Nhà Văn Tâm Thanh

Đặng Quốc Tuấn

Tâm Thanh là bút hiệu của Ngô Thanh Tâm (Cao-học 2 / QGHC) như thi-sĩ Khánh Hà (Cao-học 3 / QGHC), người vợ thân-yêu của Tâm đã giới-thiệu chồng:

Tìm bút hiệu không khó gì

Tâm Thanh đảo lại- nghe đi tiếng lòng

Nhà văn Phạm Phú Minh, bạn thân của Tâm từ Viện Đại-học Đà-Lạt, nguyên Chủ-nhiệm Tạp-chí Thế Kỷ 21, đã nhận xét: “Và tôi nghĩ tên của anh, Thanh Tâm – một tấm lòng trong trẻo – là một cái tên tiền định cho phẩm chất đời sống của anh. Và cả bút hiệu của anh nữa, từ tên nói ngược thành Tâm Thanh – tiếng lòng – cũng rất xứng đáng: những gì anh viết ra sẽ là tiếng nói chân chính từ cõi lòng anh.”

Hãy nghe chính Tâm Thanh nói về lối viết văn của anh: “…đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ. Thả bút viết “tình yêu” mà trong lòng đầy oán hờn, tôi không làm được.” (Trích thư Tâm Thanh gửi Ban Tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam ở Oslo, Na Uy ngày 3 tháng 5, 2014, với chủ đề nói về tác phẩm của nhà văn Tâm Thanh, với hơn hai trăm người tham dự. Nhà văn Tâm Thanh vì bệnh nặng không đến dự được, đã gửi bức thư này để được trình bày với cử tọa.)

Tâm tốt-nghiệp Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt rồi về dạy Triết tại Trường Trung-học Ngô Quyền, Biên-hòa. Năm 1966, Tâm thi đậu vào Cao-học Hành-chánh Khóa 2, Ban Hành-chánh. Theo chương-trình Cao-học, những sinh-viên chưa có kinh-nghiệm hành-chánh phải đi thực-tập 5 tháng trước khi nhập học. Tâm chọn thực-tập ở Lâm-đồng vì chị của Tâm là Sœur Hiền đang tu tại đây. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng-ty Hành-chánh Lâm-đồng và cũng đang chờ về học Cao-học Khóa 2; tôi có nhiệm-vụ phải tổ-chức 5 tháng thực-tập Hành-chánh Địa-phương cho Tâm. Từ đấy, tôi được hân-hạnh quen biết anh gần một nửa thế-kỷ (49 năm).

Tôi và Tâm rời Lâm-đồng về Sài-Gòn học Cao-học; Tâm thuê dùm vợ chồng tôi một căn nhà trong Xóm Đạo Bùi Phát. Sau khi thành-hôn với Khánh Hà, vợ chồng Tâm Hà cũng thuê một căn nhà gần tụi tôi. Khi nghe tin Tâm và Khánh Hà sắp lấy nhau, một cô học trò cũ của Tâm uống sẵn một chai thuốc ngủ rồi vào thăm Tâm trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC. Đang ngồi nói chuyện với Tâm thì cô ta ngã lăn ra bất tỉnh; cô ta muốn được chết trong vòng tay người thầy cũ của mình. Tâm lật-đật gọi xe cứu-thương đưa cô ta vào bệnh-viện. Khánh Hà đến trường nghe tin vội chạy vào bệnh-viện giúp Tâm. Tâm, Khánh Hà cùng với các bác-sĩ, y-tá đã cứu sống được cô học trò nhỏ. Vì chuyện cô gái tự-tử hụt này, Học-viện QGHC không cho Tâm ở trong Ký Túc Xá nữa mặc dù Tâm đã trần-tình rằng Tâm không hề có liên-hệ tình-ái với cô học-trò cũ. Sau này, khi viết bài “Cuốn Luận Văn” Tâm cũng qủa-quyết lập lại: “có Trời làm chứng, cô bé và tôi không có gì” (Cuốn Luận Văn, Kỷ Yếu Quốc Gia Hành Chánh 1952-1975 do Tổng Hội CSV/QGHC phát-hành năm 1999, trang 300). Hôm đó tôi, Tâm, và Vũ Công phải thuyết-trình về một đề-tài hành-chánh do Thầy Nghiêm Đằng chỉ-định. Tôi đành gồng mình thuyết-trình thêm phần của Tâm. Ngoài cô gái tự-tử hụt này còn có một cô học trò Ngô Quyền khác nữa, từng bị anh bồ Không Quân bắn vì ghen với giáo sư Tâm, mặc dù thầy Tâm không hề có tình ý gì với cô ta. Trong bài “Cuốn Luận Văn” Tâm đã tâm-sự: “Tôi bỏ nghề dạy học là vì truyện riêng ( tôi không biết cách đối xử với những cô học trò mới lớn, mà tôi cũng mới lớn…)”

Tâm Hà tham-dự Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Hình như chuyện cô học-trò cũ tự-tử hụt đã thúc-đẩy Tâm Hà thành-hôn sớm hơn dự–định. Vợ chồng Tâm Hà như hai nhánh sông hợp lại:

ta như hai nhánh sông

gặp nhau chung một dòng

đổ vào nhau bất tận

trôi giữa đời mênh mông”

(Khánh Hà, hai nhánh sông)

Sau khi “hai nhánh sông” hợp lại, Khánh Hà đưa chồng về thăm quê:

“Như chú rể Bắc của tui lần đầu

Về thăm quê vợ vùng sâu

Chưa nghe tiếng Bắc, lần đầu lạ tai

Ngoại hỏi nhỏ “Thẳng là ai?

Là người xứ nào, chẳng phải xứ ta?”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh nhận xét: Chị [Khánh Hà] luôn đồng hành cùng anh trên mọi nẻo đường đời, luôn được tất cả mọi người quí mến, nể nang. Chồng Bắc vợ Nam, nhưng có lẽ đây là đôi tình nhân hạnh phúc nhất, cặp vợ chồng tâm đầu ý hợp nhất mà tôi biết được.”

Từ hồi học Đại-học Sư-phạm ở Đà-Lạt, Tâm đã kết bạn trao đổi thư tín với Hà năm năm trời:

Xa xôi Đà lạt thuở nào

Pensée anh ép gửi vào trang thư

(Khánh Hà, Chỉ còn)

Khi Tâm không được ở trong Ký Túc Xá Học-viện QGHC nữa, Tâm rủ Hà: Bạn đề nghị hai đứa thuê nhà chung, nhưng năn nỉ thuyết phục thế nào cô cũng không chịu. Cuối cùng bạn nói bạn bị lao, ho ra máu. Đó là bạn đánh một canh bạc liều − nếu cô yêu bạn thật cô sẽ theo bạn, nhưng lỡ gia phong thắng lướt tình yêu thì sao? Không ngờ, cô sụp đôi mi cong xuống, nói, “Cũng được. Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 30). Thật ra bệnh lao của Tâm đã khỏi từ lâu rồi. Năm, sáu năm trước, nhân dịp đi chụp hình phổi để làm thủ-tục vào đại-học, Tâm phát giác bị lao phổi vì những đêm thức khuya học thi tú tài II. Tâm đã nằm Bệnh-viện Thánh Tâm, Biên-hòa 3 tháng, Bệnh-viện Hồng-bàng, Sài-gòn 6 tháng và, tạ-ơn Chúa, bệnh lao của Tâm đã được trị sạch hoàn-toàn.

Cũng nhờ việc “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” đã dẫn đến một đám cưới thân-mật, đầm ấm. Tâm Hà lấy nhau qua một “Phép Giao” (một nghi-thức hôn-phối Công-giáo đơn-giản) trong một tu-viện Dòng Mân Côi. “Các bạn không có tiệc cưới, chỉ có tiệc trà cực kỳ đơn sơ tổ chức trong một lớp học bạn dạy còn ngái mùi phấn, “ban tổ chức” là 12 nữ sinh, quan khách khoảng mươi lăm người bà con và bạn bè chí thân. Vậy mà vợ chồng còn ăn ở với nhau tới khi tóc bạc ruột lủng, cũng lạ.” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 103). Nhờ vậy chúng ta được quen biết một gia-đình đầy ắp tình yêu-thương giữa vợ chồng, con cái; một gia-đình tràn đầy tình-yêu qua những thành-công của Tâm trong lãnh-vực nghề-nghiệp, văn-chương cũng như qua những cơn bệnh hiểm-nghèo, đau-khổ của Tâm. “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” là một khúc ngoặt quan-trọng trong đời Tâm. Nó chấm dứt giai-đoạn cô-quạnh trong mặc-cảm yếu-đuối. Bạn phải kể lại chuyện quá khứ để bằng hữu và con cái biết câu “Chỉ để em chăm sóc anh thôi à nghe” quyết định hạnh phúc đời bạn như thế nào. Tình yêu đến với bạn như giấc mơ, như phép lạ. Nước cam lồ rót vào bạn qua cái phễu bất hạnh, đau đớn, bệnh tật” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 32).

Tốt nghiệp Cao-học Hành-chánh, Tâm về làm Giảng-sư tại Viện Tu-Nghiệp Quốc-Gia. Đổi nghề từ Giáo-sư Trung-học sang Đốc-sự Hành-chánh, Tâm vẫn làm công việc “dạy học,” một công việc rất thích-hợp với con người và tính-tình Tâm.

Khi Miền Nam sắp sụp-đổ, Tâm đang tu-nghiệp ở Hoa-kỳ. Trong lúc hàng triệu người Việt-Nam tìm đủ cách để bỏ nước ra đi thì Tâm tìm cách về lại Việt-Nam để “lo cho vợ con” dù chương-trình tu-nghiệp chưa hoàn-tất. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Tâm Hà làm đủ nghề để sống, kể cả đạp xích-lô. Thật ra sức Tâm yếu không đủ sức chở những ông bà phốp-pháp mà chở những cô học-trò nhỏ-nhắn thì Khánh Hà lại không an-tâm. Tuy nhiên, để tránh khỏi bị đẩy đi Vùng Kinh-tế Mới, Tâm phải thuê một xe xích-lô đậu trước cửa nhà. Tâm Hà học được nghề trồng nấm tai mèo (mộc nhĩ) tương-đối kiếm được đôi chút nuôi con và chờ dịp vượt biên. Tâm gia-nhập đội đánh cá Quận Bình Thạnh, mua ghe đi đánh cá và chở công nhân viên tuyến Sài Gòn – Cần Giờ… để tìm cách vượt biển. Cũng may trước đây cả hai đều giữ những chức-vụ chuyên-môn nên không phải đi học-tập, cải-tạo dã-man của Cộng-sản.

Nhờ nghề đánh cá, Tâm có cơ-hội móc nối vài người bạn liều mạng tổ-chức một chuyến vượt biển vào cuối năm 1979. Thuyền nhỏ (dài 12.5 mét), chở 51 người, không có đủ dụng-cụ hải-hành nên thuyền không đến được một nước láng giềng nào như Thailand, Malaysia hay Indonesia. Thời ấy các trại tỵ-nạn quanh vùng Đông Nam Á chật ních dân tỵ-nạn Việt-Nam bởi vì chính-khách ngu-dốt, dã-man của Cộng-sản. Ít có tầu biển nào dám vớt người tỵ-nạn vì sợ trách-nhiệm; cùng lắm họ dừng lại cho thực-phẩm, săng nhớt hay giúp sửa máy chứ không vớt thuyền nhân. Chiếc thuyền nhỏ bé của bọn Tâm Hà lênh-đênh trên biển cả ba ngày ba đêm, gặp 29 tầu biển nhưng không tầu nào dừng lại cứu vớt. Nước uống và mì gói sắp hết, thời-tiết như sắp có bão, mọi người lo-sợ sẽ làm mồi cho cá biển. May sao tầu “Seaspeed Dima” thuộc công-ty hàng hải Na-Uy Sjøhistorie đã dừng lại vớt hết mọi người và chở bọn Tâm Hà vào trại tỵ-nạn Singapore. 51 người vừa được vớt thì một cơn bão ập tới. Suốt đời bạn không bao giờ quên ơn cứu tử của thuyền trưởng và thủ thủy tàu Sea Speed Dima” (Tâm Thanh, Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 65). Thời-tiết Na-Uy lạnh gía nhưng tình người Na-Uy rất ấm-áp.

Seaspeed Dima / Sjøhistorie.no

Ba mươi ba năm sau (2012), Tâm Hà trở lại Singapore để thăm lại trại tỵ-nạn Việt-nam nhưng không tìm được. Hỏi thăm nhân-viên khách-sạn họ cũng không biết nhưng có người tìm trên “internet” được một bản đồ cũ có chỉ vị trí của “Vietnamese Refugee Camp” ở vùng Sembawang phía cực bắc Singapore. Khi Tâm Hà lần mò tới nơi, không còn vết tích xưa nữa. Thật ra trại tỵ-nạn này đã đóng cửa từ tháng 6 năm 1996, nhà cửa vốn thuộc một doanh trại cũ của quân đội Anh bị phá hủy, tên đường phố Hawkins Road cũng gỡ xuống; lúc ấy còn 99 người tỵ-nạn Việt-Nam không có nước nào tiếp-nhận nên bị trả về Việt-Nam. Trại Hawkins Road được coi là một trong những trại tỵ nạn nhân-đạo tốt hơn hết trong khu vực Đông Nam Á.

Định-cư ở Na-Uy, Tâm Hà đều đi làm Bưu-điện (hèn chi thư từ tôi gửi cho Tâm Hà cứ bị thất-lạc); sau Tâm bỏ Bưu-điện đi làm cho đài truyền hình Quốc Gia Na Uy NRK. Ổn-định cuộc sống rồi, Tâm Hà sáng-tác rất mạnh, chàng viết văn, nàng làm thơ. Tâm đã xuất bản ba quyển truyện ngắn: Thiên Nga giữa cõi người, Gỗ thức trên rừng, Thiên Hương về Trời, và quyển Nụ cười xã hội chủ nghĩa. Khánh Hà cũng in ba tập thơ: Cõi Thơ, Ở Đây Cuối Đường. Tâm Hà còn dịch sang tiếng Việt vở kịch thơ Peer Gynt của đại thi hào Henrik Ibsen, một tác phẩm cổ điển giá trị của Na-Uy. Tâm còn vài truyện ngắn và truyện dài Ngọn hải đăng bỏ hoang chưa xuất-bản. Gần cuối cuộc đời Tâm viết một “chúc thư”: Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, quyển này chỉ in ít bản dành tặng bạn bè. Nhân vật chính trong Lệnh Triệu Ban Rồi“Bạn” vừa có thể hiểu là ngôi thứ nhất: tác giả, mà cũng có thể hiểu là ngôi thứ hai: độc giả nhưng thật ra “Bạn” trong “chúc thư” là người bạn thân-thương Tâm Thanh của chúng ta. Sau phần “chúc thư” của Tâm Thanh là 23 bài thơ của Khánh Hà: “Vần Cuối Cho Anh.” Hình như Khánh Hà đã dùng nước mắt mình làm mực để viết Vần Cuối Cho Anh.

Tâm Thanh viết văn giản-dị, nhẹ-nhàng, trong sáng nhưng thỉnh-thoảng cũng lồng thêm nhiều tình-tiết bất-ngờ, gay-cấn. Đôi khi độc-gỉa thấy một câu văn hay tên truyện hơi “khó hiểu;” hãy đọc chậm lại bạn sẽ hiểu ý của Tâm và xin nhớ rằng nhà văn thân-thương của chúng ta vốn là một giáo-sư Triết học. Cố văn-sĩ Nguyễn Mộng Giác, người viết Tựa “Đọc Tâm Thanh, từ một góc riêng” cho quyển truyện đầu tay của Tâm Thanh, Thiên Nga giữa cõi người” đã viết: Người đọc bước vào truyện như lạc vào một cõi mơ, và ra khỏi truyện thì ngơ ngẩn bàng hoàng vì băn khoăn không hiểu nổi những vấn nạn muôn thuở của nhân sinh. Có thể xem truyện ngắn của Tâm Thanh như những bài thơ triết lý” và: Tâm Thanh viết văn như một cách tiếp nối nghề nghiệp anh đã từng làm ở quê nhà trước ngày tan đàn rã gánh: nghề một giáo sư triết học. Chỉ khác là lần này anh “triết lý” bằng “thi ca.

