Ngẫm Chuyện Xưa Nay: Bài Thơ Yêu Nước

Lão Trượng

Trong thi ca Việt Nam từ cổ chí kim, có nhiều bài thơ thể hiện tinh thần yêu nước, nói lên niềm đau, nỗi nhục khi bị ngoại xâm dày xéo quê hương. Nhiều bài thơ đã đánh thức lương tri con dân Việt trước hiểm họa đất nước được lưu truyền lại hậu thế.

Xin đơn cử một trong số bài thơ đó: Vịnh Bức Dư Đồ Rách của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu vào đầu thế kỷ 20.

tandaNhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) sinh tại làng Khê Thượng (Bất Bạt, Sơn Tây), cạnh Núi Tản Viên cạnh sông Đà. Năm 1916 Tản Đà công bố tác phẩm đầu tay Còn Chơi, ngay lập tức được dư luận chú ý! Trong 23 năm (1916 - 1939), Tản Đà cho ra đời 35 tác phẩm đủ thể loại bao gồm: Thơ, Văn, Nghiên Cứu, Tạp Luận, Dịch Thuật...

Bài thơ "Vịnh Bức Dư Đồ Rách’’ là một sự kiện văn học, nổi tiếng thời kì Tản Đà sung sức.  Để tìm hiểu thấu đáo về sự kiện Bức Dư Đồ Rách chúng ta đi ngược thời gian về những năm đầu của thế kỉ 20:

Sau khi quân Pháp đánh chiếm Hà thành, Tổng Đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, thực dân Pháp tạm thời bình ổn được tình hình. Thực hiện chính sách chia để trị bằng cách: Chia Việt Nam thành 3 Kỳ (vùng): Bắc Kỳ - Trung Kỳ - Nam Kỳ. Bắc và Trung Kỳ đặt dưới chế độ Bảo Hộ của Pháp. Chính quyền do chính phủ Nam Triều - Vua quan nhà Nguyễn - trực tiếp điều hành. Nhưng thực chất Pháp vẫn gián tiếp lãnh đạo. Ngay đến việc để vua nào lên ngôi… phế truất vua nào (như trường hợp các vua Duy Tân, Hàm Nghi) cũng do chính quyền Pháp quyết định.

Còn Nam Kỳ bị Pháp thiết lập chế độ Thuộc địa. Nam Kỳ chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương.

Ở mỗi vùng, miền, mỗi địa phương lại có những quan quân đặt ra luật riêng… khiến đất nước không còn là đất nước được trọn vẹn chủ quyền của người Việt Nam. Tấm bản đồ vẽ trên mặt giấy thể hiện chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia, chỉ là bức vẽ, còn trên thực tế, Bức Dư Đồ - thực chất đã “rách” tả tơi!

Trước thực trạng tang thương của đất nước bởi hiểm họa ngoại xâm, Tản Đà viết bài thơ đầu tiên diễn tả tâm trạng mình trước đất nước bị họa xâm lăng: Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 1 ra đời trong hoàn cảnh này. Bài thơ in lần đầu năm 1921, trong tập thơ Còn Chơi. Đến năm 1925 được tuyển chọn in trong tập Thơ Tản Đà và sau khi hoàn thành 4 bài thơ Vịnh Bức Dư Đồ Rách được đăng trong Tản Đà, Khối Tình Con Thứ Ba, Tản Đà thư cục tùng thư, 1932                 

Vịnh Bức Dư Đồ Rách

“Nọ bức dư đồ thử đứng coi

Sông sông núi núi khéo bia cười

Biết bao lúc mới công vờn vẽ

Sao đến bây giờ rách tả tơi

Ấy trước ông cha mua để lại

Mà sau con cháu lấy làm chơi

Thôi thôi có trách chi đàn trẻ

Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi”.

Nhìn hoàn cảnh đất nước, các nhà văn, nhà thơ đương thời cảm tác cùng tác giả, lên tiếng hưởng ứng, ủng hộ tư tưởng của Tản Đà bằng cách có nhiều bài họa lại… Tản Đà đồng cảm liền viết bài họa lại thứ 2 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách 2, đăng trên Đông Phương Thời báo, số 635, năm 1927:

“Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi

Ta bồi cho chúng chị em coi

Giận cho con cháu đà hư thế

Nghĩ đến ông cha dám bỏ hoài.

Còn núi còn sông: Nhìn vẫn rõ

Có hồ có giấy dễ mà chơi.

Bởi chưng hồ giấy ta chưa có

Đành chịu ngồi trông rách tả tơi”.

Được sự đón nhận và đồng cảm của giới sĩ phu, văn nhân có tâm huyết, yêu đất nưóc, dân tộc cùng tham gia họa lại Bức Dư Đồ Rách… Tản Đà viết tiếp bài thứ 3 - Vịnh Bức Dư Đồ Rách 3, đăng trên Đông Phương Thời Báo số 636, năm 1927:

“Đành chịu ngồi trông rách tả tơi

Buồn chăng? Hỡi các chị em ơi!

Nghĩ cho lúc trước thương người vẽ

Ngó lại xung quanh hiếm kẻ bồi

Hồ giấy bây giờ mua kiếm khó

Non sông ai hỡi đợi chờ ai?

Còn núi còn sông còn ta đó

Có lúc ta bồi chúng bạn coi”.

Cuối cùng Tản Đà tổng kết cuộc họa thơ do ông khởi xướng bằng bài Vịnh Bức Dư Đồ Rách - 4, đăng trên Đông Phương Thời Báo số 643 - năm 1927:

“Có lúc ta bồi chúng bạn coi

Chị em nay hãy tạm tin lời

Dẫu cho tài có cao là thánh

Chưa dễ tay không vá nổi trời

Hồ giấy muốn mua, tiền chẳng sẵn

Non sông đứng ngắm lệ nhường rơi

Việc nhà chung cả ai ai đó

Ai có cùng ta sẽ liệu bồi?”

Trong số những bài họa, có hai bài của cụ Phan Bội Châu, cũng cùng năm 1927.

I

“Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi,

Ta bồi cho chúng chị em coi.

Giận cho con cái đà hư thế,

Nhớ đến ông cha dám bỏ hoài.

Còn núi, còn sông nhìn vẫn rõ,

Có hồ, có giấy dễ như chơi,

Vì chưng hồ giấy ta chưa có

Đành chịu ngồi trông rách tả tơi”.

II

“Hóa rách ra lành thế mới hay

Trời giăng giấy khắp, đất hồ đầy,

Non sông sẵn vóc thêu hoa gấm,

Gan óc ghe phen trổ gió mây.

Trắng úa, hồng tươi tùy thợ ý,

Bột rền, keo dẻo cốt thầy tay.

Người đà mới mới ta nên mới,

Bồi vá mà chi, kéo khuấy rầy”.

*******

Gần một thế kỷ trôi qua, đất nước bị Cộng Sản thống trị đã “hèn với giặc, ác với dân” không biết bao nhiêu bài viết, thơ, văn đã phơi bày thực trạng đau thương, phủ phàng nầy.

Là người dân địa phương Hà Tĩnh chứng kiến hình ảnh cá chết hàng loạt ở ven biển, ngày 6/4 ngư dân địa phương phát hiện cá chết vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh ở Hà Tĩnh. Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển ở huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Đến ngày 19/4, hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện ở vùng biển Quảng Trị và tiếp tục lan rộng  4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thứa Thiên vào Thừa Thiên – Huế... theo giới quan sát thì nguyên nhân xảy ra do “yếu tố gây độc trong môi trường nước” nên thảm họa hiện tượng cá chết bởi ô nhiễm nguồn nước do các nhà máy tại khu công nghiệp Vũng Áng, huyện Kỳ Anh xả thải gây độc. Ngư dân Hà Tĩnh phát hiện do ống thải nước ngầm của nhà máy thép Formosa dưới biển thải chất độc gây nên. Trước thảm họa gây nguy hại cho người dân các tỉnh ven biển nhưng CSVN không thực tâm truy tìm “thủ phạm” mà lấp liếm “vòng vo tam quốc” phó mặc cho người dân cam chịu!

Trước tình cảnh đó, cô giáo Trần Thị Lam, nếu xem qua vài dòng tiểu sử thì cô giáo ở Hà Tĩnh nầy được “đãi ngộ” (Tổ trưởng Ngữ Văn trường PTTH, có bằng khen của UBND Hà Tĩnh) nhưng lương tâm nhà giáo trước thực trạng đất nước quá tồi tệ đã viết bài thơ từ trong nước, được lan truyền rộng rãi và được mọi người đón nhận.

Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh

Trần Thị Lam

“Đất nước mình ngộ quá phải không anhtranthilam

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

 Đất nước mình lạ quá phải không anh

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

 Đất nước mình thương quá phải không anh

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại

Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

 Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh

Anh không biết em làm sao biết được

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...”. 

******

Bài viết của Luật Sư Đào Tăng Dực: Đất nước mình ngộ quá phải không anh? Trả lời cô giáo Trần Thị Lam. Trích dẫn:

“… Với sự dập tắt tuyệt đối ý thức hệ giáo điều Mác Lê, với sự cáo chung của đảng CSVN như một định chế thoái hóa và lỗi thời, hằng triệu triệu đóa hoa tư tưởng tuyệt vời sẽ vươn lên từ lòng văn hóa hơn 4000 năm của dân tộc…”

Bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam được cho là bài thơ gây chấn động trên mạng lưới toàn cầu và có tiềm năng làm rung chuyển chế độ. Công an CSVN đã phải câu lưu và thẩm vấn cô, nhưng chưa dám truy tố hình sự vì sợ hãi phản ứng của nhân dân và công luận thế giới.

Dân tộc Việt có một nền văn hóa sâu dày hơn 4000 năm lịch sử trong đó tiềm tàng những tình tự đậm đà và tư tưởng uyên thâm, giúp dân tộc vượt qua những cơn ba đào của lịch sử.

Mặc dầu suốt 7 thập niên liên tục, người CSVN đã ra sức hủy diệt nền văn hóa này và thay thế trước hết bằng ý thức hệ giáo điều Mác Lê duy vật (Marxist dogmatic ideological materialism) và sau đó bằng chủ nghĩa duy lợi trần truồng (naked utilitarianism), nhưng những cố gắng của họ chỉ là vô vọng.

Những dòng nhạc của thế hệ trẻ như Việt Khang và nhất là bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam chứng minh hùng hồn rằng, nền văn hóa ngàn đời của dân tộc vẫn luân lưu mạnh mẽ trong tâm thức của toàn dân và khi mùa xuân dân chủ khởi động, thì vươn lên như những đóa hoa sen, từ chốn bùn nhơ nhớp xã hội chủ nghĩa, đem lại hương thơm và tô điểm sắc màu cho tiến trình dân chủ hóa đất nước.

Tuy nhiên, bài thơ đầy cảm xúc này không những khẳng định tình trạng tồn vong mong manh và nghiêm trọng của đất nước mà còn nêu ra những vấn nạn cần giải đáp.

Phân Tích:

Khi chúng ta phân tích bài thơ này, chúng ta sẽ có những nhận định như sau:

Bốn chương (khổ thơ) đầu trên hình thức là những câu hỏi, nhưng một cách mặc thị (implicit) là những khẳng định (affirmations) về tình trạng bi thương của đất nước dưới chế độ CSVN.

Chẳng hạn tuy có 4 ngàn năm văn hiến mà vẫn cam chịu nhục nhằn trước bất công từ bạo quyền, những tượng đài tôn sùng cá nhân hoang phí trong khi khinh bỉ mạng người, guồng máy thống trị tham ô và vô trách nhiệm đưa đến cái chết thê thảm của môi trường thiên nhiên, và nợ công chồng chất ngập đầu các thế hệ hiện tại lẫn tương lai.

Chương cuối cùng chỉ có 4 câu thơ nhưng hàm chứa 2 câu hỏi quan trọng:

  1. Một câu hỏi mặc thị (implicit): Lý do vì đâu đất nước nên nông nỗi này?
  2. Câu hỏi minh thị (explicit): Đất nước rồi sẽ về đâu anh?

Sau cùng thi sĩ tha thiết kêu gọi “Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu?”

Như một người công dân có trách nhiệm, tôi xin đáp ứng lời kêu gọi ấy và trả lời như sau.

Giải thích nguyên nhân:

Theo quan điểm của tôi, nguyên nhân gây ra tai họa cho đất nước rất nhiều, nhưng tựu trung có 2 tai họa lớn lao nhất:

Một là ngọn gió độc giáo điều ý thức hệ (ideological dogmatism) và

Hai là hiện tượng quái thú định chế hóa cực đoan (extreme institutionalization).

Đây là những ý niệm tương đối trừu tượng, nhưng thảm họa chúng gây ra cho dân tộc vô cùng hiện thực và chúng ta cần tìm hiểu (investigate), nhận diện (identify) và dứt khoát loại bỏ ra khỏi nền văn hóa, tâm thức và hiến pháp của dân tộc trong tương lai.

  1. Ý thức hệ giáo điều:

Trước hết khái niệm “giáo điều ý thức hệ” (ideological dogmatism), hoặc “ý thức hệ giáo điều” (dogmatic ideology) không đơn giản và nhiều người, kể cả tôi, đã tốn nhiều giấy mực để viết về khái niệm này. Tuy nhiên, trong phạm vi hôm nay, tôi xin mạn phép đơn giản hóa, dùng văn xuôi và một số hình ảnh vẽ lên một bức tranh ý niệm hầu chuyên chở đến độc giả.

Nếu chúng ta coi dân tộc Việt Nam như một thực tại thì chúng ta có thể mường tượng thực tại đó như một dòng sông tư tưởng và tình tự (a river of thoughts and feelings) luân lưu từ thủa bình minh của lịch sử cho đến bây giờ và vươn tới tương lai. Đó là một thực tại vô cùng sinh động bao gồm 2 yếu tính. Một là “hằng” và hai là “chuyển”. “Hằng” là có một bản sắc riêng biệt bất biến làm cho chúng ta nhận diện rõ đây là dân tộc Việt chứ không phải một dân tộc khác. “Chuyển” là luôn thay đổi, từng phút, từng giây, như ý nghĩa chuyển dịch của dịch lý hay trong thuyết tiến hóa của Darwin.

Những tư tưởng và tình tự trong dòng sông thực tại có thể ví như các loài thủy tộc, các giọt nước li ti, các loài thủy sản , rong rêu và muôn triệu vi sinh nương tựa vào dòng sông để sinh tồn và hài hòa phát triển.

Ý thức hệ giáo điều có thể được định nghĩa như một cấu trúc trí năng (an intellectual construct) giam hãm tư tưởng con người vào một khung sườn cố định và tước đi sự sống cũng như tính sáng tạo của tư tưởng tự do. Lịch sử loài người đã từng trải qua rất nhiều ý thức hệ giáo điều, nhưng hiện đại nhất của nhân loại ngày hôm nay là các ý thức hệ Mác- Lê và Hồi Giáo cực đoan.

Các ý thức hệ giáo điều này có thể ví như những cơn lạnh cực kỳ lớn lao, trùm lên dòng sông thực tại của những dân tộc dưới vòng kiềm tỏa của chúng, biến toàn thể dòng sông và những sự sống trong dòng sông thành băng tuyết. Tuy dưới mắt của một đệ tam nhân, hình ảnh của dòng sông, các loài thủy tộc và thủy sản vẫn còn, nhưng dòng sông đã mất sự sống chân thực.

Các xã hội dưới sự khống chế của các ý thức hệ giáo điều như Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay đều bi đát như thế…

… Đảng CSVN cũng như tất cả các đảng cộng sản từ Âu sang Á, từ trước đến giờ, cùng với các đảng Đức Quốc Xã và Phát Xít độc tài, đều là những con quái thú, hậu quả của tiến trình định chế hóa cực đoan và ăn tươi nuốt sống nhà nước lẫn xã hội dân sự.

Nhân dân Việt Nam bất hạnh lớn lao vì hoàn cảnh lịch sử đã biến dân tộc thành nạn nhân gần một thế kỷ của cơn lạnh vĩ đại ý thức hệ giáo điều Mác Lê và con quái thú định chế cực đoan mà đảng CSVN là hiện thân trung thực…

… Nếu chúng ta hóa giải cơn lạnh ý thức hệ giáo điều, nhổ răng và móng vuốt của quái thú định chế hóa cực đoan, thì với bàn tay và khối óc được tôi luyện qua chiều dài nhiều thiên niên kỷ, dân tộc Việt sẽ hồi sinh.

Với sự dập tắt tuyệt đối ý thức hệ giáo điều Mác Lê, với sự cáo chung của đảng CSVN như một định chế thoái hóa và lỗi thời, hằng triệu triệu đóa hoa tư tưởng tuyệt vời sẽ vươn lên từ lòng văn hóa hơn 4000 năm của dân tộc và đất nước chúng ta chắc chắn sẽ đạt được nhanh chóng chiều cao thực sự của mình, trong cộng đồng nhân loại văn minh”.

(Trích bài của LS Đào Tăng Dực)

*

Trích bài Vài Lời Biện Minh Cho Cô Giáo Trần Thị Lam của Phạm Đức Nhì

“Tuần vừa qua bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh? của cô giáo Trần Thị Lam ở Hà Tĩnh được rất nhiều người đọc ở hải ngoại ca ngợi. Tôi nhận được một email cho biết đã có 6 nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ. Tôi đã nghe nhạc, đọc thơ và rất xúc động.

Tôi có người bạn làm ăn khá thành công ở Mỹ. Mấy năm gần đây về Việt Nam hùn hạp đầu tư địa ốc. Gặp tôi tháng trước nó than: “Dành dụm được chút vốn dưỡng già bị thằng em họ lừa lấy hết. Giờ lại trắng tay”. Tôi chửi nó “Mày hơn sáu chục tuổi rồi mà khờ như đứa con nít; làm ăn cứ nắm lưỡi còn để người ta nắm cán”. Vợ nó chĩa vào “Chỉ khờ mấy năm nay thôi, chứ sáu chục năm trước ông ấy khôn như rận váy”. Tôi không phân định rạch ròi như vợ người bạn nhưng tự nghĩ câu chửi của tôi chẳng có gì sai sót cả. Làm thơ thỉnh thoảng tôi cũng nhận trong người mình có dòng máu của bà Triệu, bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung để có thêm tự tin, hào khí nhưng cũng có khi tôi bước vào trận chiến đơn thân độc mã (giả vờ quên hết những nhân vật lịch sử kia) để lúc chiến thắng có thể mạnh tay vỗ ngực tự hào. Trường hợp cô giáo Trần Thị Lam tặng thêm 4 ngàn tuổi cho mỗi người Việt Nam để làm nổi bật sự thơ dại, yếu đuối của họ trước chính quyền, theo tôi, hoàn toàn hợp tình hợp lý. Đó là một trong những quyền căn bản của thi sĩ.

… Về hình thức, bài thơ được viết theo thể Thơ Mới trường thiên, gồm 5 đoạn, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu thường là 8 chữ nhưng khi cần cũng được thay đổi một cách tự nhiên, vần trắc liên tiếp ở câu 2 và câu 3.

Về nội dung, bài thơ có 5 đoạn nhưng hồn cốt nằm ở đoạn thứ nhất:

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Cái “ngộ” lớn nhất là đất nước mình đã 4 nghìn tuổi mà “dân không chịu lớn”. Ở đây cô giáo đã sử dụng một ẩn dụ thật hay – ví người dân Việt nam như đứa bé chưa rời vú mẹ, vẫn còn bú mớm vì “Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”. Lời lẽ của đoạn thơ rất đúng, rõ ràng và trong sáng, không cần và cũng không thể giải thích gì thêm nữa. Chúng như một lưỡi dao dài và sắc đâm thẳng vào trái tim mỗi người Việt Nam. Bạn là người Việt Nam ư? Nếu có chút kiến thức, còn chút lương tri, danh dự khi đọc những dòng thơ này đều sẽ tự động cúi đầu nuốt nhục.

Cái hay, cái tài của cô giáo Trần Thị Lam là lời lẽ của cô vừa chân thật vừa nhẹ nhàng, khéo léo nên lưỡi dao của cô đâm nát tim gan của không biết bao nhiêu người - từ người dân bình thường đến đám đông tự xem mình là sĩ phu yêu nước -  nhưng họ không những không thể nào ghét cô được mà nhiều khi còn quý mến, kính trọng, cảm phục cô nữa.

Những bất công lớn trong đất nước mình được cô giáo liệt kê ở những đoạn thơ sau:

Bất Công Đến Lạ Lùng

Đất nước mình lạ quá phải không anh?

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…

Cái bất công đầu tiên là “Sinh mạng con người chỉ bằng cái móng tay” nhưng người ta lại vung hàng nghìn tỉ vào những dự án, những công trình phù phiếm, không phục vụ lợi ích của người dân. Mà điều lạ là không ai nhận lãnh trách nhiệm, hậu quả về việc phí phạm tài sản chung đó.

Bất Công Đến Buồn Thảm

Đất nước mình buồn quá phải không anh?

Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc

Rừng đã hết và biển thì đang chết

Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa…

Tài nguyên của quốc gia cạn kiệt, một phần bị khai thác phí phạm để quan chức bỏ túi riêng, một phần lãnh đạo ngậm miệng ăn tiền để ngoại bang tự tung tự tác.

Bất Công Đến Đáng Thương

Đất nước mình thương quá phải không anh?

Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại

Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải

Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu…

Nợ công chồng chất trong khi giới lãnh đạo chóp bu mỗi người có tài khoản hàng trăm triệu, nhiều người hàng tỉ đô la ở ngân hàng ngoại quốc. Số nợ công to lớn ấy sau này lại đè nặng trên lưng, trên vai của con cháu chúng ta.

Đất Nước Sẽ Về Đâu?

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh

Anh không biết em làm sao biết được

Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước

Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu…

Cuối cùng là câu hỏi đau xé ruột cho mỗi người Việt Nam: “Đất nước sẽ về đâu?”

Khi đọc những đoạn sau nếu độc giả thấy dậy lên trong đầu mình một câu hỏi thì cứ quay lại đoạn đầu. Đó là phần quan trọng nhất, đoạn hay nhất của bài thơ; nó là nguyên nhân, là câu trả lời cho những câu hỏi “Tại Sao?”

dat-nuoc-minh-ngo-qua-phai-khong-anh-tin8-5… Tóm lại, Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh là bài thơ rất hay. Hình thức tương đối phóng khoáng tuy không có gì mới lạ lắm. Nhưng nội dung thì không chê vào đâu được; những “bất công” (đoạn 2+3+4 hỗ trợ cho đoạn 1) được chọn lựa kỹ, có tính điển hình, ngôn ngữ chính xác mà gợi cảm, tứ thơ cô đọng, sâu sắc, thế trận chữ nghĩa chặt chẽ, đặc biệt phép ẩn dụ ở đoạn 1 thật tuyệt vời. Đọc xong, thi vị của bài thơ - nỗi bàng hoàng đau đớn - vẫn còn vương vấn mãi trong tâm hồn.

Có thể nói đây là bài thơ của một người Việt Nam chửi con người Việt Nam tàn tệ nhất, xúc phạm đến danh dự người Việt Nam nặng nề nhất. Điều đáng nói là hàng bao nhiêu triệu người bị chửi - đặc biệt là những người góp phần to lớn tạo ra những bất công, những trí thức khoa bảng, nhà văn nhà thơ - đều cúi mặt ngậm tăm. Tại sao vậy? Vì bài thơ chửi đã hội đủ 5 điều kiện sau đây:

1/ Chửi đúng điều đáng chửi: những kẻ bị chửi không cãi vào đâu được.

2/ Chửi “nặng” nhưng lời lẽ nhẹ nhàng, khéo léo: chửi sỗ sàng, ngoa ngắt quá thì chúng coi là đồ hạ cấp, không thèm để ý, không thèm nghe; chửi nhẹ quá thì không đủ ép – phê

3/ Chửi “đúng thời vụ”: nhân vụ xả độc ở Vũng Áng, cá chết lền khên, gây thảm họa môi trường, toàn dân Việt và cả thế giới quan tâm.

4/ Chửi bằng tấm lòng chân thật: cảm xúc dạt dào.

5/ Chửi hay: tứ thơ hay quá, ẩn dụ tuyệt vời, càng đọc, càng nghe, càng ngẫm nghĩ càng thấm

Kết Luận

Chỉ cần tứ thơ, hồn thơ thấm vào tim một phần trăm (1%) dân số Việt Nam khiến họ không thể chịu được nỗi nhục nhã ê chề, đứng lên kêu đòi thay đổi thì chúng ta sẽ có cả gần một triệu người dấn thân, tạo thành một làn sóng, một phong trào, nước Việt mến yêu của chúng ta sẽ có cơ may thoát khỏi tình trạng bi đát hiện nay. Nếu được như thế bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh? sẽ hiên ngang bước vào văn học sử và cô giáo Trần Thị Lam sẽ trở thành một anh hùng lịch sử của dân tộc Việt.

Mong được như thế lắm thay!.

(Trích bài của Phạm Đức Nhì)

*

Bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh của Trần Thị Lam được các nhạc sĩ cảm hứng và sáng tác thành nhiều ca khúc được phổ biến trên internet. Cũng như bài thơ Vịnh Bức Dư Đồ Rách của nhà nhơ Tản Đà đã được nhiều bài họa.

Bài họa của Vĩnh Đường:

Hôm nay rảnh rỗi ngồi đọc lại bài thơ của cô Trần Thị Lam và nảy ý họa lại. Bài thơ này đã được khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và truyền bá khắp nơi. Khi họa lại, Vĩnh Đường chợt nảy ý là phải họa làm sao cho mỗi chữ bằng trắc trong câu phải thật ăn khớp với nguyên tác để khi hát, người hát có thể lấy bài thơ họa này để dùng làm liên khúc với thi phẩm được phổ mà không cảm thấy trúc trắc gì khi trình diễn. Tuy nhiên, vì không hiểu biết nhạc lý và vì thời gian có hạn nên sai sót chắc chắn là không thể tránh khỏi. Mong quý độc giả và thân hữu thẳng thắn góp ý khi thấy đoạn nào không ổn để Vĩnh Đường chỉnh sửa lại cho được hoàn hảo hơn. Xin chân thành đa tạ quý vị. Trân trọng. Vĩnh Đường

Lãnh Đạo Mình Nhục Quá Phải Chăng Em

“Lãnh đạo mình nhục quá phải chăng em

Đã ngần tuổi mà sao chưa được lớn

Đã ngần tuổi mà vẫn thèm sống mớm

Hiến cả núi sông để yên kiếp tôi đòi !

Lãnh đạo mình nhục quá phải chăng em

Những dải đất xưa vô vàn kiều vỹ

Chẳng ngại bán, đền nợ nần hàng tỉ

Dâng nạp cho Tàu chỉ qua cái ngoéo tay!

Lãnh đạo mình tồi quá phải chăng em

Bản Giốc, Hoàng Sa, thác ngà núi biếc

Giờ đã mất, nằm sõng soài như chết

Để Tiên Rồng ngùi nhớ nước non xa !

Lãnh đạo mình ngu quá phải chăng em

Mỗi tấc đất giang san chẳng nhọc nhằn ra công giữ lại

Xương máu ông cha ta ngút dài thế kỷ qua đem vun trải

Chẳng biết noi theo, toàn cam cảnh phủ đầu !

Lãnh đạo mình mà vẫn hèn thưa em

Dân ta sống muôn đời sau khó được

Khi Hán tặc kè bên, cứ vờn sau, vờn trước

E chóng chầy gì tổ quốc chẳng còn đâu!

Trả lời bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” của Cô giáo Trần Thị Lam, Hà Tĩnh của anh Lê Đức Luận ở Miền Đông Hoa Kỳ:

“Ừ! Đất nước mình có nhiều điều rất “ngộ”

Tiến sĩ đầy đường mà đảng ta vẫn dốt

Liệt sĩ, anh hùng đếm hoài không hết

Biển, đảo mất dần chẳng biết làm sao?

Ừ! Đất nước mình có nhiều điều rất “lạ”

Biển bạc, rừng vàng dân mình vẫn khổ

“Cá chết trắng bờ bởi dân mình ra đái

Chứ phải nào đâu hóa chất của Tàu” (1)

Ừ! Đất nước mình “buồn” quá em ơi!

Biển bạc, rừng xanh dân nào được hưởng

Chúng nó bán rừng, rồi dâng luôn biển đảo

Một mai đây nước Việt sẽ không còn…

Ừ! Đất nước mình “thương” quá em ơi!

Đứa trẻ sơ sinh ăn nhằm sữa độc

Mảnh áo tả tơi, tấm thân gầy guộc

Bây giờ đã thế, sao dám nghĩ tương lai

Ừ! Em đi hỏi: “người sau, kẻ trước”

Còn anh đây sẽ đi hỏi đảng: “Cớ sự làm sao bi đát thế này?”

Em cứ hỏi: “người trước, kẻ sau”

Anh sẽ hỏi Trời cao, Đất rộng: “Đến chừng nào Đảng được đem chôn?”

Nhưng xin Em đừng hỏi: “Đất nước sẽ về đâu?…”

Mà hãy hỏi: “Khi nào ta đứng dậy?…”

(1).- Có tin đồn nói ra như vậy để làm mờ bớt tội lỗi của nhà máy luyện thép Formosa.

Bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh của cô giáo Trần Thị Lam được đăng lên Facebook vào 8 giờ tối  ngày 25.4.2016. Hôm sau công an Hà Tĩnh đã mời cô giáo Lam lên trụ sở “làm việc” và   áp lực cô phải rút bài thơ này xuống. Mặc dầu sau đó bài thơ bị rút xuống, nhưng đã quá trễ, bài thơ được phổ biến rộng rãi khắp nơi, từ trong nước ra đến hải ngoại, và chắc chắn sẽ còn lưu lại trong lòng người Việt Nam trong một thời gian rất dài như một dấu tích của một giai đoạn đau thương nhất của đất nước VN.

Giáo viên giỏi cấp tỉnh và gắn bó với trường gần 20 năm nay, trao đổi với VietNamNet, cô giáo Lam cho hay, đây là bài thơ được sáng tác theo cảm hứng nhất thời chứ không nhằm mục đích nào khác. Do sức ép dư luận, trong ngày 27/4, cô giáo Lam đã xóa bài thơ và tự khóa Facebook cá nhân của mình. Hiện nay, cô đã mở tài khoản trở lại.

Như đã đề cập ở trên, trước thực trạng xảy ra vụ cá chết bởi nhà máy luyện thép Formosa, người dân phẫn nộ nên biểu tình chống đối bị CSVN đàn áp thẳng tay cho thấy chế độ độc tài đảng trị chỉ biết tham nhũng trục lợi, thối nát và hại dân!

Chúng ta sống trên mảnh đất tự do mà bỏ đi “căn cước” tỵ nạn Cộng Sản mà quay lưng với nỗi thống khổ xảy ra tại quê nhà thì “bức dư đồ rách” nầy càng ngày càng tả tơi!

Lão Trượng

 

Visits: 980

Posted in thoi luan.

One Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *