Việt Nam Trong Chiến Tranh Lạnh Mỹ – Trung

Nguyễn Bá Lộc

Chiến tranh lạnh hiện nay giữa Hoa kỳ và Trung cộng công khai bắt đầu từ “Chiến tranh mậu dịch” (Trade war) hồi tháng 7/2018. Rồi sự xung đột giữa hai bên lan rộng qua các lãnh vực khác và ảnh hưởng trên toàn cầu. Sự đối đầu càng ngày càng căng thẳng.

Vì ở trong vị trí và hoàn cảnh đặc biệt, Việt Nam bị ảnh hưởng và tác động mạnh bởi chiến tranh lạnh mới nầy.

I.TÓM LƯỢC CHIẾN TRANH LẠNH MỸ-TRUNG

1. Nguồn gốc Chiến tranh lạnh mới (New Cold War)

Định nghĩa Chiến tranh lạnh (Cold War)

Dựa theo tự điển và các nhà nghiên cứu, thì “Chiến tranh lạnh là cuộc chiến không bằng võ lực, giữa hai hay nhiều quốc gia,với mức độ rộng lớn và mục tiêu quan trọng, có ảnh hưởng nhiều đến thế giới”.

Chiến tranh lạnh cũ (Cold War I, CW1) (1945-1991) xảy ra sau đệ nhị thế chiến, giữa Hoa kỳ và Liên xô, nói rộng hơn là  giữa Khối Dân chủ Tự do và Khối Cộng sản.

Bản chất của CW1 là xung đột về chánh trị, nguyên tắc chủ nghĩa CS, đi kèm là kinh tế, và khoa học kỹ thuật.

Còn Chiến tranh lạnh hiện nay (New Cold War, CW2), xảy ra giữa Hoa kỳ và Trung cộng, căn bản là kinh tế, với yếu tố phụ là nguyên tắc của Dân chủ đối đầu với Chuyên chính.

Bối cảnh: Sự khác biệt và đối nghịch về hệ tư tưởng chánh trị và mô thức kinh tế. Tự do dân chủ và Chuyên chính vô sản đã được hình thành và lớn mạnh trước đệ nhị thế chiến. Sau khi liên kết chống và thanh toán được phát xit, hai khối quay lại chống nhau với mục tiêu phải triệt hạ, chớ không thể dung hòa. Hai phe cùng phát triển mạnh và đương đầu trên nhiều mặt trận khắp thế giới. Cuối cùng Liên sô sụp đổ (1991). Hoa kỳ coi như thắng. Nhưng không trọn vẹn, vì một mảng của khối CS, gồm Trung cộng, Việt nam, Cuba, Bắc hàn còn sống với một số biến dạng. Đó là mầm mống của chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung hiện nay.

Sự khác biệt giữa hai cuộc Chiến tranh lạnh.

Sự khác biệt trên 3 điểm về mục tiêu và sách lược:

Về chủ thuyết, Hoa kỳ vẫn dựa trên Dân chủ Tự do và Nhân quyền, nhưng Trung cộng có thay đổi phần nào khác Liên sô, Trung cộng nay là nước cộng sản biến thể, áp dụng theo phân nửa là kinh tế tự do, chánh quyền vẫn độc tài toàn trị.

Về mặt trận chiến đấu, nay phức tạp hơn chiến tranh lạnh cũ nhiều. Ngày nay TC sau khi mạnh về kinh tế, lợi dụng các nhà kinh doanh ngoại quốc của mọi quốc gia dưới sự hợp tác nào đó. TC còn thâm nhập vào một số cơ chế, công ty kỹ thuật cao của Hoa kỳ hay đồng minh, và một số cơ quan quốc tế.

Con đường tiến rất nhanh đó của TC gây sự thiệt hại lớn cho Hoa kỳ về kinh tế lẫn giá trị tinh thần.

Mối tương quan Mỹ-Trung trong 70 năm qua có thể tóm tắt: Chống đối, Thương lượng, Hòa hoãn, Hợp tác, Đương đầu và Hợp tác một số mặt. Với các mốc thời điểm :

1949 Chế độ CS thành lập ở Trung hoa. 1950 Mỹ TC đụng mạnh ở chiến tranh Triều tiên, 1972 Mỹ TC bắt tay. 1978 TC đổi mới kinh tế,1979 Mỹ TC thiết lập bang giao, 2000 Mỹ TC đạt Thỏa ước mậu dịch, 2008 TC là chủ nợ lớn nhứt của Hoa kỳ, 2010 TC là siêu cường kinh tế thứ nhì, 2011 Hoa kỳ chuyển trục qua Á châu, 2012 Hai bên có căng thẳng mậu dịch, 2015 Hoa kỳ cảnh cáo TC về Biển đông, 2018 Chiến tranh mậu dịch Mỹ Trung, 2018 PTT Pence: Mỹ cứng rắn với TC, Mỹ tăng cường độ chiến tranh mậu dịch, 2019, Mỹ cho TC lũng đoạn tiền tệ, 2019 TT Trump ban hành luật ủng hộ phe chống đối Hồng kông, 2020 Mỹ TC thỏa ước mậu dịch “Phase I”, 2020 căng thẳng về đại dịch, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố các cam kết với TC đều thất bại, 2021 Mỹ cho TC diệt chủng ở Tân cương, 2021 TT Biden giữ thuế quan do TT Trump đưa ra, 2021 Biden – Tập cận Bình họp cố tránh xung đột. Hai phái đoàn Mỹ TC lại họp thảo luận tìm một thỏa ước.Vấn đề còn yên đó tới nay.

2.Diễn biến chiến tranh lạnh mới (CW2)

Sau khi nghịch với Liên sô, TC làm thay đổi mạnh mẽ, lại quay bắt tay với Hoa kỳ (1972).

TC tìm con đường đi mới, về chánh trị và kinh tế. Sách lược mới là kinh tế trước đã, theo chủ trương của Đặng tiểu Bình khởi đầu từ 1978, với mô hình phối hợp hai nền kinh tế tự do và XHCN. TC mở rộng cửa ra thế giới, lúc đó phong trào toàn cầu hóa do Mỹ lãnh đạo lên rất cao. Trong hơn 40 năm, TC trở thành siêu cường kinh tế thứ hai thế giới. Lợi tức đầu người từ $155,2 (1978) lên $6991,9 (2015). Thế giới kinh ngạc, để tâm đến sự thành công của“con đường Trung quốc mới”

Mặt khác, trong quảng thời gian đó, Mỹ ỷ y, không hiểu thâm mưu của TC, lại vướn vào chiến tranh Trung đông,và khủng bố quốc tế, Mỹ gần như buông lỏng TC.

Vài con số kinh tế Hoa kỳ và TC năm 2019. (Nguồn World Bank)

GDP             Xuất cảng        GDP/đầu người

Mỹ      $21374 tỷ     $1646 tỷ           $65,165

TC      $14,343 “      $2479 “            $10,260

Cuộc chiến chánh thức vào tháng 7/2018, một khởi đầu dù trễ còn hơn không, TT Trump ra chiêu tăng thuế quan từ 10% lên 25% hàng TC nhập vào Hoa kỳ. Trận mở màn nầy có tên là “Chiến tranh mậu dich”(Trade war) (7/2018). Tiếp theo đó, các mặt trận khác. Tương quan Mỹ Trung càng căng thẳng, và lan rộng ra ảnh hưởng cả thế giới. Một “chiến tranh lạnh mới” bắt đầu, nay chưa có dấu hiệu chấm dứt hay đình chiến.

Mục tiêu của Hoa kỳ và Trung quốc.

TC có 3 mục tiêu:

Muốn đoạt ngôi vị thứ nhứt trên toàn cầu, hoặc ít nhứt bằng Mỹ tới năm 2049, thứ hai là chứng tỏ “mô hình chánh trị kinh tế mới” (XHCN trong thời đài mới)tốt hơn, thực tế hơn, thứ ba là trả mối hận thù xưa TQ bị các nước tư bản xâu xé.

Còn mục tiêu của Mỹ là chống đỡ TC, để bảo vệ địa vị số một trên thế giới, thứ hai là bảo vệ quyền lợi kinh tế của mình, thứ ba là bảo vệ giá trị Dân chủ Tự do và Nhân quyền.

Nếu TC lên số một lãnh đạo thế giới thì sẽ có một trật tự mới, sẽ có tai họa lớn cho mọi quốc gia.

Do đó TC và Mỹ đã có những cuộc chạy đua và cạnh tranh:

Về kinh tế, đến 2016 TC hơn về xuất khẩu. Dù GDP TC thua.

Về khoa học kỹ thuật, dù còn thua Mỹ, TC tiến nhanh nhờ qua cách ăn cắp, buộc công ty FDI nộp bản kỹ thuật, và nỗ lực của chính TC:

– Về chiêu dụ các nước, tung tiền viện trợ, hợp tác đầu tư.

– Về quân sự,TC tăng nhịp độ nhanh, nhưng còn kém Mỹ.

– Về chánh trị và tuyên truyền, TC vận động mạnh mẽ các nước.

TC cho rằng mô hình “XHCN thời đại mới” tốt hơn. Tư bản đang lỗi thời và còn nhiều tệ hại. Mỹ và đồng minh thức tỉnh, thấy được khó khăn và mối nguy hiểm từ TC. Đa số dân chúng, và truyền thông Mỹ và nhiều nước Tây phương cũng hiểu TC nay là đối thủ chớ không phải là đối tác nữa.

Cái mối nguy trước mắt cho Mỹ là mậu dịch và đầu tư, nhập siêu hàng TC vào Mỹ tăng nhanh quá (trên dưới $500 tỷ/năm trong mấy năm gần đây), Mỹ yêu cầu TC giảm nhập siêu $100 tỷ/năm. Còn FDI Mỹ vào TC quá nhiều làm trong nước Mỹ bị thất nghiệp cao, kỹ nghệ trong nước xuống, vì không cạnh tranh nổi hàng TC giá quá rẽ. Mỹ đưa ra kế hoạch chiêu dụ các công ty hồi hương. Mặt khác xuất cảng giảm vì bị TC cạnh tranh hàng hóa trên thế giới, và nắm độc quyền nhiều chuổi cung ứng. TC nhập nội đầu tư cạnh tranh ngay tại Mỹ.

Về Khoa học & Kỹ thuật, Mỹ bị TC đánh cắp và xâm nhập vào các trung tâm nghiên cứu chiến lược, cũng như một số nhà nghiên cứu Mỹ cộng tác hay bán kết quả cho TC. Hoa kỳ phản công bằng cách bắt các nhà nghiên cứu bán tài liệu cho TC, cấm công ty quốc phòng Mỹ mua bộ phận điện tử TC, cấm một số công ty TC mua bán với Mỹ, vì an ninh quốc gia.

Về Bang giao quốc tế và an ninh, TC từ nhiều năm qua chiêu dụ kết hợp đối tác và đồng minh khắp năm châu bằng tiền bạc, viện trợ lớn, như đại kế hoạch Belt & Road. Mỹ và đồng minh đã nhận ra và phản công bằng sự củng cố khối Dân chủ (TT Biden có buổi họp hồi tháng 10/2021 với 100 quốc  gia), Mỹ và Âu châu lập Liên minh chận TC ở Á châu Thái bình dương, với Bộ tứ Mỹ, Nhựt, Ấn, Úc, và Bộ ba Mỹ, Anh, Úc, Mỹ tiếp cận o bế ASEAN, hứa sẽ viện trợ cho các nước vùng Á châu Thái bình dương, cam kết sát cánh với Nhựt, Nam hàn và Đài loan, đồng thời đoàn kết hơn nữa với Âu châu để chống TC. Diễn tiến đó theo các nhà nghiên cứu, là “chiến tranh lạnh mới”

II. TÁC ĐỘNG CHIẾN TRANH LẠNH MỸ TRUNG ẢNH HƯỞNG VIỆT NAM   

Chiến tranh lạnh Mỹ Trung hiên nay đưa đến nhiều hậu quả trên thế giới mà VN là một trong số các quốc gia bị tác động và chịu ảnh hưởng nhiều nhứt. Ở trong hoàn cảnh và vị thế có tầm quan trọng khá đặc biệt,VN có thể lại trở thành một nạn nhân, hay có thay đổi lớn nếu sự xung đột mạnh nữa.

Là một cuộc chiến có nguồn gốc là kinh tế, nên phần trình bày tóm lược dưới đây chánh yếu là về phương diện kinh tế.

1. Các lãnh vực bị tác động và ảnh hưởng

Chánh tri kinh tế xã hội VN không bình thường. Nay có tác động mạnh từ bên ngoài, tình hình khó khăn nhiều hơn nữa. Các lãnh vực chánh bị tác động và ảnh hưởng:

Về kinh tế, VN sống chánh yếu là dựa vào kinh tế đối ngoại, xuất cảng và đầu tư ngoại quốc. VN mở cửa rất rộng trong hội nhập toàn cầu, đã có 17 Hiệp ước mậu dịch và rất nhiều đối tác. Mỹ và TC là hai nước có tương quan kinh tế lớn nhứt với VN, nhứt là ngoại thương, VN còn là một trong những nơi thuận tiện cho các công ty ngoại quốc từ TC di dời, và VN có tiềm năng thay thế TC về một số chuổi cung ứng (supply chain) cho thế giới. Nhưng kinh tế VN dù có mức phát triển cao, nhưng vì không có công bằng kinh tế, công bằng xã hội, nền kinh tế đó dễ bể nát khi có biến cố.

Về Địa chánh trị, cuộc chiến Mỹ Trung xẩy ra trên toàn cầu, vì ảnh hưởng của hai siêu cường nầy rộng lớn trên cả thế giới. Nhưng chiến trường chánh yếu là Á châu Thái bình dương, vùng có tiềm năng dầu lửa lớn và hải lộ quốc tế quan trọng. Các nước Đông nam Á có sức phát triển mạnh và bền vững. VN là quốc gia có vị thế trọng yếu, là trung tâm vùng, là cửa ngỏ của TC ra Biển đông. Đối với Hoa kỳ và đồng minh cũng xem vùng nầy rất quan trọng. Mỹ và TC là hai nước có tương quan kinh tế lớn nhứt với VN, vì vậy có ảnh hưởng lớn với VN chẳng những về kinh tế mà còn về an ninh trong vùng.

Về chánh trị và bang giao quốc tế. VN vẫn còn là một nước XHCN, một nước độc tài chuyên chính. Bất công xã hội, tham nhũng, vi phạm trầm trọng ‎nhân quyền Dân quyền, là những vấn nạn có thể bị Mỹ và đồng minh cưỡng ép khi có xung đột mạnh với TC, nhứt là khi VN không giữ “vị thế đứng giữa” trong chánh sách “đu dây “. VN có thể bị kẹt cả hai bên.

“Thế tam giác” Mỹ-TC-VN chỉ tạm thời không vững chắc.

Với Mỹ, VN có lợi kinh tế nhiều,VN xuất siêu 40 tỷ/năm.  Nhưng với TC, VN bị quá nhiều cái kẹt, bị cưỡng bách từ chánh trị, lãnh thổ, lãnh hải tới ngoại thương và tiền đồn cho TC. Riêng ngoại thương, VN nhập siêu trung bình năm năm qua tới $35 tỷ mỹ kim/năm.

Ví dụ  Năm 2019, tình trạng xuất siêu của VN (triệu mỹ kim)

VN-Hoa kỳ          VN-TC              VN-Thế giới

Xuất siêu           Xuất siêu               Xuất siêu

$46,898,77        -$34,009,56          $10,371,37

(Nguồn: IMF, Trade statistic)

 

Về kinh tế đối ngoại, một thử thách lớn nữa mà VN cần phải sửa đổi cho đúng qui định của các Hiệp định mậu dịch quốc tế mà VN đã cam kết. Đó là VN không phải là nền kinh tế thị trường thực sự, khu quốc doanh lớn và có nhiều ưu tiên, tham nhũng, hạ tầng cơ sở kém, bộ máy chánh quyền không hiệu năng, không lương thiện… Hoa kỳ và Tây phương có thể bắt ép khi cần.

b/.Tác động và ảnh hưởng về bang giao quốc tế. Trên nguyên tắc VN bang giao với mọi nước, không có liên minh với nước nầy để chống nước khác. VN không chọn bên, tại Liên hiệp quốc VN có bề ngoài trung lập. Nhưng trên thực tế ai cũng biết VN là nước CS còn lại, chịu sự trói buộc của TC. VN thân thiện với Hoa kỳ và các nước Tự do dân chủ khác chỉ vì tiền, vì khoa học kỹ thuật, vì thế kẹt ở Đông nam Á. Cái thế đó rất dễ tác động của chiến tranh lạnh mới.

c/. Tác động và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng

Dù Mỹ và TC có bước qua chiến tranh nóng, trong khoảng 10 năm nay, TC đã xây dựng nhiều căn cứ quân sự trên biển đông cũng như cá cuộc tập trận của hai bên, tạo một không khí căng thẳng hơn bao giờ hết. VN nằm ở trung tâm. Cả Mỹ và TC đều muốn kéo VN vào. Và hệ lụy sẽ không nhỏ nếu VN nghiên nhiều về một bên.

d/Tác động và ảnh hưởng về tâm l‎ý quần chúng.

Khó khăn và thử thách từ phía quần chúng. Khi VN được quốc tế hóa còn hơn là âm thầm CS kéo dài biết bao giờ. Kinh nghiệm sự giải thể tại nhiều nước có khi ở trong tình cảnh như thế.  Những mở rộng trong bang giao quốc tế, đưa tới nhiều cơ hội cho người dân hiểu rõ hơn về chuyên chính vô sản, về tự do và nhân quyền. Chiến tranh lạnh mới tác động đến dân có hiểu biết cho công cuộc tranh đấu chung.

2. VN ứng phó với chiến tranh lạnh Mỹ Trung

Trong chiến tranh lạnh lần nầy, cũng như lần trước, chỉ bị tác động, tức là chánh yếu là nhận chịu kết quả của hai siêu cường. Tuy nhiên VN phải có những cách ứng phó, thì có thể làm cho VN ít thiệt hại hơn và nhiều thuận lợi hơn trong tương lai trước mắt cũng như lâu dài. Ở hoàn cảnh của VN việc ứng phó quốc tế phải từ dân và từ chánh quyền. Có thể có những ứng phó trong thời gian trước mắt hay trong tương lai xa. Có thể ba thành phần cần ứng phó: Chánh quyền VN, quần chúng trong nước, và Hải ngoại, gồm người Việt hải ngoại và quốc tế.

Về phía chánh quyền VN

Chánh quyền VN có nhiều thử thách vì là chánh thể độc tài, lệ thuộc TC. Cho nên sự ứng phó của chính quyền có nhiều thử thách, nếu “bắt cá hai tay”, và quen thói dối trá, thì VN sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai. Có ba điều chánh quyền phải đối phó và phải chuyển biến.

Thứ nhứt là “chánh sách đu dây”, VN phải chứng tỏ trên thực tế theo đuổi chánh sách “không chọn bên mà chọn công bằng” ‎”nếu bị TC ép mạnh, Mỹ cũng sẽ có áp lực VN về quan thuế, về tiền tệ, và đầu tư năng lượng Mỹ hứa (khoảng 10 tỷ), về nhân quyền. Trong trường hợp Mỹ cấm vận kinh tế TC, VN sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp.

Thứ hai là một số yêu cầu của kinh tế đối ngoại. Kinh tế VN dựa vào Mỹ và đồng minh Mỹ lớn hơn nhiều dựa vào TC và Nga. VN phải cải thiện những điều đã cam kết trong các Hiệp định quốc tế về Công đoàn độc lập, về giảm quốc doanh, về sự minh bạch, và tuân thủ nghiêm chỉnh luật quốc tế.

Thứ ba là có sự công bằng kinh tế xã hội và lương thiện, tham nhũng trong kinh tế quốc nội VN để có tin tưởng ở dân và uy tín với quốc tế.

Về phía quần chúng trong nước   

Khi chánh quyền bị áp lực mạnh hơn từ chiến tranh lạnh thì chánh quyền CSVN sẽ gia tăng cưởng bức, đàn áp. Nhưng người dân nói chung các Hội đoàn dân sự nói riêng nên thấy đây là cơ hội mới. Một cuộc chơi mới theo luật quốc tế có qui định. Những mục tiêu tranh đấu ngay từ bây giờ cần đẩy mạnh như công đoàn độc lập, dân quyền công bằng kinh tế, sở hữu đất, bảo vệ tài nguyên quốc gia, bảo vệ lãnh hải…

Về phía bên ngoài VN

Đó là cộng đồng người Việt hải ngoại, và các Tổ chức hay cơ quan quốc tế. Nói chung cộng đồng quốc tế đang điều chỉnh lại, khôi phục lại con đường chung, công việc chung là bảo vệ Dân chủ Tự do và Nhân quyền. Vai trò của cộng đồng hải ngoại là làm gạch nối giữa cộng đồng thế giới với khối dân chúng trong nước . Về công việc nầy, tôi nghĩ tới viễn kiến của GS Nguyễn Ngọc Huy trong sách lược tranh đấu là thành lập “Ủy ban quốc tế yểm trợ VN tự do” cách dây hơn ba thập niên.

Dù cuộc chiến chuyển biến như thế nào, chưa biết được, nhưng vì quyền lợi kinh tế ràng buộc có khả năng đi tới một giải pháp thương lượng. Nhưng trong biến động lớn Mỹ Trung lại thêm việc Nga xâm lăng Ukraina mà TC ủng hộ Nga, làm xung đột gia tăng, thương thảo khó hơn, hậu quả là cộng đồng thế giới bị nhiều mất mát, ít hay nhiều, về vật chất lẫn tinh thần. Riêng VN, người Việt cần chuẩn bị cho thời cơ nầy, trong cái rũi có thể có cái may cho Dân tộc.

Nguyễn Bá Lộc

Cali, 31/07/2022 (Nhân ngày giỗ GS Nguyễn Ngọc Huy)

locba9999@yahoo.com

Views: 33

Posted in thoi luan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *