Thư Gửi Bạn Hiền Đỗ Tiến Đức Nhân Đọc “Tập Truyện Nguyệt Thực”

Nguyễn đắc Điều

Ông,
Tôi mới vừa đọc xong tập truyện ngắn Nguyệt thực của ông. Nói một cách công tâm, ông chọn truyện và xếp thứ tự các truyện trong tuyển tập này rất tinh tế, khá “bài bản”.

Truyện Hậu Trường như là kéo cánh màn nhung một rạp hát để giới thiệu tổng quát cuộc đời mà mỗi người được thủ một vai diễn trong hý trường. Ông viết ra những cuộc đời tiêu biểu qua đời sống thực của các nhân vật, có nhiều sự thực mà chính tôi cũng không tưởng tượng là có thể xảy ra trên cõi đời này. Nhưng ông lại cho đó chỉ mới là một phần của sự thật và tất cả các sự thật trên đời này đã bị che phủ bởi nguyệt thực. Không biết có phải đó là lý do mà ông đã xếp truyện Nguyệt Thực vào phần chót để “đóng màn nhung” cho tập truyện, và cũng để nhấn mạnh những sự kiện độc giả đã đọc qua các truyện trước, cho dù có “ghê gớm ngoài luồng” đến đâu thì mới chỉ là một phần của sự thật Hậu Trường đời thường.
Cho nên thú thật với ông, khi đọc tôi thấy tình đời sao mà thảm quá!!!, Tuy nhiên nhiều lúc cũng thấy “đã quá” ấy chứ!!!

Hậu Trường là câu chuyện vượt biên và định cư của diễn viên cải lương Vĩnh Hảo đã “có duyên” sống chung tại trại tỵ nạn Bidong cùng với bà Hòa và người con gái 14 tuổi tên Tâm. Bà Hòa chết vì đẻ khó trong điều kiện thiếu phương tiện y tế của trại tỵ nạn, nhưng nguyên nhân chính là tham nhũng. Trong khi chung sống tại trại tỵ nạn một tình cảm luyến ái đã xẩy ra giữa kép Vĩnh Hảo và bà Hòa và sau đó là tình phụ tử của diễn viên cải lương Vĩnh Hảo với cô Tâm. Trên đất tạm dung, ban ngày kép Vĩnh Hảo và cô Tâm sống trên danh nghĩa là bố con cùng nhau đi hát cải lương để kiếm sống đồng thời có cơ hội bộc lộ tình cảm luyến ái qua các trích đoạn cải lương Lương Sơn Bá –Chúc Anh Đài hay Chuyện tình Lan và Điệp; nhưng ban đêm, cô Tâm đã chủ động thủ vai người tình “quậy phá” kép Vĩnh Hảo. Ngược lại, kép Vĩnh Hảo cũng phải đóng vai “người hùng” nửa đường phải quay ngựa trở về để giữ được lời hứa với bà Hòa là sẽ săn sóc cô Tâm như con. Rồi… án mạng xẩy ra. Cô Tâm mang tội giết chồng Mỹ, kép Vĩnh Hảo quay trở về trại Bidong để sống lại với quá khứ và tự tìm lấy cái chết để mong hai linh hồn Vĩnh Hảo và Hòa chung sống an lành trong cuộc đời khác. Nhưng, thay vì đến với cái chết, tình đời cũng lắm chuyện trớ trêu, kép Vĩnh Hảo lại khám phá ra được tình yêu đích thực mà khi mải mê “đóng tuồng” ông đã không phân biệt được giữa Hậu Trường và cuộc đời. Một câu nói của bà Monique Nguyễn: “Cái con ngựa cái đó… à à… em xin lỗi, cái cô con gái đó không ngờ nó chơi ngon quá, phải không anh” đã đưa kép Vĩnh Hảo ngộ ra và tính chuyện quay trở về lại Mỹ.

Đoạn ông viết về cuộc đối thoại giữa ông Thầy sư, bà Monique Nguyễn và ông Vĩnh Hảo về việc trả giá cầu an cho bà Hòa thật tuyệt vời. Không biết ông Thầy đang đóng vai nhà sư hay kép Vĩnh Hảo từ bỏ vai Điệp để đóng vai người thường. Ai là Sư thật, ai là người đóng vai Sư. Thật đúng là Hậu Trường của cuộc đời!!!. Những đoạn đối thoại giữa bà Monique Nguyễn với kép Vĩnh Hỏa rất dí dỏm hài hước.

Gia đình ông vượt biên và đã tạm trú tại trại tỵ nạn Bidong, bà Phương Nga đã sinh cháu gái Phương Đông, mà tôi thường gọi cháu bằng cái tên thân mật Bi-đông, tại đây nên chắc hẳn ông có nhiều kỷ niệm và có lẽ ông đã xử dụng kinh nghiệm sống để làm chất liệu diễn tả mọi góc cạnh sinh hoạt của trại.

Tôi cứ thắc mắc một chi tiết nhỏ ông viết là người ta đã đem các xác chết cuộn trong poncho để dưới sân cờ trong trại gia binh, rồi gọi vợ con tử sĩ ra nhận xác. Thật sự có chuyện thê thảm đến thế sao!!! Trước cảnh tượng đó, làm sao con người còn có tinh thần để mà chiến đấu trong khi hàng ngày phải trông thấy xác chết của tử sĩ, của đồng đội của mình. Nếu đó là sự thật thì không biết các cơ quan Chiến tranh chính trị, Tâm lý chiến làm những công tác gì và ở đâu?

Nói thật lòng khi thấy ông dọn nhà từ Los Angeles xuống Nam Cali tôi cứ thắc mắc làm sao ông bỏ được căn nhà mà ông đã gắn bó có biết bao nhiêu là kỷ niệm của hơn 30 năm qua khi ông từ trại Bidong qua Mỹ: này là khóm hồng, này là dàn hoa thiên lý cho tới hồ sen do chính ông xây “cho nàng rửa chân”, đó chính là nơi ông chụp hình bà Phương Nga để làm bìa cho cuốn truyện “Vầng trăng trong mưa” do Thời Luận ấn hành năm 1993. Căn nhà đó là nơi phát hành Giai phẩm Xuân Thời Luận đầu tiên, mấy năm sau mới tổ chức tại nhà hàng, và cũng là nơi phát giải thưởng thi Viết về nước Mỹ do sáng kiến của ông bố vợ tôi là cụ Đỗ Cường Duy, và cụ đã đưa tặng ông một ngàn mỹ kim để làm giải thưởng. (Sau cách mạng 1963, nhà văn Chu Tử ra báo nào thì bị đóng cửa báo đó nên ông bố vợ tôi đã bỏ tiền để nhà văn Chu Tử ra báo Tiền Tiến sau khi báo Tiền bị đóng cửa. Báo quán đặt tại tư gia số 80 đường Trần Quý Cáp). Nhạc gia cố luật sư Phạm Nam Sách là người trúng giải thưởng cuộc thi viết này. Báo Thời Luận đi tiên phong đặt giải thưởng thi viết về nước Mỹ, nhưng có lẽ vì khởi xướng quá sớm nên chưa “lôi cuốn” được nhiều độc giả hưởng ứng; Việt Báo tổ chức giải thưởng sau lại “thành công”, âu cũng là…”số trời”, ông nhỉ!!!

Làm sao tôi quên được căn nhà đó đã là nơi tụ họp của các bạn Quốc gia Hành chánh khóa 6 và khóa 7, là nơi ông đã giới thiệu thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với báo giới Nam Cali, là nơi ông từng tiếp các chính khách, nghệ sĩ quá nhiều nhưng tôi chỉ còn nhớ các cụ Trần Văn Ân, cụ Phạm Đình Liệu, cụ Minh Lý Đỗ Vạn Lý, Luật sư Nguyễn Hữu Thống và Nhà báo Bùi Tín, Đạo diễn Hoàng Thi Thơ, Tài tử Trần Quang lần đầu tới Mỹ, tổ chức ra mắt sách của Nhà văn Duy Lam, của giáo sư Nguyễn Lý Tưởng… cho tới các giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, giáo sư Steve Young mỗi khi tới Nam Cali sinh hoạt.

Ngôi nhà không bao giờ ngớt tiếng cười của đồng môn, tiếng bàn thảo sang sảng của các yếu nhân về những vấn nạn quan trọng của đất nước. Bây giờ ông đã tái định cự tại một nơi được ông mô tả là “hoa chăm cỏ xén lối thẳng cây trồng” nhưng sao có được cái không khí thâm tình của căn nhà West 31 Avenue Los Angeles xưa kia. Nhưng chắc ông hẳn chưa quên lúc Phương Đông và Mai Ly bắt đầu biết đi biết nói cho tới lúc theo ông đi phát báo, rồi đánh máy bài viết của các bác Phạm Nam Sách, Nguyễn Sỹ Hưng, Nguyễn Hữu Thống, Trần Văn Sơn, Nguyễn Huy Hân,…Hồi đó tôi cũng còn làm đại diện báo Thời Luận để giúp ông ra một ấn bản tại San Diego, dễ thường cũng sống được vài năm, ông nhỉ.
Cho nên có những lúc ông ”nhớ nhà châm điếu thuốc” lái xe về thăm lại nơi xưa chốn cũ, còn tôi thì “ Đôi khi khoảnh khắc cũng là thiên thu”, ông ạ.

Nguyệt Thực là một truyện đóng vai “hạ màn” cho tuyển tập có cốt truyện hết sức ly kỳ. Ông kể chuyện của nhân vật Phạm Thắng từ khi di cư vào Nam đi bán báo lấy hoa hồng kiếm sống cho đến khi đi cải tạo, trốn trại rồi sang định cư ở Mỹ. Truyện rất nhiều tình tiết éo le như một cuốn phim trinh thám và cốt truyện rất lạ lùng. Có thể coi Nguyệt Thực như là một loại “Ngàn lẻ một đêm của người Việt tỵ nạn”, nên rất “huyền thoại”. Tôi đọc mà cứ như đọc truyện hoang đường và cứ mơ tưởng mình là nhân vật Phạm Thắng, được ông kể ở ngôi thứ nhất. Ông Hoàng đi trốn trại tù cải tạo cứ như là đi đóng phim kiếm hiệp, không những thế khi đến bến bờ tự do còn được ân ái với cô lái tầu vượt biên.
Định cư tại Mỹ lại được bạn cùng trốn tù, nay trở thành đại gia ở Việt Nam, mang sang Mỹ 3 cô gái trẻ đẹp để cho bạn được quyền lựa chọn 1 cô lấy làm vợ. Chuyện ông kể có nhiều chi tiết thật ly kỳ, lôi cuốn tôi đọc một mạch không ngừng nghỉ.

Ông xếp loại những người đi xe hơi theo hiệu xe, như người làm thương mại phải đi xe W vì như vậy mới làm ăn khá theo chữ “Win”, còn những người chống cộng phải đi xe Audi vì có 4 vòng tròn chữ O tượng trưng cho 4 Không. Thương gia mà đi xe “L” thì chỉ có Loose hay Lost mà thôi. Tôi thấy mấy bô lão đều đi xe KIA, ông ạ!!! Vì các bô lão đó đều đã “chết trong khi hành động” (Kill In Action). Tôi nhớ lại vào đầu thập niên 70 ở Việt Nam, các cô gái thường đi xe Audi vì theo khẩu hiệu “Không học và Không sống ở Việt Nam, Không lấy chồng và Không sinh con”. Khi lấy chồng, các “nàng” đi xe Fiat, có người “diễu” là “For You All Time”, ông nghĩ sao?

Ông cũng nhận xét mấy bà mặc hàng Saint John khi cởi áo ra thì thân thể nhão nhoét, có nước vứt vào thùng rác chứ không như khi lột vỏ trái chuối hư còn có thể ăn ruột được. Sao ông tả “chân” vậy, và tôi thấy tội nghiệp cho mấy bà quá khi bị các đức ông chồng “vắt chanh bỏ vỏ”.

Ông còn cho mấy bà góa chồng thuộc loại pre-owned không thể đi thêm bước nữa nên phải giải quyết bằng cách “tự sướng”. Tôi có một ông bạn, một hôm được bà vợ cho biết sự thật là bà ta thuộc loại pre-owned rồi mới lấy anh bạn tôi. Bạn tôi chết điếng khi nghe vợ nói. Chắc bạn tôi không “lịch lãm” như thiếu úy Chuyên và có lẽ đã tiếc rẻ không dám dùng chiếc áo thung để xem vợ mình còn hay mất trinh. Cuối đời mà được vợ tiết lộ như vậy thì cũng phải “gậm nhấm dĩ vãng” mà “nín thở qua sông” nốt quãng đời còn lại, ông nhỉ. Cô Tuyết Hạnh nói trước khi cưới mà lại hóa ra hay đấy, ông còn phiền trách cái nỗi gì, để đến nỗi ông phải ly dị cô ấy.

Ông có nói với tôi khi mới tập tễnh viết văn hồi còn ở Hà Nội ông đã dùng bút danh Đằng Giao vì mê nhân vật kiếm hiệp này. Đằng Giao không những võ nghệ cao cường, nhưng ông thích nhân vật này nhất vì Đằng Giao… có nhiều vợ đẹp và nhiều người yêu. Sau này khi di cư vào Nam ông đã tặng bút danh này cho anh bạn họa sĩ dùng để ký tên trên những họa phẩm của anh ta. Bây giờ đọc xong tuyển tập Nguyệt Thực tôi mê nhân vật Đỗ Tiến Đức quá!!! Ông có thể cho tôi mượn tên Đỗ Tiến Đức làm bút danh như ông đã “cho” bút danh Đằng Giao, được không?

Có một chi tiết ông viết về “nhân vật tôi” đi bán báo Tự Quyết để có lời 6 xu cho một tờ báo, không ngờ đó là tờ báo chính quyền không ưa nên công an đã bắt giam vào bóp Catinat. Cùng bị bắt giam với ông có người băn văn thân thiết tên là Đặng Trí Hoàn, sau này là nhà thơ Hà Huyền Chi tên tuổi lừng lẫy. Công an đã cho “nhân vật tôi” nếm hết đòn “tầu thủy” lại đến đòn “tầu bay”. Sao công an lại dùng đòn hiểm với giới trẻ thế, tôi tự hỏi không biết những ông chủ báo “người lớn” thì được nếm đòn gì? Thế ra chính quyền Ngô Đình Diệm đã tàn ác với con trẻ từ những năm giữa thập niên 50 rồi, ông nhỉ!!!

Ông,
Bạn bè nhận xét ông thông minh, có đầu óc hài hước và có nhận xét rất tinh tế trong từng chi tiết về mọi việc. Đúng như “bắp”!!!
Tôi dùng chữ của Lôi Tam để gọi ông là “bạn hiền” đấy, ông Lôi Tam bảo, ngày ông trấn nhậm ở Phú Yên trong 4 món “tứ đổ tường”, ông không “chơi” một món nào cả. Nhưng ông đều tham gia với anh em trong mọi cuộc chơi với tư cách là “quan sát viên”. Nửa đêm bạn bè “đốt hết thuốc”, ông đều lái xe gắn máy một mình đi trong đêm lạnh mua thuốc cho anh em hút. Ông không tứ đổ tường, sao ông tả rất rành mạch tình trạng của người nghiện thuốc lá kinh niên đến thế, có phải là do óc quan sát chăng, còn những… chuyện khác thì theo tôi có lẽ ở cái tuổi trên dưới 8 bó ông viết để… “tự sướng” chăng? hay ông viết cũng do quan sát chứ đâu phải là do “kinh nghiệm bản thân”. Nhưng tôi lại “chịu” cách diễn tả của ông, vì đọc văn ông mà cứ như được thưởng thức những “xen diễn” sống động trên màn ảnh trước mặt làm tôi cũng “sướng lây” mà say mê đọc tiếp để theo dõi…”câu chuyện”. Còn các độc giả nam nữ thuộc các lớp tuổi khác thì tôi không biết họ có cùng một xúc cảm như tôi hay không?, hay họ cảm thấy hơi bị “nhột nhạt”?

Ở truyện Hậu Trường ông cho các nhân vật đều phải đóng kịch những diễn tiến của sự việc, còn ở truyện Nguyệt Thực ông cho các nhân vật của ông thể hiện từ suy nghĩ ra hành động theo từng diễn biến tâm lý của mỗi nhân vật trong mỗi hoàn cảnh. Tất cả các truyện đều không có phần kết, ông để cho độc giả tự viết lấy kết luận cho mỗi truyện. Danh từ đương đại gọi là “kết luận mở”. Có lẽ đó là cách dàn dựng câu chuyện rất riêng của ông. Từ kết truyện của cuốn truyện dài được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc Má Hồng cho đến những truyện trong tập truyện ngắn Nguyệt Thực tôi thấy không hề thay đổi, kể cả phim Yêu khi ông tự viết truyện phim :

Nhà văn Đỗ tiến Đức và Nguyễn đắc Điều chụp trước poster nguyên gốc quảng cáo phim YÊU

-“Tôi bước xuống nhìn chiếc xe ngựa lọc cọc chậm chậm chạy vào thị trấn. Nắng chiều bàng bạc như ánh trăng. Một bụi sim dại bên đường phất phơ hai bông hoa tím tả tơi phơ phất. Tôi nhìn trời sẽ gọi: “Thanh Bình ơi, lại đây với chú” (đoạn kết của Má Hồng)
-“Diễm lảo đảo khuỵu chân. Ngồi ôm thành mộ ủ rũ, yếu đuối. Đạt lùi lại, bước ra con đường nhỏ. Máy di chuyển lên cao. Đạt dừng chân, quay nhìn Diễm một lần nữa. Máy lên cao nữa, Đạt lủi thủi đi giữa nghĩa trang. Máy lên cao khỏi giữa ngọn thông, Đạt chìm khuất dưới đó. Cảnh nghĩa trang mênh mông với những ngôi mộ im lìm” (40 giây chót của Phân cảnh phim truyện Yêu)

Nhiều người cho rằng ra hải ngoại ông làm báo nên văn ông là văn báo. Tôi thấy không hẳn đúng. Văn ông trước sau như một, từ trước 75 cho tới ra hải ngoại. Với cách đọc truyện của “người nhà”, tôi thấy ông không chủ ý muốn gọt rũa từng câu văn như bút pháp của Thạch Lam, mà ông muốn viết theo nguồn cảm hứng tự nhiên, và ông dẫn chuyện bằng những chi tiết cụ thể như những nhà viết phóng sự vì vậy giọng văn của ông có hơi hướm của văn báo. Tôi nghĩ ông không coi trọng nắn nót câu văn từ chương rỗng tếch, mà ông coi trọng thực chất nội dung câu chuyện, là những chi tiết để diễn tả tâm lý nhân vật. Ông viết truyện giống như Nhất Linh trong những tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Chỉ có một điểm khác hẳn Nhất Linh là tất cả những truyện ngắn của ông đều có thể chuyển sang phim nhựa một cách dễ dàng mà nhà đạo diễn không cần phải viết phân cảnh. Tôi thấy không phải ông viết truyện ngắn mà ông viết phân cảnh phim truyện thì đúng hơn. Mà nói cho cùng, trong các bộ môn nghệ thuật ông mê làm… nhà đạo diễn nhất, hơn là làm nhà văn, làm nhà báo, làm nhà thơ, nhưng vì không có đủ điều kiện để thực hiện phim ảnh nên ông đành phải viết truyện ngắn để …“giải khuây”.

Nếu Má Hồng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật Toàn quốc thì Nguyệt Thực sẽ được giải thưởng gì đây? Tôi nghĩ tập truyện ngắn Nguyệt Thực “trưởng thành về nội dung”, “đi sâu vào những tình tiết” hơn Má Hồng nhiều lắm, nên sẽ không có giải thưởng nào xứng với Nguyệt Thực cả. Nếu có giải, thì là “Giải thưởng Đỗ Tiến Đức” cho tập “Truyện Ngắn Rất Đỗ Tiến Đức” là tập truyện ngắn Nguyệt Thực.

Thư đã rất dài nhưng vẫn chưa nói hết ý nên tôi sẽ text message thêm cho ông nhé. Chúc sức khỏe bà Phương Nga cùng 2 cháu Phương Đông và Mai Ly.

Nguyễn đắc Điều

Views: 1141

Posted in sach bao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *