Minh Tâm Xuân Đỗ
Trước năm 1975, tôi có đọc một số bài viết của Nhà văn Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc trên tập san Bách Khoa. Tôi rất thích lối viết nhẹ nhàng; nhưng các nhận định của ông rất sâu sắc về các vấn đề nhân văn, sức khỏe và tính nhân bản trong các bài viết đó.
Tháng Tư 75, thời cuộc đổi thay, Việt Nam rơi vào vòng cai trị hà khắc, độc đảng của chế độ Cộng Sản. Tôi may mắn đang làm việc tại thành phố miền biển Vũng Tàu, kịp thời lên ghe, chạy ra biển khơi trong làn pháo kích của quân Cộng Sản, tiến chiếm thành phố vào sáng sớm ngày 29 tháng Tư. Chúng tôi được một chiến hạm Đài Loan, trong chiến dịch cứu trợ người Tỵ Nạn Cộng Sản, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, vớt đưa qua Phi Luật Tân và từ đó qua Mỹ làm kẻ mất quê hương, làm lại cuộc đời trong tuổi tam thập với một gia đình nho nhỏ, vợ và ba con thơ.
Trong viết lách và nhất là đọc sách báo, các bài viết trên báo mạng lưới điện toán, khi máy điện toán ra đời và mạng lưới điện toán phổ cập, đôi khi tôi có dịp “gặp” lại nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cũng trong những đề tài trên, cũng vẫn giọng văn nhẹ nhàng, thấm thía hơn và chấp nhận hơn, thấm đượm tinh thần từ bi, hỉ xã, vô thường, sắc không của nhà Phật.
Năm 2005, khi đến tuổi hưu trí và con cái đã thành đạt, có gia đình, ở xa cha mẹ, chúng tôi chuyển về miền Nam California, vùng Little Saigon, gần gia đình, anh chị em, bạn bè cũ mới, tìm lại không khí quê hương đã mất trong hơn ba mươi năm.
Một anh bạn… không còn trẻ cho tôi hai cuốn sách của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, do một nhóm Phật Tử ấn tống nhân mùa Vu Lan 2012. Hai cuốn sách này nhà văn Đỗ Hồng Ngọc viết và in năm 1999 ở Sài Gòn Việt Nam.
Cuốn “Gươm Báu Trao Tay” nói về bộ kinh Kim Cang Bát Nhã, một bộ kinh quan trọng của nhà Phật. Và cuốn “Già Ơi… Chào Bạn” mà tôi đọc đi, đọc lại nhiều lần và hôm nay giới thiệu … tuy khá muộn màn đến bạn bè.
***
Sách in khổ nhỏ, 6.5 x 6.5 inch, dày 134 trang, chữ cỡ 12, đọc dễ dàng, khỏi cần mang kính lão. Sách nhỏ có thể để trong tầm tay hay để trên đầu giường, trên xe hơi đang lái, khi xe ngừng, trong lúc đợi chờ bà xã đi mua thức ăn, đi shopping ở các malls…, mở sách ra đọc lại, các đoạn, các chương… bất cứ lúc nào thuận tiện, khỏi phải xem đồng hồ liên miên và thở phào nhẹ nhỏm, khi thấy bóng dáng nàng, bước ra khỏi tiệm. Trái lại, đọc Già Ơi… Chào Bạn, sao thấy thì giờ qua nhanh quá vậy, còn hỏi bà xã, “sao bữa ni em đi nhanh, mua đủ chưa?”.
Sách nhỏ, dày chỉ hơn 130 trang nếu đọc ngấu nghiến, chỉ khoảng chưa đến một giờ đồng hồ thì xong, nhưng đây là loại sách đọc chậm, từ từ, nhẩn nha, từng trang, từng mục, đôi khi ngừng lại, suy nghĩ hoặc tự cười thầm trước những nhận xét nho nhỏ, dí dõm của tác giả.
Các bài viết cũng kèm theo các hình vẽ minh họa, do chính tác giả vẽ, các nét chấm phá như những bức tranh thủy mặc Trung Hoa hay những bức tốc họa duyên dáng của nữ họa sĩ Bé Ký, hoặc những câu thơ sơ sài Haiku Nhật Bản, chứa đầy tư tưởng cao xa.
Sách có 8 chương, mục và một bài Lời Ngỏ ngắn, hai trang:
– Già là gì?
– Khi nào thì người ta già?
– Mỗi người già một kiểu
– Đời sống gia đình
– Biết ơn mình
– Những bệnh vô duyên
– Một cách nhìn mới
– Một tuổi già hạnh phúc
1/ Già là gì?
Làm sao định nghĩa được tình yêu cũng như làm sao định nghĩa được tuổi già. Hỏi ra “Già Là Gì”, thì câu hỏi trở nên ngớ ngẩn, “mát dây”, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng bảo nói lên cho đầy đủ thì thật là khó. Không ai tự cho mình… già. Đó là một cảm giác chủ quan, rất chủ quan. Ai cũng nhìn người khác, thấy người khác… già hơn mình! Chúng ta đồng ý với tác giả điều này.
Đỗ Hồng Ngọc đưa ra các quan niệm của các nhà văn quốc tế làm dẫn chứng.
Nhà văn Pháp André Maurois có nói:” … thậm chí có khi ta chấp nhận tuổi đã cao đấy, tóc đã bạc đấy, nhưng vẫn có một trái tim không già, không muốn già”. Điều này cũng không xa lạ gì với các cụ nhà ta, cũng đã dõng dạc nói “ngũ thập niên tiền, nhị thập tam (năm mươi năm trước, (tớ) mới có hai mươi ba thôi!”, hay cợt nhã hơn “Già thì già mặt, già mày, chân tay già hết…lòng này còn non”, khi các cụ buông lời ong bướm, bị các cô chê “già…dịch! già mà …ham!”
Tác giả dẫn chứng tiếp, trong cuốn sách “Savoir se soigner pour bien vieillir” (biết tự chăm sóc để có một tuổi già khỏe mạnh) nói tiếp “năm tháng không có nghĩa lý gì! Nó chỉ là yếu tố phụ. Có những người già lúc mới hai mươi vì không có niềm tin, không hy vọng và những người ngoài tám mươi còn trẻ vì đầy ắp những niềm tin và hy vọng, những kế hoạch không chỉ cho năm sau, tháng sau, mà còn cho ngày mai, ngày mốt….” Và họ khẳng định: “Tâm hồn không bao giờ già, nó trẻ vĩnh viễn.”.
Nghe các cụ này nói thật sướng, mình cảm thấy trẻ ra ngay. “Age is mostly a matter of mind. If you don’t mind, it doesn’t matter” (Tuổi tác là chuyện cái tâm, nếu ta không quan tâm, chả có vấn đề tuổi tác!”
Ông mang thêm Lâm Ngữ Đường ra thuyết phục độc giả :” Nghe một ông lão còn tráng kiện khoe mình còn trẻ, hoặc nghe người ta khen ông còn trẻ, tôi nghĩ có sự lầm lẫn về ngôn từ ở đây. Phải nói “Già mà khỏe” mới đúng chứ! Già mà khỏe là hạnh phúc nhất của con người, như vậy mà gọi là trẻ chả hóa ra làm giảm giá trị của hạnh phúc đi ư ! Không gì đẹp bắng một người già minh mẫn, hiền từ, khỏe mạnh, ôn tồn bàn về thế sự một cách từng trải…”.
Còn ai muốn cãi với tác giả không? (Hởi các ông bạn….già mà còn trẻ … hoặc trẻ mà đã già Quảng Nam… hay cãi của tôi ơi. Hết cãi nhé!).
Tác giả kết luận chương 1 này: ”Và như vậy già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tích tuổi, cớ sao còn phải lảng tránh? Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc”.
Khi đồng ý quan niệm được như vậy, theo tác giả, bạn có quyền nói :”Già Ơi!…. Chào Bạn”.
2/ Khi nào thì người ta già?
Chuyện tuổi già không còn là chuyện tầm phào, trà dư, tửu hậu nữa mà là chuyện …. quốc tế trong các hội nghị, có nghị trình, có tuyên ngôn đàng hoàng như Hội Nghị Quốc Tế về Tuổi Già tháng 7 năm 1996, tại Brazil, với tuyên ngôn Tuổi Già là một giai đoạn tất yếu, phổ quát, liên quan đến mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội.
Người già trên dân số thế giới càng ngày càng đông, nhất là phụ nữ (do tuổi thọ cao hơn nam giới). Phụ nữ lớn tuổi lại là một thành phần gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, cần được đặc biệt quan tâm giúp đỡ để họ có một tuổi già khỏe mạnh, hạnh phúc.
Già không phải là một cái bệnh, không thể tránh được, nhưng những bệnh tật, tàn phế của tuổi già, có thể tránh, hoặc giảm bớt bằng những biện pháp, chính sách, y học, xã hội, kinh tế và môi trường.
Vấn đề là làm sao có sự công bằng với người già trên thế giới vì sự chênh lệch, khác nhau giữa các châu lục, quốc gia, giàu nghèo, môi trường và điều kiện sinh sống.
Tổ chức Sức Khỏe Thế Giới (WHO) dự trù, đến năm 2020, sẽ có một tỷ người già trên tuổi 60. Làm sao cải tiến sức khỏe cho người già, để có một cuộc sống an vui, hạnh phúc? Câu hỏi rơi vào thinh không.
Câu trả lời cho vấn nạn “khi nào thì người ta già” vẫn rất mơ hồ. Người Á Đông quan niệm đời người chỉ vào khoảng sáu mươi năm. “60 năm là một kiếp người”, câu hát “60 năm cuộc đời” rất thời thượng trước đây nay không còn hợp nữa hoặc quan niệm “thất thập cổ lai hy” xưa và sai quá rồi. Ngày nay nam giới qua tuổi bảy mươi, tám mươi, bước vào 90 và quí bà qua tuổi 80, 90 và bước vào 100 là chuyện không hiếm.
3/ Mỗi người già một kiểu
Đã biết rằng, trong thiên hạ, cứ 9 người thì có đến 10 ý. Vậy trong cuộc đời cứ 10 người, có đến… 11 kiểu già thì cũng dễ hiểu thôi! Mỗi người sống theo một ý, một cách, một quan niệm tùy thích. Mỗi người chịu ảnh hưởng của gia đình về di truyền. Mỗi người tùy thuộc vào tình trạng khá giả hoặc nghèo khó, có học vấn hay mù chữ. Có thể tùy thuộc về mọi phương diện của cuộc đời, từ khi còn trẻ, thì đến tuổi già, mỗi người già mỗi kiểu. Chẳng ai giống ai.
Có một chuyện khôi hài…. đen. Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình về cách sống ảnh hưởng đến tuổi tác như thế nào. Người phóng viên phỏng vấn hai vị cao niên. Một vị đầu tóc bạc phơ, da thịt vẫn còn hồng hào, nói năng mạch lạc. Một trẻ hơn, mệt mỏi, xanh xao, chán nản.
Vị cao niên trả lời phỏng vấn: “Tôi năm nay hơn 80. Khi trẻ tôi sống điều độ. Cũng có một tí rượu chè, cà phê, cà pháo. Dục tình vừa phải. Tự chế”.
Cụ thứ hai thở ra, uể oải lắc đầu, khi trả lời: “Nghe cụ kia nói tôi mệt quá. Tôi đấy à, chơi thả dàn, tuốt luốt. Cuộc đời có bao lăm mà …khổ quá vậy”
Phỏng vấn viên vội hỏi trong ngạc nhiên, ngầm đôi chút… ngán: “Thế cụ năm nay bao nhiêu tuổi thọ…ạ?”
Ông ta lắc đầu: “Tôi đấy à? Tuổi tác làm gì? Tôi được… 35 tuổi rồi đấy! ».
Khán giả vỗ tay, cười vang.
Tác giả kể ra nhiều loại già: có kiểu già hóp, già sớm. Có kiểu già từ tốn, từ từ. Có kiểu già cái rụp, sau một cơn bịnh suýt chết. Có kiểu già do lo âu, buồn rầu, bất mãn với cuộc đời, « sinh bất phùng thời ». Có kiểu già hạnh phúc đem niềm vui cho gia đình, con cháu.
Có nhiều kiểu già khác nhau, khi nhìn những ngày sắp đến, ví dụ đến tuổi về nghỉ hưu. Có người cảm thấy như được mới ra khỏi nhà tù trong bao năm phải làm việc. Trái lại có nhiều người nghe tin được nghỉ hưu, lo sợ những ngày sắp đến sẽ làm gì cho hết trong chán chường, thì giờ dư thừa!….Như nhà thơ Cao Tần đã than vào những ngày tháng đầu tiên trong đời lưu vong, làm kẻ mất quê hương ở Hoa Kỳ, sau tháng Tư đen năm 1975, « ta làm gì cho hết nửa đời sau »!. (Thực sự sau hơn bốn mươi hai năm làm người mất quê hương, những người lưu vong đầu tiên đó, tiếp đến là những người không sợ chết, nhảy ra đại dương bao la trên những con thuyền tí hon, chống chỏi với bão tố, hải tặc, sự quay lưng vì mệt mỏi của lương tâm con người đã chai đá, rồi tiếp đến đợt nhưng kẻ bị xô đuổi ra khỏi quê hương bằng sự mặc cả với kẻ cựu thù Mỹ, đổi đồng tiền và sự công nhận chế độ Cộng Sản trên đất nước Việt Nam, bằng chương trình Tỵ Nạn Nhân đạo H.O. Lớp người đã chịu đày đọa dã man này đa số là tinh hoa của nền văn hóa tự do, nhân bản Việt Nam Cộng Hòa trong hơn hai mươi năm 1954-1975, đã ra đi mang thêm tinh hoa cho sự thành công của Người Di Dân Việt trên đất Hoa Kỳ và các nước tự do trên thế giới).
Nửa đời sau của người di dân Việt khá thành công cho chính họ và thế hệ con cháu tiếp theo, làm nên nhưng dự cảm của nhà thơ Cao Tần đưa đẩy người di dân Việt lấp đầy cuộc đời còn lại với niềm tin mãnh liệt vào tương lai, chứ không thất bại trong đau thương như sự lo ngại ban đầu.
Tuổi già được trọng vọng hay bỏ bê cũng tùy thuộc vào nền văn hóa của nơi người già đang sinh sống hết quảng đời còn lại của mình. Trong nền văn hóa kính lão đắc thọ thật sự của ta trước đây, cha mẹ, ông bà, khi về già được con cháu nuôi nấng, chăm sóc cung kính. Người già cảm thấy hạnh phúc, an vui và mãn nguyện về cuộc đời và gia đình.
Trái lại trong các nền văn hóa coi trọng giá trị kinh tế, hiệu năng, tốc độ, sức mạnh, trẻ đẹp… người già trở thành lực cản, mang mặc cảm tự ti, dư thừa, chuẩn bị vào viện dưỡng lão. Nghe thật đau lòng nhưng như trên tôi đã nói, cũng tùy thuộc vào nền văn hóa họ mang trong dòng máu và thế hệ sau còn giữ lại phần nào hay không.
Già cũng nên giữ bề ngoài, cử chỉ, giao tiếp chừng mực của tuổi già. Tuổi già không thể se sua, diêm dúa , mạnh bạo…. như thời còn trẻ. Không tự ti cũng không tự tôn, cứ khoe khoang mãi một thời huy hoàng đã qua, thực hay quá cường điệu, hư cấu. Nên điều chỉnh chính mình cho hợp với hoàn cảnh, tạo niềm vui cho mình và mọi người chung quanh (Theo sách Làm Đẹp của Nguyễn Hiến Lê, bản dịch Lâm Ngữ Đường) do tác giả trích dẫn.
4/ Đời sống gia đình
Càng lớn tuổi, người già càng cần sống trong một gia đình có không khí yêu thương, kính trọng, hòa thuận. Anh bạn tôi cứ ngẩn ngơ đến rơm rớm nước mắt, khi nói chuyện đến con cái, khi cậu con trai út đi học xa. Tôi cười, chê anh ta «yếu» quá. Nhưng khi cậu con trai út tôi, 18 tuổi, xong trung học, được học bỗng đi học xa nhà như hai anh chị nó, tôi cũng buồn buồn nhưng bà xã thì cứ khóc hoài khi thấy mấy đứa con nhà hàng xóm chạy chơi nô đùa. Đó là khi chúng tôi chưa qua tuổi năm mươi, chưa già. Để khuây khỏa, chúng tôi buổi chiều đi bộ ngoài công viên hay trong các malls thương xá trước khi về nhà tắm rữa, đi ngủ ngon.
Trong hưu trí, bất cứ ông bà nội ngoại nào, khi có đứa cháu nội, ngoại đầu tiên đều trân quí, nâng niu, bồng ẳm, hơn xa khi có đứa con đầu lòng. Tưởng về hưu, rảnh rổi trong tuổi già, hóa ra lại bận tối tít lo cho cháu nội, ngoại. La khổ như bộng nhưng rồi vẫn ôm lấy cháu mà…khổ nhưng lại thấy rất sung sướng, hãnh diện, hạnh phúc.
Ở cái tuổi «chớm già», khi mới nghỉ hưu có nhiều cái «sốc» lắm như các nhà tâm lý học đã nói. Đầu tiên là «sốc» về đời sống tình dục lứa đôi….xuống cấp dần dần…. dần dần, rồi cũng nghỉ hưu. Và đến bệnh hoạn.Trong thời gian chủ nhân nó bận bịu tíu tít trong công ăn, việc làm, nó cũng nằm ngủ yên nơi nào đó. Nay thấy chủ nhân nó thảnh thơi, nó cũng ló mòi, cũng «ba cao, một thấp (cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp», xuất hiện. Vào tuổi thất thập, bát thập, tai bắt đầu nghểnh ngảng. Mắt thay kính hằng năm, vẫn mập mờ.
Theo các nhà tâm lý học, ở tuổi vào già hay chớm già, các bà hay buồn vu vơ, thường có cảm giác hụt hẩng, băn khoăn, dễ gây tranh cãi với chồng trong bất kỳ việc nhỏ nhặt nào. Các bà cảm thấy nơi ông chồng mà mình khâm phục khi còn trẻ nay sao ngớ nga. ngớ ngẩng, chậm chạp, rù rờ, « xuống cấp » nhanh quá.
Các ông thấy càng ngày càng ít tự tin. Có nhiều ông nhìn lại một thời huy hoàng, trẻ trung, trở nên tiếc nuối, dễ bị bực bội, khi bị chỉ trích, cãi nhau và càng ngày càng thu hẹp giao tiếp, càng rút về cố thủ tiền đồn cuối cùng, bên vợ và các cháu nội ngoại gần gũi.
Tuy nhiên có những gia đình, hai vợ chồng già sống bên nhau rất hòa hợp, an vui, chia xẻ các vấn đề từ gia đình, xã hội và hăng hái tham gia các nhóm bạn bè cùng lứa tuổi trong thể dục, giải trí, từ thiện, giúp đỡ người khác và tìm thấy niềm vui tưởng như đã mất.
Các nhà tâm lý học nhận thấy về già khi mình nhìn được người khác khổ hơn mình, cần trợ giúp về tinh thần hoặc vật chất, người già cảm thấy vui lên, thấy cuộc sống bên nhau quí nhất cho đến ngày xa nhau, về bên kia thế giới.
Tác giả, nhà văn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại trích thêm cuốn « Sống Đẹp » do ông Nguyễn Hiến Lê dịch của Lâm Ngữ Dường, kể chuyện họa sư danh tiếng đời Nguyên, Trung Hoa, là Triệu Mạnh Phú về già lại muốn cưới một người thiếp trẻ, xinh đẹp. Bà vợ già của ông viết mấy câu thơ :
…. Lấy một nắm đất sét,
Nắn thành hình anh,
Đắp thành hình em,
Rồi đập phá cả hai, nhào chung lại.
Lại nắn thành hình anh
Lại đắp thành hình em.
Trong chất đất của em, có anh
Trong chất đất của anh, có em….
Ông đọc bài thơ, cảm động, không đòi cưới bà thiếp nữa. Lâm Ngữ Đường ví von: “Trong hôn nhân, bà là nước, ông là đất sét. Nước thấm vào đất sét thành hình. Đất sét giữ nước. Nước lưu động, sinh hoạt trong đất sét…”
Ông Phan Khôi ngày trước có bài thơ “Tình Già” thì ngày nay các thế hệ hậu bối, khi vào già, chả lẽ không có những mối tình già cũng đẹp hoặc đẹp hơn sao!.
5/ Biết ơn mình
Đây là một nhận xét mà khi tôi đọc đến đoạn này, tôi bật cười và cảm thấy thấm thía với nhận xét dí dỏm nhưng sâu sắc này.
Ai cũng biết rằng, do sự dạy dỗ từ gia đình, học đường, cuộc sống, từ trẻ thơ đến tuổi trưởng thành, vào đời, ta luôn luôn biết ơn, cám ơn mọi người, từ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em, bà con lối xóm đến đồng bào cùng quốc gia, dân tộc, đến cả nhân loại, trực tiếp hay gián tiếp góp phần cho đời sống của ta, đến tuổi vào già. Nhưng ít khi có ai dạy cho ta biết…..ơn ta. Điều này bị cho là vị kỷ, lố bịch, kỳ cục.
Tác giả cho biết, trong thời gian ông giữ mục Phòng Mạch cho tờ báo Mực Tím, ông nhận được rất nhiều thư của độc giả trẻ, tuổi mới lớn kêu ca về hình thể, nhan sắc, tự sỉ vả mình thậm tệ. Nhiều em còn có ý muốn tự tử, muốn chết đi cho khuất mắt vì… vài vết mụn trứng cá trên mặt, làm mất vẻ đẹp của mình và chán đời.
Ngay cả người lớn tuổi cũng vậy. Nếu hằng ngày soi gương thấy hình ảnh mình mỗi ngày càng già đi, da nhăn, tóc bạc, người bờ phờ, thì buồn bực, khổ sở. Các bà đi thẩm mỹ viện, các ông lo âu, buồn bực, càng sinh thêm bệnh hoạn, không biết than vãn cùng ai.
Nhưng có ai trên đời mà không …già, không bệnh hoạn khi tuổi càng ngày càng cao . Đó là lẽ đương nhiên của luật tuần hoàn, của lẽ vô thường.
Nhưng ông biết rằng nói chuyện với mấy ông già này rất khó. Để thuyết phục, tác giả Đỗ Hồng Ngọc viết :”Có món đồ dùng nào mà xài vĩnh viễn đâu, ngay cả đến những máy móc tinh xảo nhất, được làm bằng những thứ kim loại tốt nhất…đến lúc nào đó, nó cũng phải hư, vất đi. Như vậy nhiều người trong chúng ta có thể vỗ ngực nói rằng, mình đã xài đời mình đến sáu, bảy chục năm mà hãy còn ngon lành đó chứ! Vậy ta phải biết ơn ta nhiều hơn”.
Là một bác sĩ y khoa được đào tạo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa còn sót lại tại Việt Nam ngày nay, ông đã đem hiểu biết, quan sát về y học, về kinh nghiệm điều trị để kêu gọi độc giả, nhất là độc giả ….không còn trẻ, hay độc giả….bạn già, hãy tự thương mình, biết ơn mình, săn sóc chính mình đúng hơn để có một cơ thể khỏe mạnh, một cuộc sống hạnh phúc.
Ông thử đưa ra vài ba ví dụ. Hãy thử xem bộ xương. Cơ thể ta có trên hai trăm cái xương, lớn nhỏ, nối kết lại với nhau nhờ các khớp. Đến tuổi già, có bao giờ bộ xương, các khớp được bôi dầu trét mở gì đâu, vậy mà nó vẫn làm việc trơn tru. Sao ta không biết ơn nó.
Thử xem tiếp bộ máy tuần hoàn. Trái tim mỗi ngày co bóp cả trăm ngàn lần để đẩy một khối lượng máu, khoảng 8000 kgs máu, không ngừng nghỉ, kể cả khi ta ngủ.
Đã vậy con người không những không nhớ, không biết ơn mà nhiều khi còn hành hạ, đầu độc nó bằng rượu, chè, cà phê, thuốc lá vv….Chưa kể trong văn, thơ, nhạc lại lên án trái tim, nào trái tim gian dối, trái tim ngục tù, trái tim phản bội. Đủ hết. Không ai thương nó, tội nghiệp cho nó.
Khi nó có vấn đề là nguy to, nào mổ tim bypass, thông tim, mang máy trợ tim … lúc đó buồn lo, thương tiếc thì đã hơi….muộn.
Trái lại tôn thờ cá nhân mình quá, thân xác mình quá mức như các ông Cộng Sản còn sót lại như Cộng Sản Việt Nam, cho mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người” (hơn cả con khỉ của nhà bác hoc Darwin) thì không còn ngôn ngữ nào để nói nữa.
Thôi ta nên bỏ cái đám cá kèo Việt Cộng vào giỏ rác lịch sử như các tiền nhân của Cộng Sản, các ông Marx, Hegel, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh…. để trở lại với các vấn đề nhân sinh bình thường….như đang bàn về cuốn sách nhỏ Già Ơi…Chào Bạn của Đỗ Hồng Ngọc.
Chương này là chương ông viết nhiều, kỷ lưỡng, sâu sắc và nghiên cứu công phu.
Mạch máu của ta cũng giống như ống nước. Khi còn mới thì nó dẻo dai, co giãn dễ dàng. Khi cũ đi thì nó giòn, dễ hư, dễ gãy. Mạch máu của các …bạn già ta cũng không khác gì. Lớn tuổi có thể bị cao áp huyết, dễ gây nhiều biến chứng. Cao áp huyết cộng với cao mỡ, tiểu đường có thể tạo nhiều nguy hiểm cho tim mạch, tai biến mạch máu não …
Rồi xem qua phổi. Đây là nơi không khí được trao đổi cho sự sống. Con người có thể nhịn đói, nhịn khát trong thời hạn nào đó, chứ không thể nhịn thở quá năm phút. Thiếu dưỡng khí (oxy) khoảng năm phút, các tế bào não sẽ bị hủy hoại, không phục hồi lại được.
Thở vào, thở ra quan trọng vô cùng cho sự sống. Đừng nghĩ rằng, thở chỉ là một cử động phản xạ của cơ thể và không thèm để ý đến nó.
Trái với các cơ phận khác của cơ thể, hơi thở và phổi con người có thể luyện tập được, để giữ sức khỏe tốt mà còn làm cho sức khỏe tăng cường thêm lên. Khi làm việc nặng nhọc, chạy nhanh, cơ thể mỏi rã rời, cần hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, trong chốc lát, ta cảm thấy khỏe lại và có thể tiếp tục làm việc hay chạy tiếp.
Khi hít không khí vào thật sâu, không khí chạy xuống đến tân rún (gọi là huyệt đan điền), giúp cho các cơ phận nằm sâu trong cơ thể tiếp nhận dưỡng khí mới, tốt, khỏe lên, hoạt động tốt hơn là vậy. Do đó, càng lớn tuổi, ta cần tập thể dục đều đặn hơn, tập hít thở sâu vào, thở ra chậm rãi, đẩy thán khí ra khỏi buồng phổi, tránh được nhiều bệnh hơn cho phổi, tránh được các cơn ho sù sụ khi trái trời, trở lạnh, giao mùa. và ít phải uống các loại thuốc ho.
Hơi thở còn có tác dụng tâm lý nữa. Đó là khi ta hít vào thật sâu, thở ra nhẹ nhàng, thoải mái, ta cảm thấy khỏe hẳn ra, hết stress, hết lo âu, thấy yêu đời, yêu người, yêu… tưng bừng, dù ở tuổi bảy mươi, tám mươi, chín mươi hay chuẩn bị qua bên kia Miền Cực Lạc.
Sau phổi, tác giả Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc tiếp tục, qua kiến thức của một vị lương y, giới thiệu thêm cho các…. bạn già, biết thêm về hai cơ phận quan trọng khác mà ta không ngờ. Đó là cái miệng và cái bao tử.
Ông lấy kinh nghiệm của người xưa, để thuyết phục các bạn già. Đó là tư tưởng của triết gia Trung Hoa vào thế kỷ 16, Lý Lập Ông, trong cuốn Nhân Tình Ngẫu Hứng. Ông triết gia này bảo rằng “xét trong cơ thể con người, tai, mắt, mũi, họng, chân tay, thân thể, hết thảy đều cần thiết ….Chỉ có hai cái rất cần thiết cho con người, mà trời phú cho ta, là …. cái miệng và cái bao tử, nhưng lại là nguồn gốc của tất cả những hệ lụy của con người, từ ngàn xưa đến nay và có lẽ cả ngàn… sau nữa!.
Do cái miệng và cái bao tử nên sinh kế mới hóa ra phiền phức, mới sinh ra những tranh chấp, mưu mô gian trá, mới phải đặt ra hình pháp….
Lâm Ngữ Đường đồng ý nên cũng bảo “Chúng ta có một cái bao không đáy, gọi là…. bao tử. Nó ảnh hưởng đến văn minh của nhân loại…. Các hội nghị quốc tế dù có căng thẳng đến mức thế nào đi nữa, đến giờ đói bụng, đều phải ngừng lại, để ăn cái đã….” Lâm Ngữ Đường tiếp :”Nếu con người có được cái diều như diều chim, có cái dạ dày của loài nhai lại, chắc là không có chiến tranh với nhau, từ cục bộ đến chiến tranh thế giời. Con vật loài ăn cỏ, ăn hạt, đều hiền lành. Loài ăn thịt đều dữ dằn, hiếu sát….” Ông diễu thêm :”Gà trống thích đá nhau không phải vì tranh thức ăn, mà chỉ vì ….gà mái.” Con người nếu chỉ có cái diều, chỉ ăn cỏ cây, hoa quả, cây trái và nhai lại, cũng có thể có các cuộc chiến tranh nhỏ nhỏ, không đến nỗi phải dùng bom đạn, nguyên tử, khinh khí, để tận diệt nhau và tận diệt cà trái đất này.
Nhưng tội nghiệp cho cái bao tử không đáy, nó phải làm việc cật lực, lo việc co bóp, nhào nặn thức ăn uống, suốt dêm ngày để cung cấp cho con người chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống. Nó làm việc ngày đêm mà ta không hề hay biết.
Trái lại ta đâu có biết giá trị công việc khó nhọc của cái bao tử, chứ đừng nói đến biết ơn nó. Ngược lại ta sẵn sàng, tộn, xực, nhồi nhét, càng nhiều càng khoái chí. Ăn hết, không bao giờ ngừng nghỉ. Không bao giờ kể đó là rắn, rít, thằn lằn, tắc kè, chuột, bọ, cào cào, châu chấu, nghêu sò, ốc, hến…. Ta còn đổ vào bao tử rượu đế, bia, whisky vv… Tới một lúc nào đó, bao tử chịu không nổi nữa, có vấn đề… mới chịu chạy thầy, chạy thuốc, đi nhà thương cắt bỏ một phần bao tử. Hối hận thì cũng muộn.
Hệ tiêu hóa được điều khiển bởi một hệ thần kinh tự động, ngoài ý muốn của ta. Các tình trạng căng thẳng, lo âu, sợ hãi hoặc vui vẻ quá mức, đều có tác dụng đến bộ phận tiêu hóa, như khi …vui quá, sợ quá, vãi… ra quần, tè…. ra quần mà không biết. Điều này được bác sĩ Ivan Pavlov (1849-1936), Nobel Y khoa năm 1904, một nhà Sinh vật học, người Nga thí nghiệm trên các con chó, để phân tích “phản xạ có điều kiện”. Khi cho chó ăn, ông đánh một tiếng kẻng. Nhiều lần thí nghiệm, lặp đi, lặp lại như vậy. Khi đánh tiếng kẻng mà không có thức ăn, con chó vẫn tiết ra nước miếng và chất vị toan trong hệ tiêu hóa.
Sau này Lenin áp dụng định luật này vào chính sách lương thực, hứa rằng, dưới chế độ Cộng Sản, con người làm theo sức mình, hưởng quyền lợi theo nhu cầu, làm chết đói bao nhiêu triệu dân Nga trong cuộc Cách Mạng Vô Sản (1917) và chế độ Cộng Sản tại Liên Bang Sô Viết (USSR), từ năm 1922 đến khi Cộng Sản sụp đổ năm 1991.
Tác giả Đỗ Hồng Ngọc lại kéo Lâm Ngữ Đường vui theo với nhận xét :”Đối với tôi, hạnh phúc trước hết là vấn đề tiêu hóa. Ruột ta mà vận động điều hòa, ta có hạnh phúc. Không thì ta khổ sở lắm”. Nói thẳng ra, khi ta kẹt quá trong việc muốn đi tiêu, đi tiểu mà chẳng kiếm đâu ra nhà vệ sinh hoặc nơi nào kín đáo, thì khổ sở vô cùng. Xã được cái “bầu tâm sự”, thì thật là hạnh phúc. Ai cho bạc triệu chưa chắc sung sướng hơn! Và những người táo bón quanh năm, mặt mày lúc nào cũng nhăn nhó, khổ sở, đăm chiêu. Diễu thiệt nhưng đúng quá chứ còn cãi gì được!
Trong hệ tiêu hóa, bộ răng cũng rất quan trọng. Khi còn trẻ, răng chưa có vấn đề, nhưng khi tuổi càng ngày càng cao, răng trở nên lung lay, đau nhức, là một vấn đề sức khỏe tốn kém.
Việt Nam cũng như các nước nghèo khác, vì nghèo nên ít chăm sóc bộ răng kỷ lưỡng từ khi còn trẻ, để đến khi bị đau nhức mới đi nhổ bởi các thợ nhổ răng, chứ không phải Nha Sĩ có học đầy đủ về y khoa và nha khoa đại học. (Đôi khi ra chợ nhổ răng quảng cáo, do các tên làm xiếc Sơn Đông mãi võ, vừa đánh trống, vừa đùa với con khỉ, nhổ răng bằng một sợi chỉ, cột vào chiếc răng đang đau, úm ba la, giật thật mạnh, chiếc răng văng ra, máu đổ đầy miệng. Về nhà súc nước muối năm ba bữa mới hết đau. Sợ đến… già).
Theo tiết lộ của bác sĩ thân cận của Mao Trạch Đông, chính Mao buổi sáng thức dậy uống trà, dùng nước trà nóng súc miệng chứ không bao giờ đánh răng và không bao giờ săn sóc bộ răng. Ông trùm của bao nhiêu tỷ dân Trung Hoa mà cũng không biết thế nào là sự quan trọng của sức khỏe của răng, thì các tỷ dân Tàu lấy đó làm gương noi theo.
Các bộ phận khác như măt, tai, mũi, họng…. cũng vậy. Bộ phận nào trên cơ thể do cha mẹ sinh ra, đều quan trọng cho sự sống, không những ta phải biết ơn nó, săn sóc nó, vì đó là chính săn sóc cho ta đến cuối đời.
6/ Những bệnh vô duyên
Đã gọi bệnh là do đau ốm, thân thể có vấn đề. Còn bệnh vô duyên là gì? Tác giả Đỗ Hồng Ngọc là một bác sĩ y khoa, luôn luôn gần gũi với bệnh nhân, với chữa trị bệnh, đã gọi những bệnh vô duyên:” đó là những bệnh không đáng có”.
Bệnh vô duyên có thể do chính thầy thuốc gây ra cho ta, dù là ngoài ý muốn (iatrogenic), có thể do sự nhầm lẫn của thầy thuốc, trong khi chẩn bệnh, chữa trị, trong lúc giải phẩu, cho toa …
Có thể do chính ta, người thân trong gia đình, bạn bè, lối xóm, nhân viên tâm lý xã hội ….mách thuốc do biết người này, người kia có bệnh tương tự, chạy chữa cách này cách khác, lành bệnh, nay bày vẽ cho ta làm theo. Lành bệnh đâu không thấy, nhiều khi gây thêm bệnh, mới khổ.
Cơ thể của người cao tuổi, về khả năng thích ứng càng ngày càng yếu đi, thuốc men nhiều lại sinh thêm bệnh do sự hấp thụ thuốc chậm trong lúc khả năng đào thải ảnh hưởng thuốc lại càng chậm hơn, chưa kể còn tùy cơ thể từng người hợp với thuốc này, thuốc khác.
Ngoài ra, trong khi chữa trị, người bệnh thường được bác sĩ giới thiệu, hoặc do chính bệnh nhân muốn, đến các trung tâm thử nghiệm. Nhiều khi đi tùm lum, đủ nơi làm cho người bệnh mỏi mệt thêm, gây tình trạng gần như khủng hoảng tâm bệnh lý!
Trong lúc đó, nhiều lời nói ra, nói vào, góp ý nhưng lại làm cho người bệnh hoang mang. Nhiều khi rơi vào tình trạng “lắm thầy… thối ma, lắm người ta ….thối….”.
Bệnh vô duyên nhiều vô kể. Đã nói đó là … vô duyên thì thôi đừng nghe tào lao mà chẳng giúp ích gì, lại làm cho ta lo sợ… vô duyên thêm.
7/ Một cách nhìn mới
Đã biết rằng con người không làm sao tránh khỏi bệnh hoạn, ngay cả khi còn trẻ, khỏe mạnh. Trong tiến trình của đời người, sau sinh. lão, thì tới bệnh. Để hết bệnh hoạn, khi lâm bệnh thì lo việc thuốc men, tịnh dưỡng cho lành bệnh. Thuốc men có thể nhanh, làm dứt bệnh, trở lại lành mạnh, hạnh phúc. Có thể gặp bệnh nặng, thuốc men, chạy đủ thầy này, thầy nọ, bệnh vẫn chưa khỏi. Tác giả khuyên bệnh nhân hãy bình tỉnh, tiếp tục chữa chạy. Bệnh chưa nặng, chưa có gì nguy kịch mà đã rơi vào tình trạng ưu sầu, lo lắng quá độ, nhiều khi làm bệnh nặng thêm.
Tác giả lấy hai ví dụ làm bằng chứng:
a/ Bệnh cao áp huyết: là một bác sĩ điều trị, ông kể, có những bệnh nhân, khi mới có triệu chứng bệnh cao áp huyết, khi đo, đã hoảng hốt, ôm cái máy đo hằng giờ. Càng đo, mức chênh lệch trên máy càng nhảy lung tung, càng hoảng sợ. Lo sợ đến mất ăn, mất ngủ, làm người phờ phạc, bệnh càng có vẻ càng ngày càng tệ hại thêm. Thật sự, mức cao, thấp của áp huyết, lên xuống là chuyện bình thường. Càng lo sợ, hồi họp, tim càng đập nhanh chậm, làm mức đo lên xuống bất thường thêm. Hãy an tâm, tỉnh dưỡng, nghỉ ngơi, tập thể dục nhẹ, vui chơi với con cháu, đọc sách, làm vườn…. Khi khỏe trong người, với thuốc men bác sĩ cho, uống đúng liều lượng, áp huyết sẽ trở lại bình thường hoặc không còn lên xuống bất thường nữa.
b/ Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường là một bệnh mãn tính, do những rối loạn về sự điều hòa đường huyết, có thể đo đạt bằng máy móc điện tử, độ lên xuống của đường trong máu. Nhưng tác động của bệnh tiểu đường với từng người bệnh ra sao, với các quan hệ gia đình, xã hội, năng lực làm việc, đời sống kinh tế vv… của từng người bệnh từ lâu nay không được để ý đến.
Có những bệnh nhân khi khám phá ra mình bị bệnh tiểu đường, dù là tiểu đường loại 2 (có thể do di truyền), nhẹ thôi nhưng lại quá lo âu, sợ hãi, kiêng cữ quá độ, không còn biết đến ăn ngon, ngủ yên. Trong lúc đó người cũng bị bệnh tiểu đường như vậy mà lại an vui, hoạt động khỏe mạnh, tích cực, vui sống, vẫn giữ bình thường các quan hệ xã hội, giao tế, vừa kiểm soát được lượng đường với những phương pháp y khoa và thuốc men ngày nay, vừa có cuộc sống bình thường, hạnh phúc.
Do kinh nghiệm khi chữa trị cho các bệnh nhân, tác giả nhận thấy rằng, việc thuyết phục bệnh nhân đừng quá lo lắng, sợ hãi khi khám phá ra mình đang bị các chứng bệnh thật bất trị, chết người, tuy thầm lặng, ít hy vọng được người nghe chấp nhận.
Để thuyết phục độc giả, tác giả đem quan niệm của cơ quan Sức Khỏe Thế Giới WHO, cho rằng, sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn thoải mái, hài lòng (well being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải chỉ là không có bệnh tật.
WHO cũng đưa thêm bảng liệt kê, đánh giá về phẩm chất của cuộc sống, đó là hạnh phúc của con người. Đây lại là một vấn đề thật khó khăn tùy thuộc nhiều yếu tố như nền văn hóa nơi con người đang sinh sống và nhiều yếu tố khác. Như vậy có vẻ chủ quan, nó đòi hỏi cần một sự hiểu biết và thông cảm giữa bệnh nhân và thầy thuốc, để tạo bầu không khí tin tưởng trong sự điều trị. Một khuynh hướng chỉ có thể có ở các nước giàu mạnh, văn minh, có bảo hiểm y tế tốt và sự chăm sóc bệnh nhân tốt. Những nước nghèo và nền y tế trì trệ, xem thường sự chăm sóc và quyền được hưởng sự săn sóc kỹ lưỡng, không xem phẩm chất của nền y tế là quan trọng, thì khuynh hướng này thật khó có được..
Điều này bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đưa ra như một ước mơ lý tưởng của một vị lương y nhưng khó khăn tại các nước không tôn trọng quyền người dân như Việt Nam dưới sự cai trị độc dảng, hà khắc, cướp bóc tài sản của người dân chứ đừng nói đến tôn trong quyền của người dân.
8/ Một Tuổi Già Hạnh Phúc
Tuổi già và Hạnh phúc là hai yếu tố tương đối chủ quan, mơ hồ ít được mọi người đồng ý với nhau. Tuy nhiên nếu có thể nhân nhượng nhau, tránh tranh cãi ráo riết, có bốn yếu tố trong cuộc sống, người ta có thể tựu trung đồng ý với nhau về tuổi già và hạnh phúc. Đó là Sức khỏe, Nơi ăn chốn ở, Lợi tức (thu nhập), và Khả năng Hoạt động.
Bốn yếu tố này có thể trông thấy, đo lường được, dù chỉ tương đối. Khi bốn yếu tố trên tạm đầy đủ, thoải mái, con người có thể hưởng trạng thái Hạnh phúc, dù tuổi càng ngày càng cao.
Kahlil Gibran (triết gia, nghệ sĩ, nhà văn Mỹ gốc Lebanon 1883-1930) viết:
“ Wake at dawn with winged heart
and give thanks for another day of loving”
Chuyển qua Việt ngữ:
“ Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta được thêm ngày nữa để yêu thương”
(Nguyễn Nhật Ánh)
Thật đẹp.
***
Trong phần Lời Ngỏ, chính tác giả đã nói, “năm 1999 năm Quốc Tế Người Cao Tuổi, tôi viết cuốn sách nhỏ này để tặng…. mình và những bạn bè cùng lứa, những người đang bước vào bậc thềm của tuổi…. già và đã có thể mỉm cười rạng rỡ, “Già Ơi!….Chào Bạn”.
Để có thêm tài liệu giới thiệu độc giả cho bài Điểm Sách nhỏ này, tôi vào Google tìm thêm tiểu sử của Nhà văn, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, được biết, ông có trang nhà riêng, đầy đủ các bài viết của ông và các bạn văn, thường trao đổi với nhau.
Qua trang nhà của ông, Đỗ Hồng Ngọc người Phan Thiết. Năm 1954 ông học lớp Đệ Thất trường Trung Học Phan Bội Châu, Phan Thiết. Năm 1962, đậu Tú Tài II và do sự khuyến cáo của nhà văn, nhà biên khảo Nguyễn Hiến Lê, ông học PCP (Lý,Hóa, Nhiên), đại học khoa học, để vào học trường Đại Học Y khoa Sài Gòn.
Tốt nghiệp bác sĩ Y khoa đại học Y Khoa Sài Gòn, ngoài việc hành nghề y khoa, ông là Giảng Viên môn Nhi Khoa tại trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia từ năm 1972 đến năm 1975, thời Việt Nam Cộng Hòa và sau đó vẫn còn được giữ lại trong việc giảng dạy môn này đến năm 1982.
Ông có ba cái đam mê: dạy học, văn chương và nghề y (săn sóc sức khỏe cho con người). Ba đam mê này, ông theo đuổi đến cùng với lòng nhiệt thành, không do danh vọng, tiền tài, áp bức.
Tác giả bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc không những là một vị thầy thuốc có lương tâm, nhưng còn là một lương y chấp nhận sống trong địa ngục Cộng Sản, để cứu vớt con người bị tước đoạt tất cả các quyền tự do của con người, trong đó quyền tự do mưu cầu sống còn, mưu cầu hạnh phúc của con người mà các quốc gia văn minh công nhận và bảo vệ.
Chúng ta những người Việt Nam sống ngoài sự kềm kẹp của chế độ phi nhân Cộng Sản từ sau ngày 30 tháng tư năm 1975, đã quằn quại đau đớn làm kẻ mất quê hương, từ những ngày Cộng Sản chiếm đoạt Miền Nam, đến những đợt người Việt Nam trong nước, không thể sống được dưới chế độ tàn ác, cướp bóc của chính quyền Cộng Sản, bỏ nước ra đi trên những con thuyền nhỏ bé dưới bão tố, hải tặc, sóng biển, nếu may mằn sống còn, được đến các bến bờ tự do, nhờ bàn tay nhân đạo của thế giới, cứu vớt. Tiếp đến những đợt được ra đi do thân nhân bảo lãnh, những đợt ra đi do các thương lượng giữa chính phủ Hoa Kỳ, Cộng Sản chịu chấp nhận để những người bị đày đọa, được đưa gia đình đi tìm tự do, sống còn và mang hy vọng cho con cháu, thế hệ tương lai.
Quên đi những đau thương ban đầu của kẻ bị tước đoạt tất cả, chịu tất cả nhục nhằn để sống còn, để bảo vệ con cháu. Chúng ta đã từ đau thương, đứng lên từ những đôi chân run rẩy, làm lại cuộc sống, đào tạo thế hệ con cháu có đầy đủ kiến thức, để vươn lên, sánh vai cùng bạn bè các giống dân đến trước, hòa nhập vào xã hội mới và sau một thời gian ngắn kỷ lục, đã là thế hệ di dân thứ hai thành công trên miền đất tự do.
Với các tiêu chuẩn sức khỏe tốt, nơi ăn chốn ở an toàn, thu nhập đầy đủ, và khả năng hoạt động còn tốt trong lứa tuổi hưu trí, người Việt hải ngoại hầu như đạt được hạnh phúc của con người.
Đỗ Hồng Ngọc là một nhà văn, thầy thuốc có từ tâm, có trái tim Bồ Tát, chấp nhận vào địa ngục để mong cứu vớt phần nào những kẻ khốn cùng trong xã hội Cộng Sản. Các điều ông viết lên là những ước mơ của người Việt Nam hiện nay chưa có được.
Chúng ta cầu mong các ước mơ của nhà văn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và của người Việt Nam thành hiện thực.
Minh Tâm Xuân Đỗ
Nam California chớm thu 2017
Views: 2261