Thư Ngỏ Gởi Nhân Dân Việt Nam và Nhân Dân Hoa Kỳ: Tôi Không Bao Giờ Quên

Dưới đây là bản dịch sang tiếng Việt của một bức thư ngỏ mà Giáo Sư Sử Học người Mỹ, tên Bill Laurie, PhD, cư ngụ tại tiểu bang Arizona, đã gửi đến cho người bạn Việt Nam của mình ngày 30/10/2016 vừa qua.,

Theo GS Laurie, bức thư ngỏ này đã được đăng trên nhật báo Saigon Post ngày 17/4/1975, một tờ báo Anh ngữ xuất bản ở Saigon trước đây. Tác giả bức thư ngỏ giấu tên, và lý lịch của ông cũng không tìm ra được. Chỉ biết tác giả, theo GS Laurie, là một người đã từng phục vụ nhiều nhiệm kỳ ở Việt Nam.  GS Laurie cũng cho biết thêm là khi bức thư được đăng thì cũng là lúc trận đánh Xuân Lộc trở nên ác liệt và Cộng quân với đạn dược và vũ khí tối tân đang tiến về Saigon.

Ban Biên Tập xin cám ơn GS Laurie; người bạn Việt nhận bức thư; và GS Cao Thị Lễ, người đã sưu tầm và dịch bức thư ngỏ này.

Đó là tháng 8 năm 1966. Lúc ấy tôi là một thanh niên 20 tuổi với đầu óc đầy những lý tưởng học được từ sách vở nhà trường và nhiệt tình yêu nước, khi bước xuống chiếc phi cơ 707 mang tôi từ một nơi an toàn với một cuộc sống thoải mái đến sân bay nóng bức của phi trường Tân Sơn Nhứt, Việt Nam. Khi ấy tôi không ngờ là xứ sở nhỏ bé và dân tộc nầy đã xâm chiếm hồn tôi trong năm sau đó, và sau nầy đã trở thành một phần của tim tôi và cũng là một niềm đau riêng tư của tôi.

            Kể từ ngày ấy và trong rất nhiều năm về sau, tôi vẫn giữ những ký ức về Việt Nam và dân tộc nầy, mà một số ký ức đem lại cho tôi nụ cười và hạnh phúc, và một số khác đem lại cho tôi nước mắt, khổ não và giận dữ. Nhưng ký ức mà tôi trân quý nhứt là một nước Việt Nam của năm 1966, với một dân tộc trầm lặng, bình dị và lễ độ, ký ức của một “Viêt Nam của người Việt Nam” .  Và có cả ký ức về sự hãnh diện của một người Mỹ đã đóng góp vào chính nghĩa “tự do và dân chủ” của đất nước nầy.

            Năm đầu tiên của tôi qua nhanh, và tôi trở về với đời sống dân sự, trở về với cuộc sống an bình. Nhưng tôi cảm thấy có điều gì không đúng. Tôi không cảm thấy thoải mái trên đất nước của tôi nữa. Tôi cứ nhớ đến vẻ đẹp trầm lặng với những đêm ấm áp đầy hương vị của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy nhớ nhà. Tôi tự bảo điều nầy không đúng. Làm sao tôi có thể nhớ nhung một nơi không phải là nhà của tôi? Nhưng cảm nghĩ nầy vẫn không phai đi.

            Vì thế, tôi làm một quyết định sau cùng. Tôi  tái ghi tên vào Quân Đội và trở lại Việt Nam, trở lại đất nước mà tôi biết là tôi đã yêu.  Khi tôi trở lại, thì Việt Nam mà tôi rời chỉ trong vài tháng ngắn ngủi đã không còn nữa.  Tôi nhận thấy là tôi không bao giờ được thấy lại Việt Nam 1966, và điều nầy làm tôi rất buồn phiền.

Con số quân sĩ Mỹ đến càng ngày càng nhiều và sự căng thẳng giữa người Mỹ và người Việt càng ngày càng lan rộng và trầm trọng. Tôi rất buồn khi nhìn thấy tiền bạc của người Mỹ đã làm hư hỏng những ngưòi Việt bình dị và hiền lành, đem lại sự tham lam, và việc nầy làm cho nạn tham nhũng lan tràn. Tôi cảm thấy chua xót và khổ não  khi chứng kiến nước Mỹ đã phá  đi một “nước Việt Nam của người Việt Nam” và xây dựng một ”Việt Nam của người Mỹ”. Một Việt Nam Mỹ hoá chỉ đẹp đối với những kẻ thừa cơ hội chiến tranh làm giàu. Nhưng đối với mọi người khác thì đây là điều nhục nhã. Dân tộc Việt Nam bị hạ thấp vì bị ngưòi Mỹ lấn áp. Họ bị mất đi niềm hãnh diện và cảm thấy thấp kém. Đối với những ngưòi không cảm thấy thấp kém, những ngưòi vẫn còn giữ niềm hãnh diện, thì điều nầy gây ra sự thù ghét và khinh bỉ. Sau khi nước Mỹ đã lấy đi niềm hãnh diện và tự trọng của dân tộc Việt Nam và thay thế bằng sự vô dụng và lệ thuộc vào người Mỹ, khi các lãnh đạo vĩ đại và các chính trị gia của nước tôi tuyên bố là chúng ta phải Việt Nam hóa chiến tranh để nước Mỹ có thể thoát ra khỏi “vũng lầy” Việt Nam.

 Hòa Đàm Paris được khởi sự để Việt Nam có thể được “Hòa Bình trong Danh Dự” với “ Tự Do và Dân Chủ “ cho nhân dân Việt Nam Cộng Hòa. Sau cùng, ngày trọng đại đã tới, “Hiệp Định Hòa Bình Paris” được ký kết. Người Việt một lần nữa hy vọng, sau bao nhiêu năm đầy nước mắt, những khổ đau, sợ hãi, chết chóc và tàn phá do chiến tranh gây ra sẽ chấm dứt. Nhưng tôi không tin điều nầy, dù chỉ trong phút chốc, là chiến tranh sẽ chấm dứt. Những lý tưởng học từ nhà trường, niềm tin tưởng nơi người Mỹ và những điều tốt lành nơi họ đã bị tan vỡ từ lâu, từ việc một người tớ gái bị hãm hiếp đến thảm kịch Mỹ Lai. Tôi biết là đối với Việt Nam và dân tộc Việt, hòa ước không có nghĩa gì, và những hứa hẹn của các nhà ngoại giao uy tín chỉ là rổng tuếch như cây mục. Tôi đã biết là hòa uớc nầy chỉ giúp Mỹ ra khỏi vũng lầy mà họ đã tạo ra mà thôi.

   Tôi chỉ còn lại có một hy vọng, một ước mơ khi người Mỹ và Đồng Minh rời khỏi Việt Nam.  Đó là nước Mỹ sẽ cung cấp cho Việt Nam những khí giời, đạn dược và trang thiết bị, và quý vị, nhân dân Việt Nam, sẽ chữa lành niềm tự hào bị tổn thương, tìm lại được niềm tự trọng và tận lực tranh đấu đến chiến thắng với kẻ xâm lăng man rợ. Uớc mơ và hy vọng nầy đã bắt đầu thành hình.  Các bạn đã tìm lại niềm hãnh diện và tự trọng và tôi đã rất vui. Nhưng mà điều tệ hại đã xảy ra, các lời hứa bị phản bội, các viện trợ không còn đến nữa.  Các bạn vẫn tiếp tục đấu tranh, tử trận hay bị thương vì tổ quốc của mình. Các bạn đã yêu cầu giúp đỡ từ những người đã nói những lời “rổng tuếch”, đã ký vào những ”tờ giấy vô nghĩa“ và đã bỏ rơi các bạn. Một lần nữa các bạn đã cố nén niềm hãnh diện và cầu cứu một cách vô vọng. Vì thế những người Mỹ nhân đạo đã gởi một phái đoàn Đại Biểu Quốc Hội đến đất nước của quý các bạn. Khi đến, họ thấy con cháu của những kẻ giàu cưỡi xe gắn máy với những mái tóc dài và những cặp mắt dại đi vì nha phiến, họ thấy những kẻ làm giàu nhờ chiến tranh lái những chiếc xe ngoại quốc đắt tiền và đến những hộp đêm. Họ tiếp xúc với giới lãnh đạo và các tướng tá của các bạn, sau đó họ cho là họ thấu hiểu tình hình Việt Nam và có cơ sở để cảm thấy lương tâm nhẹ nhàng vì đã phản bội các lời hứa trước kia.

     Và bây giờ, quý vị Dân Biểu “đáng kính” (?), những vị đã được cử đến để tìm hiểu tình hình Việt Nam và đã đưa ra những khuyến cáo trên. Vài vị trong các Dân Biểu vĩ đại nầy đã khuyến cáo ngưng viện trợ cho Việt Nam, vài vị đề nghị chỉ viện trợ thức ăn và thuốc men thôi.  Các vị nầy sẽ thấy lương tâm thoải mái nếu quý vị chết với bụng no thay vì bụng đói.  Một trong các  chuyên viên nhân đạo ấy đã nói như thế nầy: ”Sớm muộn gì Cộng sản cũng chiếm được toàn bộ Việt Nam vì tính bạo dạn (aggressiveness), ý chí và chủ đích của họ hiện giờ đã vượt qua tính bạo dạn, ý chí và chủ đích của dân chúng Miền Nam Việt Nam.

    Có đúng như thế không? Tôi tự hỏi ai đã gán cho quý vị một “chủ đích” rồi lại xây lưng khi sự việc trở nên khó khăn? Ai đã đẩy “chủ đích” của quý vị vào vũng bùn ở Đồng Bằng sông Cửu Long? Ai đã dẩm nát “tính bạo dạn” của quý vị trong bụi đỏ của vùng Cao Nguyên? Ai đã nhận chìm “ý chí” của quý vị trong Biển Nam Trung Hoa ngoài khơi Đà Nẳng? Chúng ta biết ai đã làm thế phải không quý vị? Đúng rồi, chính Phái Đoàn Mỹ đã đến, quan sát và tìm hiểu nhưng họ đã không đi để thấy quý vị đang run rẩy trong cơn mưa lạnh, họ không thấy con cái của quý vị với những cặp mắt sợ sệt, họ không nghe những tiếng rên la của những người đang hấp hối … họ không đi để xem máu chảy từ các vết thương của quý vị, họ không nhìn thấy quý vị với những hơi thở cuối cùng. Họ không chảy nước mắt, không nức nở trước các cảnh nầy. Họ không hề quỳ xuống để cầu nguyện trước những bất hạnh của quý vị. Họ đã trở về những ngôi nhà an bình, đầy đủ tiện nghi của họ ở Hoa Kỳ. Gia đình của họ không bao giờ biết đói là gì. Họ không bao giờ phải ngồi một mình trong đêm khuya để quyết định có nên giết vợ con mình để họ không phải đau đớn vì bị tra tấn khi bị bọn Cộng Sản ác độc bắt được. Họ không bao giờ phải lo sợ những mảnh đạn pháo xé nát gia đình và bạn bè của họ. Các bạn thân mến, tôi e là những khẩn cầu của các bạn sẽ lọt vào những lổ tai điếc. Những lổ tai đã bị bịt kín bởi sự nhẫn tâm và sự thờ ơ, sản phẩm của sự sung túc giàu có. Xin các bạn đừng thèm muốn sự sung túc của người Mỹ vì, như các bạn đã thấy, họ đã bán linh hồn của họ để mua sự sung túc nầy.

    Và như vậy, các bạn thân mến, trong 9 năm qua, tôi đã từng gắn bó với các bạn.Tôi đã thương mến các bạn và đôi khi ghét các bạn. Tôi đã từng cuời cũng như khóc với các bạn, và có thể là trong những ngày sắp tới, tôi sẽ cùng chết với các bạn, và nếu như thế thì chúng ta đành chấp nhận.

   Hỡi đất nước Hoa Kỳ!  Mọi người có muốn biết Việt Nam hiện giờ ra sao không? Nước Viêt Nam của năm 1975 mà Hoa Kỳ đã tạo ra? Xin hãy nghe đây!

   Vài ngày trước đây, khi ngồi trên xe buýt trên đường đi Biên Hòa với vợ tôi, tôi thấy có hai đứa bé đang khóc vì mẹ chúng đang đi tìm cha chúng, một quân nhân đã trốn khỏi vùng Cao Nguyên, do đó chúng phải về nhà một mình . Một người đàn bà khác đang khóc vì đứa con vừa mới được chôn cất xong. Một người đàn ông đang khóc vì đã mất cả gia đình ở Huế. Một người đàn bà khác cho chúng tôi xem hình của chồng và năm đứa con của bà đang bị kẹt ở Đà Nẳng khi thành phố nầy bị mất vào tay Cộng Sản, và khi bà nói bà đã khóc nức nở. Tôi phải quay sang phía khác. Tôi không dám nhìn thẳng bà nữa. Điều mà tôi có thể làm là cúi đầu và nhìn xuống sàn xe vì hổ thẹn. Tôi cảm thấy nghẹn ngào truớc sự đau buồn của bà và tôi đã chảy nước mắt .

   Đó là nước Việt Nam của ngày nay đó. Tất cả buồn phiền, đau đớn, máu xương và nước mắt không ngưng. Đó là nước Việt Nam mà quý vị, các nhà nhân đạo vĩ đại của Hoa Kỳ, đã tạo dựng nên. Nước Việt Nam mà quý vị đã từ chối trách nhiệm và quay lưng phản bội.

   Ngày nay mỗi khi đọc báo, tôi cảm thấy buồn phiền làm tôi nghẹn ngào, nước mắt tuôn rơi và hổ thẹn vô cùng. Một sự hổ thẹn không phải do tôi giúp làm ra, nhưng tôi phải gánh chịu vì tôi là một người Mỹ.

    Khi quý vị nói lên những “câu rổng tuếch” và ký vào những “tờ giấy vô nghĩa”, hơi thở của quý vị làm người Mỹ chảy máu, chảy máu như những đứa trẻ con Việt Nam đang chảy máu. Trái tim của quý vị làm người Mỹ bị hôi thối, hối thối như những xác chết đang rơi rãi trên “con đường máu và nước măt” dài trăm dặm từ Cao Nguyên đến bờ biển. Quý vị đã phủi tay đối với Việt Nam, nhưng quý vị đã phủi tay trong nước mắt và máu của các bạn và dân tộc mà tôi yêu thương.

   Qua sự nhẫn tâm, vô cảm và không can thiệp của mình, quý vị đã đồng ý với những người cộng sản man rợ ở miền Bắc, quý vị đã đồng ý với sự hủy diệt một quốc gia và một dân tộc,mà quý vị đã từng gọi là bạn, đồng minh, là những người yêu nước . Những lời ấy đối với tôi hôm nay chua chát biết bao.

   Vậy thì dân chúng và những nhà lập pháp tốt bụng vĩ đại Hoa Kỳ, quý vị hãy trở về ngôi nhà  đẹp đẽ của quý vị, ăn những thức ăn bổ dưỡng, ngồi trên những chiếc ghế êm ái, uống cà phê, đọc những bài báo về những nổi hãi hùng và thảm kịch đang xảy ra ở Việt Nam, quý vị buông lời “thật là đáng tiếc”. Quý vị sẽ đi ngủ trong nệm ấm chăn êm với một lương tâm thanh thản. Nhưng khi quý vị giật mình thức giấc trong cái tĩnh mịch nửa đêm, và không biết tại sao, thì hỡi những người Mỹ, quý vị hãy lắng nghe, lắng nghe cho thật rõ, yên lặng mà nghe, thì quý vị sẽ có thể nghe dân tộc Việt Nam đang rên siết trong gông cùm, đau đớn, với những vết thưong bởi đạn pháo, quý vị sẽ nghe họ gọi đúng cái tên “đích thực” của quý vị ra.

   Ngày lễ Phục Sinh vừa đi qua.  Khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, Ngài cầu nguyện:  “Lạy Cha, xin Cha tha tội cho họ vì họ không biết việc họ làm.” Quý vị đã đóng đinh Việt Nam trên thập tự giá. Tôi không có được sự cảm thông của Chúa Jesus, và tôi không bao giờ cầu xin Thượng Đế tha tội cho quý vị vì quý vị quả thực biết những gì quý vị đã làm; và tôi không bao giờ, chẳng bao giờ tha thứ hay quên những gì quý vị đã làm cho Việt Nam. Không bao giờ tôi còn cảm thấy hãnh diện là một người Mỹ. Sẽ không bao giờ tôi còn có thể ngửng đầu lên và cảm nhận yêu tổ quốc mình nữa như nhiều năm trước đây.

Bây giờ tôi chỉ còn biết cúi đầu vì hổ thẹn. Hỡi đất nước Hoa Kỳ chẳng ra chi kia, ngươi đã làm tổn thương ta đến tận đáy tâm hồn. Chính đất nuớc nầy đã hủy diệt đất nước Việt Nam thương yêu của ta.

Tái Bút: Tôi xin giấu tên vì lý do an nguy cá nhân. Nếu quý vị thấy bài nầy đáng được phổ biến thì xin đăng vào các báo Việt Nam. Tôi rất vui nếu dân chúng Việt Nam biết là có một người Mỹ nào đó cảm thông tình cảnh đất nuớc mình.

Views: 454

Posted in van.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *