Đặc Khu Hành Chánh – Kinh Tế Việt Nam và Vành Đai Biển của Trung Quốc

Nguyễn Bá Lộc

Trong vài tháng qua, dân chúng VN đã dũng mãnh, trên hầu hết các thành phố lớn, biểu tình phản đối chính quyền CSVN tiến hành thực hiện ba Đặc Khu Hành Chánh–Kinh Tế (SAEZ) Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, gọi tắt là Đặc Khu (ĐK).
Điểm chánh yếu mà người dân nêu lên trong các lần biểu tình là: Phản đối việc cho thuê đất ĐK tới 99 năm và chống lại CSVN có ý đồ bán nước từng phần cho Trung quốc.

Ba đặc khu nầy là mô hình mới, lạ thường và có nhiều âm mưu mờ ám xét trên nhiều phương diện như: “Pháp chế và Tổ chức Hành chánh”, “ Những ưu đãi cho nhà đầu tư” hay “Sự cấu kết của CSVN và CSTQ”, “Sự hoành hành của tư bản đỏ và nhóm lợi ích”. Và hơn thế nữa là đặt ba Đặc Khu này trong kế hoạch đại dự án “Vành Đai Biển” của Trung quốc, thì nỗi lo âu về hậu quả bi thảm từ ba ĐK là có căn cứ, là chánh đáng, là phải ngăn cản.

Điều chúng tôi xin trình bày dưới đây là cái căn nguyên, cái dính dáng và sự trùng lập của ba ĐK với siêu dự án “Belt & Road Initiative” của Trung quốc. Đây không phải chỉ là một ưu tư cho dân tộc Việt mà còn là vấn nạn lớn cho nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhiều nước đã vướn vào và thật khó khăn chưa có lối thoát.

Belt and Road Initiative (Nguồn: World Bank)

1.  Khái lược “Vành Đai Biển” của Trung quốc

* Sự hình thành đại dự án “Vành Đai và Con đường” (Belt & Road Initiative Project)

Vành đai biển (Maritime Belt) là một phần quan trọng của đại Dự án Belt & Road Initiatives, BRI.
BRI là một siêu dự án với tham vọng lớn của TQ được thành hình năm 2013 với 65 quốc gia thành viên tham gia hợp tác với TQ. BRI gồm hai phần. Một vành đai biển dọc theo biển từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, đến vài biển khác ở Châu phi, gọi là Maritime Belt hay Vành Đai Biển. Và một con đường bộ từ TQ đến Nam Á qua Nga đến Trung đông sang Phi Châu và cuối cùng là một phần Âu Châu (còn gọi là New Silk Road). Trong hai năm 2016-2017, TQ đầu tư $20 tỷ cho 9 cảng hải ngoại trong dự án Maritime Belt và đến tháng 9- 2017, TQ đã đầu tư 34 cảng trên thế giới. (Nguồn tin: China’s expanding investment in global ports, Economist Intelligence Unit’s Research.)

Trong thông điệp đầu năm 2018, Tập Cẩn Bình có nói đến đại dự án BRI như sau: “Nhân dân TQ sẵn sàng hợp tác với các dân tộc khác cùng xây dựng một tương lai thịnh vượng , hòa bình, và nhân đạo.” (Theo Ralph Jennings, đăng trong Forbes, Jan/8/2018)
TQ đã thành công về kinh tế trong vài chục năm qua. Nay TQ muốn thực hiện tham vọng bá quyền với khẩu hiệu “Going Global”. Mô hình toàn cầu hóa của TQ với nhiều điểm khác Tây phương. Phương thức TQ tiến hành là vừa dụ dỗ vừa cưỡng bức. Đó là một loại “thực dân mới” rất nhiều nguy hiểm cho nước “muốn hợp tác” hay “bị hợp tác “ với TQ. TQ kết hợp vừa kinh tế vừa chánh trị khi thương thảo với các nước. TQ không bao giờ đặt điều kiện về đạo đức chánh trị hay nguyên tắc tự do, dân chủ, nhân quyền của một chánh thể. Bất cứ quốc gia nào, một chánh thể nào miễn chịu vào bẫy và thòng lọng của TQ là được. (Theo tài liệu “China File Conversation”, của Aazon Halegua, New York University- Law School)
BRI là một dự án quốc tế lớn nhứt từ trước tới nay. Riêng TQ bỏ ra 1000 tỷ mỹ kim. TQ ký từng dự án song phương với từng quốc gia. Các dự án đều do TQ chủ trì hay thống lãnh. Đại loại trong các công trình lớn như: Xa lộ, Cầu cống, Đường xe lửa, Phi trường , Hải cảng, Khu chế xuất, Đặc khu kinh tế, Hành lang kinh tế, Khai thác nhiên liệu khoáng sản…

* Phương thức xâm lăng kinh tế của TQ

Khi nền kinh tế đã khá mạnh, TQ muốn thực hiện mộng ngàn đời của họ là đi ra khỏi biên cương và lần nầy đi thật xa, thật rộng với sự tính toán khôn ngoan hơn xưa. Nhưng mục tiêu vẫn là chinh phục và khuất phục thiên hạ bằng kinh tế kèm theo chánh trị và quân sự. (Theo tài liệu “A new Model for Chinese Oversea Investment” tác giả Liu Jia Hua, May 12-2017). Mộng bá quyền TQ hay “China Dream”, mơ ước của TQ là “Tương lai mọi con đường quan trọng trên thế giới đều phải qua Bắc kinh” (Theo Wade Shepard, trong bài ”China’s challenges abroad: Why the Belt & Road Initiative will succeed”).
Các phương thức thực hiện có thể tóm tắt:

Viện trợ kinh tế và cho vay: Từ 2000 đến 2014 TQ tung ra viện trợ quốc tế $354.4 tỷ so với Hoa Kỳ là $394.6 tỷ (Theo College of William & Mary ‘s Aid Data)
Ngân hàng Asian International Investment Bank (quốc doanh TQ) cùng với một số ngân hàng TQ khác cho vay ở ngoại quốc với tổng số tiền nhiều hơn hai Ngân hàng Thế giới (World Bank, WB) và Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ( Asian Development Bank ADB) cộng lại (theo tài liệu Yale University, Yale Global Online 10/04/2017). Riêng Ngân Hàng Import-Export Bank của TQ cho vay tổng số hơn các ngân hàng WB + ADB + Inter American Development Bank cộng lại (Theo tài liệu Boston University’s Global Govenance Initiative).

Đầu tư trực tiếp (FDI): TQ tăng rất nhanh khắp thế giới. Tổng số FDI của TQ từ 2000 đến 2014 là 354.3 tỷ MK so với Hoa kỳ 394.6 tỷ cùng thời gian (Theo nguồn tin: Aid Data của William & Marry College). Trong mấy năm gần đây thì nhịp độ tăng của TQ nhanh qua kế hoạch BRI.
Tại Á châu tăng từ $38.01 tỷ mỹ kim năm 2005 lên $307.1 tỷ năm 2017. FDI của TQ thực hiện hoặc vốn 100%, hoặc liên doanh với nước chủ nhà. FDI TQ chủ yếu nhắm vào nhiên liệu, nguyên liệu là chánh để phục vụ cho kỹ nghệ trong nước. Loại đầu tư có lời nhanh và cao là casino, du lịch và địa ốc. Một số mặt hàng khác của FDI TQ là hàng có thể bị ảnh hưởng chiến tranh mậu dịch như thép, đồ điện tử.

Thầu các công trình lớn. Một tiến công mạnh mẽ của TQ là thầu các công trình lớn. Chương trình nầy đi kèm với viện trợ. Viện trợ hay vay tiền từ TQ luôn buộc phải đi kèm với điều kiện giao cho công ty TQ thầu, và TQ có quyền đem công nhân theo cũng như mua trang thiết bị TQ. Thông thường công ty TQ có phẩm chất kém và giữa chừng tăng kinh phí lên cao. Rốt cuộc tiền TQ lại có một phần lớn chạy về TQ.

Xuất nhập cảng: TQ phát triển đầu tiên là nhờ xuất cảng. Xuất cảng bằng mọi giá mọi cách miễn sao thu về nhiều ngoại tệ là tốt. TQ vẫn theo đuổi con đường nầy như là một cách để giải quyết thất nghiệp, tạo mãi lực tại nước đang phát triển và đồng thời đánh bại hàng sản xuất từ các nước phát triển cao.
Về nhập cảng TQ hạn chế nhập hàng từ nước ngoài. Vì vậy TQ có số xuất siêu cao và ngoại tệ tích lũy rất lớn. TQ đang cố gắng sản xuất các loại hàng với kỹ thuật rất cao kễ cả sản phẩm quốc phòng để cạnh tranh với Hoa kỳ.

*Điều kiện và phương thức hợp tác giữa TQ và các nước tham gia dự án:

Về phía TQ: dùng sức mạnh và ưu thế kinh tế của mình là tiền, là thị trường lớn, là nhu cầu lớn về nguyên liệu nhiên liệu cần cho phát triển kinh tế, là hàng hóa mọi thứ với giá rất rẽ.

Về phía nước chủ nhà: phần lớn là nước rất nghèo, thiếu tiền để đầu tư vào các dự án lớn. Khi nước có phát triển thì đó là điều kiện để bảo vệ chế độ và chánh quyền. Nhứt là một chánh quyền tham quyền cố vị, không có hay có ít tự do, dân chủ và lại tham nhũng nghiêm trọng nên Bắc Kinh dụ dỗ dễ dàng vì cả hai bên đều có lợi. Chính vì vậy mà có rất nhiều dự án không có hiệu quả, tốn kém.
Trong kế hoạch Vành Đai Biển, VN là một mắc xích quan trọng, là con đường của TQ nối với Đông Nam Á Châu, một vùng biển chiến lược của TQ và các nước khác. Mặt khác VNCS lệ thuộc Tàu rất sâu và rất lâu về mọi phương diện. Cho nên ba ĐK là một phần trong Vành Đai Biển, là cần thiết, là bắt buộc phải có theo áp lực, hay nói khác là theo lịnh TQ.

2. Đặc Khu Kinh Tế trong Kế Hoạch Vành Đai Biển của TQ

Kế hoạch Belt & Road mà một nửa là Vành Đai Biển là phần quan trọng của sách lược Toàn Cầu Hóa của TQ hiện nay.
Các Đặc khu kinh tế thì đã có từ hơn 50 năm nay. SEZ trước kia giúp nhiều cho phát triển kinh tế. Hiện trên thế giới có khoảng 4000 ĐKKT. Một số thành công, cũng có một số thất bại. Phần lớn ĐKKT do TQ thống lãnh là thất bại hay có vấn đề. Chính vì vậy mà gần đây các ngân hàng TQ yêu cầu kiểm điểm lại việc cho vay vì có một số nước không có tiền trả nợ.
Dưới đây là các ĐKKT (SEZ) do TQ thống lãnh, áp đảo hay ảnh hưởng đã đưa tới nhiều hiểm họa nghiêm trọng. Mà đó cũng là dáng dấp, là hình ảnh, là nội dung, là thân phận của ba ĐKHCKT của VN trong tương lại.

Cambodia:
Cambodia lệ thuộc hoàn toàn TQ về kinh tế lẫn chánh trị. Những đặc khu kinh tế (SEZ) của Cambodia do TQ thống lãnh gần như hoàn toàn. Nhứt là các ĐKKT nằm ven biển, tức là trong đại dự án ”Belt & Road Initiative”. Trường hợp rõ nét nhứt là ĐK Shihanoukville (SSEZ).
SSEZ được thành lập 2008 tại cảng Shihanouk, một cảng có từ lâu. Nhưng đến 2012, chánh quyền Cambodia ký với TQ và TQ đầu tư mở rộng SSEZ .Trong khu biệt lập nầy có trên 110 xí nghiệp sản xuất và độ 100 cơ sở thương mại và khu gia cư. Trong khu biệt lập khác là một cao ốc gồm có apartments và các casino ở từng dưới, tất cả do TQ làm chủ. Trong đó, người TQ chiếm hết 80 % và đang xây thêm 300 cơ sở thương mại sẽ do người Tàu làm chủ. Các khu nầy nằm trên bờ biển. SSEZ hiện nay có khu China Town to lớn. Tới nay SSEZ đã xong 30 casino và đang xây thêm 70 cái nữa. Các casino cũng do người Tàu làm chủ. Đó còn gọi là New Macau. Cạnh đó là một miếng đất có vị trí tốt cũng được cho TQ thuê 99 năm để xây nhà ở. Vốn cho dự án này tới $5.7 tỷ mỹ kim và làm giá nhà đất ở SSEZ tăng vọt.
Người Tàu ở Cambodia càng ngày càng đông. Theo luật Cambodia thì người ngoại quốc không được làm chủ đất đai. Nhưng người Tàu mới thì họ mua quốc tịch Cambodia với giá $100,000. Sihanuokville càng ngày càng phồn thịnh. Du khách đến tấp nập, phần lớn là người Tàu đến để chơi bài. Mặt khác tiền bạc từ TQ ra và vào ĐK nầy gần như không có kiểm soát. Nhưng người dân địa phương vẫn nghèo và khổ hơn vì tệ trạng xã hội gia tăng. Ngoài ra, TQ yểm trợ hết mình cho T T Hunsen tiếp tục lãnh đạo Cambodia. TQ ký với Cambodia cho viện trợ lên tới 7 tỷ trong năm qua.

Malaysia:
Thủ tướng Najib trước 2018 đã đi quá sát TQ . Malaysia đã nhận quá nhiều viện trợ từ TQ. Malaysia là một mắc xích rất quan trọng của Vành Đai Biển. TQ phải kéo nước nầy. Malaysia đã cho TQ xây đảo nhân tạo để xây nhà ở cao cấp, Forest City, và do công ty TQ làm chủ với tổng số tiền đầu tư là $100 tỷ. Hiện 70% người mua các nhà nầy là Tàu. TQ đã viện trợ Malaysia đến 13 tỷ cho nhiều công trình trong số tổng cộng TQ hứa là 34,2 tỷ (số viện trợ lớn nhứt ớ Á châu trong chương trình Belt & Road). Điều kiện Malysia phải nhận là cho nhiều công nhân TQ qua làm việc và mua trang thiết bị và nguyên liệu từ TQ. TQ đã cho Malaysia vay $14 tỷ và xây một con đường sắt chiến lược từ Đông sang Tây Malaysia nối Biển Đông qua Ấn Độ Dương.
Thủ tướng mới đắc cử, ông Mahathir, cho rằng những hợp tác quá đáng với TQ là hành động bán nước. Nên khi đắc cử, TT Mahathir xét lại một số dự án đã do TT Najab ký. (Theo tin Liz Lee, Reuter April 27-2018).

Lào:
Mặc dù không nằm trong Vành Đai Biển, nhưng Lào là nước gắn chặt với TQ trong “Belt & Road” dưới nhiều dự án dọc biên giới TQ và Lào. TQ giúp Lào lập nhiều SEZ. Mà chánh yếu là cho kỹ nghệ casino và các trò giải trí khác cho khách đa số là người Tàu.

Sri Lanca:
ĐK kinh tế ở Sri Lanca do TQ thống lãnh là một trường hợp điển hình về sự kết hợp mục tiêu kinh tế & quân sự của TQ trong Vành Đai Biển và hậu quả là Sri Lanca mất một phần đất về TQ.
Dưới sự chiêu dụ của TQ, Tổng thống Sri Lanca, ông Srajapaksa, ký thỏa hiệp thiết lập hải cảng quốc tế Hambantota, gần Ấn độ, năm 2010. Ngoài cảng to lớn còn có phi trường quốc tế, xa lộ. Vốn hoàn toàn do TQ viện trợ. Lần đầu là $307 triệu. Sau khi hoàn thành lúc nợ đáo hạn, Sri Lanca không chạy đâu ra tiền trả nợ, phải vay thêm TQ lần nhì $757 triệu với lãi xuất 6.3% chớ không còn ưu ái như lần đầu là 2%. Đến năm 2012, cảng bắt đầu hoạt động và lèo tèo mấy chục chiếc tàu quốc tế, hàng không quốc tế chỉ có một hảng. Lại thêm tham nhũng quá đáng. Cảng nầy bị lỗ nặng.
Năm 2015, TT Srajapaksa thất cử, nhưng để lại một số nợ TQ quá lớn mà TT kế nhiệm không có khả năng giải quyết. TQ buộc Sri Lanca phải trả nợ bằng cách giải quyết cho TQ thuê lại toàn bộ cảng nầy với 15.000 mẫu đất, với $1.1 tỷ trong 99 năm. Sau đó, 2017, TQ lại ép buộc Sri Lanca cho thuê xây một khu kỹ nghệ cạnh cảng quốc tế cũ là cảng Colombo và hoàn toàn do công ty TQ quản lý. Công ty TQ là China Merchants Port Holding Company có vốn 85% của cảng và thời gian thuê là 99 năm.
Sri Lanca thiếu nợ TQ do Kế hoạch Vành Đai Biển là 1,0 64 tỷ và mất hai vùng đất. Thực sự Srilanca nợ TQ tổng cộng với các món nợ khác lên tới 5 tỷ trong hoàn cảnh kinh tế không khả quan. (Theo tin báo New York Times).

Pakistan:
Theo tin từ Yale Global Online trong bài” Pakistan’s Costly Plunge Into China Debt” thì Pakistan là nước nhận hậu quả tai hại nhứt do viện trợ của TQ. Điều kiện nhận viện trợ TQ như tại các nơi khác là phải cho công nhân TQ đến làm việc và mua máy móc TQ. Và dự án thi công phải giao cho công ty TQ, không có đấu thầu. TQ đầu tư trực tiếp 22 tỷ tại Pakistan. Nhưng năm rồi chánh quyền mới của Pakistan rút bỏ thỏa ước TQ viện trợ $14 tỷ để xây cái đập thủy điện, vì TQ đòi nắm quyền sở hữu đập nầy. Cho tới nay Pakistan có tổng số nợ TQ lên tới $62 tỷ.

Phi Châu:
Trong cùng mục tiêu và sách lược bành trướng của TQ trong dự án “Belt & Road”, TQ thực hiện nhiều công trình to lớn như cảng , phi trường, cầu cống, tại nhiều nước Phi châu như Nigeria, Ethiopia, Nam Phi.. với cùng công thức: dùng tiền mua chuộc chánh quyền, thực hiện nhiều công trình lớn. Đưa công ty TQ qua với máy móc trang bị TQ. Khai thác khoáng sản. Và chiếm cứ các điểm trọng yếu. Khả năng hấp thu của các nước Phi châu yếu kém, nên hiện nay gặp một số khó khăn.

Và một số quốc gia khác:
Quan trọng có Thổ nhĩ kỳ với viện trợ TQ rất lớn nhằm nối đầu cầu nầy với Âu châu. Còn ở Úc châu, TQ nắm phần quan trọng của hải cảng Darwin, thuê 99 năm với giá 506 triệu Úc kim, TQ coi đây là trạm cuối của Maritime Belt .

* Tóm tắt hậu quả chung của các ĐK do TQ thống lãnh
Không ai chối cải là ĐKKT, kể cả Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ kỹ thuật cao.. của thập niên 1950 – 1970 khá thành công. Nhứt là tại một số nước đang phát triển và có nền Dân chủ và guồng máy công quyền tốt như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Nam Hàn. Vì SEZ thực sự là công cụ cho phát triển kinh tế.
Nhưng trong khoảng 10 năm nay, TQ xem SEZ như là một công cụ của sự xâm lăng kinh tế, công cụ của sự vươn lên để đạt vai trò bá chủ trong thiên hạ, thì SEZ trở thành phức tạp và có nhiều tai họa cho khá nhiều nước mà tôi vừa tóm tắt trên đây.
Thực tế khá rõ. Đó là những bài học cho VN và cho một số nước khác.
Mặc dù khi hợp tác với TQ về kinh tế nước chủ nhà có một số lợi nhứt định tùy quốc gia. GDP tăng lên. Mặc cảm nghèo đói bớt đi. Nhưng bên trong các quốc gia nầy nhận chịu nhiều vết thương đớn đau và thật lâu dài. Những khó khăn đó là:
• Lệ thuộc TQ về mặt chánh trị, nhiều hay ít tùy quốc gia
• Mắc nợ TQ quá lớn. Có nước không còn cách nào trả nợ đành phải giao đất cho Tàu.
• Một số vùng quan trọng của đất nước bị người Tàu chiếm định cư lâu dài.
• Tài nguyên bị cạn dần trong khi đó kinh tế và xã hội không sáng sủa hơn bao nhiêu.
• Tệ trạng và bất công xã hội tăng thêm vì hậu quả của các khu cờ bạc, điếm đàng to lớn và công khai.
• Tham nhũng nghiêm trọng và tràn lan không thể tiêu diệt hay cải thiện.

3. Ba Đặc Khu VN trong Kế Hoạch “Vành Đai Biển” TQ

Ba Đặc Khu là dự án ĐKKT lớn nhứt và mới lạ của VN. Đây là dự án rất lớn và nằm trên ba địa điểm rất quan trọng về phương diện địa lý – chánh trị. Đó là Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Trong bài nầy tôi chỉ nói một khía cạnh của ba ĐK. Đó là những điểm tương quan và gần giống mô hình các ĐKKT TQ thống lãnh hay nắm phần quan trọng mà tôi vừa trình bày ở phần trên. (Các phần khác về ba ĐK tôi trình bày ở bài khác). Các ĐKKT do TQ chiếm giữ nằm trong “Vành Đai Biển” đã và đang gặp nhiều tai họa và rất có thể là của VN tương lai.
Các điểm ghi dưới đây là trích từ các văn bản hay qua các buổi họp của Bộ Chính Trị, của Chánh phủ, của Bộ Đầu Tư , của Dự Thảo Luật Đặc Khu và của các phát biểu của các viên chức cao cấp .

* Thực hiện sự cam kết lệ thuộc Tàu của CSVN:
Chúng tôi đã nhiều lần trình bày đại họa lệ thuộc kinh tế TQ. Với ba ĐK mới là một trong những thòng lọng thêm vào. Trong chuyến đi rất sớm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, sau khi tái đắc cử, qua TQ (2016) và hai bên ký nhiều thỏa hiệp kinh tế quan trọng trong đó có các dự án lớn. Sau đó, Bộ Đầu Tư & Phát Triển (BĐTPT) nhận chỉ thị của Bộ Chánh Trị soạn gấp Dự Án Ba ĐK. Bộ Chánh Trị quyết định nhanh chóng và đưa chỉ thị các bộ phận đảng và chánh phủ xúc tiến bởi văn thư số 21 TB/WT ngày 22 tháng 3/2017 của Trung Ương Đảng. Trong các lần họp để chi tiết hóa, BĐTPT có nhiều lần bàn thảo với các chuyên gia hàng đầu của TQ về Belt & Road Initiative, các công ty casino, công ty tài chánh đến từ TQ. Tới giờ, 90% công việc của Dự Án đã được phân công và một số công tác đã tiến hành. Theo mô thức tổ chức chánh quyền CS, Quốc Hội biểu quyết luật chỉ là hình thức và không thể đảo ngược quyết định Bộ Chánh Trị.
Như vậy chống ĐK là chống đại họa đã có, nay chỉ thêm một lần nữa để thấy thêm sự bi đát của tương lai. Dự án nầy phù hợp với ba nhu cầu quan trọng: Thực hiện đại dự án Belt & Road của TQ, giải quyết khó khăn kinh tế tài chánh rất lớn của VN, và đẩy mạnh tham nhũng của CSVN & CSTQ.

* Tổ chức Hành chánh và điều hành ĐK có nhiều điều lạ và nguy hiểm
Thông thường Đặc Khu Kinh Tế (SEZ ) trên thế giới cũng như VN trước kia thì về tổ chức hành chánh chỉ có SEZ, không có kết hợp Đặc khu Hành chánh và ĐK kinh tế. Vì SEZ là một phần khá nhỏ trong một đơn vị Hành chánh. SEZ được quản lý riêng, nhưng đơn vị hành chánh có SEZ phải quản lý theo luật Tổ chức Hành chánh toàn quốc gia. Khi nói đến Đặc khu Hành chánh có tổ chức và điều hành riêng thì thường nghĩ tới “Khu tự trị”.
Trong dự thảo Luật Ba ĐK thì Bộ ĐTPT đề nghị hai mô hình quản lý hành chánh: Một là không có Hội đồng nhân dân và Ủy Ban nhân dân. Chỉ có Ủy Ban điều hành mà người đứng đầu do Thủ tướng bổ nhiệm. Thứ hai là vẫn có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân theo thể thức bình thường của một đơn vị hành chánh cấp huyện. Như vậy theo dự trù thì toàn thể lãnh thổ của ba ĐK có nhiều ưu đãi, nhiều miễn thuế cho các nhà đầu tư, chớ không riêng gì đầu tư trong các “khu chức năng” như “khu công nghiệp”, “khu thương mại tự do”,” khu yểm trợ”, khu vực “casino và giải trí”. Điều nầy làm nghĩ tới các đầu tư cho khu nghĩ dưỡng, gia cư cho người ngoại quốc, nhứt là đầu tư cho các công trình lớn như phi trường, hải cảng, xa lộ, cũng được hưởng các đặc miễn. Các công trình nầy đòi hỏi vốn rất lớn. Mà theo kinh nghiệm của các SEZ ở Cambodia, Thái lan, Lào , Malaysia thì phần chánh yếu là từ các nhà đầu tư TQ thực hiện.
Về thời hạn thuê đất 99 năm mà CSVN cho rằng cần phải theo trào lưu hiện nay là các SEZ do Tàu thống lãnh hầu hết là 99 năm. Đó là theo ý Tàu, theo mô hình TQ. Đó là đúng chiến thuật chiếm cứ lâu dài từng mảnh đất nhỏ ở hải ngoại vừa để di dân, để làm kinh tế và để xây dựng thêm “lực lượng Hoa kiều hải ngoại”. Các nhà đầu tư không phải Tàu thì không ai nghĩ đến việc cần trụ lại quá lâu ở một nước khác, trong tình trạng khoa học kỹ thuật tiến bộ vượt bực hiện nay và trong một thế giới có nhiều biến đổi.

* Nhắm tới FDI cho Casino, Du lịch, Gia cư và công trình hạ tầng cơ sở lớn
Theo nguyên tắc các lãnh vực đầu tư trong ba ĐK là gồm nhiều thứ, mới xem qua thì nó giống như bình thường. Nhưng đọc kỹ và nghe những gì CSVN bàn thảo thì thấy được ẩn ý và âm mưu của CSVN là chiêu dụ hay bị ép buộc mở cửa cho các lãnh vực chánh là : casino, du lịch, khu an dưỡng và công trình hạ tầng cơ sở. Trong dự luật (điều 3, chương I) mà dự luật gọi là “nhà đầu tư chiến lược”. Thực sự đó là cái đích, cái yêu cầu và nhu cầu của TQ đã thực hiện ở các khu do họ thống lãnh. Vì các lãnh vực trên có nhiều lời, tương đối dễ, nhứt là casino ở đâu cũng lời rất cao, và dễ chiếm lâu dài vùng đất thuê. Nhưng có điều vô lý là kỹ nghệ cờ bạc thì theo qui hoạch được coi là ngành chiến lược và cũng được miễn thuế doanh nghiệp 100% trong 4 năm. Trong khi đó ai cũng có thể biết là casino có lời ngay trong năm đầu và thuế trong ngành nầy là một nguồn thu nhập rất lớn cho ngân sách và cho quan chức tham nhũng.
“Nhà đầu tư ngoại quốc được quyền sở hữu căn hộ khách sạn, biệt thự nghĩ dưỡng, văn phòng làm việc lưu trú “ (điều 35, Mục 2 của Dự luật)
Các nhà đầu tư Tây phương họ đến VN là vì công nhân rẽ, nguyên liệu nhiều, hàng hóa tiêu thụ được nhiều trên những thị trường lớn, ổn định chánh trị. Họ đâu có cần ở lâu dài hay nghĩ dưỡng, hay đến cả đám đông quậy phá lung tung.

* Sức mạnh và cái thế TQ
Dựa theo cách hành xử của TQ tại các ĐK nói trên và dựa theo sức ép TQ đối với VN trong quá khứ, thì sức ép của TQ đối với ba ĐK là to lớn, đảng và chánh quyền VN rất khó cưỡng lại. Đối với TQ thì CSVN không còn ở giai đoạn dụ dỗ mà là ở giai đoạn chia chác quyền lợi và cưỡng bức.
Các chiêu mà TQ thực hiện ở ba ĐK ở VN :
Viện trợ, vì VN làm gì có khoảng $70 tỷ cho đầu tư cơ bản cho ba ĐK.
Thầu các công trình lớn. Hiện nay một công ty TQ đang làm xa lộ Mong cái – Vân Đồn với tổng số đầu tư là $300 triệu. Chắc chắn TQ sẽ chiếm hết công công trình của ba ĐK.
Công nhân và người già du khách sẽ tăng nhiều hơn nữa. Nhiều khu Chinatown nhỏ sẽ mọc thêm. Du khách nhiều thì có lợi về kinh tế, nhưng kiểu du khách Tàu thì có nhiều tệ hại do họ mang tới.
TQ sẽ ép và phối hợp với VN cho TQ lấy chứng nhận xuất xứ để xuất cảng qua Mỹ và một số nước khác trong chiến tranh mậu dịch với Hoa kỳ.
TQ sẽ kèm kẹp mạnh hơn đảng CSVN. Các thành phần có khuynh hướng thân Mỹ sẽ bị triệt hạ.
TQ sẽ can thiệp vào các vụ biểu tình của dân chúng chống TQ
Tham nhũng sẽ gia tăng. Không có cách nào trị được. Các vụ rữa tiền sẽ được hợp thưc hóa và thực hiện ngay trong ĐK do qui chế chuyển tiền độc lập cho các nhà đầu tư tại ĐK.
Một làn sóng mới mạnh mẽ từ TQ do từ ba ĐK nầy sẽ tạo thêm bất công kinh tế giữa nhà đầu tư trong ĐK và doanh nghiệp VN. Và tệ trạng xã hội quá tồi tệ hiện sẽ gia tăng thêm do các casino đem tới.

4. Phối hợp cho một Phong trào thế giới chống “Thực dân Trung quốc”

* Cần nhận ra đại họa TQ
Cách tổng quát trên quả đất nầy, dù là thời nào, ai cũng mong mọi người nên giúp đỡ nhau cách hòa bình và lương thiện. Nhưng thực tế thì khác, có một số nước, một số chánh quyền manh nha ý đồ muốn đàn áp, muốn xâm lấn dân tộc khác, trong đó có TQ. Trong quá trình lịch sử lâu dài, gần như lúc nào các vua , các lãnh đạo TQ cũng muốn dùng sức mạnh uy hiếp nước khác. Có thể vì TQ quá lớn, quá nghèo? Thực sự dân Tàu, nước Tàu có khá nhiều ưu điểm và ưu thế để sống và theo con đường bình thường, không gian ác thì cũng có đời sống vật chất và tinh thần ở mức cao.
Nhưng TQ nay muốn ở mức cao nhứt. Đó là vấn đề, là đại họa cho nhiều dân tộc khác.
Những làn sóng xô tới quá mạnh. Giờ thì mọi người cần phải cảnh giác hơn và tìm cách chống đỡ. Mặc dù “Bão TQ” có khi quay ngược lại tàn phá chính mình. Và sức mạnh cản ngăn trên thế giới nay gần như sẵn sàng.

* Sự phối hợp cần thiết
Trong phạm vi Việt Nam
Về mục tiêu tranh đấu: Chống cho thuê 99 năm hay 70 năm đó là đúng. Nhưng có nhiều mặt khác của ĐK rất tai hại cần hiểu rõ, thì lý do và lập luận cho việc phản đối ba ĐK vững vàng hơn và lâu dài hơn, dễ kết hợp hơn. Các điểm chánh yếu có thể nêu ra là: Lệ thuộc kinh tế TQ quá lớn. Tai hại của casino. Không chấp nhận cư dân TQ du nhập bừa bãi và phi pháp. Tẩy chay hàng TQ. Chống phá cơ sở TQ nếu tình thế bắt buộc.
Phương thức đấu tranh: Các cuộc biểu tình lớn vừa qua rất có kết quả, cả trên bình diện quốc tế. Cần liên tục trong tương lai. Truyền thông trong nước cần phát ra đầy đủ và có sáng tạo , có ý nghĩa và phong phú. Huy động và vận động các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo, sinh viên, và nông dân chống đối dưới nhiều hình thức.
Trên bình diện quốc tế
Sự vận động cho “Phong trào quốc tế chống Thực dân TQ”.
Đã đến lúc thế giới cần phối hợp chống một loại Thực Dân TQ nguy hiểm hơn bất cứ loại đế quốc nào trước đây. Tôi nghĩ thế giới đã hiểu, nhưng những phản ứng chưa đủ mạnh . Mặt khác thi TQ biết khai thác các ưu thế của mình và nhu cầu các nước đang phát triển, nên TQ đã đạt một số thành công trên sách lược toàn cầu hóa của họ, tức là kiểu TQ.
Sách lược của TQ tiến tới trên toàn cầu bằng 4 mặt: Kinh tế, Chánh trị ngoại giao quốc tế, Quân sự khi cần và Khoa học kỹ thuật, cả Văn hóa.
Đã đến lúc thế giới phải thức tỉnh. Phải ý thức về mối họa TQ
Hợp tác và đoàn kết giữa các quốc gia đang gặp tai họa từ TQ . Điều nầy khó khăn vì phần lớn chánh quyền ở đấy độc tài hay bán độc tài. Tuy nhiên cũng có một số nước có dân chủ , tình trạng có thể đổi thay như ở Malaysia chẳng hạn.
Vận động các nước mạnh và có tôn trọng giá trị Tự do, Dân chủ và Nhân quyền
Các tổ chức đấu tranh của người Việt trong và ngoài nước sẽ là một trong những nước khởi dầu cho Phong trào.
Lực cản ngăn và làm tan biến “Thực Dân Tàu” dĩ nhiên là phải có sự kết hợp của các nước có Dân chủ Tự do và Nhân quyền và các định chế quốc tế.
Nếu thế giới xử dụng hữu hiệu hơn, hợp tác hơn về sức mạnh tinh thần, kinh tế và vũ lực tôi thiển nghĩ đại họa TQ sẽ tan dần.
Đây có thể coi như Phong trào quốc tế chống thực dân thuộc địa cũ hay Phong trào chống cộng của những thập niên trước. Một trật tự thế giới ổn định và tiến bộ là ước mong của con người.

Chúng tôi đóng góp một số ý kiến và dữ liệu trong bài nầy với sự kính trọng và sự cảm xúc về sự dấn thân, về những hy sinh cao quí của những người đã và đang tham gia bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam xưa kia và gần đây.

Nguyễn Bá Lộc (ĐS9/CH1)
Cali, August 10 – 2018

Views: 318

Posted in thoi luan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *