Ngày Xuân hồi tưởng âm thanh cũ

Nguyên Trần

Mai vàng rực rỡ chào Xuân

Chờ nghe em nói một lần yêu anh

Cứ mỗi độ xuân về, cây cối đâm chồi nẩy lộc, lá hoa tươi thắm rộn ràng, lòng người như xôn xao mở hội theo sự chuyển mình thiêng liêng của vũ trụ và tiết trời dịu mát, bỏ lại đàng sau một năm dài tất bật nhọc nhằn.
Để hồi tưởng lại những âm thanh cũ nơi quê hương giờ đã nghìn trùng xa cách, bần bút xin đưa quý vị và các bạn trở về một góc trời phiêu lãng qua những bản nhạc xuân một thời đã từng làm hồn ta xao xuyến ngất ngây.
Việt Nam chúng ta ngày xưa ăn Tết rất lâu, do vậy sau ngày 23 tháng Chạp đưa Ông Táo về Trời, các đài phát thanh Pháp Á, Saigon, Quân Đội đã bắt đầu cho phát thanh nhạc xuân suốt cho đến ngày mồng 7 mồng 8. Thôi thì trong hơn hai tuần lễ, chúng ta nghe nhạc xuân mệt nghỉ luôn.
Ngày xuân là ngày vui thú tưng bừng nên những bản nhạc xuân soạn theo nhịp nhanh vui như Valse rất dễ hấp dẫn con người. Chẳng thế mà 2 bản nhạc “Ly Rượu Mừng” của Phạm đình Chương và “Xuân Và Tuổi Trẻ” (bản nhạc duy nhất của nhạc sỹ gốc Minh Hương La Hối mất lúc còn trẻ) đã ăn sâu vào lòng người yêu nhạc.
Thử hỏi có lời chúc nào hàm súc và bình dị hơn là :
“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức, người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”
Ly rượu mừng(Phạm Đình Chương)

Hình bìa vài bản nhạc xưa

Với La Hối, cả một trời xuân rực rỡ, “ngàn hoa tươi thắm” trở về với lòng người rộn ràng với đất trời bao la :

“Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi thắm
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”
Xuân và tuổi trẻ (La Hối)

Nhắc đến nhạc xuân mà không nhắc đến bản “Gái Xuân” của Từ Vũ phổ nhạc từ bài thơ mang cùng tên của Nguyễn Bính là cả một thiếu sót lớn lao. Thơ và nhạc quyện vào nhau thành một tiết tấu bất hủ mà ai nghe qua cũng thấy lòng lâng lâng bàng hoàng. Thực vậy, với điệu Tango Habanera hay cha cha cha lả lướt bay bướm, bài hát như cơn sóng bạt ngàn phủ chụp lấy hồn người bằng những âm thanh bay bổng tuyệt vời :
“Em như cô gái hãy còn xuân
Trong trắng thân chưa lấm bụi trần
Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
Gái Xuân giủ lụa trên sông Vân
. . . . .
Lòng xuân lơ đãng má xuân nồng
Cô gái xuân mơ chuyện vợ chồng
Đôi 8 xuân đi trên mái tóc
Đêm xuân cô ngủ có buồn không”
Thêm một bản nhạc Xuân phổ từ thơ cũng rất nổi tiếng là bài “Anh Cho Em Mùa Xuân” thơ Kim Tuấn, Nguyễn Hiền phổ nhạc. Cũng điệu Tango đưa chàng và nàng vào cơn đam mê tình ái chất ngất tuyệt vời:
“Anh cho em mùa xuân
Nụ hoa vàng mới nở
Chiều Đông nào nhung nhớ
Đường lao xao lá đầy
Chân bước mòn hè phố
Mắt buồn vin ngọn cây”

Sau những bài luân vũ, Tango sống động, ta hãy nghe Phạm Duy ru hồn người qua điệu Slow dìu dặt nhẹ nhàng trong bản nhạc “Hoa Xuân” đài các êm đềm qua tiếng hát vượt thời gian của Thái Thanh:
“Xuân vừa về trên bãi cỏ non
Gió xuân đưa lá vàng xuôi nguồn
Hoa cười cùng tia nắng vàng son
Lũ ong lên đường cánh tung ròn”

Một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc mỗi độ Xuân về là gởi thiệp chúc Tết cho nhau và cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Ý nghĩa đó đã được Lê Dinh và Minh Kỳ diễn đạt qua bài “Cánh thiệp đầu Xuân” với thể điệu Bolero đại chúng và lần đầu tiên trình làng bởi Lệ Thanh:

“Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh lính chiến quay về với gia đình
Tìm vui bên lửa ấm
Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
Mong gió đưa duyên, cho cô gái xuân thì
Ước nguyện mau chóng thành rượu hồng xe duyên

Xuân về có chàng trai hân hoan gởi cho người yêu cả một trời xuân hoa mộng rực rỡ qua bản nhạc “Mùa Xuân Gởi Em”của Lê Dinh và Minh Kỳ :
“Anh chúc em thêm đẹp đôi má hồng
Đón xuân nồng lòng mang bao ước mong
Mong ước rồi mùa xuân tươi thắm mãi
Hoa bướm tung bay vui vầy khắp trời mây.”

Mà chẳng gì cứ người lớn, ngay cả con nít cũng thấy lòng phơi phới nôn nao, xuân tình rạo rực trong tiết xuân. Bởi thế chúng mới bày trò đám cưới giả như trong bản Nhạc “Đám Cưới Đầu Xuân” của Trần Thiện Thanh (nói nhỏ các bạn đây là bản nhạc tủ của bần bút mỗi khi dự tiệc cưới đó, cứ hát đi hát lại hoài nhưng quan khách của những đám cưới khác nhau thì đố ai biết mình chỉ có tẩy sất thôi đâu):
“Rồi một chiều nao em khoe áo mới xanh hơn mây trời
Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời
Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu
Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà (mà) làm quà cưới cô dâu”.

Tuổi trẻ, tình yêu và mùa xuân là những yếu tố gắn liền với nhau: tuổi trẻ bừng bừng nhựa sống, tình yêu là lẽ sống con người và mùa xuân tô điểm cuộc đời, ta hãy nghe tâm tình đó qua nhạc khúc “Mùa Xuân Đầu Tiên”của Tuấn Khanh :

“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi bên em nghe mùa xuân vừa đến
Em ơi! Hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn trên mọi đàng”.

Mùa xuân khởi động cho tình yêu, cho hạnh phúc lứa đôi, cùng một suy tư trên, hai nhạc sỹ Minh Kỳ Lê Dinh đã họp soạn bản nhạc “Hạnh Phúc Đầu Xuân” :
“Thắm thoát là đây 1 mùa xuân mới với ngàn cánh mai vàng
Nụ cười trên môi trên làn má ai đón xuân tươi vừa sang”

Mùa Xuân là mùa của Đất Trời của lòng người với hoa lá cỏ cây rộn rịp hòa chung nhịp thở tình thương. Từ Đông sang Tây ai ai cũng quên ̣đi bao tất bật rộn ràng trong năm cũ để nô nức đón chào Xuân. Chẳng thể mà nhạc sĩ lừng danh người Áo Johann Strauss ̣(tác giả bản nhạc Valse bất hủ The Blue Danube) đã viết nên bản nhạc để đời
“ One day when we were young” cũng qua thể điệu Waltz dồn dập quay cuồng:
One day when we were young
That wonderful morning in May
You told me you loved me
When we were young one day
Sweet songs of spring were sung
And music was never so gay
You told me you loved me
When we were young one day
————————————

Trước đây, nhạc sĩ Phạm Duy có viết lời Việt cho bản nhạc nầy với tựa đề “ Khúc hát thanh xuân” mà hình như Thanh Lan hát đầu tiên:
Ngày ấy khi Xuân ra đời
Một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi, yêu nhau rồi
Hẹn rằng còn mãi không nguôi

Nhạc lắng hương xuân bồi hồi
Như vì tình ai tiếng hát lên ngôi
Nói với nhau, yêu nhau rồi
Một ngày còn mới tươi môi.——–

Theo phong tục Việt Nam thì trong ba ngày Tết, dù bôn ba xuôi ngược khắp nơi, ai ai củng phải thu xếp để về quê họp mặt vui vầy cùng gia đình, bạn hữu. Trong tryền thống thiêng liêng đó, ta có bản nhạc “Xuân Họp Mặt” của Văn Phụng qua thể điệu mambo nhún nhẩ̉y :
“Xuân đã về, xuân vẫn mơ màng trong nắng vàng cất tiếng hát reo vang
Xuân đã về, xuân vẫn huy hoàng trong gió ngàn mừng đón xuân sang”

Họp mặt để chúng ta cùng hân hoan đón “Xuân Đã Về” của Minh Kỳ với thể điệu ballad dồn dập:
“Xuân đã về, xuân đã về! ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới
Xuân đã về, xuân đã về! ta hát vang lên câu ca chào mừng xuân”.
Đến đây tưởng cũng nên nhắc lại một câu chuyện thương tâm nát lòng là nhạc sĩ Minh Kỳ đã bị bọn cầm thú VC sát hại dã man tại trại tù cải tạo Suối Máu-Biên Hòa vào ngày1/9/1975 như để ăn mừng ngày Quốc Khánh của chúng.
Xuân đến cùng những làn gió hiu hiu nhè nhẹ mà vua Tango Hoàng Trọng đã diễn tả trong “Gió Mùa Xuân Tới” với điệu cha cha cha thôi thúc :
“Gió mùa xuân tới, cánh hồng tươi thắm trong nắng vàng
Muôn bướm tung bay bao sắc tươi khoe cùng trời thắm”.

Nắng xuân trong sáng lung linh, nắng xuân nhẹ nhàng soi bóng em và anh nghiêng nghiêng trên ngàn hoa rực rỡ muôn màu, và tay trong tay chúng ta cùng nhau “Mừng Nắng Xuân Về” của Huỳnh Anh qua thể điệ̀u ballad rộn ràng:
“Nắng xuân về trên muôn hoa
Nắng xuân về trên khắp mọi nhà
Người người vui đón xuân đã về
Một mùa xuân mới chan chứa tình”.

Chúa Xuân bao giờ cũng lộng lẫy huy hoàng cho muôn loài đúng như bài ca “Xuân Muôn Thuở” diễn tả :
“Xuân về non nước huy hoàng trên màu nắng đẹp trên khóm hoa”.

Nàng Xuân yêu kiều đến độ ai ai cũng yêu thương như Nguyễn Hữu Thiết đã viết trong nhạc khúc “Nàng Xuân của tôi” qua thể điệu slow nhẹ nhàng réo rắt :
“Nàng Xuân đến dáng xuân diễm kiều thầm yêu ai đó
Nàng Xuân hởi với tôi hãy cùng cùng hòa tiếng tơ
Tôi đón Xuân với lòng thắm thiết
Tôi đón Xuân với niềm hân hoan
Tôi đón xuân với tình bát ngát
Tôi đón Xuân vô vàn niềm yêu …”
Xuân về với én lượn oanh ca, xuân về với đóa mai, lan, hồng nở đã gợi cho Nhật Bằng viết “Khúc Nhạc Ngày Xuân” với thể điệu pop tưng bừng rộn rịp:
“Ngàn hoa thắm tươi hé môi cười cùng chào đón xuân
Bầy chim tung cánh bay trên muôn cành cùng hát vang”….
Cũng trong nỗi rộn ràng đó, Phạm Đình Chương đã viết nên nhạc khúc “Đón Xuân” với thể điệu swing thật vui tươi sống động mà Như Quỳnh thường hát mỗi khi xuân về tại hải ngoại:
Xuân đã đến rồi gieo rắc ngàn hồn hoa xuống đời
Vui trong bình minh muôn loài chim hót vang mọi nơi
Đem trong tiếng cười muôn kiếp người tình thương đắm đuối
Ánh xuân đem vui với đời”.
Nếu mùa xuân đem đến tin vui rạng rỡ cho đời thì mùa xuân cũng mang những băng khoăn, khắc khoải trong lòng chàng trai vừa chớm biết yêu nhưng không biết rằng người ta có yêu lại mình hay không. Ưu tư đó được Ngọc Bích diễn tả qua bài tango nổi tiếng của thập niên 4, 50, đó là bài “Mộng Chiều Xuân” :
“Mối tình đầu xuân ai thấu chăng
Lòng tha thiết vương theo tiếng đàn
Mơ đời ái ân những ngày phong trần
Sống trong mộng đẹp ngày xuân”.
Mặc cho thăng trầm dâu bể của cuộc đời, xuân lúc nào cũng rực rỡ huy hoàng như bài ca “Xuân Tươi” : “Xuân mang về ngàn ánh nắng mới
Hoa tươi cười cùng nhau reo vui
. . . . . . .
Ớ xuân ! Ý xuân nồng ấm, sắc xuân huy hoàng, dáng xuân yêu kiều”
Sau cơn biến động kinh hoàng 1975, một chàng trai trong phút hốt hoảng bàng hoàng đã bỏ người yêu và quê hương trong một đêm xuân để nàng bơ vơ sầu khổ như Lam Phương đã viết :”Chuyện Buồn Ngày Xuân” :
“Sao anh đành bỏ em để ra đi một mình giữa đêm xuân lạnh lùng,
Chim xa bầy còn thương tổ ấm huống chi người tội lắm anh ơi!”.
Giữa lúc mọi người nô nức đón xuân sang thì có người con gái đan áo mà nhớ nhung người tình cách xa dịu vợi qua nhạc khúc “Đan Áo Mùa Xuân” của Anh Bằng :
“Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ
Là thôi em mong nhớ xuân này chàng có về
Hỏi hoa hoa chẳng nói, hỏi mây mây lặng đứng
Hỏi gió gió ngập ngừng, hỏi nắng nắng ngại ngùng”.
Miền Nam tràn đầy tự do hạnh phúc nên mùa xuân cũng rực rỡ tưng bừng mà Văn Phụng đã ca ngợi qua bản “Xuân Miền Nam” trong thể điệu Cha Cha Cha nóng bỏng mời gọi:
“Miền Nam niềm vui chan chứa đêm mơ hồ
Miền Nam tình xuân sưởi ấm thêm đôi bờ
Giờ đây mùa xuân đang xóa tan mây mờ
Quên đi đau thương sầ̀u nhớ
Vica tung gieo nuồn sống đắp xây tự do
. . .Từ phương xa, đêm nay xuân về duyên dáng
Trên đôi môi nàng trinh nữ thắm nét son. ..”
Tuy nhiên xuân về mà không có người yêu bên cạnh thì thà chết sướng hơn như lời than thở qua bài ca “Nếu Xuân Này Vắng Anh” của Bảo Thu do Trang Mỹ Dung hát đầu tiên:
“Nếu xuân này vắng anh
Như lá khô buồn xa cành
Như giao thừa êm tiếng pháo
Mai úa sắc bên hiên thì đừng đến xuân ơi!”
Và tệ hại hơn nữa là xuân về mà bị đào cho “de” thì thật là cười đau khóc hận, cứ nằm trên gác xếp mà thở thở than than. Tâm trạng não nề này được Thúc Đăng ghi lại trong bản nhạc “Xuân Về Trên Gác Nhỏ” qua tiếng hát cao vút của Thanh Tuyền. Thiệt là đúng hoàn cảnh dở khóc dở cười của những chàng thất tình kinh niên như bần bút đây:
“Đào mai hé nhụy, xuân nay lại về chạnh nhớ bâng khuâng
Một mình bơ vơ nhìn ra phố nhỏ đón xuân thiên hạ tưng bừng
Tình xuân lại đến, nhớ thương lại về
Như nhắc bao u hoài vương vấn trong tôi chưa quên một người
Xuân thuở nào hẹn mùa yêu…”

Có những người lận đận lao đao với những cuộc tình không tới nên cứ mãi đi tìm lại một mùa Xuân của mình:
Tôi đi tìm lại một mùa xuân
Mùa xuân xưa cũ qua mất rồi
Mùa xuân đã rơi vào dĩ vãng
Mà xuân nay vẫn còn dư hương
————————————
(Tôi đi tìm lại một mùa Xuân-Đoàn Nguyên)

Tôi đi tìm lại một mùa Xuân

Chính em mang lại mùa Xuân Xanh

Tôi đã tìm trong giấc mộng lành

Mơ ước cuối đời trong nỗi nhớ

Bóng hình em dáng đẹp thanh thanh./.

Một trong những phong tục của dân tộc ta là xem bói đầu năm. Chả thế mà bài thơ Kim Tuấn đã được nhạc sĩ Lê Kim Khánh phổ nhạc “Thiên Duyên Tiền Định” thể điệu ballad vui nhộn như mùa Xuân, một thời nổi tiếng với Hùng Cường – Mai Lệ Huyền:
“Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào
Nhờ anh tiên đoán năm nay duyên nợ thế nào”

Đi lễ đầu năm cũng là một phong tục cổ truyền mà ta vẫn còn giữ, đi lễ để cầu xin may mắn hanh thông, để cầu duyên và để “cạo da đầu -ủa lộn- cầu gia đạo như bản nhạc “Câu Chuyện Đầu Năm” của Hoài An :
“Trên đường đi lễ xuân đầu năm
Qua một năm ruột rối tơ tằm
Năm mới nhiều ước vọng chờ mong
May nhiều rủi ít ngóng trông
Vui cùng pháo đỏ rượu hồng”
Có người đón xuân mà bồi hồi nhớ lại kỷ niệm của những mùa xuân cũ bên người yêu nay đã cách xa. Ta hãy nghe nhạc khúc “Đón Xuân Này Nhớ Xuân Xưa” của Châu Kỳ :
“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa
Một chiều xuân anh đã hẹn hò
Như ướp tình trong cánh hoa mơ
Đưa hương theo làn gió anh nói rằng nên viết thành thơ”.
Giữa lúc người người hân hoan chào đón xuân thì thật thất thương những người chiến sỹ VNCH ở tận các tiền đồn xa xôi heo hút rừng núi cheo leo, ngày đêm canh phòng ngăn giặc, giữ yên bờ cõi để người hậu phương vui Tết yên bình. Với lính thì làm gì có mùa xuân khi quê hương chưa sạch bóng quân thù. Ta hãy nghe hoàn cảnh đó qua bản nhạc “Tôi Chưa Có Mùa Xuân” cũng của Châu Kỳ :
“Đợi hai, ba năm nữa, quê mình thôi khói lửa
Mời xuân đến với tôi. Giờ này còn nổi trôi
Riêng tôi xin từ chối, mà xuân chán gì nơi”.——–
Người lính chiến thân yêu của chúng ta đã bỏ lại sau lưng thành phố những người thương mòn mỏi đợi chờ, những cuộc vui tuổi trẻ, những ước vọng thanh xuân để đón xuân bằng : “Đón giao thừa một phiên gác đêm
Chào xuân đến súng xa vang rền”
Phiên Gác Đêm Xuân – Nguyễn văn Đông
Hoặc :
“Đồn anh đóng ven rừng mai
Nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa”
Đồn Vắng Chiều Xuân – Trần Thiện Thanh
Hay chua xót hơn : “Quà xuân anh chẳng có
Gác giặc từng giờ
Đời lính chiến lấy gì gửi về em”.
Phút Giao Mùa – Trần Thiện Thanh

Dù thế, lính vẫn không quên chúc Tết mọi người. Ta hãy nghe “Đầu Xuân Lính Chúc” của Tấn An- Hoài Linh qua thể điệu beguine rock rộn rịp nao nức như không khí ngày Xuân :
“Ngày đầu xuân chúc non nước thanh bình
Ngày mồng 2 chúc cho lứa đôi mình
Và mồng 3 anh chúc đôi mắt em xinh
Má em hồng nét tươi mãi trong lòng anh”.
Để bày tỏ, dù trong muôn một lòng thương mến lính, người hậu phương lúc nào cũng “Vui Xuân Nhớ Ơn Người Chiến Sỹ”, thăm viếng tiền đồn, thư từ quà tặng vào dịp đầu xuân và ngược lại lính rất trân trọng tình hậu phương. Ta hãy nghe lính tâm sự:
“Cám ơn ai khi xuân về vui thật là vui
Không quên người sương gió phương trời
Âu yếm gởi tình đi muôn nơi”.
Cảm Ơn – Trịnh Lâm Ngân
Trong thời chinh chiến, có biết bao bà Mẹ mỏi mắt chờ con trai về để cùng vui đón mùa xuân, nhưng đứa con đã biền biệt bốn phương trời với trọng trách diệt thù giữ yên bờ cõi:
“Mẹ ơi ! Hoa cúc hoa mai nở vàng
Đời con giờ đây đang lênh đênh
Đèo cao gió lộng ngày đêm bạt ngàn
Áo trận sờn vai bạc màu nhìn xuân về lòng buồn mênh mang”.
Mùa Xuân Của Mẹ – Trịnh Lâm Ngân

“Con biết bây giờ Mẹ chờ tin con
Khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
Nay én bay đầy trước ngỏ mà tin con vẫn xa ngàn xa”.
Xuân Này Con Không Về – Trịnh Lâm Ngân

Nhưng cũng có lúc hai kẻ yêu nhau cũng tìm ra một mùa Xuân hạnh phúc trên đỉnh yên bình:

Rồi mai, có một lần tôi đưa em,
về trên đỉnh yên bình, hiền hòa
Một mùa xuân lên cao,
hôn lên làn tóc xõa, theo mây trôi, bềnh bồng…
Mùa Xuân trên đỉnh bình yên-Từ Công Phụng
Từ sau biến cố 30 tháng 04 năm 1975, nhiều người Việt Nam vì yêu chuộng tự do phải gạt nước mắt ra đi nhưng lòng luôn hoài vọng về những mùa Xuân yêu thương trên quê hương để rồi ngậm ngùi tự hỏi lòng là :
“Nơi ấy bây giờ còn có mùa Xuân
Có dáng nghiêng nghiêng nụ cười thật gần”
Em còn nhớ mùa Xuân- Ngô Thụy Miên

Những mùa Xuân tha hương là những mùa Xuân đau buồn u uất của đàn con xa xứ trong giấc hương quan mịt mờ:
“Chiều nay lê bước phiêu du
Thầm nhớ Xuân về làng cũ
Tình quê chan chứa trong lòng
Chua xót thay sầu tư hương”
Xuân tha hương- Phạm Đình Chương

Và sau cùng, trong vòng 5 năm nay, bản nhạc Pháp nổi tiếng “T’As le look Coco” của hai nhạc sĩ Marc Attali và Richard Anderson qua thể điệu techno nao nức sống động với lời và tựa Việt “Xuân yêu thương” của nhạc sĩ Đỗ Đ̀ình Phúc đã trở nên thật phổ biến trong cộng đống Việt Nam hải ngoại:
Xuân đã đến bên em
Ɗáng xuân tuуệt νời
Xuân đã đến bên người,
Xin người hãу cùng em νui xuân.
Mɑng hạnh ρhúc cho đời
Gió xuân tuуệt νời Mɑng sɑу đắm cho người Xin người cùng em νui xuân.
———————————–

Từ nãy giờ, chúng ta cùng nhau trở về với vùng âm thanh kỉ niệm qua những bản nhạc xuân thập niên 5, 60 mà bần bút cố ghi lại theo trí nhớ hẹp bề khổ. Do đó nếu có gì thiếu sót, xin các bạn đánh cho hai chữ đại xá. Chỉ cần biết rằng, cứ mỗi độ xuân về, lòng ta không khỏi bâng khuâng ngậm ngùi nhớ về quê hương với khung trời kỉ niệm mà trong đó những ca khúc Xuân vẫn man man bàng bạc trong tâm tưởng.
Sống ở xứ người tất bật rộn ràng, cuộc đời phù du tạm bợ, do vậy, gợi nhớ về dư hương xưa, hình ảnh cũ qua những bản nhạc xuân một thời để biết đâu từ đó ta có thể tìm lại chính hình bóng mình chập chờn trong dĩ vãng tưởng đã nhạt nhòa và để thấy mình vẫn “còn một chút gì để nhớ để thương”.
Mong rằng bài viết này là một món quà tinh thần nho nhỏ đến với người đọc trong những ngày xuân tha hương. Trong tâm tình đó, xin kính chúc quý vị và các bạn một năm mới an khang thịnh vượng để cùng nhau chào đón một mùa xuân nữa trên xứ người..

Nguyên Trần

-Toronto

Views: 578

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *