Giới Thiệu Sách: “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) và Cuộc Chiến Chống Đô Hộ Pháp Của Nhà Nguyễn” của GS Nguyễn Quốc Trị

Trần Hồng

GTS Nguyenv tuong

Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dành 12 năm, thu thập tài liệu ở Thư viện Quốc Gia Hoa Kỳ, 5 văn khố của Pháp và ở các Trung Tâm lưu trữ khắp nơi, cũng như các tài liệu từ các cuộc hội nghị, hội thảo ở Việt Nam để viết ra thiên khảo cứu dày trên 1,000 trang, bao gồm các phong trào kháng chiến của Văn Thân cũng như sự lãnh đạo của Triều Nguyễn vào hậu bán thế kỷ thứ 19, trong đó có Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường, nội tổ của tác giả là một Đại thần trọng yếu.

Tác giả đã đưa ra những bằng chứng từ các tài liệu nguyên thủy, được phối kiểm , phản bác những luận điệu xuyên tạc về văn hóa VN, vu cáo vua quan Nhà Nguyễn từ sử sách thuộc địa nhằm hỗ trợ cuộc xâm lăng của thực dân Pháp.

Để quý vị và các bạn dễ dàng theo dõi sự trình bày tác phẩm, chúng tôi xin liệt trình những điểm chính yếu của tác phẩm theo thứ tự thời gian.

TRIỀU ĐẠI GIA LONG, MINH MẠNG, THIỆU TRỊ, TỰ ĐỨC, KIẾN PHÚC, HÀM NGHI, DUY TÂN.

Tác giả đã đưa ra các bằng chứng chứng tỏ vua Gia Long là một minh quân, trí dũng vẹn toàn như:

  • Đối nội, Ngài biết thương yêu dân chúng, quân sĩ, thẳng tay trừ khử những kẻ loạn quyền, được tướng sĩ hết lòng hy sinh.
  • Đối ngoại, Ngài biết vận dụng sự yểm trợ từ các quốc gia bạn.
  • Tạo dựng một Việt Nam rộng lớn nhất từ trước đến đời Ngài.
  • Xây dựng một hệ thống chính quyền bề thế.

Tuy  nhiên đã có nhiều luận điệu xuyên tạc, nói xấu Ngài từ thực dân và những thành phần chống đối, kể cả nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam hiện nay.

  1. Vua Gia Long nhờ Giám Mục Bá Đa Lộc cứu thoát khỏi phe Tây Sơn: Thực sự Vua được Thầy Cả VN Phao Lồ cứu thoát. (trang 263)
  1. Vua Gia Long rước Tây về dầy mồ: Hiệp ước Versailles (28/11/1787) được ký kết giữa Giám mục Bá Đa Lộc, thay mặt cho vua Gia Long và Tổng trưởng ngoại giao Pháp nhưng không hề được quốc trưởng hai nước phê chuẩn. Lý do chính là vì tình hình cách mạng ở Pháp rối bời. Chính phủ Pháp không còn khả năng nào nghĩ đến chuyện giúp Việt Nam nơi xa xôi. Quân Pháp không được gởi qua Việt Nam như dự liệu trong hiệp ước. Nhưng người Pháp do giám mục Bá Đa Lộc tuyển mộ (khoảng 368 người, trang 260) đều thuộc thành phần đào ngũ, chỉ giúp Việt Nam bảo trì vũ khí và thuyền bè.  Mọi quyết định có tầm vóc quốc gia đều được quyết định bởi nhà vua và các quan Việt Nam (trang 257).
  1. Vua Gia Long cỏng rắn Xiêm về cắn gà nhà: Lúc bại trận, vua Gia Long có chạy qua Xiêm lánh nạn và thần phục vua Xiêm, nhưng vua Gia Long đã giúp vua Xiêm đánh thắng Miến Điện.  Sau đó quân Xiêm qua giúp VN nhưng họ cướp bóc hiếp dân nên về sau vua không nhờ họ nữa.  Đến khi nhà Tây Sơn bất hòa, vua Gia Long về Việt Nam không cho triều đình Xiêm hay biết và sau này hai nước nối lại bang giao bình đẳng (trang 282- 287)
  1. Vua Gia Long bị vu cáo giết hại công thần như:
  • Công thần Đỗ Thành Nhân: Sự thực khi vua Gia Long lên vương vị hơn một năm, mới 20 tuổi bị thượng tướng công Đỗ Thành Nhân lạm quyền, tương tợ như trường hợp của chú mình là chúa Nguyễn Phúc Thuần chuyên quyền bởi Trương Phúc Loan, nên vua Gia Long phải triệt hạ Đỗ Thành Nhân để tránh hậu họa (trang 689).
  • Công thần Nguyễn Văn Thành: Vua Minh mạng không hề xử tử công thần Nguyễn văn Thành vì lẽ giản dị là ông đã tự tử chết dưới thời vua Gia Long, sau khi con ông là Nguyễn Văn Thuyên bị kết án tội phản nghịch (trang 408).
  • Công thần Tả Quân Lê văn Duyệt: Vua rất quý trọng và ông vẫn trung thành với nhà vua cho đến khi mãn phần. Tả Quân Lê Văn Duyệt chỉ bị kết án sau khi đã mất vì tội đã từng đỡ đầu cho Lê Văn Khôi lãnh đạo cuộc phản loạn ở Nam kỳ (trang 411-427)
  1. Vua Minh Mạng bị cho là bế quan tỏa cảng: Sự thực vua Minh Mạng tiếp tục đường lối ngoại giao của vua Gia Long. Minh Mạng thân thiện với tàu Pháp đến bán hàng hóa và quân dụng.  Vua cũng cho mua khí giới từ các thuộc địa của Âu Châu, ở Đông Nam Á. Vua đã cho chế tạo tàu thủy  để chạy bằng hơi nước. Vua tuyên bố rõ ràng là không nên bế quan tỏa cảng.  Vua đã dùng ngoại thương để canh tân kỹ thuật quân sự.  Đặc biệt là việc phát triển học ngoại ngữ  và dịch thuật để canh tân (trang 384-385).
  1. Vua Minh Mạng bị vu cáo là không thân thiện với người Pháp và chống đạo Gia Tô : Vua Minh Mạng đã đối xử với Pháp và đạo Gia Tô giống như vua Gia Long. Vua Minh Mạng vẫn giữ ông Chaigneau vừa làm Lãnh sự vừa đại diện cho mình (trang 396). Về đạo Gia Tô, Vua vẫn để tự do như dưới thời vua Gia Long, nhưng dưới thời Minh Mạng, đạo Gia Tô ở Pháp đã phục hồi tư thế sau cơn khủng hoảng vì cuộc cách mạng năm 1789, Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris  đã tới tấp gởi Thừa sai nhập lậu vào VN truyền đạo và hành đạo một cách bất hợp pháp, không cần biết đến chính quyền Việt Nam.  Vua chỉ thực sự cấm đạo vào năm 1832, 12 năm sau khi lên cầm quyền (trang 400).
  1. Vua Thiệu Trị diệt Đạo: Vua Thiệu Trị cũng theo đường lối của vua cha Minh Mạng không chủ trương cấm đạo, nhưng triều đình buộc các thừa sai và giáo dân Việt Nam phải tôn trọng văn hóa Việt Nam, vốn chịu ảnh hưởng tinh thần Khổng Mạnh, thờ cúng ông bà. Đó là điểm khó khăn nhất của các thừa sai đến truyền giáo tại các nước Á Châu, không riêng gì ở Việt Nam. Triều đình Thiệu Trị đã từng tuyên án tử hình một số thừa sai vi phạm an ninh quốc gia như ủng hộ các cuộc loạn chống triều đình, nhưng cũng chỉ giam cầm rồi phóng thích.  Đối với giáo dân Việt Nam vi phạm luật lệ an ninh quốc gia, nhà Vua ra lệnh giáo hóa (trang 558-559).  Tất cả những đường lối ôn hòa đó lại làm cho người Pháp xem Triều đình Việt Nam như là một giới lãnh đạo yếu kém, vì thế mới có chuyện vào mùa xuân năm 1847, chiến hạm Pháp ngang nhiên bắn chìm 5 chiến thuyền đồng Việt Nam ở vịnh Đà Nẳng, đòi Triều đình phải để các giáo sĩ hoàn toàn tự do hành đạo và để thương gia Pháp tự do buôn bán.  Từ đó vua Thiệu Trị mới có chính sách cứng rắn với giới thừa sai, nhưng cũng chỉ với giới thừa sai mà thôi (trang 560,562).
  1. Vua Tự Đức Diệt Đạo: Đối với đạo Gia Tô, dưới đời Tự Đức không quá đổi căng thẳng mãi cho đến khi Lãnh sự Pháp ở Thượng Hải Montigny đến gây sự bắn phá căn cứ Đà Nẳng vào năm 1856, tương tự như tàu Pháp bắn chìm 5 tàu đồng của Triều đình Thiệu Trị năm 1847.  Người Pháp tiếp tục yểm trợ cho các cuộc nổi loạn để ép VN ký Hiệp Ước 1862 nhường một số tỉnh cho người Pháp và Y Pha Nho  đến truyền đạo (trang 589-603).

NGUYỄN VĂN TƯỜNG, Phụ chính đại thần (1883–1885)

Kẻ Thù Không Đội Trời Chung Của Chủ Nghĩa Thực Dân Pháp

Lưu đày và cái chết nơi biệt xứ (1885–30/7/1886) tại Papeete, một làng trên quần đảo Tahiti của Pháp

 Như vậy từ Triều đại Tự Đức, vào hậu bán thế kỷ 19 người Pháp đã bắt đầu tiến hành cuộc xâm lăng Việt Nam.

Trong ba triều đại Tự Đức, Kiến Phúc và Hàm Nghi có hai đại quan là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đã phò tá nhà vua đóng vai trò quyết định trong công cuộc chiến đấu chống xâm lăng.

Ông Nguyễn Văn Tường đưa ra sách lượt “Hòa Để Thủ, Thủ Để Mưu Chiến” đã được Vua Tự Đức và các vua kế tiếp chấp thuận và áp dụng.

Ông Nguyễn Văn Tường xin Vua Tự Đức bỏ ý định lấy lại ba tỉnh Miền Tây vì quân ta không đủ mạnh để thắng địch.  Thay vì đó, ta hãy dốc toàn lực vào việc giữ gìn  những phần đất còn lại.  Ông đã đại diện nhà vua ký Hiệp Uớc và Thương Ước ngày 31 tháng 8 năm 1874 theo đó Pháp trả lại 4 tỉnh Bắc kỳ đã chiếm đóng.  Pháp biếu cho VN 1,000 súng trường và 5 tầu chiến.  Bù lại VN phải nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ mà Pháp đã chiếm đóng rồi.  Đây là một thắng lợi lớn của VN, công lớn của Phụ Chính Nguyễn Văn Tường.

Về  sau, khi người Pháp đã quyết tâm thôn tính Bắc kỳ bằng sức mạnh quân sự vượt trội Việt Nam, Ông Nguyễn văn Tường nhận định thời thế, biết quân ta không thể nào chống cự lại nổi quân địch, Ông khuyên Vua tạm bỏ Bắc kỳ để dồn lực phòng thủ Trung kỳ.

Ông Nguyễn Văn Tường đã thiết lập hệ thống sơn phòng là những chiến khu để phòng thủ quốc gia, chống ngoại xâm.

Hai ông Phụ Chánh Tường và Thuyết đã chuẩn bị Phong trào Cần Vương từ lâu.  Hy vọng các khu chiến Sơn phòng và lực lượng Cần Vương có thể tự lực chống Pháp mà không cần sự giúp đỡ của Tàu

Vua Hàm Nghi không thể ngồi chờ Tướng De Courcy đảo chánh buộc thi hành Hiệp Ước Bảo Hộ 6/6/1884 nên đêm 4/7/1885 đã đưa Vua rời Hoàng cung về Sơn phòng Quảng Trị, do Phụ Chánh Tôn Thất Thuyết hộ giá.  Phụ chánh Nguyễn Văn Tường ở lại kinh đô để bảo vệ hoàng cung và đàm phán với  Tướng De Courcy như kế hoạch “ Kẻ đánh người đàm” của nhà Vua

Khi Nguyễn văn Tường bước chân xuống tàu đi đày ở đảo Tahiti thì cuộc khởi nghĩa Cần Vương xảy ra khắp nơi.

Suốt cả một cuộc đời , ông Nguyễn văn Tường đã đem tất cả tài trí của mình phò tá ba vua giúp nước chống ngoại xâm, nhưng đó cũng là cái đích cho sử sách thuộc địa nhắm vào bôi nhọ, triệt hạ uy tín của người có lập trường chống Pháp như bị vu cáo sau đây:

  1. Diệt Đạo và Giết Hại Văn Thân: Thực sự ông rất công bình với người đạo Đàng Ngoài đã theo Garnier chống Triều đình. Ông đã dẹp loạn Văn thân cực đoan Nghệ Tỉnh  nổi loạn sát hại người theo Đạo và chống cả triều đình. (trang 616).  Về  người theo Đạo ở Đàng Trong, Ông rất chân thành (trang 617).
  1. Truất Phế và Giết hại Vua Dục Đức: Thọ lãnh di chiếu của Vua Tự Đức truyền ngôi cho Hoàng tử Ưng Chân dù ông hoàng này có nhiều nét xấu, nhưng tệ hại nhất là đã theo Pháp bằng cách cung cấp tài liệu tối mật triều đình cho Đại Lý Pháp   Vì vậy hai phụ chánh Tường và Thuyết (đã dâng sớ lên Hoàng Thái hậu Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức) tờ hạch tội buộc) phải hạ bệ, nhưng ông  Hoàng Dục Đức vẫn được tự do và sống đến thời vua Hàm Nghi chứ không phải bị chết như sử ghi chép (trang 647).
  2. Buộc Tội Giết hại Vua Hiệp Hòa: Theo chính sử Nhà Nguyễn thì sau khi ở ngôi một vài tuần, vua Hiệp Hòa đã ký Hiệp Ước Harmand ngày 25/8/1883 công nhận nền bảo hộ của Pháp và tìm cách trừ khử hai ông phụ chánh Tường và Thuyết trong khi triều đình đang ra sức chống lại sự đô hộ này. Cho nên hai ông phụ chánh đã bắt buộc phải đảo chánh phế bỏ Vua Hiệp Hòa.  Vua Hiệp Hòa không được thoát chết như Hoàng Tử Dục Đức  vì tòa Khâm sứ bây giờ đã nằm ở kinh thành, có  quân Pháp đã đóng ở Cửa Thuận lúc nào cũng có thể can thiệp (trang 651-652).
  3. Buộc Tội Loại Trừ các Vua Nhà Nguyễn để lên ngôi: Đó là kết quả của sự suy diễn ác ý của người Pháp vì họ nhận thấy hai ông phụ chánh Tường và Thuyết lãnh đạo phe chống Pháp loại các vua thân Pháp là Dục Đức và Hiệp Hòa, họ tung tin ông Tường muốn lên ngôi Vua (trang 493).
  4. Dư Luận Tranh Quyền với Tôn Thất Thuyết: Ông Thuyết là người chủ chiến và ông Tường là người có khuynh hướng điều đình nhưng cả hai ông đều quyết tâm phục vụ triều đình và chống thực dân Pháp.  Có sử  viết rằng Tôn Thất Thuyết ra lệnh đốt nhà ông Nguyễn Văn Tường vì ông Tường không tiếp tục theo nhà Vua đi Tân Sở. Sự thực lúc này trong cơn dầu sôi lửa bỏng, ông Tôn Thất Thuyết cũng không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện nhỏ mọn ở tận kinh đô xa xôi.  Hơn nữa, nhiều bằng chứng  đã cho thấy rằng khi xảy ra cuộc binh biến, quân Pháp đã đốt phá hàng loạt nhà cửa ở vùng ông Tường, dĩ nhiên họ không tha nhà của một đại thần triều đình (trang 501).
  5. Vua Hàm Nghi Bị Ép Đi Chiến Khu Tân Sở: Điểm căn bản ở đây là tinh thần yêu nước và tính bất khuất của vua Hàm Nghi.  Khi về Tân Sở, Ngài đã gởi Dụ kêu gọi phong trào Cần Vương đứng lên cứu nước.  Trong 55 năm từ đấy, Ngài vẫn giữ thái độ bất khuất.  Một ông Vua bản tánh như thế không dễ gì bị bề tôi lừa gạt để làm theo ý muốn của họ.  Nhà vua đã quyết tâm rời bỏ ngai vàng để đi chiến khu cứu nước, đó là ý nguyện của Ngài.

Kết Luận

Trên đây là những điểm chính yếu mà Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã dày công tra cứu từ những tài liệu nguyên thủy khả tín, phản bác lại những điểm sai lầm của sử sách thuộc địa và những lý luận của kẻ xâm lăng thời hậu bán thế kỷ thứ 19.

Những nhà viết sử cận đại chắc chắn phải gặp những khó khăn nói ra sự thật vì những kẻ chiến thắng vẫn còn cầm quyền.  Giáo sư Nguyễn Quốc Trị đã cố gắng đính chính một phần của lịch sử thuộc địa và ông cũng ước mong có một cuốn lịch sử Việt Nam đầy đủ hơn.

Nhân đây, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, dù cuốn biên khảo nhằm giải oan cho nội tổ của tác giả là cụ  Nguyễn Văn Tường, nhưng vì cuộc đời của Phụ Chánh Nguyễn Văn Tường đã gắn liền với các triều vua  và đất nước trong thời kỳ chống Pháp, nên tác phẩm cũng đã nêu lên được lòng yêu nước cao độ, sự chiến đấu can cường của giới Văn Thân và sự lãnh  đạo khôn ngoan của vua quan nhà Nguyễn.  Nhưng trong cuộc chiến đấu này, thắng thua đâu phải hoàn toàn do người VN quyết định. Nhìn lại biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, ta sẽ thấy rõ điều ấy.

Xin nhắc lại, lịch sử  của nhân loại chưa bao giờ có một triều đại của một quốc gia nào đã có ba vị vua liên tiếp từ bỏ ngai vàng, để chiến đấu chống ngoại xâm và bị tù đày suốt cả cuộc đời, như các vua Hàm Nghị, Thành Thái và Duy Tân.

Trần Hồng   

GTS NVT muasach 2

 

Visits: 1764

Giới thiệu Sách ”The Soul of Success”, tạm dịch “Cốt Lõi của Sự Thành Công”. Với sự đóng góp của Giáo Sư Trương Hoàng Lem

Đỗ Quang Tỏa

GS Lem new

GS Lem sinh tại Bến Tre nhưng lớn lên và theo học tại Sàigòn. Cuộc đời và sự nghiệp của GS Lem cũng thăng trầm như vận nước Việt Nam trong những thập niên 1945-1975.

Ra đời và đi làm sớm, nhưng nhờ khả năng làm việc và học vấn xuất sắc GS đã được gởi đi du học tại Hoa Kỳ vào năm 1955 và sau đó được tiếp tục đi học tại Anh Quốc. Năm 1960, sau khi tốt nghiệp ban đốc sự khóa 4 của trường QGHC, giáo sư đã được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ quan trọng trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà. Sau khi kết hôn với Ông Trần Tử Oai Bernard năm 1957 và có bốn người con, hai trai, hai gái, giáo sư vẫn vừa tiếp tục học, vừa đi làm công chức, và vừa chu toàn nhiệm vụ trong gia đình với các con nhỏ. GS Lem đã không ngừng phấn đấu để đi đến thành công mà vẫn dung hoà được những nhu cầu khác biệt từ gia đình, việc làm, xã hội và đất nước.

Trở về nước năm 1970 sau khi đã lấy được bằng Tiến Sĩ Công Quyền tại Đại Học University of Southern California (USC), GS đã giảng dạy tại Trường Quốc Gia Hành Chánh và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Viện Trưởng của trường. Sau Hiệp Định Paris vào tháng giêng năm 1973, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đã phát động chương trình Cải Tổ Hành Chánh sâu rộng và GS Lem đã được chỉ định là người hoạch định và thi hành công cuộc cải tổ vĩ đại này với chức vụ Phụ Tá Tổng Ủy Trưởng Tổng Ủy Công Vụ. Sau khi Đại Tá Quách Huỳnh Hà được bổ nhiệm làm Đô Trưởng Thành Phố Saigon, GS Lem được đề cử làm Quyền Tổng Ủy Trưởng và là người phụ nữ giữ chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974-1975.

Rời Saigon vào những giờ phút chót của cuộc chiến, sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 với mẹ già và hai người con gái nhỏ, GS đã phải bắt đầu gầy dựng một cuộc sống mới tại Hoa Kỳ bằng con số không. Nhưng nhờ khả năng học vấn và kinh nghiệm về tổ chức, GS đã được trường đại học George Washington mời làm giảng viên và sau đó đã tham gia vào đội ngũ chuyên gia cao cấp của Ngân Hàng Thế Giới (The World Bank). Năm 1989, GS thành lập công ty Tư Vấn Thế Giới, L.T. Associates (LTA) đặt trụ sở tại thủ đô Washington D.C., gần Tòa Bạch Ốc. Tính đến năm 2012, LTA đã huấn luyện cho trên 5000 công chức và cán bộ cao cấp của các nước Á Châu, Phi Châu và nước Belize thuộc châu Mỹ La Tinh. LTA được nổi tiếng qua các chương trình huấn luyện về kỷ năng lãnh đạo, phác họa chiến lược và quản trị nhân lực.

“The Soul of Success” đã cho thấy sự thành công của mỗi cá nhân không chỉ dựa trên sự giàu sang hay địa vị đã gặt hái được mà còn phải đánh giá trên những trở ngại mà cá nhân đó đã vượt qua để đạt được những gì mong muốn. “The Soul of Success” chứa đựng một ý tưởng mới rất đáng được chú ý đến, nhất là ở xã hội Hoa Kỳ, trong đó sự sở hữu vật chất luôn được đề cao và xem đó là thước đo của sự thành công.

Đọc “The Soul of Success”, nhất là cho các con em Việt Nam lớn lên tại Mỹ, để thấy những gương thành công của nhiều người trên nhiều lãnh vực khác nhau. Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra một nhân sinh quan mới và một định nghĩa rất rộng mở về sự thành công.

Đỗ Quang Tỏa (CH 8)

Ghi chú:

Liên lạc mua sách: Xin email anh Vũ Bá Hoan: vubahoan05@yahoo.com ( ấn phí: $19.95 )  

Visits: 600