Buổi Ra Mắt Sách do Tổng hội CSV/QGHC, Câu Lạc Bộ Văn Học Vùng Hoa Thịnh Đốn và Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam Tự Do Đông Bắc Hoa Kỳ phối-hợp tổ-chức (Virginia 1999).
Từ trái: Khánh Hà (CH3), với tác-phẩm “Cõi Thơ”
Đặng Quốc Tuấn (ĐS10, CH2) bút hiệu Đặng Vũ Hoài Việt, với bộ truyện dài “Trôi Giạt”
Ngô Thanh Tâm (CH2) bút hiệu Tâm Thanh, tập truyện ngắn “Thiên Nga giữa cõi người”
(Không có trong hình là chị Phạm Thị Quang Ninh, phu-nhân anh
Hà Thế Ruyệt (ĐS 9, CH4) với tập hồi ký “Cùng Nhau Trôi Nổi”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh, người đã được Tâm Thanh khuyến-khích viết văn, nhận xét về Tâm Thanh: “Tính của anh không thích nghe những lời khen, những lời cám ơn hay ngưỡng mộ mình” Anh rất xứng đáng là thầy tôi, nhưng không bao giờ chịu nhận. Đôi lúc tôi còn giận anh cái tính quá khiêm nhường.” Phạm Tín An Ninh viết những lời này trong ngày Giỗ 49 Ngày của Tâm Thanh; khi ấy (2015) có người cho rằng Phạm Tín An Ninh còn nổi tiếng hơn cả “Thầy” Tâm Thanh của mình.

Trong cuốn “chúc thư” Lệnh Triệu Ban Rồi-Một Trường Hợp Ung Thư, Tâm ghi vội nhiều cảm nghĩ của mình về nhiều vấn-đề như bệnh-tật, đau-đớn, đau-khổ, tôn-giáo, bạn bè, và nhiều chuyện lặt-vặt hàng ngày mà Tâm đã trải qua trong cuộc đời mình. Khi biết mình sắp ra đi Tâm viết lại những cảm nghĩ này để gửi vợ con, bạn bè, chủ-yếu là khuyên-bảo mọi người làm cách nào để sống quãng đời còn lại một cách phong-phú và hạnh-phúc.

 Tâm viết về cha mẹ, các anh chị và em gái. Tâm có ba người chị, anh Lưu, và một em gái. Chị Hiền lớn nhất đi tu Dòng St. Paul ở Hà-Nội từ năm 14 tuổi. Hai chị kế đã đi lấy chồng, anh Lưu ở xa với người chú ruột. Bố của Tâm vốn là Chủ-tịch Ủy-ban Hành-chánh Xã Thiên Thiện của Việt Minh nên bị Tây bắt giam. Chú của Tâm, một linh-mục, đến xin và bảo-lãnh cho anh nên bố của Tâm được thả ra. Việt Minh cho rằng phải là Việt gian hay nhận làm Việt gian, mới được Tây thả nhanh như vậy, nên họ muốn thanh toán ông. Ông trốn thoát kịp. Ông trốn ở đâu, gia đình cũng không biết. Trong thời gian đó mẹ Tâm bị bệnh nằm liệt giường; Tâm mới 11 tuổi, vừa coi em gái út Minh 5 tuổi vừa coi Mẹ; mỗi ngày chị thứ hai về nhà nấu cơm cho mẹ một lần rồi phải trở lại nhà chồng. Có lần Tâm đang giặt áo cho Mẹ trên cầu ao, em Minh ngã xuống ao, Tâm nhanh tay nắm được chân em lôi lên. Hơn 60 năm sau, Minh và con gái đi lùng khắp làng để xin lá đu đủ đực gửi sang Na-Uy cho anh uống chữa bệnh ung-thư tụy tạng.

Anh Lưu của Tâm xa nhà từ năm 9 tuổi để sống với chú là một linh-mục. Chú rất thương cháu nhưng lại rèn-luyện cháu theo khuôn-khổ một nhà tu-hành nghiêm-khắc, kỷ-luật nên thường hay đánh đòn cháu. Theo Tâm, chính vì đời sống khắc-khổ thời niên thiếu nên Lưu rất cô-đơn, ít biểu lộ tình-cảm. Lấy vợ cũng không biết tự tìm mà để chú lo-liệu. Tuy không quen nhau trước khi cưới nhưng hai vợ chồng Lưu rất thương-yêu nhau. Lưu tốt-nghiệp Học-viện QGHC Khóa 6 Đốc-sự. Tâm và gia-đình rất hãnh-diện khi thấy người ký văn-bằng tốt-nghiệp của Lưu là Tổng-thống Ngô Đình Diệm, một chí-sĩ của Việt-nam, một ân-nhân, một “thần tượng” của những người Bắc di-cư vào Nam năm 1954-1955.

Trong một kỳ nghỉ Tết, Lưu chở vợ bằng xe Lambretta đi chơi bị đụng xe gần Vũng Tàu. Vết thương ở chân chị Lưu không nặng lắm nhưng vì là chiều Giao-thừa, nhân-viên y-tế thiếu, nên thay vì sắp-xếp xương gẫy cho ngay-ngắn rồi bó bột thì người ta cưa một chân của chị. Ít năm sau Anh Lưu mất vì bướu não khi chưa đầy 35 tuổi. Cũng may Chị Lưu rất tháo-vát, giỏi kinh-doanh, nuôi ba đứa con côi thành-công và hiện đang định-cư ở California. Không kể hồi nhỏ còn bú mẹ, Tâm và Lưu chỉ sống chung với nhau khoảng hai năm. Tâm vẫn nhớ một việc duy nhất Tâm làm anh Lưu hài lòng là gãi đầu Lưu khi Lưu bị bướu não vì bướu não lan đau-đớn ra tận chân tóc. Tâm “bon chen vào học hành chánh (CH2), một phần do muốn theo chân anh” (Ngô Thanh Tâm, Anh tôi).

Tâm Thanh & Khánh Hà tại Norwegian Wood

Cuối cùng bố Tâm cũng bị Việt Minh bắt. Ông được thả về vài tháng thì mẹ Tâm mất. Ông gửi Tâm cho ông chú để Tâm có chỗ đi học. Chú lại gửi Tâm sang trường Dòng. Năm 1954 Tâm theo trường Dòng di cư vào Nam, trong khi Bố Tâm ở lại, bị Việt Minh đấu tố tới chết.

Sống trong trường Dòng, liên hệ gia đình chỉ còn là những lá thư hằng tuần của người chị. Để em bớt cô đơn, Sœur Hiền cho Tâm một tấm hình bỏ túi áo. Nhiều anh lớn (học-sinh trong trường) hối lộ tiền hoặc kẹo lạc, bong bóng để xin một tấm hình tương tự; xin không được thì mượn hình Sœur Hiền hôn một cái. Tâm tức lắm mà không làm gì được. Nhưng một anh đã đi quá đáng, anh ta ôm chặt Tâm và gọi tên chị Hiền. Tâm mách cha, anh này bị đuổi. Tâm không ngờ hậu quả cho anh ta lớn như vậy, nên vẫn hối hận dù anh ta đã chết bên Mỹ.

“Trong trường dòng tại Sài Gòn, bạn rất chuyên tâm, không ngại ngùng chi cả, chỉ ngại những ngày lễ và kỳ nghỉ hè. Bởi vì mỗi lần bãi trường bạn bè hân hoan về với gia đình (quen gọi là “về quê”), còn bạn không biết về đâu. Hai chữ “về quê” nghe đẹp làm sao, nhưng chưa bao giờ bạn được hưởng. Có lần Tết Nguyên Đán bạn không biết đi đâu, phải cùng một đứa bụi đời leo xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho, lang thang ở bờ sông, cuối cùng ngủ trên cái thuyền bỏ cạn, ngực áp một cuốn sách cho đỡ lạnh. Đó là cuốn Sans Famille (Vô gia đình) của Hector Malot, cuốn truyện tiếng Pháp đầu tiên bạn đọc. Mỗi lần đọc lại khóc, nhưng cứ thích đọc. Suốt đời bạn mơ ước mình có một gia đình để nếm mùi ngọt ngào” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 31 – 32). 

 “Chị Hiền ơi,

Em nói câu này nếu Chị không bằng lòng thì xin Chị tha-thứ cho em. Theo em nghĩ, khi Bác Gái đau nằm liệt giường, Bác Trai đang trốn-tránh Việt Minh hoặc bị tù thì Chị phải xin phép Bề Trên về nhà săn-sóc Mẹ và các em. Khi nào các em 1ấy chồng, lấy vợ hoặc các em đã khôn lớn thì Chị sẽ trở lại Nhà Dòng tiếp-tục cuộc đời tận hiến cho Chúa và Mẹ Maria. Em chỉ gặp Chị hai lần, chắc Chị chẳng còn nhớ em ra sao nhưng em còn nhỏ hơn Tâm vài tuổi nên Chị cứ la mắng em như một người em của Chị nếu Chị cho là em sai. Em xin lỗi Chị. Cám-ơn Chị đã cho Tâm Hà một tình-yêu trìu-mến, một tình-yêu pha trộn giữa tình Mẹ và tình Chị, một an-ủi nồng ấm trong những năm tháng bệnh-tật của Tâm.”

Đôi uyên-ương Tâm Hà tại Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999

Trong cuốn “chúc thư,” Tâm dành nhiều trang viết về bạn bè: bạn thời niên-thiếu ở Trường Dòng, Trường Hồ Ngọc Cẩn, bạn đồng môn ở Đại-học Văn-khoa Sài-gòn, Đại-học Sư-phạm Đà-Lạt, và Học-viện QGHC. Tâm viết về các bạn trong giới văn-chương, các nữ tu Dòng Mân Côi, và các bạn ở Na-Uy kể cả người đồng hương và người bản xứ. Tâm còn viết về bạn bè của Khánh Hà và của Anh Lưu. Trang nào cũng đầy ắp tình người, tràn ngập tình bằng hữu, ngào ngạt hương thơm vì Tâm rất thích La Fontaine đã thi vị hóa tình bạn già bằng một hình ảnh sinh động “Tình bạn như bóng chiều, ánh dương đời càng xuống thấp nó càng trải dài ra”.

“Chữ ký” của Tâm Hà trong nhiều emails

Gần ngày ra đi, Tâm nghĩ có thể Tâm đã no đủ rồi, không ước ao gì nữa: “Quan trọng nhất là bạn cho vợ con thấy bạn đã sống hạnh phúc, đã thương yêu họ, đã nhận lãnh đủ tình thương của họ, no đầy. Bạn sẵn sàng ra đi trong no đủ, thảnh thơi đến một nơi hạnh phúc tuyệt vời… Thương khóc hay nguyền rủa, bạn không hay. Có mấy người tiễn đưa? Có mấy vòng hoa, to hay nhỏ?… Tất cả sẽ là hài kịch cuối cùng mà vai chính không được tham dự, đành xin lỗi và cám ơn trước” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Thực ra Tâm vẫn còn một giấc mơ chưa đạt được: “Giấc mơ một nước Việt Nam tự do no ấm – có lẽ là giấc mơ duy nhất tan vỡ, bạn nhắm mắt trước khi thấy một tia sáng” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 173).

Tâm chỉ có một “Di chúc duy nhất của bạn là được liệm bằng cái áo lính mà Trung tâm Huấn luyện Quang Trung phát cho khi bạn đi ‘lính chín tuần’. Cũng cái áo này bạn đã mặc khi đi đạp xích-lô và vượt biên” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 174). Chiếc áo lính này đã được trưng bày tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Na-Uy nhân Ngày Kỷ Niệm Thuyền Nhân. Tâm chỉ đi lính chín tuần nhưng theo Tâm, chúng ta đã “nợ người lính Cộng Hòa. Họ đã lấy thân đỡ đạn cho các bạn ngồi trên ghế nhà trường, ngủ yên trong nhà ở thành phố mấy chục năm trời, mấy ngàn đêm ngày” (Lệnh Triệu Ban Rồi, trang 137).

“Lệnh Triệu Ban Rồi, thôi tôi đi đây” là thơ của Rabindranath Tagore (1861–1941) do Đỗ Khánh Hoan dịch. Tagore là người Bengale; ông là một triết gia, một thi-sĩ, văn-sĩ, nhạc-sĩ, và họa-sĩ. Năm 1913, Tagore là người không thuộc Âu-châu đầu tiên (the first non-European) giật giải Nobel Văn-chương. Tâm Thanh đã mượn câu thơ của Tagore để trối-trăn với vợ con, bạn bè; đây là dòng chữ cuối cùng Tâm Thanh viết cho những người thân-yêu của mình. Giuse Ngô Thanh Tâm đã theo Tagore ra đi vào ngày 9 tháng 4 năm 2015 nhưng Tâm Thanh vẫn mãi mãi ở lại trong lòng vợ, con, chị, em và bằng-hữu.

Trước khi bị ung-thư, Tâm rất săn-sóc sức-khỏe của mình. Anh ngồi thiền, tập tài-chí khí công được 20 năm. Tâm Hà ăn gạo lức, muối mè theo phương-pháp dưỡng-sinh của Triết gia Nhật-bản Ohsawa; Tâm Hà cũng ăn nhiều đậu hũ. Có lần vợ chồng tôi và Tâm Hà đi ăn cơm Việt-nam ở Virginia, Tâm rất ngạc-nhiên và thích-thú khi thấy nhà hàng có bán canh tôm đậu hũ nấu với lá hẹ. Tâm say-mê món ăn bình-dân, giản-dị này, ít động đũa tới những món thịt, cá cầu-kỳ khác. Khi Sœur Hiền từ Việt-nam sang Na-uy thăm các em, các cháu “cái vali chỉ có một bộ đồ, chỗ còn lại dành cho cái máy xay sữa [đậu nành] làm đậu hũ”.

“Anh-hùng thấm mệt”
(ngày gần cuối trong chuyến du-lịch Nhật Bản và Đại Hàn, 2014)

Căn bệnh nan-y của Tâm được chẩn bệnh vào năm 2012; Tâm thấy hay mệt, ăn không ngon, hay đau thắt ngang hông. Đi khám bác-sĩ mới biết bị ung-thư tụy-tạng (Pancreatic Cancer); tin xấu này đến trong Mùa Chúa Giáng-sinh 2012. Qua Tết Ta (Tết Qúy Tỵ, tháng 2 năm 2013) Tâm vượt qua được cuộc giải-phẫu nguy-hiểm Whipple (Whipple procedure hay còn gọi là pancreaticoduodenectomy). Giải-phẫu Whipple rất phức-tạp nhằm cắt bỏ phần đầu của tụy-tạng (the head of the pancreas), khúc đầu ruột non (duodenum), túi mật (gallbladder), và một khúc ống mật (bile duct). Phần còn lại của tụy-tạng, ruột non và ống mật được các bác-sĩ nối lại để bệnh-nhân có thể tiếp-tục tiêu-hóa thực-phẩm. Cuộc giải-phẫu Whipple của Tâm kéo dài hơn 7 giờ. “Bạn vừa chết bảy tiếng đồng hồ! Sống dậy, nhưng không biết có sống thật không.” Khoảng 25% bệnh-nhân hoặc chết trên bàn mồ Whippel hoặc chết chỉ sau đó ít lâu.

Cục u nằm ở đầu tụy-tạng của Tâm dài 1.5 cm; nó nằm ngay chỗ mấy giây thần-kinh giao nhau nên đau lắm. “đau nhói như chưa bao giờ đau như vậy. Cơn đau dữ dội nhưng ngắn gọn như đạn xuyên…Có lần đau đến nỗi không há miệng cầu cứu vợ được.” Đau như vậy nhưng Tâm lại tự an-ủi “Đó là cái may của bạn, vì nhờ đau, bệnh được phát giác kịp thời. Về phương diện thể lý, đau là một dấu hiệu cảnh báo nguy cơ, một cảnh báo rất tử tế của Tạo hóa. Cơ thể không biết đau có thể ví như chiếc xe hơi không có đèn báo thiếu nhớt, cạn dầu thắng, cứ chạy cho tới khi lao xuống vực thẳm.” Tôi có một kinh-nghiệm giống hệt lời ví rí-rỏm của Tâm về việc “cơ-thể không biết đau.” Tôi bị bệnh lở bao tử (stomach ulcer) mà không biết vì không đau; vết lở không nằm trong bao tử mà nằm ngoài cuống bao tử, chỗ ấy không có giây thần-kinh nào nên không đau. Khi tôi mệt qúa, nhà tôi đưa tôi vô nhà thương. Nằm chờ ở Phòng Cấp-cứu tôi thấy chóng mặt, khó chịu nên xin cô y-tá một cái gối nữa hy-vọng gối cao lên sẽ dễ chịu hơn. Cô ta chẩn mạch tim, đo “blood pressure,” gọi phòng thí-nghiệm đang thử máu của tôi rồi thay vì cho tôi thêm một cái gối nữa, cô ta lấy nốt cái gối tôi đang nằm. Thì ra tôi đã mất khoảng nửa số máu trong cơ-thể mà tôi không biết, cô y-tá sợ tôi không có đủ máu chạy lên não nên hạ thấp đầu tôi xuống trong khi đang tiếp máu cho tôi.

Sau giải-phẫu Whipple, Tâm tiếp tục chữa ung-thư tụy-tạng bằng chemotherapy (hóa trị) trong 6 tháng. Bệnh tình thấy thuyên-giảm đôi chút nhưng cuối năm 2013, Tâm bị pancreatitis (viêm tụy), lại vô nằm nhà thương. Khổ cho Tâm; phần lớn người ta hay bị pancreatitis trước khi bị pancreatic cancer. Chúa ơi! sao đôi khi Chúa thử thách chúng con qúa nặng nề! Trong bài giảng Lễ an táng Giuse Ngô Thanh Tâm, Đức Ông (Monsignor) Huỳnh Tấn Hải, người đã quen biết Tâm 33 năm, cho hay Anh ngưỡng mộ giáo lý từ bi và giải thoát của Nhà Phật. Anh quí trọng nền lễ giáo của thầy Khổng Tử, lối sống phóng đạt, siêu thoát của Lão Tử, nhưng anh luôn bám chặt niềm tin cứu độ của Kitô giáo. Và điều này không dễ dàng.” Đã có lần qúa thất-vọng, Tâm có phần than trách Chúa.” Từ Đại Hàn, Tâm đã viết cho Đức Ông “Con ở tại một khách sạn sát cạnh một nhà thờ, con ngẫm nghĩ tinh thần Kitô giáo có thể chuyển hoá cả một quốc gia Đại Hàn, thì sao không đem lại bình an cho tâm hồn và thể xác bé mọn của con.”

Vì Tâm yếu sức hầu như không chịu đựng nổi chemotherapy nên bác-sĩ cho Tâm nghỉ ít ngày và khuyến-khích Tâm Hà đi du-lịch cho khuây-khỏa. Từ lâu Tâm Hà vẫn muốn đi thăm Nhật Bản vào mùa hoa Anh Đào. Tâm Hà đã mua vé năm 2011 nhưng Nhật bị động đất nên chuyến đi phải hủy-bỏ. Được phép của bác-sĩ, Tâm Hà vui-vẻ đi thăm Nhật Bản và Đại Hàn. Tâm thích chuyến du-lịch này lắm, Tâm chụp nhiều hình và làm video “HOA ĐÀO” dài 50 phút; video có nhiều hình đẹp, nhạc rất hay. Tâm giới-thiệu nước Nhật: “Không thấy đâu một cọng rác trừ những cánh hoa đào rơi.”

Hoa Đào Nhật Bản (Tâm chụp năm 2014)

Một điều tôi vẫn tiếc là đã không đi với Tâm Hà sang Nhật bởi vì cùng lúc ấy Nhà Tôi đã ghi tên đi Machu Picchu (Peru). Lúc ấy dù tôi có bỏ “tour” Machu Picchu thì cũng không mua được vé đi Nhật với Tâm Hà vì họ đã “sold out.” Tâm an-ủi tôi: “Nếu đi Nhật về, chữa bệnh tiếp mà bớt thì chúng tôi thoáng nghĩ hai cặp chúng ta đi BHUTAN (nước Phật hiền hòa) với nhau.” Tâm ơi! Mộng ước bốn đứa mình đứng dưới chân núi Hi-Mã-Lạp-Sơn hay đi thuyền trên sông Seine (Paris) thay vì dòng sông Trương Minh Giảng đen ngòm không bao giờ thành!

Tâm Hà thăm Đền Thần Đạo Itsukusima Shrine, Hiroshima (Nhật Bản 2014)

Đi Nhật về Tâm bị đau 3 ngày rồi sau đó ra vào bệnh-viện liên-miên để chemotherapy, radiation therapy (quang trị), và truyền máu…Thường Chị Khánh Hà cũng ở luôn trong bệnh viện để săn-sóc chồng. Khi không chữa thuốc Tây, Tâm Hà đã thử dùng đủ mọi loại thuốc thiên-nhiên như lá đu đủ, măng tây, mãng cầu, nghệ, fucoidan, trái khổ qua.. Tôi và Nguyễn Minh Triết (CH 2) rủ Tâm Hà dự Đại Hội Liên Khóa CSV/QGHC ở Houston năm 2014 nhưng Tâm không dám đi, Tâm than có lẽ tôi phải bỏ giấc mộng giang hồ vặt để chuẩn bị cho một chuyến đi lớn cuối cùng.” Chuyến đi lớn cuối cùng này đã xảy ra vào ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trong ngày đau-buồn này, Cao-học Hành-chánh 2 mất hai người bạn thân-thương: Ngô Thanh Tâm mất ở Na-Uy, Nguyễn Ngọc Diệp mất ở California, Hoa-kỳ.

Tâm đã bỏ chị Khánh Hà, các cháu Tiêu Dao, Như Thủy, Camillia; Tâm đã bỏ chúng ta đi về “Bên Kia,” Tâm đi một mình, cô-độc. Nguyện xin Chúa Nhân-từ, qua lời cầu bầu của Mẹ Maria, sớm đưa linh-hồn Giuse Ngô Thanh Tâm về hưởng Nhan Thánh Chúa, sớm cho Tâm được gặp lại Ba Mẹ và Anh Ngô Đức Lưu. May God hold you in the palm of his hand.

Khi không còn anh

Em phải đi bằng đôi chân của mình

Trong mùa đông giá lạnh

Bàn tay em không người sưởi ấm

(Khánh Hà , Khi không còn anh)

Mới ngày trước, Bàn tay em không người sưởi ấm” này đã cầm chặt tay Tâm để “con đau nó bò sang em.”

Sau đây là một số truyện ngắn và bài viết của Tâm Thanh. Gọi là một “Tuyển Tập” thì không đúng hẳn nhưng đây là một sưu-tập những bài của Tâm Thanh đang có sẵn trên “internet”. Cách đây ít lâu, bạn Lê Qúy Đính (ĐS 10 / CH 3) “posted” truyện ngắn “Trích tiên” của Tâm Thanh trên Diễn-đàn Khóa 10 và nhiều bạn của Tâm Thanh muốn xem thêm truyện của Tâm. Tôi có một số sách truyện của Tâm và thơ của Khánh Hà (CH 3) nhưng đều là “sách;” khó gửi luân-lưu cho bạn bè. Tôi tìm trên “internet” thấy có một số truyện ngắn của Tâm Thanh nên góp lại đây để chuyển cho các bạn. Ngoại trừ bức thư của Tâm tôi cố ý để cuối cùng, những truyện khác tôi không xếp theo một thứ tự nào; gặp truyện nào của Tâm ở trên mạng là tôi mừng hú, “copy” ngay; tôi biết còn sót nhiều truyện. Tôi trân-trọng cám-ơn những diễn-đàn, đặc-san đã in truyện / bài của Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm mà tôi đã sao in trong sưu-tập này; tôi xin lỗi qúy vị vì tôi không xin phép trước.

 

Hoa Đào Khánh Hà và Hoa Đào Nhật Bản của Tâm (2014)

Truyện / Bài                                        Trang                 Nguồn

  1. Thiên nga giữa cõi người                    17                    http://phamtinanninh.com/
  2. Nén hương nhớ mẹ                             23                    https://vnthuquan.net/
  3. Cổ Thành (truyện Tâm Thanh)            29                    http://phamtinanninh.com/
  4. Cổ Thành (thơ Khánh Hà)                  40                    http://phamtinanninh.com/
  5. Đám mây bên kia hồ Mjøsa                42                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  6. Chân dung một cô gái Việt-Nam        50                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  7. Ngôn Ngoại                                        56                    https://quocgiahanhchanhmd.com/
  8. Chiêu hồi ngôn từ                               65                    https://www.diendantheky.net/
  9. Nụ cười Xã Hội Chủ Nghĩa                78                    https://tiengthongreo.blogspot.com/
  10. Trích tiên                                             79                    https://vietmessenger.com
  11. Lụa bạch                                             94                    https://www.luanhoan.net
  12. Di ngôn lạ                                           109                  https://www.luanhoan.net
  13. Hương xưa                                          119                  https://www.luanhoan.net
  14. Bàn tay                                                128                  https://www.luanhoan.net
  15. Chó và người giữa Hà-Nội                 133                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  16. Nhà sư dắt con                                    138                  https://tiengthongreo.blogspot.com/
  17. Túp lều của chị tôi                               143                  https://buonmathuot.org/content.php
  18. Con bọ mắt                                         151                  https://www.diendantheky.net/
  19. Mai sau kiếp khác                               155                  https://www.diendantheky.net/
  20. Thiên Hương về trời                           168                  http://www.hocxa.com
  21. Gỗ thức trên rừng                               177                  http://www.hocxa.com
  22. Tên người yêu                                     190                  https://www.diendantheky.net/
  23. Phấn thông                                          197                  https://www.diendantheky.net/
  24. Hỏi vườn dâu đâu giòng nước cũ       206                  https://www.diendantheky.net/
  25. Mùi trần                                              216                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  26. Trái mùa                                              224                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  27. Em gái tôi và con dê đen                    231                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  28. Qùa cho em                                         238                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  29. Cuốn Luận Văn                                  242                  Kỷ Yếu QGHC 1952-1975 (xb 1999)
  30. Anh tôi                                                245                  Đặc-san “Nửa Thế Kỷ Hội Ngộ”
  31. Giáng phước                                       248                  Nhà văn Phạm Tín An Ninh gửi
  32. Đọc thơ người nhà                              253                  https://www.luanhoan.net
  33. Câu truyện hay nhất thế giới              256                  http://www.hocxa.com
  34. Bức Thư của Nhà Văn Tâm Thanh     263                  http://www.hocxa.com

Tuyển tập này dài 264 trang nên không tiện “layout” để đăng trên Diễn-đàn Hội Cựu Sinh Viên Quốc-Gia Hành-Chánh Miền Đông. Bởi vậy tôi chỉ đăng bài “Nhà Văn Tâm Thanh” để giới-thiệu tác-gỉa. Độc-giả xin theo “nguồn” mà tôi ghi trên để tìm đọc truyện, bài của Tâm trên mạng; tiện dịp mời qúy vị ghé thăm một số diễn-đàn văn-nghệ, diễn-đàn hội ái-hữu của người Việt mình. Ngoài truyện của Tâm Thanh, quý vị sẽ có dịp thưởng thức các truyện, bài, tin-tức khác trên các diễn-đàn này. Tuy nhiên nếu độc-giả nào muốn có toàn bộ tuyển tập này xin “email” cho tôi, tôi sẽ gửi đến quý vị.

Hy-vọng qúy vị “enjoy” sưu-tập này. Hãy thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ người bạn Tâm Thanh Ngô Thanh Tâm thân-thương của chúng ta.

Một người bạn cũ của Tâm
Đặng Quốc Tuấn
(ĐS 10 / CH 2)
Ngày cuối năm 2020
Dr.MichaelDang@gmail.com

Vợ chồng Ngô Thanh Tâm & Khánh Hà và vợ chồng Thu-Cảnh & Đặng Quốc Tuấn Đại-hội CSV/QGHC Washington, D.C. 1999 (Ảnh do Cố Huynh-trưởng Châu Kim Nhân chụp)

 

Views: 1105

Posted in sach bao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *