Hội CSV QGHC Miền Đông Hoa Kỳ
Nhìn lại một giai đoạn lịch sử, năm 1963 Giáo sư Nguyễn Văn Bông chấp nhận lời mời của chính phủ về nước, giáo sư dạy môn luật hiến pháp và khoa học chính trị tại Đại học Luật Khoa Sài Gòn và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh qua các giai đoạn sau:
- 1964-1971: Giáo Sư Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh.
- 1966-1971: Phó Khoa Trưởng trường Đại Học Luật Khoa, Saigon
- 1968-1971: Sáng lập viên kiêm Chủ Tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, Chủ Nhiệm báo Cấp Tiến, Nguyệt San Cấp Tiến.
- Ngày 25 tháng 11 năm 1968: Một quả bom phát nổ cạnh phòng làm việc của giáo sư tại tầng hai Học viện Quốc Gia Hành chánh. Giáo sư thoát nạn.
- Ngày 09/11/1971: Giáo sư chấp nhận chức vụ Thủ Tướng dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
- Ngày 10/11/1971: Giáo sư bị ám sát tại ngã tư đường Cao Thắng – Phan Thanh Giản. Giáo Sư vĩnh viễn ra đi lúc 42 tuổi.
Tư Tưởng của Giáo sư Nguyễn Văn Bông: Tri Hành
Tưởng niệm Giáo sư Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, chúng tôi xin nhìn lại những hoạt động của Giáo Sư trong tư tưởng của một người Thầy, một chính trị gia, một nhà hoạt động chính trị trong các vấn đề xây dựng và phát triển Miền Nam Việt Nam.
Giáo sư đã nói ra rất rõ ràng:
1) Lý tưởng dân chủ pháp trị:
Lý tưởng này được Giáo sư đưa ra từ năm 1963 – vào ngày 1/8/1963 khai giảng niên khóa 1963-1964 của trường Đại Học Luật Khoa. Giáo sư đã đăng đàn giảng thuyết với đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ”. Đề tài cấm kỵ trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Giáo sư đã can đảm nói lên tiếng nói chính trị đối lập trong sinh hoạt chính trị đương thời nên đã gây được nhiều tiếng vang trên chính trường nhứt là kêu gọi thực thi một chế độ dân chủ với sự cho phép hình thành các lực lượng đối lập chính trị, hoạt động tự do và công khai.
2) Thành Lập Đảng Chính Trị Đối Lập:
Cuối năm 1968, khi qui chế chánh đảng vừa được ban hành, Giáo sư cùng với Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đứng ra vận động thành lập một tổ chức chánh trị lấy tên là Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Giáo sư là chủ nhiệm tờ báo Cấp Tiến, Nguyệt San Cấp Tiến – cơ quan ngôn luận của Phong trào và chính GS Bông, trong các bài viết đăng trên mục lập trưòng hay quan điểm, luôn kêu gọi dân sự hóa guồng máy công quyền. Phong Trào là một một lực lượng chính trị – dân biểu Khối Cấp Tiến – trong Quốc Hội . Phong trào đã lôi cuốn một số đông các cựu sinh viên Học Viện QGHC trong đó có các dân biểu như Trương vi Trí, Nguyễn văn Quí, Nguyễn văn Tiết.
3) Tham Gia vào Cải Cách Hành Chánh
Vào khoảng năm 1969-1970, chính quyền đương thời muốn thực hiện một sự cải cách hành chánh rộng lớn trong guồng máy hành chánh từ trung ương xuống địa phương, nên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã mời GS Bông – GS Bông đồng ý giữ chức Đồng Chủ Tịch với Tổng Thống Thiệu trong Hội Đồng Cải Cách Hành Chánh Trung Ương.
4) Tham Chính:
Giáo sư Nguyễn Văn Bông đã đem tâm huyết thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến để đem lý tưởng của mình ra “Tri Hành” mong đưa dân tộc Việt qua khúc quanh lịch sử để cùng sống còn với chế độ Cộng sản Bắc Việt độc tài đảng trị. Trong đầu tuần tháng 10 năm 1971, tin Giáo sư được mời ra tham chính thành lập nội các với vai trò “Thủ Tướng” thì đảng Cộng sản đã hay tin và ra tay trước triệt hạ. Chúng biết uy tín của Giáo sư – một nhà lãnh đạo chính trị tại miền Nam – có nhiều triển vọng sẽ đối đầu bất lợi trên chính trường quốc nội và quốc tế trong tương lai.
Mất GS Bông, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và trường Luật mất đi một vị giáo sư ưu tú, một người thầy tận tụy, một ân sư của lớp sinh viên trong giai đoạn này. Phong Trào QGCT cũng mất đi một lãnh tụ quan trọng, thu phục cảm tình quần chúng, được giới thanh thiếu niên cùng giới trí thức trẻ tâm phục. Miền Nam mất đi một chính khách có uy tín trên chính trường quốc nội và quốc tế để xây dựng một Miền Nam Độc Lập – Tự Do – Tiến Bộ.
5) Phát Triển Học Viện QGHC:
Trong thời gian này (1963-1971), Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đã được nhiều uy tín với các đại học bạn, hơn nữa Học Viện đang tiến ngang tầm với các nước tiên tiến. Học Viện đã đào tạo hàng ngàn cán bộ hành chánh ưu tú hỗ trợ cho việc xây dựng, kiến thiết nền hành chánh quốc gia qua các điểm chính sau:
- Lập Ban Cao Học: Học viện đã phát triển không ngừng, ngoài Ban Tham Sư, Ban Đốc Sự, GS cho mở thêm Ban Cao Học với thêm nhiều ngành như ngoại giao và thẩm tra kế toán, để đào tạo một thế hệ cán bộ hành chánh dấn thân có trình độ hiểu biết về tình hình chánh trị ở trong nước cũng như trên thế giới.
- Thể lệ chọn nhiệm sở cho các sinh viên tốt nghiệp: Để công bình và khuyến khích các sinh viên chuyên tâm học hành, thể lệ mới ấn định các sinh viên được chọn nhiệm sở theo thứ tự kỳ thi tốt nghiệp .
- Tăng cường chương trình đào tạo giáo sư cho Học Viện: Tạo ra thể lệ sinh viên thủ khoa các khóa Đốc Sự và Cao Học được học bổng du học tại các đại học Mỹ để lấy bằng tiến sĩ . Nhờ thể lệ nầy, số giáo sư trẻ của Học Viện được tăng cường rất đáng kể.
- Tham gia các sinh hoạt của các CSV: điển hình là hình chụp buổi đá banh giao hữu trong giải chung kết sinh viên Liên khóa Sàigòn 1963-1964.
Thay Lời Kết:
Sau cùng, trong cái nhìn của người cựu sinh viên QGHC, một cán bộ Quốc gia, một công dân của Việt Nam Cộng Hòa, chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi thương tiếc Giáo sư Nguyễn Văn Bông qua bốn câu thơ trích từ bài thơ Chiến Sĩ Vô Danh của Giáo sư Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy, người đồng chí của cố GS Nguyễn Văn Bông:
“Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,
Cưỡi hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.”
Một lần nữa, năm nay, ngày 10 tháng 11 là lần giỗ thứ 50, Hội CSV QGHC Miền Đông xin được ghi lại những hình ảnh trong các sinh hoạt của Hội để “Tưởng Niệm Giáo Sư Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông – 50 Năm Nhìn Lại “.
Xin mời xem video:
Hội CSV QGHC Miền Đông Hoa Kỳ
Views: 174