Tiếng Anh Ở Mỹ

Truyện vui Phạm Thành Châu

Người đời thường “Tốt khoe, xấu che”, hắn thì xin kể mấy cái dốt của mình để bạn, đọc giải trí. Một thứ dốt tầm thường chứ chẳng văn chương, triết lý gì đáng để hắn làm bộ “Khiêm nhưòng cũng là cách tự cao”. Đó là dốt tiếng Anh của hắn.

Trước khi nói về tiếng Anh ở Mỹ, xin có mấy dòng về tiếng Anh của hắn khi còn ở Việt Nam. Nói đúng ra, cái dốt tiếng Anh của hắn kéo dài từ Việt Nam qua đến Mỹ, cho đến cả chục năm sau, dốt vẫn hoàn dốt! Chuyện nầy vắn tắt thôi, sau đó là những chuyện vui để bạn đọc giết thì giờ.

Sau khi tốt nghiệp trung học, khoảng thập niên 1960, hắn vào Sài Gòn để theo nghiệp đèn sách. Việc đầu tiên của một cậu học trò du học (nội địa) là phải tìm việc làm để sống. Lúc đó, đài phát thanh ra thông cáo. Nha Viễn Thông Bộ Nội Vụ VNCH. tuyển chuyên viên sửa chữa máy viễn thông, sẽ được huấn luyện trong 9 tháng sau đó được học thêm tiếng Anh (6 tháng nữa) để qua Mỹ học về máy truyền tin mới, sẽ viện trợ cho Việt Nam. Các bài học tiếng Anh chuyên môn, nếu dịch ra tiếng Việt cũng ít người biết rõ, như “biến điệu biên độ, biến điệu tần số, chùm tia, cộng hưởng, cảm ứng điện từ…” Sau hai khóa học tiếng Anh về chuyên môn, (trong lúc chờ đợi du học Mỹ), hắn được điều về khu Viễn Thông Biên Hòa để sửa chữa máy viễn thông của các tỉnh thuộc vùng 3 Chiến Thuật VNCH (Biên Hòa, Phước Long, Long Khánh, Bình Long, Hậu Nghĩa…)             Khu Viễn Thông Biên Hòa, là một tòa nhà hai tầng nằm trong thành phố Biên Hòa, gần bờ sông Đồng Nai. Trên lầu là chỗ để máy Teletype và chỗ là việc của một cố vấn Mỹ, thỉnh thoảng từ Sài gòn lên một buổi rồi đi. Tuy trong khu viễn thông có nhiều chuyên viên nhưng họ là thợ sửa radio ngoài đời tuyển vô, nên chỉ mình hắn biết chút ít về tiếng Anh (về viễn thông) nên hắn thường cùng với các chuyên viên Philippines đi thiết trí trụ antenna, sửa chữa các máy viễn thông trong vùng 3 chiến thuật. Hắn còn phải  làm thông dịch cho mấy cậu Philippines nầy với chính quyền địa phương. Những tưởng với chút vốn tiếng Anh đó, khi qua Mỹ hắn sẽ được dễ dàng phần nào trong giao tiếp với người bản xứ. Không ngờ mấy cậu Philippines nầy nói tiếng Anh theo giọng Spanish, như mấy cậu Mễ ở Mỹ, cứ nhấn mạnh tiếng nào có chữ “r” “năm bờ rờ, pho rờ” (number four) còn thêm tiếng Tagalog (tiếng mẹ đẻ của người Philippine), làm hắn muốn điên cái đầu.

Có một chuyện vui về anh chàng cố vấn Mỹ của nha Viễn Thông, Bộ Nội Vụ. Anh ta thỉnh thoảng từ Sài Gòn lên khu Viễn Thông Biên Hòa, làm việc trên lầu Nhân viên thường lên đó làm việc, đôi khi bình luận vui về anh chàng cố vấn Mỹ nầy, anh ta tỉnh bơ như người điếc nặng. Vậy mà, một buổi chiều thứ sáu, hắn xin quá giang xe anh ta về Sài Gòn. Trên xa lộ, trời mưa mà anh ta lái chạy ào ào. Lúc đó, có một chiếc xe đò Traction đen cứ chàng ràng trước xe khiến anh ta bực mình. Lúc qua mặt, anh ta thò đầu ra chửi thề ông tài xế “ĐM. mầy! Mầy chạy kiểu gì vậy?”. Hắn về nha Viễn Thông kể lại, ai cũng cười bảo “CIA thứ dữ đó! Nghe tiếng Việt tài lắm! Phiden Castro treo giá cái đầu anh ta một triệu Mỹ kim” (nước Cu Ba nghèo, thời giá đó là rất lớn).

Sau hơn hai năm làm việc với toán chuyên viên Philippines, thì có tin, việc đi Mỹ du học bị bãi bỏ. Cả bọn tan hàng, đứa thì vô Hải quân, Không quân, Võ bị Đa Lạt… Hắn thi vào trường Hành Chánh, hành nghề cạo giấy (công chức).

Bây giờ kể qua chuyện miền Nam bị Bắc thuộc năm 1975, hắn đi tù khổ sai hơn sáu năm. Khoảng thập niên 1990, hắn cùng gia đình qua Mỹ theo chương trình HO.

Trong lúc được trợ cấp xã hội, hắn đi kiếm việc làm. Một người bạn (Vũ bá Hoan) giới thiệu hắn đến một văn phòng, gặp người phỏng vấn. Sau vài câu hỏi vớ vẩn về gia đình, tuổi tác… bà người Mỹ hỏi hắn “Có xe đi làm không?” Hắn trả lời “Có!” Rồi bà hỏi tiếp “How about your “mêphs?” Bà ta nói nhanh nên hắn nghĩ đó là chữ “map” (bản đồ. Lái xe thì phải biết đường đi, phải có bản đồ) Nên hắn trả lời “Rất tiếc. Tôi không biết gì về map (bản đồ)!” Bà ta lắc đầu. Hóa ra đó là chữ Maths. (Mathematics, toán) Như thế hắn đã trả lời là không biết gì về toán học! Nếu viết lên giấy thì mọi chuyện sẽ dễ dàng, nhưng họ cần người nghe và trả lời trong công việc. Một lần khác, đến xin việc ở một cây xăng, hắn gặp may. Ông chủ cây xăng hỏi linh tinh vài chuyện. Nghe hắn mới đến Mỹ, ông ta bỏ ra một nắm bạc cắc (coins) gồm quarters, dimes, nickels,  pennies… và bảo “Sắp lại thành mỗi đô la riêng xem sao?” Hắn loay hoay một lúc thì làm được. Từ đó, hắn làm nghề bán xăng (cashier) cho đến khi về hưu.

Ở Mỹ lúc nào cũng có các lớp tiếng Anh ESL (English as a Second Language), học buổi tối, hoàn toàn miễn phí, có bà không chịu học, đi đâu dẫn con theo, nhờ nó thông dịch. Cũng có ông không cho vợ đi học tiếng Anh, đó là những ông già về Việt Nam cưới vợ trẻ, đem qua Mỹ, nhốt trong nhà, sợ sổng ra, nó theo trai! (mà nó theo trai thiệt!). Hắn có ông bạn (P.Đ.Th.), khi còn ở Việt Nam, chuyên dịch những sách tiếng Anh cao cấp như khoa học, kỹ thuật, âm nhạc, kiến trúc… Anh ta còn ra sách “Tiếng Anh Đàm Thoại”, bán đắc như tôm tươi, vậy mà khi qua Mỹ, đi xin việc, anh ta thú nhận với hắn rằng “Con Mỹ phỏng vấn chỉ mới hỏi một câu đầu tiên là tao té ngửa, bò càng. Tao không hiểu gì cả!”. Một ông, lớn tuổi, kể. Ông ta đến trường cộng đồng ghi tên học tiếng Mỹ. Để xếp lớp, học viên phải viết một bài ngắn bằng tiếng Anh, rồi nghe (A, B, C quẹt) cũng bằng tiếng Anh để xem trình độ. Sau đó, mọi người đều có giấy gọi đi học, riêng anh ta thì không. Bèn đến trường hỏi. Nhà trường giải thích rằng. Bài viết bằng tiếng Anh của anh ta quá hay nhưng khi nghe máy thì chẳng trả lời được gì cả. Trường không biết phải xếp anh ta vào lớp học nào? Nghe nói, ông Nguyễn Hiến Lê, nổi tiếng dịch sách Anh, Tây, Tàu. Có một tác giả Mỹ, đến thăm, phải bút đàm, vì nghe không hiểu, nói không được. Một ông khác người gốc Hungary, đã tốt nghiệp đại học về tâm lý và hành nghề trong nước (Hung) rồi. Giữa năm 1970, gia đình được sang Mỹ sống đời tị nạn, ông lấy lại bằng cao học tâm lý và may mắn tìm ngay được việc làm nhưng năm nào người ta cũng buộc ông ta phải theo học mãi mấy lớp (nghe, đọc, nói tiếng Mỹ) nầy từ năm, sáu năm nay rồi, với lý do là ông vẫn nói “sượng” tiếng Mỹ nên bệnh nhân đa số không chịu thổ lộ tâm sự của họ. Trên TV, đôi khi người Ấn Độ nói tiếng Anh phải có phụ đề tiếng Anh, người Mỹ mới hiểu.

Hóa ra, đọc và viết ngoại ngữ là một việc, nghe và nói lại là một việc khác. Nếu (ở quê nhà) học tiếng Anh theo như sách vở mà không đàm thoại, sẽ lâm vào tình trạng sau đây. Khi người đối diện hỏi một câu tiếng Anh. Câu đó sẽ hiện ra trong trí của người nghe, tự giải nghĩa, khi hiểu rồi mới xuất hiện câu trả lời để (đọc) cho người kia biết! Đó là thất bại của người không có dịp thực hành.

Những đứa trẻ Việt Nam, lớn lên ở Mỹ, tiếp xúc thường xuyên với bạn bè người bản xứ ở lớp học, ngoài xã hội, chúng nói y chang dân Mỹ. Chúng nói nhanh, đôi khi cha mẹ không hiểu! Người Mỹ đen, ở Mỹ đã mấy đời, nói tiếng Anh, giọng vẫn khác Mỹ trắng! Nghe radio, giọng Mỹ đen biết liền.

Hắn không có khiếu về nghe và nói. Ngay trong tiếng Việt, hắn viết được chút đỉnh, nhưng khi nói (tiếng Việt) lại không thành câu, ngọng nghịu như người mất lưỡi! Thời trước, có giáo sư Phan Thiện Giới, cũng bị “bịnh” ấy. khi giảng bài thì cứ lắp bắp, nhưng có đọc các bài viết của giáo sư mới biết ông ta rất giỏi. (Hắn không có ý so sánh mình với giáo sư Phan Thiện Giới)

Xin kể vài cái dốt của hắn trong tiếng Anh cho bạn nghe chơi. Một lần, (là cashier) hắn gọi cho một khách hàng, báo tin “Your credit card is expired” Bà khách “What?” liền. Rõ ràng, giấy tờ nào cũng ghi Expired là hết hạn. Hóa ra, chữ đó để chỉ cái chết. Phải dùng expiration date. Một lần khác, hắn gọi đến trường xin phép cho thằng con nghỉ bịnh. Hắn nói “My son is sick” Cô ta “Happy birthday…” Chúc mừng sinh nhật con mầy (six years old)” Đúng ra phải nói get sick (bịnh). Nhiều ông lớn tuổi, thời trẻ, có học Pháp văn. Qua Mỹ, biết được nhiều chữ hơi giống tiếng Pháp rồi đọc thành tiếng Pháp! Kinh nghiệm, trong giao tiếp có câu chào “How are you?” (Ông (bà) mạnh khỏe không?). Một bà Việt Nam, đi làm, người ta hỏi vậy, bà ta bảo rằng có đau đầu hoặc mất ngủ gì đó. Ít lâu sau người ta cho nghỉ việc (bịnh hoài!). Thực ra đó là câu xã giao thôi. Mình có sắp chết cũng chỉ nên trả lời “I am fine. Thank you!”.                                                                          Sau đây là vài chuyện vui về tiếng Anh.

Ở Mỹ, nhiều người (Mỹ) có con được nhà trường gửi về nhà giấy khen học giỏi. Cha mẹ thường dán cản sau xe mình sticker câu “My son is honor student at X. school” Có người (có lẽ con không học giỏi), dán sau xe mình câu “Your son is an honor student, but my son can beat the shit out of your son” (Con ông học giỏi, nhưng con tôi có thể đánh con ông vãi cứt) hoặc “Your kid may be an honor student, but you are still an idiot” (Con ông có thể là học sinh danh dự nhưng ông vẫn là thằng ngu xuẩn). Có người dán ở cản xe câu “My Westie is smarter than your honor student” (Westie, (là tên con mèo, con chó gì đó), thông minh hơn đứa học giỏi của mầy).

Ở Tiệp Khắc, trước một văn phòng du lịch có câu “Take one of our horse driven city tours. We guarantee no miscarriages” (Ý nói, mời khách du lịch thành phố bằng xe ngựa, không bao giờ lỡ xe. Nhưng chữ “miscarriage” là sẩy thai. Chữ lỡ xe là “miss the carriage”). Một khách sạn ở Bắc Kinh có câu tiếng Anh “The manager passed the water” (Quản lý đã đái…) Ý muốn nói “Quản lý xác nhận là nước (sạch) đạt tiêu chuẩn”.

Bây giờ qua chuyện bên Tàu. Người Việt mình nhờ dùng chữ La tinh nên các danh từ riêng (tên người, địa danh…) của Âu Mỹ có thể phiên âm dễ dàng hoặc để nguyên ta vẫn đọc được. Nhưng người Tàu phiên dịch tiếng Anh theo chữ Hán, kiểu Montesquieu, mình đọc theo chữ Nho (Hán-Việt) thành “Mạnh Đức Tư Cưu”, Washington thành “Hoa Thịnh Đốn” rất khó hiểu!

Sau đây mời bạn đọc một bản tin chữ Tàu được chuyển qua  tiếng Việt bằng tiếng Phổ thông. Để bạn thấy được cái rắc rối là tại sao một danh từ riêng của tiếng Tây, tiếng Mỹ lại biến dạng thành tiếng Việt mà khi đọc lên người Âu, Mỹ cũng mù tịt? Và người Việt cứ theo tiếng Tàu mà đọc, qua lối chữ Nôm (?), cũng không biết tên thật Mạnh Đức Tư Cưu hay Hoa Thịnh Đốn gốc tiếng Tây, tiếng Mỹ là gì?

Ví dụ tiếng Mạnh Đức Tư Cư u? Đâu ra?

Nó đây! Montesquieu  孟德斯鳩 Mengdesijiu.                       

Còn Hoa Thịnh Đốn? Có ngay! Washington  華盛頓 Huashengdun.                                 

          Sau đây là một bản tin của chú Ba (tàu), không ghi ngày tháng nào, được chúng tôi sưu tầm, đối chiếu để bạn đọc “Điên Cái Đầu” chơi! (Cám ơn “ông đồ trẻ” Nguyễn Thụy Đan đã giúp đỡ)

Thượng nghị sĩ Ước Hàn Khắc Lý (John Kerry) 約翰克里 Yuehan Keli của tiểu bang Mã Tát Chư Tắc (Massachussetts) 麻薩諸塞 Masazhusei  có thể ra tranh cử tổng thống vào năm 2008. Ông bắt đầu vận động từ tỉnh nhà là Ba Thổ Đốn (Boston) 波士頓 Poshidun. Ông Ước Hàn Khắc Lý học tại đại học Da Lỗ (Yale) 耶魯 Yelu.

Tổng thống Kiều Thị Bố Thập (George Bush), 喬治布什 Qiaozhi Bushi có vợ là Lao Lạp Bố Thập (Laura Bush), 勞拉布什 Laola Bushi, cũng học ở Da Lỗ, và học cao học ở đại học Cáp Phật (Harvard). Ông Bố Thập (Bush) ở tiểu bang Đắc Khắc Tát Tư (Texas), lên làm tổng thống năm 2.000, sau khi ông Khắc Lâm Đốn (Clinton), 克林頓 Kelindun rời chính trường. Ông Bố Thập mất nhiều đồng minh trong cuộc chiến tại Y Lạp Khắc (Iraq) 伊拉克 Yilake.

Thủ tướng Anh, Bố Lai Nhĩ (Blair) 布萊爾 Bulaier, Khắc-lâm-đốn 克林頓 Kelindun cũng không tán thành lập trường của ông Bố Thập, nhất là sau vụ tấn công Phí Lư Kiệt (Falluja) 費盧傑 Feilujie

Tình cờ tôi tìm thấy trên Internet một bản văn của một bác sĩ Việt viết tiếng Việt, hướng dẫn điều trị cho đồng hương, vì sợ họ không rành tiếng Mỹ. Đáng lẽ, chỉ nhờ người nào đó dịch ra tiếng Việt từ tiếng Anh là xong, nhưng anh ta, vì tự tin ở trình độ tiếng Việt (level: Cái book nó té!) của mình, đã tra tự điển và cứ thế mà điền vào.

Mời bạn thử làm thầy bói, đoán xem vị bác sĩ muốn nói gì?

 

Phạm Thành Châu

 

Views: 24

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *