Phạm Thành Châu
Tết Nhất mà nói chuyện uống trà cũng là một cái thú. Người Việt mình, đa số lớn tuổi, đều thích uống trà. Mỗi người có một ý thích riêng, về loại trà, về cách pha chế, về thời điểm uống trà. Tựu trung, khi nhâm nhi tách trà, thả hồn vơ vẩn…ai cũng thấy giây phút đó thật thanh tao, nhàn hạ. Tôi vốn người phàm phu, uống trà kiểu ngưu ẩm. Buổi sáng đến sở làm bỏ hai gói nhỏ trà sâm và một gói nhỏ trà xanh tiền chế vào một ly cối, đổ nước sôi vào, thế là có một ly trà, uống thỏa mái. Hết, lại châm thêm nước sôi vào. Uống trà kiểu đó, thì đến cả chục ly cũng không thấy nàng thơ ở đâu cả vì tôi chưa hề động tâm khi nâng ly trà lên môi. Thế nên tôi mới đi tìm xem người ta uống trà cách nào mà thấy hứng thú, thi vị. Tuy sách báo tìm thấy rất giới hạn nhưng tôi cũng cố gắng tóm tắt ra đây một số vấn đề liên hệ đến trà. Phần chính là quyển “Trà Ðạo” của Okakura kakuzo xuất bản năm 1906 bằng tiếng Anh do Bảo Sơn dịch, sau đó là trích đăng những bài linh tinh về trà mà sách báo đã đề cập đến. Có một bài rất chi tiết về trà của nhà văn, bác sĩ Trần Trúc Quang, đã phân chất trà gồm những chất gì, tác dụng ra sao nhưng không đem vào đây, sợ người đọc mất hứng khi thưởng thức trà. Khác gì ngắm người đẹp mà lại tìm hiểu xem thân thể cô ta gồm bao nhiêu kí xương, bao nhiêu kí thịt, ruột gan phèo phổi nằm chỗ nào, hoạt động ra sao…Nói tí tí, kiểu ca tụng dung nhan mùa hạ của người đẹp thì không sao.
1 – Quyển Trà Ðạo của Okakura Kakuzo.
Chúng tôi xin tóm lượt quyển “Trà Ðạo” của Okakura Kakuzo theo nhiều mục nhỏ để tiện theo dõi.
A – Lịch Sử Về Trà
Nghe nói người ta tìm thấy tại Châu Âu bản văn đầu tiên viết về trà, ở trong truyện của một du khách người Ả Rập kể lại rằng sau năm 879 mấy nguồn lợi chính của Quảng Ðông là thuế đánh vào muối và trà. Marco Polo có ghi chép một vị Hộ Bộ đại thần Trung Hoa năm 1285 bị cất chức vì đã chuyên quyền tự ý tăng thuế trà lên. Vào cuối thế kỉ mười sáu, người Hòa Lan truyền cái tin ở Ðông Phương có một món làm bằng thứ lá cây uống rất ngon. Trà được nước Pháp biết đến năm 1636, và lọt vào nước Nga năm 1638. Năm 1650, nước Anh hoan nghênh và ca ngợi là “Một món đồ uống ngon tuyệt, tất cả các y sĩ đều tán thành món đồ uống mà người Trung Hoa gọi là trà, các nước khác gọi là tê (Thé) hay ti (Tea)” Tập quán uống trà bành trướng mau lẹ. Trong nửa đầu thế ki 18, những quán cà phê ở London đã biến thành những phòng trà, nơi hẹn của nhưng bậc anh tài như Addison và Steele…Trà cũng dự một phần trong lịch sử hiện đại. Thuộc địa Mỹ cam chịu áp chế cho đến khi sức nhẫn nhục của con người phải nổi dậy trước những khoản thuế quá nặng đánh vào trà. Nền độc lập của Mỹ bắt đầu từ ngày người ta quẳng những thùng trà xuống hải cảng Boston.
B – Môn Phái Trà
Trà, cũng như nghệ thuật, có những thời đại và môn phái của nó. Sự phát triển của trà có thể chia làm ba giai đoạn: Trà nấu (đoàn trà), trà khuấy (mạt trà) và trà ngâm (diệp trà hoặc tiễn trà). Hiện tại chúng ta thuộc về môn phái thứ ba. Ðoàn trà tức là trà bánh mà người ta đem nấu lên. Mạt trà là trà vụn người ta đem khuấy lên. Diệp trà, trà lá người ta đem ngâm trong nước sôi. Cây trà nguyên thổ sản miền Hoa Nam đã được các nhà thực vật học và dược học biết đến từ những thời đại rất xa xưa. Các văn gia cổ điển gọi nó bằng những tên khác nhau: Ðồ (Tou), Thiết (Tach) Thuấn (Chung), Giả (Kha) và Minh (Ming). Các môn đồ Ðạo gia coi trà là một vị trọng yếu trong môn thuốc trường sinh bất lão; còn các tăng đồ Phật giáo thường dùng trà để chống lại cơn buồn ngủ trong những giờ ngồi trầm tư mặc tưởng dài đăng đẳng. Vào thế kỉ thứ tư và năm, trà đã thành món đồ uống ưa thích của dân chúng ở thung lũng Dương Tử Giang. Chính thời gian nầy mới nảy ra tiếng biểu ý văn tự “Trà”, là tiếng nói chệch của tiếng “Ðồ” cổ điển. Hồi đó vua thường lấy trà quí, loại thượng hảo hạng chế biến ra để thưởng cho các công thần. Tuy nhiên, phương pháp uống trà hãy còn cổ lỗ hết sức. Người ta lấy lá trà đem hấp lên, bỏ vào cối giã, làm thành bánh rồi đem nấu với gạo,gừng, muối, vỏ cam, hương liệu, đôi khi có hành nữa. Tập quán nầy còn thịnh hành trong dân xứ Tây Tạng và các bộ tộc Mông Cổ. Lục Vũ (Luwuh), khoảng giữa thế kỷ thứ tám, là đệ nhất sứ đồ của trà. Trong tác phẩm danh tiếng của ông “Trà Kinh”, ông đã định pháp hóa về trà. Ông được thờ như vị thần giám hộ của các nhà buôn trà Trung Hoa. “Trà Kinh” gồm ba cuốn và mười chương. Chương tư dành để liệt kê và miêu tả hai mươi bốn thứ trà khí, và cũng từ đó ta thấy ảnh hưởng của trà đối với nghề làm đồ gốm Trung Hoa. Trong nghề đồ gốm, người ta đã biết, khởi thủy với ý định tái tạo màu sắc truyệt vời của ngọc thạch. Kết quả dưới đời Ðường, ở phương Nam người ta chế được nước men xanh (Thanh Từ) và ở phương Bắc, nước men trắng (Bạch Từ). Lục Vũ cho màu xanh là màu lý tưởng của chén đựng trà, vì nó tăng thêm màu lục cho nước trà, còn màu trắng thì làm cho nước trà có vẻ hồng hồng kém ngon. Ðó là vì ông dùng trà bánh. Về sau, khi các tay trà tượng đời Tống dùng trà vụn, họ ưa những chiếc bát nặng màu thanh mặc tức xanh đen và màu hạt tức nâu sẫm. Người đời Minh uống trà ngâm lại thích dùng những chiếc chén nhẹ men trắng.
Bộ Trà Kinh xuất hiện đã gây một kích động lớn thời bấy giờ; Lục Vũ được Ðại Tôn Hoàng Ðế (763-779)sủng ái, và danh tiếng của ông đã lôi cuốn cho ông rất nhiều môn đệ. Ðến đời Tống, mạt trà thịnh hành và dựng nên đệ nhị phái trà. Người ta bỏ lá trà vào cối đá xay thành bột rồi đem khuấy trong nước sôi bằng một chiếc “Trà Tiển” vót rất khéo bằng tre tốt, một đầu chẻ tách ra thàng nhiều mảnh. Trong Phật giáo đồ, phái Thiền phương Bắc đã đặt thành một nghi thức đầy đủ về trà. Các tăng lữ tập họp nhau trước tượng đức Bồ đề Ðạt Ma và chung nhau uống trà trong một chiếc bát với tất cả nghi thức thâm trọng của một thánh lễ. Ðối với người Trung Hoa ngày nay, trà là một món đồ uống ngon, nhưng không là một lý tưởng. Những nổi thống khổ triền miên của đất nước đã làm cho họ mất cả hứng thú của lẽ sống. Lá trà của họ thường làm cho người ta kinh ngạc vì hương của nó thơm như hoa , nhưng cái thi vị của nghi thức Phẩm Minh Hội dưới đời Ðường, đời Tống không còn thấy trong chén trà của họ nữa.
Tại Nhật, năm 801, nhà sư Tối Chừng (Saicho) đem về một ít hạt giống trồng ở Duệ Sơn. Nghe nói trong thế kỷ sau, có nhiều vườn trà được khai thác và giới quí tộc cùng tăng lữ rất hoan hỉ với món đồ uống nầy. Trà đời Tống đến Nhật Bản vào năm 1191, khi Vinh Tây Thiền Sư (Yeisaizenji) đi nghiên cứu về phái thiền ở Nam Hoa về. Vào thế kỷ 15, dưới quyền Mạc Phủ Tướng Quân Túc Lợi Nghĩa Chính (Shogun, Ashikaga-Voshinasa), nghi lễ Trà thang được đặt ra và biến thành một tổ chức độc lập và hoàn toàn có tính cách thế tục. Từ đó Trà Ðạo được thiết lập hẳn hoi ở Nhật Bản. Nó là một tôn giáo của thuật sống. Món đồ uống nầy đã thành một cớ để tôn thờ sự tinh khiết và thanh cao, một nghi thức thiêng liêng mà chủ nhân với tân khách nhân dịp đó cùng tiếp tay nhau để tạo nên cái hạnh phúc tối cao trên cõi đời này. Trà Ðạo là biến thể của Ðạo giáo.
C – Trà Thất
Trà Thất (Sukiya) không đòi hỏi gì hơn là một chiếc nhà nhỏ nơi thôn dã – một chiếc lều tranh – như thường gọi. Nguyên lai biểu ý văn tự của danh từ “Sukiya” là “Thị Hiếu Cư Trú”. Về sau các tay “trà tượng” (Cũng gọi là trà nhân) theo quan niệm riêng của họ về trà thất thay thế bằng nhiều chữ Hán khác, khiến cho danh từ Sukiya có thể có nghĩa như “Hư Không Trú Cư” hay “Phi Tương Xứng Trú Cư”. Nó là trú cư của hư không, vì nó không có đồ trang trí, trừ những vật có thể bày ra để thỏa mãn một vài nhu cầu lâm thời về phương diện thẩm mỹ mà thôi. Nó là trú cư của phi tương xứng, vì nó tôn thờ sự bất hoàn toàn, cố tình bày ra một sự vật gì còn dang dở để tùy cho trí tưởng tượng hoàn thành. Thoạt kỳ thủy,trà thất chỉ là một phần của chiếc phòng khách thông thường ngăn ra bằng những tấm bình phong. Phần ngăn lại gọi là Vi (Kakoi) một cái tên hiện vẫn còn dùng để gọi những trà thất đặt liền ngay trong nhà, chứ không xây cất riêng biệt ra một nơi. Còn Sukiya thì gồm một phòng trà chính trù liệu để tiếp đón không quá năm người. Một phòng thủy ốc (midsuya), phòng để rửa và sắp xếp các bộ đồ trà trước khi bưng vào trà thất. Một cái trì hợp (machiai)- hành lang ở cửa vào để khách đợi cho đến khi chủ nhân mời vào trà thất và một lộ địa (roji) lối đi ở trong vườn nối liền trì hợp với trà thất. Trông bề ngoài, trà thất không có gì đáng chú ý cả. Nó nhỏ bé hơn cả những nhà Nhật nhỏ bé nhất, ngay cả đến vật liệu dùng xây cất cũng cố ý làm ra vẻ thanh bần. Nhưng bộ phận nhỏ nhặt còn được làm kỹ lưỡng, tỉ mỹ có lẽ hơn cả những đền đài cung điện. Một trà thất tốt mắc tiền hơn một nhà ở thường, vì sự chọn lọc vật liệu cũng như thợ thuyền cần phải hết sức cẩn thận và tinh xác. Vì thế thợ mộc làm cho các trà tượng hợp thành một giai cấp riêng biệt hết sức danh giá. Tất các trà tượng đều là những nhà tu Thiền Tông và cố đem truyền tinh thần Thiền Tông vào những vật hiện hữu ở đời. Vì thế, cũng như tất cả các đồ dùng cần thiết cho trà thang đều phản ảnh rất nhiều giáo lý của Thiền. Kích thước chính thống của trà thất là bốn chiếc chiếu rưỡi. Còn cái lộ địa (roji) lối đi trong vườn từ hành lang trì hợp (machiai) tới trà thất, có ý nghĩa là giai đoạn minh tưởng, là đường đi đến chỗ tự giác. Lộ địa dùng để cắt đứt hết liên lạc với thế giới bên ngoài, và để gây cho khách một cảm giác lâng lâng thư thái, sẵn sàng đón nhận những thú vui hoàn toàn của duy mỹ chủ nghĩa đang đợi khách ở trong trà thất. Sau khi tâm hồn đã được chuẩn bị như vậy, khách lặng lẽ tiến gần đến nơi tôn nghiêm, và nếu là một võ sĩ, khách sẽ tháo kiếm gác trên cái giá dưới mái nhà. Rồi khách sẽ cúi thấp người xuống, chui vào phòng, qua một cửa không cao quá ba bộ. Ðộng tác nầy chủ ý nhắc đến tính khiêm nhượng. Trong khi đứng đợi ở trì hợp (machiai), khách đã thoả thuận vấn đề phân ngôi thứ, rồi từng người tiến vào chỗ ngồi của mình. Trong phòng hoàn toàn yên lặng ngoại trừ tiếng nước sôi reo trong ấm sắt. Ấm sắt ca rất hay, vì người ta đã xếp những mảnh sắt nhỏ ở đáy để phát ra những âm thanh đặc biệt nghe như tiếng vang của một thác nước bị mây phủ bít đi, tiếng những làn sóng biển xa xa hay tiếng thông reo vi vu từ một ngọn đồi khuất nẻo…
D – Vài Nhận Xét
Người Nhật thích dùng chữ “đạo”. Giết người cũng “đạo” như Thái Cực Ðạo, Như Ðạo, Kiếm Ðạo… Ðọc suốt gần trăm trang Trà Ðạo của Okakura kakuzo, quí vị sẽ không thấy ông ta nói gì về “đạo” của trà cả. Ông ta chỉ góp nhặt linh tinh những dữ kiện lịch sử từ Tàu sang Âu Châu, sang Nhật, vài câu chuyện ngụ ngôn của Phật giáo, Lão giáo…rồi gán ghép cho là trà đạo.
Tác giả viết trong thời kỳ Nhật xâm lăng Mãn Châu và đánh tan hạm đội Nga ở eo Ðối Mã nên giọng văn kiêu kỳ, mục hạ vô nhân. Người đọc tuy có được chút hiểu biết về lịch sử của trà nhưng để ý tìm xem cái thú vị, khoái cảm khi uống trà thì chẳng thấy đâu! cũng chẳng còn nhớ được gì vì nó không gây ra trong trí chút ấn tượng nào. Uống trà là để tìm sự thanh thản, đơn giản của tâm hồn và cả của việc uống trà nữa. Ðừng rắc rối, nhiễu sự! Bạn cứ pha một bình trà cho thơm, rót trà vào một cái tách cho sạch rồi bạn thử nhìn qua cửa sổ. Một khung thiên nhiên nho nhỏ với ánh rạng đông, với cảnh vật. Rồi bạn nâng chén trà lên…chừng đó thôi. Bạn sẽ thấy thú vị biết bao, cuộc đời đẹp biết bao!
2- Phần Trích Thuật Về Trà.
A -Thưởng Thức Hương Trà
Cụ Toan Ánh, trong tập “Hương Nước Hồn Quê” phát hành năm 1999. Trong tiểu mục “Thưởng Thức Hương Trà” (từ trang 403 đến trang 416) cụ nói về chuyện uống trà. Hình như đây là tác phẩm cuối của cụ nên có vẻ lẩm cẩm. Ví dụ câu “Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên của người Việt Nam là nước” (!?). Trước hết cụ kể đến các loại nước để pha trà gồm nước, nước mưa, nước suối và nước khoáng tuyền. Cụ kể một lô các khoáng tuyền trên khắp nước Việt rồi sau đó cụ nhảy qua Tàu, nói chuyện trà bên Tàu (!).Theo cụ thì bên Tàu có bốn thứ trà quí. Trà Bạch Mao Hầu, Trà Trảm Mã, Trà Trùng Ðiệp và Trà Thiết Quan Âm.
1 – Trà Bạch Mao hầu.
Núi Vu Di có những cây trà thiên nhiên, sống từ đời nầy sang đời khác, hột rụng xuống, mọc thành cây rồi thành rừng. Nhưng thế núi rất hiểm trở, không ai có thể leo lên núi để hái trà. Người ta bèn nuôi những con khỉ, cho uống thuốc phiện để chúng thành nghiện, sau đó tập cho chúng leo lên núi cao hái trà. Mỗi con đeo một cái túi, hái lá trà bỏ vào đó, đem xuống cho chủ. Con nào đem về nhiều trà thì được cho nhiều thuốc phiện, con nào ít thì bị phạt. Những lá trà, búp trà đó được chế biến thành một loại trà quí, gọi là trà Bạch Mao Hầu, chỉ dùng để tiến nạp cho vua và các quan đại thần.
2 – Trà Trảm Mã.
Sau núi Vu Sơn có rừng trà lưu cửu, lá trà rụng xuống những vũng nước trong hốc đá, lâu ngày thành chất nước ô long. Người ta bịt mõm ngựa, không cho ăn uống trong mấy ngày rồi dắt vào rừng trà, mở rọ mõm ra. Ngựa đói, ăn lá trà, uống nước suối (ô long). Hai ngày sau, vào đem ngựa ra, dẫn về. Khoảng vài ngày trà trong bao tử ngựa coi như được ủ men. Người ta giết ngựa, mổ bao tử ngựa lấy trà ra, giao cho quan chuyên môn chế biến trà. Ðó là Trà Trảm Mã. Trong trà đã có dịch vị của ngựa nên uống vào có công dụng tiêu hóa rất tốt.
3 – Trà Trùng Ðiệp.
Trong núi Ly Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây, có loại trà quí. Mùa xuân, trà đâm lá. Có một loại sâu chuyên ăn lá trà. Ðạo sĩ vào rừng bắt loại sâu nầy, mổ bụng lấy trà trong bụng sâu, ướp với búp trà hái trong rừng thành một thứ trà quí, uống vào trở nên sáng suốt, tỉnh ngủ. Trà rất thơm. Trước khi nhập định, các đạo sĩ, nhà sư uống Trà Trùng Ðiệp để khỏi buồn ngủ.
4 – Trà Thiết Quan Âm.
Trà Thiết Quan Âm sản xuất ở huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến. Vì cánh trà cong như mỏ chim ưng nên cũng được gọi là Ưng Chủy Trà. Uống vào không buồn ngủ, tinh thần sáng suốt. Pha để nguội, uống cũng thấy thích…
B – Công Dụng Của Trà
Uống mỗi ngày ít nhất một ly trà thì nguy cơ bị công tim (Heart attack) có thể giảm đến 40%. Ðây là kết quả của một nghiên cứu mới nhất, do chuyên gia về tim, bác sĩ Micheal Gaziano thuộc Harvard Medical School công bố tại hội nghị y khoa tổ chức tại Luân Ðôn vào ngày 8 tháng 7-1999. Ðây là cuộc nghiên cứu kéo dài một năm trên 340 người, cả nam lẫn nữ. Họ được cho uống trà thường, trà đen, trà xanh hay các loại thảo trà (herbal teas) khác, cuối cùng trà đen (black tea) chứa nhiều chất flavonoid (chất trà) hơn loại trà xanh (?), trong khi các loại thảo trà không cho biết có chất trà nào không. Flavonoid là những chất dinh dưỡng, giống như chất sinh tố, có tác dụng khiến các tế bào bớt đi hiện tượng vón cục lại. Nó cũng là chất chống ốc xy hóa (antioxidant) mạnh nhất, ngăn ngừa các hậu quả xấu của dưỡng khí trong cơ thể con người. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa khẳng định được việc uống trà tốt cho những người hút thuốc lá, uống rượu, người có lịch sử di truyền bị bịnh tim trong giòng họ hay không? Người ta cũng chưa xác quyết được uống trà có lợi cho việc ăn các thực phẩm béo vào và cho tỉ số chống mập không. Nghĩa là uống trà có tiêu mỡ hay giảm cân không? Hơn nữa uống trà pha đậm nhạt ra sao cũng chưa nghe nói đến. Tuy nhiên bảng nghiên cứu nhận định mạnh mẽ rằng so với những người từ trước đến nay không hề uống trà thì những ai uống mỗi ngày từ một ly trà trở lên có thể giảm tới 40% hiểm nguy bị công tim. Người ta thử nghiệm trên loài vật và thấy rằng chất Polyphenols trong trà có tác dụng ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư miệng và toàn bộ tiêu hóa. Trà xanh (green tea) là loại trà mộc mạc nên ít đem lợi ích cho sức khỏe (?). Trà đen (black tea), qua một quá trình ủ và phơi. Trà đen gồm nhiều hóa chất bảo vệ sức khỏe hơn trà xanh. Trà ô long, phẩm chất trung bình , nghĩa là hơn trà xanh nhưng kém trà đen. Hầu hết các loại không chế biến từ trà, mà chỉ có hương vị trà đều không có tác dụng chống ốc xít hóa của ba loại trà kia.
Có điều lạ là báo chí, trong thời gian sau đó, khoảng năm 2000, lại đăng những bài nghiên cứu của các nhà khoa học mạnh mẽ khuyến khích người ta uống trà xanh?
Hóa ra, từ xưa, ông bà chúng ta thường bảo “ Sáng một bình trà, chiều một chén rựợu, lương y không quấy ta”. Kinh nghiệm nầy đến nay khoa học mới xác nhận.
C – Những Ðiều Cần Biết Khi Uống Trà
– Những loại trà mắc tiền là chỉ đánh lừa những người thích ra vẻ ta đây, biết thưởng thức trà. Kỳ thực, trà thơm là nhờ ướp hóa chất. Trà ướp hoa ngâu, lài, cúc, sen… mới thực là trà ướp hoa mà giá cả không mắc. Khi bạn uống trà, thử để tách trà nguội đi, bạn sẽ thấy chỗ mép nước, trên vách chén trà có một lớp bợn nhỏ, mờ. Ðó chính thị là hóa chất đã ướp vô lá trà thôi ra. Uống những loại trà nầy, vừa tốn tiền vừa rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chúng tích lũy mỗi ngày, rồi thì bạn bị sưng gan, đau bao tử, đau tim, ung thư…lúc nào không hay. Bạn muốn có những mùi như của các loại trà đắc tiền, cứ nhờ những người bán hóa chất, mùi, màu ở chợ Kim Biên (Chợ Lớn) họ sẽ pha chế cho bạn.
– Không nên uống trà khi đói bụng, trà sẽ nhập vào phế phủ, làm lạnh tì vị. Ông bà ta có câu “Bất ẩm không tâm trà” (Không uống trà khi trong ruột không có gì)
– Không nên uống trà quá nóng. Nước trà quá nóng sẽ kích thích mạnh đến họng, thực quản, dạ dày. Theo một nghiên cứu, uống trà vượt quá 62 độ C, vách dạ dày dễ bị chứng đau bao tử. Nên uống trà dưới 56 độ C.
– Không nên uống trà nguội. Trà nóng làm cho tinh thần sảng khoái, tỏ tai, tỏ mắt. Trà nguội có tác dụng phụ như hàn, tụ đờm, không tốt.
– Không uống trà quá đặc. Trà đặc có nhiều caffeine và theocin, kích thích khá mạnh, dễ làm đau đầu và mất ngủ.
– Không uống trà pha thời gian quá dài vì chất mỡ, phenon trà, chất thơm có thể tự động oxy hóa, không những trà biến sắc mà giảm vitamin C, vitamin P, acide amin và số vi sinh vật (vi khuẩn) tăng , ảnh hưởng xấu đến vệ sinh.
– Không nên uống trà pha nhiều nước. Pha đến 3-4 nước thì không còn chất chè nữa và có thể làm cho những nguyên tố vi lượng có hại trong lá trà tan ra.
– Không uống trà trước lúc ăn cơm vì trà có thể làm giảm dịch vị, có thể giảm chức năng tiêu hóa, thu hút anbumin.
– Không nên uống trà ngay sau khi ăn cơm. Trong trà có chất tannic acide có thể phát sinh đông kết với anbumin và chất sắt trong thức ăn, ảnh hưởng đến sự hấp thụ anbumin và chất sắt.
– Không nên uống trà cách đêm, chất đường và anbumin trong trà có thể trở thành chất nuôi dưỡng tốt cho vi khuẩn và nấm phát triển. Tuy nhiên trà cách đêm, nếu chưa biến chất, có chất chua, chất flo có thể ngăn chặn xuất huyết ống mao tế như bị viêm xoang, đau lưỡi, ra máu chân răng, xuất huyết dưới da… Mắt thường xuất hiện tia máu hay chảy nước mắt, hàng ngày rửa mắt bằng trà cách đêm, sẽ thấy ngay hiệu quả. Mỗi sáng, trước khi đánh răng hoặc sau khi ăn sáng, ngậm súc nước trà cách đêm mấy lần, đã sạch miệng còn làm chắc răng.
– Không nên dùng trà uống thuốc. Trong nước trà có chất tantic, có thể phân giải thành tantic acid khi kết hợp với nhiều loại thuốc làm trở ngại hô hấp và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tục ngữ có câu “Nước trà giải thuốc” là vậy.
3 – Kết Luận
Người Việt ta, uống trà là một tập quán thanh cao. Giàu thì có trà đắt tiền, có bộ đồ trà rắc rối, chén tống, chén con… sang qua sớt lại nhiều lần mới uống. Dân trung lưu, dân nghèo có cái bình tích với mấy chiếc ly. Nông dân, thợ thuyền phải nấu cả nồi uống mới đả khát. Nhiều nơi, nhất là nông thôn, có người trồng trà trong vườn, mỗi buổi ra hái vào nấu. Chẳng hiểu chè và trà khác nhau chỗ nào, nơi thì gọi là trà, nơi thì gọi là chè, nhưng chè xanh là lá chè còn tươi, trà xanh là trà khi sản xuất chỉ ủ chứ không sấy. Tiếng chè còn chỉ một thức ăn nấu đường với đậu hoặc gạo hoặc bột, nhưng chỉ nói “ăn chè” chứ không nói “uống chè”. Tiếng “ăn chè” còn dùng chỉ mấy ông đi lăng nhăng, nó phát xuất từ câu chuyện một ông nhạc sĩ nổi tiếng (PD) dẫn một cô ca sĩ (em vợ) cũng nổi tiếng xuống Nhà Bè tù tì sao đó, có người biết được hỏi, ông ta bảo “Ði ăn chè thôi”.
Tiếng “chè” cũng để chỉ nước từ cây mía mới ép ra, chưa nấu thành đường.
Ở Huế, các nơi tụ tập của người lao động như trước ga Huế, góc đường trước cửa Thượng Tứ, bến đò, chợ… thường có chè xanh. Một người đàn bà ngồi dưới đất, chung quanh có mấy nồi lớn. Một nồi “nước cốt”, một nồi nước “nước pha”(?). Trước mặt là một bàn nhỏ, thấp tè, cao cỡ gang tay, bày mấy cái tô lớn. Trước bàn là một ghế dài, cũng thấy tè, vừa tầm cho khách ngồi “chò hỏ”. Khách ngồi xuống, khỏi nói, bà hàng cũng tự động lấy cái bát, dùng cái gáo múc nước chè cốt vào bát, thêm nước pha vào, đưa cho khách. Nước rót vào bát sủi bọt, thấy đã ứa nước miếng, bưng bát nước, mùi thơm thoang thoảng, uống vào, nghe vị chát nhưng có hậu ngọt, thơm thơm. Khách đang khát, uống một hơi là xong. Dân Huế nghiện uống chè xanh, đi xứ khác không có, nhớ và thèm chè xanh như người thất tình.
Ở Nghệ An vùng Ðô Lương, Nam Ðàn, Thanh Chương có tục luân phiên mời nhau uống nước chè xanh. Hôm nay nhà nầy, mai mốt nhà khác. Hàng xóm kéo đến vừa uống chè vừa trò chuyện. Ở đó, mọi tị hiềm, xích mích, những khó khăn của cá nhân, xóm giềng được giải quyết trong tình thân ái, giúp đỡ nhau. Nước chè, nước trà làm trí óc sảng khoái, sáng suốt, khác với rượu khiến người say mất cả lý trí.
Chúng ta, nơi xứ người thích uống trà buổi tối, buổi sáng. Ðó là cái thú thanh tao. Có điều lạ là các bà, các cô ít uống trà. Có chăng, thấy sẵn bình trà ghé rót một tách uống chơi. Hi vọng sau khi biết được uống trà, nhất là trà đen, trà xanh chữa được nhiều bịnh về tim mạch, ung thư các bà sẽ tham gia cùng các ông thưởng thức trà. Ðó là thuốc “An tâm” vì tin rằng mình uống trà sẽ khỏi phải lo bịnh hoạn gì cả.
Phạm Thành Châu
Views: 38