Minh Tâm Xuân Đỗ
Tôi biết đến thơ Phùng Minh Tiến khá lâu, có đến trên ba chục năm của thập niên sau năm 1975, khi làm kẻ tha hương trốn chạy quê hương. Sau này nhận ra nhau là bạn có nhiều cái “đồng” với nhau: đồng hương Quảng nam, đồng song từ thuở học sinh từ trường Tiểu học Chùa Bà Mụ, qua trường Công lập Trần Quí Cáp Hội An và cùng đồng song từ Học Viện Quốc gia Hành Chánh, trước khi bước chân vào đời và bây giờ trong tuổi lớn, gặp nhau trễ xứ tự do Hoa Kỳ.
Đầu khoảng năm 1980 hay 1981 gì đó, anh Lôi Tam, một nhà văn cũng có nhiều cái “đồng” khác, trên tờ Đặc san Quê hương từ Thủ đô Hoa Kỳ, Washington DC, giới thiệu một bài thơ tiêu biểu của Phùng Minh Tiến, bài “Dòng Sông Cát Lở”:
Tôi đưa em về dòng sông cát lở
Dòng sông ba mươi năm chảy xiết một đời
Này cánh hoa xanh soi trên hồn nước cạn
Em tìm thấy gì trong sỏi đá không vui...
Bài thơ ngắn 12 câu thơ, trong ba đoạn ngắt rời, trong một hơi thở đầy thi vị, xúc động về quê hương và những kỷ niệm một thời trẻ trung. Thời đó tôi như đang làm kẻ “lưu đày” trên xứ người Da Đỏ Oklahoma, sau khi thoát chạy từ thành phố miền biển Vũng Tàu, nơi tôi làm việc, với một gia đình nhỏ, vợ và ba con thơ, khi miền Nam, vùng đất tự do cuối cùng rơi vào tay Cộng sản.
Trong cái ngột ngạt về thông tin từ quê nhà, quê hương một ốc đảo như cắt lìa với thế giới bên ngoài. Tôi tìm quên ưu sầu trong viết lách. Viết như một cách thế hoá giải nỗi bất lực đang vây bủa chung quanh. Viết để tìm lại mình trong các kỷ niệm mông lung đổ về. Viết để tìm lấy lại mình của một quê hương đã mất. Viết như một gợi nhớ trong tâm thức, khơi lại các kỷ niệm từ thuở ấu thơ đến ngày trưởng thành vào đời. Những dòng thơ của Phùng Minh Tiến đến với tôi như những hành trang thiếu sót trong nỗi nhớ bỏng cháy:
Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm rồi cũng ngậm ngùi.
Tôi sinh ra ở thôn quê, làng Ái Nghĩa, Quận Đại Lộc, nhưng lớn lên may mắn được gởi đi học hành và trưởng thành ở phố thị. Một kỷ niệm tôi nhớ mãi trong đời, gắn liền với dòng sông, khi tôi lên năm hay sáu tuổi: Một buổi trưa hè nóng bức, tôi theo người anh cả ra con sông Đào (dòng sông Ái Nghĩa, Đại Lộc) trước mặt nhà, để tắm mát. Anh tôi bước xuống nước, tôi đeo theo anh bên vai. Anh hụp mạnh xuống dòng sông, sãi tay bơi. Tôi sút tay, chìm lỉm, có lẽ uống khá nhiều nước vào bụng. Anh vói tay kéo tôi lên, xách vào bờ. Tôi điếng hồn, khóc nức nở. Anh đã không dỗ dành mà còn đe doạ sẽ ném tôi xuống nước, cho uống nước nữa, đến khi nào tự quơ tay, quơ chân, biết bơi. Anh chỉ tay vào tôi, hét lớn:
– Con trai không được khóc. Con trai phải biết bơi để tự cứu mình. Muốn biết bơi, phải chịu sặc nước, uống nước đầy bụng, nhiều lần, cho đến khi bơi giỏi.
Từ đó chắc tôi đã phải uống nhiều nước sông lắm, nhiều lần chìm lỉm trong dòng sông, để biết bơi và bơi giỏi. Và dòng sông gắn bó với tôi như một phần của đời sống. Và cũng từ nguyên do tiềm ẩn trên, khi đọc bài thơ “Dòng sông Cát Lở“ của Phùng Minh Tiến, tôi say sưa thích thú với kỷ niệm nằm sâu trong tiềm thức, trỗi dậy.
Phùng Minh Tiến làm thơ khá nhiều, từ khi còn là một học sinh ở trường Trần Quí Cáp Hội An, nhưng anh lại không gom góp lại, để in thành sách, nên đã thất lạc thật nhiều. Thơ Phùng Minh Tiến trải dài nhiều đề tài, nhiều lãnh vực, nhưng hình ảnh dòng sông sâu đậm nhất và mang nhiều ẩn dụ về cuộc đời trong kiếp sống vô thường. Dòng sông không những là biểu tượng đẹp trong văn chương, trong thơ nhạc mà còn là hình ảnh huy hoàng, bi hùng, lưu lại trong lịch sử oai hùng của từng quốc gia, từng dân tộc qua nhiều thời đại.
Với tôi, dòng sông gắn liền với những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, rồi đến những ngày tản cư năm 1947 theo dòng sông Thu Bồn, chạy giặc Pháp , đặt lại nền độc lập lên xứ sở. Tôi biết thêm được các địa danh mới của quê hương: đập Vĩnh Trinh, thác Phường Rạnh, bến sông Trung Phước, đẹp như một bức tranh thủy mặc ngày xưa. Những ngày hồi cư, trở về ngôi nhà cũ bị giặc Pháp đốt cháy, tôi ngày ngày bơi lôi trên dòng sông Đào trước nhà, trước khi được gởi xuống Hội An trọ học, lại làm quen, bơi lội với bạn bè, trên dòng sông Thu Bồn, đổ về phố Hội.
Từ những kỷ niệm gắn chặt trong tâm thức tôi như vậy, đọc lại thơ Phùng Minh Tiến, tôi cảm nhận ra rằng, dòng sông trong thơ anh là biểu tượng siêu hình về cuộc đời, như một chiếc cầu nối vào suy tưởng tâm linh như Vũ Hoàng Chương:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi.
Đọc lại mấy câu thơ Phùng Minh Tiến:
Tôi đưa em qua ven bờ cát lậm
Năm tháng phôi pha, nay lở, mai bồi
Dấu điêu linh còn ghi trên trán mỏi
Bàn chân ngoan, cát cũng ngẩn ngơ lời.
Cát một đời nằm nghe sóng vỗ
Sông một đời, chảy mãi khôn nguôi
Em là mây tình cờ qua đó
Một tháng, một năm, rồi cũng ngậm ngùi.
Những câu thơ đẹp vô cùng, thoát tục và đầy thiền vị. Và từ đó đọc lại các bài thơ của anh tôi đang có trong tay, gần như đa số các bài thơ nằm trong dòng thơ tâm linh, như vang lên từ tiếng chuông, tiếng mỏ đẫm màu sắc không.
Cuốn tiểu thuyết Siddhartha của nhà văn Đức Hermann Hesse mà Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch tuyệt vời qua tiếng Việt, “Câu Chuyện Dòng Sông”, nói về một nhân vật tên Siddhartha, người Ấn Độ, cùng thời với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa tâm linh của cuộc sống, đã trải qua biết bao thăng trầm, sung sướng, hạnh phúc lẫn khổ nạn. Cuối cùng nhìn thấy dòng sông lững lờ chảy, ngộ ra rằng cuộc sống chẳng khác nào dòng sông, vô thường như dòng nước chảy.
Sau khi đọc cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” mỗi lần từ Huế về quê thăm gia đình ở Ái Nghĩa, Đại Lộc, tôi đi xe đạp hoặc đi bộ, theo dọc bờ sông Đào về nhà, tôi nhận thấy các đổi thay về cây cối, nhà cửa hai bên bờ sông, và những lần mưa lụt lớn trước đó gây đất lở, làm thay đổi hẳn cả một thôn xóm, trông xa lạ như một nơi nào tôi mới đến lần đầu…
Hình ảnh đó còn trong tâm thức tôi, khi đọc thơ Phùng Minh Tiến, tôi như thấy lại trước mắt và đọc thầm câu thơ của Vũ Hoàng Chương “Kìa non đá lở, này sông cát bồi.”
Thơ Phùng Minh Tiến nặng về suy tưởng tâm linh. Ngoài hình ảnh dòng sông, biểu tượng của cuộc đời, Phùng Minh Tiến còn nói đến “Đôi Nẻo Có Không”:
Có cũng về
Không cũng về
Sao còn đứng đợi bến sông mê
Bốn phương gió nổi mùa hư ảo
Ngỏanh lại hoa xuân rụng não nề.
Có cũng về
Không cũng về
Về đâu non nước về đâu nhỉ?
Chảy xiết cuồng lưu, vọng khứ hề
Có cũng về
Không cũng về
Sáu bảy mươi năm làm lữ khách
Một chiều tuyết phủ với sương che .
Có cũng về
Không cũng về
Thanh xuân giờ đã xa biền biệt
Dừng lại bên sông lạnh bốn bề.
Thật sự, Phùng Minh Tiến cảm nhận cuộc đời qua nhiều khía cạnh, góc độ và thế nhìn, chứ nếu chỉ trích dẫn thơ anh qua các bài tâm linh, siêu hình về cuộc đời thì cũng cưỡng ép oan uổng. Đọc bài thơ “Vầng Trăng Hạnh Ngộ”, thấy thoải mái, nhẹ nhàng vô cùng:
Trăng của ngày xưa vẫn còn đây
Từ trong tiền kiếp đến nơi này
Biển dâu đã mấy lần dâu biển
Mùa đến, mùa đi, khuyết lại đầy
Trăng thuở thanh xuân, mùa hạnh ngộ
Trăng thời chinh chiến, khóc thương ai …
Nỗi trôi vẫn một vầng trăng cũ
Cũng đành đá nát với vàng phai .
…….
Chiều nay đi giữa rừng thay lá
Còn chút keo sơn buổi chuyển mùa
Tóc tơ ai đợi nghìn năm trước
Trăng về quạnh quẽ bến sông xưa
Hãy nghe anh nhìn qua bài thơ tự phát hoạ “Nụ Cười Chiêm Bao:”
Bây giờ tôi lại thương tôi
Bản lai diện mục nụ cười hư hao
Quê xưa chìm khuất nơi nao
Bước chân khổ hạnh lao xao bụi hồng
Tiền thân lạc cõi hư không
Em đi xa dấu ngựa hồng tìm đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Sao còn đứng đợi đêm thâu mơ màng
Bây giờ tôi lại xa tôi
Biển xưa đã cạn, sông bồi đã xanh
Trăm năm hạt bụi viên thành
Trôi trong vô lượng, mong manh phận người
Bây giờ tôi bỏ luôn tôi
Bỏ xuân xanh, bỏ luân hồi, xưa, sau
Bỏ quê, bỏ xứ, bỏ chùa
“Giày rơm, áo vải”, chào thua cuộc đời
Ừ thôi cũng thế mà thôi
Được thua, hơn thiệt, nụ cười chiêm bao .
Ngay cả trong thơ tình cũng mang âm hưởng từ bi, như bài “Theo Em:”
Theo em dưới bóng Bồ Đề
Yêu em độ lượng vỗ về trong ta
Đông về buốt lạnh lời ca
Mùa xuân chợt đến tôi xa vội người
Hoang vu từ độ Em cười
Đôi tà khép mở áo vui thuở nào
Đường xưa trắng cả chiêm bao
Vang vang guốc mộc, lao xao bụi hồng
Ai ngờ rồi cũng hư không
Chim bay biển bắc, tìm mong biển nào
Dáng xưa giờ đã hư hao
Áo xưa chắc cũng phai màu còn đâu
Bao mùa nước chảy qua cầu
Ta giờ đã thất lạc nhau muôn trùng.
Một dịp anh về lại phố Hội, chốn xưa, một thời trai trẻ yêu thương tràn đầy trong tim, bài thơ “Tôi Về”:
Tôi về phố cũ đìu hiu
Sương pha núi dựng, mây chiều đầu non
Bến xưa khói sóng vẫn còn
Sông Thu chạnh nhớ đò ngang năm nào
Nửa đời chưa hết lao đao
Trăng mùa thu cũ, giờ sao úa màu
Sóng dồn lớp lớp, xưa, sau
Góc sân hoang lạnh, hương cau nhạt nhòa
Biển dâu mấy độ quan hà
Xa Em mùi tóc hiên sau vẫn còn.
Dòng sông “định mệnh” vẫn ám ảnh anh suốt đời. Cũng chính nơi cây đa, bến cũ, con đò xưa đó, khi anh về, đã biển dâu mấy độ, mộng thuở đầu đời đã vỗ cánh bay xa, nhưng dòng sông tâm thức vẫn chảy mãi trong anh không ngừng:
Tôi về thăm bến sông xưa
Còn đâu bến cũ mà đưa tiễn người …
Sông xưa nay lở, mai bồi
Bèo tan Cửa Đại, mây trôi phương nào?…
Biển trùng còn mãi lao xao
Bốn mươi năm lẻ làm sao quên người
Trời ơi chỉ một nụ cười
Theo nhau chỉ để luỵ người núi sông..
Chúng tôi bên ly cà phê ở quán đông bạn bè, hay đùa Phùng Minh Tiến chắc kiếp trước Anh là một thiền sư đạo hạnh, nhưng say mê nét đẹp của một thiện nữ, nên bị đọa, nay sống đời độc thân, làm thơ đầy thiền vị, và cuộc đời “sắc không” trong tình thương của từ bi, bác ái …
Thơ Phùng Minh Tiến làm đẹp cuộc đời!
Quận Cam, California
Minh Tâm Xuân Đỗ
Views: 53