Phạm thành Châu
Trước bảy lăm (1975), vị nào thẩm phán, chắc cũng biết. Hễ xử án, nhất là về dân sự, thì phải có bên được bên thua, cùng lắm thì huề. Vậy cũng chưa hay. Tôi xử, hai bên đều (tưởng rằng mình) thắng mới tài. Tuy lúc đó, với cương vị phó quận hành chánh, tôi chỉ có quyền hòa giải là tối đa.
Tôi tốt nghiệp đốc sự Quốc Gia Hành Chánh, được bổ về tỉnh Thừa Thiên, tỉnh “sự vụ lệnh” cho tôi về làm phó quận hành chánh quận Quảng Ðiền, quận lỵ là chợ Sịa, còn được gọi là chợ Ngũ Xã. Ở Huế, hễ chê ai nhà quê thì cứ bảo “Thằng nớ Sịa lắm!”. Sịa là một cái chợ rất xưa, e cả trăm năm, nhà cửa cũ kỹ. Thời chúa Nguyễn mới vào phương Nam lập quốc, có đặt hành trạm gần đó (Làng Bát Vọng). Dân Sịa, nhất là mấy ông bà già, mà nói tiếng Huế, thì ngay đến dân Huế cũng không hiểu! Họ dùng những tiếng rất cổ. Ví dụ “tọt cui” là “đầu gối”, việc “bua quơn” là việc công, việc nhà nước (vua quan)…Bác sĩ Bùi Minh Ðức có soạn một quyển Tự Ðiển Tiếng Huế, gần nghìn trang, vị nào về vùng quê Thừa Thiên, nên mang theo quyển nầy, hễ không hiểu thì giở ra tìm.
Muốn đến Sịa thì từ Huế, lấy quốc lộ 1, ra hướng Bắc, độ mười bảy cây số (cây số 17) qua khỏi cầu An Lỗ, quẹo phải, đi năm, bảy cây số nữa thì đến Sịa. Nếu đi tiếp khoảng một cây số sẽ đến một địa danh là Phá Tam Giang. Phá Tam Giang đã được đưa vào thi ca từ lâu rồi, sau nầy có mấy ông thi sĩ, nhạc sĩ còn làm thơ, viết nhạc về cái phá nầy. Vị nào đến Huế nên đón xe đò Huế-Sịa, đi coi Phá Tam Giang cho biết với người ta, kẻo nghe nhạc hát hoài mà không biết Phá Tam Giang nằm chỗ mô?
Nhưng khi quí vị đến nơi mới thấy chán. Giống như mấy ông nghe tên của cô nào đó rất đẹp, tưởng người cũng đẹp, nhưng thực tế thì ngược lại. Cô Bạch Tuyết thì đen thùi, cô Thúy Liễu mập nu, cô Tiểu Yến giống ông hộ pháp! Phá Tam Giang cũng vậy. Chỉ là một đầm nước rộng mênh mông. Chẳng núi cao soi bóng, chẳng sóng gió, chẳng liễu rũ, chẳng con thuyền neo bên bến nước trong chiều “thu lạnh”…Nghĩa là mộât cái đầm nước trụi lủi, vô duyên. Không một bóng người, không một chiếc thuyền, đến con chim cũng không thấy! Ðứng bên nầy bờ phá, nhìn qua bên bờ kia, thuộc quận Hương Ðiền, chỉ thấy một vạch xanh thẩm, có lẽ là dương liễu. Có thể mấy ông thi sĩ, nhạc sĩ chưa hề đến cái phá đó, tưởng tượng mà sáng tác ra, kiểu như ở Việt Nam mà làm thơ nhớ bến Tần Hoài hay bến Tầm Dương bên Tàu vậy.
Ðầu năm bảy ba (1973) tôi về làm ở Quảng Ðiền, như vậy là gần Tết âm lịch. Khí hậu Thừa Thiên rất khác xa khí hậu tỉnh Quảng Nam, tuy cách nhau chỉ một cái đèo Hải Vân. Về mùa Xuân, đứng trên đỉnh đèo Hải Vân, nhìn vô hướng Nam, thấy trời quang mây tạnh, nắng ấm khắp nơi, nhưng nhìn về hướng Bắc (Thừa Thiên) thì đầy trời mây ám, âm u, tối tăm, gió lạnh mưa phùn. Tuy vậy, sau tết, bão lụt coi như không còn nữa, nên đồng bào (Thừa Thiên) vẫn phải ra đồng, cày bừa, xuống giống cho kịp thời vụ.
Tết năm đó chúng tôi phải ở lại quận vì là thời chiến, chúng tôi là gồm tất cả mọi người từ quận trưởng, quận phó, cảnh sát và chi khu (quân sự), chỉ riêng nhân viên quận hành chánh (dân chính) được nghỉ ba ngày. Chúng tôi chẳng có thịt mở dưa hành, bánh tét, bánh chưng gì cả. Muốn xài sang thì xuống chợ Sịa, mà chợ Sịa cũng vắng tanh, chỉ còn một quán ăn duy nhất (quán Mụ Sương) mở cửa. Chúng tôi ăn cháo hay bún gì đó rồi về quận nằm chèo queo, không vui không buồn.
Một buổi sáng, trời còn sớm, một nghĩa quân vào đánh thức tôi dậy “Thiếu tá mời ông phó!”. Tôi đánh răng súc miệng qua loa rồi lên văn phòng quận. Cũng chừng đó vị. Quận trưởng, chi khu phó, cảnh sát trưởng… Thiếu tá quận trưởng cho tôi biết là có vụ tranh chấp ruộng đất gì đó giữa làng Thanh Hà (quận Quảng Ðiền) với làng Hương Xuân (quận Hương Thủy). Hai bên đem nghĩa quân và nhân dân tự vệ ra, nằm hai bên bờ ruộng, chĩa súng vào nhau. Tôi phải đi gấp xuống giải quyết, nếu trễ, hai bên đôi co rồi nổ súng thì phiền.
Tôi bèn cùng với tay thiếu tá cảnh sát trưởng quận cùng hai nghĩa quân lên xe chạy xuống làng Thanh Hà là nơi đang tranh chấp. Dọc đường, tay cảnh sát trưởng thuật lại nội vụ như sau.
Cách đây gần cả trăm năm, thời còn triều đình nhà Nguyễn, làng Thủy Xuân (quận Hương Thủy) bị trưng dụng một cuộc đất để xây lăng, có lẽ là lăng Tự Ðức. Triều đình lấy công điền của làng Thanh Hà (thuộc quận Quảng Ðiền) để bồi hoàn cho Thủy Xuân. Thủy Xuân cách Thanh Hà mấy chục cây số, lại đò giang cách trở nên Thủy Xuân đồng ý cho Thanh Hà canh tác và đóng tô cho Thủy Xuân. Ðến khi có luật Người Cày Có Ruộng (khoảng năm 1970) thì Thanh Hà không đóng tô nữa, viện dẫn luật Người Cày Có Ruộng có qui định rằng người nào đã canh tác trên thửa ruộng nào thì thành chủ thửa ruộng đó. Làng Thủy Xuân đòi tô mấy năm không được mới dẫn nghĩa quân với nhân dân tự vệ qua làng Thanh Hà, bắt thợ cày đang cày, trói vào máy cày, xong bố trí bên kia bờ ruộng chờ đối phương. Làng Thanh Hà báo động, cũng huy động nghĩa quân với nhân dân tự vệ ra nằm bên đối diện, chong súng về phía quân làng Thủy Xuân. Anh chàng thợ cày thì bị trói nằm giữa đồng, giữa hai dãy mũi súng. Nghĩa là hễ súng hai bên nổ thì anh ta lãnh đạn của cả hai phe.
Khi chúng tôi đến nơi thì thấy êm re, chỉ có mũi súng và mấy cái đầu lấp ló sau bờ ruộng. Ðúng ra, chuyện súng ống, lính tráng là vấn đề của chi khu là phía quân sự, sao lại giao cho hành chánh giải quyết? Thiếu tá quận trưởng chỉ cần nạt một tiếng là hai phe xếp re ngay, vậy mà lại giao cho tôi?! Sau nầy, khi nói chuyện, tay thiếu tá nầy vô tình cho tôi đoán biết là chàng ta sợ nhân dân tự vệ. Trước bảy lăm, nhân dân tự vệ là những cô cậu trẻ tuổi, đa số là học sinh, được luyện tập sơ sài về sử dụng vũ khí, nên hễ cầm đến khẩu súng là tò mò, táy máy, muốn bóp cò một phát xem nó nổ ra sao? Ngón trỏ cứ thò vô chỗ cò súng, cong nhẹ là nổ đùng ngay. Cái đó gọi là cướp cò, mà chuyện cướp cò của nhân dân tự vệ xảy ra thường xuyên, báo đăng hằng ngày, thường là dưới tiêu đề “Chuyện Dài Nhân Dân Tự Vệ”. Khi được dẫn đi với súng ống, đạn dược, mấy cậu nầy thích lắm, lại bị mấy tay đầu sỏ kích động càng thêm hăng tiết vịt. Chỉ cần một cậu cướp cò, nổ một phát thôi, là nhân dân tự vệ hai phe sẽ bắn thoải mái, bắn sướng tay. Chúng cứ bắn loạn xạ như vậy thì có ông thống tướng, đại tướng đứng đó cũng lãnh đạn, thiếu tá quận trưởng thì sá gì.
Giữa hai thửa ruộng là con đường liên tỉnh Sịa-Tây Thành. Khi xe chúng tôi dừng ngay giữa đường, tôi dòm qua hai bên thấy hai dãy mũi súng chĩa về mình nên cho lùi xe lại thật xa, lúc đó mới thấy mấy tay đại diện của hai phe kéo đến. Hai bên cứ tranh nhau “Thưa ông phó!” khiến tôi phải bảo họ, ai về chỗ nấy, khi nào tôi gọi mới được đến.
Vấn đề của tôi là làm sao cho hai phe dẹp súng ống đạn dược trước đã. Mà muốn cho họ dẹp thì phải làm vui lòng cả hai phe. Nhưng bằng cách nào? Ðem luật Người Cày Có Ruộng ra xử? Nếu theo luật thì phải có phe đúng phe sai. Nhưng luật đó như thế nào? Bốn năm học hành chánh, tôi lại có cử nhân luật (!), nên khi đi làm, tôi cũng biết luật lệ chút đỉnh, riêng luật Người Cày Có Ruộng, có gửi về quận cùng với bao văn bản giải thích, hướng dẫn thi hành, nhưng tôi chỉ đọc lướt qua rồi phê “Sao gửi các xã”, thư ký đánh máy bản sao, tôi ký chuyển, vậy là xong. Bấy giờ tôi chỉ nhớ mang máng là: Trừ công điền công thổ và ruộng đất hương hỏa, nông dân đang canh tác trên thửa ruộng nào thì sẽ được cấp bằng khoáng chủ quyền (làm chủ thửa ruộng), chủ cũ sẽ được chính phủ trả tiền bồi thường thửa ruộng đó. Việc nầy, bên ty Ðiền Ðịa rành hơn. Lúc đó tôi còn quá trẻ vẫn ham chơi như thời còn đi học. Tay quận trưởng là quân nhân, giữ gìn an ninh trong quận là chính, không quan tâm đến việc hành chánh. Mà hầu như những tay phó quận mới ra trường đều ham chơi như tôi cả. “Văn thư túi áo, thông cáo túi quần”! Ham chơi đây là chờ dịp là dọt về thành phố xem xi nê, đi uống cà phê với bạn bè, mua sách báo đem về quận đọc, chứ chuyện chọc ghẹo các cô nữ sinh hay lăng nhăng bậy bạ thì tuyệt đối không dám. Quan quyền mà làm kiểu đó, mất mặt nhà nước. Mấy ông sĩ quan tác chiến có chọc ghẹo ai, phá phách gì đó, dân chúng thông cảm, bỏ qua, nhưng “ông phó” mà làm bậy thì dư luận lên án ngay. Mất uy tín. Rồi khi tiếp xúc với dân trong quận, làm sao khuyên dân sống đạo đức, trọng lễ nghi, truyền thống?
Tôi cho người đi mượn một cái bàn với hai cái ghế đăït bên đường, để tôi ngồi xử và ông thiếu tá cảnh sát trưởng lập biên bản. Tôi cho đóng đường, cấm mọi người lai vãng, sợ rủi nổ súng lạc đạn. Tôi cũng cho đuổi tất cả mọi người tránh xa chỗ chúng tôi làm việc, chỉ có hai nghĩa quân trong tư thế tác chiến để lấy oai. Trước hết tôi cho gọi phe Thanh Hà, (thuộc quận Quảng Ðiền) đến. Mấy tay đại diện nầy đem luật Người Cày Có Ruộng ra trình bày. Tôi làm ra vẻ chăm chú nghe, ai nói tôi cũng đều nói “Ðúng rồi”. Nghe tôi nói đúng mãi, lại ông phó quận nhà nên ai cũng lên tinh thần, tưởng phe mình thắng chắc. Tôi còn bảo họ “Chính quyền quận đặt ra là để bảo vệ dân, chăm lo phúc lợi cho dân trong quận. Nếu không bảo vệ được dân quận mình thì đặt tôi ra để làm gì? Tuy nhiên tôi không phải quan tòa, tôi không thể phán quyết ai lỗi, ai phải. Mà làng Thủy Xuân có giành được ruộng, họ cũng không thể khiêng đám ruộng nầy về làng của họ để canh tác được. Họ dám đến làng của quí vị để cày bừa, gặt hái trên đám ruộng nầy không? Thành ra nó chẳng mất đi đâu cả. Tuy nhiên, khi cả hai phe đến đây, tôi có nạt nộ quí vị điều gì, xin quí vị vui lòng bỏ qua, vì không làm như thế thì Hương Xuân sẽ cho là tôi bênh dân quận nhà mà xử ép họ. Tôi sẽ bắt họ phải mở trói cho thợ cày, đuổi họ đi mà họ sẽ không dám cãi lại. Bây giờ quí vị đi về chỗ của mình, nhưng nhớ đừng vui cười mà người ta thấy” Rồi tôi làm bộ đứng dậy, đập bàn, ra dấu “cút đi!” Họ cũng làm bộ sợ hãi, lủi thủi quay về. Phe Hương Xuân nằm đằng xa, chỉ thấy sự kiện chứ không nghe được gì!
Tôi cho gọi phe Hương Xuân đến. Ðiều đầu tiên tôi nhận thấy là người nào cũng nồng nặc mùi rượu. Hóa ra họ biết “phủ binh phủ, huyện binh huyện”, từ quận Hương Thủy qua quận Quảng Ðiền cho ông phó Quảng Ðiền xử kiện thì có khác chi Kinh Kha vào đất Tần, mà đã vào đó thì chỉ còn cách duy nhất là rút dao chủy thủ ra, nghĩa là họ thua thấy rõ. Mà họ thua không chỉ nhục riêng họ mà nhục cả làng. Hôn nhân điền thổ, vạn cổ chi thù. Trách nhiệm đó đè nặng lên họ đến độ, nếu thua, họ chỉ còn nước quậy lên, nghĩa là cho nổ súng rồi thì ra sao thì ra. Nhưng họ cũng ngán chuyện súng đạn, đoàn quân ô hợp nhân dân tự vệ đó mà bóp cò thì có khi bắn vào cả phe ta cũng nên. Mà khi máu đã đổ thì người ta sẽ nắm cổ mấy tên đầu têu là họ. Có lẽ họ suy nghĩ, bàn cãi ghê lắm mới nghĩ ra giải pháp là nốc rượu vô (có khi ngậm rượu cho có mùi hèm rồi giả vờ say), để sau đó họ sẽ đổ thừa là họ say quá, không biết gì hết.
Tôi ngồi nghe hết người nầy đến người kia nói mà không tỏ thái độ gì rõ rệt khiến họ chột dạ. Ðại ý họ nói. Chuyện đong tô nhiều ít không phải là vấn đề mà chính vì thể diện của làng. Làng Thanh Hà chỉ cần cử người qua xin giảm hay miễn tô thì Hương Xuân sẽ xét cho, chứ không thể làm thinh cày cấy trên ruộng Hương Xuân mà không đóng tô mà cũng không nói tiếng nào. Thanh Hà đã sống nhờ ruộng của Hương Xuân bao đời rồi, nay lại có thái độ vong ơn đó, làng Hương Xuân không chấp nhận được, nay họ xin lấy lại ruộng để tự cày cấy. Tôi nghe họ nói xong mới hỏi họ “Quí vị có biết luật Người Cày Có Ruộng chưa?” Họ coi bộ mất tinh thần, định phát biểu nhưng tôi ngăn lại “Quí vị khỏi nói, tôi còn biết nhiều về luật Người Cày Có Ruộng hơn quí vị. Bây giờ tôi hỏi quí vị. Làng Hương Xuân quí vị có được chính phủ thông báo là ruộng của làng quí vị ở Thanh Hà đây bị truất hữu chưa?” “Thưa chưa” “Làng quí vị có nhận được tiền bồi thường truất hữu chưa?” “Thưa chưa” “Vậy thì ruộng của quí vị ở đây vẫn là ruộng của quí vị, có mất đi đâu mà quí vị sợ. Khi tôi xác nhận điều đó là quí vị hiểu ý tôi rồi, nhưng tôi không thể bảo làng Thanh Hà là họ không có quyền gì trên số ruộng đó, vì nói vậy thì họ cho là tôi bênh vực quí vị. Hơn nữa tôi không phải quan tòa để phán quyết điều gì cả. Tôi sẽ chuyển hồ sơ lên tòa án, quí vị sẽ thấy tôi không nói sai. Bây giờ quí vị phải mở trói cho thợ cày, người ta thưa quí vị chuyện nầy là quí vị lãnh đủ, sau nữa là quí vị về ra lệnh cho bọn nhỏ tháo đạn ra, khóa súng lại, rủi cướp cò, chỉ một tiếng súng thôi, quí vị cũng lãnh đủ. Một điều nữa, khi cả hai bên đến đây, tôi có la mắng quí vị điều gì, xin quí vị đừng để tâm. Có la hét như vậy, chuyện mới yên được”
Phe Hương Xuân vui lắm nhưng cũng làm bộ tiu nghỉu quay về.
Thế rồi tôi cho gọi hai phe đến. Tôi không nói về luật Người Cày Có Ruộng, không nói ai đúng ai sai, mà chỉ dọa (mà thực chứ không phải dọa) họ “Quí vị đem nghĩa quân với nhân dân tự vệ ra nằm hai bên đường, quí vị có báo cho quận biết chưa? Bên Hương Xuân cũng không báo cho Hương Thủy biết, bên Thanh Hà cũng không báo cho Quảng Ðiền biết. Nhất là bên Hương Xuân, quân không ra quân, dân không ra dân, áo quần, súng ống lôi thôi, lếch thếch, trời chưa sáng, quí vị đã tự động kéo quân qua Quảng Ðiền, nằm phục kích ở đây, rủi tình báo thấy được, họ hỏi Quảng Ðiền, Quảng Ðiền không xác nhận. Vậy là chỉ năm phút thôi, tiểu khu dộng pháo xuống, không quân đến dội bom, đố ai còn sống mà về với gia đình. May mà chúng tôi vừa biết được là báo cho tiểu khu ngay, nếu trễ, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra cho quí vị. Chuyện tranh chấp ruộng đất, tôi không có thẩm quyền xét xử ai đúng, ai sai. Ngay sáng nay hồ sơ sẽ chuyển lên tòa án, ngày mai chắc chắn quí vị sẽ được tòa mời lên xử cấp thẩm (xử khẩn cấp). Tôi cho quí vị mười lăm phút để rút quân về, khi tôi rời khỏi đây thì tôi không còn trách nhiệm gì nữa. Quí vị có muốn tiếp tục phục kích hai bên đường để cãi vả nhau, bắn nhau là tùy quí vị”.
Ðọc đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ hỏi “Sau đó thì sao? Tòa xử bên nào thắng, bên nào thua? Hai bên có chịu nghe theo tòa hay cứ tranh chấp nhau nữa?” Thú thật, lúc đó tôi ham chơi, chuyện không còn liên hệ đến tôi, tôi không quan tâm. Nhưng dù bên nào thắng kiện, chỉ vài năm sau (năm 1975), tất cả ruộng vườn, đất đai, ao hồ sông núi, biển khơi gì cũng thuộc tài sản (riêng) của đảng và nhà nước Cộng Sản cả.
Views: 1986