không còn anh

Em phải đi bằng đôi chân của mình

Trong mùa đông giá lạnh

Bàn tay em không người sưởi ấm

(Khánh Hà , Khi không còn anh)

Mới ngày trước, Bàn tay em không người sưởi ấm” này đã cầm chặt tay Tâm để “con đau nó bò sang em.”

Sau đây là một số truyện ngắn và bài viết của Tâm Thanh. Gọi là một “Tuyển Tập” thì không đúng hẳn nhưng đây là một sưu-tập những bài của Tâm Thanh đang có sẵn trên “internet”. Cách đây ít lâu, bạn Lê Qúy Đính (ĐS 10 / CH 3) “posted” truyện ngắn “Trích tiên” của Tâm Thanh trên Diễn-đàn Khóa 10 và nhiều bạn của Tâm Thanh muốn xem thêm truyện của Tâm. Tôi có một số sách truyện của Tâm và thơ của Khánh Hà (CH 3) nhưng đều là “sách;” khó gửi luân-lưu cho bạn bè. Tôi tìm trên “internet” thấy có một số truyện ngắn của Tâm Thanh nên góp lại đây để chuyển cho các bạn. Ngoại trừ bức thư của Tâm tôi cố ý để cuối cùng, những truyện khác tôi không xếp theo một thứ tự nào; gặp truyện nào của Tâm ở trên mạng là tôi mừng hú, “copy” ngay; tôi biết còn sót nhiều truyện. Tôi trân-trọng cám-ơn những diễn-đàn, đặc-san đã in truyện / bài của Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm mà tôi đã sao in trong sưu-tập này; tôi xin lỗi qúy vị vì tôi không xin phép trước.

 

Hoa Đào Khánh Hà và Hoa Đào Nhật Bản của Tâm (2014)

Truyện / Bài                                        Trang                 Nguồn

  1. Thiên nga giữa cõi người                    17                    http://phamtinanninh.com/
  2. Nén hương nhớ mẹ                             23                    https://vnthuquan.net/
  3. Cổ Thành (truyện Tâm Thanh)            29                    http://phamtinanninh.com/
  4. Cổ Thành (thơ Khánh Hà)                  40                    http://phamtinanninh.com/
  5. Đám mây bên kia hồ Mjøsa                42                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  6. Chân dung một cô gái Việt-Nam        50                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  7. Ngôn Ngoại                                        56                    https://quocgiahanhchanhmd.com/
  8. Chiêu hồi ngôn từ                               65                    https://www.diendantheky.net/
  9. Nụ cười Xã Hội Chủ Nghĩa                78                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  10. Trích tiên                                             79                    https://vietmessenger.com
  11. Lụa bạch                                             94                    https://www.luanhoan.net
  12. Di ngôn lạ                                           109                  https://www.luanhoan.net
  13. Hương xưa                                          119                  https://www.luanhoan.net
  14. Bàn tay                                                128                  https://www.luanhoan.net
  15. Chó và người giữa Hà-Nội                 133                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  16. Nhà sư dắt con                                    138                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  17. Túp lều của chị tôi                               143                  https://buonmathuot.org/content.php
  18. Con bọ mắt                                         151                  https://www.diendantheky.net/
  19. Mai sau kiếp khác                               155                  https://www.diendantheky.net/
  20. Thiên Hương về trời                           168                  http://www.hocxa.com
  21. Gỗ thức trên rừng                               177                  http://www.hocxa.com
  22. Tên người yêu                                     190                  https://www.diendantheky.net/
  23. Phấn thông                                          197                  https://www.diendantheky.net/
  24. Hỏi vườn dâu đâu giòng nước cũ       206                  https://www.diendantheky.net/
  25. Mùi trần                                              216                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  26. Trái mùa                                              224                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  27. Em gái tôi và con dê đen                    231                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  28. Qùa cho em                                         238                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  29. Cuốn Luận Văn                                  242                  Kỷ Yếu QGHC 1952-1975 (xb 1999)
  30. Anh tôi                                                245                  Đặc-san “Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ”
  31. Giáng phước                                       248                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  32. Đọc thơ người nhà                              253                  https://www.luanhoan.net
  33. Câu truyện hay nhất thế giới              256                  http://www.hocxa.com
  34. Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh     263                  http://www.hocxa.com

Tuyển tập này dài 264 trang nên không tiện “layout” để đăng trên Diễn-đàn Hội Cựu Sinh Viên Quốc-Gia Hành-Chánh Miền Đông. Bởi vậy tôi chỉ đăng bài “Nhà Văn Tâm Thanh” để giới-thiệu tác-gỉa. Độc-giả xin theo “nguồn” mà tôi ghi trên để tìm đọc truyện, bài của Tâm trên mạng; tiện dịp mời qúy vị ghé thăm một số diễn-đàn văn-nghệ, diễn-đàn hội ái-hữu của người Việt mình. Ngoài truyện của Tâm Thanh, quý vị sẽ có dịp thưởng thức các truyện, bài, tin-tức khác trên các diễn-đàn này. Tuy nhiên nếu độc-giả nào muốn có toàn bộ tuyển tập này xin “email” cho tôi, tôi sẽ gửi đến quý vị.

Hy-vọng qúy vị “enjoy” sưu-tập này. Hãy thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ người bạn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm thân-thương của chúng ta.

Một người bạn cũ của Tâm
Đặng Quốc Tuấn
(ĐS 10 / CH 2)
Ngày cuối năm 2020
Dr.MichaelDang@gmail.com

Vợ chồng Ngô Thanh Tâm & Khánh Hà và vợ chồng Thu-Cảnh & Đặng Quốc Tuấn Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999 (Ảnh do Cố Huynh-trưởng Châu Kim Nhân chụp)

 

Visits: 1023

Đọc Lại Sách: Già Ơi … Chào Bạn của BS Đỗ Hồng Ngọc

Minh Tâm Xuân Đỗ

Trước năm 1975, tôi có đọc một số bài viết của Nhà văn Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trên tập san Bách Khoa. Tôi rất thích lối viết nhẹ nhàng; nhưng các nhận định của ông rất sâu sắc về các vấn đề nhân văn, sức khỏe và tính nhân bản trong các bài viết đó.

Tháng Tư 75, thời cuộc đổi thay, Việt Nam rơi vào vòng cai trị hà khắc, độc đảng của chế độ Cộng Sản. Tôi may mắn đang làm việc tại thành phố miền biển Vũng Tàu, kịp thời lên ghe, chạy ra biển khơi trong làn pháo kích của quân Cộng Sản, tiến chiếm thành phố vào sáng sớm ngày 29 tháng Tư. Chúng tôi được một chiến hạm Đài Loan, trong chiến dịch cứu trợ người Tỵ Nạn Cộng Sản, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, vớt đưa qua Phi Luật Tân và từ đó qua Mỹ làm kẻ mất quê hương, làm lại cuộc đời trong tuổi tam thập với một gia đình nho nhỏ, vợ và ba con thơ.

Trong viết lách và nhất là đọc sách báo, các bài viết trên báo mạng lưới điện toán, khi máy điện toán ra đời và mạng lưới điện toán phổ cập, đôi khi tôi có dịp “gặp” lại nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cũng trong những đề tài trên, cũng vẫn giọng văn nhẹ nhàng, thấm thía hơn và chấp nhận hơn, thấm đượm tinh thần từ bi, hỉ xã, vô thường, sắc không của nhà Phật.

Năm 2005, khi đến tuổi hưu trí và con cái đã thành đạt, có gia đình, ở xa cha mẹ, chúng tôi     chuyển về miền Nam California, vùng Little Saigon, gần gia đình, anh chị em, bạn bè cũ mới, tìm lại không khí quê hương đã mất trong hơn ba mươi năm.

Một anh bạn… không còn trẻ cho tôi hai cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, do một nhóm Phật Tử ấn tống nhân mùa Vu Lan 2012. Hai cuốn sách này nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết và in năm 1999 ở Sài Gòn Việt Nam.

Cuốn “Gươm Báu Trao Tay” nói về bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, một bộ kinh quan trọng của nhà Phật. Và cuốn “Già Ơi… Chào Bạn” mà tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần và hôm nay giới thiệu … tuy khá muộn màn đến bạn bè.

***

Sách in khổ nhỏ, 6.5 x 6.5 inch, dày 134 trang, chữ cỡ 12, đọc dễ dàng, khỏi cần mang kính lão. Sách nhỏ có thể để trong tầm tay hay để trên đầu giường, trên xe hơi đang lái, khi xe ngừng, trong lúc đợi chờ bà xã đi mua thức ăn, đi shopping ở các malls…, mở sách ra đọc lại, các đoạn, các chương… bất cứ lúc nào thuận tiện, khỏi phải xem đồng hồ liên miên và thở phào nhẹ nhỏm, khi thấy bóng dáng nàng, bước ra khỏi tiệm. Trái lại, đọc Già Ơi… Chào Bạn, sao thấy thì giờ qua nhanh quá vậy, còn hỏi bà xã, “sao bữa ni em đi nhanh, mua đủ chưa?”.

Sách nhỏ, dày chỉ hơn 130 trang nếu đọc ngấu nghiến, chỉ khoảng chưa đến một giờ đồng hồ thì xong, nhưng đây là loại sách đọc chậm, từ từ, nhẩn nha, từng trang, từng mục, đôi khi ngừng lại, suy nghĩ hoặc tự cười thầm trước những nhận xét nho nhỏ, dí dõm của tác giả.

Các bài viết cũng kèm theo các hình vẽ minh họa, do chính tác giả vẽ, các nét chấm phá như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa hay những bức tốc họa duyên dáng của nữ họa sĩ Bé Ký, hoặc những câu thơ sơ sài Haiku Nhật Bản, chứa đầy tư tưởng cao xa.

Sách có 8 chương, mục và một bài Lời Ngỏ ngắn, hai trang:

–  Già là gì?

–  Khi nào thì người ta già?

–  Mỗi người già một kiểu

–  Đời sống gia đình

–  Biết ơn mình

–  Những bệnh vô duyên

–  Một cách nhìn mới

–  Một tuổi già hạnh phúc

1/ Già là gì?

Làm sao định nghĩa được tình yêu cũng như làm sao định nghĩa được tuổi già. Hỏi ra “Già Là Gì”, thì câu hỏi trở nên ngớ ngẩn, “mát dây”, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng bảo nói lên cho đầy đủ thì thật là khó. Không ai tự cho mình… già. Đó là một cảm giác chủ quan, rất chủ quan. Ai cũng nhìn người khác, thấy người khác… già hơn mình! Chúng ta đồng ý với tác giả điều này.

Đỗ Hồng Ngọc đưa ra các quan niệm của các nhà văn quốc tế làm dẫn chứng.

Nhà văn Pháp André Maurois có nói:” … thậm chí có khi ta chấp nhận tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già, không muốn già”. Điều này cũng không xa lạ gì với các cụ nhà ta, cũng đã dõng dạc nói “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam (năm mươi năm trước, (tớ) mới có hai mươi ba thôi!”, hay cợt nhã hơn “Già thì già mặt, già mày, chân tay già hết…lòng này còn non”, khi các cụ buông lời ong bướm, bị các cô chê “già…dịch! già mà …ham!”

Tác giả dẫn chứng tiếp, trong cuốn sách “Savoir se soigner pour bien vieillir” (biết tự chăm sóc để có một tuổi già khỏe mạnh) nói tiếp “năm tháng không có nghĩa lý gì!  Nó chỉ là yếu tố phụ. Có những người già lúc mới hai mươi vì không có niềm tin, không hy vọng và những người ngoài tám mươi còn trẻ vì đầy ắp những niềm tin và hy vọng, những kế hoạch không chỉ cho năm sau, tháng sau, mà còn cho ngày mai, ngày mốt….” Và họ khẳng định: “Tâm hồn không bao giờ già, nó trẻ vĩnh viễn.”.

Nghe các cụ này nói thật sướng, mình cảm thấy trẻ ra ngay. “Age is mostly a matter of mind. If you don’t mind, it doesn’t matter” (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!”

Ông mang thêm Lâm Ngữ Đường ra thuyết phục độc giả :” Nghe một ông lão còn tráng kiện khoe mình còn trẻ, hoặc nghe người ta khen ông còn trẻ, tôi nghĩ có sự lầm lẫn về ngôn từ ở đây. Phải nói “Già mà khỏe” mới đúng chứ! Già mà khỏe là hạnh phúc nhất của con người, như vậy mà gọi là trẻ chả hóa ra làm giảm giá trị của hạnh phúc đi ư !  Không gì đẹp bắng một người già minh mẫn, hiền từ, khỏe mạnh, ôn tồn bàn về thế sự một cách từng trải…”.

Còn ai muốn cãi với tác giả không? (Hởi các ông bạn….già mà còn trẻ … hoặc trẻ mà đã già Quảng Nam… hay cãi của tôi ơi. Hết cãi nhé!).

Tác giả kết luận chương 1 này: ”Và như vậy già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, cớ sao còn phải lảng tránh?  Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc”.

Khi đồng ý quan niệm được như vậy, theo tác giả, bạn có quyền nói :”Già Ơi!…. Chào Bạn”.

2/ Khi nào thì người ta già?

Chuyện tuổi già không còn là chuyện tầm phào, trà dư, tửu hậu nữa mà là chuyện …. quốc tế trong các hội nghị, có nghị trình, có tuyên ngôn đàng hoàng như Hội Nghị Quốc Tế về Tuổi Già tháng 7 năm 1996, tại Brazil, với tuyên ngôn Tuổi Già là một giai đoạn tất yếu, phổ quát, liên quan đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.

Người già trên dân số thế giới càng ngày càng đông, nhất là phụ nữ (do tuổi thọ cao hơn nam giới). Phụ nữ lớn tuổi lại là một thành phần gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần được đặc biệt quan tâm giúp đỡ để họ có một tuổi già khỏe mạnh, hạnh phúc.

Già không phải là một cái bệnh, không thể tránh được, nhưng những bệnh tật, tàn phế của tuổi già, có thể tránh, hoặc giảm bớt bằng những biện pháp, chính sách, y học, xã hội, kinh tế và môi trường.

Vấn đề là làm sao có sự công bằng với người già trên thế giới vì sự chênh lệch, khác nhau giữa các châu lục, quốc gia, giàu nghèo, môi trường và điều kiện sinh sống.

Tổ chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) dự trù, đến năm 2020, sẽ có một tỷ người già trên tuổi 60. Làm sao cải tiến sức khỏe cho người già, để có một cuộc sống an vui, hạnh phúc? Câu hỏi rơi vào thinh không.

Câu trả lời cho vấn nạn “khi nào thì người ta già” vẫn rất mơ hồ. Người Á Đông quan niệm đời người chỉ vào khoảng sáu mươi năm. “60 năm là một kiếp người”, câu hát “60 năm cuộc đời” rất thời thượng trước đây nay không còn hợp nữa hoặc quan niệm “thất thập cổ lai hy” xưa và sai quá rồi. Ngày nay nam giới qua tuổi bảy mươi, tám mươi, bước vào 90 và  quí bà qua tuổi 80, 90 và bước vào 100 là chuyện không hiếm.

3/ Mỗi người già một kiểu

Đã biết rằng, trong thiên hạ, cứ 9 người thì có đến 10 ý. Vậy trong cuộc đời cứ 10 người, có đến…  11 kiểu già thì cũng dễ hiểu thôi! Mỗi người sống theo một ý, một cách, một quan niệm tùy thích. Mỗi người chịu ảnh hưởng của gia đình về di truyền. Mỗi người tùy thuộc vào tình trạng khá giả hoặc nghèo khó, có học vấn hay mù chữ. Có thể tùy thuộc về mọi phương diện của cuộc đời, từ khi còn trẻ, thì đến tuổi già, mỗi người già mỗi kiểu. Chẳng ai giống ai.

Có một chuyện khôi hài…. đen. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình về cách sống ảnh hưởng đến tuổi tác như thế nào. Người phóng viên phỏng vấn hai vị cao niên. Một vị đầu tóc bạc phơ, da thịt vẫn còn hồng hào, nói năng mạch lạc. Một trẻ hơn, mệt mỏi, xanh xao, chán nản.

Vị cao niên trả lời phỏng vấn: “Tôi năm nay hơn 80. Khi trẻ tôi sống điều độ. Cũng có một tí rượu chè, cà phê, cà pháo. Dục tình vừa phải. Tự chế”.

Cụ thứ hai thở ra, uể oải lắc đầu, khi trả lời: “Nghe cụ kia nói tôi mệt quá. Tôi đấy à, chơi thả dàn, tuốt luốt. Cuộc đời có bao lăm mà …khổ quá vậy”

Phỏng vấn viên vội hỏi trong ngạc nhiên, ngầm đôi chút… ngán: “Thế cụ năm nay bao nhiêu tuổi thọ…ạ?”

Ông ta lắc đầu: “Tôi đấy à? Tuổi tác làm gì? Tôi được… 35 tuổi rồi đấy! ».

Khán giả vỗ tay, cười vang.

Tác giả kể ra nhiều loại già: có kiểu già hóp, già sớm. Có kiểu già từ tốn, từ từ. Có kiểu già cái rụp, sau một cơn bịnh suýt chết. Có kiểu già do lo âu, buồn rầu, bất mãn với cuộc đời, « sinh bất phùng thời ». Có kiểu già hạnh phúc đem niềm vui cho gia đình, con cháu.

Có nhiều kiểu già khác nhau, khi nhìn những ngày sắp đến, ví dụ đến tuổi về nghỉ hưu. Có người  cảm thấy như được mới ra khỏi nhà tù trong bao năm phải làm việc. Trái lại có nhiều người nghe tin được nghỉ hưu, lo sợ những ngày sắp đến sẽ làm gì cho hết trong chán chường, thì giờ dư thừa!….Như nhà thơ Cao Tần đã than vào những ngày tháng đầu tiên trong đời lưu vong, làm kẻ mất quê hương ở Hoa Kỳ, sau tháng Tư đen  năm 1975, « ta làm gì cho hết nửa đời sau »!. (Thực sự sau hơn bốn mươi hai năm làm người mất quê hương, những người lưu vong đầu tiên đó, tiếp đến là những người không sợ chết, nhảy ra đại dương bao la trên những con thuyền tí hon, chống chỏi với bão tố, hải tặc, sự quay lưng vì mệt mỏi của lương tâm con người đã chai đá, rồi tiếp đến đợt nhưng kẻ bị xô đuổi ra khỏi quê hương bằng sự mặc cả với kẻ cựu thù Mỹ, đổi đồng tiền và sự công nhận chế độ Cộng Sản trên đất nước Việt Nam, bằng chương trình Tỵ Nạn Nhân đạo H.O. Lớp người đã chịu đày đọa dã man này đa số là tinh hoa của nền văn hóa tự do, nhân bản Việt Nam Cộng Hòa trong hơn hai mươi năm 1954-1975, đã ra đi mang thêm tinh hoa cho sự thành công của Người Di Dân Việt trên đất Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới).

Nửa đời sau của người di dân Việt khá thành công cho chính họ và thế hệ con cháu tiếp theo, làm nên nhưng dự cảm của nhà thơ Cao Tần đưa đẩy người di dân Việt lấp đầy cuộc đời còn lại với niềm tin mãnh liệt vào tương lai, chứ không thất bại trong đau thương như sự lo ngại ban đầu.

Tuổi già được trọng vọng hay bỏ bê cũng tùy thuộc vào nền văn hóa của nơi người già đang sinh sống hết quảng đời còn lại của mình. Trong nền văn hóa kính lão đắc thọ thật sự của ta trước đây, cha mẹ, ông bà, khi về già được con cháu nuôi nấng, chăm sóc cung kính. Người già cảm thấy hạnh phúc, an vui và mãn nguyện về cuộc đời và gia đình.

Trái lại trong các nền văn hóa coi trọng giá trị  kinh tế, hiệu năng, tốc độ, sức mạnh, trẻ đẹp… người già trở thành lực cản, mang mặc cảm tự ti, dư thừa, chuẩn bị vào viện dưỡng lão. Nghe thật đau lòng nhưng như trên tôi đã nói, cũng tùy thuộc vào nền văn hóa họ mang trong dòng máu và thế hệ sau còn giữ lại phần nào hay không.

Già cũng nên giữ bề ngoài, cử chỉ, giao tiếp chừng mực của tuổi già. Tuổi già không thể se sua, diêm dúa , mạnh bạo…. như thời còn trẻ. Không tự ti cũng không tự tôn, cứ khoe khoang mãi một thời huy hoàng đã qua, thực hay quá cường điệu, hư cấu. Nên điều chỉnh chính mình cho hợp với hoàn cảnh, tạo niềm vui cho mình và mọi người chung quanh (Theo sách Làm Đẹp của Nguyễn Hiến Lê, bản dịch Lâm Ngữ Đường) do tác giả trích dẫn.

4/ Đời sống gia đình

Càng lớn tuổi, người già càng cần sống trong một gia đình có không khí yêu thương, kính trọng, hòa thuận. Anh bạn tôi cứ ngẩn ngơ đến rơm rớm nước mắt, khi nói chuyện đến con cái, khi cậu con trai út đi học xa. Tôi cười, chê anh ta «yếu» quá. Nhưng khi cậu con trai út tôi, 18 tuổi, xong trung học, được học bỗng đi học xa nhà như hai anh chị nó, tôi cũng buồn buồn nhưng bà xã thì cứ khóc hoài khi thấy mấy đứa con nhà hàng xóm chạy chơi nô đùa. Đó là khi chúng tôi chưa qua tuổi năm mươi, chưa già. Để khuây khỏa, chúng tôi buổi chiều đi bộ ngoài công viên hay trong các malls thương xá trước khi về nhà tắm rữa, đi ngủ ngon.

Trong hưu trí, bất cứ ông bà nội ngoại nào, khi có đứa cháu nội, ngoại đầu tiên đều trân quí, nâng niu, bồng ẳm, hơn xa khi có đứa con đầu lòng. Tưởng về hưu, rảnh rổi trong tuổi già, hóa ra lại bận tối tít lo cho cháu nội, ngoại. La khổ như bộng nhưng rồi vẫn ôm lấy cháu mà…khổ nhưng lại thấy rất sung sướng, hãnh diện, hạnh phúc.

Ở cái tuổi «chớm già», khi mới nghỉ hưu có nhiều cái «sốc» lắm như các nhà tâm lý học đã nói. Đầu tiên là «sốc» về đời sống tình dục lứa đôi….xuống cấp dần dần…. dần dần, rồi cũng nghỉ hưu. Và đến bệnh hoạn.Trong thời gian chủ nhân nó bận bịu tíu tít trong công ăn, việc làm, nó cũng nằm ngủ yên nơi nào đó. Nay thấy chủ nhân nó thảnh thơi, nó cũng ló mòi, cũng «ba cao, một thấp (cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp», xuất hiện. Vào tuổi thất thập, bát thập, tai bắt đầu nghểnh ngảng. Mắt thay kính hằng năm, vẫn mập mờ.

Theo các nhà tâm lý học, ở tuổi vào già hay chớm già, các bà hay buồn vu vơ, thường có cảm giác hụt hẩng, băn khoăn, dễ gây tranh cãi với chồng trong bất kỳ việc nhỏ nhặt nào. Các bà cảm thấy nơi ông chồng mà mình khâm phục khi còn trẻ nay sao ngớ nga. ngớ ngẩng, chậm chạp, rù rờ, « xuống cấp » nhanh quá.

Các ông thấy càng ngày càng ít tự tin. Có nhiều ông nhìn lại một thời huy hoàng, trẻ trung, trở nên tiếc nuối, dễ bị bực bội, khi bị chỉ trích, cãi nhau và càng ngày càng thu hẹp giao tiếp, càng rút về cố thủ tiền đồn cuối cùng, bên vợ và các cháu nội ngoại gần gũi.

Tuy nhiên có những gia đình, hai vợ chồng già sống bên nhau rất hòa hợp, an vui, chia xẻ các vấn đề từ gia đình, xã hội và hăng hái tham gia các nhóm bạn bè cùng lứa tuổi trong thể dục, giải trí, từ thiện, giúp đỡ người khác và tìm thấy niềm vui tưởng như đã mất.

Các nhà tâm lý học nhận thấy về già khi mình nhìn được người khác khổ hơn mình, cần trợ giúp về tinh thần hoặc vật chất, người già cảm thấy vui lên, thấy cuộc sống bên nhau quí nhất cho đến ngày xa nhau, về bên kia thế giới.

Tác giả, nhà văn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại trích thêm cuốn « Sống Đẹp » do ông Nguyễn Hiến Lê dịch của Lâm Ngữ Dường, kể chuyện họa sư danh tiếng đời Nguyên, Trung Hoa, là Triệu Mạnh Phú về già lại muốn cưới một người thiếp trẻ, xinh đẹp. Bà vợ già của ông viết mấy câu thơ :

…. Lấy một nắm đất sét,

Nắn thành hình anh,

Đắp thành hình em,

Rồi đập phá cả hai, nhào chung lại.

Lại nắn thành hình anh

Lại đắp thành hình em.

Trong chất đất của em, có anh

Trong chất đất của anh, có em….

Ông đọc bài thơ, cảm động, không đòi cưới bà thiếp nữa. Lâm Ngữ Đường ví von: “Trong hôn nhân, bà là nước, ông là đất sét. Nước thấm vào đất sét thành hình. Đất sét giữ nước. Nước lưu động, sinh hoạt trong đất sét…”

Ông Phan Khôi ngày trước có bài thơ “Tình Già” thì ngày nay các thế hệ hậu bối, khi vào già, chả lẽ không có những mối tình già cũng đẹp hoặc đẹp hơn sao!.

5/ Biết ơn mình

Đây là một nhận xét mà khi tôi đọc đến đoạn này, tôi bật cười và cảm thấy thấm thía với nhận xét dí dỏm nhưng sâu sắc này.

Ai cũng biết rằng, do sự dạy dỗ từ gia đình, học đường, cuộc sống, từ trẻ thơ đến tuổi trưởng thành, vào đời, ta luôn luôn biết ơn, cám ơn mọi người, từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con lối xóm đến đồng bào cùng quốc gia, dân tộc, đến cả nhân loại, trực tiếp hay gián tiếp góp phần cho đời sống của ta, đến tuổi vào già. Nhưng ít khi có ai dạy cho ta biết…..ơn ta. Điều này bị cho là vị kỷ, lố bịch, kỳ cục.

Tác giả cho biết, trong thời gian ông giữ mục Phòng Mạch cho tờ báo Mực Tím, ông nhận được rất nhiều thư của độc giả trẻ, tuổi mới lớn kêu ca về hình thể, nhan sắc, tự sỉ vả mình thậm tệ. Nhiều em còn có ý muốn tự tử, muốn chết đi cho khuất mắt vì… vài vết mụn trứng cá trên mặt, làm mất vẻ đẹp của mình và chán đời.

Ngay cả người lớn tuổi cũng vậy.  Nếu hằng ngày soi gương thấy hình ảnh mình mỗi ngày càng già đi, da nhăn, tóc bạc, người bờ phờ, thì buồn bực, khổ sở. Các bà đi thẩm mỹ viện, các ông lo âu, buồn bực, càng sinh thêm bệnh hoạn, không biết than vãn cùng ai.

Nhưng có ai trên đời mà không …già, không bệnh hoạn khi tuổi càng ngày càng cao . Đó là lẽ đương nhiên của luật tuần hoàn, của lẽ vô thường.

Nhưng ông biết rằng nói chuyện với mấy ông già này rất khó. Để thuyết phục, tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết :”Có món đồ dùng nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả đến những máy móc tinh xảo nhất, được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất…đến lúc nào đó, nó cũng phải hư, vất đi. Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ  ngực nói rằng, mình đã xài đời mình đến sáu, bảy chục năm mà hãy còn ngon lành đó chứ! Vậy ta phải biết ơn ta nhiều hơn”.

Là một bác sĩ y khoa được đào tạo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam ngày nay, ông đã đem hiểu biết, quan sát về y học, về kinh nghiệm điều trị để kêu gọi độc giả, nhất là độc giả ….không còn trẻ, hay độc giả….bạn già, hãy tự thương mình, biết ơn mình, săn sóc chính mình đúng hơn để có một cơ thể khỏe mạnh, một cuộc sống hạnh phúc.

Ông thử đưa ra vài ba ví dụ. Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương, lớn nhỏ, nối kết lại với nhau nhờ các khớp. Đến tuổi già, có bao giờ bộ xương, các khớp được bôi dầu trét mở gì đâu, vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru. Sao ta không biết ơn nó.

Thử xem tiếp bộ máy tuần hoàn. Trái tim mỗi ngày co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu, khoảng 8000 kgs máu, không ngừng nghỉ, kể cả khi ta ngủ.

Đã vậy con người không những không nhớ, không biết ơn mà nhiều khi còn hành hạ, đầu độc nó bằng rượu, chè, cà phê, thuốc lá vv….Chưa kể trong văn, thơ, nhạc lại lên án trái tim, nào trái tim gian dối, trái tim ngục tù, trái tim phản bội. Đủ hết. Không ai thương nó, tội nghiệp cho nó.

Khi nó có vấn đề là nguy to, nào mổ tim bypass, thông tim, mang máy trợ tim … lúc đó buồn lo, thương tiếc thì đã hơi….muộn.

Trái lại tôn thờ cá nhân mình quá, thân xác mình quá mức như các ông Cộng Sản còn sót lại như Cộng Sản Việt Nam, cho mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” (hơn cả con khỉ của nhà bác hoc Darwin) thì không còn ngôn ngữ nào để nói nữa.

Thôi ta nên bỏ cái đám cá kèo Việt Cộng vào giỏ rác lịch sử như các tiền nhân của Cộng Sản, các ông Marx, Hegel, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…. để trở lại với các vấn đề nhân sinh bình thường….như đang bàn về cuốn sách nhỏ Già Ơi…Chào Bạn của Đỗ Hồng Ngọc.

Chương này là chương ông viết nhiều, kỷ lưỡng, sâu sắc và nghiên cứu công phu.

Mạch máu của ta cũng giống như ống nước. Khi còn mới thì nó dẻo dai, co giãn dễ dàng. Khi cũ đi thì nó giòn, dễ hư, dễ gãy. Mạch máu của các …bạn già ta cũng không khác gì. Lớn tuổi có thể bị cao áp huyết, dễ gây nhiều biến chứng. Cao áp huyết cộng với cao mỡ, tiểu đường có thể tạo nhiều nguy hiểm cho tim mạch, tai biến mạch máu não …

Rồi xem qua phổi. Đây là nơi không khí được trao đổi cho sự sống. Con người có thể nhịn đói, nhịn khát trong thời hạn nào đó, chứ không thể nhịn thở quá năm phút. Thiếu dưỡng khí (oxy) khoảng năm phút, các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi lại được.

Thở vào, thở ra quan trọng vô cùng cho sự sống. Đừng nghĩ rằng, thở chỉ là một cử động phản xạ của cơ thể và không thèm để ý đến nó.

Trái với các cơ phận khác của cơ thể, hơi thở và phổi con người có thể luyện tập được, để giữ sức khỏe tốt mà còn làm cho sức khỏe tăng cường thêm lên. Khi làm việc nặng nhọc, chạy nhanh, cơ thể mỏi rã rời, cần hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, trong chốc lát, ta cảm thấy khỏe lại và có thể tiếp tục làm việc hay chạy tiếp.

Khi hít không khí vào thật sâu, không khí chạy xuống đến tân rún (gọi là huyệt đan điền), giúp cho các cơ phận nằm sâu trong cơ thể tiếp nhận dưỡng khí mới, tốt, khỏe lên, hoạt động tốt hơn là vậy. Do đó, càng lớn tuổi, ta cần tập thể dục đều đặn hơn, tập hít thở sâu vào, thở ra chậm rãi, đẩy thán khí ra khỏi buồng phổi, tránh được nhiều bệnh hơn cho phổi, tránh được các cơn ho sù sụ khi trái trời, trở lạnh, giao mùa. và ít phải uống các loại thuốc ho.

Hơi thở còn có tác dụng tâm lý nữa. Đó là khi ta hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, thoải mái, ta cảm thấy khỏe hẳn ra, hết stress, hết lo âu, thấy yêu đời, yêu người, yêu…  tưng bừng, dù ở tuổi bảy mươi, tám mươi, chín mươi hay chuẩn bị qua bên kia Miền Cực Lạc.

Sau phổi, tác giả Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tiếp tục, qua kiến thức của một vị lương y, giới thiệu thêm cho các…. bạn già, biết thêm về hai cơ phận quan trọng khác mà ta không ngờ. Đó là cái miệng và cái bao tử.

Ông lấy kinh nghiệm của người xưa, để thuyết phục các bạn già. Đó là tư tưởng của triết gia Trung Hoa vào thế kỷ 16, Lý Lập Ông, trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Hứng. Ông triết gia này bảo rằng “xét trong cơ thể con người, tai, mắt, mũi, họng, chân tay, thân thể, hết thảy đều cần thiết ….Chỉ có hai cái rất cần thiết cho con người, mà trời phú cho ta, là …. cái miệng và cái bao tử, nhưng lại là nguồn gốc của tất cả những hệ lụy của con người, từ ngàn xưa đến nay và có lẽ cả ngàn… sau nữa!.

Do cái miệng và cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, mới sinh ra những tranh chấp, mưu mô gian trá, mới phải đặt ra hình pháp….

Lâm Ngữ Đường đồng ý nên cũng bảo “Chúng ta có một cái bao không đáy, gọi là…. bao tử. Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại…. Các hội nghị quốc tế dù có căng thẳng đến mức thế nào đi nữa, đến giờ đói bụng, đều phải ngừng lại, để ăn cái đã….” Lâm Ngữ Đường tiếp :”Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại, chắc là không có chiến tranh với nhau, từ cục bộ đến chiến tranh thế giời. Con vật loài ăn cỏ, ăn hạt, đều hiền lành. Loài ăn thịt đều dữ dằn, hiếu sát….” Ông diễu thêm :”Gà trống thích đá nhau không phải vì tranh thức ăn, mà chỉ vì ….gà mái.” Con người nếu chỉ có cái diều, chỉ ăn cỏ cây, hoa quả, cây trái và nhai lại, cũng có thể có các cuộc chiến tranh nhỏ nhỏ, không đến nỗi phải dùng bom đạn, nguyên tử, khinh khí, để tận diệt nhau và tận diệt cà trái đất này.

Nhưng tội nghiệp cho cái bao tử không đáy, nó phải làm việc cật lực, lo việc co bóp, nhào nặn thức ăn uống, suốt dêm ngày để cung cấp cho con người chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống. Nó làm việc ngày đêm mà ta không hề hay biết.

Trái lại ta đâu có biết giá trị công việc khó nhọc của cái bao tử, chứ đừng nói đến biết ơn nó. Ngược lại ta sẵn sàng, tộn, xực, nhồi nhét, càng nhiều càng khoái chí. Ăn hết, không bao giờ ngừng nghỉ. Không bao giờ kể đó là rắn, rít, thằn lằn, tắc kè, chuột, bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò, ốc, hến…. Ta còn đổ vào bao tử rượu đế, bia, whisky  vv… Tới một lúc nào đó, bao tử chịu không nổi nữa, có vấn đề… mới chịu chạy thầy, chạy thuốc, đi nhà thương cắt bỏ một phần bao tử. Hối hận thì cũng muộn.

Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi một hệ thần kinh tự động, ngoài ý muốn của ta. Các tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc vui vẻ quá mức, đều có tác dụng đến bộ phận tiêu hóa, như khi …vui quá, sợ quá, vãi… ra quần, tè…. ra quần mà không biết. Điều này được bác sĩ Ivan Pavlov (1849-1936), Nobel Y khoa năm 1904, một nhà Sinh vật học, người Nga thí nghiệm trên các con chó, để phân tích “phản xạ có điều kiện”. Khi cho chó ăn, ông đánh một tiếng kẻng. Nhiều lần thí nghiệm, lặp đi, lặp lại như vậy. Khi đánh tiếng kẻng mà không có thức ăn, con chó vẫn tiết ra nước miếng và chất vị toan trong hệ tiêu hóa.

Sau này Lenin áp dụng định luật này vào chính sách lương thực, hứa rằng, dưới chế độ Cộng Sản, con người làm theo sức mình, hưởng quyền lợi theo nhu cầu, làm chết đói bao nhiêu triệu dân Nga trong cuộc Cách Mạng Vô Sản (1917) và chế độ Cộng Sản tại Liên Bang Sô Viết (USSR), từ năm 1922 đến khi Cộng Sản sụp đổ năm 1991.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc lại kéo Lâm Ngữ Đường vui theo với nhận xét :”Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa, ta có hạnh phúc. Không thì ta khổ sở lắm”. Nói thẳng ra, khi ta kẹt quá trong việc muốn đi tiêu, đi tiểu mà chẳng kiếm đâu ra nhà vệ sinh hoặc nơi nào kín đáo, thì khổ sở vô cùng. Xã được cái “bầu tâm sự”, thì thật là hạnh phúc. Ai cho bạc triệu chưa chắc sung sướng hơn! Và những người táo bón quanh năm, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó, khổ sở, đăm chiêu. Diễu thiệt nhưng đúng quá chứ còn cãi gì được!

Trong hệ tiêu hóa, bộ răng cũng rất quan trọng. Khi còn trẻ, răng chưa có vấn đề, nhưng khi tuổi càng ngày càng cao, răng trở nên lung lay, đau nhức, là một vấn đề sức khỏe tốn kém.

Việt Nam cũng như các nước nghèo khác, vì nghèo nên ít chăm sóc bộ răng kỷ lưỡng từ khi còn trẻ, để đến khi bị đau nhức mới đi nhổ bởi các thợ nhổ răng, chứ không phải Nha Sĩ có học đầy đủ về y khoa và nha khoa đại học. (Đôi khi ra chợ nhổ răng quảng cáo, do các tên làm xiếc Sơn Đông mãi võ, vừa đánh trống, vừa đùa với con khỉ, nhổ răng bằng một sợi chỉ, cột vào chiếc răng đang  đau, úm ba la, giật thật mạnh, chiếc răng văng ra, máu đổ đầy miệng. Về nhà súc nước muối năm ba bữa mới hết đau. Sợ đến… già).

Theo tiết lộ của bác sĩ thân cận của Mao Trạch Đông, chính Mao buổi sáng thức dậy uống trà, dùng nước trà nóng súc miệng chứ không bao giờ đánh răng và không bao giờ săn sóc bộ răng. Ông trùm của bao nhiêu tỷ dân Trung Hoa mà cũng không biết thế nào là sự quan trọng của sức khỏe của răng, thì các tỷ dân Tàu lấy đó làm gương noi theo.

Các bộ phận khác như măt, tai, mũi, họng…. cũng vậy. Bộ phận nào trên cơ thể do cha mẹ sinh ra, đều quan trọng cho sự sống, không những ta phải biết ơn nó, săn sóc nó, vì đó là chính săn sóc cho ta đến cuối đời.

6/ Những bệnh vô duyên

Đã gọi bệnh là do đau ốm, thân thể có vấn đề. Còn bệnh vô duyên là gì? Tác giả Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ y khoa, luôn luôn gần gũi với bệnh nhân, với chữa trị bệnh, đã gọi những bệnh vô duyên:” đó là những bệnh không đáng có”.

Bệnh vô duyên có thể do chính thầy thuốc gây ra cho ta, dù là ngoài ý muốn (iatrogenic), có thể do sự nhầm lẫn của thầy thuốc, trong khi chẩn bệnh, chữa trị, trong lúc giải phẩu, cho toa  …

Có thể do chính ta, người thân trong gia đình, bạn bè, lối xóm, nhân viên tâm lý xã hội ….mách thuốc do biết người này, người kia có bệnh tương tự, chạy chữa cách này cách khác, lành bệnh, nay bày vẽ cho ta làm theo. Lành bệnh đâu không thấy, nhiều khi gây thêm bệnh, mới khổ.

Cơ thể của người cao tuổi, về khả năng thích ứng càng ngày càng yếu đi, thuốc men nhiều lại sinh thêm bệnh do sự hấp thụ thuốc chậm trong lúc khả năng đào thải ảnh hưởng thuốc lại càng chậm hơn, chưa kể còn tùy cơ thể từng người hợp với thuốc này, thuốc khác.

Ngoài ra, trong khi chữa trị, người bệnh thường được bác sĩ giới thiệu, hoặc do chính bệnh nhân muốn, đến các trung tâm thử nghiệm. Nhiều khi đi tùm lum, đủ nơi làm cho người bệnh mỏi mệt thêm, gây tình trạng gần như khủng hoảng tâm bệnh lý!

Trong lúc đó, nhiều lời nói ra, nói vào, góp ý nhưng lại làm cho người bệnh hoang mang. Nhiều khi rơi vào tình trạng “lắm thầy… thối ma, lắm người ta ….thối….”.

Bệnh vô duyên nhiều vô kể. Đã nói đó là … vô duyên thì thôi đừng nghe tào lao mà chẳng giúp ích gì, lại làm cho ta lo sợ… vô duyên thêm.

7/ Một cách nhìn mới

Đã biết rằng con người không làm sao tránh khỏi bệnh hoạn, ngay cả khi còn trẻ, khỏe mạnh. Trong tiến trình của đời người, sau sinh. lão, thì tới bệnh. Để hết bệnh hoạn, khi lâm bệnh thì lo việc thuốc men, tịnh dưỡng cho lành bệnh. Thuốc men có thể nhanh, làm dứt bệnh, trở lại lành mạnh, hạnh phúc. Có thể gặp bệnh nặng, thuốc men, chạy đủ thầy này, thầy nọ, bệnh vẫn chưa khỏi. Tác giả khuyên bệnh nhân hãy bình tỉnh, tiếp tục chữa chạy. Bệnh chưa nặng, chưa có gì nguy kịch mà đã rơi vào tình trạng ưu sầu, lo lắng quá độ, nhiều khi làm bệnh nặng thêm.

Tác giả lấy hai ví dụ làm bằng chứng:

a/ Bệnh cao áp huyết: là một bác sĩ điều trị, ông kể, có những bệnh nhân, khi mới có triệu chứng bệnh cao áp huyết, khi đo, đã hoảng hốt, ôm cái máy đo hằng giờ. Càng đo, mức chênh lệch trên máy càng nhảy lung tung, càng hoảng sợ. Lo sợ đến mất ăn, mất ngủ, làm người phờ phạc, bệnh càng có vẻ càng ngày càng tệ hại thêm. Thật sự, mức cao, thấp của áp huyết, lên xuống là chuyện bình thường. Càng lo sợ, hồi họp, tim càng đập nhanh chậm, làm mức đo lên xuống bất thường thêm. Hãy an tâm, tỉnh dưỡng, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ, vui chơi với con cháu, đọc sách, làm vườn…. Khi khỏe trong người, với thuốc men bác sĩ cho, uống đúng liều lượng, áp huyết sẽ trở lại bình thường hoặc không còn lên xuống bất thường nữa.

b/ Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, do những rối loạn về sự điều hòa đường huyết, có thể đo đạt bằng máy móc điện tử, độ lên xuống của đường trong máu. Nhưng tác động của bệnh tiểu đường với từng người bệnh ra sao, với các quan hệ gia đình, xã hội, năng lực làm việc, đời sống kinh tế vv… của từng người bệnh từ lâu nay không được để ý đến.

Có những bệnh nhân khi khám phá ra mình bị bệnh tiểu đường, dù là tiểu đường loại 2 (có thể do di truyền), nhẹ thôi nhưng lại quá lo âu, sợ hãi, kiêng cữ quá độ, không còn biết đến ăn ngon, ngủ yên. Trong lúc đó người cũng bị bệnh tiểu đường như vậy mà lại  an vui, hoạt động khỏe mạnh, tích cực, vui sống, vẫn giữ bình thường các quan hệ xã hội, giao tế, vừa kiểm soát được lượng đường với những phương pháp y khoa và thuốc men ngày nay, vừa có cuộc sống bình thường, hạnh phúc.

Do kinh nghiệm khi chữa trị cho các bệnh nhân, tác giả nhận thấy rằng, việc thuyết phục bệnh nhân đừng quá lo lắng, sợ hãi khi khám phá ra mình đang bị các chứng bệnh thật bất trị, chết người, tuy thầm lặng, ít hy vọng được người nghe chấp nhận.

Để thuyết phục độc giả, tác giả đem quan niệm của cơ quan Sức Khỏe Thế Giới WHO, cho rằng, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn thoải mái, hài lòng (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật.

WHO cũng đưa thêm bảng liệt kê, đánh giá về phẩm chất của cuộc sống, đó là hạnh phúc của con người. Đây lại là một vấn đề thật khó khăn tùy thuộc nhiều yếu tố như nền văn hóa nơi con người đang sinh sống và nhiều yếu tố khác. Như vậy có vẻ chủ quan, nó đòi hỏi cần một sự hiểu biết và thông cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc, để tạo bầu không khí tin tưởng trong sự điều trị. Một khuynh hướng chỉ có thể có ở các nước giàu mạnh, văn minh, có bảo hiểm y tế tốt và sự chăm sóc bệnh nhân tốt. Những nước nghèo và nền y tế trì trệ, xem thường sự chăm sóc và quyền được hưởng sự săn sóc kỹ lưỡng, không xem phẩm chất của nền y tế là quan trọng, thì khuynh hướng này thật khó có được..

Điều này bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đưa ra như một ước mơ lý tưởng của một vị lương y nhưng khó khăn tại các nước không tôn trọng quyền người dân như Việt Nam dưới sự cai trị độc dảng, hà khắc, cướp bóc tài sản của người dân chứ đừng nói đến tôn trong quyền của người dân.

8/ Một Tuổi Già Hạnh Phúc

Tuổi già và Hạnh phúc là hai yếu tố tương đối chủ quan, mơ hồ ít được mọi người đồng ý với nhau. Tuy nhiên nếu có thể nhân nhượng nhau, tránh tranh cãi ráo riết, có bốn yếu tố trong cuộc sống, người ta có thể tựu trung đồng ý với nhau về tuổi già và hạnh phúc. Đó là Sức khỏe, Nơi ăn chốn ở, Lợi tức (thu nhập), và Khả năng Hoạt động.

Bốn yếu tố này có thể trông thấy, đo lường được, dù chỉ tương đối. Khi bốn yếu tố trên tạm đầy đủ, thoải mái, con người có thể hưởng trạng thái Hạnh phúc, dù tuổi càng ngày càng cao.

Kahlil Gibran (triết gia, nghệ sĩ, nhà văn Mỹ gốc Lebanon 1883-1930) viết:

“ Wake at dawn with winged heart

and give thanks for another day of loving”

Chuyển qua Việt ngữ:

“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”

(Nguyễn Nhật Ánh)

Thật đẹp.

***

Trong phần Lời Ngỏ, chính tác giả đã nói, “năm 1999 năm Quốc Tế Người Cao Tuổi, tôi viết cuốn sách nhỏ này để tặng…. mình và những bạn bè cùng lứa, những người đang bước vào bậc thềm của tuổi…. già và đã có thể mỉm cười rạng rỡ, “Già Ơi!….Chào Bạn”.

Để có thêm tài liệu giới thiệu độc giả cho bài Điểm Sách nhỏ này, tôi vào Google tìm thêm tiểu sử của Nhà văn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, được biết, ông có trang nhà riêng, đầy đủ các bài viết của ông và các bạn văn, thường trao đổi với nhau.

Qua trang nhà của ông, Đỗ Hồng Ngọc người Phan Thiết. Năm 1954 ông học lớp Đệ Thất trường Trung Học Phan Bội Châu, Phan Thiết. Năm 1962, đậu Tú Tài II và do sự khuyến cáo của nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê, ông học PCP (Lý,Hóa, Nhiên), đại học khoa học, để vào học trường Đại Học Y khoa Sài Gòn.

Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa đại học Y Khoa Sài Gòn, ngoài việc hành nghề y khoa, ông là Giảng Viên môn Nhi Khoa tại trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia từ năm 1972 đến năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hòa và sau đó vẫn còn được giữ lại trong việc giảng dạy môn này đến năm 1982.

Ông có ba cái đam mê: dạy học, văn chương và nghề y (săn sóc sức khỏe cho con người). Ba đam mê này, ông theo đuổi đến cùng với lòng nhiệt thành, không do danh vọng, tiền tài, áp bức.

Tác giả bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không những là một vị thầy thuốc có lương tâm, nhưng còn là một lương y chấp nhận sống trong địa ngục Cộng Sản, để cứu vớt con người bị tước đoạt tất cả các quyền tự do của con người, trong đó quyền tự do mưu cầu sống còn, mưu cầu hạnh phúc của con người mà các quốc gia văn minh công nhận và bảo vệ.

Chúng ta những người Việt Nam sống ngoài sự kềm kẹp của chế độ phi nhân Cộng Sản từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975, đã quằn quại đau đớn làm kẻ mất quê hương, từ những ngày Cộng Sản chiếm đoạt Miền Nam, đến những đợt người Việt Nam trong nước, không thể sống được dưới chế độ tàn ác, cướp bóc của chính quyền Cộng Sản, bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ bé dưới bão tố, hải tặc, sóng biển, nếu may mằn sống còn, được đến các bến bờ tự do, nhờ bàn tay nhân đạo của thế giới, cứu vớt. Tiếp đến những đợt được ra đi do thân nhân bảo lãnh, những đợt ra đi do các thương lượng giữa chính phủ Hoa Kỳ, Cộng Sản chịu chấp nhận để những người bị đày đọa, được đưa gia đình đi tìm tự do, sống còn và mang hy vọng cho con cháu, thế hệ tương lai.

Quên đi những đau thương ban đầu của kẻ bị tước đoạt tất cả, chịu tất cả nhục nhằn để sống còn, để bảo vệ con cháu. Chúng ta đã từ đau thương, đứng lên từ những đôi chân run rẩy, làm lại cuộc sống, đào tạo thế hệ con cháu có đầy đủ kiến thức, để vươn lên, sánh vai cùng bạn bè các giống dân đến trước, hòa nhập vào xã hội mới và sau một thời gian ngắn kỷ lục, đã là thế hệ di dân thứ hai thành công trên miền đất tự do.

Với các tiêu chuẩn sức khỏe tốt, nơi ăn chốn ở an toàn, thu nhập đầy đủ, và khả năng hoạt động còn tốt trong lứa tuổi hưu trí, người Việt hải ngoại hầu như đạt được hạnh phúc của con người.

Đỗ Hồng Ngọc là một nhà văn, thầy thuốc có từ tâm, có trái tim Bồ Tát, chấp nhận vào địa ngục để mong cứu vớt phần nào những kẻ khốn cùng trong xã hội Cộng Sản. Các điều ông viết lên là những ước mơ của người Việt Nam hiện nay chưa có được.

Chúng ta cầu mong các ước mơ của nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và của người Việt Nam thành hiện thực.

Minh Tâm Xuân Đỗ

Nam California chớm thu 2017

 

Visits: 2247

Tóm Lược Sách: Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1935-1961 của tác giả Nicolas Reynolds

ERNEST HEMINGWAY: NHỮNG CUỘC PHIÊU LƯU BÍ MẬT 1935-1961
Nhà Văn – Thủy Thủ – Chiến Binh – Gián Điệp

Lê Trung Hiếu

Ernest Hemingway là nhà văn Mỹ nổi tiếng trên thế giới, đã được giải thưởng Nobel văn chương năm 1954. Nhiều truyện tiểu thuyết của ông được quay thành phim, hấp dẫn hằng triệu khán giả trên mọi lục địa. Tuy vậy, hầu như độc giả có rất ít thông tin về cuộc sống nội tâm đầy uẩn khúc và hoạt động sôi nổi của nhà văn. Nguyên nhân ông qua đời vào năm 61 tuổi vẫn còn là một nghi vấn từ hơn nửa thế kỷ nay. Vào tháng 3 năm 201, nhà xuất bản William Morrow đã phát hành tác phẩm “Writer, Sailor, Soldier, Spy: Ernest Hemingway’s Secret Adventures 1931 -1961”, tác giả là Nicolas Reynolds, một viên chức tình báo lâu đời của chính quyền Mỹ, nguyên là đại tá Thủy Quân Lục Chiến, tốt nghiệp Khoa Lịch Sử của Đại Học Oxford. Điều ngạc nhiên là nhan đề của cuốn sách. Những chữ Writer, Sailor và Soldier thì độc giả dễ dàng hiểu được qua sinh hoạt đời thường và cá tính của những nhân vật chính trong các tiểu thuyết A Farewell To Arms, For Whom the Bell Told, The Sun Also Rises, The Snow On The Kilimandjaro và nhiều truyện ngắn về chiến tranh. Nhưng chữ Spy là một thắc mắc thúc đẩy người đọc tìm hiểu. Tác giả Nicolas Reynolds dựa vào những công trình văn chương, cuộc sống hiện thực cũng như những hồ sơ mật được giải mã của các cơ quan tình báo KGB,OSS,FBI và bộ Ngoại Giao Mỹ để phác họa trung thực cuộc đời đầy sóng gió, lòng thương người, tình yêu quê hương và tổ quốc của Ernest Hemingway dành cho nước Mỹ.
Dựa vào tài liệu trong cuốn sách nói trên, chúng ta thử tìm hiểu cuộc sống của Ernest Hemingway trong thời gian năm 1935 -1961 qua các tiểu mục sau đây:
1. Nguyên nhân tiếp cận Liên-Xô
2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây ban Nha
3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa
4. Hoạt động của Ernest Hemingway trong thời Thế Chiến 2
5. Phóng viên chiến trường đến Paris và trở về Cuba
6. Nỗi bận tâm của Ernest Hemingway
7. Thời gian còn lại.

1. Nguyên nhân tiếp cận Liên Xô 1935

Ernest Hemingway nổi tiếng trên văn đàn nước Mỹ từ lúc còn trẻ. Đối thủ của ông ta chỉ là một nhóm nhỏ. Truyện của ông không những được độc giả Mỹ ưa thích mà còn được dịch ra nhiều thứ tiếng trong đó có tiếng Nga và phổ biến rộng rãi ở nước Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Liên Bang Xô-Viết, đất nước mà văn chương được xem là công cụ tuyên truyền cho chế độ chính trị. Vào tháng 8 năm 1935, giới phê bình văn học ở Mỹ đã làm Hemingway mếch lòng và cảm thấy không được trọng vọng ở Mỹ. Trong lúc phân tâm, ông nhận được một bản dịch tiếng Nga những truyện của ông. Người dịch là Ivan Khaslin, một nhà văn nổi tiếng ở Liên-Xô. Hemingway rất sung sướng khi đọc bài giới thiệu của Ivan Khaskin. Nhà văn này khen ngợi văn tài Hemingway và cho biết truyện của ông đã làm say mê độc giả Liên Xô. Hemingway vội vã viết ngay một lá thư cám ơn Khaskin và ông thật là sung sướng biết bao khi có người hiểu được những điều mình viết ra,” không giống những cảm nghĩ mà giới phê bình văn học ở New York đã viết về ông”. Hemingway cũng nhấn mạnh rằng tuy ông hài lòng khi có thêm độc giả Liên-Xô, nhưng ông sẽ không bao giờ trở thành một người cộng sản hay một cảm tình viên cộng sản. Trong một lá thư khác, Hemingway bày tỏ : “nhà văn giống như dân du mục, họ không trung thành với bất cứ chính quyền nào,” và “sẽ không bao giờ ưa chuộng chính thể họ đang sinh sống.” Ông cũng tiết lộ bạn bè khuyên ông nên từ bỏ tình bằng hữu nếu Kashkin sử dụng đường lối duy vật của chủ nghĩa marxist để lôi cuốn ông vào địa bàn hoạt động của cộng sản Liên-Xô.
Thị trường chứng khoáng sụp đổ từ năm 1929 kéo dài tình trạng công nhân thất nghiệp ở Mỹ và nhiều nước tư bản khác là cơ hội để Liên Xô và giới khuynh tả Mỹ nhúng tay vào nội tình chính trị ở Mỹ. Luận điệu tuyên truyền của họ là dưới chế độ Marxist trong tương lai sẽ không còn cảnh người bóc lột người, không ai bị thất nghiệp và đói khổ. Nazi Đức và Fascist Ý chống đối tư tưởng này. Hitler kết án người Do Thái (Jews) và Cộng Sản là nguyên nhân gây ra tình trạng thất nghiệp ở Đức và toàn thế giới. Để giải quyết tình trạng thoái trào kinh tế, Hitler và Mussolini đề xuất các biện pháp: dẹp yên bạo loạn, động viên nhân lực vào chiến tranh, chiếm đoạt tất cả những gì chúng ta cần thiết từ quân thù. Chính khuynh hướng này giúp Mussolini cuốn hút thành phần thiên tả ở Mỹ.
Hemingway cùng với Gellhorn, người vợ thứ ba (1), dời nhà về Keys West trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra vào năm 1929. Keys West bao gồm nhiều đảo nhỏ trong vùng biển Caribean gần thành phố Miami. Tại đây, ông quen biết John Dos Passos, một nhà trí thức đến từ thành phố Baltimore, tiểu bang Maryland. Cả hai đều có cùng một sở thích: cuộc sống ngoài trời với săn bắn và câu cá. Từ năm 1930, thiên tai làm cho thị trấn trên tiễu đảo lâm vào tình trạng suy sụp kinh tế. Đến năm 1934, Keys West bị phá sản. Chi nhánh của Ngân Hàng Trung Ương Franklin Delano Roosevelt nhảy vào nắm quyền điều hành Federal Emergency Relief Administration (FERA). Theo Dos Passos, biện pháp cứu nguy của FERA không hữu hiệu vì đã biến “một thành phố của những ngư dân độc lập và những người sản xuất và bán hàng trái luật (bootleggers) trở thành những người nghèo khó.” Hemingway tán đồng nhận định này. Theo Hemingway, những cựu chiến binh và ngư dân phải chấp nhận làm cu-li vì họ không còn chọn lựa nào khác trong mùa mưa bão. Từ đó dư luận nẩy sinh ra cuộc phân biệt giai cấp giàu và nghèo. Joe North, một trong những chủ bút cộng sản ở tạp chí New Masses nắm lấy cơ hội, vội vã điện hỏi thăm sự việc xảy ra như thế nào. North đang cần có tin tức để bôi nhọ kế hoạch phục hồi kinh tế New Deal của Tân Tổng Thống Franklin Roosevelt. Theo quan điểm của những người cộng sản, chính quyền tổng thống Roosevelt chẳng khác gì chính quyền tổng thống Hoover, chỉ có ngoại lệ: tân tổng thống che giấu chính sách tư bản của ông ta bằng những nụ cười. Vì vậy North thuyết phục Hemingway viết bài phê phán cho báo New Masses. Tạp chí này đăng bài của Hemingway dưới tựa đề: “ Ai Đã Ám Sát Những Cựu Chiến Binh?” vào số báo ra ngày 17 tháng Chín năm 1935. Bài báo chỉ trích và gán cho chính quyền Roosevelt duy trì “nạn thất nghiệp, đói khát và chết chóc ” khi sử dụng những cựu chíến binh dưới hình thức cu-li để thực hiện các công trình ở Keys West. Ban chủ biên nêu ra nhiều câu hỏi như “ Ai đã đưa cựu chiến binh ra làm việc ở đảo ? “ Ai đã bỏ rơi họ trong suốt mùa mưa bão?” “Ai đã thất bại vì không di tản cựu chiến binh để bảo vệ họ ?”
Tiếng vang của bài báo lan rộng trong quần chúng. Trước tiên tạp chí Times đăng tải phát biểu của George Worley, luật sư tiểu bang Florida, “ không ai chịu trách nhiệm về sự thất bại vì không di tản những cựu chiến binh … trước khi mưa bão giết chết 458 người.” Hemingway phản biện và Times đưa lên báo câu hỏi của Hemingway: “ Những cựu chiến binh bị bỏ rơi cho đến chết như thế nào ?” Nhật báo Dailey Worker đi xa hơn nữa bằng cách in tên Hemingway với hàng tin chữ lớn “Tiểu thuyết gia tìm thấy thi thể những người đàn ông chết trên bờ biển Keys West.” Nhà văn Nga Kashkin dịch tiêu đề này ra tiếng Nga và đăng trên tạp chí văn chương của ông ta. Khi những gián điệp của Xô-Viết đọc bài báo của Hemingway, họ chú trọng đến đường hướng Hemingway chỉ trích nhà cầm quyền Mỹ. Nó vạch ra những tệ đoan người nghèo và những kẻ bị các viên chức quyền thế khinh thị phải chịu đựng không phải do trận bão gây ra mà xuất phát từ phía chính quyền Mỹ. Gián điệp Nga tin tưởng rằng người dân Mỹ chấp nhận lập luận chính trị của Hemingway vì ông là một nhà văn nổi tiếng và được kính trọng. Vì vậy cơ quan tình báo Xô-Viết tìm mọi cách gài nam hay nữ điệp viên để liên lạc và dụ dỗ Hemingway hoạt động cho họ.
Điêu khắc gia người Anh Jason Gurney là người có tư tưởng khuynh tả. Khi ông ta đến Tây Ban Nha để chiến đấu trong phe Republic, tiết lộ cho những chiến hữu ngoại quốc tình nguyện biết: tình báo Liên Xô gài người hoạt động cho Republic để truy tầm những người Nga theo phe Trosky đang hoạt động chính trị ở Tây Ban Nha. Theo Jason, tình báo Liên-Xô: “luôn luôn có nhà tù và nhiều trung tâm thẩm vấn bí mật tại một vài nơi trong vùng lân cận.” “Tình báo Liên-Xô biến dạng một trong những trung tâm này thành lò hỏa thiêu.” Tin tức về người bị mất tích và sau đó không bao giờ thấy là phổ biến trong dư luận ở Tây Ban Nha trong thời nội chiến. Vì vậy tuy Hemingway gặp gỡ điệp viên Nga nhưng ông cân nhắc lợi hại để hoạt động theo đường lối riêng biệt của ông. Ông thay đổi tầm nhìn chiến lược nhanh chóng. Trước tiên ông viết bài cổ vỏ cuộc đấu tranh của phe Republican và chê bai đường lối độc tài của phe Nationalist do tướng Franco lãnh đạo. Kế tiếp ông gởi đăng bài viết về sự quan tâm của ông đối với sự khổ đau của con người và tán dương thành quả chân lấm tay bùn của giới lao động và nói rõ ông không tán thành chế dộ Sô-Viết mặc dù nó ủng hộ phe Republican. Theo ông “Sô-viết là bộ mặt nhơ bẩn của người Nga, nhưng tôi không thích bất cứ chính phủ nào.”

2. Ernest Hemingway và nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939:

Năm 1937, Hemingway đến Tây Ban Nha để viết phóng sự về cuộc nội chiến bùng nổ vào mùa hè năm trước giữa một bên là Lực Lượng Quốc Gia do tướng Francisco Franco lãnh đạo chống đối lại Chính quyền Cộng Hòa hợp pháp. Những người theo phe của tướng Franco cho rằng phe Cộng Hòa phạm phải hai điều quan trọng: điều hành không có hiệu quả và nhiều thành viên mưu toan đưa đất nước và dân tộc đi theo khuynh hướng thiên tả. Lực lượng của tướng Franco bao gồm những đại địa chủ (great landowners), giới quân sự, và tín đồ Thiên Chúa Giáo chống lại lực lượng Cộng Hoà bao gồm những người theo xã hội chủ nghĩa (socialists), cộng sản chủ nghĩa (communists), nghiệp đoàn thương mãi (trade union) và những người thuộc phái vô chính phủ (anarchists). Tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên phức tạp hơn khi nước ngoài can thiệp vào nội bộ của Tây Ban Nha. Hitler và Mussolini (Ý đại lợi) liên kết với Franco bằng cách trợ giúp vũ khí, cố vấn và quân lính. Stalin (Liên-Xô) viện trợ cho lực lượng Cộng Hòa các loại vật dụng chiến tranh như Hitler và Mussolini nhưng với số lượng ít hơn nhiều. Chỉ có điều khác biệt là Liên Xô cung cấp rất nhiều cố vấn và nhân viên mật vụ. Trong số này nổi bật một viên chức tên là Alexander Orlov.
Cơ quan tình báo Liên-Xô NKVD (People’s Commissariat for Internal Affairs) – về sau gọi là KGB – phái Orlov đến Tây Ban Nha vào tháng 8, 1936 để giúp phe Cộng hòa tổ chức tình báo và lực lượng hổ trợ bán quân sự (paramilitary support). Đồng thời Orlov cũng có nhiệm vụ phát triển thế lực của Liên-Xô và ảnh hưởng của Đảng Cộng Sản Tây Ban Nha. Điệp viên Liên-Xô thường đến nghỉ ngơi tại khách sạn Gaylor sang trọng. Khi Hemingway trở lại Madrid vào tháng 9, 1937, ông đến khách sạn này để gặp Gustave Regler, bạn quen biết từ trước. Regler là người cộng sản Đức, phụ trách giảng giải chủ nghiã cọng sản cho thành viên trong Đoàn Tình Nguyện Quân Quốc Tế. Hemingway nói với Regler ông muốn đi tìm hiểu du kích quân Cộng Hoà (Republican Guerrillas). Regler báo cho Orlov biết ý muốn của Hemingway. Orlov sắp xếp cho Hemingway đến trại huấn luyện du kích bí mật ở trong khu vực của tình báo NKVD. Hemingway lấy làm cảm kích khi nghe trình chương trình huấn luyện qua từng giai đoạn cùng đi thăm hiện trường tác xạ và bắn súng do Nga chế tạo. Đến năm 1938, Orlov gặp lại Hemingway lần nữa và nghĩ rằng Hemingway chấp nhận hợp tác. Sau đó Orlov tiết lộ cho một viên chức tình báo Mỹ đã về hưu biết chính NKVD vận động Hemingway đến Tây Ban Nha để trở thành một nhân vật có tiếng nói quan trọng của phe Cộng Hòa. “ Thông qua những vận động của Liên-Xô và Liên Minh Báo New York, Chính Phủ Cộng Hòa đã ký một hợp đồng với Hemingway …” Theo FBI, điều cáo buộc này không đúng vì giới tình báo Mỹ biết sự kiện Hemingway đến Tây Ban Nha xuất phát từ nhiều lý do: Hemingway mến chuộng đất nước Tây Ban Nha, ông thật sự muốn tham gia vào cuộc chiến để có cảm giác mạnh, lãnh tiền nhuận bút lớn vì bài viết sẽ được tính tiền theo từng chữ. Nhà văn Josephine Herbst thân thiết với Hemingway từ hồi còn ở Paris hiểu rõ Hemingway hơn Orlov. Theo Herst, lúc bấy giờ Hemingway cũng như nhiều nhà văn khác“ đang ở trong quá trình chuyển biến tâm tư nên việc đi Tây Ban Nha chỉ có tính giai đoạn mà thôi .”
Cuộc nội chiến Tây Ban Nha chấm dứt với sự chiến thắng của phe Franco. Sau khi phe Franco chiếm thành phố Barcelona vào đầu năm 1939, hàng chục ngàn binh sĩ Cộng Hòa, người ủng hộ và cảm tình viên đổ xô tìm đường di tản chạy về nước Pháp. Những ai bị tình nghi là thành viên của phe Cộng Hòa đều bị đem ra xử bắn. Những chiến binh tình nguyện Anh, Canada và Mỹ trở về nước với mặc cảm bị nghi ngờ theo Cộng Sản vì đã chiến đấu trong lực lượng thân Liên-Xô. Giới tình báo Mỹ luôn luôn theo dõi những hoạt động của những công dân có khuynh hướng thiên tả và những cựu chiến binh Mỹ tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ Cộng Hoà Tây Ban Nha bị tình nghi và phân biệt đối xử. Chiến binh người Nga có thể trở về Liên-Xô nhưng về sau bị loại trừ vì Staline xem họ là những kẻ không xứng đáng. Còn những chiến binh người Đức, và Ý không thể trở về nước của họ và vô vọng vì nhiều nước trên thế giới không muốn chứa chấp họ. Ernest Hemingway cảm thấy đau lòng và thương cho thân phận con người thua trận trong một cuộc chiến.

3. Ernest Hemingway đến Trung Hoa 1941:

Là người theo phe Cộng Hoà nên Hemingway cảm thấy thất vọng và tinh thần hầu như bị suy sụp. Tuy vậy, Hemingway tự cứu mình thoát ra khỏi bế tắc bằng cách khép mình vào công việc. Trong một lá thư gởi Kashkin, Hemingway bày tỏ lòng mình: “ Đối với chiến tranh, một khi đã khởi sự thì phải chiến thắng, đó là điều mà chúng ta không làm được. Chiến tranh chỉ là giai đoạn, tôi không bị giết vậy thì tôi phải làm việc. “ Ông khoe với Kashkin đã viết mười lăm ngàn chữ trên giấy. Ông sẽ viết truyện ngắn và tiểu thuyết về chiến tranh. Trong lúc Hemingway để tâm vào việc viết tiểu thuyết, tình hình Âu Châu trở nên suy đồi. Các nước trên lục địa Tây Âu tìm cách liên minh quân sự với Liên-Xô để chống lại Đức nhưng thất bại. Ngày 23 tháng Tám năm 1939, hai vị bộ trưởng ngoại giao Đức và Liên-Xô công bố hiệp ước tương thân không tấn công xâm chiếm lẫn nhau. Cả hai nước cùng bí mật ký một phụ bản (addendum) đồng lòng thôn tính những nước nhỏ ở Đông Âu. Nạn nhân đầu tiên là Ba-Lan. Ở phía Tây Âu, Đức cũng thôn tính Pháp vào năm 1939. Sau đó không lâu, Đức Ý Nhật liên kết thành phe Trục gây chiến tranh thế giới lần thứ hai. Hitler xé bỏ hoà ước với Liên-Xô, đưa quân xâm lấn nước này. Đức oanh tạc Anh. Nhật đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông của Trung Hoa và Nam Á Châu, tấn công Pearl Harbor và xâm chiếm Philippines. Mỹ tuyên chiến với Nhật. Các nước Anh, Pháp, Mỹ, Liên-Xô và Trung Hoa liên minh chống lại phe Trục. Trước khi Mỹ tham gia chiến đấu, Hemingway cho ra mắt độc giả tiểu thuyết For Whom The Bell Told ở New York. Sau đó ông ta cùng với bà vợ thứ hai Gellhorn thực hiện một chuyến du hành bằng đường biển đến Trung Quốc vào đầu năm 1941.
Từ nhiều năm trước, Trung Hoa chiến đấu chống Nhật Bản xâm lăng. Đây là một cuộc chiến tranh tàn bạo không có ngày chấm dứt. Tham vọng của Nhật rất cụ thể, họ muốn chiếm đoạt tài nguyên và lãnh thổ. Họ không quan tâm đến những biện pháp họ thực hiện để đoạt được mục tiêu. Họ giết hàng loạt người Trung Hoa, bất kể là quân nhân hay dân sự. Sự kiện này gợi lại trong tâm trí Hemingway những cảnh tượng kinh hoàng trong thời nội chiến ở Tây Ban Nha do phe Franco gây ra. Đó là về mặt nổi của chiến tranh chống ngoại xâm. Về mặt chìm, một cuộc tranh chấp ác liệt giữa lực lượng Quốc Dân Đảng (Kuomintang) do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo và phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông và Châu Ân Lai cầm đầu, đang xảy ra trên đất nước Trung Hoa. Hemingway và Gellhorn đã tiếp xúc với Tưởng Giới Thạch (TGThạch) và Châu Ân Lai (ChALai). Trung gian dàn xếp những cuộc tiếp xúc là một người đàn bà Đức, vợ của một người cộng sản Trung Hoa. Phải chăng tình báo Liên-Xô ngầm vận động Hemingway đến Trung-Hoa? Điều này không xảy ra vì hồ sơ mật của tình báo Liên-Xô vào năm 1948 ghi nhận “sự liên lạc không được tái lập với ‘Argo’ (bí danh của Hemingway ở Trung Hoa). Hơn nửa Hemingway khéo léo sử dụng những tin tức do TGThạch và ChALai tiết lộ để viết bài đăng báo. Trong một lần được các phóng viên khác phỏng vấn, ông đã giải thích: Quân đội của TGThạch giữ một vai trò quan trọng trong việc chống Nhật Bản vì đã cầm chân quân Nhật trên lãnh thổ Trung Hoa để Mỹ bảo vệ các tiền đồn ở Thái Bình Dương. Ông cũng mong muốn lực lượng Cộng Sản tạo được nhiều chiến thắng. Ông không phê phán hay hạ thấp phe nào vì không muốn làm giảm tinh thần và ý chí quyết chiến của người Trung Hoa đối với phát xít Nhật Bản. Đồng thời ông không bày tỏ quan niệm tiêu cực về các triển vọng Anh và Mỹ đánh thắng phe Trục, mặc dù ông vẫn còn hận chính quyền Roosevelt không hổ trợ lực lượng Republican trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
Do thái độ trung dung về hai phe Quốc-Cộng đang tranh chấp quyền lực ở Trung Quốc, một số người nghi ngờ tình báo Sô-Viết đưa Hemingway đến Trung Hoa đề thăm dò tình hình. Lý do là trong giai đoạn này, Liên Xô đang trợ giúp vũ khí cho cả hai phe Quốc-Cộng chống lại Nhật Bản. Nói một cách đúng đắn Hemingway không làm gián điệp cho Liên-Xô. Cả hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa tiếp xúc với vợ chồng nhà văn vì muốn sử dụng Hemingway để chuyển một thông điệp thuận lợi cho riêng phe của mình đến công luận và chính quyền Mỹ ngay khi Hemingway vừa mới từ Trung Hoa trở về Mỹ. Còn Bộ Trưởng Tài Chánh Morgenthau chỉ muốn nghe ý kiến cá nhân của Hemingway về Trung Hoa, ngoài ra không lưu ý đến việc gì khác. Cuộc tiếp xúc giữa Morgenthau và Hemingway do ông Harry Dexter White sắp xếp. White là nhân vật quan trọng trong Bộ Ngân Khố Mỹ nhờ Hemingway thu thập tin tức về tình hình Trung Hoa vào năm 1941. White là cánh tay mặt của Morgenthau đồng thời là cảm tình viên của Đảng Cộng-Sản Sô-Viết. Sau chiến tranh White lộ diện làm gián điệp cho Liên-Xô. Có thể ông White đã tiết lộ nội dung của cuộc gặp gỡ nói trên cho tình báo Liên-Xô nhưng không có bằng chứng về chuyện này.

4. Ernest Hemingway hoạt động trong thời Thế Chiến thứ Hai 1942-1943:

Trong thời thế chiến thứ hai, nước Cuba đứng về phe Đồng Minh Anh-Pháp-Mỹ- Nga-Trung Hoa chống lại phe Trục Đức-Ý-Nhật. Cuba là một đảo quốc ở trong vùng biển Caribean, chỉ cách xa Keys West 90 dặm Anh. Từ lâu nước Mỹ thịnh vượng hầu như tự cho mình có quyền can thiệp vào tình hình chính trị của Cuba. Sau năm 1932, Ernest Hemingway đến Cuba nhiều lần để câu cá biển. Đến cuối thập niên này ông chọn Cuba làm nơi cư trú. Ông mua một ngôi nhà trên một ngọn đồi chỉ cách Thủ đô Havana vài dặm Anh và từ mặt tiền nhìn thấy biển ở khoảng cách vừa tầm nhìn. Ngôi nhà có tên là Finca Vigia, xây vào năm 1886 giữa một khu vườn rộng lớn trồng chuối và cây cảnh. Tại đây Hemingway cùng với vợ vừa hưởng thú an nhàn vừa có thái độ chờ xem tình hình cuộc chiến sẽ diễn biến như thế nào.
Lúc bấy giờ, một điệp viên người Đức theo chủ nghĩa cộng sản tên là Richard Sorge làm phóng viên ngoại quốc thường trú ở Tokyo. Ông ta giả vờ năng nổ hoạt động với Tòa Đại Sứ Đức ở Tokyo để lấy tin tức. Nhờ vậy ông ta báo cho Staline biết trước để chuẩn bị đối phó khi Hitler ồ ạt tấn công Nga. Nhưng Staline không quan tâm đến. Winston Churchill, thủ tướng Anh, cũng báo cho Staline biết tin này nhưng Staline lờ đi. Hitler đưa 45 sư đoàn bộ binh và lực lượng một lần nữa rồi đi Moscow cùng với vợ. Bây giờ Hemingway được đích thân Molotov mời thăm viếng Liên-Xô, nhưng ông không nhận lời. Giới quan sát thời cuộc đặt câu hỏi. Tại sao Liên Xô mời Hemingway đến viếng đất nước trong lúc các thành phố văn hóa như Moscow và Leningrad còn đầy dấu vết xâm lăng của quân đội Hitler? Câu trả lời là (1) Moscow muốn tạo cơ hội để ban tham mưu tình báo Liên-Xô gặp trực tiếp Hemingway và biến Hemingway trở thành một điệp viên đa năng hoàn hão. Hoặc (2) Moscow muốn nhờ Hemingway viết vài bài báo ca ngợi quân đội Liên Xô để vận động giới chính trị gia và những nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ giúp đỡ vì Liên-Xô đang cần bạn bè và vũ khí. Hemingway không nhận lời vì ông ta nghĩ đến thất bại về truyền thông mà ông đã sử dụng để hy vọng Tổng Thống Roosevelt ủng hộ phe Republica trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha trong thập niên 1930.
Chiến tranh thế giới thứ hai đi vào khúc quanh lịch sử khi Nhật tấn công Pearl Harbor vào ngày 7 tháng 12 năm 1941. Máy bay Nhật tàn sát gần 2 ngàn quân nhân. Trong khi Pearl Harbor còn đang bốc khói, Đức tuyên chiến với Mỹ. Mỹ đáp trả bằng cách tuyên chiến với Nhật và Đức. Đồng thời Mỹ liên kết với Anh Pháp Nga Trung Hoa đánh phe Trục Đức Ý Nhật. Hemingway nhận được tin Pearl Harbor bị Nhật tấn công khi đang trên đường từ Mỹ trở lại Cuba. Trong lần trở lại này, Hemingway tiếp xúc với nhiều bạn bè ngoại quốc và Mỹ. Lúc bấy giờ trong cộng đồng Tây Ban Nha có nhiều người giả dạng thuơng nhân để hoạt động tình báo, thăm dò tin tức để báo động với Hitler và Mussolini. Tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Havana báo cho Washington biết Hemingway không e ngại thành phần phát-xít ở đây và sẵn sàng đụng độ hay đi truy lùng bọn chúng. Một nhà ngoại giao khác có tên là Robert P. Joyce, là bạn thân của Hemingway. Vào khoảng đầu năm 1942 nhà văn nói với Joyce, ông ta muốn đóng góp khả năng của mình vào cuộc chiến bằng cách tổ chức một cơ sở phản gián ở Havana. Hemingway trình bày với Joyce phương thức phản tình báo mà ông đã học hỏi trong khi làm việc với tổ phản gián của phe Republican trong cuộc nội chiến Tây ban Nha. Joyce báo cáo ý kiến của Hemingway với Đại Sứ Mỹ Spruille Braden, cấp trên của Joyce. Ông Đại Sứ tán thành việc thành lập một tổ phản gián tài tử. Braden gọi Hemingway là “người bạn của mọi người dân” ở Havana và Tòa Đại Sứ là nơi quy tụ bạn bè. Đến tháng 8 năm 1942, Braden báo cho bộ phận tham mưu biết ông quyết định giao công tác tình báo cho Hemingway thực hiện. “Theo dõi hoạt động của kẻ thù phát-xít Tây Ban Nha mà FBI thất bại truy lùng tin tức.” Hemingway vui vẽ nhận nhiệm vụ và đặt tên là Tổ Crook Factory khác với Ban Tội Phạm mà Toà Đại Sứ thường sử dụng để hoạt động. Công việc làm của Hemingway cũng bị một vài viên chức tình báo chỉ trích và xem là vô giá trị khi họ tường trình về Washington. Nhưng tin tức do Hemingway cung cấp lại được ông Đại Sứ Mỹ đánh điện về Washington công nhận “ việc khai triển những sinh hoạt của người Tây Ban Nha là đúng, kiểm tra kỹ lưỡng, tái kiểm tra và chứng tỏ rất xác thực.” Để tránh tình trạng xung đột nghề nghiệp giữa Hemingway tình báo tài tử và nhân viên tình báo nhà nghề, ông Edgar Hoover, Giám Đốc FBI luôn luôn dặn dò mọi người ở Havana: “ sử dụng phong cách ngoại giao để thảo luận với ông Đại Sứ Braden nếu thấy điều bất lợi khi ông ta giao việc cho một người không phải là công chức chuyên nghiệp trong ngành tình báo mà lại là người hoạt động tình báo tài tử như Hemingway.”
Thực tế cho thấy Đại Sứ Braden biết cách sử dụng nhân sự. Ông đã mạnh dạn giao việc cho Hemingway. Nhà văn thường đưa tàu Pilar đi đánh cá trong vùng biển Caribean ở về hướng Bắc của nước Cuba. Pilar dài 38 feet, đúng ra nó chỉ là một chiếc thuyền câu cá biển. Hemingway biến Pilar thành một tàu gián điệp trong hai năm 1942 và 1943. Khi thực hiện nhiệm vụ gián điệp, nó có vẻ ma quái với thân tàu màu đen, chạy sát mặt nước, khó thấy ngay cả khi lướt sóng giữa ban ngày. Hemingway sử dụng Pillar để trợ lực cho Trung Tá John W. Thomason Jr. và cơ quan tình báo Hải Quân Mỹ. Công việc này phù hợp với sở thích của ông vì ông vừa tham gia chiến tranh vừa được sống trên sóng nước. Nó cũng gợi cho ông cái thú mạo hiểm và hoạt động bắp thịt ở ngoài trời với biển cả mênh mông. Nó khác xa với chuyện làm gián điệp cổ điển cho phe Cộng Hòa thân Liên-Xô trong thời nội chiến Tây Ban Nha hay hoạt động phản gián cho toà Đại Sứ Mỹ ở Havana. Nhưng điều ông khoái chí là đảm nhiệm chức vụ thuyền trưởng tàu Pilar để làm việc cho nước Mỹ. Lúc bấy giờ, nhiều tàu chiến Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm trong nhiều phần của biển Đại Tây Dương. Tàu Pilar có nhiệm vụ tuần tra bờ biển phía Bắc của Cuba và điện báo cho Hải Quân Mỹ biết mỗi khi thấy tàu ngầm Đức nổi lên mặt biển. Đồng thời Pilar cũng thi hành tác chiến như đánh chìm tàu U-boat, mặc dù tàu này lớn và dài đến 250 feet và được trang bị súng 10.5 cm (deck gun 10.5 cm). Súng này có khả năng bắn thuyền nhỏ bay khỏi mặt nước với chỉ một phát súng. Hemingway thi hành nhiệm vụ này như thế nào? Hải quân Đức thấy tàu nhỏ đang đánh cá. Ngư phủ tàu Pilar hy vọng tàu Đức sẽ cặp hông Pilar để mua hay tịch thu cá và nước ngọt. Lúc đó ngư phủ tàu Pilar sẽ tấn công tàu địch bằng súng bazookas, súng máy, lựu đạn và satchel charge ( bộc phá ?). Hemingway còn sử dụng một dụng cụ thể thao của người Basque để tung lựu đạn rất nhanh và xa. Thoạt trông cuộc giao tranh thật là phù phiếm, không ai tin vào chiến thắng, nhưng thật sự đã thành công vì tạo được yếu tố “bất ngờ và thủy thủ được huấn luyện kỹ lưỡng.”
Pilar bắt đầu tham gia chiến đấu vào mùa hè 1942, trước tiên là những cuộc hành quân có tính cách huấn luyện. Hemingway càng ngày càng tin tưởng khả năng điều hành của mình và nhận thêm khí cụ. Ông đưa tàu Pilar ra khơi xa bờ hơn, có khi tàu chạy về hướng Tây Bắc đến một đảo cát ở cuối eo biển Bahamas. Thủy thủ lên đảo, cắm lều và luân phiên canh tàu địch. Đại sứ Braden đánh giá rất cao sự đóng góp công sức của Hemingway trong chiến tranh. Khi cuộc hành trình cuối cùng của tàu Pilar chấm dứt vào mùa hè 1943, vì sự đe dọa của tàu U-boat đã giảm, ông Đại Sứ viết thư cám ơn Hemingway về tất cả những dịch vụ mà nhà văn đã thực hiện trên đất liền và trên biển.

5.Phóng viên chiến trường đến Paris 1944 và trở về sống ở Cuba 1945-1960:

Tình hình chiến sự trên các lục địa Âu, Á và Phi bắt đầu thay đổi chiều hướng. Lực lượng Đồng Minh phản công. Anh tung quân đánh các vị trí quân sự của Đức ở Vùng Bắc Phi và Vùng Trung Đông, Mỹ tái chiếm Phillipines từ tay Nhật Bản. Vào ngày 6 tháng 6 năm1944, Mỹ đổ bộ lên Normandie, đẩy quân Đức lui về nội địa Pháp. Kháng chiến Pháp hoạt động mạnh mẽ hơn để gây rối quân Đức. Hemingway giã từ Cuba và Mỹ để vừa tham gia chiến trận vừa làm phóng viên chiến trường. Hemmingway đảm nhiệm chức vụ trưởng cơ quan tình báo ở Rambouillet, một thành phố nhỏ, trinh sát những con đường mà lực lượng Đồng minh có thể sử dụng để tiến quân về Paris. Trong lúc Hemmingway và người tài xế đang đi trên một chiếc xe jeep trong con đường làng, họ gặp một nhóm kháng chiến quân người Pháp, trang bị nhiều thứ vũ khí khác nhau. Đây là những người trẻ theo cộng sản rất cực đoan. Hemingway trình bày mục đích của chuyến đi bằng tiếng Pháp nên họ rất khâm phục và yêu cầu được theo nhà văn đến Paris. Dọc đường đoàn người chiếm một đồn lính Đức vừa bỏ hoang. Lúc này Hemingway tìm cách liên lạc với một đơn vị lính Mỹ gần nhất để báo cáo tình trạng của ông và những điều ông đã thấy ở dọc đường. Hemingway phối hợp với Đại Tá David K. E. Bruce, thuộc tình báo OSS của Mỹ, cung cấp cho Tướng Leclerc, chỉ huy trưởng lực lượng kháng chiến Pháp, những tin tức về quân đội Đức từ Rembouillet đến Paris và dành cho đoàn quân của Tướng Leclerc vinh dự tiến vào Paris đầu tiên.
Đến tháng giêng 1945, chiến tranh ở Châu Âu dần dần tàn lụi. Hemingway trở về nhà ở Cuba vào tháng 3 năm 1945 trên chuyến máy bay vượt Đại Tây Dương. Khi về đến ngôi nhà Finca, ông bắt đầu sắp xếp thời gian để viết truyện, mỗi ngày viết vài giờ và bắt đầu viết từ lúc bình minh. Có thể nói trong thời gian chiến tranh lạnh 1946 đến 1957, Cuba là nơi ẩn dật an toàn của Hemingway. Cuốn tiểu thuyết The Old Man and The Sea được giải thưởng Pulitzer vào năm 1953 và ông lãnh giải thưởng Nobel văn chương vào năm 1954. Những người danh tiếng như nữ tài tử Ingrid Bergman, đạo diễn John Houston, và bạn bè khắp năm châu khen ngợi và tôn vinh Hemingway là người vĩ đại. Nhưng ông không cảm thấy vĩ đại. Ông không đến Stockhom, thủ đô của Thụy Điển để nhận giải thưởng; ông chỉ gởi một điện văn chấp nhận và phản ánh tâm tư của một nhà văn và số phận của tác phẩm khi ra đời. Ông bắt đầu điện văn bằng câu: “Cố gắng hết sức để viết văn hay đòi hỏi nhà văn phải sống một cuôc đời lẻ loi.” “ Thành danh trong tâm can công chúng khi hắn lột tả được sự cô đơn của bản thân mình và tác phẩm của hắn thường bị hư hỏng. Nhưng hắn luôn luôn cố gắng để tạo được “một điều gì chưa ai làm được hay những kẻ khác đã thử làm và thất bại.”
Hemingway sống an nhàn ở Cuba với những thú vui như câu cá, săn bắn, xem chọi gà, và nhâm nhi vài ly với bạn bè, nhưng ông vẫn quan tâm đến chính trị. Cuba bắt đầu trở nên bất ổn sau biến cố Cựu Trung Sĩ Quân Đội Fulgencio Batista đoạt chính quyền vào tháng Ba năm 1952. Ông tuyên bố thành lập một nền dân chủ khuôn phép (disciplined democracy). Thực chất của chế độ là tạo cơ hội để tập đoàn cầm quyền tham lam vơ vét của cải để làm giàu cho Bastista và bộ hạ trung thành với ông ta, đồng thời kinh doanh gian dối với những nhà đầu tư ngoại quốc để trục lợi. (Nên gọi chế độ là Kleptocracy thì đúng hơn). Ngoài những công ty của Mỹ còn có Mafia đầu tư vào khách sạn và sòng bài, biến Havana trở thành nơi du hí của khách du lịch Mỹ. Người dân Cuba bất mãn với chế độ tham ô Bastista. Các thành phần khuynh tả hay chống đế quốc hay dân chủ kết hợp thành từng nhóm chống đối Batista.
Trong số những người lãnh đạo các nhóm chống chính phủ, nổi bật nhất là Fidel Castro, một thanh niên 25 tuổi. Vào năm 20 tuổi (1947), Fidel Castro đã tham gia hoạt động chính trị lật đổ nhà độc tài Rafael Trujillo ở nước Dominican Republic. Sau khi thất bại trong một cuộc tranh cử, Fidel Castro nhận định biện pháp duy nhất để lật đổ Batista là sử dụng vũ lực. Vào năm 1953, lực lượng vũ trang của Fidel tấn công đồn binh Moncada trong thành phố Santiago, nhưng thất bại. Fidel bị Batista bắt giam, đến năm 1955 Batista tin rằng Fidel không còn là mối đe dọa nên thả ra. Fidel lại chiêu mộ người tình nguyện, lập chiến khu ở vùng núi cách xa Havana để vừa chiến đấu bằng vũ lực vừa kêu gọi dân chúng Cuba đình công bãi thị. Cuộc đấu tranh thành công đưa Fidel Castro lên nắm chính quyền. Hemingway gặp Fidel Castro lần đầu tiên vào năm 1960 khi ông tổ chức một cuộc thi câu cá. Kết qủa Fidel về hạng nhất vì câu được con cá nặng nhất. Khi nhà văn trao giải thưởng cho nhà vô địch, Fidel nói với Hemingway, ông ta ngưỡng mộ văn tài và học được nhiều điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told và cho nhà văn biết ông ta đã đút cuốn truyện vào ba-lô để đem vào rừng. Đây là lần gặp gỡ độc nhất giữa nhà văn và nhà cách mạng. Lúc bấy giờ sự bang giao giữa Mỹ và Cuba đang gặp khó khăn. Fidel Castro tổ chức một cuộc biểu tình chống Mỹ vào ngày Fourth of July tại trung tâm thủ đô Havana. Hai ngày sau,Tổng Thống Eisenhower ra lệnh cắt khẩu phần nhập cảng đường của Cuba. Toà Đại Sứ Mỹ khuyên công dân Mỹ rời khỏi Cuba. Fidel trả đủa bằng cách đe dọa người Mỹ và tài sản của họ trên đất nước Cuba. Hành độngnày gây khó xử cho Hemingway vì Fidel vẫn mong muốn nhà văn tiếp tục cư ngụ tại ngôi nhà của ông ở Havana. Hemingway thổ lộ với bạn bè: ông không thể nào an tâm ở lại Cuba trong khi những người Mỹ khác đang bị xua đuổi và nước Mỹ đang bị nhục mạ… Cuối cùng Hemingway cùng với gia đình lên một chiếc phà giã từ Havana để trở về Keys West vào ngày 25 tháng Bảy. Sau đó ông bay đi New York và Châu Âu.

6. Nổi bận tâm của Ernest Hemingway 1935-1961:

Những chuổi sự kiện thực tế và tưởng tượng lẫn lộn trong tâm trí của Hemingway trong suốt một thời gian dài, bao gồm: (i) Hồ sơ FBI, (ii) Gián điệp Liên-Xô và Hemingway, (iii) Hemingway và phong trào cách mạng Fidel Castro.
(i) Hồ sơ FBI: Trước khi Mỹ tham gia Thế Chiến 2, FBI lập một bảng ghi nhớ về khuynh hướng thiên tả của Hemingway và Hemingway ủng hộ các thành phần của lực lượng Republica Tây Ban Nha như: sư đoàn Abraham Lincoln, “hội đồng Cộng sản…hổ trợ nền Dân Chủ TâyBan Nha.” Về sau những chi tiết này trở thành vấn đề quan tâm trong hồ sơ an ninh của FBI. Sau trận đánh Pearl Harbor, Toà Đại Sứ Mỹ tiếp xúc với FBI về kế hoạch sử dụng Hemingway điều hành bộ phận trinh sát trá hình. Chính sự kiện này đã quấy rầy Hemingway. Về chuyện này, ông Hoover, Giám Đốc FBI ra lệnh cho nhân viên của ông viết một bảng tường trình những điều gì FBI biết về Hemingway. Kết qủa FBI đã công nhận “không có tin tức chính xác để buộc Hemingway dính líu với Đảng Cộng Sản…hay ông ta đã và đang là đảng viên Cộng Sản.”
Cũng trong khoảng thời gian này, FBI thiết lập hồ sơ số 64-23312 về hoạt động của Hemingway. Số 64 là “Hồ sơ linh tinh về ngoại quốc” trong đó có những vấn đề ở Cuba. Rất nhiều thông tin trong hồ sơ nói về những sự đụng chạm giữa “Crook Factory” của Hemingway và FBI ở Cuba cũng như những đặc điểm tình báo của Hemingway. Có thông tin lại mô tả mối quan tâm của FBI về việc Hemingway có thể viết một cuốn sách chỉ trích FBI trong tương lai. Đây là điều Giám Đốc Hoover muốn tránh né. Hồ sơ số 64 không nhằm mục đích điều tra để truy tố Hemingway về hình sự: tội gián điệp. Năm 1955, một nhân viên FBI rà xét lại một loạt hồ sơ được thiết lập từ năm 1938, đã kết luận “không có một cuộc điều tra nào … do FBI tiến hành liên quan đến cá nhân Hemingway.” Từ năm 1942 ông đã sai lạc khi nghĩ rằng chính phủ Mỹ lưu ý và đòi hỏi ông chứng tỏ lòng tin cậy đối với công quyền. Thư từ của ông cũng như mọi công dân khác đều bị kiểm duyệt trong thời kỳ chiến tranh. Không ai theo dõi ông trong suốt thời gian ông sống ở Cuba hay New York. Không những thế, năm 1947 ông được mời đến dự một buổi lễ long trọng do Tòa Đại Sứ ở Cuba tổ chức để nhận Huy Chương Đồng của Lục Quân Mỹ, tưởng thưởng những công trạng ông đã thực hiện trong thời chiến tranh. Một vị Đại Tá trong lễ phục nhà binh đã gắn huy chương lên ngực áo của ông sau khi một vị phụ tá đọc bảng tuyên dương thành tích trong thời gian ông làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường sau ngày D và thời gian Ông cùng với Đại tá David Brown tại mặt trận với tiểu đoàn Bộ Binh thứ 22. Bảng tuyên dương ghi nhận Hemingway “thành thạo kỹ thuật quân sự tân tiến” và “hoạt động dưới lửa đạn trong vùng giao tranh để đem đến cho độc giả những bức ảnh sống động về những khó khăn và chiến thắng của binh sĩ nơi tiền tuyến.” Tuy vậy ông tỏ vẻ không hài lòng và thắc mắc tại sao ông không được tặng thưởng một huy chương cao quý hơn, Distinguished Service Cross – DSC.
(ii) Điệp viên Liên-Xô và Hemingway trong thời chiến tranh lạnh: Vào tháng 7 năm 1948, tờ báo lá cải New York quãng bá bà hoàng “Red Ring Bared by blond Queen) có khả năng vạch trần những điều gì nàng biết về gián điệp Liên-xô ở Mỹ. Vài ngày sau cơ quan the HouseUn-American Activitiec Committee mời nàng đến điều trần. Tại đây người ta biết tên nàng là Elizabeth Bentley, tốt nghiệp trường Vassar, gia nhập đảng Cộng Sản năm 1935 tại New York. Nàng làm việc và sống chung với Jacob Golos. Jacob Golos là người ủng hộ đảng cộng sản trong thời cách mạng Nga. Ông di cư sang Mỹ và trở thành nhân viên của NKVD ở New York. Ông tuyển dụng Hemingway cho “công việc của chúng ta (our work)” vào cuối năm 1940 hay đầu năm 1941. Ông chết vào ngày lễ Tạ Ơn năm 1943. Golos cho Bentley biết một số tin tình báo. Nàng đã khai rất nhiều người Mỹ làm gián điệp cho Liên-Xô từ Bạch Cung cho đến Ngân Khố, Bộ Ngoại Giao và Bộ Tư Pháp kể cả thám tử của OSS, cơ quan tình báo thời chiến tranh. Nàng khai Ducan Lee, viên chức OSS, trao cho nàng một số tin tức giống như tin Lee đã bỏ vào hộp thư của tướng Donovan. Bentley không biết Hemingway, nàng chỉ nghe Golos nói tên Hemingway mà thôi. Đến tháng 1 năm 1952, hai người Mỹ cộng sản, Julius và Ethel Rosenberg bị Tòa New York xử về vai trò của họ trong việc ăn cắp bí mật về bom nguyên tử Mỹ. Tại phiên xử, Bentley khai Golos và Hemmingway đã bí mật gặp Julius. Sau khi Golos chết, Bentley đầu thú với FBI và đưa ra bằng chứng phản lại Golos. Nhờ vậy Mỹ giải được mật mã của Liên Xô. Chuyện khai báo của Bentley làm Hemingway bận tậm trong một thời gian dài vì Hemingway đã tiếp xúc với Golos trong thời nội chiến Tây Ban Nha.
(iii) Fidel Castro và phong trào cách mạng: Vào khoảng tháng 2, 1957 Herber L’ Matthews, phóng viên báo New York Times, bạn thân của Hemingway, đến Cuba để viết một loạt bài phóng sự về Fidel Castro và phong trào tranh đấu dành chính quyền ở Cuba. Vào một buổi tối, Mathews đến nhà Hemingway dùng cơm. Trong lúc ngà ngà men rượu Mathews tán dương Castro là nhân vật chính trị cương quyết đấu tranh chống đế quốc và phát-xít, giống như tâm trạng của Hemingway khi chiến đấu và cổ động cho phe Cộng Hòa được Staline ủng hộ năm 1936. Fidel Castro là người theo cánh tả chứ không phải là Cộng Sản. Fidel Castro đang lãnh đạo một lực lượng du kích, lập chiến khu ở vùng rừng núi để chống lại chế độ độc tài và tham nhũng Batista. Matthews còn cho Hemingway biết Fidel Castro không những đọc mà còn học những điều hay trong cuốn tiểu thuyết For Whom The Bell Told. Mathew còn tiết lộ Fidel Castro đã nói với ông ta: “chúng tôi đem … (cuốn sách) vào núi , và nó dạy cho chúng tôi biết chiến tranh du kích như thế nào.” Những điều Mathews nói ra tác động mạnh đến tâm hồn Hemingway. Vì vậy Hemingway viết nhiều bài báo bênh vực Fidel Castro trong thời gian chống đối Batista và sau khi nắm chính quyền trong tay.
Qua mùa Xuân 1958 Hemingway cùng Mary, người vợ thứ tư và Gregorio Fuentes, công nhân canh tàu lái chiếc Pilar đi câu cá ở vùng biển phía Bắc Cuba. Biển động sóng lớn nên Hemingway neo tàu lại. Mary thả mồi câu vừa lúc Hemingway lái tàu ra xa bờ khoảng 10 miles. Nhà văn giao tay lái cho vợ còn ông ta và Gregorio có công việc riêng cần làm. Từ trên bong tàu Mary nhìn xuống qua khe hở thấy hai người đàn ông mở nhiều hộc và đem ra ngoài nhiều loại súng lớn, súng trường, súng shotgun cưa nòng, lựu đạn, ống đựng đạn và thắt lưng mang đạn dược. Mary đã nằm ngủ bên trên kho vũ khí mà nàng không hay biết. Bây giờ hai người đàn ông đem tất cả súng ống đạn dược quăng xuống biển. Hemingway không cho Mary biết xuất xứ của mớ vũ khí này và tại sao dấu dưới hầm tàu Pilar. Mãi về sau Gregorio mới nói cho Mary biết Hemingway sai Gregoria cất dấu để: ”trang bị cho phong trào cách mạng.” Sự việc này cũng là mối bận tâm của Hemingway về sau này. Có lẽ ông sợ FBI nghi ngờ ông đã trợ giúp Fidel Castro chống chính quyền Cuba thân Mỹ vào những năm 1960-1961 để đưa đất nước Cuba vào con đường cộng sản.

7. Thời gian còn lại từ tháng 8/1960 đến tháng 7/1961:

Vào ngày 15 tháng 8, 1960 Mary nhận được thư của chồng từ Châu Âu gởi về. Thư cho biết “cơ thể và trí nảo của Hemingway bị suy sụp vì làm việc quá sức.” A. E. Hotchner, nhà văn và ký giả Mỹ, sinh năm 1920, đã từng đến Havana năm 1948 để phỏng vấn Hemingway và trở nên bạn thân của Hemingway, bay qua Châu Âu đưa Hemingway về lại New York để Mary lo chăm sóc. Mary và Hotchner lo tìm chuyên viên giúp đỡ. Trước tiên họ tham khảo với bác sĩ tâm sinh lý về căn bệnh của Heminhway ở New York. Kế tiếp theo khuyến cáo của bác sĩ, họ đưa Hemingway đến điều trị ở bệnh viện Mayo Clinic, thành phố Rochester, tiẻu bang Minnesota. Hemingway được Bác Sĩ Howard Rome chẩn đoán ông mắc bệnh trầm cảm nghiêm trọng vì bị thêm chứng rối loạn tinh thần (depression complicated by paranoia). Cách chửa trị là chạy điện (electroconvulsive therapy). Cách này không thông dụng vào thời bấy giờ. Khi chửa trị, bác sĩ gây mê Hemingway, ràng ông vào bàn và gắn điện cực (electrodes) vào màng tang để dòng điện chạy lên não. Sau khi chạy điện từ 11 đến 15 lần, bệnh hầu như thuyên giảm, nhưng nhà văn lại có mối lo khác. Ông sợ dòng điện sẽ xoá trí nhớ của ông (quả thật, mất trí nhớ là một phản ứng nghịch thường xảy ra). Ông thường nói với Hotchener, trí não là nơi ông chứa đựng nguồn vốn của ông ; một khi ông bị mất hết vốn, ông không làm việc được. Ông bị chứng hoang tưởng (delusion). Ông nghĩ rằng ông bị FBI theo dõi từ khi ông trở về từ Châu Âu năm 1960. Đối với ông, những người nào không mặc quần jeans và mang giày ống cao-bồi đều đáng bị nghi ngờ là nhân viên FBI. Theo ông, nhân viên FBI luôn luôn mặc suits màu sậm và áo sơ-mi trắng để đi làm việc. Khi Hotchener hỏi vì sao ông nghĩ FBI chú ý đến ông, ông trả lời vì những “cuốn sách nghi ngờ” mà ông đã viết, bạn ông là ai và ông đang sống ở đâu … “với những người cộng sản Cuba.” Hemingway còn chờ đợi FBI đến bắt ông và thẩm vấn ông.
Vào khoảng đầu năm 1961, bang giao giữa Mỹ và Cuba trở nên tồi tệ. Hemingway suy nghĩ nhiều về những biến chuyển chính trị ở Cuba. Một người bạn tên Mathew viết thư cho Hemingway “chỉ trích những sự quá đáng, liên hệ với cộng sản Liên-Xô, Cách Mạng công khai bày tỏ thái độ cực đoan chống Mỹ”. Chính quyền Tổng Thống Eisenhower không bằng lòng, bang giao giữa hai nước trở nên nghiêm trọng. Ngày 17 tháng 4 năm 1961, một lực lượng 1,400 người Cuba lưu vong, được CIA huấn luyện và trang bị vũ khí đổ bộ lên bờ biển phía Nam Cuba. Đại biểu Cuba tuyên bố ở Liên Hiệp Quốc lúc 11:00 AM “sáng nay Cuba bị một lực lượng cướp biển xâm lăng dưới sự chỉ huy… của Mỹ.” Lực lượng này bị quân đội Cuba đánh tan. Đến ngày 20 tháng 4, Fidel Castro tuyên bố chiến thắng.” Báo Times đăng lời tuyên bố này vào ngày hôm sau. Castro kịch liệt chống Mỹ. Hemingway có thiện cảm với Cuba nhưng ông không thế nào chống lại đất nước của ông. Sự dày vò tâm lý này gợi lại vết thương lòng mà ông trải nghiệm trong thời nội chiến Tây Ban Nha, một sự chọn lựa bắt buộc ông phải nghiêng về nước Mỹ thân yêu. Về cuộc sống nội tâm, ông biết là ông không thể nào trở về nhà, đi dạo dưới tàng lá rặng cây ceiba ở trước cửa lớn của ngôi nhà Finca, hay lái tàu Pilar ra khỏi hải cảng rồi chạy ngang qua lâu đài Tây Ban Nha cổ kính hay buổi chiều ra quán Floridita uống rượu Papa Dobles với bạn bè. Nội tâm và ngoại cảnh đều mang lại sự buồn chán. Vì vậy căn bệnh của ông trở nên trầm trọng. Những người thân nhận thấy ông có triệu chứng muốn tự tử. Buổi sáng ngày 21 tháng 4, Mary thấy ông ngồi trong phòng khách với khẩu súng trường shotgun trong tay và hai viên đạn trên ngưởng cửa ở trong tầm tay với. Mary nhỏ nhẻ nói với ông về những dự định mà hai người còn có thể thực hiện như đi Mexico, trở lại thăm viếng Paris, có thể tham dự một cuộc săn bắn ở Phi Châu. Khi người bạn thân, bác sĩ Saviers đến đo huyết áp và khuyên ông bỏ súng xuống, ông nghe lời. Sau đó Mary và bác sĩ Savier lại sắp xếp chuyến bay để đưa ông vào lại nhà thương Mayo Clinic. Tại phi trường Casper, Wyoming, ông muốn lao mình vào cánh quạt máy bay. Đến tháng 6, bác sĩ bệnh viện Mayo Clinic quyết định cho ông về nhà. Mary cảm thấy nghi ngờ. Hemingway làm một việc ông thích nhất ở trên cõi đời. “VIẾT.” Ông viết một lá thư cho con trai René, dặn dò René chăm sóc “mấy con mèo, mấy con chó thân yêu và ngôi nhà Finca. ” Ông đoan quyết với con trai dầu cho điều gì xảy ra, Papa vẫn luôn luôn nhớ đến con.
Vào buổi sáng thứ Bảy ngày 1 tháng Bảy 1961, nắng ráo và ấm cúng, Hemingway rủ Brown cùng đi bộ lên ngọn đồi ở phía Bắc ngôi nhà. Sau đó hai người lái xe dạo phố thăm bạn bè. Buổi chiều Hemingway đải Mary và Brown, đấu thủ quyền Anh (the boxer,) ăn tối tại tiệm ăn quen thuộc Christina ở dưới phố. Ba người ngồi vào bàn ở trong góc tiệm và có thể nhìn thấy bất cứ khách hàng nào ở trong tiệm. Trong khi đang ăn, Hemingway nhìn sang bàn bên cạnh và hỏi cô hầu bàn về hai người đàn ông ngồi ở đó. Cô hầu bàn nghĩ họ là những người bán hàng ở phố lân cận. Bổng nhiên Hemingway nói ”Không vào ngày thứ Bảy”. Khi thấy cô hầu bàn nhún vai, Hemingway dịu giọng giải thích, “Họ là FBI”. Sáng hôm sau, Mary thức dậy khi nghe một tiếng động tựa như hai hộc bàn chạm vào nhau. Nàng đi xuống tầng trệt để xem xét. Nàng thấy Hemingway chết ở tiền đình phòng khách, nơi nàng đã lấy khẩu súng và đem cất vào tháng Tư. Hemingway đã thức dậy sớm trước tất cả mọi người, lặng lẽ bước xuống cầu thang với khẩu súng shotgun hai nòng, kết liểu cuộc đời của một đại văn hào Mỹ, người đã tích cực chiến đấu cho những điều mà ông tin tưởng.

Lê Trung Hiếu

Visits: 273

Tuổi Trẻ Ông Phó Quận Phạm Thành Châu

Nguyễn Ngọc Cảnh, Ph.D.

Pham Thanh Chau

Phạm Thành Châu

Tác giả truyện ngắn Phạm Thành Châu và tôi quen nhau từ thuở học cùng lớp ở Trung Học Trần Quí Cáp, Hội An. Tôi không biết có phải vì mình nay tuổi đã ngoại thất tuần và vì đã xa nhau hơn 50 năm nên tôi không còn nhớ là hai đứa bắt đầu biết nhau từ năm nào mà chỉ còn nhớ là cả hai cùng học Đệ Nhất C niên khóa 1962-1963. Hay cũng có thể là vào những năm trước Tú Tài I bạn Châu của tôi không gây nhiều ấn tượng cho tôi như vào năm Đệ Nhất? Vào năm ấy tôi còn nhớ rất rõ Phạm Thành Châu là một học trò tinh nghịch nhứt lớp nhưng lại là làm Trưởng ban trật tự của lớp! Tôi không nhớ thủ tục bầu bán như thế nào nhưng tôi được lãnh cái danh dự làm Trưởng lớp còn PTC bị lãnh cái nợ làm Trưởng ban trật tự. Tình thật mà nói nếu Trưởng lớp có quyền chọn các trưởng ban để làm việc hiệu đoàn với mình chắc có lẽ tôi đã “bổ nhiệm” ông bạn quí hóa của tôi làm “Trưởng ban mất trật tự”!

Phạm Thành Châu tinh nghịch nhưng rất ngộ nghĩnh nên ai nếu không thương thì cũng không ghét được. Mỗi tuần Châu ngồi ghi vào vở cô giáo Anh văn trẻ đẹp Lê Thị Tường Loan mỗi buổi dạy mặc áo dài màu gì, cầm xách tay màu gì, và đi giày cao gót màu gì để đến thứ Hai tuần sau “bá cao” cho cả lớp biết! Phòng học của lớp Đệ Nhứt C nằm sát lộ chính chạy từ dưới Trường Nam Tiểu học ở huớng đông lên hướng tây qua trước mặt Trung học Trần Quí Cáp bên tay trái và trại lính Công binh bên tay phải. PTC ngồi ở cuối bàn gần cửa sổ sau; nếu ngoãnh đầu lại thì nhìn ngay vào cổng chính của trại Công binh nơi xe nhà binh thường xuyên ra vào khá ồn ào. Những xe Jeep nhỏ có tiếng máy “tao nhã” hơn thường không lấn áp tiếng giảng bài của giáo sư trẻ ở trong phòng học của chúng tôi. Nhưng những tiếng máy gào thét “thô lỗ” của xe vận tải “rêm xê” thì lúc nào cũng làm cho học trò lũ chúng tôi chẳng nghe thầy nói gì ở trên bảng! Chính vì vậy mà mỗi khi nghe như có tiếng xe ra cổng, Cô Tường Loan thường muốn biết là xe lớn hay nhỏ để có thể dừng giảng bài chờ cho xe ra khỏi cổng. Một hôm cô gọi “Châu, xem có xe ra hay không?” Ông bạn tinh nghịch của tôi lanh lẹ trả lời “Thưa Cô có!” Cô Loan hỏi “Xe gì?” “Dạ thưa Cô xe đạp.” Châu đáp lại! Cả lớp phát lên cười rộ. Trưởng ban trật tự có nhiệm vụ phân công tác chùi bảng mỗi ngày. Có một hôm phiên trực rơi trúng vào một đồng môn vắng mặt; thế thì Trưởng ban trật tự phải thay thế. PTC lên bảng tìm không ra khăn lau bảng trong khi giáo sư sắp bước vào lớp, Châu lanh lẹ sè hai bàn tay mình ra và nói lớn “Hãy xem Trưởng ban trật tự làm việc” và dùng hai bàn tay xóa sạch bài viết của giờ học trước còn để lại!

Đó là nói chuyện trong lớp khi có thầy. Còn lúc lớp buổi sáng trước 8 giờ trong lúc ngồi chờ thầy vào lớp, Châu thường cầm đầu diễu cô Thúy Quỳnh “xết xi” trẻ đẹp dạy ở Trường Nam Tiểu Học. Sáng nào cô cũng ỏng ẹo đi bộ ngang trường chúng tôi. Mỗi khi thấy cô, Châu và đồng bọn bắt chước mấy đứa nhỏ bán bánh mì buổi tối thường rao “Bánh mì nóng dòn đây” và cùng la lớn ” Thúy Quỳnh nóng dòn đây”!

Thời tinh nghịch vô tình vô tội của tuổi học trò đứng hàng ba sau ma quỉ ấy nay đã xa tịt mù trong quá khứ dài hơn nữa thế kỷ. Tôi xa PTC sau khi đậu Tú tài II năm 1963. Tôi ngược ra hướng bắc vào Đại học Sư phạm Huế còn bạn tôi xuôi hướng nam vào Sài Gòn học Quốc gia Hành chánh. Sau bao năm lên voi làm Phó Quận Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa rồi xuống chó làm tù cải tạo của thời “Bắc thuộc” cho đến khi đi tìm được tự do ở đất Cờ Hoa. Sách có câu “thời thế tạo anh hùng” và vì hoàn cảnh đổi thay mà nay PTC đã trở thành một văn sĩ viết truyện ngắn hay ít ai sánh kịp.

Anh đã xuất bản được 4 tập truyện ngắn nhan đề:

– Bức Họa Khỏa Thân

– Nhớ Huế

– Lý Lẽ của Trái Tim

– Lời Tỏ Tình

sach PTCĐây là những câu chuyện cười ra nước mắt phản ảnh trung thực cuộc đời đầy khổ nhục của những anh hùng Việt Nam tự do sống dưới chế độ nô lệ của Hà Nội sau 1975.  Người chồng có thể hiểu trong đầu mình cái đau quặn người của vợ khi sinh đẻ nhưng là đàn ông, vì không bao giờ có kinh nghiệm bản thân “đau đẻ”, không bao giờ có thể đồng cảm được cơn đau vô tả của người đàn bà khi sinh con. Tương tợ như thế, một số người may mắn như tôi không bị sống trong trại tập trung của Cộng sản vẫn có thể hiểu trong đầu mình những khổ nhục thể xác và tinh thần mà bạn bè bị kẹt lại ở Miền Nam phải trải qua nhưng không thể nào cảm thông được trong tim mình những nổi não nề trong tinh thần của cuộc sống lao tù chính trị dưới chế độ vô nhân bản của Cộng sản. Nhưng một điều rất đáng ngac nhiên mà tôi phải cảm ơn PTC là qua những truyện ngắn của nhà văn tị nạn này tôi đã nhận ra được cái não nề, quằn quọi trong tinh thần của những người bạn đi “cải tạo” khiến tôi không cầm được nước mắt. Đó là cái tài thiên phú ít có.

Văn của PTC nhẹ nhàng, hài hước, và lôi cuốn khiến ít ai có thể bỏ đọc nửa chừng. Tuy văn có vẻ như đùa cợt, nội dung thật là sâu sắc thâm trầm. Tuy tác giả trải qua nhiều kinh nghiệm đắng cay, PTC vẫn không hoàn toàn mất tin tưởng vào thiện tính của con người. Đây là một trong những yếu tố đặc thù phản ảnh nhân tình của tác giả. Ý thức hệ phi nhân bản có thể xóa mờ tâm tính của một số người Việt chúng ta, nhưng truyện của PTC cho những ai trong chúng ta còn giữ lại được chút nghĩa “đồng bào” thấy còn hé mở một tia ánh sáng, dầu yếu ớt, trong cái tâm mù lòa của những người đã đi lầm đường trước năm 1975.

Cảm ơn bạn Châu đã cho tôi những giây phút vui buồn vì nhân tình thế thái trong đất nước Việt Nam thân yêu vào giai đoạn lịch sử loạn ly. Bạn là một trong những chứng nhân lịch sử quan trọng của dân tộc Việt cho một giai đoạn khổ nhục nhất của người Việt sống trong cảnh anh em đô hộ anh em.

Nguyễn Ngọc Cảnh, Ph.D.

Lưu ý: Độc giả có thể liên lạc với nhà văn Phạm Thành Châu qua số ĐT (571)480-3276 hoặc (703)569-0124, hay địa chỉ email: chaupham3276@gmail.com

Visits: 3148