Phạm Thành Châu và Tập Truyện Ngắn “Vô Tình”

Nguyễn Quang Dũng (ĐS 22 )

Xuất bản tháng 10 năm 2021, đây là tập sách thứ bảy của nhà văn Phạm Thành Châu (PTC) tự xuất bản. Và theo lời tác giả, “Vô Tình” cũng sẽ là tập truyện “sau cùng” của anh.

Anh PTC có lẽ cũng có lý do để “hù dọa” tôi như vậy và tôi nghĩ lý do thật lòng và đơn giản nhất là: PTC …mệt rồi. Bọn chúng tôi vừa ăn sinh nhật thứ 79 của anh vào dịp anh Nguyễn Cửu Viên, một đồng môn QGHC từ Seattle ghé thăm Miền Đông; và khi lớn tuổi, anh trở nên khó khăn với các tác phẩm văn chương của anh.

Anh nói với tôi là “tôi phải đọc đi đọc lại, sửa tới sửa lui từng câu văn, cách dùng chữ, sắp xếp ý tưởng cho từng chuyện tôi viết. Nhiều chuyện không ưng ý thì bỏ sọt rác. Đọc và sửa đến nổi thuộc lòng những gì mình viết trong từng chuyện một…”

Vậy mới biết, viết và được mang danh vị “Nhà Văn” không phải là chuyện dễ hay là chuyện giỡn chơi. Vậy mà PTC thẳng tay từ chối danh hiệu Nhà Văn  của anh. Ở trang bìa sau của tập sách Vô Tình, PTC viết: “Người xưa có câu “ Văn dĩ tải đạo, Thi dĩ ngôn chí” (Văn chương phải nói lên cái đạo lý. Thi ca nói lên cái chí của mình), ông không có “tiêu chuẩn” nào để được gọi là nhà văn. Ông kể những chuyện tầm phào, chỉ đáng đem vào giường đọc cho dễ ngủ. ”

Tôi không nghĩ vậy.

Truyện PTC viết không phải là “chuyện tầm phào” mà là những mảnh tâm tình rất thật của nhiều cảnh đời được ghi lại qua ngòi bút đặc thù, chỉ riêng một mình, của Nhà Văn PTC. Cũng giống như những ca sĩ thành danh, nghe tiếng hát của họ là thính giả biết ngay người hát là ai  thì PTC cũng vậy. Đọc truyện PTC viết thì biết ngay là văn của PTC.

PTC thích kể hay thuật chuyện. Và anh là người kể chuyện có duyên và lôi cuốn. Vì anh kết cấu truyện ngắn như một chuyện kể  nên truyện anh viết không cầu kỳ, hay phô bày những trau chuốt, sắp xếp hay kết cấu của văn chương chữ nghĩa và do vậy,  tạo được sự gần gũi, thân-tình-không-màu-mè giữa tác giả và người đọc.

Tôi thích đọc chuyện PTC là ở  tính thuần hậu, chơn chất, thủy chung của những nhân vật trong truyện PTC viết hay kể. Những đức tính đó thật khó tìm thấy trong cõi đời văn minh vật chất và những tiến bộ kỹ thuật thay đổi đến chóng mặt bây giờ. Khó tìm thấy ở chỗ tình cảm của những nhân vật trong chuyện PTC  thường trải dài qua nhiều năm tháng mà vẫn bất biến,  trước sau như một. Cái kiểu yêu ai, thích gì thì mang theo  yêu, thích đó trọn một đời. Thêm nữa, giống trong chuyện cổ tích hay chuyện đời xưa, chuyện PTC thường có kết cục “gặp lành” cho những người “ở hiền.” Tôi có thể ghi lại ở đây tên hàng chục truyện ngắn PTC, để chứng minh, mỗi truyện là những nhân vật khác nhau, những dòng đời nhiều biến động, nhưng tình cảm thì vẫn vậy, trước sau như một, không hề lay chuyển. (Nếu chỉ riêng trong “Vô Tình” không thôi thì mời độc giả theo chân những nhân vật nam có, nữ có,“hiền lành”, “trước sau như một” trong các truyện: Ngôi Nhà Ngày Xưa,  Đôi Giày Gót Thấp, Thôi Miên Thuật và Mối Tình Của Tôi, Hoa Trang, Người Mất Trí.)

Cái hay của truyện PTC còn nằm ở điểm này: Truyện PTC kể có nhiều truyện có vẻ khó tin, không thực, như tôi đã nói, giống truyện cổ- tích- đời- xưa; vậy mà đọc xong thì thấy có cái gì đó gần gủi tận sâu trong tâm tình người đọc, rất thực. Gấp cuốn sách lại những dòng đời trong nhiều truyện kể của PTC chạm đến đáy tim nhiều người đọc ngay bây-giờ, lúc-này-ở-đây.  Tôi nghĩ, đó là tấm lòng nhân hậu, tử tế, yêu thương vô điều kiện lẫn khuất đâu đó trong mỗi người chúng ta mà nhiều khi thường bị che mờ bởi những u mê của cái tâm thức mãi lo chạy đuổi theo những hỷ nộ ái ố của đời sống. Có phải chăng mỗi người chúng ta vẫn thường mong tìm những an-ủi-ấm-lòng, những yêu-thương-tự-tâm trong đời sống  hiện tại đầy dẫy những lạnh lùng, vô cảm; những mê mờ, rập khuôn; những phô trương trống rỗng, hay quá nhiều những tàn nhẫn, ác độc không còn tính người?

Một điểm nữa, nếu không nhắc đến khi viết về PTC thì chắc hẳn là một thiếu sót lớn: Còn nữa, còn hoài không bao giờ xa lìa trong truyện PTC là  những tình tự hay chuyện kể về quê hương Việt Nam  hình chữ S với nhiều hệ lụy, nhiều quá khứ khổ đau, nhiều buồn vui, nhiều dính líu tâm tình. Có lẽ do vậy mà PTC có rất nhiều độc giả trong số những người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do, mang theo quê hương Việt Nam trong trái tim mình, không dứt bỏ được. Đó là hàng triệu người Việt ly tán khắp nơi sau 30-4-1975, hàng triệu mảnh đời khác nhau, hàng triệu trái tim Việt Nam lưu vong đang tìm cách vượt trên lối sống văn minh kỹ thuật  tiến bộ đến chóng mặt ở xứ người để sống cái tâm tình thuần hậu, chơn chất, thủy chung, tử tế, đơn giản của người Việt mình.

Quê hương với những tình tự quá khứ  quen thuộc  hiện hữu trong nhiều tập truyện PTC và trong Vô Tình cũng vậy. Nhưng có nhiều khi chúng ta ngỡ ngàng khổ tâm giống PTC trong truyện  Ông Lão và Cô Gái Điếm (Vô Tình, trang 57-72) nhìn thấy những thay đổi lạnh lùng,  những thay đổi thật vậy sao (?) ngay chính trên mảnh đất quê hương yêu dấu giờ đã xa.

PTC chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại chạy hoài giữa chuyện ở xứ người và chuyện ở Việt Nam ngày xưa, bây giờ. Mà không phải chúng ta cũng vậy sao? Chạy tới chạy lui chạy qua chạy lại chạy hoài giữa chuyện ở xứ người và chuyện ở Việt Nam ngày- xưa-bây-giờ.

Mười bảy truyện ngắn PTC trong hơn 200 trang giấy của tập truyện Vô Tình mãi vẫn là  tâm tình của người Việt tử tế PTC, cũng giống như tâm tình của tôi và của bạn, những người Việt xa xứ,  cộng thêm chút khôi hài, cười cho “dzui”, có gì đâu mà ra vẻ đạo mạo, nghiêm trang.

Độc Giả Vô Tình.

Phần viết dưới đây là phần …ngoài lề, của tôi, người phụ trách ấn loát tập sách Vô Tình. Ngoài lề nhưng tôi nghĩ là cần nên viết và chia sẻ.

Những gì tôi viết ở đây sẽ chỉ liên quan đến những tác phẩm của PTC mà nhà in của tôi phụ trách việc trình bày và ấn loát. Nhưng thực ra nói riêng về việc ấn loát và  phát hành những tập truyện của PTC cũng là nói chung về tình trạng ấn loát và phát hành của sách vở người Việt nước ngoài.

Nhà văn PTC giao phó cho “nhà in” của tôi việc trình bày và ấn loát tất cả 7 tập sách trong hình dưới đây:

Việc tự lo ấn hành 7 tập sách không phải là việc đơn giản và dễ dàng.

Trước hết phải kể đến công trình sáng tạo tim óc của tác giả trong nhiều năm trời để hình thành một tác phẩm văn chương.  Nhiều người ví, đối với nhà văn, mỗi cuốn sách là một đứa con tinh thần thì cũng không có gì gọi là thậm xưng.

Kế đến là lo việc trình bày và ấn loát. Dĩ nhiên là tốn tiền.

Chặng chót, có sách trong tay, tác giả tự lo phát hành đến tay người đọc, “bán” sách, thâu lại “tiền vốn” còn có tiền dành cho việc xuất bản cuốn kế tiếp.

Đứng trên mặt “kinh doanh” không thôi, thì việc tự xuất bản một cuốn sách, nói nôm na,  là việc “bỏ ra bạc ngàn, thâu vào bạc cắc”. Muốn “huề vốn” thì phải bán được số nhiều.

Thoạt kỳ thủy, có nghĩa là cách đây hai ba chục năm, nhà văn PTC mỗi lần in sách là in 1000 ấn bản. Các tựa sách như “Nhớ Huế”, “Bức Họa Khỏa Thân” “ Lý Lẽ Của Trái Tim” rất được độc giả yêu thích, đặt mua và đã được tái bản một, hai lần.

Nhưng những năm gần đây, từ 2016,  tôi nhận ra nhiệt tình viết và xuất bản sách của PTC càng lúc càng …đi xuống. Mà đi xuống một cách trầm trọng.  Như khi đặt in tập truyện mới nhất này, “Vô Tình”, tác giả chỉ muốn in …50 cuốn. Tôi hỏi PTC tại sao số lượng in giảm đến độ gần như 95% so với trước đây, thì được nghe tác giả trả lời :

– “Có ai đặt mua sách đâu nữa mà in nhiều? In bây giờ chỉ để …biếu!”

Ô hay, độc giả mua sách PTC…biến đâu mất rồi? Không lẽ độc giả giờ cũng …”vô tình” như tựa tập sách mới của PTC sao?

Tôi nghĩ, có nhiều lý do, nhưng nguyên nhân chính yếu nhất là số người đọc sách báo tiếng Việt (ở nước ngoài) càng ngày càng suy giảm trầm trọng (tuổi đã già, mắt kém); cộng thêm sự phát triển và phổ cập của các phương tiện truyền thông mới như đọc truyện, sách không tốn tiền trên Internet, xem YouTube hay Facebook v..v…thì cán cân nghiêng hẳn về những phương tiện “kỹ thuật mới” này. Thời đại văn minh, không còn thì giờ để tìm mua, đọc một cuốn sách, một tờ báo, nhưng quá nhiều thì giờ dành để email, lướt mạng, đưa hình ảnh lên FaceBook, hay xem YouTube! Do vậy, ngày nay ở nước ngoài, “đốt đuốc” cũng rất khó tìm được người mua sách báo tiếng Việt để đọc.

Khi tôi viết những dòng nhận xét ở trên về tình trạng xuất bản sách tiếng Việt của PTC, tôi vẫn không muốn tin là không còn độc giả (mua và đọc) sách báo tiếng Việt. Tôi không tin là những người yêu sách, báo thích đọc sách, báo tiếng Việt “biến mất” một cách không kèn không trống như vậy.Tôi càng không tin là người Việt mình sẵn sàng bỏ ra $15 để ăn 1 tô phở, nhưng tiếc $15 mua một cuốn sách, một tờ báo hay để đọc.

Tôi thực sự muốn chứng minh với PTC rằng có nhiều khi gióng lên một tiếng chuông thì người đọc kinh đang buồn ngủ mới giật mình tỉnh thức để tâm theo lời kinh, tiếng kệ. Rằng có nhiều khi độc giả của PTC không phải không muốn mua sách đọc, mà do chính PTC không ơi hỡi, không báo tin, không …quảng cáo, “tiếp thị” thì ai biết mà mua sách?

Vậy thì tôi xin mạn phép thưa với “độc giả” đã theo đọc tới những dòng chữ này hãy tìm mua và đọc những tác phẩm văn chương của nhà văn PTC, và cũng như  nhiều tác giả khác, như một phản chứng để nói với PTC (và nhiều tác giả khác) là: Chúng tôi những người yêu đọc sách tiếng Việt vẫn còn đây!

Được như vậy, nhịp cầu tương tác giữa tác giả và độc giả sẽ mãi được nối lại,  và tập truyện Vô Tình nhất định sẽ không là tập truyện cuối cùng như PTC “tuyên bố” với riêng tôi.

Nguyễn Quang Dũng (Focus Digital Publishing)

Virginia, tháng 12/2021

(Đính kèm dưới đây là Phiếu mua sách PTC)

Views: 66

Posted in sach bao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *