Để tưởng niệm quân dân cán chính đã bỏ mình khi di tản khỏi mặt trận Xuân Lộc cùng Sư Đoàn 18 BB (đêm 20-4-1075 ), sau 12 ngày bị vây hãm.
Đinh Bá Tâm
Hàng năm vào đầu Xuân, người Việt tỵ nạn Cộng Sản vùng Little Sài gòn, thành phố Westminster, lại tưng bừng tổ chức các buổi Hội chợ Tết – với tiếng pháo đì đùng rộn rã, với chợ hoa muôn hồng nghìn tía, với những Đại hội tân niên của các hội Ái hữu, hội Đồng hương… Gặp nhau trong những ngày hội ấy, người Việt tỵ nạn có dịp ôn lại những kỷ niệm xưa, ai còn ai mất; nhớ lại mùa xuân xưa, mùa xuân cuối cùng của Miền Nam nước Việt tự do no ấm. Để rồi sau đó là đói khổ, là đày dọa hận thù… khiến hàng triệu người phải bỏ nước ra đi.
Đối với Tân – đã trải qua một mùa xuân rực lửa trên chiến tuyến Xuân Lộc trong suốt mười hai ngày đêm, mùa xuân 1975 đã để lại một dấu ấn sâu đậm mỗi khi xuân về trên miền đất Tự do ở hải ngoại. Anh nhớ lại mùa xuân đó trong nỗi ám ảnh kinh hoàng, những nuối tiếc khôn nguôi, chen lẫn niềm kính phục đối với những quân cán chính đã dựng một bức tường hy sinh vô bờ bến để ngăn cơn hồng thủy bạo tàn Cộng Sản! Họ đã tham dự một trận đánh lịch sử cuối cùng trước khi Miền Nam bị sụp đổ vào 30 tháng 4 mùa xuân năm ấy!
Hơn bốn mươi năm sau, anh gặp lại những con người dũng cảm đã thoát khỏi bàn tay tử thần trong đêm rút lui 20 tháng tư năm 1975, vào buổi họp mặt mừng xuân tại một nhà hàng lớn vùng Little Sài gòn. Khi anh bước vào hội trường, đã thấy đông đảo những bạn đồng liêu từng làm việc cơ quan chính quyền tại tỉnh, tại các quận thuộc tỉnh Long Khánh; các cựu sĩ quan tiểu khu, chi khu Xuân Lộc; các cựu sĩ quan thuộc Sư đoàn 18 ngày xưa. Ngoài ra, anh cũng thấy nhiều khuôn mặt quen thân của các đồng hương hai quận Xuân Lộc, Định quán, nơi anh đã từng phục vụ hơn năm năm ở đó.
Anh đến ngồi cùng bàn với người cựu sĩ quan từng làm việc tại toà Hành chánh tỉnh, đại úy Mai. Chưa đến giờ khai mạc, nhưng hội trường đã đông nghẹt, xôn xao tiếng cười nói, tiếng chào hỏi; rộn ràng những bàn tay nắm chặt, những khuôn mặt tươi vui của các chiến hữu đã từng sống chết bên nhau trên chiến trường đẫm máu Xuân Lộc năm xưa… Cạnh sân khấu, một đám người đang vây quanh một người đàn ông cao niên, dáng cương nghị, đầu ngẩn cao, đôi mắt rực sáng sau cặp kính trắng. Anh quay sang hỏi đại úy Mai :
-Vị nào đang đứng nói chuyện kìa, trông quen quá, ông biết không?
Người bạn đồng nghiệp cũ-cũng là bạn tù thân thiết trong những năm gian khổ trong trại tù “cải tạo” Thanh Hoá – nhìn anh ngạc nhiên:
-Tướng Lê Minh Đảo đó, ông không nhớ sao?
Anh ngắm nhìn vị cựu tướng lãnh nổi danh đã chỉ huy Sư đoàn 18 cùng các đơn vị địa phương và tăng phái, chống trả mãnh liệt ba sư đoàn VC trong suốt gần nửa tháng trời. Để rồi sau đó tuân lệnh cấp trên, ông đã chỉ huy một cuộc rút lui chiến thuật đúng theo kế hoạch, với hàng ngũ trật tự, bao gồm cả quân, dân, cán, chính Xuân lộc, tỉnh Long khánh . Trong 17 năm bị giam cầm tại các trại tù đất Bắc, ông luôn hướng về Miền Nam, nhớ người Mẹ đang ngóng chờ mà thời gian dài vẫn “cứ trôi qua cho bạc mái đầu”, nhớ mãi lời Mẹ nắm tay dặn dò trước ngày từ biệt : “Nắng sẽ về đẩy lùi bóng tối, và thương yêu, và tự do sẽ còn mãi nhé con!” Đó là lời ca trong nhạc phẩm hùng tráng, thiết tha và cảm động “Nhớ Mẹ” do Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Đại Tá Đỗ Trọng Huề đồng soạn trong thời gian bị biệt giam trong khu F ở trại tù Hà Tây Miền Bắc.
Khi Tân và Mai trở lại bàn mình, người cựu đại úy giới thiệu một nữ đồng hương đang ngồi nhìn anh, hỏi:
-Đây là cô Linh, nữ sinh trường trung học Long Khánh năm xưa …
Cô gái mỉm cười mau mắn chào Tân:
-Ông còn nhớ em không? Chắc ông quên ? Ông chỉ gặp em một hai lần hồi còn nhỏ. Hơn bốn mươi năm rồi, còn gì!
Tân hỏi lại cô gái:
-Về phần cô, còn nhớ tôi không?
Cô gái mỉm cười hóm hỉnh:
-Dạ nhớ chứ! Em còn nhớ cả biệt anh của ông nữa kìa! Để em nói nhỏ cho ông nghe…
Cô đứng lên, tự nhiên và bạo dạn, ghé vào tai anh:
-Hồi đó người ta lén gọi ông là “Ông Phó sợ lạnh” ! Chắc ông không biết đâu!
Tân nhìn cô gái hỏi:
-Quả thật tôi không biết…Nhưng vì sao tôi có biệt danh đó?
Người thiếu phụ trẻ nhíu mày như để nhớ về quá khứ:
– Em nhớ hình như tối hôm đó ông tới nhà thăm ba mẹ em. Anh tài xế lái xe quận nhờ em nấu một nồi nước nóng để ông tắm. Anh ta nói là ông sợ lạnh nên không thể tắm nước lạnh được…
Cô nhìn Tân thắc mắc:
-Em vẫn không hiểu: vì sao trong cảnh chiến tranh nóng bỏng như thế mà ông lại sợ lạnh?
Tân cười nói đùa:
-Có lẽ lúc đó tôi “lạnh cẳng “ vì sợ chết đó cô ạ!
Những kỷ niệm xưa qua mẩu chuyện nho nhỏ về tình thân thiết giữa người dân với viên chức chính quyền vào thời điểm chiến tranh đang rực lửa…khiến anh không làm sao quên được cuộc chiến tại Xuân lộc, mùa Xuân năm 1975.
* * *
Quận Xuân Lộc là nhiệm sở thứ ba của Tân trong bảy năm công vụ của một đời công chức ngắn ngủi, sau hai quận Lộc Ninh và Định Quán. Trước cuộc chiến tháng 4 năm 1975, trong ba năm phục vụ tại đây, quận Xuân Lộc đã cho anh cảm giác êm đềm, yên ổn của một thị trấn, dù bé nhỏ nhưng có nếp sống không khác biệt với đô thành Sài gòn là bao! Về mặt quân sự, Xuân Lộc là vị trí chiến lược quan trọng, vì đó là ngã ba của hai quốc lộ 1 và 19 giao nhau. Đây cũng là cửa ngõ của thủ đô Sàigòn từ Miền Trung vào, qua ngã ba Dầu Giây. Ngoài ra, Xuân Lộc cũng nằm trên đường giao liên của địch, giữa chiến khu C và D, với mật khu Mây Tào, Xuyên Mộc của Phước Tuy. Do đó, về mặt chiến lược, mặt trận Xuân Lộc có thể ví như một Điện Biên Phủ thứ hai ở thời điểm 1975.
Tình hình an ninh tại Xuân Lộc bắt đầu căng thẳng sau khi Định Quán thất thủ ngày 17-3-1975. Thế rồi vào lúc 5 giờ sáng ngày 9-4, khi một ngày mới bắt đầu, dân chúng dọn hàng ra chợ, các tín đồ Thiên Chúa Giáo đi lễ sớm tại các nhà thờ, bất thình lình VC nã hàng ngàn quả pháo đủ loại vào thành phố, đa số rớt vào chợ, nhà thờ và nhà cửa của dân chúng. Trận pháo kích kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ với hơn 300 trái đạn rót xuống liên tục không ngớt.
Sau bốn ngày chịu đựng cuộc chiến ác liệt, dân chúng tại thị xã Xuân Lộc bắt đầu thiếu thốn lương thực. Vô số đồng bào từ các xã quanh thị trấn chạy về tỵ nạn tại ấp Tân Phong , gần chi khu Xuân Lộc. Nhận được công điện kêu cứu của Quận, một phái đoàn đại diện Hội đồng Tỉnh đến tiếp tế thực phẩm cho đồng bào chiến nạn. Sau đó Bộ Xã Hội cung cấp thêm hai tấn gạo và lương khô. Để thực hiện việc cấp phát, Phó quận đã huy động các Trưởng chi, cán bộ Xây dựng nông thôn tại Quận tham gia công tác. Anh cho tháo mui chiếc xe Jeep của quận để dễ dàng chở gạo. Đồng thời lập thủ tục cấp phát lưu động nhanh chóng cho đồng bào chiến nạn ngay tại xe. Việc cấp phát thực hiện chưa đến một tiếng đồng hồ lại bị địch pháo kích, cán bộ lẫn dân chúng bị thương, toán cấp phát lại di chuyển đến địa điểm mới…
Trong đoàn người xếp hàng chờ lãnh khẩu phần lương thực hôm ấy, anh nhận thấy nhiều khuôn mặt thân quen: các sĩ quan hồi hưu đã từng phục vụ tại tiểu khu Long khánh; các thầy giáo, cô giáo , các học sinh, trong đó một cô nữ sinh lớp 12 trường trung học Long khánh mà anh đã gặp trong lần đến chơi nhà một người quen. Cô nữ sinh tên Linh ấy có dáng mảnh mai- có lẽ do thiếu thốn lương thực trong mấy ngày qua- vẫn nhí nhảnh, vui tươi. Sau khi lãnh phần gạo trợ cấp cho gia đình, cô tình nguyện phụ gíúp việc cấp phát gạo, mặc dù cô cũng biết đây là công tác khá nguy hiểm, bị lãnh đạn pháo kích của địch một cách dễ dàng!
Chiều hôm ấy, sau khi tạm xong công tác, cô Linh ngỏ lời mời “ông Phó ghé qua nhà em uống nước nghỉ mệt …”. Anh nhận lời và theo cô gái về nhà tại ấp Tân phong gần đó. Anh muốn đến nhà để cám ơn gia đình cô đã có người con gái gan dạ và có tinh thần thiện nguyện hăng say như vậy! Người nhà của cô mời anh ở lại dùng “bữa cơm đạm bạc”, nhưng anh từ chối vì trời sắp tối, trên đường về Chi khu sẽ gặp nguy hiểm. Anh chỉ xin được tắm cho khoẻ người trước khi trở về. Anh nói nhỏ với người tài xế quận rằng, anh cảm thấy muốn bịnh, nên nhờ người nhà cô gái nấu cho một nồi nước sôi để tắm! Không biết người lái xe trẻ tuổi, có phải muốn có “câu chuyện làm quà” nên đã nói điều gì với người nữ sinh xinh đẹp ấy hay không , mà bốn mươi năm sau, cô vẫn còn nhớ biệt danh “ông Phó sợ lạnh”?
* * *
Một tuần sau ngày chiến cuộc bùng nổ, phái đoàn báo chí Việt nam và ngoại quốc đến thăm chiến trường Xuâ Lộc. Sau phần thuyết trình của các giới chức quân sự và hành chánh tỉnh Long Khánh, Phó quận được giao nhiệm vụ hướng dẫn phái đoàn thăm viếng thị xã. Họ đã chứng kiến cảnh nhà thờ Xuân Lộc bị pháo kích, nhà cửa dân chúng bị sập đổ, chợ búa bị thiêu rụi do địch quân nã trọng pháo bừa bãi vào khu dân cư. Họ cũng được nghe trình bày về dự án tái thiết thị trấn Xuân Lộc sau khi địch quân bị đẩy lui khỏi thành phố và các xã chung quanh. Tuy nhiên, hôm ấy các ký giả trong phái đoàn tỏ ra không tin tưởng vào báo cáo của thuyết trình viên. Cuối buổi họp, một nhà báo Việt nam đến tâm sự với Phó quận, giọng nghiêm trọng:
– Tôi đã theo chân các đơn vị quân ta rút lui từ Miền Trung về… Sàigòn sắp mất đến nơi rồi ông ạ! Ông cứ tin tôi đi… Khi nào thấy các đơn vị sửa soạn lên đường, các quân xa lắp “rờ mọoc” kéo đi thì ông hãy nhanh chân theo họ, kẻo trễ…
Phái đoàn báo chí lên trực thăng rời Xuân Lộc, rời chiến trường đang nghi ngút khói lửa, giữa tiếng ì ầm của đại pháo, của xe tăng đang giao chiến nhau, giữa âm thanh cuồng nộ của bom đạn …Tất cả đã để lại trong lòng anh bao phân vân lo lắng, bao thắc mắc ưu phiền. Tất cả xoay quanh ý tưởng: “Đi hay Ở ” ?! Anh tự hỏi lòng: mình có thể viện cớ xin đi công tác ở Sài gòn, bỏ mặc người dân tỵ nạn Xuân Lộc, bỏ mặc phẩm vật trong kho không ai chỉ huy công tác cứu trợ mà ra khỏi nơi đây để bảo toàn sinh mạng chăng? Tuy nhiên tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào của một Cán bộ Hành chánh có cho phép mình trốn chạy khỏi chiến trường như một kẻ “đào ngũ trong thời chiến” hay không?…
Ngày hôm sau, khi ra sân bay dã chiến tại Tân Phong để gởi người bà con bị bệnh, theo chuyến trực thăng tải thương về Sàigòn, anh thấy rất nhiều thương binh, tử sĩ được đưa vội vã lên trực thăng, máu tươi loang đầy sàn máy bay! Anh tự nhủ: Những chiến binh hào hùng này có bao giờ cân nhắc, lựa chọn giữa “chiến đấu hay trốn chạy khỏi chiến trường” không? Anh lên xe trở về văn phòng Quận, với quyết tâm: phải ở lại chiến trường Xuân Lộc!
* * *
Thế rồi lệnh rút bỏ Xuân Lộc bất ngờ được thông báo trong cuộc họp tại Bộ Tư lệnh Sư Đoàn 18 vào trưa 20-4-1975, trong khi các đơn vị tại mặt trận Xuân Lộc vẫn còn giữ vững vị trí chiến đấu. Khi phê bình cuộc rút lui khỏi Xuân Lộc, sử gia John Bowman đã viết trong “The World Almanac – Vietnam War” như sau: “Cuộc rút lui chiến thuật bỏ ngõ Xuân Lộc cho VC vào chiếm thị trấn ngày 20-4-1975 đã khởi đầu cho việc thất thủ Saigon và Miền Nam Việt nam…”
Cuộc rút lui bắt đầu từ chiều ngày 20-4, khi trời vừa tối. Tất cả các lực lượng tại đây, theo thứ tự di chuyển theo Liên tỉnh lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao, băng qua mật khu Bình Giã của VC, đến Đức Thành, Long Lễ, Bà Rịa , với 3 cánh quân của Sư đoàn 18 BB, Tiểu khu Long Khánh và ĐPQ, Lữ đoàn 1 Dù và Tiểu đoàn 3 pháo binh Dù. Sau đó là các đơn vị hành chánh Tỉnh, Quận; Cảnh Sát sát Tỉnh , Quận….
Theo đúng chương trình, đến 12 giờ đêm Tiểu khu Long Khánh và Chi khu Xuân Lộc mới bắt đầu di chuyển. Thiếu tá Quận trưởng, Phó quận cùng các Sỹ quan Chi khu, các Trưởng Chi Quận Xuân Lộc di chuyển trên hai xe với vũ khí cá nhân … Đoàn xe vừa ra khỏi cổng đã nghe tiếng B40 bắn vào Chi khu ào ạt,.. Trên Liên Tỉnh lộ 2, đồng bào lũ lượt gồng gánh, bế bồng nhau, theo chân đoàn quân cán chính di tản. Cả một quanh cảnh bi hùng diễn ra trong đêm tối. Một dòng quân xa, chen lẫn bộ binh, dân chúng …đã lặng lẽ âm thầm đi dưới ánh sao đêm! Không một ánh đèn, không một đóm lửa thuốc lá, không một tiếng động ồn ào hỗn loạn! Trong quanh cảnh âm u quạnh quẽ đó, chỉ nghe tiếng rì rầm của quân xa, tiếng cót két của xe tăng M48 hộ tống đoàn di tản.
Thỉnh thoảng chỉ thấy ánh lửa pháo kích của địch theo sát đoàn di tản… Trung tá Lê Quang Định, Tiểu khu phó Tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì đạn B40 của Cộng quân. Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng bị địch bắt sống… Tại nhiều khúc quanh ở Cẩm Mỹ, người bộ hành di tản lạc lối, rơi xuống hố bên đường…Người tài xế xe Quận, một Nghĩa quân biệt phái, vừa căng mắt lái xe trong đêm tối, vừa lẩm nhẩm cầu nguyện…
Đoàn di tản đến ranh giới tỉnh Phước Tuy lúc trời hừng sáng. Vừa thấy lá cờ vàng phất phới trên nóc đồn Nghĩa quân Bà Rịa, mọi người đều vui mừng đến tuôn tràn nước mắt! Những chiếc nón sắt tung lên trời, những tiếng reo hò mừng vui vang lên trong buổi sớm của vùng đất an toàn, sau một đêm dài căng thẳng , đầy mùi tử khí!
Tân về đến Sài gòn vào buổi chiều hôm ấy. Vợ và các con ôm chầm lấy anh, mừng mừng tủi tủi. Mẹ anh nhẹ nhàng trách mắng:
– Sao bây giờ con mới về? Vợ con ngày nào cũng dò hỏi tin tức, lên tận căn cứ quân sự Long Bình để tìm con! Con muốn làm anh hùng hay sao mà còn ở lại? May mà Trời Phật thương cho con an lành trở về đó con ạ!…
Anh cúi đầu thưa với Mẹ: con chẳng muốn làm anh hùng ! Nhưng làm sao con rời bỏ đồng bào chiến nạn để chạy lấy một mình? Vì họ cần có con…
* * *
Đã bốn mươi năm trôi qua, kể từ đêm di tản khỏi Xuân Lộc, dòng đời vẫn lạnh lùng trôi như nước chảy dưới cầu. Nhưng trải qua bao tang thương biến đổi cuộc đời, Tân vẫn không quên được trận đánh hào hùng tại mặt trận Xuân Lộc năm xưa. Đó là trận đánh cuối cùng, kết thúc một trang sử oanh liệt của Miền Nam nước Việt.
Đêm nay Tân viết những dòng hồi ức này, đã bốn mươi ba năm trôi qua, sau ngày Quân đội VNCH rút khỏi mặt trận Xuân Lộc, dẫn đến sự sụp đổ Miền Nam nước Việt, khiến chúng ta phải đi tỵ nạn ở một đất nước xa xôi bên kia Thái Bình Dương. Nơi đây không còn bom rơi đạn nổ, không còn đấu tố hận thù, không còn ngục tù đày đọa!
Hằng năm đến ngày 4 tháng 7, người dân Mỹ đốt pháo bông ăn mừng Lễ Độc Lập của đất nước Hoa kỳ, kỷ niệm ngày họ đã đứng lên dành chính quyền từ tay người Anh, xây dựng một Hợp chủng quốc đầy Tự Do, Nhân Ái và Hùng Cường…Cứ mỗi khi nhìn những chùm pháo bông rực sáng trên bầu trời miền đất Tự do này, Tân lại liên tưởng đến ánh hỏa châu chập chờn, le lói trên đường di tản khỏi mặt trận Xuân Lộc năm xưa. Anh như còn thấy lại lá cờ vàng lẻ loi phất phới trong đêm tối, trên chiến trường Xuân Lộc còn bốc khói, như buồn bã chia ly, như quyến luyến vẫy gọi, khi đoàn di tản rời bỏ nơi ấy. Và sáng hôm sau, 21-4-1975, anh lại thấy lá cờ vàng thân yêu xuất hiện dưới ánh bình minh, trên nóc lô cốt đồn Nghĩa quân ở Bà Rịa, khi đoàn quân dân cán chính di tản trên Liên tỉnh lộ 2 . Nơi đó họ đã tìm lại Sinh Lộ, sau một đêm dài vượt qua Tử Lộ!
Tam Bách Đinh Bá Tâm (ĐS 12)
Little Saigon 20-4-2018
Views: 427