Lê Trung Hiếu, Cao Học Hành Chánh khóa 4
Hiện nay, tàu thuyền lưu thông từ Thái bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại, phải đi qua eo biển Malacca giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra. Eo biển Malacca dài khoảng 1,000 km (600 miles), bề ngang hẹp, chỗ hẹp nhất chưa tới 2.5 km (1.6 mile) với độ sâu chỉ có 82 feet (khoảng 25 meters). Tàu vận chuyển dầu và hàng hóa có trọng tải lớn gặp nhiều trở ngại nên thường phải chạy vòng xuống phía nam của đảo Sumatra để đi qua eo biển Lambock, rộng và sâu hơn 820 feet (khoảng 250 meters). Ngoài những trở ngại về địa lý, hằng năm số lượng tàu thuyền qua lại eo biển Malacca gia tăng đáng kể cũng là nguyên nhân làm cho sự lưu thông bị trì trệ. Để tạo sự thuận tiện cho tàu bè lưu thông và rút ngắn hải trình từ đông sang tây và ngược lại đến hơn 620 miles, chính quyền Thái Lan và nhiều công ty của Nhật và Mỹ đề nghị đào kênh Kra trong lãnh thổ của nước Thái Lan nhằm nối liền Vịnh Thái Lan với Ấn Độ Dương. Một câu hỏi đặt ra: Ý kiến xây dựng kênh Kra xuất phát từ lúc nào và đem lại ích lợi gì cho các nước thuộc khối Asean cũng như nền hòa bình của thế giới? Tại sao cho đến bây giờ việc đào kênh vẫn chưa được thực hiện? Để trả lời những câu hỏi này, ta thử xét đến các vấn đề sau đây:
- Diễn tiến của dự án kinh đào Kra
- Lợi ích của kinh đào Kra
- Vai trò của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Cộng về việc thực hiện.
1. Diễn tiến việc xây dựng kinh Kra:
Kênh Kra lấy tên của eo đất Kra (Isthmus Kra) thuộc lãnh thổ Thái Lan ở phía Nam, gần với biên giới Thái-Malaysia. Đây là eo đất hẹp nhất của bán đảo Malaysia. Nó được xem là vị trí thuận tiện để đào một con kênh nối liền Vịnh Thái Lan với biển Adaman (Ấn Độ Dương). Ý kiến đào kênh Kra xuất hiện từ thế kỹ thứ 17 khi Vương Quốc Thái Lan mở cửa giao thương với giới thương nhân Châu Âu. Do quyết định sáng suốt này, Thái Lan trở thành một trung tâm thương mại lớn nhất của vùng Đông Nam Á. Năm 1677, một kỹ sư người Pháp tên là M. De La Mar thực hiện cuộc khảo cứu để tìm con đường giao thông trên biển ngắn nhất nối liền Vịnh Thái Lan và biển Andaman, đã gợi ý đào kênh Kra. Mặc dầu dự án đề xuất có tính khả thi (feasibility) nhưng không được thực hiện vì chiến tranh Pháp-Xiêm xảy ra nên Vua Xiêm cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp vào năm 1688 và trục xuất mọi người Pháp ra khỏi kinh đô Ayuthaya của Xiêm. Vào năm 1882, đề án kinh đào Kra tái xuất hiện khi Pháp cử kỹ sư Ferdinand De lesseps , người đã thực hiện công trình kênh đào Suez (Ai Cập) vào năm 1669, đến Vương Quốc Xiêm nghiên cứu việc đào kênh Kra. Tuy nhiên, Vua Rama V bác bỏ đề nghị này vì nghĩ rằng những cường quốc có thuộc địa không phải là những đồng minh mà là mối đe dọa chủ quyền của Xiêm. Điều không may nhận định của Vua Xiêm đúng sự thực khi cuộc chiến tranh Pháp – Xiêm xảy ra vào năm 1893. Khi cuộc chiến chấm dứt, Xiêm phải chịu nhường nước Lào cho Pháp, và nhiều phần lãnh thổ của Xiêm bị hai nước Anh và Pháp chiếm đóng. Năm 1946, hiệp ước Anh-Xiêm quy định: “Chính phủ Xiêm cam kết không xúc tiến công trinh kênh đào Kra để nối liền Ấn Độ Dương với Vịnh Thái Lan mà không có sự đồng ý trước của chính phủ Vương quốc Anh.” Hiệp ước này còn buộc Thái Lan phải từ bỏ chủ quyền đối với việc sản xuất và xuất cảng gạo, thiết, cao su, gỗ teak, đồng thời phải trả thêm cho Anh quốc 1.5 triệu tấn gạo. Trong thời kỳ sau khi thế chiến thứ hai chấm dứt, giới hoạt động chính trị và ngoại giao Hoa Kỳ nhận định hành động Anh Quốc ép buộc Thái Lan ký một hiệp ước bất bình đẳng như vậy là điều không thể chấp nhận được. Họ cho rằng nước Anh chỉ thi hành chiến lược chính trị, kinh tế và quốc phòng để có lợi cho chính quốc của họ, và bỏ qua sự phát triển kinh tế cũng như sự sáng tạo của đại đa số nhân loại, chẳng khác gì Nhật Bản áp dụng chính sách đàn áp và xâm chiếm lãnh thổ của các nước Á Đông. Anh Quốc muốn duy trì quyền lợi của mình ở thuộc địa Malaysia với sự chế ngự của hải cảng Singapore, một địa điểm thuận lợi cung ứng các dịch vụ sửa chửa và tiếp liệu cho tàu thuyền lưu thông trên thủy lộ từ Đông sang Tây và ngược lại. Vì vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi hiệp ước Anh – Thái được ký kết, ông Charles Woodruff Yost, nhà ngoại giao người Mỹ, vận động và sắp xếp một hội nghị để ký kết một hiệp định mới giữa Mỹ, Anh và Thái Lan nhằm xóa bỏ nội dung của hiệp ước bất bình đẳng nói trên. Theo hiệp ước mới, Anh và Mỹ phải cung cấp cho Thái Lan mọi thiết bị liên quan đến việc sản xuất và xuất cảng gạo bao gồm cả nhà máy xay lúa và phương tiện vận chuyển. Dựa vào cam kết này, Hoa Kỳ bắt tay vào việc giúp đở Thái Lan tiến hành các dự án thiết lập đường xe lửa, nhà máy điện, nhà máy nước và sửa chửa các hải cảng. Tiến xa hơn nửa trong chiều hướng này, năm 1973, công ty tư vấn Hoa Kỳ Tipett-Abbot-Mc Carthy-Scratton (TAMS) phối hợp với cơ quan Thí Nghiệm Lawrence Livermore thi hành việc thiết lập dự án tiền khả thi trong các lãnh vực kỹ thuật cơ giới và hiệu qủa kinh tế khi xây dựng kinh Kra. Những chuyên gia của công ty TAMS đề nghị kinh Kra dài 27 miles. Nhiều khu công nghiệp rộng khoảng hơn 100,000 acres sẽ được xây dựng ở hai đầu kinh. Sự thực hiện bị bỏ rơi vì những cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan và Thái Lan cần tăng cường kinh phí quốc phòng để chống đối một cuộc chiến có thể xảy ra ở vùng biên giới Thái-Cambodia sau khi Khmer Đỏ nắm Chính quyền ở Phnompenh vào năm 1975 và Việt Nam xâm lăng Cambodia vào năm 1978.
Một thập niên sau, vào mùa Thu năm 1984, tại hội nghị “Kỹ Nghệ Hoá Thái Lan và Kinh đào Kra,” họp tại Bangkok, Thái Lan trình bày dự án kinh Kra và tính khả thi của nó trước một cử tọa bao gồm các giới doanh nhân, kỹ sư và viên chức chính phủ của tất cả các nước thành viên Asean. Một ủy ban được thành lập để cứu xét việc đào kinh bằng cách sử dụng kỹ thuật nguyên tử phục vụ hòa bình (peaceful nuclear fusion.) Phương pháp này được xem là nhanh nhất, hiệu qủa nhất và tiết kiệm phí tổn nhiều nhất. Theo ông Samak Sundaravej, Bộ Trưởng Giao Thông Thái Lan và sau này trở thành Thủ Tướng, “Vấn đề là chúng ta có khả năng thực hiện, thực hiện như thế nào, và theo phương pháp nào? …Nếu chúng ta sử dụng TNT, phải mất 10 năm mới hoàn thành, nhưng nếu sử dụng năng lượng nguyên tử phục vụ hòa bình, việc đào kinh sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm.” Lợi ích kinh tế và tính khả thi của dự án là không thể nào chối cải, nhưng cho đến nay, sự thực hiện vẫn chưa được tiến hành. Theo dư luận trong vùng Đông Nam Á, chính quyền các nước Singapore và Malaysia nổ lực ngăn cản việc thực hiện kinh Kra bằng cách hối lộ những viên chức trong quốc hội Thái Lan chống lại dựa án. Lý do bác bỏ nêu ra là tất cả cần bảo vệ nền kinh tế trong nước vì sự hoàn thành kinh Kra sẽ hủy diệt nhiều ngành kỹ nghệ địa phương và nội thương. Đến cuối thập niên 1990, để vực nền kinh tế quốc dân thoát khỏi sự thoái trào vì cuộc khủng hoảng tài chánh ở châu Á, sự thực hiện dự án kinh đào Kra lại được nêu ra. Năm 1999, cơ quan tài chánh Global Infrastructure Fund của Nhật Bản soạn thảo dự án khả thi v/v xây dựng một con kinh với chiều dài 50km đi ngang qua eo đất Kra thuộc lãnh thổ Thái Lan sẽ chi phí ít nhất là 20 tỷ USD. Chi phí lớn lao này lại một lần nửa ngăn cản sự thực hiện. Trong thời gian Thủ Tướng Thaksin Shinawatra cầm quyền (2001-2006), dự án kinh đào Kra được thượng viện Thái Lan chấp thuận. Nhưng dự án lại bị bỏ rơi vì quân đội Thái Lan đảo chánh và trục xuất ông Thaksin ra nước ngoài. Năm 2011, chính quyền của nữ Thủ Tướng Yingluck Shinawatra tin rằng sự hình thành kinh đào Kra sẽ tạo cơ hội cho nền kinh tế Thái Lan kiên trì đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng rồi khủng khoảng chính trị ngăn cản sự thực hiện. Hiện nay chính quyền mới của Thái Lan đang khơi động lại sự thực hiện dự án kinh đào Kra.
2. Lợi ích của kinh đào Kra:
Từ thế kỹ 17 cho đến nay, dự án kinh Kra được bàn thảo trong hơn 4 thế kỹ. Nó tác dụng như thế nào đối với nền kinh tế của các nước Asean nói chung và Việt Nam nói riêng? Theo nhiều nhà kinh tế, lợi ích của kinh đào Kra thể hiện qua các lãnh vực sau đây:
(i)- Giảm chi phí và thời gian vận chuyển: Sử dụng kinh đào Kra tiết kiệm nhiều thứ chi phí vận chuyển, nhất là chi phí về nhiên liệu, chi phí về lao động và thời gian hải hành từ Thái bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại nhờ lộ trình rút ngắn hơn 1,000km so với lộ trình đi qua eo biển Malacca. Hơn nửa, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, lưu thông hai chiều trên eo biển Malacca vào năm 2003 lên đến mực độ 171 tàu/ngày. Theo Cơ Quan Quản Trị Thông Tin Năng Lượng Hoa Kỳ (US Energy Information Administration), eo biển Malacca là nút chận của Châu Á với khối lượng 15.2 triệu thùng dầu/ngày (barrels per day – bbl/day) vào năm 2011, so với 13.8 triệu bbl/day vào năm 2007. Tính chung mỗi năm khoảng trên 60,000 tàu qua lại eo biển Malacca. Ngoài ra, những tàu chở dầu khổng lồ thuộc thế hệ mới từ Âu Châu, Trung Đông đến các nước ở hướng Bắc châu Á không thể sử dụng eo biển Malacca vì thiếu độ sâu nên phải đi vòng xuống phía Nam đảo Sumatra, hải trình dài thêm 1,000 km. Những vấn nạn này sẽ được giải quyết nếu qúa cảnh (transit) kinh đào Kra. Hơn nửa, chủ trương Trục Mấu Chốt Châu Á (Asia Pivot) của chính quyền Obama trong những năm sắp đến, đa số tàu thuyền của hải quân Hoa Kỳ dồn về Thái bình Dương sẽ làm cho vấn nạn lưu thông trên eo biển Malacca trở nên trầm trọng hơn.
(i i)- Đem lại doanh lợi cho Thái Lan: Một khi được hình thành, kinh đào Kra sẽ là trục hàng hải của các nước Asean trên đường hàng hải từ Tây sang Đông và ngược lại. Theo sự ước tính của Japan’s Global Infrastructure Fund –GIF) doanh số thương mại quốc tế hằng năm sẽ lên đến 280 tỷ USD trên một diện tích lãnh thổ hình tròn lấy tâm điển là kinh đào Kra với bán kính 2,400 km trên đó có 1,2 tỷ người sinh sống. Chính phủ Thái Lan có thể thu một nguồn lợi tức lớn lao từ những hoạt động liên quan đến sự sử dụng kinh đào Kra như thu tiền lưu hành qúa cảnh, thuế lợi tức và thuế xuất cảng, những dịch vụ sửa chửa và cung cấp nhiên liệu cũng như những nguồn lợi do các xưởng đóng tàu đem lại. Điều lý thú là dự án kinh đào Kra bao gồm cả sự phát triển hải cảng Songkhla trong Vịnh Thái Lan, sự phát triển của nền kỹ nghệ địa phương, thương mại quốc tế, phát triển toàn bộ hạ tầng cơ sở, nhà cửa và những bất động sản khác như các khu kỹ nghệ ở hai đầu kênh, và những dịch vụ hổ trợ mọi hình thức lưu thông hàng hải ở trong vùng. Số lượng nhân công sử dụng lên đến 30,000 người trong thời gian 10 năm thực hiện dự án.
(i i i)- Đem lại doanh lợi cho các nước trong khối Asean: Một khi kênh đào Kra được thực hiện, lưu thông hàng hải gia tăng sẽ kéo theo sự phát triển dịch vụ, sản xuất, thương mãi và du lịch ở trong vùng. Những lợi ích này sẽ lan tràn đến các nước láng giềng của Thái Lan như Myanmar, Cambodia và Việt Nam. Hoạt động thương mãi quốc tế gia tăng nhờ vào sự vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sẽ làm thay đổi bộ mặt của những thành phố trong vùng duyên hải Việt Nam, Cambodia và Myanmar. Kinh nghiệm hiện nay cho thấy Thái Lan và Myanmar đã thu được nhiều lợi tức khi cho phép tàu thuyền ngoại quốc lưu thông trong hải phận của họ để đi đến eo biển Malacca. Vì vậy Thái Lan và Myanmar hợp tác với nhau để xây hải cảng nước sâu Dawei theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Việc xây đựng hải cảng này dẫn đến sự phát triển nhà cửa ở thành phố Dawei mà trước đây gọi là Tavoy ở phía Nam của Myanmar.
Về phần Việt Nam, số lượng tàu thuyền ra vào kinh Kra sẽ đi ngang qua vùng duyên hải là động lực to lớn để Việt Nam phát triển những hải cảng ở phía Nam. Những hải cảng này có khả năng trở thành đối thủ của Singapore. Nhờ vào yếu tố địa lý đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào các hải cảng vì 90% hàng hóa của Việt Nam được vận chuyển bằng đường biển. Theo tài liệu của HIệp Hội Hải Cảng Việt Nam năm 2008, Việt Nam có 23 hải cảng chính, đa số ở miền Nam, hằng năm vận chuyển hơn 78 triệu tấn hàng hóa. Cam Ranh có khả năng trở thành đối thủ của Singapore vì lộ trình hàng hải sẽ chuyển về phía bờ biển Việt Nam khi tàu thuyền từ Thái Bình Dương đi vào Biển Đông và Vịnh Thái Lan trước khi đi qua kinh đào Kra thay vì hải hành gần bờ biển các đảo của Malaysia, Indonesia và Philippines trước khi đi vào eo biển Malacca. Nói cách khác đường hàng hải viễn duyên sẽ chuyển dịch từ phiá Đông sang phía Tây biển Đông. Cảng Cam Ranh sẽ là trung tâm điểm của đọan đường hàng hải từ kinh đào Kra đến các hải cảng của các nước Đông Bắc Á như Trung Cộng, Đài Loan, Đại Hàn, Triều Tiên, Nhật bản và vùng Viễn Đông của Nga. Hiện nay, Việt Nam đầu tư 200 triệu USD để tu bổ hải cảng Cam Ranh.
3. Kinh đào Kra với Nhật Bản và Việt Nam:
Trong lúc chính quyền Thái Lan hiện nay đang đặt lại vấn đề thực hiện kinh đào Kra, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác với nhau để xây dựng hải cảng nước sâu Lạch huyền thuộc thành phố Hải Phòng. Hải cảng này sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc chuyển tải cho các tàu viễn dương với trọng tải lớn đến Vịnh Bắc Việt để đưa hàng hóa đến các tỉnh ở vể phía Tây Nam của lãnh thổ Trung Cộng thông qua thủy lộ Sông Hồng và hành lang kinh tế Việt – Trung. Đây là con đường thuận lợi nhất và ít tốn kém nhất. Lịch sử Việt Nam cho thấy Pháp lấy cớ Việt Nam cản trở Jean Dupuis, thương nhân người Pháp, đưa hàng hoá đến tỉnh Quãng Tây qua thuỷ lộ Sông Hồng để đưa quân đánh chiếm thành Hà Nội vào năm 1873. Cộng Sản Việt Nam và Trung Cộng thành lập hành lang kinh tế Việt –Trung tử Côn Minh đến Hải Phòng để vận chuyển hàng hoá xuất nhập cảng giữa hai nước. Nhật Bản nhận thức tầm quan trọng của sự vận chuyển hang hoá từ biển vào nội địa Bắc Việt và các tỉnh ở phía Tây Nam của Trung Cộng nên đã ký kết đầu tư với Việt Nam để xây dụng hải cảng quốc tế Lạch Huyền, Hải Phòng. Dự án được khởi công vào ngày 17 tháng 2 năm 2014. Đây là thủy lộ đi qua các quận Hải An và Cát Hải của thành phố Hải Phòng. Nó là phần công trình chính của hải cảng Lạch Huyền. Chiều dài của dự án là 15,6 km xuất phát từ ngã tư Tân Vũ ở hướng Đông, đi ngang qua khu kỹ nghệ Đình Vũ, nối liền với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang đươc xây dựng. Hệ thống đường sá này tạo cơ hội phát triển kinh tế và xã hội không những đối với Hải phòng mà còn góp phần mở mang toàn miền Bắc Việt Nam. Nhật Bản và Việt Nam thành lập công ty liên doanh trong đó Nhật Bản đầu tư 10 ngàn tỷ đồng Việt Nam và VIệt Nam đầu tư 1tỷ800trệu đồng Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án là 3 tháng.
Ngược dòng lịch sử, ta thấy trở ngại lớn nhất là phải đào con kinh đi ngang qua một vùng núi đá dài 44km tại vị trí hẹp nhất cùa bán đảo Thái với những núi đất đá cao đến 75m so với mặt biển đòi hỏi một số lượng nhân công lớn lao, và đầy đủ phương tiện kỹ thuật tinh vi. Vào năm 1985, hãng Mitsubishi Corporation của Nhật Bản đưa ra luận cứ sử dụng kỹ thuật nổ nguyên tử phục vụ hòa bình (techniques to use nuclear explosions for peaceful purposes) để đào kinh Kra. Theo sự ước tính của hãng này, phương tiện cần có bao gồm 20 thiết bị nguyên tử, mổi thiết bị chứa năng lượng nổ gấp hai lần năng lượng của qủa bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945. Tưởng cũng nên nhắc lại rằng vua Xiêm đồng ý xây dựng kinh Kra vào khoảng cuối thế kỹ 17. Nhưng kỹ thuật và dụng cụ thô sơ thời đó không đáp ứng yêu cầu nên nhà vua bãi bỏ việc đào kinh. Ngày nay, đa số các nước chấp thuận đề nghị của Nhật Bản về việc sử dụng kỹ thuật nổ nguyên tử phục vụ hòa bình đề thực hiện kinh đào Kra.
Một điều lý thú trong khi tìm hiểu kinh đào Kra và số phận thăng trầm của nó trong 4 thế kỷ, người Việt chúng ta tự hào khí biết được một nhà cách mạng Việt Nam tham gia vào việc huy động vốn cho công trình Kra. Đó là Cụ Phan Bội Châu. Theo tài liệu phổ biến trên mạng của Alternate History Discussion Board, người viết bài này xin phỏng dịch nội dung như sau:
“ Vào đầu tháng 3 năm 1926, tại hải cảng Cam Ranh,trong khi những viên chức của hải quân triều đình Nhật Bản và viên chức của hải quân triều đình Việt Nam đang chờ đợi lễ khai mạc một căn cứ hải quân mới dự trù vào ngày 15 tháng 3, căn cứ này được hiết kế theo mô hình của một đập ngăn nuớc giống như căn cứ hải quân Đức ở Châu Phi và những cơ sở của Hoa Kỳ ở Trân Châu Cảng, cụ Phan Bội Châu, đại pháp quan của triều đình Việt Nam, đã nhanh chóng đến viếng thủ đô Bangkok.
“ Sau khi Vua Rama VI chết bất ngờ vào ngày 25 tháng 11 năm 1925, Prajadipok, anh của Ngài, kế vị ngôi vua của Vương Quốc Tattanakosin với danh hiệu là Rama VII. Nhà vua chọn hoàng tử Damrong Rajanubhad, từng là cận thần của nhà vua có khuynh hướng cải cách Chulakongkorn (Rama V), giữ chức vụ Tướng Quốc (chancellor).
“ Nhiều quan sát viên chính trị tin tưởng rằng vua Prajadipok bãi bỏ đường lối của người em quá cố và muốn trở lại chế độ đất nước do một thiểu số chính trị chấp chánh và chuyên quyền (oligarchic and authoritarian style) của phụ vương trước đây.
“ Về phần cụ Phan Bội Châu, người được dân bầu vào hội đồng dân cử, và hoàng đế Bảo Đại của cụ lúc đó là một đứa trẻ 13 tuổi, không có quyền hành nào cả ngoại trừ chức vụ chủ lễ và lãnh đạo quốc gia, nhận thấy chủ trương tu chính chế dộ theo đường lối chính trị của vua Rama VII làm cho sự ỗn định của nước Xiêm bị đe dọa vì sự bạo loạn của dân chúng. Cụ muốn thấy một nước Xiêm ổn định và từ từ chuyển hướng chính trị theo Nhật Bản và Việt Nam hay Liên Bang Ấn Độ. Theo suy nghĩ của cụ, đất nước cần phải theo chế độ dân chủ trong tương lai. Những chế độ độc tài không được dân chúng thừa nhận. Vì những lý do này, cụ cũng nhận định sự tranh đấu quyền hành hiện nay ở Trung Hoa với sự nôn nao thú vị – dù thực thể nào thắng thế đi nữa, nó cũng chỉ là chiến thắng trong đoản kỳ – rồi phải chịu đựng sự thách đố của ý nguyện quần chúng. Xiêm là một đồng minh rất quan trọng, không nên can thiệp vào việc nội bộ của họ để làm hỏng sự bang giao tuyệt hảo. Cuối cùng cụ đến Bangkok để ký tắt vào bản điều ước về việc xây dựng kinh Kra, Quy Ước Kinh Đào Kra giữa Xiêm, Nhật Bản và Việt Nam.
“ Kế hoạch dự trù xây dựng kinh đào Kra trong lãnh thổ của Xiêm giữa Phangnga trong Vịnh Phukhet và Surat Thani trong Vịnh Bandon. Nó bỏ qua eo biển Singapore và Malakka và thới gian hải hành của tàu thuyền từ đông sang tây sẽ giảm bốn ngày. Một Qủy Tài Chánh đặc biệt dành cho Kinh Kra đã được thành lập trong đó phần góp vốn của Xiêm là 21%, Nhật 15% và Việt Nam 15% của tổng số vốn.
“ Tất cả các kế hoạch về cơ giới đều sẵn sàng. Lúc nào nghị viện ở Tokyo và Hanoi chấp thuận hiệp ước, theo dự kiến sự chấp thuận sẽ được công bố vào tháng Tư – tiên liệu sự chấp thuận không bị rắc rối cản trở, lúc đó sẽ khởi công. Người ta tin tưởng rằng kinh đào Kra sẽ sẵn sàng vào năm 1938 để cho tàu chở dầu trọng tải lớn, tàu chiến tân thời và hàng không mẫu hạm (tàu chở máy bay) qua lại.
“ Lực lượng nồng cố tài trợ Kinh đào Kra là Nhật Bản và nhiều nuồn vốn của Nhật đóng góp cho Hiệp Hội Kinh Kra của Nhật Bản (KCA) nhưng cũng có nhiều nhà đầu tư Ấn Độ, Hoa Kỳ và Trung Hoa mua cổ phần góp vốn.
“ Anh Quốc và Sumatra không hài lòng đối với kế hoạch, tuy nhiên công ty hàng hải Cunard mua một số cổ phần. Họ tham gia vào dự án Kra vì nghĩ rằng một khi Malaysia không còn là thuộc địa của Vương Quốc Anh, Singapore chỉ còn là một vị tri đơn độc.
“ Chính phủ Hoa Kỳ nhìn Cam Ranh với thái độ bất mãn, nhưng lại thừa nhận đự án xây dựng kinh Kra. Sự hiện diện của hải quân Việt Nam gần như là đồng minh của Hội Quốc Liên, không có ý nghĩa gì để làm hài lòng hải quân Hoa Kỳ và giới chính trị ở Washington. Việt Nam không có nhân vật nào nổi tiếng trong chiến tranh, đó là sự thật, họ chỉ chuyên biệt về tàu thuyền làm bằng vật liệu nhẹ, rẻ tiền và lặn dưới nước. Nhưng bây giờ họ đang sử dụng những căn cứ trên đảo Borneo, hoàn toàn tiếp cận với Philippines.
“ Nhưng cụ Phan không quan tâm đến sự khó chịu của người Mỹ. Cụ không đồng quan điểm những người thực dân da trắng còn có quyền can thiệp vào số phận của Châu Á. Hoa Kỳ có nguyên cả một lục địa của riêng mình; không có lý do gì họ lại là chủ nhân ông mọi công việc trong vùng Đông Nam Châu Á.”
Đối chiếu với các nguồn sử liệu hiện nay, ta thấy tài liệu nêu trên có nhiều đỉểm không hợp lý vì các lý do sau đây: (1) Cụ Phan không ra làm quan sau khi đỗ giải Nguyên nên cụ không thể nào là một vị quan của triều đình Việt Nam.Hơn nữa, cụ Phan bị kết án tử hình khiếm diện vào năm 1913 vì tội chống đối chế độ cai trị của người Pháp. Vì vậy Cụ không thể nào cầm đầu phái đoàn quan lại của triều đình Huế đến dự lễ khánh thành hải cảng Cam Ranh. (2) Cụ Phan ở xứ Trung Kỳ nên hiệp ước do cụ ký tắt phải được sự chấp thuận của triều đình Huế chứ không phải Hà nội vì lúc bấy giờ Hà Nội dưới quyền của Kinh Lược Sứ, một viên chức của chính quyền Pháp. (3) Năm 1925, cụ Phan đang ở Nhật, cụ chỉ về Việt Nam sau khi bị Pháp bắt ở bên Tàu và dẫn độ về Huế. Từ đó cho đến khi qua đời vào năm 1940, cụ bị quản thúc tại nhà ở Bến Ngự.
Một câu hỏi đặt ra: thái độ của chính phủ Hoa Kỳ như thế nào đối với việc xây dựng kinh Kra? Để trả lới câu hỏi này ta xét đến thái độ của Hoa Kỳ đối với dự án kinh Kra trong 4 thế kỹ vừa qua và hiện nay.
4. Thái độ của Hoa Kỳ đối với dự án Kinh Kra:
Người ta biết rằng Vương Quốc Anh tìm mọi cách để ngăn chận sự hình thành kinh Kra để giữ thế thượng phong của hải cảng Singapore. Năm 1897, Anh bí mật ký một thỏa ước với Thái Lan về việc Thái Lan chỉ xây dựng một kinh đào ngang qua bán đảo Kra khi có sự chấp thuận của nước Anh. Thỏa ước này cũng dành cho Anh quyền kiểm soát mọi đặc nhượng thương mãi trong vùng đất này. Người Anh chủ trương phân chia lãnhthổ để trục lợi và không quan tâm đến sự phát triển của những nước ở trong vùng. Chính sách “kềm chế không cho phát triển” này kéo dài trong thế kỷ 20. Theo ông LaRouche, chuyên gia của công ty Tipett-Abbot-Mc. Cathy-Scratton, ngày nay dưới chiêu bài Trụ Điểm Á Châu (Asia Pivot), chính quyền của Tổng Thống Obama tiếp tục theo đuổi lý thuyết cổ điển của đế quốc Anh “không phát triển vùng Châu Á Thái Bình Dương” (no-development in the Asia Pacific region). Tổng Thống Obama cổ động các nước Châu Á ven bờ Thái Bình Dương gia nhập tổ chức Trans-Pacific Partnership (TPP) nhưng tình hình chính trị và quân sự ở vùng này không ỗn định. Tranh chấp biển Đông và các quần đảo Paracel và Spratly giữa Việt Nam-Trung Cộng-các nước Asean, tranh chấp đảo Senkaku giữa Nhật Bản-Trung Cộng, Bắc Hàn sản xuất vũ khí nguyên tử v.v… và đến năm 2020, 60% lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẽ di chuyển vào Thái Bình Dương với sự thành lập những căn cứ quân sự mới, lập thế trận với tàu ngầm nguyên tử, lập vòng đai bao vây Trung Cộng v.v… là những dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra, đưa đến một cuộc chiến tranh nguyên tử. Theo ông Lyndon LaRouch, để tránh tai họa hủy diệt này, Hoa Kỳ và những nước khác liên kết với nhau thực hiện những công trình hạ tầng cơ sở mà điển hình là kinh đào Kra nhằm mục đích đem lại hòa bình cho nhân loại. “Trụ điểm Á Châu” chỉ thật sự hiện hữu khi lý thuyết chiến tranh, kềm hãm phát triển tại các nước trong vùng Châu Á Thái Bình Dương được thay thế bằng những công trình kiến tạo phục vụ hòa bình. Dự án kinh đào Kra đem lại lợi ích cho sự phát triển Đông Nam Á nói riêng và đa số các nước khác ở vùng Tây Thái Bình Dương cũng như những nước ven bờ Ấn Độ Dương, là cơ hội gìn giữ hòa bình mà những nước có nền kinh tế phát triển và vũ khí nguyên tử nên tham gia.
Tuy nhiên hai chính quyền Anh và Hoa Kỳ và những chủ nhân ông tài chánh Wall Street chủ trương duy trì thủy lộ hàng hải qua eo biển Malacca để chế ngự lực lượng hải quân Trung Cộng trên đường vào Ấn Độ Dương. Hoa Kỳ không có một căn cứ quân sự nào ở vùng biển này mà chỉ có những căn cứ quận sự ở đảo Guam, Nhật Bản và Đại Hàn. Vì vậy sau vụ khủng bố 9/11/2001 ở New York, chính phủ Hoa Kỳ tích cực vận động nước Ấn Độ hợp tác quốc phòng và tuần tra eo biển Malacca để ngăn chận những nổ lực phá hoại của bọn khủng bố và bọn cướp biển.
5. Thái độ của Trung Cộng:
Mặc dầu kế hoạch kinh đào Kra được thượng viện Thái Lan chấp thuận vào năm 2007, nhưng sự thực hiện vẫn bị đình hoãn vì lý do môi trường. Người ta e ngại sử dụng năng luợng hạt nhân để đào kinh sẽ gây ô nhiểm phóng xạ. Thật ra, hai lý do chính của sự đình hoãn là: (i)- Sự phản đối của chính quyền Singapore. Kinh đào Kra sẽ chiếm lấy vị trí trung tâm thương mại của nước này trong vùng Đông Nam Á. Điều này làm cho Singapore bị mất đi một nguồn tài chánh lớn lao. (i i)- Chính quyền của Tổng Thống Bush cha và Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumfeld trong thời Tổng Thốn Bush con lo ngại Trung Cộng tạo được ảnh hưởng kinh tế-tài chánh và quân sự tại các nước thuộc khối Asean.
Điều lo ngại này trở thành hiện thực vì trong những năm gần đây, về phương diện quân sự, Trung Cộng biểu dương sức mạnh hải quân ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương như trận chung với hải quân Hoa Kỳ ở vùng biển gần quần đảo Hawaii, lập vùng phòng không trên biển Hoa Đông, ngang nhiên đòi chủ quyền 90% biển với đường lưởi bò trên Biển Đông, tập trận bắn đạn thật trên biển Đông, đưa tàu chiến bảo vệ dàn khoang Hải Dương 981 thăm dò đầu khí trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xây dựng căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam, lấn chiếm và xây dựng phi trường trên các rặng đá ngầm trong vùng biển Philippines v.v… và hạ tuần tháng 9/2014 đưa hai tàu chiến vào Vịnh Ba Tư thăm viếng và tập trận với hải quân Ba Tư. Ngày 24-10-2014, những nhà lãnh đạo quốc phòng của Trung Cộng bày tỏ ý đồ thành lập liên minh hải quân với Iran. Tư lịnh hải quân Mỹ khẳng định hỏa tiển của Trung Cộng có khả năng bắn đến Hawaii, Alaska và bờ Tây Thái Bình Dương của lãnh thổ Hoa Kỳ.
Về mặt kinh tế tài chánh, chủ tịch Tập Cận Bình viếng thăm nhiều nước trên thế giới, đặc biệt cam kết với khối Asean sẽ tái lập đường hàng hải tơ lụa (maritime silk route), thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở để chỉnh trang các hải cảng tại những nước ở khu vực Đông Nam Á, tiếp xúc với chính quyền đảo quốc Maldives và Sri Lanca ở Vịnh Bengal, và hứa hẹn hợp tác phát triển du lịch, xây đựng phi trường và hải cảng quốc tế. Doanh số thương vụ giữa Trung Cộng và khối Asean từ 54.8 tỷ USD vào năm 2002 lên đến 443.6 tỷ USD vào năm 2013. Các nước Asean sẽ thành lập thị trường chung Đông Nam Á vào năm 2015, hoan nghênh sự hợp tác của Trung Cộng. Tháng 9/2014 Bộ Trưởng kinh tế Trung Cộng xác nhận việc thành lập ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở tại Đông Nam Á.
Ta biết rằng dầu hỏa và khí đốt là hai sản phẩm nhập cảng chính của Trung Cộng. Các nước vùng Vịnh Ba Tư và Châu Âu là những nguồn cung cấp dầu và khí đốt cần thiết cho sự sống còn của nền kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Cộng. Biết rằng rút ngắn con đường vận chuyển nhiên liệu từ Tây sang Đông sẽ đem lại nhiều lợi điểm nên Trung Cộng mạnh dạn hứa hẹn tài trợ cho việc xây dựng kinh đào Kra. Trung Cộng tin tưởng rằng những công ty quốc doanh khổng lồ của họ như LiuGong Machinery Co. Ltd and XCMG, và công ty tư doanh Sany Heavy Industry Co Ltd là những công ty hàng đầu có khả năng thành lập một nhóm sẵn sàng thực hiện việc đào kinh Kra dài khoảng 50km xuyên qua eo đất (kinh dài hơn dự trù ban đầu để giảm thiểu đoạn kinh đi ngang qua núi đá). Trung Cộng còn mong muốn chính quyền Thái Lan giao cho họ làm chủ đầu tư vào công trình kinh Kra, đồng thời cho phép họ đưa quân lính đến lập căn cứ quân sự để bảo vệ an ninh lưu thông trên kinh Kra. Tuy nhiên dư luận Thái Lan cho rằng không nên giao cho Trung Cộng thực hiện công trình kinh Kra vì vùng đất này là một vị trí chiến lược quan trọng. Người dân Thái Lan hiểu biết những điều các nước láng giềng lên án Trung Cộng gây ra sự bất ổn định ở Biển Đông.
Lợi ích của kinh Kra là điều không thể chối cải. Cho đến nay nó vẫn còn là một vấn đề tranh cải về các phương diện môi trường và tham vọng bành trướng của Trung Cộng. Người ta lo ngại rằng Trung Cộng sử dụng ưu thế tài chánh để phát triển thương mại tại các nước Asean đang tạo ra một giai cấp thương nhân nắm giữ chính quyền. Vì quyền lợi riêng, giai cấp này lần hồi đưa đất nước của họ lệ thuộc vào Trung Quốc và nạn Hán hoá làn tràn khắp vùng Đông Nam Á. Để cứu vãn tình thế này, các nước phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Nhật và Âu Châu nên đầu tư vào công trình Kra. Hiện nay, chính sách của Hoa Kỳ chỉ chú trọng đến sự tự do lưu thông trên biển Đông, tự do mậu dịch và xâm nhập vào thị trường nội địa của Trung Cộng. Chính sách này kềm hãm sự phát triển và biến các nước Đông Nam Á thành những thị trường tiêu thụ hàng hoá được sản xuất từ các khu chế xuất hay khu công công nghiệp do những nhà tư bản Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nhật, Đài Loan, Đại Hàn v.v… đầu tư trên lãnh thổ Trung Cộng. Nhờ lợi điểm nhân công rẽ, Trung Cộng có cơ hội tích lũy tư bản để sản xuất them vũ khí hiện đại, đe dọa các nước láng giềng nhằm mục đích xâm chiếm tài nguyên và đàn áp các phong trào đòi dân chủ tự do ở trong nước, điển hình như Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông. Đây là thời điểm Hoa Kỳ và các nước công nghiệp thuộc nhóm G20 cần xét lại chính sách đầu tư của họ vào Trung Cộng và tham gia xây dựng hạ tầng cơ sở như kinh đào Kra để phát triển và tăng cường khả năng quốc phòng cho các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Gilroy, ngày 12 tháng 10 năm 2014
Lê Trung Hiếu
Tài Liệu Tham Khảo:
- Trần Trong Kim: Việt Nam Sử Lược
- S Trịnh Vân Thanh: Danh Nhân Việt Nam, Nhà Xuất Bản Đại Nam, Glendale, California
- Kra History (New Inte–Asia Trade Route), http://www. Kracana–sez/history.html, 09/13/2014
- Kra Canal Indian Ocean/South China Sea To Be Revisited, http://www.2point6million.com/news/kra-canal-indian-ocean-south-china-sea-p… 09/16/2014
- The Kra Canal and Southeast Asian Relations: Journal of Current Southeast Asian Affairs 4/2012
- Grabbing excrement is better than grabbing flatulence, http://www.alternatehistory.com, March 23rd,2010
- China to bypass Malacca Strait by Kra Isthmus Canal in Thailand, http://chinadailymail.com/2014/03/16
Views: 2746