1975-2025: Nửa Thế Kỷ Cộng Đồng Người Việt Tại Houston

Nguyễn Ngọc Bảo (ĐS 22)

Đại diện quân,dân,cán,chính và các chị Ban Hợp Ca Hồn Việt trước Đài Tưởng Niệm Chiến Sĩ Việt-Mỹ trong một buổi chào cờ. Những người này đến đây chào cờ Hoa kỳ và cờ Việt Nam Cộng Hòa vào mỗi sáng Chủ Nhật trong suốt 7 năm qua.

Tôi vừa về đến nhà sau bữa ăn với vài người bạn vào trưa thứ Bẩy hôm nay tại một nhà hàng được nhiều người ưa thích trên đường Bellaire. Sau khi rời nhà hàng, tôi lái xe dọc theo đoạn đường hơn 5 cây số theo hướng Đông để ra vòng đai Beltway 8. Chiếc xe chạy qua những khu thương mại, nhà hàng, siêu thị, cửa tiệm, văn phòng bác sĩ, văn phòng nha khoa, văn phòng bảo hiểm, văn phòng địa ốc, văn phòng du lịch, đài phát thanh, đài truyền hình, tổ hợp luật, và những cơ sở thương mại khác của người Việt. Dọc theo hai bên lề, tôi trông thấy những bãi đậu kín mít xe mà người lái có lẽ phải khó khăn lắm mới tìm được một chỗ trống, kể cả ở những bãi có thể chứa được dăm bẩy trăm chiếc cùng lúc trong vài khu thương mại lớn.

Xe lăn bánh qua Universal Shopping Center nằm bên trái tôi. Sừng sững giữa trung tâm mua sắm đồ sộ này là tượng đài tưởng niệm chiến sĩ  Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và đồng minh trong chiến tranh Việt Nam mà cư dân thành phố thường gọi là đài tưởng niệm chiến sĩ Việt-Mỹ, với hai pho tượng cao lớn tượng trưng cho người lính VNCH và người lính Hoa Kỳ, tay cầm súng trong tư thế như đang xông vào quân địch. Khoảng 50 thước sau tượng đài này là đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam với các bức tượng nam, phụ, lão, ấu, tay xách nách mang bọc hành lý nhỏ nhoi trên hành trình tìm tự do. Tôi đã đến đấy rất nhiều lần.

Chung quanh tôi, dọc theo đường Bellaire, là một khung cảnh tấp nập những người là người. Đó đây, có những lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ đang tung bay phất phới. Từ tháng 6 năm 2003, Hội Đồng Thành Phố Houston gồm 14 nghị viên đã biểu quyết với đa số tuyệt đối công nhận quốc kỳ VNCH là lá cờ chính thức của cộng đồng cư dân Mỹ gốc Việt, được quyền treo trên các công sở, các nơi công cộng và lễ hội tại thành phố.

50 năm về trước, khi những người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Houston vào mùa Hè năm 1975, chỗ tôi đang lái xe là một vùng trông như đất hoang, được xẻ đôi bằng con đường Bellaire nhỏ hẹp chi chít ổ gà, với một làn đường đi vào, một làn đi ra. Hai bên đường là um tùm cỏ dại, không một cột đèn. Có lần tôi lái xe lạc vào khu này trong đêm tối mà ngỡ như mình đang đi trên một con  đường làng nghèo nàn trong cuốn phim với bối cảnh miền Tây hoang dã của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 mà tôi đã từng xem ở ngày mới lớn.Theo các khoa học gia thì hàng trăm triệu năm trước, nơi này là đại dương. Tôi không biết mất bao nhiêu triệu năm để bể cả biến thành ruộng dâu; nhưng tôi biết rõ chỉ trong ba mươi năm, ruộng dâu nơi đây biến thành những dẫy phố khang trang, sầm uất với đại lộ mỗi bên ba làn đường, ở giữa là những giàn hoa bốn mùa tươi nở.

Tất cả là nhờ người Việt.

Các building trong Saigon Houston Plaza. Nhà Hàng Kim Sơn chiếm trọn tầng trên building trong hình giữa

Những Năm Tháng Đầu Trên Đất Khách

Theo thống kê của chính quyền Hoa Kỳ, khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng Tư năm 1975 thì Houston, thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas, chỉ có khoảng 100 người Việt đang định cư. Hầu hết trong số này là sinh viên Việt đang du học và vợ của những quân nhân Hoa Kỳ đi theo chồng sau khi họ mãn hạn phục vụ ở Việt Nam. Đến tháng Sáu cùng năm, thành phố đón nhận những người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đầu tiên từ bốn trại tạm trú dành cho người tỵ nạn: Pendleton ở California, Eglin ở Florida, Fort Indiantown Gap ở Pennsylvania, và Fort Chaffee ở Arkansas. Phần lớn những người Việt đầu tiên định cư ở Houston đến từ Fort Chaffee, có lẽ vì trại này gần Houston nhất. Ngày ấy, đạo luật Hỗ Trợ Người Tỵ Nạn Đông Dương của chính phủ Hoa Kỳ (the Indochinese Assistance and Refugee Assistance Act of 1975), có hiệu lực từ năm 1975 đến 1978, đã chỉ định Houston là một địa điểm định cư chính cho người Việt.

Gia đình chúng tôi gồm bố mẹ tôi và 9 người con từ Guam đến Fort Chaffee vào trung tuần tháng 7 năm 1975. Cuối tháng 8, tôi và cô em kế được một đại học ở tiểu bang Oklahoma cấp học bổng nên rời trại để đến trường học nội trú. Tháng sau, bố mẹ và các em tôi được nhà thờ Northwoods Presbyterian ở Houston bảo lãnh. Họ thuê sẵn cho gia đình một căn nhà ở phía Bắc thành phố và trả tiền thuê cho đến khi bố tôi tìm được việc làm vài tháng sau. Đến mùa Hè năm tới, tức năm 1976, tôi và cô em chuyển trường về Houston để sống với gia đình.

Cho đến cuối năm 1975, số người Việt tại Houston tăng lên khoảng từ 4.000 đến 5.000 người. Con số này sống lọt thõm giữa hơn hai triệu cư dân địa phương trong thành phố rộng lớn. Thời bấy giờ ra đường gặp đồng hương là mừng vô hạn, cứ như là “tha hương ngộ cố tri” (đang lúc xa quê, gặp được bạn cũ) dù rằng đó là người mình gặp được lần đầu. Thế là cầm tay rối rít hỏi han, trao đổi số điện thoại, rồi mời đến nhà dùng cơm để có dịp kể cho nhau những câu chuyện gần xa, từ chuyện định cư ở xứ sở này đến chuyện ở nơi đã nghìn trùng cách biệt.

“Tha hương ngộ cố tri” là câu thứ hai trong một bài thơ của Uông Thủ, sinh vào đời Bắc Tống, nói về bốn niềm vui lớn trong đời người theo thứ tự. Nguyên văn bài thơ là “cửu hạn phùng cam vũ, tha hương ngộ cố tri, động phòng hoa chúc dạ, kim bảng đề danh thì,” tức “nắng chín năm gặp mưa, xa quê gặp bạn cũ, đuốc hoa đêm động phòng, bảng vàng có ghi tên.” Như vậy, xa quê gặp bạn cũ chỉ đứng sau nỗi mừng được mưa sau chín năm hạn hán, mà còn thú hơn cái sướng của đêm động phòng và niềm vui khi thấy tên mình trên bảng vàng một kỳ thi.

Về sau, tôi quen với người bạn hơn tôi vài tuổi. Anh kể rằng anh từ trại tạm trú đến Houston thui thủi một mình, không thân nhân, không bè bạn. Sau hai tháng sống chung với gia đình bảo trợ người bản xứ, suốt ngày lặp bặp tập nói tiếng Anh, một hôm anh ghé siêu thị gần nhà mua thực phẩm. Đang đứng trước một quầy hàng, anh nghe một giọng nói gắt gỏng vang lên: “Ba đã bảo sao con không nghe?” Nghe được câu tiếng Việt, anh cảm động đến nỗi ứa nước mắt. Chạy vòng qua quầy hàng gần đó, anh trông thấy một người đàn ông Á châu đứng cạnh đứa con trai độ năm, bẩy tuổi. Thế là quen nhau.

Nhớ đến tình đồng hương trong những năm tháng ấy; đến nửa thế kỷ sau, chắc ai ai vẫn thấy lòng bồi hồi, xúc động.

Hè năm 1976, tôi và cô em dời trường ở Oklahoma về sống với gia đình như đã đề cập. Tuy nhiên, sau khoá học mùa Thu năm trước, tức năm 1975, chúng tôi đã sang Houston thăm bố mẹ và các em vào dịp lễ Giáng Sinh và ở lại đến qua Tết Dương Lịch mới trở lại trường. Đó là những ngày thần tiên cho chúng tôi vì được ăn cơm với những món Việt do mẹ tôi nấu và trên bàn ăn, lúc nào cũng có bát nước mắm. Mẹ tôi kể, trong hai tháng đầu ở Houston, gia đình phải dùng xì dầu hiệu Maggi thay nước mắm vì thứ nước chấm này có bán trong một siêu thị lớn gần nhà. Một hôm, bố tôi kể với người bảo trợ về nỗi nhớ nhung vị nước mắm. Vài ngày sau, người bảo trợ đến nhà, bảo bố tôi rằng ông đã tìm được một tiệm bán thứ nước đậm đà tình quê này của người Việt và lái xe đưa bố mẹ tôi đến mua. Đó là tiệm chạp phô nhỏ với diện tích chỉ bằng một garage đủ chứa hai chiếc xe nằm trên đường Chartres, song song với xa lộ 59 ở phía Đông downtown. Tiệm của một người Trung Hoa, bán các thực phẩm khô nhưng ngạc nhiên thay, có cả nước mắm. Về sau, tôi đã ghé tiệm vài lần để mua thứ nước chấm quốc hồn quốc tuý này cho gia đình. Tôi còn nhớ đó là nước mắm hiệu Lucky, giá 99 cents một chai. Về sau, khi có các tiệm thực phẩm Việt, chẳng ai dùng loại nước mắm này để chấm vì chê không ngon. Tuy nhiên, lúc mới thỉnh được chai Lucky về nhà; ngồi vào bàn ăn, rót ra một chén, vắt múi chanh vào, dầm thêm chút ớt, vừa ngửi hương thơm đã thấy cả một trời hạnh phúc.

Trong những năm tháng đầu sống trên đất khách, rào cản ngôn ngữ và sự khác biệt về thói quen, tập quán đã lắm phen khiến người Việt bị điêu đứng. Tôi đã đọc, đã nghe kể lại nhiều chuyện hiểu lầm, có những chuyện thuộc loại cười ra nước mắt, như chuyện sau đây.

Tôi có người bạn, vừa hoàn tất năm thứ ba tại một đại học ở Sài Gòn trước khi định cư ở Houston vào tháng 8 năm 1975. Cô và gia đình được người bảo trợ thuê cho một căn apartment tại vùng Đông Nam của thành phố. Gần apartment có một tiệm bán quần áo cũ mà người Việt lúc ấy gọi là hàng “Mybo,” tức “Mỹ bỏ” mà cô và cô em kế của cô thỉnh thoảng ghé đến. Những tiệm quần áo cũ tại xứ sở này là nơi người Việt thời bấy giờ ưa chuộng vì giá hợp với túi tiền người di tản và quần áo còn khá mới.

Một ngày nọ, hai chị em rủ nhau thăm lại tiệm quần áo cũ. Họ đi bộ qua một tiệm dry cleaning, tức tiệm giặt hấp hoặc giặt khô theo tiếng Việt. Nhìn qua cửa kính tiệm, trông thấy dẫy quần áo sạch sẽ, thẳng thớm treo bên trong; tưởng đó cũng là tiệm bán quần áo cũ, các cô mừng quá, hý hửng bước vào. Thế là chọn hết chiếc này sang chiếc khác, săm soi từng đường may thớ vải. Người chủ tiệm, một phụ nữ da trắng đang ngồi đọc báo ở quầy tính tiền, ngước nhìn hai cô với ánh mắt ngạc nhiên nhưng vẫn lặng im. Có lẽ bà tưởng hai cô là khách khó tính, kiểm soát xem áo quần họ giặt có sạch không, ủi có thẳng không trước khi mang áo quần đến.

– How much? Cô bạn tôi lên tiếng hỏi khi đang cầm một chiếc váy trên tay.

Ngỡ bạn tôi hỏi giá giặt ủi mỗi chiếc váy bao nhiêu, bà chủ trả lời: “35 cents!”

Hai chị em mừng quá Chiếc váy đẹp thế này, vải tốt thế này, còn mới thế này, trông hợp thời trang thế này mà giá chỉ có 35 cents. Quả là vớ được món rất bở. Có bao nhiêu tiền mang theo phải mua bằng hết mới được.

Thế là hai chị em tíu tít chọn lựa. Khi cô bạn tôi ướm một chiếc váy vào người hỏi cô em, dĩ nhiên bằng tiếng Việt, trông có hợp với mình không thì bà chủ bỏ tờ báo xuống quầy, măt lộ rõ vẻ sửng sốt. Ngay lúc ấy, có người khách khệ nệ ôm một đống quần áo đến.

Hai chị em cảm thấy có điều bất thường nên ngừng tay nhìn bà chủ và người khách. Đến lúc bà ghi giấy nhận số quần áo, thu tiền người khách, và lấy những quần áo đã giặt trao cho người này thì hai cô mới biết mình “bé cái lầm,” đây đích thị là một tiệm giặt ủi.

Xấu hổ quá, hai chị em cúi chào bà chủ và khép nép đi ra. Kể lại chuyện xong, cô bạn bảo tôi: “Em đi ra mà có cảm tưởng như gáy mình nóng ran lên vì ánh mắt nhìn theo của bà chủ. Chắc bà ấy tưởng bọn em là hai con khùng.”

Vạn Sự Khởi Đầu Nan

Trong một bản phúc trình, chính quyền Hoa Kỳ phân biệt ba đợt sóng người tỵ nạn Việt Nam vào đất nước này như sau: 1) Những người đầu tiên đến ngay sau biến cố tháng Tư năm 1975, 2) Những thuyền nhân (boat people) trong cuối thập niên 70 và nửa đầu thập niên 80, và 3) Những cựu tù nhân của cái gọi là trại Cải Tạo đến trong nửa đầu thập niên 90. Cũng theo bản phúc trình, trong số ba đợt sóng này, một cách tổng quát, những người trong đợt đầu được đánh giá cao hơn về trình độ học vấn. Tuy nhiên, trình độ của họ không giúp bản thân được nhiều tại xứ sở này. Họ phải mầy mò học hỏi để mưu sinh. Không có kinh nghiệm để học hỏi từ lớp người đi trước, vì làm gì có người đi trước.

May mắn thay, nền kinh tế Hoa Kỳ giữa thập niên 70 tăng trưởng mạnh nhờ giá dầu tăng. Là thành phố được mệnh danh là thủ đô dầu hoả (World Oil Capital) của thế giới, Houston có rất nhiều công ty cung cấp việc làm liên hệ đến dầu khí. Điển hình là hãng tiện nổi tiếng Hughes Tool đã thuê mướn ào ạt nhân công người Việt vì ba lý do: thứ nhất, người Việt khéo tay; thứ hai, người Việt chăm chỉ; và thứ ba, người Việt không bao giờ từ chối làm giờ phụ trội (overtime), có khi còn vui vẻ là khác vì làm giờ phụ trội được trả lương gấp rưỡi, làm thêm Chủ nhật được trả gấp đôi. Tiền lương tối thiểu tại Texas vào năm 1975 là 2,10 Mỹ kim cho một giờ mà Hughes Tool trả người mới vào làm từ 4,00 đến 4,50 Mỹ kim. Cộng thêm ít ra 20 giờ phụ trội được trả gấp rưỡi mỗi tuần là dư giả nuôi gia đình và để dành tiền mua xe, mua nhà. Tôi nghe kể có lúc 90 phần trăm thợ tiện của hãng là người Việt. Dĩ nhiên, điều này không làm hài lòng những người thợ da mầu và người gốc Mễ đã chiếm một tỉ lệ rất cao trong hãng trước khi người Việt đến Houston.

Lúc bấy giờ, rất đông đàn ông người Việt tỵ nạn làm cho các hãng tiện giống như Hughes Tool và các hãng thầu xây dựng như Brown & Root. Thợ hàn, thợ sơn giỏi được trả đến 7,00 Mỹ kim một giờ, tha hồ mà tiêu.

Đến năm 1980, số người Việt tại Houston tăng đến khoảng 40.000. Một phần của sự gia tăng là kết quả của làn sóng thứ hai đến Hoa Kỳ, tức các thuyền nhân vượt biên từ năm 1977. Phần khác vì Houston có khí hậu ấm áp, dồi dào việc làm, và giá nhà tương đối rẻ nên nhiều đồng hương từ các tiểu bang khác dọn sang. Vào thời điểm này, một nghề được nhiều người Việt theo đuổi là bán hàng trong các tiệm tạp hoá như U-totem, 7 Eleven, và Stop & Go. Thời ấy, các chuỗi cửa hàng tạp hoá rất thích thuê người Việt nên đã mở nhiều lớp với thông dịch viên để huấn luyện cho những nhân viên người Việt vừa được thu nhận. Nghề  bán hàng này lương không nhiều nhưng bù lại, không đòi chuyên môn cao. Điều bất tiện là phải đối phó với mối nguy bị cướp bóc, nhất là khi làm ca đêm. Tuy nhiên, người Việt đặt giá trị gia đình lên hàng đầu nên đành chấp nhận rủi ro, để mang phúc lợi cho vợ, chồng, con cái.

Tôi nghe kể nhiều người làm cho các tiệm tạp hoá kiểu này đã liều lĩnh làm một việc không hợp tình, hợp lý và hợp pháp là mang bia, nước ngọt, thuốc lá mua giá rẻ từ nơi khác mang vào tiệm để bán kiếm lời thay vì bán những thứ này của tiệm cho khách. Giá mua các sản phẩm này từ những cửa hàng bán sỉ rất rẻ so với giá bán ra của tiệm nên mỗi ngày làm như vậy khoảng hai chục lần là kiếm được một số lời khá mà không phải đóng thuế. Nhiều người Việt thuở ấy cũng đã xây những cửa tiệm loại này để bán lại cho đồng hương. Trong nhiều năm trời, người Việt tại Houston đã thống trị các tiệm tạp hoá ở Houston, đặc biệt là các tiệm U-totem.

Một chị bạn tôi kể rằng khi gia đình chị từ Kansas City dọn sang Houston vào cuối thập niên 70, một người quen với gia đình đang làm quản lý cho U-totem đề nghị thân phụ chị trông coi một tiệm và “dậy nghề” ông mang hàng riêng vào bán kiếm lời. Vốn cả đời là nhà giáo nên thân phụ chị từ chối đề nghị này vì lương tâm không cho phép. Ông bảo “Làm ăn kiểu này rồi sẽ đánh sập hệ thống U-totem.” Chẳng hiểu nhận định của ông mấy phần trở thành sự thật mà U-totem ngày càng thêm lỗ lã trong việc kinh doanh. Năm 1983, Circle K Corporation mua tất cả cửa tiệm U-totem và đổi thành các tiệm Circle K.

Một sự kiện cần nhắc đến là những người Việt đến nước Mỹ trong “làn sóng thứ nhất” nhận được khá nhiều trợ cấp của chính quyền cùng sự giúp đỡ của các hội đoàn tôn giáo, các tổ chức thiện nguyện. Lúc bấy giờ chiến tranh vừa chấm dứt nên chính quyền Hoa Kỳ và người dân bản xứ có phần mang mặc cảm phản bội miền Nam Việt Nam. Vì lý do này, biết bao xứ đạo, các tổ chức thiện nguyện, và cá nhân đã tình nguyện bảo trợ cho khoảng 130.000 người tỵ nạn đến định cư tại Hoa Kỳ ngay sau biến cố tháng Tư năm 1975. Chính quyền thực hiện nhiều chương trình giúp đỡ như các lớp Anh văn dành cho người tỵ nạn, các lớp học nghề CETA (Comprehensive Employment and Training Act) kéo dài từ ba đến chín tháng mà học viên được trả mức lương tối thiểu khi theo học. Người có lợi tức thấp được hưởng welfare, food stamps. Sinh viên được cấp Basic Grant theo học đại học.

Đến năm 1990, theo bản Kiểm Tra Dân Số (US Bureau of the Census), có 18 phần trăm người Việt ở Houston tốt nghiệp bốn năm đại học. Đây là con số khá khiêm tốn so với cộng đồng Trung Hoa nhưng rất đáng khích lệ vì người Việt chỉ mới lập nghiệp tại thành phố này được 15 năm, trong khi người Hoa đã đến đây từ hơn trăm năm trước.

“Thủ Đô” Tiên Khởi: Những Dẫy Phố Phía Nam Trung Tâm Thành Phố (Downtown)

Cuối năm 1975, những người Công giáo Việt Nam được Tổng giáo phận Galveston-Houston và giáo xứ nhà thờ Holy Rosary cho phép thành lập cộng đoàn tại giáo xứ này và tổ chức Thánh lễ tiếng Việt cho giáo dân Việt Nam vào mỗi Chủ nhật tại Thánh đường. Linh mục Nguyễn Hữu Dụ và linh mục Đoàn Đình Bảng được giáo phận giao trách nhiệm trông nom cộng đoàn. Hai vị mục tử này đến từ trại tạm trú Fort Chaffee qua sự sắp xếp của cựu thượng nghị sĩ VNCH Phan Nguyệt Minh, tức phu nhân giáo sư Nha Khoa Nguyễn Văn Thơ. Lúc ấy bà là giám đốc chương trình định cư cho người tỵ nạn của Hội Từ Thiện Công Giáo USCC (The United States Catholic Conference) tại Houston, Texas.

Các Thánh lễ dành cho người Việt ở Holy Rosary lôi kéo hầu hết những người Công Giáo tại Houston. Còn gì hơn đang định cư tại xứ người mà được tham dự Thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ, nghe ca đoàn hát những bài Thánh ca quen thuộc từ quê nhà? Người ta chờ đợi Chủ nhật để đến nhà thờ, vừa dự Thánh lễ vừa có cơ hội hàn huyên với đồng hương. Khi Thánh lễ chấm dứt, mọi người ra bên ngoài, trước cửa nhà thờ hay trong bãi đậu xe, để túm năm tụm ba chuyện trò rôm rả. Một khung cảnh thật náo nhiệt.

Lúc ấy, vài người ở Seabrook và Kemah, hai thành phố kế cận nhau ven biển và là nơi định cư của nhiều ngư phủ Việt Nam, cách trung tâm thành phố Houston khoảng 30 dặm về phía Nam, chở tôm, cua, cá trên những xe bán tải, tức xe truck nhỏ, đến đậu bên cạnh nhà thờ Holy Rosary để bán cho đồng hương. Có người còn mang các thứ rau trồng trong vườn nhà như rau muống, rau thơm, cà chua, bí, bầu đến bán. Sau mỗi Thánh lễ, giáo dân xúm xít quanh những xe bán tải để chọn mua vì giá tôm, cua, cá rẻ hơn nhiều so với giá trong siêu thị và nhiều loại rau người Việt ưa thích không thể tìm thấy trong các cửa hàng thực phẩm của người bản xứ. Chứng kiến cảnh này, một số người có đầu óc kinh doanh nắm bắt cơ hội. Thế là các nhà hàng, các tiệm thực phẩm lần lượt mọc lên gần nhà thờ. Trước khi có Thánh lễ cho người Việt ở nhà thờ Holy Rosary, khu này là con phố chết với những ngôi nhà, toà building cũ kỹ hầu như không còn người ở nên giá thuê mướn khá rẻ, thích hợp với khả năng tài chánh những người vừa lập nghiệp trên đất khách. Dần dần, khung cảnh nơi đây trở nên náo nhiệt vào dịp cuối tuần, nhất là vào trưa và chiều Chủ nhật, sau hai Thánh lễ dành cho người Việt.

Những cơ sở thương mại tiên khởi của người Việt nổi tiếng trong thời gian ấy là tiệm thực phẩm Đông Dương, tiệm vải Nam Thành, Sài Gòn Dịch Vụ, nơi nhận gửi những thùng quà về Việt Nam qua các chuyến bay của Air France, nhà hàng Mai, nhà hàng Vạn Lộc. Đồng hương thích đọc sách và nghe nhạc có thể ghé đến tiệm sách và băng nhạc cassette Văn Hữu cũng trên đường Milam.

Khoảng năm 1979, chợ Hương Việt của bác sĩ Vũ Ban và bà Bích Ngọc khai trương ở đường Main, cùng với sự xuất hiện của Thủ Đô Plaza, thương xá đầu tiên của người Việt, cũng trên đường Main. Cả hai cơ sở thương mại này cùng toạ lạc gần nhà thờ Holy Rosary. Thủ Đô Plaza có nhà hàng, các cửa tiệm, kể cả tiệm vàng Việt Long ở tầng dưới và vũ trường Queen Bee ở tầng trên. Đến năm 1982 hay 1983, Milam Center, tức Trung Tâm Thương Mại Á Đông mọc lên giữa các con đường Milam, Travis, Drew, và Tuam. Chiếm một diện tích lớn của trung tâm là siêu thị Hoà Bình, siêu thị thực phẩm lớn nhất của người Việt Houston ở thời điểm ấy. Trung tâm có nhiều cửa tiệm bán đủ mặt hàng từ vải vóc, quần áo, giầy dép đến đồ chơi cho trẻ em. Đặc biệt, có đến 4 tiệm vàng ở đây gồm các tiệm Lê Chung, Minh Trí, Kim Hoàn, và Hoàng Ngọc. Sự hiện diện của bốn tiệm vàng tại cùng một khu thương mại chứng tỏ người Việt đã ăn nên làm ra trong những năm đầu tiên trên đất khách.

Thật ra, vào cuối thập niên 70, đã có hai khu thương mại của người Việt ở hướng Đông downtown, gần George Brown Convention Center bây giờ, là Vinatown và Vietnam Plaza. Tuy nhiên, hai khu này kém hẳn khu ở hướng Nam gần nhà thờ Holy Rosary về mức độ sầm uất.

Thời bấy giờ, bên cạnh những cơ sở thương mại Việt Nam ở phía Nam và phía Đông downtown, Houston còn có những cửa tiệm và nhà hàng Việt rải rác trong thành phố. Nổi tiếng trong số này là nhà hàng Saigon của võ sư Văn Bình trên đường Westheimer gần ngã tư Westheimer và Montrose, nhà hàng Boston Tea ở đường Franklin gần ngã tư Franklin và Milam, và tiệm thực phẩm Asia Center ở đường West Alabama gần ngã tư West Alabama và Shepherd. Tôi đã đến ba nơi này nhiều lần; đặc biệt là Asia Center vì ngoài các thứ thực phẩm bầy bán, tiệm còn cho thuê sách. Có thể nói tôi đã thuê và đọc ít ra là nửa số sách ở tiệm này. Đó là những sách đã xuất bản ở Việt Nam và do các nhà xuất bản Sống Mới và Xuân Thu ở Hoa Kỳ in lại.

Cuộc Di Tản Khỏi Trung Tâm Thành Phố

Hình trên: Tấm bảng do chủ nhân Hồng Kông dựng trên mảnh đất đầy cỏ dại. Hình dưới: Hồng Kông Citi Mall ngày nay

Bước sang đầu thiên niên kỷ mới, các khu thương mại của người Việt tại downtown trở nên sầm uất khiến người bản xứ gọi nơi này là Little Saigon. Năm 2004, qua sự vận động của một số người Việt, chính quyền thành phố đã đặt vài tên đường gần các khu thương mại này bằng tên các danh nhân Việt Nam như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, v.v.. Những bảng tên Việt có cùng kích thước với bảng tên đường nguyên thủy tiếng Anh và được gắn cạnh nhau.

Tuy nhiên, từ những năm cuối thập niên 90, chính quyền thành phố có kế hoạch chỉnh trang, làm mới khu downtown. Bắt đầu là các công trình kéo dài cả hai hay ba năm trời để mở rộng đường phố, thiết lập tuyến đường cho xe điện. Nhà cửa cũ kỹ bị phá đi để thay bằng nhà mới. Giá nhà đất, giá thuê tăng vọt, những building cho người Việt thuê bị đòi lại khi giao kèo chấm dứt. Doanh gia Việt Nam, chủ nhân những cơ sở thương mại trong khu này, bị lúng túng.

Lúc bấy giờ, một phần khá lớn người Việt Nam sống trong vòng đai I-610 đã chuyển gia đình sang sống ở khu Tây Nam, giữa vòng đai I-610 và Beltway 8, tức vòng đai thứ hai vừa được hoàn tất. Nhiều người có điều kiện tài chánh cao hơn dọn đến Sugar Land, thành phố đang phát triển cũng trong vùng Tây Nam nhưng nằm ngoài Beltway 8, vì nhà ở đây mới hơn, rộng hơn, và trường học tốt hơn. Cũng theo bản Kiểm Tra Dân Số năm 1990 thì lợi tức trung bình của một gia đình người Việt năm ấy ở Harris County, tức quận hạt bao gồm Houston, là 22,284 Mỹ kim trong khi của gia đình người Việt ở Fort Bend County, quận hạt bao gồm Sugar Land, là 39,318 Mỹ kim (tương đương với 53.612 và 94,700 Mỹ kim theo thời giá hôm nay), tức 44 phần trăm cao hơn. Tình trạng giá nhà tăng cao cộng với số lượng người Việt sống ở vùng Tây Nam thành phố càng ngày càng đông khiến chủ các cơ sở thương mại Việt Nam trong khu downtown, kẻ trước người sau, lần lượt chuyển về đường Bellaire. Người nhìn xa trông rộng trong số doanh nhân người Việt lúc ấy là chủ Hồng Kông City Mall, một người Việt gốc Hoa. Vào thập niên 80, ông mở siêu thị rộng lớn Hồng Kông I trên đường Gessner rồi ít lâu sau, thừa thắng xông lên, khai trương Hồng Kông II ở khu Đông Nam, gần Southbelt, và Hồng Kông III ở vùng Tây Bắc. Khoảng năm 1997-1998, khá nhiều người Mễ dọn đến chung quanh Hồng Kông I nên ông quyết định dời đi. Một thân hữu của tôi là doanh nhân từng cộng tác với chủ nhân siêu thị Hồng Kông kể với tôi ông chủ này mua 33 mẫu đất ở đường Bellaire với giá một foot vuông (square foot) chỉ bằng khoảng 1/50 so với giá cho mảnh đất còn trống hiếm hoi gần đó theo thị trường hôm nay. Lúc ấy khu vực này trông hoang vu với những bãi đất và đồng cỏ bỏ không.

Tuy việc xây cất chỉ hoàn tất sau hai năm nhưng khi vừa mua đất, doanh nhân nhìn xa trông rộng này dựng một tấm bảng lớn cho biết nơi đây sẽ trở thành Hồng Kông City Mall. Thế là chủ nhân các cửa tiệm, nhà hàng ở downtown theo nhau mua đất gần khu này để dời cơ sở kinh doanh của họ đến. Khi ấy, người Trung Hoa đã chiếm lĩnh khúc đường Bellaire gần hai cây số từ đường Gessner đến Beltway 8. Đoạn đường gần bẩy cây số từ Beltway 8 đến Eldridge Parkway từng khúc một thuộc về người Việt. Lúc Hồng Kông City Mall được khánh thành với siêu thị, vài chục cửa hàng, tiệm ăn, và một bãi đậu xe rất rộng, bà chiêm tinh gia Hồng Liên tuyên bố rằng con đường Bellaire từ Gessner đến Beltway 8, tức Chinatown, là đầu rồng, từ Beltway 8 đến Eldridge Parkway, về sau được đặt tên Little Saigon, là mình rồng, tiếp theo đó là đuôi rồng. Nếu trong phần “đầu rồng” có một số cơ sở thương mại của người Việt thì trong phần “mình rồng” cũng có vài cửa hàng của người Trung Hoa. Tuy nhiên, đây chỉ là thiểu số.

Nhà Hàng Mai năm 1978 (hình trên) và bây giờ (hình dưới)

Ngày hôm nay, lái xe dọc theo “mình rồng,” chúng ta sẽ trông thấy những trung tâm thương mại Việt Nam khang trang, bề thế với những cơ sở kinh doanh của người Việt nằm san sát nhau. Chỉ trong đoạn “mình rồng” này mà có đến bốn siêu thị rộng lớn, siêu thị nào cũng tấp nập kẻ ra người vào kể cả nhiều khách hàng bản xứ.Trong khi đó, tại phía Nam downtown của Houston hiện nay chỉ còn đôi ba cơ sở kinh doanh của người Việt bên cạnh những building rộng lớn, mới mẻ, và bề thế vừa được xây trong đợt làm mới thành phố đầu thập niên 2000. Một trong những cơ sở này là nhà hàng Mai, nằm trên đường Milam, gần nhà thờ Holy Rosary. Khi được khai trương năm 1978, Mai là một tiệm ăn nhỏ trên đường Bell. Đến năm 1984, việc kinh doanh thuận lợi nên người chủ dời nhà hàng về địa chỉ hiện tại. Ngày nay, Mai là nhà hàng nổi tiếng trong cộng đồng bản xứ, tấp nập người vào ra, đặc biệt vào những ngày cuối tuần mà khách phải đợi khá lâu mới có bàn. Ước lượng phải đến 70 phần trăm khách đến đây là người bản xứ.

Xung Đột Trong Quá Khứ

Không có thành công nào mà không trải qua những khó khăn, vất vả. Để đạt được thành quả hôm nay, người Việt Houston đã phải khắc phục nhiều trở ngại trong hành trình 50 năm, nhất là trong những năm tháng đầu. Một trong những khó khăn nhất khi khởi đầu cuộc sống tại xứ người là phải vượt qua sự chống đối của thiểu số người bản xứ vì sự cạnh tranh miếng cơm manh áo. Kể từ ngày định cư tại Houston, tập thể người Việt đã ít nhiều gặp phải trường hợp này, nhất là trong những năm tháng đầu tiên khi hai bên còn lạ lẫm với nhau.

Tôi đã nghe nhiều người kể lại những cuộc va chạm giữa người Việt với người bản xứ và với những sắc dân khác, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi châu và người Mễ, ở các hãng xưởng trong những năm đầu trên xứ người. Phần lớn nguyên nhân xẩy ra xung đột vì công nhân Việt chăm chỉ, chịu khó nên được cấp trên quý mến, ưu đãi. Có những hãng tiện, hãng hàn, hãng làm việc lắp ráp dây chuyền rất hài lòng với nhân viên Việt Nam nên khi những người này giới thiệu bạn đến xin việc, chủ hãng hoặc sếp trực tiếp nhận vào làm ngay. Số nhân viên người Việt càng ngày càng đông, chẳng mấy chốc lấn lướt số nhân viên người bản xứ. Thế là xích mích xẩy ra.

Thời bấy giờ, các tờ báo Houston Chronicle và Houston Post cũng đề cập đến những xung đột giữa người Việt và người Mỹ gốc Phi châu tại Allen Parkway, một chung cư nghèo nàn với xấp xỉ ngàn căn hộ không có máy lạnh gần khu downtown.

Năm 1976, khoảng 90 phần trăm trong số gần ngàn căn hộ tại Allen Parkway có người ở và hầu hết cư dân là người Mỹ gốc Phi châu. Lúc ấy, chính quyền thành phố bắt đầu sắp xếp cho người Việt tỵ nạn vào ở những căn trống, rồi hễ người trong chung cư dọn đi thì có ngay người Việt đến để điền vào. Chỉ hai năm sau, số người Việt ở chung cư đã gần bằng số người bản xứ gốc Phi châu và các cuộc tranh chấp, đụng độ xẩy ra, lắm khi là ẩu đả giữa các thanh niên thuộc hai sắc tộc. Một thời gian sau, khi tìm được việc làm lương hậu và để dành đủ tiền thì người Việt ở đây lần lượt tìm mua hoặc thuê nhà ở nơi khác đủ tiện nghi hơn.

Một trường hợp tranh chấp làm rúng động toàn quốc Hoa Kỳ là cuộc xung đột bạo lực ở Seabrook và Kemah giữa các ngư phủ người Việt và người bản xứ vào những năm 1980 và 1981.

Như đã đề cập ở trên, Seabrook và Kemah là hai thành phố ven biển sát nhau, cách Houston khoảng 30 dặm, và là nơi hàng trăm gia đình người Việt rủ nhau đến lập nghiệp trong những năm 1975 và 1976. Hầu hết người Việt ở hai thành phố này lúc ấy sống bằng nghề biển, đàn ông con trai bẫy cua, đánh tôm, lưới cá; đàn bà con gái lột cua, tôm, phân loại cá tại các vựa, hoặc làm việc trong các tiệm hải sản. Trước khi người Việt đến, nơi này là làng chài của ngư phủ bản xứ. Sự cạnh tranh của người Việt khiến người Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc mưu sinh so với lúc trước nên đã tìm mọi cách để đẩy khối người Việt ra khỏi lãnh thổ của họ. Ngư phủ Mỹ hành nghề nơi đây đã nhiều đời. Họ nghĩ cua, tôm, cá trong vùng có hạn. Bây giờ miếng bánh của họ bị chia đôi.

Tuy vừa chân ướt chân ráo đến hành nghề tại những nơi trong vùng vịnh Texas, người Việt có nhiều lợi thế hơn người bản xứ. Họ chịu khó hơn, chăm chỉ hơn, ở chung nhiều người trong những căn nhà di động (mobile home) xập xệ, ăn tiêu dè sẻn, chấp nhận đời sống kham khổ để tiết kiệm tiền đóng thêm thuyền. Cán cân cạnh tranh ngày càng nghiêng về phía người Việt. Điều này dĩ nhiên làm tăng thêm sự bất an đối với ngư phủ Mỹ.

Đến cuối năm 1980, tranh chấp giữa ngư dân người Việt và người Mỹ tại Seabrook và Kemah bùng nổ lớn. Để đe dọa ngư dân Việt tại Seabrook và Kemah, người Mỹ tại đây đã mời nhóm Ku Klux Klan (thường được gọi là KKK), một tổ chức kỳ thị cực đoan, quá khích, và sẵn sàng sử dụng bạo lực đến Seabrook phô trương lực lượng. KKK chủ trương dân tộc da trắng là thượng đẳng và xem những dân tộc da mầu là thấp hèn.

Vào trung tuần tháng Ba năm 1981, một chiếc tầu đánh tôm lớn chở những người trong nhóm KKK diễn hành dọc theo con sông trong thành phố. Những người này mặc áo choàng trắng, đội mũ trùm đầu, trang phục truyền thống của KKK, và có võ trang. Trên tầu, họ treo một hình nộm người Việt bị treo cổ. Đồng thời, nhóm KKK rải truyền đơn kêu gọi ngưởi bản xứ chống ngư dân Việt và tiến hành các vụ đốt thánh giá trong thành phố để khủng bố tinh thần người Việt. Đốt thánh giá là hình thức khai chiến của KKK kể từ đầu thế kỷ 20, khi họ chống người Do Thái và người Mỹ gốc Phi châu. Trong vài ngày, có hai tầu đánh cá của người Việt trong vùng bị họ đốt cháy.

Đến lúc này thì một số người Mỹ gốc Do Thái có thế lực bước vào cuộc chiến để giúp người Việt ở Seabrook và Kemah. Đầu tháng Tư, Hội Ngư Phủ Người Việt, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Văn Nam, một cựu đại tá Quân Lực VNCH và là chủ một tiệm hải sản ở Seabrook, cùng với Southern Poverty Law Center (SPLC) tại Montgomery, Alabama, nộp đơn kiện KKK vì cạnh tranh thương mại thiếu công bằng. SPLC là tổ chức pháp lý phi lợi nhuận, được tài trợ bởi nhiều người Do Thái, và nổi tiếng với các vụ kiện chống lại những nhóm theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.

Vào tháng sau, bà Gabrielle McDonald, vị thẩm phán toà liên bang gốc Phi châu đầu tiên, ban quyết định thuận lợi cho ngư dân Việt và ra lệnh cấm KKK hoạt động trong vùng Vịnh. Bị xử thua tại toà và cảm thấy không dễ dàng bắt nạt những người trưởng thành trong chiến tranh Việt Nam bằng bạo lực, nhóm KKK âm thầm rút lui. Những ngư dân bản xứ chống đối người Việt bị đặt trước ngã ba đường, hoặc tiếp tục khai thác hải sản một cách hài hoà với người Việt, hoặc chuyển sang một nghề khác, hoặc dọn khỏi thành phố.

Sau vụ kiện, ngành ngư nghiệp của người Việt phát triển mạnh tại các làng chài dọc vùng duyên hải Texas. Người Việt làm chủ các bến tầu, các vựa thu mua hải sản từ tầu, các cửa hàng hải sản bề thế. Dần dần, có lẽ phải đến 95 phần trăm ngư dân đánh tôm ở Texas là người Việt. Từ những mobile homes ọp ẹp, tối tăm lúc ban đầu, các ngư dân Việt đã dọn vào những căn nhà rộng lớn, trông như những biệt thự đồ sộ, nguy nga.

Bảo Tồn Văn Hoá Việt và Các Hội Đoàn Người Việt Ở Houston

Song song với nỗ lực an cư, lạc nghiệp trong suốt nửa thế kỷ qua, người Việt ở Houston đã cố gắng duy trì ngôn ngữ và văn hoá Việt. Kể từ khi có những lớp Việt ngữ đầu tiên dành cho các em gốc Việt từ cuối thập niên 70 tại giáo xứ Holy Rosary, nhiều trường Việt ngữ và lớp Việt ngữ đã được thành hình. Đáng kể nhất là trường Hùng Vương đã hoạt động liên tục suốt hơn 38 năm từ 1986 đến nay và trường Khai Trí được thành lập năm 2014. Tất cả các giáo xứ Công Giáo và đa số chùa ở Houston có những lớp Việt ngữ vào cuối tuần.

Điểm đặc biệt đối với cộng đồng người Việt ở Houston là các thanh thiếu niên trưởng thành tại xứ sở này học được và áp dụng thói quen sống với hai nền văn hoá Mỹ-Việt. Khi ở trường, các em cư xử như những người bạn bản xứ nhưng khi về nhà, sống với văn hoá gia đình đậm nét Việt Nam.

Trong lãnh vực truyền thông, từ năm 1977 đến nay, Houston luôn có những tờ báo Việt ngữ. Năm 1980, chương trình phát thanh Việt ngữ đầu tiên của người Việt xuất hiện mỗi tuần một lần trên radio do Đoàn Văn Nghệ và Công Tác Xã Hội Lạc Việt thực hiện. Cũng chính đoàn Lạc Việt đã thành lập Đài Truyền Hình Việt Nam vào năm 1986. Kể từ đó, có những đài phát thanh, đài truyền hình Việt Nam từng phục vụ cộng đồng người Việt tại Houston. Nhiều cơ quan truyền thông này không còn nữa; tuy nhiên, trong thời gian hoạt động, họ đã cung cấp cho người dân những tin tức cần thiết trong đời sống và góp phần duy trì bản sắc văn hoá Việt. Hiện nay, thành phố có hai đài phát thanh Việt ngữ là Radio Saigon Houston, VIET Radio Houston, cùng hai đài truyền hình là VIETV Network và ABTV-Houston.

Kể từ ngày đầu tiên định cư trên xứ người, người Việt ở Houston thành lập rất nhiều hội đoàn, hầu hết là các hội ái hữu, nơi quy tụ những cựu học sinh chung một mái trường ngày còn ở quê nhà, những người từng sống hoặc sinh ra tại một địa phương trên nước Việt, những cựu quân nhân xuất thân từ một quân trường, những cựu quân nhân chung binh chủng, những người đã bị giam cầm trong cái gọi là trại cải tạo, v.v. Là những hội ái hữu, thỉnh thoảng họ tổ chức những buổi họp mặt để các hội viên gặp nhau và chia sẻ kỷ niệm xa xưa. Chính những hội ái hữu này đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá Việt tại hải ngoại.

Bên cạnh những hội ái hữu, Houston còn có nhiều hội đoàn tôn giáo và các tổ chức thiện nguyện. Một trong những tổ chức có quá trình hoạt động lâu dài và được nhiều đồng hương biết là Hội Văn Hoá Khoa Học Việt Nam. Hội được thành lập năm 1990 và hoạt động liên tục suốt 35 năm cho đến hôm nay qua 8 đời hội trưởng và ban chấp hành. Có thể nói hàng dăm, bẩy trăm đồng hương ở Houston đã từng là hội viên của hội, ít ra trong một giai đoạn. Trong lãnh vực văn hoá, hội đã thực hiện rất nhiều sinh hoạt, điển hình là các lớp văn học và lịch sử Việt vào mùa hè cho thanh thiếu niên. Trong ba năm qua, vào mỗi trung tuần tháng 9, hội đã tổ chức hội chợ Văn Hoá Việt, tức Việt Cultural Festival tại NRG Center, bên cạnh NRG Stadium của đội bóng bầu dục Houston Texans; mỗi hội chợ thu hút hơn 10.000 người tham dự.

Ngoài ra, Houston và những thành phố lân cận còn có Hội Đồng Đại Diện Cộng Đồng (HĐĐDCĐ) Người Việt Tại Houston và Vùng Phụ Cận do cư dân người Việt bầu ra. Tổ chức này có trách nhiệm giúp đỡ đồng hương trong lãnh vực an sinh xã hội, đại diện cộng đồng trong các giao dịch với chính quyền bản xứ để bảo vệ quyền lợi người Việt, và ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng sản nhằm gây phân hoá khối người Việt tỵ nạn. HĐĐDCĐ tại Houston được thành lập từ năm 1983 với vị chủ tịch tiên khởi là ông Nguyễn Văn Nam, cựu đại tá Quân lực VNCH, và là người lãnh đạo khối ngư dân Việt ở Seabrook và Kemah trong cuộc tranh chấp với nhóm KKK như đã đề cập. Điều đáng nói là không như vài thành phố Hoa Kỳ khác có đông người Việt cư ngụ, Houston bao giờ cũng chỉ có một HĐĐDCĐ duy nhất do người Việt bầu lên.

Chủ tịch HĐĐDCĐ Houston hiện nay là nha sĩ Chu Văn Cương, một người trẻ nhiệt huyết, có khả năng, được khối người Việt ở thành phố này tin cậy. Nhờ sự tin cậy này, HĐĐDCĐ vừa mua được một mảnh đất rộng 3.5 mẫu với giá 2.6 triệu Mỹ kim trên đường Bellaire, gần với Texas State Highway 6, để làm trung tâm sinh hoạt. Như vậy, mảnh đất này nằm trong phần “đuôi rồng,” theo lời chiêm tinh gia Hồng Liên. Cuối tháng 8 năm 2024 vừa qua, cả ngàn người đã tham dự buổi tiệc do HĐĐDCĐ tổ chức để gây quỹ trang trải một phần chi phí mua đất. Hy vọng rằng với sự tín nhiệm đang nhận được từ đồng hương, HĐĐDCĐ đương nhiệm sẽ đóng góp được nhiều trong sự phát triển của cộng đồng người Việt Houston.

Đóng Góp Cho Xã Hội 

Kể từ ngày đầu định cư, trong suốt nửa thế kỷ qua, cộng đồng người Việt ở Houston đã đóng góp cho xã hội sở tại những cống hiến và thành tựu đáng kể trong rất nhiều lãnh vực như khoa học, kỹ thuật, giáo dục, kinh tế, thương mại, tài chánh, ngư nghiệp, xây dựng, và đặc biệt là ẩm thực. Báo chí của người bản xứ đã nhiều lần ca ngợi những thành quả của người Việt ở thành phố này. Tại các hãng xưởng, các nhân viên gốc Việt được cấp trên tín nhiệm và quý mến. Đầu thập niên 90, khi tôi làm việc trong chương trình phi thuyền Con Thoi (Space Shuttle) của Hoa Kỳ thì trung tâm không gian Johnson Space Center của NASA có hơn 300 chuyên viên gốc Việt, đa số là kỹ sư các ngành. Một đồng nghiệp gốc Việt của tôi lúc ấy đã được NASA trao giải “Inventor of the Year” (Nhà Phát Minh Lỗi Lạc Nhất Trong Năm) vào năm 1992.

Rất nhiều người gốc Việt nổi tiếng đã được báo chí Houston nhắc đến và ca ngợi qua những thành quả họ đóng góp cho thành phố Houston nói riêng và đất nước Hoa Kỳ nói chung. Trong số này có người là các vị dân cử như dân biểu tiểu bang và nghị viên thành phố, có người là thẩm phán, luật sư, bác sĩ, khoa học gia, kỹ sư, giáo sư đại học, chuyên viên tài chánh, thương gia, và có cả đầu bếp, v.v.

Bàn về những đóng góp quan trọng và ý nghĩa của người tỵ nạn gốc Việt dành cho xã hội sở tại mà không nhắc đến những nhà hàng Việt Nam là một thiếu sót lớn lao. Cơ quan truyền thông của người bản xứ, đặc biệt là báo chí, đã nhiều lần ca ngợi các món ăn tại nhà hàng Việt. Có lẽ trong các nhà hàng Việt ở Houston thì Kim Sơn được người bản xứ biết đến hơn cả vì thực đơn phong phú, khung cảnh đẹp, và kích thước bề thế với diện tích 35.000 foot vuông chiếm trọn tầng trên của một trong ba buildings tại Saigon Houston Plaza, trung tâm thương mại tráng lệ trên đường Bellare được khai trương năm 2006. Tạp chí Houston Business Journal đã xếp hạng Kim Sơn là “nhà hàng không phải của người bản xứ tốt nhất trong thành phố.” Hầu như tất cả người Mỹ yêu thức ăn Việt đều đã đến nhà hàng này. Những người Việt ở thành phố khác khi có dịp ghé Houston cũng cố thu xếp để đến đây.

Tôi vẫn nghĩ nếu muốn giới thiệu những giá trị văn hoá đẹp của dân tộc với những sắc dân khác thì không gì bằng khởi đầu với những món ăn độc đáo của người mình. Trong ý nghĩa này, Kim Sơn, và những nhà hàng nổi tiếng của người Việt tại Houston, đã làm rất xuất sắc nhiệm vụ phổ biến những giá trị đẹp của văn hoá Việt tại xứ người.

Ngày hôm nay, ẩm thực Việt Nam đã len lỏi vào các ngõ ngách của xã hội sở tại, đặc biệt là các món phở, bánh mì, và gỏi cuốn. Ba món ăn này rất được ưa chuộng không những đối với người bản xứ mà còn với các sắc dân thiểu số khác tại Houston vì hai lý do. Thứ nhất là giá cả bình dân. Thứ hai là ngon, rất ngon. Một anh bạn Mỹ chính gốc đã nói đùa với tôi rằng khi nghe có người nhắc đến người Việt là anh nghĩ ngay đến phở, mà hễ nghe ai nhắc đến phở là nghĩ đến người Việt Nam. Bước vào một tiệm phở ở Houston hôm nay, trông thấy thực khách Âu Mỹ là điều bình thường. Tôi đã chứng kiến nhiều người bản xứ khoan khoái húp đến thìa nước dùng cuối cùng trong tô phở, và một anh Mỹ đoạt giải ba trong cuộc thi ăn phở nhiều và nhanh trong Hội Chợ Văn Hóa Việt năm ngoái.

Bên cạnh văn hoá ẩm thực, một giá trị khác của văn hoá phi vật thể dân tộc được nhiều cư dân bản xứ ở Houston biết đến là Việt Võ Đạo. Ngày hôm qua, tôi nhận được thư từ một đồng môn võ phái này mời tham dự “sinh nhật” thứ nhất của võ đường Vovinam do cô và một võ sư lập nên vào năm ngoái tại Richmond, thành phố ngoại vi của Houston. Có lẽ đây là võ đường Vovinam thứ 10 đang hoạt động tại Houston và vùng phụ cận. Như vậy, các môn sinh Việt Võ Đạo đang làm thật tốt trách nhiệm không những chỉ bảo tồn mà còn phát huy di sản văn hoá dân tộc trong cộng đồng bản xứ. Tôi được biết khá nhiều người trẻ bản xứ theo học những lớp Vovinam tại thành phố này.

Trên quan điểm cá nhân, điều tôi tự hào và hãnh diện nhất về Cộng Đồng Người Việt Houston suốt nửa thế kỷ qua là tính rộng rãi và lòng bác ái của đồng hương. Có thể nói người Việt ở Houston luôn sẵn sàng giúp đỡ người bất hạnh. Trong các cuộc gây quỹ với mục đích từ thiện, cộng đồng người Việt ở Houston luôn luôn đóng góp nhiều hơn cộng đồng ở các thành phố khác. Xin đan cử vài thí dụ điển hình để… khoe với các đồng hương tại hải ngoại.

Ngay sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, đài phát thanh Saigon Houston đã kêu gọi đồng hương giúp đỡ các nạn nhân ở New York. Chỉ trong vòng hai tuần, người Việt Houston đã đóng góp đến nửa triệu Mỹ Kim, tương đương với 900 ngàn theo thời gíá hôm nay. Hai tháng sau, hội Văn Hoá Khoa Học Việt Nam tổ chức cuộc đi bộ walkathon 5 cây số để cũng gây quỹ giúp nạn nhân cuộc khủng bố. Cả ngàn đồng hương ở Houston đã tham gia cuộc đi bộ này.

Tháng 8 năm 2005, khi trận bão Katrina khốc liệt đang kéo đến Louisiana, 30.000 người Việt ở tiểu bang láng giềng rời bỏ cửa nhà sang Houston lánh nạn. Tuy nhiên, không một ai trong số này phải trú ngụ tại các trung tâm tạm trú công cộng (public shelters), vừa thiếu thốn tiện nghi, vừa chật hẹp. Hầu như tất cả giáo xứ và chùa Việt Nam đều mở rộng cửa đón tiếp và cung cấp thực phẩm cho nạn nhân thiên tai. Rất nhiều cư dân người Việt tại Houston đã mời các gia đình nạn nhân tá túc trong một thời gian dài. Một tờ báo người bản xứ, khi đề cập chuyện này, đã nói nhờ người Việt mà Houston được ví von là “thủ đô của lòng bác ái.”

Tháng 11 năm 2013, khi cơn bão Haiyan tàn phá nhiều thành phố ở Phi Luật Tân; cũng qua cuộc vận động của đài phát thanh Saigon Houston, người Việt Houston đã “lá lành đùm lá rách,” đóng góp hàng trăm ngàn Mỹ Kim giúp nạn nhân thiên tai ở quốc gia này. Có thể xem đây là thái độ trả ơn người dân Phi hiền lành, tốt bụng đã giúp đỡ nhiều ngàn thuyền nhân Việt khi thuyền tấp vào xứ sở họ trong hai thập niên 80 và 90. Ngày ấy, một phái đoàn thiện nguyện mang tên Nhóm Houston Mission, thay mặt khối người Việt đóng góp tài chánh giúp nạn nhân cơn bão, trong đó có bác sĩ, nha sĩ, linh mục, hòa thượng, và đại diện cơ quan truyền thông tự mua vé máy bay sang Tacloban trao tiền, khám sức khỏe, chữa răng, và phát thuốc miễn phí cho dân địa phương suốt tuần lễ ở thành phố này. Đây là thành phố của Phi Luật Tân bị cơn bão gây nhiều thiệt hại nhất với hơn 6.300 người mất mạng.

Hơn bốn năm trước, tức năm 2020, khi đại dịch Covid bùng nổ, người Việt Houston cũng đóng góp tiền, mua thực phẩm từ nhà hàng Kim Sơn để tặng các bác sĩ, y tá, nhân viên tại các bệnh viện, và những người lính cứu hoả của thành phố. Số tiền dư được dùng mua vải để nhiều thiện viên gốc Việt may khẩu trang gửi đến các bệnh viện. Thời gian đó, ít ai có thể mua được khẩu trang tương tự như thứ bầy bán tại các cửa tiệm hôm nay. Cũng trong mùa đại dịch năm ấy, một thân hữu cư dân Houston của tôi, vừa là linh mục Công giáo vừa là bác sĩ y khoa, đã đóng cửa phòng mạch 10 ngày để sang New York làm thiện nguyện tại một bệnh viện, giúp các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân Covid khi thành phố bị phong tỏa, mà không nề hà chuyện mình có thể bị lây nhiễm. Ngày ấy, bị nhiễm bệnh này thì có rất nhiều nguy cơ tử vong vì chưa có thuốc điều trị.

Trên đây chỉ là vài thí dụ điển hình cho lòng rộng rãi và tinh thần bác ái của cư dân Việt Nam tại Houston. Các giáo xứ Việt Nam ở thành phố này thường tổ chức hội chợ hàng năm để gây quỹ trong một cuối tuần. Kể từ tối thứ Sáu đến chiều Chủ nhật, tức trong ba ngày, giáo xứ nào mà thu chưa đến nửa triệu Mỹ kim là… thất bại. Tôi được biết giáo xứ Đức Mẹ La Vang đã thu được cả triệu Mỹ kim trong ba ngày hội chợ năm ngoái.

Tôi tự hỏi người Việt Houston hào phóng vì ăn nên làm ra tại thành phố cung cấp nhiều cơ hội tiến thân hay vì sống trong môi trường bác ái từ bao năm nên chịu ảnh hưởng. Có lẽ vì cả hai yếu tố. Mẹ Teresa từng bảo “Những việc làm tốt là những mắt xích tạo thành chuỗi yêu thương.” Ông Mahatma Gandhi nói “Nơi nào có tình yêu, nơi đó có sự sống.” Suốt nửa thế kỷ qua, tôi may mắn được sống nơi đáng sống. Tôi hãnh diện vì Houston. Nói chính xác hơn: Tôi hãnh diện vì cộng đồng người Việt tại Houston.

Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương

Kể từ ngày những người Việt tỵ nạn đầu tiên đến định cư tại Houston, trong 50 năm qua, cộng đồng người Việt đã phát triển rực rỡ với dân số hôm nay ước lượng khoảng 200 ngàn. Trong số này, ngoài ba làn sóng người Việt tỵ nạn đến đây như đã đề cập, còn có những người được cha, mẹ, anh, chị, em, hay con đang sống ở Houston bảo trợ từ Việt Nam sang. Thêm nữa, nhiều đồng hương tại thành phố khác, tiểu bang khác đã dọn sang Houston vì ở nơi đây, họ có thể tìm được việc làm thích hợp với khả năng một cách dễ dàng. Đăc biệt, giá nhà Houston rẻ so với nhiều thành phố khác ở Hoa Kỳ. Trong năm năm qua, một số người Việt khá đông từ tiểu bang California chuyển đến định cư tại Houston. Có những người bán nhà ở California, mang tiền mặt sang Houston mua được ba hay bốn căn nhà với kích thước và tình trạng tương tự; một căn để ở, những căn còn lại cho thuê. Thêm nữa, giá sinh hoạt ở Houston tương đối thấp, chẳng hạn như xăng ở Texas chỉ bằng 60 phần trăm giá ở California. Giá một tô phở tại Houston cũng chỉ bằng 60 phần trăm so với một tô tương đương tại Orange County.

Ngày hôm nay, Houston là thành phố lớn nhất của tiểu bang Texas và là thành phố lớn thứ tư của Hoa Kỳ với gần hai triệu rưỡi dân. Dù có tỉ lệ chỉ khoảng tám phần trăm cư dân thành phố, người Việt không hề cảm thấy như đang sống lạc lõng giữa xứ người. Ngoài số đông cư ngụ tại vùng Tây Nam, người Việt tập trung tại nhiều khu chung quanh thành phố và khu nào cũng có những trung tâm thương mại, nhà hàng, tiệm thực phẩm Việt. Đặc biệt, vào năm 2015, chính quyền thành phố đã chấp thuận đặt tên Việt Nam cho các con đường tại khu thương mại của người Việt ở khu Tây Nam. Cũng như tại downtown Houston trước đây, các bảng tên đường bằng tiếng Việt được gắn gần bảng tên đường bằng tiếng Anh. Bellaire Boulevard trong đoạn “mình rồng” được đặt tên “Đại Lộ Sài Gòn,” đường Beechnut song song với Bellaire là “Tự Do,” các con đường ngang nối liền “Sài Gòn” với “Tự Do” được đặt tên là đường “Chiến Sĩ Vô Danh,” đường “Quốc Hận 30 Tháng Tư,” cùng các con đường mang tên các vị tướng hay tá Quân Lực VNCH được người Việt miền Nam Tự Do xem là anh hùng như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Hồ Ngọc Cẩn, Nguyễn Văn Long, và Ngụy Văn Thà. Ông Ngụy Văn Thà, thiếu tá hạm trưởng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10, đã tử trận trong cuộc hải chiến Hoàng Sa với Trung Cộng. Ông Hồ Ngọc Cẩn, đại tá Quân Lực VNCH, bị Cộng sản xử tử sau biến cố 30 tháng Tư. Các vị khác đã tuẫn tiết khi miền Nam thất thủ.

Sự kiện chính quyền thành phố chấp thuận đặt tên Việt Nam cho những con đường này đủ nói lên thế lực và uy tín của cộng đồng người Việt tại Houston đối với chính quyền sở tại.

Theo truyền thống, người Việt có sở thích sống gần gũi nhau trong phạm vi làng xã; vì vậy, trong 50 năm qua, có rất nhiều làng Việt Nam đã xuất hiện ở Houston như làng Tre, làng Thái Xuân, làng Ðà Lạt, làng Huế, làng Sài Gòn, làng Saint Joseph, làng Saint Marie, và làng Thánh Tâm, v.v.Tại hải ngoại nói chung và nước Mỹ nói riêng, nơi có đông người Việt sinh sống nhất cùng nổi tiếng nhộn nhịp nhất là thành phố Westminster thuộc Orange County, tiểu bang California, và được nhiều người gọi là Little Saigon. Tuy nhiên, có thể nói cái gì Westminster có thì Houston cũng có, nhưng có cái Houston có mà Westminster không thể có. Đó là những cơn bão khủng khiếp với sức gió trên trăm dặm một giờ thỉnh thoảng viếng thành phố vào mùa Hè và vài ngày lạnh dưới mức đông đá, lạnh đến buốt xương vào mùa Đông. Dẫu vậy, người ta vẫn bám trụ nơi đây, vẫn từ vùng có khí hậu ôn hoà dọn đến thành phố này. Người ta chịu đựng đôi ba tuần vất vả vì thời tiết để cả năm được an cư lạc nghiệp; đất lành thì chim đậu, thế thôi.

Trong bài viết, tôi dùng hai chữ “đồng hương” để chỉ người Việt sống tại Houston nói riêng và hải ngoại nói chung. Thật ra, đây là hai từ Hán-Việt có nghĩa người sống chung, hay ít ra cũng từng sống chung trong một làng (đồng có nghĩa là cùng, hương là làng). Theo nghĩa gốc, anh sinh ở làng Đông Hồ, chị sinh ở Phù Lãng thì tuy cả hai làng cùng tỉnh Bắc Ninh nhưng anh và chị không phải là đồng hương với nhau. Dẫu vậy, người ta có thói quen dùng từ này theo nghĩa rộng hơn. Chẳng hạn như khi vào Nam sau hiệp định Geneva năm 1954, những người di cư sinh cùng một tỉnh tại miền Bắc gọi nhau là đồng hương, bất kể họ sinh ở làng nào, huyện nào trong tỉnh. Cũng thế, khi ra đến hải ngoại, sống cùng với người bản xứ và sắc dân khác, người Việt có thói quen gọi nhau là “đồng hương.” Hai từ này khiến chúng ta cảm thấy gần gũi nhau, và lòng dâng lên một nỗi êm đềm mỗi khi gặp được “người Việt mình” tại nơi có đông người bản xứ, đặc biệt là trong những năm tháng đầu tiên trên đất khách.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ những cuộc tao ngộ giữa những “đồng hương” tại xứ người như tôi đã kể trong phần đầu bài viết. Đến hôm nay, chúng ta đã quá quen thuộc với xứ sở này, những nơi chốn, những thói quen, những phong tục, những bạn bè. Có người bảo “quê hương đích thực là nơi ta và người thân yêu đang hiện diện, nơi chúng ta thương nhớ lúc đi xa trong thời gian dài và dạt dào niềm vui trên đường trở lại.” Ở ý nghĩa này, có lẽ tất cả “đồng hương,” dù nói ra hay không, đều xem thành phố chúng ta đang ở trong vài chục năm qua là quê hương, ít ra là quê hương thứ hai, của mình.

Ngày hôm qua, khi soi gương chải tóc, nhà tôi bảo “Tóc em giờ rụng nhiều hơn trước, mình già thật rồi!” Tôi cười nói đùa “Truyện Kiều có câu: ‘hoa tàn mà lại thêm tươi, trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.’ Mình bây giờ đã về hưu, con cái thành người, lại có thêm bầy cháu kháu khỉnh. Một ít tóc rụng rơi, thêm vài nếp nhăn xuất hiện trên mặt là lẽ thường của Tạo Hoá. Hạnh phúc quá rồi mà!”

Nói đùa với vợ xong, tôi mới cảm nhận mình đã có cuộc đời may mắn. Nửa thế kỷ trước, tôi và gia đình đã lách ra khỏi cánh cửa chiếc nhà tù vĩ đại đang khép lại để nhốt chặt đồng bào miền Nam. Từ đó, tôi được sống đời tự do, được mưu cầu hạnh phúc theo quyết định của chính mình, được sống trong một xã hội Việt Nam trên xứ người, và sống trong môi trường văn hoá dân tộc.

Tôi yêu Houston, quê hương thứ hai của tôi vì những kỷ niệm suốt 50 năm qua với cha mẹ tôi, với các em tôi, với nhà tôi, các con tôi, các cháu tôi. Tôi gặp vợ tôi ở thành phố này, có con, có cháu ở đây. Tôi mang ơn Houston nói riêng và Hoa Kỳ nói chung đã cho tôi cuộc sống tự do. Tôi đã biết tự do quan trọng thế nào cho một đời người; nhưng trong chuyến trở về Việt Nam năm 2013 để thăm người chị ruột nhà tôi đang ốm nặng, khi gặp lại những thân nhân, bằng hữu mình đã xa cách từ ngày miền Nam đổi chủ, tôi mới rõ thêm giá trị đích thực của Tự Do.

Nếu mỗi thế hệ được định nghĩa là những người được sinh ra đời trong khoảng thời gian 20 năm liên tục thì kể từ ngày người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ, đã có 2,5 thế hệ sinh ra tại xứ này. Những hậu duệ của người tỵ nạn hiểu rõ cha mẹ họ đã chấp nhận bao hiểm nguy để họ được sống đời tự do, và bước đến tương lai trên con đường tự chọn. Họ đã tiếp nhận và đã sống với giá trị tự do theo kiểu lời phát biểu của nhà văn Evelyn Beatrice Hall: “Tôi không đồng ý với những gì bạn nói, nhưng tôi sẽ chiến đấu cho đến chết để bảo vệ quyền được nói của bạn.”

Ngày hôm nay, đa số người chủ gia đình đưa được vợ con đến bến bờ tự do ở nửa thế kỷ trước đã về thế giới bên kia. Những người còn sống nếu lúc đó 40 tuổi thì nay đã 90 và cũng sắp ra đi. Họ chính là những người đã khai sinh ra cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, trong đó có cộng đồng Houston. Mong rằng các thế hệ gốc Việt tương lai ở thành phố này sẽ dựng nên một đài tưởng niệm dành cho những người chủ gia đình ấy, bên cạnh đài tưởng niệm chiến sĩ Mỹ-Việt và đài tưởng niệm thuyền nhân đang sừng sững tọa lạc trên đường Bellaire. Họ xứng đáng để chúng ta, và những thế hệ gốc Việt mai sau ở thành phố này, ghi nhớ, mang ơn, và kính trọng.

Cuối tháng 8 năm 1963, mục sư Matin Luther King đọc bài diễn văn nổi tiếng Tôi Có Một Giấc Mơ (I Have a Dream) ở bậc thềm đài tưởng niệm tổng thống Lincoln tại Hoa Thịnh Đốn để trình bầy giấc mơ của ông về tương lai nước Mỹ, khi người da trắng và da đen có thể sống chung hoà thuận như những người bình đẳng. Ngày hôm nay tôi cũng có một giấc mơ!

Tác giả  dưới bảng tên “Đại Lộ Sài Gòn”, con đường chính của Little Sài Gòn Houston

Tôi mơ một ngày mai, Việt Nam sẽ có tự do dân chủ, được lãnh đạo bởi những vị chiếm được lòng tin của người dân cả trong lẫn ngoài nước. Lúc ấy, người Việt hải ngoại sẽ xúm lại cùng người quốc nội để xây dựng đất nước. Với kiến thức thu thập được từ những quốc gia tiên tiến trên thế giới trong đủ mọi lãnh vực, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, thương mại, tài chánh v.v., khối người ở hải ngoại, trong đó có cư dân thành phố Houston, sẽ là nguồn lực quan trọng để vực Việt Nam dậy, sánh bước cùng cộng đồng những quốc gia phát triển. Tôi mơ sẽ có ngày đồng bào tôi chứng kiến được những lời tiên tri trong ca khúc Hải Ngoại Thương Ca của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từ hơn sáu thập niên trước biến thành sự thật: “Người về đây giữa non sông này, hội trùng dương hát câu sum vầy, về cho thấy con thuyền nước Nam, đi vào mùa Xuân mới sang, xa rồi ngày ấy ly tan,” và “Tôi đi giữa trời bồi hồi, cờ bay phất phới tôi quên chuyện ngày xưa, mong sao nước Việt đời đời, anh dũng oai hùng chen chân thế giới…” Tôi mơ những con đường ở các tỉnh thành Việt Nam rồi sẽ giống như con đường Bellaire của Houston hôm nay, nhộn nhịp những người là người, với khuôn mặt ánh ngời hạnh phúc vì đang được sống cuộc đời phơi phới tự do.

Tôi sống ở nước Mỹ, là một công dân tốt, đóng thuế đầy đủ suốt 50 năm qua. Tuy nhiên, không ai đánh thuế được giấc mơ của tôi.

Nguyễn Ngọc Bảo (ĐS 22)

Nhân đọc TRÀ ÐẠO của Okakura Kakuzo – Nói chuyện UỐNG TRÀ

Phạm Thành Châu

Tết Nhất mà nói chuyện uống trà cũng là một cái thú. Người Việt mình, đa số lớn tuổi, đều thích uống trà. Mỗi người có một ý thích riêng, về loại trà, về cách pha chế, về thời điểm uống trà. Tựu trung, khi nhâm nhi tách trà, thả hồn vơ vẩn…ai cũng thấy giây phút đó thật thanh tao, nhàn hạ. Tôi vốn người phàm phu, uống trà kiểu ngưu ẩm. Buổi sáng đến sở làm bỏ hai gói nhỏ trà sâm và một gói nhỏ trà xanh tiền chế vào một ly cối, đổ nước sôi vào, thế là có một ly trà, uống thỏa mái. Hết, lại châm thêm nước sôi vào. Uống trà kiểu đó, thì đến cả chục ly cũng không thấy nàng thơ ở đâu cả vì tôi chưa hề động tâm khi nâng ly trà lên môi. Thế nên tôi mới đi tìm xem người ta uống trà cách nào mà thấy hứng thú, thi vị. Tuy sách báo tìm thấy rất giới hạn nhưng tôi cũng cố gắng tóm tắt ra đây một số vấn đề liên hệ đến trà. Phần chính là quyển “Trà Ðạo” của Okakura kakuzo xuất bản năm 1906 bằng tiếng Anh do Bảo Sơn dịch, sau đó là trích đăng những bài linh tinh về trà mà sách báo đã đề cập đến. Có một bài rất chi tiết về trà của nhà văn, bác sĩ Trần Trúc Quang, đã phân chất trà gồm những chất gì, tác dụng ra sao nhưng không đem vào đây, sợ người đọc mất hứng khi thưởng thức trà. Khác gì ngắm người đẹp mà lại tìm hiểu xem thân thể cô ta gồm bao nhiêu kí xương, bao nhiêu kí thịt, ruột gan phèo phổi nằm chỗ nào, hoạt động ra sao…Nói tí tí, kiểu ca tụng dung nhan mùa hạ của người đẹp thì không sao.

1 –  Quyển Trà Ðạo của Okakura Kakuzo.

Chúng tôi xin tóm lượt quyển “Trà Ðạo” của Okakura Kakuzo theo nhiều mục nhỏ để tiện theo dõi.

          A – Lịch Sử Về Trà

Nghe nói người ta tìm thấy tại Châu Âu bản văn đầu tiên viết về trà, ở trong truyện của một du khách người Ả Rập kể lại rằng sau năm 879 mấy nguồn lợi chính  của Quảng Ðông là thuế đánh vào muối và trà. Marco Polo có ghi chép một vị Hộ Bộ đại thần Trung Hoa năm 1285 bị cất chức vì đã chuyên quyền tự ý tăng thuế trà lên. Vào cuối thế kỉ mười sáu, người Hòa Lan truyền cái tin ở Ðông Phương có một món làm bằng thứ lá cây uống rất ngon. Trà được nước Pháp biết đến năm 1636, và lọt vào nước Nga năm 1638. Năm 1650, nước Anh hoan nghênh và ca ngợi là “Một món đồ uống ngon tuyệt, tất cả các y sĩ đều tán thành món đồ uống mà người Trung Hoa gọi là trà, các nước khác gọi là tê (Thé) hay ti (Tea)” Tập quán uống trà bành trướng mau lẹ. Trong nửa đầu thế ki 18, những quán cà phê ở London đã biến thành những phòng trà, nơi hẹn của nhưng bậc anh tài như Addison và Steele…Trà cũng dự một phần trong lịch sử hiện đại. Thuộc địa Mỹ cam chịu áp chế cho đến khi sức nhẫn nhục của con người phải nổi dậy trước những khoản thuế quá nặng đánh vào trà. Nền độc lập của Mỹ bắt đầu từ ngày người ta quẳng những thùng trà xuống hải cảng Boston.

           B – Môn Phái Trà

Trà, cũng như nghệ thuật, có những thời đại và môn phái của nó. Sự phát triển của trà có thể chia làm ba giai đoạn: Trà nấu (đoàn trà), trà khuấy (mạt trà) và trà ngâm (diệp trà hoặc tiễn trà). Hiện tại chúng ta thuộc về môn phái thứ ba. Ðoàn trà tức là trà bánh mà người ta đem nấu lên. Mạt trà là trà vụn người ta đem  khuấy lên. Diệp trà, trà lá người ta đem ngâm trong nước sôi. Cây trà nguyên thổ sản miền Hoa Nam đã được các nhà thực vật học và dược học biết đến từ những thời đại rất xa xưa. Các văn gia cổ điển gọi nó bằng những tên khác nhau: Ðồ (Tou), Thiết (Tach) Thuấn (Chung), Giả (Kha) và Minh (Ming). Các môn đồ Ðạo gia coi trà là một vị trọng yếu trong môn thuốc trường sinh bất lão; còn các tăng đồ Phật giáo thường dùng trà để chống lại cơn buồn ngủ trong những giờ ngồi trầm tư mặc tưởng dài đăng đẳng. Vào thế kỉ thứ tư và năm, trà đã thành món đồ uống ưa thích của dân chúng ở thung lũng Dương Tử Giang. Chính thời gian nầy mới nảy ra tiếng biểu ý văn tự “Trà”, là tiếng nói chệch của tiếng “Ðồ” cổ điển. Hồi đó vua thường lấy trà quí, loại thượng hảo hạng chế biến ra để thưởng cho các công thần. Tuy nhiên, phương pháp uống trà hãy còn cổ lỗ hết sức. Người ta lấy lá trà đem hấp lên, bỏ vào cối giã, làm thành bánh rồi đem nấu với gạo,gừng, muối, vỏ cam, hương liệu, đôi khi có hành nữa. Tập quán nầy còn thịnh hành trong dân xứ Tây Tạng và các bộ tộc Mông Cổ. Lục Vũ (Luwuh), khoảng giữa thế kỷ thứ tám, là đệ nhất sứ đồ của trà. Trong tác phẩm danh tiếng của ông “Trà Kinh”, ông đã định pháp hóa về trà. Ông được thờ như vị thần giám hộ của các nhà buôn trà Trung Hoa. “Trà Kinh” gồm ba cuốn và mười chương. Chương tư dành để liệt kê và miêu tả hai mươi bốn thứ trà khí, và cũng từ đó ta thấy ảnh hưởng của trà đối với nghề làm đồ gốm Trung Hoa. Trong nghề đồ gốm, người ta đã biết, khởi thủy với ý định tái tạo màu sắc truyệt vời của ngọc thạch. Kết quả dưới đời Ðường, ở phương Nam người ta chế được nước men xanh (Thanh Từ) và ở phương Bắc, nước men trắng (Bạch Từ). Lục Vũ cho màu xanh là màu lý tưởng của chén đựng trà, vì nó tăng thêm màu lục cho nước trà, còn màu trắng thì làm cho nước trà có vẻ hồng hồng kém ngon. Ðó là vì ông dùng trà bánh. Về sau, khi các tay trà tượng đời Tống dùng trà vụn, họ ưa những chiếc bát nặng màu thanh mặc tức xanh đen và màu hạt tức nâu sẫm. Người đời Minh uống trà ngâm lại thích dùng những chiếc chén nhẹ men trắng.

Bộ Trà Kinh xuất hiện đã gây một kích động lớn thời bấy giờ; Lục Vũ được Ðại Tôn Hoàng Ðế (763-779)sủng ái, và danh tiếng của ông đã lôi cuốn cho ông rất nhiều môn đệ. Ðến đời Tống, mạt trà thịnh hành và dựng nên đệ nhị phái trà. Người ta bỏ lá trà vào cối đá xay thành bột rồi đem khuấy trong nước sôi bằng một chiếc “Trà Tiển” vót rất khéo bằng tre tốt, một đầu chẻ tách ra thàng nhiều mảnh. Trong Phật giáo đồ, phái Thiền phương Bắc đã đặt thành một nghi thức đầy đủ về trà. Các tăng lữ tập họp nhau trước tượng đức Bồ đề Ðạt Ma và chung nhau uống trà trong một chiếc bát với tất cả nghi thức thâm trọng của một thánh lễ. Ðối với người Trung Hoa ngày nay, trà là một món đồ uống ngon, nhưng không là một lý tưởng. Những nổi thống khổ triền miên của đất nước đã làm cho họ mất cả hứng thú của lẽ sống. Lá trà của họ thường làm cho người ta kinh ngạc vì hương của nó thơm như hoa , nhưng cái thi vị của nghi thức Phẩm Minh Hội dưới đời Ðường, đời Tống không còn thấy trong chén trà của họ nữa.

Tại Nhật, năm 801, nhà sư Tối Chừng (Saicho) đem về một ít hạt giống trồng ở Duệ Sơn. Nghe nói trong thế kỷ sau, có nhiều vườn trà được khai thác và giới quí tộc cùng tăng lữ rất hoan hỉ với món đồ uống nầy. Trà đời Tống đến Nhật Bản vào năm 1191, khi Vinh Tây Thiền Sư (Yeisaizenji) đi nghiên cứu về phái thiền ở Nam Hoa về. Vào thế kỷ 15, dưới quyền Mạc Phủ Tướng Quân Túc Lợi Nghĩa Chính (Shogun, Ashikaga-Voshinasa), nghi lễ Trà thang được đặt ra và biến thành một tổ chức độc lập và hoàn toàn có tính cách thế tục. Từ đó Trà Ðạo được thiết lập hẳn hoi ở Nhật Bản. Nó là một tôn giáo của thuật sống. Món đồ uống nầy đã thành một cớ để tôn thờ sự tinh khiết và thanh cao, một nghi thức thiêng liêng mà chủ nhân với tân khách nhân dịp đó cùng tiếp tay nhau để tạo nên cái hạnh phúc tối cao trên cõi đời này. Trà Ðạo là biến thể của Ðạo giáo.

          C – Trà Thất

Trà Thất (Sukiya) không đòi hỏi gì hơn là một chiếc nhà nhỏ nơi thôn dã – một chiếc lều tranh – như  thường gọi. Nguyên lai biểu ý văn tự của danh từ “Sukiya” là “Thị Hiếu Cư Trú”. Về sau các tay “trà tượng” (Cũng gọi là trà nhân) theo quan niệm riêng của họ về trà thất thay thế bằng nhiều chữ Hán khác, khiến cho danh từ  Sukiya có thể có nghĩa như “Hư Không Trú Cư” hay “Phi Tương Xứng Trú Cư”. Nó là trú cư của hư không, vì nó không có đồ trang trí, trừ những vật có thể bày ra để thỏa mãn một vài nhu cầu lâm thời về phương diện thẩm mỹ mà thôi. Nó là trú cư của phi tương xứng, vì nó tôn thờ sự bất hoàn toàn, cố tình bày ra một sự vật gì còn dang dở để tùy cho trí tưởng tượng hoàn thành. Thoạt kỳ thủy,trà thất chỉ là một phần của chiếc phòng khách thông thường ngăn ra bằng những tấm bình phong. Phần ngăn lại gọi là Vi (Kakoi) một cái tên hiện vẫn còn dùng để gọi những trà thất đặt liền ngay trong nhà, chứ không xây cất riêng biệt ra một nơi. Còn Sukiya thì gồm một phòng trà chính trù liệu để tiếp đón không quá năm người. Một phòng thủy ốc (midsuya), phòng để rửa và sắp xếp các bộ đồ trà trước khi bưng vào trà thất. Một cái trì hợp (machiai)- hành lang ở cửa vào để khách đợi cho đến khi chủ nhân mời vào trà thất và một lộ địa (roji) lối đi ở trong vườn nối liền trì hợp với trà thất. Trông bề ngoài, trà thất không có gì đáng chú ý cả. Nó nhỏ bé hơn cả những nhà Nhật nhỏ bé nhất, ngay cả đến vật liệu dùng xây cất cũng cố ý làm ra vẻ thanh bần. Nhưng bộ phận nhỏ nhặt còn được làm kỹ lưỡng, tỉ mỹ có lẽ hơn cả những đền đài cung điện. Một trà thất tốt mắc tiền hơn một nhà ở thường, vì sự chọn lọc vật liệu cũng như thợ thuyền cần phải hết sức cẩn thận và tinh xác. Vì thế thợ mộc làm cho các trà tượng hợp thành một giai cấp riêng biệt hết sức danh giá. Tất các trà tượng đều là những nhà tu Thiền Tông và cố đem truyền tinh thần Thiền Tông vào những vật hiện hữu ở đời. Vì thế, cũng như tất cả các đồ dùng cần thiết cho trà thang đều phản ảnh rất nhiều giáo lý của Thiền. Kích thước chính thống của trà thất là bốn chiếc chiếu rưỡi. Còn cái lộ địa (roji) lối đi trong vườn từ hành lang trì hợp (machiai) tới trà thất, có ý nghĩa là giai đoạn minh tưởng, là đường đi đến chỗ tự giác. Lộ địa dùng để cắt đứt hết liên lạc với thế giới bên ngoài, và để gây cho khách một cảm giác lâng lâng thư thái, sẵn sàng đón nhận những thú vui hoàn toàn của duy mỹ chủ nghĩa đang đợi khách ở trong trà thất. Sau khi tâm hồn đã được chuẩn bị như vậy, khách lặng lẽ tiến gần đến nơi tôn nghiêm, và nếu là một võ sĩ, khách sẽ tháo kiếm gác trên cái giá dưới mái nhà. Rồi khách sẽ cúi thấp người xuống, chui vào phòng, qua một cửa không cao quá ba bộ. Ðộng tác nầy chủ ý nhắc đến tính khiêm nhượng. Trong khi đứng đợi ở trì hợp (machiai), khách đã thoả thuận vấn đề phân ngôi thứ, rồi từng người tiến vào chỗ ngồi của mình. Trong phòng hoàn toàn yên lặng ngoại trừ tiếng nước sôi reo trong ấm sắt. Ấm sắt ca rất hay, vì người ta đã xếp những mảnh sắt nhỏ ở đáy để phát ra những âm thanh đặc biệt nghe như tiếng vang của một thác nước bị mây phủ bít đi, tiếng những làn sóng biển xa xa hay tiếng thông reo vi vu từ một ngọn đồi khuất nẻo…

        D – Vài Nhận Xét

Người Nhật thích dùng chữ “đạo”. Giết người cũng “đạo” như Thái Cực Ðạo, Như Ðạo, Kiếm Ðạo… Ðọc suốt gần trăm trang Trà Ðạo của Okakura kakuzo, quí vị sẽ không thấy ông ta nói gì về “đạo” của trà cả. Ông ta chỉ góp nhặt linh tinh những dữ kiện lịch sử từ Tàu sang Âu Châu, sang Nhật, vài câu chuyện ngụ ngôn của Phật giáo, Lão giáo…rồi gán ghép cho là trà đạo.

Tác giả viết trong thời kỳ Nhật xâm lăng Mãn Châu và đánh tan hạm đội Nga ở eo Ðối Mã nên giọng văn kiêu kỳ, mục hạ vô nhân. Người đọc tuy có được chút hiểu biết về lịch sử  của trà nhưng để ý tìm xem cái thú vị, khoái cảm khi uống trà thì chẳng thấy đâu! cũng chẳng còn nhớ được gì vì nó không gây ra trong trí chút ấn tượng nào. Uống trà là để tìm sự thanh thản, đơn giản của tâm hồn và cả của việc uống trà nữa. Ðừng rắc rối, nhiễu sự! Bạn cứ pha một bình trà cho thơm, rót trà vào một cái tách cho sạch rồi bạn thử nhìn qua cửa sổ. Một khung thiên nhiên nho nhỏ với ánh rạng đông, với cảnh vật. Rồi bạn nâng chén trà lên…chừng đó thôi. Bạn sẽ thấy thú vị biết bao, cuộc đời đẹp biết bao!

2- Phần Trích Thuật Về Trà.

          A -Thưởng Thức Hương Trà

Cụ Toan Ánh, trong tập “Hương Nước Hồn Quê” phát hành năm 1999. Trong tiểu mục “Thưởng Thức Hương Trà” (từ trang 403 đến trang 416) cụ nói về chuyện uống trà. Hình như đây là tác phẩm cuối của cụ nên có vẻ lẩm cẩm. Ví dụ câu “Cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới, đồ uống trước tiên của người Việt Nam là nước” (!?). Trước hết cụ kể đến các loại nước để pha trà gồm nước, nước mưa, nước suối và nước khoáng tuyền. Cụ kể một lô các khoáng tuyền trên khắp nước Việt rồi sau đó cụ nhảy qua Tàu, nói chuyện trà bên Tàu (!).Theo cụ thì bên Tàu có bốn thứ trà quí. Trà Bạch Mao Hầu, Trà Trảm Mã, Trà Trùng Ðiệp và Trà Thiết Quan Âm.

1 – Trà Bạch Mao hầu.

Núi Vu Di có những cây trà thiên nhiên, sống từ đời nầy sang đời khác, hột rụng xuống, mọc thành cây rồi thành rừng. Nhưng thế núi rất hiểm trở, không ai có thể leo lên núi để hái trà. Người ta bèn nuôi những con khỉ, cho uống thuốc phiện để chúng thành nghiện, sau đó tập cho chúng leo lên núi cao hái trà. Mỗi con đeo một cái túi, hái lá trà bỏ vào đó, đem xuống cho chủ. Con nào đem về nhiều trà thì được cho nhiều thuốc phiện, con nào ít thì bị phạt. Những lá trà, búp trà đó được chế biến thành một loại trà quí, gọi là trà Bạch Mao Hầu, chỉ dùng để tiến nạp cho vua và các quan đại thần.

2 – Trà Trảm Mã.

          Sau núi Vu Sơn có rừng trà lưu cửu, lá trà rụng xuống những vũng nước trong hốc đá, lâu ngày thành chất nước ô long. Người ta bịt mõm ngựa, không cho ăn uống trong mấy ngày rồi dắt vào rừng trà, mở rọ mõm ra. Ngựa đói, ăn lá trà, uống nước suối (ô long). Hai ngày sau, vào đem ngựa ra, dẫn về. Khoảng vài ngày trà trong bao tử ngựa coi như được ủ men. Người ta giết ngựa, mổ bao tử ngựa lấy trà ra, giao cho quan chuyên môn chế biến trà. Ðó là Trà Trảm Mã. Trong trà đã có dịch vị của ngựa nên uống vào có công dụng tiêu hóa rất tốt.

3 – Trà Trùng Ðiệp.

Trong núi Ly Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây, có loại trà quí. Mùa xuân, trà đâm lá. Có một loại sâu chuyên ăn lá trà. Ðạo sĩ vào rừng bắt loại sâu nầy, mổ bụng lấy trà trong bụng sâu, ướp với búp trà hái trong rừng thành một thứ trà quí, uống vào trở nên sáng suốt, tỉnh ngủ. Trà rất thơm. Trước khi nhập định, các đạo sĩ, nhà sư uống Trà Trùng Ðiệp để khỏi buồn ngủ.

4 – Trà Thiết Quan Âm.

          Trà Thiết Quan Âm sản xuất ở huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến. Vì cánh trà cong như mỏ chim ưng nên cũng được gọi là Ưng Chủy Trà. Uống vào không buồn ngủ, tinh thần sáng suốt. Pha để nguội, uống cũng thấy thích…

         B – Công Dụng Của Trà

Uống mỗi ngày ít nhất một ly trà thì nguy cơ bị công tim (Heart attack) có thể giảm đến 40%. Ðây là kết quả của một nghiên cứu mới nhất, do chuyên gia về tim, bác sĩ Micheal Gaziano thuộc Harvard Medical School công bố tại hội nghị y khoa tổ chức tại Luân Ðôn vào ngày 8 tháng 7-1999. Ðây là cuộc nghiên cứu kéo dài một năm trên 340 người, cả nam lẫn nữ. Họ được cho uống trà thường, trà đen, trà xanh hay các loại thảo trà (herbal teas) khác, cuối cùng trà đen (black tea) chứa nhiều chất flavonoid (chất trà) hơn loại trà xanh (?), trong khi các loại thảo trà không  cho biết có chất trà nào không. Flavonoid là những chất dinh dưỡng, giống như chất sinh tố, có tác dụng khiến các tế bào bớt đi hiện tượng vón cục lại. Nó cũng là chất chống ốc xy hóa (antioxidant) mạnh nhất, ngăn ngừa các hậu quả xấu của dưỡng khí trong cơ thể con người. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu chưa khẳng định được việc uống trà tốt cho những người hút thuốc lá, uống rượu, người có lịch sử di truyền bị bịnh tim trong giòng họ hay không? Người ta cũng chưa xác quyết được uống trà có lợi cho việc ăn các thực phẩm béo vào và cho tỉ số chống mập không. Nghĩa là uống trà có tiêu mỡ hay giảm cân không? Hơn nữa uống trà pha đậm nhạt ra sao cũng chưa nghe nói đến. Tuy nhiên bảng nghiên cứu nhận định mạnh mẽ rằng so với những người từ trước đến nay không hề uống trà thì những ai uống mỗi ngày từ một ly trà trở lên có thể giảm tới 40% hiểm nguy bị công tim. Người ta thử nghiệm trên loài vật và thấy rằng chất Polyphenols trong trà có tác dụng ngăn ngừa ung thư, nhất là ung thư miệng và toàn bộ tiêu hóa. Trà xanh (green tea) là loại trà mộc mạc nên ít đem lợi ích cho sức khỏe (?). Trà đen (black tea), qua một quá trình ủ và phơi. Trà đen gồm nhiều hóa chất bảo vệ sức khỏe hơn trà xanh. Trà ô long, phẩm chất trung bình , nghĩa là hơn trà xanh nhưng kém trà đen. Hầu hết các loại không chế biến từ trà, mà chỉ có hương vị trà đều không có tác dụng chống ốc xít hóa của ba loại trà kia.

Có điều lạ là báo chí, trong thời gian sau đó, khoảng năm 2000, lại đăng những bài nghiên cứu của các nhà khoa học mạnh mẽ khuyến khích người ta uống trà xanh?

Hóa ra, từ xưa, ông bà chúng ta thường bảo “ Sáng một bình trà, chiều một chén rựợu, lương y không quấy ta”. Kinh nghiệm nầy đến nay khoa học mới xác nhận.

         C – Những Ðiều Cần Biết Khi Uống Trà

         – Những loại trà mắc tiền là chỉ đánh lừa những người thích ra vẻ ta đây, biết thưởng thức trà. Kỳ thực, trà thơm là nhờ ướp hóa chất. Trà ướp hoa ngâu, lài, cúc, sen… mới thực là trà ướp hoa mà giá cả không mắc. Khi bạn uống trà, thử để tách trà nguội đi, bạn sẽ thấy chỗ mép nước, trên vách chén trà có một lớp bợn nhỏ, mờ. Ðó chính thị là hóa chất đã ướp vô lá trà thôi ra. Uống những loại trà nầy, vừa tốn tiền vừa rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chúng tích lũy mỗi ngày, rồi thì bạn bị sưng gan, đau bao tử, đau tim, ung thư…lúc nào không hay. Bạn muốn có những mùi như của các loại trà đắc tiền, cứ nhờ những người bán hóa chất, mùi, màu ở chợ Kim Biên (Chợ Lớn) họ sẽ pha chế cho bạn.

– Không nên uống trà khi đói bụng, trà sẽ nhập vào phế phủ, làm lạnh tì vị. Ông bà ta có câu “Bất ẩm không tâm trà” (Không uống trà khi trong ruột không có gì)

– Không nên uống trà quá nóng. Nước trà quá nóng sẽ kích thích mạnh đến họng, thực quản, dạ dày. Theo một nghiên cứu, uống trà vượt quá 62 độ C, vách dạ dày dễ bị chứng đau bao tử. Nên uống trà dưới 56 độ C.

– Không nên uống trà nguội. Trà nóng làm cho tinh thần sảng khoái, tỏ tai, tỏ mắt. Trà nguội có tác dụng phụ như hàn, tụ đờm, không tốt.

– Không uống trà quá đặc. Trà đặc có nhiều caffeine và theocin, kích thích khá mạnh, dễ làm đau đầu và mất ngủ.

– Không uống trà pha thời gian quá dài vì chất mỡ, phenon trà, chất thơm có thể tự động oxy hóa, không những trà biến sắc mà giảm vitamin C, vitamin P, acide amin và số vi sinh vật (vi khuẩn)  tăng , ảnh hưởng xấu đến vệ sinh.

– Không nên uống trà pha nhiều nước. Pha đến 3-4 nước  thì không còn chất chè nữa và có thể làm cho những nguyên tố vi lượng có hại trong lá trà tan ra.

– Không uống trà trước lúc ăn cơm vì trà có thể làm giảm dịch vị, có thể giảm chức năng tiêu hóa, thu hút anbumin.

– Không nên uống trà ngay sau khi ăn cơm. Trong trà có chất tannic acide có thể phát sinh đông kết với anbumin và chất sắt trong thức ăn, ảnh hưởng đến sự hấp thụ anbumin và chất sắt.

– Không nên uống trà cách đêm, chất đường và anbumin trong trà có thể trở thành chất nuôi dưỡng tốt cho vi khuẩn và nấm phát triển. Tuy nhiên trà cách đêm, nếu chưa biến chất, có chất chua, chất flo có thể ngăn chặn xuất huyết ống mao tế như bị viêm xoang, đau lưỡi, ra máu chân răng, xuất huyết dưới da… Mắt thường xuất hiện tia máu hay chảy nước mắt, hàng ngày rửa mắt bằng trà cách đêm, sẽ thấy ngay hiệu quả. Mỗi sáng, trước khi đánh răng hoặc sau khi ăn sáng, ngậm súc nước trà cách đêm mấy lần, đã sạch miệng còn làm chắc răng.

– Không nên dùng trà uống thuốc. Trong nước trà có chất tantic, có thể phân giải thành tantic acid khi kết hợp với nhiều loại thuốc làm trở ngại hô hấp và ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tục ngữ có câu “Nước trà giải thuốc” là vậy.

3 – Kết Luận

Người Việt ta, uống trà là một tập quán thanh cao. Giàu thì có trà đắt tiền, có bộ đồ trà rắc rối, chén tống, chén con… sang qua sớt lại nhiều lần mới uống. Dân trung lưu, dân nghèo có cái bình tích với mấy chiếc ly. Nông dân, thợ thuyền phải nấu cả nồi uống mới đả khát. Nhiều nơi, nhất là nông thôn, có người trồng trà trong vườn, mỗi buổi ra hái vào nấu. Chẳng hiểu chè và trà khác nhau chỗ nào, nơi thì gọi là trà, nơi thì gọi là chè, nhưng chè xanh là lá chè còn tươi, trà xanh là trà khi sản xuất chỉ ủ chứ không sấy. Tiếng chè còn chỉ một thức ăn nấu đường với đậu hoặc gạo hoặc bột, nhưng chỉ nói “ăn chè” chứ không nói “uống chè”. Tiếng “ăn chè” còn dùng chỉ mấy ông đi lăng nhăng, nó phát xuất từ câu chuyện một ông nhạc sĩ nổi tiếng (PD) dẫn một cô ca sĩ (em vợ) cũng nổi tiếng xuống Nhà Bè tù tì sao đó, có người biết được hỏi, ông ta bảo “Ði ăn chè thôi”.

Tiếng “chè” cũng để chỉ nước từ cây mía mới ép ra, chưa nấu thành đường.

Ở Huế, các nơi tụ tập của người lao động như trước ga Huế, góc đường trước cửa Thượng Tứ, bến đò, chợ… thường có chè xanh. Một người đàn bà ngồi dưới đất, chung quanh có mấy nồi lớn. Một nồi “nước cốt”, một nồi nước “nước pha”(?). Trước mặt là một bàn nhỏ, thấp tè, cao cỡ gang tay, bày mấy cái tô lớn. Trước bàn là một ghế dài, cũng thấy tè, vừa tầm cho khách ngồi “chò hỏ”. Khách ngồi xuống, khỏi nói, bà hàng cũng tự động lấy cái bát, dùng cái gáo múc nước chè cốt vào bát, thêm nước pha vào, đưa cho khách. Nước rót vào bát sủi bọt, thấy đã ứa nước miếng, bưng bát nước, mùi thơm thoang thoảng, uống vào, nghe vị chát nhưng có hậu ngọt, thơm thơm. Khách đang khát, uống một hơi là xong. Dân Huế nghiện uống chè xanh, đi xứ khác không có, nhớ và thèm chè xanh như người thất tình.

Ở Nghệ An vùng Ðô Lương, Nam Ðàn, Thanh Chương có tục luân phiên mời nhau uống nước chè xanh. Hôm nay nhà nầy, mai mốt nhà khác. Hàng xóm kéo đến vừa uống chè vừa trò chuyện. Ở đó, mọi tị hiềm, xích mích, những khó khăn của cá nhân, xóm giềng  được giải quyết trong tình thân ái, giúp đỡ nhau. Nước chè, nước trà làm trí óc sảng khoái, sáng suốt, khác với rượu khiến người say mất cả lý trí.

Chúng ta, nơi xứ người thích uống trà buổi tối, buổi sáng. Ðó là cái thú thanh tao. Có điều lạ là các bà, các cô ít uống trà. Có chăng, thấy sẵn bình trà ghé rót một tách uống chơi. Hi vọng sau khi biết được uống trà, nhất là trà đen, trà xanh chữa được nhiều bịnh về tim mạch, ung thư các bà sẽ tham gia cùng các ông thưởng thức trà. Ðó là thuốc “An tâm” vì tin rằng mình uống trà sẽ khỏi phải lo bịnh hoạn gì cả.

Phạm Thành Châu

Chia sẻ vài kỷ niệm với GS Nguyễn quốc Trị.

Triệu Huỳnh Võ (ĐS 6)

Vào mùa hè năm 1966, khi tôi sắp hoàn tất chương trình Cao học Hành Chánh Công Quyền (HCCQ) tại phân khoa School of Public Administration của University of Southern California (USC) thì anh Nguyễn quốc Trị và sau đó chị Trương hoàng Lem cũng  được học bổng của USAID theo học ngành HCCQ  tại đây nhưng để lấy bằng Tiến sĩ.

Rất may vừa lúc sinh viên người Thái Lan share phòng với tôi  dọn ra, nên tôi và anh Trị trở thành roommates của một apartment khá tiện nghi, được gần trường và thư viện.

Vào lúc này tôi có mua được một chiếc xe hơi cũ nên việc đi lại của cả hai cũng đỡ vất vả .Xin nói thêm ở Cali lúc đó cho phép dùng home driver license.

Vừa ổn định việc move in xong, khi bước qua tuần lễ thứ hai thì anh Trị cho tôi biết ý định là sẽ tìm cách trở về Việt Nam ngay càng sớm càng tốt , vì lo ngại sức khoẻ của chị Trị có vấn đề, bởi hơn một tuần qua anh chưa nhận thư của chị.

Trước dự tính quyết liệt và đột ngột này, tôi đã hết sức khuyên can anh bằng cách đưa kinh nghiệm bản thân từng gặp phải vấn đề tương tự lúc mới qua tới đây. Nhưng anh vẫn lo lắng lắm vì anh cho biết sức khoẻ của chị ấy vốn đã không được tốt từ nhỏ rồi.

Chừng ấy biểu hiện đã nói lên lòng thương yêu và lo lắng cao độ của anh dành cho chị Trị.
Cũng may là vài hôm sau thì anh nhận được tin nhà.

Qua trao đổi tâm tư, lúc đó tôi mới biết anh nguyên là Công Cán Ủy Viên phục vụ tại Uỷ Ban Hành Pháp Trung Ương ( tên gọi mới của Phủ Thủ Tướng) do ông Nguyễn cao Kỳ làm Chủ Tịch. Anh còn cho biết, trước khi qua Mỹ, anh cũng có xúc tiến việc trình Luận án Tiến sĩ Công Pháp  sau khi anh lấy được hai Chứng chỉ Cao Học Công Pháp, nhưng điều đó bị bế tắc ngay từ đầu. Lý do là anh có trình bản đề cương luận án cho GS bảo trợ VQT để ông phê duyệt trước, sau đó mới khai triển tiếp nội dung, nhưng đã không được phản hồi. Mãi về sau anh ấy được cho biết nó đã bị thất lạc.

Ngoài việc chia sẻ tâm sự ,tôi và anh Trị còn chia sẻ khẩu vị ăn uống nữa.  Đó là vì không biết công thức kho cá , chiên cá , nên tôi chỉ biết làm và ăn các món ăn của thịt bò hay thịt heo thôi. Trái lại anh Trị rất thích các món ăn quen thuộc chế biến từ cá,và chịu khó thực hiện qua thư hướng dẫn của chị Trị. Nhờ vậy mà từ đó bữa cơm hằng ngày được thay đổi khi thì với thức ăn của thịt, khi thì của cá.

Cuối tháng 9 năm 1966 tôi tạm thời chia tay với anh Trị để về lại Việt Nam sau khi đã hoàn tất chương trình của mình. Mối liên lạc của tôi với anh vẫn tiếp nối khi anh về Việt Nam, nhất là qua các buổi gặp gỡ, các trận đấu giao hữu tại sân Tennis của Học viện.

Sau ngày 30-4 -1975, mãi tới năm 1990 tôi và gia đình mới  được định cư ở Mỹ sau hơn 12 năm tôi bị đi tù Cộng sản, và nhờ có tham dự Đại Hội Thể Giới QGHC năm 1999 tại DC nên tôi mới gặp lại anh Trị,và lần đó anh có mời tôi về nhà và gặp gỡ chị Trị.

Từ đó về sau, mọi liên lạc được tiếp diễn qua điện thoại hoặc e-mail. Cũng qua các lần trao đổi này, được biết gia đình anh đã đi tản được vào phút chót, đầy cam go và vất vã lắm mới lên được Tàu Trường Xuân hay Việt Nam Thương Tín (tôi không nhớ rõ lắm). Và trên đường đi ra Vũng Tàu thì con Tàu này bị Việt Cộng bắn đuổi có gây thương tích cho người di tản trên Tàu trong đó có thân nhân của anh nữa, (lâu rồi tôi chỉ nhớ mang máng như vậy)

Chỉ vài năm sau Đại Hội QGHC năm 1999  vừa để cập bên trên thì sức khỏe của chị Trị sút giảm và trở nên trầm trọng  và anh Trị lúc đó đã dành toàn thời gian để chăm sóc cho chị cho tới khi chị ra đi vào năm 2001.

Mới gần đây, nhân dịp dự Đại Hội QGHC được tổ chức lần thứ 2 cũng tại DC năm 2019, tôi và anh Trị lại được gặp gỡ nhau. Qua Tiếp xúc và trao đổi ý kiến tôi nhận thấy thần thái và phong độ  anh vẫn còn đầy đủ. Nay trước tin anh vừa qua đời, tôi vô cùng bồi hồi và xúc động khi ký ức về thời gian sinh hoạt chung với anh thời còn theo học ở USC đã ùa về.

Về tài năng, đức độ, thành tích nổi bật của anh đã được cố đại huynh Bữu Viên vinh danh trong buổi lễ ra mắt cuốn sách của anh,”Nguyễn văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của nhà Nguyễn”, tổ chức tại DC các năm trước, và mới đây được post lên lại trên diễn đàn QGHC.

Tại đây tôi chỉ muốn nêu lên điểm son nồi bật ở anh mà tôi đã cảm nhận rõ nét nhất, đó là lòng thương yêu và lo lắng sâu đậm của anh đã dành cho chị Trị.

Điều đó đã được thể hiện lần thứ nhất, vào mùa Hè năm 1966, khi anh vì lo cho sức khoẻ của chị Trị bên nhà bị trục trặc sao đó nên không gởi thư cho anh, khiến anh sẵn sàng muốn bỏ học quay về nhà để săn sóc cho chị.

Điều đó được thể hiện lần thứ hai vào các năm 2000 và 2001 khi chị Trị lâm trọng bệnh và lòng thương yêu cao độ của anh dành cho chị đã được thể hiện qua việc anh  bỏ toàn thời gian của anh  để chăm sóc chị cho tới lúc chị trút hơi thở cuối cùng.

Giờ đây tôi thiết nghĩ quí anh chị cũng như tôi tin rằng anh Trị đã đề huề gặp lại chị ấy nơi cõi Vĩnh Hằng.

Elk Grove ngày 20 tháng 10 năm 2024

Triệu huỳnh Võ, ĐS 6

Vài Nét Về Con Người Của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông

Triệu Huỳnh Võ

Khi Giáo Sư Nguyễn văn Bông về làm Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (HV/QGHC), tôi đã tốt nghiệp trước đó gần 2 năm, tuy nhiên có nhiều cơ duyên với một số cơ hội tự nhiên xảy đến, khiến tôi có dịp hiểu biết nhiều về GS Bông, cũng như nhận xét được đức độ của một người thầy khả kính, một nhà lãnh đạo chính trị sắc bén trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà.

Vào trước năm 1975, tình cờ trong một chuyến đi nghỉ mát tại Vũng Tàu, tôi gặp gỡ một cựu giáo viên, ông Ngô quang Vinh, từng làm hiệu trưởng một trường tư thục ở đường Phan Thanh Giản, Sàigòn, cùng quê Gò Công với GS Bông. Ông Vinh cho biết, ông Bông vốn là một người học trò giỏi, rất thông minh và hòa nhã với mọi người. Thời gian ở Saigon, ông Bông cư ngự trong trường Lê bá Cang. Lúc ông Bông chuẩn bị sang  Pháp du học, các người thân quen với ông Bông ở trường  nầy đã hết lòng giúp đỡ cho chuyến xuất ngoại của ông.

Vào tháng 9/2007, tôi có dịp du lịch ở Pháp và gặp lại bác sĩ Nguyễn  Minh Tân, trước đây từng là Chủ Tịch Đô Thành Bộ Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT). BS Tân  cho tôi biết,  theo lời GS Nguyễn Ngọc Huy kể lại,  khi tới Pháp, một số sinh viên VN thiên tả thời đó có ý định tiếp xúc và lôi kéo ông Bông theo họ. Ông Huy lúc bấy giờ đã đến với ông Bông, sau đó hai ngưòi đã kết thành bạn thân và dứt khoát chống Cộng từ đó.

GS Bông về nước lúc nào thì tôi không rõ lắm, nhưng tên tuổi của ông trở nên sáng chói sau khi ông đọc bài diễn văn khai giảng đầu niên học ở trường Luật Sài Gòn,  khoảng năm 1963, với đề tài “ Quyền Đối Lập Chính Trị ”.  Đây là một đề tài mới mẽ, chưa  ai chính thức và công khai đề cập. Có thể nói, GS Bông là người đầu tiên đã phát động và kêu gọi sự thực thi một chế độ dân chủ với sự cho phép hình thành các lực lượng đối lập chính trị, hoạt động tư do và công khai. Cũng chính vì sự tha thiết với chủ trương đó, sau này ông cùng với GS Nguyễn Ngọc Huy đã thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, một lực lượng chính trị đối lập với chính quyền đương thời trong nền Đệ Nhị Cộng Hoà.

Bài diễn văn khai giảng về Quyền Đối Lâp Chính Trị của GS Bông được đăng trong Luật Học Tập San và sau này trong quyển Luật Hiến Pháp do ông biên soạn. Những ai có dịp đọc qua bài này đều phải khâm phục về nội dung sâu sắc, phong phú của bài viết, với sự trích dẫn các điển tích dí dõm, lời văn trau chuốt đến độ không thể thêm hoặc bớt một chữ nào trong câu văn của ông. Các sinh viên có dịp học với GS Bông ở các lớp Cao  học Luật còn cho biết thêm là có nghe GS Bông giảng bài bằng tiếng Pháp thì càng thấy thán phục hơn nữa truớc lối trình bày quá lưu loát và sự “ngọt lịm” trong lời văn của ông.

Sau cuộc cách mạng 1-11-63, GS Bông được bổ nhiệm làm Viện trưởng  HV/QGHC thay thế  GS Vũ quốc Thông. Lúc bấy giờ, HV/QGHC vốn có chương trình cấp phát học bổng cho các sinh viên đậu thủ khoa ở các khóa học, sau hai năm ra làm việc, được đi tu nghiệp ở Mỹ lấy bằng cao học, hoặc tiến sĩ để rồi sau đó sẽ về phục vụ cho HV/QGHC.

Tôi được học bổng đi tu nghiệp tại đại học University of Southern California(USC) ở tiểu bang California vào tháng 1/1965. Mùa hè năm 1965, GS Bông có dịp chính thức viếng thăm Phân Khoa Hành Chánh Công Quyền (School of Public Administration ) của đại học USC. Là sinh viên VN duy nhất đang học tại phân khoa nầy nên tôi đượcc trưòng USC chỉ định tiếp đón và đưa ông gặp gỡ khoa trưởng và các giáo sư của Phân khoa Hành Chánh Công Quyền trong suốt thời gian nầy. Qua thời gian ngắn ngủi đó, tôi đã nhận thấy ở ông một người trí thức khoa bảng,  một cấp lãnh đạo trẻ trung có tính tình rất xuề xòa bình dị, và rất cởi mở. Theo tôi, chính những đức tính nầy giúp ông chinh phục được sự cảm mến và quí trọng của bất cứ ai có dịp tiếp xúc hay gặp gỡ ông ngay lúc sơ giao. Sự quen biết và quan hệ của tôi với ông bắt đầu từ đây và tiếp tục sau ngày tôi về VN.

Giữa năm 1968, sau Tết Mậu Thân, trong cương vị Giám Đốc phụ trách một Nha đặc trách về chính trị Phủ Thủ Tướng thời cụ Trần văn Hương làm Thủ Tướng Chính Phủ, hằng ngày tôi được Nha Báo Chí cung cấp một copy bản tóm lược tin tức viễn ấn (teletype) của các hãng thông tấn ngoại quốc liên quan đến hiện tình chính trị, xã hội của VNCH. Bản chính trình lên cho Thủ tướng xem. Tôi  cho copy một bản nữa và sau đó nhờ một nhân viên tín cẩn mang tay đến công ốc của GS Bông trên đường Phan Thanh Giản để ông cũng có thể cập nhật được các tin tức mới nhất nầy .

Vào khoảng năm 1969-1970, do sự thúc đẩy của cơ quan USAID muốn thực hiện một sự cải cách hành chánh rông lớn trong guồng máy hành chánh từ trung ương xuống địa phương, nên Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu đã  mời GS Bông –và được sự đồng ý của GS Bông – giữ chức Đồng Chủ Tịch (Co- Chairman) với Tổng Thống Thiệu trong Hội Đồng Cải Cách Hành Chánh Trung Ương ( HDCCHCTU ). Trực thuộc hội đồng nầy là một Phủ Đặc Ủy Cải Cách Hành Chánh, dưới quyền điều khiển của một Đặc Ủy Trưởng, xếp ngang hàng  Thứ Trưởng. GS Bông  cho tôi biết là ông đã đề nghị tôi vào chức vụ nầy, dựa vào khả năng chuyên môn cuả tôi ( vưà tốt  nghiệp Học Viện QGHC, vừa có bằng Cao học HC công quyền ở Mỹ), nhưng Tổng Thống Thiệu đã chọn ông Nguyễn đình Xướng, cũng là cựu sinh viên khóa 1 Học Viên QGHC,  đang làm Tổng Quản Trị Hành Chánh Phủ Tổng Thống, kiêm nhiệm  Đặc Ủy Trưởng Cải Cách Hành Chánh. Cơ quan USAID có in các sơ đồ cơ cấu tổ chức HDCCHCTU, Phủ Đặc Uỷ Cải Cách Hành Chánh, để phổ biến rộng rãi đến các Phủ, Bộ ở Trung Ương, nhưng sau đó không thấy Phủ Đặc Ủy Cải Cách Hành Chánh có những hoạt động cụ thể nào; chủ trương cải tổ hành chánh trong thực tế coi như chưa thực hiện được. (Mãi tới năm 1973, vấn đề cải tổ hành chánh lại được Tổng Thống Thiệu chính thức phát động trở lại và rầm rộ thực hiện qua một Phủ Tổng Ủy Công Vụ do đại tá Quách huỳnh Hà là Tổng Ủy Trưởng, xếp ngang hàng Tổng Trưởng, với sự trợ lực của 2 phụ tá là GS Trương hoàng Lem và GS Lê Công Truyền, xếp ngang hàng Thứ Trưởng.).

Tuy vẫn tiếp tục giữ chức vụ Viện Trưởng HV/QGHC, nhưng uy tín và thanh thế của GS Bông ngày một lên cao, với sự lớn mạnh của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến lúc bấy giờ, có lẽ vì thế mà sự an toàn của ông đã bị đe dọa nhiều lần.

Lần thứ nhất, khoảng vài tháng sau cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đợt hai ở Sài Gòn, kẻ địch, lợi dụng cửa phòng họp Hội Đồng Giáo Sư, sát vách phòng làm việc của Viện Trưởng, không có khóa, đã lén đặt chất nổ trong  phòng nầy,  cố ý sát hại GS Bông ở phòng kế bên. Theo anh Lê công Truyền, cựu sinh viên QGHC, lúc đó làm Chi Vụ Trưởng Học Vụ kể lại, thì sức ép của chất nổ đẩy ghế ngồi có bánh xe của GS Bông chạy sát vào bàn làm việc của ông và kỳ diệu thay, còn đẩy thân người ông chui vào dưới gầm bàn trước khi bức tường ngăn đôi hai phòng đổ sập, Nhờ vậy, cơ thể ông chỉ bị xây xát nhẹ, mà không bị thương tích trầm trọng. Khi nghe tiếng nổ, anh Truyền cùng với một anh sinh viên nữa chạy lên lầu, vào phòng GS Bông, cả hai cùng dìu ông xuống lầu,  lên công xa của ông,  đưa thẳng đến bệnh viện Đồn Đất. Anh Truyền lúc đó không nhớ taị sao lại đưa GS Bông tới  Đồn Đất (một bệnh viện tư cuả người Pháp ), đúng ra là phải  đưa đến bệnh viện Đô Thành (bệnh viện của chính phủ ). Một điều đã làm cho anh Truyền kính phục và thương cảm GS Bông hơn nữa, là sau khì để bác sĩ khám nghiệm thương tích xong, câu hỏi đầu tiên mà GS Bông hỏi anh Truyền là “các anh em có ai bị thương tích gì không?”

Lần thứ nhì, vào năm 1970, tại công ốc của GS Bông trên đường Phan thanh Giản, nằm đối diện trường Nữ Trung học Gia Long, có một đêm cả nhà bị xông thuốc mê, tất cả đồ đạc trong phòng làm việc của GS Bông ở trên lầu đều bị lục soát vất tung toé, nhưng mọi ngưòi ngủ trên lầu đều vô sự. Sau lần nầy, tôi dùng quan hệ cá nhân của tôi với một ông bạn thân, cũng là cựu sinh viên QGHC, đang là cấp điều khiển một cơ quan an ninh, cấp thời biệt phái một nhân viên thân tín có vũ trang đến túc trực bên GS Bông để bảo vệ an ninh cho ông. Mỗi khi GS Bông di chuyển ngoài đường,  anh nhân viên nầy chạy vespa theo sau xe để hộ tống; ban đêm  anh ấy ngủ ở lầu dưới, để bảo đảm phần nào sự an toàn cho GS Bông, cho tớí lúc  Bộ Tư Lệnh CSQG chính thức biệt phái người của khốì Bảo Vệ Yếu Nhân sang thay thế.

Vào các năm sau đó, với sự lớn mạnh của PTQGCT mà GS Bông là chủ tịch của Chủ tịch Đoàn, có  nhật báo Cấp Tiến làm cơ quan ngôn luận của Phong trào, chính GS Bông trong các bài viết đăng trên mục lập trưòng hay quan điểm, luôn kêu gọi dân sự hóa guồng máy công quyền, nhất là ở cấp đô, tỉnh, thị, trong thực tế, đã và đang bị cấp lãnh đạo đương thời quân sự hóa với lý do vì an ninh và nhu cầu bình định v.v…Theo tôi, đây là một chủ trương lớn thứ nhì sau lần ông kêu gọi việc chấp nhận quyền đối lập chính trị khi ông mới về phục vụ đất nước. Chủ trương dân sự hóa guồng máy hành chánh của ông có gây được tiếng vang, nhưng không thuyết phục được cấp lãnh đạo, các quân nhân vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng ở cấp đô thị, các quận và đặc khu cho tới ngày 30/4/75.

Đóng góp lớn nhất của ông,  với sự cộng tác của GS Huy là đã hình thành và phát triển được thưc sự một lực lượng đối lập chính trị, PTQGCT, đã đi vào sinh hoạt chính thức trong chính trường lúc bấy giờ với sự hiện diện của các dân biểu Khối Cấp Tiến trong Quốc Hội, được đánh giá là đối lập thực sự chứ không phải là đối lập theo kiểu “lom khom”.Đa phần các vị dân biểu thuộc khối Cấp Tiến đều tốt nghiệp hoặc trường Luật hoặc trường Quốc Gia Hành Chánh như các ông Trần minh Nhật (trường Luật), Trương vi Trí, Nguyễn văn Quí, Nguyễn văn Tiết (trường Quốc Gia Hành Chánh) v.v…

Riêng về đức độ và cá tính, trong suốt thời gian gần gũi ông, từ khi ở  Mỹ, đến lúc ở VN, cho tới ngày ông bị sát hại năm 1971, điểm đáng nói nhất là GS Bông chưa hề kêu gọi tôi tham gia vào PTQGCT.  Một lần tôi đến hỏi ý kiến là tôi có nên gia nhập đảng Tân Đại Việt không, vì một số bạn bè thân thiết mời, ông đã nhanh chóng trả lờì ngay là không nên, nhưng  không cho biết lý do tại sao. Gần đây, khi trao đổi ý kiến với anh Lê Công Truyền về điểm này, anh cũng cho biết bản thân anh cũng có hỏi ý kiến GS Bông là có nên gia nhập PTQGCT không, sau khi anh ấy được GS Huy mời, GS Bông cũng ngăn cản, còn nói thêm là việc gia nhập chỉ làm cho tướng Đặng văn Quang để ý chứ không có lợi .

Tuy tôi và anh Lê Công Truyền không tham gia PTQGCT, nhưng mỗi lần có sinh hoạt đại hội của phong trào nầy, GS Bông đều kêu chúng tôi cùng đi chung với ông đến dự. Lần chót là kỳ họp đại hội tại xã Khánh Hậu thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, sát tỉnh Long An.

Phải chăng cũng vì mối liên hệ này với GS Bông nên lúc tôi bị CS cầm tù sau ngày 30/ 4/1975, cán bộ CS hai lần đến tìm tôi (một lần khi tôi ở trại giam Thủ Đức trong Nam, và một lần khi tôi ở trại giam Hà Tây ngoài Bắc ), yêu cầu tôi viết lại tổ chức, điều hành Hoc Viện QGHC trong khi tôi không  làm việc cho Học Viện ngày nào cả. Trong mỗi lần gặp gỡ như vậy, cán bộ CS đều hỏi tôi, dưới hình thức như là câu chuyện trao đổi bên lề, không chính thức. Họ hỏi : “ Theo anh, ai đã giết GS Bông ?.” Tôi trả lời: “Bộ Tư lệnh CSQG đã mở cuộc họp báo trưng bằng cớ là người cộng sản đã giết hại GS Bông”. Tôi có nói thêm một câu lấp lững: “ Theo cán bộ, ai đã giết Đức Thầy Huỳnh phú Sổ ?”(Giáo chủ của Phật giáo Hòa Hảo). Họ không trả lời.

GS Nguyễn Văn Bông (phía trước), GS Nguyễn Văn Tương, (bên phải) và GS Tạ Văn Tài đến trao bằng Tiến sĩ cho một sinh viên Trường Luật. Ảnh: Internet – chưa rõ nguồn.

Cũng trong phần nói về đức độ và tinh thần phóng khoáng của GS Bông, tôi cũng xin được nói thêm ở đây: Sau ngày GS Bông về dạy tại trường Luật, Sàigòn, từ 1963 trở đi, các sinh viên ban Công Pháp đã xem ông như là vị giáo sư cứu tinh của họ, bởi lẽ ông đã giải tỏa được sự tắt nghẽn, hay nói nôm na là hiện tuợng nút chặn trên con đường trình luận án Tiến Sĩ Công Pháp. Thật vậy, trước đó số người học tiếp và được cấp bằng Tiến sĩ Công pháp gần như có tính cách nhỏ giọt, vì sinh viên đã gặp quá nhiều trở ngại đến nản lòng trong việc đi tìm ra người chịu nhận làm giáo sư bảo trợ để làm luận án Tiến sĩ Công pháp. Lúc bấy giờ người có thẩm quyền cao nhất bên Công pháp là GS Vũ quốc Thông. Đến khi GS Bông về dạy tại đây, gần như năm nào cũng đều có người trình luận án và đỗ bằng Tiến sĩ Công Pháp. Lý do chính là do GS Bông đã thay thế GS Thông trong cương vị đó.

Về trường hợp GS Bông bị đặt chất nổ sát hại năm 1971. Lúc đó vào khoảng gần 12 giờ trưa, tôi đang làm viêc tại Phủ Thủ Tướng, được anh Nguyễn Thành Thân, cựu sinh viên Cao học HC, vừa là con vừa là Chánh Văn Phòng cho ông Bộ trưởng Phủ Thủ Tướng Nguyễn văn Vàng, thông báo là ông Vàng đang cùng Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm trên đường đi đến bệnh viện Đô Thành sau khi nghe tin GS Bông lâm nạn. Tôi liền phối kiểm lại tin tức với Trung tá Tạo, chánh văn phòng của Tư Lệnh CSQG, được biết thêm là Việt Cộng đã ném chất nổ dưới gầm xe khi xe dừng lại tại ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản, chất nổ làm cháy xe chở GS Bông khiến thân thể cũng bị cháy và ông đã qua đời rồi. Tôi lặng người trong bàng hoàng và vô cùng xúc động với một lòng tiếc thương không thể nào tả hết được.

Chiều hôm đó, tôi đến nhà anh Lê công Truyền ở Gia Định, cả hai cùng đi đến bệnh viện Đô Thành. Tại đây, chúng tôi chỉ đứng bên ngoài vì bên trong đã quá đông người và đang tiến hành lễ tẩn liệm theo nghi thức Phật giáo, nên bản thân tôi không được nhìn mặt GS Bông lần cuối. Riêng anh Truyền thì ngay buổi trưa hôm ấy, khi hay tin, anh đã chạy bộ đến BV Đô Thành và đã nhìn đươc thi thể cuả GS Bông. Theo anh, hình ảnh sau cùng của GS Bông rất là thê thảm.

Sau nầy anh Truyền có nói với tôi rằng, từ sau vụ đặt chất nổ năm 1968 làm sập tường trong phòng Viện Trưởng ,GS Bông tạm thời phải làm việc ở một phòng khác, gần cầu thang và gần phòng làm việc của anh, nên anh có dịp tiếp xúc với GS Bông nhiều hơn. Trong các dịp nầy, anh có kể cho GS Bông nghe một số các trường hợp CS ám sát người quốc gia, sau khi họ điều nghiên giờ giấc và thói quen đi đứng cuả những người đó. Anh Truyền đã khuyên GS Bông cần lưu ý trong việc đi lại hơn nữa. Mới đây, khi có dịp liên lạc với ông bạn thân đã biệt phái người đển bảo vệ an ninh cho GS Bông mà tôi có dịp đề cập ở phần trên, anh ấy cũng cho tôi biết những chi tiết sau: Vài tháng trước ngày GS Bông bị đặt chất nổ, trên đường đi làm việc, tình cờ xe anh chạy sau xe GS Bông lúc xe này vừa ra khỏi nhà ở đường Phan thanh Giản, Anh ấy cố ý chạy theo sau cho đến khi tới Học Viện. Tại HọcViện, anh đã vào gặp GS Bông và nói rằng, trong suốt lộ trình vừa rồi, lúc ngồi trên xe, giáo sư đã chăm chú ngồi đọc tài liệu mà không quan tâm đến quang cảnh chung quanh. Anh cũng đề nghị giáo sư cần thay đổi lộ trình di chuyển.

Một thời gian ngắn  sau khi GS Bông mất,  Bộ Tư Lệnh CSQG  tổ chức họp báo trưng bằng cớ chính bọn CS đã sát hại GS Bông, theo đó toán đặc công thực hiện viêc ám sát thuộc ban trí vận của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do Trần Bạch Đằng cầm đầu. Lúc bấy giờ, vẫn có dư luận hoài nghi kết quả điều tra này.

Một sự ngẩu nhiên là sau ngày ra tù CS năm 1987, tình cờ tôi có dịp găp được anh Nguyễn bá Minh ở Sàigòn, một người cùng học ở tiểu học và trung học với anh Trương đình Thăng ở Nha Trang (anh Thăng là cựu sinh viên QGHC). Anh Minh cho biết, trước khi thi hành công tác, tổ đặc công VC ném chất nổ vào xe GS Bông đã đến trường Bồ Đề (trường tư thục nằm trên đường Nguyễn thái Học, khu chợ Cầu Ông Lãnh) để mượn chiếc xe Honda của một người đang cư ngụ trong cư xá nầy. Một chi tiết khác nữa tôi được biết qua anh Trương đình Thăng, theo đó sau khi ra tù CS, anh có đi làm việc cho cơ quan dịch vụ đầu tư ở Bến Chương Dương. Tại đây, anh nghe các nhân viên cho biết tên Nguyễn văn Bé, một đảng ủy CS làm việc cho khu chế xuất ở trên lầu, là người đã thực hiện việc ám sát GS Bông.  Tên Bé đã kể lại, khì xe ông Bông ngừng lại đã ở ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản thì chính Bé ném cặp táp đựng chất nổ xuống gầm xe cuả GS Bông, sau đó y phóng xe  qua đường Cao Thắng, chạy tiếp vào trong hẽm để đào thoát.

Trong khi đó, anh Lê văn Bỉnh, cũng là cựu sinh viên QGHC, lại cho tôi biết, anh ấy có đọc một cuốn sách không nhớ tựa, do CS xuất bản vào giữa thập niên 1980, trong đó có nói đến người thực hiện việc sát hại GS Bông lúc ấy đang làm phường trưởng ở quận Bình Thạnh.  Gần đây nhất, vào khoảng tháng 7/2007, một người ký tên Trần Thanh, trong một bài viết tựa đề “ Ai đã giết GS Bông ” lại đưa ra các chi tiết khác, theo đó, sau 1975, tạp chí Đứng Dậy ( tên mới của tờ Đối Diện trước 1975 của linh mục Chân Tín ) có đăng bài viết, dưới dạng hồì ký, kể lại chiến công của toán biệt động thành của tác giả Vũ Quang Hùng. Hùng tự nhận là sinh viên năm thứ ba đại học Khoa học Saigòn, thuộc ban an ninh T4 biệt động thành, trực thuộc Trung Ương Cục R, nhận lệnh ám sát GS Nguyễn văn Bông. Hùng đã cùng một đồng bọn, dùng xe Honda 90, y ngồi phía sau và chính y đã ném chất nổ dưới gầm xe GS Nguyễn văn Bông tại ngã tư Cao Thắng và Phan thanh Giản. Sau 1975, Hùng được cho làm Chủ tịch Uỷ Ban Nhân dân Quận 3 thành phố Hồ chí Minh.

Một chi tiết khá đặc biệt khác nữa tôi xin đề cập thêm ở đây: anh Trần Quang Trí, cựu sinh viên QGHC, trước khi qua đời, trong một bài viết, tường thuật về cái chết của GS Bông, có lưu ý tới sự có mặt của kịch sĩ Kim Cương, đang ở  bên cạnh bà Bông trên lầu, khi anh ấy từ bệnh viện Đô Thành về nhà GS Bông để chuẩn bị tang lễ.(Lúc đầu tang lễ được dự định tổ chức ở nhà, về sau được quyết định cử hành  tại trụ sở của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trên đường Phan đình Phùng). Về điểm nầy, trong lần gặp gỡ với bà Jackie Bông Wright vào tháng 5/2008 tại Sacramento, tôi có hỏi, được bà xác nhận, cô Kim Cương có đến nhà, ở bên cạnh bà suốt ngày hôm đó.  Hồi ấy, bà cũng thấy ngạc nhiên trước sự việc nầy, bởi lẽ, tuy gia đình bà và gia đình Kim Cương trước kia có quen biết, nhưng sau nầy không còn liên lạc nhau. Theo bà nghĩ, có thể CS đã cho cô Kim Cương đến dò la tin tức chung quanh cái chết của GS Bông. (Từ trung tuần tháng 5/1975, các báo Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân đều có đăng bài tường thuật trên trang nhất, liệt kê Kim Cương là thượng tá công an, một cán bộ nằm vùng, hoạt động đắc lực tại miền Nam).

Vấn đề ai trực tiếp giết GS Bông không quan trọng.  Điểm chính yếu là chính giới lãnh đạo CS đã chủ trương sát hại ông, với chủ đích vừa triệt hạ một nhà lãnh đạo chính trị tại miền Nam, có nhiều triển vọng sẽ đối đầu bất lợi với họ trong tương lai, vừa gây nghi ngờ trong nội bô những người quốc gia. Theo suy nghĩ của riêng tôi, GS Bông ra đi, là một sự mất mát to lớn cho chính trường miền Nam vì ông được xem là nhân vật sáng giá nhất để cầm đầu một nội các dân sự mà dư luận lúc đó cho là sắp xảy ra trong tương lai gần. Mất GS Bông, PTQGCT mất đi một trụ cột quan trọng bởi lẽ ông là người dễ thu phục cảm tình, có khả năng tập hợp đông đảo giới trí thức trẻ về với ông hơn so với GS Huỵ. Mất GS Bông, sinh viên trường QGHCvà trường Luật mất đi một vị giáo sư ưu tú, một người thầy tận tụy, tận tình giúp đỡ sinh viên khi được yêu cầu, nhất là đốí với các sinh viên bậc cao học đang chuẩn bị đệ trình luận án tiến sĩ công pháp. Hình ảnh vị giáo sư khả kính nầy vẫn mãi sống trong tâm khảm của những người từng làm việc, cộng tác và gần gũi ông.

TRIỆU HUỲNH VÕ

Cựu sinh viên khóa 6 HVQGHC

ELKGROVE  ngày 8 tháng 11 năm 2008

Một Chuyện Rất Việt Nam

Đỗ Tiến Đức

Năm 1994 tình cờ tôi dính vào một chuyện tình của một người đàn bà ở trong nước có người yêu vượt biển định cư tại Nam Cali. Tôi không biết phụ nữ đó bao nhiêu tuổi, xấu đẹp thế nào, giàu hay nghèo, sang hay hèn, Bắc hay Trung hay Nam và Phật giáo hay Thiên Chúa Giáo. Tôi chỉ biết tên người đó là Thanh.
Như tôi vừa nói, đây chỉ là sự tình cờ. Hôm ấy, hình như đầu tháng 5, tôi đang trông chiếc máy CNC chạy giữa một cơ xưởng rộng mênh mông, bên hàng trăm chiếc máy khác trong một cơ xưởng tiện, thì một đồng nghiệp người Ba Tây tên là Washington đi tới. Anh ta chìa tay về phía tôi, đưa cho tôi một miếng giấy nhỏ, nói :
– Hello, Nguyễn, tao nghĩ cái thư này viết bằng tiếng Việt Nam của mày. Mày xem có phải không ?
Liếc nhìn miếng giấy trong lúc tôi đón lấy từ tay Washington, tôi đã nhận ra ngay chữ Việt rồi. Tôi gật đầu và tò mò đọc ngay vì tổng cộng chỉ có ít dòng :

“Gửi người bạn phương xa,
Tôi tên là Thanh, công nhân viên của xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công ở số 1955 đường Lê nin, huyện Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Người mà tôi yêu, chồng tôi, tên là Nguyễn Ngọc Luận, tốt nghiệp Đại học Y Khoa Sài Gòn, vượt biên năm 1988, từ đó mất tích luôn. Gần đây gặp một Việt kiều về, tôi hỏi thăm thì người ấy nói ở Mỹ có một bác sĩ tên là Nguyễn Ngọc Luận nhưng không biết điạ chỉ. Ai nhận được lá thư này là ân nhân của tôi, xin tìm giúp tôi chồng tôi, người mà tôi thương yêu suốt đời. Ngày đêm tôi chờ đợi tin của ân nhân…
Thanh

Đọc xong thư, tôi mỉm cười hỏi Washington :
– Bạn có thân nhân mới tới Việt Nam du lịch chăng ?
– Không ? Sao mày hỏi điều đó ?
– Vậy chứ từ đâu mà bạn có lá thư này ?
Washington thích thú kể :
– À, ngày birthday của tao, vợ tao mua tặng tao chiếc sơ mi. Mở áo ra mặc thử, tao thấy mảnh giấy nào trong túi áo…
Tôi ngạc nhiên :
– Thế nghĩa là sao ? Bạn mua phải áo cũ ?
– Tao không nghĩ vậy. Theo vợ tao đoán thì có thể là một người thợ may để thư vào chiếc áo này, bắt chước kiểu người ta hay bỏ thư vào chai rồi thả xuống biển xem nó trôi dạt tới tay ai… Nhưng có phải là chữ Việt Nam không ?
– Phải.
– Vậy thì tao không hiểu điều này, mày giải thích cho tao nghe. Label của chiếc áo này là một nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ, đề là may ở Nam Hàn, sao lại có lá thư của người Việt Nam trong túi ?
– Giản dị thôi. Tụi Mỹ nó thuê mấy thằng Nam Hàn may cho rẻ. Mấy thằng Nam Hàn lại thuê thợ Việt Nam cho rẻ hơn vì lương công nhân viên Sài gòn chỉ cỡ ba mươi đô la một tháng.
Washington kết luận :
– Câu chuyện thú vị đấy chứ ! Mày nói cho tao nghe bức thư viết cái gì.
Tôi lẩm nhẩm :
– Thư của một người đàn bà nhờ kiếm chồng …
Rồi tôi nói cho Washington nghe những điều viết trong thư. Nghe xong, Washington còn hăm hở hơn tôi :
– Nhất định phải giúp bà ta rồi. Mày kiếm cái tên bác sĩ này hẳn không khó, phải không ? Và mày có thể viết ngay cho bà ta cái thơ báo tin cho bà ta biết mày, à quên, tao chứ, đã nhận được cái thơ của bà ta. Mày nhớ làm nhá, Chúa sẽ trả ơn mày…
Tôi gật đầu cho Washington vui lòng :
– Ô kê. Tôi có thể cho bạn biết kết quả ngay là tôi đã tìm ra ông chồng của thiếu phụ này rồi. Ông ta có phòng mạch ở Los Angeles và ông ta cũng là một nhà tranh đấu chống cộng rất quyết liệt.
– Ông ta đang hành nghề bác sĩ ? Thế tại sao lại không liên lạc với vợ ?
– Làm sao tôi biết ? Bạn nên nhớ là mười chín năm qua, dân tộc tôi bất hạnh lắm, chuyện gì cũng có thể xẩy ra cả.
– Thí dụ như ông này đã có vợ mới thì sao ?
– Có thể.
– Nếu thế thì thôi, đừng cho người đàn bà này biết.
– Tôi mới nói “có thể” chứ đã chắc chắn đâu. Tại sao không nghĩ tốt hơn là khi ông ta vượt biên rồi thì ở nhà, vợ ông ta bị Việt cộng tịch thu nhà, bắt bà ta đi tù vì tội đồng lõa giúp người vượt biên. Cho nên hai vợ chồng này mất tin tức địa chỉ của nhau. Tưởng tượng hôm nào mình tới nhà ông ta, thấy ông ta sống một mình trong một căn nhà năm trăm ngàn đô la ở Beverly Hills và phòng nào cũng có treo ảnh của người đàn bà tác giả lá thư này…
Washington hồn nhiên reo vui :
– Hay quá! Vậy hôm nào mày đi gặp ông bác sĩ đó, nhớ hú cho tao đi cùng, nhé.

Buổi chiều hôm đó, trên đường tan sở trở về nhà tôi cứ bâng khuâng với lá thư của thiếu phụ tên Thanh có người chồng là bác sĩ Luận. Tới bữa ăn, tôi đem câu chuyện này nói với vợ tôi thì vợ tôi kêu lên :
– Ông ta có vợ rồi mà. Bà này đi chiếc Mercedes trắng, nghe nói bà này giầu lắm, đã nuôi ông này ăn học cho tới khi lấy được bằng tương đương để được hành nghề lại đấy.
Tôi khựng lại, tự nhiên tôi đứng về phía người thiếu phụ tên Thanh :
– Sao em biết?
– Thì thỉnh thoảng đi dự ba cái vụ khiêu vũ gây quỹ đó, người này chỉ chỏ người kia, ai đeo hột soàn mấy ca ra, vuông hay tròn, giá bao nhiêu, mặc áo bốn số hay ba số hay hai số cũng còn biết…
– Em nói gì mà áo bốn số, ba số ?
– Tiền. Bốn số là áo mắc tiền, trên một ngàn, ba số là áo bạc trăm còn hai số như em là đồ on sale ở Loehmanns hay Northrom Rack…
Tôi hỏi một câu hơi ngơ ngẩn :
– Như vậy thì làm sao ? Có nên gặp cái ông bác sĩ này nữa không ?
– Người ta nhờ thì mình làm. Anh bỏ lá thư vào phong bì, dán 29 cent tem, mail đi…
– Không được đâu. Sợ bà vợ ông ta trông coi văn phòng, gặp lá thư này thì ông ta đã không bao giờ được đọc những hàng chữ của vợ ông ta viết, và chẳng những thế, gia đình ông ta còn xào xáo từ nay nữa, đâu có lợi gì.
Tối hôm ấy, tôi ngồi cặm cụi viết thư cho người đàn bà tên Thanh. Dường như đã vài năm nay tôi không viết thư cho ai nên trong lòng dạt dào ý tưởng mà viết không ra chữ. Đời sống xứ Mỹ đã phát sinh ra trong tôi tính lười biếng kỳ cục này. Nhớ lại hồi sống ở quê nhà, gần như ngày nào tôi cũng có ít nhất một phong bì gửi đi vì tôi rất đông bạn bè và gia đình nội ngoại. Ấy là không kể tới hồi còn trẻ, “khi đã yêu thì mơ mộng nhiều”, viết thư cho “nàng” bất kể giờ giấc, ngay cả lúc ngồi trong nhà thờ nghe cha giảng. Nhưng ở Mỹ, mọi việc giao thiệp đều qua đường dây điện thoại. Chẳng hạn bà vợ tôi hễ về đến nhà là y như cái ống điện thoại không dây đã áp dính vô tai, dù làm bếp hay coi ti vi và đôi khi cả lúc vào trong phòng vệ sinh. Ba đứa con tôi cũng không kém, thành ra gia đình tôi chẳng buôn bán gì mà cũng đã có hai đường dây điện thoại, máy chính máy phụ giăng mắc từ phòng này sang phòng kia cứ y như trung tâm hành quân của một tiểu khu ngày xưa. Cái thói quen viết thư mất dần cho đến bây giờ, nhìn hàng chữ trên giấy, tôi thấy vừa xấu lại vừa vô duyên chi lạ. “Phấn đấu” tới hai giờ sáng, tôi mới hoàn thành một lá thư dài khoảng hai chục giòng để gửi về xí nghiệp may xuất khẩu Thống Nhất cho người đàn bà tên Thanh.

Sáng hôm sau, vừa tới sở thì Washington đã chặn hỏi tôi :
– Mày liên lạc với ông bác sĩ kia chưa ?
– Để cuối tuần này.
– Mày không có quyền chậm trễ. Mày hãy nhớ tới người đàn bà kia, bà ta giống như thằng cha nào mà tao quên tên rồi, hình như là Robinson thì phải, thằng cha bị đắm tàu dạt vào hoang đảo, hàng ngày ngóng ra ngoài khơi xem có tàu nào tới vớt không sau khi thằng cha này thả xuống biển vài cái chai mang thơ cầu cứu.
– Nhưng mà thì giờ đâu ? Hàng ngày phải vô đây từ sáng tới chiều rồi …
– Thì mày gọi điện thoại.
Tôi trả lời cho qua là chưa kiếm ra số điện thoại vì thấy anh chàng Ba Tây này ồn ào qúa khiến tôi nghĩ rằng anh chàng đang giải trí với câu chuyện tình chia cách của một cặp vợ chồng Việt Nam, anh chàng tò mò muốn biết thêm chi tiết để tối về, kể cho vợ nghe và vợ anh ta bốc điện thoại kể cho bạn nghe tùm lum một cách rất khoan khoái. Thấy tôi lạnh nhạt bước tới dàn máy CNC thì Washington nhún vai bỏ đi.
Không ngờ đến lúc nghỉ giải lao, Washington hớn hở trở lại chỗ tôi, đập mạnh vào vai tôi y như khi anh ta thắng cuộc đánh đề football :
– Tao cho mày số điện thoại của ông bác sĩ Luận.
Washington chìa vào mặt tôi mảnh giấy tèm lem vết dầu nhớt, tôi lại ngạc nhiên :
– Làm sao bạn có?
Washington cười hề hề :
– Mày ở Mỹ gần chục năm mà dở tệ. Nhắc cái điện thoại lên, gặp con tổng đài, đọc tên thành phố và tên bác sĩ Luận rồi hỏi số điện thoại là một giây nó trả lời mày.
Washington nắm tay tôi lôi đi :
– Bây giờ còn mười phút, mày ra máy điện thoại công cộng này, tao bỏ 25 cent cho mày gọi ông bác sĩ Luận.
Thực sự là tôi không đồng ý cái lối hành động nóng nẩy của Washington, vì không hiểu sao tôi cứ nghĩ anh chàng Ba Tây này làm chỉ vì tò mò, tìm hứng thú cho bản thân anh ta hơn là cho người đàn bà Việt Nam tên Thanh. Nhưng nếu tôi không gọi điện thoại thì anh chàng này sẽ hiểu qua tôi là người Việt thiếu tình cảm, lạnh lùng, không thương ngay cả đồng bào mình. Với lại, tôi biết, nếu tôi không nói chuyện với bác sĩ Luận lúc này thì Washington sẽ nói. Vì thế, tôi đành miễn cưỡng theo Washington tới máy điện thoại. Chính anh chàng to con rềnh rang này bỏ tiền vào máy rồi quay số, chỉ khi nghe tiếng chuông reo rồi mới chuyển máy cho tôi.
Tôi nghe bên kia đầu giây là giọng đàn bà :
– Phòng mạch bác sĩ Luận, tôi nghe.
– Thưa chị, tôi xin được nói chuyện với bác sĩ Luận.
– Xin lỗi, ông muốn lấy hẹn khám bệnh phải không ? Ông cho tôi biết tên, số điện thoại để tôi ghi vào sổ cho ông. Ông có medical, bảo hiểm hay trả tiền mặt ?
– Thưa không, tôi muốn nói chuyện riêng ?
– Thế hả ? Bác sĩ đang bận khám bệnh nhá. Ông cho tôi số điện thoại rồi bác sĩ gọi lại. Mà xin lỗi ông, chuyện riêng là chuyện gì ?
– Thưa chị, đã bảo là chuyện riêng mà…
– Không sao, tôi là vợ bác sĩ Luận đây, ông cứ nói…
– Dạ, thưa bà bác sĩ, bà có thể ghi số điện thoại của tôi, nếu bác sĩ muốn thì gọi cho tôi sau..
Tôi xưng tên, đọc số điện thoại xong rồi gác máy. Washington bồn chồn ra mặt, anh chàng muốn tôi kể cho nghe ngay cuộc đối thoại vừa rồi. Khi tôi nói chưa hết thì chợt nghe chuông điện thoại reo, Washington tò mò nhấc lên. Tôi thấy Washington nhìn tôi, nhướng cao đôi lông mày và nghe hắn trả lời :
– Vâng. Đây là sở làm của nó.
– …
– Vâng. Tôi biết nó mới gọi cho phòng mạch.
– …
– Vâng. Nó cho bà số điện thoại ở nhà.
Cúp máy xong, Washington cười :
– Con mẹ này đáo để thật. Nó kiểm soát mày là ai đấy ?
Tôi hỏi Washington :
– Sao bà ấy biết được số điện thoại này ? Chắc chắn là ban nãy tôi không có nói.
– Mày ngu qúa. Ở Mỹ mấy năm rồi ? Nó có máy ghi lại những số điện thoại gọi vào văn phòng nó để nếu mày tống tiền thì nó trình FBI, hiểu chưa.
Từ đó, câu chuyện của người đàn bà tên Thanh trở thành một ám ảnh khiến tôi lúc nào cũng bận tâm suy nghĩ. Chắc chắn là bác sĩ Luận giờ đây đã lập gia đình mới. Vậy thì tôi có nên chuyển lá thư của người đàn bà tên Thanh cho ông ta nữa không ? Ông ta còn thương yêu còn nhớ người đàn bà tên Thanh đó không ?
Nếu ông ta còn yêu bà Thanh thì liệu ông ta sẽ phản ứng thế nào ? Và, người đàn bà đang chung sống với ông ta có biết mối tình của ông ta với bà Thanh không ?
Nếu ông ta nói dối chưa yêu ai, chưa gọi ai bằng vợ, nay bà ta biết được lá thư này thì gia đình đó sẽ ra sao ?
Ông bác sĩ Luận không hề gọi điện thoại lại cho tôi. Tính tò mò đã thúc đẩy tôi vào một buổi sáng cuối tuần lái xe kiếm phòng mạch của bác sĩ Luận. Ông bác sĩ này rất đông khách, hàng chục bệnh nhân dáng điệu mỏi mệt ngồi chân co chân duỗi trước bức tường treo lá cờ vàng ba sọc đỏ và la liệt hình ảnh sinh hoạt của cộng đồng mà tấm hình nào cũng có bác sĩ Luận là vai chính. Thấp thoáng phía sau ô cửa sổ là hai phụ nữ, một người mặt hoa da phấn và một người da dẻ đơn sơ, áo quần giản dị, như thế chỉ nhìn qua cũng biết ngay một người là bà chủ và một người làm công với đồng lương tối thiểu.
Quan sát bà bác sĩ Luận một hồi, tự nhiên tôi thấy người đàn bà này đang hưởng hạnh phúc mà bà ta đã gây dựng nên, nếu như lời vợ tôi nói đúng, là bà ta đã nuôi ông Luận ăn học để lấy lại được giấy phép hành nghề. Thế thì lá thư của người đàn bà tên Thanh chẳng nên để thêm một người khác biết nữa. Tôi sẽ cất giữ lá thư đó làm kỷ niệm hoặc sẽ bôi tên ông bác sĩ rồi gửi lên đại học Yale cho giáo sư Huỳnh Sanh Thông cất vào thư viện Việt Nam.

*

Nhưng ba tuần sau thì tôi nhận được thư của người đàn bà tên Thanh từ Việt Nam gửi sang. Bức thư viết :

Thành phố Hồ chí Minh, ngày 25 tháng 6, 1994
Thưa ông Nguyễn,
Tôi là Triệu Thị Thanh, 35 tuổi, vợ của bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận, từ nay xin được gọi ông là ân nhân. Tôi không ngờ lá thư của tôi lại tới tay ông, thật là may mắn. Thế thì hẳn phải có trời có phật thật, ông nhỉ.
Tôi đang là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công, làm gia công cho thương gia Nam Triều Tiên. Hàng ngày chúng tôi đóng thùng đưa xuống tàu chở ra nước ngoài hàng chục ngàn cái áo sơ mi đấy. Thế mà cái thơ tôi bỏ vội vào túi một chiếc áo, lại tới ông mới là đặc biệt, ông nhỉ.
Bây giờ, tôi kể cho ông nghe câu chuyện của tôi nhé. Tôi là gái Hà nội đấy. Hồi Mỹ đánh bom Hà nội 12 ngày, tôi mới có 13 tuổi, đã phải chạy tản cư lên Sơn Tây đấy. Thế rồi năm 1975, giải phóng được miền Nam, bố tôi vào trong đó tiếp quản. Thấy Sài gòn dễ sống hơn Hà nội, bố tôi đưa cả nhà vào. Tôi trở thành nữ sinh trường Nguyễn Thị Minh Khai. Tốt nghiệp Trung học Phổ thông cấp 2 xong, bố tôi đưa tôi vào làm công an.
Năm 1980, có một ngụy quân được trại cải tạo tạm tha, giao về cho phường quản lý, đến công an phường trình diện. Tên anh ta là Nguyễn Ngọc Luận, đại úy quân y trong quân đội ngụy. Tôi là người quản lý hồ sơ những người bị quản chế, chưa có quyền công dân nên anh Nguyễn Ngọc Luận phải trình diện tôi và làm việc với tôi.
Thoạt đầu, tôi thấy anh ta cũng như những ngụy quân ngụy quyền khác thôi. Tôi giao cho anh ta nhiệm vụ theo dõi các hoạt động phản động chống cách mạng trong khu phố, phải báo cáo với tôi những dấu hiệu khả nghi như người lạ mặt tới lui và phải gặp tôi làm việc một tuần ba lần vào thứ hai thứ tư và thứ sáu. Theo hồ sơ khai báo của anh ta thì trong lúc anh ta đi cải tạo, vợ anh ta đã đi lấy chồng khác, là một cán bộ ngành Hải quan. Hai đứa con anh ta được người chị gái ở kinh tế mới Gia Ray nuôi.
Một hôm, anh ta tới gặp tôi, xin tôi cấp giấy phép di chuyển để đi thăm con. Tôi trả lời là theo nguyên tắc thì khi còn quản chế, anh ta không được ra khỏi khu vực. Thế là anh ta khóc ngay trước mặt tôi, nói là nhớ con vì mới nhận được thư của người chị gởi về nói là đứa con nhỏ của anh trong lúc làm rẫy đã bị bọ cạp cắn. Tôi nói với anh ta là sao không đưa hai đứa con về đây thì anh ta trả lời là anh ta không có công ăn việc làm nên không nuôi con nổi. Tôi hỏi thế sao anh ta không đi kinh tế mới với con anh ta thì anh ta nói anh ta là bác sĩ, nếu đi kinh tế mới thì chỉ là nông dân thôi, còn nếu ở lại thành phố, hết thời gian quản chế, có thể xin phép cách mạng mở phòng mạch, chừng đó sẽ đưa con về.
Thấy hoàn cảnh anh ta rất tội nghiệp, tôi đã cấp giấy đi đường cho anh ta. Khi trao tờ giấy, tôi nói : “Thông cảm hoàn cảnh của anh nên tôi đã làm sai nguyên tắc đây. Mong anh trở về đúng hạn, nếu không thì tôi bị kỷ luật”. Anh Nguyễn Ngọc Luận đã xúc động tới mức khi anh nhận tờ giấy phép trên tay tôi, anh đã nắm cả bàn tay tôi. Và, chính lúc bất ngờ bị anh ấy nắm tay, tôi cũng đã chợt thấy toàn thân tôi như bị luồng điện giật, ông ạ.
Thế nên trong một tuần lễ anh Luận đi xa, tôi là người duy nhất mong đợi anh ấy trở về. Không phải chỉ vì tôi sợ anh ấy đi mất luôn khiến tôi bị kỷ luật đâu, tôi còn thấy một điều khác, đó là sự vắng vẻ, sự thiếu thốn kỳ lạ lắm. Chắc tôi không nói thì ông cũng biết, tôi đã có cảm tình với anh Luận rồi, phải không ?
Đúng bảy ngày sau, anh Luận tới trụ sở công an phường trình diện tôi, tôi mừng không thể tả, khiến mấy bạn tôi phát hiện được tình cảm của tôi. Họ bắt tôi kiểm điểm. Họ mách với bố tôi là tôi yêu một tên ngụy. Bố tôi giận lắm, chửi mắng tôi là mất tác phong cách mạng. Chẳng ngờ lòng tôi như giòng nước, gặp vách núi chặn thì thành thác đổ. Tôi đã ngã vào vòng tay anh Luận. Lúc đó thì tôi không cần gì nữa. Tôi chấp nhận mất tất cả để được tình yêu của anh Luận. Bố mẹ tôi từ tôi, đảng sa thải tôi, tôi bị khai trừ khỏi công an vì tôi không nhận lệnh di chuyển về Hải Dương. Tôi trở thành thợ may và buôn bán linh tinh để nuôi anh Luận.
Để trả thù tôi, công an đã không trả quyền công dân cho anh Luận sau một năm quản chế. Chúng tôi xin di chuyển đi nơi khác, công an không chứng giấy. Hy vọng được mở phòng khám bệnh của anh Luận coi như hết, anh buồn lắm. Anh xin vào làm ở một xưởng đóng bàn ghế với chân đánh vẹc ni. Nhiều đêm thấy anh không ngủ, cứ nằm hút thuốc, tôi nghĩ vì tôi mà anh ấy khổ. Gía như tôi không lấy anh ấy thì sau một năm quản chế, anh ấy được trả quyền công dân và mở phòng khám bệnh, có tiền thì mang hai con anh ấy về cha con sống chung. Nay chỉ vì có tôi mà anh Luận bí đường tắc lối.
Cuộc sống điêu đứng như thế cứ ngày qua ngày, cuối cùng, vì yêu anh Luận nên tôi điều đình với bố tôi là tôi chấp nhận về Bắc với điều kiện anh Luận được trả quyền công dân và được giấy phép mở phòng khám bệnh. Bố tôi đồng ý. Tôi không cho chồng tôi biết chuyện này, một mình tôi, tôi lén chuẩn bị cho chồng tôi những thứ cần thiết, phần tôi, tôi chỉ có một cái túi xách tay với hai bộ quần áo của tôi, một bộ quần áo của chồng tôi mà tôi sẽ không bao giờ giặt để giữ lại chút hơi ngàn đời tôi thương mến, và một tấm hình mà tôi và anh Luận chụp chung, để trở về Bắc.
Đến ngày phải xa chồng vĩnh viễn, tôi cố cầm nước mắt, làm tiết canh vịt cho chồng tôi ăn, mua bia ngoại cho chồng tôi uống và ở với chồng tôi lần chót.
Chẳng ngờ khi ân ái, tôi đã không còn giữ nổi nữa, tôi òa khóc. Chồng tôi kinh ngạc ôm lấy tôi, an ủi tôi, hỏi tôi chuyện gì. Tôi vừa khóc vừa kể cho chồng tôi rồi bảo chồng tôi đã đến giờ ra bến xe hỏa rồi, để tôi đi kẻo trễ chuyến tàu Thống Nhất. Nhưng chồng tôi không buông tôi ra. Anh ấy bảo : “Anh không cần quyền công dân. Anh không cần phòng mạch. Anh cần em. Không, em không đi đâu hết”.
Hai vợ chồng tôi lại tiếp tục sống cảnh “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” ở trong con hẻm đường Minh Mạng, phường Minh Mạng, quận 10. Thêm một năm rồi hai năm, đảng vẫn tiếp tục hành hạ chồng tôi và lần này ra tay trừng phạt bằng lệnh đuổi vợ chồng tôi đi Kinh tế mới Kà tum ở Tây Ninh.
Chúng tôi rời thành phố một cách bình thản, có lẽ chồng tôi không thể còn chuyện gì để xúc động hơn, để làm cho anh ấy buồn hơn nữa. Anh ấy nói với tôi :
“Nghĩ cho cùng thì cái xã hội này cũng chẳng có gì đáng tiếc nếu phải chết. Và nếu chết mà hai chúng mình có nhau thì chết còn vui hơn sống”.
Khu kinh tế mới Kà Tum nằm sát biên giới Miên Việt. Tôi nghe những người ở đây nói rằng Kà Tum cũng là nơi dừng chân của bọn buôn lậu, bọn đưa người vượt biên sang Thái Lan. Qủa thật, ít tháng sau, chúng tôi gặp một toán bộ đội đưa khoảng hai chục người từ thành phố Hồ Chí Minh lên, chuẩn bị quần áo Miên để qua biên giới. Chuyến ấy đi xong, vài ba tuần sau lại có chuyến khác. Nhìn người ta đi, chồng tôi thở dài ao ước : “Giá mình có vàng, em nhỉ, vợ chồng mình xin họ cho đi. Sang tới Thái Lan, anh sẽ được Mỹ nhận ngay. Khi đó mình mới hết khổ”.
Thấy chồng tôi muốn thì tôi làm. Tôi dò hỏi toán vượt biên, được biết mỗi đầu người phải đóng hai lượng vàng mà gia tài chúng tôi chỉ có hai chiếc nhẫn cưới mà anh Luận và tôi mua của một người bán vàng rồi đeo vào tay nhau ở ngoài vỉa hè để kỷ niệm, để tôi được hãnh diện là đã có chồng. Tôi bèn ngỏ lời với anh Luận cho tôi về thành phố một chuyến. Và tôi đã xin, đã mượn, đã vay của bạn bè, em tôi, anh tôi, chị tôi, cô tôi, đồng chí cũ của tôi, được đúng hai lượng vàng mang lên Kà Tum cho chồng tôi. Chồng tôi hỏi : “Em tính thế nào ?”. Tôi trả lời : “Em lo vàng cho anh vượt biên mà”. Chồng tôi nói : “Còn em ?”. Tôi lại cố giữ bình tĩnh : “Em đâu dám đi. Anh không thấy người ta nói các phụ nữ vượt biên qua đất Miên là khi thì bị Khmer Đỏ hiếp, khi thì bị lính Hun Sen hiếp. Thôi, anh cứ đi mình, rồi sau này lo cho em sang với anh”.
Chồng tôi đã nhập được vào nhóm người vượt biên giới đi tìm tự do sau khi tôi cài vào túi áo chồng tôi chiếc kim băng để giữ khỏi rớt tất cả những đồng bạc mà tôi có, và địa chỉ của một người bạn thân ở thành phố Hồ chí Minh để mai sau anh ấy gửi thư về. Tôi chỉ giữ lại cho tôi duy nhất một chiếc nhẫn một chỉ trên ngón tay để tôi nhớ về anh Luận, người mà tôi thương yêu suốt đời.
Nhưng tôi mất tin chồng tôi từ đó. Không biết anh ấy có thoát tới Thái Lan hay bị hại giữa những làn đạn của bọn Miên bắn giết nhau ? Tôi đã dò hỏi, tìm kiếm mọi nơi mọi cách mà vẫn không thấy chút tin nào của chồng tôi. Tôi chỉ mong anh ấy sống thôi.
Một hôm, ngồi xếp những chiếc áo sơ mi vào thùng sau khi kiểm phẩm xong để xuất khẩu, tự nhiên tôi có ý nghĩ, tại sao không gửi một lá thư vào một trong những chiếc áo này, biết đâu nếu qủa thực có ông Trời thì chồng tôi sẽ mua trúng cái áo đó ? Không ngờ lá thư lại tới tay ông cũng là may cho tôi, chứ nếu chiếc áo đó bán ở nước khác như Nam Triều Tiên, Nhật Bản thì tôi sẽ chẳng bao giờ được cái hy vọng qua ông rồi tôi sẽ nhận được tin về chồng tôi…
Bây giờ tôi là người rất tin rằng có ông Trời đấy, ông ạ. Một lần nữa, tôi xin gọi ông là ân nhân, và mong ông giúp tôi tìm gặp anh Nguyễn Ngọc Luận, cho anh ấy địa chỉ của tôi để anh ấy làm hồ sơ đoàn tụ cho tôi ngay.
Kính thư
Triệu Thị Thanh

Lá thư càng làm tôi lẩn quẩn hơn về câu chuyện tình của chị Triệu Thị Thanh. Tôi nghĩ mọi suy đóan của tôi đều có thể chủ quan và sai. Điều tốt nhất là tôi phải gặp bác sĩ Luận một lần. Vả lại, thông báo cho ông ta là trách nhiệm của tôi mà chị Thanh đã hết lòng nhờ cậy.
Quyết định như thế nên vào một sáng thứ bẩy, tôi đóng vai người bệnh tới phòng mạch bác sĩ Luận. Sau khi làm phiếu, đóng tiền mặt bốn mươi đô la xong, tôi ngồi chờ khoảng nửa giờ thì được y tá gọi đi cân đo trước khi gặp bác sĩ.
Ông bác sĩ là người trắng trẻo, nét mặt rất nhân ái, đôi mắt nhiệt tình và đôi môi lúc nào cũng như cười. Tôi nằm trên giường, quan sát ông ngồi đọc hồ sơ của tôi, tôi nghĩ, không biết trong cái đầu kia có còn chút hình ảnh nào của chị Thanh, của những ngày gian khổ ở Kà tum không ? Nếu tôi không đọc thơ chị Thanh, làm sao tôi biết con người này đã từng trải qua biết bao ngày tháng đắng cay, đã có ít nhất ba người đàn bà trong đời, và không hiểu hai đứa con ông ở khu Kinh tế mới Gia Ray đã được ông bảo lãnh sang đây chưa ?
Tôi chợt nghe bác sĩ Luận hỏi tôi :
– Chào anh, anh đau gì ?
Tôi nhìn quanh, thấy cô y tá đứng khá xa, mới nói nhỏ :
– Tôi có bệnh kín muốn nhờ bác sĩ xem. Ông có thể khép cửa, đừng cho y tá hay bà nhà vô được không ?
Bác sĩ Luận gật đầu ngay :
– Được, được…
Chờ cánh cửa khép xong, tôi mới nói :
– Bác sĩ có còn nhớ một người đàn bà tên là Triệu Thị Thanh ?
Lập tức ông ta như bị điện giật. Đôi mắt ông ta hớt hải liếc nhanh ra phía cửa, miệng lúng búng như muốn nói mà lại như không nói được. Tôi thì thầm tiếp :
– Bà Thanh có gửi cho tôi một lá thư để nhờ chuyển cho bác sĩ. Tôi xin giao lại cho bác sĩ…
Bác sĩ Luận run run đón nhận lá thư, miệng vẫn không nói một câu nào. Tôi không biết ông ta nghĩ gì ? Xúc động vì bất ngờ được tin người vợ cũ đã lạc nhau ?
Hay lo sợ bà vợ mới chợt đẩy cửa vào bắt gặp lá thư của chị Thanh ? Nhìn mặt ông ta tái nhợt như người bị cảm, trán lại nhơm nhớp mồ hôi, tôi hơi khôi hài nghĩ rằng giờ này ông ta chính là kẻ phải leo lên nằm trên cái giường này và tôi chẩn mạch cho ông ta mới đúng.
*

Bẵng đi khoảng ba tuần lễ, vào chiều chủ nhật, vợ con tôi chở nhau đi shopping, tôi ở nhà coi đánh bốc. Hồi ở Việt Nam tôi rất ghét môn này vì thấy nó chả có vẻ thể thao chút nào, tàn bạo là khác. Thể thao là cách thể hiện ba tiêu chuẩn cao hơn, nhanh hơn, xa hơn, đằng này đánh đấm nát mặt nhau, nói theo thời thượng là “vi phạm nhân quyền” qúa. Chính phủ Tân Gia Ba mới chỉ dùng roi đét vào đít một thanh niên Mỹ mà thế giới làm ồn lên, chỉ trích hình phạt này là dã man, thế mà công khai đánh tét mắt tét môi nhau công khai thì được ti vi trực tiếp truyền hình và càng thấy máu đổ càng ăn khách, càng cho là nghệ thuật.
Nhưng từ khi sang sống ở Mỹ, tự nhiên tôi lại thích xem đánh bốc. Tôi chưa tìm hiểu tại sao tôi thay đổi cách giải trí, có phải ở bầu thì tròn ở ống thì dài, tôi đã ảnh hưởng nhân sinh quan người Mỹ, hay thực tế chỉ là bây giờ tôi gìa yếu thì tôi thích vay mượn sức mạnh của kẻ khác?
Tôi đang ngồi xem hai ông võ sĩ đấm nhau thì điện thoại reo. Bên kia đầu giây là người mà tôi vẫn có ý chờ, đó là bác sĩ Luận. Ông chào tôi xong rồi nói :
– Tôi rất cảm ơn anh đã chuyển cho tôi thơ của Thanh…
– Không có chi. Chị ấy nhờ thì tôi làm.
– Nhưng cũng bởi vì mình có duyên với nhau chứ.
Tôi thăm dò :
– Vâng, tôi cũng nghĩ thế. Tôi mong bác sĩ không phiền tôi.
– Ồ, ồ, không bao giờ. Tôi đề nghị mình gọi nhau thân mật hơn, bỏ cái danh xưng bác sĩ đi, tôi đang gọi anh là anh mà. Hôm nào anh có thể đi ăn với tôi một bữa không ?
– Dạ, thế thì còn gì bằng.
Bác sĩ Luận hỏi ngay :
– Tối nay anh có rảnh không ?
– Cũng được.
Bác sĩ Luận hẹn tôi tới quán The Ambassador tại Pasadena, một quán ăn nổi tiếng với đầu bếp Thụy Điển lúc bẩy giờ rưỡi tối. Khi gặp nhau, ông bắt tay tôi rất thân mật và vào đề ngay :
– Tôi biết ơn anh đã nhận lời dù tôi mời anh qúa đột ngột.
Tôi pha trò :
– Nếu thế thì tôi cũng cám ơn anh vì tôi rất thích ăn ngon, với lại tôi cũng thích nghe chuyện lạ…
Bác sĩ Luận vui vẻ :
– Anh biết tại sao tôi mời anh ngay tối nay không ?
– Vì bà nhà mắc bận ?
– Anh thông minh qúa. Tại tôi có buổi họp về công việc làm ăn với tụi Mỹ, nhưng tôi không ăn với chúng nó mà gọi điện thoại mời anh. Vâng, thường thì tôi khó có dịp đi một mình, bà ấy đeo qúa.
Tôi thành thật nói :
– Sau khi đóng bốn mươi đô la để được gặp anh, trao thư của chị Thanh cho anh, mà hai ba tuần sau không nghe anh điện thoại, thú thực tôi hơi thất vọng.
– Anh không hiểu, xin lỗi anh không hiểu. Ngay lúc anh vừa ra khỏi phòng mạch là nhà tôi lột mất mấy cái thư đó ngay.
– Sao bà biết?
– Tại tôi không dấu được tình cảm. Nhìn mặt tôi bà ấy sinh nghi, chặn hỏi tôi. Tôi vội dấu thư của Thanh vào thùng rác mà bà ấy cũng khám phá ra.
– Như vậy là anh không còn yêu chị Thanh?
– Yêu chứ. Nhưng mà anh cũng hiểu, mình đâu có giải quyết được gì.
Tôi hỏi :
– Vậy là anh chưa được đọc thơ chị Thanh?
– Chưa. Bà ấy đốt ngay trước mắt tôi.
Tôi cười :
– Không sao, nếu anh muốn thì tôi sẽ cho anh bản khác, vì tôi có photo giữ kỷ niệm.
Chẳng ngờ khi nghe tôi nói thế, bác sĩ Luận năn nỉ cho ông ta được đọc ngay. Thấy lòng thiết tha của ông ta, tôi không thể từ chối, rốt cuộc hai chúng tôi rời quán án, lên xe về nhà tôi. Ngồi trên xe, tôi kể sơ sơ cho Luận nghe đầu đuôi câu chuyện một cách vô tư mà không kết luận vì chưa biết tình cảm của Luận thế nào ngoài tính sợ vợ qúa đáng của ông ta. Luận nói :
– Người chứ đâu phải chó mà quên được mối tình chung thủy như Thanh đối với tôi, anh ? Lúc gần bà Hoan, tên bà vợ tôi bây giờ, thành thật mà nói với anh là chẳng có ai nói yêu ai cả. Cảnh đàn ông đàn bà sáp vô nhau là chơi thôi. Không ngờ bà ấy chịu tôi, giúp tôi tiền bạc học lại và có với tôi đứa con. Anh biết không, tôi đã từng mua vé du lịch Việt Nam để tìm kiếm Thanh …
– Tôi nghe nói anh là Chủ tịch Ủy ban chống du lịch Việt nam mà lại về du lịch Việt Nam ?
– Vâng. Tình cảm con người mà anh. Mình về nước đâu có nghĩa là mình theo Việt cộng.
– Thế tại sao anh chống ?
– Bà vợ tôi đó. Bà đẩy tôi tới cái thế chống du lịch Việt Nam để cắt đường về của tôi mà. Hễ chỗ nào biểu tình chống du lịch là bà ấy chở tôi tới, bà ấy ủng hộ ban tổ chức ít tiền, bà ấy bảo tôi cầm cái bảng “Du lịch Việt Nam là cộng sản” để cho mấy tờ báo có chạy quảng cáo phòng mạch tôi chụp hình rồi đăng lên…
Tự nhiên tôi nói với Luận :
– Thôi, theo tôi thì anh chẳng nên đọc thư của chị Thanh làm gì.
Luận kêu lên nhè nhẹ :
– Không ! Anh cứ cho tôi mấy lá thư của Thanh đi. Ban này tôi đã nói với anh là tôi đâu phải là chó mà quên được tình yêu của Thanh. Nhưng anh hiểu cho tôi mà, hoàn cảnh này tôi làm gì được cho Thanh chứ ?

*

Ngày 10 tháng 8, 1994, tôi viết cho chị Triệu Thị Thanh một lá thư và kèm một phiếu gửi tiền về cho chị hai ngàn đô la tiền của bác sĩ Luận nhưng nói là tiền của tôi. Đầu tháng 9, tôi nhận được thư của chị Thanh. Chị viết :

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 8, 1994
Ông Nguyễn kính mến,
Thưa ông, tôi đã nhận được thư và số tiền hai ngàn US đô của ông gửi về. Trong thư ông cho tôi nhiều lời khuyên, an ủi tôi nên quên người chồng mà tôi yêu thương nhất đời là anh Nguyễn Ngọc Luận. Nhưng, thưa ông, lá thư của ông khiến tôi không thể quên chồng tôi mà còn làm niềm tin trong tim tôi sống lại mãnh liệt hơn.
Ông biết sao không, ông Nguyễn ? Bởi vì ông với tôi là hai người xa lạ, vì vậy dù là triệu phú ông cũng không dễ dàng gửi tặng tôi khơi khơi hai ngàn US đô. Tôi chắc chắn rằng tiền này là của anh Luận. Ông đã gặp anh Luận mà vì một lý do gì ông không tiện nói cho tôi biết mà thôi.
Vậy, để tìm hiểu sự thực, tôi sẽ dùng tiền này và tiền tôi dành dụm được đem đăng ký với công ty du lịch Bến Thành theo đoàn thương mại thành phố sang triển lãm công nghệ ở Los Angeles vào tháng 10, 1994. Theo báo đăng quảng cáo thì mỗi người tham dự phải đóng bốn ngàn tám trăm đô la, bao gồm tiền máy bay đi và về, tiền khách sạn và ăn ở hai tuần, được đi chơi DisneyLand, Las Vegas, sở thú San Diego và Hoa Thịnh Đốn.
Để hồ sơ được thông qua nhanh, tôi sẽ đăng ký là công nhân viên xí nghiệp may xuất khẩu Thành Công. Tôi rất mong được gặp ông trong dịp này. Ông cứ tới cửa hàng của xí nghiệp Thành Công trong khu triển lãm là thấy tôi. Hoặc ông gửi về cho tôi sớm số điện thoại của ông, khi nào tới Los Angeles, tôi sẽ gọi cho ông hay.
Kính thư
Triệu Thị Thanh

Đọc xong thư tôi không khỏi khen thầm là người đàn bà qủa nhiên thường có giác quan thứ sáu. Lá thư của chị Thanh lại khiến tôi cứ lẩn quẩn suy nghĩ, chiếm thì giờ của tôi còn nhiều hơn thì giờ tôi dành cho chiếc máy CNC.
Tôi tìm cách thông báo tin này cho bác sĩ Luận vì chỉ còn có ba tuần là chị Thanh đã có mặt ở Mỹ. Đã hai lần tôi điện thoại tới phòng mạch của Luận đều gặp người nghe là vợ ông ta. Và như lần trước, sau khi tôi cúp máy thì bà vợ ông ta gọi lại để kiểm soát. Tới cuối tuần, tôi đọc báo Việt ngữ, thấy tin cộng đồng sẽ họp vào chiều chủ nhật ở Little Saigon để thành lập ban tổ chức biểu tình chống phái đoàn của Việt cộng tới Los Angeles chiêu dụ đầu tư, tìm cách đi với Mỹ để dùng Mỹ chống áp lực của Tầu đang lấn chiếm quần đảo Trường Sa. Tôi nghĩ thế nào bác sĩ Luận cũng có mặt ở buổi họp này nên tôi trở thành người hưởng ứng cuộc biểu tình, hiện diện tại đó.
Qủa nhiên, bác sĩ Luận đang ngồi cùng với hai vị nũa chủ tọa buổi họp với khoảng năm sáu chục mái đầu bạc nhiều hoặc bạc ít. Nhiều ý kiến phát biểu chém đinh chặt sắt hô hào phải bằng mọi cách phá tan kế hoạch chiêu dụ tư bản Mỹ tới đầu tư ở Việt Nam, bảo bọn tư bản này hãy tới Trung cộng hay Phi Luật Tân mà làm ăn, đừng có mà tiếp tay Việt cộng. Khoảng một giờ trôi qua thì bác sĩ Luận đề nghị nghĩ giải lao trước khi đúc kết bản tuyên cáo chống phái đoàn giao thương của cộng sản Hà nội.
Bác sĩ Luận nheo mắt cười với tôi rồi tới gần, nói nhỏ, giọng hồi hộp :
– Chắc có tin của Thanh phải không, anh ?
– Giỏi. Không lẽ thần giao cách cảm nhỉ ?
– Tại anh đâu có phải là khuôn mặt của những buổi họp này ? Sự xuất hiện của anh là phải có chuyện đặc biệt cho tôi, tức chỉ là chuyện của Thanh.
– Vâng, tôi nói ngay kẻo và vợ anh bà ấy để ý rồi khổ cho anh. Chị Thanh mới gửi thư cho tôi đây này. Chị ấy nói sẽ theo phái đoàn thương mại Việt cộng sang dự triển lãm hội chợ tháng 9 tới. Chị ấy làm việc trong gian hàng may xuất khẩu Thành Công.
Qủa là bác sĩ Luận không chờ đợi một tin tức như thế. Mặt ông ngẩn ngơ đến tội nghiệp. Tôi dúi vào tay Luận lá thư của chị Thanh :
– Anh cầm lấy thư của chị ấy để biết là số tiền anh nhờ, tôi đã gửi tới tay chị Thanh.

*

Gần đến ngày có cuộc triển lãm hội chợ thương mại của cộng sản Việt nam, các cơ quan truyền thông của cộng đồng người Việt đồng loạt đả kích rất dữ dội. Tuyệt nhiên không thấy ý kiến nào ngược lại được phát biểu trong vùng này. Phần tôi, câu chuyện của chị Thanh cũng bắt tôi cứ phải nghĩ tới cái hội chợ đó một cách dai dẳng. Người đàn bà vì tình yêu đã tìm mọi cách sang Los Angeles, đã hẹn gặp tôi mà chả lẽ tôi không tới. Mà tới thì sẽ có khối người chửi tôi là thân cộng, là trở cờ đón gió, là đủ mọi thứ xấu xa tội lỗi.
Chỉ quyết định tới hội chợ hay không tới hội chợ của Việt cộng tổ chức mà tôi bị dằn vặt cả nửa tháng, đầu óc bị xâu xé rốt cuộc chỉ thêm rối bời. Vào ngày mở cửa đầu tiên của hội chợ, tôi kiếm Washington vào giờ nghỉ buổi sáng và nói với anh ta :
– Ê bạn, bạn còn nhớ lá thư bạn nhận được từ người đàn bà Việt Nam bữa trước không ?
– Ồ làm sao quên được ? Bà ta giờ ra sao ?
– Bà ta đang ở Los Angeles.
– Ông bác sĩ gì đó đón bà ta sang đoàn tụ hả ? Hoan hô !
– Chưa. Bạn có muốn gặp bà ta không ?
– Cũng hay.
– Vậy thì trưa nay, tôi mua hamburger cho bạn ăn trên xe tranh thủ thì giờ, tôi chở bạn tới gặp bà ta nhé.
– Ô kê.
Cuộc triển lãm mở ở Phòng Thương Mại Los Angeles, nơi khó kiếm ra chỗ đậu xe. Nhưng đó chính là điểm tốt cho tôi vì tôi chỉ muốn Washington xuống xe và vào hội chợ một mình. Tôi viết tên chị Thanh, tên gian hàng Thành Công và đưa luôn tờ giấy mười đồng để Washington mua vé vô cửa. Tôi dặn :
– Bạn vô một mình cũng được, khi gặp bà ta thì đưa số điện thoại của tôi cho bà ta. Nói với bà ta điện thoại cho tôi.
Washington cũng tự hiểu ra sự do dự của tôi :
– Mày ngại những người Việt Nam của mày đang biểu tình chửi mày, phải không ?
Tôi gật đầu thú nhận, táp xe vào lề đường chỗ sơn đỏ, đạp thắng xe cho Washington xuống :
– Tôi chạy vòng vòng chờ bạn. Ô kê.
Đoàn biểu tình đông khoảng hai ba trăm người với nhiều quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa và những tấm biểu ngữ đả đảo Việt cộng, đòi Việt cộng thực thi nhân quyền, thả nốt những tù binh Mỹ bị bắt trong cuộc chiến tranh trước 1975. Tôi không khó khăn gì mà không thấy bác sĩ Luận. Ông ta đứng trên lề đường, có vài người ở phía sau cầm cờ vàng ba sọc đỏ, trông ông ta hùng dũng như vị nguyên soái. Bà vợ ông ta đeo kính mát, tóc bới cao, mặc váy đầm hở mạng ngực trắng như kem đang đi qua đi lại phân phát truyền đơn. Tôi quay kính xe kín mít, chạy tà tà quanh khu phố để chờ Washington. Mãi chừng hai chục phút sau thì anh chàng mới lơn tơn bước dọc hè phố kiếm tôi.
Lên xe, chưa kịp đóng cửa, Washington đã ồm ồm :
– Không gặp bà ta. Mẹ kiếp ! Mất thì giờ mà không hiểu cái gì hết. Tụi nó không biết nói tiếng Mỹ. Tất cả chỉ có một thằng thông dịch thôi nên phải chờ. Đến phiên mình, hỏi nói về bà Thanh đâu, nó trả lời cộc lốc : Tôi không biết. Hỏi thêm, nó không nói vì bận tiếp mấy thằng Mỹ khác.
Rồi Washington hỏi tôi :
– Cộng đồng mày chống cái gì vậy ?
– Chống cộng sản.
– Tao không thấy cộng sản trong đó. Chỉ có hàng hóa thôi.
– Thì hàng hóa của cộng sản. Chúng nó mang sang đây triển lãm kiếm thị trường.
– Tao không hiểu. Tụi Ba Tây tao mong kiếm thị trường mà không được. Còn… tại sao mày vô thì không được, tao vô thì được ?
– Bạn đã nói bạn không hiểu mà còn hỏi thêm làm gì.
Suốt buổi chiều hôm đó, và cả buổi tối nữa, tôi sinh ra gắt gỏng, người gây gây mệt như mắc bệnh ăn không tiêu. Đầu óc tôi cứ lẩn quẩn hình bóng một thiếu phụ mà tôi chưa bao giờ thấy mặt, chưa một lần nghe giọng nói. Không biét ngày hôm nay, đứng trong phòng triển lãm nhìn ra đoàn người Việt biểu tình ở phía ngoài, bà Thanh có nhận ra hình bóng người mà bà thương yêu nhất mà bà đi tìm kiếm là bác sĩ Luận đang đứng trước khu triển lãm, cách bà có vài trăm mét không ? Trời ơi ! Tôi chợt kêu lên kinh hoàng khi tưởng tượng bà ta có chiếc ống dòm, qua ống dòm bà ta thấy chồng bà, thế là bà ta lao ra cửa, chạy nhào tới bác sĩ Luận.
Sáng hôm sau, tôi quyết định bề gì thì cũng phải tới gặp người đàn bà bất hạnh này. Tôi cũng biết nếu có gặp, tôi chẳng mang tới cho bà ta niềm vui nào, trái lại là khác, nhưng nếu tôi không gặp bà ta, tôi sẽ ân hận vì trong tôi đã không còn tình người. Khi tôi tới phòng triển lãm, vài người tóc đã ngả màu sương chặn tôi lại :
– Anh vô đây làm gì ?
– Anh muốn tiếp xúc với bọn Việt cộng hả ?
Tôi đã có câu trả lời gian dối sẵn :
– Người xưa nói biết địch biết mình thì trăm trận trăm thắng. Các ông để tôi vô coi xem chúng nó ra sao.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm bước tới, ông nhìn tôi thật dài và thật dịu dàng như gửi gấm hàng trăm lời nhưng đôi môi ông mím lại. Ông làm như không quen biết tôi, thản nhiên quay đi.
Vào trong khu triển lãm, cảm giác đầu tiên của tôi là sự trống vắng. Căn phòng qúa rộng, trần nhà qúa cao mà người thì ít và hàng hóa thì nghèo nàn, trình bầy vụng về như một cô gái quê bắt đầu làm quen với son phấn. Thế này mà cũng mang đi triển lãm làm gì, có thể họ không biết rằng khả năng của họ nếu chỉ có thế này thì còn thua những chợ trời ở xứ Mỹ. Tôi kiếm tìm và thấy ngay gian hàng Thành Công với khoảng vài chục cái áo sơ mi bầy trên mặt một chiếc bàn nhỏ và một cô gái mặc áo dài đứng tiếp khách.
Tôi bước tới trước mặt cô này :
– Xin hỏi thăm cô, ai là chị Thanh ?
Cô gái đứng im lặng quan sát tôi từ nãy tới giờ, chưa biết tôi là hạng người nào, đến đây làm gì, nên nghe tôi hỏi thăm một người bạn của cô, nét mặt cô thay đổi hẳn. Cô mừng rỡ y như cảnh đón họ hàng cách xa nhau hàng chục năm ngoài sân ga. Giọng cô ta ríu rít :
– Anh kiếm chị Thanh hả ? Anh là anh Luận hả ? Trời ơi, chị Thanh nhắc tới anh hoài à.
– Nhưng chị Thanh đâu ?
– Trời ơi, anh diễm phúc lắm đấy nhé. Chị Thanh yêu anh hết xẩy. Lúc nào cũng nói tới anh thôi à.
– Nhưng chị Thanh đâu ?
– Chị ấy bị gạch tên rồi. An ninh nghi chị ấy sang Mỹ sẽ bỏ trốn theo anh đấy.
– Sao chị ấy viết thư nói là đóng bốn ngàn tám đô la tiền vé máy bay rồi ?
– Vâng, đúng thế. Lúc ra phi trường, sắp vào phòng cách ly thì an ninh mới mời chị ở lại. Anh biết tại sao không ? Tại chị ấy mừng qúa, cứ liến thoắng nói về chồng chị ấy ở bên Mỹ sẽ tới phòng triển lãm đón chị ấy đi chơi. Có người trong đoàn nghe được mật báo cho an ninh. Thế là cúp. Trời ơi, tội nghiệp qúa, gía chị ấy được đi, được gặp anh chắc chị ấy mừng mà khóc hết nước mắt đấy…
Tôi không buồn cải chính tôi là ai nữa. Tôi chào cô gái mà cũng chẳng hỏi họ tên cô ta là gì. Tôi không nhắn gửi một lời nào cho chị Thanh. Tôi bước ra cửa bằng đôi chân của người say rượu. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Luận thấy tôi vội quay mặt nhìn đi nơi khác dường như sợ mọi người biết ông ta quen tôi khi tôi gọi tên ông ta giữa đám đông đang đứng dưới bóng cờ vàng ba sọc đỏ.
Sáng hôm sau, tôi tới xưởng máy qúa trễ. Mọi chiếc máy đã reo hò ầm ĩ với những vòng quay hối hả chung quanh chiếc CNC của tôi còn nằm ụ như một nấm mồ.
Washington dường như chờ tôi đã lâu nên nhào ngay lại, hỏi :
– Sao ? Mày gặp bà Thanh rồi chứ ? Bà ta thế nào ?
Tôi ủ ê cười nhếch mép :
– Việt cộng không cho bà ta sang Mỹ nữa.
Washington trố mắt :
– Cái gì kỳ cục vậy ? Đi thăm chồng mà cũng cấm à ?
Rồi chẳng cần tôi trả lời, anh chàng Ba Tây thất vọng vừa bỏ đi vừa nói :
– Tao đếch hiểu cái nước Việt Nam của mày. Sao mày khoe với tao là nước mày có tới bốn năm ngàn năm văn hiến gì đó, hả ?

Đỗ Tiến Đức

Lời BBT:

Truyện ngắn ” Một Chuyện Rất Việt Nam” của Nhà Văn Đỗ Tiến Đức đã đăng tải trên Báo Thời Luận số ra ngày Thứ Bảy, 13/7/2024.

BBT HCMĐ xin cảm ơn nhà văn Đỗ Tiến Đức đã cho phép đăng tải truyện ngắn này trên website QGHC Miền Đông.

Tiếng Nói Vì Dân Đã Tắt

Trần Bạch Thu

Năm 1967 sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi đến văn phòng quận Châu Thành, tỉnh Đinh Tường (Mỹ Tho) để khai “Lược Giải Cá Nhân”, một giấy chứng nhận rất quan trọng để sau nầy đình kèm theo đơn xin dự tuyển vào các trường cao đẳng hay đại học. Cô nhân viên văn phòng quận giải thích đơn giản và thực tế  hơn “em thuộc tài nguyên sĩ quan”, cô bảo chờ chút xíu, đợi ông Phó quận ký tên. Đó là lần đầu tiên tôi biết anh Lê Tấn Trạng.

Từ sau đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về ông Phó Quận, còn rất trẻ với những hoạt động gây chú ý trong giới học sinh, ông là người đã vận động thành lập đoàn “Văn Sinh Đất Lành” qui tụ hầu hết các học sinh Trung học trong tỉnh để phát động các phong trào dọn vệ sinh đường phố Mỹ Tho vào những dịp nghĩ lễ hay cuối tuần, thành lập ban văn nghệ trình diễn trong các buổi cắm trại của học sinh …

Hầu như giới trẻ ở Mỹ Tho lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ ông Phó Trạng, rất bình dân và gần gủi với mọi thành phần trong xã hội. Đăc biệt là hiếm khi sử dụng công xa, anh thường di chuyển, đi lại bằng chiếc xe gắn máy đàn ông hiệu Honda, đời cũ màu đen.

Ngoài các sinh hoạt văn nghệ, xã hội, đoàn Văn Sinh Đất Lành còn là một tổ chức khuyến học duy nhất tại Mỹ Tho có thuyết trình, hướng dẫn chi tiết cho học sinh biết về các trường cao đẳng và đại học ở Sài Gòn, có những điều kiện như thế nào để thi tuyển nhập học. Lần đầu tiên tôi mới biết, muốn làm Phó Quận thì học ở trường nào, thời gian mấy năm và có gì hay hơn so với Bác Sĩ, Dược Sĩ hay Kỹ Sư v..v… Anh nói:

– Học ngành nào cũng được, miễn mình thích là tốt nhất.

Hai năm sau, tôi thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ban Đốc sự khóa 17 và gặp lại anh Trạng vừa mới thất cử Nghị viên Hội đồng tỉnh Định Tường bèn về trường ghi danh theo học Cao Học khóa 6. Xin được nói thêm về điều nầy, anh Trạng tốt nghiệp Đốc Sự khóa 11 với thứ hạng cao nên được quyền ưu tiên, khỏi thi, về học Ban Cao học kể từ sau 2 năm ra trường.

Tuy là Phó Quận nhưng khi ra ứng cử chức Nghị viên anh đã thua 2 ứng cử viên khác là ông xã Huỳnh, rất khôn ngoan trong chiến dịch tranh cử, ông lấy dấu hiệu tranh cử là chiếc nón lá và kín đáo phát cho dân chúng trong địa phương, ngay ngày bỏ phiếu ông còn cho rãi nón lá hai bên đường ở địa điểm bầu cử để nhắc nhở cử tri. Người thứ hai là chỉ huy trưởng Thám sát tỉnh, Huỳnh Hoa. Điều nầy nói lên sự công bằng và giá trị thật sự của lá phiếu bầu cử.

Tuy về trường học lại, nhưng hình như là anh đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử khác, chúng tôi ở chung với nhau trong “Ký Túc Xá” của Học Viện, chưa đầy 6 tháng theo học lớp Cao học 6, anh nói với tôi là sẽ trở về Mỹ Tho ra tranh cử chức Dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho. Tôi im lặng vì thấy hơi khó, vì vừa mới thất cử Nghị viên chưa đủ thời gian chuẩn bị lấy lại tinh thần, hơn nữa ứng cử viên tranh chức Dân biểu thị xã Mỹ Tho lại là người bà con của Bà Thiệu (Phu nhân của Tổng Thống), hiện đang là Chánh Sở Học Chánh tỉnh Định Tường. Anh nói:

– Hai phương diện bầu cử khác nhau, hai thành phần cử tri cũng khác nhau, một là vùng dân cư hỗn hợp và một là vùng dân cư tương đối có trình độ chọn lọc. Thị xã Mỹ Tho có truyền thống chuộng người trí thức và cử tri biết đến các hoạt động của một ông Phó Quận nhiều hơn.

Thật vậy, năm 1971 anh Trạng đắc cử chức Dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho một cách vẻ vang, mặc dù đối phương được sự ủng hộ tối đa của chính quyền, cụ thể là nhân viên công lực vận động đến gõ cửa từng nhà trong thị xã. Nhưng anh Trạng có các đoàn thể học sinh (Văn Sinh Đất Lành), nghiệp đoàn lao động, nhất là đảng phái đang lên lúc bấy giờ (Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến) nhiệt tình ủng hộ, các em học sinh đi gõ cửa từng nhà, mang biểu ngữ vận động tranh cử dán khắp thị xã.

Tại diễn đàn Hạ Nghị Viện, anh Trạng có tài hùng biện và được bầu làm Tổng Thư Ký khối Dân Quyền (đối lập) mà đa số trong đó là thành viên của Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến. Anh là tiếng nói mạnh mẽ về các chương trình dân sinh và tranh đấu cho người dân bị ức hiếp. Điển hình qua vụ kiện tham nhũng nổi tiếng trên cả nước được mệnh danh là “Ông già Bến Tranh.”

Vụ án như thế nầy, ông già Bến Tranh tên thật là Lê văn Duyên, người dân xã Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường) khởi kiện ông Quận trưởng tham nhũng và hối mại quyền thế, bức hại dân lành có chứng cớ, nhưng cấp trên không xét xử thỏa đáng nên ông đã lên tận Sài Gòn nhờ các cơ quan công quyền giúp đỡ. Lúc bấy giờ phong trào chống tham nhũng đang rầm rộ qua các phương tiện truyền thông, báo chí nên đã làm lung lay chiếc ghế của ông Quận trưởng. Để bảo vệ, ông Quận cho người ngầm cảnh cáo ông Duyên, nhưng không có kết quả. Sau cùng, ông Duyên bị ám sát chết tại nhà, không bắt được thủ phạm.

Sự việc gây chấn động trong cả nước và anh Trạng vào cuộc đòi công lý cho ông Duyên, mặc dù cũng có lời hăm dọa của kẻ thủ ác. Thời gian kéo dài, có lúc gần như vô vọng vì các thế lực yểm trợ cho ông Quận trưởng rất lớn, nhưng Dân biểu Lê Tấn Trạng đã kiên trì tranh đấu bằng nhiều phương tiện hợp pháp để đưa vụ kiện ra ánh sáng. Cuối năm 1974 sự thật được phanh phui, bắt được hai kẻ sát nhân và ông Quận trưởng đã bị giáng cấp, bị bắt giam vào Quân Lao ở Cần Thơ chờ ngày ra tòa lãnh án.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhóm Dân biểu thuộc thành phần thứ ba, thân cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba đã tiếp xúc và can thiệp với chính quyền mới cho một số đồng viện được cải tạo tại chỗ, ngắn ngày trong đó có dân biểu Lê Tấn Trạng. Mặc dù được chính Mai Chí Thọ ngưỡng mộ qua vụ án ông già Bến Tranh gợi ý nên tham gia vào tổ chức Mặt trận Tổ quốc cùng với Dân biểu Hồ Ngọc Nhuận, nhưng anh đã từ chối và trở về quê sinh sống như người dân thường.

Cho đến tháng 10 năm 1976 anh Trạng bị bắt trong đêm tại nhà, làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh vì tội tham gia tổ chức “Sư Đoàn Tiền Giang” chống lại cộng sản đương thời.

Tháng 8 năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là “Sư Đoàn Tiền Giang.” Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự, cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi hay tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Không có Luật sư bào chữa, nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định.

Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng văn Ngãi, Tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), Tham Mưu Trưởng và Trương văn Dậy (Mười Dậy) Chỉ Huy Trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10 và 20 năm tù khổ sai. Khoảng hơn 20 người khác bị kết tội phản động và lãnh án từ 5 đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 tháng 10 năm 1976 đem về Trung tâm Thẩm vấn (Tân Mỹ Chánh) nhốt vào xà lim hay biệt giam. Sau đó từng đợt được chuyển lên khám đường cũ ở số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Riêng anh Trạng bị biệt giam ở Trại chấp pháp cả năm trời và bị xử kín không có ra tòa cùng với một số người khác, có người cho đến nay không biết còn sống hay đã bị thủ tiêu.

Sau đó, anh được chuyển xuống trại giam mới xây để tiếp tục tạm giam vì cho đến lúc nầy, công an cũng chưa bắt hết các thành viên của sư đoàn cũng như các cảm tình viên vẫn còn lẫn trốn. Cộng sản qui cho anh là chính ủy của sư đoàn nên canh chừng rất nghiêm ngặt.

Cho đến một ngày, nhờ gia đình lo lót cho cán bộ trại giam, anh được ra ngoài lao động làm cỏ, dọn vệ sinh xung quanh trại giam. Anh có người chị ruột trông duyên dáng và lanh lợi luôn thăm anh ở trại giam, lợi dụng sự tín cẩn của cán bộ, có hôm còn cho phép anh về thăm nhà trong ngày, chị Ba đã nhanh chóng tổ chức cho anh vượt biển thành công.

Anh không có lập gia đình, sống độc thân cho đến khi qua đời. Ước nguyện của anh, sống không về Việt Nam khi còn cộng sản, chết đem tro cốt về quê cũ làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh chôn bên cạnh mồ mã của song thân. Chỉ vậy thôi.

Nhớ đến anh tôi viết ít dòng về anh trong niềm thương tiếc khôn nguôi. Chúc anh thượng lộ bình an và cám ơn anh đã để lại cho đời tiếng nói vì dân thật mạnh mẽ của một con người yêu nước chân chính.

Trần Bạch Thu

Lời BBT: Trong bài viết anh Trần Bạch Thu có nhắc việc anh Lê Tấn Trạng tham gia “Sư Đoàn Tiền Giang”. Mời theo dõi bài viết  “Sư Đoàn Tiền Giang” của cùng tác giả, ở link dưới đây:

Sư Đoàn Tiền Giang