Cô Gái Huế với Tranh Thiếu Nữ của họa sĩ Ðinh Cường

Phạm Thành Châu

dinh cuongthieunutrong thanhnoi-1984

Trí nhớ, khoảng năm 1970, sau khi tốt nghiệp trường Hành Chánh, tôi được bổ về Thừa thiên, Huế, làm việc.  Nhiệm sở là quận Quảng Ðiền, với chức vụ Phó Quận Hành chánh. Quảng Ðiền cách Huế vài chục cây số, có cái địa danh rất nhiều người biết là phá Tam Giang với hai câu thơ “Thương em anh cũng muốn vô. Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”. Phá Tam Giang cách quận lỵ, là chợ Ngũ Xã, chừng một cây số.

Thỉnh thoảng tôi ra đứng nhìn cái đầm nước rộng mông mênh đó mà chẳng thấy một chút xúc động, mơ mộng nào. Phía bên kia mờ mịt bờ dương liễu xanh thẫm, xa đến nỗi thành một vạch dài, chia cắt nước với trời. Sau lưng tôi là bờ đất với những cây dại rải rác. Làng xóm ở tít đằng xa. Sau lũy tre xơ xác là những ngôi nhà tre lụp xụp bên cạnh những thửa ruộng, những con đường quê vắng vẻ. Chiến tranh đã tiêu diệt một số người, một số khác tìm về thành phố sống lây lất, chỉ còn lại những người liều chết, sống bám ruộng đồng để săn sóc mồ mả tổ tiên, ông bà, cha mẹ …

Không rõ thời phát sinh hai câu thơ trên, phá Tam Giang nguy hiểm ra làm sao, chứ lúc đứng nhìn mặt nước yên tĩnh, bao la, tôi chẳng thấy sóng gió gì cả. Vậy mà cái anh chàng bạc tình nào đó nỡ ngâm nga hai câu thơ trên để nại lý do không thể vào Huế gặp “em”. Hay là anh ta cũng có cố gắng vượt truông nhà Hồ vào đến phá Tam Giang, thấy cảnh vật quá đìu hiu, anh ta cụt hứng, tặc lưỡi một cái và quay về với cô hàng xóm?

Ðã vậy có người còn bày đặt, thêm hai câu “Phá Tam Giang giờ này đã cạn. Truông nhà Hồ Nội tán cấm nghiêm”. Cô nào mà thèm nói như thế ? Thứ con trai hèn nhát, “thiếu tư cách” cỡ đó mà người đẹp phải năn nỉ ? Cô gái Huế, từ bao đời nay, là tiểu thư khuê các, vương tôn công tử thiếu điều quỳ lạy, chắc gì được để mắt đến, chưa nói đến gia pháp nghiêm minh, kín cổng cao tường, làm sao có chuyện liên hệ nam nữ, dù là quen biết, với một người con trai ở xa đến độ phải vượt truông nhà Hồ, vượt phá Tam Giang?…

Ủa? Thế còn tranh thiếu nữ của hoạ sĩ Ðinh Cường đâu, sao không nói đến? Xin thưa, vì yêu cô gái Huế quá nên tôi lạc đề. Mà cái tình yêu đó có nguyên nhân sâu xa nên tôi xin được phép dài dòng thêm chút nữa.

Năm đó tôi khoảng 15 tuổi, ở Hội An. Nhân dịp nghỉ hè, tôi rủ thằng bạn hàng xóm (đó là thằng Ðỗ Ðình Tân), hiện nay ở Philadelphia, làm một chuyến phiêu lưu ra Huế. Hai đứa tôi chưa biết Huế bao giờ, không có bà con nào ở Huế, vậy mà cứ đón xe đi bừa. Trong túi chẳng có nhiều, chỉ đủ trả tiền xe đò, còn thừa chút đỉnh thì ăn bánh mì không (không có nhân), uống nước máy bên đường. Chúng tôi xuống xe ở bến An Cựu, bắt đầu lang thang khắp nơi. Ðến giốc Nam Giao, qua nhà ga, thăm trường Ðồng Khánh, trường Quốc Học, qua cầu trường Tiền, đến chợ Ðông  Ba, vào thăm Ðại Nội…  Nghĩa là đọc sách, rồi hỏi người ta nơi nào nổi tiếng ở Huế là đến. Buổi chiều, sau khi rã cẳng, hai đứa tôi đến bãi cỏ trên bờ sông Hương, ngay trước  nhà sách Ưng Hạ  nằm dài ra, vừa chuyện trò vừa đón gió mát… Khi đèn đường sáng lên thì trời cũng chạng vạng. Hai đứa tôi chợt thấy bên kia đường, một cô bé đi qua, tay ôm chiếc chiếu. Cô lớn hơn tụi tôi khoảng vài tuổi, người mảnh khảnh, tóc ngang vai, mặt trái xoan dài trông vừa yểu điệu vừa ngây thơ. Có lẽ cô xem hai đứa tôi như em nên cử chỉ, lời nói rất tự nhiên tuy trong lúc đối đáp cô không xưng chị mà cũng không gọi tụi tôi bằng em. Giọng vui mà dịu dàng, cô nói là cho tụi tôi mượn chiếc chiếu để ngủ, sáng mai đem trả lại. Cô chỉ nhà cô, bên kia đường. Có lẽ ba mẹ cô đứng trên lầu thấy hai thằng nhỏ vô gia cư nên sai con gái đem qua cho mượn chiếu. Chúng tôi rất cảm động, lí nhí cám ơn. Ðã tử tế cho mượn chiếu, cô còn ân cần hỏi thăm mấy câu “Nhà ở mô?” “Ở Hội An” “Hội An là ở mô?” “Ði vô Ðà Nẵng rồi đi vô Hội An, xa lắm” “Có đi học không?” “Có, học trường Trần Quý Cáp”. Cô cười, miệng rất đẹp, mắt cũng rất đẹp. “Con trai đi chơi sướng hỉ”. Cô đi qua đường, vô nhà rồi mà hai đứa vẫn còn ngẩn ngơ. Ðược người đẹp nói chuyện thân mật như thế, là lần đầu trong đời nên tôi cứ tưởng cô là cô tiên trong truyện cổ tích vậy. Và hình ảnh cô, lời cô nói, đôi mắt, miệng cười của cô, tôi nhớ mãi đến bây giờ … Buồn ngủ lại gặp chiếu hoa, lại là chiếu do người đẹp đưa, chúng tôi trải lên cỏ, êm như nằm nệm. Hai đứa tôi ngủ thẳng một giấc đến sáng. Tỉnh dậy mới biết là bị mất giày sandale (giày có quai) và cả mũ hướng đạo (mũ rộng vành) nữa. Thời đó, giày có quai và mũ rộng vành là thời trang của học trò. Ðành mua một đôi giép rẻ tiền đi tạm.

dinhcuong theo em ve hue

Chừng đó tuổi mà tôi đã biết mê gái, nên tôi giành phần đi trả chiếu. Lần này tôi thấy cô đẹp hơn hôm qua, nhưng không biết làm thế nào để kéo dài thời gian gặp gỡ, tôi đành hỏi “Xuống sông tắm có được không?” Cô nhìn tôi, mắt sáng trưng vẻ như ngạc nhiên và cô cười “Ðược.” Ðoán chừng cô sẽ lên lầu xem hai đứa tôi làm gì nên tôi nổi máu anh hùng, cởi đồ nhảy xuống sông biểu diễn bơi lội. Cái bờ sông Hương rất cao, đứng nhìn qua bên kia, thấy gần nhưng xuống nước tôi bơi hoài, mỏi nhừ cả chân tay mà vẫn chưa đến bờ. Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp thì sông Hương đâu phải hẹp. Khi đến bờ bên kia, tôi sợ quá không dám bơi trở lại nữa. Thế là tôi cứ mình trần, mặc chiếc quần đùi ướt mem, chạy dọc bờ sông, lên cầu Trường Tiền, chạy vòng về chỗ cũ. Xứ Huế, bấy giờ, các bà gánh hàng bán ngoài chợ còn mặc áo dài, thì cảnh một thằng nhỏ cứ trần trùng trục chạy ngờ ngờ qua cầu trên đường phố là một chuyện lạ. Có lẽ họ tưởng tôi điên. Khi về đến  nơi, tôi nhìn qua bên kia đường, thấy cô bé đứng trên lầu, tựa lan can, nhìn tôi cười. Tôi không nhớ mình có mắc cỡ không, nhưng tôi cũng nhìn cô cười. Và tôi yêu cô ta từ đấy. Tự nhiên mà yêu chứ chẳng có nguyên nhân nào cả. Vì yêu cô bé đó mà tôi yêu lây tất cả các cô gái Huế. Tôi yêu lòng tốt của cha mẹ cô và yêu thương luôn người dân Huế .

Thời đó còn nghỉ hè, trường học đóng cửa, nhưng tôi cũng có gặp được nhiều người đẹp trên các đường phố. Cô nào cũng đẹp dịu dàng và làm điệu khi được con trai nhìn. Dĩ nhiên hai thằng nhà quê, ngơ  ngáo như tụi tôi thì cô nào mà thèm làm điệu.

Sau này, khi vào Sài Gòn học, xem triển lãm tranh của họa sĩ Ðinh Cường, thấy tranh thiếu nữ của ông ta, tôi biết ngay là ông vẽ các cô gái Huế. Ðúng hơn, ông vẽ cô bé mà tôi yêu. Nếu Từ Bi Hồng của Trung Hoa ngày xưa nổi tiếng vẽ về ngựa thì họa sĩ Ðinh Cường vẽ tranh thiếu nữ là tuyệt vời. Vị nào đã sống ở Huế một thời gian, đã thấm được cái hồn của Huế, đã cảm nhận được những gì giấu kín sau gương mặt bình thản như lạnh lùng của cô gái Huế thì mới thấy tranh ông đã thể hiện được cái nội tâm bí ẩn đó Dòng sông Hương lặng lờ, những con đường yên tĩnh. Ðại nội, lăng tẩm, đền đài lúc nào cũng như ngủ say với thời gian, ngay cả con người trên đường phố, cũng di chuyển từ tốn, thong thả … Nhưng không ai biết rằng, trong những khu vườn tưởng chừng vắng vẻ, trong những ngôi nhà cổ kính im lìm, ngay cả trong những cửa hàng buôn bán, những cuộc gặp gỡ quen biết, bao giờ cũng xôn xao những tin đồn, những lời đàm tiếu khắt khe, có khi đến cay độc của những người đàn bà, những cô gái thì thầm về những người đàn bà, những cô gái khác. Và thế là, như một truyền thống tất cả đều được giấu kín. Các cô, từ bé, đã được dặn dò là phải đề phòng một thứ gió độc, vô hình nhưng nguy hiểm, đó là dư luận. Người lớn tuổi làm gương cho lớp trẻ thấy cách thức che giấu những ý nghĩ, những tình cảm của mình. Nhưng khổ nỗi, tuổi mới lớn nào mà không mơ mộng. Tâm hồn cô nào cũng như sợi tơ trước gió, chỉ một chút giao động là đã ngân lên biết bao âm điệu ngọt ngào, thánh thót. Nhưng biết làm sao? Chỉ có họa sĩ Ðinh Cường mới “vẽ ” được những bâng khuâng, những mơ mộng vẩn vơ đó ẩn dưới cái vẻ yểu điệu thục nữ, dưới gương mặt dịu dàng nhưng làm như vô tình  của các cô gái Huế.

Thời còn đi học ở Sài Gòn trước 75, xem tranh Ðinh Cường, bao nhiêu năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ hầu  hết các tranh thiếu nữ của ông, chân tay khẳng khiu, cổ cao, ngực chưa phát triển. Ðó là những cô bé điển hình trong những gia đình nền nếp ở Huế. Các cô được nuông chiều quá nên thành nhõng nhẽo, khó tính. Các bà mẹ thường kêu lên “Nó không chịu  ăn. Có ngon bao nhiêu, dỗ dành bao nhiêu, cũng chỉ ăn có chút xíu. Không biết tại sao nữa?” Thì tại sao! Tuổi đó phải ăn quà rong mới lớn được. Tuổi đó phải nô đùa, cười nói, chạy nhảy mới phát triển. Mà các bà mẹ Huế thì cấm tiệt. Thỉnh thoảng lắm, các cô mới lén rủ nhau đi ăn chè Cồn, ăn bánh bèo Vỹ Dạ. Bún mụ Rớt thì chỉ nghe người khác khen ngon hoặc họa hoằn lắm mới liều đi ăn thử, để biết với bạn bè . Ở nhà cũng có bún, có chè, nhưng các cô không thấy ngon vì không có bạn bè cùng sì sụp với nhau. Các cô không thấy ngon vì thiếu cái khung cảnh chộn rộn của quán ăn, thiếu làn gió mát sông Hương, thiếu cây cỏ, đường đất khó khăn khi chở nhau trên chiếc xe đạp và nhất là thiếu bóng dáng mấy cậu học trò cứ lởn vởn, lượn lờ chung quanh với những lời chọc ghẹo vu vơ, bóng gió …

Tôi nhớ mãi bức tranh ông vẽ một cô, giống cô bé đã cho hai đứa chúng tôi mượn chiếc chiếu. Cô choàng khăn nhiều màu rực rỡ. Có lẽ vào mùa thu, gió thổi tung chiếc khăn, thổi tung cả mái tóc, thổi tung cả tâm hồn mới lớn, yêu người, yêu đời của cô… Và những cành lá của hàng cây bên đường cũng lao xao, rung động. Nền là bầu trời xám nhưng vẫn còn sáng lên những tia nắng rực rỡ … Vẻ mặt cô điềm tĩnh, nhưng người xem vẫn cảm nhận được những xao xuyến trong lòng cô. Một bức khác, vẽ những cô gái đi chơi xuân. Hoa nở khắp nơi, hoa nở chung quanh các cô. Hàng cây bên đường cũng sáng lên như nở hoa. Vẫn những cô gái mới lớn nhưng trông các cô vui và bối rối, như đang túm tụm, quýnh quýu với nhau. Người xem tranh cứ tưởng vì mình ngắm các cô trong tranh khiến các cô mắc cỡ nhưng vui thích. Một bức khác vẽ một cô đi học, mắt nhìn thẳng, vẻ tự tin và “xem thường bọn con trai”. Bạn có khi nào ra Huế và đứng ngắm các cô nữ sinh Ðồng Khánh đi học về chưa? Nếu bạn gặp các cô về trên con đường nhỏ trong Thành Nội thì càng thú vị. Nên thơ vô cùng. Nhưng dù gặp bất cứ đâu, cũng chẳng có cô nào thèm nhìn bạn. Có điều bạn không ngờ, chỉ một cái liếc mắt, dáng người, vẻ mặt cử chỉ bạn đã được các cô nhận biết rất rõ ràng, tỉ mỉ. Các cô còn biết bạn nhìn cô nào nhiều nhất nữa. Nhưng tuyệt đối, không có cách nào bạn gợi chuyện mà các cô trả lời. Vì hễ trả lời là các cô bị dư luận đàm tiếu ngay. Ở Huế, hàng cây bên lối đi, ghế đá công viên, đèn đường buổi tối, bờ sông lộng gió … Chúng như có mắt có tai. Cô nào gặp ai ở đó, nói gì, làm gì, tức khắc, chúng kêu lên và cả thành phố đều biết. Các cô uất ức lắm, chỉ muốn phá vỡ, đạp tung ra, nhưng không được. Vậy là các cô làm cách mạng trong văn, thơ. Những chuyện tình nóng bỏng, những giao tiếp nam nữ nồng nàn, cuồng nhiệt… Các cô tung hê, rên rỉ, chửi rủa. Và chửi rủa thẳng vào cái nề nếp cổ hủ, khắt khe, lạc hậu của dư luận xứ Huế. Ða số các nữ sĩ nổi tiếng đều là người Huế. Có một cách giải thoát nữa là các cô theo gia đình ra khỏi Huế.  Lúc đó các cô như chim sổ lồng. Các cô vui tươi, thảnh thơi, thoải mái. Các cô cùng bạn bè thả rễu trên đường phố, liếng thoắng cười nói, cãi vã, sà vào hàng quà rong, chép miệng, hít hà vì cay, vì ngon, chẳng thèm nhìn chừng chung quanh như lúc còn ở Huế. Trong sân trường, các cô chạy nhảy, đuổi bắt nhau, rồi đốp chát, cả đến chọc ghẹo các bạn trai.

Thời còn trung học, ở trong Nam, lớp bạn có cô nào người Huế không? Thật tuyệt vời. Cả lớp như hân hạnh có được cô bạn tiểu thư đến học chung. Bạn vào lớp mà lòng cứ háo hức, muốn nổi bật trước người đẹp, nhất là khi được cô ta chuyện trò với bạn bằng thứ tiếng Huế pha giọng miền Nam, thì tim cứ mềm nhũn ra! Giọng cô vừ thánh thót  vừa ngập ngừng như nũng nịu .. Nũng nịu vì biết bạn bè, cả bạn gái nữa, thương yêu, nuông chìu.

Làm việc ở Huế, tôi thường lảng vảng trước nhà cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, trên đường Trần Hưng Ðạo, nhưng hình như nhà đã đổi chủ. Không thấy cô nhưng hễ đi ngang qua là tôi vẫn dòm chừng, vừa hy vọng vừa buồn vẩn vơ. Tôi  được biết họa sĩ Ðinh Cường cũng ở Huế, ông dạy Hội họa ở trường Mỹ thuật,  và các trường Ðồng Khánh, Quốc Học, Thành Nội (Hèn chi ông vẽ các cô nữ sinh Ðồng Khánh hay quá!), nhưng tôi không quan tâm đến ông, chỉ chờ ông triển lãm tranh để đi xem mà thôi. Vả lại, mình không phải văn nghệ sĩ, tiếp xúc với họ, mình thành lạc lõng ngay. Chuyện gặp gỡ sau đây, bạn sẽ thấy các ông văn nghệ sĩ, càng tài hoa càng không giống “người phàm” chút nào.

dinhcuong de nho hue

Một buổi tối, có người bạn đánh xe đến rủ tôi vào Ðại nội thăm họa sĩ Ðinh Cường. Xe chạy qua cửa Hiển Nhơn, vào các con đường hẹp, lát đá, hai bên là tường cao, cây cối um tùm, đèn đường tù mù, vàng vọt. Ðại Nội, tức hoàng cung là nơi gia đình nhà vua ở và làm việc, nay bỏ hoang. Ban ngày, vào Ðại Nội, đã thấy vắng vẻ, ban đêm lại càng âm u như cảnh liêu trai, người lẫn lộn với hồn ma, bóng quế. Nhà hoạ sĩ Ðinh Cường ở cạnh trường Mỹ Thuật Huế, trước đây là văn phòng của hoàng đế Bảo Ðại khi ngài còn làm Quốc trưởng. Khi chúng tôi xuống xe, đã thấy trước nhà ông mấy vị ngồi quanh một cái bàn nhỏ, tay cầm một ly rượu, im lặng như mấy pho tượng. Bạn tôi giới thiệu tôi với họ, chỉ thấy họ gục gặc đầu thay lời chào. Tôi cũng làm như vậy cho hợp cách. Tôi được biết đó là những họa sĩ Văn Ðen, Mai Chửng, Hiếu Ðệ, Bửu Chỉ, Trịnh Cung… và một số nhà văn nổi tiếng từ Sài Gòn ra. Rồi ông Ðinh Cường từ trong nhà đi ra. Ông rót cho chúng tôi ly rượu, tôi cũng cầm và ngồi xuống như họ. Ngồi một lát, tôi chán, đòi về. Lúc đó ông Ðinh Cường mới nhờ tôi sáng mai, chủ nhật, đưa dùm mấy người bạn từ Sài Gòn ra, đi xem lăng tẩm, chùa chiền. Tôi nhận lời nhưng báo trước là xe tôi tệ lắm, sợ mất uy tín mấy ông mà thôi. Nguyên nhân, là khi về nhận nhiệm sở thì không có phương tiện cho ông phó (là tôi) đi công tác. Tay Quận trưởng mới lôi chiếc xe Jeep phế thải từ thời Thế chiến thứ hai ra, kêu mấy tay thợ sử máy cày đến, đục đục, gõ gõ, lui cui mấ ngày thì xe nổ máy, nhưng cái trần thì mục rã, thành một lỗ trống hoác phía trên. Sáng hôm sau, khi tôi đưa chiếc xe cà tàng đó đến thì các ông đứng sẵn ở đấy cứ trố mắt ra mà trầm trồ, suýt soa, coi bộ khoái chí lắm. Khi xe chạy, các ông chen nhau đứng lên, thò đầu qua cái trần xe thủng, nhìn phố xá, nói cười hí hửng như trẻ con. Thiên hạ đi đường nhìn các ông mà kinh ngạc. Cả đến ông cảnh sát chỉ đường trước ty Thông tin cũng đứng nhìn sững, quên cả nhiệm vụ. Nhưng khi xe ra ngoại ô, đến chùa Từ Hiếu thì các ông trở lại yên lặng. Mỗi ông đứng riêng một góc. Ông thì nhì vô chùa, ông thì ngóng ra đồi thông, ông lại quay ra mấy cái mả … Chẳng biết các ông suy nghĩ gì mà không nói với nhau tiếng nào? Tôi chán nhưng cũng đành ngồi ngáp gió, chờ các ông chứ không bỏ về được. Xem thế đủ biết các ông văn nghệ sĩ không giống ai. Nhưng cũng có nhiều người lại thích giao thiệp với họ, kiểu dựa hơi để kiếm chút thơm lây. Giống như tên đánh xe cho quan Tể tướng ngày xưa bên Tàu vậy. Người ta chào quan Tể tướng mà tên đánh xe tưởng người ta chào hắn, mặt cứ vênh lên. Thì chính tôi cũng là tên đánh xe, đang khoe nhặng lên đây nè !

Nữa, lại lạc đề rồi! Xin lỗi, tôi xin trở lại chuyện tranh thiếu nữ của họa sĩ Ðinh Cường. Năm 75, sập tiệm. Tôi đi tù rồi đi HO qua Mỹ. Xui khiến sao tôi và hoạ sĩ Ðinh Cường ở cùng tiểu bang Virginia, nhà cũng gần nhau. Ông không nhớ ra tôi nhưng tôi thì nhận ra ông vì ông trông giống hình ông Tổng thống Mỹ trong tờ trăm Ðô la.

Tôi xin phép được đến nhà ông để xem tranh.  Tranh ông bây giờ tuyệt vời hơn trước, từ bố cục, đường nét đến màu sắc. Nhất là màu sắc, ông đi màu như ông đã “ngộ ” với màu, chìm đắm, hòa nhập với màu vào tranh. Ông vẽ tranh bằng cái tâm, cái hồn của ông chứ không bằng tay, bằng cọ … khiến người xem rung động, hạnh phúc… Nhiều nhà văn, nhà thơ hải ngoại ra sách đều nhờ ông cái tranh bìa. Thơ, truyện có hay có dở, nhưng rủi mua nhằm sách dở thì cái tranh bìa Ðinh Cường cũng an ủi rất nhiều. Cái bìa lộng lẫy, sang trọng đã đáng tiền rồi.

Có lần nghe đài RFI (Pháp) phỏng vấn, ông bảo có chịu ảnh hưởng của họa sĩ Modigliani, nhất là về tranh thiếu nữ, nhưng tôi vẫn thấy tranh ông có những nét độc đáo, rất Việt Nam, rất Huế.  Hình như ông đang mở ra một hướng mới cho tranh ông. Có những bức tranh, phải vừa thưởng thức vừa suy tư để tìm xem nhân vật trong tranh đang nghĩ gì, và sẽ làm gì ?… Tuyệt vời nhất là tranh khỏa thân. Chỉ vài đường cọ, tất cả hiện nguyên một cô gái. Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Nhưng trông cô ngây thơ, hoang dã và thánh thiện đến độ người xem không thấy ham muốn gì hơn là ao ước được ôm hôn cô và cảm thấy mình cũng thánh thiện như cô. Tôi nhớ cô bé ngày xưa, nhớ tranh thiếu nữ của ông quá. Tôi đến để tìm xem, nhưng ông không còn vẽ các cô  gái mới lớn nữa mà ông vẽ các cô đã trưởng thành, nẩy nở toàn vẹn, giống như tranh phụ nữ vài thế kỷ trước. Nhưng tranh cổ điển quá khêu gợi, quá dung tục. Tranh ông kín đáo hơn. Chỉ để lộ một phần quần trắng ở chỗ mông tròn lẳn, thơm tho, như mời gọi, mà tà áo dài không che hết được. Vẻ mặt cô gái như trầm ngâm, suy tư…

Tôi nghĩ đến cô bé ngày xưa đã cho tôi mượn chiếc chiếu, bây giờ có lẽ cô cũng đã lớn như thế Nhưng hiện nay cô ta ra sao? Cô ta ở đâu? Cô đâu có ngờ rằng, một lần cô vô tình nhìn tôi cười mà tôi nhớ đến cô mãi.

Họa sĩ Ðinh Cường không còn vẽ tranh thiếu nữ tuổi mới lớn nữa. Ông đã để những cô bé mới lớn đó và cả những mơ mộng, nhớ nhung vẩn vơ của tôi ở lại bên kia bờ đại dương xa xôi.

Phạm Thành Châu

Views: 1323

Posted in sang tac, van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *