Nguyễn Bá Lộc
1.Tổng quan
Luật quốc tế cũng như luật của nhiều nước tiến bộ đều có qui định về nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Tổng quát, đó là quyền sống của con người. Trong một quốc gia dân chủ pháp trị thì dân quyền là một mặt khác của nhân quyền. Người dân phải được luật pháp bảo vệ quyền tự do mưu cầu cuộc sống, tự do trong việc làm, quyền không bị bị kỳ thị hay ngược đãi nơi làm việc và trong kinh doanh, quyền được bảo vệ tài sản riêng và công sản quốc gia. Chẳng hạn trong bản liệt kê của cơ quan National Economic & Social Rights Initiatives (NESRI) có liệt kê hai quyền chánh yếu về mặt kinh tế là: Quyền Được Bảo Đảm Về Thực Phẩm (The Right to Food) và Quyền Lao Động (The Right to Work). Hoa kỳ và Âu châu có nhiều luật qui định về nhân quyền và dân quyền là một điều kiện trong mậu dịch quốc tế (U.S. trade law, free trade agreement, labor right litigation…)
Trên thực tế có nhiều quốc gia vi phạm các quyền trên, nhứt là tại các nước có chế độ độc tài trong đó có Việt Nam. Hậu quả các vi phạm đó là gây ra nhiều tai hại cho cá nhân nạn nhân và cả cho sự phát triển đất nước.
Mặt khác, trong hội nhập toàn cầu, một vấn đề tối sanh tử của Việt Nam, Việt Nam rất cần giao thương với nhiều nước, nhứt là các nước tư bản tự do. Và các nước nầy đều có qui định điều kiện nhân quyền trong sự hợp tác đầu tư ngoại quốc và trong ngoại thương. Trên thực tế, về kinh tế đối ngoại Việt Nam vi phạm nhiều điều luật quốc tế, từ nhiều năm qua cho tới bây giờ.
Trong những năm gần đây, Việt Nam cộng sản chẳng những không giảm bớt vi phạm nhân quyền mà còn gia tăng ở mức độ nghiêm trọng.
Tự do, Dân chủ và Nhân quyền là những nguyên tắc cơ bản cho sự phát triển kinh tế bình thường và bền vững. Tại Việt Nam thì những nguyên tắc nầy bị xâm phạm và đưa đến những hậu quả tai hại về kinh tế và xã hội.
Trong bài nầy chúng tôi tóm tắt những vi phạm Nhân quyền và Dân quyền trên phương diện kinh tế, và xảy ra trong năm vừa qua, dưới các mục sau đây:
2. Sự cưỡng đoạt đất đai của dân
Cưỡng chế thu hồi đất của dân là một vi phạm nhân quyền trầm trọng nhứt tại Việt Nam từ hàng chục năm nay. Tình trạng nầy vẫn còn tiếp diễn trong năm qua. Về luật nhân quyền đó là “quyền sống” và “quyền sở hữu”.
Chánh quyền Việt Nam đã lạm dụng và lợi dụng nguyên tắc của Luật Đất Đai 1993 (và bổ sung 2013) , gây thiệt hại cho hàng trăm ngàn dân khi bị di dời đến nơi định cư mới. Tình trạng nầy còn làm thiệt hại cho kinh tế chung.
Năm 2018 có nhiều vụ cưỡng chế lớn khắp mọi nơi. Có ba vụ lớn là:
Vụ cưỡng chế sai luật và lạm quyền tại khu đô thị mới Thủ Thiêm: Về phương diện nhân quyền các vi phạm là: Chánh quyền lấy đất của dân bồi thường giá rất thấp rồi bán lại cho công ty tư doanh với giá gấp nhiều chục lần cao hơn. Đó là hành động của chánh quyền cướp đoạt tài sản của dân, chánh quyền đoạt quyền thương lượng, quyền trực tiếp bán đất của người dân với người mua nhà đất là tư doanh. Đặt biệt trong đó có khoảng 160 hộ dân cư nằm ngoài khu vực đã được qui hoạch , nhưng chánh quyền thành phố HCM vẽ lại bản đồ, và thu hồi đất nầy. Chánh quyền không định cư đầy đủ cho người dân bị cưỡng chế, để cuộc sống của họ rất thảm thương trong thời gian dài. Dùng bạo lực thu hồi đất là vi phạm quyền sở hữu tư và xử dụng sai trái nguyên tắc công quyền. Chánh quyền làm sai nguyên tắc là: trưng thu đất tư là chỉ cho công ích. Trong đại dự án nầy có nhiều khu vực không nhằm cho công ích mà giao cho tư doanh xây nhà cao ốc, hay chánh quyền thực hiện dự án không cần thiết là Nhà Hát Giao Hưởng..
Một vụ vi phạm luật đất đai to lớn khác là vụ quân đội chiếm lấy một phần đất của phi trường Tân Sơn Nhất giao cho tư doanh khai thác sân golf và nhà hàng, khách sạn. Công trình nầy không phải là công ích. Mà nhu cầu mở rộng phi trường rất khẩn thiết, rất quan trọng. Sự việc tới nay chưa giải quyết.
Vụ thứ ba tại Thành Phố HCM hồi đầu năm nay là chánh quyền cưỡng bức trắng trợn đất của khoảng 200 gia đình dân Lộc Hưng, quận Tân Bình. Đây là vụ điển hình của sự lấy quyền sống của dân, thể hiện tính hung bạo của cường quyền cộng sản, người dân không được lấy ý kiến, không được thông báo trước khi thi hành lịnh cưỡng chế. Dân chúng phản đối mãnh liệt. Đa số người định cư ở đây có từ hơn 60 năm từ Bắc di cư vào Nam, những gia đình nghèo, sống bằng nghề trồng rau. Nhu cầu công vụ để thu hồi đất của những người dân không thích hợp cho xây dựng công ích không quan trọng và không khẩn thiết. Xây một trường học có thể tìm một nơi khác không khó khăn. Cho nên chỉ xét sơ qua về nhu cầu và về cách cưỡng chế tàn nhẫn, không tuân thủ luật lệ của chánh quyền, làm cho nhiều người nghĩ tới bên sau vụ nầy có tư sản đỏ, như hàng ngàn vụ lấy đất dân đã xảy ra.
3.Vi phạm quyền người lao động (Labor Rights)
Quyền của người lao động là một quyền quan trọng của nhân quyền. Quyền nầy được Công Ước Quốc Tế về nhân quyền công nhận và Tổ chức Lao Động Quốc Tế (International Labor Organization) ghi rõ ràng. Trong đó có các quyền căn bản: được thành lập công đoàn độc lập, quyền thương lượng tập thể, quyền được làm việc nơi an toàn và có vệ sinh, quyền không bị kỳ thị. Việt Nam có ký công nhận luật quốc tế về người lao động, nhưng trên thực tế chánh quyền Việt Nam không thi hành.
Năm qua có hai sự việc liên quan đến quyền lao động là: Cộng Đồng Âu châu không phê chuẩn Hiệp ước thương mại với Việt Nam (EVFTA) hồi tháng 11/2018 vì cho rằng Việt Nam chưa làm đủ yêu cầu nhân quyền, nhứt là quyền người lao động. Sự việc thứ hai là Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại CPTTP với 11 thành viên, không có Hoa kỳ (tháng 11/2018). Trong Hiệp định nầy, đó có điều quan trọng buộc Việt Nam phải cải sửa Luật Lao Động theo như luật quốc tế, tức là Việt Nam phải cho công nhân được thành lập công đoàn độc lập và quyền thương lượng tập thể để bảo vệ quyền lợi của mình. Việt Nam hứa nhưng chưa ban hành luật mới nầy. Từ trước tới nay, Công Đoàn của Việt Nam không độc lập, nó là một bộ phận của đảng.
Tuy nhiên với Hiệp định CPTPP 11 nước đã ký và Hiệp định Mậu Dịch Tự Do Âu châu – Việt Nam dù chưa chánh thức thì việc tranh đấu cho công đoàn độc lập và một số quyền khác, có cơ hội thuận lợi để công nhân và quần chúng tranh đấu bảo vệ nhân quyền.
4.Tình trạng tham nhũng
Trong năm qua nổi lên nhiều vụ tham nhũng kinh khủng. Các yếu tố tác động là do sự tranh đấu của dân, do chương trình đánh tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng, và do một phần áp lực quốc tế.
Ở Việt Nam tham nhũng là một đại họa. Nguyên nhân chánh là từ bản thể chế độ XHCN. Trong hai năm qua có các vụ tham nhũng lớn có thể tóm tắt như sau:
Vụ Tập Đoàn Dầu Hỏa VN (PVN): Tháng ba 2018, Đinh La Thăng và các viên chức lớn của PVN tiếp tục bị xử thêm tội đưa tiền gởi ở ngân hàng Ocean trái luật, gây thất thoát cho công quỹ ngàn tỷ đồng. Mới đây PVN bị đưa ra thêm một vụ rất to lớn nữa là Liên doanh khai thác dầu giữa Việt Nam và Venezuella. Việt Nam hùn với Venezuella khoảng 1,2 tỷ mỹ kim (40% vốn đầu tư). Sau 4 năm dự án nầy phá sản. Việt Nam mất tổng cộng gần một tỷ mỹ kim. Đây là trường hợp rất điển hình của đại tham nhũng cốt lõi quốc doanh và làm mất mát của công theo đúng qui trình và qui luật của chế độ XHCN.
Vụ Vũ nhôm (tên thật là Phan Anh Vũ) ở Đà Nẵng: Đây là vụ chiếm đoạt tài sản công qui mô tại Đà Nẵng và bị đưa ra xử trong năm qua. Vũ nhôm với danh nghĩa công ty địa ốc tư do các tướng Công an đứng phía sau, đã vừa móc ngoặc nhiều viên chức cao cấp của chánh quyền vừa ép buộc chánh quyền Đà Nẵng bán rất rẽ các lô đất công sản rất quí giá, không qua đấu thầu theo nguyên tắc. Sau đó đem bán lại cho tư nhân với giá rất cao, làm thiệt hại hàng trăm triệu mỹ kim công quĩ. Nội vụ chưa xong vì còn nhiều liên hệ đến một số viên chức khác, Vũ nhôm đang bị tù.
Vụ Mobifone: Là vụ đại tham nhũng do cấu kết giữa viên chức rất cao cấp của chánh quyền Việt Nam và tư sản đỏ. Công ty điện thoại di động của nhà nước Mobifone mua công ty AVG của tư nhân (2016) với giá 8,889 tỷ đồng ($391 triệu). Ngay việc công ty tư nhân đi bán cho quốc doanh là đi ngược chánh sách cổ phần hóa. Nhưng do sự cấu kết của viên chức cao cấp của Bộ Thông Tin, Công ty Mobifone (quốc doanh) mua công ty AVG (tư doanh) với giá cao 10 lần của giá thực tế. Sự cấu kết nầy làm thiệt hại công quỹ trên 300 triệu đô. Mặc dù khi đổ bể, AVG trả lại hợp đồng mua bán nầy. Dù vậy, đầu năm nay nội vụ bị đưa ra xử lý hình sự. Tổng Giám đốc và một số viên chức Mobifone và hai cựu Bộ trưởng Thông Tin, Trần Bắc Sơn và Trương minh Tuấn, bị bắt giam. Đây là vụ tham nhũng do lạm quyền và có cấu kết của các viên chức cao cấp nhứt, và là vi phạm lộ liễu nhứt.
Vụ bán công sản ở Thành phố HCM: TP/ HCM, một nơi coi như mỏ vàng của chánh quyền XHCN. Nên những vụ tham nhũng có thể nói to lớn nhất, kinh khủng nhất, vi phạm luật lệ và nhân quyền trắng trợn nhất, ngay từ khi CS chiếm miến Nam. Trong năm qua lòi ra các vụ viên chức chánh quyền bán nhà đất công sản không qua đấu giá, lớn nhất là khu đất vàng đường Lê Duẩn quận I, khu đất Nhà bè, khu đất giải tỏa trong đại dự án đô thị mới Thủ Thiêm.
Một vụ tham nhũng chỉ có ở nước Cộng Sản xảy ra trong năm qua là vụ hai tướng Công an tổ chức và bao che cho sòng bài qui mô hàng triệu đô la. Tổ chức đánh bạc ngay trên mạng CA, các viên chức lớn nầy lấy 20% tiền đánh bài. Hai tướng Phan văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị tù.
Tham nhũng là vi phạm nhân quyền lớn nhất trên thế giới. Tại Việt Nam thì nó quá kinh khủng. Nhờ một phần “chương trình đánh tham nhũng” của TBT Nguyễn Phú Trọng lòi ra nhiều vụ lớn và hoàn toàn do đảng viên cao cấp chủ mưu, cố ý và thiệt hại cho dân quá nhiều. Các nhóm đảng viên như loại siêu mafia thời XHCN. Dù việc triệt hạ nầy có tánh cách phe phái trong đảng đánh nhau để tranh giành quyền lợi.
5. Bước xâm lăng kinh tế Trung Quốc (TQ) tiến mạnh hơn
Trong năm qua TQ đẩy mạnh hơn nữa tiến bước xâm lăng kinh tế của TQ. Một tình trạng mà CSVN vừa bị ép buộc vừa tự cấu kết với TQ. Mức độ rất nguy hiểm và gây tai họa kinh tế cho mọi người dân. Các tiến bước cụ thể trong mấy năm vừa qua:
Sự thay đổi luật cư trú cho người ngoại quốc: Theo luật mới 2015 thì VN cho phép người ngoại quốc có Visa được quyền mua nhà ở, được cư ngụ 50 năm và sau đó có thể được gia hạn.Người TQ có thể mua nhà và ở Việt Nam dễ dàng. Giá nhà cửa tăng ngay. Người TQ mua nhà nhiều nhứt là tại TP/HCM, Nha Trang và Đà Nẵng.
Liên kết các tuyến giao thông mới: Các con đường bộ và đường xe lửa xuyên qua biên giới VN- TQ đã cải thiện và hoàn thành trong hai năm qua. Người TQ có thể qua lại dễ dàng.
Viet Jet Airline mở đường bay Đà Nẵng – Quảng Đông, 2017. Hãng Vietnam Airline cũng mở thêm các đường bay Nha Trang – Nam kinh, Quảng châu. Spring Airline của TQ mới mở thêm chuyến bay Shanghai- TP/HCM (2017).
Việt Nam cho Visa mới cho du khách TQ dễ dàng hơn. Du khách TQ tăng trung bình 51 % mỗi năm trong vài năm qua. Số người TQ tràn qua đông đảo như vậy làm nhiều xáo trộn cho dân chúng
Đầu tư TQ vào Việt Nam gia tăng nhanh từ hạng 9 (2014) lên hạng 3 (2017). TQ đầu tư đủ loại cạnh tranh với tư doanh Việt Nam.
Việt Nam cho phép xài tiền Yuan tại các tỉnh biên giới VN-TQ. Đó là sự vi phạm chủ quyền quốc gia.
VN- TQ cấu kết thành lập các Đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc với nhiều ưu đãi về thời gian thuê đất, thời gian miễn thuế. Đặc biệt là cho mở casino và khu nghỉ dưỡng nhằm thu hút đầu tư TQ và di dân TQ.
Các liên kết với TQ nêu trên trực tiếp hay gián tiếp làm TQ xâm nhập vào VN và gây nhiều xáo trộn xã hội.
6. Nhận xét và đề nghị
Qua sự tóm tắt về những vi phạm nhân quyền trầm trọng xảy ra gần đây, chúng ta có thể có những nhận xét:
Tổng quát những vi phạm nhân quyền, nhứt là tham nhũng làm cho VN bị mất mát khoảng 25% tài sản kinh tế và làm gia tăng mức cách biệt giàu nghèo quá cao cách khác thường (58 lần, theo World Bank 2013). Phần lớn các nghiên cứu quốc tế về VN có nhận xét tham nhũng từ trong cơ quan cảnh sát, thuế vụ, giấy phép hành nghề, xin sổ nhà đất. Thực sự những vụ tham nhũng lớn là từ đảng viên rất cao, như Bộ Chánh Trị, Trung Ương đảng , Tỉnh ủy..
Căn nguyên chánh yếu của vi phạm nhân quyền trên mặt kinh tế là do bản chất chế độ XHCN. Chánh quyền dùng luật pháp và nguyên tắc Hành chánh, Tổ chức Hành chánh chính thức và bán chính thức, cán bộ đảng viên, cấu kết nhau thành hệ thống vi phạm nhân quyền có chủ đích .
Mức độ vi phạm rất cao và bền vững. Hậu quả là mất niềm tin của dân chúng và của quốc tế.
Cụ thể là qua những cuộc biểu tình phản đối trong nước trong năm qua và những chỉ trích VN mạnh mẽ trong các buổi họp quốc tế về nhân quyền hay mậu dịch .
Những vụ sai trái quá lớn được lòi ra do chương trình đánh tham nhũng của TBT Nguyễn phú Trọng chủ trương phần lớn là đánh diệt phe phái tranh giành quyền lợi. Đó chỉ đánh một số nhỏ cá nhân đảng viên chớ không thể diệt và cải thiện nhiều tệ trạng được nếu CS còn.
Những vụ tham nhũng lớn làm mất công quỹ hàng tỷ đô la một năm. Và chỉ thu hồi lại được qua các vụ xử lý chỉ khoảng 30% số cướp đoạt. Những vụ mà chánh quyền nêu ra chỉ là một phần rất nhỏ trong hàng chục ngàn vụ không đem ra xử trị.
Chánh quyền cấu kết với tư sản đỏ qua nhóm lợi ích. Đó là sự cấu kết đương nhiên và phải có trong mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Có quá nhiều thí dụ từ các khu xây dựng cao cấp ở Hà nội , Saigon, Phú quốc , Vân đồn.. Các trạm thu phí BOT trên nhiều tuyến đường.
Sự lệ thuộc kinh tế TQ là một đại họa chỉ nhìn trên khía cạnh nhân quyền về mặt kinh tế. CSVN và CSTQ đã cấu kết nhau càng ngày càng nhiều lên. Từ mậu dịch quá bất quân bình, đến các vụ thầu to lớn, không qua đấu thầu công khai. Ví dụ cụ thể gần đây là đường xe hỏa cao tốc Cát Linh – Hà đông, các nhà máy điện ở Bình Thuận, Trà vinh.. Thiệt hại nhiều tỷ với công trình kém phẩm chất.
Đề nghị:
Vấn nạn tham nhũng tại VN sẽ tồn tại khi chế độ XHCN còn ngự trị. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay trong nước và quốc tế, nhứt là lợi dụng nhu cầu hội nhập thế giới của VN, phối hợp tranh đấu có hoạch định, có bài bản, hy vọng có thể cải tiến cuộc sống tệ hại của dân chúng.
Trong nước, dân chúng và những Hội đoàn dân sự tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, gồm trên mặt kinh tế, ít nhứt trên bốn lãnh vực:
Về sự cưỡng chế đất đai, trong nước cũng như quốc tế biết rất rõ những vụ nầy, cho nên sự kết hợp tranh đấu có kết quả ít nhiều.
Về quyền người Lao động: Dựa theo qui định của Hiệp định CPTPP và mậu dịch tự do của Âu châu, có thể tranh đấu thành lập Công đoàn độc lập.Vấn đề nầy có cơ sở luật lệ quốc tế và căn bản gốc quần chúng rộng rãi, chánh đáng. Cho nên cần khôn khéo tranh đấu . Cần sự trợ giúp của cộng đồng người Việt hải ngoại và các cơ quan quốc tế.
Về tham nhũng: Các Hội đoàn và dân chúng lợi dụng chiến dịch chống tham nhũng của đảng nêu ra các vụ nghiêm trọng bị dấu nhẹm từ trước. Khi các phe phái đánh nhau sẽ bể ra nhiều vụ lớn nữa. Ít nhứt đảng viên có chút lo sợ phải “vào lò đốt”. Sự lộ ra những vụ tham nhũng lớn là cho các nước có đối tác mậu dịch hay đầu tư với VN sẽ có cớ ép VN dần đi theo luật lệ quốc tế.
Cách cụ thể là cố gắng phối hợp đưa một số vụ tham nhũng lớn cho Bộ ngoại giao Hoa kỳ và Canada áp dụng Luật Magnisky. Luật nầy chế tài viên chức tham nhũng lớn, vi phạm nhân quyền không được vào Hoa Kỳ và tài sản ở Hoa kỳ và Canada bị đóng băng. Năm qua Hoa kỳ đã áp dụng cho một số vụ xảy ra ở Yemen, Panama.
Các tổ chức người Việt ở ngoại quốc cần báo cáo đều đặn, và đầy đủ những vi phạm nhân quyền cho Liên Hiệp quốc và các cơ quan quốc tế khác và một số chánh phủ.
Về sự xâm lăng kinh tế TQ: Chỉ riêng vịệc cấu kết giữa VN – TQ về sự chiếm đoạt quá đáng tài sản, tài nguyên của nước VN và sự việc giao cho công ty TQ thi công nhiều công trình lớn là sự vi pham nhân quyền kinh tế. Dân chúng và các nhà trí thức đã phản đối và nên tiếp tục chống lại chánh quyền CS về các vụ giao thầu cho công ty TQ và vay quá lớn tiền viện trợ TQ.
Nguyễn Bá Lộc (ĐS9/CH1)
Cali ngày 10 tháng tư – 2019
Views: 173