Trận đánh Quận đường Đak-Tô năm 1969

Tôn Thất Hùng

Dân hành chánh, trong cuộc chiến bảo vệ Miền Nam thường được nghe dư luận cho là ít can đảm. Bài viết của một cựu sinh viên Học viện Quốc Gia Hành Chánh, (QGHC) vừa là cựu sinh viên trường sĩ quan trừ bị Thủ-Đức K1/ 68, hồi ký về trận đánh của quân chính quy Bắc-Việt tấn công vào quận đường Đak-Tô. Bài viết trình bày tinh thần anh dũng của nghĩa quân, bộ chỉ huy chi khu địa phương quân và tài điều quân hợp tác đồng bộ giữa Trung tá Quận trưởng, Ban Cố vấn Mỹ cùng hỏa lực yểm trợ đã đẩy lùi cuộc tấn công này.

 

Cá nhân người viết (NV) cũng như bao thanh niên cùng trang lứa, không ai muốn làm người hùng. Trong cuộc chiến Quốc Cộng, là trách nhiệm làm trai đúng với 3 tín niệm: “Tổ quốc, Danh dự, Trách nhiệm”, nên mọi người tùy hoàn cảnh, địa vị, đã đem hết trách nhiệm để bảo vệ Miền Nam cho đến ngày tàn cuộc.

Ngày 7 tháng 12 năm 1967, NV tốt nghiệp khóa 12 Đốc-sự QGHC. Tháng 3/1968 thụ huấn 9 tuần Khóa sinh dự bị Sĩ Quan ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Tháng 6/1968 sang Trường Bộ Binh Thủ-Đức. Vừa đặt chân xuống là đã được K.27 đàn anh chào mừng, cho chạy hai vòng Vũ Đình Trường, cũng đã thực hiện tốt đẹp, vì đã được thụ huấn ở Quang Trung, mà các đàn anh không bao giờ được biết.

Tháng 10/1968 lên Kontum, vào thời điểm NV đã vào tuổi 22. Ở nhà đàn anh Lê văn Minh, khoá 10. Ngày hôm sau 8/10, Thiếu tá Quận trưởng Đak-Tô Lò văn Bảo, đến nhà đón về Quận bằng trực thăng. Từ Tỉnh lỵ Kontum theo quốc lộ 14 lên Quận đường Đak-Tô là 57 kilomét. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch thường xuyên bắn phá, đặt mìn trên đoạn đường Võ Định, Ngô Trang và con dốc dài Đakma-Konhring, là hai nơi nguy hiểm nhất. Ngày nào cũng có xe chở̉ khách, xe quân đội bị mìn hoặc bị phục kích bắn sẻ, làm cho nhiều thường dân và quân nhân bị tử thương, nên đoạn đường này được báo chí mệnh danh là “tử lộ”, và tên Đak-Tô được báo chí Mỹ mệnh danh là “The Hell of Dakto’’, tạm dịch ‘’Hỏa ngục Đak-Tô’’. Vì di chuyển bằng đường bộ là đùa với tử thần, nên trong suốt thời gian từ tháng 10/ 1968 cho đến tháng 3/1970, NV thường xuyên được trực thăng chở về dự họp ở Tòa Hành chánh Tỉnh, chỉ khi nào không có máy bay, thì mới di chuyển bằng xe của Quận.

Lần đầu tiên được di chuyển bằng trực thăng, từ cao độ trên 3000 mét, NV đã thấy nào là rừng già đang vào Thu, lá vàng núi non trùng điệp, nào là cảnh thác nước Yali trắng xóa dưới ánh mặt trời, nào là đồi hoang, nào là sông Dakla nước chảy ngược dòng, cùng với những thung lũng trải dài sâu rộng. Hai đỉnh núi Ngok-wan, Ngok-xi, còn loang lổ cây rừng cháy đen, đất lở, vết tích của trận đánh năm 1965, do cố Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam chỉ huy, cùng với Chiến đoàn Dù, đã làm nên chiến tích. Mãi say sưa thưởng ngoạn, trực thăng đã đáp xuống sân bay nhỏ trước cổng Quận đường hồi nào không hay.

Thiếu tá Lò văn Bảo, sinh năm 1934, hơn NV 12 tuổi, xuất thân Khóa 8 Sĩ quan Võ bị Đà Lạt năm 1954, người Thái trắng, con một Chánh tổng ở Lai châu,. Sau khi tốt nghiệp trung học trường Pháp, đã từng được du học Mỹ, nên nói tiếng Anh rất lưu loát. Trước khi về làm Quận trưởng ông đã nhiều năm giữ chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng thuộc Trung Đoàn 42 biệt lập, đồn trú tại Thị trấn Tân Cảnh. Trung Đoàn trưởng là Trung tá Đinh Thế Thoại, người Nùng và hầu hết gần 4 Tiểu Đoàn đều là người Thái, Nùng, Mường thuộc các tỉnh thượng du Bắc Việt.

(Dakto Camp)

Sau biến cố Tết Mậu-Thân 1968, chính quyền quân sự ở trung ương, đã giao thêm chức vụ Chỉ Huy trưởng Lực lượng Nhân Dân Tự Vệ (NDTV) Quận cho Phó Quận trưởng. Xét thấy với nhiệm vụ là cấp trưởng của guồng máy hành chánh Quận, nay thời chiến chức vụ Chi Khu Trưởng kiêm nhiệm Quận trưởng, phải có trách niệm cho sự mất còn của Quận và Quận đường. Thiết nghĩ Thiếu tá Quận trưởng giữ Quận, thì Chuẩn uý Phó Quận, cũng phải cùng với Quận trưởng bảo vệ Quận là hợp lý. Bên cạnh văn phòng Quận và Bộ Chỉ Huy Chi Khu, từ trước năm 1963, thời cố Tổng thống Ngô Đình Diệm, chính quyền Tỉnh đã xây thêm một căn nhà gạch, làm hành dinh, để cho cố Tổng Thống có nơi nghỉ qua đêm, khi đến kinh lý Quận. Vợ chồng Thiếu tá đã cư ngụ ở đó, cùng với 2 cháu nhỏ. Trước đây các đàn anh tiền nhiệm đều ở Thị trấn Tân Cảnh, cách Quận đường vài cây số. Thị trấn luôn đông đúc, náo nhiệt. Dân cư ở đây bao gồm gia đình các sĩ quan và quân nhân của Trung đòan 42, và rất đông thường dân buôn bán, cung cấp dịch vụ cho cả Trung đoàn, trên dưới 2500 người. Ở Tân Cảnh có rạp hát, có nhiều quán ăn, giải khát nên các đàn anh thường đến ở đó. Cố đàn anh Nguyễn Khánh, Khoá 8, trước đây đầu năm 1968, đã về nhậm chức Phó Tỉnh trưởng Quảng Nam. Trong buổi ăn tối với vợ chồng Thiếu tá, nhìn thấy có một phòng đối diện với phòng ngủ của Thiếu tá còn trống, NV đề nghị xin cho ở căn phòng này. Thiếu tá đồng ý vì ông nghĩ là NV sẽ có mặt tại chỗ, thay thế ông trong bất kỳ công việc nào cần thiết khi ông vắng mặt. Mỗi thứ bảy, chủ nhật vợ chồng Ông Quận trưởng đều cho NV tháp tùng, đến thăm các gia đình bạn bè vừa là đồng hương ở Bắc Thái, vừa là thuộc cấp cũ. Quý vị có biết không, tập tục của người Thái như sau: khách đến nhà là phải uống rượu cho đến say mèm mới được cho về. Chủ xị thường là các bà Thầy pháp, hôm nào quý bà làm chủ xị, thường có luật uống rượu khác nhau. Mỗi bà ra lịnh mỗi cách, có lần một bà ra lịnh cầm bát bằng tay trái, mà khách vì uống nhiều, tửu nhập ngôn xuất, nên khi đến lượt mình, quên cầm bát qua tay mặt, thì phải chịu phạt 10 bát rượu liên tiếp. NVcũng đã được nếm mùi rượu phạt này, đến độ đến bát thứ 10, thì các mạch máu đều giản ra căng thẳng muốn đứt luôn. Khi vừa về đến nhà, có bao nhiêu chai soda trong tủ lạnh của ông Quận trưởng, NV đều đổ vào họng hết, mặc dù ngoài trời rất lạnh. Có nhiều đêm trăng non trên đường từ Quận đường xuống Tân cảnh qua “eo tử thần”, nơi cố Trung tá Lai văn Chu Trung Đoàn trưởng bị phục kích tử thương năm 1965, thì Thiếu tá cho hai nghĩa quân người Thượng nhảy xuống canh phòng, khi về thì bốc theo. Thiếu tá rất biết đãi người, đi đâu ông cũng ngồi ở ghế tài xế và để NV ngồi ở ghế trưởng xa.

Cuộc sống giữa NV và gia đình Thiếu tá có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Bà Thiếu tá cứ nhắc hoài là có lần cháu trai tên Lôi làm gì sai đó, Thiếu tá định đánh đòn nặng, NV vội chạy đến kịp thời ẵm cháu, chạy lẹ thoát trận lôi đình của ông. Ngày thường các sắc dân Thượng khi vào văn phòng Quận, từ cách xa 10 mét là cúi đầu chào, mời Bót Phó, Bót Quận đi “bắt cái rượu”, vì Lễ Hội truyền thống, nhưng một khi trong tình trạng say xỉn, thì chạy vào cặp hông 2 Bót kéo đi, khỏi có lễ phép gì cả. Ban đêm Ban Cố vấn Mỹ sang mời uống rựợu, vào những ngày Lễ Hội của Mỹ, cho nên NV thường cặp nách “Ông già đi bộ” hoặc bẻ cổ lùn Ngài Nã Phá Luân, ngày ngày say men rượu cần, đêm đêm bia rượu hội ngộ.
Cũng có đôi lần, sau khi thu nhận các nguồn tin tình báo từ Ban 2, Cảnh sát, An ninh Quân đội và ban Cố vấn Mỹ, Bộ Chỉ huy Chi khu kết luận là đich sẽ tấn công vào Quận đường bất cứ lúc nào, thì Thiếu tá liền cho vợ con về Tùng Nghĩa, Đà Lạt trước đó vài ngày. (Tùng Nghĩa là nơi định cư của dân tộc Bắc Thái, và các sắc dân thượng du Bắc Việt, khi di cư vào Miền Nam sau năm 1954). Thiếu tá và Bộ Chỉ huy Chi khu, luôn luôn được đặt trong tình trạng báo động. Khi chỉ còn lại hai người, ông đã tâm sự rất nhiều với NV. ông thích bia Miller, thuốc lá Marlboro, còn NV thì Lucky, rồi thì trao đổi ý kiến về hiện tình đất nước, về việc cán binh Bắc Việt bị xiềng chân vào các súng phòng không, mà Trung tá và NV đã chứng kiến vài hôm trước, trong tháng 10/1969, khi quân Bắc Việt tấn công vào Tổng Konhring. Mỗi khi phi tuần F.4 dội bom vào bọn chúng, tiêu diệt các mũi tiến công, dập tắt hết các khẩu thượng liên, đại liên, B.40 và AK.47, đến khi phi tuần thứ hai vào vùng, thì vẫn còn nghe độc nhất tiếng súng phòng không tác xạ vào các phi tuần F.4 này mà thôi. Nhiều hôm mãi say sưa chuyện trò đến thật khuya, khi ngoài trời Tây Nguyên sương đêm rơi xuống giá lạnh, hai người mới chia tay về phòng.

Đầu năm 1969, ông Bảo được thăng cấp Trung tá. Mặt trận B.3 đã nhiều lần ra lịnh tấn công vào Quận đường. Sau Tết 1969, hai đaị đội chính quy Bắc Việt tấn công vào Quận. Đêm hôm ấy NV về Tỉnh họp, ngày hôm sau trở lại Quận, thì Trung tá cho biết đã bắt được một cán binh người Thừa Thiên, thuộc Quận Quảng Điền ven biển. Người này bị bắt khi tấn công vào Quận, bị chống trả mãnh liệt, không biết lối đào thoát, cùng đường phải nhảy xuống hố phân ẩn núp. Sáng sớm hôm sau một nghĩa quân đi cầu nghe tiếng lạ, soi đèn bấm bắt được. Trung tá nói: “Ông Phó người Huế, nhờ hỏi giùm tôi mấy câu”. Trung uý Trưởng Ban 2 và Chuẩn uý Ban 5, đưa anh cán binh Việt cộng vào, trong bộ quân phục nghĩa quân màu xanh mới, sau khi đã được tắm gội sạch sẽ. NV kéo ghế mời ngồi, tay mở tù lạnh, lấy ra chai rựợu ngọt Lychee trái vãi, quà của chủ trại cưa gỗ nhân dịp Tết Kỷ Dậu, rót vào ly mời uống. Anh ta e dè, NV bèn uống một hớp, rồi đưa cho anh ta uống. NV hỏi “Anh đã được ăn no chưa?” Anh ta bảo là “có”. Mở gói thuốc Lucky thơm phức, mời anh một điếu, bật lửa cho mình, rồi bật lửa cho anh. Anh cho biết quê quán ở Quận Quảng Điền, Tỉnh Thừa Thiên, bị bắt đi bộ đội trước Tết Mậu Thân 1968. Đã theo đường mòn Hồ Chí Minh vào Nam, nay thuộc Mặt trận B3, hay là Mật khu Bông Hồng. Trung tá Quận trưởng giao bộ đội VC cho Tiểu đoàn 3, Trung Đoàn 42, dẫn theo hành quân khai thác và chỉ điểm các hầm vũ khí VC cất dấu. Do sơ hở của đơn vị canh phòng, người cán binh VC này đã lăn xuống đồi trốn mất. Sau đó anh này đã dẫn hai Đại đội chính quy Bắc Việt vào tấn công Quận đường Đak-tô lần thứ hai.

Cuộc tấn công vào Quận đường tháng 11 năm 1969

Từ đầu tháng 11/1969, địch quân đã pháo kích vào sân cờ Quận đường nhiều lần. Vào ngày Thứ Hai, lúc toàn Bộ Chi khu, các sĩ quan, binh sĩ và các chi sở hành chánh, đang trong giờ chào Quốc kỳ, thì địch phóng nhiều hỏa tiễn 122 ly vào. Tiếng hú tử thần rít qua đầu, Trung tá Quận trưởng cho lịnh mọi người vào hầm ẩn núp, sau đó là ban hành lịnh giới nghiêm, cho trung đội công vụ kéo dây kẽm gai, chặn hai lối vào Quận đường. Sau nhiều ngày pháo kích bằng hỏa tiển 122 ly, để áp đảo tinh thần quân phòng thủ, ngày Thứ Hai trung tuần tháng 11, tin tức tình báo từ Ban 2, Cảnh sát và đặc biệt là từ Ban Cố vấn Mỹ, do máy dò độ nóng ghi nhận chính xác, VC đang di chuyển về hướng Quận với khoảng hơn 200 người, và có thể tấn công vào lúc 12 giờ khuya. Thiếu tá Culp, Cố vấn Trưởng, đã cùng họp với các sĩ quan Chi Khu, Trung tá Quận trưởng và NV. Vừa họp vừa uống bia. Vài hôm trước đó, theo yêu cầu của Ban Cố vấn, Quận đã quyết định cho đại bác 175 ly từ Ben-Hét (Ben-Hét là Trại Lực lượng biên phòng, nằm cách xa ngã 3 biên giới Việt Miên Lào chừng 6 miles), bắn thí điểm vào các nơi tiên liệu là đường tiến binh và chém vè của chúng. Tiếng nổ 175 ly nghe ù tai nhức óc, ngộp tim. Sau mỗi trái nổ, liền tiếp theo là nhiều tiếng nổ phụ của các chuổi đạn nổ chùm sát thương. Cùng trong thời gian này, bà Trung tá và hai con nhỏ đã được đưa về Tùng nghĩa vài ngày trước đó. Cuộc họp từ 6 giờ chiều đến 10 giờ tối là kết thúc. Tất cả sĩ quan, nghĩa quân các Ban, đều vào vị trí chiến đấu tại các pháo tháp phòng ngự với trung liên Bar, xuống giao thông hào dưới địa đạo phòng thủ. Lực lượng phòng ngự có khoảng một trung đội nghĩa quân người Thượng, cùng với nhân số sáu Ban Chi khu gồm: Sĩ quan, Hạ sĩ quan và binh sĩ Địa phương quân khoảng 20 người. Tổng cọng vừa NQ và ĐPQ trên dưới 60 tay súng. Trung sĩ Lưu, người Quảng Bình, xem lại vị trí khẩu súng cối 4.6, chuẩn bị phản pháo với bản đồ có các tọa độ đã chấm sẵn. Vào thời điểm này chưa có trung đội pháo binh 105 ly trực thuộc cấp Chi khu.

(Dakto Base)

Khi địch pháo 130 ly có đầu đạn nổ chậm, chui qua bao cát rồi mới nổ. Trung tá Quận trưởng cho Trung đội công vụ, làm bao cát phòng thủ ở trong phòng ngủ ông. Ông ta hỏi NV có muốn làm bao cát không? Vì thuộc loại Chuẩn úy nai tơ, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ và vì không cho mình là người quan trọng, thêm tốn công sức của lính, nên NV đã nói “cám ơn, không’’. Bất cứ ai đã qua thời gian thụ huấn quân sự, đều có được thói quen là: đang ngũ mà luôn cảnh giác, cảnh giác này chỉ mất đi, khi ta bị bệnh hoặc đã uống nhiều rượu. Đang nằm thiu thiu trên giường gỗ, bỗng dưng nghe tiếng pháo 82, nổ dồn dập cùng với đại liên, AK 47 áp đảo, có tiếng nổ rớt ngay ngoài sân cờ, cách phòng ngủ khoảng 2,3 mét. Có trái nổ ngay tại văn phòng Quận, NV xem đồng hồ tay đúng 12 giờ đêm, không có cảm giác sợ hải là gì cả. Tháng 4/1968 lúc còn ở Quang Trung, có đêm bị VC pháo kích. Trong ánh sáng hỏa châu, nghe bắn hù dọa cũng không cảm thấy lo âu, thầm bảo: “Mày pháo tao trên 15 phút thì tao mới dậy, nếu không thì tiếp tục ngủ”. Đạn súng cối vẫn tiếp tục nổ, hòa cùng nhiều tiếng đại liên của địch nổ dòn sát phạt xối xả. Và đây rồi tiếng nổ của cây trung liên Bar, ở pháo tháp phòng ngự sau nhà vang lên chát chúa. Khói mù khét lẹt ùa vào phòng khách. Vì đã chuẩn bị nên đã trang phục tác chiến, với giày trận trước khi lên giường, NV đeo vội khẩu P38 ngắn nòng, hối hả bước ra cửa sau .Trong tiếng súng liên thanh của ta và địch, hoà với mùi khói, nghe tiếng la của anh nghĩa quân Thượng cận vệ: ‘’ Ai đó?’’, ‘’Bót Phó đây, sao em?’’. Tiếng trung liên vẫn nổ chát chúa. Tiếng đại liên địch nổ liên hồi. Nhiều tiếng bộc phá nổ ầm dưới hàng kẽm gai phòng thủ quanh Quận. Tiếng AK47 nổ khắp bốn phía.” Nó đánh tới rồi, Bót Quận đâu?” ” Xem kỹ, bắn đi. Bót kêu Bót Quận ngay”. Vài bước vội quay lại. Trong tiếng đạn pháo, tiếng bộc phá, tiếng đại liên nổ dồn dập, khói khét lẹt mù mịt, NV đập cửa phòng Trung tá Quận trưởng thật mạnh, vì mỗi giây chậm trễ là phải trả giá rất đắc. Phòng kín quá, bao cát dày quá, chừng hai phút sau Trung tá bước ra: “Gì vậy ông Phó ?”. ” Dạ nó đánh tới nơi rồi”. Trung tá vội gọi ngay Thiếu tá Culp. Bước ra sân cờ thì hỏa châu đã soi sáng. Chiến trường đã được soi sáng rõ mồn một, nghe tiếng súng cối 4.6 của Trung sĩ Lưu, liên tiếp phản pháo vào các vị trí tấn công của địch. Từ các pháo tháp phòng thủ, tiếng nổ chát chúa của nhiều khẩu trung liên Bar, cùng tiếng AR.15 (sau này thay bằng AR.16), NV theo liền Trung tá. Các sĩ quan Chi khu đã có mặt ở các vị trí phòng thủ, cùng với Trung tá Bảo, Đại úy Bửu Uyên, Chi khu Phó kiêm nhiệm Trưởng ban 3 và Chuẩn úy trưởng khẩu cối 4.6, quyết định chấm tọa độ phản pháo. Thiếu tá Culp, Cố vấn Trưởng, Trung uý Nhảy Dù Furnman, người cùng đi ngủ Ấp với NV, thường xuyên đến các xã ấp xa xôi hẻo lánh nguy hiểm, trong Chương Trình Hành Chánh về Làng của chính quyền, đã có mặt tại chổ. Thiếu tá Cố vấn, sau khi hội ý với Trung tá Bảo, đã gọi về Quân Đoàn. Tiếng súng đại liên M.60 của Ban Cố Vấn, tiếng súng Garant, Carbine, Shotgun của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ Xã Toumorong đang tị nạn, nằm sau Quận đường thi nhau nổ, hoà cùng với đủ loại vũ khí của ta và địch, dưới ánh sáng hoả châu, đã tạo nên một cảnh chiến trường sôi động. Súng đạn nổ vang trời, nhiều lằn đạn đan chéo nhau chi chít tạo thành những chuổi dài lửa liên tục nhắm vào cả hai bên ta và địch. Chợt một trái 82 nổ ầm gây khói lửa, nhiều mãnh đạn cùng đất sõi tung tóe lên. Chuẩn uý Kim, Ban NDTV bị thương ở tay trái, được Trung úy trợ y Thiện và Ban Quân Y kịp thời băng bó ngay. Tay mặt vẫn tiếp tục cầm súng. Địch có ý đồ tấn công vào Quận đường và Xã Toumorong cùng một lúc.

(Phi Trường Đak-Tô)

Chừng 20 phút sau, hai chiếc Hỏa Long Spooky nhào xuống. Đánh không đẹp thì thôi!. Hỏa châu thay nhau soi sáng chiến trường. Từ trên hai chiếc trực thăng võ trang, phi công cho hạ sát hàng rào phòng thủ, phóng rockets. Lửa cháy ngùn ngụt. Tiếng cánh quạt nổ lớn làm chủ chiến trường, át hẳn các tiếng súng tấn công của địch. Địch quân chưa kịp phản ứng gì thì đã được nghe nhiều tiếng nổ kinh hồn chính xác khủng khiếp. Từng tên lửa sát thương nhắm vào các đặc công cảm tử, bộc phá nổ tung, hoà cùng với nhiều tiếng nổ của các mìn Claymore chống tấn công, làm banh xác những kẻ xâm lăng mù quáng do bị nhồi sọ. Đồng thời bốn cây Đại liên M.60 từ trên hai chiếc Hỏa long, nhắm đúng, chính xác khạc đạn liên hồi, tạo thành những chuổi dài lửa, viên sau nối tiếp với viên trước mang thần chết đến cho đám địch quân cộng sản. Cứ sau một vòng bắn tên lửa và đại liên thì Hoả Long quay ngay lại, tiếp tục gieo kinh hoàng chết chóc cho hai đại đội chính quy sinh Bắc tử Nam này. Tiếng bộc phá im ngay, tiếng đại liên thưa dần. Sau gần 20 phút làm chủ chiến trường, hai chiếc Hỏa Long rời khỏi trận địa. Một phi tuần F.4 vào vùng, dội bom chính xác vào các vị trí tấn công và đường rút lui của chúng, khoảng 5 giờ sáng, địch rút lui mang theo nhiều tên bị thương và tử thương. Đến 6 giờ sáng, tiếng súng giao tranh đã ngưng bặt, chiến trường đã trở lại im lắng. NV và các Sĩ quan Quận, Ban NDTVệ, Bình định Phát triển rời công sự, đi ra khỏi cổng Quận, cùng với trung đội phòng thủ để lục soát chiến trường. Vì hiếu kỳ và trong trách nhiệm chỉ huy trưởng NDTV Quận, muốn biết tổn thất lực lượng NDTV Toumorong về nhân mạng và vũ khí như thế nào, nên NV đã theo chân các Nghĩa Quân (NQ) và NDTV Xã tỵ nạn, cho lệnh lục soát các bụi cây dọc hai bên đường. Kết quả Trưởng Ấp thuộc Xã tỵ nạn và NQ đã bắt đựợc một cán binh Bắc Việt, đang ẩn núp trong lùm vì không biết đườ̀ng thoát chạy. Trưởng Ấp có vợ vừa bị trúng đạn súng cối chết, ông ta vung dao rừng định chém đầu tên Việt cộng, NV vội đưa tay ngăn cản và bảo: – “Để Bót Quận lo”, trước ánh mắt ngỡ ngàng, sững sốt, đầy nổi kinh hoàng khiếp sợ, pha lẫn sự bàng hoàng ngạc nhiên của cán binh VC, vốn đựơc học tập vào giải phóng các Xã Ấp bị Mỹ Ngụy kềm kẹp, sao bây giờ lại bị người được giải phóng muốn chém đầu”. Qua thẩm vấn, tên tù binh khai là người Thái Trắng ở Lai Châu, trùng quê với Trung tá Quận trưởng. Quanh đây nồng nặc mùi hôi thối khét lẹt của thây người, do bị rockets của Hỏa Long tác xạ, có thây bầy nhầy chỉ còn gan ruột, nằm vắt trên hàng rào kẽm gai, có thây trong túi quần cụt có vài viên “Hùng Lực”(viên thuốc kích thích chém giết), một ít lương khô của Trung cộng. Lần lượt lục soát cẩn thận các bụi cây quanh vòng đai an ninh Quận, NV đã nhìn thấy nhiều vết máu loang lổ kéo dài trên cỏ, chứng tỏ đơn vị VC tấn công, bọn chúng đã mang theo đồng bọn bị thương nặng khi chúng chém vè. Trời thì quá lạnh, mà sao bọn đặc công này, chỉ với một cái quần cụt mình trần, lại dám liều thân chui vào đặt bộc phá, trên nhiều hàng rào kẽm gai đã được Quận phòng thủ, gàì đặt dày đặc sẵn nhiều mìn Claymore, mìn chống tấn công, thì NV cũng phải bái phục ma lực tuyên truyền của Việt cộng. Giao tù binh cho Ban 5 và Ban 2 Chi Khu giải quyết. Khoảng 8 giờ sáng, cố Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, Tỉnh Trưởng và Đại tá Cố vấn Trưởng Tiếu Khu Kon Tum, đáp trực thăng xuống Quận đường. Trung tá Bảo đã trình một khẩu K.54, cùng hai khẩu CKC súng trường bá đỏ. Nhờ đã chuẩn bị trước, nên khi các toán đặc công cảm tử đặt bộc phá, cùng với chiến thuật tiền pháo hậu xung, đã bị Chi Khu phản pháo chận đứng, với hỏa lực khủng khiếp của Hỏa Long, cùng với sức chống trả mãnh liệt kiên cường của NQ, đã tiêu diệt kịp thời các mũi đặc công, không để cho chúng vượt qua được hàng rào phòng thủ Quận đường. Do nhiều kinh nghiệm chiến trường và tài điều quân của Trung Tá Quận trưởng, hai đại đội chính quy Bắc Việt, đã bị thảm bại, bỏ lại chiến trường nhiều xác chết và vũ khí, một số cán binh bị bắt làm tù binh, một số đông bị tử thương và bị thương, được mang đi chưa được kiểm chứng. Đó là câu trả lời thực tế cho các cán binh sinh Bắc tử Nam, thấm thía về sự tuyên truyền chính trị xảo quyệt, của Đảng Cộng sản Việt Nam qua chiêu bài: Giải phóng Miền Nam.

(Dak-Tô Hill)

Cũng trong ngày này, khoảng 9 giờ sáng, khi mở cửa văn phòng, NV thấy nguyên một quả đạn 82 ly rớt ngay bàn Phó Quận. Trái cối không nổ, mũi nhọn đầu đạn gây một dấu lõm lớn. Một sĩ quan và ba nghĩa quân bị thương nhẹ, không ai bị tử thương. Vài phòng bị hư nát, nhiều mái tôn bị lũng hoặc bị bay mất. Trong trận đụng độ này, Trung sĩ Lưu được tưởng thưởng huy chương và thăng cấp Trung sĩ nhất.
Sau khi di tản khỏi Đak-Tô trong Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, Trung Tá Bảo đã đảm nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng Tỉnh Phú Bổn. Ước nguyện sau cùng của ông là muốn được làm một Đại tá hồi hưu. Nghe đâu ông và gia đình đã được định cư ở Hoa-Kỳ.
***

Grand Rapids, Michigan, March, 30. 2020

Tôn Thất Hùng

Cựu Đốc Sự K.12
Cựu Trung Uý K.1/68.

Views: 643

Posted in van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *