Trần Bạch Thu
Chuyến xe khách đến trại giam vào buổi xế chiều. Trời mây đen u ám vần vũ chùng xuống thấp như sắp chuyển mưa. Dưới đường thấp thoáng bóng công an đi lại quanh quất trước cổng dẫn ra con đường chính. Từ trong trại một đoàn người tù xếp hàng đôi đi ra ngồi xuống cạnh bên thành xe chờ gọi tên từng người đứng lên bước đến cửa cho công an khám xét trước khi lên xe. Tù nhân đi chân đất, đầu trần không được phép mang theo bất cứ một thứ gì. Tất cả đồ đạc vật dụng đã được nhét vào trong bao bố cá nhân gởi theo xe tải từ trưa. Im lặng bao trùm bầu không khí trên xe. Mọi người đang trên đường đến trại cải tạo Vườn Đào, nổi tiếng từ lâu với tên gọi chính thức rất đẹp – Mỹ Phước.
Tất cả tù nhân đã kết thúc giai đoạn tạm giam điều tra ở trại chấp pháp P15 hoặc cơ quan an ninh P12 sau đó được đưa xuống trại giam tỉnh Tiền Giang trong một vài tuần để chờ chuyến đi Mỹ Phước. Thành phần tù nhân bao gồm đủ loại từ vượt biên, vượt biển, hình sự, chính trị hay kinh tế nhưng đông nhất và ồn ào nhất là tù vượt biên.
Đoạn đường đi tới trại Mỹ Phước khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Từ Mỹ Tho đến ngã ba Long Định phố xá chen chúc hai bên đường tạo thành từng khu dân cư đông đúc, rồi từ ngã ba rẽ phải đi vào, nhà cửa bắt đầu thưa thớt dần. Hai bên đường cỏ dại, đưn lác mọc cao um tùm. Xe cộ, người đi vắng vẻ. Trông thật đìu hiu ảm đạm.
Xe dừng lại giữa đồng trống mênh mông, xa xa cổng trại làm bằng gỗ trên viết hai hàng chữ sơn đen “Trại cải tạo Mỹ Phước” hiện lên trơ trọi được bao bọc xung quanh bởi hàng rào dây kẽm gai dầy đặc. Chúng tôi xuống xe xếp thành hàng đôi điểm danh rồi lần lượt đi theo con đường đất nhỏ vào bên trong trại. Từ những ô cửa sổ bằng phên đất trong các dãy nhà dài dọc theo đường, hằng trăm con mắt tò mò nhìn ra theo dõi xem đoàn người tù được phân tán vào các dãy nhà. Họ hy vọng có người vào buồng mình để biết tin tức ở bên ngoài dù là rất ít, nhưng cũng đủ giúp cho họ đủ niềm tin sống sót chờ ngày về.
Tôi được phân vào dãy nhà ở góc trong cùng của trại dành cho tù nhân chính trị, gần dãy nhà tù nữ, mặc dù đa số tù nhân chuyển lên đợt nầy đều là “khách” vượt biên. Căn cứ vào kinh nghiệm của các đợt chuyển tù theo cách gối đầu, có nghĩa là trại thả đợt trước thì sẽ có đợt sau được chuyển lên từ Mỹ Tho trám vào, mỗi đợt như vậy thụ án ở trại cảo tạo chừng 6 tháng đến một năm là được thả. Ngược lại tù chính trị thì không có án và không biết được thời gian thụ án là bao lâu cho nên khi bị chuyển vào khu nầy thì mọi người ai nấy cũng đều nhìn bằng cặp mắt e ngại.
Ngay khi mới bước vào buồng giam tôi có cảm giác như đi lạc vào một nơi thâm u cùng cốc. Không gian tối lù mù chỉ có một bóng đèn tròn, vàng vọt ở giữa buồng. Mùi ẩm mốc hòa lẫn với mùi mồ hôi người xông lên nồng nực. Hai bên sạp ọp ẹp, lố nhố người đang ngồi dựa lưng vào vách không thấy rõ mặt chỉ thấy mờ nhạt, xanh xao một màu xám xịt. Buồng trưởng hướng dẫn đi một vòng tìm chỗ trống, cuối cùng đưa tôi đến gần nơi lối đi ra phía sau sát bờ kênh, ngay bên cạnh một người tù đang nằm bất động phủ toàn thân bằng một tấm mền đen mỏng che kín mặt ở cuối buồng.
Buồng giam nền đất lợp lá, vách phên luôn tuồn, tù nhân trải chiếu đệm trên sạp kết bằng cây đước ngủ ban đêm cũng như sinh hoạt ban ngày ăn uống tại chỗ trên manh chiếu nhỏ không hơn không kém. Mỗi tuần dọn vệ sinh một lần, nhưng cũng làm cho có lệ, chỉ quét rác thôi chứ không có tẩy rửa. Lâu ngày nền đất gồ ghề lên bóng láng như vảy cá đen thui. Đêm nằm ngủ mơ thấy như đang đi trên xe nhà rồng ra miền đất lạnh.
Mọi người ai đã từng ở trại Mỹ Phước đều biết địa ngục trần gian là có thật. Điều đầu tiên là đi ị phải đúng giờ. Mỗi sáng theo thứ tự từng dãy nhà chừng hơn 40 người xếp hàng ra dãy cầu tiêu cá đi tập thể trên chừng 10 căn chòi lá dừng sơ sài. Đi trên cây cầu khỉ lắt lẻo đang còn sợ té chưa kịp hoàn hồn thì công an đã ra lệnh khẩn trương cho đợt khác. Thời gian chừng nửa tiếng sau đó tất cả tập họp trở vô buồng cho dãy nhà khác đi ra.
Hôm đầu tiên đến trại đi cầu tiêu cá buổi sáng tôi thấy hơi khó, nhưng không sao, tự quên mình đi so với hình ảnh đập vào mắt, trông thấy vô cùng tội nghiệp khi đoàn tù nữ đi ra xếp hàng chờ. Bất ngờ một nữ tù nhân băng vượt lên phía trước vội vàng lao ngay xuống bờ cầu tiêu cá lềnh bềnh chất thải để ngắt thật nhanh vạt rau muống mọc quanh bờ. Nữ tù nhân nầy còn trẻ đã ở đây hơn 2 năm rồi mà không có thân nhân thăm nuôi. Công an thấy cũng làm lơ, quay mặt đi chỗ khác.
Mỹ Phước là vùng đất trũng phèn nặng nên mỗi buồng giam đều có một hàng lu nước phèn lọc bằng vôi hoặc tro để chắt nước uống và nấu ăn. Lao động chủ yếu là làm thủy lợi đắp đất thành từng luống trồng khóm. Đội cải tạo đi ra ngoài lao động trên nắng như đỗ lửa, dưới dầm chân quá gối trên kênh, xắn đất chuyền đắp lên luống. Bữa sau, hai ống quần đóng phèn bạc hoe, đỏ chạch. Chỉ một tuần thôi dưới chân nhất là ở các móng chân dính phèn vàng khè và mặt mày, tay chưn dộp da tróc vảy trông thật thảm thương.
Ngoài các đội lao động nông nghiệp, trong trại còn có nhiều đội đan lát hoặc làm các tạp vụ linh tinh mà phần lớn là tù vượt biên và tù nữ. Chung quanh trại ở tầm xa ngoài các rẫy khóm còn có các chốt canh giữ hoa màu do một số tù nhân tự giác trông coi, các tù nhân nầy thường đã thụ án hơn hai phần ba bản án hoặc ở đây trên 5 năm mà vụ án vẫn chưa kết thúc. Họ được đi lại tự do sinh hoạt riêng biệt trong các căn chòi lá chốt ở cuối rẫy. Đây là nơi cung cấp thực phẩm chui cho tù nhân trong trại. Dĩ nhiên cũng là nơi giúp các gia đình thu lượm tin tức của người thân đang bị giam bên trong, nhất là tù vượt biên thường có gia đình ở Sài Gòn hay các tỉnh xa xôi ngoài miền Trung. Công an chia chác tiền bạc qua những dịch vụ mua bán đổi chác và đồng thời cũng gián tiếp kiểm soát hàng hóa chuyển lậu vào trong trại.
Trong số các chốt nầy có một tù nhân bị bắt nguội trong một vụ án phản động và không có án. Khi chuyển lên đây anh đã nhiều lần vượt ngục và bị bắt lại. Bắt đi bắt lại mấy lần cho đến nay hơn 5 năm rồi mà cũng chưa được thả. Ra rẫy lao động mọi người thường hay liên lạc với anh ta để gởi mua thêm thức ăn tươi ngoài chợ Long Định vì ngoài nhiệm vụ canh giữ ở chốt anh còn được cán bộ cho theo ghe ra cầu kênh Xáng lấy chở nước ngọt về trại.
Quen dần anh tù tự giác tín cẩn tôi nên mới tiết lộ chi tiết về người tù ít nói lầm lì suốt ngày, gần mười năm không có ai thăm nuôi, nằm kế bên tôi trong buồng giam thuộc tổ lao động vệ sinh trong trại và đồng thời thỉnh thoảng anh ta cũng có nhờ tôi chuyển một ít gạo và cá mắm cho người tù nầy mà anh ta gọi là “ông thầy.”
Thật tình cờ và cũng rất thú vị khi được nằm kế bên và trò chuyện nhiều đêm với “ông thầy” tên thật là Trần văn Đ. nguyên sĩ quan tác chiến Sư Đoàn 7 Bộ binh quân lực VNCH, anh là nhân chứng sống và đang thụ án trong tù về một vụ án mà ít được nhắc tới sau nầy.
Câu chuyện bắt đầu với trí nhớ của một người tù 10 năm.
Tháng 8 năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho để xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là Sư Đoàn Tiền Giang. Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi và tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Tất cả nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định. Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham Mưu Trưởng và Trương văn Dậy (Mười Dậy) Chỉ Huy Trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 10 người khác gồm có Lê Duy Phong (Sinh viên), Đỗ Hữu Thọ (Sinh viên), Phạm văn Quyền, Nguyễn văn Hiệp. Lê văn Điểu … và TVĐ. lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1976 và đem về biệt giam ở khám đường cũ, số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.
Ngược dòng thời gian, kể từ khi có lệnh đầu hàng từ Tướng Dương Văn Minh trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 tất cả sĩ quan binh lính cùng viên chức tại địa phương đều rời khỏi cơ sở hoặc nơi đơn vị đồn trú. Sau đó, đa phần đều ra trình diện đi cải tạo theo như thông báo trên báo chí và đài phát thanh cộng sản. Một số khác vẫn còn lẫn trốn không ra trình diện. Có người mai danh ẩn tích về các vùng xa xôi hẻo lánh tận miền Thất Sơn, Châu Đốc hay xuống vùng U Minh, Cà Mau. Lâu dần biệt tích, có thể họ đã vượt biên hoặc chết không ai biết. Cũng có người chờ tham gia các tổ chức kháng chiến được móc nối từ nước ngoài như trong vụ án Trần văn Bá sau nầy.
Chỉ một thời gian ngắn sau ngày cộng sản chiếm đóng toàn miền Nam, họ đã biểu lộ rõ dã tâm thống trị đất nước Việt Nam bằng một chế độ độc tài hà khắc. Giam cầm, lưu đày các sĩ quan, viên chức VNCH vô thời hạn. Ngược đãi thành phần trí thức, học giả miền Nam. Trấn áp dân chúng rời thành phố đi các vùng rừng thiêng nước độc để cán bộ đảng viên miền Bắc trán vào chiếm ngụ nhà cửa trong thành phố hoặc các vùng đất đai trù phú trong Nam. Kể từ giữa năm 1976 họ ban hành các chính sách phân biệt đối xử với các thành phần xã hội. Người miền Nam sinh sống trong vùng do VNCH kiểm soát bị loại ra khỏi các sinh hoạt công quyền kể cả trong các lãnh vực kinh tế và xã hội. Không đủ sức để chống đối lại kẻ xâm lược, một làn sóng vượt biên vượt biển đã trở thành phong trào rộng khắp trên toàn miền Nam.
Lúc bấy giờ, sư đoàn Tiền Giang là một tổ chức sớm nhất ở trong Nam chống lại sự cầm quyền của cộng sản. Thành phần tham gia đa số là quân nhân, viên chức VNCH đã cải tạo về hoặc còn lẫn trốn trong vùng Tiền Giang từ sau ngày cộng sản chiếm đóng. Tên gọi là sư đoàn nhưng chưa có trang bị vũ khí trong giai đoạn hình thành và chuẩn bị hoạt động như một phong trào nhân dân nổi dậy chống lại cộng sản. Cấp chỉ huy sư đoàn là các nhà hoạt động chính trị thời VNCH như ông Trương văn Thân là sáng lập viên đảng Tân Đại Việt, cùng thời với GS. Nguyễn Ngọc Huy, nguyên Trưởng Ty Nông Nghiệp tỉnh Định Tường. Trung Tá Hoàng văn Ngãi là Sĩ quan Tham mưu, Tiểu khu Định Tường. Lê văn Điểu là Tỉnh Đoàn trưởng Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Kiên Giang.
Theo kế hoạch của tổ chức thì sư đoàn sẽ là lực lượng nồng cốt một khi tổ chức ra mắt công khai chống lại nhà cầm quyền cộng sản được dư luận quốc tế quan tâm cũng như sự ủng hộ, tài trợ của nước ngoài. Sư đoàn thành lập vào đầu tháng tư năm 1976 tại Mỹ Tho dưới sự chỉ đạo của Trần Minh Dũng (Tư Thân). Hoạt động chính yếu lúc bấy giờ là tổ chức rải truyền đơn chống cộng sản. Tuyên truyền kết nạp cảm tình viên và thành viên hoạt động. Cho đến khi bộ chỉ huy bị vây bắt tại nhà Tư Thân, đường Pasteur, thành phố Mỹ Tho thì thành viên sư đoàn hầu như có mặt khắp nơi trên vùng lãnh thổ của ba tỉnh Long An, Định Tường và Kiến Hòa. Sau ngày 10 tháng 10 năm 1976 công an Tiền Giang ráo riết truy lùng bắt tiếp các thành viên hoạt động của sư đoàn.
Bắt đầu là khu căn cứ ở Long An do Mười Dậy chỉ huy. Công an phối hợp với bộ đội địa phương dùng súng tấn công căn cứ gây thiệt mạng nhiều người và bắt sống một số người tay không có vũ khí. Một số vượt thoát ra ngoài bị bộ đội rượt theo bắn chết. Số còn lại ẩn trốn trong nhà dân và thoát đi về hướng Mộc Hóa.
Sau đó công an dùng các phương tiện giam cầm dã man đối với tù nhân bị bắt. Tra tấn, biệt giam và cùm chân trong phòng tối là đòn cân não để khai thác tin tức. Càng lúc họ càng truy ra nhiều manh mối hơn và đi lùng bắt nguội (không có lệnh của Tòa án) khắp nơi. Thành phần bị bắt bao gồm đủ mọi loại từ sĩ quan, binh lính VNCH cho đến các giới chức trong chính quyền cũ tại địa phương, Trong đó có cả các viên chức tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh (QGHC). Công an ruồng bố trong các cư xá công chức cũ và trại gia binh trước đây. Chỉ trong vòng 10 ngày khám đường cũ chật kín người, công an chuyển một số tù nhân xuống trại giam mới, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho chừng khoảng 4km.
Trong thời gian 6 tháng, công an truy lùng bắt tất cả mọi người có liên quan đến những người bị bắt từ quan hệ gia đình cho đến bạn bè người quen, thân thuộc. Tháng 4 năm 1977 công an chuyển tất cả những người bị bắt vì tham gia sư đoàn Tiền Giang xuống trại giam chính của tỉnh. Tình hình căng thẳng khiến cho nhiều người có liên quan chưa bị bắt bỏ trốn dây chuyền, mặc dù không có liên can gì cả. Một người bị bắt kéo theo hàng chục người bị công an bắt đi thẩm vấn. Thật ra tổ chức cũng chỉ mới còn trong vòng tụ họp và tuyên truyền tham gia với tính cách cảm tình viên thì nhiều nhưng tuyên thệ tham gia vẫn còn rất ít trừ những người chủ chốt.
Cộng sản giấu nhẹm các sự kiện trong vụ án và mở một phiên tòa nhanh chóng để xử các bị can. Theo lời một nhân vật có thẩm quyền cho biết vụ án được Mai Chí Thọ chỉ đạo không khoan nhượng. Không biết cộng sản xử kín bao nhiêu người, chết hay sống trong mười năm qua không có tin tức. Anh cho biết lúc còn ở trại giam Tiền Giang, có thời gian anh bị nhốt chung với hai anh Lê Tấn Trạng và Ngô Ngọc Vĩnh (QGHC).
Vụ án Sư Đoàn Tiền Giang khép lại khi tòa tuyên án chính thức và những người bị bắt sau đó đều có lệnh tập trung cải tạo 3 năm vào cuối năm 1977. Phạm nhân được đưa đi các trại cải tạo tại địa phương hoặc án nhẹ hơn được đưa đi khu nông nghiệp Cồn Tròn ở Cái Bè thuộc Tỉnh ủy Tiền Giang, ở đây phạm nhân sinh hoạt thoải mái, làm việc hưởng theo chế độ công nhân một thời gian ngắn trước khi được trả tự do về với gia đình.
Từ khi được đưa đến trại Mỹ Phước, trong tù anh Đ. thường chỉ nghe ngóng và quan tâm đến tin tức ở nước ngoài. Thật là phấn khởi khi biết được phong trào phục quốc của nhóm Mai văn Hạnh và Trần văn Bá đã về tới Cà Mau. Hay là phong trào kháng chiến của Đề Đốc Hoàng Cơ Minh đã về tới biên giới Lào – Việt. Ngoài các tổ chức trên anh còn luôn biểu lộ sự kính ngưỡng đến các “anh hùng” Võ Đại Tôn và Lý Tống.
Tết năm 1989 tôi được trả tự do. Trước khi biết tin có lệnh được thả hai hôm, tôi và anh có tâm sự nhiều điều. Điều sau cùng anh nói:
– Tôi bây giờ không còn hy vọng gì. Trừ phi các anh ra ngoài còn giữ được tinh thần phục quốc VNCH.
Ra khỏi cổng trại Mỹ Phước tôi bước lên xe mà đầu còn ngoảnh lại. Bóng anh mờ dần sau khung cửa sổ chằng chịt dây hàng rào kẽm gai. Tôi thầm khấn.
Trần Bạch Thu (ĐS 17)
Views: 474