Nguyễn Nhơn
Những mùa xuân tù đày trên đất Bắc
Đầu Đông năm 76, hai ngàn tù cải tạo Miền Nam lênh đênh trên chiếc tàu Hồng Hà trên đường ra Bắc. Đổ bộ lên Bãi Cháy, Hải Phòng.Đoàn tù chia thành hai nhóm. Một hướng về Cao Bằng – Lạng Sơn tiến phát. Một quẹo trái thẳng về Hoàng Liên Sơn. Sau một ngày và gần một đêm rong ruổi, đoàn tù nhóm tôi đặt chân xuống “Trại Cải Tạo Trung Ương Số 1″, Lào Cai lúc 3 giờ sáng. Đường vào các phòng giam chật hẹp, đèn đóm lập lòe, chốc chốc hiện ra khung cửa hẹp, trông giống hệt cảnh Địa ngục A Tỳ, vẽ trên vách các ngôi chùa cổ Miền Nam.
Mùa Đông năm đó thời tiết thật là khắc nghiệt, đó là lời của bọn cai tù nhận định như vậy. Ban ngày còn được 5-7 độ C, ban đêm dưới 0 độ. Đội 11 chúng tôi khi đó chưa được phân công chẻ tăm mành xuất khẩu nên được xua đi, xa cách trại 5-3 cây số, cuốc đất trồng mì (sắn). Theo “kỹ thuật thâm canh tăng vụ xã nghĩa hiện đại” thì … hốc mì phải vuông vức 4 tấc, sâu 3 tấc, rồi bỏ phân xanh xuống, tức là quơ lá cây rừng bỏ xuống đầy hốc, lấp đất lại, ủ năm ba bửa mới bỏ hom mì xuống. Trong Nam, chỉ cần cuốc một cuốc, bỏ hom mì xuống, lấy chân gạt đất lắp lại là xong. Còn ở đây, đồi núi toàn sỏi đá, không làm như trên thì hom mì không làm sao bắt rễ nổi. Cho nên phải làm như vậy chớ chẳng phải kỹ thuật xã nghĩa cái mụ nội gì! Đội 11 triển khai đội hình, tức là dàn hàng một vòng quanh ngọn đồi trọc, vì trước đó tù hình sự đã phát xong lùm bụi rồi, bắt đầu cuốc dần lên đỉnh. Sức tôi lúc đó cầm cuốc còn không vững, lại thêm trời lạnh như cắt, tay chưn run lập cập, dẫu cho có dùng hết “tinh thần cách miệng tiến công”, ra sức cố cù lừ cuốc xuống thì chỉ thấy sỏi đá văng tứ tung mà lưỡi cuốc không ăn xuống được bao nhiêu! Tên cai tù trẻ nhìn tôi, lắc đầu ngán ngẩm, bèn bảo tôi chạy đi gom chà, đốt một đống lửa to cho nó ngồi sưởi ấm. Nghỉ giữa buổi, chúng cho phép anh em xúm quanh đống lửa, sưởi ấm một lúc. Nhìn anh em mặt mày tái xanh, tái xám, ngồi ủ rủ giống như một lũ u hồn, oan khuất. Lại thêm gió giật từng cơn, đã lạnh càng thêm giá buốt, tôi cám cảnh sanh tình, đặt tên cho ngọn đồi đó là “Đỉnh Gió Hú” cho nó văn chương, thơ mộng. Chiều xuống, sương mù giăng mắc, gió rét căm căm, bọn tù lầm lủi bước. Về đến trại, trời đã tối mịt mùng. Nuốt vội một chén đá duy nhất củ mì băm mà nơi đây gọi là “sắn dui” là cai tù đã lùa vào phòng giam, khóa lại. Ai nấy lật đật giăng mùng. Bao nhiêu mền chiếu đều đem ra quấn vào người. Riêng tôi, lấy hết mền chiếu trải phía dưới, quấn quanh người tấm nệm mỏng của trại tù, ngồi dựa vách run rẩy, chống lạnh cho đến khi mệt mỏi, thiếp đi. Phòng giam chật hẹp, chứa 50 nhân mạng mà lúc nầy vắng lặng như nhà mồ vì không ai đủ sức cựa quậy, đi lại. Thuở nhỏ, ở Miền Nam ấm áp quanh năm nên nghe ông già, bà cả ví von “lạnh thấu xương, lạnh nứt da, nứt thịt hoặc lạnh trong xương lạnh ra” đều không hiểu nổi. Lúc này tuổi ngoài 40 mới hiểu được thế nào là cái lạnh trên núi rừng Việt Bắc.
Cho nên một buổi sáng tàn Đông, nhằm ngày Chúa Nhật, cai tù mở cửa trễ. Đang ngồi thiêm thiếp, bất đồ anh bạn nằm bên cạnh mở tung cửa sổ ra. Ngoài song cửa hoa rừng nở rộ một màu trắng xóa khắp núi đồi, báo hiệu mùa Xuân đến. Chỉ trong một thoáng, tôi cảm thấy trong lòng bừng nở một sức sống mới: Sự HỒI SINH của Mùa Xuân. Cho nên sau nầy, khi đọc Thiền Luận của Suziki, dẫn bài “Hài cú” của một thi sĩ Nhật Bản, nhìn một đóa hoa đơn côi bên vệ đường, cảm tác nên, để dẩn giải về nguyên lý “Chẳng phải một, chẳng phải hai” của Thiền Đạo, tôi cảm nhận được liền. Cũng tương tự, khi đọc bài Xuân Thiền cuả Trúc Lâm Trần Nhân Tôn:
Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không
Xuân về hoa nở, rộn trong lòng
Đến nay hiểu được điều không sắc
Xuân đến, giường Thiền, ngắm rụng hồng
Hoặc giả hai câu trứ danh:
Đừng tưởng Xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước, MỘT CÀNH MAI
Tết năm đó, trên núi rừng Hoàng Liên, chúng tôi có một điều vui nhỏ, mỗi người được một cặp bánh chưng nhân đậu, có một lát thịt mở đàng hoàng, tuy nhỏ và mỏng. Đáng ghi nhớ là một sự kiện chấn động: Đó là tin hai người tù cải tạo Miền Nam toan vượt ngục, bị bắt lại. Ngày mồng ba tết năm đó, toàn phân trại K1 tập hợp tại Hội trường để nghe viên Chúa ngục xỉ mắng và đe dọa về vụ nầy. Về sau, biết được hai người anh em dũng cảm nầy là: Thiếu Tá TQLC Tôn Thất Thiện Nhơn và một Trung Tá HQ dường như tên là Phát.
Đó là cái Tết đầu tiên trên đầu phía Bắc của dãy Hoàng Liên Sơn. Về sau, khi từ phòng kỷ luật ra, anh Nhơn được bố trí về Đội 11 chẻ tăm mành của chúng tôi. Lúc nầy đã sang Hè, trời nóng như thiêu, như đốt. Cột kèo bằng tre nứa, giữa trưa nổ đom đóp.Trong một buổi họp đội do tên quản giáo chủ trì, anh T3 Nhơn liền cho nổ bom, long trời, lở đất, chấn động cả toàn trại. Chẳng là vừa khi khai họp, một tên “ăng ten” hèn nhát đứng lên tố cáo, “Nhờ ơn Bác đảng nuôi cho ăn học, nhà cao, cửa rộng, áo quần lành lặn, mà có người còn phát ngôn phản động… “. Tên nầy chưa kịp chỉ danh ai thì anh T3 Nhơn đã hùng hổ đứng vụt lên, bất kể cai tù dọa nạt, hô lớn như vầy: ” Đồ bợ đít, ngồi xuống. Tao chẳng những không biết ơn mà tao thù, tao oán. Bởi vì bác đảng mà thân tao tù tội, gia đình tan nát, đói khát, rách rưới tả tơi. Còn nhà cao, cửa rộng hả? Coi kìa! cái phòng giam chật hẹp, nóng như thiêu đó giống như Hỏa ngục A tỳ. Đồ bợ đít hỗn xược! Câm miệng, không thôi tao dọng vỡ mồm”. Trước tình cảnh lỡ khóc, lỡ cười, tên cai ngục bèn đứng dậy … dong thẳng một lèo … vì không có võ trang bảo vệ.
Mùa Xuân năm Kỷ Mùi 78 kế tiếp là một cái Tết buồn. Đêm 29 Tết, bác Hồ Đắc Trung cựu Dân Biểu và Tỉnh Trưởng Tây Ninh bị đau ruột trầm trọng. Trại chở đi Bệnh Viện Lào Cai cấp cứu, mãi không thấy về, không biết thân xác vùi dập nơi đâu! Đó là cái chết đầu tiên của người tù cải tạo Miền Nam trên núi rừng Hoàng Liên. Lại thêm năm đó, trại cạn láng rồi nên mỗi thằng tù chỉ được phát cho một cặp bánh chưng mỏng lét, ruột toàn khoai lang. Đến nổi bọn cai ngục mắc cở, chống chế, “Thôi mấy anh ăn đỡ cái Tết xoàng ở đây để năm tới về nhà ăn Tết vui hơn”.
Mà quả có thế thật, vì cuối tháng sáu năm đó, toàn trại, trừ hình sự và các anh Biệt Kích Miền Nam bị giam cầm ở đây từ trước, được lịnh chuẩn bị di chuyển. Có điều … KHÔNG phải về NAM mà là về Trại Tân Lập, Vĩnh Phú, về phía hữu ngạn sông Hồng. Trại nầy nổi danh là “MỒ CHÔN TÙ CẢI TẠO MIỀN NAM”! Vốn nó là trại cải tạo địa phương cải sang. Nhà cửa lụp xụp, lợp toàn bằng lá cói, lương thực dự trữ không có. Cho nên chỉ sau đó một tháng, xãy ra trận “dịch chết đói” mà họ gọi văn hoa là “suy dinh dưởng”. Có trên một trăm anh em tù cải tạo Miền Nam, rải rác khắp 5 phân trại, nhất là phân trại K1, K2, ngã gục, vùi thây khắp các đồi trồng khoai mì.
Mùa Xuân năm Canh Thân 79, vì suốt năm dài không nhận được chút ít tiếp tế nào của gia đình từ trong Nam gởi ra, nên sức dự trữ trong cơ thể cạn rồi, ai nấy đều phờ phạc, lửng lơ như xác chết chưa chôn. Tuy nhiên, tôi có một kỷ niệm cuối cùng với Đại Tá Nguyễn Văn Của, Tỉnh Trưởng Bình Dương. Tết năm đó, họ để cho tù đi lại các khu, thăm hỏi nhau. Khu tôi ở cách khu ĐT Của chỉ một bức tường cao. Tôi qua đó tìm thăm Ông. Thấy tôi, ông bước lại bá cổ, mừng rở. Tôi dang ra nhìn Ông đùa, “Coi bộ còn khá lắm”. Ông vừa chửi thề, vừa kéo lưng quần ra, “Coi nè, lưng quần tao hụt cả tấc vầy! Được, được cái nỗi gì!” Lúc nầy quả thật Ông Tỉnh Trưởng đã ốm yếu quá rồi. Tôi chỉ đùa cho Ông vui vậy thôi. Mùa Đông năm ấy, Ông bị phổi có nước. Mặc dầu anh em ở Bệnh xá, cũng là tù cải tạo, tận tình giúp đở, nhưng mà Ông yếu quá, quỵ xuống vĩnh viển.
Ngày chôn Ông, tôi đang cuốc đất bên vệ đường. Chống cuốc, đứng nhìn anh em đội Cải Lương quảy chiếc hòm dã chiến, đầu cao đầu thấp, lắt lẻo bước đi, trông thật thảm thương. Đàng sau chiếc hòm đong đưa đó, không có một ai thương khóc tiễn đưa. Tôi đứng đó, thầm khóc tiễn Ông mà cũng khóc cho thân phận khốn khổ của chính mình. Nói rằng khóc thầm là bởi vì, nếu chảy nước mắt mà bọn cai tù hay ăng ten nhìn thấy thì vừa bị chửi, vừa bị làm kiểm điểm về tội “không yên tâm cải tạo”.
Hồi đó, mùa Đông năm nào hay nói cho đúng là bắt đầu từ đầu tháng 9 tức là mới đầu Thu là tôi bắt đầu ôm bụng, rên rỉ cho đến hết Đông qua Xuân. Cho nên kể từ khi ĐT Của thượng đồi chè, tức là chôn bên cạnh đồi trồng trà, anh em thường kháo nhau, “không biết mùa Đông năm nay Phó Nhơn có qua khỏi không hay là lên đồi chè làm Phó cho Ông Của?”. Tôi nghe thấy được, liền dẫy ra, “Ổng có kêu thì kêu thằng Vinh đó! Nó là Phó của ổng chớ can hệ gì tới tao.”
Tuy nói đùa như vậy mà suýt tí nữa thì tôi đã theo Ông Của thật. Giữa tháng 12 năm 80, tôi đau một trận, thập tử, nhất sinh. Không phải ví von mà thật sự là như vậy. Đêm đó, khoảng 10 giờ, tôi bắt đầu lên cơn đau. Đến nửa đêm, chịu không nổi, la hét dữ dội, kêu lính gác, đòi cho đi Bệnh xá. Tên nầy lém lỉnh, dở trò hoãn binh, bảo chờ đi kêu cai ngục mở khóa cửa. Tôi chỉ biết lăn lộn, rít lên từng cơn. Gần sáng, tôi chịu hết nổi, làm liều, bước lại cửa sổ, thò tay qua song sắt, kêu toáng lên, xin cho một mủi Atropine. Thằng lính gác có biết trô pin, trô péc cái gì, nạt lại bảo chờ một chốc là mở khóa. Tới sáng, lả người nên khi cửa phòng giam được mở, tôi chỉ lờ mờ nhận thấy anh Mai, Đội phó Đội Rau Xanh, quấn mền, bồng đi. Đến Bệnh Xá, anh vừa đặt xuống là tôi bất tỉnh nhân sự. Từ đó về sau, tôi không biết gì nữa.Tỉnh lại thì đã nửa đêm, lại bắt đầu rên rỉ. Anh Lang cũng là tù cải tạo, được cử làm y tá trực Bệnh Xá, nghe thấy, bước lại nhỏ nhẹ bảo, “Cả Bệnh Xá chắt chiu mãi mới có được 5 ống Atropine. Từ sáng đến giờ, thấy anh đau đớn quá, không cầm lòng được, đã chích cho anh hết rồi. Bây giờ, dẫu còn thuốc cũng không dám chích cho anh nũa. Thôi, ráng ẩn nhẫn cho qua cơn.” Tôi dật dờ, khi tỉnh, khi mê như vậy trải qua 4 ngày, đêm. Sáng ngày thứ năm, thấy tôi có vẽ tỉnh táo, anh Lang cầm một ống thuốc đưa ra trước mặt tôi, không rõ là thứ thuốc gì, miệng nói, “Thuốc nầy khá mạnh, anh liệu sức kham nổi không, tôi chích cho.” Tôi cùng đường rồi, đánh liều, đưa tay ra. Quả nhiên, mủi kim chích chưa kịp rút ra, tôi cảm thấy như có ai cầm búa tạ đập mạnh vào ngực. Vừa tức thở, vừa nghe khí huyết nhộn nhạo, dâng lên, dâng lên. Sức sống từ mười đầu ngón tay, ngón chân thoát ra khỏi thân thể. Tôi kêu lên, “Anh Lang ơi! Tôi mệt quá!” mà nghe văng vẳng như tiếng của ai đó chớ không phải tiếng của mình. Tôi mơ hồ nghe thấy anh bảo, “Nằm xuống, nằm xuống.” Nếu tôi nghe lời anh, nằm xuống, có lẽ đã đi luôn rồi! May sao, tôi chỉ chống hai tay ra sau cho vững, nủa nằm, nửa ngồi, cố ngáp ngáp thở. Đợt thứ nhứt vừa hạ xuống, đợt nhộn nhạo thứ hai lại bùng lên. Có điều lạ lùng là lúc nầy tôi không cảm thấy đau đớn gì. Trí óc vẫn sáng suốt. Nhìn ra bên ngoài, buổi sáng mùa Đông mà lại có ánh nắng vàng le lói. Đồi núi dường như nhảy múa, khi gần khi xa. Tôi thầm than, “Cả đời không làm gì ác, sao đành phải vùi thây nơi rừng núi xứ lạ, quê người?” Rồi cố gắng hít thở. Bỗng nhiên, tất cả đều lắng xuống, thân tâm cảm thấy êm ả lạ thường. Đến nỗi khi về lại giường, nằm xuống đi vào giấc ngủ cô miên, êm đềm như chưa từng thấy.
Hồi đó, tôi chưa đọc Kinh Phật nên không lý giải được hiện tượng kể trên. Về sau, trong những năm cày cuốc trên Khu Kinh Tế Mới Bảo Lộc, tôi lần mò đọc Kinh Luận mới vỡ lẽ. Nếu hồi đó tôi hiểu được lẽ “Tùy Thuận Duyên Giác”, yên lặng nằm xuống, có lẽ đã dứt nghiệp từ khi ấy. Nhưng vì không hiểu biết, tôi lại cưỡng cầu, lại còn dấy lên “một niệm” oan khuất nên lại tái sinh. Nói cho rõ thì như vầy: Đạo Phật giải thích về Nghiệp bằng hình ảnh một mủi tên, ví như thân mạng. Nghiệp lực là sức mạnh phóng mủi tên thân mạng lao đi. Nghiệp dứt, mủi tên hết đà rơi xuống, thân mạng cũng dứt theo. Lúc đó, tôi đâu hiểu lý nầy nên mới cưỡng cầu, dấy lên một niệm oan khuất, tạo ra một Nghiệp Lực mới, đẩy mủi tên thân mạng tiếp tục duyên nghiệp mới.
Trên đây là những MÙA XUÂN TRÊN NÚI HOÀNG LIÊN, bởi vì nói là Tân Lập, Vĩnh Phú, kỳ thật nơi đó vẫn là một thung lũng hẹp nằm giữa rặng Hoàng Liên trên Đất Bắc
Xuân năm nay là bắt đầu năm thứ năm, sống trên đất Mỹ. Bốn Mùa Xuân qua đều không cảm thấy gì là Tết. Hội Tết ở đây, dẫu cho tổ chức khéo léo cách mấy cũng không thể tạo nên “không khí” của Ngày Tết nơi Quê Nhà. Con lân múa trong Hội Chợ Mỹ không thể nào sinh động như con cù giỡn pháo trên đường phố quê tôi. Con cù râu bạc đó làm thế nào sánh được với con cù râu bạc của Hội Chùa Bà, xứ THỦ, Bình Dương.
Tìm đâu thấy cành mai vàng rực rở của Ngày Tết ở Quê Nhà!? Tìm đâu thấy cảnh trẻ em mặc quần áo Tết sặc sỡ, vui đùa trên hè phố, thỉnh thoảng đốt trái pháo chuột nổ tì tạch!? Cho nên ngày Tết, cứ nằm nhà, ngâm Kiều, giải khuây:
Ngày Xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Hoặc giả, xót thân 15 năm lưu lạc phong trần thì ngâm Kiều vịnh:
Tấm lòng nhi nữ thương mà trách
Chẳng trách chi Nàng, trách Hóa công
Nguyễn Nhơn (ĐS 6)
Cuối Đông 1994
Views: 133