Nguyễn Quang Dũng
Ông George J. Veith không phải là một người xa lạ với cộng đồng người Việt Quốc Gia vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn mà trái lại là một người bạn rất thân với nhiều người Việt trong vùng. Nhiều năm về trước, tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên, nhiều người chúng ta có dịp gặp Veith trong buổi Ra Mắt Sách bản dịch “Black April”( “Tháng Tư Đen”) và có lẽ nhớ đến Veith là tác giả của cuốn sách nổi tiếng này về những năm chiến đấu cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày Sài Gòn thất thủ, 30/4/1975.
Nhưng Veith không ngừng ở “Black April.” Trong cuốn sách mới nhất của ông, “Drawn Swords in a Distant Land: South Vietnam’s Shattered Dreams” do Encounter Books xuất bản năm 2021, ông dẫn người đọc đi sâu hơn, xa hơn trong hành trình nghiên cứu phức tạp và rộng lớn hơn về sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam hay về một giấc mơ, hay nói đúng hơn, về một hoài bão xây dựng một miền Nam Việt Nam dân chủ, độc lập và tự cường cuối cùng đã bị vỡ vụn.
Phải nói hai cuốn sách nói trên của Veith đều là những cuốn sách “nặng ký”, cả lượng lẫn phẩm.
Cả hai cuốn sách đều dày trên 600 trang, chữ nhỏ, bìa cứng. Bài viết này sẽ cố gắng giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách mới của Veith, Drawn Swords in a Distant Land.
1.
Tựa đề của cuốn sách là một chọn lựa chữ nghĩa “kỳ lạ” của Veith.
Không đơn giản và trực tiếp như “Black April”, “Drawn Swords in a Distant Land” làm độc giả người Việt liên tưởng ngay đến một cuộc “đấu gươm” hay “kiếm đã tuốt ra khỏi vỏ” và cuộc đấu kiếm đã khởi động ở một vùng đất xa xôi, Việt Nam.
Nhưng thực ra không phải vậy.
Veith có cách đặt tựa đề cho mỗi chương sách rất lôi cuốn. Người đọc có cảm tưởng như đang theo chân một phóng viên chiến trường (như trong “Black April” ) tường thuật những trận chiến ác liệt hay theo dõi một phóng viên thời sự phân tích những cuộc chiến phức tạp đầy dẫy những toan tính, đấu đá trên đấu trường chính trị. Và trong Drawn Swords in a Distant Land , chỉ có một chương, là chương chót, có nhắc đến chữ “Sword”: Chương 24, trang 535, với tựa đề là “I Will Draw Out My Sword”.
Ở cuối chương 24, những dòng chót trong phần kết luận của cuốn sách, Veith trích dẫn câu Kinh Thánh ẩn dụ số phận của dân tộc miền Nam Việt Nam: “I will turn my face against you so that you will be defeated by your enemies…I will scatter you among the nations and will draw out my sword and pursue you. 82”
Tìm cái “ghi chú” số (82) ở trang 618 thì chỉ là mấy chữ: “Leviticus 26:17-38” (Lê-vi-ký 26:17-38).
Dưới đây là bản tiếng Việt sách Lê-vi-ký, đoạn 26, dòng 17 đến 38:
(Lê-vi-ký 26:17Ta sẽ nổi giận cùng các ngươi; các ngươi sẽ bị quân thù nghịch đánh đập; kẻ nào ghét các ngươi sẽ lấn lướt các ngươi, và các ngươi sẽ chạy trốn không ai đuổi theo. 18 Nếu đến đỗi vậy mà các ngươi không khứng nghe ta, ta sẽ vì cớ tội phạm, thêm gấp bảy lần đặng sửa phạt các ngươi, 19 và ta sẽ dẹp sự kiêu ngạo về năng lực các ngươi. Ta sẽ khiến trời các ngươi cứng như sắt và đất trơ như đồng; 20 năng lực mình hao mòn vô ích, đất không sanh sản huê lợi, cây cối không kết bông trái. 21 Nếu các ngươi phản đối cùng ta, và không muốn nghe ta, thì ta sẽ tùy theo tội phạm giáng tai vạ trên các ngươi gấp bảy lần nữa. 22 Ta sẽ sai những thú đồng đến tha con cái các ngươi đi, ăn hại súc vật, diệt số người ra ít; và đường nẻo các ngươi sẽ vắng tanh. 23 Dẫu đến những việc ấy mà các ngươi cứ không phục sự sửa phạt ta, cứ phản đối cùng ta, 24 thì ta đây cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi, và vì cớ tội lỗi, sẽ giáng tai vạ cho các ngươi gấp bảy lần nữa. 25 Ta sẽ khiến gươm giáo đến trên các ngươi đặng báo thù sự giao ước ta; khi các ngươi hội hiệp trong những thành mình, ta sẽ giáng dịch hạch đến giữa các ngươi, và nộp các ngươi vào tay thù nghịch. 26 Khi ta dẫn sự đói kém đến, mười người nữ sẽ nướng bánh của các ngươi trong một lò, cân bánh trao lại cho các ngươi; các ngươi sẽ ăn mà không no. 27 Dẫu đến nỗi vậy, mà các ngươi cứ không khứng nghe ta, còn phản đối cùng ta, 28 thì ta cũng sẽ nghịch lại cùng các ngươi cách giận dữ, và vì cớ tội lỗi các ngươi, sẽ sửa phạt gấp bảy lần nữa. 29 Các ngươi sẽ ăn thịt con trai con gái mình; 30 ta sẽ hủy diệt những nơi cao các ngươi, phá đổ những hình mặt trời, và để thây các ngươi chồng trên thây của hình tượng mình, tâm hồn ta sẽ ghê gớm các ngươi. 31 Ta sẽ làm cho thành các ngươi ra vắng vẻ, các nơi thánh quạnh hiu, và ta chẳng còn hưởng mùi thơm về của lễ các ngươi nữa. 32 Ta sẽ làm xứ ra đồi bại, đến đỗi kẻ thù nghịch ở tại đó cũng lấy làm lạ. 33 Ta sẽ tản lạc các ngươi trong các dân và rút gươm ra đuổi theo sau các ngươi: xứ các ngươi sẽ hoang vu, thành sẽ vắng vẻ. 34 Trọn trong lúc đất bỏ hoang vu, và các ngươi ở trong đất của kẻ thù nghịch, khi đó đất sẽ được an nghỉ hưởng những năm sa-bát. 35 Trọn lúc đất bỏ hoang vu sẽ được an nghỉ; vì lúc các ngươi còn ở đất đó, nó không được an nghỉ trong những năm sa-bát của các ngươi. 36 Còn ai trong các ngươi sống sót lại, ta sẽ làm cho họ nhát gan trong xứ của thù nghịch mình; tiếng lá khua sẽ làm cho họ chạy trốn, khác nào chạy trốn trước lưỡi gươm, té ngã mà không ai đuổi theo. 37 Người nầy vấp ngã trên người kia như trước ngọn gươm, vốn chẳng ai rượt đuổi theo họ; các ngươi không thể chịu nổi trước mặt quân thù nghịch mình. 38 Các ngươi sẽ bị chết mất giữa các dân, đất kẻ thù nghịch sẽ nuốt các ngươi.
Nguồn: https://vietchristian.com/kinhthanh/tim.asp?btt/2/26:0-27:0 )
Rất lạ lùng với ẩn dụ từ đoạn kinh Lê-vi-ký trong Thánh Kinh mà Veith dùng để so sánh với số phận nghiệt ngã của dân tộc miền Nam Việt Nam sau 30-4-1975: Người dân Việt chúng ta, phân tán, lưu vong khắp nơi trên thế giới, giống như dân Do Thái, nhận lãnh hình phạt của Đức Chúa Trời từ những tội lỗi mà chúng ta đã làm do cuộc sống chạy theo những sa đọa tội lỗi, vật chất, không thờ phượng và tuân phục Luật Chúa.
Rất lạ lùng, vì nếu có chăng trong ý nghĩ của nhiều người Việt, chịu ảnh hưởng nặng văn hóa Khổng giáo và Phật giáo, thì số phận của hàng triệu người Việt lưu vong sau 30-4 là cộng nghiệp từ hệ nghiệp-quả của việc xóa bỏ và đồng hóa dân tộc Chàm trên bước đường Nam Tiến, mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam của cha ông chúng ta.
2.
Veith dành hơn 6 năm trời để thu thập, nghiên cứu tài liệu; tiếp xúc, phỏng vấn nhiều nhân vật đã từng tham gia các vị trí quan trọng trong chính phủ VNCH; và nhất là đặt trọng tâm cho công trình nghiên cứu của ông để theo dõi và tìm hiểu về tiến trình khai sanh của Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam và về một vị tổng thống bị bỏ quên bên bờ lịch sử vì đã thua trận chiến cuối cùng với kẻ địch: Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Rất hiếm các sách báo tiếng Anh hay tiếng Việt nghiên cứu nghiêm túc về Đệ Nhị Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của TT Nguyễn Văn Thiệu. Lấy ví dụ, tập sách “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975)” (Tiếng Nói từ Đệ Nhị Cộng Hòa Nam Việt Nam 1967-1975) do Sử gia K.W. Taylor, Trung tâm Xuất bản Đông Nam Á thuộc Đại học Cornell, chủ biên, thì chỉ là một thu thập một số bài viết từ 10 tác giả VNCH đã từng tham chính và giữ vị trí quan trọng trong chính phủ Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Veith trình bày công trình nghiên cứu lịch sử về miền Nam Việt Nam của ông một cách có hệ thống và xuyên suốt dẫn đi từ thời Gia Long thống nhất Việt Nam, thời Pháp thuộc, giai đoạn phân chia đất nước 1945-1954, thời Đệ Nhất Cộng Hòa, và rốt ráo đặt hết trọng tâm cuốn sách cho Đệ Nhị Cộng Hòa và TT Nguyễn Văn Thiệu. Veith chọn một con đường riêng không ai làm trước đây khi chọn TT Nguyễn Văn Thiệu là nhân vật lịch sử trọng điểm cho công trình nghiên cứu sử của ông, trong lúc TT Nguyễn Văn Thiệu thường bị lãng quên, hay tệ hơn, bị đổ tội hay nhắc tới trong các sách báo nghiên cứu như một TT độc tài, bất xứng, không có khả năng lãnh đạo và dẫn tới hậu quả tất nhiên là sự sụp đổ của miền Nam.
Lịch sử thường thuộc về Phe Thắng Cuộc. Các tài liệu, văn bản, nhân chứng của Phe Thua Cuộc sẽ đi vào lãng quên hay mất mát theo thời gian. Công trình nghiên cứu của Veith trong Drawn Swords in a Distant Land do vậy sẽ là tài liệu rất quan trọng (nhất là cho người Việt ở nước ngoài) ghi nhận lại những nỗ lực của miền Nam Việt Nam trong việc xây dựng một thể chế dân chủ, pháp quyền, và kinh tế thị trường dựa trên quyền tư hữu trong thời chiến tranh.
3.
Trọng tâm cuốn sách Drawn Swords in a Distant Land là sự nghiệp chính trị của TT Thiệu và nỗ lực của ông trong việc xây dựng Đệ Nhị Cộng Hòa, một chính thể cộng hòa dân chủ, pháp quyền với một nền kinh tế tư hữu. TT Thiệu đã phải hoàn thành điều này trong khi chiến đấu quyết liệt chống lại kẻ thù cộng sản nằm vùng và xâm nhập từ miền Bắc. Veith là một nhà nghiên cứu sử hiếm hoi đặt mình vào vị trí và góc nhìn của Nam Việt Nam, điều này làm giảm bớt vai trò của các góc nhìn “kiểm soát và thống trị” của chính phủ Hoa Kỳ đối với sinh hoạt chính trị Nam VN và cho phép độc giả nhìn nhận chính quyền Nam VN như một thực thể chính trị độc lập và sinh động, đối phó với các tình huống thay đổi hàng ngày trước mặt.
Veith cho rằng vai trò của TT Thiệu đã bị đánh giá một cách không công bằng. Nhiều thành tích và thành quả chính trị, kinh tế của ông đã bị lãng quên. TT Thiệu thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng vững mạnh guồng máy chính quyền trung ương và địa phương, giám sát một số cuộc bầu cử, và hàn gắn lại một miền Nam VN sống thường xuyên và liên tục trong xung đột và rạn nứt. TT Thiệu phải vượt qua tất cả những khó khăn trong việc xây dựng đất nước trong khi hàng ngày phải lãnh đạo quân đội VNCH bảo vệ sự toàn vẹn và an ninh lãnh thổ miền Nam Việt Nam. Bức chân dung đầy thiện cảm của Veith về TT Thiệu cho thấy hình ảnh một cá nhân kiên cường, một người đã biến đổi từ một vị tướng quân đội khiêm tốn thành một chính trị gia đầy khả năng và mưu lược để đứng vững trước nhiều tình huống của thời cuộc.
Veith mô tả TT Thiệu như một hình mẫu của khả năng quản lý, nhưng đồng thời cũng không thể giám sát một chính phủ đang gặp khó khăn bởi tham nhũng và bê bối mà ông không thể kiểm soát. Thêm vào đó, TT Thiệu không bao giờ có thể thống nhất các nhóm xung đột giữa những người theo chủ nghĩa quốc gia của miền Nam Việt Nam.
Những vấn đề này là đặc tính của tất cả các nền dân chủ non trẻ, và mặc dù có sự bất mãn giữa người dân miền Nam Việt Nam với chính phủ của TT Thiệu, chính thể Đệ Nhị Cộng Hòa nhất định vẫn tốt đẹp hơn nếu so với chính thể độc tài đảng trị của cộng sản miền Bắc. Nhưng cuối cùng, TT Thiệu đã không thể vừa xây dựng đất nước vừa chống lại kẻ thù sau khi mất đi sự ủng hộ của người Mỹ.
4.
Tạm kết: Đối với nhiều độc giả người Việt, chúng ta có thể tìm thấy lại mình ở trong một giai đoạn lịch sử nào đó dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Nếu đời sống mỗi người chúng ta tạo thành một mảnh của bộ tranh ráp hình thì Veith là người đã cặm cụi nhiều năm trời để góp nhặt, tìm hiểu quan sát và lắp ráp hàng trăm ngàn mảnh nhỏ của đời sống người dân và chính quyền miền Nam Việt Nam. Sau cùng, Veith cũng đã hoàn thành được việc “lắp ráp” một bức tranh lớn của Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam. Điều quan trọng Veith muốn trình bày với độc giả là bức tranh này có hình dáng đặc thù và sắc thái riêng của nó. Nhất định đây là một công trình thực hiện đầy tham vọng của Veith đáng được đánh giá cao và là thách thức đối với nhiều sách báo và nghiên cứu cho rằng miền Nam Việt Nam là một con rối thối nát của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Và ở lúc này, bây giờ, 47 năm ngày quốc hận 30-4, xin cảm ơn ông, George J Veith.
Vì lẽ, cuối cùng ở đây chúng ta thực sự có một người bạn Hoa Kỳ, rất tài giỏi, am hiểu tình hình đất nước Việt Nam và đứng cùng chung một chiến tuyến của những người Việt Quốc Gia yêu tự do, và nhất là đã giúp chúng ta nói lên được những nỗ lực để xây dựng một miền Nam dân chủ, cộng hòa pháp trị, song song với những nỗ lực phát triển kinh tế trong thời chiến dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Cho dù hoài bão hay giấc mơ này đã thất bại và tan vỡ vào tháng tư đen 1975, điều đó cũng không làm chúng ta, những người Việt Quốc Gia lưu vong, mất hy vọng vào một thay đổi cho Việt Nam tương lai.
Nguyễn Quang Dũng
Mùa Quốc Hận thứ 47
Views: 691