Đường Vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh

Nguyễn Ngọc Cường

truong qghc

Xong tú tài toàn phần, vì ham rong chơi nhất là lại quá mê mẩn với ánh đèn mầu đầy ma lực quyến rũ của các khiêu vũ trường nên tôi đã thất bại nhiều năm liên tiếp tại các trường đại học ở nhiều nơi khác nhau.  Nhận thấy rõ yếu điểm của bản thân nên tôi bèn bỏ học để trở thành tư chức về ngành kế toán sau một khóa huấn luyện ngắn hạn cho hãng bào chế dược phẩm Roussel ở Sàigòn.  Sau đó ít lâu tôi bỏ nghề cạo giấy vì thấy nó buồn tẻ, đều đặn, mẫu mực, ngày nào cũng như ngày ấy với một số lớn tên thuốc thuộc nằm lòng, những hóa đơn đặt mua hàng của các pharmacy quen thuộc, số lượng thuốc mẫu hàng ngày dành cho những trình dược viên để mang đi quảng cáo tại các văn phòng bác sĩ đã làm cho tôi nản lòng.  Hơn nữa tiếng máy đánh chữ lóc cóc vang lên đều đặn một cách tẻ lạnh thật buồn chán gần như suốt ngày trong phòng làm việc đã tạo cho tôi cái cảm giác sợ sệt vì tưởng rằng hình như mình đã già, già lắm rồi thì phải.

Từ trước đến giờ tôi vẫn nhìn các công chức qua hình bóng nghiêm khắc của thân phụ tôi với vẻ e dè, kính cẩn, sợ hãi vì không hiểu tại sao tôi lại cảm thấy quý vị công chức hình như đều có vẻ đạo mạo, khép kín, trang nghiêm, già nua, khô khan và cằn cỗi.  Từ ý nghĩ này cộng thêm với kinh nghiệm bản thân qua những ngày tháng làm việc tại hãng Roussel đã khiến cho tôi lúc trước không hề có ý định nộp đơn dự kỳ thi tuyển sinh viên vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh thì giờ đây lại vững chắc hơn: không thể nào tôi lại vào học ngôi trường đó để trở thành công chức cả, dù là công chức cấp nào cũng vậy thôi mặc dù tôi rất thích ngôi trường này vì quá bề thế, khang trang lẫn uy nghi, có thể nói đây là ngôi trường đẹp nhất ở Sàigòn.

Sau khi rời hãng Roussel tôi bất ngờ trở thành viên thông ngôn cho Sư Đoàn 7 Không Quân Hoa Kỳ đóng tại phi trường Tân Sơn Nhất.  Công việc này có lẽ thích hợp với tôi hơn là ngồi cạo giấy trong văn phòng.  Suốt ngày tôi, cùng với hai viên quân cảnh Mỹ trên chiếc xe Jeep lùn, lang thang khắp nơi trong phi trường, kể cả phố xá lẫn các bar rượu để thông dịch các sự việc xô sát, cãi cọ, tranh chấp… giữa các quân nhân Mỹ với người Việt Nam.

Đây là một công việc tôi rất thích thú vì được tiếp xúc với nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội, biết thêm được nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày, kể cả cuộc sống bạt mạng, không cần biết đến tương lai của các cô chiêu đãi viên làm việc tại các bar rượu và quan trọng nhất là trau dồi thêm môn Anh ngữ.  Trong thời gian này không hiểu sao tôi lại đột nhiên trở nên mê say đọc thơ văn trên các sách báo, tạp chí đến lãng quên hẳn tiếng nhạc bập bùng vẫn đều đặn vang vọng trong ánh đèn mầu quyến rũ tại các vũ trường. Tôi mê say đọc các vần thơ óng chuốt, diễm lệ cùng những áng văn mượt mà, mê hoặc, lãng mạn dễ làm say đắm lòng người của các nhà thơ, nhà văn nổi tiếng đương thời.  Tôi mến mộ nhất là tạp chí Văn do nhà văn một thời lẫy lừng làm chủ bút: Mai Thảo.  Ông có lẽ là một nhà văn tôi yêu thích với lối viết trữ tình, ngọt ngào, cách dùng chữ điêu luyện và cách ngắt câu khác lạ nhưng thật tuyệt vời. Tôi đã say mê đọc các sách ông viết: Đêm Giã Từ Hà Nội, Mái Tóc Dĩ Vãng, Tháng Giêng Cỏ Non, Khi Mùa Mưa Tới, Mười Đêm Ngà Ngọc .… tuy nhiên tác phẩm “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã  đặc biệt lôi cuốn tôi hơn cả và có lẽ đã thay đổi hẳn con người tôi.

Qua tác phẩm này, tôi thấy nhân vật nam chính (vì quá lâu nên đã quên tên) thật hào hùng, can đảm lẫn oai nghi.  Lúc chọn nhiệm sở sau khi tốt nghiệp trường đào tạo viên chức hành chánh cao cấp thời nước Pháp còn ảnh hưởng nặng nề đến các chính quyền quốc gia còn non trẻ, nhân vật chính này đã tình nguyện đi trấn nhậm một quận hẻo lánh, mất an ninh thuộc miền Thượng Du Bắc Việt, nơi tất cả các vị Quận Trưởng tiền nhiệm đều bị Việt Minh ám sát chết.  Với tất cả sự lanh lợi, thông minh, mưu lược cùng may mắn diệu kỳ nên vị Quận Trưởng trẻ tuổi này đã vượt qua nhiều hiểm nguy, thoát khỏi những cái bẫy thâm độc do Việt Minh dựng lên nhằm trừ khử một viên chức quốc gia đã quá nhiệt tình với công vụ.  Ông đã hoàn thành thật xuất sắc sứ mạng mang đến cuộc sống tạm an bình và ấm no cho người dân sở tại.  Ông trở nên một cái gai cần phải nhổ của Việt Minh địa phương.  Vì công việc trị nước, an dân vị Quận Trưởng này đã tiếp xúc thường xuyên với một cô gái trẻ đẹp trong vùng.  Cô gái này, một nữ giao liên của Việt Minh, đã được lệnh kết thân để rồi giết viên Quận Trưởng khi có dịp.  Hình như đôi bên đều có cảm tình với nhau nên trong một lần giáp mặt người Quận Trưởng tài hoa cô đã can đảm nói rõ âm mưu thanh toán ông mà cô là người lãnh nhiệm vụ đó.  Bọn Việt Minh sở tại biết rõ chuyện này nên chúng đã bắt cô cùng kết án cô tội phản bội.  Chúng tìm mọi cách ép buộc cô viết thư tới vị Quận Trưởng để xin ông đem quân đi cứu cô ta với hy vọng nhân cơ hội này chúng sẽ phục kích giết được ông.

Với cách hành văn thật bay bướm, tài tình, nhà văn Mai Thảo đã cho người đọc thấy mưu lược vô song cùng lòng dũng cảm hiếm có của vị Quận Trưởng văn võ toàn tài này khi ông phối hợp với đội quân Pháp- Việt địa phương đi giải cứu cô.  Cuộc hành quân thành công, cô gái được cứu thoát.  Trên đường về, một cán bộ Việt Minh bị thương nặng đã bất ngờ tỉnh dậy và nhắm súng bắn vào người Quận Trưởng.  Cô gái trông thấy kịp vội đem cả thân mình lấp họng súng oan nghiệt để che chở cho người ơn.  Cuối cùng tên Việt Minh đó bị bắn chết, người Quận Trưởng oai hùng kia bình an vô sự nhưng cô gái trẻ đẹp đã lãnh viên đạn định mệnh ngay tim để rồi trút hơi thở cuối cùng trên tay vị Quận Trưởng sau khi cố gắng thều thào thốt nên câu: “Em yêu anh”.  Người Quận Trưởng đầy bản lĩnh này đã khóc ngất khi vuốt mắt cho người con gái bạc mệnh chết trên tay mình.  Câu chuyện thật ai oán và cảm động, nhưng xúc động hơn nữa là người Quận Trưởng đã nhờ bệnh viện địa phương lấy viên đạn đã cướp đi mạng sống của cô gái ra khỏi thân xác cô và làm thành một món trang sức ông luôn luôn đeo trên người.  Ông thường xuyên ra thăm mộ người xấu số và hứa với cô ông sẽ nhớ mãi tình cảm đẹp cô đã dành cho và ông sẽ không bao giờ rời xa viên đạn đồng đã kết liễu đời cô như một cách luôn ấp ủ trái tim cô trong lòng ông.  Có lẽ trong tâm tình đó mà nhà văn Mai Thảo đã đặt tên cho tác phẩm tuyệt diệu này là “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chăng ?

Câu chuyện trên, hình như chỉ có thể xẩy ra trong trí tưởng tượng độc nhất vô nhị của nhà văn nổi tiếng đó, đã làm tôi thẫn thờ trong nhiều ngày liền và tự nhiên mơ ước mình muốn trở thành người Quận trưởng này.  Qua tác phẩm “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”, tôi không còn thấy công việc của công chức là nhàm chán nữa, nó có một cái gì đó thật là phiêu lưu, mạo hiểm và sinh động không kém phần lãng mạn nhất là khi người sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, sau lúc tốt nghiệp, thường lãnh nhiệm vụ Phó Quận Trưởng tại các quận đa số là hẻo lánh, thường xuyên bị ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh.

Có thể nói chính tác phẩm  “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã làm tôi nôn nức tới liền số 10 Trần Quốc Toản, Sàigòn để hỏi thăm về kỳ thi tuyển sắp tới cùng các bài thi tuyển.  Tôi đã thận trọng hỏi thăm nhiều người  (tôi nhớ không rõ lắm hình như một trong những người tôi gõ cửa để hỏi là anh Nguyễn Văn Thực, ĐS 7, Chủ Sự phòng Công Tác Sinh Viên lúc bấy giờ).  Những người tôi hỏi thăm đều sốt sắng chỉ cho tôi những loại sách, những bài nghiên cứu về chính trị để đọc, để học hầu có thể làm bài suông sẻ trong kỳ thi sắp tới.  Cũng may mắn là từ khi hỏi thăm như vậy đến ngày thi tuyển còn đến những ba tháng trường, tạm đủ để tôi “gạo” kỹ càng những sách vở đã được chỉ dẫn.

Hình như “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã quyện vào cuộc đời tôi khi cho tôi đậu ngay kỳ thi đầu tiên vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh để nhập học khóa Đốc Sự 14 mặc dầu tôi rất dốt về môn chính trị học.  Bốn năm học trôi qua nhanh chóng.  Tôi chỉ là một sinh viên trung bình nên trong kỳ thi tuyển đã đậu chính giữa trong danh sách 100 người, do vậy khi ra trường tôi cũng tốt nghiệp lại ngay giữa với thứ hạng 40 trong số 81 sinh viên tốt nghiệp lớp Đốc Sự 14. Trước ngày chọn nhiệm sở, gia đình, người thân đều khuyến khích tôi làm tại Sàigòn, vì tâm lý thông thường là không ai muốn người thân ruột thịt của mình phải làm việc tại nơi đèo heo hút gió vào thời điểm chiến cuộc đang gia tăng ác liệt, có thể nguy hiểm đến bản thân.   Nhưng rồi với ý tưởng mơ đến “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” nên tôi đã chọn Bộ Nội Vụ để đi làm việc ở địa phương mặc dù tôi cũng còn có thể chọn được một vài bộ để làm việc ngay tại Sàigòn hoa lệ.

Trong buổi chọn địa phương do Bộ Nội Vụ tổ chức, tôi thấy hình như có một sự sắp đặt huyền bí nào đó khi tôi dự định chọn tỉnh Bình Thuận (Thị trấn Phan Thiết, quê hương nước mắm), một tỉnh tương đối an ninh so với những tỉnh còn lại trên danh sách chọn và lại gần Sàigòn nữa thì cái miệng tôi lại nói là Bình Định (Thị trấn Quy Nhơn, Liên Khu 5 cũ của Việt Minh). Thích chí vì chọn được tỉnh vừa ý không được bao lâu thì tôi chợt nhận ra sự lầm lẫn tai hại của mình.  Ngó lên bảng danh sách thì hai người bạn sắp hạng kế sau tôi đã lấp đầy hai chỗ dành cho tỉnh Bình Thuận rồi.  Chỉ còn biết thở dài vì lỗi của mình, tôi miễn cưỡng đi ra thành phố Quy Nhơn trình diện với hai bạn trong danh sách đi Bình Định.  Kể ra tâm lý con người cũng thật rắc rối, mơ chuyện phiêu lưu, mạo hiểm mà vẫn muốn chọn nơi tương đối an toàn!

Tỉnh Bình Định lúc đó đang cần ba Phó Quận Trưởng cho ba quận mà hai quận khá tốt là Bình Khê (Quê hương Vua Quang Trung Nguyễn Huệ, rất gần thành phố Quy Nhơn) và Hoài Nhơn (với Thị trấn Bồng Sơn, một xứ dừa sầm uất, rất thơ mộng và tình tứ nhưng khá xa Quy Nhơn).  Những tưởng là sẽ chọn Quận theo thứ tự giống như khi chọn Bộ và Tỉnh lúc còn ở Sàigòn, tôi có ý nghiêng về quận Bình Khê vì gần Quy Nhơn.  Nhưng rồi hỡi ơi, chẳng có chọn hay lựa gì cả, tôi đứng đầu danh sách đi tỉnh Bình Định thì lại bị “cấp trên” chỉ định “quẳng” về quận Hoài Ân, một quận miền núi, nằm trên một tỉnh lộ bằng đất ngoằn nghoèo bò giữa những đồi núi cao và dòng Lại Giang xuôi ra biển từ miền núi non Trường Sơn hiểm trở.  Thêm một lần nữa chỗ làm việc tôi định tâm lựa chọn lại vượt khỏi tầm tay vì một nguyên do ngoài ý muốn.  Có lẽ đây là một thiên duyên hay định mệnh ???

Trụ sở Quận Hoài Ân là một gian nhà gạch nhỏ nằm lưng chừng một ngọn đồi cao khoảng hơn 10 mét, trên đỉnh đồi là Chi Khu Hoài Ân.  Tôi là một dân sự duy nhất cư ngụ tại Chi Khu, ban ngày xuống văn phòng Quận làm việc, đến chiều thì lại bò lên Chi khu chằng chịt hàng rào kẽm gai phòng thủ với lô cốt tứ phía tua tủa những súng đạn.  Một trung đội pháo binh với hai khẩu đại bác 105 ly thuộc Sư Đoàn 22 đóng ngay trên đồi cách phòng ngủ của tôi khoảng chừng 20 mét, ngày đêm thường xuyên bằn ùng oằng với tiếng nổ đinh tai nhức óc làm rung cả giường chiếu (có lẽ vì vậy mà dạo này tôi hơi bị lãng tai chăng?)

Tôi được biết ngọn đồi này là địa điểm thứ ba của trụ sở Quận/Chi Khu chỉ trong vòng năm, sáu năm trở lại.  Những ngọn đồi trước đều bị quân chính quy Việt Cộng san bằng vì đây rất gần vùng An Lão nơi đặt đại bản doanh của Sư Đoàn 3 Sao Vàng VC, hầu hết quân nhân đồn trú trên đồi đều hy sinh, kể cả Quận Trưởng lẫn Phó Quận Trưởng (thường ở ké trong Chi Khu vì dưới làng không được an toàn về đêm).  Lúc đầu tôi cũng hơi “lạnh cẳng” khi đêm về cô độc trên đồi và nghĩ đến lúc ngọn đồi bị địch quân tràn ngập như đã từng xẩy ra tại các ngọn đồi trước đây, việc gì sẽ xẩy ra nhỉ?  Không khéo rồi tôi sẽ là tên đầu tiên của khóa Đốc Sự 14, đi trấn nhậm quận, sớm vội vã rửa chân leo lên bàn thờ ngồi nhìn đời chơi chăng???  Lo sợ quá rồi đâm ra chai lì.  Viên Quận Trưởng cũng cung cấp cho tôi vũ khí các loại, đạn dược, nón sắt, áo giáp như một quân nhân chính hiệu và cười cười nói: “Biết đâu ông Phó cũng có lúc sẽ cần đến nó” !

Công việc hàng ngày đã giúp tôi quên đi những lo âu, bất trắc, hiểm nguy có thể xẩy ra bất cứ lúc nào.  Những lúc đi các xã, ấp với những viên chức địa phương tôi tìm lại được sự bình yên tâm hồn qua những vườn dừa bạt ngàn mát mắt với những ngọn gió nhè nhẹ mơn trớn da thịt, dòng Lại Giang lững lờ trôi thật hiền hòa với những bánh xe bằng tre quay đều nhờ dòng nước chẩy để mang nước dưới sông tưới vào ruộng đồng chung quanh càng làm tăng thêm vẻ thanh bình, dù là mong manh, của quận lỵ.  Cuộc sống ban ngày tại miền thôn dã sao yên bình, êm ả lẫn thơ mộng đến thế !

Thỉnh thoảng tôi ghé vào một quán bán đủ thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày lớn nhất của xã quận lỵ uống nước dừa khi thì cùng viên chức xã ấp, lúc thì cùng các sĩ quan trẻ của Chi Khu, cũng là dịp để biết thêm sinh hoạt mua bán của người dân.  Ghé riết rồi đâm ra ghiền nước dừa tươi mát ruợi, ngọt lịm với cô chủ quán trẻ trung, xinh sắn, lễ phép, nhỏ nhẹ.  Cô thật dễ nhìn và đáng mến với nước da trắng bóc thường thấy của các cô gái xứ dừa cộng thêm với nhan sắc trên trung bình cùng nét e ấp, thẹn thùng thật duyên dáng khi có người chọc ghẹo hoặc thả lời bóng gió tán tỉnh, nhất là khi cô lại hiện diện tại một nơi gần như là cùng trời cuối đất này.  Hình như Tạo Hóa đã ban cho mọi người tính đam mê, ưa chuộng  nét hay, vẻ đẹp, từ cái đẹp tráng lệ hoặc hùng vĩ của thiên nhiên hay những đóa hoa đủ loại rực rỡ khoe mầu, hoặc những áng văn thơ trữ tình đến nét đẹp thanh thoát của người con gái.  Chính lòng mến chuộng này đã dệt thành những vần thơ, những áng văn, những bản nhạc, những bức tranh tuyệt diệu sưởi ấm lòng người, làm cho cuộc sống đáng yêu và có ý nghĩa hơn.  Tôi cũng không thoát khỏi điều đó nên nhiều lúc cũng cảm thấy xao xuyến trước hình bóng cô mặc dầu đã có gia đình ở Sàigòn.

Các sĩ quan trẻ của Chi Khu Hoài Ân có vẻ đều trồng cây si tại quán này nhưng dường như cô chưa để ý đến một ai cả vẫn tiếp đón mọi khách hàng thật vô tư và hồn nhiên.  Bỗng một hôm nhân lúc tôi tới chỗ cô đứng để trả tiền mấy trái dừa tươi đã uống cô đã thấp giọng bảo tôi: “Cuối tuần này ông Phó không nên về Quy Nhơn bằng xe quận” rồi tiếp tục công việc đang làm của một người coi quán nước.

Trên đường về lại văn phòng Quận tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói ngắn gọn gần như ra lệnh này.  Làm sao cô biết được tôi thỉnh thoảng về Quy Nhơn vào dịp cuối tuần bằng công xa của Quận vì cô thường bận bịu túi bụi với công việc coi quán cơ mà?  Có chuyện gì sẽ xẩy ra vào cuối tuần sắp đến, chuyện không hay, tai nạn dọc đường hay VC phục kích bắn sẻ?  Chuyện VC bắn sẻ thì thường xẩy ra trên con đường đất quanh co dài gần mười cây số chạy từ Quận ra Quốc Lộ 1, mà nếu có việc này xẩy ra thì tại sao cô lại biết ?  Quan trọng nhất là nguyên nhân đã khiến cô cho tôi biết ?  Gần như suốt đêm đó tôi mất ngủ để cố tìm ra đáp số cho những câu hỏi đó thường lởn vởn trong đầu.  Cả ngày kế tiếp tôi vẫn không tìm ra câu trả lời.  “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chợt hiện rõ nét nơi tôi.  Tôi bỗng ngẩn người tự hỏi: “Không lẽ câu chuyện tôi mê mẩn ngày trước lại xẩy đến với tôi”?

Không muốn đặt cả sinh mạng mình vào một canh bạc tuy mơ hồ nhưng cũng có thể xẩy ra, tuần đó tôi không về Quy Nhơn và cũng thay đổi hẳn thói quen trước đây thường hay thăm xã ấp vào các ngày giờ nhất định trong tuần.  Khi cần về tỉnh lỵ vì công vụ tôi thỉnh thoảng dùng xe Honda ôm khi vào buổi sáng, lúc thì buổi trưa và quan trọng nhất là lơi hẳn việc đến quán quen thuộc để uống nước dừa.

Sau đó ít lâu trong một buổi tiếp dân để nghe những thắc mắc, khiếu nại thường được tổ chức hàng tháng tại ngay văn phòng quận, cô chủ quán vào gặp tôi với lý do ghi trong phiếu tiếp kiến dân “thắc mắc về việc nộp thuế của quán”.  Trong buổi tiếp chuyện cô chỉ nói lanh quanh và đề cập rất sơ sài về việc chính quyền xã sở tại thu thuế quán của cô.  Tôi chợt lạnh hẳn người khi cô hạ giọng nói nhỏ đủ cho tôi nghe trước khi cô từ giã: “Tuần tới ông Phó không nên dùng xe Quận để chở tài liệu bầu cử về”

Vào thời điểm đó cuộc bầu cử Tổng Thống và Phó Tổng Thống VNCH sắp tiến hành.  Các Phó Quận Trưởng phải về tỉnh lỵ dự buổi thuyết trình về việc bầu cử cùng cách thức tổ chức các phòng phiếu trong quận trách nhiệm đồng thời chở những tài liệu liên quan đến cuộc bầu cử về quận của mình để về phổ biến lại cho các xã ấp.  Người tài xế cùng một thư ký trong quận đã được tôi thông báo về chuyến đi Quy Nhơn dự họp này để họ chuẩn bị.  Chi tiết chuyến đi trên đã lọt đến tai cô chủ quán.  Qua sự việc này, tôi thấy không còn nghi ngờ gì nữa: cô đúng là giao liên VC mà tôi đã thoáng nghĩ ra từ lần trước, nhưng tôi muốn tìm hiểu ai đã thông báo cho cô biết cùng lý do cô đã nói cho tôi nghe, không lẽ cô lại giống như cô gái trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”? Tôi nhớ rõ là từ trước đến giờ tôi chưa làm một điều gì không thích hợp với vai trò của một Phó Quận Trưởng, không hề có ý tưởng bông lơn, lơi lả, đùa cợt hay định tán tỉnh cô gái này hoặc với bất cứ một phụ nữ nào trong quận cả.  Ngôn ngữ cùng cử chỉ của tôi rất chừng mực và đứng đắn, chỉ thỉnh thoảng một thoáng rung động thầm kín của một con người bình thường trước vẻ đẹp diễm tuyệt của Tạo Hóa mà thôi.  Còn cô tại sao cô lại có cảm tình với tôi, có lẽ cô, qua một nhân viên nào đó trong quận, đã biết tôi có gia đình rồi cơ mà.  Nhưng rồi tôi chợt nghĩ có lẽ nhịp đập con tim không cần nguyên do hay lý lẽ ???

Buổi sáng dự định về tỉnh họp đó, tôi đã nhờ một cảnh sát quận mặc thường phục chạy Honda chở tôi về Quy Nhơn và căn dặn viên tài xế lái xe quận theo sau tôi khoảng năm phút.  Về đến tỉnh tôi bàng hoàng hay tin chiếc xe quận trên đường về tỉnh đã bị mìn phá nổ tan tành, tài xế và thư ký trên xe đều hy sinh vì công vụ.

Tôi thẫn thờ trong suốt buổi họp.  Tôi đã thoát chết và người cứu tôi chính là cô gái xinh đẹp chủ quán nước dừa.  Nhưng tại sao cô lại cứu tôi?  Tại sao?  Hay là….,tôi vội lắc đầu, như vậy thì thế nào cô gái này cũng bị xử phạt thật nặng nề vì đã để xổng con mồi là viên Phó Quận trưởng sở tại.  Lòng tôi chợt chùng xuống với nhiều ý nghĩ ngổn ngang và thầm cầu mong sẽ sớm nhận được một lá thư tương tự như thư mà người Quận Trưởng trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” đã nhận.  Vì mãi suy nghĩ về những điều hệ trọng mới xẩy ra tại quận Hoài Ân nên hầu như tôi chẳng lãnh hội được một điều gì trong buổi họp đó cả.  Sau đó tôi đã phải thức trắng đêm để đọc những tài liệu hướng dẫn dầy cộm cùng hỏi thăm các chi tiết chưa hiểu rõ nơi những Phó Quận Trưởng khác để có thể hoàn tất cuộc bầu cử như đã ấn định.

Khoảng độ hơn một tuần lễ sau đó thì quán của cô đột nhiên đóng cửa, không ai rõ lý do cũng như không biết cô dọn đi đâu.  Đáng lẽ ngay từ đầu tôi nên nói toàn câu chuyện này cho người Quận trưởng kiêm Chi Khu Trưởng hay mọi việc để ông có thể, qua Ban Hai, biết thêm nhiều chi tiết cùng thảo luận với nhau cách đối phó, nhưng tôi đã không làm như vậy có lẽ vì ngựa non háu đá muốn thử chính sức mình hoặc cũng vì ảnh hưởng tình tiết của “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” nên khi cô chủ quán biến mất giờ đây tôi không thể hỏi vị Quận Trưởng này để biết thêm được một điều gì cả.  Tôi đành ngậm hột thị để tự vấn lòng.  Như vậy “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI” chỉ ứng nghiệm có một nửa vào trường hợp của tôi mà thôi, không có thư xin giải cứu cũng như không có cuộc hành quân gây nên thảm cảnh chia lìa chết chóc, xót xa ở đoạn chót như trong truyện.  Tôi luôn cầu nguyện cho cô luôn được an bình trong mọi tình cảnh khắc nghiệt nhất vì dù sao cô ấy cũng là ân nhân đã cứu sống tôi.  Trong chiến trận Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, quận Hoài Ân bị tàn phá nặng nề, nhiều quân nhân thuộc Trung Đoàn 41 Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã tử trận trong cuộc hành quân giải tỏa quận.  Dù không còn làm việc tại Hoài Ân vào lúc đó nữa nhưng tôi vẫn cố liên lạc với người quen để tìm tin tức của cô chủ quán năm nào, nhưng chỉ hoài công, không một chút tin gì về cô cả.  Tôi tin là VC đã thủ tiêu cô ta để trừng phạt cũng như ngăn ngừa truờng hợp bội phản khác có thể tái diễn trong mai hậu.

Tất cả mọi việc hầu như lần lần khuất hẳn dưới lớp bụi mờ của thời gian, nhất là sau cuộc đổi đời bi thảm của Miền Nam vào năm 1975. Tôi đã gần như quên hẳn câu chuyện cô chủ quán này vì cứ nghĩ rằng cô đã vĩnh viễn không còn hiện diện trên cõi nhân gian nữa cho đến một ngày tôi đã gặp lại cô ngay tại miền đất Hoa Kỳ tạm dung này nhưng không phải dưới vóc dáng của một thôn nữ có vẻ e ấp, thẹn thùng, mộc mạc xa xưa mà là với vẻ thật đài các, kiêu sa của bậc mệnh phụ quyền quý, sang cả.  Những cảm xúc cùng tình tiết của cuộc trùng phùng thật bất ngờ đó đã tạo nên ngẫu hứng để tôi dệt nên truyện ngắn đầu tay: “Quận Đầu Đời” cách đây đã khá lâu.  Có lẽ kết thúc của một mảnh nhỏ cuộc đời này đẹp và ý nghĩa hơn đoạn kết trong “VIÊN ĐẠN ĐỒNG CHỮ NỔI”.  Tôi chủ quan nghĩ vậy.

Mỗi một cựu sinh viên Học Viện Quốc Gia Hành Chánh chúng ta khi bước chân vào ngưỡng cửa ngôi trường thân yêu này đều có một lý do riêng biệt, có thể là lý tưởng, hoài bão, cơ duyên….. Nhưng dù với một lý do nào đi chăng nữa chúng ta đều hãnh diện có một mẫu số chung đó là đã xuất thân từ ngôi trường danh tiếng, lẫy lừng xưa kia của một Miền Nam yêu dấu ngày nào với niềm tự hào vô bờ bến. Do vậy tôi cầu mong cũng như hy vọng và tin tưởng dạt dào niềm tự hào đó luôn luôn trường tồn với thời gian.

New York, Tháng 11 Năm 2008
Nguyễn Ngọc Cường,  ĐS 14

Visits: 979

Posted in van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *