Câu Chuyện Nợ Nần của Chính Phủ Hoa Kỳ

Lê Văn Bỉnh

Trong một bức thư gửi cho một người bạn, vị Bộ Trưởng Ngân Khố đầu tiên của Hoa Kỳ Alexander Hamilton (hình trên tờ giấy bạc $10), đã viết:

Quốc trái, nếu không dư thừa, sẽ là quốc phúc đối với chúng ta. Nó sẽ là một chất xi măng có tác dụng mạnh mẽ gắn chặt Liên Hiệp của chúng ta lại. Nó còn đưa đến sự cần thiết duy trì thuế khóa tới mức độ nào đó, nếu không bị áp chế, sẽ là một kích thích cho nền kinh tế.

Hamilton đã viết những lời trần tình trên vào năm 1780, tức trên hai trăm ba mươi năm về trước, để giải thích vì sao quốc gia tân lập này cần huy động quốc trái để trả dứt nợ mà một số tiểu bang còn mắc trong cuộc chiến tranh giành độc lập từ nước Anh. Quan điểm của ông đã thắng thế thời bấy giờ.  Và quốc trái Hoa Kỳ hình thành từ đấy .

Nhiều người khi biện minh cho việc chính phủ vay nợ, đã cố tình bỏ đi mấy chữ “if it is not excessive” trong câu “A national debt, if it is not excessive, will be to us a national blessing.”

Có lẽ chỉ vì Hamilton đã không cho biết đến mức độ nào thì nợ bị gọi là “dư thừa”, cho nên vấn đề quốc trái đã không ngừng được bàn cãi trong những thập niên vừa qua khi mức nợ cứ lần lần lên cao, và “nổ tung” ra từ giữa năm 2011 khi cần phải quyết định xem đến đâu thì được xem là mức nợ không được phép vượt qua (debt ceiling). Báo chí của cộng đồng người Việt hải ngoại bỗng dưng cũng bị hai “chữ lạ” xâm nhập.  Đó là “Nợ trần”! Nếu tiếng Anh mà dịch ra dễ dàng như thế này, thì thiên hạ chỉ cần lật từ điển ra là xong, chứ cần chi phải mất thì giờ học ngữ pháp!

Chữ quốc trái trong bài này dùng để dịch chữ national debt. Nếu đề cập đến Hoa Kỳ mà thôi, nó cũng dùng để chỉ nợ liên bang (federal debt) mà chính phủ liên bang Hoa Kỳ vay mượn từ các nguồn trong và ngoài nước.

Thật ra đã từ lâu các nhà lãnh đạo trên thế giới đã sử dụng quốc trái để tài trợ những chi phí cần thiết.  Đế quốc La Mã, đế quốc Anh v.v. không những chỉ được xây dựng trên xương máu của binh sĩ, mà còn trên nợ nần để mua sắm vũ khí, tàu bè, quân trang, quân dụng. Và từ năm 1936, khi học thuyết của kinh tế gia John Meynard Keynes ra đời thống ngự chính sách kinh tế của hầu hết các nước Tây phương nhiều thập niên sau đó, thì vay mượn trở thành “chuyện thường ngày”. Không phải chỉ khi có chiến tranh lớn, chính quyền mới vay mượn nợ; mà trong thời bình, mỗi khi thấy cần thiết, chính quyền cũng vay mượn nợ như một công cụ cho chính sách kinh tế tài chánh. Thậm chí nhiều chính quyền còn vay mượn nợ để tài trợ cho những chương trình được xem là dân sinh để nhằm duy trì hay củng cố quyền lợi của cá nhân hay đảng phái của mình.

Song song với cuộc khủng hoảng nợ nần của chính phủ liên bang Hoa Kỳ, người ta cũng đang chứng kiến cảnh bên kia bờ Đại Tây Dương nhiều nước châu Âu trong Châu Âu Thống Nhất lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.  Bắt đầu từ Hy Lạp, rồi đến Ý, đến Tây Ban Nha v.v., vấn đề quốc trái đang đe dọa nền tiền tệ của khu vực sử dụng đồng euro.  Ban đầu nhiều người nghĩ nếu không có sự ra tay của “hiệp sĩ” Đức dưới một hình thức nào đó, thậm chí của “hảo hớn” Bắc Kinh mà ngũ tạng kinh tế cũng đang có vấn đề, thì tổ chức bên kia bờ Đại Tây Dương này, vốn đã được dày công thành lập với tham vọng đối kháng với sức mạnh kinh tế Hoa Kỳ, sẽ trở về giấc mơ nguyên thủy. Nhưng sau hội nghị thượng đỉnh European Leaders ngày 26/10/11 vừa qua, thì tình hình tài chánh của châu Âu đã bớt khẩn trương và các vấn đề sẽ được giải quyết theo hướng mà hội nghị đã vạch ra, tuy chi tiết thi hành cũng sẽ gây xích mích ít nhiều giữa các nước trong tổ chức, nhất là giữa Pháp và Đức.

MỘT CHÚT LÝ THUYẾT

Để tài trợ công chi, chính phủ thường sử dụng 2 biện pháp chính: thuế và vay mượn. Tại Hoa Kỳ, cả hai đều phải có sự chấp thuận của Quốc Hội: thuế thường được biểu quyết riêng biệt và vay mượn thường được thông qua khi biểu quyết ngân sách.  Lệ phí cũng giúp khá nhiều cho số thu[1], do các cơ quan hành chánh quyết định. Ngân sách hằng năm của liên bang mang tên niên lịch năm sắp tới, bắt đầu vào ngày 1 tháng 10 của niên lịch trước và chấm dứt vào ngày 30/9 niên lịch sau.  Thí dụ Ngân Sách 2012 bắt đầu ngày 1/10/2011 (đã được soạn thảo xong và chuyển sang quốc hội vào tháng Hai năm 2011 để Quốc Hội thảo luận và biểu quyết) và sẽ chấm dứt ngày 30/09/12.  Lý tưởng là số dự thu bằng số dự chi.  Đôi khi nền kinh tế bỗng nhiên phồn thịnh hơn dự tính, thì số thực thu có thể vượt quá số dự thu, nhờ căn bản thuế tăng lên, trong khi thuế suất vẫn không thay đổi. Khi số thực thu nhỏ hơn số thực chi thì xảy ra khiếm hụt ngân sách (budget deficit). Và khi số thực thu lớn hơn số thực chi thì là thặng dư ngân sách (budget surplus).

            Khi số thu (revenues) nhỏ hơn số chi (outlays), thì ý nghĩ đầu tiên là phải tìm cách nâng số thu lên, bằng cách tăng thuế suất các loại thuế hiện hành hoặc đặt ra các loại thuế mới. Giải pháp tăng thuế suất có thể đưa đến việc trốn thuế (tax evading), tức người bị đánh thuế sẽ không khai thuế, hoặc khai gian, mặc dầu biết đó là phạm pháp; hoặc họ tìm mọi cách để tránh thuế (tax avoiding) nếu có thể được, chẳng hạn không đi làm thêm nếu là cá nhân, hay tân tạo, sửa chửa máy móc dụng cụ theo luật định, mặc dầu không cần thiết, nếu là cơ sở thương mại. Cả hai hành vi trốn thuế và tránh thuế, nếu ở mức độ cao sẽ đưa đến thất thu cho ngân sách.  Ngoài ra, cả hai giải pháp tăng thuế hay ra thuế mới không phải dễ thực hiện, vì dễ đưa đến hậu quả chính trị không hay cho những nhân vật đề nghị, hay bỏ phiếu.

Một câu hỏi tự nhiên khác cũng được đặt ra: Tại sao khi dự trù ngân sách lại không bớt số dự chi để cho nó cân bằng với số dự thu? Thông thường vị Tổng Thống đương nhiệm, muốn chứng tỏ mình làm được việc, thường có khuynh hướng thêm chương trình này, dự án nọ v.v. dĩ nhiên đưa đến tốn kém hơn dưới thời người tiền nhiệm, hay ngay cả dưới tài khóa trước; hoặc để cứu nguy cho tình thế kinh tế suy thoái, thì lại tốn kém nhiều hơn. Dự trù chi thêm, nhưng lại không dám dự trù tăng thuế, nhất là phải tăng nhiều cho cân bằng. Khi thảo luận, các vị dân cử — nhất là các vị thuộc đảng đối lập — có thể đề nghị cắt bớt các khoản chi; nhưng chẳng mấy ai dám đề nghị tăng thuế, nhất là tăng thuế đụng chạm đến quyền lợi của cử tri, đặc biệt cử tri đã từng ủng hộ, hay có thể sẽ còn ủng hộ mình. Vai trò của các tay vận động hành lang (lobbyists) sẽ trở nên rất lợi hại đối với các công ty, các ngành nghề lớn (xe hơi, xăng dầu, nông nghiệp vv.)

            Khi Quốc Hội thảo luận cắt bỏ một số loại thuế, nhất là khi giảm thuế suất cho thuế hiện hành –đặc biệt thuế lương bỗng (payroll tax) và thuế lợi tức (income tax), dư luận thường lên án là cắt giảm thuế chỉ “giúp cho người giàu trở thành giàu thêm”. Câu chuyện này đã xảy ra từ thời Tổng Thống Reagan. Tái diễn ra dưới thời Tổng Thống G.W. Bush, khi nền kinh tế Hoa Kỳ đã có dấu hiệu suy thoái trước khi ông bước vào Tòa Bạch Ốc, chứ không cần phải đợi đến biến cố lịch sử 9-11-2001.  Có phải thực sự Đảng Cộng Hòa đã hai lần hành động vô lý và “điên rồ” hay không?

            Vì chủ trương giảm thuế suất để tăng thu cho ngân sách là một chủ trương tương đối mới, chỉ phổ biến từ đầu thập niên 1970, cho nên xin bàn thêm một chút. Thật vậy, từ khi phương pháp sản xuất hằng loạt (mass production) được áp dụng rộng rãi ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới, lý thuyết kinh tế dựa chủ yếu trên số cầu tổng gộp (aggregate demand): muốn kinh tế tăng trưởng cần phải nâng cao số cầu tổng gộp, tức cầu của những người tiêu thụ (consumption), cộng với cầu của những nhà đầu tư (investment) và cầu của chính phủ (government), tức (C + I + G) như thường viết vắn tắt. Theo Keynes, cung cầu không thể tự điều chỉnh; do đó muốn giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp, thì chính quyền cần ảnh hưởng đến cầu tổng gộp qua chính sách tài chính, tức tăng công chi. Theo lý luận này, thì một đô la chính phủ chi ra sẽ làm cho tổng sản lượng quốc gia tăng thêm nhiều hơn một đô la theo tác dụng số nhân (multiplier effect), và càng lớn hơn khi càng trao đổi nhiều lần hơn. Nói chung, cầu tổng gộp tăng kéo cung tổng gộp (hàng hóa và dịch vụ) tăng theo, làm cho kinh tế lớn mạnh thêm, và chính quyền sẽ thu nhiều được thuế hơn. Năm 1971, sau khi quyết định tách đồng đô la ra khỏi kim bản vị (tức không thể đổi đồng đô la để lấy vàng như trước đó), Tổng Thống Nixon tuyên bố: “Giờ đây tôi cũng là một người theo chủ nghĩa Keynes trong kinh tế học” (I am now a Keysian in economics).

            Sang đầu thập niên 1970, một số kinh tế gia thuộc trường phái “kinh tế dựa trên phía cung” (supply side economics, trong đó có Arthur B. Laffer[2], sau trở nên một thành viên của Economic Policy Advisory Board của Tổng Thống Reagan 1981-89), lý luận rằng việc giảm thuế suất không những không bớt mà còn tăng tổng số thu cho ngân sách nữa. Nếu tổng số thuế thu là tích số của thuế suất và căn bản thuế (tax base), như công thức dưới đây:

     Tổng số thuế thu =  (thuế suất) X (căn bản thuế),

thì khi giảm thuế suất đến một mức nào đó, căn bản thuế sẽ mở rộng ra, và chính phủ sẽ thu thuế vào nhiều hơn.  Theo một nghiên cứu, khi thuế suất lên cao đến 70%, như trường hợp Thụy Điển năm 1969, chính quyền giảm thuế suất, thì tổng số thu đã tăng lên.  Cơ sở cho lý luận của lý thuyết “kinh tế dựa trên phía cung” là: Giảm thuế suất sẽ khuyến khích và thúc đẩy người ta hăng hái làm việc hơn: người lao động cung cấp thêm sức lao động để làm thêm giờ, thêm jobs; các nhà sản xuất cung cấp thêm hàng hóa dịch vụ, các nhà tư bản cung cấp thêm vốn để đầu tư vv. Và Chú Sam sẽ có thêm tiền thuế bỏ vào túi, nhiều hơn khi không giảm thuế suất.

            Một thí dụ giản dị hoá: Giả sử có 10.000 người đang thất nghiệp, và mỗi người hưỏng trợ cấp thất nghiệp 1.300 đô la/tháng.  Nếu có jobs mở ra cho họ, trung bình 2.000/tháng và thuế suất là 20%; như vậy khi đi làm, họ sẽ lãnh 1.600 đô la/tháng, không hơn trợ cấp thất nghiệp bao nhiêu và chưa chắc họ muốn đi làm ngay.  Bây giờ, nếu giảm thuế bằng cách hạ thuế suất xuống chỉ còn 10%, nếu đi làm mỗi người sẽ lãnh 1.800 đô la/tháng. Họ có thể suy nghĩ lại. Nếu tất cả đều đi làm, thuế chính phủ sẽ thu: 2.000 x 10% x 10.000 = 2.000.000 đôla/tháng.  Đó là chưa kể đến số tiền tiêt kiệm lớn vì  không còn phải trả cho trợ cấp thất nghiệp:  13.000.000 đôla/tháng.

            Ứng cử viên Tổng Thống Ronald Reagan đã đưa ra chương trình giảm khiếm hụt ngân sách và nợ nần liên bang như một trong những chủ đề tranh cử. Thắng cử vẻ vang, ngày 20/1/81, ông tuyên bố như sau về chuyện nợ nần trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu tiên:

Đồng bào và tôi, với tư cách cá nhân, có thể sống quá phương tiện của chúng ta bằng cách vay mượn, nhưng chỉ trong một thời gian hạn định mà thôi.  Vậy thì, nói chung như một quốc gia, chúng ta có nên nghĩ rằng chúng ta không bị ràng buộc bởi cùng cái giới hạn đó hay chăng? Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để duy trì mai hậu. Và đừng để hiểu lầm. Chúng ta sẽ bắt đầu hành động, bắt đầu ngay hôm nay.”

Ông lại còn quả quyết: “Chính quyền không là một giải đáp cho vấn đề; chính quyền mới chính là vấn đề.” Ông đã thành công trong việc thuyết phục quốc hội chịu giảm thuế suất lợi tức (từ 70%, xuống còn 50% năm 1984, rồi chỉ còn 33%; rồi với cuộc cải cách thuế khóa  năm 1986, thuế lợi tức chỉ còn 2 thuế suất 28% và 15% khi ông mãn nhiệm kỳ 2). Ông cũng tận lực cắt giảm tổng công chi của chính phủ liên bang, từ 23,5% TSLQG năm 1983 xuống còn 21,2% năm 1989.  Chỉ riêng trong lãnh vực quốc phòng, ông cũng làm cho các vị dân cử bùi tai thông qua kế hoạch tốn kém “Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao” (Star War), lôi cuốn Liên Xô phiêu lưu vào cuộc thi đua võ trang, và cuối cùng tan rã, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh không một phát súng như chúng ta đã biết. Và kết quả sau 2 nhiệm kỳ là: khiếm hụt từ 73.845 tỷ (tài khóa 1981) 152.481 tỷ (tài khóa 1989), và nợ liên bang cùng thời đã tăng theo, từ 909.050 triệu tỷ lên 3.206.564 triệu, tức trên 3,2 ngàn-tỷ (3.2 trillion).  Nói cách khác, nợ nần tính bằng ngàn-tỷ bắt đầu từ thời Reagan![3]

            Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh ở đây: Khiếm hụt ngân sách và quốc trái không phải là các tiêu chuẩn để đánh giá hiệu quả của chính sách kinh tế, vì các mục tiêu chính của chính sách kinh tế là chống lạm phát, tạo công việc làm, tăng lợi tức cho dân chúng. Thật vậy, dưới thời Reagan, ngân sách năm nào cũng khiếm hụt – năm ít hơn, năm nhiều hơn – và quốc trái mỗi năm đều tăng về số lượng, cũng như về tỷ lệ so với tổng sản lượng quốc gia (Quốc Trái/TSLQG)[4], nhưng nhờ chính sách cắt giảm thuế và chủ trrương tháo gỡ các ràng buộc (deregulation, chẳng hạn không còn qui định giá cả, lệ phí, không hạn chế địa lý hoạt động của các ngân hàng v.v.) mà nền kinh tế Hoa Kỳ bành trướng thêm ra hơn 30% trong thời kỳ 7 năm hồi phục. Chỉ riêng năm 1984, mức tăng trưởng kinh tế lên con số kỷ lục 6,8%. Về phương diện nhân dụng, đã có thêm 20 triệu công việc làm; tỷ lệ thất nghiệp giảm dần, chỉ còn 5,3% vào năm 1989. Tỷ lệ lạm phát năm 1980 (trước khi Reagan nhậm chức) xuống phân nửa, tức chỉ còn 6,2% vào năm 1982; rồi lại xuống thêm phân nửa vào năm sau đó, tức 3,2%, nghĩa là gần đạt mức lý tưởng 3% mà các kinh tế gia xem là lúc nền kinh tế toàn dụng. Cũng dưới thời Reagan, lợi tức khả dụng thực (real per capita disposable income, tức lợi tức khả dụng sau khi điều chỉnh lạm phát) đã tăng lên 18%, khiến cho mức sống của dân chúng được nâng cao nhiều.

            Lúc đầu, nhiều kinh tế gia không mấy tin tưởng vào hiệu quả của nguyên tắc giảm thuế theo lý thuyết kinh tế dựa trên phía cung. Nhưng về sau, khi nó phát huy đầy đủ tác dụng thì kết quả rất khả quan. Thực vậy trong tài khóa 1986, khiếm hụt ngân sách lên đến con số kỷ lục: 221 tỷ. Nhưng trong 3 tài khóa kế tiếp sau đó, thì khiếm hụt chỉ còn là 149,8 tỷ; 155,2 tỷ và 152,5 tỷ. Một vài tác giả còn dành công lao cho lý thuyết này khi kể đến sự ra đời và phát triển của các đại công ty như Microsoft, Intel, Wal Mart v.v.

            Trên đây là lời giải thích rất đơn sơ cho biết vì sao những chính quyền sau đó vẫn còn chuộng các biện pháp giảm thuế.

KHIẾM HỤT NGÂN SÁCH VÀ QUỐC TRÁI

Khi ngân sách khiếm hụt, thì chính quyền đi vay nợ để tài trợ các khoản chi, nếu không thể thu thuế đủ để trang trải.  Nhìn lại lịch sử của Hoa Kỳ trong một trăm năm vừa qua, chúng ta thấy rằng không phải đợi đến khi có chiến tranh, thì ngân sách mới thâm thủng; mà ngay trong thời bình chính phủ cũng phải vay mượn, tuy thường ít hơn.

            Thật vậy từ tài khóa 1909 đến 1917, tỷ lệ quốc trái so với tổng sản lượng quốc gia (TSLQG) chỉ trong khoảng 2% – 3%.  Mười tài khóa thời bình (1930-1940) do ảnh hưởng của cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế (Great Depression), tỷ lệ này lên từ 17,90% lên 50,85%.  Các biện pháp can thiệp khá thành công của nhà nước dưới thời Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945) vào lãnh vực kinh tế tài chánh, cùng sự ra đời của học thuyết của John M. Keynes về vai trò tích cực của chính quyền trong việc giải quyết thất nghiệp như đã đề cập là một bước ngoặc quan trọng giúp chính quyền càng ngày càng thêm bạo dạn trong việc sử dụng nợ nần trong thời bình.

Thế Chiến Thứ Hai là một biến cố gây tốn hao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ so với tất cả những biến cố trước đó:  Tài khóa 1946, ngân sách khiếm hụt 17.389 triệu, đưa quốc trái tích lũy lên mức 269.422 triệu, tức 129,98% TSLQG.  Nhưng trong sáu tài khóa kế tiếp, ngân sách đều thặng dư, nợ được trả dần; quốc trái chỉ còn bằng 74% TSLQG (1952).

Từ đó đến năm 1997, ngoại trừ một năm thặng dư (1960), ngân sách liên bang đều khiếm hụt, nhưng tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG lại giảm dần (phần lớn nhờ TSLQG tăng nhanh), thấp nhất là 33,84% (1981), rồi lại tăng lên. Cuối nhiệm kỳ của Reagan (1989), tỷ lệ này là 54,68%. Và cứ thế mà tăng thêm.  Đến nhiệm kỳ 2 của Bill Clinton, thì có bước ngoặc rất lịch sử: liên tiếp 4 tài khoá (1998, 1999, 2000 và 2001), ngân sách đều thặng dư. Được như thế, một mặt, là do giảm chi: trung bình mỗi năm chi tiêu thực (đã điều chỉnh lạm phát) chỉ tăng 1,5% TSLQG (so với 5% dưới thời Lyndon Johnson và George W. Bush)  nhờ chi phí quốc phòng sau khi Bức Tường Bá Linh đổ xuống chỉ còn chiếm 3% TSLQG (so với 10% trong 3-4 thập kỷ trước đó) .  Mặt khác, cũng nhờ tăng thu, chẳng hạn, tăng thuế suất áp dụng cho nhóm lợi tức cao nhất lên đến mức 39.6%  (Bush hứa “read my lips” không có thuế mới “no new taxes” nhưng đã tăng thuế suất này từ 28% lên 31%, và tạo nhiều bất lợi chính trị khi ông tái cử dù đã tạo chiến thắng quân sự huy hoàng ở Vùng Vịnh), tiền hưu an sinh xã hội (social security benefits) cũng bị thuế. Tóm lại, do giảm chi và nhờ bội thu do kinh tế tăng trưởng, tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG thấp xuống: lần lượt là 62,60%; 60,50%; 57,30% và 59,20%.  Đến đây, những chuyên viên kinh tế, tài chánh, ngân hàng, ngân sách tỏ ra vô cùng phấn khởi, hy vọng là nếu tiếp tục giữ cơ cấu thuế và hạn chế chi tiêu như thế này thì đến năm 2013, chính phủ Mỹ sẽ trang trải hết nợ nần.

Nhưng đó chỉ còn là một giấc mơ lớn! Như đã thấy, trong trên 50 năm, từ 1949 đến 2001, Hoa Kỳ chỉ có 10 tài khóa ngân sách thặng dư, thì trong 50 năm tới, con số tài khóa thặng dư chắc chắn sẽ còn ít hơn. Và giấc mộng trả dứt nợ nần không thể nào thành sự thật được.

Thật vậy, năm 2001, sau khi Tổng Thống G.W. Bush được bầu vào Tòa Bạch Ốc, thì nhiều biến cố lớn xảy ra: vụ không tặc tấn công New York và Washington DC làm kinh tế trì trệ, hai cuộc chiến Afghanistan và Iraq vô cùng tốn kém. .

Phấn khởi vì 4 tài khóa thặng dư trong nhiệm kỳ hai của Tổng Thống Clintonnhư đã nói trên, nhiều chuyên viên đề nghị tỷ lệ Khiếm Hụt/TSLQG không được vượt quá 1%.  Nhưng khi Tổng Thống G.W. Bush bước vào Nhà Trắng năm 2001, thì kinh tế có đã dấu hiệu suy thoái rồi. Để chống suy thoái, ông tạm cắt giảm thuế trong một thời gian  Trước hết, là thuế lợi tức cá nhân.  Sở dĩ thuế suất thuế lợi tức cá nhân đưọc sử dụng thường xuyên vì nó không những là một công cụ tài chánh hữu hiệu dễ đem lại nguồn thu lớn nhất cho chính quyền liên bang mà còn phản ảnh khá rõ ràng lập trrường chính trị của đảng cầm quyền. Thật vậy, individual income tax & tax withholding trong 2 tài khóa 2004 và 2005 chiếm trên 80% ngân sách dự trù[5]. Bush giảm tỷ lệ 39,6% cho nhóm cao nhất thời Clinton, giảm xuống còn 35% (rất thấp so với tỷ lệ 94% thời Thế Chiến Hai, hay 90% thời Tổng Thống Eisenhower 1963-61); và cho nhóm thấp nhất từ 15% xuống còn 10%. Năm 2003, thuế suất đánh trên thắng lợi tư bản (capital gains tax rate) và thuế suất thuế lợi tức đánh trên tiền lời cổ phiếu công ty (income tax rate on corporate dividents) được giảm hơn phân nửa. Năm sau đó, Đạo Luật American Jobs Creation Act lại giảm thuế lợi tức cho các công ty Hoa Kỳ kinh doanh ở nước ngoài.

Nhưng với những phương cách giảm thuế suất đó, tổng số thu không tăng lên nhanh như dự trù, mà trái lại còn sụt xuống nhiều — chủ yếu do ảnh hưởng biến cố 11/9/2001– từ 20,9% GNP trong tài khóa 2000 xuống còn 16,3% GNP trong tài khóa 2004. Chỉ riêng trong tài khóa này, quốc trái lên đến 413 tỷ. Tuy nhiên, trong 3 năm kế tiếp, sau khi các biện pháp cắt giảm thuế nói trên được áp dụng và phát huy tác dụng, thì nền kinh tế cải tiến phục hồi khả quan: chi phí tư doanh tăng trung bình mỗi quý 6,7%, nhờ đó tạo thêm 7,8 triệu công việc làm, hạ tỷ lệ thất nghiệp từ 6% xuống còn 4,4%, sản lượng công nghiệp vọt lên cao nhất tính trong vòng 20 năm, đẩy suất số tăng trưởng kinh tế lên 3,5%, tức tăng gấp đôi 3 năm trước đó. Riêng số thu đánh trên thắng lợi tư bản (capital gains tax) lại tăng gấp đôi mặc dù thuế suất giảm đi 25%.

Nhưng những thuận lợi trên không kéo dài được lâu.

Nếu trước đây đến cuối nhiệm kỳ của Tổng Thống Clinton, thì nay chỉ mới đến năm thứ 7 của nhiệm kỳ của vị Tổng Thống G.W. Bush,  nền kinh tế phồn vinh dựa trên nợ nần vay mượn của Hoa Kỳ cho thấy nhiều dấu hiệu suy thoái. Những người Mỹ lớn tuổi đã từng chứng kiến thị trường nhà cửa vỡ tung ở nhiều thập niên truớc, cũng như người Việt di tản đã từng chứng kiến thị trường chim cút sụp đổ ở Saigon hồi đầu thập niên 1970, cũng nghĩ sẽ có chuyện không hay xảy ra.  Một số kinh tế gia Mỹ — không nhiều — đã lên tiếng cảnh giác; nhưng rất tiếc không mấy ai tiên liệu rõ được thời điểm, nguyên nhân và hậu quả! Giá xăng dầu lên vùn vụt, giá nhà đất mỗi ngày một lên cao khi có nhiều người tranh giành nhau mua, các gia chủ refinance để tiêu xài thoải mái, hệt thống tín dụng sự cho vay bừa bãi v.v. chỉ là một tín hiệu tuy không rõ ràng lắm.  Sự kiện hàng hóa ế ẩm mùa Giáng Sinh 2007, và hàng hóa bán đại hạ giá vài tuần sau đó cũng không được chiếu cố như những năm trước là một tín hiệu rất rõ nét. Tháng 2/2008, quốc hội thông qua đạo luật nhằm kích thích  nền kinh tế (Econonomic Stimulus Act) cho phép hành pháp tung ra $168 tỷ — gọi là hoàn thuế, $600/người cho hầu hết người lớn và $300 cho mỗi trẻ em. Lần “giảm thuế” này không phải là để kích thích phía cung, mà là để kích thích phía  cầu. Các tác giả của giải pháp này hy vọng khoảng 3 tháng sau khi các checks được gửi đi, thì TSLQG sẽ tăng lên từ 1 đến 3%.  Nhưng thực tế cho thấy những người nhận được tiền chỉ xài 20-30% cho việc sắm sửa; số còn lại thì tiết kiệm để xài từ từ cho những nhu cầu khác, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu đổ xăng, mà giá cả càng ngày càng tăng, trung bình là $4.00/gallon vào cuối tháng 5 năm đó.

Cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2007-2008 bắt nguồn từ việc cho vay dễ dãi (subprime mortgage crisis) đã gây tác hại rất lớn mà đến nay ảnh hưởng vẫn còn, nhất là đối với các địa phương.  Theo ý kiến của một số chuyên viên kinh tế, nó xuất phát từ thời Clinton: Dưới sự vận động của nhóm khuynh tả Assosiation for Community Organization for Reform Now (ACORN), năm 1993, Bộ Trưởng Phát Triển Nhà Ở và Đô Thị (HUD) Henry Cisneros đã cho sửa đổi nhiều điều khoản về cho vay của 2 công ty tính cách “bán công” Fannie Mae và Freddie Mac’s để các tổ chức này tạo điều kiện giúp những người có lợi tức thấp được dễ dàng vay tiền để mua nhà.  Trong một cuộc họp báo tháng 6/1995, Clinton tuyên bố: “Kế hoạch sở hữu chủ gia cư của chúng ta sẽ không tốn hao thêm một xu nào cho người thọ thuế. Nó cũng không đòi hỏi thủ tục lập pháp.”[6] Năm 1998, khi bị chất vấn tại Quốc Hội về việc không tiết kiệm của xã hội Mỹ, vị Chủ Tịch FED Alan Greenspan giải thích: “Vâng, nhưng giá nhà đang lên cao, và vì vậy mà người ta có tiền tiết kiệm.” Nếu lúc đó, ông mua cái biệt thự sang trọng 5 triệu đô la, thì giờ đây nếu bán được thì chỉ còn không hơn 3,5 triệu: ông không tiết kiệm, mà còn lỗ to.

Tháng 9/2008, sau 2 tháng cố gắng cứu nhưng không hiệu quả, ngày 7/9/08 chính quyền liên bang đành nhận đảm nhiệm 2 công ty trên, cam kết đền bù 200 tỷ để đền bù thiệt thòi cho các cổ đông, và 150 tỷ cho 2 năm kế tiếp. Bỏ mặc cho đại công ty Lehman Brothers khai phá sản, vào ngày 19/6/08, Bộ Ngân Khố tuyên bố sẽ bỏ thêm 85 tỷ bailout đại công ty bảo hiểm khác AIG.

            Trong khi cuộc tranh cử gần kết thúc và ứng cử viên Tổng Thống Obama đang có chiều thắng thế, thì ngày 13/10/08, Bộ Trưởng Ngân Khố Henry Paulson của chính quyền Bush, Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Ben Bernake, Tổng Giám Đốc Sheila Bair của FDIC và Chủ Tịch Fed ở New York Timo Geithner gặp gỡ làm việc với 9 vị Tổng Giám Đốc ngân hàng lớn nhất của nước Mỹ, yêu cầu họ điền và ký vào mẫu in sẵn để bán preferred stock của các ngân hàng này cho chính phủ, nhiều ít tùy theo tầm cở của ngân hàng, với giá tính trung bình thấp hơn 20% total equity của các ngân hàng.  Nói cách khác, nếu các ngân hàng này không muốn bị chính phủ bailed out, thì bất kỳ lúc nào FBI cũng có thể xin lệnh bố ráp … và đóng cửa.  Đến 6 giờ rưỡi tối, thì quý vị TGĐ đành tuân thủ ghi tiền bán đã được định sẵn, ký tên và ghi ngày tháng vào.  Có lẽ Bộ Ngân Khố đã đãi họ ăn trưa với cái hamburger và lon nước soda rồi. Mà nếu Paulson có đãi cơm chiều vì tình đồng nghiệp cũ, thì họ cũng không ăn nỗi!  Thật ra, sự kiện xảy đến cũng không có gì đáng ngạc nhiên: Mười ngày trước đó, sau khi đã bị đánh bại ở Hạ Viện, một dự luật nhằm cho phép Hành Pháp xuất một ngân khoản lớn đã được Thượng Viện bổ sung, rồi thông qua và được Tổng Thống Bush ban hành có hiệu lực kể từ ngày 3/10/08.  Đó là Luật Cứu Trợ Kinh Tế Khẩn Cấp (The Emergency Economic Stabilization Act) cho phép Bộ Ngân Khố thiết lập chương trình TARP (Troubled Asset Relief Program) với ngân khoản 700 tỷ để mua các chứng khoán được bảo đảm bằng mortgage (mortgage-backed security) cũng như giúp các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Nói tóm lại, giảm thuế, lún sâu vào 2 cuộc chiến Afghanistan và Iraq, cứu trợ Katrina, suy thoái kinh tế nhiều năm sau vụ tấn công của khủng bố,  các vụ bailout vv. đã khiến cho khiếm hụt ngân sách tăng lên đáng ngại. Trừ tài khóa 2001, mà ngân sách được soạn thảo và thực hiện từ thời Clinton, tất cả tài khóa dưới thời ông (2002 – 2009) đều khiếm hụt, khiến tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG vượt quá con số 60%.  Ông bay về Texas thảnh thơi bửa củi cho khỏe tay, để lại ngân sách khiếm hụt trên 1.420 tỷ, hay 1,42 ngàn-tỷ (trillion, và đưa quốc trái lên 1,909 ngàn-tỷ, khiến tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG là 81.54%.  Để cho dễ nhớ, chúng ta có thể ghi nhận rằng: Tổng Thống Bush là vị Tổng Thống Mỹ đầu tiên đưa khiếm hụt ngân sách lên đơn vị ngàn-tỷ (trillion); còn trước đó thì Tổng Thống Reagan đã mở kỷ nguyên đưa quốc trái lên ngàn-tỷ. 

            Quả là một sự chuẩn bị trao ấn kiếm hứa hẹn nhiều thách thức cho chủ nhân mới của Tòa Bạch Ốc.

            Trước tình hình kinh tế rất khẩn trương: tỷ lệ thất nghiệp càng ngày càng cao, dân chúng không trả nổi mortgage, hệ thống ngân hàng hầu như bất động, nhiều người lo sợ một đại khủng hoảng kinh tế mới sẽ xảy ra. (Amazon.com cho biết các sách viết về cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế hồi đầu 1930 được tái bản và bán rất chạy. Người viết này cũng là một trong những người mua). Ngay từ tháng 11/2008, Tổng Thống Đắc Cử Obama loan báo đề cử một số chuyên gia kinh tế thượng thặng vào các chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ mới, và họ bắt đầu làm việc ngay, rất khẩn trương. Vì dân chúng không có việc để mà làm, cho nên biện pháp giảm thuế để khuyến khích người ta làm việc đã không được nghĩ tới.  Các kinh tế gia đều nghĩ đến các chương trình New Deal hồi phục kinh tế của Tổng Thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945, vị TT được bầu lại nhiều nhiệm kỳ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ), và John M. Keynes với tác dụng số nhân của tiền chính phủ tung ra như đã đề cập ở trên.

            Trong bức thư đề ngày 14/2/11 kèm theo dự án Ngân Sách 2012, nghĩa là ông đang bước vào năm thứ ba của nhiệm kỳ, Tổng Thống Obama phân trần: “Khi tôi tuyên thệ nhậm chức 2 năm trước đây, Chánh Phủ của tôi được để lại cho một ngân sách khiếm hụt hàng năm 1,3 ngàn-tỷ, hay 9, 2% TSLQG; và một khiếm hụt được dự phóng trên 8 ngàn-tỷ cho 10 năm kế. Những khiếm hụt này là hậu quả của 8 năm đã không chi trả cho nhiều chương trình – đáng lưu ý, 2 lần cắt giảm thuế lớn lao, và lợi ích mới Medicare chi trả cho việc mua thuốc có toa – cũng như cuộc khủng hoảng và suy thoái tài chánh đã làm tệ hại thêm tình hình thuế má trong khi số thu lại giảm và các loại chi phí tự động của Chính Phủ (automatic government outlays) lại tăng lên để đối phó với cuộc suy thoái, và làm nhẹ bớt ảnh hưởng của nó.”[7]

            Tổng Thống Obama tuyên bố Chính Phủ của ông đã thực hiện nhiều bước để “tái lập trách nhiệm tài chánh (re-establish fiscal responsibility).”  Khác với Tổng Thống Kennedy muốn ám chỉ việc tránh khiếm hụt thêm ngân sách (avoidance of additional deficits)[8] khi đầu tiên dùng chữ “trách nhiệm tài chánh” trong Thông Điệp gửi Quốc Hội ngày 04 20/4/61, Tổng Thống Obama còn muốn đề cập tới việc đã hoàn thiện thủ tục ngân sách, cắt bỏ, cải tổ các chương trình kém hiệu năng hay trùng dụng.  Theo phân tích của Congressional Budget Office (thường được gọi tắt CBO, một cơ quan không mang tính cách đảng phái của Quốc Hội phụ trách ngân sách, được thành lập nhiều năm sau Office of Management and Budget, gọi tắt OMB trực thuộc Tòa Bạch Ốc), thì khiếm hụt ngân sách giảm hơn 200 tỷ trong thập niên này, và 1.000 tỷ trong thập niên kế.

            Để đạt các mục tiêu trên, ngân sách tài khóa 2012 sẽ không tăng các dự chi cho các lãnh vực khác ngoài lãnh vực an ninh; không tăng lương cho công chức liên bang trong 2 năm; bãi bỏ nhiều cơ quan; giảm chi phí Bộ Quốc Phòng, trong đó bỏ hẳn các dự án quân dụng tốn kém, giải ngũ trên 100 vị đại tướng và đô đốc.  Để duy trì nguồn thuế, ông chống lại việc triển hạn cắt giảm thuế cho những gia đình có lợi tức hàng năm trên 250.000 đô la đã được ban hành năm 2001 và 2003  dưới thời TT. Bush.  Dự án ngân sách cũng đề nghị cải tổ hệ thống bảo hiểm thất nghiệp, cải tổ Công Ty Pension Benfits để bảo đảm tiền hưu cho công nhân của các công ty suy sụp và phá sản, cải tổ  Cục Federal Housing Administration phụ trách giúp đỡ nhà ở rẻ tiền cho những người có lợi tức thấp; cải tổ thêm hệ thống bảo hiểm sức khỏe để đủ chi trả trong 2 năm theo tỷ lệ tăng lên ở mức chịu đựng được, mà không phải cắt giảm lớn lao số tiền bồi hoàn y tế cung cấp cho người lớn tuổi.

            Trong khi đó, sẽ có những đầu tư mới và lớn lao cho một số lãnh vực quan trọng sau đây.  Trước hết, Ngân Sách 2012 khuyến khích giáo dục đại học qua việc triển hạn Luật American Opportunity Tax Cut, duy trì chương trình học bỗng Pell Grant có từ nhiều thập niên vùa qua, ngõ hầu đến năm 2020, Hoa Kỳ sẽ có số sinh viên tốt nghiệp đại học cao nhất thế giới; đào tạo thêm 100.000 giáo chức toán và khoa học kỹ thuật; thúc đẩy và khuyến khích các trương học, các tiểu bang thi đua trong giáo dục qua chương trình “Race to Top”. Kế đến ngân sách này cũng sẽ tích cực trợ giúp những nghiên cứu cơ bản (basic research), tức những nghiên cứu chỉ có thể sinh lợi về lâu về dài mà các công ty không muốn thực hiện, chẳng hạn trong lãnh vực kỹ thuật năng lượng sạch (clean energy technology) để sao cho đến năm 2015, Hoa Kỳ là nước đầu tiên có 1 triệu chiếc xe hơi chạy điện; đến năm 2035, có 80% điện lực được cung cấp bằng năng lượng sạch. Hơn nữa, ngân sách này sẽ tiếp tục sửa sang, tu bổ hay tân tạo hạ tầng cơ sở, hệ thống lưu thông đã khá cũ kỹ, với số đầu tư sơ khởi  50 tỷ và qua sự thành lập của một ngân hàng mới có tên National Infrastructure Bank.

            Ngân Sách 2012 do Obama đưa sang đề nghị phần thu (revenues) là 2,627 ngàn-tỷ và phần chi (outlays) là 3,732 ngàn-tỷ. Vào tháng 4, đảng Cộng Hòa đề nghị 2 con số này lần lượt là 2,533 ngàn-tỷ và 3,529 ngàn-tỷ; nghĩa là đề nghị giảm cả thu lẫn chi.  Tuy nhiên, trong phần dự chi, có những khoản được gọi là entitlements, thì đề nghị cắt giảm của Đảng Cộng Hoà không đáng kể, vì chúng được xem như là bắt buộc (mandate). Chính Obama đã đề nghị giảm chi phí cho các chương trình sau đây: Medicare 0,6% (còn 761 tỷ), Medicaid và Chương Trình Bảo Hiểm Y Tế Trẻ Em Cho Các Tiểu Bang 2,5%  (còn 269 tỷ), Trợ Cấp Thất Nghiệp 14% (còn 612 tỷ), Cứu Nạn Nhà Cửa Gặp Khó Khăn 54% (còn 13 tỷ). Tuy nhiên, trong thành phần entilements này có 2 loại chi phí tăng lên.  Đó là tiền an sinh xã hội (social security), lý do là vì các baby boomers bắt đầu về hưu, tăng 2.6% (lên 761 tỷ) và tiền lãi cho quốc trái sẽ tăng 17% (lên đến con số 242 tỷ). Nhìn chung, các chi phí bắt buộc (entitlements) lên đến 2,382 ngàn-tỷ, chiếm 67,5% ngân sách; và Đảng Cộng Hòa dù có cắt giảm thành công chăng nữa, thì cũng chẳng giảm được bao nhiêu.  Riêng tiền lãi trả cho quốc trái đã chiếm trên 10% ngân sách.

            Chi phí cao nhất vẫn là chi phí cho Bộ Quốc Phòng (553 tỷ, tăng 0,7%);  Kế đến là Overseas Contingecies Operations, tức các hoạt động chống khủng bố hải ngoại,  (118 tỷ, giảm 26%); Bộ Y Tế Xã Hội (79, 9 tỷ, giảm 1,8%) vv.  Ngân Sách của Bộ Giáo Dục tăng 6,2%;  của Bộ Năng Lượng tăng 4,2%, của Bộ Gia Cư tăng 0,5% phù hợp với các chương trình phát triển đã đề cập trên đây. Và dĩ nhiên ngân sách Bộ Cựu Chiến Binh cũng tăng nhiều (3,1%) để đáp ứng nhu cầu cho quân nhân về hưu, thương tật trở về.

            Trong khi đó, thì tổng số thu chỉ là 2,627 ngàn-tỷ, trong đó thuế lợi tức cá nhân như bấy lâu nay vẫn đem lại số thu cao nhất: 1,141 ngàn tỷ (43,4%). Kế đến là thuế lợi tức công ty 329 tỷ (12,5%); thuế công quản (excise tax) 103 tỷ (3,92%).  Deposits of Earnings và Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang cũng sẽ đem lại 66 tỷ (2,5%).  Riêng Thuế An Sinh Xã Hội và Thuế Lương Bỗng đem lại 925 tỷ (35%).  Chúng ta cũng đừng quên rằng thuế an sinh xã hội của những người chưa về hưu mỗi tháng 2 kỳ phải bỏ vào trust fund, trên nguyên tắc là để sau này trả mỗi tháng cho người đó. Nhưng trust này có nhiều tiền quá, trong khi chính phủ lại thiếu tiền. Vì vậy chính phủ cứ tiếp tục mượn đỡ để “xoay xở” và trả tiền lãi.  Đã có lúc Quỹ An Sinh Xã Hội không có tiền mặt, vì thu vào chưa kịp, để trả cho những người đã về hưu!

            Thu không đủ chi, khiếm hụt ngân sách phát sinh từ đó.  Và vay mượn là kết quả hiển nhiên.

Nhưng câu hỏi quan trọng đã được đặt ra là: Khiếm Hụt Ngân Sách và Quốc Trái lên đến mức nào thì đáng được gọi là báo động?

Đến ngày 17/12/11, TSLQG Hoa Kỳ là 15,074 ngàn-tỷ và  quốc trái lên đến 15,128  ngàn-tỷ (so với 14,294 ngàn-tỷ ngày 12/2/11 lúc TT Obama chuyển Ngân Sách 2012 sang Quốc Hội).  Nghĩa là tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG là 100,36%.  Trong khi đó,  khiếm hụt ngân sách là 1.303 ngàn-tỷ. Như vậy, tỷ lệ Khiếm Hụt/TSLQG là 8,64%. [9]

Theo thỏa hiệp The Maastricht Treaty được các nguyên thủ quốc gia Châu Âu Thống Nhất ký kết ngày 10/12/199,  một trong những điều kiện để một quốc gia được chấp nhận vào Liên Hiệp Tiền Tệ là khiếm hụt ngân sách không được vượt quá 3% TSLQG, và tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG phải dưới 60%. Nếu Hoa Kỳ cũng theo tiêu chuẩn này, thì khiếm hụt và quốc trái phải đáng được báo động từ lâu rồi.

Tuy nhiên, theo tính toán của Reinhart &Rogoff  thuộc tổ chức Peterson Institute for International Economics, chuyên nghiên cứu nợ nần của Hoa Kỳ và các nước phát triển khác, thì:

“…mối liên hệ giữa nợ của chính phủ và TSLQG thực sẽ yếu đối với những tỷ lệ Nợ/TSLQG bắt đầu ở mức 90%. Trên mức 90% này,thì các suất số tăng trưởng trung bình giảm 1% xuống, và sự tăng trưởng trung bình giảm xuống nhiều hơn.”[10]

  Vả lại, cân bằng ngân sách một cách tuyệt đối (nghĩa là chi phải bằng thu) cũng không phải là một giải pháp lý tưởng. Lý do là nếu xảy ra lạm phát chẳng hạn, thì Federal Open Market Committeee, bộ phận phụ trách mua bán chứng khoán chính phủ (government securities) thuộc Quỹ Dự Trữ Liên Bang, tức ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ, sẽ khó thi hành hữu hiệu chính sách tiền tệ.

Tỷ phú Warren Buffet trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNBC (8/7/11) đã sử dụng tỷ lệ 3%  của  Thỏa Hiệp Maastritch khi ông tuyên bố: “Tôi có thể chấm dứt khiếm hụt ngân sách trong 5 phút. Chỉ cần ra một đạo luật quy định rằng bất kỳ khi nào khiếm hụt ngân sách trên 3% TSLQG, thì tất cả thành viên đương nhiệm của quốc hội không đủ điều kiện để tái tranh cử.”  Ông chỉ nói cho vui, chứ nếu ông bỏ ra phân nửa tài sản để vận động, thì cái luật như vậy cũng không thể ra đời! Ba năm trrước đó  (2008), trong một cuộc phỏng vấn, ông cho rằng tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG 40% đã không gây rắc rối gì trong quá khứ, thì  cũng sẽ không gây phiền toái trong tương lai.

Chúng ta đồng ý với Tổng Thống Reagan là cá nhân thì không nên xài quá khả năng tài chánh của mình, bởi lẽ nợ nhiều quá nếu thiên hạ biết được sẽ không cho mượn tiếp; và không trả thì sẽ gặp rắc rối đối với pháp luật. Nhưng đối với nhà nước thì lại khác.  Không ai bắt giam nhà nước cả; nhà nước lại còn có uy tín và có nhiều phương cách để vay mượn.

            Tuy nhiên, nếu nhà nước nợ nần nhiều quá, cứ phải in tiền mới để trả, hoặc cứ phải tiếp mượn nợ mới để trả tiền lãi và nợ cũ, thì có cơ thiên hạ sẽ không dám cho vay nữa, vì sợ lạm phát sẽ làm mất giá cả vốn lẫn lãi. Do đó cũng cần phải có biện pháp qui định mức vay mượn, mục tiêu và cách thức vay mượn, cũng như kế hoạch và thời gian hoàn trả v.v.  Đó là lý do Quốc Hội Hoa Kỳ muốn đặt ra một mức nợ không được vượt qua (debt ceiling) mà Hành Pháp phải tuân theo.  Đáng lẽ đến ngày 30/9/11 vừa rồi Quốc Hội phải biểu quyết xong ngân sách để được ban hành và áp dụng từ ngày 1/10/11, nhưng Quốc Hội đã không làm xong, nhưng vì chưa thỏa thuận được mức nợ đó, cho nên Quốc Hội đã làm một chuyện bất thường; đó là lập ra liên ủy ban gọi là Joint Select Committee on Debt Reduction, gồm 12 thành viên (3 Dân Biểu và 3 Thượng Nghị Sĩ, tức 6 người mỗi đảng) được cử ra ngày 10 và 11/8 . Làm việc trên 2 tháng dài, 2 phía không đi đến thỏa hiệp nào cả về thời gian gia hạn gỉảm thuế (ban hành từ thời TT Bush), các khoản chi tiêu cần cắt giảm hay thêm mới; mức quốc trái không được vượt qua (debt ceiling) cùng thời gian bắt đầu hiệu lực (việc này đáng lẽ TT Obama nên làm khi đảng Dân Chủ còn chiếm đa số ghế ở Quốc Hội, trưóc cuộc bầu cử cuối năm 2010) vv.  Đến ngày 21/11/11, siêu ủy ban này tuyên bố sứ mạng đã thất bại, hai bên đổ lỗi cho nhau và chờ đợi Quốc Hội họp lại quyết định! Nếu Quốc Hội quyết định mau chóng đi nữa, thì chỉ mới xong cho Ngân Sách 2012 mà thôi.

  Riêng chuyện nợ nần của Chánh Phủ Hoa Kỳ vẫn còn là câu chuyện dài, khó có thể giải quyết trong một hay hai nhiệm kỳ Tổng Thống sắp tới vì Ngân Sách hằng năm của Hoa Kỳ theo một tiên liệu mặc dầu rất lạc quan của Congressional Budget Office (CBO) thì từ nay đến tài khóa 2020, năm nào cũng khiếm hụt vì kinh tế chưa phục hồi.[11] Mà ngân sách còn khiếm hụt, thì chính phủ phải vay mượn.

            Nói chung, các chủ nợ trong và ngoài nước có thể mua đủ loại chứng khoán của Chính Phủ Hoa Kỳ từ ngắn hạn đến dài hạn do Bộ Ngân Khố, nhân danh Chánh Phủ Hoa Kỳ bán ra để trang trải nhu cầu tài chánh vào mỗi  thời điểm. Loại thứ nhất gồm những loại chứng khoán mà chủ nợ mua vào và có thể bán lại được (marketable debt) gồm US Treasry Bills (13, 26, 52 tuần); US Treasury (1-10 năm); US Treasury Bonds (10 năm trở lên). Loại thứ hai, gồm những loại chứng khoán không bán lại (non-marketable debt) gồm US government accounts; Foreign governments; US Savings Bonds.[12]  Như vậy, chúng ta có thể hiểu được rằng không bao giờ xảy ra tình trạng các loại chứng khoán trên đáo hạn cùng một lúc. Do đó, một trong những công tác quan trọng của Bộ Ngân Khô là bán những loại chứng khoán này cho người mua trong cũng như ngoài nước để có tiền trả cho các nợ đáo hạn, cũng như tài trợ cho các chi tiêu mới đã được Quốc Hội cho phép.  Chỉ khi nào không còn người mua các loại chứng khoán chính phủ, nghĩa là không còn ai cho vay nữa, thì lúc đó Chánh Phủ Hoa Kỳ mới gặp khó khăn và vỡ nợ. Trong chiều hướng này, thì quyết định vào đầu năm 2012 của công ty lượng giá Standard & Poor’s trong việc hạ thấp hạng (downgrade) các chứng khoán dài hạn của chính phủ mà nhiều người chê trách là vội vã (so với tích sản còn quá lớn của Mỹ) và có tính cách giả nhân gỉả nghĩa (công ty này được các tổ chức tà chánh bảo trợ cho nên muốn tạo áp lực để Bộ  Ngân Khố lên lãi suất cho các chứng khoán dài hạn) có ảnh hưởng không ít cho việc vay nợ dài hạn của Chánh Phủ.

            Đến tháng 12/10, Hoa Kỳ đã nợ nước ngoài 4.440 tỷ.  Nhiều nhất từ Hoa Lục: 1.160 tỷ (26,1%); kế đến từ Nhật: 882,3 tỷ (19.9%); Anh: 272, 1 tỷ (6,1%); các xứ xuất cảng dầu hỏa: 221, 9 tỷ (4,8%) v.v.

Cựu Tổng Thống Clinton cho rằng ngoại quốc là chủ nợ của hơn phân nửa tổng số quốc trái Hoa Kỳ, nếu không tính các lưu giữ của Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed’s holdings) và các chứng khoán chính phủ (Treasury bonds) giữ bởi Social Security và các trust funds khác, như là những thành phần của quốc trái.[13]

            Sở dĩ các công ty, các ngân hàng ngoại quốc, cũng như các chánh phủ ngoại quốc (qua Ngân Hàng Trung Ương của họ) mua các chứng khoán của chính phủ Hoa Kỳ nói trên là vì: (1) đồng đô la vẫn còn là key currency dùng cho các thanh toán quốc tế theo Hội Nghị  Bretton Woods;  (2) mua các chứng khoán của Chính Phủ Hoa Kỳ vẫn an toàn hơn là gửi tiền vào các ngân hàng; (3) theo quy ước, các xứ xuất cảng dầu hỏa đồng ý để đồng đô la lại ở Hoa Kỳ, vậy thì nên mua các loại chứng khoán nói trên vừa an toàn, vừa được lãi, tuy không cao;  (4) có khi Chánh Phủ Hoa Kỳ đến “năn nỉ” các chánh phủ ngoại quốc, và các chánh phủ này trực tiếp mua (qua Ngân Hàng Trung Ương) hay thuyết phục các ngân hàng, hay công ty công/tư v.v.  mua chứng khoán của Chánh Phủ Hoa Kỳ để “giúp cho đồng minh.”

            Đến đây có thể có người hỏi tại sao chính phủ không in tiền ra để xài hay trả nợ, mà lại phải vay mượn cho phiền toái và tốn kém vì phải trả tiền lãi và các chi phí khác.  Câu trả lời là: Nếu in tiền ra thêm, thì dễ đưa đến lạm phát; càng tung thêm nhanh tiền mặt ra thì lạm phát sẽ càng lên cao mau lẹ, rất khó đối phó, và nền kinh tế dễ đưa đến suy sụp .

           xxx

            Khi một nền kinh tế tự hào hay mang tiếng là một nền kinh tế dựa trên tiêu thụ, nó sẽ lần lần sản sinh một nền văn hóa sống ngoài khả năng của mình (overdraft culture). Đó là chưa nói đến thói quen của một bộ phận không nhỏ của xã hội đã quen trông cậy và đòi hỏi i chính quyền, cũng như sẵn sàng lợi dụng những kẽ hở của luật lệ mà trục lợi.  Đến lượt nó, nền văn hóa sống ngoài khả năng này sẽ đòi hỏi cho kỳ được một loại chính quyền chi tiêu vượt khả năng (overdraft government) để thỏa mãn nó, không cần phải ưu tư nhiều vì rồi đây sẽ có người khác trả nợ cho mình. Ngành bảo hiểm gọi đây là nguyên tắc nguy hiểm về tinh thần (the principle of moral harzard).  Nay nếu vì một sức mạnh tinh thần nào đó – chứng tỏ trách nhiệm tài chánh, nêu gương “tri túc/ tri hữu” và “đứng trên hai chân mình”, hoặc cảm thấy tội lỗi với thế hệ mai sau vì bắt buộc chúng phải chịu sưu cao thuế nặng để trả món nợ cho mình gây ra– chính quyền loại này muốn bớt tiêu xài và hạn chế nợ nần, thì điều đó không phải thực hiện dễ dàng và nhanh chóng được, dù cho quốc gia đó đó là Hoa Kỳ.

            Như chúng ta đều biết:  Kinh tế học là môn học nghiên cứu về sự phân bố tài nguyên khan hiếm.  Nợ là một loại tư bản khan hiếm.  Do đó, nó cần phải được sử dụng khôn ngoan để phục vụ cho ổn định và tăng trưởng kinh tế.  Trong nhiều thập niên vừa qua, rõ ràng Hoa Kỳ đã sử dụng quốc trái chủ yếu cho tiêu thụ hơn cho đầu tư, cho mục tiêu quân sư hơn cho tăng trưởng kinh tế.  Với biện pháp hạn chế mức nợ không được phép vượt qua trong thập sắp đến,và dự trù sử dụng tiền vay mượn vào việc tái thiết hạ tầng cơ sở; cải tổ giáo dục; tăng cường nghiên cứu cơ bản v.v., mà Chánh Phủ của Tổng Thống Obama và Quốc Hội hiện nay đang cố gắng thực hiện có đánh dấu được một bước khởi đầu kiên quyết mới , và sẽ được các chính quyền sau này tiếp tục không; hay hóa ra đó chỉ là những nổ lực nhằm mục tiêu tranh cử mà thôi.  Người ta còn phải chờ đợi câu trả lời trong tương lai

Lê Văn Bỉnh

Virginia, 12/2011

Chú Thích:

[1] Mỗi năm đóng góp vào ngân sách 16,3% đến 20,9% tổng sản lượng quốc gia trong khoảng thời gian 1953- 2008 (Presimetrics, by Mike Kimel & Miachael Kanell, 2010, p. 40)

[2] Nổi tiếng với khúc tuyến Laffer curve: Trục tung biểu thị tổng số thuế thu, trục hoành biểu thị thuế suất. Khúc tuyến Laffer có hình một paroble úp xuống và không đối xứng; phát xuất từ điểm O (thuế suất 0%) và cắt trục hoành ở điểm p (thuế suất 100%). Ở 2 thuế suất này, không thu được gì cả. Theo Laffer, thuế suất lớn Om (m là điểm chiếu của đỉnh paroble xuống trục hoành) chỉ làm cho tổng số thu sụt giảm mà thôi.

[3] Trong bài này, các con số được viết theo lối tiếng Việt (23,5%) thay vì tiếng Anh (23.5%) và ngàn-tỷ dùng để dịch trillion

[4] Những tỷ lệ Quốc Trái/TSLQG sử dụng dưới đây có nguồn là U.S. Dept. of Commerce, được in lại trong Hamilton’s Blessing,  by John S. Gordon (2010), p. 207..  Nguyên văn Gordon ghi: Debt as % of GNP/GDP. Xin lưu ý là GNP Hoa Kỳ trong mấy thập niên vừa qua chỉ bằng 20-25% GDP (tổng sản lượng quốc nội) vì chưa cộng thêm hiệu số giữa lợi tức của người Mỹ đầu tư ở hải ngoại và lợi tức người ngoại quốc đầu tư ở Hoa Kỳ. Nói khác đi, Quốc Trái/TSLQG < Quốc Trái/TSLQN.

[5] Financial Report of the United States ( 2006), p.192

[6] America’s Ticking Bankruptcy Bomb, by Peter Ferrara (2011), pp. 184-186

[7] Fiscal Year 2012 BUDGET of the U.S. Government

[8] Macroeconomic Decision Making in the World Economy, 3rd ed., by Michael G. Rukstad (1992), p. 238

[9] Tính theo U. S. Debt Clock.org mà các con số thay đổi không ngừng

[10] A Decade of Debt by Carmen M. Reinhard & Kenneth S. Rogoff (2011), p.27

[11] Debt, Deficits and the Demise of the American Economy by PeterTanous & Jeff  Cox (2011), p.6

[12] Red Ink: The Budget, Deficit, and Debt of the ỤS. Government by Gary R. Evans (1997), p.6

[13] Back to Work: Why We Need Smart Government for a Strong Economy by Bill Clinton (2011), p.33 & p.55

Views: 1066

Posted in nghien cuu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *